CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

TỚ LÀM CỐ VẤN BIỂU TÌNH BẤT ĐẮC DĨ

...ước mong cháy bỏng của mình cho đến hôm nay là mong các ông ấy (trong đó có rất nhiều người là đồng học, đồng khóa, đồng ngũ, đồng hương, đồng nghiệp của mình) sẽ :
MỘT NGÀY NÀO ĐÓ HÀNG NGÀN, HÀNG VẠN NGƯỜI SẼ NOI THEO PHẠM QUẾ DƯƠNG, VŨ CAO QUẬN, PHẠM ĐÌNH TRỌNG...MÀ RA TUYÊN BỐ: GIÃ TỪ CÁI CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN CẢ MỚI LẪN CŨ NÀY!
KHÔNG CẦN CÁC ÔNG XUỐNG ĐƯỜNG HAY LÊN ĐƯỜNG LÀM GÌ!
Chỉ cần như thế thôi, mình tin rằng sức mạnh của nó sẽ đủ giúp cho lớp trẻ noi theo đứng lên giật xập cả cái cơ chế cai trị kinh khủng nhất lịch sử loài người này!.
..

Nhật ký mở lại (mở lần thứ 19)

Ngày 10/12/2012

TỚ LÀM CỐ VẤN BIỂU TÌNH BẤT ĐẮC DĨ
 

Kẻ từ cái ngày tớ đi “tụ tập đông người không được phép” năm 2007 ấy, tớ xuýt mất mạng vì ức quá nên tụt huyết áp đột ngột tại trận, phải khiêng vào nhà văn hóa thanh niên Sè Gòn và ra về với kết quả chỉ là mấy cái entries, nặng về than thân trách phận cho một cái dân tộc đã đến lúc “mục mả” do bị cai trị bởi những kẻ yếu hèn không biết xấu hổ vì kẻ thù truyền kiếp đang ngồi trên đầu trên cổ mà vẫn ca “tình hữu nghị 4 tốt, 16 chữ vàng” như thể chẳng có chuyện gì xảy ra ở Trường Sa, hoặc từng xảy ra trên biên giới 6 tỉnh phía Bắc. 
Không những thế, hễ ai có ý định đi theo tiếng gọi ngàn xưa của Bà Trưng, Bà Triệu, của vua Quang Trung, Lê Lợi là đều bị coi là “lực lượng thù địch”, thậm chí bắt bớ bỏ tù , đi “cải tạo” để trở thành (người….thân Tầu?)…


Nhưng cũng nhờ trải qua những gì đã xảy ra tại Hà Nội và Sè-Gòn năm ấy tớ bắt đầu có những biến chuyển khá quyết liệt trong tâm hồn là:

- Tình hình cái…dân trí này,

- Tình hình cái thiếu thống nhất về mục tiêu, thiếu bàn tay, khối óc của một tổ chức hay cá nhân có uy tín với mọi thành phần trong xã hội như hiện nay,….

-Tình hình cái quyết tâm bảo vệ bằng được quyền và lợi cho cả ba đời con cháu của một nhóm lợi ích bằng bất cứ giá nào, kể cả nếu cần phải có Thiên An Môn thứ 2, họ cũng không ngại…

-Tình hình lực lượng “cóc nhái nhảy lên làm người”, nay được đứng trong tổ chức gọi là vô sản chuyên chính, còn Đảng còn mình, với những hưởng thụ gấp nhiều lần một giáo sư, bác sĩ (dù chúng có nói ngọng nói ngịu, nẫn nộn, nung tung), dù chúng chẳng biết hai ông tổ Mắc-xờ Lê-nin là ai!), nếu có ra lệnh bắn vào cha chú của chúng, chúng cũng sẵn sàng. 
Mà chúng thì đông vô kể, quân cũng như tướng, chưa kể bọn công-an-mật vụ không chuyên…chống dân biểu tình trận nào ăn tiền trận nấy.

-Và nguy hiểm nhất là bọn “ngậm miệng ăn tiền” sẵn sàng ra tay (làm gì không biết) nếu xảy ra ở giữa Sài thành này có một triệu người đổ ra đường!? (là ví phỏng xảy ra những năm 2007- 2008 thôi!) 

Vậy nên, thời ấy, mình mới đã có hai bài viết:

1-Hương Hoa Lài làm tôi nhức óc

2-Cơn ác mộng kinh hoàng 

Bầy tỏ sự chưa tán thành xuống đường lúc ấy bằng bất cứ giá nào, không cần ai, tổ chức nào lãnh đạo gì xất!

Kết quả là mình đã bị “ném đá” không thương tiếc! Thậm chí còn bị những tên lưu manh chính trị cho là mình đã tự đánh rơi mặt nạ là…”Đại Úy Công An văn hóa trá hình”! (Đại Úy với mình thì hơi….thấp quá nhỉ!?)

Năm năm trời đã trôi qua, ông “đại úy công an văn hóa việt cộng” vẫn sống lay lất với đồng lương hưu còm cõi và cái xe bánh mỳ của bà xã đầu đường…và vẫn viết về những gì con tim, bộ óc tưởng đã mấy lần muốn lịm tắt…Nhưng vẫn còn đưa ra công luận những gì có thể ghét, yêu, căm thù…

Và cuối cùng sau mấy trận sống đi, chết lại trong năm qua làm mình đã có thêm cả ngàn người yêu mến và tin tưởng …

Và sáng nay, 3 bạn trẻ, ở tuổi con, tuổi cháu mình đã đến tận nhà báo cáo về những gì họ đã trải nghiệm qua lời khuyên của “cố vấn” biểu tình là tớ!

Số là hôm 8/12/2012, hai trong ba bạn này đã đến tận nhà tớ để xin vài lời khuyên trước khi, lần đầu thấy cần phải vứt đi nỗi “sợ” để xuống đường, biểu tình chống bọn Trung Cộng xâm lược, vì như lời kêu gọi của blogger HNC “Tình hình đã nguy câp quá rồi! Không thể để một mình chính phủ lo nữa!

Lần này, rút kinh nghiệm cách đây 5 năm mình đưa ra một số ý kiến đặc biệt khác, và : HOAN NGHÊNH SỰ DŨNG CẢM CỦA CÁC BẠN, rồi chúc các bạn lên đường ngày mai “đi thông về suốt”. Nghĩa là hoàn toàn tán thànhviệc hy sinh và có thể mất công ăn việc làm, hoặc bị đuổi học…có thể xảy ra cho họ!

Mình còn đưa ra những dự đoán như sau :

1- Sẽ chẳng có ông nào có tí tên tuổi đứng lên” lãnh đạo” có mặt đâu, vì hầu hết sẽ hoặc bị mời lên “trên” làm việc hoặc bị ngay dưới cơ sở cớm chìm, cớm nổi sẽ bao vây, thậm chí gây sự, dùng võ lực mời về đồn …cho đến hết giờ biểu tình,…

2- Do địa điểm, giờ giấc tập trung đều công khai trên mạng trước cả mấy ngày thì lẽ nào họ để các đồng chí …“hảo hảo hảo hảo với họ” bực mình! Họ sẽ tìm đủ mọi cách để phá tan biểu tình ngay từ khi chưa bắt đầu !

3- Tớ không thể tin được những vị đã ký tên kêu gọi biểu tình đủ cái “uy” để tập hợp được như mong muốn lấy khoảng….1000 người vì: Ngay chưa biểu tình đã có những người viết trên mạng, lên án ngay các vị ấy là “tội đồ góp phần cho việc mất nước của VNCH” là tay sai cho Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận GPMN ngày nào“! Mà bằng những lời lẽ còn sặc mùi căm hờn khôn nguôi! Không một vị nào “có cỡ” để “đồng bào miền Nam cũ” tin là “phản tỉnh” thứ thiệt cả! Số người tham gia theo tớ, được 200 là…tốt lắm rồi!

4- Lần này chắc chắn sẽ không có đàn áp dữ dội, không có khiêng người vứt lên xe, không có đạp vào mặt, nện dùi cui…. Vì ông anh đã “chơi cha”đàn em bốn cú liên tục, đã làm cho mấy chú giun lờ đờ cũng phải hơi biết……quằn tí chút! 
Nhưng dứt khoát đố ai đi thoát khỏi những ngả đường đã có rào chắn với cả ngàn hùm, sói gầm ghè đứng chặn, trừ …bạo động xảy ra….(khả năng này chắc rất ít)…

Cuối cùng tớ lại đưa cái kết luận (giùm) kiên trì của tớ ra là :

A-Chống Trung Quốc tức là chống Đảng- chống Nhà Nước Việt Nam hay cụ thể hơn là chống 14 người trong Bộ Chính Trị! Cho nên…Bằng bất cứ giá nào cũng không thể nhân nhượng! Phải ngăn chặn! ngăn chặn! Nhớ lấy! Nhớ lấy!

B- Không bao giờ có thể lật đổ được họ bằng biểu tình trừ chính nội bộ họ dùng biểu tình để thịt nhau!

C- Đi thì cứ đi như tớ năm 2007, nhưng đừng có…buồn (!) hoặc huyết áp trồi sụt bất tử vì tuổi trẻ các cậu luôn cần nạp năng lượng yêu nước và lòng căm thù quân bán nước để chờ một ngày nào đó, thời cơ có thể đến bất thình lình lình ….Ví dụ chính bên đất Tầu, chính người cộng sản mô-đéc theo kiểu Tầu với phương châm “mèo trắng mèo đen” bỗng nổi hứng lên cho nhau dựa cột cả lũ….
Lúc ấy, không tỉnh táo, nhanh tay, nhậy bén chính trị…Việt Nam khéo lại rơi vào tay lãnh đạo của mấy tay cơ hội đủ loại thì….khốn!

Đó là tóm tắt những gì tớ đã cố vấn cho họ...Tuy nhiên tớ thú thiệt vẫn hy vọng….biết đâu đấy sẽ thành “đám cháy lớn” khi những “ngọn lửa nhỏ” này đã gạt hết mọi sợ hãi để quyết xuống đường…

Thế nhưng…

Giờ đây, ngồi trước mặt tớ là hai bạn, (trừ một bạn nữ phải lên lớp), ngày hôm qua mới coi tớ như “cố vấn”…Bạn nào cũng nói đi nói lại câu : “Buồn quá chú ơi!” Và họ giốc mọi thất vọng ra cho tớ nghe :

- Chẳng làm được cái gì hết!

