CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Dân tố Trưởng CA xã đứng quay phim khi côn đồ đánh người Tiên Lãng


(GDVN) - Chủ tịch xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng - Hải Phòng thừa nhận, lực lượng công an hiện diện đã có thiếu sót khi không lập biên bản, không yêu cầu những người liên quan về trụ sở làm việc trong vụ xô xát giữa nhóm côn đồ và người dân ngày 21-4 vừa qua.
Báo Người lao động vừa đưa thông tin này. Theo đó, ngày 25-4, các ông Lương Văn Chinh và Hoàng Văn Khang ở thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng – TP Hải Phòng đã viết đơn tố cáo hơn 50 côn đồ xông vào dùng cuốc, xẻng, gậy gộc hành hung dân khiến 11 người bị thương (trong báo cáo của UBND huyện Tiên Lãng chỉ có 4 người bị thương).

Trong lá đơn này, các ông cũng khẳng định dù đại diện chính quyền, công an xã, huyện có mặt rất sớm nhưng không có biện pháp kịp thời giải quyết tình trạng côn đồ đánh dân.

Lực lượng công an địa phương đã không lập biên bản, không đưa những người liên quan về trụ sở.

Chưa hết, ông Lương Văn Chinh bức xúc: “Trong khi vụ xô xát giữa người dân và nhóm 50 người lạ mặt xảy ra thì công an xã Đại Thắng có mặt khá sớm nhưng chẳng ai vào can thiệp. Ông Lương Văn Luyện với chức trách là Trưởng Công an xã, thay vì vào giải quyết vụ việc thì lại đứng từ xa, dùng điện thoại để… quay phim vụ việc. Lãnh đạo địa phương và các công an viên thì cũng chỉ đứng từ xa, không ai can đảm đứng ra giải quyết dẫn đến việc 11 người dân bị thương”.

Trước đó, trao đổi với Tuổi trẻ, ông Lê Văn Tú (23 tuổi) - đội trưởng đội bảo vệ của Công ty Toàn Cầu tham gia bảo vệ khu dự án ngày 21-4 cũng khẳng định, khi vụ xô xát xảy ra, lực lượng công an có mặt ở hiện trường. 

"Chúng tôi đến bảo vệ theo đúng quy trình, khi đó còn có gần chục anh công an mặc cảnh phục có mặt ở hiện trường. Khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ thì ở khu vực ngoài đường có một số đối tượng cũng ngăn cản dân. Sau đó tôi thấy xảy ra xô xát và một nhóm người nữa đến ẩu đả với dân", ông Tú nói. 
Trả lời báo Người lao động, ông Lương Thanh Sắc, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, ông đã chỉ đạo công an xã huy động toàn bộ lực lượng (7 người) và 2 cán bộ xã đội đến hiện trường.
“Lúc đó, giữa người dân và nhóm người lạ mặt đang xô xát, tình hình rất phức tạp nên chúng tôi vận động bà con lui ra chờ lực lượng công an huyện đến giải quyết, đừng xông vào đánh nhau với chúng chỉ thiệt thân. Tuy vậy, người dân không nghe mà vẫn xông lên xô xát với họ dẫn đến việc nhiều người bị thương” - ông Sắc phân trần.
Giải thích về việc người dân nói ông Luyện (Trưởng Công an xã Đại Thắng) đứng từ xa quay phim khi vụ việc xảy ra, ông Sắc nói với báo Người lao động: “Lúc đó anh ấy đang gọi điện báo cáo lãnh đạo công an huyện xin chi viện lực lượng. Có thể người dân nhìn thấy thế nên hiểu nhầm”.
Chủ tịch xã Đại Thắng thừa nhận: “Khi xảy ra sự việc xô xát giữa nhóm côn đồ với dân, không chỉ đạo lực lượng công an lập biên bản, yêu cầu những người liên quan về trụ sở công an làm việc”.  Theo ông Sắc, đó cũng là thiếu sót của lực lượng công an.
Về việc này, ngày 25/4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hoả tốc gửi UBND TP Hải Phòng yêu cầu kiểm tra, làm rõ vụ việc báo chí nêu về vụ ẩu đả, xô xát giữa những người dân xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng - TP Hải Phòng với các đối tượng côn đồ xảy ra trưa 21-4 vừa qua. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hải Phòng kiểm tra, làm rõ vụ việc, chỉ đạo giải quyết, tổ chức cung cấp thông tin chính thức, kịp thời để dư luận và người dân hiểu rõ. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND TP Hải Phòng báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý trước ngày 5-5 tới.


 
X.T (tổng hợp)


Copy từ: GDVN

Không nên đổi quốc hiệu thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam



Không nên đổi quốc hiệu thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam

Dương Danh Huy
Việc đổi quốc hiệu thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam  (lưu ý Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam dịch sang tiếng Anh thì cũng là Democratic Republic of Vietnam) sẽ rất bất lợi cho việc tranh thủ dư luận quốc tế về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Từ năm 1954 đến 1976, chính phủ VNDCCH đã không hề có tuyên bố hay hành động để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này. Không những thế, Công hàm 1958 của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng cùng với một số phát ngôn và ấn phẩm khác của các cơ quan nhà nước VNDCCH trong thời kỳ đó là bất lợi cho Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền.
Mặc dù việc đổi quốc hiệu thành VNDCCH hay CHDCVN riêng nó không có giá trị pháp lý để làm cho Việt Nam ngày nay bị ràng buộc hay hạn chế bởi hành vi của VNDCCH trong giai đoạn 1954-1976, việc đổi quốc hiệu như thế sẽ rất bất lợi trong lãnh vực tranh thủ dư luận. Trong khi Trung Quốc không chịu ra tòa về Hoàng Sa, Trường Sa, thì lãnh vực tranh thủ dư luận là vô cùng quan trọng.
Đổi quốc hiệu như thế sẽ rất tiện lợi cho Trung Quốc khi họ tuyên truyền “VNDCCH đã công nhận chủ quyền Trung Quốc ở Tây Sa và Nam Sa, và tới sau 1975, khi thấy về tiềm năng dầu khí, mới đòi chủ quyền”. Dĩ nhiên tuyên truyền như thế là không tôn trọng sự thật, và sẽ là đánh tráo khái niệm VNDCCH của 1954-1976 với VNDCCH của thế kỷ 21, nhưng sự trùng tên sẽ nối giáo cho việc tuyên truyền và đánh tráo khái niệm đó.
Trong khi Việt Nam còn chưa có đủ người để đấu tranh với Trung Quốc trong lãnh vực tranh thủ dư luận quốc tế về Hoàng Sa, Trường Sa, thì chúng ta càng không nên gây thêm lợi thế cho đối phương trong lãnh vực quan trọng đó.
D.D.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho Bauxit Việt Nam

“Độc hành cho Nhân quyền VN” – Chặng đường cuối

Thanh Quang, phóng viên RFA


2893_04-305.jpg
Ông Trương Quốc Việt, trong chuyến “Độc hành cho Nhân quyền Việt Nam”, ảnh chụp tháng 4 năm 2013.
Courtesy DanlamthanBlog


Ông Trương Quốc Việt, một công dân Việt Nam đang tạm trú tại Úc, hiện đã trải qua 25 ngày thực hiện chuyến “Độc hành cho Nhân quyền Việt Nam”qua nhiều thành phố và 3 thủ phủ của các tiểu bang Victoria, New South Wales và Queensland. Trong những chặng đường đã qua ấy, ông Trương Quốc Việt đã đạt được kết quả ra sao? Và những ngày sắp tới, kể cả thời điểm kỷ niệm Biến Cố 30 tháng Tư năm 75, ông sẽ làm những gì?

Người dân Úc ủng hộ

Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, ông Trương Quốc Việt cho biết:
Trương Quốc Việt: Thưa quý khán thính giả, chuyến đi rất là tốt. Những nơi đi qua, tôi gặp rất nhiều người dân địa phương, nhất là người Úc, thì khi tôi trưng bày những hình ảnh cùng tư liệu về tội ác của nhà cầm quyền CS Việt Nam đàn áp người dân Việt Nam, người dân Úc rất xúc động khi biết những cảnh như vậy. Có rất nhiều người cho biết việc làm của chúng tôi rất có ý nghĩa đối với họ. Khi tôi kêu gọi họ ký tên vào thỉnh nguyện thư thì cũng có một số rất ủng hộ để nói lên ý kiến của mình về việc Úc viện trợ cho Việt Nam nhưng phải trong chiều hướng phát triển nhân quyền.
Đặc biệt là tôi có gặp những cựu chiến binh Úc từng tham chiến ở Việt Nam. Họ rất xúc động khi thấy tôi đi với quốc kỳ Úc và quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà – đi đến đâu tôi cũng cắm những lá cờ đó lên khiến họ rất xúc động, gợi cho họ rất nhiều kỷ niệm. Thực sự thì tôi cũng rất cảm ơn họ đã từng giúp đất nước Việt Nam tự do trong giai đoạn trước năm 1975.
Khi tôi trưng bày những hình ảnh cùng tư liệu về tội ác của nhà cầm quyền CS Việt Nam đàn áp người dân Việt Nam, người dân Úc rất xúc động khi biết những cảnh như vậy.
Trương Quốc Việt
Nói chung chuyến “Độc hành cho Nhân quyền Việt Nam”, cho tới giờ, rất là tốt.
Thanh Quang: Thưa anh, bên cạnh những thuận lợi như anh vừa nói, anh có gặp những bất lợi nào không?
Trương Quốc Việt: Thưa anh, bất lợi cũng có. Ở đây, có một số địa phương, khi tới tôi phải xin giấy phép. Mà anh cũng biết tiếng Anh của tôi không được tốt, nên tôi cũng có gặp khó khăn. Nhưng cuối cùng tôi cũng vượt qua. Ngoài khó khăn đó, các vấn đề khác như chỗ ăn, chỗ ở tôi cũng gặp ít nhiều khó khăn. Nhưng tôi có thể sắp xếp vượt qua được tất cả.

