CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Đình công “tự phát”, sự khó xử của đảng cộng sản

Kính Hòa, phóng viên RFA 2013-08-02
dinh-cong-305B
Hơn 2.000 Công nhân Công ty TNHH Ivory Việt Nam đình công sáng ngày 29/07/2013.
Photo courtesy of NhânDân


Các cuộc đình công tự phát của công nhân liên tục xảy ra trong khi các tổ chức công đoàn do nhà nước quản lý dường như không liên quan gì đến các cuộc đình công đó.

Mô hình dân chủ tập trung

Ngày 27/7/2013 hai ngàn công nhân thuộc công ty may mặc Ivory ở huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình đã đình công đòi tăng lương, công nhân đã trở lại làm việc sau ba ngày đình công. Tin này được báo Nhân Dân loan tải, dù tờ báo của Đảng cộng sản này rất ít khi đưa tin những vụ đình công mà chính phủ Việt Nam gọi là “tự phát,” từ thường dùng để chỉ các cuộc tập hợp đông người hay đình công mà không do nhà nước hay đảng cộng sản tổ chức.
Ngày 26/7/2013, báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của Tổng công đoàn lao động Việt Nam đăng bài viết về các cuộc đình công của công nhân trong những năm gần đây. Theo bài viết này thì từ năm 1995 đến nay có 5.000 cuộc đình công, tức là cứ 3 ngày có hai cuộc đình công. Và bài báo nêu câu hỏi là tại sao không có cuộc đình công nào được tổ chức bởi “công đoàn cơ sở,” từ dùng để chỉ các tổ chức công đoàn do nhà nước và đảng cộng sản lãnh đạo ở các nhà máy và công ty.
Theo điều 10 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân”.
Bên cạnh đó, theo luật công đoàn Việt Nam năm 1990 thì: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động Việt Nam tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”
Như vậy tổ chức công đoàn trực thuộc đảng cộng sản Việt Nam, lực lượng chính trị duy nhất được phép hoạt động.
Trước khi có cuộc đổi mới kinh tế cho phép tư nhân trong và ngoài nước được quyền tham gia hoạt động kinh tế, trong tất cả các cơ quan hành chính, công ty, nhà máy… đều có một cơ cấu gọi là bộ tứ bao gồm: Chi bộ đảng cộng sản, Chính quyền (tức là ban giám đốc điều hành), Công đoàn, và Đoàn thanh niên cộng sản. Mô hình này nằm trong mô hình quyền lực mà đảng cộng sản gọi là dân chủ tập trung.
Luật gia Lê Hiếu Đằng nói với chúng tôi về tổ chức của Liên đoàn lao động, tức là liên minh của các công đoàn:
“Tiếng là tổ chức của người lao động nhưng thực tế là trong chế độ toàn trị thì những người lãnh đạo đều do đảng chọn lựa hết.”
Sự ra đời của các đơn vị kinh tế tư nhân trong cơ chế thị trường đã làm cơ cấu bộ tứ nói trên không còn rõ rệt, hoặc thậm chí không tồn tại trong các công ty có vốn tư nhân hay nước ngoài. Và điều đương nhiên phải xảy ra trong nền kinh tế thị trường chính là những cuộc đình công khi có sự mâu thuẫn quyền lợi giữa giới chủ và công nhân. Cơ cấu dân chủ tập trung đã và đang không còn kiểm soát tầng lớp công nhân của mình nữa, mà về nguyên tắc thì đảng cộng sản lại là một đảng của công nhân.
marumitsu-dinh-cong-250B
Công nhân nhà máy Marumitsu tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội đình công chiều ngày 13/4/2011. File photo.
Khi cuộc biểu tình tại Thái Bình xảy ra, biên tập viên Gia Minh đã hỏi một quan chức ở sở Lao động và thương binh xã hội của tỉnh, cơ quan mà về nguyên tắc là có quan hệ mật thiết với tổ chức công đoàn của nhà nước thì được trả lời như sau:
“Tôi cũng chưa nắm được cái này anh ạ, phải sang làm việc cụ thể chứ điện thoại thế này không biết ai là ai cả.”
Cũng có thể đây chỉ là câu trả lời thoái thác, tránh trả lời một câu hỏi nhạy cảm liên quan đến ổn định chính trị xã hội. Nhưng việc đó làm rõ thêm quan hệ mới giữa dân chủ tập trung của đảng cộng sản và các thế lực tư bản tài phiệt. Một mặt đảng cộng sản vẫn mang danh là đảng của giai cấp công nhân, có nhiệm vụ chống lại sự bóc lột của giới tư bản đối với công nhân làm thuê. Mặt khác do cần nguồn vốn đầu tư của giới tư bản, đảng cộng sản và cùng với tổ chức đứng dưới quyền lãnh đạo của họ là Công đoàn của nhà nước, phải bắt tay với giới tư bản. Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước do nó lãnh đạo đã cố gắng tổ chức các công đoàn cơ sở trong các công ty có vốn đầu tư của tư nhân. Và những người phụ trách các tổ chức này lãnh lương của các công ty. Các tổ chức công đoàn cơ sở này đứng trước một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Cấm công đoàn độc lập

Theo bài báo của báo Lao động thì hồi tháng 2 năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị công đoàn giảm 50% số vụ đình công. Như vậy họ phải thỏa hiệp với giới chủ mà họ lãnh lương mà đồng thời cũng phải thực hiện nhiệm vụ vinh quang của họ là bảo vệ giai cấp công nhân. Mà nếu muốn giảm đình công thì phải có một sự thương lượng giữa công nhân và giới chủ. Điều này những người đại diện công nhân do đảng lựa chọn và ăn lương của chủ tư bản rõ ràng không thể làm được.
Luật gia Lê Hiếu Đằng nói tiếp về các người phụ trách công đoàn cơ sở của nhà nước:
“Họ đâu có đại diện cho quyền lợi của công nhân được, họ không thể phát động đình công, thậm chí họ còn theo giới chủ, đàn áp hoặc ngăn cản công nhân đình công.”
Ông Lê Hiếu Đằng nói tiếp về vấn đề những người đại diện cho công nhân, trong đó ông có so sánh với tình hình của các nghiệp đoàn trước năm 1975 tại miền Nam:
“Trước 75 tổ chức người lao động là tổ chức của những người lao động thực sự do đó họ mới đấu tranh cho quyền lợi của họ, còn những lãnh tụ là do họ bầu nên.”
Khi đảng cộng sản còn trong bóng tối, họ đã tổ chức các hoạt động công đoàn mà lịch sử của họ tự hào ghi lại sự thành công của các tổ chức như Công hội đỏ Bắc Kỳ, Tổ chức Công hội của ông Tôn Đức Thắng tại Ba Son Sài Gòn… Một điều rất khác biệt so với các tổ chức công đoàn của họ ngày nay mà họ không ghi nhận là các tổ chức công đoàn lịch sử của họ thực sự độc lập với nhà đương cuộc, và với giới chủ.
Gần đây một số nhà đấu tranh cho công nhân đã đứng ra thành lập những công đoàn độc lập, và tất cả những người đó đều đã bị tống giam, trong đó có người nữ tù nhân trẻ tuổi Đỗ Thị Minh Hạnh. Đảng cộng sản chưa biết cách nào để giảm các cuộc đình công nhưng cũng rất lo ngại một kịch bản Công đoàn đoàn kết xảy ra ở Vịet Nam khi công nhân có tổ chức độc lập riêng của họ.
Ông Lê Hiếu Đằng nói về các tổ chức công đoàn độc lập ở phương tây:
“Họ đấu tranh cho quyền lợi của công nhân trong luật pháp, họ đâu có lật đổ nhà nước. Như vậy mới mà một xã hội công dân.”
Bài báo của báo Lao động đề nghị: Phải để cho người lao động chọn những người có tâm huyết, được họ tín nhiệm bầu vào công đoàn cơ sở.
Quả bóng dường như nằm trong chân của đảng cộng sản Việt Nam, hoặc từ bỏ ý niệm gọi là dân chủ tập trung muốn quản lý tất cả, hoặc cho phép ra đời các tổ chức công đoàn thực sự, độc lập, để bảo vệ những người công nhân mà mấy mươi năm nay đảng cộng sản vẫn tuyên bố dưới bóng cờ công nông mang hình ảnh búa liềm của họ.


Copy từ: RFA

THÔNG BÁO KẾT THÚC ĐẤU GIÁTRANH ỦNG HỘ BLOGGER ĐIẾU CÀY


Hà nội,05/8/2013.



Chúng tôi trân trọng thông báo kết quả đấu giá bán tranh ủng hộ Blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) như sau:

Theo Thông báo ngày 27/8/2013, phiên Đấu giá đã bắt đầu từ: 8h00 ngày 28/7/2013 và sẽ kết thúc vào ngày 08/8/2013 công khai trên Trang Facebook: Mai Dzung và đã được các trang Web KHÁC như DÂN LÀM BÁO, TRÍ NHÂN MEDIA, MAI XUÂN DŨNG BLOG...đăng tải lại.

Giá khởi điểm: $260. Giá mong muốn: $2.600. (US Dollar) 
Mục đích: Toàn bộ tiền thu được công bố công khai trên Facebook và chuyển cho Bà: Dương Thị Tân (vợ ông Nguyễn Văn Hải) và anh Nguyễn Trí Dũng con trai của ông Hải và bà Tân, nhằm góp phần ủng hộ, giúp đỡ Blogger Điếu Cày.
Nếu không bán được giá mong muốn, bức tranh sẽ được tác giả tặng cho vợ và con trai Blogger Nguyễn Văn Hải.

Cho đến nay, 05/8/2013 theo ý kiến của gia đình blogger ĐIẾU CÀY và nhiều bạn đọc khác, chúng tôi QUYẾT ĐỊNH KẾT THÚC ĐẤU GIÁ sớm hơn dự kiến 03 ngày vì kết quả đấu giá đã vượt lên ngoài sự mong đợi của tác giả bức tranh. Hơn nữa, cuộc tuyệt thực của Blogger Điếu Cày đã chấm dứt vì đạt được một số yêu cầu của ông.

Chúng tôi sẽ liên lạc với NGƯỜI MUA, hoàn tất các thủ tục cần thiết để bức tranh được trao cho người trả giá cao nhất: 3.200 USD và 25 cent. (Tương đương 67.000.000VNĐ)

Chúng tôi cũng đã liên lạc với bà Dương Thị Tân và cháu Nguyễn Trí Dũng (con trai ông Nguyễn Văn Hải) để thống nhất rằng: Ông Mai Xuân Dũng-tác giả bức tranh đề nghị bạn THEM TRAN là người mua chuyển tiền thẳng vào tài khoản mà bà Tân và cháu Dũng lựa chọn.

