CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

PHỎNG VẤN CỰU ĐẠI TÁ CÔNG AN NGUYỄN ĐĂNG QUANG VÀ LUẬT SƯ HÀ HUY SƠN VỀ PHIÊN TÒA PHÚC THẨM Ở LONG AN.



Mai Dzung: Thưa ông Nguyễn Đăng Quang. Ông biết kết quả phiên phúc thẩm xử Phương Uyên- Đinh Nguyên Kha tại Long An từ nguồn thông tin nào và xin ông cho biết vài cảm nghĩ?

NĐQ: Anh biết đấy, những thông tin như thế này chỉ có thể đọc trên mạng Internet chứ khó tìm thấy trên báo chí chính thống và nếu có cũng rất sơ sài.
Khi biết tin, tôi đôi chút ngạc nhiên songrất vui mừng vì thông thường trong những phiên phúc thẩm xử các vụ án chính trị, kết quả thường là khắc nghiệt. Đằng này Đinh Nguyên Kha được giảm án một nửa, Phương Uyên cũng như thế nhưng cho hưởng án treo và được trở về đoàn tụ với gia đình ngay sau đó. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy đã có chuyển động gì đó bên trong hệ thống chính trị.

MD: Ông nói “Đây là một tín hiệu cho thấy đã có chuyển động gì đó bên trong hệ thống chính trị”. Vậy theo ông “sự chuyển động” này có thể sẽ là sự khởi đầu cho một chuỗi“sự chuyển động” tiếp theo không?

NĐQ: Tôi không nghĩ như vậy. Đây có thể chỉ là một trường hợp đơn lẻ và có nhiều điều còn chưa rõ. Chẳng hạn phiên xử chưa diễn ra mà chính quyền đã cho phép gia đình, bạn bè rồi nhiều nhà hoạt động xã hội, các blogger vào trại giam tiếp xúc với bị cáo. Sự việc diễn ra có vẻ như một kế hoạch tỷ mỉ, chặt chẽ đã được vạch sẵn chứ không thể là ngẫu nhiên. Rồi việc để cho một đoàn người biểu tình đi trên phố cũng vậy, nếu chính quyền muốn dẹp thì họ có thừa khả năng làm việc đó.

Chắc chắn ở đây có sự chỉ đạo từ đâu đó rất cao trong bộ máy lãnh đạo nhà nước.

Nhưng nếu hy vọng rằng những việc như vậy được tiếp tục diễn ra sau này trong các phiên xử khác thì quá lạc quan. Chắc phải chờ đợi xem cụ thể thế nào đấy mới biết được.

MD: Thưa ông Hà Huy Sơn. Ông là luật sư bào chữa cho Nguyễn Phương Uyên, vậy vai trò bào chữa của luật sư đã được thực hiện thế nào và cảm giác của ông ra sao sau khi bản án được tuyên?

HHS: Tôi đã làm tất cả những gì có thể trong khuân khổ pháp luật để luật pháp được tôn trọng và có lợi cho người tôi bào chữa. Tôi đã trao đổi với nhiều người cũng như trả lời BBC rằng: tòa án thường không xem xét ý kiến luật sư hay bản chất sự việc là mấy. Kết quả phiên xử hôm đó có thể là do nhu cầu gì đó của nhà nước, một phần do áp lực xã hội. Lúc này nhà nước cũng muốn chứng minh sự cải thiện nhân quyền trong con mắt cộng đồng. Nhưng với tôi, mặc dù bản án là có giảm nhẹ nhưng vẫn là chưa công bằng.

MD: Ông có thể nói rõ hơn, thưa ông Sơn.

HHS: Đến Long An lần này, tôi chỉ gặp Phương Uyên trong khoảng thời gian ngắn để nói những điều hết sức cần thiết. Những gì tôi nói là: Hãy nói đúng sự thật với thái độ ôn hòa. Việc chống lại những hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc bởi bất cứ một quốc gia nào,dù là "anh em" láng giềng hay từ xa đến đều là hành động yêu nước,cần biểu dương,khích lệ chứ không thể đưa ra khép tội ! Chống sự độc đoán, độc tài, tham nhũng của bất kể ai là điều cần được hoan nghênh,bênh vực và bảo vệ của tất cả mọi người, của cộng đồng tiến bộ, chứ không phải là ngược lại!

Mặt khác,Phương Uyên có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận luật sư bào chữa vì trong bối cảnh hiện tại, vai trò luật sư có những hạn chế khá lớn và sự không có mặt luật sư trong phiên tòa cũng là một thông điệp có nhiều hàm nghĩa mang tính tích cực cho người tôi tôi bào chữa.

MD: Thưa Ông Nguyễn Đăng Quang, ông đã theo dõi những động thái xã hội sau phiên tòa. Ông thấy các phản ứng đó như thế nào và sự tác động của các phản ứng đó sẽ đem lại những gì cho nền chính trị hiện nay?

NĐQ: Dư luận thì nói chung là vui mừng. Nhưng cũng chỉ là trên các mạng xã hội thôi. Người dân bình thường không để ý lắm. Phiên tòa ở địa phương nào thì địa phương đó người ta biết chứ chưa lan tỏa nhiều đến các địa phương khác được. Có cái hay là bây giờ internet đã rất phổ biến nên số người biết, quan tâm đến vụ xử cũng nhiều lắm rồi. Ai cũng có cảm giác là đang có thay đổi quan trọng.
Trên mạng, sự kiện ở phiên phúc thẩm tại Long An được mọi người đánh giá, nhận xét tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người và nó khác nhau lắm. Người thì cho rằng đây là áp lực của Mỹ là chính, người thì nói là áp lực từ phía những người tranh đấu cho dân chủ trong nước là chủ yếu và đó là một thắng lợi lớn. Người thì cho rằng bản thân chế độ cũng đang phải vận động để có nhữngthay đổi,phù hợp và thích nghi với từng giai đoạn phát triển.
Theo tôi. nhận định nào cũng có cái đúng cái sai của nó. Kết quả phiên tòa là kết quả của tất cả những yếu tố đó cộng lại,chứ không phải của riêng yếu tố nào! Đừng nên quên rằng nhà nước quyết định việc đó. Họ đã cân nhắc rất kỹ và quyết định này có nhiều ẩn ý sâu xa! Tôi không tham gia mạng xã hội mà chỉ thường xuyên theo rõi thôi,song tôi thấy cộng đồng mạng cần có ý thức khuyến khích những gì đang diễn ra thay vì khiêu khích hoặc nhạo báng. Mọi cái đều cần tỏ ra bình tĩnh và cân nhắc xem nên nói cái gì, nên viết cái gì thì có lợi cho những người vẫn còn trong tù, những người đang chờ bị đưa ra xử chứ đừng chỉ biết nói cho sướng mồm. Tóm lại,đây là một bước đi nhỏ nhưng khôn ngoan của Nhà nước,đáp ứng được một phần mong mỏi và đòi hỏi của dư luận rộng rãi trong nước cũng như của sức ép quốc tế (nếu có)

MD: Xin cảm ơn ông Nguyễn Đăng Quang và luật sư Hà Huy Sơn về cuộc nói chuyện này.

Mai Dzung


Copy từ: FB Mai Xuân Dũng

Đôi điều với tác giả của "Đôi điều với tác giả ..." (phần 3)




Thưa ông/bà Trọng Đức,

Tôi đã viết 2 bài khác nhau để trao đổi với ông/bà về bài viết phản biện ông Lê Hiếu Đằng của ông/bà, được đăng trên báo QĐND vào Chủ nhật 18/8, tại đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx.

Lẽ ra, tôi muốn trao đổi kỹ với ông/bà từng điểm một, nhưng do bận rộn, và cũng không muốn làm mất nhiều thời gian của ông/bà, nên tôi xin chốt lại bằng cách nêu những nhận xét góp ý của tôi cho bài viết của ông/bà. Mong được ông/bà xem xét và trao đổi.

Xin nêu luôn ở đây những ý kiến của tôi về bài phản biện của ông/bà. Tôi cho rằng bài viết ấy rất thiếu sức thuyết phục và vì thế không có tác dụng "làm thất bại chiến lược 'diễn biến hòa bình'" như ông/bà mong muốn, mà trái lại sẽ gây ra tác dụng ngược, có thể làm cho người đọc càng mất niềm tin vào chế độ.

Có hai lý do tôi khiến tôi có những nhận định như trên:

1. Bài viết của ông/bà đưa ra nhiều lời khẳng định mạnh mẽ nhưng hoàn toàn không có chứng cứ, thậm chí là những lời khẳng định sai.
2. Nhiều lập luận trong bài viết không thuyết phục do mơ hồ, lòng vòng và/hoặc thiếu logic.

Dưới đây tôi xin chứng minh hai nhận định nói trên của tôi.

1. Những khẳng định không có chứng cứ, hoặc hoàn toàn sai:

- Liên quan đến việc học hành của tù nhân, ông/bà Trọng Đức đã viết: "trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm “khuôn vàng, thước ngọc” cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học."

Trong bài viết đầu tiên của tôi (ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac.html), tôi đã đưa ra nhiều dẫn chứng ngược lại với điều ông/bà Trọng Đức đã viết. Ngoài ra, ông/bà cũng nên đọc thêm bài viết này của anh Nguyễn Văn Tuấn, một Việt kiều ở Úc, tại đây: http://tuanvannguyen.blogspot.com/2013/08/tu-nhan-va-tu-do-hoc-hanh_19.html.

- Liên quan đến sự tồn tại của các đảng phái trong một nền kinh tế đa thành phần, ông/bà Trọng Đức đã viết: "chẳng có nước nào cho phép [...] tồn tại “Đảng của những người làm trong khu vực kinh tế nước ngoài” để bảo vệ quyền lợi cho thành phần kinh tế ấy." Đây là một ví dụ khác của lời khẳng định không có căn cứ trong bài viết.

