CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Blogger Anh Ba Sài Gòn ra tù sớm



Blogger Phan Thanh Hải
Ông Hải ra tù trước thời hạn hơn một tháng
Phan Thanh Hải, người chung vụ án với ông Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày) và bà Tạ Phong Tần, vừa được ra tù trước thời hạn.
Ông Hải, tức Anh Ba Sài Gòn, là một blogger thuộc Câu lạc bộ Nhà báo tự do. Ông là người nhận án nhẹ nhất với ba năm tù trong vụ án ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ năm 2010 so với hai bị cáo còn lại.

‘Cải tạo tốt’

Trả lời với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hải cho biết ông ra tù từ hôm Chủ nhật ngày 1/9.
Tuy nhiên, ông nói ông không nằm trong đợt đặc xá nhân dịp Quốc khánh Việt Nam ngày 2/9 mà được giảm án ‘dựa trên kết quả cải tạo trong tù’.
Ông cho biết sức khỏe của ông ‘không có vấn đề gì’ và đến giờ ông còn ‘choáng ngợp’ trước tình cảm của bạn bè thân hữu dành cho ông.
“Khá nhiều người gọi điện chúc mừng,” ông nói, “Họ mừng vui còn hơn cả sự mừng vui của chính mình.”
Như vậy, tính từ mốc ông Hải bị tạm giam vào tháng 10 năm 2010 thì ông Hải được về nhà sớm 1 tháng 17 ngày.
Ông mô tả việc giảm án cho ông là ‘điều bình thường’ theo thông lệ xưa nay.
Ông kể khoảng thời gian trong tù ông ‘nghĩ nhiều nhất đến tự do’ còn ‘những việc đấu tranh thì không có cơ hội nhận biết thông tin’.
"Tôi phải về cáng đáng nghĩa vụ của tôi."
Ông Phan Thanh Hải
“Lúc ở tù trông đợi ngày ra từng giây từng phút’.
Ông Phan Thanh Hải hiện có ba người con lần lượt là 17, 14 và 3 tuổi. Theo lời ông nói thì trong suốt thời gian ông thụ án tù vợ ông ‘không có lao động gì mà cưu mang ba đứa con và thăm nuôi chồng’.
“Tôi phải về cáng đáng nghĩa vụ của tôi,” ông nói và cho biết việc đầu tiên sau khi ông ra tù là ‘xem lại khả năng tồn tại của gia đình’.
“Đầu tiên tôi nghĩ về khả năng tồn tại của mình. Liệu mình có thể tồn tại một cách bình thường không?,” ông nói thêm.
“Có một cái gì đó chưa hết bàng hoàng. Tôi vẫn còn cảm nhận sự mong manh của mình.”
Ông cho biết ông còn ‘ba năm quản chế và còn nhiều chuyện khác không tiện nói’.

Nỗi lòng chưa tỏ

"Tôi đang trăn trở liệu tôi nói ra nỗi lòng của mình thì nó như thế nào."
Ông Phan Thanh Hải
“Tôi đang trăn trở liệu tôi nói ra nỗi lòng của mình thì nó như thế nào,” ông bày tỏ.
Trong khi ông Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần không nhận tội thì ông Phan Thanh Hải đã nhận tội tại Tòa.
Ông Hải và bà Tần đã bị tuyên án nặng với lần lượt là 12 và 10 năm tù và bị đưa ra các nhà tù cách rất xa nhà trong khi ông Phan Thanh Hải vẫn bị giam ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhận định về trường hợp của hai đồng bị cáo trong vụ án, ông Hải nói: “Có được giảm án hay không, việc đó chưa thể nghĩ được. Tôi chưa cảm nhận được sự thay đổi quan điểm.”
“Mình thấy có cái gì đó như cái hố sâu làm mình rất đau buồn,” ông nói.
“Tất nhiên mình chọn con đường khác. Số phận của mình và của họ trông khác như thế nhưng rất gần nhau.”
Về bản thân mình, ông nói ‘luôn có cảm giác không ổn, luôn sợ những cành cong’. Ý ông muốn nhắc đến câu nói: ‘Chim đã phải tên một lần thì luôn sợ cành cong’.


Copy từ: BBC


................................

Vì sao HT Thích Quảng Độ từ nhiệm?