Đây là một cuộc đấu giá tranh thông thường mà không phải là một QŨY TỪ THIỆN nên bức tranh chỉ được trao cho một người mua trả giá cao nhất và không thể nhận tiền ủng hộ của bất cứ cá nhân, tập thể nào. Chính vì vậy, tôi xin được cảm tạ và từ chối tiếp nhận tài chính của tất cả những bạn đã tham gia đấu giá khác và những người đã đề nghị đóng góp tiền cho cuộc đấu giá này.

Tôi cũng mong muốn rằng trong tương lai sẽ có ai đó đủ điều kiện khởi xướng, tiếp nhận sự ủng hộ của các bạn đối với gia đình Blogger Điếu Cày và những tù nhân lương tâm khác đang thụ án tại Việt nam.

Xin trân trọng gửi lời cảm tạ tới các vị: Vien Nguyen, Caubay Thiem, Hồ Chí Bửu, LyLy, Nautica Mile, Nguyễn Tiến Đức (Hưng Việt) và nhiều người khác không muốn nêu danh tính ở đây đã có lòng yêu mến, cảm thông, chia sẻ với Blogger Điếu Cày vì đã tham gia đấu giá bức tranh của tôi hoặc ngỏ ý muốn đóng góp tài chính giúp đỡ gia đình ông Nguyễn Văn Hải.

Xin cảm tạ và Kính chúc chúc Quý vị bình an hạnh phúc

Tác giả bức tranh: ĐIẾU CÀY VÀ NIỀM TIN.

Mai Xuân Dũng

Copy từ: Mai Xuân Dũng

Việt Nam cấp tốc ra lệnh thu hồi loại sữa bột Fonterra nghi nhiễm độc

Sữa Karicare của tập đoàn Fonterra nghi nhiễm độc.
Sữa Karicare của tập đoàn Fonterra nghi nhiễm độc.
DR

Trọng Nghĩa
Ngay sau khi được thông báo về tình trạng một số sản phẩm sữa do tập đoàn Fonterra tại New Zealand làm ra bị nhiễm vi khuẩn độc hại, có thể gây tử vong nơi người dùng, chính quyền Việt Nam vào hôm nay 05/08/2013 đã lập tức cho thu hồi và cấm lưu hành các loại sản phẩm này, vốn đã được nhập khẩu vào Việt Nam. Tại New Zealand, tập đoàn Fonterra đã bị chính quyền chỉ trích về tội sao nhãng trong việc báo động kịp thời về sản phẩm độc hại của mình.

Trong một công văn đề ngày hôm nay, Cục An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Y tế Việt Nam cho biết là đã được Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam thông báo hôm 03/08 về việc « một số sản phẩm dinh dưỡng công thức Karicare cho trẻ nhỏ có chứa whey protein concentrate do Công ty Fonterra New Zealand sản xuất bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum » hiện diện trong các sản phẩm đã được nhập khẩu vào Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế Việt Nam đã yêu cầu văn phòng đại diện của Công ty Abbott Laboratories S.A tại Việt Nam - đơn vị nhập khẩu các sản phẩm độc hại đó của Fonterra - là phải ngừng lưu hành và thu hồi các lô sản phẩm tình nghi bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum.
Cũng theo Cục An toàn Thực phẩm, trong số các lô bị thu hồi có loại Thức ăn công thức cho trẻ từ 1-3 tuổi Similac GainPlus Eye-Q có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Ngoài ra, chính quyền Việt Nam cũng ra lệnh kiểm tra chặt chẽ để phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum trong nguyên liệu whey protein concentrate và các sản phẩm sữa, sản phẩm đã qua chế biến, mà trong thành phần có chứa whey protein concentrate xuất xứ từ New Zealand đã nhập khẩu vào Việt Nam.
Nguyên liệu cô đặc whey protein concentrate chế biến từ sữa, là một chất liệu được dùng để chế tạo các loại sữa bột cho trẻ em, nước uống tăng lực và một số sản phẩm khác. Còn Clostridium Botulinum là loại vi khuẩn sản sinh ra độc tố gây tổn hại thần kinh, với các triệu chứng như nôn mửa và đi tiêu chảy, sau đó có thể dẫn tới bị liệt, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo hãng tin Anh Reuters, tập đoàn Fonterra đã thừa nhận rằng họ đã xuất khẩu nhiều lô sản phẩm nhiễm khuẩn độc hại qua Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Úc và Ả Rập Xê Út.
Trong số các công ty thực phẩm đã mua loại hàng độc này có Dumex Baby Food, chi nhánh tại châu Á của Tập đoàn Pháp Danone. Công ty Danone Dumex ngay từ hôm qua 04/08 đã bắt đầu thu hồi sản phẩm sữa bột công thức Mamil Gold PreciNutri Step 2 dành cho trẻ sau 6 tháng tuổi. Theo Reuters, Danone đã loan báo quyết định thu hồi 4 loại sữa cho trẻ em bán trên các thị trường Việt Nam và Malaysia.
Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh New Zealand vào hôm nay, Thủ tướng Úc John Key lên án tập đoàn Fonterra là đã quá chậm trễ trong việc báo động về nguy cơ sản phẩm của họ bị nhiễm vi khuẩn độc hại.
Theo Thủ tướng Úc, các xét nghiệm từ năm ngoái đã phát giác ra việc ba lô nguyên liệu cô đặc whey protein concentrate do Fonterra sản xuất hồi tháng 5/2012 bị nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum. Thế nhưng tại sao tập đoàn này lại không có phản ứng tức thời.


Copy từ: RFI

Bộ trưởng Pháp và TQ cùng đến Hà Nội


Cập nhật: 09:58 GMT - thứ hai, 5 tháng 8, 2013

Vương Nghị gặp Phạm Bình Minh
Đây là lần thứ hai Phạm Bình Minh gặp Vương Nghị trong vòng chưa đến hai tháng
Ngoại trưởng của hai nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng có mặt tại Việt Nam vào một thời điểm để hội đàm với người đồng cấp của nước chủ nhà, ông Phạm Bình Minh.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh đã có các cuộc hội đàm riêng rẽ với Bộ trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Pháp, ông Laurent Fabius trong cùng buổi sáng Chủ nhật ngày 4/8.
Cuộc hội đàm của ông Minh với ông Vương là để ‘trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ hai nước’ trong khi với ông Fabius là về ‘nội hàm và lộ trình’ quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Việt, theo tường thuật của báo chí nhà nước ở Việt Nam.

Vấn đề biên giới

Cũng trong ngày 5/8, vị khách đến từ Trung Quốc sẽ lần lượt tiếp kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong khi đó, vị khách đến từ Pháp cũng được Thủ tướng Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp.
Hai vị ngoại trưởng này đều đang có chuyến công du Đông Nam Á và đã đến Việt Nam cùng lúc vào ngày 3/8.
Trước khi đến Hà Nội, ông Fabius đã có chuyến thăm Jakarta còn ông Vương đã ở Bangkok.
Cuộc thảo luận giữa hai ngoại trưởng Việt-Trung đã diễn ra ‘trong bầu không khí hữu nghị và thẳng thắn’, theo Thông tấn xã Việt Nam. Hai ông đã bàn bạc các biện pháp để hiện thực hóa ‘quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ giữa hai nước.
Hai ông cũng đề cập đến những vấn đề gai góc về biên giới trên bộ và tranh chấp trên biển.
Hai nước cam kết sẽ cùng thúc đẩy một hiệp định về hợp tác khai thác thác Bản Giốc mà hai nước đã thỏa thuận chia quyền sở hữu và một hiệp định cho phép tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân phân chia hai nước, cũng theo hãng tin nhà nước.
Về Biển Đông, hai ngoại trưởng lặp lại cam kết giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng và không để tranh chấp trên Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ toàn cục giữa hai nước.
Đây là lần thứ hai hai ông Vương Nghị và Phạm Bình Minh gặp nhau trong vòng chỉ chưa đến hai tháng. Trước đó, ông Minh đã gặp ông Vương trong lúc tháp tùng Chủ tịch Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh hồi tháng Sáu.

‘Hiểu biết và tin cậy’

Phạm Bình Minh gặp Laurent Fabius
Pháp-Việt đang chuẩn bị nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao
Cuộc hội đàm giữa Phạm Bình Minh và Laurent Fabius được Thông tấn xã Việt Nam mô tả là ‘hiểu biết và tin cậy lẫn nhau’ – đây là điểm khác biệt so với cuộc hội đàm Việt-Trung.
Theo đó, hai bên đã bàn bạc và thống nhất ‘về cơ bản’ nội hàm và lộ trình nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược.
Hai nước đã từng tuyên bố sẽ đưa quan hệ song phương lên đối tác chiến lược trong chuyến công du Paris của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hồi tháng Ba năm nay.
Việt Nam đang tìm cách xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với hai thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Pháp và Mỹ. Nước này hiện đang là đối tác chiến lược của Trung Quốc, Nga và Anh.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Washington mới đây của Chủ tịch Trương Tấn Sang, quan hệ Việt-Mỹ chỉ mới được nâng cấp lên thành ‘hợp tác toàn diện’ chứ chưa được ‘đối tác chiến lược’.
Ngoài ra, hợp tác kinh tế cũng là một chủ đề quan trọng trong cuộc hội đàm của hai ngoại trưởng Việt-Pháp.
Hiện tại Việt Nam đang hưởng thặng dư lớn trong quan hệ mậu dịch với Pháp. Xuất khẩu của nước này đến Pháp trong năm 2012 đạt gần 2,7 tỷ euro trong khi nhập khẩu từ Pháp chỉ có hơn 613 triệu euro.
Hiện tại Pháp là quốc gia đầu tư lớn thứ hai của Liên minh châu Âu vào Việt Nam, chủ yếu trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, giáo dục và đào tạo.
Ngoại trưởng Pháp cũng cam kết sẽ vận động châu Âu công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam, hãng tin Mỹ AP cho biết.
Về Biển Đông, ông Laurent Fabius được dẫn lời nói Pháp ủng hộ ‘giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế’.
Paris gần đây cũng tỏ rõ sự quan tâm đến những lợi ích tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng của nước này Jean-Yves Le Drian từng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng Sáu ở Singapore rằng ‘Pháp là một cường quốc Thái Bình Dương’ và họ ‘có nghĩa vụ bảo vệ’ những hòn đảo thuộc chủ quyền của họ tại nam Thái Bình Dương.
Chiến hạm La Tapageuse
Pháp đang tăng cường tham dự vào các vấn đề trên Biển Đông
Mới đây nước này cũng đã bán một tàu chiến đã qua sử dụng của hải quân của họ cho Philippines, hãng tin Pháp AFP cho biết.
Chiến hạm ‘La Tapageuse’ có tuổi thọ đã 26 năm, dài gần 55 mét và có giá 6 triệu euro sẽ là chiếc đầu tiên trong một loạt các tàu chiến Pháp mà lực lượng tuần duyên của Philippines sẽ mua lại.
Ngoài ra cũng có tin Manila ‘đang chốt’ hợp đồng với Chính phủ Pháp để mua lại bốn chiến hạm hoàn toàn mới dài 24 mét và một tàu đa mục đích dài 82 mét.

