Phát biểu về Báo cáo tình hình Nhân quyền các nước năm 2012 – Họp báo đặc biệt
Uzra Zeya - Quyền Trợ lý Thư ký Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động
Washington, DC – Ngày 19/4/2013
Ms. ZEYA: Xin cám ơn ngài Ngoại trưởng rất nhiều. Tôi muốn nói vài
lời về cách chúng ta sử dụng Bản báo cáo Nhân quyền hằng năm để thông
tin cho các cơ quan Ngoại giao trên khắp thế giới của chúng ta và giúp
các bạn có một cái nhìn tổng quan nhanh chóng về một số những diễn biến
chủ yếu trong năm qua, mà bản báo cáo đã mô tả, rồi tôi sẽ hân hạnh lắng
nghe những câu hỏi từ các bạn.
Như ngài Ngoại trưởng đã nói, Nhân quyền là trọng tâm trong những cam
kết ngoại giao toàn cầu của Hoa Kỳ và những bản báo cáo này là nền tảng
thực tế để chúng ta xây dựng và định hình các chính sách của mình. Nhân
quyền luôn nằm trong chương trình nghị sự, trong các mối quan hệ song
phương của chúng ta, ví dụ như trong suốt cuộc đối thoại Nhân quyền
Mỹ-Việt gần đây,
trong đó chúng ta thúc giục việc trả tự do cho các tù nhân chính trị gồm Lê Quốc Quân, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và những người khác.
Chúng ta luôn ủng hộ những người bị bỏ tù vì những hoạt động cho lý
tưởng của họ, gồm Khôi nguyên Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba và Luật sư Nhân
quyền Cao Trí Thịnh và Mục sư Saeed Abedini của Iran, trong số nhiều
nhà hoạt động khác trên khắp thế giới.
Những bản báo cáo riêng lẻ thì độc lập và với chúng chừng đó là đủ,
vì thế tôi đề xuất là các bạn hãy lấy thêm thông tin chi tiết về những
quốc gia hay khu vực cụ thể từ chúng. Đồng thời, tôi muốn nêu bật những
diễn biến quan trọng trong năm 2012.
Trước tiên, như ngài Ngoại trưởng đã ghi nhận, chúng tôi tiếp tục
chứng kiến một không gian dành cho xã hội dân sự đang dần thu hẹp tại
các quốc gia mà số lượng ngày càng tăng như Trung Quốc, Ai Cập, và Nga,
chỉ kể tên một vài nước như thế. Năm 2012 đã chứng kiến những luật mới
ngăn cản việc thực hành các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do
lập hội và tự do tôn giáo; sự tăng cường những hạn chế đối với các tổ
chức nhận tài trợ từ nước ngoài; và việc sách nhiễu, bắt bớ và sát hại
các nhà hoạt động chính trị trong lĩnh vực lao động và nhân quyền.
Bất kể các biện pháp được đưa ra, kết quả không thay đổi: Khi chính
quyền bóp nghẹt xã hội dân sự, đất nước họ sẽ bị tước đoạt các ý tưởng,
năng lượng và dân trí – những yếu tố cần thiết cho sự thành công và ổn
định lâu dài trong thế kỷ 21.
Chúng tôi cũng nhìn thấy quyền tự do truyền thông đang chịu sự đe dọa
ngày càng tăng trong năm 2012. Một con số kỷ lục các nhà báo bị giết
khi làm nhiệm vụ hoặc như là hậu quả của việc đưa tin của mình. Một số
chính quyền có những biện pháp bóp nghẹt báo chí qua việc sử dụng những
điều luật chống khủng bố được mở rộng thái quá, những quy định pháp
luật nặng nề, những vụ sách nhiễu và bỏ tù các nhà báo. Ở Ethiopia,
Eskinder Nega vẫn còn ở tù, và Calixto Ramon Martinez Arias trải qua 6
tháng trong nhà tù Cuba vì viết vụ bùng nổ dịch tả. Một vài chính quyền
cá biệt còn nhắm vào quyền tự do bày tỏ ý kiến trên mạng qua những đạo
luật mang tính thắt chặt mới, các cuộc tấn công từ chối dịch vụ, các vụ
sách nhiễu blogger, nhà báo và các nhà hoạt động trên mạng. Xin lấy ví
dụ, ở Ai Cập, blogger Alaa Abdel Fattah đã bị bắt đi bắt lại và bị sách
nhiễu liên tục bởi chính quyền.
