Nguyễn Trung
Toàn bộ quá trình đưa Dự thảo Hiến pháp sửa đổi
ra thảo luận trong cả nước cho đến nay vẫn thiếu vắng hẳn những cuộc
thảo luận công khai, xây dựng theo tinh thần đoàn kết và hòa hợp dân tộc
mọi ý kiến khác nhau của các tầng lớp nhân dân. Thay vào đó là cách làm
rất hình thức, phô trương, vô cùng tốn kém.
Trên mọi phương tiện truyền thông của “lề phải” và trong không biết bao nhiêu cuộc nói chuyện ở cấp cơ sở khắp cả nước, các dư luận viên
liên tiếp một chiều các bài nói, bài viết, các phát ngôn..., nội dung
cùng một giọng điệu gần giống như được gỡ ra hoặc được “tua” lại từ các
băng ghi âm – nghĩa là giáo điều, không lý lẽ, áp đặt, không có sức
sống, na ná giống nhau…
Tham gia mặt trận độc thoại này của những dư luận viên có không ít cây lý luận
của các trường Đảng và cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng… Trong những
người này có các vị mang học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ…, đôi ba
người có cả quân hàm đại tá… Không cần phân tích, họ lớn tiếng phê phán
những ý kiến khác, những người nói khác với Dự thảo. Không thiếu trường
hợp ngôn ngữ của các dư luận viên này thật ra là sự đả kích như mạt
sát. Họ thẳng thừng quy kết những người nói khác là “thoái hóa về đạo đức chính trị, tư tưởng”, xếp những người nói khác như thế vào loại “các thế lực thù địch chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa và chống phá Đảng…”
Để làm chỗ dựa cho những lời phê phán kiểu độc thoại như thế, một số cây lý luận đã viện dẫn lịch sử, đại ý:
Các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô Đông Âu cũ sở dĩ sụp đổ là vì đã phạm phải 3 sai lầm chết người: (1) phản bội chủ nghĩa Mác - Lênin, (2) xóa vai trò lãnh đạo của Đảng, (3) phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang…
Lập luận như thế trong thảo luận xây dựng hiến pháp mới, thật chẳng khác vừa cảnh cáo, vừa hù dọa.
Vậy sự thật là thế nào?
Nói
khái quát, sự thật là chủ nghĩa Mác - Lênin, diễn đạt đầy đủ hơn là mô
hình chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước LXĐÂ cũ, đã bắt đầu khủng hoảng
mang tính hệ thống từ những năm 1960. Vào lúc nổ ra phong trào Công đoàn
Đoàn kết ở Ba Lan trong những năm của thập kỷ 1980, tất cả các nước
LXĐÂ đã đi vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng. Cao điểm của thời kỳ
khủng hoảng này xảy ra vào cuối thập kỷ 1980 và đã dẫn tới sụp đổ của
toàn hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa LXĐÂ, trong đó Liên Xô là nước
sụp đổ sau cùng (ngày 25-12-1991).
Nhìn lại,
lịch sử khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa LXĐÂ thật ra bắt đầu
sớm hơn nhiều. Sớm nhất là cuộc nổi dậy của công nhân xây dựng ở Đông
Berlin, rồi lan ra toàn Cộng Hòa Dân Chủ Đức tháng 6-1953. Lãnh đạo Cộng
Hòa Dân Chủ Đức hồi ấy phải nhờ quân đội Liên Xô đập tan.
Kế tiếp là cuộc nổi dậy đẫm máu ở Hungari tháng 10-1956, bắt đầu từ phong trào sinh viên chống lại nhà nước stalinist, sau đó là sự tham gia của nhân dân cả nước. Quân đội Liên Xô phải trực tiếp can thiệp, đến tháng 1-1957 mới dập tắt được.
“Mùa xuân Praha 1968”
là cuộc nổi dậy tiếp theo ở Tiệp Khắc, lập ra chính quyền chống lại mô
hình nhà nước xã hội chủ nghĩa, tồn tại được 8 tháng (từ tháng 1 đến
tháng 8-1968), quân đội khối Varsovie do quân Liên Xô là chủ lực phải
kéo vào dẹp bỏ.