- Nó tổ chức phá từ rất sớm! Các đường phố đều có ba-ri-e , Thềm nhà hát lớn chúng cho một dàn kèn bu-dích quân đội thổi lăng nhăng cùng với loa của bọn công an mời giải tán cho…. đúng pháp luật!
mấy anh xưa lẫm liệt xuống đường chống Mỹ, chống VNCH nay gan dạ được như cụ bà Lê Hiền Đức chưa?

âm binh quái thú áo sọc xanh trắng trà trộn vào đoàn biểu tình hát nhăng cuội mấy bài trẻ con như Cháu lên ba, Một con vịt...để gây nhiễu- Ảnh: CLS, từ DLB

...rồi a hét, lu loa lao vào cướp giật băng rôn

-Ngoài ông Huỳnh Tấn Mẫm và nhà báo Lê phú Khải, nhà thơ Lưu Trọng Văn có mặt, nhưng không ai nói nổi một câu nào vì cái quân “phá biểu tình” nó đồng ca từ “Bắc kim thang cà lang bí dợ …” đến “Bé lên ba bé đi mẫu giáo”, “một con vịt xòe ra hai cái cánh”..rồi hò nhau “Thôi về thôi!”

Mình cứ để hai bạn kể và….chửi thoải mái rồi mới hỏi (có chủ định)

-Thế “phe ta” không có cái loa pin nào à !

-Không! Tuyệt đối không! Mà có thì ai là người giữ loa cầm trịch? Ai phát biểu và phát biểu cái gì? với ai? –Không biết!?

-Có ông giáo sư Tương Lai có ý định phát biểu trước đồng bào nhưng «nó» mời lên đồn «ngồi chơi xơi nát» mất rồi nên.....tất cả ....chẳng có mấy người hô khẩu hiệu gì cho mọi người hô theo cả!

- Duy nhất có một bạn trẻ có cái khẩu hiệu con con thì «bọn nó» xúm vào giật rách bươm thế là...Hết! cứ như một đám người tò mò đứng xem một tai nạn xe cộ vậy!

- Và rồi tất cả chẳng ai bảo ai, cứ lặng lẽ rút lui...Buồn cho cái «văn hóa biểu tình» ở xứ Sài thành ngày xưa từng lừng danh trong các cuộc biểu tình «chống Mỹ»!

- Mà so ngay với Hà-Nội, qua các video clip thì Hà Nội ít nhất cũng có tổ chức hơn Xè gòn! Họ còn chuẩn bị băng rôn, cờ quạt, micro, loa, còn có bà Lê Hiền Đức «quyết đổ máu phen này» với bọn cố tình ngăn cản bà, mà bà vẫn đã cố thoát ra được Nhà Hát Lớn để lên tiếng «Đả đảo!» cho mọi người hô theo!

-Mình vội lên tiếng: «Cũng chẳng đi đến đâu! Cuối cùng thì vẫn là mấy gương mặt thanh niên nam nữ nhiệt tình cũ, Không tìm thấy thêm những gương mặt «sáng giá» nào mới, ngoài nhà báo trẻ...Đoan Trang và cô Bùi (thị Minh) Hằng!”! 
Chẳng lẽ tất cả đều không có cái «tài trốn đi biểu tình» của ông Huỳnh Tấn Mẫm trong Xè-Gòn? Chẳng lẽ ngoài ông t/s Nguyễn quang A ra, tất cả các nhân sỹ Bắc Hà đều bị giam lỏng ở nhà hết? Đâu rồi các nhà nọ nhà kia, văn thơ nhạc...tướng này tá nọ, giáo nọ sư kia nghiên này, cứu nọ, nhân nọ sỹ kia?
Đâu rồi các blogger và chủ các trang web rất giỏi viết, lý luận cực kỳ? Chẳng lẽ viết và nói là một đằng còn trực diện đấu tranh với quân cướp nước và bán nước là việc chỉ của những Lã Việt Dũng, Nguyễn Tường Thụy... ???
Chẳng lẽ họ cũng bị «đóng đanh» tại giường như tớ ở cái tuổi sắp 86?!
Và mình nhắc lại cái ý mà mình từng bị ném đá:
CHỪNG NÀO ĐI ĐẦU ĐOÀN BIỂU TÌNH KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG CÁI TÊN « KHÔNG THỂ BẮN, KHÔNG THỂ BẮT» thì mọi thứ, từ « xin phép » hay « tự động biểu tình » không bao giờ có được ép-phê như mong muốn. 
Lý do muôn thuở « CHỐNG TRUNG QUỐC LÀ CHỐNG CHÍNH HỌ » 
Họ biết thế và tự cảm nhận được dù ai đó có « kính gửi », « kính thưa » « kính xin », « ký tên tuyên bố » này nọ, dù có bảo đảm là « chúng tôi đang chống xâm lược để ủng hộ các anh, để các anh làm tốt hơn công tác ngoại giao !!! ». Nhưng...chúng tao chả chơi dại! Biết đâu đấy lại..... mất hết ngai vàng, tài khoản tỉ tỉ đô-la mà các « nhóm lợi ích tốt » đã nắm giữ!!! 

Thú thật mình rất buồn khi phải viết ra những điều này và ước mong cháy bỏng của mình cho đến hôm nay là mong các ông ấy (trong đó có rất nhiều người là đồng học, đồng khóa, đồng ngũ, đồng hương, đồng nghiệp của mình) sẽ : 
MỘT NGÀY NÀO ĐÓ HÀNG NGÀN, HÀNG VẠN NGƯỜI SẼ NOI THEO PHẠM QUẾ DƯƠNG, VŨ CAO QUẬN, PHẠM ĐÌNH TRỌNG...MÀ RA TUYÊN BỐ: GIÃ TỪ CÁI CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN CẢ MỚI LẪN CŨ NÀY!
KHÔNG CẦN CÁC ÔNG XUỐNG ĐƯỜNG HAY LÊN ĐƯỜNG LÀM GÌ!

Chỉ cần như thế thôi, mình tin rằng sức mạnh của nó sẽ đủ giúp cho lớp trẻ noi theo đứng lên giật xập cả cái cơ chế cai trị kinh khủng nhất lịch sử loài người này!

Bây giờ thì..... «Buồn ơi chào mi!» đi!

Họ đã ra đến ngoài hành lang rồi mà mình vẫn nghe một câu nói vẳng tới: «Ông già gân phán đoán chẳng sai chỗ nào!»

Chẳng biết mũi có nở to hay không, nhưng xem xong trận Manu-Man city dù đã 12 giờ đêm, tớ gắng ngồi ngay vào ky bót để gõ xong cái entry này đây!

Ngày 11/12/2012
TỚ, "KHÁN GIẢ" CỦA 12 NGÀY ĐÊM ĐÁNH NHAU VỚI B52 XIN...CÓ Ý KIẾN!

Mấy hôm nay, các phương tiện truyền thông lề đảng liên tục đăng bài, đưa hình ảnh, tổ chức cho các nhân chứng lịch sử phát biểu về cái «chiến dịch Điện Biên Phủ Trên Không» cách đây 40 năm!

Thôi thì đủ thứ tài tình của Đảng ta về chiến lược, chiến thuật, nào là về nghệ thuật quân sự, nào là 4 mũi giáp công để đánh thắng trận Điện Biên Phủ Trên không, nào là buộc Đế Quốc Mỹ và tay sai phải ngồi vào bàn hội nghị ký kết «Hiệp định Lập Laị Hòa Bình và Chấm dứt chiến Tranh ở Việt Nam», buộc quân Mỹ phải «rút lui nhục nhã», tạo điều kiện cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn...

Chao ôi! Toàn những lời lẽ đã được viết trên sách vở báo chí của họ cả 40 năm qua! Một chứ mười thằng Mỹ mà gặp phải cái sự tài tình vô biên của «Bộ Chính Trị Đảng ta» thì cũng đi tiêu luôn! 
Cho nên, hôm nay Đảng được quyền làm vua, muốn gì được nấy, bất khả xâm phạm là cái lẽ thường tinh! Thằng nào phủ nhận cứ là chộp đi tù hết!

NHƯNG KHÔNG! Không phải như thế!

Tớ, nhân danh một người có cái đầu biết nghĩ, có cái tim biết rung động, và có cái «gan» dám nói ra những điều mà khối người nghĩ như tớ mà chẳng dám hé môi, xin tuyên bố: 

Theo tớ:

CHIẾN DỊCH 12 NGÀY B52 DỘI BOM MIỀN BẮC VIỆT NAM KHÔNG HỀ CÓ MỘT MỤC ĐÍCH QUÂN SỰ NÀO! 
Mỹ cũng chẳng muốn tiếp tục tham chiến, mà ta cũng chẳng mong tiêu hao bớt không lực Hoa Kỳ để đọ tài nghệ thuật quân sự làm gì!
Tất cả chỉ nhằm mục đích là kéo phái đoàn Lê Đức Thọ trở lại Paris để ký kết cho xong cái Hiệp Nghị đã hoàn chỉnh và ký tắt, trừ một điều khoản chưa thống nhất mà quan trọng bậc nhất là «phía Mỹ phải bồi thường chiến tranh với số tiền là...tỷ ??? đô-la....».
Chính cái sự bế tắc tạm thời này mà hai bên đều tạm nghỉ, để chuẩn bị một «ván cờ chính trị bằng ...bom đạn» cuối cùng, mà nguời Mỹ đang nóng lòng chấm dứt ngay cái cuộc dính líu "tốn kém tiền bạc và mạng người nhất trong lịch sử của nước Mỹ" 

Trong cái tháng 12/1972 đó, chẳng phải chỉ có những cán bộ tuyên huấn như tớ, không ai là cán bộ nhà nước ở miền Bắc mà không phải học qua chiến lược, chiến thuật «Bốn mũi giáp công» của Đảng ta! 
Nghĩa là: Trên chiến trường càng đánh mạnh thì trên bàn hội nghị càng dễ cho "ta"... mặc cả. Cú 4 mũi giáp công lần này không ngờ lại được chính người Mỹ mang áp dụng ngay vào những ngày cuối tháng 12 năm 1972!

Chiến trường miền Nam chưa dọa được nổi ai thì ở miền Bắc, Nixon đã ký lệnh tiến hành ngay chiến dịch «Linebacker 2» đe dọa «đưa miền Bắc VN trở lại thời kỳ đồ đá» như H. Kissinger đã công khai báo trước!(«push the Viet Nam to the Stone age»)! bằng cuộc tấn công từ trên trời suốt 12 ngày đêm bằng đủ loại máy bay gồm cả B52 rải thảm ở trên 140 địa điểm của 5 thành phố! Chỉ riêng Hà Nội, 67 xã ngoại thành (nặng nhất là Yên Viên), 19 trận địa tên lửa, 14 trận địa phòng không, 8 sân bay đã bị dội 36.000 tấn bom.
Làm chết (theo "ta") là 4025 người và (theo Mỹ) là 2200 trên 5 tỉnh bị bom B52, mà chỉ riêng Hà Nọi là...1.318 người!