Theo tôi, để thuyết phục được người đọc, ông/bà cần đưa ra những dẫn chứng cụ thể, ví dụ các quy định cấm thành lập Đảng của những người làm việc trong khu vực kinh tế nước ngoài, hoặc ít ra cũng phải là những bảng liệt kê các đảng phái chính trị của các nước (chỉ cần một số nước tiêu biểu, những nước thuộc nhóm mà ông/bà cho rằng tự xem mình là khuôn vàng thước ngọc của dân chủ) trong đó cho thấy không hề có đảng phái nào của những người đang làm việc trong khu vực kinh tế nước ngoài. Nếu ông/bà chưa làm điều đó thì lời khẳng định của ông/bà chỉ là lời khẳng định vu vơ, không có giá trị.

Ngược lại, trong bài viết thứ hai của tôi (ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac_20.html), tôi đã đưa ra dẫn chứng về sự đa dạng của các đảng phái chính trị ở Mỹ, trong đó có rất nhiều đảng phái thuộc nhiều quan điểm chính trị và thành phần xã hội khác nhau. Tôi chưa có thời gian để tìm ra được một đảng của những người hoạt động trong khu vực kinh tế nước ngoài, nhưng giả dụ nếu quả thật là không có thì điều đó cũng chỉ cho thấy hiện nay người ta không có nhu cầu, chứ không có nghĩa là không được phép thành lập một đảng như vậy. Chi tiết xin ông/bà xem ở bài viết mà tôi đã dẫn link ở trên.

- Cũng liên quan đến sự tồn tại của các đảng phái chính trị tại Việt Nam, ông/bà đã viết: "Những đảng đã giải tán tại Việt Nam trước đây đều do "tự giải tán" sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có hành động gì gọi là “bức tử” những đảng đó." Tuy nhiên, cũng như hai ví dụ nêu trên, ở đây ông/bà lại một lần nữa chỉ khẳng định khơi khơi mà không có chút chứng cứ nào để thuyết phục dư luận.

Trong khi đó, tôi biết rất nhiều người dân Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, vẫn đang rất thắc mắc về trường hợp ông Hoàng Minh Chính (đã quá cố) vốn trước đây là Tổng thư ký Đảng Dân chủ. Theo các thông tin rất phổ biến trên mạng thì ông HMC đã từng muốn phục hồi đảng Dân chủ nhưng không được Nhà nước VN cho phép. Nếu như Đảng CSVN không "bức tử" Đảng Dân chủ, và khi họ xin giải tán là do họ tự nguyện, thì nay khi họ tự nguyện muốn phục hồi lại thì họ cũng phải được quyền làm điều này chứ?

Xin ông/bà giải thích rõ hơn, và vui lòng cung cấp các chứng cứ. Về phần tôi, tôi xin dẫn lại ở đây một bài viết đã đăng trên Vietnamnet vào năm 2008 liên quan đến đám tang của ông Hoàng Minh Chính để cho thấy quanh vụ HMC rõ ràng vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng mà nhiều người dân muốn được hiểu rõ hơn. http://vnexpress.net/tin-tuc/ban-doc-viet/doi-dieu-can-trao-doi-qua-dam-tang-anh-hoang-minh-chinh-2107729.html

- Tiếp tục bàn về đa đảng và mối liên hệ của nó với vấn đề dân chủ, ông/bà Trọng Đức đã viết "Về vấn đề "đa đảng và dân chủ", báo chí gần đây đã phân tích khá kỹ cả về lý luận và thực tiễn. Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào."

Theo tôi, lời khẳng định này của ông/bà phạm cả hai lỗi mà tôi đã nêu, tức vừa thiếu chứng cứ vừa sai logic. Về logic tôi sẽ bàn sau. Riêng xét về chứng cứ, tôi muốn ông/bà minh họa cho lời khẳng định của mình bằng thực tế của các quốc gia cụ thể, như ông/bà đã khẳng định: "trên thực tế". Chẳng hạn, xin ông/bà cho biết những quốc gia nào độc đảng mà dân chủ, những quốc gia nào đa đảng mà độc tài, và những tiêu chí khách quan nào để đánh giá tính dân chủ trong một quốc gia. Có như thế thì những lời khẳng định của ông/bà mới có giá trị chứ không phải là những lời khẳng định khơi khơi, vô căn cứ.

- Về vai trò của quốc hội, ông/bà Trọng Đức đã hai lần khẳng định rằng đó là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Cụ thể, ông viết: "Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước. Do vậy, quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Việc duy trì Điều 4 Hiến pháp năm 1992 theo quyết định của Quốc hội, do vậy, cũng thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân.",  và "Quốc hội Việt Nam là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân."

Cũng vậy, như cách viết quen thuộc của ông/bà, đây chỉ là những khẳng định không có căn cứ và cũng không có lý luận. Về lý luận tôi sẽ trao đổi ở phần sau, nhưng riêng về chứng cứ, để thuyết phục xin ông/bà đưa ra những số liệu cụ thể và để chứng minh rằng tuyệt đại đa số nhân dân đã được hỏi và đồng ý với việc duy trì Điều 4 Hiến pháp. Và, theo tinh thần khoa học, được áp dụng trên toàn thế giới và trong mọi lãnh vực, để số liệu được khách quan thì cần có một bên thứ ba đứng ra thu thập số liệu để ngăn ngừa tình trạng "conflict of interest" - tức là bên có quyền lợi liên quan sẽ can thiệp để có được những số liệu có lợi cho mình.

Cách làm gần đây của VN - do chính quyền tổ chức, thông qua hệ thống tổ dân phố - là chưa đảm bảo được tính khách quan này. Tuy nhiên, trong trường hợp không có nguồn thông tin khác, xin ông cũng cứ cho biết kết quả của đợt lấy ý kiến vừa qua, với những thông tin rõ ràng như phát ra bao nhiêu phiếu, thu lại bao nhiêu, kết quả của từng địa phương, từng thành phần dân số, giới tính, độ tuổi vv. Những thông tin này sẽ giúp cho mọi người tin vào lời khẳng định ở trên của ông/bà hơn, đồng thời cũng giúp Đảng và Nhà nước hiểu rõ nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ dễ dàng hơn trong việc "làm thất bại chiến lược 'diễn biến hòa bình'" của các thế lực thù địch như lập luận mà mọi người đã rất quen thuộc.

(còn tiếp ý thứ hai)
--------
(Kết luận viết sẵn, phần lập luận và dẫn chứng còn lại sẽ bổ sung vào tối nay)
Vậy, tôi đề nghị ông/bà hãy chỉnh sửa lại bài báo trước khi có thêm nhiều người phản ứng, hoặc nếu ông/bà thấy không thể chỉnh sửa lại được nữa thì đề nghị hãy rút hẳn bài báo, và xin ông/bà lần sau khi viết thì nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn để tránh tác dụng ngược như bài viết lần này.

Rất mong nhận được phản hồi từ ông/bà, và xin chân thành cám ơn ông/bà Trọng Đức vì đã khơi ra một vấn đề lý thú để trao đổi. Sự trao đổi thường xuyên giữa các quan điểm khác nhau chắc chắn sẽ góp phần vào tiến trình dân chủ hóa VN mà tôi tin là cả tôi lẫn ông/bà đều mong muốn.

 


Copy từ: Anh Vũ

Đôi điều với tác giả của "Đôi điều với tác giả ..." (2)




Đây là phần 2 của bài viết nhiều kỳ của tôi nhằm trao đổi với ông/bà Trọng Đức về bài viết của ông/bà ấy trên tờ QĐND (ở đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx). Ai chưa đọc phần trước của bài này, xin đọc ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac.html.
----------------
Kính thưa ông/bà Trọng Đức,

Hôm qua tôi đã viết Note đầu tiên để trao đổi với ông/bà về bài viết của ông/bà trên tờ QĐND ngày Chủ nhật 18/8 vừa qua. Như tôi đã viết trong bài trước, tôi muốn ông/bà quan tâm đến những trao đổi ấy để bài viết của ông/bà có tính thuyết phục và hiệu quả cao hơn trong việc làm thất bại diễn biến hòa bình như tên gọi của mục báo trên trang QĐND đã nêu rõ.

Tuy nhiên, do bận công việc nên tôi chỉ mới trao đổi được điểm đầu tiên trong bài viết của ông/bà, liên quan đến việc cho phép hay không cho phép tù nhân trong thời gian thụ án có thể được tạm trả tự do để đi thi đại học. Bài viết số 1 của tôi nhằm đưa ra một số chứng cứ cho thấy những gì ông/bà đã khẳng định trong bài báo liên quan đến vấn đề nói trên là hoàn toàn không có cơ sở.

Hôm nay khi mở mạng ra để viết tiếp bài trao đổi này thì tôi thấy, không ngoài dự đoán của tôi, bài viết của ông/bà Trọng Đức đã gây nhiều tranh luận trên truyền thông lề dân (là tên mà những người bình dân như tôi hay gọi những trang mạng trao đổi nhiều vấn đề của xã hội Việt Nam theo quan điểm tự do của những người dân bình thường chứ không theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như những tờ báo của Nhà nước).Và, cũng như tôi đã đoán trước, nhìn chung các tác giả lề dân đều cảm thấy bài viết của ông/bà Trọng Đức còn nhiều sơ hở và thiếu thuyết phục.

Cụ thể, tôi thấy có bài viết của blogger HoaDaiNhan với tựa đề "Mừng lắm nhưng vẫn phải nói lại với ông Trọng Đức" ở đây: http://hoadainhan.wordpress.com/2013/08/19/mung-lam-nhung-van-phai-noi-lai-voi-ong-trong-duc/, trong dó tác giả HoaDaiNhan nói lại với ông/bà Trọng Đức cả 4 điểm trong bài báo của ông/bà đăng trên QĐND, với kết luận mà tôi rất quan tâm (dù lời lẽ của bài viết tôi chưa thích lắm vì đôi khi hơi thiếu hòa nhã). Xin ông/bà Trọng Đức đọc dưới đây:

Cãi nhau thì dài, chả biết bao giờ hết, có điều, TĐ gân cổ, phùng má chửi lại LHĐ với một mục tiêu là để khẳng định, về lý luận và lịch sử, đất nước này, dân tộc này chỉ có 1 Đảng CSVN là được lãnh đạo hết, lãnh đạo tuốt. Vấn đề là tại sao TĐ không dám hung hổ thách thức rằng, Đảng CSVN sẵn sàng thử nghiệm, để ai, nhóm ai có năng lực lập ra 1 đảng khác xem nhân rân có theo hay không? Mà thật ra LHĐ cũng chỉ muốn như vậy, đảng CS tự bảo mình là số 1, thế thì phải có ai đối chứng là số 2 thì người ta mới tâm phục, khẩu phục phải không TĐ?