“Phong trào Công đoàn đoàn kết” ở Ba Lan (tên đầy đủ: Phong trào Công đoàn Độc lập Tự trị "Đoàn kết"),
bắt đầu từ tháng 8-1980. Với mọi bước đi thăng trầm quyết liệt, phong
trào này giành được thắng lợi quyết định trong cuộc bầu cử ngày
04-06-1989, kết thúc mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa tại đây. Từ tháng
12-1990 Balan đi vào thể chế dân chủ hiện nay.
Nguyên nhân sụp đổ của các nước LXĐÂ cũ không phải là các đảng cộng sản cầm quyền ở những quốc gia này đã phạm phải 3 sai lầm chết người như đã được giảng giải trên mọi diễn đàn “lề phải”.
Có
thể đánh giá các đảng cộng sản cầm quyền tại các nước LXĐÂ cũ hồi ấy đã
làm tất cả để đối phó với khủng hoảng, nhưng không chống đỡ nổi sự sụp
đổ. Đơn giản là họ bị các lực lượng dân chủ của nhân dân nước mình đánh
bại; mặc dù vào thời điểm sụp đổ, hiến pháp và điều lệ các đảng cộng sản
cầm quyền ở những nước này vẫn còn quyên vẹn. Giả thử các đảng này lúc
ấy được ai cố vấn và muốn cố thực hiện “3 sai lầm chết người” này để cứu vãn tình hình – như các cây lý luận của mặt trận dư luận viên
biện bạch, chắc cũng không kịp. Đơn giản là hệ thống chế độ chính trị
cũ của những nước này cuối cùng đã bị phong trào dân chủ của nhân dân
nước họ thay thế nhanh quá, bằng những biện pháp hòa bình.
Riêng
tại Rumani, chế độ độc đảng toàn trị diễn ra khắc nghiệt nhất so với
các nước LXĐÂ khác. Tổng bí thư Nicolae Ceausescu sớm theo đuổi đường
lối thân phương Tây và Trung Quốc, chống Liên Xô, ngay giữa lúc phe xã
hội chủ nghĩa còn đang mạnh. Ông ta cũng là người trực tiếp chỉ huy quân
đội. Nhưng tại đây chế độ chính trị của ông ta đã bị thay thế bằng bạo
lực, quân đội lại là người trực tiếp kết liễu vợ chồng ông ta.
Nói thêm về Liên Xô
Khói
súng của Chiến hạm Rạng Đông chưa tắt, nước Nga của Cách mạng tháng
Mười đã sớm rơi vào cuộc nội chiến khắc nghiệt và đẫm máu (1917-1922).
Nói khái quát, giữa một bên là cách mạng và một bên là phản cách mạng.
Chẳng
những thế, từ năm 1918 đến năm 1920, trên đất nước Liên Xô còn xảy ra
cuộc chiến tranh can thiệp của các nước tư bản, đi đầu là các cường quốc
Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật. Những nước này cùng với các lực lượng phản
cách mạng ở LX quyết tâm tiêu diệt bằng được nhà nước cộng sản đầu tiên
trên thế giới.
Cuối cùng Liên Xô đã đánh bại
cuộc chiến tranh can thiệp này và dập tắt nội chiến. Chẳng những thế,
Liên Xô sau này còn là lực lượng chủ chốt nhất đánh bại phát xít Đức và
phát xít Nhật trong chiến tranh thế giới II, góp phần quyết định tạo ra
sự hình thành phe xã hội chủ nghĩa làm chủ 1/3 địa cầu, sau đó kiềm chế phe đế quốc ngót nửa thế kỷ (xin được dùng khái niệm “phe” theo ngôn ngữ thời ấy – N.T.).
Đáng
lưu ý: Ngày nay, dưới chính thể mới của Liên bang Nga, quân đội Liên
bang Nga vẫn kế tục truyền thống hào hùng của Hồng quân Liên Xô, mặc dù
quân đội đã hoàn toàn đứng ngoài cuộc chính biến 1990-1991 xóa bỏ nhà
nước xô-viết.
