QUAN HỆ GIỮA NHẬT BẢN VÀ CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HÒA TỪ 1955 ĐẾN 1965
(Đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số tháng 5 - 2009)
Lịch
sử mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đã trải qua những bước thăng
trầm và đầy biến động, ẩn chứa nhiều điều tế nhị. Cho đến trước khi
Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan
hệ chính thức vào năm 1973, Nhật Bản chỉ có quan hệ với chính quyền
Việt Nam Cộng hòa, một chế độ thân Mỹ được dựng lên ở Nam Việt Nam năm
1954. Quãng thời gian của mối quan hệ giữa Nhật Bản với chính quyền Việt
Nam cộng hòa là một thực tế lịch sử khách quan, đáng được tìm hiểu để
góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Nhật – Việt hiện nay. Bài viết này
chưa đặt ra việc tìm hiểu toàn diện vấn đề này mà mới chỉ dừng lại ở
mức độ bước đầu phục dựng một giai đoạn trong mối quan hệ, giai đoạn
1955-1965, trên cơ sở một số tài liệu thu thập được mà thôi.
1.Trong
những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản hầu như không
có quan hệ với bên ngoài. Khu vực Đông Nam Á, nơi mà Nhật từng "khuynh
đảo" trước đó, cũng hầu như không còn người Nhật, "chỉ trừ vài trăm kẻ
đi buôn bán vẫn ở lại và đã xây dựng gia đình với người địa phương"(1).
Chỉ sau Hiệp ước San Francisco (9-1951), Nhật Bản mới coi như được độc
lập và bắt đầu phát triển quan hệ với Đông Nam Á. Năm 1952, sau khi phục
hồi nền kinh tế, lần đầu tiên Tokyo tuyên bố chính sách của họ đối với
Đông Nam Á: "Nhằm thúc đẩy mậu dịch, chính phủ sẽ thực hiện chính sách
ngoại giao kinh tế, tiến hành ký kết các hiệp ước thương mại, mở rộng và
phát triển các cơ hội buôn bán,
củng cố các ngành xuất khẩu… Để làm được điều đó, chúng ta đặc biệt phát
triển các mối liên kết kinh tế với các nước Đông Nam Á"(2)). Cuốn Sách Xanh (Blue paper) mà Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố năm
1957 đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của chính sách "Ngoại giao
kinhtế" (Keizai gaiko), nhất là đối với các nước châu Á: "Nước ta, theo
nguyên tắc hòa bình, chỉ có một sự lựa chọn duy nhất có thể đạt được để
cải thiện điều kiện sống của 90 triệu dân ở bốn đảo nhỏ, phát triển kinh
tế, nuôi dưỡng sức mạnh quốc gia, đó là tiếp xúc một cách hòa bình với
các nước ở hải ngoại. Do đó, nhiệm vụ quan trọng thứ hai của chính sách
ngoại giao của chúng ta là chính sách ngoại giao kinh tế nhằm phát huy
những quan hệ kinh tế phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế nướcta"(3).
Bộ Ngoại giao Nhật lập luận rằng: Các nước châu Á và Nhật Bản có những
quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Hầu hết các nước đó
là những quốc gia mới độc lập, chưa phát triển kinh tế đầy đủ, mặc dù họ
có những nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Về mặt này, Nhật Bản
với công nghệ và nền công nghiệp phát triển, có một cơ hội tốt để hợp
tác với họ. Hơn nữa, nếu những nước này thành công trong xây dựng kinh
tế thông qua sự hợp tác của Nhật Bản thì không những nền kinh tế của họ
sẽ phát triển mà những quan hệ kinh tế với Nhật Bản sẽ được mở rộng.
Hoàn toàn chính xác khi cho rằng Nhật Bản không thể phát triển kinh tế
nếukhông có thịnh vượng và hòa bình ở châu Á(4).
Như vậy, từ
giữa thế kỷ XX, trong nỗ lực đẩy nhanh phát triển kinh tế, Chính phủ
Nhật Bản đã tự hoạch định và thực hiện một chiến lược quốc gia khéo léo
và linh động, chính sách"Ngoại giao kinh tế". Đây là trọng tâm trong
đường lối đối ngoại của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai mà
trong đó chủ yếu với khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, như chúng ta đã
biết, những vấn đề do lịch sử để lại đã cản trở Nhật trở lại châu Á.
Trong bối cảnh đó, người Nhật đã dựa vào nhân tố kinh tế, kỹ thuật,
vốnlà ưu thế có lợi để thực hiện kế hoạch trên. Cách làm này được Giáo
sư Irie, Trường Đại học Meiji, khái quát trong một khái niệm là "Thuật
chiến thắng thầm lặng", nghĩa là Nhật Bản tìm kiếm quyền chủ đạo ở châu Á
như là một thắng lợi mà người ta hầu như không nhận ra, thắng lợi dựa
vào sức mạnh kinh tế, kỹ thuật mà sức mạnh quân sự trước đó không đạt
được(5).
Từ đó cho đến giữa những năm 70 của thế kỷ XX, chính sách này tiếp tục
được người Nhật sử dụng, phát huy và mở rộng, điều chỉnh trong mọi hoàn
cảnh. Nó đã được chính phủ Nhật Bản xem như một "chính sách quốc gia".