Ba cách giải quyết

Trước đó tại Bangkok hôm 2/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất ba cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Tân Hoa Xã cho biết.
Ông Vương đã đưa ra đề xuất này tại cuộc gặp với ông Surukiat Sathirathai, chủ tịch Hội đồng Hòa giải Hòa bình châu Á.
Cách thứ nhất, theo ông Vương, là đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán và tham vấn giữa các bên có liên quan trực tiếp, tức là không có sự can thiệp từ bên ngoài. Ông nhấn mạnh đây là ‘cách cơ bản và duy nhất’ để tiến đến giải pháp chung cuộc cho vấn đề.
Cách thứ hai là tiếp tục thực hiện Tuyên bố giữa các bên về Ứng xử trên Biển Đông và tiếp tục thúc đẩy cho ra đời Bộ Quy tắc Ứng xử. Mặc dù những nguyên tắc này không phải là giải pháp cho tranh chấp nhưng chúng giúp duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực, ông Vương giải thích.
Cách giải quyết tranh chấp cuối cùng mà ông Vương đề xuất là ‘cùng khai thác’. Theo ông thì do tìm kiếm giải pháp chung cuộc sẽ mất rất nhiều thời gian nên các bên tranh chấp nên tranh thủ tìm cách khai thác chung trên nguyên tắc ‘cùng thắng và cùng có lợi’.
Ông nhấn mạnh rằng cả hai cơ sở là ‘sự thật lịch sử’ và ‘luật pháp quốc tế’ đều quan trọng như nhau và không được phép bỏ qua khi đàm phán giải pháp cho cuộc tranh chấp, theo Tân Hoa Xã.


Copy từ: BBC

Tuyệt thực, phương thức đấu tranh của tù nhân lương tâm

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-08-05

Gia đình blogger Điếu Cày cùng bạn bè căng biểu ngữ trước cổng Tổng cục 8 đòi trả tự do cho ông sáng ngày 26/07/2013.
Gia đình blogger Điếu Cày cùng bạn bè căng biểu ngữ trước cổng Tổng cục 8 đòi trả tự do cho ông sáng ngày 26/07/2013.
DR/donghoavang
Nghe bài này
Thông tin tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải- Điếu Cày ngưng tuyệt thực được chính thức công khai sau khi ông này phải áp dụng biện pháp đó đến ngày thứ 35 trong tù.
Cho đến lúc này không phải chỉ có trường hợp của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hải mà vừa qua vụ việc của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ cũng khiến dư luận hết sức chú ý.
Vì sao các tù nhân lương tâm ở Việt Nam phải đi đến biện pháp cuối cùng là tuyệt thực đó
Phương cách cuối cùng
Hai trường hợp tuyệt thực trong tù khiến công luận trong và ngoài nước quan tâm trong suốt thời gian hai tháng 6 và 7 vừa qua- đó là của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ người chấm dứt tuyệt thực vào ngày 21 tháng 6 sau 25 ngày, và thứ hai của ông Nguyễn Văn Hải chấm dứt vào ngày 27 tháng 7 sau 35 ngày tuyệt thực. Cả hai đều vì mục đích đòi hỏi cán bộ trại giam phải giải quyết những đơn thư khiếu nại về những vi phạm của cán bộ trại giam mà những tù nhân lương tâm này đưa ra.
Trong một môi trường bị bưng bít như trại giam ở Việt Nam, mọi thông tin liên lạc từ ngoài vào trong và trong ra ngoài đều bị cán bộ kiểm soát chặt chẽ, thì người bị đối xử bất công sau khi làm đơn theo đúng qui định của pháp luật mà không hề được đếm xỉa gì tới đành phải sử dụng phương thế cuối cùng là lấy mạng sống ra để đòi hỏi cho được những quyền lợi căn bản dù rằng họ đang phải ở trong nhà tù.
Khi đối diện với những bất công trong nhà tù mà người tù muốn đấu tranh thì vũ khí tốt nhất và có thể cao nhất của người tù là chính mạng sống của mình bằng phương pháp tuyệt thực
Mục sư Nguyễn Trung Tôn
Mục sư Nguyễn Trung Tôn, một người từng tuyệt thực trong tù cho biết nguyên nhân phải đi đến quyết định như thế:
Chúng ta biết rằng ở bên ngoài chúng ta có thể có nhiều phương tiện để có thể đấu tranh bằng nhiều hình thức; nhưng ở trong tù người tù không có vũ khí nào khác ngoài bản thân của mình. Trong đó mình có viết đơn thư khiếu nại… vẫn không có ai giải quyết, và cũng không có thể liên lạc với ai bên ngoài. Cho nên khi đối diện với những bất công trong nhà tù mà người tù muốn đấu tranh thì vũ khí tốt nhất và có thể cao nhất của người tù là chính mạng sống của mình bằng phương pháp tuyệt thực.
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở hai phiên tòa  AFP
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở hai phiên tòa. AFP

Vào ngày 2 tháng 8 vừa qua, anh Nguyễn Trí Dũng, con trai của ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải sau hơn chục ngày cùng mẹ gõ cửa khắp các nơi từ trại giam, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An cho đến các cơ quan công an tại Hà Nội, đã được gặp bố trong trại. Thông tin cuộc nói chuyện giữa hai cha con được công khai trên các trang mạng vài ngày sau đó. Đích thân ông Nguyễn Văn Hải kể lại cho con việc làm đơn khiếu nại và những hành xử của trại giam, cũng như Viện Kiểm sát Nghệ An trong suốt 35 ngày ông này phải tuyệt thực yêu cầu phải giải quyết đơn thư mà ông viết đòi hỏi phải tôn trọng các qui định đối với phạm nhân mà trại giam vi phạm.
Cuộc nói chuyện giữa hai cha con trong trại giam cho thấy cuộc tuyệt thực là một quá trình đấu tranh gay gắt giữa bản thân người tù và những thủ đoạn được trại giam áp dụng.
Phương pháp không dễ thắng!
Có thể nói cuộc đấu tranh giữa một tù nhân và ngay cả một nhóm tù nhân như vụ nổi dậy của những tù nhân tại trại giam Z30 A Xuân Lộc Đồng Nai hồi ngày 30 tháng 6 vừa qua với những cán bộ trại giam là một cuộc đấu tranh hoàn toàn không cân sức.
Blogger Điếu Cày, ảnh chụp hồi tháng 1 năm 2013. Files photos
Blogger Điếu Cày, ảnh chụp hồi tháng 1 năm 2013.
Phía trại giam có đủ lực lượng và mọi biện pháp để khuất phục người tù tuyệt thực.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn đánh giá lý do giúp cho hai cuộc tuyệt thực của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ và ông Nguyễn Văn Hải kết thúc thành công; trong khi đó chính bản thân mục sư Nguyễn Trung Tôn tuyệt thực không thành trong trại giam:
Thật ra trong tù có nhiều cuộc tuyệt thực bị thất bại. Tôi không dám nói ai khác mà chính bản thân tôi đã từng bị thất bại khi bị tạm giam ở Công an tỉnh Nghệ An
Mục sư Nguyễn Trung Tôn
Ví dụ trường hợp anh Vũ hoặc anh Điếu Cày có những áp lực từ phía bên ngoài vì có thể đưa tin ra bên ngoài. Có áp lực từ phía bên ngoài phần nào họ mới đáp ứng được yêu cầu.
Thật ra trong tù có nhiều cuộc tuyệt thực bị thất bại. Tôi không dám nói ai khác mà chính bản thân tôi đã từng bị thất bại khi bị tạm giam ở Công an tỉnh Nghệ An. Sau khi xử sơ thẩm xong, tôi kháng án cho nên bản án của tôi chưa có hiệu lực, mà lệnh tạm giam đã hết hiệu lực. Căn cứ trên cơ sở pháp luật họ không có lý do gì để giam giữ tôi. Đối với bản án chưa có hiệu lực và lệnh tạm giam chưa có nên tôi yêu cầu cán bộ trại giam mở cửa nhà tù, trả tự do cho tôi, tôi không chấp nhận ở trong tù vì không có lệnh của cơ quan nào để giam giữ tôi. Khi tôi phản ứng như vậy họ đã đem tôi đi giam riêng, biệt giam tại một buồng giam tử hình. Tại đó tôi tuyên bố tuyệt thực.
Ngày đầu họ giam tôi một mình, và ngày thứ hai họ đưa hai tù nhân khác đến giam cùng để hai tù nhân này tấn công tôi. Họ tấn công tôi trên phương diện tinh thần, uy hiếp. Rồi họ đem đồ ăn rất ngon đến cho hai người kia ăn, và canh gác cho hai người kia ăn để tôi nhìn. Tôi chẳng nhìn, nhưng họ chủ yếu khơi dậy sự thèm muốn của mình trong cơn đói khát để làm nhụt ý chí. Họ dùng những người tù kia tấn công, xúc phạm mình. Đến ngày thứ tư tôi tuyệt thực, ngày 29 tết, cán bộ gọi hai người kia ra và nói gì với hai người đó; họ vào nói với tôi rằng nếu trong này tôi có tuyệt thực chết thì chỉ như ‘con chó chết’ thôi; chúng tôi sẽ làm chứng ông tự tử. Bây giờ tết nhất đến nơi rồi ông không ăn tết là việc của ông nhưng ông không được làm thế ảnh hưởng đến chúng tôi cùng buồng giam. Nếu ông tuyệt thực, các tiêu chuẩn tết trong buồng giam bị cắt cả. Cuối cùng tôi phải bỏ cuộc trong lần tuyệt thực đó.
Nhật có nói 4 anh em trong đó chuẩn bị đợt tuyệt thực mới để phản đối trại giam đó đối xử bất công với anh Trần Hữu Đức đang bị biệt giam. Anh em cùng hiệp thông với anh Đức để phản đối trại giam, bốn anh em quyết định cùng tuyệt thực cùng một ngày
Thân nhân anh Trần Minh Nhật
Những vụ tuyệt thực mới
Ngay vào ngày khi tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ chấm dứt tuyệt thực trong trại giam hồi ngày 21 tháng 6, một tù nhân lương tâm khác là anh Trần Minh Nhật, một thanh niên Công giáo bị giam tại nhà tù Nghi Kim, tỉnh Nghệ An cũng tuyên bố tuyệt thực để phản đối nhà tù. Thế nhưng trường hợp của anh này không được nhiều người chú ý ngoài gia đình. Gần đây anh này bị chuyển đến trại giam ở Thái Nguyên.
Trong lần thăm gặp gần nhất vào đầu tháng 8 vừa qua, gia đình anh này cũng cho biết anh Trần Minh Nhật và một số tù nhân khác cũng có kế hoạch tuyệt thực nhằm hiệp thông với một người tù cùng nhóm đang bị biệt giam với lý do vi phạm nội quy của trại. Người thân của tù nhân Trần Minh Nhật nói về điều này:
Hôm ra gặp Nhật có nói 4 anh em trong đó chuẩn bị đợt tuyệt thực mới để phản đối trại giam đó đối xử bất công với anh Trần Hữu Đức đang bị biệt giam. Anh em cùng hiệp thông với anh Đức để phản đối trại giam, bốn anh em quyết định cùng tuyệt thực cùng một ngày luôn.
Như trình bày của mục sư Nguyễn Trung Tôn, khi bị dồn đến đường cùng trong trại giam, những tù nhân lương tâm như ông phải nghĩ đến biện pháp sử dụng mạng sống mình để đấu tranh đòi hỏi những quyền lợi căn bản. Tuy nhiên, có mấy ai thành công như trường hợp của hai ông Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải vừa qua. Tự thân người tù phải cương quyết, vững vàng; và rồi sự lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ của người thân và công luận bên ngoài cho thấy là một yếu tố quan trọng giúp họ thành công khi quyết định lấy mạng sống mình để đấu tranh- đó là phương pháp tuyệt thực.