Nhân quyền cho VN

Thanh Quang: Trong những chặng đường mà chuyến “độc hành cho Nhân quyền Việt Nam” đã đi qua, anh nhận thấy có những đặc điểm nào nổi bật nhất hiện vẫn con đậm nét trong tâm trí anh?
Trương Quốc Việt: Thưa anh, khi tôi thực hiện chuyến độc hành này là tôi muốn đóng góp cho sự phát triển chung của phong trào dân chủ tại Việt Nam. Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người dân Úc, đã nói lên thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.
tqv-large-content-250.jpg
Anh Trương Quốc Việt trong lần tọa kháng trước Tòa Đại sứ Việt Nam tại Canberra trước đây. File photo.
Tôi nghĩ rằng điều đặc biệt tôi quan tâm là, cho tới giờ, tôi biết được rằng tất cả cư dân Úc tại những nơi tôi đã đi qua đều quan tâm đến vấn đề nhân quyền; việc chính phủ họ viện trợ cho những nước nào, họ đều quan tâm đến. Khi tôi nêu lên vấn đề chính phủ Úc viện trợ cho Việt Nam như thế nào, rồi nhà cầm quyền CS Việt Nam sử dụng nguồn viện trợ đó ra sao, thì họ rất quan tâm. Ngoài vấn đề nước ngoài viện trợ cho Việt Nam mà tôi lưu ý người dân Úc ở đây, thì hiện còn nhiều vấn đề khác nữa mà chúng ta cần phải có hành động như thế nào đó. Tôi cần phải làm như thế nào đó. Chúng ta cần vận động thêm nữa để đóng góp thêm cho phong trào xúc tiến dân chủ tại Việt Nam.
Thanh Quang: Trong những ngày sắp tới, anh sẽ thực hiện những gì?
Trương Quốc Việt: Thưa quý vị, ngày mai 26 tháng 4 năm 2013, tôi ra trước Tòa Đại sứ Việt Nam tại Canberra để thực hiện những ngày cuối cùng của chuyến “Độc hành cho Nhân quyền Việt Nam”, qua đó, tôi cũng trưng bày hình ảnh, băng-rôn, biểu ngữ… Cho đến ngày 30 tháng 4, tôi sẽ trở lại Victoria.
Khi tôi thực hiện chuyến độc hành này là tôi muốn đóng góp cho sự phát triển chung của phong trào dân chủ tại Việt Nam.
Trương Quốc Việt
Thanh Quang: Anh vừa nhắc tới ngày 30 tháng Tư. Nhân hiện cũng sắp tới thời điểm đánh dấu Biến Cố 30 tháng Tư năm 1975 khi Miền Nam Tự Do bị thất thủ về tay người CS, anh nhân tiện có nhận xét như thế nào không?
Trương Quốc Việt: Thưa quý vị thính giả, đối với chúng tôi thì không những từ khi ra đây, mà ngay khi còn ở trong nước Việt Nam, ngày 30 tháng 4 là một ngày buồn – rất buồn! Nỗi buồn ấy không phải chỉ riêng tôi hay gia đình tôi, mà còn đến với rất nhiều người khác, nhất là trong nước. Mặc dù nói là ngày lễ, nhưng chúng tôi không đi du lịch, không tổ chức tiệc tùng gì hết. Trong Việt Nam, chúng tôi thật sự rất buồn. Đó là một ngày buồn – rất buồn!
Thanh Quang: Thưa anh, tại sao buồn?
Trương Quốc Việt: Tại vì cái ngày ấy đem đến nhiều khó khăn cho dân tộc, mà trong nước, chúng tôi không thể nào nói lên được những nỗi khó khăn đó. Cho nên mình cảm thấy giống như đang ở tù, luôn chịu đựng sự kìm kẹp, luôn phải cảnh giác. Do đó, người dân thực sự không có tự do. Trong khi đó thì nhà cầm quyền CS Việt Nam cứ rêu rao đủ thứ tự do, rồi lễ lớn 30 tháng 4… Nhưng thực ra, có nhiều người dân trong nước không vui gì đâu!
Thanh Quang: Cảm ơn anh Trương Quốc Việt rất nhiều.



Copy từ: RFA

Quản lý vàng: Ai hưởng lợi?


Trong khi người dân phải mua vàng với giá cao hơn thế giới từ 2-4 triệu đồng/lượng suốt thời gian dài và trên dưới 6 triệu đồng/lượng gần đây, không ít đối tượng đã được hưởng lợi lớn từ chính sách quản lý thị trường vàng

Sau khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng ra đời, đưa SJC là thương hiệu duy nhất được sản xuất (dù ngân hàng (NH) Nhà nước vẫn công nhận quyền nắm giữ, mua bán vàng phi SJC các loại) nhưng giá vàng phi SJC liên tục lao dốc, bị bán tháo, bị ép giá… Kết quả là giá nhiều loại vàng phi SJC thường xuyên thấp hơn vàng SJC từ 2-3 triệu đồng/lượng.
Hưởng lợi từ chênh lệch giá
Sau đó, NH Nhà nước đã cho phép chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng miếng SJC với phí chuyển đổi chỉ 50.000 đồng/lượng đã giúp nhiều đơn vị có vàng phi SJC thu lời lớn từ mức giá chênh lệch. Một số nguồn tin am hiểu thị trường vàng cho hay về lý thuyết, người có vàng phi SJC (đủ chuẩn 99,99) là có thể chuyển đổi sang vàng SJC nhưng trong thực tế chỉ các đầu mối lớn mới chuyển đổi được.
Cuối tháng 3-2013, tại một cuộc họp về công tác chống buôn lậu, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, cho rằng việc quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và phương hại đến lợi ích các thương hiệu vàng miếng khác. Do cơ chế NH Nhà nước giao SJC được dập, kinh doanh vàng miếng là thương hiệu quốc gia nên từ năm 2012 đến nay xuất hiện độ chênh lệch lớn giữa giá vàng trong và ngoài nước. Tình trạng vàng giả SJC, vàng kém chất lượng xuất hiện, gây thiệt hại cho người mua vàng…
Ngày 25-4, giá bán vàng SJC tại TPHCM 42,35 triệu đồng/lượng,
cao hơn giá thế giới gần 6 triệu đồng/lượng. Ảnh: HỒNG THÚY
Sau đó, ông Đỗ Công Chính, Tổng Giám đốc SJC, giải thích rằng SJC chỉ được hưởng 50.000 đồng/lượng vàng tiền gia công thuê cho NH Nhà nước. Theo ông Chính, mức chênh lệch 2-3 triệu đồng/lượng giữa vàng phi SJC và vàng SJC khi chuyển đổi đã rơi vào túi những đơn vị có nhu cầu chuyển đổi lớn. Số liệu của SJC thống kê từ tháng 8-2012 đến cuối tháng 3-2013 cho thấy lượng vàng phi SJC được chuyển đổi là 383.078 lượng (hơn 14 tấn). Trong đợt này, có đơn vị chuyển đổi đến 5 tấn vàng. “Ai chuyển đổi càng nhiều sẽ càng hưởng lợi từ chênh lệch giá” - ông Đỗ Công Chính nói...
Chênh lệch giá vàng nội - ngoại ở mức kỷ lục cũng giúp các đối tượng buôn lậu vàng thu lời lớn. Một người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành vàng tại TPHCM phân tích: Vàng lậu đang gia tăng bởi đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vẫn là vàng 99,99% nhưng lại thấp hơn vàng miếng SJC 5-6 triệu đồng/lượng, các đối tượng buôn lậu dễ dàng kiếm lời. Thực tế, đã có một số vụ buôn lậu vàng bị bắt giữ gần đây. Chẳng hạn ngày 19-4, Công an tỉnh Điện Biên bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển 15 thỏi vàng với tổng khối lượng 15 kg, được mua từ Lào với tổng giá trị hơn 16,6 tỉ đồng. Trước đó, tại TPHCM, cơ quan chức năng cũng bắt vụ buôn lậu 7 kg vàng…
Từ cuối tháng 3 đến nay, NH Nhà nước đã tổ chức 11 phiên đấu thầu vàng với tổng khối lượng hơn 12 tấn. Trừ phiên đầu tiên mức giá sàn cao hơn thị trường, các phiên sau giá thường thấp hơn thị trường từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/lượng. Giá vàng còn tiếp tục bị đẩy lên sau khi có kết quả trúng thầu đã đem lại khoản lời không nhỏ cho đơn vị trúng thầu. Chẳng hạn, phiên đấu thầu ngày 16-4, có 25.700 lượng vàng được mua, giá thị trường sau đó cao hơn giá trúng thầu trên 2,6 triệu đồng/lượng, giúp các đơn vị trúng thầu thu lời hơn 66 tỉ đồng.
Thị trường như “thùng không đáy!”
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), nhận xét trước đây lực cung vàng trên thị trường đến từ nhiều nguồn nên giá vàng ít cách biệt giá thế giới. Nhưng từ Nghị định 24 và khi NH Nhà nước chính thức mua bán vàng miếng trên thị trường, giá vàng tập trung từ một nguồn cung khiến thị trường vàng thật sự khó dự báo. Qua các phiên đấu thầu từ cuối tháng 3 đến nay, NH Nhà nước đã cung ứng ra thị trường hơn 12 tấn vàng nhưng giá trong nước vẫn chênh lệch trên dưới 6 triệu đồng/lượng so với thế giới. NH Nhà nước sẽ đấu thầu đến bao giờ?
Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long, phân tích: Có lẽ NH Nhà nước đang chủ trương cung ứng vàng cho các NH thương mại để đóng trạng thái trước ngày 30-6. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là thị trường vàng trước nay như “thùng không đáy”. Khi giá cao thì không ai mua nhưng giá thấp bán bao nhiêu cũng hết! Vừa qua, khi giá xuống dưới 40 triệu đồng/lượng là người dân lại xếp hàng mua vàng. “Chẳng lẽ NH Nhà nước cứ nhập vàng về bán hoài trong khi thị trường như “thùng không đáy”?” - ông Long băn khoăn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc đẩy mạnh bán vàng vật chất đang rơi vào vòng luẩn quẩn, làm tăng nguy cơ vàng hóa. Hơn 12 tấn vàng đã tung ra thị trường là con số rất lớn. Nếu cứ tạo cơ chế đấu thầu tung vàng ra, dân thiếu vàng là mua từ doanh nghiệp, NH thương mại qua đấu thầu thì khi đó, chủ trương kéo sát giá, bình ổn thị trường và chống vàng hóa đều chưa hoàn thành song một phần nguồn lực không nhỏ của Nhà nước sẽ bị mai một, nhất là khi giá vàng thế giới biến động mạnh.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đạt Chí đưa ra 2 kịch bản về việc đấu thầu vàng: Nếu NH Nhà nước tiếp tục các phiên đấu thầu với khối lượng lớn như vừa qua sẽ phải dùng ngoại tệ để nhập vàng, về lâu dài sẽ không có lợi cho dự trữ ngoại hối. Trường hợp NH Nhà nước “buông” ngừng đấu thầu vàng lúc này không loại trừ khả năng các đơn vị đang có nguồn vàng lớn sẽ găm hàng, ghìm giá để đầu cơ và đẩy chênh lệch giá lên cao hơn mức hiện nay.
Không nên mãi can thiệp bằng biện pháp hành chính
Ông Nguyễn Thành Long cho rằng về lâu dài, NH Nhà nước chỉ nên giữ vai trò ban hành chính sách quản lý, kiểm soát, giám sát, cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng… Nên để thị trường tạo lập theo nguyên tắc thị trường bởi bản chất của giá vàng là biến động. Giá vàng có thể lên xuống mấy chục lần mỗi ngày, không thể có một chỉ đạo hành chính nào xử lý được mà cần nhiều biện pháp linh hoạt. “Nếu đeo đuổi những chỉ đạo, biện pháp hành chính, người dân phải chấp hành theo quy định nhưng để đem lại hiệu quả, ổn định thị trường là rất khó” - ông Long nói.
THÁI PHƯƠNG