Hiển nhiên không thể không đặt ra
câu hỏi: Tại sao Liên Xô sụp đổ ở lúc đạt đỉnh cao mọi mặt của chính
quyền và sức mạnh xô-viết? Sụp đổ không nội chiến, không có lấy một phát
súng can thiệp từ bên ngoài? Sụp đổ nhanh tới mức toàn bộ thế giới
phương Tây ngỡ ngàng, toàn bộ mạng lưới tình báo phương Tây chết khựng
vì bất ngờ! Sụp đổ ở đỉnh cao của một cường quốc và trong nguyên vẹn sự
tồn tại của Đảng Cộng Sản Liên Xô và Hồng quân Liên Xô!?...
Chỉ xin điểm lại một số sự việc có liên quan đến hiến pháp:
Toàn
bộ lịch sử Liên Xô có 4 hiến pháp. Hiến pháp năm 1977 (còn gọi là Hiến
pháp Brejnev) là hiến pháp đầu tiên có riêng một điều nói cao hơn rất
nhiều so với cả 3 hiến pháp trước đó (các Hiến pháp năm 1918, 1924 và
1936) về ĐCSLX và về chế độ xô-viết – đấy là điều 6. Hiến pháp Brejnev
là hiến pháp cuối cùng khi Liên Xô sụp đổ.
Thời
Brejnev là thời kỳ Liên Xô lâm vào đình đốn và trì trệ toàn diện. Để
cứu vãn tình hình này, khi được bầu làm Tổng bí thư ĐCSLX, ông Gorbachov
đề xướng đổi mới kinh tế và dân chủ hóa hệ thống nhà nước, cũng giống
như những công việc đổi mới được đề xướng ở nước ta bây giờ. Nhưng ông
ta thất bại.
Tuy nhiên không thấy Gorbachov đề
ra việc sửa đổi hiến pháp. Hay là ông ta chưa kịp làm việc này? Chỉ biết
rằng tháng 1-1991 ông ta vẫn còn vận dụng Hiến pháp xô-viết 1977 (Hiến
pháp Brejnev) chống lại việc ly khai của nước Cộng hòa Lít-va… Không lâu
trước khi thất sủng, Gorbachov muốn đưa ĐCSLX đi theo con đường xã hội
dân chủ. Nhưng ông ta chưa kịp làm gì, thì ĐCSLX tan rã. Vì đảng đã bị
tổng thống Yeltsin thông qua Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga đặt ra ngoài
vòng pháp luật…
Nhìn thẳng vào sự thật
Tới đây mọi người có thể thấy: Không có chuyện xảy ra “3 sai lầm chết người”
trong việc sửa đổi hiến pháp tại các nước LXĐÂ với hệ quả dẫn tới sự
sụp đổ chế độ XHCN ở những quốc gia này. Thậm chí tại những nước xã hội
chủ nghĩa này không có cả việc sửa đổi hiến pháp trong những thập niên
cuối cùng trước khi sụp đổ.
Cũng không có chuyện các đảng cộng sản cầm quyền ở đấy đã phạm phải 3 sai lầm chết người này trong những nỗ lực cứu vãn tình hình, có lẽ đơn giản vì họ không đủ thời giờ để kịp đề ra và thực hiện 3 sai lầm này. Song có sự thật rành rành là các đảng này đã bị các lực lượng dân chủ trong nhân dân nước mình đánh bại.
Ngoài
ra còn có một sự thật nữa rất quan trọng: Vô luận hiến pháp và điều lệ
đảng đang có hiệu lực hồi đó ở những nước này được viết như thế nào,
quân đội của những nước này đi với nhân dân và chỉ trung thành với tổ
quốc. Nhờ vậy đã không xảy ra tắm máu khi chế độ xã hội chủ nghĩa bị
chính thể dân chủ thay thế.
Vậy phải đi tìm
những nguyên nhân thực đã dẫn tới sự sụp đổ chế độ XHCN ở các nước LXĐÂ,
song đấy không phải là mục đích của bài viết này.