Copy từ: RFA

Tiền dân đóng thuế ấy mà, cứ thoải mái

Muốn tồn tại được thì phải có tiền. Ai cũng cần tiền. Nhà nước cũng cần tiền. Tiền do người dân và doanh nghiệp đóng thuế cho nhà nước được gọi là tiền thuế. Khi nhà nước quản nó trong kế hoạch chi tiêu quốc gia thì gọi là ngân sách. Tiền ấy là mồ hôi, nước mắt của dân, phung phí thì phải tội.

Ấy thế mà có những vị coi nó như tiền chùa. Có thì cứ xài, thoải mái. Hết lại thu, dân nó đóng thuế ấy mà. Trách nhiệm của nó là nộp, nộp, nộp... Trách nhiệm của cán bộ chúng mình là xài, xài, xài. Không biết xài thì phải tạo cách xài. Thế mới tay chơi, mới đẳng cấp.

Thì đấy thây, cụ không đọc báo à. Chuyện gì? Chán cụ quá. Báo chí nó bảo các quan nhà ta dạo ni chơi, à quên, làm việc phục vụ nhân dân, sang lắm. Ngày xưa làm cán bộ như ông A ông B nhé, cái bút bi cũng phải tự mua, phân phối cho chiếc xe đạp Thống Nhất, Cửu Long bỏ tiền túi ra mà lấy về, cấm xớ rớ vào ngân sách nhé. Anh nào dấm dúi thụt két bị bắt quả tang chịu kiểm điểm nghiêm khắc chứ đùa à. Cấp nào cũng vậy, xã, huyện, tỉnh, thậm chí cả trung ương cũng cứ chí công vô tư. Ôi dào, cụ cứ rườm rà ôn nghèo kể khổ mãi. Bây giờ họ không thế đâu. Có tiền, thằng nào chả ăn chơi.

Phỉ phui cái mồm cụ, ăn với nói. Ở đây tai vách mạch rừng, chết có ngày. Chết chết cái gì, nói có sách mách có chứng. Báo nó nói chứ có phải tôi vu cáo như thế lực thù địch đâu. Ở thủ đô nhá, Quảng Bình, Sóc Trăng, Cà Mau, Hà Tĩnh... nhá, các vị dân biểu HĐND mỗi người được trang bị người thì chiếc iPad hiện đại, người chiếc laptop tối tân, hòm hòm cũng khoảng 20 triệu đồng/cái. Trừ anh thủ đô Hà Nội giàu có, còn lại tuyền tỉnh nghèo, dân đói quanh năm. Anh nào anh ấy xông xênh, đúng dáng cán bộ nhà nước, giống như mấy ông chủ nhiệm HTX xưa đeo đài Orionton ra ruộng. Chỉ khác là đài do tay chủ nhiệm nó bán thóc nó tự mua, để giải quyết khâu oai, còn giờ tất tật do ngân sách, do tiền thuế dân đóng góp, cụ góp, tôi góp, lo cho các vị ấy. Cũng để oai thôi, sĩ thôi, chả giải quyết được việc gì đâu.

Sao lại không giải quyết việc gì, cụ có nói quá không đấy, tội cho cán bộ. Lại báo nó nói đấy thây. Các bố phần lớn không biết dùng, nghênh ngang iPad, laptop, iPhone nhưng có mần được đâu, máy móc chứ có phải vợ đâu, cuối cùng thì quay về cây bút bi quyển sổ, vẫn phải in báo cáo tổng kết, phương hướng thì mới họp được, nắm được đường lối chính sách của đảng, nhà nước. Cụ nói lạ, tôi coi truyền hình tivi thấy trong cuộc họp mấy ông bà ấy cũng mở máy rờ rờ bấm bấm đó thôi. Giời ơi, cụ nhầm rồi. Các vị đại biểu khôn lắm, nếu nói không biết xài trả máy thì tiếc thì quê nên cứ giữ, mình không dùng cho con cháu nó dùng, tiền nhà nước mà. Sau này hết nhiệm kỳ chắc chẳng ai nỡ đòi, mà cán bộ khóa mới chả đứa nào dại xài đồ cũ, ô tô nó còn đòi thay, nhằm nhò chi mấy thứ lẻ tẻ, vậy tự dưng được mấy chục triệu chứ ít à. Nhờ đứa con, đứa cháu chúng chỉ cho vài ba đường cơ bản chơi trò chơi điện tử, ngồi họp nghe nghị quyết mãi chán bỏ mẹ, năm nào kỳ nào chả thế, chi bằng lôi máy làm vài đường game đấu với nhau. Thoạt nhìn cứ tưởng thông thạo nhá, sử dụng hiệu quả nhá.

Ờ nhỉ, thảo nào dân đen chúng mình đóng nhanh lúa tốt hăng thế mà nhà nước vẫn không đủ tiền. Hết Vinashin, Vinalines, lại iPad, laptop, rót vào những chỗ vậy thì tiền núi cũng chả thấm tháp gì. Nay mai lại trang bị cho mỗi ông một cái xế hộp nữa thì cụ với tôi đi ăn mày.
(Ghi lại cuộc than vãn của hai cụ gần đất xa trời).

4.8.2003
Nguyễn Thông

Bà cụ bán hàng rong. Ảnh: Na Sơn


Copy từ: Nguyễn Thông

Tại Hà Nội, Ngoại trưởng Pháp gợi lên vấn đề blogger Việt Nam bị trấn áp

Tại Hà Nội, Ngoại trưởng Pháp gợi lên vấn đề blogger Việt Nam bị trấn áp

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (trái) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ngày 05/08/2013.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (trái) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ngày 05/08/2013.
REUTERS/Luong Thai Linh/Pool

Trọng Nghĩa
Tiếp tục chuyến công du Việt Nam, sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam vào hôm qua, theo chương trình, hôm nay, 05/08/2013, Ngoại trưởng Pháp có buổi tiếp xúc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Đến thăm Việt Nam vào lúc vấn đề quyền tự do ngôn luận đang nổi cộm, ông Laurent Fabius đã bày tỏ thái độ quan ngại của Paris, đặc biệt là trước các vụ trấn áp giới blogger tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết :


Ngoại trưởng Laurent Fabius - Hà Nội
 
05/08/2013
 
 
Nước Pháp rất coi trọng vấn đề nhân quyền trên thế giới. Ở đây quả là có một vấn đề đặc biệt liên quan đến các blogger, vì vừa có một nghị định được đưa ra, đe dọa trừng phạt nặng nề blogger nào loan đi một số thông tin nào đó, và đã có một số blogger bị kết án.
Và tôi đã bày tỏ, điều mà trong ngôn từ ngoại giao người ta gọi là ‘sự quan ngại’, tức là cho biết chúng tôi không hề có cùng một cách xử lý vấn đề, nhất là khi cách đó, theo ý chúng tôi, có phần hoàn toàn vô hiệu, vì đứng về mặt kỹ thuật, dù có muốn cũng không thể nào hạn chế, không cho các bloogger trao đổi với nhau.
Và như vây, tôi cho rằng những tác nhân đối thoại (Việt Nam) của chúng tôi đã hiểu rõ rằng điều đó không được nước Pháp tán đồng, và không chỉ nước Pháp, mà còn có nhiều nước khác nữa – tôi biết rằng những đồng nghiệp từ nhiều quốc gia khác cũng đã can thiệp theo cùng chiều hướng này.
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là họ đã ghi nhận rõ ràng quan điểm của chúng tôi.