Bản chất của chính sách này là dùng các hoạt động ngoài phạm vi ngoại
giao nhằm phục vụ tối đa hoạt động bành trướng kinh tế của Nhật Bản ở
Đông Nam Á.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa được thành lập trên lãnh thổ miền Nam
Việt Nam năm 1954, một trong những nhân tố chủ chốt trong chiến lược đối
ngoại của Mỹ mà Nhật Bản là đồng minh thân cận. Do vậy, Chính phủ Sài
Gòn đã có những thuận lợi hết sức cơ bản trong việc tìm kiếm sự cải
thiện quan hệ với Nhật Bản sau chiến tranh. Tháng 9-1951, Nhật Bản ký
Hiệp định Hòa bình tại San Fracisco với 48 quốc gia, trong số đó có
Chính phủ Bảo Đại do Pháp bảo trợ. Theo Hiệp định, Nhật Bản đã đồng ý
thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Bảo Đại. Ngày 8-5-1952, Chính
phủ Bảo Đại đã phê chuẩn Hiệp định San Francisco. Ngày 10-1-1953, thông
qua Đại sứ Pháp, ba chính phủ thân Pháp ở Đông Dương tỏ ý muốn đặt quan
hệ ngoại giao với Nhật Bản và trước mắt chấp thuận phái đoàn Nhật Bản
đến Đông Dương, đồng ý việc mở các tòa công sứ Nhật Bản. Nhưng rồi Chính
phủ Bảo Đại lại trì hoãn quan hệ với Nhật Bản để chờ sau khi có thỏa
thuận bồi thường chiến tranh. Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nhận
được thư thỏa thuận của Chính phủ Bảo Đại về việc trao đổi các công sứ
và hai bên đi đến gặp gỡ cấp Bộ trưởng ngày 22-6-1954, tức là một thời
gian ngắn trước khi ký Hiệp định Giơnevơ.
Sau khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa được thành lập, Công sứ Nhật Bản
đầu tiên, Akira Konagaya, đã được cử sang Nam Việt Nam tháng 2-1955.
Phía Việt Nam Cộng hòa, Công sứ Nguyễn Ngọc Thơ cũng được nhậm chức vào
tháng 3 năm đó. Không lâu sau, các tòa công sứ được nâng lên địa vị các
đại sứ. Akira Konagaya được thăng chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền vào
tháng 3-1955 và Nguyễn Ngọc Thơ cũng được thăng chức vào tháng 6-1955.
Như
vậy, vào thời điểm này, Nhật Bản đã có quan hệ chính thức với Chính phủ
Sài Gòn trong khi vẫn làm ngơ sự tồn tại của Chính phủ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa.
2. Hợp
tác kinh tế luôn là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong quan hệ bang
giao của bất kỳ quốc gia nào. Quan hệ giữa Nhật Bản và chính quyền Việt
Nam Cộng hòa, từ 1955 đến 1965, chủ yếu và trước hết cũng đi từ khía
cạnh trên.
Sau Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), những mối liên hệ về kinh tế giữa
các chính phủ thân Pháp ở Đông Dương (một phần của Liên hiệp Pháp) với
Nhật Bản hoàn toàn chấm dứt. Chỉ sau Hiệp ước kinh tế giữa Pháp với "ba
quốc gia" tại Đông Dương tháng 12-1954, Chính phủ Sài Gòn được quyền
kiểm soát ngoại hối, những trao đổi kinh tế giữa Nhật Bản và chính quyền
Việt Nam Cộng hòa cũng bắt đầu từ đây. Tuy nhiên, thời gian đầu, do
những "quan hệ đặc biệt" với Pháp, trong giao dịch, đơn vị tiền tệ của
Nam Việt Nam vẫn gắn với đồng Francs của Pháp (French Francs). Đến tháng
12-1956, khi Pháp và Nhật đạt thỏa thuận cuối cùng về dàn xếp tài chính
và bãi bỏ việc thanh toán tài khoản hiện tại cho Đông Dương, đồng
Dollars Mỹ (US Dollars) mới được áp dụng thanh toán giữa Nhật Bản và Nam
Việt Nam. Điều này đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ giữa Nhật
Bản và chính quyền Việt Nam Cộng hòa nói riêng và Đông Dương nói chung
vào nửa sau thập kỷ 50 của thế kỷ XX.
Về trao đổi thương mại, trước và sau chiến tranh, đối với Đông Dương "Nhật Bản thường mua nhiều hơn bán"(6) nhưng từ sau khi phục hồi nền kinh tế, đặc biệt sau năm 1955, "xu hướng chung là Nhật Bản xuất nhiều hơn nhập"(7)
và Nhật Bản đã tăng cường xuất khẩu những sản phẩm công nghiệp trong
khi hạn chế các mặt hàng xa xỉ phẩm để đáp ứng công cuộc kiến thiết kinh
tế của Nam Việt Nam.
Bảng 1: Buôn bán của Nhật với Đông Dương 1954 - 1956
Đơn vị: nghìn USD
Năm
|
1954
|
1955
|
1956
|
Xuất khẩu
|
|
|
|
Tổng số
|
12.926
|
36.781
|
64.954
|
Chè
|
723
|
-
|
-
|
Vải bông
|
26
|
4.935
|
17.793
|
Sợi bông
|
16
|
828
|
3.115
|
Tơ nguyên liệu
|
2.070
|
2.384
|
735
|
Vải sợi nhân tạo
|
1
|
4.654
|
11.445
|
Vật tư thép
|
592
|
2.677
|
1.719
|
Máy móc
- Máy khâu
- Máy điện
|
3.965
1.707
892
|
-
4.301
709
|
-
964
1.717
|
Hàng sứ
|
710
|
1.419
|
496
|
Đồ gia vị
|
385
|
-
|
-
|
Săm lốp
|
4
|
1.021
|
2.730
|
Xi măng
|
1
|
2.619
|
4.003
|
Nhập khẩu
|
|
|
|
Tổng số
|
14.534
|
5.504
|
13.553
|
Than đá
|
3.698
|
3.530
|
8.132
|
Muối ăn
|
370
|
446
|
294
|
Sắt vụn
|
365
|
283
|
-
|
Gạo
|
9.094
|
0
|
-
|
Ngô
|
509
|
846
|
4.151
|
Ghi chú: - không có số liệu
Nguồn: Tsusho Hakusho 1952, 1956, 1957. Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.23.
Và để có thể duy trì mức thặng dư xuất khẩu liên tục với Nam Việt Nam,
Nhật Bản phải cần đến nhân tố khác tác động. Từ năm 1954, Mỹ bắt đầu
viện trợ theo quỹ của Cơ quan hợp tác quốc tế (ICA) cho chính quyền Sài
Gòn. Là đồng minh của Mỹ, Nhật Bản trở thành nước có lợi nhất trong việc
này. Nhật Bản đã mở rộng đáng kể xuất khẩu của mình đến Nam Việt Nam.
Từ 1956 đến 1958, 90% hàng xuất của Nhật tới nơi đây là do quỹ ICA tài
trợ.
Bảng 2: Xuất khẩu của Nhật Bản sang Nam Việt Nam thông qua quỹ quốc tế
Đơn vị: triệu USD
|
1956
|
1957
|
1958
|
1959
|
1960
|
1961
|
1962
|
1963
|
Tổng số xuất khẩu
|
53,3
|
57,1
|
39,5
|
52,7
|
61,5
|
65,7
|
60,1
|
33,3
|
Xuất khẩu thông qua quỹ quốc tế
|
55,8 (*)
|
56,5
|
39,1
|
40,0
|
37,2
|
14,8
|
3,8
|
0,3
|
Ghi chú: - 1956 - 1960: Cơ quan Hợp tác quốc tế (ICA)
- 1961 - 1963: Cơ quan Phát triển quốc tế (AID)
- (*): nguyên văn
Nguồn: Tsusho Hakusho 1958, 1959, 1961, 1962, 1963, 1964.Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.24.
Khi mở rộng xuất khẩu tới Nam Việt Nam, Nhật cũng nhập khẩu được nhiều
sản phẩm hơn từ vùng đất này, nhất là nguyên liệu và thực phẩm, cho dù
giá trị nhập khẩu tăng chậm hơn nhiều so với xuất khẩu.
Bảng 3: Buôn bán giữa Nhật Bản và Đông Dương 1956 - 1960
Đơn vị: nghìn USD
Năm
|
1956
|
1957
|
1958
|
1959
|
1960
|
Xuất khẩu
|
|
|
|
|
|
Nam Việt Nam
|
53.253
|
57.063
|
39.535
|
52.653
|
61.450
|
Campuchia
|
9.425
|
11.679
|
8.414
|
9.360
|
31.861
|
Lào
|
2.262
|
4.679
|
1.358
|
2.180
|
2.381
|
Bắc Việt Nam
|
14
|
-
|
-
|
-
|
-
|
Nhập khẩu
|
|
|
|
|
|
Nam Việt Nam
|
1.576
|
5.168
|
1.258
|
2.417
|
4.757
|
Campuchia
|
4.050
|
3.978
|
1.352
|
3.393
|
8.420
|
Lào
|
10
|
0
|
0
|
0
|
8
|
Bắc Việt Nam
|
7.916
|
-
|
-
|
-
|
-
|
Nguồn: Tsusho Hakusho 1957, 1959, 1961.Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.24.
Bảng
thống kê trên cho thấy, trong khi trao đổi buôn bán với Bắc Việt Nam
rất hạn chế, chủ yếu thông qua kênh phi chính phủ; với Lào và Campuchia
có giới hạn; cơ hội xuất khẩu đã dồn về Nam Việt Nam. Và như trên đã
phân tích, với số tiền thu được trong năm 1959-1960 (gián tiếp qua ICA),
Nhật Bản chủ yếu xuất sản phẩm ô tô sang Nam Việt Nam. Đồng thời, để
phục vụ phát triển công nghiệp và nông nghiệp, Chính phủ Sài Gòn đã mua
của Nhật máy móc, hàng kim loại, sản phẩm hóa học… Con số thống kê trong
giai đoạn này cho thấy, tuy Nam Việt Nam chưa phải là bạn hàng cung cấp
lớn nhất cho Nhật Bản (sau Campuchia) nhưng đã có một số mặt hàng xuất
khẩu "chiến lược" sang thị trường Nhật Bản như gạo, muối và đặc biệt là
cao su.
Tuy
nhiên, xuất khẩu của Nhật Bản sang Nam Việt Nam vào cuối những năm 50
có xu hướng giảm và bắt đầu tăng vào những năm tiếp theo. Điều này xuất
phát từ chính sách "mua của Mỹ" ("A buy-American policy) đối với việc
thi hành viện trợ dựa trên quỹ của Cơ quan Hợp tác quốc tế. Đây là quyết
định của Mỹ áp dụng từ cuối năm 1960 mà "Nhật Bản không còn có thể
trôngmong nhiều từ việc buôn bán dựa trên Cơ quan Hợp tác quốc tế"(8).
Mặt khác, để bảo vệ lợi ích các cơ sở sản xuất trong nước, chính quyền
Sài Gòn bắt đầu hạn chế việc nhập khẩu những sản phảm công nghiệp nhẹ.
Do những yếu tố đó, người Nhật đã nghĩ đến khả năng xấu đi trong quan hệ
thương mại với Đông Dương. Năm 1958, nhập khẩu đến Nam Việt Nam đã giảm
đi rất nhiều, từ 57,06 triệu USD năm 1957 xuống còn 39,53 triệu USD.
Tuy nhiên, chiều hướng này đã thay đổi trong những năm đầu thập kỷ 60.
Khi
hoạt động buôn bán dựa trên Cơ quan Hợp tác quốc tế đã bị Mỹ kiểm soát,
Nhật Bản phải tìm các nguồn tài chính khác, đó là những khoản thumua
đặc biệt của Mỹ từ tổng hành dinh của Mỹ ở Nhật Bản và quỹ của Cơ quan
Phát triển quốc tế (AID), nhưng viện trợ cho xuất khẩu ngày càng giảm đi
(Bảng 2). Sự giảm sút tỷ trọng xuất khẩu thông qua quỹ
của Cơ quan phát triển quốc tế một phần vì giai đoạn này các nhà xuất
khẩu Nhật Bản đã có được một người bảo trợ mới. Đó là Chính phủ Nhật Bản
với việc trả tiền bồi thường chiến tranh và những khoản vay có liên
quan cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ 1961 đến 1965. Quá trình thực
hiện bồi thường chiến tranh đã giúp Nhật duy trì được hàng xuất khẩu tới
Nam Việt Nam và đặc biệt liên tục duy trì ở mức thặng dư lớn xuất khẩu,
nhất là trong các năm 1960-1962, khi phần lớn bồi thường chiến tranh
thực tế được trả.
Bảng 4: Buôn bán của Nhật Bản với Nam Việt Nam những năm 60
Đơn vị: nghìn USD
|
1960
|
1961
|
1962
|
1963
|
1964
|
1965
|
1966
|
1967
|
1968
|
1969
|
Xuất khẩu
|
61.490
|
65.714
|
60.066
|
33.297
|
34.077
|
36.656
|
138.086
|
174.586
|
198.963
|
223.156
|
Nhập khẩu
|
4.757
|
2.849
|
3.932
|
6.035
|
6.743
|
6.524
|
5.386
|
4.576
|
2.719
|
3.309
|
Nguồn: Tsusho Hakusho các năm 1960 - 1969. Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.26.
Nhưng từ năm 1963, trước
sự xáo trộn chính trị của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, người Nhật lại
một lần nữa nghi ngờ khả năng phát triển quan hệ buôn bán với Nam Việt
Nam. Chỉ số xuất khẩu đã giảm xuống gần một nửa vào năm 1963 (33,3 triệu
USD) so với năm 1962 (60,9 triệu USD) và thấp nhất trong hơn 20 năm
quan hệ thương mại Nhật Bản - Nam Việt Nam (1955 - 1975). Sự kiện này
cũng cho thấy tính thực dụng của người Nhật và thực tế cũng chỉ rõ:
trong quan hệ buôn bán với Nam Việt Nam, Nhật Bản luôn là phía được lợi
hơn.
Trong năm 1963-1964, mặc dù Nhật vẫn phải trả bồi thường chiến tranh
song số lượng đã giảm đi nhiều. Vì lý do bất ổn chính trị, Nhật Bản đã
không thể cho chính quyền Sài Gòn vay thêm. Có ý kiến cho rằng: các nhà
xuất khẩu Nhật Bản hoàn toàn không có những người bảo trợ hào phóng
(Generous Patrons) để kích thích những hoạt động thương mại(9).
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu từ Nam Việt Nam đến Nhật có xu hướng tăng
lên. Nếu ở giai đoạn 1956-1959, tỷ trọng xuất khẩu trung bình là 2,5
triệu USD thì những năm 1960-1965, con số này đã tăng gấp đôi, 5,1 triệu
USD. Cụ thể, giá trị xuất khẩu tới Nhật luôn tăng dần đều qua các năm,
bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị năm 1963 (xem Bảng 4).
Những sản phẩm xuất khẩu sang Nhật chủ yếu là nguyên liệu như cao su,
cát silic, kim loại… và các loại thực phẩm, trong đó quan trọng nhất là
gạo và sản phẩm ngư nghiệp.
Nói chung, trong quan hệ buôn bán giữa Nhật Bản và Nam Việt Nam, Nhật
chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp còn Nam Việt Nam là bạn hàng
cung cấp nguyên liệu và thực phẩm. Dẫu con số giá trị thay đổi có dao
động thì tính chất của mối quan hệ trên vẫn không thay đổi. Điều đó phần
nào nói lên sự phụ thuộc của nền kinh tế Nam Việt Nam. Và điều này cũng
trái ngược với tính chất của mối quan hệ buôn bán trong cùng thời điểm
giữa Nhật Bản với Bắc Việt Nam khi giá trị thặng dư thương mại xuất nhập
khẩu luôn nghiêng về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (dù rằng mục
đích buôn bán khác với Nam Việt Nam).
Bảng 5: Buôn bán giữa Nhật Bản với Bắc Việt Nam 1960 - 1965
Đơn vị: nghìn USD
|
1960
|
1961
|
1962
|
1963
|
1964
|
1965
|
1966
|
1967
|
1968
|
1969
|
Xuất khẩu
|
5.905
|
4.587
|
3.353
|
4.317
|
3.371
|
3.853
|
5.649
|
1.816
|
2.444
|
7.259
|
Nhập khẩu
|
10.196
|
12.696
|
12.954
|
10.254
|
9.842
|
11.456
|
90650
|
6.685
|
6.107
|
6.015
|
Nguồn: MITI. Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.41.
Về
quan hệ đầu tư, số liệu thống kê của Nhật Bản cho thấy, đến cuối tháng
12-1957, hầu như không có đầu tư của Nhật ở Nam Việt Nam. Trên thực tế,
có hai trường hợp đầu tư năm 1958 nhưng đều không thành công, trong khi
đó tại Campuchia có 136.000 USD đầu tư và tại Lào 120.000 USD. Đây là
những con số rất hạn chế nếu ta làm phép so sánh với đầu tư của Nhật tại
các nước Đông Nam Á khác cùng thời điểm: 3,7 triệu USD ở Malaisia; 7,4
triệu ở Thái Lan và 607.000 USD ở Indonesia(10).
Năm 1961, để xúc tiến các hoạt động thương mại và đầu tư, Ngân hàng Tokyo đã xin lập một chi nhánh tại Sài Gòn.
Cũng
trong giai đoạn này, Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư và khai thác ở các nước
khác trong khu vực Đông Nam Á nhất là với Miến Điện, Philippin… thông
qua chương trình bồi thường chiến tranh. Nhưng cuộc chiến tranh ở Việt
Nam (từ 1961) cùng các yếu tố chính trị khác đã làm Chính phủ Nhật Bản
lo ngại khi đầu tư ở đây. Đây là lý do quan trọng giải thích vì sao vốn
đầu tư của Nhật vào Nam Việt Nam rất ít so với các nước khác và chủ yếu
là đầu tư của tư bản nhà nước qua chương trình “Hợp tác kinh tế”.
Việc thực hiện Kế hoạch Côlômbô (Colombo Plan) đối với Nam Việt Nam
giai đoạn này cũng cùng một tính chất như thế. Từ tháng 4-1954 đến tháng
12-1959, Chính phủ Nhật đã cử 198 chuyên gia đến các nước Nam Á và Đông
Nam Á. Thế nhưng chỉ có 10 chuyên gia trong số này (7 chuyên gia nông
nghiệp, 1 công nghiệp và 2 giáo dục) đến Nam Việt Nam, trong khi đó 66
người đến Sri Lanka, 33 người đến Thailand, 29 người đến Pakistan, 26
người đến Ấn Độ. Cũng trong thời gian này, các chuyên gia Nhật Bản được
cử đến Nam Việt Nam thông qua kênh phi chính phủ có 113 người (năm 1954:
1 người, năm 1956: 4, năm 1957: 44, năm 1958: 30 và năm 1959: 34),
trong khi đó 445 người được cử sang Miến Điện, 353 người sang Philippin,
118 người sang Indonesia và 108 người sang Thailand(11).
3.
Vấn đề nổi bật nhất trong quan hệ giữa Nhật Bản và Chính quyền Sài Gòn
giai đoạn 1955-1965 là việc tiến hành bồi thường chiến tranh.
Theo
Điều 14 của Hiệp định Hòa bình San Francisco (1951), Nhật Bản có nghĩa
vụ bồi thường chiến tranh cho các nước mà quân đội Nhật đã chiếm đóng và
Nhật đã áp dụng nguyên tắc này không những đối với các nước ký hiệp
định mà cả đối với các nước đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao thông
qua những cuộc dàn xếp khác. Nhưng trên thực tế, ý định của người Nhật
"không đơn thuầnlà hoàn thành nghĩa vụ về tinh thần"(12). Đối với Nhật Bản, thông qua "bồithường chiến tranh là phương tiện thuận lợi nhất"(13) để
mở rộng ảnh hưởng về kinh tế trong quan hệ với Nam Việt Nam cũng như
các nước khác trong khu vực. J. Halliday và G.M. Cormack trong "Japanese
imperialism today" cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng đây là
cơ hội rất tốt để thu về lợi nhuận trong khi vẫn gắn bó chặt chẽ trong
mạng lưới chống cộng ở Tây Thái Bình Dương(14).
Nhật
Bản bắt đầu thương lượng về bồi thường chiến tranh với Chính phủ Bảo
Đại sau khi Chính phủ này phê chuẩn Hiệp ước San Francisco. Tháng
9-1953, hai Chính phủ đã ký tắt một Hiệp ước tạm thời về bồi thường
chiến tranh liên quan đến việc trục vớt tàu của Nhật bị đắm. Tuy nhiên,
chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau đó đã vô hiệu hóa hiệp ước này và đưa
ra một đòi hỏi mới vào tháng 1-1956. Theo đó, mục tiêu quan trọng của
việc bồi thường chiến tranh cho Nam Việt Nam trước hết và chủ yếu xoay
quanh vấn đề thỏa thuận xây dựng công trình thủy điện Đa Nhim (tỉnh Lâm
Đồng ngày nay).
Năm
1955, Chủ tịch Công ty Nihon Koei (Công ty tư vấn Nhật Bản) Y.Kubota
đến Sài Gòn và tiếp xúc với Bộ trưởng các công trình công cộng. Chỉ sau
một thời gian ngắn, Sài Gòn đã mời Công ty Nihon Koei đến nghiên cứu khu
vực hồ Đa Nhim. Với sự giúp đỡ của M.Matsushita, Chủ tịch Công ty Đại
Nam tại Sài Gòn, vốn là bạn thân tín của Ngô Đình Diệm, Nihon Koei đã
tới khảo sát thực địa. Sau quá trình thương lượng, cuối cùng, Nihon Koei
đã thống nhất được với Chính phủ Sài Gòn về một bản hợp đồng, trong đó
đề ra những kế hoạch cho dự án Đa Nhim với chi phí 450.000 USD.
Năm 1956, Kogoro Uemura, một trong số lãnh đạo Keidanren, tổ chức ưu tú
nhất của giới quản lý Nhật Bản, dẫn đầu phái đoàn đến Sài Gòn, gặp Ngô
Đình Diệm và hai bên đã thảo luận cá nhân về bồi thường chiến tranh.
Cuộc tiếp xúc này đã gây sự chú ý của Tokyo và lập tức, Chính phủ Nhật
Bản đã đề cử Uemura làm đại diện chính thức đến Sài Gòn vào tháng 9-1957
để thương lượng. Phái đoàn của K.Uemura thông báo mức bồi thường là 25
triệu USD, nhưng đã không đi đến thoả thuận vì Sài Gòn yêu cầu lớn hơn
thế nhiều lần (trước đó Sài Gòn muốn 250 triệu USD). Hai tháng sau, Thủ
tướng N.Kishi sang Nam Việt Nam và có cuộc trao đổi chính thức với Ngô
Đình Diệm. Cũng ngay sau đó, Uemura được cử sang Sài Gòn lần thứ hai.
Lần này, Uemura đề nghị bồi thường 26,5 triệu USD và cho vay 11,5 triệu
còn mức yêu cầu của Việt Nam Cộng hoà lần lượt là 63,6 và 60 triệu(15).
Đàm phán đã rơi vào bế tắc nhưng qua đó có thể thấy, các tập đoàn tư
bản Nhật không những ủng hộ chính sách bồi thường chiến tranh của chính
phủ mà còn rất tích cực thúc đẩy chính sách đó đi vào thực tế.
Tháng 7-1958, Đại sứ mới K.Kubota đến Sài Gòn bắt đầu một nhiệm kỳ mới
cùng quyết tâm cải thiện tình hình. Ngày 3-5-1959, Bộ trưởng Ngoại giao
Nhật Bản A.Fujiyama đã ký một số hiệp ước với đại diện của Chính phủ Sài
Gòn đặt bước đệm cho hiệp định chính thức sau đó.
Hiệp định bồi thường chiến tranh được ký với chính quyền Sài Gòn ngày
13-5-1959. Tuy nhiên, để đi đến việc phê chuẩn chính thức hiệp định này,
đã xảy ra cuộc tranh luận gay gắt tại Nghị viện Nhật giữa đảng đối lập,
đặc biệt những người thuộc Đảng Xã hội. Dưới áp lực của Đảng Dân chủ -
Tự do, Hạ Nghị viện Nhật Bản phải bỏ phiếu thông qua vào sớm ngày
27-11-1959. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 12-1-1960.
Bảng 6:
Bồi thường thiệt hại chiến tranh và viện trợ tương đương của Nhật Bản cho các nước châu Á
Đơn vị: triệu USD
Nước, lãnh thổ
|
Bồi thường (không hoàn lại)
|
Viện trợ
(tương đương không hoàn lại)
|
Tổng cộng
|
Cho vay (1)
|
Cho vay (2)
|
Tổng số
|
Philippin
|
550
|
|
550
|
250
|
|
850
|
Miến Điện
|
200
|
140
|
340
|
50
|
|
390
|
Nam Triều Tiên
|
|
300
|
300
|
|
200
|
500
|
Indonesia
|
223,08
|
|
223,08
|
400
|
|
623,08
|
Nam Việt Nam
|
39
|
|
39
|
16,6
|
|
55,6
|
Nam Thái Lan
|
|
26,7
|
26,7
|
|
|
26,7
|
Singapore
|
|
8,16
|
8,16
|
|
8,16
|
16,32
|
Malaisia
|
|
|
|
|
|
8,16
|
Các đảo ở Thái
Bình Dương
|
|
|
|
|
|
5,84
|
Campuchia
|
|
|
|
|
|
4,2
|
Lào
|
|
|
|
|
|
2,8
|
Tổng cộng
|
1.012,08
|
495,86
|
1.507,94
|
716,6
|
208,16
|
2.432,7
|
Ghi chú: - Số liệu dựa trên hiệp định đã ký kết.
- Cho vay (1) để phụ thêm cho bồi thường thiệt hại chiến tranh.
- Cho vay (2) để phụ thêm cho viện trợ tương đương không hoàn lại.
Nguồn: MITI. Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.15.
Trong khuôn khổ hiệp định, Nhật Bản cam kết sẽ bồi thường 39 triệu USD
trong vòng 5 năm: trong 3 năm đầu, mỗi năm 10 triệu USD; trong hai năm
còn lại, mỗi năm 4,5 triệu USD. Cụ thể số tiền đó được chia ra như sau
(xem Bảng 7):
- 27,8 triệu USD để xây dựng nhà máy thủy điện Đa Nhim.
- 7,5 triệu USD chi cho hàng tiêu dùng (thực tế chỉ dùng cho chính
quyền Sài Gòn gây quỹ bằng tiền địa phương cần cho công trình Đa Nhim).
- 2 triệu USD cho các công trình khác do chính quyền Sài Gòn quyết định.
- 1,7 triệu USD chi cho phái đoàn Nam Việt Nam tại Tokyo chịu trách nhiệm về bồi thường chiến tranh.
Cùng
ngày, hiệp định cơ bản về cho vay để phát triển Nam Việt Nam cũng được
ký kết. Theo đó, Nhật Bản sẽ cung cấp 7,5 triệu USD trong vòng ba năm và
sau đó, một khoản vay khác 9,1 triệu USD trong vòng 5 năm, bắt đầu từ
năm 1965.
Có thể nói hầu hết các khoản bồi thường và viện trợ chủ yếu chi cho công trình Đa Nhim.
Bảng 7: Nội dung các khoản bồi thường chiến tranh cho Việt Nam
Nội dung bồi thường
|
Triệu USD
|
Triệu Yên
|
Tỷ lệ %
|
Loại A: Công trình Đa Nhim
|
27,8
|
10.080
|
71
|
Loại B: Hàng tiêu dùng và các sản phẩm khác
|
7,5
|
2.700
|
19
|
Loại C: Công tác của các phái đoàn và những sản phẩm khác
|
1,7
|
612
|
45
|
Loại D: Những sản phẩm và dịch vụ khác
|
2,0
|
720
|
5
|
Tổng cộng
|
39,0
|
14.040
|
100
|
Ghi chú: Số liệu dựa trên Hiệp định 13 - 5 – 1959.
Nguồn: Baisho Mondai Kenkyukai 1963. Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.19.
Ngày
30-12-1959, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ra Sắc lệnh số 361/NG về
việc phê chuẩn Hiệp định bồi thường chiến tranh giữa Nhật Bản và chính
quyền Sài Gòn, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hai bên(16).
Tổng
số tiền về bồi thường ghi trong hiệp định là 39 triệu USD nhưng thực tế
không phải trả bằng tiền mặt mà bằng "sản phẩm và dịch vụ" của Nhật Bản(17)
thậm chí kể cả những hiệp ước cho vay đi kèm cũng không được quy đổi ra
tiền mặt. Hay nói cách khác, đó là "viện trợ trói buộc" (A sort of tied
aid)(18).
Hành
động bồi thường chiến tranh cho chính quyền Sài Gòn diễn ra đồng thời
với các hoạt động quân sự của Mỹ tại Nam Việt Nam cho thấy đây là động
thái chính trị rõ ràng, ngoài các khía cạnh kinh tế và “nghĩa vụ tinh
thần”. Nó hoàn toàn nhất quán với ý đồ của Mỹ trong chiến lược chống
cộng ở miền Tây Thái Bình Dương mà Nhật Bản là đồng minh quan trọng.
Khi Hiệp định về bồi thường chiến tranh có hiệu lực (từ ngày 12-1-1960), Nhật Bản bắt đầu thực hiện các kế hoạch của mình.
Tháng 4-1961, một phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa phụ trách
về theo dõi bồi thường chiến tranh đã đến Tokyo. Đối với chính quyền Sài
Gòn, hành động đơn phương bồi thường cho Nam Việt Nam mà không bồi
thường cho Bắc Việt Nam được ghi nhận như một cử chỉ "thiện ý" của Nhật
Bản.
Như đã phân tích, hầu hết các vấn đề bồi thường chiến tranh chủ yếu
phục vụ cho công trình Đa Nhim. Công trình này là một phần của kế hoạch
kinh tế 5 năm lần thứ hai của chính quyền Sài Gòn, bắt đầu năm 1962. Bộ
Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa cũng vào cuộc khi lên kế hoạch xây dựng
"Chương trình xây cất đập Đa Nhim"(19).
Công trình này có một đập nước (cao 38m, dài 15km) và một nhà máy thủy
điện với công suất 160.000 kw/h để chủ yếu cung cấp cho Sài Gòn - Chợ
Lớn trong thời gian trước mắt và phục vụ lâu dài cho Khu công nghiệp Cam
Ranh, dự kiến thuộc kế hoạch 5 năm lần thứ ba. Chính phủ Nhật Bản và
Việt Nam Cộng hoà đều hy vọng rất nhiều vào công trình này bởi vì khi
đưa vào sử dụng, giá điện có thể sẽ giảm một nửa.
Tính đến cuối tháng 7-1963, Nhật Bản đã trả bồi thường cho Chính phủ
Sài Gòn 31,8 triệu USD, tức là chiếm 81% tổng số bồi thường phải trả. Và
đến đầu năm 1965, toàn bộ số tiền bồi thường chiến tranh đã được thanh
toán. Công trình thủy điện Đa Nhim, mấu chốt của quá trình bồi thường
chiến tranh, tuy đã được hoàn thành và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm
1964, nhưng cũng chỉ đến khoảng giữa năm 1965 trở đi, do hậu quả chiến
tranh, nhà máy điện buộc phải ngưng hoạt động và trở thành “vàng của kẻ
hà tiện chôn dưới đất” ("Miser's gold buried in the ground")(20).
Ngoài các hoạt động theo khung của Hiệp định bồi thường chiến tranh, Nhật
Bản và Sài Gòn còn ký thỏa thuận về việc trục vớt tàu chiếntrong hải
phận Việt Nam Cộng hòa trong năm 1960-1961; các dự án khuyếchtrương kinh
tế theo thỏa ước bồi thường chiến tranh Nhật-Việt năm 1962-1963. Qua
đó, quan hệ giữa Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ bước đi đầu
“thận trọng” đã củng cố chặt chẽ hơn nữa.
4.
Giai đoạn đầu của thập kỷ 60, song song với việc bồi thường chiến
tranh, Nhật Bản còn tiến hành viện trợ cho Nam Việt Nam dưới hình thức
chủ yếu là cho vay.
Trong
khi trợ cấp cho các nước khác trong khu vực, người Nhật nghĩ rằng Nam
Việt Nam đã được Mỹ ưu tiên nên chỉ tiến hành cho vay. Các hoạt động cho
vay bao gồm:
Ngân hàng Xuất Nhập cảng Nhật Bản
(Export Import Bank Japan)
Và hoặc Thành đô Ngân hàng
(City Bank)
Và hoặc Quỹ hợp tác kinh tế hải ngoại
(Overseas Economic Coorperation Fund)
|
Chính phủ Nhật Bản
|
Chính phủ quốc gia vay
|
Thỏa ước
|
Yên
|
Trao đổi công hàm
|
1
|
2
|
3
|
- Vay Đôla để phát triển:
Ghi chú: Sau
khi Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ liên hệ thỏa thuận trên nguyên tắc
về số tiền cho vay, Chính phủ Nhật Bản sẽ chỉ định một hoặc nhiều cơ
quan tín dụng liệt kê ở (3) chuẩn bị và ký thỏa ước với cơ quan do Chính
phủ (2) đề cử.
Nguồn: Nguyễn Văn Ánh: Nhật Bản trong vai trò phát triển kinh tế ở Đông Nam Á, Luận văn kết khóa, Trường Cao đẳng Quốc phòng, Sài Gòn, 1971, tr.107.
Theo thỏa thuận ngày 13-5-1959, Nhật Bản sẽ cung cấp 7,5 triệu USD trong vòng ba năm(21).
Còn thỏa ước chi tiết về khoản vay này được ký kết giữa Ngân hàng Xuất
Nhập cảng Nhật Bản và Chính phủ Sài Gòn tháng 11-1960. Nhật Bản sẽ cung
cấp khoản này ngày 11-1-1963 và Nam Việt Nam sẽ trả số tiền này trong 7
năm sau ba năm hoãn trả với lãi suất thấp bằng lãi suất của Ngân hàng
thế giới (5,75%).
Bên
cạnh đó, ngày 13-10-1960, Bộ Ngoại giao Chính phủ Sài Gòn còn ra Sắc
lệnh số 256/NG về việc ủy nhiệm người đại diện Vũ Văn Thái, Tổng Giám
đốc Ngân hàng và Ngoại viện ký hiệp định với Nhật vay tín dụng 37 tỷ
Yên.
Một
khoản vay khác cũng được ký kết sau đó với số tiền 9,1 triệu USD trong 5
năm, bắt đầu 5 năm sau khi Hiệp định bồi thường chiến tranh có hiệu lực
(tức năm 1965). Nhưng trên thực tế, việc thực thi khoản vay này đã
không được thực hiện.
- Cho vay đặc biệt để tài trợ các dự án thương mại hoặc cung cấp các vật phẩm.
Theo đó, Nam Việt Nam được vay 16,6 triệu USD, nhưng so với các nước khác (Bảng 6), khoản tiền này hết sức khiêm tốn.
- Bên cạnh đó, các xí nghiệp của Nhật Bản còn cho vay dưới hình thức bán
Xí nghiệp tiêu thụ tại các nước kém mở mang
|
Ngân hàng Xuất Nhập cảng Nhật Bản
(Export Import Bank Japan)
Và hoặc Thành đô Ngân hàng
(City Bank)
Và hoặc Quỹ hợp tác kinh tế hải ngoại
(Overseas Economic Coorperation Fund)
|
Hợp đồng
|
Thoả thuận
|
1
|
2
|
3
|
Yên
|
Xí nghiệp cung cấp
tại NhậtBản
|
chịu (dạng cho vay này rất hạn chế):
Nguồn: Nguyễn Văn Ánh: Nhật Bản trong vai trò phát triển kinh tế ở Đông Nam Á, Luận văn kết khóa, Trường Cao đẳng Quốc phòng, Sài Gòn, 1971, tr.108.
Ngoài hình thức cho vay là chủ yếu, Nhật Bản cũng tiến hành viện trợ nhân đạo cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Các khoản viện trợ nhân đạo tính đến năm 1965 như sau:
1. Nhân sự:
1962: - giúp chuyên viên về sản xuất sơn.
1963: - giúp chuyên viên về ngành gỗ.
1965: - giúp chuyên viên về nhà tiền chế.
2. Tiền bạc và vật dụng:
1964: - giúp nạn lũ lụt 10.000 USD.
- giúp 25 xe cứu thương, dược phẩm, y cụ, radio, nhà lắp ghép. Tổng cộng giá trị 1.500.000 USD.
Nhưng cũng như hoạt động cho vay, viện trợ của Nhật Bản cho cho thấy
chính quyền Việt Nam Cộng hòa chỉ nhận được rất ít so với các nước châu Á
cùng thời điểm. Đồng thời chỉ có viện trợ của nhà nước, còn các công ty
tư nhân tham gia rất hạn chế (vì lý do chính trị và quân sự ở Nam Việt
Nam).
Khép
lại giai đoạn đầu của thập kỷ 60, chúng ta thấy vấn đề hàng đầu trong
quan hệ giữa Nhật Bản và chính quyền Việt Nam Cộng hòa là việc thực hiện
bồi thường chiến tranh cùng những quan hệ kinh tế phát sinh sau đó như
là một hệ quả tất yếu. Đối với Nhật, bồi thường chiến tranh là trách
nhiệm nhưng cũng là “điều kiện cần” để thâm nhập hiệu quả hơn vào thị
trường Nam Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận một cách khách
quan rằng: “các nước nhận bồi thường chiến tranh chỉ được lợi một phần,
còn chủ yếu thuộc về phía Nhật Bản"(22).
Chú thích
(*) Tiến sĩ Sử học, Khoa Lịch sử, trường ĐHSP Hà Nội.
(**) MA. National Taiwan Normal University.
(1) L. Olson, Nhật Bản ở châu Á sau Chiến tranh thế giới II, Trung tâm Khoa học kỹ thuật Quân sự dịch, 1984, Lưu tại Thư viện Quân đội, tr.3.
(2) Sueo Sudo, The Fukuda Doctrine and ASEAN, ISEAS, 1992, Singapore, p.40.
(3) Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.11-14.
(4) Masaya Shiraishi, Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.14.
(5) Nhật Bản với châu Á và thế giới, Tài liệu tham khảo, Thông tấn xã Việt Nam, tháng 8-1994, tr.7.
(6) Masaya Shiraishi, Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.20.
(7) Masaya Shiraishi, Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.22.
(8) Masaya Shiraishi, Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.22.
(9) Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.25.
(10) Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.110.
(11) Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.110-111.
(12) Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.14.
(13) Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.16.
(14) John Halliday and Gaven Mc Cormack: Japanese imperialism today, Monthly review Press, New York and London, 1973, p.22.
(15) F.C. Langdon: Japan 's foreign policy, University of British Columbia Press, 1973, p.81.
(16) Sắc lệnh 361/NG ngày 30/12/1959 về việc phê chuẩn Thoả ước bồi thường giữa Việt Nam Cộng hoà và Nhật Bản, Hồ sơ số 523, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hoà, 1959, Lưu trữ Bộ Ngoại giao.
(17) F.C. Langdon: Japan 's foreign policy, University of British Columbia Press, 1973, p.76.
(18) Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.16.
(19) Chương trình xây cất đập Đa Nhim theo Thoả ước bồi thường chiến tranh Nhật-Việt, Hồ sơ số 532, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hoà, 1960-1963, Lưu trữ Bộ Ngoại giao.
(20) Masaya Shiraishi: Japanese relations with Vietnam 1951-1987, Cornell University, Ithaco, New York, 1990, p.20.
(21) Thoả ước về việc cho vay giữa Việt Nam Cộng hoà và Nhật Bản ký ngày 13-5-1959, Hồ sơ số 522, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hoà, Lưu trữ Bộ Ngoại giao.
(22) Ngô Xuân Bình (CB): Quan hệ Nhật Bản-ASEAN, chính sách và tài trợ ODA, Nxb KHXH, Hà Nội, 1999, tr.30.
Copy tại đây
..............................