Người đứng đầu Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất loan báo từ nhiệm, trong biến cố nội bộ lớn nhất từ nhiều năm qua.
Hòa thượng Thích Quảng Độ công bố lá thư nói ngài “không còn chịu trách nhiệm bất cứ việc gì” tại tổ chức Phật giáo vẫn bị chính quyền cộng sản Việt Nam cấm hoạt động.
Người đang là Đệ Ngũ Tăng Thống của Giáo Hội cho biết ngài muốn cách chức người đứng đầu giáo hội ở hải ngoại, nhưng các nhân vật lãnh đạo khác phản đối.
Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo tức lãnh đạo cao nhất của tổ chức này tại nước ngoài, bị cáo buộc “vi phạm trọng giới Dâm và Vọng”, theo lá thư.
‘Phạm trọng giới’
Theo nội dung bản Cáo bạch được viết ở Sài Gòn ngày 30/8/2013, lí do từ nhiệm liên quan tới vấn đề đạo đức của nhân vật được cử trọng trách dẫn dắt tổ chức tại hải ngoại.
Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa đạo tại Hoa Kỳ, bị cáo buộc “vi phạm trọng giới Dâm và Vọng với những bằng chứng cụ thể, minh bạch không thể chối cãi,” bản Cáo bạch viết.
Hòa thượng Thích Quảng Độ nói không còn chịu trách nhiệm công việc của tổ chức
Tuy nhiên, dường như đã có sự bất đồng gay gắt giữa các lãnh đạo của Giáo hội trong việc xử lí vụ việc này.
Tổng vụ trưởng Tổng vụ tăng sự “ba lần dâng thỉnh nguyện thư” yêu cầu cho Hòa thượng Chánh Lạc nghỉ việc, điều mà Hòa thượng Thích Quảng Độ muốn chấp thuận.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Hóa đạo và Chánh thư kí Viện Tăng thống “quyết lưu giữ” Hòa thượng Chánh Lạc và còn muốn Hòa thượng sẽ là “cố vấn Văn phòng II Viện Hóa đạo”, theo bản Cáo bạch.
Những khác biệt quá lớn trong cách thức xử lí vụ việc khiến Hòa thượng Thích Quảng Độ tuyên bố từ nhiệm, bởi ông “không thể chấp nhận những việc làm trái với Hiến chương của Giáo hội để bảo vệ một vị tăng phạm giới”.
Bản Cáo bạch cũng nhắc tới các cuộc tự thiêu của các thành viên Giáo hội kể từ sau 1975 tại Việt Nam, sự hy sinh nhằm “bảo vệ đạo pháp và dân tộc”, điều mà Hòa thượng Thích Quảng Độ nói ông “không thể phản bội lại”.
Ông Võ Văn Ái, người phát ngôn cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong nước, là người được Hòa thượng Thích Quảng Độ ủy quyền công bố lá thư trên mạng.
Trả lời BBC, ông Ái nói Giáo hội đang “có một vài cá nhân không có phẩm hạnh”.
“Nếu nội bộ không làm được chuyện thanh lọc, đó sẽ là sự đi xuống, nếu không nói là tan vỡ của tổ chức,” ông Ái bày tỏ chính kiến.
Sinh năm 1928, Hòa thượng Thích Quảng Độ giữ chức Tăng thống Giáo hội Việt Nam Thống nhất từ năm 2008.
Hồi 2006, ông được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto vì các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền.
Hòa thượng cũng từng được đề cử giải Nobel Hòa bình nhiều lần.


Copy từ: BBC

Nghị định 72 bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam

 
 
Nghị định 72, một đạo luật gây nhiều tranh cãi ban hành hồi cuối tháng 7, có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mới bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam bắt đầu từ ngày chủ nhật, 1 tháng 9.

Đạo luật ngăn chận dân mạng tại Việt Nam chia sẻ tin tức và các bài viết đã bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền đả kích, vì các tổ chức này cho rằng nghị định này nhằm mục đích trấn áp những tiếng nói bất đồng tại Việt Nam, một đất nước độc đảng theo chủ nghĩa cộng sản, theo tin của CNN.

Kể từ nay, dân sử dụng mạng tại Việt Nam bị cấm không được bàn các vấn đề thời sự, theo bản tin trên mạng tin tức Fud xilla.com hôm nay.

Trước đó Hà nội đã tìm cách trấn an dân mạng. Hai ngày trước khi nghị định 72 có hiệu lực, VOV đăng một bài viết tựa đề “Cần hiểu đúng Nghị định 72 về quản lý Internet”. Đài Tiếng Nói Việt Nam khẳng định, nghị định 72 chỉ nhằm tạo sự “minh bạch cho sự phát triển của internet tại Việt Nam”.

VOV dẫn lời bà Nguyễn thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, nói rằng các điều khoản trong nghị định 72 “không có câu chữ nào ngăn cấm người sử dụng mạng xã hội chia sẻ, đăng tải lại tin tức” mà chỉ phân loại các trang thông tin điện tử “theo nội dung và mục đích sử dụng”, nhằm “bảo vệ bản quyền, và sở hữu trí tuệ”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ đài VOA, một đại diện của Tổ chức Ký giả Không biên giới ở Paris nói rằng lập luận của Việt Nam là tiêu biểu cho các lập luận của các chế độ toàn trị, độc tài.

Giới sử dụng Internet tại Việt Nam cho là sẽ hạn chế quyền chia sẻ thông tin của người dân.

Từ khi được ký ban hành, nghị định 72 đã gây quan ngại sâu xa. Hàng trăm trí thức Việt Nam và thành phần chuyên nghiệp cả trong nước lẫn ở nước ngoài đã ra Tuyên bố trên trang mạng boxitvn.net, mạnh mẽ phản đối nghị định 72, mà họ cho là mập mờ, có thể được dùng làm cái cớ để chính quyền trừng trị những người thuộc thành phần họ cho là “bất hảo.”

Giới trí thức Việt Nam cho rằng nghị điịn 72 vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân, vi phạm Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế mà chính quyền Hà Nội tham gia ký kết.

Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về Nghị định 72 với những giới hạn về các thông tin mà người sử dụng đưa lên trên trang blog cá nhân.

Trong Tuyên bố chung của Liên minh về Quyền Tư do Trên mạng ra do phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf phổ biến hôm 26 tháng 8, khuyến cáo Nghị định 72 có thể phương hại đến nền kinh tế Việt Nam, vì nghị định này sẽ hạn chế sáng kiến, cản trở phát triển thương mại và đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Reuters, Bloomberg, Vnexpress, Xinhua

Copy từ: VOA


....................

Vẫn tùy tiện trong việc bắt, giam

Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-09-02

000_Hkg8933723-305.jpg
Các tù nhân trại giam Hoàng Tiến, Hải Dương nhìn theo những người được ân xá hôm 30/8/2013.
AFP photo


Hơn 15.500 tù nhân được Hà Nội đặc xá nhân dịp kỷ niệm hai sự kiện 19 tháng 8 và ngày 2 tháng 9 năm nay; tuy nhiên một số những nhà hoạt động cho quyền con người và dân chủ tại Việt Nam tiếp tục bị giam giữ mà chiếu theo những chuẩn mực pháp lý thì việc giam giữ họ là tùy tiện.

Những tên tuổi được biết
Trong những ngày này, sau sự kiện được cho là bất ngờ khi sinh viên Nguyễn Phương Uyên được giảm án và tuyên trả tự do tại tòa, nhiều đồn đoán trong nước cho rằng sẽ có thêm nhiều người đang bị bắt giữ với nhiều lý do khác nhau sẽ được cho về.
Cho đến ngày 1 tháng 9 vừa qua, những người quan tâm có thêm một tin vui là một thành viên trong Câu Lạc Bộ Nhà báo Tự do, blogger AnhbaSG Phan Thanh Hải được ra tù trước thời hạn một tháng 17 ngày.
Tuy vậy, có những người bị bắt trong thời gian qua được nhiều người biết đến và hy vọng họ sẽ sớm được tự do như luật sư Lê Quốc Quân, các blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy vẫn còn trong trại giam.
Bà Nguyễn thị Kim Liên, mẹ của sinh viên Đinh Nguyên Kha cùng vụ án với Nguyễn Phương Uyên và blogger Đinh Nhật Uy, vào trưa ngày 2 tháng 9 cho biết thông tin về hai người con của bà trong nhà tù như sau:
Chuyến vừa rồi cũng y như những đợt trước, tôi và Thạch Thảo không được gặp Kha, chỉ có ba cháu mà thôi. Cháu với với ba rằng phải mời luật sư vì ở trong đó bị ép phải nhận tội khủng bố. Tôi có nói chuyện với luật sư Nguyễn Văn Miếng và ông này nói nhiều lần làm đơn xin gặp mặt mà công an nói đang điều tra nên không giải quyết cho gặp. Ba của cháu rất xót xa, nay ông lên tiếng mạnh mẽ nói với cháu là đừng nghe gì họ nói bên trong mà họ nói gì cữ nghĩ ngược lại, ra tòa cứ nói trước tòa việc bị làm sao. Còn Uy rất cứng rắn vì biết không có tội. Hai lần họ làm biên bản điều tra cháu đều nói họ làm sai. Họ phải sửa hai lần đến biên bản kết luận điều tra hôm ngày 24 tháng 8, cháu đồng ý. Nhưng đến nay họ chưa thả cháu ra. An ninh điều tra mời hai vợ chồng tôi xuống yêu cầu làm bảo lãnh về luôn, trước đây họ yêu cầu làm bảo lãnh tại ngoại nhưng nay bỏ chữ tại ngoại mà về luôn; từ bữa hai mươi mấy tây tháng bảy đến nay hơn một tháng rồi!

Em trai của luật sư Lê Quốc Quân, anh Lê Quốc Quyết cho hay mới hôm thứ sáu tuần rồi, tức ngày 30 tháng 8, luật sư bào chữa Trần Thu Nam có vào trại giam Hỏa Lò 1 gặp thân chủ. Sau đó vị luật sư có chia sẻ thông tin với gia đình về luật sư Lê Quốc Quân là tình hình cũng không có gì mới: sức khỏe bình thường, tinh thần vững vàng, ngày xử vẫn chưa có sau khi bị hoãn một cách đột ngột hồi chiều ngày 8 tháng 7 vừa qua.
Việc phân biệt đối xử của trại giam đối với vị luật sư nhân quyền này cũng như cũ theo như lời của anh Lê Quốc Quyết:
Vấn đề nước sạch anh Quân vẫn bị hạn chế, không cho gửi quá 10 chai. Mặc dù nhiều lần anh nói với luật sư thiếu nước sạch để uống, nhưng có chỉ đạo từ trên chỉ cho nhận 10 chai. Họ khống chế nước có thể họ nghĩ anh có nhiều nước có thể lại tuyệt thực chỉ uống nước thôi. Thăm gặp vẫn chưa được cũng như tài sản kết thúc vụ án lâu rồi vẫn không trả lại. Sách báo kể cả Kinh Thánh từ ngoài gửi vào không được. Đồ ăn gia đình nấu sẵn cũng không được gửi vào như những phạm nhân khác, mà chỉ ghi mua những thức ăn có sẵn ở trại mà thôi. Được biết do anh có đấu tranh nên nay được đọc báo của trại.