Theo tôi, đây là một thách thức theo kiểu thách đấu kiếm, và để bảo toàn danh dự người bị thách đấu sẽ bắt buộc phải nhận lời; tất nhiên là ở đây chỉ là đấu trên lý luận mà thôi. Nếu lấy tiêu chuẩn của thời hiệp sĩ phong kiến khi bị thách đấu ra mà xét thì nếu ông/bà Trọng Đức lờ đi không trả lời cũng đồng nghĩa với việc bị thua trong trận đấu kiếm và bị mất hết hoàn toàn danh dự đấy ạ. Tất nhiên đó là thời phong kiến, còn thời nay như thế nào thì cũng mong ông/bà Trọng Đức giải thích giúp.

Ngoài bài của HoaDaiNhan, tôi còn thấy có một bài viết theo tôi là nhã nhặn hơn và vì thế hiệu quả hơn của ông/bà Trung Nghĩa. Tác giả Trung Nghĩa đã viết để phản biện rành mạch từng điểm trong bài viết của ông/bà Trọng Đức, và theo tôi là đã khá đủ lập luận để phản biện lại bài của ông/bà, không hiểu ông/bà đã đọc hay chưa? Nếu ông/bà chưa đọc, xin đọc ở đây: http://www.basam.info/2013/08/20/1973-phan-bien-lai-bai-viet-doi-dieu-voi-tac-gia-bai-viet-tren-giuong-binh/.

Sở dĩ tôi phải nhắc như vậy là bởi vì trong phần kết của bài viết của ông/bà trên tờ QĐND ông/bà có viết như sau (xin trích nguyên văn):

Cũng còn nhiều điều nữa muốn trao đổi với ông. Trong khuôn khổ của một bài báo nên chỉ có thể trao đổi một vài điều như vậy, nếu có làm ông phật lòng, cũng mong ông thông cảm.

Câu nói trên cho thấy ông/bà thực sự muốn có một cuộc tranh luận về những vấn đề mà ông Lê Hiếu Đằng nêu ra, và tôi thấy phải cám ơn ông/bà về điều này. Việc tranh luận tự do - với thái độ hòa nhã trong tinh thần tôn trọng sự thật và tôn trọng lẫn nhau - là điều rất cần thiết cho Việt Nam lúc này, ông/bà có đồng ý với tôi như vậy không?

Xin lỗi ông/bà Trọng Đức là tôi lại phải dừng lại ở đây vì phải làm việc, nhưng những trao đổi của tôi vẫn còn tiếp tục. Sở dĩ tôi phải viết chậm là vì tôi muốn tìm chứng cứ để có thể tin được những lời khẳng định của ông/bà, vì bài viết của ông/bà tiếc thay dù có rất nhiều khẳng định mang tính khái quát cao độ (mà tôi hay gọi là những khẳng định "toàn cầu"), nhưng lại chẳng có một chút chứng cớ nào cả. Chẳng hạn hiện nay tôi đang bỏ thì giờ để tìm xem có đúng như ông/bà Trọng Đức khẳng định là không có nước nào cho phép thành lập Đảng của những người làm việc trong khu vực kinh tế nước ngoài hay không. Vì vậy, tôi không thể viết nhanh được.

Nói thêm: Quả tình tôi chưa tìm thấy một Đảng nào như ông/bà Trọng Đức nói, nhưng tôi hiểu rằng chưa tìm thấy không có nghĩa là không có! Mặt khác, những gì tôi tìm thấy lại càng giúp khẳng định trong tôi niềm tin rằng các nước tư bản phương Tây mà lý luận chính thống của ta thường cho là dân chủ giả hiệu, và là những kẻ thù địch chống phá chính quyền Việt Nam - vốn dân chủ gấp vạn lần họ - hình như thực ra lại dân chủ gấp chúng ta nhiều vạn lần.

Ví dụ, tôi nhìn vào danh sách các đảng phái chính trị ở Mỹ (ở đây: http://www.politics1.com/parties.htm) thì thấy, họ có ê hề các loại đảng phái lớn nhỏ, đại diện cho tỉ tì ti các khuynh hướng chính trị và các tầng lớp xã hội khác nhau, trong đó ấn tượng nhất là hàng chục đảng lớn nhỏ mang tên "xã hội chủ nghĩa", hàng chục đảng khác mang tên "đảng của giai cấp công nhân" hoặc thậm chí "đảng cộng sản", rồi còn có cờ búa liềm, vân vân và vân vân.

Ấn tượng nhất đối với tôi là đảng này, tạm dịch là Đảng Cách mạng Cộng sản Mỹ, với cờ đỏ "theo truyền thống vô sản". Đảng này có mục đích làm cách mạng đập tan những gì cũ kỹ và tạo ra một xã hội mới! Nói vắn tắt, tôi thấy ở các nước bên ấy, cụ thể là ở Mỹ, thì ai muốn thành lập đảng chính trị kiểu gì cũng được, cho dù đảng phải ấy có quan điểm ngược lại hoàn toàn với quan điểm của đảng đang nắm quyền lãnh đạo đất nước trong thời gian ấy. Miễn là mọi việc phải ở trong khuôn khổ của pháp luật, và không xâm phạm đến lợi ích chung của toàn dân.

Trong khi đó, ở VN chỉ mới đề nghị có đa đảng mà đã bị chỉ trích nặng nề như ông LHĐ trên các báo chí chính thống mà tiêu biểu là bài của ông/bà Trọng Đức, thì tôi tự hỏi làm sao một người dân thường có thể tin rằng chúng ta dân chủ hơn các nước tư bản phương tây được?

Xin trích nguyên văn phần giới thiệu đảng này từ trang web nói trên:

REVOLUTIONARY COMMUNIST COMMUNIST PARTY USA - The RCP is based upon the teachings of the late Chinese Communist Party Chairman Mao Zedong (Tse-tung) -- a form of rigid communism derivative of Leninist-Stalinist Marxism. The party strongly denounces capitalism and advocates a "Marxist-Leninist-Maoist Programme" as "a battle plan for destroying the old and creating the new [and] is a kind of road map for how to win the revolution." Even the RCP's logo is consistent with the proletarian revolutionary theme (i.e., note the red flag flying from a rifle bayonet). The RCP clearly advocates change through revolution (and various popular front groups), not elections -- so don't look for any RCP candidates on the ballot. The RCP's most visible activity is running several branches of a store called Revolution Books. RCP Chairman Bob Avakian and his writings also receive extensive coverage on the party's official site. With Avakian currently hiding underground (he believes the US government is out to kill or jail him), Maoist activist C. Clark Kissinger seems to be running the day-to-day operations of the RCP. 

Tất nhiên, theo những lập luận quen thuộc mà tôi đã được học và được nghe trong suốt gần 40 năm sống và làm việc trong chế độ của ta, tôi nghĩ ông/bà sẽ nói đây có thể là sự dối trá! Nhưng tôi nghĩ, chúng ta không có quyền phỏng đoán và áp đặt điều chúng ta nghĩ lên tư duy của người khác (đặc biệt là người dân ít học hơn chúng ta) mà phải đưa lập luận thuyết phục và chứng cứ chứng minh và phản bác rõ ràng, thì mới có thể làm cho dân tin, và "làm thất bại chiến lược 'diễn biến hòa bình'" của bọn thế lực thù địch, phản động được, phải không ông/bà Trọng Đức?

Vẫn xin hẹn ông/bà ở những Note sau của tôi.

 


Copy từ: Anh Vũ

Đôi điều với tác giả của "Đôi điều với tác giả ..." (1)




Bài viết này tôi vừa viết một mạch và đăng trên facebook sau khi đọc bài trên báo Quân đội Nhân dân, nhưng thấy nội dung khá nghiêm túc và muốn chia sẻ rộng rãi hơn như một lời đóng góp thực sự nên đưa lên đây để rộng đường dư luận. Mong được những người có liên quan và có trách nhiệm đọc và trao đổi.
------------------

Thưa ông/bà Trọng Đức,

Tình cờ tôi đọc được bài của ông/bà Trọng Đức viết "đôi điều với tác giả 'viết trên giường bệnh'". Ai chưa đọc, xin đọc ở đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx.

Đọc xong bài của ông/bà, tôi thấy mình cũng cần phải có đôi điều với ông/bà, và phải viết ngay trước khi bài của ông/bà được phổ biến rộng rãi đến nhiều người. Vì theo tôi hiểu, ông/bà viết đôi điều với ông Lê Hiếu Đằng, tác giả của 'viết trên giường bệnh' là để tranh luận với ông LHĐ nhằm "làm thất bại diễn biến hòa bình" như tên gọi của cột báo nơi đăng bài của ông/bà. Nhưng với cách viết của ông/bà thì tôi e rằng nó sẽ có tác dụng ngược, vì những điểm ông/bà nêu ra để phản biện không những không "đập tan được luận điệu ..." như báo chí, truyền thông của Đảng và Nhà nước ta thường nói, mà e rằng nó lại càng củng cố thêm "luận điệu" của họ. 

Tôi xin đưa một vài ví dụ.