Copy từ: Người Lao Động

Nạn buôn người Việt vào nhà chứa ở Nga


Một Việt Kiều ở Mỹ cầm ảnh em gái, cô Huỳnh Thị Bé Hương, bị lừa vào nhà chứa tại Nga
Theo một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, trường hợp 15 phụ nữ Việt Nam bị buộc hành nghề mại dâm ở Moscow cho thấy một vấn đề rộng lớn hơn - nạn buôn người liên quan tới hàng nghìn người Việt tại Nga.
Nhiều nạn nhân đã bị cầm giữ bởi chính người Việt tại Nga, các nhóm điều hành hàng trăm xưởng thợ bóc lột lao động hoặc cả các ổ chứa ở Moscow và ngoại ô, theo tổ chức chống buôn lậu người mang tên 'Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở châu Á (CAMSA).
Tổ chức này gần đây mới tiết lộ cho biết về số phận của 15 phụ nữ là nạn nhân của đường dây buôn người từ Việt Nam sang Nga và bị buộc phải hành nghề mại dâm tại một nhà chứa.
Trả lời BBC Việt Ngữ, ông Nguyễn Đình Thắng, người đồng sáng lập CAMSA, cho biết vụ việc liên quan tới một phụ nữ tên Nguyễn Thúy An, mà CAMSA cáo buộc là chủ nhà chứa nói trên.
Được biết sau khi vụ việc bị lộ, bà Thúy An đã phải trả hộ chiếu cho những phụ nữ này và họ đã từng đợt được đưa về lại Việt Nam trong tháng Ba, mà người cuối cùng là cô Trang Thị Diệu, 25 tuổi, về tới Việt Nam hôm 19/4, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết.
Tổ chức CAMSA còn cáo buộc hoạt động của nhà chứa nơi 15 phụ nữ này bị cầm giữ "đã được một vài nhân viên đang làm việc tại tòa đại sứ Việt Nam ở Moscow bao che".
Nhân viên ĐSQ VN ở Nga từ chối trả lời BBC
Ông Nguyễn Đông Triều từ chối trả lời BBC về cáo giác bao che cho đường dây buôn người và nạn nhân bị buộc hành nghề mại dâm ở Nga.
BBC Việt Ngữ đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Đông Triều, Tham tán công sứ của Đại sứ quán Việt Nam ở Nga, để hỏi về cáo giác này nhưng ông đã từ chối không trả lời và yêu cầu BBC "hỏi cơ quan chức năng nào khác".
Ông Triều cũng nói:
"Tôi không có trách nhiệm trả lời nhà báo,"
"Những cái gì cứ gửi tới cơ quan có thẩm quyền."
Khi được hỏi ông làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam, và nếu Đại sứ quán Việt Nam không phải là cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan thẩm quyền mà ông nói là cơ quan nào, ông Triều đã bỏ máy.

Phản hồi từ Phòng lãnh sự

Sau nhiều lần gọi điện, emails và cả gửi fax trong hai ngày 24 và 25 tháng Tư để có được thông tin kiểm chứng và phản hồi của tòa đại sứ Việt Nam ở Liên Bang Nga trước những cáo buộc của tổ chức CAMSA và trước lời kể của một số nạn nhân đã được đưa trở lại Việt Nam mới đây, hồi 16.24 chiều thứ Năm 25/4, BBC Việt Ngữ đã nhận được thư phản hồi, ký tên "Phòng lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga".
Các câu hỏi của BBC Tiếng Việt đã không được trả lời trực tiếp
Trong thư phản hồi này, Phòng lãnh sự đã không hề trả lời bất cứ câu hỏi nào của BBC để kiểm chứng thực hư của những cáo giác nói trên mà viết rằng:
"Mong BBC Việt ngữ khi đưa tin về các vụ việc liên quan đến người Việt Nam tại LB Nga cần tìm hiểu kỹ, xác minh để bảo đảm tính khách quan, chính xác, tránh theo ý kiến của một vài cá nhân có thể vì những lý do khác mà đưa tin thổi phồng, thậm chí làm chứng sai sự thật."

Không có tương lai

Theo ước tính của tổ chức CAMSA, tại Moscow có khoảng ba ngàn xưởng của người Việt, mỗi xưởng có thể thuê từ vài người tới hàng trăm nhân công, và nhiều người là nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức.
Cũng tại thành phố này có “không ít” các nhà chứa do người gốc Việt làm chủ mà chủ yếu để phục vụ khách Việt Nam, theo CAMSA.
Tại đây các cô gái trẻ người Việt bị buộc phải làm gái mại dâm sau khi bị lừa sang Nga với hứa hẹn có công ăn việc làm.
"Các nạn nhân Việt của tình trạng buôn người ở Nga trên thực tế không có cơ hội tìm được tự do. Cơ chế hiện hành tại Nga khiến cho nạn nhân không thể tìm cách bỏ trốn hay tìm kiếm trợ giúp."
Nguyễn Đình Thắng, người đồng sáng lập CAMSA
Trả lời BBC Việt Ngữ, cô Duyên và cô Trang, hai trong số 15 phụ nữ đã được về lại Việt Nam sau một thời gian bị buộc phải hành nghề mại dâm dưới sự quản lý của bà Nguyễn Thúy An, cho biết họ được hứa hẹn sang Nga để làm nhà hàng.
Trước khi đi, họ cũng được hứa mỗi ngày sẽ nhận trên 100 đô la tiền công nhưng thực tế họ đã được đưa thẳng tới nhà chứa của bà An để đi khách.
Theo cô Duyên, khi mới tới đây, có khoảng 9-10 chị em phụ nữ đã ở đó rồi và dần dần con số này lên thành 15 người, sống trong căn hộ với hai phòng ngủ, không có giường.
Họ nói vật dụng là những tấm đệm mỏng, căng rèm, vừa là phòng ngủ của cả 15 người vừa là phòng để phục vụ khách luôn.
Cả hai chị cho biết tiền nong bà An đều nắm giữ và bị trừ các tiền chi phí, chưa kể các loại tiền phạt nếu họ không làm theo đúng các quy định do bà An đặt ra.
Ông Nguyễn Đình Thắng đã làm việc với sáu trường hợp liên quan tới khoảng 300 người Việt là nạn nhân của tình trạng buôn lậu người tại Nga trong năm ngoái.
“Nó khiến người ta phần nào biết được về tình trạng buôn lậu người phức tạp và tăm tối tại đất nước rộng lớn này,” ông Thắng nói tại buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ về nạn buôn lậu người hôm 11/4 vừa qua.
“Các nạn nhân Việt của tình trạng buôn lậu người ở Nga trên thực tế không có cơ hội tìm được tự do,” ông nói thêm.
“Cơ chế hiện hành tại Nga khiến cho nạn nhân không thể tìm cách bỏ trốn hay tìm kiếm trợ giúp."
Cho tới nay những người trong đường dây đưa người sang Nga và buộc họ trở thành nô lệ tình dục vẫn chưa bị bắt và cảnh sát Nga “rất chậm chạp” trong việc có phản ứng trước những vụ như thế này, ông Thắng nói.

Cảnh sát 'đồng lõa'

Khoảng một nửa số nạn nhân mà tổ chức CAMSA tìm cách giải cứu trong vòng 18 tháng qua vẫn đang bị những kẻ buôn lậu người cầm giữ.
Nhiều người trong số này bỏ trốn khỏi các xưởng lao động đã bị chính cảnh sát Nga, mà CAMSA nói “có quan hệ chặt chẽ với những kẻ buôn lậu người”, đem trả lại cho chủ người Việt, ông Thắng cho biết.
Trao đổi với BBC Việt Ngữ, ông Thắng nói: “Chính phủ Nga không quan tâm về vấn đề chống buôn lậu người.”
“Cảnh sát địa phương thì rất tham nhũng. Còn cảnh sát liên bang thì không đủ nhân sự và lại thiếu huấn luyện. Do đó có luật để trừng phạt kẻ buôn người nhưng phần lớn các vụ buôn người lại không được nhận diện là buôn người nên luật cũng không được áp dụng,” ông Thắng giải thích thêm.
Chính phủ Việt Nam ước tính 30% trong số 10 ngàn người Việt Nam đang làm việc tại Nga là đi theo chương trình xuất khẩu lao động chính thức, số còn lại là sang theo visa du lịch, có nghĩa là có khoảng 7 ngàn người lao động bất hợp pháp tại nước này.
Tuy nhiên tổ chức CAMSA ước tính con số thực có thể cao hơn rất nhiều.
Không chỉ là điểm đến của các tuyến đưa người lậu từ Việt Nam, Nga còn là nguồn và điểm trung chuyển nạn nhân buôn lậu người.
Về phía mình, Việt Nam cũng là cả điểm đến của nhiều nạn nhân được đưa lậu tới từ các nước Đông Nam Á khác, một số tổ chức nhân quyền cho biết.
Trong bản phúc trình toàn cầu thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về buôn lậu người năm 2012, Nga được xếp hạng ở “Bậc 2 cần theo dõi” – nước có nguy cơ tụt xuống hạng 3, gồm các nước không tuân thủ các tiêu chuẩn chống buôn lậu người.
Việt Nam được nâng cấp từ “Bậc 2 cần theo dõi” lên “Bậc 2” trong bảng xếp hạng nói trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Vụ 'bán phụ nữ Việt vào nhà chức tại Nga' cũng đã được một số Bấm báo Mỹ đăng tải.
BBC Việt Ngữ sẽ tiếp tục cập nhật thêm các thông tin liên quan tới số 15 phụ nữ đã được đưa về nước.