Copy từ: RFI

Sắp phúc thẩm Phương Uyên, Nguyên Kha

Cập nhật: 07:39 GMT - thứ bảy, 3 tháng 8, 2013

Phương Uyên và Nguyên Kha tại phiên sơ thẩm
Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên bị án 8 và 6 năm tù giam
Luật sư bào chữa cho hay phiên phúc thẩm Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên sẽ được tiến hành vào ngày 16/8 tới.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, bào chữa cho Đinh Nguyên Kha, nói ông đã nhận thông báo về ngày phúc thẩm. Trong khi đó luật sư của Nguyễn Phương Uyên, ông Hà Huy Sơn, nói với BBC ông chưa nhận được giấy của tòa, "có lẽ do gửi bưu điện chưa tới nơi".
Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị Tòa án Long An xử tù 6 năm và 8 năm tù giam hôm 16/5 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Hai người này cũng sẽ bị 3 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.
Cả hai người sau đó đều đã kháng án.
Phương Uyên, 20 tuổi, bị bắt từ hồi đầu tháng 10/2012 ở thành phố Hồ Chí Minh còn Đinh Nguyên Kha bị bắt sau đó. Cả hai người liên quan vụ rải truyền đơn tại cầu An Sương tháng 10 năm ngoái.
Cáo trạng nói hai người là thành viên tổ chức Tuổi trẻ yêu nước, bị cho là chống đối chính quyền trong nước.

'Treo cờ vàng ba sọc'

Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, bị nói là đã dán và treo cờ vàng ba sọc hồi tháng 8/2012, đồng thời chụp ảnh ghi lại việc này.
Truyền thông trong nước hồi tháng 11/2012 nói các tang vật mà cơ quan điều tra thu được gồm hơn 700 tờ truyền đơn, cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ miền Nam Việt Nam trước đây cùng hơn hai kg hóa chất tạo thuốc nổ cùng một số vật chứng khác.
Một số chính phủ và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ xét xử Kha và Uyên hôm 16/5, được biết chỉ diễn ra trong vòng một ngày.
Ngày 15/6 vừa qua, anh trai của Đinh Nguyên Kha là Đinh Nhật Uy cũng bị bắt tại Long An để điều tra tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ theo Điều 258 Bộ Luật Hình Sự.
Hiện Đinh Nhật Uy chưa được mang ra xét xử.


Copy từ: BBC

Dân lại chịu đợt tăng giá kép

Dân lại chịu đợt tăng giá kép Lương cơ bản tuy có tăng thêm chút ít, nhưng lương chưa tăng thì giá cả cứ như “con ngựa bất kham” đồng loạt tăng. Ảnh: Internet



Giá điện tăng, cộng với bão Jebi đổ bộ làm cả Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và nhiều địa phương lân cận chìm trong mưa bão. Các bà nội trợ bảo nhau tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm để phòng khi bão to.
Thế nhưng mới đó mà giá hàng hóa, lương thực, thực phẩm cứ vùn vụt tăng lên. Đi chợ cứ như bị “móc túi”. Một mớ rau muống ngày thường chỉ 3.000đ/mớ, giờ tới 10.000đ/mớ; cải bắp ngày thường 7.000đ/kg, nay tăng lên 15.000đ/kg; thịt lợn hơi tăng 5.000-10.000đ/kg; cá chép tăng 10.000đ/kg...
Điều đáng nói là giá tăng do thời tiết, do “ăn theo” giá điện, giá xăng tăng, nhưng chẳng khi nào hạ, đẩy giá lên mặt bằng mới. Đồng lương của người tiêu dùng, nhất là người làm công ăn lương, công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp, lao động phổ thông đã… hẻo giờ lại càng hẻo thêm. Đã có trường hợp, công nhân ngất xỉu khi đang làm việc vì ăn uống thiếu chất, đồng lương không đủ chi phí cho bản thân thì còn nói gì đến chăm lo cho gia đình, con cái.

Đành rằng lương cơ bản tuy có tăng thêm chút ít, nhưng lương chưa tăng thì giá cả cứ như “con ngựa bất kham” đồng loạt tăng khiến không ai khác - chính người tiêu dùng cuối cùng - phải gánh chịu. Ngay cả các chủ doanh nghiệp cũng bức xúc khi cho rằng, để giảm chi phí khi giá đầu vào tăng, sản xuất thu hẹp thì chỉ còn cách sa thải lao động, cắt giảm nhân công. Nhưng làm như vậy thì người lao động sẽ đi về đâu?

Một chính sách đưa ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hàng triệu người lao động, hôm nay còn có công ăn việc làm, ngày mai có thể thành người thất nghiệp. Cũng như hôm trước vừa có thông tin Chính phủ yêu cầu phải có kế hoạch giải thích, lấy ý kiến phản hồi của người dân, cộng đồng trước khi  tăng giá điện thì ngay hôm sau giá điện đã bất ngờ tăng thêm 5%, chẳng khác nào “úp sọt” người dân.

Đành rằng sau đó, ngành điện giải thích với lý do nào đi chăng nữa thì sự thiếu công khai, bỏ qua phản hồi của người thụ hưởng chính sách mà chính là các “thượng đế” của ngành điện, khiến người dân không đồng tình. Nhất là sau tăng giá điện, họ đang phải chịu đợt tăng giá kép từ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá theo điện, nhà sản xuất chịu tăng chi phí đầu vào là điện và các nguyên nhiên vật liệu khác cũng vì điện tăng giá mà tăng theo.


Copy từ: Lao Động

Sự thật về việc ghi nhầm số điện và hành vi lấp liếm của EVN


Minh Hiếu

EVN khẳng định không có chuyện nhân viên điện lực cố tình ghi nhầm số điện để ăn chênh lệch giá. Còn khách hàng liệu có tin được 2 nhân viên này ghi đúng số điện nhà bạn?
Liên tục những ngày cuối tháng 5 và tháng 6 năm 2013, hàng loạt người dân tại nhiều địa phương trên cả nước (Cà mau, TP HCM, Hà tĩnh, Nghệ an và Hà nội) đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan thông tấn báo chí đề nghị điều tra, làm rõ việc hoá đơn tiền điện tháng 5 tăng đột biến, gấp hơn 2 lần tháng trước đó, trong khi họ không sử dụng thêm thiết bị gì, thậm chí có hộ còn đóng cửa đi nghỉ mát…

Nhà chị Hương thuộc quận Ba Đình phản ánh với báo Tiền Phong, tiền điện đã bị nhảy vọt từ 339.000 đồng trong tháng 4 lên 606.000 đồng trong tháng 5. Anh Trung, ngụ đường Kim Mã (Ba Đình) cũng cho biết, tháng 5 anh phải trả 2.024.000 đồng tiền điện, tăng gấp 2,34 lần so với tháng 4. Gia đình chị Hương ở Nguyễn Tri Phương (Ba Đình) tháng vừa rồi phải đóng hơn 2 triệu đồng tiền điện, gấp đôi bình thường dù thời gian này nhà chị có 4 ngày đi du lịch. Dư luận nghi ngờ liệu có sự nhầm lẫn trong việc ghi chỉ số công tơ điện hoặc nhầm lẫn trong cách tính tiền hay không. Thậm chí, có độc giả còn kiến nghị các cơ quan chức năng cần thanh tra ngay lập tức và thật khách quan việc hoá đơn tiền điện tăng đột biến vừa qua để giải quyết triệt để, thấu đáo vụ việc. (Nguồn: http://kienthuc.net.vn/tieu-dung/bat-binh-cach-den-bu-khi-evn-tang-vong-so-dien-240241.html).
Trước đòi hỏi chính đáng đó của dư luận, như thường lệ EVN lại đăng đàn giải thích. Chỉ có điều, đáng lẽ tìm hiểu kỹ nguyên nhân, phúc tra những công tơ có mức tăng quá lớn (bằng hoặc cao hơn mức tăng bình quân của các hộ tiêu thụ điện) để giải quyết thoả đáng quyền lợi cho khách hàng thì EVN vẫn sử dụng cái lý của kẻ độc quyền luôn đúng để lấp liếm vụ việc. Theo đó, EVN Hà Nội cho hay, năm nay thời tiết nắng nóng sớm hơn mọi năm. Đặc biệt, nhiệt độ tăng cao từ trung tuần tháng 5 và kéo dài sang tháng 6, các hộ gia đình đã sử dụng nhiều thiết bị làm mát như quạt, điều hoà… khiến việc tiêu thụ điện tăng đột biến. Sản lượng điện ngày cao nhất của năm 2013 tính đến thời điểm này là 16/5, với tổng mức tiêu thụ toàn thành phố là 48,8 triệu kWh, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái… Tóm lại là do Trời nắng nóng và không có chuyện sai sót trong ghi chỉ số công tơ để ăn chênh lệch giá bởi EVN là doanh nghiệp nhà nước, kết quả sản xuất kinh doanh được hạch toán theo đúng các chuẩn mực kế toán và hàng năm đều được kiểm toán đầy đủ. Nếu ghi nhầm chỉ số, nhân viên ngành điện sẽ bị kỷ luật theo đúng các quy định của nhà nước và của ngành… (Nguồn: http://news.zing.vn/kinh-doanh/hoa-don-dien-tang-dot-bien-evn-do-loi-cho-ong-troi/a334981.html). 

Được giải thích như thế mà vẫn không tin tưởng vào sự đúng đắn của EVN hoạ có là… thần kinh. Vì thế rất nhiều người dân bức xúc, tin chắc mình đang bị EVN móc túi mà không biết cãi thế nào. Sự việc có lẽ sẽ chìm xuồng nếu không có chuyện Phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), chi nhánh Ba Đình (tại số 62 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) phát hiện sai trái trong chốt chỉ số công tơ tháng 5/2013 của Công ty Điện lực Ba Đình (EVNHN) làm cho chi phí tiền điện tháng 5/2013 của đơn vị này (hơn 9,1 triệu đồng) tăng gấp đôi so với tháng 4. Đơn vị này đã có đủ chứng cứ và EVNHN đã phải thừa nhận sai sót của nhân viên trong ghi chỉ số công tơ.
Rõ ràng, lỗi của EVN là không thể chối cãi nhưng một lần nữa ứng xử của kẻ độc quyền, bất chấp phải trái lại có dịp bộc lộ qua cách khắc phục. Theo đó EVNHN sẽ trừ sản lượng điện bị ghi sai trong tháng 5 vào hoá đơn tiền điện tháng 6/2013.

Về việc này, PGS.TS Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả, Bộ Tài Chính cho biết, EVN Ba Đình không chỉ "phủi tay" bằng việc bù trừ tiền điện vào tháng sau cho VietBank, đơn vị này phải tìm ra nguyên nhân (khách quan và chủ quan) của việc này và quy rõ trách nhiệm thuộc về ai, giải quyết hậu quả thế nào. Tất cả mọi thứ phải được làm minh bạch, minh bạch trong cả khâu kiểm tra kiểm điểm. Ông cho biết: "Việc làm này của EVN Ba Đình thể hiện sự độc quyền về điện. Anh không thể lợi dụng sự độc quyền đó mà làm sai trái, lấn át người tiêu dùng được. Hoặc nếu người tiêu dùng không phát hiện ra thì anh ém nhẹm đi. Đó là việc làm rất thiếu trách nhiệm của một cơ quan nhà nước".