1. Ý đầu tiên trong bài viết của ông liên quan đến việc đối xử với tù nhân ở chế độ ta và các chế độ (phản động, thù địch?) khác. Ông LHĐ kể lại một kinh nghiệm cá nhân của ông ấy, rằng ở chế độ cũ, ông ta đang bị tù mà vẫn được chính quyền thời đó tạm trả tự do để đi thi, và đặt câu hỏi là chế độ ta, là chế độ tự do, dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản, có cho phép điều ấy không?

Câu trả lời của ông/bà, xin được phép trích nguyên văn, là như sau:

Thực tế, với tuổi đời như ông Đằng, chắc ông cũng thừa hiểu, trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm “khuôn vàng, thước ngọc” cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học. Ở Việt Nam cũng vậy.

Thực sự tôi chưa hiểu rõ ý ông/bà ở đây. Ông LĐH đã đưa ra một ví dụ cụ thể về trường hợp của chính ông ấy được tạm trả tự do trong thời gian ở tù để đi thi (tất nhiên phải có người bảo lãnh). Như thế tức là việc ấy có tồn tại, ít ra là ở một nước (VN trong chế độ cũ). Vậy tại sao ông lại khẳng định khơi khơi rằng "hầu như chẳng có nước nào [...] cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học"? Ông đọc không kỹ, hay đọc mà không hiểu?

Hay ông cho rằng LHĐ nói dối? Nếu vậy, xin ông tập trung vào chất vấn ông LHĐ, đòi ông ấy đưa ra chứng cứ nhiều hơn để ông tin, chứ sao lại đưa ra những nhận định khái quát khơi khơi vậy? Ngoài ra, tôi e rằng để chứng minh rằng ông đã nói sai thì không khó lắm đâu. Tôi nhớ từ đầu thập niên 1990 khi sang Thái Lan, tôi có được đến thăm Viện Đại học Mở của nước này, và họ khoe là trường của họ hãnh diện là đã giúp nhiều tù nhân lấy được tấm bằng đại học trong thời gian ở trong tù. Thời ấy, mạng Internet chưa tồn tại (lúc ấy là năm 1993), tù nhân còn phải học hàm thụ, và đến kỳ thi học kỳ hoặc tốt nghiệp thì họ phải có mặt để thi. Như vậy, hẳn là những tù nhân ấy phải được phép tạm trả tự do để đi thi thì họ mới có thể lấy được tấm bằng đại học trong thời gian ở trong tù chứ ạ? Nếu ông/bà cũng không tin điều này, xin ông/bà thử tìm trên mạng Internet, tôi tin là những thông tin này ngày nay đầy rẫy ở trên mạng đấy ông/bà ạ.

Và để giúp ông/bà, tôi cũng thử tìm. Tôi dùng cụm từ "prisoners allowed to study for degrees" (tù nhân được phép học để lấy bằng đại học), và ngay lập tức tìm ra mẩu tin này (đăng trên tờ The Guardian của Anh vào năm 2011, ở đây:http://www.theguardian.com/education/2011/apr/25/prisoners-law-degrees): Tù nhân đăng ký học ngành Luật! Nếu ông/bà đọc được tiếng Anh (tôi hy vọng thế) thì ông/bà sẽ thấy, các tù nhân của Anh rất thích học Luật, vì họ không hài lòng với hệ thống pháp luật hiện hành của nước họ. Ví dụ người trong mẩu tin này cảm thấy mình đã bị xử không đúng, lẽ ra phải xử tội ngộ sát chứ không phải là tội cố sát như mức án mà anh ta đang phải chịu. Việc này phổ biến đến nỗi bài báo còn đang đặt câu hỏi là "những người này [sau khi có bằng đại học Luật] liệu có được cho phép làm luật sư không?" - tất nhiên là sau khi họ đã thụ án xong và dược trả tự do.

Ngoài mẩu tin đó ra, còn có rất nhiều mẩu tin tương tự khác, có tên tuổi cụ thể, nhưng ta hãy tạm quên những tên tuổi ấy. Tôi chú ý đến một khía cạnh khác rất đáng quan tâm, đó là: Tài liệu hướng dẫn học tập dành cho đối tượng tù nhân của Viện Đại học Mở (The Open University) của Anh. Xin lưu ý rằng The Open University của Anh được thế giới đánh giá rất cao về chất lượng. Xem ở đây:http://labspace.open.ac.uk/file.php/3427/Studying_with_the_OU_-_a_guide_for_learners_in_prison.pdf.

Có tài liệu hướng dẫn riêng cho đối tượng tù nhân thì điều ấy có nghĩa là đối tượng này phải khá nhiều. Phải chăng đây là một cách làm thực sự khôn ngoan và nhân văn, giúp cho những tù nhân dễ dàng hội nhập với xã hội sau khi ra tù? Tôi nghĩ, có lẽ ông/bà Trọng Đức nên đọc kỹ và tham mưu cho Đảng và Nhà nước ta, như thế có lẽ sẽ chống diễn biến hòa bình một cách hiệu quả hơn là những bài viết khơi khơi thiếu lý lẽ và dẫn chứng cụ thể [chỗ in đậm là góp ý của anh Phùng Hoài Ngọc] trên cột báo có đăng bài của ông/bà đấy ạ.

Đấy, thực tế của các nước mà ông/bà mỉa mai gọi là "đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm 'khuôn vàng, thước ngọc' cho toàn thế giới" là như thế đấy ạ. Tất nhiên họ có thể nói dối, nói quá, thổi phồng vv, nhưng nếu vậy xin ông/bà hãy chứng minh là họ nói dối. Hoặc ngược lại, ông/bà hãy tìm ra một vài ví dụ tương tự trong chế độ ta, và trưng ra (cứ thổi phồng lên, tô hồng lên vv nhiều nữa cũng được) cho ông LHĐ và thế giới thấy, thì mới hy vọng "đập tan luận điệu dối trá, xuyên tạc" vv của những kẻ đang âm mưu diễn biến hòa bình được chứ, phải không ông/bà Trọng Đức? Mong ông/bà xem xét và trả lời giúp.

Bài của ông/bà khá dài, nên tôi xin phép viết dần làm 3, 4 Notes khác nhau để trả lời từng điểm của ông/bà nhé. Xin hẹn ông/bà Trọng Đức trong Note sau của tôi.

 


Copy từ: Anh Vũ

Mẹ





KHEN THƯỞNG MÀ NHƯ THẾ NÀY Ư ?


Các chị Khuất Thị Định, Hoàng Thị Nguyệt và Phan Thị Nam Đông đã có hành động dũng cảm vạch trần vụ việc “nhân bản” xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, nơi các chị đang công tác, gây chấn động dư luận trong thời gian vừa qua. Để phơi bày tiêu cực ra ánh sáng, các chị đã phải trải qua biết bao sóng gió, có những lúc bị đe dọa trả thù. Khen_thuong_trong_nuoc_mat
Dư luận trong nước đồng tình, ủng hộ, ngưỡng mộ hành động của các chị bởi các chị xứng danh anh hùng trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy khó khăn. Thế nhưng, phần thưởng mà người ta trao cho các chị chỉ là một cái giấy khen và 320 ngàn đồng (!) cho  mỗi người. Buổi lễ diễn ra chóng vánh, không một bó hoa, không một nụ cười, không một lời động viên. Dường như những người trao đang cố “diễn” cho xong cái vai diễn bị bắt buộc của mình. Nói “diễn” có lẽ không sai bởi trong thâm tâm các vị chắc chẳng thích thú gì chuyện các chị tố cáo tiêu cực của bệnh viện dưới quyền lãnh đạo của mình.
Hành động của các chị tuy giúp mọi người thấy được sự thật của sự giả dối bị bao phủ bởi lớp vỏ bọc hào nhoáng gọi là y đức, nhưng lại làm phiền lòng các vị quan chức và chặn mất cơ hội móc túi bệnh nhân của kẻ khác. Có lẽ vì thế mà trong thực tế đang tồn tại một nghịch lí là người ta ngại chống tiêu cực cho nên khi xảy ra tiêu cực thì tìm cách “ém” nó, bưng bít che đậy sợ nó lộ ra thì ảnh hưởng đến thành tích của cơ quan, đến sự an toàn cho cái ghế của sếp. Cho nên tham nhũng cứ diễn ra hàng ngày mà báo cáo tổng kết của đơn vị hàng năm vẫn là “không phát hiện có tiêu cực tham nhũng”.

Người có công chống tham nhũng thì không được động viên, khen thưởng đúng mức, có khi còn bị mọi người trong cơ quan xa lánh. Điều đó đang đúng cho trường hợp của các chị. Cái phần thưởng 320 ngàn chỉ mua được dăm tô phở, trở thành sự đàm tiếu của những kẻ sống dựa vào tham nhũng. Được thưởng mà chẳng sung sướng gì, các chị chỉ còn biết cười trong nước mắt.

Người viết bài này muốn nhìn nhận cái lễ trao thưởng của Sở Y tế Hà Nội ở góc độ văn hóa. Khen thưởng, theo đúng nghĩa của nó là niềm vinh hạnh cho cả người nhận và người trao. Một buổi lễ khen thưởng bao giờ cũng mang tính chất trang trọng; niềm vui lộ rõ trên gương mặt, nụ cười, lời nói của người khen, người được khen và cả những người tham dự. Đằng này thì…
Chả lẽ văn hóa ứng xử bây giờ xuống cấp đến thế sao ?

18-8-2013
 
Nguyễn Duy Xuân

Xem Dân trí, Văn hóa Nghệ An

Copy từ: Nguyễn Duy Xuân


.......................

Nhiều người bị đánh đập, sách nhiễu, hành hung

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 2013-08-19

Mẹ con chị Trần Thị Nga
Mẹ con chị Trần Thị Nga
RFA files
Nghe bài này
Những người có quan điểm đối lập với nhà cầm quyền tại Việt Nam tiếp tục bị sách nhiễu thậm chí hành hung, đánh đập một cách vô cớ.