Những người đấu tranh thầm lặng
000_Del6229692-250.jpg
Gia đình, người thân LS Lê Quốc Quân cầu nguyện cho anh. AFP photo

Ngoài những người được biết đến như vừa nêu, hiện trong nhà giam ở Việt Nam còn có một số người chỉ được biết đến một cách giới hạn trong vòng gia đình, người thân và cộng đồng nơi họ sinh sống.
Đó là trường hợp của ông Ngô Hào ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông này bị bắt hồi ngày 28 tết năm nay, tức ngày 8 tháng 2 vừa qua.Từ đó đến nay gia đình vẫn chưa được gặp mặt. Bà Nguyễn thị Kim Lan, vợ của ông Ngô Hào, nói về điều đó:
Lâu quá rồi không được gặp mặt, chỉ có gửi đồ ăn vô thôi. Mấy lần trước anh chỉ ghi có nhận đồ ăn, lần vừa rồi anh có ghi nhận đủ canh bí đỏ, nhiều, đặc. Tôi không hiểu nhưng sợ trong đó anh bị đánh nhiều. Tôi lo sợ lắm.
Gia đình của ông Ngô Hào vừa có đơn kêu cứu vì theo họ ông này không hề làm gì chống phá nhà nước. Việc làm của ông trước khi bị bắt là lên tiếng cho những người bị đàn áp bất công về mặt xã hội cũng như tôn giáo như trường hợp của một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo hệ thống Nhà nước, hay trường hợp của những vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam Thống Nhất là thượng tọa Thích Thiện Khánh ở Phú Yên, thầy Thích Nhật Ban ở Đồng Nai…
Ngoài ra còn có trường hợp mà người trong cuộc xem như hành động bắt cóc của phía cơ quan chức năng. Đó là vụ việc của hai ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải thuộc giáo họ Trại Gáo, giáo xử Mỹ Yên thuộc giáo phận Vinh. Ông Ngô Văn Khởi bị bắt khi đang đi đưa dâu một người cháu họ. Ông Nguyễn Văn Hải bị bắt khi đưa cháu đi khám bệnh về. Cả hai bị bắt hồi ngày 27 tháng 6 và một tuần lễ sau gia đình mới nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc bắt giữ họ.

Lên tiếng về sự tùy tiện bắt giam
Nhiều lý do khác nhau được đưa ra để bắt giữ những người vừa nói; ví dụ đối với luật sư Lê Quốc Quân là trốn thuế, đối với các bloggers Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào là vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình sự ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; còn đối với hai giáo dân Trại Gáo là ‘gây rối trật tự’.
Tất cả những qui định nêu ra để bắt giữ các đối tượng vừa nói bị cho là suy diễn một cách tùy tiện theo ý của cơ quan chức năng, chứ trong thực tế những người đó không làm gì sai phạm mà trái lại họ thực thi những quyền của người dân được qui định trong Hiến pháp và Pháp luật Việt nam, cũng như trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia.
Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới từng lên tiếng cho rằng Việt Nam là nhà tù lớn thứ hai trên thế giới đối với blogger và người bất đồng chính kiến trên mạng. Vị trí thứ nhất thuộc về Trung Quốc.


Copy từ: RFA


.......................

Đảng sẽ đưa đất nước về đâu?

Việc luật gia Lê Hiếu Đằng “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh” để “tính sổ cuộc đời” và rồi đề xướng lập “Đảng của những người bỏ đảng” nhằm mang lại sinh hoạt chính trị cho đúng nghĩa, hình thành xã hội dân sự cũng như xúc tiến dân chủ hóa xã hội VN khiến, cho tới giờ, khoảng 20 bài viết trên báo lề đảng như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Đại Đòan kết, Saigòn Giải phóng…đồng loạt công kích.
Bất công khắp nơi
Lên tiếng với phóng viên Gia Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng cho biết:
Có thể nói đầu tiên khi tôi đặt ra những vấn đề đó thì thật ra đó là những vấn đề đi vào yếu huyệt của đảng cộng sản, của chế độ; thành ra quí vị đó phản ứng hơi mạnh. Tôi nghĩ đó là điều tất nhiên thôi. Mà vấn đề đó là vấn đề cốt tử hiện nay bởi vì một xã hội phát triển bình thường phải có những đảng chính trị đối lập để giám sát, chế ước lẫn nhau. Điều đó là xu thế trên thế giới…Bất cứ chính quyền nào, cộng sản hay không cộng sản mà ‘một mình, một chợ’, không có giám sát của xã hội dân sự cũng sẽ trở thành hư đốn, lộng quyền và lạm quyền thôi…
Khi nhận thấy “hàng lô những nhà lý luận cung đình”, chuyên hay thời vụ, quy chụp ông Lê Hiếu Đằng là “thay lòng đổi dạ”, phản bội lại lý tưởng mà ông đã theo đuổi, thì blogger Hùynh Ngọc Chênh nêu lên câu hỏi rằng “Ai thay lòng đổi dạ?”.
Qua bài blog với tựa đề như vừa nói, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh lưu ý rằng số bài viết chỉ trích luật gia Lê Hiếu Đằng thì nhiều nhưng “luận điệu phản biện thì giống hệt nhau, nghèo nàn và xơ cứng, đi lại cũng hô các khẩu hiệu: Con đường đi lên CNXH là chọn lựa duy nhất của dân tộc VN, đảng độc quyền lãnh đạo là tất yếu lịch sử, đảng đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xương máu của hàng triệu đảng viên (?) góp phần làm nên thắng lợi nên đảng đời đời độc quyền lãnh đạo là đương nhiên, dân chủ VN theo kiểu của VN...”. Vẫn theo blogger Hùynh Ngọc Chênh, các “tác giả lý luận cung đình” lề đảng ấy lại lặp lại cung cách của “dân nơi chợ búa” vẫn làm khi muốn "phản biện " đối thủ của mình, đó là “thóa mạ, quy chụp, chửi bới về nhân thân cũng như động cơ của ông Lê Hiếu Đằng”.
000_Hkg8442283-250.jpg
Người nhà ông Đoàn Văn Vươn kêu oan cho ông trước TAND Hải Phòng hôm 02/4/2013. AFP photo
Sau khi  “thử hỏi lý tưởng mà ông Đằng đã theo đuổi suốt cuộc đời của mình, từ hồi trai trẻ còn cắp sách đến trường cho đến lúc gần đất xa trời, là gì ? Nhà báo Hùynh Ngọc Chênh cho biết đó là “đấu tranh chống bất công, chống áp bức, chống xâm lược nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ, công bằng và hạnh phúc”, và blogger Hùynh Ngọc Chênh nêu lên vấn đề là “ai rời bỏ lý tưởng đó ? Đảng CS hay những người đã và sắp bỏ đảng như ông Lê Hiếu Đằng ?”. Tác giả hỏi tiếp rằng dưới sự lãnh đạo của đảng CS, nước VN thống nhất trong 38 năm qua đã có được những gì: Độc lập? Tự do? Dân chủ ? Hạnh phúc thực sự hay chưa ? Xã hội có công bằng không ? Và tòan dân có ấm no không ? Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh lưu ý:
Nhìn vào thực trạng đất nước hiện nay, ông Lê Hiếu Đằng đã đưa ngay câu trả lời. Đảng lãnh đạo hầu như lệ thuộc vào đảng Trung Quốc từ lý luận đến thực tiễn hành động. Đất nước thì bị đe dọa mất chủ quyền bởi vòng kim cô "4 tốt, 16 chữ vàng" để bị kẻ thù phương Bắc bao vây trên nhiều phương diện: Quân sự, ngoại giao, kinh tế và cả văn hóa nữa. Kinh tế thì suy sụp, xã hội thì đảo điên, áp bức bất công khắp mọi nơi, nạn tham nhũng thì càng ngày càng phát triển đến mức không còn cách để ngăn chặn...

Từ trước đến nay đảng chưa hề có một lời xin lỗi với nhân dân về những sai lầm của mình. Từ đó, những người ấy nghi ngờ rằng đảng đã không còn đi trên con đường lý tưởng như ban đầu đã chọn lựa.
- Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
Điều gì đã đưa đất nước đi đến thực trạng như vậy? Ông Lê Hiếu Đằng cũng như nhiều trí thức nhân sĩ trong và ngoài đảng đều có chung một nhận định: Do đảng lãnh đạo đã liên tục mắc vào các sai lầm mà không hề đúc kết rút kinh nghiệm để sửa sai. Từ trước đến nay đảng chưa hề có một lời xin lỗi với nhân dân về những sai lầm của mình. Từ đó, những người ấy nghi ngờ rằng đảng đã không còn đi trên con đường lý tưởng như ban đầu đã chọn lựa.
Trong những ngày qua, một loạt những bài viết lề đảng “đấu tố” luật gia Lê Hiếu Đằng khiến blogger Phạm Đình Trọng liên tưởng đến “những bài viết rầm rộ, đồng loạt, tới tấp đánh Nhân Văn Giai Phẩm trên các báo ở miền Bắc hồi những năm 1956, 1957”, nó “sao giống khẩu khí, giọng điệu, giống cả thái độ quyền uy lấn lướt, giống cả sự hằn học nhỏ nhen, muốn làm sống lại cả không khí ngột ngạt, căng thẳng thời đánh NVGP đến thế”.
Hiện trạng đất nước
Nhà văn Phạm Đình Trọng nhận thấy trước kia, NVGP bị đánh theo “lệnh công khai phát ra từ chót vót trên cao” khi những “bài viết và nói nảy lửa” của “thi bá” Tố Hữu phát ra từ phát súng lệnh của “cung đình nhà Đỏ”, thì ngay lập tức, “các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ ào ào nhảy vào đánh túi bụi những mục tiêu đã được chỉ định. Đánh để cố tách xa mình ra khỏi NVGP, để bày tỏ lòng trung thành với đảng, để lập công với đảng nên không thiếu một tên tuổi nào, không sót một tờ báo nào trong cuộc đánh hội đồng này”.
Còn ngày nay, theo Đại tá Phạm Đình Trọng, chỉ có “dăm tờ báo với vài người viết tên tuổi lạ hoắc có thể coi là vô danh” mượn cớ đánh bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnhcủa ông Lê Hiếu Đằng để, qua đó, đánh phá luôn cả phong trào đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước. Nhưng nhà văn Phạm Đình Trọng nhấn mạnh rằng dù mức độ đánh phá có khác, qui mô và khí thế có khác, còn nội dung thì “hoàn toàn là sự tái hiện vụ Nhân Văn Giai Phẩm, vụ Xét Lại Chống Đảng trong quá khứ, là quyền uy độc tài đánh phá ngăn chặn đòi hỏi tự do dân chủ, là lực lượng chuyên chính về tư tưởng bảo vệ quyền uy, bảo vệ đặc quyền đặc lợi của Nhà nước đảng trị chống trả lại tiếng nói vì dân vì nước”.
Giữa lúc thời nay đang “sống lại cả không khí ngột ngạt, căng thẳng của thời đánh NVGP ”, nhà văn Phạm Đình Trọng cũng không quên cuộc đấu tố “địa chủ” trong chiến dịch cải cách ruộng đất diễn ra kiểu “cánh đồng giết người” như bên xứ Chùa Tháp, khi những kẻ đấu tố “càng tỏ ra sôi sục căm thù”, tìm cách vạch ra cho được nhiều “tội ác” của nạn nhân bị gán cho là “địa chủ” thì càng được đánh giá là có “giác ngộ giai cấp”, càng được đảng tin cậy, cất nhắc. Do đó, theo nhà văn Phạm Đình Trọng, người đấu tố phải cố “lên gân” lập trường giai cấp, phải “tưởng tượng ra đủ các tội vu oan giá họa làm cho một nông dân hiền lành chỉ nhờ biết tổ chức làm ăn, chịu khó cần cù khuya sớm và tằn tiện ki cóp mà có đủ ruộng cày cấy và có cuộc sống tạm đủ ăn cũng trở thành địa chủ cường hào gian ác phải nhận bản án tử hình”.
Nhà văn Phạm Đình Trọng nhận thấy bài viết “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh” của ông Lê Hiếu Đằng chỉ là một sự tiếp nối tiếng nói NVGP nửa thế kỉ trước đòi tự do dân chủ thật sự cho quê hương mà thôi.
000_Hkg8867232-250.jpg
Hà Nội sau một trận mưa lớn hôm 08/8/2013. AFP photo
Đại tá Phạm Đình Trọng nhân tiện lưu ý rằng những nhà viết lịch sử đảng, những nhà lí luận, những cán bộ tuyên huấn của đảng suốt mấy chục năm qua đều “một giọng cường điệu hóa, anh hùng ca hóa công tích của đảng Cộng sản Việt Nam mà không chịu nhìn vào thực tế là những sai lầm liên tiếp trong quá khứ, tham nhũng không có điểm dừng trong hiện tại của đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thảm họa này đến thảm họa khác”. Những thảm họa đó là:
"Thảm họa cải cách ruộng đất đánh sập từ gốc rễ đạo lí Việt Nam, đánh tan tác văn hóa làng xã tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam."
"Thảm họa Nhân Văn Giai Phẩm, thảm họa ngụy tạo ra vụ Xét lại chống đảng đã giam cầm, đầy ải, giết dần giết mòn những tài năng, tinh hoa nhất của dân tộc Việt Nam."
"Thảm họa cải tạo tư sản ở miền Bắc sau năm 1954, cải tạo tư sản ở miền Nam sau năm 1975 tước đoạt quyền làm chủ của những chủ tư sản biết tổ chức sản xuất kinh doanh tạo ra việc làm cho người lao động, tạo ra của cải cho xã hội… Cải tạo tư sản đã hủy hoại, xóa sổ cả một nền sản xuất công nghiệp tự chủ đang lớn mạnh của người dân, của đất nước."
"Thảm họa tập trung cải tạo thực chất là tù đày lực lượng ưu tú nhất của xã hội miền Nam cũng là tài sản con người của dân tộc Việt Nam, đẩy một nửa dân tộc Việt Nam ra khỏi vòng tay Mẹ hiền Tổ Quốc Việt Nam. Từ đó dẫn đến thảm họa thuyền nhân vùi xác hơn nửa triệu người dân Việt Nam dưới đáy biển."

Thảm họa Vinashin, Vinalines làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn ngân sách Nhà nước, tạo ra đổ vỡ dây chuyền làm cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, đẩy nền kinh tế đất nước vào khủng hoảng kéo dài, không thể cất mình lên nổi
- Đại tá Phạm Đình Trọng
"Thảm họa mất đất mất biển. Những mảnh đất mang hồn thiêng tổ tiên người Việt Nam, thấm đẫm máu nhiều thế hệ người Việt Nam, những tên đất chói lọi trong lịch sử Việt Nam đã bị Nhà nước Cộng sản Việt Nam cắt sang đất Tàu"!
"Thảm họa khai thác bô xít Tây Nguyên tàn phá môi trường, tàn phá văn hóa Tây Nguyên, làm chảy máu lâu dài nền kinh tế đất nước. Dự án khai thác bô xít Tây Nguyên liên tục ngốn nguồn vốn lớn hàng chục ngàn tỉ, hàng trăm ngàn tỉ đồng của nền kinh tế đất nước nhưng không làm ra một đồng tiền lãi, không bao giờ có lãi ở thời hiện tại!"
"Thảm họa Vinashin, Vinalines làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn ngân sách Nhà nước, tạo ra đổ vỡ dây chuyền làm cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, đẩy nền kinh tế đất nước vào khủng hoảng kéo dài, không thể cất mình lên nổi".
"Thảm họa tụt lại sau thế giới, lạc lõng với thế giới. Năm 1975 Thái Lan phải ngước nhìn lên sự phát triển của kinh tế, xã hội miền Nam Việt Nam thì nay Thái Lan phải ngoái lại phía sau nhìn sự ì ạch của kinh tế xã hội Việt Nam vì Thái Lan đã vượt xa Việt Nam vài chục năm rồi và càng ngày, Thái Lan càng bỏ xa Việt Nam".
Nhà văn Phạm Đình Trọng nhân tiện cảnh báo rằng một đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi “từ thảm họa này đến thảm họa khác”, một đảng đã “cắt cả đất đai thiêng liêng của tổ tiên” cho phương Bắc, một đảng đang “lún sâu trong tham nhũng”, dùng bạo lực chuyên chính vô sản “bóp chết những tiếng nói chính đáng đòi tự do dân chủ”, “kìm hãm sự phát triển của xã hội, của đất nước”, thì, theo blogger Phạm Đình Trọng, “ đó là một tội ác! Những tội đó còn ghi khắc mãi trong lịch sử đau thương của đất nước này”.
LS Hà Huy Sơn qua bài “Hãy tuân theo quy luật để tồn tại và phát triển” khẳng định rằng “một nhà nước dưới sự lãnh đạo của một đảng thì nhà nước đó không bao giờ là nhà nước của mọi công dân”, hay nói cách khác, nó không phải là một nhà nước “ của dân, do dân, vì dân”, cả về nguyên lý lẫn thực tiễn.
Có lẽ trước tình cảnh như vậy, nhà thơ Lang Thang “cảm tác” thành vầng thơ:
Lúc nào đảng cũng thắng, dân thua
Thì hỏi đảng vì dân hay vì đảng?

Copy từ: RFA

Facebook ở VN: Đồng sàng dị 'mạng'

Cập nhật: 15:32 GMT - thứ hai, 2 tháng 9, 2013

Chương trình Impact của BBC đưa tin về Nghị định 72
Truyền hình BBC và nhiều hãng tin nói về Nghị định 72 hôm 2/9

Ngày 2/9 cũng đánh dấu ngày làm việc đầu tiên Nghị định 72 về quản lý internet của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.
Nhiều hãng thông tấn lớn đều có tường thuật về chuyện này.
Họ nhắc lại chuyện hàng chục cây viết mạng đang phải ngồi tù và Việt Nam nằm trong 10 nước cuối bảng về tự do báo chí trong số 179 nước có tên trong bảng xếp hạng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới.
Người vào trang chủ của tổ chức này gặp ngay lời mời ký thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho 35 blogger đang bị cầm tù.
Trong khi đó các quan chức Việt Nam và cả một số nhà phân tích nói rằng họ muốn chấn chỉnh tình trạng sao chép bừa bãi và vi phạm bản quyền.
Hơn nữa  Nghị định 72, trong đó có việc cấm các trang mạng cá nhân hay trang tin nội bộ của các công ty đăng tin tổng hợp, lặp lại nhiều nội dung của  Nghị định 97 ban hành hồi năm 2008, theo nhà báo Nguyễn Vạn Phú.
Còn nhà quan sát David Brown của Hoa Kỳ cho rằng Nghị định 72, cũng giống nhiều văn bản pháp luật khác của Việt Nam, là sản phẩm của ý thức hệ Marxist và ít tính thực tiễn.
Hơn nữa, cũng theo ông Brown, Việt Nam đã có một loạt những biện pháp khác từ tội trốn thuế tới, tuyên truyền chống nhà nước hay lật đổ chế độ để xử lý những người bất tuân.

Đồng sàng dị 'mạng'