Ông Ngô Trí Long cũng nhận định rằng, đối với doanh nghiệp như VietBank hiểu rõ pháp luật và việc kiện cáo với họ là chuyện bình thường, nhưng đối với những người dân, họ gặp khó khăn trong việc đó. Các cơ quan chức năng cũng nên vào cuộc để răn đe những "ông lớn" độc quyền như thế này. (Nguồn: http://kienthuc.net.vn/tieu-dung/bat-binh-cach-den-bu-khi-evn-tang-vong-so-dien-240241.html).
Có thể nói, nếu coi hành vi làm sai, chiếm dụng vốn của khách hàng (thu tiền trước một cách bạo ngược) khi bị phát hiện lại ngang nhiên đòi trừ vào tháng sau là chuẩn mực kế toán thì đây là chuẩn mực kế toán riêng có tại EVN mà không ở đâu trên thế giới này có. Đáng lẽ, theo chuẩn mực thông thường, phải trả lại ngay lập tức cho khách hàng số tiền tương ứng với sản lượng điện bị ghi nhầm (không biết vô tình hay cố ý, chúng tôi sẽ phân tích sau), kèm theo đó là lãi suất theo quy định số ngày mà EVN chiếm dụng. Vì nếu không tức là EVN đang ăn cắp tiền của khách hàng. Đồng thời, rà soát lại quy trình ghi chỉ số công tơ, khẩn trương xem xét sự bất hợp lý của vị trí lắp đặt công tơ, bảo đảm để khách hàng cũng có thể giám sát được; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc những người có liên quan, thông báo cho cả nước và công luận biết để làm bài học chung, tránh gặp phải trường hợp tương tự.
Chứng kiến toàn bộ vụ việc từ lúc ghi chỉ số công tơ, lập luận để chỉ ra sai sót khiến nhân viên EVN phải tâm phục, khẩu phục ký biên bản làm việc, anh Nguyễn Tuấn Linh, PGĐ phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng Vietbank rất bức xúc với thái độ lấp liếm của EVN và khẳng định việc ghi sai chỉ số công tơ là hành vi cố ý. Trao đổi với chúng tôi, Ô NDA, 1 nhân viên EVHHN cho hay: “Chúng ta biết là hoá đơn tiền điện được tính theo bậc thang, luỹ tiến. Sản lượng điện tiêu thụ càng lớn thì khách hàng phải trả càng nhiều tiền. Nếu 2 tháng (giả định tháng 5 và 6/2013) gia đình bạn sử dụng 500 số điện (kWh) và hoá đơn được chia xấp xỉ 230 – 270 số điện/tháng thì tổng số tiền điện phải thanh toán hoàn toàn khác (chênh lệch lớn) với phương án tháng 5 là 350 số điện và tháng 6 là 150 số điện”. Đây chính là rủi ro chết người của khách hàng, làm lợi cho EVN và đương nhiên khách hàng phải chịu thiệt thòi.


Biên bản làm việc tại EVN Ba Đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thì ra, lâu nay, chúng ta mới chỉ nghe việc khách hàng ăn cắp điện của EVN, còn sau sự kiện này liệu đã có thế nói EVN cũng đang ăn cắp tiền khách hàng? Có thể nói khác được không?
Ô NDA nói tiếp: “Đúng là các nhân viên ghi chỉ số công tơ không thể “ăn trực tiếp” số tiền chênh lệch do thủ thuật chế biến sản lượng điện hàng tháng như nói ở trên”.
Vậy thì số tiền chênh lệch đó đó đi đâu và động cơ nào khiến nhân viên ghi chỉ số của EVN làm như vậy? Xin thưa, số chênh lệch đó vẫn vào túi của EVN và thủ phạm của tình hình này là cơ chế quản lý của chính EVN. Tại EVN, cấp càng cao thì lương thưởng càng cao nhưng trách nhiệm lại càng ít. Khổ nhất là lực lượng lao động trực tiếp, vất vả, nguy hiểm độc hại và phải chịu rất nhiều áp lực trong SXKD. Thường thì EVN sẽ khoán cho các đơn vị kinh doanh một loạt chỉ tiêu nhưng quan trọng nhất là doanh thu và tỷ lệ tổn thất điện năng. Đi kèm với việc giao khoán là tiền lương, tiền thưởng của nhân viên và sự thăng tiến của lãnh đạo đơn vị. Nên nhớ tổn thất thì chủ yếu phụ thuộc vào kết cấu lưới, phương thức vận hành và chất lượng thiết bị - những thứ rất cao siêu, không liên quan và tất nhiên là không phải do các nhân viên kinh doanh điện năng thực hiện. Ngoài ra, tổn thất còn do hiện tượng một số người dân ăn cắp điện của EVN, tuy chiếm tỷ trọng không đáng kể. Giao khoán chỉ tiêu, nghe thì văn minh nhưng thực chất đây là kiểu quản lý phát canh thu tô, vừa vô cảm vừa thiếu trách nhiệm đối với xã hội của EVN. EVN không cần quan tâm các đơn vị kinh doanh bên dưới làm thế nào để đạt chỉ tiêu. Đến lượt mình, nhiều khi, các công ty kinh doanh cũng không hiểu vì sao tổn thất của mình thì tăng còn doanh thu lại sụt giảm và thế là hình thành vòng lặp mới, khoán cho các tổ kinh doanh rồi các tổ kinh doanh lại khoán cho các nhân viên… Không có đủ sản lượng theo mức khoán, tức là tổn thất tăng, không đạt doanh thu thì ắt lương thưởng bị giảm. Đến đây, thì câu trả lời đã rõ, các nhân viên ghi chỉ số, khâu cuối của quá trình SXKD điện năng phải trổ tài để bảo đảm sản lượng và doanh thu theo mức khoán và thậm chí có cách gì mà làm cho doanh thu và sản lượng điện càng cao càng tốt. Bất chấp dân bức xúc thấu trời. Như vậy, có thể nói, số tiền chênh lệch do cố ý ghi sai số điện mặc dù không trực tiếp vào túi của nhân viên nhưng cũng đã vào túi họ một cách gián tiếp. Hiển nhiên, bản chất của lỗi không xuất phát từ hành vi của họ. Chúng ta đã từng chứng kiến một hiện thực, khi trời nắng nóng, hệ thống không đủ điện để cung ứng, EVN liền giao chỉ tiêu cắt điện cho các địa phương và các địa phương sau khi cắt luân phiên vẫn không đạt chỉ tiêu, liền sử dụng chiêu cắt điện hàng loạt để sửa chữa lưới…Dư luận chắc vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ khoán mức phạt hàng năm mà Bộ Công an giao Công an các địa phương mà rất vô tình đã được hé lộ bởi Ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng công an phường Thịnh quang, sau đó được Phó Giám đốc Công an thành phố Hà nội Trần Thuỳ xác nhận. (Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/561929/se-phai-tang-phat-de-dat-500-ty-dong-tpp.html). Nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy cách quản lý của EVN cũng gần như cách khoán phạt của Bộ Công an. Và nếu vẫn tiếp tục quản lý đất nước thông qua các hình thức giao chỉ tiêu và thưởng phạt như thế này thì tìm đâu ra động lực để phát triển.
Độc quyền đã làm cho đầu óc EVN mụ mị, bảo thủ, xơ cứng đến mức ngoan cố. Thật khó để phát động một phương án cách tân trong SXKD điện năng trên nền tảng như vậy. Bao trùm EVN vẫn là tư tưởng lợi ích nhóm, thiếu trách nhiệm. Còn nhớ tại buổi giao ban tháng 5/2010, đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Phạm Mạnh Thắng lúc đó là Cục trưởng cục điều tiết điện lực đã thẳng thắn phê bình EVN giảm sản lượng điện chạy dầu để giảm lỗ. Những người có mặt tại buổi giao ban, ai cũng hiểu ý của Ông Thắng mặc dù Ông không toẹt móng heo rằng đáng lẽ năm nay điều kiện thuỷ văn không thuận lợi, mưa ít, thời tiết nắng nóng…(Đã được dự báo trước) nên EVN phải tranh thủ phát nhiệt điện ngay từ đầu năm để dành nước chạy thuỷ điện cho thời gian cao điểm. Nhưng EVN đã không làm như vậy. EVN cứ một mình một kiểu nào là đi tận Sơn la lập đàn cầu mưa, nào là hy vọng rồi Trời sẽ khác ?! và do đó sẽ có mưa để chạy thuỷ điện…Tức là EVN sẵn sàng đặt cược sự may rủi trong mưa nắng của trời với các nhu cầu phát triển KTXH cũng như sinh hoạt của nhân dân. Thế nhưng cũng tại buổi giao ban đó, vị lãnh đạo của EVN vẫn lấp liếm, vẫn cho rằng EVN hoàn thành nhiệm vụ và EVN vẫn đặt mục tiêu cung ứng đủ điện cho KTXH lên hàng đầu…Thực tế sau đó đã diễn ra đúng như ý kiến của Ông Phạm Mạnh Thắng. Điện thiếu trầm trọng, kinh tế đình đốn còn bức xúc của nhân dân thì khỏi nói…Cho đến nay, đây là ý kiến hết sức thắng thắn, dứt khoát và cụ thể của một quan chức quản lý đối với EVN. (Nguồn: http://www.tin247.com/evn_cho_lu_moi_khac_phuc_duoc_thieu_dien_nghiem_trong-3-21599381.html).
Giá điện đã lại chính thức tăng từ 1/8/2013. Mặc dù, bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định phải có lộ trình và tuyên truyền để nhân dân biết, còn bộ Công thương thì khẳng định chưa tăng giá điện. Có ngờ đâu các nhà quản lý nhà nước vừa tuyên bố hùng hồn xong thì chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, nhân dân cả nước lại bị úp sọt bởi quyết định tăng giá điện 5% từ 1/8/2013.