Theo dõi- tấn công

Ngày 16 tháng 8 vừa qua Tòa án tỉnh Long An là nơi thu hút chú ý của nhiều người quan tâm đến công cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam. Có người từ Hà Nội, Hà Nam cho đến những người ở Sài Gòn, Vũng Tàu đã tụ về đó để theo dõi phiên xử phúc thẩm hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha về tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Trong số những người về Long An đó có mẹ con chị Trần Thị Nga ở Hà Nam, bà Bùi thị Minh Hằng ỡ Vũng Tàu…

Cũng như lâu nay, những người công khai lên tiếng đòi hỏi quyền lợp hợp pháp của công dân, phản đối những sai trái, nhũng lạm của các cấp chính quyền… thường bị các đối tượng mà họ cho là an ninh, công an theo dõi.

Bà Bùi Thị Minh Hằng cho biết lại việc bị theo dõi và hành hung đối với bản thân bà hồi ngày 17 tháng 8 vừa qua như sau:
Khi xe vừa dừng lại ở cửa khách sạn, nhóm người này đã núp sẵn ở ngã tư .Tôi vừa kịp băng qua đường đến điểm lấy vé mà lúc đó có cả trăm người quanh khu vực đó vì là bến xe, 2 tên nào đó vọt lên cầm hòn đá đập vào đầu tôi
Bà Bùi Thị Minh Hằng
Khách sạn có những bậc cao để đi lên quầy lễ tân, họ đã đi lên. Lúc đó tôi cầm máy nên chạy lùi vào trong. Không ngờ họ tấn công anh Truyển và mẹ con cô Thúy Nga trước. Cháu bé mới 8 tháng tuổi và bị bọn côn đồ này đánh đến khóc thét lên. Lúc đó tôi xót xa, vội vàng nhào ra và cùng lúc đó bảo vệ khách sạn và mọi người đến. Họ gọi điện cho công an nhưng một người đến, chắc là công an phường, và vẫn ngồi trên yên xe hỏi ‘cái gì đó’ và sau đó bỏ đi. 

Chúng tôi thu xếp đến nhà thờ đi dự lễ và sau đó ra xe taxi về. Nhóm người này tiếp tục đeo bám. Ngay tại cửa nhà thờ Kỳ Đồng có một người đã cố tình đâm xe vào tôi khi tôi mở cửa xe taxi bước lên. Người đó rồ xe cố tình đâm tôi, nhưng tôi bước lên xe taxi kịp. Sau đó chúng tôi đến bến xe ở Quận nhất để mua vè về Vũng Tàu, nhà của tôi. Tôi cũng rất cẩn thận nói với anh chị em là họ tiếp tục đeo bám với tác phong cố tình gây hấn, nên phải để ý khi xuống xe taxi khả năng họ sẽ tấn công. Tôi nói bác lái xe đậu sát vào cửa khách sạn. Khi xe vừa dừng lại ở cửa khách sạn, nhóm người này đã núp sẵn ở ngã tư .Tôi vừa kịp băng qua đường đến điểm lấy vé mà lúc đó có cả trăm người quanh khu vực đó vì là bến xe, 2 tên nào đó vọt lên cầm hòn đá đập vào đầu tôi. Về đến nhà tôi hiện nay chúng cũng rất đông, sáng nay chỉ có hai bây giờ cả chục rồi.

Cựu tù nhân Trương Minh Đức, người chứng kiến sự việc mẹ con chị Trần thị Nga bị đánh khi ở tại khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão, kể lại điều diễn ra :
Chúng tôi nghỉ qua đêm tại khách sạn. Buổi sáng khi tôi và anh Truyển xuống định đi mua thức ăn sáng thì bất ngờ từ dưới chân cầu thang họ tấn công lên. Vừa đó có chị Nga cũng vừa trên cầu thang đi xuống bồng cháu Tài- 8 tháng tuổi. Lúc đó ở ngoài rất nhiều, nhưng có bốn thanh niên xông vào đánh chị Nga. Riêng tôi cũng bị một trong bốn người này khống chế để giật điện thoại, nhưng tôi đã bỏ vào túi quần và giằng giật nên họ chưa giật được. Riêng chị Nga bị hai người đánh, anh Bắc Truyển la lên sao lại đánh phụ nữ; hai người quay lại nắm cổ anh Bắc Truyển và đánh anh tại chân cầu thang.
Riêng chị Nga bị hai người đánh, anh Bắc Truyển la lên sao lại đánh phụ nữ; hai người quay lại nắm cổ anh Bắc Truyển và đánh anh tại chân cầu thang
Trương Minh Đức
Kỷ luật trong tù 

Đó là trường hợp của một số người bất đồng chính kiến đang ở ngoài xã hội.
Cũng vào ngày 16 tháng 8, gia đình của tù nhân Trần Hữu Đức đi thăm anh này trong tù. Anh Đức là huộc nhóm những thanh niên Công giáo- Tin Lành, đang bị giam tù tại Trại K3-Phú Sơn 4, thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Thông tin từ người nhà của anh Trần Hữu Đức cho biết anh này trước đó bị biệt giam với lý do mà bản thân anh Đức cũng như gia đình cho là không theo đúng qui định. Em gái của tù nhân Trần Hữu Đức khi đang trên đường từ trại giam về cho biết như sau:
Lúc ra thăm anh thì gầy hơn, mặt mũi xanh xao hơn vì anh bị biệt giam 10 ngày và tuyệt thực từ hôm đó 10 ngày luôn. Anh nói hôm kia đưa anh ra còn tồi tệ không đi nổi. Tôi hỏi lý do làm sao. Anh nói họ bảo lý do gửi thư; nhưng anh thấy vô lý. Qui định cho gửi thư, đã qua kiểm duyệt của cán bộ Sơn và Triêm; nhưng khi ra gửi lại không cho với lý do hết sức vô lý. Họ còn đưa 5 tù nhân bên hình sự sang làm chứng gian nói là mặc đồ thế này, thế nọ… Anh cũng nói chưa có trường hợp nào biệt giam mà giống như anh. Trước lúc biệt giam phải qua hai lần cảnh cáo: lần thứ nhất rồi lần thứ hai; nhưng anh không được một lần cảnh cáo nào. Họ xiềng tay, xiềng chân anh cả ngày lẫn đêm. Anh nói xiềng tay, xiềng chân chỉ ban ngày thôi; nhưng đối với anh cả ban đêm luôn, không mở một phút, một giây nào.
Họ xiềng tay, xiềng chân anh cả ngày lẫn đêm. Anh nói xiềng tay, xiềng chân chỉ ban ngày thôi; nhưng đối với anh cả ban đêm luôn, không mở một phút, một giây nào
Em gái của tù nhân Trần Hữu Đức
Giải đáp- nhận định

Trước những hành xử bị cho là vô lý như thế, những người trong cuộc đã chất vấn cơ quan chức năng và họ nhận được câu trả lời không thỏa đáng.
Em gái của tù nhân Trần Hữu Đức trình bày lại chuyện xảy ra ở Trại giam K3:
Cán bộ bảo việc gì chị cũng cặn kẽ thế; lúc nào cũng bắt lẽ từng li từng tí. Làm việc cũng tương đối thôi, đâu phải tuyệt đối được.

Cù tù nhân lương tâm Trương Minh Đức đưa ra nhận định về hành động đánh người từ những thành phần được ông và những người trong cuộc xác định là người của công an, an ninh:
Điều hết sức băn khoăn: không hiểu họ nhận được lệnh của ai tấn công chị Nga. Có thể do chị Nga là người đã xuất hiện ở Long An hôm trước đó tại phiên tòa phúc thẩm xử Phương Uyên; vì họ chỉ nhắm vào chị Nga. Đây là hành động mà tôi cho là họ rất vô nhân tính.
Vào chiều ngày 16 tháng 8, những người đến Long An theo dõi phiên phúc thẩm hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tỏ ra hết sức vui mừng và hoan nghênh tuyên bố của tòa giảm án phân nửa cho cả hai sinh viên và án treo cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Dư luận sau đó cũng phần nào hy vọng có thay đổi gì đó trong hành xử của phía nhà cầm quyền. Tuy nhiên việc theo dõi, hành hung các đối tượng bất đồng chính kiến, rồi việc tra tấn tù nhân vẫn tiếp tục diễn ra như trình bày của những người trong cuộc khiến cho chút hy vọng mong manh của họ bị tắt mất.


Copy từ: RFA


..............................

Giới blogger nghĩ gì về bản án Uyên - Kha

Thanh Quang, phóng viên RFA 2013-08-19
image-305.jpg
Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại phiên tòa sơ thẩm hôm 16.05.2013.
AFP photo



Phiên tòa phúc thẩm ở Long An hôm 16 tháng 8 năm 2013 đã tuyên 3 năm tù treo, 4 năm 4 tháng quản chế dành cho Nguyễn Phương Uyên và 4 năm tù giam cộng thêm 3 năm quản chế dành cho Đinh Nguyên Kha.

Mong manh nhưng bất khuất

Nguyễn Phương Uyên đã trả lời dõng dạc tại tòa bằng câu nói lịch sử, “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải chống phá đất nước, dân tộc”. Lên tiếng với Đài ACTD, Phương Uyên cho biết:

Cháu nghĩ mình không phạm theo điều 88. Đáng lý ra cháu không nói lên hành động vi phạm của cháu nhưng cháu đã tự nói lên rằng “Tôi không vi phạm điều 88. Tôi phạm những điều khác”. Khi ở tòa, cháu trả lời thẳng thắn rằng “đó là lỗi do Viện kiểm sát và An ninh điều tra của Long An đã truy tố tội của tôi là sai. Tôi chỉ xúc phạm đảng. Sự xúc phạm này ép buộc tôi vào tội chống nhà nước. Tôi mong muốn có sự công bằng, không cào bằng. Đó là tính khoa học của pháp lý. Tòa hỏi tính khoa học của pháp lý như thế nào ? Tđó là phải rõ ràng, không cào bằng. Con nói được cái quan điểm của pháp lý tại vì con thấy rất nhiều bất công trong pháp luật.