Thiệt thòi về vật chất, cầu đường, kho tàng quả là to lớn nhưng so với khối lượng hơn 36.000 ngàn tấn bom đổ xuống (bằng tất cả số bom Mỹ đã đổ xuống hai miền VN từ 1961 đến 72) thì sao cái số người chết lại quá ít thế nhảy? «Thằng Mỹ có mắt như mù», «B 52 là bê quăng sai» (*) thật sao? Trường quân sự Mỹ đào tạo ra toàn thứ vô tích sự thua cả một anh nông dân chính cống Thái Bình lái máy bay sao?
"Hiện đại thế này mà chỉ rải thảm ở...ngoại thành bởi vì...Sợ dân nội thành quá hay sao?
Là người chứng kiến từ đầu đến cuối không sót một trận nào trên một sân thượng đường Quan Thánh của nhà đạo diễn điện ảnh Đỗ Ngọc: tớ xin nói thẳng một điều mà người ta sợ chạm đến nhất, ĐÓ LÀ:

TRƯỚC SAU NHƯ MỘT KHÔNG QUÂN MỸ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP ĐÁNH VÀO KHU DÂN SỰ!

Điều này giải thích tại sao dân Hà Nội trong đó có tớ thì.., «dù ai đi đâu thì đi, Quyết tâm ở lại một ly không rời!». 
Trong những ngày mà người ta hô hoán lên, tưởng như Hà Nội sắp bị san thành bình địa ấy, tớ và bạn bè, đặc biệt những anh em trong dàn nhạc của xưởng phim truyện (ngày ấy còn trẻ hơn tớ nhiều nên nay chắc khối người còn sống) chắc không thể nào quên! 
Tất cả chúng ta đều ra ngồi ngắm cái «trò chơi nắn gân chết người» bên bờ hồ Tây ngay cạnh studio của xưởng, đúng vào những ngày thu thanh âm nhạc cho phim "Bài ca ra trận” của tớ (Đạo diễn Trần Đắc) 
Chẳng anh nào có lấy một cái hầm cá nhân! Anh nào cũng yên chí «Mỹ nó đánh có mục tiêu cả đấy!» hoặc "Nếu bị tên bay đạn lạc thì có đi sơ tán hay xuống hầm cũng chết vì...có số cả thôi"! 
Như ông Đại sứ Santini và cô nhân tình nào đó đã bị Thần chết điểm danh nên mắc phải «tên bay đạn lạc»! Chứ Sức mấy mà Mỹ nó dám làm cỏ cả gần trăm cái sứ quán! Có mà chính trị...Rồ! 
Cho nên: Cách tránh máy bay Mỹ tốt nhất chính là...ở lại Hà Nội! Thậm chí có nhiều gia đình cơm nắm, muối vừng lên cạnh hai sứ quán Liên Xô và Trung Quốc trải chiếu nằm la liệt suốt đêm ngày!

Nói trắng ra rằng, Không lực Mỹ đã có lệnh nên cố tránh hết sức các mục tiêu phi quân sự
Một vài nơi như mặt sau phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai đều do cảnh tên bay, đạn lạc, né tránh tên lửa, pháo cao xạ mà xảy ra. Chưa kể có đêm, khán giả đã chứng kiến cảnh lạnh người tên lửa ta vừa phóng lên bỗng vì sao chẳng biết không bay lên tới đích mà lại bay vòng cầu, rớt trúng một khu dân cư nào đó ở ngoại thành! Trừ bọn tớ, ai nghe nổ đùng trên đầu chẳng cho là... bom địch!

Còn chuyện sơ tán ư? Có những bài phơi-ơ-tông viết cứ như thật của mấy anh ký giả «nghe kể lại rồi tán láo»...thì...đúng là không mấy ai biết được rằng:

a-/Hà Nội đã bắt buộc phải đi sơ tán từ lâu! Ngay gia đình tớ cũng có 3 nơi sơ tán vì 3 con phải đi theo 3 trường!
Dân số Hà Nội lúc ấy chẳng còn được nửa triệu người. Đặc biệt qua bao năm sống dưới chế độ bao cấp sau "cải tạo XHCN", mất tất tần tật rồi, có ai còn gì đâu để mà thương tiếc! Có cái xe đạp là quý nhất với một cuốn sổ gạo và một nắm tem dầu, mỡ, đậu phụ, là...hấp lên đường!
Chính cái không khí «hòa bình đến nơi rồi» đã làm nhiều người «hồi cư» sớm tí chút nên mới có chuyện một đêm 18/12/1971 di tản được 50 vạn người! Nhưng Trở lại nơi sơ tán mới đúng là tính chất của cái đêm đáng nhớ ấy!

Chẳng cần lệnh liếc, chẳng cần phải tổ chức đội đoàn..., chẳng cần ai "lãnh đạo", mạnh ai thì cứ «vô tư» trở về nơi sơ tán! Ai có xe dùng xe! Ai chạy bộ thì chạy bộ!...

Cho nên, các con đường dẫn ra khỏi thủ đô, tối hôm đó đều...«vui như trẩy hội»!
Con nít vừa đi vừa chạy trên đường sáng trăng, đuổi nhau la hét om sòm. Tớ cũng cảm thấy rất vui khi trực tiếp chứng kiến cái cảnh này do cũng phải đưa đứa con út về nơi sơ tán vì nó cũng như nhiều học sinh khác cứ tưởng hòa bình đến nơi, nên nhân ngày nghỉ lễ, mò về Hà Nội thăm nhà! Nào ngờ! Nói phỉ phui, nếu Đế Quốc Mỹ chủ trương giết người thì chỉ đêm đầu tiên, nó có thể tiêu diệt cả ngàn người trên những con đường dẫn ra khỏi Hà Nội như chơi!
Nhưng may thay, cho đến gần sáng, khi xuất hiện những chiếc ô-tô đủ loại đuổi theo đoàn người đi sơ tán tự động, mới các cháu "ưu tiên lên xe", tất cả không hề xảy ra một chuyện đáng tiếc nào!

Vậy mà người ta cứ nói «phóng» lên sự thần kỳ của cuộc di tản trong một đêm của nhân dân Hà Nội dưới dự lãnh đạo và tổ chức tài tình cuả Đảng đã đập tan âm mưu của «Đế Quốc Mỹ»! Ôi! tuyên truyền nhồi sọ láo toét cho ba cái anh nông dân i-tờ-rít cách đây 40 năm nay mang ra diễn lại với dân Việt thời @ này! Đúng là họ ...liều thật !

Tóm lại VỤ 12 NGÀY ĐÊM, chính phía Mỹ đã dùng chiến thuật ĐÁNH ĐỂ ĐÀM của Việt Cộng một cách hiệu quả hơn «ta» chứ chẳng nhằm mục đích quân sự nào cụ thể! Và họ đã ép «Ta» phải trở lại Hội Nghị Paris bằng cái giá tiền, của, và sinh mạng của cả 2 bên không rẻ chút nào!

Bản hiệp ước Paris vẫn được ký mà vẫn không có được sự đòi hỏi của phía Việt Nam là Bồi Thường Chiến Tranh! Chẳng thêm cũng như bớt được điều gì so với bản ký tắt do ông Sáu Thọ mang từ Paris về mà bọn mình đã phải học để mà..."quán triệt" để mà viết baì ca ngợi sự tài tình của Đảng-Bác (dù bác đã chết cả 3 năm rồi)!

Không những thế, nó đã đánh dấu một thời kỳ lịch sử đau thương mới của dân tộc Việt: Đó là sự rút lui khỏi một cuộc chiến bị khoác cho là «xâm lược» của người Mỹ, để lại cho mảnh đất hình chứ S một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn thêm hơn ba năm nữa mang tên «Chiến tranh giải phóng» nhưng thực chất là cuộc chiến để cộng sản hóa khắp vùng Đông Nam Á này!!!

Chính cái thắng lợi 1975 của những người cộng sản miền Bắc đã đưa cả dân tộc Việt này vào chỗ «không thể hòa hợp» cho đến hôm nay và...cho đến...«bao giờ...cho đến bao giờ!» bắt đầu từ cuộc «nắn gân nhau» bằng xương máu của hàng vạn con người...là như vậy đấy!

Là nhân chứng lịch sử còn sót lại («eyes and ears witness»), mình càng thấy «đau» hơn khi người ta đã liều lĩnh bóp méo sự thật, để lừa gạt những thế hệ hôm nay và mai sau! 
Và mình quyết phải nói lên, dù mới chỉ nói ra được mới có 1/10 sự thật!
Ai còn sống sót đến ngày hôm nay hãy bổ xung cho lớp trẻ hôm nay được rõ thêm kẻo cứ phải nghe mấy ông già, dù ít tuổi hơn mình, nhưng hầu hết đã lẩm cẩm hết hơi, đang lên Tivi nói ra những điều mà tớ bỗng dưng thấy cần phải viết ngay entry này./.

(*) Tất cả những con số tớ đều tra cứu nghiêm túc từ Google (cả ta lẫn Mỹ)! Sức mấy mà tớ nhớ được! Tuy nhiên không tin thì các bạn cứ tra cứu mà xem. Còn nhiều chuyện hay vô cùng!

Copy từ: NS Tô Hải

Điểm mặt 10 quốc gia nghe lén điện thoại của dân

10 quốc gia nghe lén điện thoại của dân


Báo The Epoch Times xuất bản tại Hoa Kỳ vừa ra một danh sách 10 quốc gia, nơi chính quyền bị cáo buộc thường xuyên nghe lén điện thoại di động của công dân.
Danh sách này được tập hợp dựa trên thông tin của một số tổ chức theo dõi nhân quyền như Freedom House. BBCVietnamese xin giới thiệu để quý vị tham khảo:

Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc lâu nay đã kiểm duyệt internet, nhất là các mạng xã hội, bằng tường lửa và hệ thống từ khóa bao gồm các từ nhạy cảm về chính trị.
Trung Quốc cũng vận hành một hệ thống theo dõi khổng lồ đối với thị trưởng điện thoại di động đang ngày càng lớn ở trong nước.
Tổ chức Freedom House nói thị trường điện thoại di động của Trung Quốc thuộc loại “bị kiểm soát chặt nhất” trên thế giới, với hơn 672 triệu thuê bao của mạng China Mobile, 212 triệu của China Unicom, và 138 triệu của mạng China Telecom. Cả ba nhà cung cấp này đều do nhà nước quản lý.
Theo sau các vụ tự thiêu của người Tây Tạng, chính phủ Trung Quốc đã cắt sóng điện thoại di động tại các khu vực ở Tây Tạng, theo tổ chức Reporters Without Borders.