Copy từ: BBC

“Rửa vàng” từ chính sách của NHNN

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok

Tờ Thanh Niên cho rằng đang có dấu hiệu rửa vàng trong các chính sách tạm nhập tái suất vàng?
Tờ Thanh Niên cho rằng đang có dấu hiệu rửa vàng trong các chính sách tạm nhập tái suất vàng?
RFA file
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn yêu cầu Tổng cục 2 thuộc Bộ Công an điều tra những sai phạm của một bài báo trên tờ Thanh Niên cho rằng đang có dấu hiệu “rửa vàng” trong các chính sách tạm nhập tái suất vàng. Tại sao lại xảy ra một sự việc có thể nói là rất nghiêm trọng đối với một tờ báo như vậy?
"Rửa" vàng bằng cơ chế?
Bài báo của Thanh Niên có tựa: “Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới: "Rửa" vàng bằng cơ chế?” đăng ngày 24 tháng Tư đã làm công luận thật sự hốt hoảng. Dựa trên những thông tin từ Hiệp hội Vàng thế giới, bài báo đưa ra cái nhìn hết sức logic về những diễn biến điều hành vàng của Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp khiến giá vàng không thể liên thông với giá vàng thế giới do chính sách xuất nhập và chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC và có dấu hiệu ai đó đang trục lợi và không thể không bỏ qua yếu tố “rửa vàng” trong các động thái này.
Bài báo nhấn mạnh nếu chỉ lấy mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới trung bình là 3 triệu đồng/lượng thì với 25,5 tấn vàng nhập lậu, lợi nhuận từ vàng lậu lên cả trăm triệu USD.
Bài báo nhấn mạnh nếu chỉ lấy mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới trung bình là 3 triệu đồng/lượng thì với 25,5 tấn vàng nhập lậu, lợi nhuận từ vàng lậu lên cả trăm triệu USD
Tuy nhiên bài báo giữ sự chừng mực cần thiết là không đưa ra nhận xét nào về những đối tượng hưởng lợi quá lớn này.
Bài báo phân tích sự cho phép tạm xuất vàng phi SJC để tái nhập 11 tấn vàng khối về dập ra vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước đã tạo kẻ hở cho vàng lậu được đưa vào diện phi SJC, sau đó xin phép xuất ra để nhập vào một lần nữa nhằm hợp thức hóa thành vàng chính ngạch. Hay nói cách khác là "rửa vàng" kiếm lợi.
Đúng như nhiều người nhận xét bài báo này không thể không bị rút xuống vì những con số và lập luận logic của nó sẽ khiến cho thị trường vàng phải nhìn lại cuộc chơi của mình, nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nơi ban hành và chỉ đạo các chính sách kỳ lạ được gọi là quản lý thị trường vàng mà không một nước tư bản nào thực hiện.
Một cửa hàng mua bán vàng ở TPHCM.  AFP
Một cửa hàng mua bán vàng ở TPHCM. AFP
Ngay sau khi bài báo lưu hành, Ngân hàng Nhà nước ra công văn gửi Tổng cục An ninh II - Bộ Công an cho rằng bài báo đã “cố tình suy diễn, bóp méo hàng loạt chủ trương chính sách của Nhà nước về quản lý thị trường vàng, chuyển tải tới người đọc thông điệp sai về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tạo ra sự hoài nghi đối với các chủ trương, chính sách quản lý thị trường vàng và các nỗ lực phối hợp phòng, chống buôn lậu của các cơ quan Nhà nước”.
Bài báo đã đụng đến tử huyệt của chính sách quản lý vàng
Câu hỏi đặt ra tại sao Ngân hàng Nhà nước vốn có truyền thống chậm chạp khi đối phó với giá vàng nhảy múa nay lại tỏ ra căng thẳng với một bài báo như vậy? Phải chăng vấn đề mà bài báo đưa ra đã đụng đến tử huyệt của chính sách quản lý vàng hiện nay của Ngân hàng Nhà nước hay không? Nhà báo Phạm Chí Dũng, cũng là một Tiến sĩ kinh tế cho biết nhận xét của ông:
Cho phép tạm xuất vàng phi SJC để tái nhập 11 tấn vàng khối về dập ra vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước đã tạo kẻ hở cho vàng lậu được đưa vào diện phi SJC, sau đó xin phép xuất ra để nhập vào một lần nữa nhằm hợp thức hóa thành vàng chính ngạch. Hay nói cách khác là "rửa vàng" kiếm lợi
Có thể nói là phản ứng của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân ông Nguyễn Văn Bình đối với vấn đề biến động thị trường vàng là rất chậm và rất ít. Thí dụ trong lần biến động giá vàng vào tháng Tám năm 2011 chênh lệch với giá thế giới tới 5 triệu đồng. Sau cơn điên đó khoảng 5 ngày sau Ngân hàng Nhà nước mới có một văn bản và từ đó tới giờ phải nói là rất ít văn bản nhằm điều chỉnh thái độ, hành vi của giới buôn bán vàng cũng như người dân trữ vàng. Cho nên việc NHNN có văn bản có thể nói phản bác đối với báo Thanh Niên thì tôi cho là một động thái rất là nhanh, nhanh một cách kỳ cục và có thề nói đầy nghi ngờ.
Người ta có thể đặt câu hỏi là số vàng nhập lậu này được nhập theo cách nào? Câu hỏi này phải được chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là người phải trả trả lời vì trong phiên chất vấn của Quốc hội vào ngày 13 tháng 11 năm ngoái ông đã cho rằng trước khi Nghị định 24 có hiệu lực, lượng vàng buôn lậu mỗi năm lên tới từ 10 tấn tới 30 tấn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ kinh nghiệm của ông về việc vàng nhập lậu và câu hỏi đặt ra với bài báo của Thanh Niên là không thề chứng minh được sự nhập lậu ấy từ đâu:
Trước đây thì ông Nguyễn Văn Bình khi còn làm phó Thống đốc NHNN đã viết trên tạp chí Cộng sản thừa nhận rằng là hàng năm có đến 20, có năm đến 40 tấn vàng lậu chảy vào Việt Nam. Thế nhưng cái khó của bài báo trên báo Thanh Niên là chứng cứ ở đâu, mà đã là hàng lậu thì làm gì có chứng cứ?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Trước đây thì ông Nguyễn Văn Bình khi còn làm phó Thống đốc NHNN đã viết trên tạp chí Cộng sản thừa nhận rằng là hàng năm có đến 20, có năm đến 40 tấn vàng lậu chảy vào Việt Nam. Thế nhưng cái khó của bài báo trên báo Thanh Niên là chứng cứ ở đâu, mà đã là hàng lậu thì làm gì có chứng cứ? Đây cũng là một câu hỏi rất lớn. Trước đây Hội đồng Vàng Thế giới mà tôi có gặp trong một cuộc hội thảo thì họ cũng nói rằng họ có các căn cứ đáng tin cậy cho biết họ biết các chỗ bán vàng ra tại Bangkok hay Hongkong và họ cũng biết rõ đường dây từ Bangkok hay Hongkong chuyền về Việt Nam. Nói thế thôi chứ bây giờ đòi hỏi chứng cứ thì không có cho nên cái chỗ sơ hở hay khó chứng minh của bài báo này là cái điểm ấy.
Vàng SJC  Rồng Vàng bán ngoài thị trường
Vàng SJC Rồng Vàng bán ngoài thị trường. RFA

Trong công văn ghi rõ chính Ngân hàng Nhà nước đã liên hệ với Hội đồng Vàng thế giới và biết đây chỉ là con số dự báo nhu cầu vàng của Việt Nam chứ không phải là con số thật số lượng nhập khẩu vàng của Việt Nam hàng năm. TS Phạm Chí Dũng phân tích điều này:
Những số liệu báo Thanh Niên đưa ra  tôi cho là chỉ để tham khảo. Mà báo Thanh Niên cũng nói là số liệu tham khảo từ Hiệp hội Vàng Thế giới. Trong suốt bài báo của Thanh Niên có thể nói là dựa trên những số liệu tham khảo như vậy thì báo Thanh Niên chỉ đặt ra những giả thiết chứ không phải là tiết lộ. Rửa vàng cũng không phải là sự tiết lộ.
Báo Thanh Niên đặt ra một thực trạng là vàng thỏi chỉ có thể vào thị trường nội địa theo hai con đường: Con đường thứ nhất là NHNN cho phép các ngân hàng thương mại mua trạng thái nước ngoài và con đường thứ hai là nhập lậu. Từ đó báo Thanh Niên nêu ra giả thiết là vàng lậu đã đang và sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam và đây là một thực tế và đây cũng chính là nguyên nhân gây biến động tỷ giá suốt trong thời gian qua. Báo Thanh Niên cũng đặt ra ngay thời điểm này khi khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bị đẩy cao lên mức kỷ lục trên 6 triệu đồng một lượng thì tỷ giá ngoài thị trường tự do bị hun nóng lên một cách đáng ngờ. Điều đó là đúng. Giả thiết và nghi ngờ của báo Thanh Niên đặt ra là đúng. Trong thực tế giá vàng trong nước có thời điểm lên cao hơn 7 triệu một lượng so với giá vàng thế giới nhưng vẫn không có một lời nhắc nhở không có mọt động tác nào của NHNN.
Tại sao NHNN lại có thái độ cực đoan và có vẻ cáo buộc báo Thanh Niên. Tôi có cảm giác NHNN trong văn bản này dường như đóng thế vai của Bộ Công an và đang dường như muốn đưa cho báo Thanh Niên đội cái mũ đó là điều 88 tuyên truyền chống nhà nước CHXN Việt Nam
Nhà báo Phạm Chí Dũng
Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng đưa ra nhận xét về thái độ của Ngân hàng Nhà nước đối với điều mà ông cho là dẫm chân lên Bộ Công an, ông nói:
Đặt lại vấn đề NHNN có văn bản phản bác có thể nói là cáo buộc đối với báo Thanh Niên một số câu từ giống như trong một bản cáo trạng và hình sự hóa vấn đề. Những câu từ như vậy nó làm cho người đọc nảy sinh câu hỏi tại sao NHNN lại có thái độ cực đoan và có vẻ cáo buộc báo Thanh Niên. Tôi có cảm giác NHNN trong văn bản này dường như đóng thế vai của Bộ Công an và đang dường như muốn đưa cho báo Thanh Niên đội cái mũ đó là điều 88 tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong công văn gửi Tổng Cục II Bộ Công an. Ngân hàng Nhà nước phân trần rằng Nghị định 24 và các quy định khác của pháp luật không có quy định nào bắt buộc phải chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC như bài báo viết.
Như vậy là Ngân hàng Nhà nước đã bác bỏ chính quyết định độc quyền vàng của mình trong nghị định 24. Thật ra nghị định này đã được báo chí phân tích rất nhiều trong đó dẫn lại tuyên bố của ông Bình cho rằng sự độc quyền vàng của Ngân hàng Nhà nước nhằm khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và tiến hành kinh doanh vàng với vai trò người kiến tạo thị trường, mua bán cuối cùng.
Thực tế cho thấy từ 8 thương hiệu vàng miếng đang sản xuất, lưu thông trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố chỉ duy nhất SJC là thương hiệu vàng quốc gia”.
Một Ngân hàng Nhà nước lại không thể thống nhất ý nghĩa của một nghị định quan trọng và lái nội dung của nó sang hướng khác nhằm chống lại một tờ báo đăng bài phân tích những bất cập của chính mình thì được phải xem là điều không đơn giản trong tình hình phức tạp dễ dẫn tới đổ vỡ hiện nay.