Khắp vùng Trung Đông năm 2012, đàn ông và phụ nữ tiếp tục tổ chức và
lên tiếng đấu tranh cho nhân phẩm, cho cơ hội kinh tế và cho sự quan tâm
về tương lai chính trị của nước họ. Đã có những cuộc bầu cử lịch sử ở
Ai Cập và Lybia nhưng cũng là sự thụt lùi đáng ngại, bao gồm sự xói mòn
tình trạng bảo vệ xã hội dân sự, sự xâm hại tình dục nhắm vào phụ nữ,
bạo động và đàn áp nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số khắp vùng.
Bashar al-Assad leo thang những cuộc tấn công tàn bạo chống lại chính
người dân của mình ở Syria; tình hình căng thẳng giữa các cộng đồng và
bạo lực chính trị tiếp diễn ở Iraq, Bahrain và Yemen; các chính quyền
khắp vùng Vịnh đã có những hành động giới hạn quyền tự do bày tỏ quan
điểm cả trên mạng lẫn ngoài mạng.
Các cuộc đấu tranh này không giới hạn trong khu vực Trung Đông, đặc
biệt là vấn đề bạo lực chống lại những nhóm người bị gạt ra bên lề xã
hội. Bản báo cáo 2012 đã đưa ra những tài liệu dẫn chứng về tình trạng
phân biệt đối xử và truy bức đối với thành viên của các nhóm sắc tộc và
tôn giáo thiểu số, bao gồm người Do Thái, người La Mã, tín đồ Cơ đốc
Chính thống, tín đồ Hồi giáo Ahmadis, tín đồ Baha’i, người Uighur, và
người Tây Tạng; cũng như sự phân biệt đối xử những nhóm dân yếu thế khác
như người tàn tật, những người đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính
và người người chuyển giới khắp nơi trên thế giới.
Phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục bị đe dọa trên toàn cầu, đối mặt những
vụ lạm dụng từ bạo lực tình dục đến những tập tục truyền thống tai hại.
Từ Afghanistan đến Cộng hòa dân chủ Công gô, phụ nữ và trẻ em gái là
những mục tiêu của sự đàn áp trong lúc họ cố gắng sống cuộc sống hằng
ngày, thay đổi xã hội cho tốt hơn và thực hành những quyền tự do cơ bản
vốn có của con người.
Thật may là không phải tất cả tin tức trong năm 2012 đều tồi tệ. Như
ngài Ngoại trưởng đã nói, chúng tôi đã khuyến khích- chúng tôi đang được
cổ vũ bởi những gì đang xảy ra ở Miến Điện. Chính quyền Miến Điện đã
trả tự do cho 700 tù nhân chính trị từ năm 2011, nhiều người trong số
này đã ở tù hơn một thập kỷ. Bà Aung San Suu Kyi và 42 thành viên của
Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ đã được bầu vào Quốc hội trong những cuộc
bầu cử bổ sung có thể nói là minh bạch và toàn diện. Chính quyền đã có
một số nới lỏng kiểm duyệt báo chí và cho phép công đoàn thành lập và
đăng ký. Tuy nhiên, nhiều yếu tố của bộ máy độc tài vẫn còn nguyên vẹn.
Và như ngài Ngoại trưởng đã lưu ý, chúng tôi cũng rất quan ngại về cuộc
xung đột ở bang Kachin và bạo động sắc tộc ở bang Rhakine, nằm ở miền
trung Miến Điện.
Bên cạnh những cuộc bầu cử mà tôi đã đề cập đến ở Trung Đông và Miến
Điện, Georgia đã tổ chức các cuộc bầu cử Nghị viện dẫn đến cuộc chuyển
hóa quyền lực dân chủ ôn hòa đầu tiên ở quốc gia này từ khi được độc lập
năm 1992. Và khắp thế giới mỗi ngày, những người đàn ồng và phụ nữ dũng
cảm đã chấp nhận nguy hiểm, quên mình để bênh vực những quyền con
người phổ quát và để cải thiện cuộc sống của tha nhân.
Cuối cùng, tôi muốn lặp lại lời cảm tạ của ngài Ngoại trưởng đối với
các đồng nghiệp của chúng ta ở hải ngoại và trong Bộ ngoại giao, trong
đó có biên tập viên kỳ cựu của chúng ta, ông Steve Eisenbraun, người đã
làm việc không mệt mỏi để ráp các bản báo cáo này. Đây thực sự là một
nhiệm vụ nặng nề và mỗi năm chúng tôi đều nỗ lực để làm tốt hơn. Năm
nay, như ngài Ngoại trưởng đã đề cập, chúng tôi đã đưa ra nhưng thông
tin toàn diện về điều kiện nhà tù, tình trạng tham nhũng trong chính
quyền, quyền công nhân và quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Chúng tôi hy vọng rằng các bản báo cáo sẽ làm sáng tỏ tình trạng nhân
quyền khắp thế giới và chúng tôi đã cam kết làm việc với các chính
quyền và xã hội dân sự để ngăn chặn những trường hợp lam dụng và ủng hộ
các quyền phổ quát cho tất cả mọi người.
Vì thế, tôi sẽ dừng tại đây, và tôi hân hạnh được nghe các câu hỏi.
Ms. PSAKI: Tôi sẽ yêu cầu vài người. Chúng ta có đủ thời gian cho vài câu hỏi. Mời Brad.
Hỏi: Vâng. Cả bà và ngài Ngoại trưởng đều đề cập rằng quý vị đưa ra
những vấn đề nhân quyền trong tất cả các chuyến viếng thăm của mình,
những sự thật khó khăn, như quý vị nói. Song gần đây, khi ngài Ngoại
trưởng Kerry công du Trung Quốc, chúng tôi hầu như không nghe thấy lời
nào về Nhân quyền cả. Vì thế, bà có thể cho chúng tôi biết về những sự
thật khó khăn mà lẽ ra đã được thúc đẩy kia không?
Ms. ZEYA: Chắn chắn rồi. Tôi chỉ muốn nói tóm lại rằng việc phát huy
nhân quyền hoàn toàn là một phần trong nghị trình song phương với Trung
Quốc. Chúng tôi liên tục đưa lên những trường hợp nhân quyền cụ thể với
chính quyền Trung Quốc trong các cuộc đối thoại song phương và các cuộc
thảo luận cấp cao. Trong suốt chuyến viếng thăm của ngài Ngoại trưởng,
như ngài đã nói rõ, ngài đã đưa ra những trường hợp cụ thể với chính
quyền Trung Quốc, bao gồm cả trường hợp của Trần Khắc Quý, cháu của luật
sư Trần Quang Thành. Anh ta đã đưa ra những chứng cớ vi phạm trong suốt
thời gian ở tù của mình và những sách nhiễu đối với gia đình anh.
Một vài trường hợp khác mà chúng tôi thường xuyên đưa ra, tôi đã có
đề cập đến trong phần giải thích của mình, những trường hợp đó bao gồm
ông Cao Trí Thịnh, Lưu Hiểu Ba và, như tôi đã đề cập, anh Trần Khắc Quý.
Nhưng đó chỉ là một vài trong số những tù nhân chính trị ở Trung Quốc.
Tôi muốn chỉ cho anh đọc các bản báo cáo của chúng tôi, có nhiều chi
tiết hơn về vấn đề này.
Hỏi: Và quý vị có đạt được tiến bộ nào liên quan đến những trường hợp này không?
Ms. ZEYA: Tôi nghĩ nó là một phần của cuộc đối thoại đang tiếp diễn.
Ms. PSAKI: Xin mời Said
Hỏi: Xin cám ơn bà. Tên tôi là Said Arikat từ Nhật báo Al Quds, tôi muốn hỏi bà về các tù nhân Palestine.
MS. ZEYA: Chắn chắn rồi.
Hỏi: Hiện có khoảng 4500 người trong tù. Có khoảng 280 người ở độ
tuổi từ 12 đến 15, và tôi tự hỏi, với những hoạt động hiện tại đang gia
tăng của quý vị để bắt đầu những cuộc đối thoại mới, liệu quý vị có mang
vấn đề đó mà chờ đợi với chính quyền Israel không.
MS. ZEYA: Đúng vậy. Tôi muốn nói tóm lại rằng Hoa Kỳ đang đưa những
vấn đề nhân quyền lên những cấp cao nhất trong chính quyền Israel. Tôi
muốn đề nghị anh đọc bản báo cáo năm nay của chúng tôi về những vùng
lãnh thổ bị chiếm đóng. Một vài vấn đề nhân quyền chủ yếu mà chúng tôi
đã xác định là những cuộc bắt giữ tùy tiện, hành hạ và xâm phạm có tổ
chức, mà thường là không bị trừng phạt, được gây ra bởi các tác nhân
khác nhau; những giới hạn quyền tự do dân sự; và sự bất lực của người
dân trong việc giữ cho chính quyền của mình có trách nhiệm giải trình.
MS. PSAKI: Ở phía sau. Xin tiếp tục
Hỏi: Vâng, bản báo cáo năm này về Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ gay gắt hơn năm
ngoái. Ngài ngoại trưởng có đưa ra trường hợp nào trong số vụ việc này
với các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Ngài ngoại trưởng có liên lạc
thường xuyên với họ. Ông ta sẽ gặp gỡ họ cuối tuần này. Vậy vấn đề nào
đang được ông chú trọng?
MS. ZEYA: Chắc chắn rồi. Với sự tôn trọng dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ
Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng trong khối NATO và là một đối tác
chiến lược của Hoa Kỳ, nhân quyền là một phần của những cam kết rộng lớn
hơn trong phạm vi khu vực. Một vài vấn đề quan ngại được lưu ý trong
bản báo cáo là quyền tự do bày tỏ ý kiến, tình trạng của những người
thiểu số và những người yếu thế, và cải cách pháp lý. Và điều chúng tôi
nghĩ là tiến trình cải cách hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cơ hội để
cải thiện tình trạng bảo vệ những người thiểu số, phụ nữ và trẻ em, cũng
như mở rộng quyền tự do bày tỏ ý kiến.
Hỏi: Nhưng cho đến nay, ngài Ngoại trưởng có đưa những vấn đề đó ra
cho các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Đây là lần thứ ba ngài Ngoại
trưởng có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.
MS. ZEYA: Tôi muốn nói rằng, đó là một phần trong sự can dự song
phương thường xuyên của chúng ta, nhưng để tìm những chi tiết cụ thể
hơn, tôi sẽ phải chỉ anh đến gặp người phát ngôn bộ Ngoại giao.
MS.PSAKI: Ở đằng trước.
Hỏi: Tôi tự hỏi không biết bà sẽ nói với chúng tôi bà quan ngại như
thế nào về tình hình ở Nga. Bà đừng nghĩ rằng xã hội dân sự chỉ thu hẹp
lại một chút, như bà nói – thậm chí nó đã thu hẹp hơn rất nhiều – tôi
muốn nói đến bản báo cáo năm ngoái.
MS. ZEYA: Đúng như vậy.
Hỏi: Và có phải bà nói chung chung về tình trạng bà thấy hay không
MS. ZEYA: Chắc chắn rồi.
Hỏi: Vâng, vì họ đang thực hiện đạo luật đã được thông qua năm ngoái
mà quý vị đã than phiền. Bây giờ họ đang thực sự thực hiện luật đó.
MS. ZEYA: Đúng vậy. Không, anh đã đúng. Bản báo cáo chỉ nêu ra những
vấn đề cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, nhưng chắc chắn rằng mô hình
mà chúng ta nhìn thấy đang nổi lên ở Nga đang gây quan ngại sâu sắc liên
quan đến sự nổi lên của tình trạng gia tăng giới hạn đối với việc thực
hành các quyền tự do dân sự. Điều này bao gồm các biện pháp liên quan
tới việc các tổ chức phi chính phủ đăng ký như là những văn phòng đại
diện nước ngoài, nhưng cũng liên quan đến những giới hạn về quyền tự do
internet và báo chí. Vì thế, chúng tôi đã làm sáng tỏ cam kết của mình
trong việc đối thoại về nhân quyền với chính quyền Nga, nhưng chúng tôi
vẫn tiếp tục hoàn toàn tận tâm trong việc đối thoại với xã hội dân sự và
ủng hộ các nỗ lực của họ.
Hỏi: Tôi có thể tiếp tục bàn về vấn đề đó không?
MS.PSAKI: Chắc chắn rồi.
Hỏi: Tôi chỉ thắc mắc. Ý tôi là, trong quá khứ, tôi nghĩ chính phủ
Hoa Kỳ đã nói rất nhiều về những quan ngại vi phạm nhân quyền ở
Chechnya, và tôi thắc mắc là quý vị nghĩ những sự cố ở Boston sẽ thay
đổi cái cách mà chính quyền Hoa Kỳ nhìn nhận về nhân quyền ở Chechnya?
MS. ZEYA: Đúng vậy. Liên quan đến những cuộc điều tra đang tiếp tục ở
Boston, tôi sẽ phải nói tóm tắt những bình luận của ngài Ngoại trưởng
rằng sẽ rất không thích hợp để đưa ra những bình luận xa hơn trong thời
điểm này.
Liên quan đến tình hình ở Bắc Caucacus, tôi có thể nói với các bạn
rằng đây là một phần của báo cáo nhân quyền của chúng tôi về nước Nga
trong Báo cáo quốc gia từ năm 1995. Anh sẽ tìm thấy khá nhiều thông tin
trong bản báo cáo năm nay. Và các bản báo cáo này đã ghi nhận những vi
phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra và những hành vi vi phạm nhân
quyền liên tiếp được báo là do cả chính quyền lẫn phiến quân gây ra.
MS.PSAKI: Đến câu hỏi cuối cùng.
Hỏi: Vâng. Bà đã đề cập đến những nhà tù. Bộ Ngoại giao, tôi thắc
mắc, có quan ngại về những tù nhân ở trại Guantanamo; 56 người trong số
86 tù nhân Guantanamo đã được bào chữa để trả tự do là những công dân
Yemen. Bà có đồng ý rằng Hoa Kỳ đang bắt tay vào việc trừng phạt tập thể
dựa trên quốc tịch không?
MS.ZEYA: Tôi sẽ nói rằng chính chúng tôi đã giữ những tiêu chuẩn
giống như các tiêu chuẩn mà chúng tôi đánh giá các chính phủ khác. Về
vấn đề Guantanamo, ngài Tổng thống đã làm sáng tỏ cam kết đóng trại
Guantanamo của ông, nhưng điều này phải được thực hiện phù hợp với luật
pháp và trong sự tham vấn với quốc hội Hoa Kỳ. Vì thế tôi sẽ phải để
nghị anh quay trở lại với những tuyên bố xa hơn của tòa Bạch Ốc và của
phát ngôn viên về vấn đề này.
MS.PSAKI: Xin nhắc lại với các bạn rằng, Uzra – Quyền Trợ lý Ngoại
trưởng sẽ có mặt ở Trung tâm Báo chí Nước ngoài vào cuối chiều nay. Lúc
đó khoảng mấy giờ nhỉ?
Những người tham dự: (Không nghe được)
MS.ZEYA: Vâng, 4 giờ chiều.
MS.PSAKI: Đối với những người mà câu hỏi chưa được trả lời, chúng tôi khuyến khích các bạn đến đó. Xin cám ơn
MS.ZEYA: Cám ơn.
Source:
http://www.newsroomamerica.com/story/359372.html
(*) Tựa bài do Defend the Defenders đặt.