Belarus

Belarus, quốc gia được mô tả như chính thể độc tài cuối cùng còn sót lại ở châu Âu vì chính sách cầm quyền hà khắc của Tổng thống Alexander Lukashenko, thực ra cấm không được theo dõi liên lạc bằng điện thoại.
Thế nhưng giới chức nước này vẫn thực hiện công việc trái pháp luật này với lý do "bảo vệ an ninh quốc gia". Năm 2001, ông Lukashenko đưa ra chỉ thị đặt internet vào danh sách các mối nguy cơ, cho phép nhà chức trách theo dõi các hoạt động trên mạng của người dân.
Freedom House cho hay rằng các tin nhắn SMS hay các cuộc gọp của giới bị cho là bất đồng chính kiến ở Belarus thường xuyên bị theo dõi.

Syria

Trong 20 tháng qua, tình hình ở Syria ngày càng trở nên tồi tệ, ngày càng giống một cuộc nội chiến giữa các phe nhóm phiến quân và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Một số lớn các nhân vật đấu tranh chống chính phủ đã bị bắt sau khi điện thoại di động của họ bị an ninh Syria theo dõi và dò tìm.
Chỉ có hai hãng điện thoại di động ở Syria, trong đó lớn nhất là Syria Tel của chính phủ. Hãng này nay đã chặn các từ khóa nhạy cảm trên các tin nhắn SMS, trong có các từ “biểu tình” và “cách mạng”.
Chính phủ sử dụng kỹ thuật Blue Coat để sàng lọc các điện thoại di động cũng như các ISP cố định. Nhiều nhà hoạt động Syria và phiến quân đã dùng điện thoại di động để quay phim rồi tung lên YouTube hay các website tương tự.
Quảng cáo điện thoại di động của Trung Quốc
Trung Quốc đi đầu về các hệ thống theo dõi
Chính quyền Syria thường xuyên chặn các kênh liên lạc như intenet và điện thoại di động để lọc thông tin mà họ cho là khơi gợi biểu tình.

Iran

Cộng hòa Hồi giáo Iran là một trong các nước tự cô lập nhất thế giới, với mạng internet bị kiểm soát chặt.
Các blogger, nhà đấu tranh nhân quyền và phóng viên thường xuyên bị an ninh quấy nhiễu, nhiều người bị tra tấn và đối xử tàn tệ.
Hãng tin Reuters hồi tháng Ba cáo giác rằng tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE đã bán một hệ thống theo dõi hết sức tinh vi cho tập đoàn Viễn thông nhà nước Iran nhằm nghe lén điện thoại kể cả điện thoại di động và kiểm soát internet. Reuters dẫn nguồn giấu tên làm việc cho dự án này nói nhà cầm quyền nay có thể theo dõi các cuộc điện đàm, tin nhắn và internet.
Phe đấu tranh dân chủ nói có nhiều trường hợp chính phủ Iran dò bắt được các nhà hoạt động dựa trên các cuộc trò chuyện trên điện thoại và hoạt động của họ trên internet.

Việt Nam

Với sự bùng nổ của mạng internet ở Việt Nam, chính quyền cộng sản đã gia tăng sàng lọc thông tin bằng các phương cách hợp pháp và các quy định.
"Giới chức Việt Nam nghe trộm các cuộc đàm thoại và theo dõi cuộc gọi từ các số mà họ cho vào danh sách đen, như của các nhà bất đồng chính kiến hay các tổ chức chống đối."
Freedom House
Mục tiêu theo dõi là các tài liệu bị cho là đe dọa cho an ninh quốc gia hay cho chế độ.
Theo Freedom House, giới chức Việt Nam "nghe trộm các cuộc đàm thoại và theo dõi cuộc gọi từ các số mà họ cho vào danh sách đen", như của các nhà bất đồng chính kiến hay các tổ chức chống đối.
Dịch vụ điện thoại di động của những người bị cho là phản động cũng thường xuyên bị cắt.
Hồi tháng Chín, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai đe dọa sẽ trừng phạt các blogger chống đối. Nhiều người đăng tải bài viết chống chính phủ trên internet bị liệt vào diện khủng bộ. Theo Reporters Without Borders, 24 nhà báo và blogger hiện đang bị bắt giữ ở Việt Nam.

Uzbekistan

Quốc gia Trung Á Uzbekistan là một trong các quốc gia có quy định kiểm duyệt nghiêm khắc nhất thế giới, tuy chính phủ trong nước luôn bác bỏ điều này.
Uzbekistan sử dụng các cơ chế khá tinh vi để kiểm soát internet và có tin rằng chính phủ có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet công bố chi tiết về người sử dụng, bao gồm cả tên họ, địa chỉ... Nhiều website chứa thông tin đối lập bị đóng cửa.
Freedom House nói chính phủ cũng có thể đòi cá chãng điện thoại di động cung cấp chi tiết cụ thể về các thuê bao, ngay cả khi họ không làm gì sai phạm.

Ethiopia

Tiếp cận internet ở Ethiopia còn hạn chế, chỉ có chưa đầy 400.000 người truy cập được mạng internet trong năm 2009. Tuy nhiên nhiều blogger cho rằng họ bị theo dõi.
Nhiều cafe internet trong nước bị đóng cửa vì cung cấp dịch vụ liên lạc qua internet, như Skype.
Cả Skype và Tor đều bị cấm ở trong nước và những người vi phạm có thể bị tù tới 15 năm.
Cho dù Hiến pháp quy định quyền tự do báo chí, chính phủ Ethiopia vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ internet và các báo mạng.

Bắc Triều Tiên

Một điều không gây ngạc nhiên là quốc gia ẩn dật nhất thế giới, Bắc Hàn, cũng kiểm soát internet và báo chí một cách chặt chẽ nhất. Người dân phải đưa lậu thông tin qua biên giới với Trung Quốc.
Điều gây ngạc nhiên là ngày càng nhiều người Bắc Hàn sở hữu điện thoại di động trong những năm gần đây, nay con số đã lên tới hơn 1 triệu, theo Wall Street Journal.
Người Bắc Hàn buôn lậu điện thoại di động qua biên giới từ Trung Quốc, nhưng gần đây lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh trấn áp hoạt động này.
Một nguồn tin ở vùng biên với Trung Quốc cho Đài Châu Tự do biết rằng một khi thấy tín hiệu thì các nhân viên điều tra của chính quyền sẽ tới nơi ngay lập tức để tìm kiếm người vi phạm.

Cuba

Cuba mới vừa bỏ lệnh cấm người dân sử dụng điện thoại di động cùng với một số hàng tiêu dùng khác vào tháng Ba 2008.
Năm 2011, Tổ chức Bảo vệ các nhà báo nói việc kiểm duyệt được quy định thành luật và chính quyền thường xuyên sách nhiễu, bắt bớ và theo dõi các nhà báo chỉ trích.
Mới đây có tin rằng các đường dây điện thoại nối với Hablalo Sin Miedo — một tổ chức truyền thông dám thách thức bộ máy kiểm duyệt, đã bị công ty viễn thông nhà nước Cuba cắt đứt.

Turkmenistan

Tại Turkmenistan internet là đặc ân dành cho một số ít người thuộc tầng lớp trên của xã hội.
Tổ chức OpenNet đánh giá nước này có tỷ lệ tiếp cận internet thấp nhất nhưng kiểm soát trực tiếp lại cao nhất thế giới.
Turkmenistan không có báo chí tư nhân và các nhà báo nước ngoài bị hạn chế nhập cảnh.
Theo OneNet, chỉ có một hãng của nhà nước quản lý toàn bộ hệ thống viễn thông và tổng cộng 10 điểm truy cập internet ở Turkmenistan.




Copy từ: BBC

Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt bị hoãn


Đối thoại Nhân quyền thường niên Mỹ - Việt bắt đầu từ năm 2006 (DR)
Đối thoại Nhân quyền thường niên Mỹ - Việt bắt đầu từ năm 2006 (DR)

Trọng Nghĩa
Theo một quan chức ngoại giao Mỹ xin giấu tên được hãng tin AP hôm qua 11/12/2012 trích dẫn, thời điểm cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam năm 2012 vẫn chưa được xác định. Đây là một cơ chế bắt đầu vận hành từ năm 2006 đến nay, nhưng sau cuộc họp không kết quả vào tháng 11/2011, hai bên vẫn chưa tìm được nội dung thích hợp để tổ chức cuộc đối thoại năm nay.

Theo viên chức cao cấp bộ Ngoại giao Mỹ kể trên, thì cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam vẫn đang tìm cách « « cài đặt các thông số » cho cuộc đối thoại nhân quyền sắp đến, sao cho cuộc thảo luận đạt được kết quả cụ thể.
Theo hãng AP, Hoa Kỳ hết sức bất bình trước chiến dịch trấn áp các blogger, những người đấu tranh cho dân quyền và nhân quyền trong nước cũng như một số nhóm tôn giáo trong thời gian gần đây, bị chính quyền Việt Nam cho là nguy cơ đe dọa chế độ. Mỹ cũng rất quan ngại trước vụ bắt giam một công dân Mỹ gốc Việt – ông Nguyễn Quốc Quân – trên cơ sở những tội danh có thể dẫn đến án tử hình.
Phát biểu hồi tuần trước, viên chức ngoại giao cao cấp này xác định là Mỹ « chưa thấy được các cải thiện mong muốn » trong lãnh vực nhân quyền tại Việt Nam và « rất muốn chứng kiến những hành động cụ thể ».
Theo hãng AP, sự kiện cuộc tham khảo song phương Mỹ - Việt về nhân quyền – lần này mở ra tại Hà Nội - bị đình hoãn có thể chỉ là tạm thời. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã cho rằng các cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt « góp phần tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau », và hai bên đang thảo luận về thời điểm của vòng đàm phán sắp tới. Một phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cũng xác nhận là hai nước đang thảo luận về thời điểm họp lại.
Tuy vậy, AP cho rằng chậm trễ nói trên nêu bật thực tế là việc chính quyền Việt Nam ngày càng trấn áp giới bất đồng chính kiến trong hai năm gần đây đã làm cho cố gắng củng cố quan hệ với Washington của Hà Nội thêm phức tạp. Việt Nam và Hoa Kỳ đều mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại, cũng như hợp tác trong lãnh vực an ninh. Tuy nhiên, Washington cho đến nay vẫn đòi hỏi là việc thúc đẩy thêm quan hệ phải đi kèm với việc Hà Nội cải thiện nhân quyền.
Điều được hãng AP nêu bật là sự kiện cuộc đối thoại nhân quyền bị trì hoãn là dấu hiệu « nguội lạnh » trong quan hệ Mỹ - Việt. Đây là một tình hình không có lợi cho Việt Nam vào lúc Trung Quốc ngày càng lộ rõ ý định chèn ép Việt Nam trên vấn đề Biển Đông, trong lúc Washington và Hà Nội lại cùng chia sẻ với nhau mối quan ngại trước các động thái ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông.