Tin, bài liên quan




Copy từ: RFA

Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn Bình và những phiên chợ vàng

Cập nhật: Cập nhật và tổng hợp tin tức, nhận định (26-06-2013)

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Từ quyết định của Nguyễn Tấn Dũng 16/2013/QĐ-TTg sang đến 11 phiên chợ vàng của Nguyễn Văn Bình với 12 tấn vàng tống ra thị trường; Từ việc Ngân Hàng Nhà Nước cho tin đồn "không có đổi tiền vào thời điểm này" chính thức lên sân khấu lề đảng đến chuyện báo Thanh Niên tố cáo có 188.5 tấn vàng "chắc" được nhập lậu vào Việt Nam - chúng ta thấy gì?
Vào ngày 4-3-2013 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 16/2013/QĐ-TTg (1) về việc mua, bán vàng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Ngắn gọn: Nguyễn Tấn Dũng trao quyền hạn cho Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN, người được ông Dũng bổ nhiệm vào chức vụ này, quyết định phương án can thiệp thị trường vàng (điều 3 của quyết định).
Cũng trong văn thư này, Nguyễn Văn Bình/NHNN được toàn quyền mở tài khoản, mua vàng, bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài hoặc mua vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng hoặc bán vàng ra nước ngoài (Điều 3.2), cũng như quyết định việc áp dụng tỷ giá và giá vàng để quy đổi sang đô la Mỹ và đồng Việt Nam (Điều 4.8).
Từ Quyết định 16/2013/QĐ-TTg sang 11 phiên chợ vàng
Được Thủ tướng dọn đường mở lối, ngày 28 tháng 3 - gần 3 tuần sau khi Thủ tướng ký quyết định, - Thống đốc Nguyễn Văn Bình ra quân: 
Ngày 28/3, phiên đấu thầu vàng thứ nhất, NHNN bán được 2.000 lượng. 
Ngày 4/4, phiên đấu thầu thứ 2, NHNN bán được 25.700 lượng. 
Ngày 5/4, phiên đấu thầu thứ 3, NHNN bán được 25.700 lượng. 
Ngày 9/4, phiên đấu thầu lần thứ 4, NHNN bán được 25.600 lượng.
Ngày 10/4, phiên đấu thầu lần thứ 5, NHNN bán được 39.200 lượng.
Ngày 12/4, phiên đấu thầu lần thứ 6, NHNN bán được 40.000 lượng. 
Ngày 16/4, phiên đấu thầu lần thứ 7, NHNN bán được 25.700 lượng. 
Ngày 17/4, phiên đấu thầu lần thứ 8, NHNN bán được 37.900 lượng.
Ngày 18/4, phiên đấu thầu lần thứ 9, NHNN bán được 39.800 lượng. 
Ngày 23/4, phiên đấu thầu lần thứ 10, NHNN bán được 26.000 lượng.
Ngày 24/4, phiên đấu thầu lần thứ 11, NHNN bán được 25.600 lượng.
Tổng cộng sau 11 phiên đấu thầu, Nguyễn Văn Bình và NHNN đã bán ra 313.200 lượng vàng - khoảng 12 tấn vàng.
Trong suốt 11 phiên bán, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới tại thời điểm bán. Vào phiên 1, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng/lượng. Phiên 2 khoảng 4,4 triệu đồng/lượng. Phiên 3 ở mức 4,1 triệu đồng/lượng. Phiên 6 là 3,6 triệu đồng/lượng. Phiên 7 vọt lên gần 5 triệu đồng/lượng. Phiên 9 tăng tiếp 6,15 triệu đồng/lượng và vẫn giữ ở mức 6 triệu đồng/lượng vào thời điểm của phiên đấu thầu lần thứ 11.
Nếu tính trung bình khác biệt giữa giá vàng mà NHNN bán ra cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4.5 triệu thì chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng Nguyễn Văn Bình và NHNN đã thu lợi: 4,5 triệu x 313.200 lượng = 1.409.400.000.000 đồng (1409 tỷ).
Từ 11 phiên chợ vàng sang đến chiêu tung tin "đính chính" đổi tiền:
Ngày 22 tháng 4, ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ NHNN đăng đàn trên truyền thông của đảng và nhà nước tuyên bố "không có chuyện ĐỔI TIỀN ở THỜI ĐIỂM này (2)
Cùng ngày, Thống đốc Nguyễn Văn Bình / NHNN ra thông báo chính thức bác bỏ tin đồn đổi tiền mới cũng như việc phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng.
Theo NHNN, tin đồn đổi tiền lan đi từ giữa tuần trước, khi có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh chủ đề sửa đổi Hiến pháp về việc đổi tên nước trở lại thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một phương án đề nghị từ phe Nguyễn Tấn Dũng.
Thông tin này được hàng loạt các trang báo lề đảng đăng tải mặc dù trước đó trên toàn hệ thống truyền thông của đảng và nhà nước hoàn toàn không có một rò rỉ, thông tin gì về tin đồn đổi tiền.
Điều gì sẽ xảy ra, người dân sẽ phản ứng ra sao khi NHNN và báo lề đảng phổ biến tràn lan "tin tức... phủ nhận tin đồn" trong bối cảnh Nguyễn Văn Bình cứ vài ngày là rao bán vài chục nghìn lượng vàng?
Và... vàng ở đâu?
Câu hỏi được đặt ra là ông Nguyễn Văn Bình "đào" đâu ra 12 tấn vàng này đem bán? Từ năm trước bước sang năm nay Việt Nam đã không nhập một ký vàng nào chứ đừng nói đến cả tấn theo đường chính thức.

Để giải thích vàng từ đâu ra, Ngày 24/4/2013 báo Thanh Niên đăng bài viết "Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới: "Rửa" vàng bằng cơ chế?" (bài viết này hiện không còn truy cập được nữa, xin xem lại ở đây (3)). 
Theo bài báo, với những dữ kiện thông tin từ Hiệp hội Vàng Thế giới:
- Về số lượng vàng nữ trang - Trong năm 2011 VN nhập khẩu 13 tấn; năm 2012 nhập khẩu 12,5 tấn. Tổng cộng khoảng 1,3 tỷ USD nhập khẩu cho 25,5 tấn vàng nữ trang trong 2 năm.
- Về số lượng vàng thỏi - Trong năm 2011 VN nhập khẩu 87,8 tấn; năm 2012, số lượng là 75,2 tấn. Tổng cộng khoảng 8,6 tỷ USD nhập khẩu cho 163 tấn vàng thỏi.
- Và cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ đơn vị nào nhập vàng nữ trang cũng như vàng thỏi. Do đó tổng cộng 25,5 tấn vàng nữ trang + 163 tấn vàng thỏi = 188.5 tấn vàng này là nhập lậu hoàn toàn.
Nhưng những cá nhân nào, tập thể mà không phải là cơ chế tổ chức có thể nhập lậu 188.5 tấn vàng trị giá 9.9 tỷ đô la trong một thời gian ngắn ngủi của 2 năm qua? 
Ngay sau đó, NHNN đã ra Thông cáo báo chí phản hồi về bài báo của Thanh Niên. Lý do giải thích chính: con số vàng của Hội đồng Vàng Thế giới đưa ra chỉ là "ước tính nhu cầu vàng tiêu dùng" tại Việt Nam và "tác giả bài báo đã cố tình suy diễn, bóp méo hàng loạt chủ trương chính sách của Nhà nước về quản lý thị trường vàng, chuyển tải tới người đọc thông điệp sai về cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN, tạo ra sự hoài nghi đối với các chủ trương, chính sách quản lý thị trường vàng và các nỗ lực phối hợp phòng, chống buôn lậu của các cơ quan Nhà nước."

NHNN cũng không thông báo minh bạch về tình trạng nhập vàng chính thức hay 12 tấn vàng đã bán (và những tấn vàng sẽ bán tiếp theo phiên chợ vàng thứ 11) là vàng nhập chính thức (nhập lúc nào?), hay vàng... tồn kho (từ lúc nào?).
Vàng nhập lậu hay "nhu cầu tiêu dùng vàng" hãy để hạ hồi phân giải. Trước mắt chỉ biết ông Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định cho đàn em Nguyễn Văn Bình, và ông Thống đốc đàn em này đã "rửa" được 12 tấn vàng, thu về khoảng 1409 tỷ đồng
11 phiên vàng đã qua, còn bao nhiêu phiên sẽ đến sau khi Nguyễn Văn Bình gửi đến toàn dân thông điệp "Không có đổi tiền ở THỜI ĐIỂM NÀY"?
____________________________________
 
 


Copy từ: Dân làm báo

Nông dân lại đổ quạu chửi thề

Nông dân lại đổ quạu chửi thề

Hoàng Kim
Sáng nay, tôi cùng anh Ba Tài và anh Bốn Lộc dẫn cò lúa Mực đi coi lúa để bán. Sau khi coi lúa xong bốn anh em ghé quán cà phê uống nước bàn về giá lúa.
Anh Bốn Lộc hỏi:
– Ba anh em tôi bán 64 công lúa thơm Nàng Hoa, anh coi lúa rồi, vậy lúa này mua bao nhiêu?
– Lúa cỡ này hạ giá quá anh ơi, giá còn có 4.900 đồng/kg. Cò Mực đáp.
– Thằng Hòa nó mới bán hôm kia giá 5.000 đồng/kg, anh mua bằng giá đó đi tụi tui bán cho. Anh Ba Tài nói.
– Lúa thằng Hòa tôi mua chớ ai, bữa nay mua giá đó không nổi anh ơi. Cò Mực phân bua.
Cù cưa một hồi tôi kết:
– Cưa đôi giá 4.950 đồng/kg, anh mua thì tụi tui bán.
– Thôi, tôi cũng cố mua cho mấy anh, vậy 16 âm lịch cắt, tôi dằn cọc mỗi công 200.000 đồng.
Anh chủ quán hỏi cò Mực:
– Tôi có ba chục công lúa OM 4900 giá bữa nay bao nhiêu? Được giá, tôi dẫn anh coi lúa.
– 4.500 đồng/kg.
– Cái gì? Em tôi mới bán hôm qua lúa IR 50404 giá 4.500 đồng/kg, lúa 4900 chẳng lẽ bằng giá 50404?
– Bằng giá lâu rồi anh ơi. Cò Mực đáp.
– Đ.m giá cả kiểu con c… gì kỳ vậy? Anh chủ quán nổi quạu chửi thề.
Vợ anh chủ quán vừa bưng nước ra làm một hơi:
– Đó, thấy chưa, tôi kêu ông cứ sạ 404 đi, ông nói người ta khuyến cáo đừng sạ, sạ bán không ai mua, nay 404 bằng giá 4900 mất một đống tiền, khuyến cáo… khuyến cáo cái… (tôi nín thở, chị hơi đỏ mặt ngập ngừng) con khỉ khô họ.
Tôi thở ra cái khì, chị ngừng lại kịp thời, nếu không chắc quan ta thúi hẻo.
Khuyến cáo, khuyến chồn cái kiểu lu xa bu này, coi chừng có ngày vợ nông dân dằn lòng không đặng thì mấy quan xấu mặt.
H.K.
Tác giả gửi trực tiếp cho

Copy từ: Bauxit Việt Nam

Vàng tăng mạnh, chênh lệch còn 5,6 triệu đồng/lượng

(Dân trí) - Giá vàng thế giới có mức điều chỉnh mạnh nhất 10 tháng qua đã kéo giá vàng trong nước tăng mạnh lên mốc 43 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường đã được thu hẹp về mức 5,6 triệu đồng/lượng.
 >> Giá vàng tiếp tục tăng, chênh lệch giảm nhỏ giọt
 >> Có thêm 12 tấn, giá vàng ngày càng… kỳ quặc
 >> Vàng SJC vẫn cao “ngất ngưởng” so với thế giới