Sự đối đáp khí khái, dũng cảm của Nguyễn Phương Uyên tại pháp đình được giới bloggers hình dung như một cuộc chiến rất căng giữa một bên là chế độc độc tài, tòan trị, vô cảm với đầy đủ phương tiện đàn áp người dân với một bên là phe dân chủ “liễu yếu mong manh” nhưng bất khuất. Và tinh thần bất khuất ấy được thôi thúc bằng sự đồng cảm sâu xa của giới trẻ yêu nước ngày càng nhiều hiện nay, sự ủng hộ mạnh mẽ của giới bloggers lề dân, sự hy sinh vô bờ của người thân cùng áp lực của công luận trong và ngòai nước vào thời điểm mà Hà Nội đang cần tới sự trợ giúp đặc biệt của Hoa Kỳ.

Theo blogger Châu Văn Thi thì chiến thắng lần này của Phương Uyên là sự thành công chung của tất cả những người dân nước Việt yêu tự do, của sự đóng góp không nhỏ của mạng xã hội facebook, của những tổ chức, cá nhân hải ngoại đã không ngừng tác động đến chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang, tác động đến Tổng thống Barack Obama, của công lao Mạng lưới blogger Việt Nam đã đến tận những cơ quan nhân quyền LHQ, quốc tế để phản ánh về tình trạng vi phạm nhân quyền của đất nước!!! Blogger Châu Văn Thi khẳng định “Phiên tòa ngày hôm nay mặc nhiên công nhận: đảng cộng sản không phải là dân tộc, là đất nước. Đảng cộng sản không có quyền quyết định sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, và phê bình chỉ trích những cái sai của đảng không phải là tội!”
Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải chống phá đất nước, dân tộc.
- Phương Uyên
Câu nói tại tòa mà nhiều người tin là đi vào lịch sử của Phương Uyên,  “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải chống phá đất nước, dân tộc”, theo blogger Nguyễn Văn Thạnh, là một “cuộc cách mạng suy tưởng” với “ Lý luận gãy gọn, sắc bén, có sức mạnh ngàn cân, không gì lay chuyển nổi!” khiến giới gọi là “cầm cân nẩy mực” “ngụy biện lòng vòng hòng né tránh”; và câu cuối  của Phương Uyên “Các ông đừng đánh đồng”, theo blogger Nguyễn Văn Thạnh, “như một lời mắng từ sự hào sảng của tuổi trẻ, của trí tuệ đối với sự mê muội, sự ngụy biện và lợi ích thấp hèn”, do đó, “Kể từ đây, những ngụy biện kiểu ‘yêu nước là yêu CNXH’; ‘Đảng là tổ quốc; đảng là đất nước’; ‘chống Đảng là chống nhân dân, chống đảng là có tội’… sẽ không còn đất dung thân”.
ta-200.jpg
Phương Uyên và bạn bè tối 16/8/2013. T.A gửi RFA

Qua bài “Hậu sinh khả úy”, blogger Dân Nguyễn đề cập tới “niềm vui lớn” về những bản án phúc thẩm của Uyên-Kha. Theo tác giả thì lời tuyên bố vừa nói của Phương Uyên “có thể lấy làm tuyên ngôn cho phong trào đòi tự do dân chủ cho VN”. Vì sao ? Bởi vì, blogger Dân Nguyễn giải thích, không còn “lời tuyên bố nào hùng hồn hơn, khúc chiết hơn, đanh thép hơn ! Hình ảnh chiếc áo trắng, nụ cười tươi trẻ bừng sáng, bao bọc bên trong là trái tim rực cháy tình yêu Đất Nước và một khối óc thông tuệ”.

Blogger Hòang Thanh Trúc nghe thấy “Tiếng ‘Họa Mi’ sổ lồng”, và quả quyết rằng lòng Bất Khuất, trong mọi hoàn cảnh đất nước, chỉ “nhân lên chứ không trừ đi bao giờ” khi tiếng hót thánh thót, vang lên của “chim họa mi” Nguyễn Phương Uyên vừa sổ lồng tù ngục chứng minh cho điều đó với đồng bào dân tộc Rồng Tiên Âu Lạc chúng ta.

Khi mô tả “Tuổi trẻ VN hôm nay qua hình ảnh của Nguyên Kha và Phương Uyên”, blogger Vũ Bất Khuất khẳng định là dù kết quả xét xử có ra sao thì phiên tòa tại VN “vẫn cứ là một trò hề” và “hai con người tuổi trẻ này vẫn cứ là một biểu tượng”. Theo MS Nguyễn Trung Tôn thì dù bản án phúc thẩm Long An có như thế nào đi chăng nữa, đó cũng là “hồi chuông thức tỉnh cho thế hệ trẻ VN”, và “phiên tòa này không thể chấm dứt được tinh thần đấu tranh của người dân Việt”.

Tinh thần đấu tranh ấy thể hiện rất rõ hôm 16 tháng 8 vừa rồi, như blogger Hoàng Hưng mô tả, đó là một “cuộc biểu dương khí thế của lương tri, của chính nghĩa, của tình đồng bào, đồng đội, của lòng yêu nước đẹp tuyệt vời”. Khí thế đó là:

Bà mẹ trẻ địu đứa bé một tuổi trước ngực lặn lội cả ngàn cây số vào Long An chia lửa cho hai bà mẹ của Uyên và Kha; …các cụ bảy mươi cùng các cháu gái trai nằm lăn xuống đường chặn bánh xe hung bạo bắt người;…tiếng hát vang “Dậy mà đi” do người cựu tù Côn Đảo tóc bạc phơ khởi giọng, tiếng hô “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “Đả đảo bọn tay sai bán nước!”, “Uyên – Kha vô tội”… đánh thức cả khu trung tâm thành phố Tân An;… một bà bán quán chạy tới ôm chầm người mẹ có con đang lâm nạn, khiến hàng trăm người đi đường dừng lại lắng nghe. Hãy nhìn cảnh một rừng công an cảnh sát, dân phòng tự vệ… ngây mặt nghe một người đàn bà sang sảng kêu gọi “Hãy tìm một lối quay súng trở về với nhân dân”! Phiên phúc thẩm Uyên – Kha sẽ đi vào lịch sử…

Hồi chuông cho thế hệ trẻ 

Trong khi án quyết phúc thẩm ấy khiến không những cả trăm người ủng hộ bên ngoài pháp đình cùng vô số những người quan tâm đến số phận Uyên-Kha đang hướng về Long An đã bật khóc mừng vui, hòa lẫn tiếng vỗ tay, hoan hô…, thì hình ảnh cảm động không kém cũng đã diễn ra một ngày trước phiên phúc thẩm, khi tâm trạng người thương mến Uyên-Kha “như chìm trong một cảm xúc đè nén khó tả” – nói theo lời blogger Phạm Chí Dũng, hay như blogger Huỳnh Ngọc Chênh mô tả, “Mắt của Nguyễn Tường Thụy dường như đang nhòe đi” và rồi blogger “Nguyễn Tường Thụy đã bậc khóc, nước mắt ràn rụa”…

Khi lên tiếng cảnh báo:
Giam tương lai vào ngục
Tự hủy chốn dung thân

GS Hòang Xuân Phú lưu ý rằng nhà nước tự xưng là nhà nước “pháp quyền” mà “trưng ra quá nhiều phiên tòa phi pháp”. Họ nhân danh công lý mà lại vi phạm cả Hiến pháp và luật pháp, bất chấp lẽ phải cùng sự thật. GS Hòang Xuân Phú khẳng định rằng Phương Uyên và Nguyên Kha là hai thanh niên yêu nước đến mức dám dấn thân… “Họ yêu nước theo cách của họ. Nhà cầm quyền không ưa kiểu yêu nước ấy, điều đó cũng dễ hiểu, bởi chính Phương Uyên và Nguyên Kha cũng không ưa kiểu yêu nước của phía cầm quyền”. GS Hòang Xuân Phú cảnh cáo:

Với cách xử sự như đối với Phương Uyên và Nguyên Kha, những người cầm quyền hiện nay đã dạy cho thế hệ trẻ một bài học rất xấu, rằng: Ở đất nước này thì không thể chấp nhận bất đồng chính kiến, không thể chung sống với những người đối lập, mà phải cương quyết diệt bỏ như kẻ thù không đội trời chung. Nếu cái “tư duy chuyên chính triệt để” ấy được thừa kế bởi chính quyền kế tiếp – mà ngày thay thế chính quyền chắc chắn sẽ đến nhanh hơn nếu thế lực cầm quyền cứ tiếp tục hành xử như hiện nay – thì sau này đừng có oán thán tại sao mình không có chỗ dung thân.

cafevn.org-250.jpg
Phương Uyên trong vòng tay người thân sau phiên phúc thẩm hôm 16/8/2013. Courtesy of xcafevn.org

Từ Hà Nội, blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh nhận xét về sự biến chuyển quan trọng ở giới trẻ có nhiệt tâm với vận nước, dân tộc:

Tôi thấy rằng nếu như trước đây, những người đấu tranh cho sự tiến bộ cho đất nước, đòi một nền dân chủ thật sự cho Tổ Quốc, Dân tộc là những người lớn tuổi, như ông Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Hoàng Minh Chính chẳng hạn – là những người cao niên thao thức đến vận mạng đất nước, thì những phiên tòa gần đây, những hiện tượng gần đây, đặc biệt như phiên tòa vừa rồi dành cho Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha đang ở tuổi đôi mươi, điều đó làm tôi xúc động. Tôi nhận thấy chuyển biến xã hội hiện rất khác trước, rất rõ rệt, cho thấy thế hệ trẻ VN không phải vô cảm như người ta đã nghĩ, như báo chí nhà nước VN kêu gào. Thế hệ trẻ VN hiện ý thức được mình là ai, ý thức được trách nhiệm của mình là gì trước dân tộc, trước đất nước, trước các hiện tượng tha hoá của xã hội. Tôi cho rằng đó là một tín hiệu vui.

Thế hệ trẻ VN hiện ý thức được mình là ai, ý thức được trách nhiệm của mình là gì trước dân tộc, trước đất nước, trước các hiện tượng tha hoá của xã hội.
- J.B. Nguyễn Hữu Vinh
Mặc dù nền giáo dục VN hiện nay ra sức “tiêm nhiễm” giới trẻ rằng “yêu nước là yêu CNXH”, nhưng Phương Uyên và Nguyên Kha, nói theo lời MS Nguyễn Trung Tôn, đã “vượt qua cái giới hạn của nền giáo dục” ấy để “noi gương những anh hùng dân tộc” từng đánh cho giặc phương Bắc tan tác, không còn manh giáp, không kịp chạy về Tàu từ trước khi có đảng CS xuất hiện trên quê hương. Những vị anh hùng dân tộc, từ Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi cho tới Quang Trung…là những người yêu nước thiết tha, dũng cảm đánh đuổi phương Bắc xâm lược, nhưng “họ đâu có bị buộc phải yêu CNXH”. MS Nguyễn Trung Tôn nhớ lại:
Trước thời kỳ CS, lịch sử VN hơn 4 ngàn năm Văn Hiến đã có rất nhiều vị anh hùng dân tộc. Và họ đã nói những câu nổi tiếng, như danh tướng Trần Bình Trọng đã hiên ngang khẳng định với giặc phương Bắc rằng “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Hay Bà Triệu Thị Trinh đã từng nói rằng “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, để cho nhân dân ta khỏi bị lầm than đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta”. Thì khẩu hiệu “Tàu khựa cút khỏi biển Đông” của Phương Uyên và Nguyên Kha cũng tương đương với những lời phát biểu của các vị anh hùng dân tộc trước kia. 

Qua bài “Viết cho Phương Uyên và tuổi trẻ yêu nước VN”, blogger David Thiên Ngọc tâm sự rằng trước khi viết những dòng này cho những người trẻ yêu nước ấy, tác giả “xin ngả mũ nghiêng mình chào các em với lòng bái phục”, dù tác giả “đi trước các em hơn một thế hệ trên quãng đường đời”.

Sự dũng cảm, hiên ngang của Nguyễn Phương Uyên khiến nhà thơ, TS Đặng Huy Văn xúc cảm thành bài “Nước non sẽ nhớ Phương Uyên”, khẳng định rằng:

Ngàn năm Bắc Thuộc đủ rồi
Giặc Tàu tàn ác muôn đời chớ quên
Nước non sẽ nhớ Phương Uyên!
Nữ sinh nước Việt phất lên ngọn cờ

Hoà bình, dân chủ, tự do
Để xây đắp lại cơ đồ núi sông
Tàu khựạ cút khỏi Biển Đông!
Hoàng Sa, biển đảo cha ông quyết đòi!

Sau diễn tiến phiên tòa phúc thẩm ở Long An, nhà báo Kha Lương Ngãi trong nước khẳng định:

Tôi nghĩ đất nước phải xoay chuyển theo chiều hướng của thế giới văn minh, tiến bộ, dân chủ. Chuyển theo xu thế đó thì sẽ lần lượt thả những người tù lương tâm khác như anh Điếu Cày, chị Tạ Phong Tần, anh Cù Huy Hà Vũ.....Tôi nghĩ rằng sẽ phải thả những người đó, đất nước mới chuyển mình sang xu thế dân chủ tiến bộ được. Đất nước mới phát triển được.


Copy từ: RFA


...........................

Cơ sở pháp lý cho phép việc thành lập các chính đảng mới ở Việt Nam

Trao đổi với Giáo sư Vũ Minh Giang: Cơ sở pháp lý cho phép việc thành lập các chính đảng mới ở Việt Nam

Đào Tiến Thi

Trong trả lời BBC mới đây, GS. Vũ Minh Giang nói: “Hiện chưa thấy có cơ sở pháp lý nào để cho phép việc thành lập các chính đảng mới ở Việt Nam”.

GS. Vũ Minh Giang dùng chữ “cho phép” như trên khiến nhiều người cảm thấy phản cảm, vì liên hệ ngay đến cái cơ chế “xin cho” tồn tại lâu nay trong chế độ XHCN ở Việt Nam. Chính vì thế GS. Ngô Đức Thọ và nhà văn Phạm Đình Trọng đã phản ứng tức thời.

Lẽ dĩ nhiên Đảng CSVN chẳng bao giờ muốn một lực lượng khác bên cạnh mình. Nhưng muốn là một chuyện, còn điều muốn đó có hợp thức hay không, tốt xấu thế nào lại là chuyện khác. Bởi vì Hiến pháp hiện hành cũng như Điều lệ Đảng hiện hành đều ghi nguyên tắc của Đảng: “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. 

Cho nên muốn kết tội tổ chức nào đó “bất hợp pháp” thì, về mặt chính danh (chỉ nói mặt chính danh thôi, chứ nếu bất chấp thì không có gì để bàn), cũng không thể qua mặt Hiến pháp và pháp luật. 

Dưới đây tôi xin đưa ra một số cơ sở pháp lý.

1. Hiến pháp hiện hành nói Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chứ không hề nói là đảng “duy nhất”, tức là không cấm một đảng thứ hai, thứ ba,...

2. Điều 69 Hiến pháp hiện hành ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” (Đảng cũng là một kiểu “hội”). Quyền này đã nằm trên giấy đã gần 70 năm, chẳng lẽ còn bắt nó tiếp tục nằm trên giấy? Nếu còn muốn chung sống với nhân loại tiến bộ thì dứt khoát phải thực thi các quyền này.

3. Cũng từng đã có tiền lệ[1]: trước đây trong Quốc hội và Chính phủ đã từng có mặt đại biểu của Việt Nam Quốc dân đảng, Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam. Về sau Quốc dân Đảng bị đánh đuổi, nhưng hai đảng còn lại vẫn tồn tại bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến năm 1988. Xã hội ngày càng cần phải dân chủ hơn thì không lý do gì lại từ chối đa đảng.

4. Ông TBT Nguyễn Phú Trọng khi còn làm Chủ tịch Quốc hội, trong chuyến thăm Ấn Độ (2-2010) đã nói: “Thực tiễn các bạn thấy đất nước chúng tôi, chính trị, xã hội ổn định, nhân dân được làm chủ thực tế, quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ (...), đất nước phát triển ngày càng đi lên. Thực tế trong hoàn cảnh cụ thể đất nước chúng tôi, thực hiện một đảng vẫn là hiệu quả nhất”. Vậy có nghĩa là: khi đất nước không còn ổn định, không còn phát triển, cơ chế một đảng không hiệu quả, trong khi ấy, đa đảng sẽ tốt hơn, thì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không từ chối đa đảng. 

Phát biểu của GS. Vũ Minh Giang thực ra mang tính “nước đôi”. Tuy mang ý chí chính thống nhưng ông cũng không dám bác bỏ thực tế hiển nhiên. Vì vậy, ý này theo tôi là được:

Trong lịch sử Việt Nam kể từ khi sau cuộc Cách mạng tháng 8/1945, trong hệ thống chính trị từng có tồn tại một cơ cấu có những đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, lúc đó gọi là Đảng Lao động Việt Nam, thí dụ như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, v.v...

Cho nên tôi cho rằng việc ở đâu đó có những người hoặc có những nhóm người xuất phát từ những quan niệm, những mong muốn mà họ có những đề xuất này khác, tôi cho cũng là hiện tượng bình thường thôi”.

Ta biết rằng Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam tuyên bố “tự giải tán” (năm 1988) chứ không phải bị cấm hoạt động. Hai đảng trên, dù quyền lực rất hạn chế, đã đóng góp rất lớn vào công cuộc kháng chiến kiến quốc suốt gần nửa thế kỷ. Ít nhất họ cũng làm “bình phong” cho Đảng Cộng sản để đoàn kết các thành phần xã hội, huy động sức mạnh toàn dân tộc và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Đảng Dân chủ Việt Nam có nhiều nhân vật trí thức sáng giá: Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe, Nghiêm Xuân Yêm,... Đảng Xã hội Việt Nam cũng vậy: Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển,... Nhiều lãnh tụ hai đảng trên được Nhà nước trao Huân chương Sao vàng.

Nhưng đến ý sau, Giáo sư nói: “Lý luận của một nhóm nào đó nói đa thành phần kinh tế ở hạ tầng cơ sở thì cũng có thể mở đường cho nhu cầu đa nguyên, đa đảng xuất hiện tương ứng ở thượng tầng kiến trúc có thể chỉ là suy luận lôgic hình thức” thì Giáo sư lại rất dại dột. “Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng”, “kiến trúc thượng tầng phù hợp với “cơ sở hạ tầng”, đấy là nguyên lý “nằm lòng” của những người theo chủ thuyết Mác-Lê nin. Chẳng lẽ Giáo sư lại hồn nhiên phủ định?

Nói thêm

GS. Vũ Minh Giang nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang rất cần kiểm soát quyền lực”. Đó đúng là một thực tế. Nhưng đó chỉ là ý chí của Đảng, chính xác là bộ phận đang nắm quyền (và tất nhiên nắm lợi) của Đảng, chứ không phải nhu cầu của xã hội nói chung, của dân tộc nói chung, kể cả nhiều của đảng viên. Ngược lại, xã hội hiện nay có nhu cầu bức thiết kiểm soát quyền lực của Đảng (hay của bất cứ ai cầm quyền sau này). Chính quyền lực bao trùm của Đảng đã tạo nên đủ loại vấn nạn xã hội, kể cả vấn nạn cho chính Đảng, làm cho Đảng ngày càng thoái hoá. 

Xét quy luật phổ biến, tất cả các nhà nước dân chủ đều cần sự kiểm soát quyền lực. Nhà nước nào càng bị/được kiểm soát quyền lực thì càng tồn tại lâu dài. Trái lại, tất cả các nhà nước độc tài đều sụp đổ rất nhanh, như đã từng diễn ra với chế độ Tần Thủy Hoàng, Thành Cát Tư Hãn, Hitler, Polpot,... 

Mặt khác, chính Hiến pháp hiện hành quy định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Tại Hội nghị Trung ương V, ông TBT Nguyễn Phú Trọng còn nhắc lại điều đó. Quyền lực thuộc về nhân dân nghĩa là nhân dân có quyền lập hiến, có quyền chọn chế độ chính trị, chọn đảng cầm quyền, chọn các cá nhân vào các ghế quyền lực,... (Tất cả thông qua phiếu bầu). Điều 4 hiện nay cũng có thể có lý do tồn tại nếu được nhân dân bỏ phiếu. 

Tuy nhiên khi nói tới “nhu cầu kiểm soát quyền lực thì đã nói sang “cơ sở xã hội”, chứ không phải “cơ sở pháp lý” nữa.

Nếu sau đây GS. Vũ Minh Giang tiếp tục nói về “cơ sở xã hội”, tức là những nhu cầu hiện nay (đã có hay chưa) của việc đa đảng, thì sẽ rất hay. Bởi vì đấy mới là vấn đề. Hiến pháp, pháp luật hay mọi luật lệ nói chung đều do con người làm ra. Giả sử bây giờ việc đa đảng chưa có “cơ sở pháp lý” nhưng cuộc sống đòi hỏi thì hiến pháp, pháp luật cũng phải thay đổi để mở đường cho cuộc sống đi lên. 

Đ.T.T.


Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

[1] Chữ Tiền lệ theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, in lần thứ chín, 2003) là: “Việc xảy ra từ trước, tạo thành cái lệ cho những việc về sau”. Có những việc đã thành tiền lệ, phải theo. Tạo thành một tiền lệ cho sau này”. Như vậy cũng là một kiểu “cơ sở pháp lý”. Nhất là cái tiền lệ trên đã tồn tại khá lâu dài, rất đàng hoàng và hai đảng trên được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên dương công trạng.


Copy từ: Bauxite Việt Nam


...............................

Duy nhất chỉ có ở Hà Nội: Bộ đồng phục học sinh tiểu học giá hơn nữa triệu!

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao)Cho rằng nhà trường tự quyết định may đồng phục giá cao, không hợp với môi trường và túi tiền người nông dân, phụ huynh học sinh lên trường đòi gặp ban giám hiệu và báo tin cho Phòng giáo dục. (1)

Rất hài hước đáng xấu hổ, ví như những chuyện vặt vãnh hàng tôm hàng cá ngoài chợ, không đáng gõ vào Laptop. Tuy nhiên, không thể không nói lên để chúng ta cùng cười một thoáng cho vui với cái xã hội XHCN/CS (dù là ngành giáo dục) này để... xã “tress”.

Hơn mười ngày qua, người nông dân ba thôn, Bình Vọng, Văn Giáp và Văn Hội (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) bức xúc xoay quanh bộ đồng phục“kiểu mới”của học sinh trường tiểu học Văn Bình. 

Sẽ chẳng có gì để bàn nếu như mẫu mã và giá cả đồng phục vẫn bình thường như các năm trước. Tuy nhiên, hội phụ huynh gồm 3 người của nhà trường, đại diện cho ba thôn cùng với ban giám hiệu đã tự ý quyết định "đột phá" thay đồng phục với thiết kế “hiện đại” gồm bộ quần áo mùa hè váy áo với nữ và áo veston nam nữ cho mùa đông. Mức giá đồng thời cũng nâng lên gấp đôi so với năm trước: (lớp 1, 2) giá 629.000 đồng, (lớp 3) giá 661.000 đồng và (lớp 4, 5) giá 693.000 đồng.


Bộ đồng phục mẫu mà đại diện cha mẹ học sinh 
của 

ba thôn đã ký hợp đồng với nhà may. Ảnh: Hoàng Thùy


Phụ huynh của một học sinh lớp 4 khi nghe những phụ huynh khác nói về chuyện này, vội vã đến gặp cô giáo chủ nhiệm lớp để nói rằng: Gia đình khó khăn không đồng ý cho con may bộ đồng phục ấy nữa, thì được thông báo, số đo đã được gửi xuống nhà may, gia đình "cố gắng mua cho con".!? 

"Cô chủ nhiệm bảo đã thông báo đồng phục và giá tiền cho học sinh để về nói với bố mẹ, nếu trẻ không nói thì là do các cháu chưa hiểu”. Nhưng con tôi học lớp 4. Hỏi 10 đứa bạn thì cả 10 đều bảo rằng “cô giáo không nói gì về giá cả, chỉ biết là đi đo đồng phục theo lời cô giáo”, chị phụ huynh cho hay như vậy. (1)

Trường tiểu học Văn Bình. Ảnh: Hoàng Thuỳ

Một phụ huynh khác cho biết, cách đây nửa tháng chị có nghe nói về việc may đồng phục. Tưởng là vẫn may bình thường như đã thoả thuận vào cuối năm học trước nên chị không để ý. Tuy nhiên, đến khi con kể là quần áo đẹp, mặc thử trông như “cô dâu chú rể”, chị mới giật mình. Vội vàng đạp xe đạp lên nhà cô chủ nhiệm để hỏi thì được biết đồng phục học sinh năm nay đổi mới, giá cũng cao hơn. Cô giáo bảo “chị cố may cho con vì thằng bé rất thích”!?

"Tôi nhất quyết không đồng ý thì cô giáo bảo học sinh thích là được rồi. Tôi nói nếu đưa trẻ con ra chợ hỏi thích gì thì cái gì nó cũng thích", chị cho biết thêm, đồng phục năm trước vẫn còn dùng tốt vì mới mặc có vài lần, giờ lại may thêm bộ vest vừa đắt đỏ, vừa không phù hợp vì nó không đủ giữ ấm cho mùa đông.

Một phụ huynh có hai con đang học tại trường tâm sự, xã có khoảng 60-70% là nông dân, chỉ biết trông vào mấy sào ruộng nên lo tiền học đầu năm cho con đã rất khó khăn, thêm khoản đồng phục giá cao như thế này thì không biết xoay xở đường nào. Cuối năm học trước, phụ huynh lớp 3 còn không đồng ý may đồng phục mới vì đồ đã may năm trước vẫn còn dùng tốt, có những em mới mặc vài lần.

"Ngay cả may như cũ với giá 350.000 đồng chúng tôi còn không đồng ý. Cháu nào cần thì phụ huynh đăng ký thêm áo cộc tay thôi. Vậy mà đột nhiên các cháu về bảo đã đi đo quần áo, và khi chúng tôi hỏi cô giáo thì mới được biết giá là gần 700.000 đồng, tính ra là hơn 1 tạ thóc. Nhà trường có nghĩ đến phụ huynh khi đưa ra quyết định này không? Nếu hỏi ý kiến chúng tôi thì sẽ không bao giờ có sự đồng ý", vị phụ huynh này bức xúc.

Chị cho hay, ban đại diện hội phụ huynh gồm 3 người cũng không thể đại diện cho hơn 700 phụ huynh của toàn trường được. Nếu muốn thay đổi mẫu mã với giá cả tăng, cần phải họp công khai bàn bạc thông qua ý kiến của đông đảo phụ huynh. "Không thể có chuyện quần áo đã được may rồi thì nhà trường mới đưa thông tin tới cho phụ huynh và cho biết giá tiền. Như vậy là không tôn trọng phụ huynh", là đặt cái cày trước con trâu, chị nói và cho hay, hàng chục phụ huynh sau đó đã kéo đến trường để hỏi hiệu trưởng cho rõ ràng nhưng được nhà trường thông báo hiệu trưởng đi vắng.!?

"Ai cũng muốn con mặc đẹp, nhưng điều kiện của chúng tôi chưa có nên chúng tôi không thể đồng ý được. Thế nhưng nói chuyện với cô giáo các cô đều thuyết phục cố gắng thu xếp, vì nhà may đã may rồi. “Có người than vãn là 200.000 đồng tiền học còn chưa nộp được, lấy đâu tiền mua quần áo thì được cô chủ nhiệm doạ nếu không có đồng phục thì hôm khai giảng phải đứng ra ngoài hàng", một phụ huynh cho hay như vậy.

Dù không có con học ở trường nhưng một người dân trong xã cũng bức xúc. Bà cho rằng, nếu thiếu sách, vở thì học sinh sẽ không học được, nhưng nếu không có bộ quần áo đẹp thì các cháu vẫn có quần áo khác mặc. "May một bộ vest thì người nông dân không đủ sức, tại sao không cho các cháu dùng những bộ đồng phục của năm trước? Tôi thấy nếu nhà nào có nhu cầu, có điều kiện cho con ăn mặc đẹp thì cho đăng ký may, nhà nào đồng phục các cháu vẫn còn mặc được thì chưa cần may, để tiền mua sách vở cho con", bà nói. (1)

Tới đây thì chắc không khó lắm để chúng ta hiểu được tại sao ban giám hiệu nhà trường tiểu học Văn Bình lại “biến tấu” một bộ đồng phục “kỳ quái” cho học sinh cấp 1 trường mình như vậy, bởi: Đồng Phục “hiện đại” giá mới cao và “hoa hồng lại quả” từ nhà may cho ban giám hiệu mới nhiều. 

Họ bất chấp nỗi cơ cực của đại bộ phận người nông dân còn rất nghèo đồng bào với họ, mà hột cơm còn dính trong kẻ răng họ là từ mồ hôi nước mắt của những người nông dân lam lũ này! 

Thật hài hước càng học tập đạo đức tư tưởng Hồ Chính... Mi, bao nhiêu thì sự thể hiện vô liêm sỉ, thiếu đạo đức bấy nhiêu từ đám “học trò” của ông, ngay cả là thành phần “mô phạm, giáo dục” - họ không biết xấu hổ là gì khi thốt lên lời hăm dọa với phụ huynh và học sinh nghèo: “nếu không có đồng phục thì hôm khai giảng phải đứng ra ngoài hàng"!?





Copy từ: Dân Làm Báo