Copy từ: RFI


Báo lề phải không hiểu ý chủ : bị khiển trách, dọa "đánh đòn"


Đảng nặng lời với báo vụ 'TQ cắt cáp'



Tàu Bình Minh 02
Báo chí bị chỉ trích vì đưa tin không đúng chỉ thị về vụ tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp cuối tháng trước
Cơ quan phụ trách báo chí hàng đầu của Đảng đã nặng lời chỉ trích các báo khi đưa tin Trung Quốc cắt cáp và dọa sẽ có hình thức 'kỷ luật'.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đã dành phần đáng kể thời gian trong cuộc họp giao ban kéo dài khoảng 90 phút hôm 11/12 để khiển trách các báo vì đã không chấp hành chỉ thị về việc đưa tin liên quan tới Trung Quốc.
BBC được biết Đài Truyền hình Việt Nam, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, Vietnam+, VnExpress, Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, Petrotimes và báo Tiền Phong nằm trong số các cơ quan truyền thông bị nhắc nhở liên quan tới tin bài đã đưa về chuyện Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 hôm 30/11.
Tuy nhiên nói chuyện với BBC hôm 12/12, ông Kỷ nói ông chỉ "trao đổi nghiệp vụ" với các nhà báo vì bản thân ông cũng đã làm báo 30 năm.
Vị lãnh đạo văn hóa tư tưởng nói chính Bộ Ngoại giao đã có giải thích cho các báo về diễn biến vụ việc và các báo "cần xem lại tại sao lại đưa tin không chính xác như thế".
Ông Kỷ cũng nói "vấn đề không phải là sợ ai" mà là "họ [Trung Quốc] sai đến đâu mình nói đến đó".
'Làm nóng vấn đề'
Một nguồn thạo tin trong khi đó giải thích tại sao Ban Văn hóa Tư tưởng lại khiển trách các báo:
"Lý do chính là họ đã có chỉ đạo đề nghị các báo 'thông tin đúng bản chất sự việc, không làm nóng vấn đề, không bình luận gây căng thẳng cho mối quan hệ của hai bên và không nên để cho người dân bị kích động bởi thông tin không đúng sự thật, hoặc bị suy diễn.
"Các báo bị nhắc tên vì đã đặt tít làm nóng vấn đề."
Nguồn tin cũng cho BBC biết Đài Truyền hình Việt Nam bị nhắc nhở vì mục điểm báo với các tin liên quan tới Trung Quốc "cố tình làm không khí căng thẳng vào đúng thời điểm người dân biểu tình" ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
"Ban Tuyên giáo cũng như các cơ quan quản lý báo chí họ không đưa ra chỉ đạo cụ thể là các báo không được đề cập đến tàu Bình Minh bị cắt cáp mà chỉ đưa ra yêu cầu các báo viết tin đúng bản chất, không kích động, không bình luận làm nóng vấn đề. Đó là khái niệm tương đối là không cụ thể và định tính."
Một nhà báo ở Hà Nội
Một nguồn tin khác nói các báo đang lo lắng vì dựa vào những gì ông Kỷ nói "thì sẽ là to chuyện".
Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương tuyên bố tại cuộc họp rằng họ sẽ gửi công văn tới từng báo cũng như tới cơ quan chủ quản của các báo.
Ban này cũng được dẫn lời nói các báo bị nêu tên trong cuộc họp sẽ bị xử phạt hành chính cũng như kỷ luật Đảng.
Một người dự họp nói các báo được lệnh phải có giải trình muộn nhất vào ngày 18/12 nhưng cho tới cuối ngày 12/12 họ vẫn chưa nhận được công văn chính thức về vụ việc và nói thêm:
"Ban Tuyên giáo cũng như các cơ quan quản lý báo chí họ không đưa ra chỉ đạo cụ thể là các báo không được đề cập đến tàu Bình Minh bị cắt cáp mà chỉ đưa ra yêu cầu các báo viết tin đúng bản chất, không kích động, không bình luận làm nóng vấn đề. Đó là khái niệm tương đối là không cụ thể và định tính.
"...Bản chất của vấn đề được hiểu là hai tàu dã cào của Trung Quốc đã vô tình chạy qua đuôi của tàu Bình Minh gây đứt cáp chứ không phải là chủ trương cắt cáp của Trung Quốc."
Phía Trung Quốc trong khi đó nói bản thân chính quyền Việt Nam cũng "tuyên bố không đúng sự thật" khi đưa tin về vụ việc liên quan tới tàu Bình Minh 02.
'Nhạy cảm'
Một nhà báo từ Hà Nội nói có báo đã giật tít trong đó nói "Trung Quốc gây hấn" khi đưa tin về những diễn biến gần đây.
Nhà báo này nói ông cũng không đồng tình với cách đặt tít này nhưng đây chỉ là ngoại lệ so với cách đưa tin của báo chí Việt Nam.
Khi được hỏi tại sao không tờ báo có tiếng nào ở Việt Nam đưa tin về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm Chủ Nhật, nhà báo nói họ đã được chỉ thị về vấn đề "nhạy cảm này".
Mặc dù vậy ông cũng nói nhiều báo đã chọn "im lặng" thay vì đưa tin mà không thể phản ánh nhiều chiều, hàm ý rằng họ không thể đưa quan điểm của người biểu tình để đảm bảo tính công bằng và khách quan.
Liên quan tới việc đưa tin về tàu Bình Minh 02, một trong những người phụ trách nội dung của tờ báo nằm trong diện bị khiển trách nói: "Quan điểm của mình là chưa cắt cáp đã phải bù lu bù loa lên rồi [chứ đừng nói đến cắt cáp]."
Nhưng quan điểm này không được một đồng nghiệp khác mà BBC nói chuyện chia sẻ, người nói rằng báo của ông không cố tình để người dân bức xúc với Trung Quốc.



Copy từ: BBC


Đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam?




VRNs (12.12.2012) - Sài Gòn - Gần đây vấn đề gặp gỡ, đối thoại giữa môt số cán bộ cao cấp của chính quyền Việt Nam với một vài nhân vật trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hải ngoại đã dấy lên sự tranh cãi và chống đối. Bên chống thì cho rằng chính quyền Viêt Nam chỉ lợi dụng những buổi đối thoại này để tuyên truyền, gây phân hóa chứ không thực tâm lắng nghe để thay đổi. Bên ủng hộ thì cho rằng cần phải có những đối thoại song song với những vận động chống đối để áp lực CSVN chấp nhận những thay đổi tốt hơn .
Đây là một vấn đề rất phức tạp, tế nhị trong tình hình chính trị hiện nay; nhưng nó là một diễn trình có thể xảy ra nếu cả hai phía (CSVN và các đảng phái không cộng sản) có những bước ngoặc thay đổi khi tìm ra những đồng thuận cần phải giải quyết trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Thomas Việt của Truyền Thông Chúa Cứu Thế (VRNs) và Radio An Phong xin mời quý vị theo dõi quan điểm của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân về vấn đề đối thoại với chính quyền VN - một đảng chính trị mà CSVN cho là lực lượng nguy hiểm nhất cho họ hiện nay.

Thomas Việt, VRNs (PV): Kính chào ông Lý Thái Hùng. Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt hôm nay về chủ đề đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam. Như ông biết là hiện nay, chính quyền Viêt Nam có cử ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao và là Chủ tịch Hội người Việt Nam ở nước ngoài mở một số cuộc đối thoại kín đáo với vài nhân vật có quá trình hoạt động chống cộng trong Cộng đồng người Việt hải ngoại như tại Paris (Pháp), Orange County (Nam California) và Houston (Texas). Ông nghĩ sao về những cuộc gặp mặt, đối thoại này thưa Ông?
Ông Lý Thái Hùng (LTH): Thưa anh, đây không phải là chuyện xảy ra lần đầu tiên. Trong vai trò chủ tịch Hội người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Thanh Sơn đã từng đi nhiều nơi, gặp gỡ một số người trong Cộng đồng hải ngoại không ngoài 3 mục tiêu: Một là chiêu dụ một số người về Việt Nam làm ăn, đầu tư; hay kêu gọi hợp tác một số dự án nào đó mà chế độ đang cần. Hai là giải thích, biện minh cho một số đường lối, chính sách của chế độ để qua đó vô hiệu hóa một phần các chống đối. Ba là tìm cách mua đứt hoặc hùn hạp với một số cơ quan truyền thông tại hải ngoại để làm loa cho chế độ. Đặc biệt, ông Sơn còn lên tiếng mời một số nhân vật được coi là “chống cộng” trong Cộng đồng về nước tham quan mà chính ông Sơn sẽ là người ra đón tại phi trường.
Tôi không nghĩ đây là những cuộc đối thoại mà chỉ là một số cuộc tiếp xúc nửa kín nửa hở mà chế độ, qua ông Nguyễn Thanh Sơn, tìm cách lung lạc một số người và qua đó khuấy lên sự tranh cãi, hầu gây phân hóa Cộng đồng hải ngoại. Trước đây, CSVN coi việc chiêu dụ đầu tư, hợp tác kinh tế từ Cộng đồng hải ngoại là chính. Nhưng từ vài năm trở lại đây, Hà Nội rất lo ngại về tiềm lực đóng góp của Cộng đồng hải ngoại cho các hoạt động của phong trào đấu tranh tại quốc nội nên họ tìm cách gây phân hóa, lũng đoạn, kể cả việc tung hỏa mù về đối thoại như đang thấy.
Gần đây, những cuộc gặp gỡ của ông Nguyễn Thanh Sơn thường chú trọng vào việc giải thích, biện minh cho những chính sách của nhà cầm quyền Hà Nội liên quan đến vi phạm nhân quyền, và ứng xử tại biển Đông.
Dĩ nhiên chúng ta đã thấy trong thực tế những cảnh lừa đảo để trấn lột hết tài sản của những người Việt về nước đầu tư, cũng như sự thật về thái độ quá sức hèn nhát của Hà Nội, không dám đối đầu với Bắc Kinh mà chỉ hùng hổ đàn áp những người dân muốn bảo vệ đất nước. Điều đáng buồn là đáng lẽ thực tế đó tự nó đủ để phủ nhận hết các ngụy biện của ông Nguyễn Thanh Sơn, nhưng vẫn có người, dù là chỉ một số ít, vì quyền lợi riêng vẫn chạy theo làm những điều mà chế độ muốn.