Minh bạch công khai, tạo cơ chế giám sát có hiệu quả, nghiêm khắc vói những người cố ý làm trái vì lợi ích nhóm để phát triển điện lực hay là vẫn theo lỗi cũ để hình ảnh gắn liền EVN mãi mãi là thế này?
Liên tiếp các chuyên gia, các nhà quản lý đầu ngành TS Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan… đã lên tiếng đòi hỏi ngành điện phải minh bạch hơn, có trách nhiệm hơn với đất nước, nhân dân nhất là khi kinh tế đang chìm sâu vào khủng hoảng. Dư luận một lần nữa lại ngạc nhiên khi được một lãnh đạo khác của EVN giải thích rằng lần tăng giá này, EVN thu về khoảng 3.500 tỷ đồng và EVN không dùng để bù đắp lỗ do kinh doanh mấy năm trước mà chỉ dùng để bù đắp do giá than bán cho điện tăng…Còn phần lỗ hàng chục ngàn tỷ những năm qua sẽ được EVN trích trả dần từ lợi nhuận hàng năm. Ô hay, không tăng giá lấy đâu ra lợi nhuận. Trả cho than hay trả cho ai thì cũng đều là chi phí. Đây lại là một câu trả lời lấp liếm. Và như thế, có nghĩa hàng chục ngàn tỷ EVN thua lỗ những năm qua sẽ lại được cân nhắc để úp sọt nhân dân và công luận dăm bảy lần nữa (từ nay không nên nghe các quan chức nhà nước nói về thời điểm tăng giá điện, xăng dầu nữa nhé, tốt hơn là nên chuẩn bị tâm lý bị úp sọt bất cứ lúc nào). 

Đã đến lúc thay máu EVN để thay đổi gốc rễ cách thức quản trị vô cảm, lãng phí; rất thiếu trách nhiệm với dân với nước. Đã đến lúc người dân và công luận tuyên chiến với thói quản lý úp úp mở mở như mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng lãng phí hoành hoành tại EVN. Nếu không thì sẽ có một ngày hàng chục, hàng trăm tỷ đô la mà EVN đang nợ của các ngân hàng của các tổ chức tín dụng Quốc tế để đầu tư xây dựng hệ thống sẽ trở thành nợ xấu. Khi đó chắc không phải một Vinashin mà ta đã biết mà tầm vóc vụ phá sản sẽ là hàng trăm vinashin. Xin cảnh báo trước, Vinashin rất khác EVN, Vinashin thì có thể để thối rữa, rồi lấy chỗ này, chỗ nọ đập vô còn khi EVN phá sản thì ngay lập tức đổ xuống đầu nhân dân. Đã có nhiều nước làm cách mạng vì ngành năng lượng rồi đấy. Thật là khủng khiếp.


Copy từ: Dân Luận

“Nhân bản” kết quả xét nghiệm dùng cho nhiều bệnh nhân!

Bất chấp hậu quả khôn lường cho bệnh nhân, một phiếu xét nghiệm huyết học ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) được khoa Xét nghiệm “nhân bản” để dùng luôn cho 2-5 bệnh nhân (!). Thậm chí,  họ nhẫn tâm tới mức lấy một phiếu xét nghiệm dùng chung cho các bệnh: Bệnh lao phổi, ápxe cạnh hậu môn, viêm ruột thừa...
Nhiều tài liệu chứng minh việc làm liều lĩnh ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã được Công an Hà Nội thu thập.

Từ tháng 7.2012 tới tháng 5.2013, đã có trên 1.000 phiếu xét nghiệm được “nhân bản” như vậy tại BV Đa khoa Hoài Đức.

Sự “liều lĩnh” của phòng xét nghiệm

Ngồi trước bản thống kê với hơn 1.000 kết quả xét nghiệm huyết học được dùng  cho ít nhất 2.000 bệnh nhân (trung bình một kết quả phiếu xét nghiệm được sử dụng cho 2-5 bệnh nhân), chúng tôi không khỏi giật mình vì sự liều lĩnh của phòng Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. 

Đọc kỹ hồ sơ, chúng tôi càng choáng, bởi lẽ, nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, về lứa tuổi, nhưng đều được dùng chung một kết quả xét nghiệm.

Thí dụ, một kết quả xét  nghiệm huyết học vào hồi 9h3 phút ngày 19.2.2013 được dùng cho 4 bệnh nhân: Nguyễn Thị Nguyên - 70 tuổi, chẩn đoán lao phổi; Nguyễn Trung Nghĩa - 27 tuổi, chẩn đoán ápxe cạnh hậu môn; Lý Thị Vân - 61 tuổi, chẩn đoán viêm phế quản của người bệnh cao huyết áp đang nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu và cháu Lương Kiều Trang - 12 tuổi, chẩn đoán viêm ruột thừa.

Với cách làm này, hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân như thế nào ai cũng có thể hình dung được!

Câu hỏi đặt ra là tại sao một số kỹ thuật viên ở khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức dám làm như vậy, liệu có ai ''bật đèn xanh'' cho hành động này? 

Sáng 2.8, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo bệnh viện: Ông Nguyễn Trí Liêm - giám đốc, bà Nguyễn Thị Nhiên - phó giám đốc; tuy nhiên, cả hai vị lãnh đạo này đều lảng tránh câu trả lời hoặc nói không nắm chắc.

Ngụy biện để chối bỏ trách nhiệm?

Với bà Vương Kim Thành - Trưởng khoa Xét nghiệm BV Đa khoa Hoài Đức - khi chúng tôi hỏi về kết  quả xét nghiệm của các bệnh nhân trùng từ phút, giờ, ngày tháng và kết quả, bà Thành cho rằng, các kết quả bị trùng nhau này có thể bị những người tố cáo dán đè, sửa chữa và photocopy lại. Nhưng khi chúng tôi đưa ra quyển sổ theo dõi kết quả xét nghiệm huyết học (chứ không phải những hồ sơ riêng lẻ nữa) để chứng minh lần nữa sự trùng nhau, bà Thành không cần liếc qua mà nói ngay: Đây là quyển photocopy nên cũng có thể bị sửa chữa.

Để tiếp tục làm rõ trắng đen, chúng tôi cũng có trong tay quyển sổ gốc, kết quả cho thấy: Không có chuyện tẩy xóa, sửa đổi và việc vài bệnh nhân có chung một kết quả xét nghiệm là có thật.

Bà Thành thừa nhận, trong một số ít trường hợp có sử dụng kết quả của người này dùng cho người khác. Đó là những trường hợp là người quen, cần phiếu khám sức khỏe nhanh nên linh hoạt giải quyết. Nhưng qua hồ sơ thì cho thấy một sự thật đáng sợ hơn nhiều.

Chỉ lướt qua trong tháng 8.2012, có những kết quả xét nghiệm được dùng chung cho những người khác xa nhau về tuổi: Đó là trường hợp của bà Lương Thị Máng (64 tuổi, ở xã Song Phương) và cháu Nguyễn Quảng (6 tuổi, Lại Yên); cháu Nguyễn Ngọc Diệu (11 tháng tuổi, Tiền Yên) và ông Nguyễn Trí Mạng (66 tuổi, Song Phương); cụ Phạm Sáu (82 tuổi, Cát Quế) và cháu Vương Anh (4 tháng tuổi, Di Trạch); cụ Nguyễn Châu (80 tuổi, Song Phương) và cháu Nguyễn Trang (22 tháng tuổi, Đức Thượng)...

Không hiểu, những kết quả xét nghiệm của những cụ già được dùng cho các cháu bé hoặc mẫu máu của bệnh ngoại khoa dùng cho nội khoa thì các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh ra sao?
   
ThS-BS Ngô Mạnh Quân - Trưởng khoa Vận động và Tổ chức huyết học, Viện Huyết học và Truyền máu TƯ:

Với mục đích kiểm tra sức khỏe, cùng với xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu là những cơ sở căn bản đầu tiên đánh giá tình trạng sức khỏe con người.

Đối với bác sĩ, tùy theo mức độ chuyên sâu của xét nghiệm máu, có thể chẩn đoán rất nhiều bệnh, ví dụ như HIV/AIDS, viêm gan B, C, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ... Xét nghiệm công thức máu cho biết về nhóm máu, hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu... có bình thường hay không ?

Nếu bất thường thì có thể là: Thiếu máu do thiếu một số chất, hoặc do bệnh ung thư máu, suy tủy, bệnh huyết tán... Nếu tiểu cầu bất thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình đông máu, nếu bạch cầu tăng cao thì cơ thể đang bị viêm nhiễm...

Vì thế, xét nghiệm máu là của riêng từng người, phản ánh tình trạng sức khỏe của họ trong thời điểm  đó. Với một người, ở các thời điểm khác nhau, các chỉ số có thể thay đổi theo diễn biến sức khỏe của họ. Vì thế, lấy kết quả xét nghiệm máu của người này dùng cho nhiều người là việc không thể chấp nhận được.   

Ng.H


Copy từ: Lao Động

Đường sữa trong tù



Phạm Thị Hoài
Truyền thông nhà nước lại vừa trưng ra danh sách thực phẩm mà gia đình gửi vào cho người tù Nguyễn Văn Hải Điếu Cày để kết luận rằng ông dựng “màn kịch tuyệt thực”. Cách đây không lâu, nghe ông Cao Trọng Oánh phụ trách Tổng cục 8 cho biết rằng ông Cù Huy Hà Vũ “sẽ không chết, trong tù đường sữa rất nhiều”, tôi bất giác nhớ đến câu chuyện ly sữa của nhà văn Nhã Ca [1].

Bà Nhã Ca, có tên trong danh sách những tên “biệt kích văn hóa”, bị bắt trong chiến dịch khởi động ngày 3 tháng Tư năm 1976, một năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, cùng hàng trăm nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhân sĩ miền Nam bị xếp hạng “phản động”: Trần Dạ Từ, Đằng Giao, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hữu Hiệu, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Vĩnh Lộc, Trịnh Viết Thành, họa sĩ Chóe, Như Phong Lê Văn Tiến, linh mục Trần Hữu Thanh, linh mục Đinh Bình Định, thượng tọa Thích Huyền Quang… Một trong những người trực tiếp thẩm cung bà là họa sĩ Ớt, tức nhà báo Huỳnh Bá Thành, sau này là Tổng biên tập báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau mấy tháng biệt giam trong cát-sô vì “ngoan cố” không chịu nhận tội và không chịu tố giác người khác, sức khỏe bà suy kiệt. Một cán bộ thuộc Sở Bảo vệ Văn hóa Chính trị sai nhân viên đem đến cho bà một ly sữa. Sữa ấy không phải của nhà tù cấp, mà do con bà gửi vào. Ông ta cho biết lí do bà được uống sữa: “Chúng tôi đã cứu xét xong trường hợp của chị. Tôi được lãnh đạo cử tới chỉ để giúp đỡ chị. Từ nay chị sẽ có cơ hội được bồi dưỡng để hồi sức. Đợt làm việc này có thể là lần chót, để giúp chị an tâm tư tưởng. Chị Nhã Ca, chị uống sữa đi chứ.”