Vàng SJC đang cao hơn giá thế giới 5,6 triệu đồng/lượng (ảnh minh họa).
Vàng SJC đang cao hơn giá thế giới 5,6 triệu đồng/lượng (ảnh minh họa).
Mở cửa thị trường vàng trong nước sáng nay 26/4, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết giao dịch của Công ty CP SJC Hà Nội ở mức 42,7 triệu đồng/lượng (mua vào) - 43 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng mạnh mỗi chiều 400.000 đồng/lượng và 620.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 42,7 triệu đồng/lượng - 43 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 410.000 đồng/lượng và 630.000 đồng/lượng.
42,7 triệu đồng/lượng - 43 triệu đồng/lượng cũng là mức giá Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết cho vàng SJC tại thị trường TPHCM. So với chốt phiên chiều qua, giá vàng tại đây tăng 520.000 đồng/lượng và 620.000 đồng/lượng mỗi chiều.
Với các mức giá trên, vàng SJC hiện còn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 5,6 triệu đồng/lượng. So với hôm qua, khoảng cách lệch lệch giữa hai thị trường giảm 800.000 đồng/lượng.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên đấu thầu vàng lần thứ 12 với khối lượng chào bán là 26.000 lượng vàng. Qua 11 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường khoảng 12,11 tấn vàng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2012 đến nay. Theo Kitco.com, lúc gần 9h sáng nay, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á có biên độ tăng gần 14 USD/ounce, lên mức 1.481,9 USD/ounce.
Trước đó, giá vàng tại đây tăng gần 33 USD/ounce so với giá chốt phiên trước đó, là phiên tăng mạnh nhất 10 tháng qua. Và so với mức giá thấp nhất 2 năm ghi nhận tuần trước, giá vàng giao ngay phục hồi 11%.
Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 6 chốt phiên hôm qua tăng 38,3 USD/ounce, lên 1.462 USD/ounce. Lượng giao dịch thấp hơn 20% so với trung bình 30 ngày.
Như vậy, giá vàng thế giới đã có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2012 khi các nhà mua vật chất vẫn tiếp tục thu gom vàng tại mức giá thấp. Lực mua tiếp tục sau khi tỷ phú đầu tư John Paulson cho biết, ông vẫn giữ quan điểm lạc quan vào giá vàng.
Còn theo đánh giá từ chuyên gia McGillivray, Chủ tịch hãng quản lý tài sản Great Pacific Wealth Management, vàng nhiều khả năng sẽ chạm mốc kháng cự 1.500 USD/ounce khi nhà đầu tư mua vào ở mức giá thấp.
Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng được hỗ trợ khi số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, một số ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng trong tháng 3. Nga, nước dự trữ vàng lớn thứ 8 thế giới, nâng dự trữ vàng tháng 3 thêm 4,7 tấn, tháng tăng thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ mua vào thêm 33 tấn, nâng dự trữ lên 408,874 tấn.
Ngoài ra, Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus, Hy Lạp, Cộng hòa Kyrgyz và Mông Cổ đã mua thêm vàng vào dự trữ chính thức của họ trong tháng 3. Tajikistan mua thêm 0,124 tấn trong cả tháng 2 và tháng 3, đưa tổng lượng dự trữ lên 6,5 tấn. Serbia tăng dự trữ vàng trong tháng 2 thêm 0,093 tấn lên 15,36 tấn.
Ngược lại, dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ tín thác vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Theo Exchange Traded Gold, hôm qua, quỹ tín thác vàng SPDR Gold Trust tiếp tục bán ra 3,707 tấn vàng. Qua 13 phiên bán liên tiếp, SPDR Gold Trust bán ra tổng cộng 115 tấn vàng. Từ đầu năm đến nay, quỹ này bán ròng hơn 260 tấn vàng, sau khi mua ròng 96,25 tấn năm ngoái.
Lượng nắm giữ vàng hiện nay của quỹ giảm còn 1.090,27 tấn, tuy nhiên giá trị được nâng lên 50,8 tỷ USD, tăng 0,66 tỷ USD so với phiên trước đó nhờ giá vàng tăng mạnh.
An Hạ



Copy từ: Dân Trí

Thời buổi khó khăn, bất đồng công khai và đàn áp công khai gia tăng ở VN


Thời buổi khó khăn, bất đồng công khai và đàn áp công khai gia tăng ở VN

Thomas Fuller (NYT)
Hoàng Hưng dịch
TPHCM, VN – Các giá sách của ông ngập những tuyển tập Marx, Engels, HCM, dấu xác nhận cho một nghề nghiệp tận trung trong ĐCS, nhưng Nguyễn Phước Tương (tức GS Tương Lai – ND) 77 tuổi, nói ông không còn tin tưởng nữa. Nguyên cố vấn cho hai đời Thủ tướng, cũng giống như nhiều người VN hôm nay, ông Tương phát biểu mạnh mẽ chống lại chính quyền.
“Hệ thống của chúng tôi bây giờ là sự cai trị toàn trị của đảng”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn tại căn hộ của mình ở ngoại thành TP HCM. “Tôi xuất thân từ trong lòng hệ thống – Tôi hiểu tất cả mọi sai lầm, mọi khiếm khuyết, tất cả sự suy đồi của nó”, ông nói. “Nếu hệ thống không được chỉnh đốn, nó sẽ tự sụp đổ”.
Đảng đã chiến thắng các lực lượng Nam VN được Mỹ chống lưng vào năm 1975, nay đang đối mặt nỗi giận dữ gia tăng trước một nền kinh tế suy thoái và bị chia rẽ vì sự tranh chấp giữa những người bảo thủ muốn duy trì các nguyên lý xã hội chủ nghĩa dẫn dắt đất nước và sự độc quyền quyền lực với những người kêu gọi một hệ thống đa nguyên hơn và hoàn toàn đi theo chủ nghiã tư bản.
Có lẽ quan trọng nhất là đảng đang cố gắng để đối phó với một xã hội được thông tin tốt hơn và có sự phê phán nhiều hơn vì những tin tức và ý kiến được lan truyền qua Internet đang phá vỡ hệ truyền thông do nhà nước kiểm soát.
Kể từ khi thống nhất đất nước 38 năm trước, ĐCS đã bị thử thách qua những cuộc đụng độ với TQ, Cambodia, những cuộc khủng hoảng tài chính và những sự chia rẽ nội bộ. Điều khác biệt hôm nay, theo Carlyle A. Thayer, một trong những học giả ngoại quốc hàng đầu về VN, là sự phê phán các nhà lãnh đạo “đã bùng nổ khắp xã hội”.
Trong một hoàn cảnh khác của nền độc tài, những sự chia rẽ trong đảng đã thực sự khuyến khích tự do ngôn luận vì các phe phái hăng hái bôi nhọ lẫn nhau, TS Thayer nói.
“Có sự mâu thuẫn ở VN”, ông nói. “Bất đồng nở rộ, nhưng đồng thời đàn áp cũng thế”.
Khi những tiếng nói bất đồng đã nhân lên gấp bội trong số 92 triệu dân, chính phủ đã tìm cách ngăn chặn. Những phiên toà xử án tù nhiều blogger, nhà báo và nhà hoạt động, tuy nhiên sự phê phán, đặc biệt trên mạng, tiếp tục có vẻ không giảm sút. Chính phủ chặn một số trang mạng, nhưng nhiều người VN sử dụng phần mềm hay website để luồn qua kiểm duyệt.
“Thêm nhiều người tìm cách tự mình lên tiếng hơn trước để phê phán chính phủ”, Trương Huy San, một nhà viết sách, nhà báo, và blogger nổi tiếng, nói. “Và những điều họ nói lên mang tính nghiêm trọng hơn nhiều”.
Ông San, đang là nghiên cứu sinh tại Harvard, là tác giả cuốn “Bên thắng cuộc”, có lẽ là cuốn sách lịch sử VN mang tính phê phán toàn diện đầu tiên kể từ năm 1975 do một người ở trong nước viết ra. Được đọc rông rãi ở VN, tác phẩm 2 tập mang bút danh Huy Đức đã được in mà không có giấy phép của chính phủ và mô tả những hành vi như thanh trừng những đảng viên không trung thành và tịch thu tài sản của các doanh nhân VN.
Đối với những người khách tình cờ đến thăm VN, chứng cớ bề mặt của sự tiến bộ về kinh tế có thể khiến họ khó lòng hiểu được nỗi bi quan sâu sa mà nhiều người biểu tỏ. Hàng triệu người một thập niên trước chỉ có một chiếc xe đạp giờ đây phóng vi vút trên xe gắn máy qua những xí nghiệp và cao ốc văn phòng.
Sự nở rộ về kinh tế trong những năm 1990 sau đổi mới đã sinh ra một hỗn hợp rắc rối của nền kinh tế thị trường bị ĐCS kèm cặp một cách chặt chẽ. Đến bây giờ, kinh tế VN vẫn còn được dự kiến tăng khoảng 4-5% năm nay, nhờ một phần vào xuất khẩu mạnh mẽ gạo, cà phê và những nông sản khác.
Nhưng thị trường bất động sản bị đóng băng do vượt quá khả năng tiêu thụ, ngân hàng đeo gánh nặng nợ xấu, báo chí chạy những tin tức về thất nghiệp gia tăng, và nước này bị xếp vào số nước tham nhũng nhất thế giới bởi Minh bạch Quốc tế, một tổ chức giám sát tham nhũng toàn cầu. (xếp hạng 132 trong danh sách 176 nước, số càng nhỏ là tham nhũng càng ít).
Giới kinh doanh VN than phiền về những luật lệ của chính quyền quan liêu được áp đặt bởi một đảng vốn tin rằng mình là tiên phong của các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa.
Và nhiều người nói rằng VN đang mất phương hướng, bất kể nó có một nền công nghiệp không thể kiềm chế và có dân chúng trẻ trung.
“Trong suốt 21 năm sống ở đây, tôi chưa bao giờ thấy mức vỡ mộng đối với hệ thống cao như thế này trong giới trí thức và doanh nhân”, ông Peter R. Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital, một công ty đầu tư ở VN, nói. “Có sự tranh cãi đầy ý nghĩa trong cộng đồng doanh nhân và trong đảng – mọi người hết sức băn khoăn về hướng đi của đất nước”.
Trong Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân, một hội nghị họp vào đầu tháng 4, tổ chức bởi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, những người tham gia “giành nhau lên micro”, theo lời Lê Đăng Doanh, một nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu tham dự diễn đàn mà ông mô tả là “bão táp”.
Ông nói có sự phê phán rộng rãi rằng mặc dù nền kinh tế cần có sự tái cơ cấu sâu sa, “nhưng hầu như chẳng có gì được thực hiện”.
“Đó là sự khủng hoảng lòng tin”, ông Doanh nói. “Năm nào cũng hứa hẹn sẽ có thời kỳ tốt đẹp hơn, nhưng nhân dân chẳng thấy gì”.
Ở trung tâm cơn bão chính trị là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã nắm quyền từ năm 2006. Phong cách ngạo nghễ (brash style) và chương trình tham vọng về kinh tế của ông Dũng thoạt tiên khiến ông được nhiều người ủng hộ vì ông phá vỡ cái khuôn nặng nề buồn tẻ của cán bộ đảng.
Nhưng ông đã làm cho nhiều đảng viên giận ghét vì giải tán một ban cố vấn từng là lực lượng lãnh đạo đứng sau công cuộc đổi mới (trong ban này có ông Tương, học giả Marxist và nhiều đảng viên lão thành khác).
Quan trọng hơn, chính sách nổi bật của ông Dũng, thúc ép dựng lên các công ty quốc doanh theo đường lối các cheabol Nam Hàn, đã thất bại thay vì thành công như mong đợi.
Được điều hành bởi những giám đốc có quan hệ thân cận với các cấp ĐCS, các doanh nghiệp này bành trướng ra nhiều lĩnh vực kinh doanh mà họ không có năng lực quản lý, các kinh tế gia nói thế, và đầu cơ vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Hai trong số các doanh nghiệp nhà nước lớn nhất gần như phá sản và vẫn gần như không trả được nợ.
Ông Tương, học giả Marxist, nói sự căng thẳng trong ĐCS đã lên cao do những bất ổn về kinh tế.
Tháng Hai, ông giúp thảo lá thư ngỏ gửi Tổng BT đảng Nguyễn Phú Trọng, hối thúc những thay đổi về Hiến pháp để “bảo đảm thực quyền thuộc về nhân dân”. Ông vẫn chưa được trả lời.
Ông Tương nói ông đã hăng hái thúc đẩy sự thay đổi kể từ khi ông là cố vấn cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã giúp cải tổ nền kinh tế trong những năm 1990.
Nhưng giờ đây ông cảm thấy sức ép của thời gian. Ông bị ung thư, mặc dù căn bệnh có vẻ được thuyên giảm, và ông nói căn bệnh giống như một kiểu giải phóng trí tuệ thúc ông nói lên những gì giờ đây ông thấy là sự thật.
“Nói tóm lại, Marx là nhà tư tưởng lớn”, ông nói. “Nhưng nếu chúng ta không bao giờ có Marx thì có lẽ còn tốt hơn”.
T.F.
Nguồn bản gốc: nytimes.com
Dịch giả gửi trực tiếp cho Bauxite Việt Nam