PV: Thưa ông, lịch sử chính trị Việt Nam trong gần 100 năm nay đã có những cuộc đối thoại giữa hai phe đối nghịch chính kiến nào hay chưa?, cụ thể ra là giữa những người Cộng sản và không Cộng sản?
LTH: Thưa anh, nói đến kinh nghiệm lịch sử thì chúng ta phải nhắc đến hai biến cố đã là bài học đáng nhớ như sau:
Bài học thứ nhất là cuộc hợp tác giữa lực lượng CSVN (lúc đó gọi là Việt Minh) với một số đảng phái quốc gia (Việt Nam Quốc Dân Đảng gọi tắt là Việt Quốc và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Cách) trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 1 năm 1946. Lúc đó, các đảng phái quốc gia có 70 ghế trong Quốc hội và nhất là tham gia vào chính phủ liên hiệp lâm thời do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Nhưng chỉ mấy tháng sau đó, lực lượng CSVN tìm cách cô lập các hoạt động của những đảng phái quốc gia và chính quyền liên hiệp bắt đầu rạn nứt sau khi ký hiệp định sơ bộ với Pháp vào tháng 6 năm 1946, khi ông Hồ chấp thuận để 15 ngàn quân Pháp ra Bắc thay thế 10 ngàn quân Tưởng Giới Thạch rút về nước.
Và từ tháng 7 năm 1946, lấy cớ điều tra có người dự tính ném bom vào đoàn diễn hành Pháp nhân ngày Quốc khánh Pháp (14/7), công an CSVN đã tung chiến dịch lục soát các cơ sở của các đảng phái quốc gia và công bố một số tài liệu, vũ khí cáo buộc rằng hai đảng Việt Quốc và Việt Cách có âm mưu vũ trang lật đổ chính quyền liên hiệp. Trước sự trấn áp thô bạo của lực lượng CSVN, ông Nguyễn Hải Thần lãnh đạo Việt Cách và các thành viên của Việt Quốc, Việt Cách trong đó có có hai nhân sự trong chính quyền liên hiệp là ông  Nguyễn Tường Tam, Vũ
Hồng Khanh phải chạy lánh nạn sang Trung Quốc.  Hợp tác giữa CSVN với các đảng phái quốc gia chấm dứt từ đó và mở ra một trang sử đen tối khi CSVN càn quét và tiêu diệt những ai không theo chủ nghĩa cộng sản.
Bài học thứ hai là cuộc Hội đàm Paris để chấm dứt chiến tranh và lập lại Hòa Bình tại Việt Nam giữa bốn bên gồm Việt Nam Cộng Hòa (Chính quyền Miền Nam), Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Chính quyền Miền Bắc), Chính quyền Hoa Kỳ, Mặt trận giải phóng Miền Nam. Cuộc hội đàm kéo dài từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 1 năm 1973 với sự ra đời của Hiệp định Paris vào ngày 23 tháng 1 năm 1973, dựa trên nền tảng: “các nước tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi Hiệp định Genèva ra đời vào tháng 7/1954.
Thế nhưng Hiệp định Paris chưa ráo mực thì đầu năm 1975, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Miền Bắc) đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lăng, tấn công quân sự trên toàn lãnh thổ miền Nam và đã tiến chiếm Thủ đô Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thay vì thực thi chủ trương hòa giải dân tộc sau chiến tranh như họ tuyên truyền trước đó, lãnh đạo Miền Bắc đã áp dụng chính sách trả thù tàn ác, đưa hàng trăm ngàn quân cán chính Miền Nam vào các trại tù tập trung cho chết dần và đẩy gần cả triệu thường dân vô tội lên vùng rừng thiêng nước độc dưới mỹ từ xây dựng vùng kinh tế mới.
Không chỉ bội ước đối với chính quyền Miền Nam, lãnh đạo Cộng sản Miền Bắc còn phản bội cả Mặt trận giải phóng miền Nam qua cái gọi là “hiệp thương Nam Bắc” để xóa sổ toàn bộ bộ phận lãnh đạo Mặt trận và thống trị cả nước từ tháng 1/1977. Vô số chiến sĩ, cán bộ, đảng viên cộng sản từ cả miền Nam lẫn miền Bắc đột nhiên bừng tỉnh, thấy mình bị lừa.
Từ hai kinh nghiệm lịch sử đó, những ai đang ráng dùng mỹ từ “đấu tranh đối thoại” thì chỉ hoặc  đang ngụy biện để che đậy những ý đồ nào khác, hoặc đang tự lừa dối chính mình mà thôi, thưa anh.

PV: Việc ông Nguyễn Thanh Sơn đi gặp gỡ kín đáo một số người trong cộng đồng chỉ là những bước thăm dò. Tuy nhiên theo ông thì chúng ta (các đảng phái không cộng sản và nhân dân Việt Nam) có nên chọn giải pháp đối thoại với chính quyền Cộng sản Việt Nam?
LTH: Trong đấu tranh bất bạo động, có đối thoại hay thương lượng chứ. Nhưng chỉ có thể là loại đối thoại như để tạm án binh bất động mọi phía hầu có thể di tản những người dân bị thương vì bạo lực của công an; hay như để những cá nhân muốn từ giã lực lượng độc tài có đường rút lui mà không bị người dân truy đuổi, hay ngay cả như thương lượng để một thiểu số lãnh đạo độc tài chạy ra nước ngoài, hóa giải lực lượng bảo vệ chế độ và nhờ đó tránh đổ máu cho dân chúng, v.v...
Nhưng không thể nào là loại đối thoại để tiếp tục kéo dài sự tồn tại của một chế độ độc tài. Kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động của nhiều dân tộc cho thấy -- và có lẽ càng đúng trong trường hợp Việt Nam hiện nay -- là đối thoại với chế độ độc tài gần như luôn luôn là cái bẫy nguy hiểm cho lực lượng dân chủ và có hại cho quốc gia. Chúng ta có thể tạm liệt kê một vài ý đồ như:
-          Để biết hết nhân sự và nguồn lực của lực lượng dân chủ rồi phá hoại, hay ngay cả thủ tiêu nhân sự.
-          Để tạo phân hóa trong hàng ngũ dân chủ bằng cách mặc cả riêng với từng thành phần dân chủ, hay tạo ấn tượng đang liên kết với thành phần dân chủ này để cô lập thành phần kia.
-          Để bòn rút tối đa tài sản đất nước và đổ tội cho các lực lượng dân chủ trước khi trốn chạy.
-           Để kéo dài thời gian rối loạn và biện minh cho việc trở lại độc tài để “ổn định xã hội” như đang thấy tại Nga hiện nay.
Do đó trong phản kháng chính trị, yếu tố chính tạo ra những thay đổi xã hội là lực lượng dân chủ phải kiên định mục tiêu đấu tranh giành lại tự do dân chủ thật sự và chấm dứt nạn độc tài độc đảng, chứ không phải là những cuộc đối thoại trên bàn hội nghị, vì nó chỉ giúp cho chế độ độc tài tiếp tục tồn tại với một vài hứa hẹn thay đổi nào đó.

PV: Miến Điện đã có những thay đổi rất ngoạn mục trong hơn một năm vừa qua. Ông nghĩ gì về cuộc đối thoại giữa Tổng Thống Thein Sien và bà Aung San Suu Kyu của Miến Điện?
LTH: Khi lên làm Tổng thống vào tháng 3 năm 2011, ông Thein Sein đã đối diện với 2 trong nhiều vấn đề đe dọa đến sinh mệnh chính trị của ông và nước Miến.
Thứ nhất là Trung Quốc đã không chỉ khống chế mọi mặt kinh tế, quân sự, thương mại tại Miến mà còn đang giúp vũ khí cho hai sắc tộc người Kachin và người Shang chống lại quân đội Miến để đòi độc lập, tách ra khỏi liên bang Miến.
Thứ hai là Hoa Kỳ và quốc gia Phương Tây không chỉ cấm vận kinh tế, phong tỏa ngoại giao nước Miến mà con ra lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản, trương mục ngân hàng của hơn 5 ngàn tướng lãnh, nhân viên cao cấp của chính quyền Miến kể cả gia đỉnh ông Thein Sein tại hải ngoại.
Muốn tháo gỡ hai đe dọa nói trên, ông Thein Sein phải tự chấm dứt sự lệ thuộc vào Bắc Kinh và phải chấp nhận sự tồn tại của bà Aung San Suu Kyu và lực lượng đối lập thì mới bãi bỏ các cấm vận kinh tế từ phía thế giới tự do.
Từ tháng 5 năm 2011, Tổng thống Thein Sein đã cho đại diện của ông là Bộ trưởng bộ lao động U Aung tiếp xúc riêng với bà Aung San Suu Kyu để dàn xếp một cuộc đối thoại với Tổng thống Thein Sien dựa trên 4 điểm căn bản : 1/ Cùng nhau nỗ lực vì hoà bình, ổn định và phát triển của đất nước theo nguyện vọng của nhân dân; 2/ Hợp tác vì phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng hệ thống dân chủ; 3/ Tránh đưa ra các quan điểm xung đột, nỗ lực hợp tác trên cơ sở cùng có lợi; 4/ Tiếp tục thúc đẩy đối thoại.
Ngày 19 tháng 8 năm 2011, cuộc đối thoại chính thức giữa Tổng Thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyu lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã diễn ra tại dinh Tổng thống. Trong cuộc đối thoại này, Tổng thống Thein Sein đã hứa sẽ trả tự do khoảng 6.000 tù nhân lương tâm qua nhiều đợt, bãi bỏ kiểm duyệt báo chí và ngôn luận, chấp nhận sự hoạt động của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ vốn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ngược lại ông Thein Sein kêu gọi bà Aung San Suu Kyu hợp tác với chính quyền Miến bằng cách kêu gọi các quốc gia, nhất là Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận kinh tế và phong tỏa ngoại giao.
Mấu chốt của cuộc đối thoại giữa Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyu là đã đặt quyền lợi của quốc gia và sự tự do, dân chủ và hạnh phúc của dân tộc Miến lên trên quyền lợi của phe nhóm riêng và đã vượt qua những xung khắc chính trị của quá khứ. Kết quả của cuộc đối thoại này đã mở ra một viễn cảnh rất tươi sáng cho Miến Điện hiện nay mà cả thế giới ai cũng nức lòng ngưỡng mộ về sự sáng suốt của Tổng Thống Thein Sein và sự dũng cảm của bà Aung San Suu Kyu.