Bài này chỉ lưu ý:
Dư luận viên không biết lấy ở đâu ra, hay là tự đặt ra những điều không
có thật như thế để tác động vào nhân dân trong bàn thảo về sửa đổi hiến
pháp lần này là việc làm với dụng ý sai trái. Làm như thế, chỉ tự bộc
lộ cái dở, cái yếu của đội ngũ dư luận viên và chế độ, chỉ là tự phơi
bầy cái thấp kém của đảng cầm quyền. Đấy lại càng không thể là biện pháp
hữu hiệu để bảo vệ, củng cố sự tồn tại của chế độ.
Nếu
sự sụp đổ của các nước LXĐÂ có điều gì khác nữa đáng liên hệ với nước
ta, phải chăng đó là: Quyền lực dù hà khắc đến đâu, dù được bảo hộ bằng
cách nào, nhưng một khi đã mất dân thì mất tất cả.
Đứng
trước những mối nguy và thách thức mất còn đang hiện hữu của đất nước,
với tính cách là một lực lượng chính trị lớn nhất và mạnh nhất trong cả
nước, tại sao ĐCSVN không coi việc sửa đổi hiến pháp lần này là một cơ
hội giương cao ngọn cờ dân chủ và hòa hợp hòa giải dân tộc
để phát huy sức mạnh cả nước, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất
nước? Một sự nghiệp như thế không đáng để cho ĐCSVN dấn thân cùng với
toàn thể dân tộc thực hiện? Lợi ích nào, hay yếu kém nào khiến ĐCSVN
không lựa chọn như thế?...
Có nghĩa vụ và trách
nhiệm ràng buộc đối với đất nước cũng như đối với sự tồn vong của chính
mình, ĐCSVN phải đặt ra cho mình những câu hỏi nêu trên. Những gì đã và
đang diễn ra trong những hoạt động vận động dư luận về sửa đổi hiến pháp
hiện nay chỉ cho thấy: Đảng đang tìm mọi cách khư khư nắm giữ quyền lực
của mình. Thật ra Đảng đang tự vứt bỏ vai trò lãnh đạo của mình, chẳng
thế lực diễn biến hòa bình nào bên ngoài Đảng có thể làm nổi việc này.
Nếu tự hỏi mình được như thế, ĐCSVN sẽ tự trả lời được cho mình Làm gì? Làm như thế nào?
Điều
chắc chắn, cải cách thể chế chính trị của đất nước là mặt yếu nhất của
ĐCSVN, yếu đến mức hầu như là Đảng không thể! Cầm quyền đã 38 năm rồi mà
vẫn không làm nổi, hoặc không có ý thức để làm!… Thậm chí Đảng đang
muốn làm ngược lại!?...
Điều chắc chắn, cải cách
thể chế chính trị chẳng những là đòi hỏi phát triển của đất nước, mà
còn là con đường dẫn Đảng đi với dân tộc, đi với đất nước, sau khi đất
nước đã giành được độc lập thống nhất. Đó là con đường tránh được cho
đất nước thảm họa nồi da xáo thịt ở phía trước.
Điều chắc chắn, cải cách thể chế chính trị theo hướng dân chủ và hòa hợp hòa giải dân tộc,
Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển, sẽ không phải hổ thẹn với
chính mình, và sẽ chiếm được trái tim của cả thế giới tiến bộ. Đã đến
lúc toàn thể dân tộc ta phải vượt lên mọi yếu kém của chính mình, quyết
khép lại quá khứ, để cùng nhau phấn đấu cho mục tiêu đáng sống này!
Sửa
đổi hiến pháp lần này đang mang lại cho đất nước một cơ hội như thế.
Đây là cơ hội chiến lược thứ tư cho phép đổi đời đất nước kể từ khi
giành được độc lập thống nhất. Vẫn còn thời gian, chỉ cần có cách làm
đúng, để có thể xây dựng được một hiến pháp nước ta phải có, làm nền
tảng cho nhân dân ta phấn đấu vì tự do hạnh phúc của chính mình và thay
đổi được thân phận của đất nước trong thế giới ngày nay.
Ba cơ hội chiến lược trước đó của đất nước ĐCSVN đã để vuột mất./.
Võng Thị, ngày 16-05-2013
N. T.
Copy từ: viet-studies.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét