Thiền Lâm, viết từ Việt Nam
2013-03-29
Minh bạch?
Vào những ngày cuối quý 1/2013, trong bối cảnh giá dầu quốc tế đã
giảm đến 5%, còn nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa phát ra tín hiệu rõ ràng
nào về “thoát đáy”, ít nhất 100.000 doanh nghiệp mất lối thoát sau hai
năm suy thoái liên tiếp và nỗi lo thất nghiệp đã tăng vọt đến 32% so với
20% trong năm 2012, những người từng bị chỉ mặt điểm tên là “nhóm lợi
ích xăng dầu” lại quyết định tăng thêm 1.400 đồng/lít, đưa mức giá của
mặt hàng chiến lược quốc gia này “vươn lên một tầm cao mới” trong trang
sử thoái trào kinh tế trầm kha ở Việt Nam.
“Không thể hiểu nổi chính phủ này điều hành cái lối gì mà đời sống
dân tình cứ ngày càng bị áp lực nặng nề bởi thuế má hay chuyện tăng giá.
Bây giờ thì bất chấp luôn, ai phản ứng cứ phản ứng, xăng điện vẫn cứ
tăng ào ào. Thử hỏi như vậy thì làm sao gọi là nhà nước của dân và vì
dân nữa chớ?” - một người chạy xe ôm đã có tuổi ở Sài Gòn thốt lên, nước
mắt rưng rưng.
Cách đây chỉ hơn hai tháng, trong một cuộc họp với ngành công thương
và các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã một lần nữa nhẹ nhàng
chỉ đạo cho Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): “Vấn đề cốt lõi vẫn
là minh bạch, theo đúng giá thị trường. Làm sao đừng để những vấn đề
không đáng lại gây nên bức xúc”.
Chỉ hai ngày sau đó, tại cuộc họp báo thành lập Hiệp hội xăng dầu,
ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch hội đồng quản trị Petrolimex - đã bật lên
một trong những phát ngôn được xem là bất chấp nhất trong thời buổi rối
ren hiện nay: “Giá cả xăng dầu ở Việt Nam từ lâu được thực hiện theo các
quy định, nghị định và quyết định của Chính phủ. Chúng tôi cho rằng,
riêng về lĩnh vực xăng dầu, giá cả xăng dầu là minh bạch nhất trong tất
cả các loại hàng hiện nay”.
Một phát ngôn - đã từng được nhân dân đánh giá và kỳ vọng rất cao
“Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh
nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà phải vì nền kinh tế và hơn 80
triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ này” của Bộ trưởng tài
chính Vương Đình Huệ vào cuối năm 2011 - cũng vì thế chỉ còn đọng lại
trong tâm khảm người dân một ký ức nặng nề, bị bất chấp và chẳng có hy
vọng nào đổi thay.
Phục dựng
Trong báo cáo thường niên của mình, Tổ chức minh bạch quốc tế có lẽ
cần bổ sung một dẫn chứng về tính khí thích thay đổi từ những lần tăng
giá xăng dầu của Petrolimex - hiện thân của một trong những tập đoàn
quốc doanh lớn nhất, cũng bị xem là đặc quyền và đặc lợi điển hình nhất,
liên quan với những bộ ngành được coi là thần thế và thủ cựu nhất.
Theo một bài tường thuật của báo Tuổi Trẻ, trong một cuộc hội thảo về
giá xăng dầu vào cuối năm 2011, khi thấy ông Bùi Ngọc Bảo của
Petrolimex nhắc nhiều đến chuyện lỗ lã, ông Vương Đình Huệ - khi đó là
Bộ trưởng tài chính - đã phải ngắt lời, yêu cầu nêu rõ năm 2011 lỗ bao
nhiêu, từng mặt hàng lỗ lãi như thế nào.
Là người am hiểu về ngành tài chính, ông Huệ cũng đặt câu hỏi trực
tiếp về lý do lỗ: Petrolimex đã thực hiện chiết khấu cho đại lý đúng quy
định chưa?
Ông Bảo chưa kịp trả lời thì ông Nguyễn Cẩm Tú - thứ trưởng Bộ công
thương, có mặt với tư cách khách mời, đã chen ngang cho rằng: “Các định
mức cho chi phí kinh doanh xăng dầu đã quá cũ”. Giữa tiếng ồn ào của
những lời phát biểu chen ngang, ông Huệ truy vấn: “Thực chất từng mặt
hàng xăng dầu lãi lỗ thế nào?”. Ông Bảo khẳng định: “Chúng tôi không
tách ra từng mặt hàng giá lỗ là bao nhiêu mà tính tổng thể”.
“Tại sao lại không thể hạch toán riêng? Vậy các anh tính toán thế nào
để nói lỗ?” - ông Huệ truy vấn tiếp và phê phán việc Petrolimex không
nói lời lỗ từng mặt hàng là không thể chấp nhận được. “Không thể hạch
toán từng mặt hàng thì tôi không biết quản trị các anh thế nào…? Chúng
tôi sẽ yêu cầu báo cáo từng mặt hàng một chứ không có chuyện không biết
lời lỗ từng mặt hàng” - ông Huệ bức xúc và khẳng định.
Trong buổi hội thảo trên, cần ghi nhận một nhân tố đặc biệt là Thứ
trưởng Bộ công thương Nguyễn Cẩm Tú đã nhiệt tình một cách đáng kinh
ngạc khi bảo vệ cho quan điểm “lỗ” của Petrolimex: “Phải giải quyết cái
gốc là doanh nghiệp đang lỗ rất lớn. Nếu không giải quyết được vấn đề
này thì đừng hòng giải quyết được các vấn đề khác. Tôi đề nghị phải dùng
đầu nhiều hơn dùng tay chân, nghĩa là bớt đi biện pháp hành chính, từng
bước tăng giá, như thế bớt phải hội thảo”…
Nếu với cùng một Petrolimex, người dân đã không thể hiểu được doanh
nghiệp này thực chất lỗ hay lãi, thì trong cùng Bộ Công thương, hình như
lại tồn tại một mối bất hòa lớn lao khi vào tháng 9/2011, ông Tú thứ
trưởng khẳng định Petrolimex lỗ; còn vào tháng 11/2011, ông Hoàng bộ
trưởng lại khẳng định Petrolimex có lãi về tổng thể theo… bản cáo bạch
cổ phần hóa. Phải chăng đó là tư tưởng “dùng đầu nhiều hơn dùng tay
chân”?
Kết thúc cuội hội thảo về cơ chế kinh doanh xăng dầu đề cập ở trên,
ông Huệ đanh thép: “Nếu cần công bố gian lận, tôi sẽ công bố các gian
lận”.
“Vận động”
Trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam, gian lận xăng dầu cũng là
một nội dung bị xem có thể dẫn đến hậu quả “suy thoái về đạo đức và lối
sống”.
Mua bán xăng tại một cây xăng ở Hà Nội hôm 26/3/2013. RFA photo
Năm 2011 lại đã quá ấn tượng về lần đầu tiên sau hai mươi năm mở cửa
kinh tế, công luận mới biết tới khái niệm “nhóm lợi ích” gắn liền với
những chiến dịch lobby của nó.
Từ tháng 3/2011, các doanh nghiệp xăng dầu đã “vận động” Bộ công
thương và Bộ tài chính để được Chính phủ phê duyệt cho một đợt tăng giá
xăng dầu mới.
Nhưng rủi thay, cơ chế tăng giá đột biến và tham lam như thế đã như
đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát, vốn đang chực chờ bùng cháy.
Bằng mô hình tính toán Leontief, một số nhà khoa học Việt Nam xác
định được tác động của đợt tăng giá xăng dầu các loại ngày 29/3/2011 đã
làm cho chỉ số CPI tăng đến 1,6%!
Trước sức ép của lạm phát và làn sóng phản ứng dâng cao của nhân dân
cùng báo chí, nhóm lợi ích xăng dầu đã trở nên thận trọng hơn nhiều
trong nửa cuối năm 2011.
Nhưng đống lửa nào vẫn còn âm ỉ lớp tro kích nổ thì vẫn có nguy cơ
bùng cháy trở lại. Mối lo thường trực của người dân đã có cơ sở để biến
thành linh cảm thật tệ: không lúc này thì lúc khác, nhóm lợi ích sẽ
không bỏ cuộc và vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình tăng giá xăng dầu.
Một năm sau, vào đầu tháng 3/2012, một lần nữa các doanh nghiệp xăng dầu lại thành công trong đợt tăng giá.
Một khích lệ lớn cho Petrolimex chính là tiền lệ mà người bạn đồng
hành của doanh nghiệp này - Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) - đã tiên
phong thực hiện thành công ngay vào những ngày cuối năm 2011, khi giá
điện được đẩy lên 5% mà không gặp trở ngại đáng kể nào từ phía dư luận,
trong khi lại nhận được thái độ đồng thuận của “mẹ đỡ đầu” của nó là Bộ
công thương.
Những người am hiểu về “cơ chế chính sách” lại một lần nữa phải ngậm ngùi, khi cơ chế được sinh ra để phục vụ cho chính nó.
Con át chủ bài mà EVN tung ra vào sát tết dương lịch 2012 không phải
gì khác, mà chính là quyết định số 24 của Thủ tướng chính phủ, cho phép
nếu giá điện tăng trong phạm vi 5%, EVN chỉ cần thông báo với Bộ công
thương và Bộ tài chính; chỉ khi nào giá điện tăng trên 5% thì Chính phủ
mới can thiệp.
Khi Bộ công thương đứng ra thuyết minh cho hành động tăng giá điện
“hợp pháp” của EVN, người ta đã có thể hình dung sự thể rồi sẽ dẫn đến
đâu. Nếu chiến thuật của EVN tỏ ra hữu hiệu thì điều đó sẽ trở thành một
tiền lệ hiệu dụng cho Petrolimex.
Vào thời gian đó, không khí nghị trường lại bất ngờ nhuốm một sắc
thái thay đổi rất kín đáo và hết sức tế nhị, khi ngay cả bộ trưởng Vương
Đình Huệ cũng không còn biểu hiện phản đối quyết liệt trước ý đồ tăng
giá xăng dầu.
Dự cảm
Trong bối cảnh ông Huệ đã “dịu giọng”, những gương mặt lãnh đạo của Bộ công thương lại liên tục xuất hiện.
Một hình ảnh PR chính sách chăng?
Thực chất vấn đề của Petrolimex và mối liên đới Petrolimex - Bộ Công thương là như thế nào?
Làm sao người dân có thể tin rằng Petrolimex, trong khi công bố con
số lỗ trong năm 2008 đến 10.700 tỷ đồng, thì trong bản cáo bạch của đơn
vị này (được công bố vào tháng 7/2011 nhằm phục vụ cho hoạt động cổ phần
hóa) lại nêu ra số lãi 913 tỷ đồng cũng trong năm 2008?
Đúng như quyết tâm của Thứ trưởng công thương Nguyễn Cẩm Tú về phương
châm “từng bước tăng giá, như thế bớt phải hội thảo”, giá xăng dầu đã
được mặc định vào tháng 3/2013 mà không cần đến bất cứ cuộc hội thảo hay
trao đổi nào với giới chuyên gia và người dân.
Với đợt tăng giá xăng dầu thất thần ấy, một dự cảm rất xấu cho những
đợt tăng giá bất chấp tương tự sẽ diễn ra trong năm 2013, nhưng cũng gây
ra sự phản ứng bất thường và có thể cả biến động mạnh mẽ khó ngờ từ
phía người dân.
Nếu dự cảm trên là đúng, không thể nói khác hơn là bóng ma lạm phát
gần 20% trong năm 2011 sẽ lừng lững quay trở lại vào năm 2013, trở thành
một thách thức rất cụ thể, rất hữu hình đối với “quyết tâm” kềm giữ lạm
phát dưới một con số vào năm nay mà những người điều hành chính phủ vẫn
mải mê hứa hẹn trước các cử tri của họ.
Copy từ:
RFA