Chuyện nhà nước Việt Nam 'rửa' vàng: Có thể bịt miệng thế gian?


NV Phạm Viết đào:

CHÌNH PHỦ CÓ BỊT MÃI ĐƯỢC MỒM DÂN KHI MÀ CỨ ỨNG XỬ THEO LỐI VỪA NGU VỪA GIAN


 
Hôm Thứ Năm báo Thanh Niên phải lên tiếng xin lỗi Ngân hàng Nhà nước CSVN  về việc đăng bài “Rửa vàng bằng cơ chế” với nhiễu dữ liệu tham chiếu và chứng minh.
Biểu đồ về lượng vàng nhập cảng và phí tổn nhập cảng vàng trong hai năm 2011, 2012 dựa trên các số liệu do Hiệp hội Vàng Thế giới công bố. Mỗi năm, Việt Nam mất hơn $4 tỉ USD để nhập vàng nhưng giá vàng ở Việt Nam luôn luôn cao hơn giá vàng trên thị trường thế giới. Bài của báo Thanh Niên về vụ “rửa vàng lậu” bị tờ báo gỡ bỏ. (Hình: Thanh Niên).

“Rửa vàng bằng cơ chế” được đăng ngày 24 tháng 4-2013. Tác giả dựa vào các số liệu của Hiệp hội Vàng Thế giới để tìm câu trả lời cho thắc mắc chung của dân chúng: Tại sao giá vàng tại Việt Nam luôn cao hơn giá vàng trên thế giới (vào lúc này, mức độ chênh lệch lên tới sáu triệu đồng/lượng)?

Tại sao Ngân hàng Nhà nước CSVN tìm mọi cách xóa bỏ các thương hiệu vàng để hướng thị trường vàng Việt Nam tới chỗ, chỉ còn một thương hiệu duy nhất là SJC? Tại sao nguồn vàng trong nước không thiếu nhưng không dùng trực tiếp mà lạị tạo thêm qui trình “tạm xuất, tái nhập” (gom vàng hiện có, tạm chuyển ra nước ngoài, sau đó mang trở lại Việt Nam), rồi mới sử dụng để đúc thành vàng miếng?

Câu trả lời từ phía tác giả là vàng đã, đang, cũng như sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam dưới dạng nhập lậu, với số lượng lên tới hàng chục tấn/năm (tại sao có thể mang lậu vào Việt Nam hàng chục tấn vàng thì phải điều tra) và nỗ lực hướng thị trường vàng ở Việt Nam tới chỗ chỉ còn một thương hiệu duy nhất là SJC chính là cơ sở để cho phép “tạm nhập, tái xuất”. Nói cách khác, “tạm nhập, tái xuất” chính là phương thức chuyển hóa vàng nhập lậu thành vàng hợp pháp.

Tuy “Rửa vàng bằng cơ chế” được công chúng tán thưởng nhưng Ngân hàng Nhà nước lại nổi giận. Ngay trong ngày 24 tháng 4, Ngân hàng Nhà nước soạn – gửi một văn bản đề nghị Tổng cục An ninh của Bộ Công an điều tra, xử lý vì tác giả “cố tình suy diễn, bóp méo hàng loạt chủ trương chính sách của Nhà nước về quản lý thị trường vàng, chuyển tải tới người đọc thông điệp sai về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tạo ra sự hoài nghi đối với các chủ trương, chính sách quản lý thị trường vàng và các nỗ lực phối hợp phòng, chống buôn lậu của các cơ quan Nhà nước”.
Giá vàng và giá USD tại Việt Nam luôn đặt ra những câu hỏi lớn về năng lực cũng như ý đồ thật sự của những kẻ điều hành Ngân hàng Nhà nước và nhà cầm quyền CSVN. (Hình: Tuổi Trẻ).   

Nếu tờ Thanh Niên sai, tại sao Ngân hàng Nhà nước không hành xử theo các quy định sẵn có tại Luật Báo chí: Yêu cầu đính chính. Kiện đòi cải chính và bồi thường thiệt hại mà lại đề nghị Tổng cục An ninh, cơ quan chuyên trách trong việc bảo vệ sự ổn định chính trị nhập cuộc?
Nếu đã từng quan sát các diễn biến thực tế trong lĩnh vực tiền tệ - tài chính – ngân hàng thì có thể trả lời ngay rằng, đó là vì Ngân hàng Nhà nước muốn răn đe báo chí.

Trong vài năm qua, các chuyên gia kinh tế đã từng phân tích, khẳng định nhiều lần rằng, tình trạng hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, hàng chục triệu người thất nghiệp, lạm phát tăng vọt, dân chúng lao đao trong cuộc vật lộn để mưu tìm cơm áo là do hàng loạt sai lầm của Ngân hàng Nhà nước và là lỗi của nội các đương nhiệm do ông Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo.

Cũng trong vài năm qua, cả Quốc hội CSVN, lẫn chính phủ do ông Dũng điều hành đã có hàng chục lần thừa nhận (khi trực tiếp, lúc gián tiếp) rằng, những phân tích, những kết luận ấy không sai. Chỉ có điều là ông Dũng vẫn tại vị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn cứ là ông Nguyễn Văn Bình và đã năm, bảy lần, cả Thủ tướng lẫn thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói xa, nói gần về chuyện điều hành - thực hiện chính sách tiền tệ - tài chính – ngân hàng kém hiệu quả vì… báo chí làm dân chúng hoang mang.

Dưới nhãn quan của chính quyền ở một xứ cộng sản, hoang mang tất nhiên là có “màu sắc chính trị” và khi đã có “màu sắc chính trị” thì đương nhiên phải mời Tổng cục An ninh nhập cuộc. Có như thế, báo giới mới… kinh!

Trừ chuyện tờ Thanh Niên - ở vị trí “đương sự” - đăng toàn văn, văn bản phản bác “Rửa vàng bằng cơ chế” của Ngân hàng Nhà nước, kèm “đính chính” do tác giả “hiểu chưa đúng về các thuật ngữ nên nhầm lẫn, dẫn tới sai sót khi phân tích”, chưa có dấu hiệu nào cho thấy báo giới đã cảm thấy… kinh

Ngay vào ngày tờ Thanh Niên đính chính, tờ Tuổi Trẻ đăng “Ai mua hơn 12 tấn vàng đấu thầu?”, tờ Pháp Luật TP.HCM đăng “Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành vàng: Thất bại!”. Cả hai bài viết vừa kể, không dùng số liệu của Hiệp hội Vàng thế giới như “Rửa vàng bằng cơ chế”  đã đăng trên Thanh Niên, mà dùng thực tế và ý kiến của những người trong cuộc: Doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng, chuyên gia kinh tế để cùng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước rất đáng ngờ, ít nhất là về năng lực!

Cũng trong ngày đó, ông Nguyễn Vạn Phú, một nhà báo sắc sảo về kinh tế, đưa lên blog của ông bài “Bài báo của Thanh Niên chỉ sai về mặt kỹ thuật, về bản chất không có gì sai cả”. Theo nhận xét của ông Phú, “Rửa vàng bằng cơ chế” chỉ sai về kỹ thuật khi diễn giải số liệu (trong diễn đạt, đã đổi “nhu cầu vàng” thành “vàng nhập lậu”, thành ra không chặt chẽ) và nhận định thiếu kín kẽ (thay vì chỉ cảnh báo về khả năng có người lợi dụng chính sách để trục lợi thì quy buộc Ngân hàng Nhà nước soạn ra chính sách để “rửa” vàng nhập lậu).    

Chưa biết sắp tới, Tổng cục An ninh của Bộ Công an sẽ làm gì, báo giới có câm hay không (?) nhưng chắc chắn dân chúng, doanh giới và các chuyên gia kinh tế sẽ tiếp tục nói trên mạng xã hội và nói với nhau.