Trong tiếng Việt, 'đồng sàng dị mộng' có nghĩa là nằm cùng giường nhưng mộng tưởng khác nhau, mà cũng có thể diễn giải theo nghĩa cùng một cộng đồng nhưng không cùng chí hướng.
Mạng xã hội, mà nổi tiêng nhất là Facebook, hiện vẫn là sân chơi chính của giới trẻ với cách suy nghĩ khác hẳn thế hệ già hơn mà nhiều người đang nắm vai trò quản lý mạng và quản lý xã hội nói chung.
Nhưng ngay cả trong số khoảng 10-15 triệu thành viên Facebook ở Việt Nam cũng có sự khác biệt về cách sử dụng mạng và điều này cũng đúng khi nhìn rộng ra trên mạng internet.
Chỉ có một số nhỏ người dùng Facebook, vốn hầu hết có trình độ đại học hay cao hơn, dùng mạng này để bày tỏ quan điểm chính trị và kêu gọi có những thay đổi trong chính trường Việt Nam.
Cũng có những trang Facebook chính trị được khá nhiều người 'thích', chẳng hạn hơn 130.000 người của trang Bấm Nhật ký yêu nước hay gần 400.000 của  Tạp chí Chim Lợn.
Đây cũng không phải là những con số quá lớn so với số fan hơn 470.000 của nghệ sỹ hài  Xuân Hinh hay 670.000 của  Mạng xã hội văn học.
Trang Nguyễn Tấn Dũng
Trên Facebook có nhiều trang có tên thủ tướng Việt Nam
Trong khi đó trên Facebook cũng tồn tại những trang  Nguyễn Tấn Dũng của 'Hội ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng' với hơn 190.000 người thích và trang 'Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng' với 2.000 người thích.
Trang ' Nguyễn Tấn Dũng' khác cũng có hơn 850 người đăng ký nhận tin.
Điều có thể khẳng định là những trang này không phải của thủ tướng Việt Nam và ông và giới trẻ có thể coi là đồng sàng dị mạng.
Hố ngăn cách giữa các chính trị gia Việt Nam và người dân, nhất là giới trẻ lớn hơn nhiều so với một số nước bởi rào cản ý thức hệ và cả công nghệ.
"[C]hính trị gia Việt Nam khi muốn tới với công chúng. Họ không kiểm soát được truyền thông chính thống nên rất tích cực dùng mạng xã hội."
Nếu người dân Anh, một trong số ít các đối tác chiến lược với Hà Nội, gõ tên Thủ tướng David Cameron vào Facebook họ sẽ thấy ở đầu các kết quả tìm kiếm là  trang chính thức đã được Facebook chứng nhận là của ông thủ tướng với hơn 190.000 người thích.
Khi huyền thoại phát thanh của nước Anh qua đời, ông Cameron đã lên mạng xã hội Twitter gửi lời chia buồn. Đây là cách nói với công chúng rằng 'các bạn ở đâu, chúng tôi ở đó để phục vụ các bạn và chia sẻ thông tin và cảm xúc của các bạn'.
Khi Tổng thống Barack Obama tái đắc cử, ông cũng lên mạng Twitter gửi đi ảnh hai vợ chồng ông ôm nhau với ba chữ 'bốn năm nữa'.
Gần 300.000 người đã lưu lại thông điệp này trong khi có tới gần 800.000 chia sẻ tin nhắn của ông với bạn bè qua Twitter.
Những ví dụ trên đây cho thấy các chính trị gia phương Tây vất vả hơn chính trị gia Việt Nam khi muốn tới với công chúng.
Họ không kiểm soát được truyền thông chính thống nên rất tích cực dùng mạng xã hội.

Giá trị Facebook

Các cộng đồng trên thế giới, từ cộng đồng mạng Facebook hay cộng đồng tạo nên cả một quốc gia đều là những 'cộng đồng tưởng tượng', theo Giáo sư Benedict Anderson, tác giả của cuốn sách cùng tên.
Lấy ví dụ về quốc gia, ông Anderson nói ngay cả trong một quốc gia nhỏ nhất các thành viên cũng không thể biết hết nhau, nghe về nhau chứ chưa nói tới chuyện gặp tất cả thành viên của quốc gia đó.
Bởi vậy từ khi con người thôi sống trong những nhóm nhỏ và bản sắc của họ một phần dựa trên một cộng đồng lớn hơn, toàn bộ các cộng đồng trên thế giới đều được 'tưởng tượng' hoặc 'sáng tạo ra' vì đa số các thành viên biết về các thành viên khác thông qua các thông tin gián tiếp thay vì trực tiếp mắt thấy tai nghe.
Thông điệp của ông Obama trên Twitter
Tổng thống Barack Obama có 36 triệu người đăng ký nhận tin qua Twitter
Tương tự, với hơn một tỷ người dùng, Facebook được người ta coi là 'quốc gia' lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau có Trung Quốc và Ấn Độ.
Những người dùng này không thể nào hy vọng có thể kết nối thực với những thành viên Facebook còn lại nhưng họ chia sẻ những giá trị chung.
Đó là sự tự do chia sẻ thông tin và tự do sống ảo, dĩ nhiên theo những nguyên tắc ửng xử cộng đồng do Facebook đưa ra.
Nhưng cũng có những người nổi tiếng có số người hâm một trên mạng xã hội, chẳng hạn Twitter, bằng số dân của một nước dân số trung bình.
Có thể kể tới các ca sỹ  Justin Bieber với gần 44 triệu,  Lady Gaga với hơn 40 triệu và  Barack Obama với 36 triệu.
Giáo sư Anderson nói dù khái niệm quốc gia vô cùng trừu tượng và cộng đồng trong đó chỉ là 'tưởng tượng' nhưng hàng triệu người đã sẵn sàng nằm xuống vì sự trừu tượng và tưởng tượng đó.
Mặc dù khẳng định họ không có ý cấm đoán chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, các chính trị gia Việt Nam hẳn không muốn cộng đồng, dù là tưởng tượng, trên Facebook hay các mạng xã hội khác có thể tạo ra các tác động thật khiến quyền lực vốn đã lung lay của họ thêm suy yếu.


Copy từ: BBC


..........................