PV: Nếu đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố công khai đối thoại với các đảng phải thì điều kiện cần thiết họ phải làm trước khi đối thoại là gì, trên quan điểm của Việt Tân, thưa Ông?
LTH: Thưa anh, hiện tại thì tôi không nhìn thấy bất cứ dấu hiệu gì là nhà cầm quyền CSVN sẽ chấp nhận một cuộc đối thoại như Tổng thống Thein Sein đã thực hiện cùng với bà Aung San Suu Kyu vì họ vẫn tiếp tục coi những lực lượng chính trị khác với đảng Cộng sản Việt Nam đều là các nhóm phản động và coi đa nguyên đa đảng là nguyên nhân của hỗn loạn và bất ổn xã hội.
CỨ TẠM THEO CHỮ NẾU trong câu hỏi của anh, một ngày nào đó, đảng Cộng sản Việt Nam tự dưng đổi đời tuyên bố công khai đối thoại với các đảng phái khác như anh đề cập, thì điều kiện tối thiểu CSVN cần phải tỏ thiện chí trong tình trạng nguy ngập hiện nay của đất nước là:
1/ Ngưng ngay các hành vi bán nước quá nguy hiểm hiện nay. Ngưng ngay việc tiếp tay với Bắc Kinh bịt mắt dân tộc Việt Nam về mối quan hệ hữu hảo không hề có.
2/ Thả hết những tù nhân lương tâm, những nhà yêu nước đang bị giam giữ một cách phi lý và phi nhân trong suốt mấy thập niên vừa qua.
3/ Trực tiếp đối thoại TRƯỚC HẾT với giới trí thức, các nhà dân chủ, các nhà yêu nước ngay tại quốc nội một cách nghiêm túc. Các đảng viên Việt Tân chúng tôi trong nước sẽ cùng đứng với các nhà yêu nước trong giai đoạn thử thách cam go đó.
4/ Từng bước bỏ các điều luật đang xiềng xích đất nước như điều 4 Hiến pháp, điều 79, điều 84, điều 88 luật hình sự, v.v.
Tóm tắt là nền tảng căn bản của đối thoại - nếu phép lạ Miến Điện xảy ra - KHÔNG phải là tìm cách để độc tài cộng sản tiếp tục cai trị và chỉ nhả ra cho người dân thêm chút quyền. Nhưng mục tiêu phải là đặt nền tảng để chuyển sang thể chế dân chủ thật sự. Thể chế đó không nhằm truy lùng tiêu diệt người cộng sản, nhưng đảng cộng sản chỉ được phép là một trong những tập hợp chính trị vận động để được dân tộc chọn và trao cho trách nhiệm lãnh đạo đất nước trong một khoảng thời gian nhất định. Và dù được chọn hay không, mọi đảng phái PHẢI hoạt động bên dưới pháp luật quốc gia.
Tôi không nghĩ những điều tối thiểu nêu trên quá tầm tay của những người cầm quyền hiện nay. Nếu họ tạm ngưng vơ vét một chút thôi và nghĩ đến tương lai của chính con em của họ, chứ chưa nói gì đến vận mạng của đất nước, thì đã đủ để họ thấy là nên làm những điều như tôi vửa nêu ra ở trên. Vì một khi đã mất nước rồi hay dân chúng đã tức nước vỡ bờ rồi thì cái núi tiền mà họ vơ vét đó để làm gì? Có giữ được không, dù chạy ra nước khác?

PV: Xin cám ơn ông Lý Thái Hùng, Tổng bí thư đảng Việt Tân
Thomas Việt, VRNs



Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế




'Việt Nam vi phạm nhân quyền khi trấn dẹp biểu tình chống Trung Quốc'

 
Người biểu tình Việt Nam xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, ngày 9/12/2012.
 
Chính quyền Việt Nam đã nhanh chóng dẹp tan hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn hôm 9/12 trong các cuộc xuống đường mới nhất của dân Việt bày tỏ phẫn nộ trước các động thái gần đây của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.

Các cuộc biểu tình yêu nước một lần nữa bị trấn dẹp khơi dậy sự bất bình đang sôi sục trong công luận đối với nhà nước Việt Nam vì cách phản ứng yếu ớt trước các động thái gây hấn của Bắc Kinh nhưng lại đối phó mạnh tay với người dân. Trong số những nhân sĩ-trí thức mạnh mẽ lên tiếng phản đối cách hành xử của chính quyền có luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi của Ban Việt Ngữ VOA liên quan lá thư ông tố cáo và chất vấn chính quyền về hành động trấn áp, bắt bớ các nhân sĩ trí thức đứng tên tổ chức cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn sáng chủ nhật vừa qua, luật gia Lê Hiếu Đằng cho biết.


Luật gia Lê Hiếu Đằng: Cuộc mít-tinh chúng tôi tổ chức, chúng tôi có thông báo với chính quyền và tổ chức một cách công khai, minh bạch. Mục đích mít-tinh không phải để chống nhà nước mà là chống những hành động xâm lược, gây hấn trắng trợn của Trung Quốc gần đây. Lẽ ra, nhà nước nên tạo điều kiện để người dân lên tiếng vì bây giờ thật ra các tầng lớp nhân dân đang rất bức xúc. Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố có mời chúng tôi làm việc, chúng tôi đã trình bày rất rõ ràng với ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố. Và chúng tôi cứ nghĩ rằng rồi sẽ được biểu tình. Nhưng cách hành xử của chính quyền là không tôn trọng các quyền của công dân. Ví dụ trường hợp của Giáo sư Tương Lai, trên đường đi bị ép xe, bị bắt vào công an phường, rồi bị truy đuổi về nhà. Còn chúng tôi, những người đã ký tên (trong thông báo tổ chức mít-tinh), họ không cho ra khỏi nhà, họ xâm phạm quyền đi lại của người dân. Chúng tôi tay không làm sao chống lại lực lượng hùng hậu của công an. Họ huy động rất hùng hậu. Những việc làm đó là không được. Cho nên, tôi mới lên tiếng tố cáo.

Người biểu tình chống Trung Quốc cầm quốc kỳ Việt Nam và các biểu ngữ chống Trung Quốc tuần hành trên đường phố Hà Nội, ngày 9/12/2012.
​​VOA: Những gì ông tố cáo là ‘bắt bớ, trấn áp, khống chế, bao vây’ được chính quyền mô tả là ‘giải tán tập trung đông người trái pháp luật gây mất trật tự công cộng’. Phản hồi của ông thế nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Bao giờ họ cũng nói vậy thôi. Khi nào chúng tôi tham gia biểu tình phá rối trật tự trị an thì họ mới được bắt chớ.

VOA: Trong thư tố cáo, ông có chất vấn ai chủ trương, ai chịu trách nhiệm về những hành động này. Vậy thư này ông có gửi tới những người hữu trách để đòi được giải đáp trực tiếp không, hay ông chỉ công bố lên công luận để đánh động sự quan tâm của công luận thôi?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Chúng tôi đã nhiều lần gửi thư cho chính quyền, kể cả nhân sĩ trí thức cả nước gửi lên trung ương, nhưng có bao giờ được trả lời đâu. Thành ra, chúng tôi nghĩ gửi cũng vô ích. Ở đây, chúng tôi muốn tố cáo đưa ra công luận để thấy được việc làm không đúng của chính quyền TPHCM.

VOA: Trung Quốc lâu nay và mới đây nhất vào ngày 10/12 lặp lại yêu cầu Việt Nam không được cổ động các hành động có thể làm gia tăng hay phức tạp hóa tranh chấp Biển Đông. Việt Nam dường như đã và đang đáp ứng đòi hỏi ấy của Bắc Kinh với việc trấn dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc, ý kiến của luật gia Lê Hiếu Đằng ra sao?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Đòi hỏi đó rất vô lý. Nếu vậy, họ hãy chấm dứt những hành động gây hấn, xâm lấn vùng lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông, bách hại ngư dân, cắt cáp tàu Bình Minh 02. Chúng tôi đâu phải tự nhiên biểu tình hay mít-tinh, mà tại họ có những hành động ngang ngược, trắng trợn như ra lệnh sẽ soát xét tàu bè trong vùng bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Tại sao dân Trung Quốc lại phản đối Nhật bằng hành động hết sức quá khích như đập phá cửa hàng của Nhật hay uy hiếp những người Nhật, trong khi chúng tôi biểu tình rất ôn hòa thì lại không cho, lại đề nghị chính quyền Việt Nam không cho phép biểu tình? Cái đó là không được.

VOA: Ông cho rằng đòi hỏi của Trung Quốc là quá đáng, không hợp lý. Còn về cách đáp ứng của phía chính quyền Việt Nam, ông nhận xét thế nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ chính quyền Việt Nam phải đấu tranh quyết liệt hơn nữa để Trung Quốc phải chấm dứt, thậm chí phải đưa vấn đề ra Tòa án Quốc tế, phải vận động các nước trong khu vực đấu tranh trong vấn đề Biển Đông, phải có biện pháp hiệu quả, chứ không chỉ là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Mặt khác, nếu họ đề nghị không để cho dân biểu tình, mình phải nói lại rằng dân tôi phẫn uất như vậy do các hành động xâm lấn trắng trợn của anh. Họ biểu tình, họ mít-tinh, tôi đâu có cản được? Tại sao dân anh lại phản đối Nhật như vậy? Tôi nghĩ là chúng ta đủ lý lẽ để phản bác lại. Có điều chúng tôi cũng khó hiểu tại sao nhà nước Việt Nam lại không có những luận điểm để đáp trả lại những lời đề nghị vô lý như vậy. Đây là việc nội bộ của Việt Nam. Anh không thể nào nói như vậy được. Việt Nam đâu phải chư hầu của anh, mà anh làm vậy?

VOA: Việc trấn dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, theo ông, có tác dụng thuận-ngược ra sao, đối với lòng dân, và đối với công cuộc bảo đảm-khẳng định chủ quyền đất nước?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Chúng tôi lần đầu tiên đứng tên công khai tổ chức mít-tinh, có nghĩa là chúng tôi chịu trách nhiệm, chứ không phải chúng tôi làm thầm lén, bí mật, mờ ám. Chúng tôi công khai, minh bạch việc đó. Qua cuộc mít-tinh, thật ra chúng tôi ra không được, chỉ có anh Huỳnh Tấn Mẫm ra thôi, nhưng chính thanh niên-sinh viên-học sinh là lực lượng chính trong cuộc biểu tình đó. Điều này chứng tỏ lòng dân đã rất sôi sục rồi. Lòng dân đã rất rõ rồi.

Người Việt xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 9/12/2012.
​​VOA: Nhưng chính quyền Việt Nam cũng có lý do của họ khi trấn dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc rằng họ bảo vệ đường lối giải quyết tranh chấp bằng chính sách ngoại giao ôn hòa. Theo ông, lợi-hại của việc trấn dẹp các cuộc biểu tình đó đối với việc bảo vệ-khẳng định chủ quyền Việt Nam như thế nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Vấn đề bảo vệ chủ quyền là nghĩa vụ của tất cả người dân Việt Nam, chứ không phải chỉ đảng và nhà nước lo. Tất nhiên đường lối ngoại giao mềm dẻo là cần thiết. Nhưng mình mềm dẻo đến một mức nào đó thôi. Cái sức mạnh chính là ở lòng dân. Và bây giờ chúng ta có một thuận lợi rất lớn là quốc tế đang ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Mình phải sử dụng những cái đó. Chúng ta nếu không kiên quyết có những biện pháp, nó sẽ nuốt trọn Biển Đông.

VOA: Theo ông, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc biểu hiện lòng yêu nước bị trấn áp có tín hiệu thế nào, ý nghĩa thế nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Việc làm này là công khai minh bạch. Đây là quyền của người dân để nói lên tiếng nói của mình, biểu thị ý chí của mình, không thể ai ngăn trở được. Tổ chức cuộc mít-tinh trong nhà, có trật tự, thì có vấn đề gì? Trước đây, Mỹ tấn công Iraq, chính thành phố cũng chỉ đạo là phải tổ chức cuộc mít-tinh để phản đối Mỹ. Vậy mà bây giờ, Trung Quốc tấn công trực diện Việt Nam, tại sao chúng ta lại không có phản ứng, không có tiếng nói của người dân?

VOA: Vậy việc trấn áp các cuộc biểu tình đó, theo ông, nên được hiểu như thế nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Đây tôi cho là một việc làm không đúng. Nó vi phạm nghiêm trọng quyền tự do của công dân đã được ghi trong Hiến pháp.

VOA: Xin chân thành cảm ơn thời gian luật gia Lê Hiếu Đằng đã dành cho đài VOA trong cuộc phỏng vấn này.
  



Copy từ: VOA



Trung Quốc càng hung hăng với Việt Nam vì đuối lý trên đường lưỡi bò

Biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông (REUTERS)
Biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông (REUTERS)

Trọng Nghĩa
Ngày 09/12/2012, hàng trăm người tại Hà Nội, và dặc biệt là tại Sài Gòn, đã biểu tình phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam tại Biển Đông, mà nghiêm trọng nhất là lên tiếng cấm Việt Nam khai thác dầu khí ngoài Biển Đông, sau khi cho tàu cá cắt đứt cáp thăm dò tàu khảo sát của Việt Nam.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long
 
12/12/2012
 
 
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Maine (Hoa Kỳ), sở dĩ Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên vấn đề Biển Đông, đó là vì Bắc Kinh càng lúc càng đuối lý trên vấn đề đường lưỡi bò.
RFI : Thưa giáo sư, giáo sư thường xuyên theo dõi tình hình, giáo sư nhận thấy là vì sao mà Trung Quốc lại có thể nói là đột nhiên lại có hành động quyết đoán như vậy đối với Việt Nam ?
NVL : Trước hết là vấn đề Trung Quốc không thể dùng đường 9 đoạn để lấn áp các nước Đông Nam Á về mặt lịch sử và luật pháp. Thế giới bây giờ đã thấy chuyện đó rồi. Thành ra Trung Quốc muốn dùng sức mạnh “quậy cho dữ”, vì Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực, nếu lấn áp được Việt Nam, Trung Quốc sẽ làm cho các nước khác trong vùng - cũng như là Mỹ - yếu thế đi.
Từ xưa đến nay, Trung Quốc chủ yếu làm áp lực trên hai nước là Việt Nam và Mỹ. Trung Quốc muốn được Mỹ nhượng bộ trong khu vực cũng như trong các lãnh vực như kinh tế… Nhưng Mỹ lại không chịu nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề lưu thông qua khu vực, thành ra Trung Quốc ép cho làm sao Việt Nam phải chịu nhượng bộ Trung Quốc.
Việt Nam đang ở trong tình thế rất khó khăn vì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ liên quan đến Biển Đông mà cả về kinh tế, ý thức hệ, chính trị… Cho nên cái không rõ ràng trong vấn đề xử lý quan hệ với Trung Quốc lại càng làm cho Trung Quốc tấn công Việt Nam (mạnh) hơn.
Thành ra tôi nghĩ là trong lúc này, không những Việt Nam, mà kể cả Mỹ, phải nói rõ cho Trung Quốc là không nên tiếp tục làm như vậy. Sở dĩ Trung Quốc tiếp tục đẩy manh trong lúc này là bởi vì họ nghĩ là Mỹ đang có nhiều chuyện khác nên có thể nhân nhượng Trung Quốc.
RFI : Thưa Giáo sư, Nhiều chuyên gia đã gắn liền các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, và cả tại biển Hoa Đông nhắm vào Nhật Bản, với sự kiện ông Tập Cận Bình bắt đầu chính thức lên lãnh đạo Trung Quốc và cần phải kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan để củng cố quyền lực. Nhận định của Giáo sư ra sao ?
NVL : Đây là vấn đề về xa về dài. Thật ra, từ khi đưa ra đường lưỡi bò, Trung Quốc đã thấy rằng nó không hợp lý, nó cũng không có căn cứ về lịch sử hay luật pháp, (cho nên) họ đã nghĩ rằng họ sẽ có thể dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để ép buộc các nước chung quanh. Càng ngày càng vô lý thì họ càng ngày càng dùng sức mạnh để mà “đẩy đến”.
Ngoài ra, ở trong nước, Tập Cận Bình đang lên (nên) muốn dùng chủ nghĩa yêu nước để củng cố địa vị của mình, bởi vì vị trí của ông thật ra vẫn chưa chắc lắm. Ngoài Việt Nam, gần đây Trung Quốc đã căng thẳng rất nhiều với Philippines, mà ngay trong vùng biển của Philippines.
Việt Nam ở sát Trung Quốc, nên ‘nó’ tìm mọi cách để gây áp lực trên Việt Nam. Mà đường lưỡi bò của Trung Quốc đúng là đi sát vào Việt Nam, vì vậy cho nên "nó" cứ dùng đường lưỡi bò để làm áp lực Việt Nam.
Việt Nam phải vận động quốc tế bắt Trung Quốc bỏ đường lưỡi bò, bỏ đường lưỡi bò thì mới có cơ hội hợp tác với các nước khác cũng như với Trung Quốc.
RFI : Như có nói ở lúc đầu, hôm Chủ nhật vừa rồi, rất nhiều nhân sĩ, trí thức tại cả hai thành phố lớn của Việt Nam là Sài Gòn và Hà Nội đã biểu tình chống các hành vi xâm lược của Trung Quốc nhắm vào Biển Đông. Giáo sư cảm nhận như thế nào về các sự kiện trên ?
NVL : Tôi nghĩ đây là một điều có tác dụng rất tốt, bởi vì khi mà Trung Quốc quá hàm hồ và vô lý như thế - mặc dầu người Việt Nam đã chịu đựng, đã nhân nhượng - thì phải lên tiếng, nếu không thì Trung Quốc sẽ ngày càng làm áp lực lên Việt Nam.
Nói lên, nhưng nói với thái độ của nhân sĩ trí thức trong nước tôi thấy rất tốt. Tôi không muốn so sánh, nhưng nếu so sánh với thái độ của chính phủ và người dân Trung Quốc đối với đảo Điếu Ngư, thì tôi thấy rằng người Việt Nam rất đàng hoàng trong vấn đề phát biểu ý kiến của mình.
RFI : Giáo sư muốn nhắc đến các phản ứng rất hung hăng thô bạo của Trung Quốc đối với Nhật Bản trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngoài biển Hoa Đông, phải không ạ ?
NVL : Vâng. Rất hung hăng, kể cả với Philippines, cách xa Trung Quốc cả nghìn dặm.
Tôi thấy thái độ của nhân sĩ trí thức Việt Nam, của người Việt Nam trong nước, rất đàng hoàng. Ta phải nói lên, chứ nếu không thì người ta tưởng là mình khiếp nhược, Việt Nam không khiếp nhược, Việt Nam không sợ, mà Việt Nam đàng hoàng, muốn giải quyết vấn đề một cách có lý.
Thành ra, nếu Trung Quốc muốn, thì đưa các vấn đề này ra, trước hết về đường chín đoạn thì ra Liên Hiệp Quốc, và về vấn đề các đảo thì ra Tòa án Quốc tế, chứ không thể dùng sức mạnh để làm áp lực như vậy, hay là dùng sức mạnh áp lực lên chính phủ Việt Nam, để (chính quyền Việt Nam) đàn áp dân chúng Việt Nam.
Trung Quốc cố ý làm như thế để chính phủ Việt Nam mất chính danh đối với dân chúng, mà mất chính danh đối với dân, thì chính phủ sẽ yếu đi, càng yếu đi thì càng phải nhượng bộ Trung Quốc.
Tôi thấy là tiếng nói của người Việt Nam, của nhân dân Việt Nam trong lúc này rất quan trọng, đòi hỏi như thế là đúng.
Về luật pháp, thì chính phủ lo, ví dụ như về vấn đề đưa Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc hay ra Tòa án Quốc tế, nhân dân không làm được, thì chính phủ nên làm. Còn việc nhân dân (lên tiếng) đòi hỏi chính phủ làm việc đó, tôi nghĩ đấy là điều rất đúng, giúp cho chính phủ có cơ hội đưa vấn đề này ra.



Copy từ: RFI




Một mét vuông đất bằng một quả... trứng gà






Copy từ: Thanh Niên