Bạo lực thường làm người ta sợ nhưng khi cơm không đủ no, áo không đủ mặc, tài sản tích cóp từ mồ hôi, nước mắt, đột nhiên tan thành mây khói, chỉ vì một mớ chủ trương, chính sách vừa ngu, vừa gian thì làm sao bảo người ta nín nhịn mãi được.(GĐ)    
 

Copy từ: Người Việt

Nợ công: cần minh bạch, rõ ràng

  Lời bình trên Ba Sàm:
- Nợ 128,9 tỉ USD mà tính láo là 66,8 tỉ USD ?
- Cố tình trì hoãn đến 3 năm mới công bố chỉ số nợ công để dễ bề che đậy, lẩn tránh trách nhiệm?
- Nguy cơ nợ tư thành nợ công vì phải bỏ tiền ra cứu rất nhiều “đại gia” bất động sản vỡ nợ!
- Chỉ 3 năm nữa là rơi vào tình cảnh làm ra đồng nào phải đem trả nợ đồng ấy.
- Vay nợ Trung Quốc gia tăng nhanh!
- Tương lai sẽ trở thành một “Hy Lạp thứ hai” (?), để rồi cầu cứu “bạn vàng”, chịu quy phục bằng mọi giá? “Bán” biển đảo hay chấp nhận trở thành một kiểu “khu tự trị”?
Còn “kịch bản” nào tuyệt vời và “êm thấm” hơn cho kế hoạch hai đảng cùng dắt tay nhau tiến lên “thiên đường XHCN”? “Chiến công” này phải thuộc về “đồng chí X”, không phải “đồng chí Lú”!
TT - Cần có những giải pháp xử lý trước khi quá muộn. Đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia tại hội thảo khoa học “Khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu và những vấn đề gợi mở đối với VN” do Viện hàn lâm Khoa học VN tổ chức ngày 25-4.
Vinashin là một trong những tập đoàn kinh tế làm ăn thua lỗ mà Chính phủ phải trả nợ thay các khoản vay quốc tế. Trong ảnh là mô hình một con tàu được trưng bày trong trụ sở của Vinashin + Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Các đại biểu cũng đề nghị để khỏi bị động trong việc xử lý, VN cần theo thông lệ quốc tế trong cách tính nợ công.

Thế giới nói 128,9 tỉ USD, VN tính 66,8 tỉ USD

Dẫn tính toán của chuyên gia Liên Hiệp Quốc, trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, TS Nguyễn Trọng Hậu, Đại học Almamer, Ba Lan, cho biết nếu theo chuẩn quốc tế thì nợ công VN lên đến khoảng 128 tỉ USD, bằng khoảng 106% GDP năm 2011 - gần gấp đôi mức VN công bố chính thức.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cũng đồng tình và chỉ ra rằng năm 2011, ước tính theo quốc tế thì nợ công của VN là 128,9 tỉ USD, tương đương 106% GDP. Nhưng con số mà Bộ Tài chính công bố chỉ 66,8 tỉ USD và bằng 55% GDP.
Các nhà khoa học cũng đồng tình với nhận định của TS Hồ khi cho rằng cái khó nhất nói về thực trạng nợ công của VN là thiếu số liệu và không đủ tin cậy. Thời gian cập nhật nợ công của các nước là hằng quý, còn ở VN Bộ Tài chính mới chỉ công bố đến năm 2010 và ước tính đến năm 2011 thôi.
"Cứ thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại, cứ vay nợ không sử dụng hiệu quả chắc chắn khủng hoảng nợ công sẽ xảy ra"
PGS.TS Nguyễn An Hà
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ThS Đinh Mai Long - Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước - nêu trong 10 năm trở lại đây, nợ công tại VN tăng nhanh một cách đáng lo ngại và có cơ cấu kém bền vững, bị tác động mạnh của những cú sốc từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các cú sốc tỉ giá. Cơ cấu đồng tiền vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là các đồng tiền chủ chốt như JPY chiếm khoảng 39%, bằng SDR khoảng 27%, bằng USD khoảng 22%, bằng EUR khoảng 9%. Đối với vay nước ngoài của doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước - DNNN) được Chính phủ bảo lãnh) chủ yếu tập trung vào USD (chiếm từ 70-80%). Kể từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 6-2011, ba đồng tiền chủ chốt gồm EUR, USD và JPY trong giỏ nợ nước ngoài của VN đã lên giá lần lượt khoảng 12%, 13% và 26% so với VND. Điều này cho thấy gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ đang tăng với tốc độ chóng mặt và gây sức ép đối với thâm hụt ngân sách và chính sách tiền tệ.
Mặt khác, ông Long cũng lưu ý là vay nợ từ Trung Quốc gia tăng nhanh trong mấy năm gần đây - khoảng 1,2 tỉ USD. Ngoài ra, tốc độ gia tăng nợ công khoảng 15%/năm đang dần “bắt kịp” tốc độ tăng thu ngân sách khoảng 17-21%, có nghĩa là vài ba năm nữa nguồn tăng thu chỉ đủ để bù trả nợ - ông Long nhấn mạnh.
Nợ công của VN năm 2011
Chỉ số
Tỉ đồng
Tỉ USD
So với GDP
Nợ công theo định nghĩa của VN
1.391.478
66,8
55%
Nợ của Chính phủ
1.085.353
52,1
43%
Nợ của Chính phủ bảo lãnh
 292.210
14,0
12%
Nợ của chính quyền địa phương
 13.915
 0,7
 1%
Nợ công theo định nghĩa quốc tế
2.683.878
128,9
106%
Nợ công theo định nghĩa của VN
1.391.478
66,8
55%
Nợ của DNNN (trong và ngoài nước)
1.292.400
62,1
51%
Nguồn: Vũ Quang Việt, “Nợ công, nợ ngân hàng VN được hé mở”, tạp chí Diễn Ðàn, 25-11-2011
Bỏ qua nợ của DNNN
Nợ công của VN vì sao lại chỉ bằng một nửa so với cách tính của thế giới? TS Nguyễn Trọng Hậu cho rằng thế giới có tiêu chí nợ công chung, họ có năm thành tố thì VN chỉ có ba. Có hai yếu tố chưa được tính vào nợ công của VN đó là nợ của DNNN và khoản Nhà nước vay của quỹ hưu trí. Ông Hậu cho rằng với cách tính nợ công của VN thì thực tế những khoản nợ nước ngoài cả tỉ USD như của Vinashin không được tính vào nợ công trong khi các nước, doanh nghiệp nào có vốn nhà nước dù chỉ một vài phần trăm, khi vay nước ngoài cũng phải tính vào. Một khoản nữa VN chưa tính vào nợ công là khoản tiền Nhà nước vay của quỹ hưu trí (nếu có), vì về thực chất đây cũng là nợ của dân.
Cũng theo ông Hậu, kinh nghiệm hiện nay cần cảnh giác là rất nhiều khoản nợ tư cũng có thể biến thành nợ công. Như hiện nay có rất nhiều “đại gia” bất động sản có thể vay nợ nước ngoài. Đây không phải nợ công nhưng khi các “đại gia” phát triển đến quy mô rất lớn mà nếu để các doanh nghiệp này đổ vỡ có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy cho nền kinh tế. Trong nhiều trường hợp, các “đại gia” không trả được nợ, Nhà nước sẽ phải đứng ra cứu. Như thế cũng tạo nguy cơ rất lớn khiến phình nợ công rất nhanh.
Còn ông Long thì cho rằng trên thực tế, dù được hay không được Chính phủ bảo lãnh nhưng nếu những DNNN không thể thanh toán một phần hoặc toàn bộ thì Chính phủ với vai trò chủ sở hữu vẫn phải gánh nợ cho các DNNN này.

Cần tính theo chuẩn quốc tế
Ông Hậu khuyến cáo VN cần theo thông lệ quốc tế trong cách tính nợ công bởi để đến khi “cái kim trong bọc lâu ngày lộ ra” thì khi đó ứng xử rất bị động. Đặc biệt, ông Hậu khuyến cáo nguy cơ vay nợ nhiều nhưng nếu sử dụng không hiệu quả thì rất nguy hiểm. Trong khi đó, nhiều khoản vay nợ của VN được phân bổ bởi Nhà nước lại có hiệu quả sử dụng không cao...
PGS.TS Nguyễn An Hà - Viện Nghiên cứu châu Âu - cho rằng với tình hình nợ công và quản lý nợ công của VN có thể thấy rằng nền kinh tế VN hiện đang có một số đặc điểm giống với các nước PIIGS (các nước châu Âu có tỉ lệ nợ cao, bao gồm Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý) khi lâm vào khủng hoảng nợ công. Đó là tăng trưởng GDP giảm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 đến nay, lạm phát luôn có xu hướng tăng mạnh, luôn cao trên 8% kể từ năm 2006-2011... Do vậy, cần có những giải pháp xử lý trước khi quá muộn.
Theo GS.TS Đỗ Hoài Nam - chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội VN, điều quan trọng là tìm ra được nguyên nhân của tình trạng đáng báo động về nợ công ở VN. “Phải chăng đó là vấn đề liên quan đến mô hình tăng trưởng kinh tế quá nóng, dựa quá nhiều vào vốn, phát triển theo chiều rộng. Điều đó đúng nhưng đã đủ chưa. Người ta còn nói mô hình tăng trưởng dựa vào DNNN làm ăn kém hiệu quả. Gần như là con nợ lớn nhất của nợ công. Thế thì chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu?” - ông Nam băn khoăn.
Ông Nguyễn An Hà cũng cho rằng nợ công là nguồn lực quan trọng nhưng chất lượng sử dụng nợ còn quan trọng hơn. Rút ra các bài học từ nghiên cứu, ông Hà cho rằng con số tuyệt đối nợ công cần minh bạch, rõ ràng. Trong hội nhập quốc tế, VN phải theo luật chơi quốc tế. Bởi theo ông Hà, các khoản vay đến hạn thì nước ngoài họ xiết nợ theo luật quốc tế. VN sẽ khó lờ đi được bởi ông Hà ví dụ trường hợp Vinashin, khi phải trả lãi, ban lãnh đạo mới của Vinashin lờ đi, nhưng chỉ cần các tổ chức xếp hạng đưa định mức tín nhiệm của VN xuống một bậc, thành B- lãi suất cho các khoản vay đến VN tăng, thiệt hại có thể lớn hơn nhiều.
Đầu tư công cho nông nghiệp, y tế, giáo dục giảm
Ngày 25-4, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - đầu tư) cùng Đại sứ quán Ireland đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả đầu tư công. Theo báo cáo nghiên cứu, tỉ trọng đầu tư công của VN còn bất cập. Ví dụ, trong giai đoạn 2006-2010, đầu tư công cho nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 6,51% trong tổng đầu tư công thì đến năm 2011 chỉ còn 5,6%; giáo dục - đào tạo giai đoạn 2006-2010 là 3,1% thì năm 2011 chỉ còn 2,93%; y tế và hoạt động trợ cấp xã hội từ 4,62% xuống 4,05%. Trong khi đó, đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế lại theo xu hướng tăng, ngay khách sạn nhà hàng cũng tăng từ 0,76% giai đoạn 2006-2010 lên mức 1,39% vào năm 2011. Cao nhất là vận tải, kho bãi, thông tin - truyền thông với tỉ lệ 22,95% lên 23,3%...
Báo cáo cũng khẳng định đầu tư công đã tác động tích cực tới tăng trưởng của VN nhưng chỉ tác động trong khoảng thời gian năm năm, sau đó giảm dần. Trong dài hạn, đầu tư tư nhân mới là yếu tố tác động mạnh nhất đến tăng trưởng kinh tế VN.
C.V.KÌNH - L.THANH


Copy từ: Tuổi Trẻ