Sáng nào nhân vật này cũng hộ tống bà từ phòng giam nữ, diễu qua những dãy phòng giam tập thể khác đến lớp học về nọc độc của văn hóa Mỹ ngụy và chính sách nhân đạo của cách mạng. Theo sau là một nhân viên cung kính bưng ly sữa bốc khói. Bà không chịu nổi đám rước sữa trình diễn lòng nhân đạo hay đòn phép ơn huệ ấy. Xin nhắc lại, sữa ấy không do nhà tù cấp, mà là của gia đình gửi vào. Nhưng bà không từ chối được. Người ta ép bà uống, vì “chúng tôi chỉ muốn tạo điều kiện [2] giúp chị mau phục hồi, trở về với các cháu”. Ly sữa được đặt lên bàn bà. Cán bộ giảng chính sách khoan hồng của cách mạng nói: “Như chị Nhã Ca kìa. Trong những buổi lên lớp vừa qua, tôi đã phân tích rõ các cuốn sách phản động, cản bước tiến cách mạng của chị ấy. Vậy mà các anh quay lại coi. Cách mạng đã đối xử với chị ấy như thế nào.” Bà Nhã Ca kể, nhiều người từ bàn trên đã quay lại và hình như tất cả đều tủm tỉm cười, không phải với bà mà với ly sữa để trước mặt bà. Ở một đoạn khác bà được giải thích rõ hơn về ơn huệ của cách mạng: “Cách mạng muốn giết chị, không cần phí một viên đạn. Bắt chị vào đây chỉ là thi hành chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng. Muốn giết, đã giết rồi.”

*
Cả hai vụ tuyệt thực của Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải Điếu Cày đều cùng một diễn biến.

1. Người tù khiếu nại vì thấy mình bị đối xử bất công.
2. Khiếu nại không được tiếp nhận hay chuyển tới cấp có thẩm quyền. Người tù tuyên bố tuyệt thực cho đến khi nào khiếu nại được giải quyết.
3. Gia đình người tù ngẫu nhiên biết về vụ tuyệt thực qua một lần thăm viếng hoặc qua một bạn tù, khi vụ tuyệt thực đã kéo dài nhiều ngày.
4. Gia đình cùng đồng chí và bạn hữu của người tù gõ cửa các cấp có thẩm quyền và đánh động dư luận.
5. Truyền thông nhà nước hoàn toàn im lặng, trong khi truyền thông độc lập và truyền thông quốc tế đồng loạt lên tiếng.
6. Gần một tháng (trường hợp Cù Huy Hà Vũ) hoặc hơn một tháng (trường hợp Điếu Cày) từ ngày người tù tuyên bố tuyệt thực, các cơ quan chức năng mới đáp ứng yêu cầu của người tù là tiếp nhận hoặc trả lời khiếu nại.
7. Người tù chấm dứt tuyệt thực.
8. Truyền thông nhà nước, chủ yếu dựa trên thông tin do báo và truyền hình công an cung cấp, đồng loạt đưa tin và hình ảnh vạch trần màn kịch tuyệt thực của người tù và các thế lực chống phá nhà nước.
9. Truyền thông độc lập và dư luận trên các mạng xã hội đáp trả bằng vạch trần sự lừa bịp của truyền thông nhà nước.


Tất cả những diễn biến điên rồ ấy, tất cả những khổ đau mất mát của người trong cuộc, tất cả bầu không khí đầy độc tố nhả ra từ nghi ngờ, thù địch, phẫn uất ấy lẽ ra không cần phải có, nếu chính quyền không muốn mọi chuyện phải xảy ra như thế. Không có gì đơn giản, dễ dàng, nhẹ nhàng và hữu hiệu hơn một cuộc gặp mặt công khai giữa ban giám thị trại giam, người tù, gia đình cùng đông đảo giới truyền thông trong và ngoài nước – chứ không chỉ một vài nhà báo công an – ngay khi có dư luận về cuộc tuyệt thực. Song dường như sông có thể cạn, núi có thể mòn, chính quyền Việt Nam sẽ không bao giờ hành động như vậy. Tất cả những diễn biến điên rồ ấy, tất cả những khổ đau mất mát của người trong cuộc, tất cả bầu không khí đầy độc tố nhả ra từ nghi ngờ, thù địch, phẫn uất ấy sẽ lặp lại, như chẳng bao giờ, chẳng bao giờ nguôi.

*
Nhà tù cho ta biết về một đất nước nhiều hơn nhà triển lãm quốc gia. Nếu được chọn một quốc gia để ngồi tù, tôi tin rằng không ai tự nguyện chọn Việt Nam, kể cả các ông chủ của hệ thống nhà tù ở đó. Một phòng giam như trong trường hợp ông Cù Huy Hà Vũ, được truyền thông nhà nước coi là ưu đãi, thậm chí là vương giả, nếu ở Đức sẽ bị coi là xúc phạm phẩm giá con người [3]. Song vấn đề không chỉ là sự khác biệt về điều kiện vật chất. Nhà tù xây bằng đá của luật pháp [4]. Luật pháp Việt Nam trên giấy trông cũng đẹp như ở nhiều nơi khác, nhưng nó chết ngay trong văn bản để sống bằng những chỉ dẫn siêu văn bản. Như chỉ dẫn “muốn giết, đã giết rồi”.


© 2013 pro&contra

[1] Nhã Ca. Hồi kí Một người mất ngày tháng, California 1991

[2] Trong chưa đầy hai phút trả lời phỏng vấn của Truyền hình Công an về việc Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, viên giám thị Trại giam tạo điều kiện đến 7 lần. Chẳng hạn, tạo điều kiện cho mua một cái quạt, như bằng chứng về sự quan tâm, nhân đạo của Ban Giám thị, mặc dù Cù Huy Hà Vũ không có thành tích, không “lập công”. Đơn giản là một cái quạt, vật dụng tối thiểu ở một đất nước nhiệt đới, trong một phòng giam chật chội và đóng kín, mua bằng tiền của chính tù nhân hay gia đình tù nhân.

[3] Bang Nordrhein-Westfalen ở Đức bị hai cựu tù nhân kiện vì họ phải ở chung trong một phòng giam chỉ rộng 7,6 mét vuông mà buồng vệ sinh chỉ được ngăn bằng một tấm vách chứ không khép kín, và đã phải trả tổng cộng 6700 Euro tiền đền bù thiệt hại, tính ra mỗi ngày 25 Euro. Một cựu tù nhân khác đang đòi bang Berlin trả 16.000 Euro tiền đền bù cho 659 ngày trong một phòng giam không xứng đáng với nhân phẩm. Bức hình kèm theo là ảnh chụp phòng giam đó.

[4] “Nhà tù xây bằng đá của luật pháp, nhà thổ xây bằng gạch của tôn giáo” (Prisons are built with stones of law, brothels with bricks of religion. – William Blake, The Marriage of Heaven and Hell, 1793)


Copy từ: Dân Luận

Âm mưu đê hèn và thiếu chính nghĩa của chính quyền Nghệ An...

Âm mưu đê hèn và thiếu chính nghĩa của chính quyền Nghệ An trong vụ bắt cóc hai giáo dân xứ Mỹ Yên, Gp Vinh.


VRNs (05.08.2013) – Như chúng tôi đã đưa tin về việc hai giáo dân giáo xứ Mỹ Yên bị bắt cóc với mục đích mờ ám, thiếu chính nghĩa của kẻ cầm quyền.
Ngay sau khi ý đồ đen tối của mình bị thất bại, công an và chính quyền Nghệ An lập tức dùng quyền hành trong tay để quay lại vu vạ, cáo buộc người dân một cách hết sức kệch cỡm. Sự thiếu thiện chí phát xuất từ âm mưu đen tối của chính quyền đã được nêu rõ trong công văn số 33/13- VTTG của Tòa Giám mục Xã Đoài đề ngày 19/6/2013 để trả lời công văn số 459/UBND.VN của UBND huyện Nghi Lộc đề ngày 12/6/2013 đề nghị “phối hợp để giải quyết vụ giáo dân xứ Mỹ Yên vi phạm pháp luật”. 

Cần chú ý là, ngoài việc làm mờ ám, trái luật pháp của 3 viên an ninh (không mang sắc phục, không trình thẻ công an, vô cớ chặn, giữ xe và lục soát người dân trên đường vào Linh địa Trại Gáo) đã làm cho quần chúng nhân dân phẫn nộ, gây ra xô xát thì nỗ lực của Hội đồng mục vụ xứ Mỹ Yên cùng đội an ninh giáo họ Trại Gáo để ngăn chặn sự việc không xảy ra nghiêm trọng đã được chính quyền xã Nghi Phương và Công an huyện Nghi Lộc ghi nhận khi đến cám ơn bà con Trại Gáo sáng ngày 24/6/2013. Tuy nhiên, sự vi phạm pháp luật rõ ràng của 3 viên công an nay được chính quyền, Công an tỉnh Nghệ An biến thành sai phạm của người dân. Và để thực hiện ý đồ đen tối của mình, công an Nghệ An đã tiến hành bắt cóc và giam giữ và liên tục khủng bố tinh thần bà con giáo dân xứ Mỹ Yên trong hơn 1 tháng qua tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 60 người bị triệu tập.

Chúng ta cũng thường thấy việc người dân bị bắt giữ và chết tại đồn công an trong mấy năm gần đây liên tục xảy ra và nguyên nhân cuối cùng chỉ là ‘tự tử’ mà phía công an và chính quyền không có bất cứ một trách nhiệm nào.

Chúng tôi xin gửi tới quí vị biên bản lúc xảy ra sự việc cũng như bản tường trình và công văn của Tòa Giám mục Xã Đoài để quí vị thấy rõ hơn đê hèn và thiếu chính nghĩa của chính quyền Nghệ An.
1. Biên bản nội dung sự việc có ký nhận của 3 viên công an đã hành động không minh bạch.
2. Bản tường trình của Hội đồng mục vụ giáo xứ Mỹ Yên và họ Trại Gáo.
3. Công văn số 33/13- VTTG của Tòa Giám mục Xã Đoài đề ngày 19/6/2013
 
Anthony Thiên Ân


Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế