CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại

(TNO) Ngày 19.1.1974, Trung Quốc xua quân xuống cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Trong hoàn cảnh có nhiều bất lợi, các quân nhân Việt Nam vẫn nổ súng chống lại kẻ xâm lược nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Cuộc vệ quốc thất bại. Hoàng Sa rơi vào tay ngoại bang.

 
Quần đảo Hoàng Sa - Đồ họa: Thanh Niên Online
Chuyên đề: 40 năm hải chiến Hoàng Sa
>> Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Cần vinh danh những người hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa
>> Nuôi chí giành lại Hoàng Sa
Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ cuộc chiến bi hùng ấy, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử để hiểu thêm dã tâm xâm lược của cường quốc láng giềng, để thấy sự bất khuất của những người con đất Việt, và để củng cố bằng chứng và niềm tin rằng, Hoàng Sa mãi mãi là một phần của đất mẹ Việt Nam.
Chuyên đề 40 năm Hải chiến Hoàng Sa Thanh Niên Online thực hiện không có gì hơn ngoài mục đích ấy.
Kỳ 1: Trung Quốc nuốt dần Hoàng Sa
Quần đảo Hoàng Sa từ mấy trăm năm qua thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đến đầu thế kỷ 20 thì Trung Quốc bắt đầu lăm le mạo xưng chủ quyền. Tới sau Thế chiến 2, họ tiến chiếm nhóm đông bắc Hoàng Sa, và đến năm 1974 thì nổ súng cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo.
Quá trình gặm nhấm Hoàng Sa mà Trung Quốc thực hiện khởi đầu là những tuyên bố hú họa, tiếp đến là thừa nước đục thả câu, và cuối cùng là ngang nhiên nổ súng xâm lược. Quá trình tiến chiếm Hoàng Sa cho thấy tham vọng bành trướng xuyên suốt của các chính quyền tại Bắc Kinh qua nhiều thời kỳ.
 

Trung Quốc muốn chiếm trọn Hoàng Sa càng sớm càng tốt, vì nếu chậm chân, họ sẽ khó làm được điều đó sau khi Việt Nam thống nhất


Đến nay, cuồng vọng đó không ngừng được nâng cao, với đường lưỡi bò bất chấp đạo lý và pháp lý nhằm biến biển Đông thành ao nhà.
Gặm nhấm
Quần đảo Hoàng Sa bao gồm nhiều đảo lớn, bãi cát và rạn san hô, bãi ngầm nằm cách huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi khoảng 200 hải lý về phía đông. Hoàng Sa có hai nhóm đảo chính.
Ở phía đông bắc là nhóm An Vĩnh (tiếng Anh là Amphitrite, còn gọi là Nhóm Đông) gồm nhiều đảo khá lớn, trong đó quan trọng nhất là đảo Phú Lâm, đảo Nam, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Cây.
Chếch về phía tây nam so với nhóm An Vĩnh là nhóm Lưỡi Liềm (hay Trăng Khuyết, Nguyệt Thiềm, tên tiếng Anh là Crescent), với các đảo lớn là Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh.
Bên cạnh các cụm An Vĩnh và Lưỡi Liềm, Hoàng Sa còn có một số đảo, bãi cát, rạn san hô nằm rải rác, trong đó đáng kể nhất là đảo Linh Côn (Lincoln) nằm ở cực đông quần đảo và đảo Tri Tôn (Triton) đơn độc ở cực tây nam.
 Sau khi bắt tay với Mỹ, Mao Trạch Đông đã triển khai kế hoạch bành trướng biển Đông bằng hành động nổ súng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa - Ảnh: Tư liệu
Sau khi bắt tay với Mỹ, Mao Trạch Đông đã triển khai kế hoạch bành trướng biển Đông
bằng hành động nổ súng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa
- Ảnh: Tư liệu
Chính sử Việt Nam, Trung Quốc, phương Tây và các ghi chép, địa đồ của các nhà hàng hải cho biết Việt Nam đã quản lý Hoàng Sa từ thời các chúa Nguyễn. Xét trên tất cả các nguyên tắc về xác định chủ quyền, Việt Nam đều là chủ sở hữu hợp pháp của quần đảo này: tiên chiếm, nhà nước thực thi chủ quyền liên tục trong hòa bình, không có bên nào tranh chấp, không bao giờ từ bỏ. Việc thực thi chủ quyền cấp nhà nước của Việt Nam kéo dài từ các triều chúa Nguyễn, tới nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn về sau. Dưới thời Pháp đô hộ Việt Nam, Hoàng Sa cũng được đặt dưới quyền quản lý của chính quyền bảo hộ.
Mãi đến đầu thế kỷ 20, Trung Quốc mới quan tâm tới Hoàng Sa và bắt đầu những động thái sơ khai trong yêu sách chủ quyền thể hiện cơn cuồng tham vô cùng. Đầu tiên là chuyến tàu của Đô đốc Lý Chuẩn tới Hoàng Sa năm 1909 với tên gọi “thị sát Tây Sa”. Tại đây, Lý Chuẩn đã thượng cờ và bắn đại bác tuyên bố chủ quyền, cho thấy rằng từ trước đến nay Trung Quốc chưa hề có chủ quyền tại Hoàng Sa.
Vào giữa thế kỷ 20, đặc biệt là giai đoạn sau Thế chiến 2, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch đã nhiều lần lăm le chiếm một số đảo thuộc cụm An Vĩnh. Đến năm 1947, lợi dụng việc người Pháp dồn sức cho chiến trường Đông Dương, Tưởng Giới Thạch tiến chiếm đảo Phú Lâm, đánh dấu sự chiếm đóng phi pháp của người Trung Quốc.
Đến năm 1956, Trung Quốc, lúc này do đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo sau khi đánh đuổi Quốc Dân đảng ra đảo Đài Loan, đã lén lút đổ quân lên đảo Phú Lâm, bắt đầu thực hiện sự chiếm đóng đối với cụm An Vĩnh và Linh Côn.
Chuẩn bị chiếm trọn Hoàng Sa
Trung Quốc đã thai nghén mưu đồ nuốt trọn Hoàng Sa từ đầu thế kỷ 20 và lợi dụng những biến động chính trị tại Đông Dương, họ đã từng bước thực hiện việc gặm nhấm quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam này trong giai đoạn sau Thế chiến 2. Đến đầu năm 1974, Trung Quốc nhận thấy cơ hội đã chín muồi cho một cuộc tấn công để chiếm toàn bộ quần đảo, lúc bấy giờ đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa theo sau Hiệp định Geneve về phân chia lãnh thổ Việt Nam.
Cơ hội đó chính là cái bắt tay giữa Trung Quốc với Mỹ, để nước Mỹ làm ngơ trước các động thái của Bắc Kinh tại biển Đông. Cơ hội đó còn là tình hình chiến sự tại Việt Nam, khi mà Việt Nam Cộng Hòa, là chủ sở hữu hợp pháp duy nhất đối với quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ, đang dần bị Mỹ bỏ rơi và đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường ở trong nước. Trong tình cảnh khá đơn độc, khả năng bảo vệ Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa suy giảm nghiêm trọng, dù họ vẫn sở hữu lực lượng hải quân và không quân có thể nói là khá mạnh.
 Chu Ân Lai (phải) tìm kiếm tín hiệu xanh từ Mỹ trước khi ra lệnh chiếm Hoàng Sa - Ảnh: Tư liệu
Chu Ân Lai (phải) tìm kiếm tín hiệu xanh từ Mỹ trước khi ra lệnh chiếm Hoàng Sa - Ảnh: Tư liệu
Trung Quốc cũng muốn chiếm trọn Hoàng Sa càng sớm càng tốt, vì nếu chậm chân, họ sẽ khó làm được điều đó sau khi Việt Nam thống nhất.
Tài liệu Hoàng Sa - Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa do chính quyền Sài Gòn phát hành sau trận hải chiến năm 1974 cho biết: “Vụ tranh chấp Hoàng Sa đột phát trở lại kể từ ngày 11.01.1974, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố là nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Cộng mà Việt Nam Cộng Hòa chiếm cứ bất hợp pháp”. Sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của (cựu hạm trưởng HQ-4) Vũ Hữu San và nhà nghiên cứu Trần Đỗ Cẩm cho biết thêm: “Để làm hậu thuẫn cho những lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Cộng tung nhiều tàu đánh cá võ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ quân giả dạng ngư phủ lên các đảo không có lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa đóng”.
“Trung Cộng” là tên gọi để chỉ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đóng đô tại Bắc Kinh, mà ngày nay chúng ta thường gọi là “Trung Quốc”. Ngày trước, “Trung Cộng” được sử dụng để phân biệt với “Trung Quốc”, tức Trung Hoa Dân Quốc do Quốc Dân đảng lãnh đạo mà sau khi kết thúc nội chiến Quốc - Cộng năm 1949 thì chạy ra cắm dùi tại đảo Đài Loan.
Với chiêu bài mạo xưng chủ quyền, giữa tháng 1.1974, theo yêu cầu của Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Chu Ân Lai, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc họp phiên đặc biệt nhằm lập ra ban chuyên trách năm người phụ trách kế hoạch đánh Hoàng Sa - mà phía Trung Quốc gọi là “Cuộc phản kích Tây Sa” để tuyên truyền trong nước và che mắt dư luận quốc tế. Các lãnh đạo cấp cao gồm Diệp Kiếm Anh - Chủ nhiệm Ban chuyên trách, cùng Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Đặng Tiểu Bình và Trần Tích Liên đã nghe Tô Chấn Hoa, Phó Tư lệnh Hải quân, báo cáo tình hình và đề nghị tấn công.
Vào thời điểm ấy, ngày 17.1.1974, tàu và quân lính Trung Quốc đã lởn vởn nhiều nơi quanh cụm Lưỡi Liềm và phía Việt Nam Cộng Hòa đã điều tàu và quân ra để bảo vệ Hoàng Sa.
Chu Ân Lai cũng nhận báo cáo tình hình từ Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân Trung Quốc Trường Lý Lực. Sau đó, họ Chu cùng Nguyên soái Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông đề nghị tăng quân ra Hoàng Sa để chiếm đảo. Họ Mao lúc này đã 81 tuổi, sức khỏe sa sút, tinh thần thụt lùi, nhưng mộng bành trướng thì lại không ngừng tăng tiến. Sau khi phê “đồng ý” vào báo cáo của Diệp và Chu, Mao nói thêm: “Trận này không thể không đánh!”.
Ở đây có một điểm cần lưu ý, đó là Mao Trạch Đông vốn là tổng công trình sư của Cách mạng Văn hóa tàn khốc, Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều là hai thành viên của nhóm Bè lũ bốn tên chỉ đạo thực hiện Cách mạng Văn hóa; còn Đặng Tiểu Bình vốn là một nạn nhân của cuộc cách mạng này và vừa được phục hồi danh dự chưa lâu. Giữa Mao, Vương, Trương, Đặng có nhiều ân oán và chỉ hơn hai năm sau đó, vào tháng 10.1976, ngay sau khi Mao Trạch Đông chết, Đặng Tiểu Bình cùng Diệp Kiếm Anh đã bắt đầu ra tay trừng trị Bè lũ bốn tên cùng dư đảng của nhóm này.
Bất chấp những ân oán trùng trùng ấy, vào thời điểm tháng 1.1974, họ đã cùng thống nhất với nhau một mục tiêu bành trướng lãnh thổ, lãnh hải. Đấy là một điểm cần phải lưu ý khi đánh giá các lãnh đạo Trung Quốc, cũng như đánh giá mối quan hệ và lập trường của Trung Quốc - Đài Loan trong vấn đề biển Đông. Giữa họ có thể đầy mâu thuẫn, nhưng mộng bành trướng, yêu sách về lãnh thổ, chủ quyền thì họ hoàn toàn thống nhất với nhau.
Vậy là, sau khi đã thừa nước đục thả câu để chiếm phần đông và đông bắc quần đảo Hoàng Sa, gồm nhóm An Vĩnh và Linh Côn, Trung Quốc giờ đây đã lên đạn sẵn sàng đánh chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm, qua đó nuốt trọn quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 cũng đánh dấu một trong những bước đầu tiên trong chiến lược ba bước của Trung Quốc đối với biển Đông: 1. Kiểm soát (1970-2010); 2. Làm chủ (2011-2025) và 3. Độc chiếm (2026-2050). (còn tiếp)
Châu Minh Linh 
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 5: Mùa xuân nhớ con anh hùng
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 4: Cuộc trở về của Nguyễn Văn Lanh
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa
>> Triển lãm 'Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam' ở trường đại học
>> 39 phương án kiến trúc cho Nhà trưng bày Hoàng Sa

Copy từ: Thanh Niên