CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Liên đoàn Ả Rập tuyên bố cấp vũ khí cho đối lập Syria

Các nước Ả Rập họp tại Doha, 26/03/2013
Các nước Ả Rập họp tại Doha, 26/03/2013
REUTERS

Anh Vũ
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 của Liên đoàn Ả Rập đã kết thúc tối qua, sớm hơn dự kiến một ngày, tại Doha. Trong tuyên bố cuối cùng, Liên đoàn nhắc lại việc đã dành chiếc ghế trống của Damas cho phe đối lập Syria, đồng thời tổ chức các nước Ả Rập cũng khẳng định quyền trang bị vũ khí cho quân nổi dậy.

Thông tín viên RFI tại Doha, Laxmi Lota tường trình :
« Các nước Ả Rập đã tuyên bố họ có quyền vũ trang cho quân nổi dậy chống lại chế độ của Bachar al-Assad. Thủ tướng Qatar giải thích rằng: “ Mỗi nước thành viên đều có quyền đóng góp tất cả các phương tiên tự vệ, kể cả quân sự, để hỗ trợ cuộc kháng chiến của nhân dân Syria''.
Nghị quyết cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, tuy nhiên nhấn mạnh là giải pháp chính trị vẫn là một ưu tiên. Lãnh đạo Liên đoàn Ả Rập, Nabil al-Arabi tuyên bố trước báo giới : ''Hỗ trợ quân sự không có nghĩa là bãi bỏ giải pháp chính trị''.
Hai nước thành viên còn tỏ ra dè dặt với văn kiện này là Iran và Algeri. Liban thì lảng tránh nghị quyết.
Hội nghị thượng đỉnh cũng đã kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế bàn về tái thiết Syria ''trong khuôn khổ của Liên hiệp Quốc''.
Cuối cùng, các nước Ả Rập nhắc lại rằng chiếc ghế của Damas trong Liên đoàn Ả Rập giờ thuộc về phe đối lập. »
Hôm nay, Nga và Iran đã phản ứng gay gắt với quyết định của Liên đoàn Ả Rập.
Ngoại trưởng Nga ra thông cáo, đánh giá quyết định trao chiếc ghế của Syria tại Liên đoàn Ả Rập cho phe đối lập với chế độ Bachar al-Assad là « bất hợp pháp » và « không có cơ sở ». Theo Matxcơva, chính phủ Syria vẫn tồn tại và là đại diện hợp pháp tại Liên hiệp quốc.
Trong khi đó Iran chỉ trích quyết định của Liên đoàn Ả Rập là một « tiền lệ nguy hiểm ».


Copy từ: RFI

Điều lạ ở Vĩnh Yên


Quan tài Nguyễn Tuấn Anh được đem đi diễu phố
Nguyễn Tuấn Anh đã chết một cách tức tưởi
Suốt mấy ngày qua có lẽ Vĩnh Yên là địa danh được nhắc đến nhiều nhất trên báo chí trong nước. Trước đó, nhiều người còn không biết có một thành phố có tên là Vĩnh Yên nằm cách Hà Nội không xa.
Đã hơn một tuần lễ nhưng những gì xảy ra ở đô thị tỉnh lẻ này vẫn chưa hết nóng với dư luận.
Dẫu sao người chết cũng đã chết – khơi gợi lại nỗi đau của gia đình nạn nhân là điều tôi thật sự không mong muốn.
Mạng người hết sức quý giá, nhất là của một người đàn ông đang ở tuổi gánh vác giang sơn, chèo chống gia đình như anh Nguyễn Tuấn Anh.
Một gia đình bỗng dưng đổ sập, một người vợ bụng mang dạ chửa không còn nơi nương tựa, một đứa trẻ mãi mất đi tình thương của cha và một đứa trẻ nữa sắp ra đời không bao giờ được gọi bố.
Trước hết tôi xin chia sẻ nỗi đau này với gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh và cầu mong hương hồn anh được yên nghỉ nơi chín suối.

Hơi hướng chính trị

Theo kịch bản mà chính quyền đưa ra, có vẻ vụ việc bắt đầu từ khi rượu vào lời ra rồi xích mích dẫn đến hành hung và cuối cùng là án mạng.
Nếu đúng như thế thì vụ án gây chấn động Vĩnh Yên không phải là điều gì lạ lùng ở Việt Nam mà chỉ là một vụ án hình sự bình thường nếu không muốn nói là rất thường.
Thế nhưng, chỉ sau một đêm từ một công nhân không ai biết Nguyễn Tuấn Anh vụt trở thành cái tên nổi tiếng được nhiều người bàn luận và tìm kiếm.
Nổi tiếng kiểu này này chắc chắn là điều mà bản thân Tuấn Anh, gia đình và đặc biệt là chính quyền không mong muốn.
"Điều không bình thường là gia đình nạn nhân đã ‘bị một số đối tượng kích động."
Đại tá Hồ Sỹ Tiến, cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự
Điều gì đã khiến cho một vụ án bình thường trở thành ‘kỳ án’ gây xôn xao dư luận cả nước như vậy?
Chính quyền rất nhanh chóng có câu trả lời.
Phát biểu với báo chí hôm 18/3, tức là chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ việc ‘quan tài diễu phố’, Đại tá Hồ Sỹ Tiến, cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, người được Bộ Công an cử về Vĩnh Yên để kiểm soát tình hình, đã giải thích về ‘điều lạ’ trong vụ án này.
Theo lời ông Tiến được báo chí trong nước thuật lại rộng rãi thì ‘điều không bình thường’ là gia đình nạn nhân đã ‘bị một số đối tượng kích động’.
Chỉ với hai chữ ‘kích động’này, một vụ án hình sự bình thường bỗng chốc trở thành có hơi hướng chính trị.
Bản thân chữ ‘kích động’ có hàm ý là động cơ xấu, ý đồ xấu. Ý đồ xấu mà Đại tá Tiến muốn ám chỉ ở đây là gì nếu không phải là ‘chống phá Nhà nước’ mà kẻ chủ mưu không ai khác hơn chính là ‘các thế lực phản động, thù địch’?
Một vụ việc bộc phát ở một tỉnh lẻ như thế mà cũng có sẵn ‘thế lực phản động’ chờ sẵn để lợi dụng thời cơ tấn công. Thật lợi hại!
Nghe lời ông Tiến tôi có cảm giác các lực lượng ‘chống Nhà nước’ nhan nhản ở khắp nơi – giống như virus HIV đã bộc phát không thể dùng thuốc để kiểm soát được nữa mà chỉ còn chờ chết.

Làm sao mới đúng?

Vụ biểu tình ở Vĩnh Yên
Vụ biểu tình ở Vĩnh Yên đã gây chấn động dư luận
Hành động mang quan tài đi diễu phố của gia đình nạn nhân để gây áp lực thật ra đáng được cảm thông hơn là lên án.
Chính quyền không thể nói là thông cảm với nỗi đau của dân khi huy động số lượng công an ‘nhiều chưa từng thấy’ trong ngày an táng, theo lời kể của em trai của nạn nhân với BBC.
Rõ ràng nỗi ám ảnh ‘thù địch’ khiến chính quyền nhìn đâu cũng thấy kẻ thù chứ không thấy nỗi đau đớn và oan khiên của người dân.
Ở đây tôi muốn hỏi Đại tá Tiến rằng nếu con trai ông chết thảm thương như thế, một cách không rõ ràng như thế, cơ thể không còn nguyên vẹn như thế mà ra công đường phán quan bảo là ‘tự nó chết’ thì ông có phẫn uất hay không?
Kinh động thi thể của người thân vừa nằm xuống là đi ngược lại tình cảm thiêng liêng của người Việt. Phải làm một việc cực chẳng đã – đó chính là đỉnh điểm của sự phẫn uất. Tức nước phải vỡ bờ.
Nếu hành động đó đáng bị lên án thì chính quyền cũng nên chỉ ra gia đình nạn nhân phải làm sao mới đúng?
Đi kiện ư? Kêu oan có thấu khi đã có nghi ngờ vụ việc có liên quan đến người nhà tỉnh trưởng? Pháp y chẳng đã nói là ‘say rượu, té cống, ngạt nước’ rồi đó sao?
Với lại, một khi đã chôn cất người thân rồi đi kiện thì thế nào cũng sẽ quật mồ lên khám nghiệm lại. Có đành lòng không?
Ai dám chắc rằng nếu không làm áp lực thì nạn nhân sẽ không mang theo nỗi oan khuất xuống đáy mồ sâu? Rõ ràng chỉ hôm trước hôm sau công an đã bắt chùm năm nghi phạm trong khi từ lúc nạn nhân được báo mất tích chẳng nghe thấy kết quả điều tra gì.
Cho dù chính quyền có coi đó là hành vi gây mất trật tự nghiêm trọng, nhưng xét kỹ gia đình nạn nhân không còn lựa chọn nào khác.
Nếu Đại tá Tiến coi hành động phản kháng của gia đình nạn nhân là không bình thường, thì cách nghĩ như thế mới là không bình thường.

Làn sóng người

Xô xát trong vụ biểu tình ở Vĩnh Yên
Có cáo buộc công an đã trấn áp người mang khăn tang
Điều không bình thường ở đây, nếu có, là làm sao mà chuyện của một cá nhân, một gia đình lại biến thành hành động của cả ngàn người – đông hơn cả những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngay ở thủ đô Hà Nội.
Tôi tin chắc đại đa số cả ngàn người bước theo quan tài Nguyễn Tuấn Anh hôm ấy không có lợi ích hay liên quan gì đến gia đình nạn nhân.
Trong một đất nước có bộ máy an ninh hùng mạnh để sẵn sàng trấn áp bất cứ sự phản kháng nào, ‘biểu tình’ là một từ luôn đi với sự sợ hãi mà lâu nay ít người dân dám nghĩ bàn.
Không liên quan gì đến mình, cũng không phải là chuyện lớn quốc gia, hà cớ gì cả ngàn người làm thành làn sóng phía sau quan tài đối mặt với công an đang dàn trận?
Không thể cho rằng họ là những người hiếu kỳ đi theo hóng chuyện. Thấy công an người hiếu kỳ tức khắc sẽ tan.
Còn nếu nói theo kiểu Đại tá Hồ Sỹ Tiến thì cả ngàn người không liên quan kia chắc hẳn là những người kích động gia đình nạn nhân?
Nếu có ai đó kích động được một đám đông như thế thì quả tài ‘dân vận’ không thua chính quyền và lẽ ra đã bị công an túm cổ khởi tố từ khuya rồi.
"Cái phòng nó (vợ chồng con gái) gần đó thì cũng có lúc đánh nhau chạy tán loạn vào thì nghi ngờ như vậy."
Chủ tịch Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng
Thế mới thấy khi lương tri con người bị đánh động trước một việc tày đình thì sự phẫn nộ sẽ đưa họ đi đến đâu.
Tuy nhiên, để người dân sẵn sàng xuống đường đối đầu với nhà chức trách thì trong thâm thâm họ ắt đã có sự bất mãn với chính quyền.
Vì uất ức bạo quyền mà người bán hoa quả Bouazizi đã thiêu mình để phản đối. Ngọn lửa Bouazizi đã thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ trong lòng người dân Tunisia, đưa họ xuống đường để khởi đầu Mùa xuân Ả Rập làm sụp đổ các chế độ cường quyền.
Ở Việt Nam gần đây vẫn hay nghe nói đến ‘những bài học’ từ Mùa xuân Ả Rập. Tuy nhiên sự kiện ở Vĩnh Yên và nhiều vụ việc khác cho thấy chính quyền vẫn thiếu nhạy cảm trước tình cảm của nhân dân.

Pháp y ở đâu?

Ông Tiến chỉ ra điều kỳ lạ trong hành xử của người dân, nhưng không rõ liệu ông có thấy những điều kỳ lạ trong cách ứng xử của chính quyền?
Đầu dây mối nhợ của sự bùng nổ ở Vĩnh Yên trong ngày 17/3 là cái pháp y gì đấy nói rằng nạn nhân té cống ngạt nước chết.
Tôi xin lỗi dùng từ ‘pháp y gì đấy’ vì không biết đấy là cái pháp y gì. Chính quyền bảo chỉ là ‘biên bản pháp y’ còn gia đình nạn nhân thì khẳng định là ‘kết quả pháp y’ nên chẳng biết tin ai.
Nếu cái pháp y gì đấy là nguồn gốc của mọi sự phẫn uất của người dân thì ngay từ đầu khi vụ việc bùng nổ và nếu pháp y không làm gì sai lẽ ra đã phải xuất hiện trước công chúng để giải thích cho mọi người hiểu.
Đằng này, các bác sỹ pháp y trực tiếp khám nghiệm tử thi dường như biệt tích trước dư luận để mặc cho công an nói thay lời. Công chúng còn không được biết các bác sỹ pháp y đấy là ai.
Pháp y trung ương đang khám nghiệm tử thi Nguyễn Tuấn Anh
Nguyên nhân trực tiếp xảy ra vụ việc ở Vĩnh Yên là xung quanh việc khám nghiệm tử thi
Mãi đến ngày 23/2, tức là một tuần lễ sau vụ việc, thì bác sỹ Kim Văn Mừng, người được cho là đã đứng đầu ê-kíp trực tiếp khám nghiệm tử thi nạn nhân, mới thấy lên tiếng trên trang mạng Dân Việt.
Bác sỹ Mừng khẳng định lại điều mà công an đã nhắc đi nhắc lại trước đó là chưa hề có kết quả giám định mà chỉ có biên bản khám nghiệm tức là tình trạng khách quan của nạn nhân như thế nào thì ghi lại thế đó.
Một dấu hỏi ở đây là nếu ‘biên bản pháp y’ chỉ ghi đúng sự thật khách quan là nạn nhân được tìm thấy dưới mương nước thì làm cách nào mà gia đình nạn nhân có thể hiểu lầm thành kết luận ‘nạn nhân ngạt nước chết’ được?
Lại nữa, chiếu theo quy định của Luật Tố tụng hình sự thì việc khám nghiệm tử thi là ‘phát hiện dấu vết của tội phạm’ và ‘làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án’ thì các dấu vết chấn thương trên người nạn nhân và việc ‘mắt bị lồi ra’ theo mô tả của gia đình nạn nhân có được ghi lại trong ‘biên bản pháp y’ không? Nếu có thì làm sao gia đình lại bức xúc đến vậy?
Cũng theo lời kể của vị bác sỹ này thì buổi khám nghiệm có mặt đầy đủ công an, viện kiểm soát, tổ trưởng tổ dân phố và người nhà nạn nhân. Nếu thế thì sau khi có ‘biên bản pháp y’ chắc chắn người nhà nạn nhân sẽ bức xúc ngay tại chỗ thì tại sao không có ai giải thích cho nạn nhân hiểu cơ chứ?
Viện Pháp y Trung ương cũng vào cuộc thể theo yêu cầu của gia đình nạn nhân và kết quả được loan báo là ‘không khác gì với lần khám nghiệm trước’.
Kết quả ‘không khác gì’, theo như tường thuật của truyền thông trong nước, nghe rất tù mù. Pháp y Trung ương cho biết tử thi không bị chấn thương gì bên ngoài nhưng lại kết luận ‘nạn nhân bị đánh chết’.
Thử nghĩ nếu Pháp y Trung ương kết luận khác với lần khám nghiệm trước thì vụ việc sẽ đi theo hướng nào?

Chủ tịch phân trần

Vợ Nguyễn Tuấn Anh thương khóc bên quan tài
Cái chết của Nguyễn Tuấn Anh đã gây phẫn nộ trong lòng người dân địa phương
Cho đến nay cơ quan điều tra vẫn khẳng định không có bằng chứng gì chứng tỏ sự liên quan của người con rể của Chủ tịch tỉnh Phùng Quang Hùng trong vụ sát hại Nguyễn Tuấn Anh theo như lời đồn đại.
Người con rể này cũng đã được công an mời đến làm việc hôm 19/3. Đây cũng là việc bình thường để xác định sự liên quan hay không liên quan của đương sự.
Tuy nhiên lời phân trần của ông Hùng lại có chỗ không bình thường.
Trả lời BBC ngay hôm 17/3 khi vụ việc còn đang sôi sùng sục ở Vĩnh Yên, ông Hùng đã nói rất rõ ràng về vụ án, như xảy ra lúc nào (11, 12h đêm), ở đâu (Nhà nó (vợ chồng con gái) ở cách xa mấy chục mét cơ, không ở gần đó) và cả chi tiết (uống rượu, đánh nhau).
Cũng có thể cơ quan công an đã báo cáo cho ông Hùng kết quả điều tra nên ông biết chăng? Nhưng nên nhớ lúc đó công an tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung toàn lực để xử lý vụ biểu tình.
Tuy nhiên, chi tiết bí ẩn nhất mà ông Hùng nói là ‘cái phòng nó (vợ chồng con gái) gần đó thì cũng có lúc đánh nhau chạy tán loạn vào thì nghi ngờ như vậy’.
Nói vậy thì hóa ra nhà con rể ông Hùng là nhà hoang vô chủ à? Làm sao mà côn đồ đang ẩu đả có thể chạy ra chạy vào dễ dàng như vậy được?
Chi tiết đáng ngờ nhất trong toàn bộ vụ việc là ‘đầu mối quan trọng’ Nguyễn Văn Hiệp, người đi cùng nạn nhân trong đêm xảy ra án mạng.
Điều gút mắc là tại sao khi Tuấn Anh bị đánh hội đồng, Hiệp chạy thoát được lại không kêu người đến cứu? Và rồi sáng hôm sau Hiệp không sang nhà nạn nhân xem nạn nhân đã về chưa mà phải đợi đến khi người nhà nạn nhân hỏi mới nói?
Có dấu hiệu cho thấy đây không chỉ là một vụ ẩu đả bình thường như lời công an tuyên bố.

Dân sai 'toàn tập'

Người dân Vĩnh Yên sau ngày xảy ra vụ biểu tình
Lòng dân vẫn chưa yên mặc dù chính quyền đang quyết liệt vào cuộc
Ở đây tôi nói những điều bất thường của chính quyền như thế có công bằng không khi mà chính quyền đã nói ‘không làm gì sai’ rồi mà?
Cũng Đại tá Hồ Sỹ Tiến được truyền thông trong nước dẫn lời nói: “Qua kiểm tra thấy công an tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện đúng và đầy đủ trình tự.”
Vụ việc ‘diễn biến phức tạp, làm mất an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng’ là do người hiểu sai ‘biên bản pháp y’, và ‘không hiểu biết pháp luật’ nên hành động sai trái.
Vậy là chính quyền không sai còn người dân thì sai toàn tập.
Không biết người dân có đồng ý là mình đã sai hay không. Thôi thì chính quyền nói sao thì chịu vậy. Nếu có không đồng ý thì cũng không dám cãi vì sẽ bị ghép vào tội ‘phản động’ như chơi.
Có thể thấy là người dân Việt Nam thật yếu ớt trước một chính quyền quá uy quyền!
"Qua kiểm tra thấy công an tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện đúng và đầy đủ trình tự. Vụ việc diễn biến phức tạp, làm mất an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng là do người hiểu sai biên bản pháp y, không hiểu biết pháp luật. "
Đại tá Hồ Sỹ Tiến, cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự
Ở các nước mà chính quyền do người dân bầu lên, đố ai dám nói là người dân sai. Sẽ mất phiếu bầu ngay.
Ở trên tôi có nói là chính quyền thiếu nhạy cảm với nhân dân. Nhưng mà nhạy cảm được không khi mà họ không có liên hệ với nhân dân thông qua bầu cử.
Nhưng như vậy chính quyền cũng có lợi thế là không cần sợ dân. Lợi thế đó, biết đâu, cũng có thể là tử huyệt.
Tử huyệt đó là mặc nhiên rằng người dân đã quen được lãnh đạo, được dạy dỗ nên sẽ không có chuyện phản kháng và phản kháng nếu xảy ra là ‘bất bình thường’.
Tử huyệt đó cũng ở chỗ coi thường người dân, không tôn trọng người dân đúng mức nên mới có chuyện dễ dàng nói người dân sai mà không cần hiểu tâm tư tình cảm của người dân
Sự việc ở Vĩnh Yên cho thấy không có gì là tuyệt đối. Người dân bình thường vẫn hiền lành nhưng nếu gặp chuyện cùng cực thì cũng sẽ tức nước vỡ bờ.


Copy từ: BBC

‘Con rể chủ tịch Vĩnh Yên thân nghi phạm’


Công an trấn áp biểu tình ở Vĩnh Yên
Nhiều người chưa tin tưởng vào việc điều tra vụ án Nguyễn Tuấn Anh của Công an Vĩnh Phúc
Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông qua báo chí trong nước hé lộ nêu ra một số diễn biến và tình tiết mới của vụ án sát hại Nguyễn Tuấn Anh theo hướng tập trung nghi vấn vào con rể chủ tịch tỉnh.
Trước đó, cơ quan điều tra của tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ Công an đều luôn khẳng định rằng ‘không có bằng chứng nào về sự liên quan của người nhà chủ tịch tỉnh’ trong vụ án.
Do đó, diễn biến này đánh dấu bước ngoặt trong quá trình điều tra vụ án làm chấn động thành phố Vĩnh Yên này.

Vào tù ra khám

Tình tiết mới nhất của vụ án là con rể chủ tịch tỉnh Phùng Quang Hưng ‘có quan hệ thân thiết’ với tất cả sáu nghi phạm hiện đang bị bắt giữ, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ một lãnh đạo ẩn danh của Cục cảnh sát điều tra về trật tự xã hội của tỉnh cho biết.
Tuổi Trẻ khẳng định điều này ngay trong tiêu đề bản tin sáng thứ Năm ngày 28/3: ‘Con rể chủ tịch UBND tỉnh quan hệ thân thiết với bị can’.
Tờ báo này còn cho biết người con rể này đã từng ‘có tiền án’ và từng vào tù ra khám nhưng không nói rõ bị tù về tội gì và bao nhiêu năm.
Chính trong thời gian ở tù này mà người con rể này đã quen biết với các nghi phạm. Khi ra tù, ông khai thác cát trên sông Lô nên đã thu nhận những người bạn tù này về làm việc cho công ty của ông, Tuổi Trẻ cho biết, và cho họ cư trú trong căn nhà 4 tầng ở phường Hội Hợp, gần nơi xảy ra án mạng.
Các nghi phạm sát hại Nguyễn Tuấn Anh
Cả năm nghi phạm này đều từng là bạn tù với con rể chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc
Báo Thanh niên còn cho biết khi vụ hành hung Nguyến Tuấn Anh xảy ra, các nghi phạm có chạy vào căn nhà đó lấy hung khí truy sát nạn nhân.
Căn nhà này thuộc sở hữu của Chủ tịch Phùng Quang Hùng và có cho vợ chồng ông Dũng ở một thời gian.
Cũng theo Tuổi Trẻ thì ông Dũng ‘liên quan đến một vụ thanh toán tại địa bàn tỉnh Phú Thọ’ và ‘liên quan đến hoạt động khai thác cát’ nhưng không nói rõ khai thác cát như thế nào.
Tuổi Trẻ cho biết công an cũng đang điều tra ông Dũng về hai nội dung này.

Nêu rõ họ tên

Điều đáng lưu ý lần đầu tiên tờ báo này nêu đầy đủ danh tính của người con rể này là Trần Khánh Dũng.
Tờ Người Lao Động cũng nêu thẳng tên, nhưng là Trần Anh Dũng, trong khi các báo khác như Thanh Niên, Dân Trí gọi là ông D. Còn tờ An ninh thủ đô chỉ cho biết tên là ‘anh Dũng’.
Kể từ khi vụ việc xảy ra, báo chí trong nước đã có sự thay đổi dần dần khi nêu danh tính của người này: lúc đầu là người nhà, rồi con rể chủ tịch tỉnh, sau đó là giám đốc một công ty xây dựng rồi đến ông D., ông Dũng và bây giờ là Trần Anh Dũng.
"Tôi không chịu sức ép nào cả và sẽ điều tra không nương tay dù đó là ai."
Thiếu tướng Phùng Tiến Bộ, giám đốc Công an Vĩnh Phúc
Điều này cho thấy ông Dũng không còn được bảo vệ danh tính nữa và có nhiều khả năng là một đối tượng tình nghi trong vụ việc.
Trước đó, báo chí trong nước đồng loạt dẫn nguồn tin từ Thiếu tướng Phùng Tiến Bộ, giám đốc Sở Công an tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết ông Dũng đã được triệu tập đến cơ quan điều tra để ‘làm việc’ trong hai ngày 26 và 27/3. Nội dung ‘làm việc’ không được tiết lộ.
Cách đưa tin về sự việc này cũng không được nhất quán: có báo đưa là ‘triệu tập’, nhưng có báo đưa là ‘mời’.
Báo Người Lao Động dẫn lời Thiếu tướng Bộ cho biết ngay từ khi bắt đầu điều tra ‘đã có thông tin liên quan đến gia đình chủ tịch tỉnh’.
Nếu đúng như vậy thì đây là lần đầu tiên công an chính thức thừa nhận có nghi vấn về sự liên quan của gia đình chủ tịch tỉnh mà trước đó họ nhất nhất bác bỏ.
Tờ báo này cũng dẫn lời ông Bộ nói rằng công an đang làm rõ ‘vì sao các bị can lại tá túc trong căn nhà của người thân chủ tịch tỉnh’.
Đây cũng là thông tin mà lần đầu tiên công an thừa nhận. Trước đó, việc các nghi phạm chạy vào ngôi nhà ông Dũng trong đêm xảy ra án mạng chỉ xuất hiện ở dạng tin đồn.

Phát ngôn mạnh mẽ

Thành phố Vĩnh Yên sau khi xảy ra vụ biểu tình
Người dân Vĩnh Yên vẫn xôn xao về vụ án Nguyễn Tuấn Anh
Tuy nhiên, ông Bộ cho biết cho đến lúc này, các bị can đều khai không có liên quan gì đến ông Dũng nhưng công an vẫn tiếp tục mở rộng điều tra.
Người Lao Động cũng dẫn nguồn tin từ Công an Vĩnh Phúc cho thấy đến giờ vẫn chưa tìm thấy bằng chứng chứng minh ông Dũng có liên quan đến vụ án.
Hôm 19/3, ông Dũng cũng từng phải đến cơ quan điều tra để làm việc. Tuy nhiên nội dung buổi làm việc đó cũng không được tiết lộ.
Trong một phát ngôn rất mạnh mẽ được hầu hết báo chí trong nước dẫn lời, Thiếu tướng Bộ nói ông ‘không chịu sức ép nào cả’ và ‘điều tra không nương tay dù đó là ai’.
“Bao nhiêu năm làm điều tra, tôi luôn sòng phẳng và nghiêm túc. Vấn đề người dân phản ánh liên quan đến con rể chủ tịch tỉnh sẽ tiếp tục được điều tra, làm rõ", Báo An ninh thủ đô dẫn lời ông Bộ nói.
Trong một diễn biến khác, Nguyễn Văn Hiệp, người cùng đi với nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh trong đêm xảy ra án mạng, đã trở về nhà sau nhiều ngày tạm trú ở cơ quan điều tra do lo ngại an ninh của bản thân.


Copy từ: BBC

Giáo hoàng sẽ rửa chân cho tù nhân


Giáo hoàng Francis trong buổi Lễ Lá hôm Chủ nhật 24/3
Các vị tiền nhiệm của Francis chưa từng rửa chân cho tù nhân
Giáo hoàng Francis sẽ rửa chân cho tù nhân ở một nhà tù dành cho phạm nhân trẻ ở gần Rome vào ngày thứ Năm trước Lễ phục sinh (28/3) vốn còn được gọi là Lễ thứ Năm Rửa chân.
Hàng ngàn người hành hương và du khách đang có mặt ở Rome để tham dự các nghi lễ trong suốt tuần thánh trước Lễ phục sinh.
Tục lễ rửa chân vào ngày thứ Năm trước Lễ phục sinh là truyền thống của người Ki-tô giáo để tưởng nhớ bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giê-su còn được gọi là Bữa tiệc ly.
Đây là một phần trong các hoạt động của giáo hoàng cho đến Lễ phục sinh, ngày lễ quan trọng nhất của người Công giáo.

‘Luồng gió mới’

Vào ngày Lễ phục sinh vào sáng Chủ nhật 31/3, Giáo hoàng Francis sẽ truyền sứ điệp ‘Urbi et Orbi’ đầu tiên của Ngài đến Rome và toàn thế giới.
Trong buổi triều yết ra mắt hôm thứ Tư ngày 27/3, Ngài đã kêu gọi có giải pháp chính trị nhanh chóng để giải quyết cuộc xung đột ở Cộng hòa Trung Phi sau khi phiến quân lật đổ chính quyền nước này hồi cuối tuần trước.
Tân lãnh đạo của cộng đồng Thiên chúa giáo La Mã đã đem đến cho Vatican một luồng gió mới về sự giản dị, phóng viên BBC David Willey ở Rome cho biết.
Ngài tiếp tục phá vỡ truyền thống ở Vatican trong Lễ Rửa chân này vốn trước đây chỉ rửa chân cho tín đồ bình thường tại một trong số các nhà thờ ở Rome.
Tuy nhiên lần này Ngài sẽ đến trại giam Casal del Marmo nằm ở ngoại ô thành Rome.
Cựu Giáo hoàng Benedict XVI đã từng đến thăm trại giam này hồi năm 2007 nhưng không phải vào dịp thứ Năm tuần Thánh.
Benedict XVI chỉ đích thân làm Lễ rửa chân trong hai năm đầu sau khi Ngài lên trị vì. Sau đó, Ngài giao công việc này cho các linh mục.
Để thực hiện nghi lễ này, giáo hoàng sẽ rửa và hôn chân của 12 người để tái hiện lại một cảnh trong Kinh Thánh mô tả lại hành động khiêm nhường của Chúa Giê-su đối với 12 tông đồ của Ngài vào đêm trước khi Ngài bị đóng đinh trên Thập giá.
Một số phạm nhân trẻ đã tình nguyện được giáo hoàng rửa chân trong khi một số khác được mời đến để giúp họ đỡ bối rối, hãng thông tấn Công giáo CNA dẫn lời vị giáo sỹ phụ trách nhà tù này cho biết.
Vào tối ngày thứ Sáu Tốt lành (29/3), Giáo hoàng Francis sẽ mang một chiếc thánh giá gỗ đến cầu nguyện tại đấu trường La Mã cổ Colosseum để tưởng nhớ việc Chúa bị đóng đinh.
Đến tối thứ Bảy 30/3, Ngài sẽ cử hành Thánh lễ Phục sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Peter.


Copy từ: BBC

Vụ Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam: ai bịa đặt?

TT - Có ai lại tự đốt tàu của mình khi đang lênh đênh trên biển đánh cá mưu sinh? Có ai tự phá tàu mình để gây nguy hại cho sinh mạng cả chục con người giữa biển mênh mông?
  • Một trong hai tàu đánh cá Việt Nam bị tàu tuần tra Trung Quốc rượt đuổi ở quần đảo Hoàng Sa sáng 13-3 - Ảnh: xinhuanet.cn

Những người bình thường chẳng ai lại tự đi đạp đổ nồi cơm của mình và cả của các bạn thuyền của mình. Những con người bình thường ấy chính là các ngư dân của tàu QNg 96382. Tàu cá của họ đã bị tàu Trung Quốc tấn công, bắn cháy cabin hôm 20-3. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ, kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Ngày 25-3, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc.
Ông Hồng Lỗi chối... lỗi!
Vụ việc những tưởng sẽ được phía Trung Quốc tiếp nhận, suy xét thấu tình đạt lý. Thế mà ngày 26-3, trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cứ một mực đoan chắc rằng “việc Trung Quốc có hành động là cần thiết và chính đáng. Dựa vào việc kiểm tra các phương diện liên quan, lúc xảy ra vụ việc (Trung Quốc) không hề gây ra bất cứ thiệt hại nào cho tàu cá Việt Nam”.
Tiếp theo, từ tối 26 và sáng 27-3, hàng loạt cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc, từ Tân Hoa xã, Nhân Dân Nhật Báo đến Cổng thông tin chính phủ Trung Quốc, đều đồng loạt đưa tin dẫn lời một quan chức hải quân với hàm ý phủ nhận chuyện tàu hải quân Trung Quốc đã bắn cháy rụi buồng lái tàu của ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Có thể thấy rằng các cơ quan ngôn luận này đều dựa vào bản tin đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Bản tin này viết kiểu rất quy chụp: “Ngày 26-3, người phụ trách cơ quan liên quan đến hải quân Trung Quốc cho biết cái gọi là “Tàu hải quân Trung Quốc nổ súng vào tàu cá Việt Nam khiến (tàu này) bốc cháy” là chuyện bịa đặt (...). Tàu tuần tra hải quân Trung Quốc đã nhiều lần cảnh cáo các tàu cá Việt Nam xâm nhập phi pháp vào lãnh hải Trung Quốc và yêu cầu các tàu này rời khỏi. Trước việc Trung Quốc dùng các biện pháp như thổi còi, lớn tiếng kêu gọi, ra tín hiệu bằng cờ để khuyến cáo mà vẫn không hiệu quả, tàu hải quân Trung Quốc đã bắn chỉ thiên hai phát đạn tín hiệu đỏ để cảnh cáo. Hai phát đạn tín hiệu đã hoàn toàn tắt ngúm trên không trung. Không có việc sử dụng vũ khí bắn vào các tàu cá và việc tàu cá Việt Nam bốc cháy. Các cơ quan có liên quan của Việt Nam bịa đặt cái gọi là sự kiện “bắn tấn công” là có dụng ý khác.
(...) Xuất phát từ việc bảo vệ đại cục trong mối quan hệ giữa quân đội hai nước Trung - Việt, tàu hải quân Trung Quốc từ trước đến nay chưa từng bắt giữ tàu cá Việt Nam xâm nhập trái phép. Việc tàu tuần tra hải quân Trung Quốc xua đuổi các tàu cá xâm nhập trái phép vào lãnh hải Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi trên biển của quốc gia là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp”.
Lờ đi những ứng xử tồi tệ
Giới truyền thông và quan chức Trung Quốc cứ cùng hè nhau vẽ nên hình ảnh “ứng xử tốt đẹp” của mình với ngư dân các nước mà lờ béng những hình ảnh “ứng xử tồi tệ” của mình. Điển hình như vụ 11-9-2010. Chính các tàu Trung Quốc đã bắt giam người và tài sản của ngư dân Mai Phụng Lưu ở Quảng Ngãi. Họ đã giam giữ ông Lưu ở đảo Trụ Cẩu đến 44 ngày sau mới thả, lại tịch thu toàn bộ tàu và tài sản của ông Lưu, bất chấp mọi cố gắng liên lạc từ phía Việt Nam. Mới đây ngày 9-3-2013, chính Tân Hoa xã đưa tin và hình ảnh tàu tuần tra Trung Quốc rượt đuổi hai tàu cá Quảng Ngãi ngay trên chính phần lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.
Cũng cần nhớ: trả lời phỏng vấn báo giới về Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Việt  - Trung lần 3 tại Hà Nội vào đầu tháng 9-2012, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - đã khẳng định: “Tôi và thượng tướng Mã Hiểu Thiên (phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, người tham dự cuộc đối thoại) cũng đã trao đổi cách ứng xử của quân đội hai nước khi Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại những khác biệt, bất đồng về chủ quyền (...). Đối với quân đội, hai bên khẳng định trong bất kỳ tình huống nào cũng không sử dụng lực lượng quân sự để trấn áp, ngăn cản hoặc đe dọa các hoạt động hòa bình trên biển như nghiên cứu khoa học, lưu thông hàng hải, khai thác tài nguyên... Quân đội hai nước tuyệt đối không sử dụng vũ lực để đối phó với nhau khi có vấn đề phát sinh. Đặc biệt, phía Việt Nam cũng đề xuất trên cơ sở nguyên tắc hai đảng, hai nhà nước đã ký, quân đội Việt Nam và quân đội Trung Quốc xây dựng cam kết trong bất kỳ tình huống nào cũng không được sử dụng lực lượng quân sự để xử lý vấn đề dân sự, cũng như tuyệt đối không sử dụng vũ lực đối đầu. Thượng tướng Mã Hiểu Thiên đã ghi nhận tích cực đề xuất của chúng ta và hai bên đang nghiên cứu triển khai”.
Vậy mà liên tục gần đây, quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, các tàu hải quân có trang bị tên lửa của Trung Quốc đã nổ súng...




Copy từ: Tuổi Trẻ

Quý đầu năm 2013: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại

Nợ xấu và bong bóng bất động sản là hai trong số các bê bối chính của kinh tế Việt Nam.
Nợ xấu và bong bóng bất động sản là hai trong số các bê bối chính của kinh tế Việt Nam.
DR

Mai Vân
Theo số liệu thống kê được thông báo hôm nay, 27/03/2013, GDP của Việt Nam chỉ tăng được 4,89% trong ba tháng đầu năm 2013, trong lúc trong quý Tư 2012, thì tỷ lệ tăng trưởng còn được 5,44%. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, hoạt động khó khăn của các tập đoàn, lãi suất ngân hàng cao là những nguyên nhân góp phần làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cơ quan này còn dự báo rất nhiều thử thách cho quý hai tới đây và cho cả năm 2013.

Hãng tin Pháp AFP, khi nêu bật thông tin về tăng trưởng chậm lại của Việt Nam, đã nhắc lại rằng cách đây hai ngày, Ngân hàng Trung ương Việt Nam thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ 7 trong hơn một năm, nhằm tìm cách thúc đẩy hoạt động các công ty.
AFP cũng trích lại phát biểu của thống đốc Ngân hàng Trung ương Phạm Xuân Hòe công nhận rằng nợ xấu của các công ty và hàng tồn kho bị ứ đọng rất nhiều đã tác động đến nỗ lực phục hồi kinh tế Việt Nam. Các vấn đề này không thể được giải quyết trong một sớm một chiều.
Xin nhắc lại là, tăng trưởng kinh của Việt Nam trong năm 2012 đã bị sụt xuống mức 5,03%, một tỷ lệ thấp nhất từ 13 năm nay. Trong năm 2013, chỉ tiêu của chính quyền là cố gắng đạt được 5,5%, một mục tiêu mà theo ông Vũ Đình Anh, Phó giám đốc Viện Kinh tế Tài chính, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng vấn đề quan trọng là Việt Nam cần phải « thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng có chiều sâu và bền vững hơn ».
AFP nhắc lại : Chính quyền Việt Nam đang phải đối phó với các mối lo ngại liên quan đến các khoản nợ ngân hàng, đến tình trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài bị suy giảm và một loạt các vụ bê bối tài chính trong các doanh nghiệp nhà nước như tập đoàn đóng tàu Vinashin chẳng hạn.
Trong công chúng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất mãn về hiện trạng của nền kinh tế, ngày càng có nhiều tiếng nói phê phán trên mạng internet. Tháng Mười năm ngoái, đảng Cộng sản cũng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải công khai thừa nhận những sai lầm trong quản lý kinh tế.


Copy từ: RFI

Làm người tốt thật khó.

 Bị đánh vì... trả lại của rơi

 
MAI VINH | 27/03/2013 07:56 (GMT + 7)
TT - Sự việc hi hữu vừa xảy ra tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Nạn nhân là ông Nông Văn Thanh (dân tộc Nùng, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).
  • Ông Nông Văn Thanh đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà - Ảnh: M.Vinh
Ông Thanh là một trong bốn người được bầu chọn là “Người uy tín nhất trong cộng đồng người dân tộc thiểu số của xã Tân Văn”.
Chiều 26-3, tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà, ông Thanh vẫn còn bị đau vùng bụng và ngực. Theo các thông tin từ giấy chứng thương, ông nhập viện sáng 23-3 trong tình trạng đau ở vùng lưng, ngực, mạn sườn. Chẩn đoán ban đầu được ghi rõ: “Đa chấn thương do bị đánh”.

Bỗng dưng bị đánh
“Uy tín nhất trong cộng đồng”
Ông Phan Hồng Hà, công an viên thôn Văn Minh, cho biết khi nghe ông Thanh bị công an bắt, người nhà nhờ đến bảo lãnh, ông không tin vì trong xã ông Thanh là đảng viên gương mẫu, không hề có tiếng xấu. Mới đây, tháng 1-2013, ông Thanh được bầu chọn là một trong bốn “Người uy tín nhất trong cộng đồng người dân tộc thiểu số của xã Tân Văn”. 
Đến thời điểm này ông Thanh vẫn không hiểu tại sao mình bị Công an xã Phú Hội bắt và còng tay bằng còng số 8 ngay tại chỗ đông người.
Ông Thanh kể lại sáng 22-3, ông đang làm vườn cho một người quen tên Nguyễn Thị Vân ở xã Phú Hội thì có một chiếc xe khách tấp gần đó để khách đi vệ sinh. Trong số các hành khách xuống xe có một nam thanh niên cầm một cái ví đến gặp ông và nói trong ví không có tiền, chỉ có giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe và hóa đơn mua hàng của ông Từ Phước Vinh, một người dân trong xã Phú Hội.
Thấy thế ông liền bảo: “Cậu cho tôi xin, của người địa phương tôi sẽ tìm trả lại, để người ta đi tìm mất công”. Thanh niên kia đòi ông 3 triệu đồng. Ông trả lời: “Tôi là người làm công, không có sẵn tiền, có lòng thì cho xin lại để trả lại chứ không có ý gì”. Người thanh niên tiếp tục đòi tiền nhưng không được. Khi xe bắt đầu chạy thì thanh niên này ném lại chiếc ví. Ông nhặt lấy và báo với chủ vườn là bà Vân, cả bà và ông đều thỏa thuận sẽ trả lại cho ông Vinh vào buổi trưa.
Theo lời bà Vân, khi bà và vợ chồng ông Thanh ra một quán cơm trong xã Phú Hội thì bà nhắc ông gọi ngay cho ông Vinh đến nhận lại ví. Nửa giờ sau, ông Vinh cùng hai công an viên và người nhà đến. Ngay khi nhận diện ông Thanh và thấy ông đang cầm ví, ông Vinh liền la to: “Đồng bọn của quân ăn cắp đây rồi”. Lập tức, hai công an viên áp sát ông Thanh bẻ ngược hai tay ra sau và khóa bằng còng số 8. Vợ ông Thanh là bà Nguyễn Thị Lan vì quá hoảng hốt đã nhảy vào kéo ông Thanh cũng bị bắt và khóa tay bằng còng ngay tại quán ăn.

Công an viên chưa được đào tạo
Cho chúng tôi xem vết bầm trên lưng và ngực, ông Thanh kể khi về trụ sở công an xã, ông liên tục bị gán cho tội ăn cắp ví và bị đánh liên tục bằng nắm tay, cùi chỏ và mũi giày vào lưng, hông, chân và bụng. Đến 15g, ông Phan Hồng Hà - công an viên thôn Văn Minh, xã Tân Văn, nơi ông cư trú - đến bảo lãnh thì ông mới được thả ra.
Theo ông Lê Xuân Mai - trưởng Công an xã Phú Hội, các công an viên tham gia bắt ông Thanh tên Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Thanh Hải, là lực lượng tăng cường để làm việc ngoài giờ hành chính, chưa được đào tạo nghiệp vụ. Ông Mai nói: “Có nghe anh em nói có đánh ông Thanh vài cái. Tôi đã bắt làm kiểm điểm, do chưa được đào tạo nghiệp vụ, với lại đang theo dõi vụ án trộm đột nhập nhà ông Vinh nên các công an viên này nóng ruột, hành xử không đúng mực”.
Chủ nhân của chiếc ví, ông Từ Phước Vinh, cho biết ngày 20-3, gia đình ông bị trộm đột nhập vào nhà lấy ví. “Trong lúc tinh thần không ổn định, cứ nghĩ ông Thanh là đồng bọn gọi cho ông để đòi tiền chuộc nên đã hô hào người nhà và công an xã bắt” - ông Vinh nói.


Copy từ: Tuổi Trẻ

Vinalines 'có nguy cơ phá sản'



Tàu của Vinalines
"Nếu không tái cơ cấu, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines sẽ có nguy cơ phá sản", đó là điều Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn có vấn đề về tài chính này nói tại Hội nghị Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước hôm 27/03.
Ông Lê Anh Sơn mô tả điều ông gọi là "doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ và gặp phải nhiều vướng mắc trong thực hiện kế hoạch tái cơ cấu".
Vấn đề vướng mắc cụ thể là do các ngân hàng không muốn cho khoanh nợ, trong khi đó cần “xóa nợ thì tái cơ cấu mới thành công”, ông Sơn được truyền thông trong nước dẫn lời.
Trong khi đó Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rằng "Chả ngân hàng nào không muốn khoanh nợ. Thực tế là không trả được nợ.”
Bộ Giao Thông từng chuyển một số đơn vị của tập đoàn bê bối tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về cho Vinalines trong nỗ lực tái cơ cấu Vinashin.
Được biết Vinashin cũng không khấm khá gì hơn trong kế hoạch tái cơ cấu do không cổ phần hóa được các đơn vị trực thuộc.
Ông Thăng nói rằng Vinashin cần phải đẩy mạnh bán tàu để trả công nợ trong thời hạn từ nay đến 30/06, song không rõ qua hạn đó mà chưa trả được nợ, kế hoạch tiếp theo sẽ là gì.
"Về việc đàm phán nợ với các ngân hàng, vướng ở đâu thì báo cáo ngay. Nếu cần thiết, Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ làm việc với các nhà băng để đàm phán, xử lý."
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
“Cần đưa ra kế hoạch rõ ràng xem những đơn vị nào cần giữ lại, nơi nào cho phá sản, sáp nhập...
“Về việc đàm phán nợ với các ngân hàng, vướng ở đâu thì báo cáo ngay. Nếu cần thiết, Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ làm việc với các nhà băng để đàm phán, xử lý.", ông Thăng được truyền thông trong nước dẫn lời.
Ông Thăng nói việc cụ thể hóa kế hoạch tái cơ cấu bị chậm là do một số lãnh đạo chưa sát sao và ông cũng tỏ ra không hài lòng khi Tổng giám đốc Vinalines vắng mặt trong hội nghị vì bận đi Campuchia.
“Đi Campuchia có cứu được Vinalines không”, Bộ trưởng Thăng nói.
Hồi năm 2012, ông Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nay là trưởng ban Nội chính Trung Ương, từng nói trước Quốc hội, rằng thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ở Vinalines “như chuyện đùa” và “hàng ngàn tỷ đổ sông đổ biển, xót hết cả ruột”.

Thêm phá sản năm 2013

Bộ Giao thông Vận tải đang phải gánh một số lớn các doanh nghiệp nợ, thua lỗ và dự định sẽ tiếp tục cho phá sản nhiều đơn vị trong năm 2013.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng trích đăng báo cáo của Vụ Tài chính, Bộ GTVT, hiện Vinashin đã mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu, và nếu hạch toán đầy đủ, năm 2012 Vinashin có thể lỗ hơn 2.439 tỷ đồng.
Ông Dương Chí Dũng, cựu Lãnh đạo Vinalines bị bắt hồi tháng 9 năm 2012 sau nhiều tháng bị truy nã.
Còn Vinalines được dự báo từ nay đến năm 2015 sẽ còn lỗ nặng hơn nữa do ít có các hợp đồng vận tải biển, doanh thu hai tháng đầu năm 2013 chỉ đạt ba tỷ đồng.
Theo kế hoạch tái cơ cấu Vinalines đề ra năm 2012, doanh nghiệp này sẽ phải thoái vốn 37 doanh nghiệp, và cho phá sản 4 doanh nghiệp, trong đó có Vinashinlines và Falcon.
Bộ GTVT dự kiến năm 2013 sẽ cho phá sản tiếp một số doanh nghiệp thuộc hai tập đoàn lớn trên, và cả công ty Xây dựng công trình 506, công ty thương mại và đầu tư Giao thông Vận tải, và công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải và Xây dựng.
Cùng với đó, có 33 công ty con được cổ phần hóa, mặc dù vẫn nợ, lỗ kéo dài, và theo bộ trưởng GTVT, đây là cách duy nhất để “có cơ hội tồn tại”.
Hiện Bộ có tới 88 doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, và trong ngành đang có hơn 7.000 lao động thiếu việc làm, số nợ lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động lên tới hơn 400 tỷ đồng, theo truyền thông trong nước.


Copy từ:BBC

Việt Nam cấm Cố vấn của Quốc vương Sihamoni nhập cảnh

Quốc Việt, thông tín viên RFA

P-3-305.jpg
Cố vấn Quốc vương Norodom Sihamoni, ông Son Soubert.
RFA PHOTO/Quốc Việt


Tại Campuchia, Cố vấn Quốc vương Norodom Sihamoni bị Công an cửa khẩu Việt Nam cấm nhập cảnh. Sau khi có nhiều phản ứng của dư luận, Đại sứ quán Việt Nam giải thích thế nào?

Không hợp lý

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho RFA biết sáng ngày 28/3 rằng Công an cửa khẩu Việt Nam từ chối nhập cảnh là để đảm bảo an ninh và an toàn cho quan chức cấp cao của Campuchia.
Ông Lê Minh Ngọc, phát ngôn viên của Đại sứ quán Việt Nam cho biết như vậy sau khi người dân Campuchia phẫn nộ vì Việt Nam cấm Cố vấn Quốc vương Norodom Sihamoni mang hộ chiếu Ngoại giao nhập cảnh hồi cuối tuần qua.
Ông Lê Minh Ngọc giải thích rằng ông Son Subert xin nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích tự đi du lịch, nhưng không thông báo chương trình, địa điểm thăm rõ ràng và không qua các thu xếp của các công ty du lịch sở tại. Vì vậy xét thấy khó đảm bảo an ninh, an tòan cho ông Son Subert và đoàn cùng đi nên Công an cửa khẩu của Việt Nam đã từ chối cho phép nhập cảnh.
Vào ngày 22/3, ông Son Soubert cùng năm người khác có ý định đến thăm Bảo tàng ở thành phố Hồ Chí Minh và thăm gia đình ở Trà Vinh, nhưng đã bị chặn tại trạm kiểm sóat biên giới Tây Ninh.
Tôi rất ngạc nhiên khi bị cấm nhập cảnh, lý do mà Đại sứ quán Việt Nam đưa ra, tôi không thể chấp nhận. Đây là hành vi vi phạm nhân quyền.
Ô. Son Soubert
Ông Son Soubert là Cố vấn của Quốc vương Norodom Sihamoni và thành viên Hội đồng Hiến pháp Campuchia, kiêm Phó Chủ tịch Đảng đối lập Nhân quyền. Trước đó, ông được Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh cho phép nhập cảnh nhưng bị Công an cửa khẩu từ chối không cho biết lý do.
Ông Son Soubert cho biết: “Rất ngạc nhiên khi bị cấm nhập cảnh bởi vì tôi là một người có tầm nhìn. Cùng ngày, tôi thấy có rất nhiều người có thể nhập cảnh vào Việt Nam. Lý do mà Đại sứ quán Việt Nam đưa ra, tôi không thể chấp nhận. Đây là hành vi vi phạm nhân quyền rõ ràng. Sự quan ngại của tôi không chỉ cho riêng người dân Campuchia mà tất cả mọi người dân trong khối ASEAN sau khi lãnh đạo các nước thống nhất cùng sử dụng chung một loại visa.”
Tuy nhiên, người phát ngôn Lê Minh Ngọc nói Việt Nam luôn coi trọng việc đảm bảo an ninh, an toàn cho tất cả mọi người khi đến với Việt Nam. Vì vậy không thể nói đây là hành vi vi phạm nhân quyền khi mà Việt Nam muốn bảo vệ an toàn cho họ.
Ông Son Soubert là con trai của ông Son Sann, một chính trị gia nổi tiếng Campuchia có quê quán ở tỉnh Trà Vinh. Cựu Quốc vương Norodom Sihanouk từng tuyên bố ông Son Sann là anh hùng dân tộc. Lúc còn sống, cha của ông thường xuyên cảnh báo về sự nguy hiểm của Campuchia từ nước láng giềng Việt Nam.
Ông Son Soubert gửi thư đến Bộ Ngoại giao Campuchia ngày 28/3, đề nghị Đại sứ Việt Nam giải thích thỏa đáng, nếu không ông sẽ nộp đơn khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền.




Copy từ: RFA

Công an Dương Nội bảo kê cho ai?


Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-03-27
congan-duongnoi3-305.jpg
Hung khí côn đồ sử dụng đánh người dân Dương Nội hôm 22-03-2013.
Photo courtesy of ttxva


Trong khi bọn côn đồ được nhà thầu thuế tới hăm dọa tấn công người dân Dương Nội, thì công an đứng nhìn và còn cố tình không lập biên bản hung khí cũng như tang vật gây án. Hành động này đang bị bà con Dương Nội lên án gắt gao.
Vào ngày 22 vừa qua trong khi người dân Dượng Nội kéo nhau về Hà Nội tiếp tục gửi đơn khiếu nại việc chính quyền trưng thu đất đai của họ một cách trái phép thì tại địa phương, một nhóm côn đồ kéo đến khu đất tranh chấp mà bà con đang cấy lúa để hành hung và có những lời lẽ xúc phạm mọi người. Bọn côn đồ này đã táo tợn khiêu khích tất cả mọi người và trên tay chúng lăm lăm gậy gộc, dao kiếm như sắp sửa xảy ra một trận thanh toán giữa hai phe xã hội đen mà người ta thường thấy trên phim ảnh Hồng Kông.

Hình ảnh khó chối cãi

Dư luận cả nước không khỏi xót xa khi một video clip do người dân Dương Nội tự quay được tung lên mạng cho thấy toàn cảnh bọn xã hội đen hùng hổ với người dân như chốn không người. Bọn côn đồ này trên tay cầm hung khí gồm tuýp sắt, gậy gộc, mã tấu, dao kiếm…chúng trân tráo cãi vã với người dân như bản thân chúng là chủ của những mảnh đất đang có tranh chấp. Video cũng quay lại khuôn mặt của ba công an phường Dương Nội, họ có mặt tại hiện trường và đứng nhìn bọn đấu gấu diễu võ dương oai mà không có bất cứ động thái nào đối phó với bọn này.
Người của chúng em quay phim, chụp ảnh thì họ chạy ầm ầm họ đuổi theo để phóng những con dao phóng lợn ấy vào chúng em.
Cấn Thị Thêu
Bà con đa số là phụ nữ và người già đã tỏ ra không chút sợ hãi bọn đầu gấu. Họ tập trung với nhau bao vây và truy hỏi gắt gao bọn chúng tại sao lại tiếp tay cho tập đoàn đầu tư đang cố gắng thu mua đất của bà con với giá rẻ mạt. Một phụ nữ cho công an biết sự việc xảy ra trên video clip:
“Thế này nhé, các chú này này các chú quây tôn ở chỗ bà con đang cấy lúa kia, bà con bảo thôi các chú ơi các chú cũng là con em của nhân dân các chú cứ bình tĩnh để chúng tôi có ý kiến với chính quyền rồi các chú hẳn quây tôn bây giờ các chú, bố mẹ các chú có khi cũng là nông dân các chú với chúng tôi không có thù oán gì cả.”
Video clip dài gần 24 phút do người dân quay liên tục không biên tập chỗ nào cho thấy ba công an chẳng những không có lời nói, hành động gì đối với bọn côn đồ nhưng chỉ loay hoay tìm cách che chắn cho chúng bỏ đi. Chiếc xe do bọn đầu gấu mang đến có biển sổ 30L4532 do hãng Suzuki sản xuất cũng không bị lập biên bản mặc dù người dân đã lớn tiếng cho biết chiếc xe này đã chở bọn côn đồ tới hiện trường.

Che dấu tang chứng

Ngoài chiếc xe là tang chứng công an Dương Nội còn có hành vi che dấu tội phạm thông qua việc cố tình phi tang hung khí của bọn côn đồ. Hai công an cầm tên tay hai túi đựng vợt cầu lông trong đó có chứa những con dao mà bọn đấu gấu mang tới nhằm truy sát người dân Dương Nội. Hai viên công an này cố tình muốn bỏ đi và không cho người dân thấy bên trong có gì cũng như từ chối không lập biên bản chứng cứ phạm tội.
congan-duongnoi4-250.jpg
Côn đồ cùng công an phường Dương Nội bắt người hôm 22-03-2013. Photo courtesy of ttxva.
Người dân bao vây và khăng khăng buộc hai viên công an phải trưng ra cho họ xem. Đến phút thứ 23 của video clip, thấy không thể từ chối được, công an mở bao đựng hung khí và người bình tĩnh nhất cũng phải sợ hãi khi thấy những con dao này.
Chị Cấn Thị Thêu một dân oan Dương Nội có mặt tại chỗ cho biết:
“Bọn em đang làm đơn yêu cầu chính quyền phải giải quyết đấy ạ. Sáng ngày 22 trong khi bà con đi gửi đơn ở Hà Nội thì chính quyền họ sử dụng đầu gấu, xã hội đen xâm trổ đầy mình họ đến họ quây tôn ở khu đất của bà con. Họ dùng rất nhiều dao, loại dao mà ở quê em người ta gọi là dao phóng lợn nghĩa là nó nhọn hoắc. Giống con dao chọc tiết lợn nhưng mà họ để cái cán dài khoảng 1 mét hai tới 1 mét rưỡi. Họ xông vào để đâm nhân dân. Sau đó người của chúng em quay phim, chụp ảnh thì họ chạy ầm ầm họ đuổi theo để phóng những con dao phóng lợn ấy vào chúng em. Họ dùng rất nhiều gậy. Gậy gộc tuýp sắt để đánh nhân dân.”
Ông Huynh, một cán bộ hưu trí cũng là người Dương Nội cho biết:
“Hôm  đó chưa lập biên bản tại hiện trường đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai có hiện tượng là thu vũ khí để trong hai túi cầu long và sau đó nhân dân yêu cầu thì mới mở ra đếm từ chiếc một và để xem trong đó còn có cái gì hay không. Qua cái biểu hiện đó dân người ta có nhận xét là công an bao che cho cánh làm thuê mà sử dụng vũ khí thô sơ là có cơ sở.
Công an của phường và hôm đó là các anh ấy mặc trang phục chính quy. Dân còn đưa cả bút cả giấy đề nghị lập biên bản luôn nhưng hôm đó không lập biên bản. Tự dân đưa bút đưa giấy mà họ vẫn không làm. Cái số đó không phải là người ở địa phương. Có người đoán có lẽ nó ở Hải Phòng lên có khi cũng phải gần một chục.”

Phạm pháp công khai

Qua cái biểu hiện đó dân người ta có nhận xét là công an bao che cho cánh làm thuê mà sử dụng vũ khí thô sơ là có cơ sở.
Ông Huynh
Không một chính phủ nào cho phép công an cảnh sát thuê mướn côn đồ để trấn áp người dân kể cả họ là tội phạm nguy hiểm đi chăng nữa. Chính phủ Việt Nam rất nhiều lần cho thấy không coi việc sử dụng côn đồ vào mục đích trấn áp người dân là vi phạm quyền con người miễn là mục đích trấn áp đạt được.
Người dân Dương Nội Nội khẳng định rằng hành vi đồng lõa, che dấu tội phạm và thậm chí thu nạp bọn côn đồ để trấn áp người dân phải được xem là tội phạm hình sự và cần truy cứu trách nhiệm cho người cao nhất. Nhà nước nếu cố tình che dấu, bỏ qua đường giây tội ác này vì bất cứ lý do nào cũng phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và nhân dân. Nếu xảy ra cái chết nào cho người dân thì không phải do bọn côn đồ làm mà do chính tay nhà nước trao hung khí cho chúng để làm những điều ngược lại với pháp luật lẫn đạo đức của một chính quyền luôn lớn tiếng là do dân và vì dân.
Kẻ nào là người hưởng lợi khi nông dân chịu bỏ mảnh đất của mình cho họ khai thác thì báo chí đã nói rất nhiều nhưng nhà nước cấp cao nhất vẫn cố tình không nghe, không thấy. Hành động cố ý che dấu tang chứng gây án của công an Dương Nội cho thấy chính họ là đồng phạm hoặc ít nhất là đã nhận tiền để che giấu cho đồng phạm. Những con dao sáng loáng ấy nếu nhúng vào máu của người dân thì chính quyền cũng chỉ đứng ngoài quan sát vì mọi sự đã được sắp xếp.
Người dân tự hỏi rằng chính quyền Dương Nội chỉ là cấp phường của một thành phố mà đã tỏ ra khinh thường luật pháp đến như vậy thì thử hỏi ở cấp cao hơn sẽ xem sinh mạng và quyền lợi của người dân ra sao?


Copy từ: RFA

Văn phòng HRW ở Moscow bị lục soát

Giám đốc điều hành của Tổ chức minh bạch Quốc tế tại Nga Elena Panfilova nói chuyện điện thoại tại văn phòng ở Moscow. Giới hữu trách Nga hôm nay cũng lục soát văn phòng tại Moscow của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch của Mỹ.
Giám đốc điều hành của Tổ chức minh bạch Quốc tế tại Nga Elena Panfilova nói chuyện điện thoại tại văn phòng ở Moscow. Giới hữu trách Nga hôm nay cũng lục soát văn phòng tại Moscow của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch của Mỹ.

Giới hữu trách Nga hôm nay lục soát văn phòng tại Moscow của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch của Mỹ, trong vụ việc mới nhất của làn sóng kiểm tra nhắm vào các tổ chức phi chính phủ.

Các viên chức của Văn phòng Tổng chưởng lý Nga và cơ quan kiểm soát thuế vụ cũng lục soát văn phòng tại thủ đô Nga của tổ chức Minh bạch Quốc tế, là tổ chức ở Đức chuyên chống tham nhũng.

Truyền thông Nga hôm nay loan tin các công tố viên ở xứ Cộng hòa Tartastan của Liên bang Nga đã lục soát văn phòng của một tổ chức nhân quyền địa phương có tên là Agora.

Hôm thứ hai, các công tố viên và cảnh sát thuế vụ Nga đã thực hiện một cuộc kiêm toán không loan báo trước tại văn phòng ở Moscow của Hội Ân xá Quốc tế, một tổ chức nhân quyền có trụ sở chính ở London.

Tuần trước, các giới chức ở Moscow cũng lục soát các văn phòng của Memorial, một trong những tổ chức nhân quyền lâu đời nhất ở Nga.

Hôm qua, người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên hiệp Âu châu, bà Catherine Ashton, nói rằng làn sóng kiểm tra các tổ chức phi chính phủ ở Nga là “đáng lo ngại vì dường như việc này nhắm tới mục tiêu gây tổn hại thêm cho các hoạt động xã hội dân sự của nước Nga.”


Copy từ: VOA

Biển Đông : Hải quân Trung Quốc thị uy ngay trước cửa Malaysia


Rạn san hô James Shoal, bên bờ biển Malaysia
Rạn san hô James Shoal, bên bờ biển Malaysia
DR

Trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc tại vùng Biển Đông, trong thời gian gần đây, Malaysia luôn cố tránh trực diện với Trung Quốc. Thế nhưng lập trường đó như vẫn không giúp Kuala Lumpur tránh khỏi việc bị Bắc Kinh khiêu khích. Ít ra đây là kết luận có thể rút ra được từ sự kiện Hải quân Trung Quốc không ngần ngại đến phô trương thanh thế hôm qua 26/03/2013, ngay tại một rạn san hô ở vùng cực nam Biển Đông mà Malaysia tuyên bố chủ quyền, nhưng bị Trung Quốc yêu sách.

Hành trình cũng như hoạt động của đội tàu thuộc một lực lượng đặc nhiệm đổ bộ được trang bị đầy đủ vũ khí, đã được báo chí Trung Quốc quảng bá rầm rộ. Tiểu hạm đội gồm 4 chiến hạm do chiếc tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) dẫn đầu, đã đến khu vực rạn san hô James Shoal, chỉ cách Malaysia 80 km, cách Brunei gần 200 km, nhưng cách xa bờ biển Trung Quốc đến 1.800 km, và nằm gần sát đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biẻn Đông.
James Shoal, là một rạn san hô ngầm ở khoảng 22 mét dưới mặt nước ở phía nam Biển Đông, được Malaysia đòi chủ quyền dưới tên gọi Beting Serupai theo tiếng Mã Lai, nhưng bị Trung Quốc tranh chấp dưới tên tiếng Hoa là Tăng Mẫu ám sa/Chiêm Mỗ sa (Ceng mu an).
Trong một bản tin công bố hôm qua, Tân Hoa Xã đã mô tả cảnh quân lính Trung Quốc cũng như thủy thủ đoàn tập hợp trên boong tàu Tỉnh Cương Sơn, một trong 3 chiếc tàu đổ bộ của Trung Quốc có chiều dài 200 mét, để cam kết « bảo vệ Biển Đông, duy trì chủ quyền đất nước và phấn đấu thực hiện giấc mơ một nước Trung Quốc hùng mạnh ».
Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trong số đề ngày 27/03/2013, chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp Gary Li, thuộc hãng tư vấn IHS Fairplay tại Luân Đôn, nhận định : « Đây là thông điệp mạnh mẽ khác thường : Lực lượng đặc nhiệm này được gởi đi, trong khuôn khổ một vai trò tác chiến mới, khác với các vụ tuần tra trước đây của Hải quân Trung Quốc trong khu vực ».
Nhà phân tích ghi nhận là lần này « không phải chỉ là một vài chiếc tàu, thâm nhập vào chỗ này hay chỗ khác, mà là nguyên một chiếc tàu đổ bộ loại thiện chiến, chở theo thủy quân lục chiến cùng thuyền cao tốc chạy trên đệm hơi, được những tàu hộ tống hạm thuộc loại tốt nhất trong hạm đội Trung Quốc đi theo ». Không chỉ thế, lực lượng đặc nhiệm đổ bộ này còn được chiến đấu cơ phản lực đi theo bảo vệ.
Đối với ông Gary Li, một hành động phô trương lực lượng như vậy – cả về số lượng lẫn chất lượng - chưa từng diễn ra ở một khu vực xa xôi tận miền cực nam Biển Đông này.
Theo báo South China Morning Post, hình ảnh lưu truyền trên mạng Internet cho thấy thủy quân lục chiến Trung Quốc ào ạt đổ bộ lên bờ biển, với sự hỗ trợ của tàu chạy bằng đệm hơi và trực thăng xuất phát từ chiếc Tỉnh Cương Sơn. Cuộc tập trận trải dài trong nhiều ngày, trong đó lực lượng đổ bộ đã ghé qua tất cả các đảo mà Trung Quốc đã giành được ở Trường Sa, trong đó có các đảo/đá đánh chiếm của Việt Nam cách đây 25 năm.
Thông tin về vụ tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn xuất hiện trong vùng James Shoal tối hôm 26/03 đã khuấy động giới chức quân sự trong khu vực. Một tùy viên quân sự theo dõi sát tình hình đánh giá rằng đó quả là một hành động phô trương chủ quyền khiến ai cũng phải bàn tán.
Đối với quan sát viên này : « Trường Sa là một chuyện, nhưng thị uy tại khu vực James Shoal lại là một chuyện khác hẳn. Một lần nữa Trung Quốc cho thấy là họ không ngại ngùng gì trong việc gởi một thông điệp đến cả vùng Đông Nam Á, trong năm mà Brunei làm chủ tịch ASEAN »

Copy từ: RFI

Biên phòng Đà Nẵng lật tẩy thủ đoạn mới của TQ xâm phạm chủ quyền biển, đảo


Đại tá Nguyễn Quốc Bình, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Đà Nẵng cho hay, tiếp tục mưu đồ độc chiếm biển Đông, Trung Quốc đang tăng cường tàu chiến ráo riết tổ chức diễn tập quân sự và ngang nhiên xâm phạm chủ quyền vùng biển Đà Nẵng.

Tàu BĐBP Đà Nẵng sát cánh cùng tàu cá của ngư dân trên biển để bà con ngư dân yên tâm bám biển sản xuất và bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia - Ảnh: HC
Tàu Trung Quốc diễn tập quân sự, trấn áp, xua đuổi tàu cá Đà Nẵng
Thông tin trên được Đại tá Nguyễn Quốc Bình đưa ra tại hội nghị đánh giá công tác phối hợp năm 2012 và triển khai kế hoạch phối hợp năm 2013 về quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và quản lý, bảo vệ rừng do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Sở NN-PTNT Đà Nẵng tổ chức chiều 27/3.
Theo đó, trong năm 2012, BĐBP Đà Nẵng đã phát hiện 53 lượt chiếc loại tàu hộ vệ tên lửa, tên lửa tấn công nhanh, tàu trinh sát, tàu ngư chính hoạt động trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đáng chú ý, trong thời gian từ 29/5 - 16/6/2012, hàng ngày có từ 10 - 50 tàu tổ chức diễn tập quân sự và đã có nhiều hành động trấn áp, xua đuổi tàu cá của ngư dân ta.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tiến hành khảo sát thăm dò dầu khí; cản trở, bắt giữ tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân ta tại khu vực Hoàng Sa; đơn phương công bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ ngày 16/5 - 1/8/2012; ngang nhiên mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; tổ chức đội tàu gồm 29 tàu cá với sự hỗ trợ của tàu ngư chính trắng trợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam (ngày 13/7/2012 hành quân qua khu vực Thăng Long/Tây Nam đảo Tri Tôn từ 50 - 60 hải lý).
"Mặt khác, Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm của huyện đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng cùng huyện đảo Trường Sa của Khánh Hoà; diễn tập hoạt động đội tàu Hải giám trên vùng biển Trường Sa; thành lập khu cảng bị Tam Sa... đã gây nên tình hình vô cùng phức tạp trên biển Đông, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho ngư dân ta khi ra khơi sản xuất" - Đại tá Nguyễn Quốc Bình nói.
Những thủ đoạn của Trung Quốc
Ông Bình cũng cho biết, tàu thuyền đánh cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam cũng đang tăng cả về số lượng và mật độ. Thông qua mạng thông tin trinh sát biển và theo báo cáo của ngư dân, trong năm 2012, BĐBP Đà Nẵng đã phát hiện 717 lượt tàu cá Trung Quốc trên khu vực Đông - Bắc Đà Nẵng từ 25 - 45 hải lý (tăng 553 lượt so với năm 2011).
"Thủ đoạn hoạt động của các tàu này liên tục thay đổi, đi thành từng tốp có số lượng đông, sử dụng tàu cá có công suất lớn đi trước hỗ trợ cho hoạt động của tốp đi sau; hoặc sử dụng tàu sắt lớn đi giữa bảo vệ cụm tàu 4 - 10 chiếc ngang nhiên tranh lấn ngư trường, xua đuổi tàu cá của ngư dân Đà Nẵng" - Đại tá Nguyễn Quốc Bình nêu rõ.
Trước tình hình trên, BĐBP Đà Nẵng đã chủ trì phối hợp với Sở NN-PTNT báo cáo, tham mưu với Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ NN-PTNT và UBND TP Đà Nẵng để theo dõi, chỉ đạo xử lý. Đồng thời tổ chức 1 biên đội gồm 6 tàu tuần tra xua đuổi 3 tốp với 50 lượt chiếc tàu đánh cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân hiểu được pháp lý chủ quyền vùng biển Việt Nam để yên tâm bám biển phát triển sản xuất kinh tế biển.
Đặc biệt, Đại tá Nguyễn Quốc Bình cho biết, vào ngày 22/7/2012, 2 tàu cá với 8 lao động của ngư dân Đà Nẵng trong lúc đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển Việt Nam đã bị tàu Ngư Chính 310 của Trung Quốc kiểm tra, thu giữ trái phép một số ngư cụ và hải sản trị giá khoảng 50 triệu đồng
"Tàu ngư chính Trung Quốc buộc ngư dân Đà Nẵng điểm chỉ vào tờ giấy trắng nhưng không ghi nội dung, sau đó quay phim, chụp ảnh rồi thả về. Có thể đây là thủ đoạn mới của phía Trung Quốc nhằm tạo chứng cứ giả để đấu tranh với ta. Bộ chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đã phối hợp với Sở NN-PTNT báo cáo, tham mưu với Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ NN-PTNT và UBND TP Đà Nẵng để theo dõi, chỉ đạo và đề nghị phản ảnh đấu tranh ngoại giao" - Đại tá Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.
Ngư dân hợp sức cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền vùng biển
Theo báo cáo của liên ngành BĐBP và Sở NN-PTNT Đà Nẵng, trong năm 2012, hai bên đã phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền về biển, đảo của Việt Nam; quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và quy định của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến ngư dân khi tham gia hoạt động sản xuất trên biển.
Mặt khác, triển khai hợp đồng thông tin biển với các phương tiện nghề cá có trang bị máy thông tin ICOM, thường hoạt động dài ngày trên biển. Qua đó, ngư dân đã cung cấp cho BĐBP Đà Nẵng 320 nguồn tin, trong đó có 251 nguồn tin có giá trị phục vụ tốt cho công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
BĐBP Đà Nẵng cũng duy trì đảm bảo thông tin liên lạc với các tàu cá đánh bắt xa bờ được 6.895 phiên/27.475 lượt tàu. Qua đó đã kịp thời thông tin cho ngư dân về tình hình thời tiết trên biển; hướng dẫn, bảo vệ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất và kết hợp thực hiện công tác bảo vệ chủ quyền, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Theo kế hoạch năm 2013, BĐBP và Sở NN-PTNT Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức các đợt phối hợp công tác vừa tuyên truyền, vừa tuần tra, kiểm soát tại các trạm kiểm soát biên phòng và trên vùng biển Đà Nẵng; tăng cường giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ; tiếp tục thực hiện kết nối thông tin liên lạc thông suốt giữa các tổ, các tàu xa bờ trên biển với BĐBP Đà Nẵng và Sở NN-PTNT TP...


Copy từ: Infonet

Thêm một trò bịa đặt, dối trá trắng trợn của Đài Truyền hình Việt Nam

Những đợt sóng lòng dân, hoảng hốt chống đỡ

Trước làn sóng hưởng ứng Kiến nghị của 72 nhân sĩ, trí thức đất nước về Hiến Pháp, nhà cầm quyền CSVN đã hết sức hoảng sợ và lúng túng. Đạp vào miệng Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rằng “không có vùng cấm” trong góp ý, Nguyễn Phú Trọng đã hăm dọa nhân dân cả nước rằng đó là “suy thoái đạo đức, chính trị”. Trả lời cho Nguyễn Phú Trọng, một nhà báo nhà nước – Nguyễn Đắc Kiên đã khẳng định việc vứt bỏ nội dung điều 4, thành lập một nhà nước dân chủ, tiến bộ là nguyện vọng của nhân dân. Đồng hành với Nguyễn Đắc Kiên, phòng trào Tuyên bố Công dân Tự do đã thu hút hàng ngàn người đồng loạt ký tên.
NgoclongkyKiennghiHP
Giáo dân Xứ Ngọc Long, GP Vinh nô nức ký tên vào bản Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp của nhân sĩ trí thức. Hình Nuvuongcongly.net
Chưa hết, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra một văn bản Nhận định và Góp ý. Văn bản của HĐGMVN đã thẳng thắn nêu rõ những vấn đề cơ bản cần có trong một bản Hiến pháp để đáp ứng đầy đủ quyền con người và đưa xã hội phát triển đi lên. Văn bản đó khẳng định nguyện vọng của 8 triệu người Công giáo và đông đảo nhân dân Việt Nam: Vứt bỏ nội dung điều 4 quy định sự lãnh đạo của Đảng CS, vứt bỏ tà giáo Mác – Lênin đã làm băng hoại dân tộc, đưa đất nước đến chỗ suy vong và nô lệ như hiện nay. Một bản văn hết sức súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu và diễn đạt đầy đủ các yếu tố, tâm tư nguyện vọng của mình.

Văn bản của HĐGMV như tiếng sét giữa trời quang, làm nức lòng nhân dân, tín hữu và tu sĩ trong và ngoài công giáo. Giáo dân, giáo sĩ Việt Nam hết sức phấn khởi trước văn bản này của HĐGMVN và hưởng ứng khắp nơi. Không chỉ có giáo dân, giáo sĩ mà đông đảo nhân dân, trí thức Việt Nam đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và nhất trí với văn bản này ngày càng rộng khắp.
Hoảng hốt trước tiếng nói không khoan nhượng ngày càng rộng rãi của nhân dân. Đặc biệt là sự thống nhất, khảng khái của HĐGMVN, hệ thống tuyên truyền Hà Nội đã giở nhiều ngón nghề tinh vi nhằm hạ thấp sự đồng thuận và lừa bịp dư luận. Một trong những chiêu trò đó là dùng truyền thông đánh phá trực diện các nhân sĩ, trí thức đã đau đáu vì đất nước, trăn trở vì vận mệnh dân tộc mà bất chấp hiểm nguy nói lên nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Mặt khác ra sức bịa đặt, khai thác những chiêu trò bẩn thỉu nhằm tuyên truyền, nhồi nhét sự dối trá cho cả đất nước, dân tộc này.

Những trò trẻ con

cobacbip
Cờ bạc bịp
Ngoài những bài báo cố tình bỏ qua sự thật, lấp liếm nhằm vu cáo những người ký tên kiến nghị rằng đó là “chữ ký mạo danh”, rằng đi tìm không gặp… Trò này đã bị bóc mẽ ngay bằng hàng loạt chữ ký, hình ảnh người dân ký bản Kiến Nghị và nhà đài phải câm miệng.
Chương trình thời sự tối 26/3/2013 có đoạn phóng sự “Chức sắc tôn giáo góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992”, những xảo thuật, dối trá và bịa đặt của Đài Truyền hình Quốc gia đã thể hiện rất rõ qua đoạn phóng sự này.
Mở đầu đoạn phóng sự, phát thanh viên truyền hình đọc một câu như đinh đóng cột: Vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với đất nước và xã hội là không thể phủ nhận. Đây là khẳng định của đại diện các tôn giáo của Tỉnh Bắc Ninh”.
Vậy ai đại diện cho các tôn giáo ở Bắc Ninh và khẳng định điều gì?
Sau khi đã quay hình ảnh một số nhà thờ ở Bắc Ninh với lời dẫn rằng Công giáo ở Bắc Ninh phát triển mạnh mẽ. Đoạn phim cho người xem cảm giác rằng kể cả ngôi nhà thờ mới được sửa chữa kia cũng như sự phát triển của Công giáo đều là “ơn Đảng, ơn chính phủ”. Cũng một xảo thuật ấy, hình ảnh về các chùa chiền, am tự để nói lên sự lâu đời của Phật giáo ở đây và kết luận: Những nhà tu hành trong Phật giáo thấu hiểu những giá trị và lý tưởng cao đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Rồi sau đó, một người mặc áo vàng kiểu nhà sư, đầu trọc, béo đen phát biểu như một cán bộ tuyên huấn thành thạo. Rằng không thể không nói đến vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản đã dẫn dắt đất nước, khẳng định được vai trò lãnh đạo của ĐCSVN. Người này được chú thích là Thượng Tọa Thích Đức Thiện, Phó Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội PGVN. Chắc ông sư này cũng đã “thấu hiểu những giá trị và lý tưởng cao đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam” là tôn thờ chủ nghĩa Vô Thần?
Hài hước hơn, một vị béo tốt đeo kính, trắng trẻo, mang áo nhà sư, được chú thích là Thượng tọa Thích Thanh Dũng, trụ trì Chùa Phúc Nghiêm, Thuận Thành, Bắc Ninh lên truyền hình giảng giải về luật đất đai rằng: Từ xưa các cụ gọi đất đai là công thổ quốc gia chứ không phải quyền sở hữu của riêng ai(!) Không rõ vị sư này khi bố mẹ sinh ra ở nhà ông ta, hay sinh ra ở Công viên hoặc trên đường cái? Thậm chí, ông ta còn dùng giáo lý nhà Phật mà giải thích cho đường lối của Đảng rằng: Đất đai phải là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện quản lý. Tư nhân hóa đất đai là nuôi dưỡng lòng tham, và việc từ bi bác ái sẽ kém đi, đi ngược lại tinh thần từ bi của Đức Phật. Ông còn lấn sân sang giảng giải lý thuyết công giáo rằng nó cũng trái với tinh thần bác ái của Đức Chúa Giêsu.
Thế nhưng, không thấy ông ta giải thích thế nào với tài sản quốc gia hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng bị tham nhũng, đất đai đang là của người dân bị quan chức cưỡng chiếm có phải để làm công thổ quốc gia hay xây biệt thự, sân golf bán lấy tiền chia chác? Cũng không thấy ông giải thích hộ ông sư bạn vừa phát biểu rằng không thể phủ nhận lý tưởng cao đẹp và vai trò của Đảng thì những ngôi nhà đẹp nhất, rộng nhất, những chiếc ô tô đẹp nhất, sang nhất và con cháu sống như vua chúa của các lãnh đạo là Đảng CS có nuôi dưỡng lòng tham và kém từ bi bác ái?
kt
Một “Kiệt tác” trên đường Hồ Chí Minh
Nhưng, đó là chuyện của mấy ông sư thuộc Giáo hội Phật Giáo quốc doanh với khẩu hiệu “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Đây là giáo hội của những ông sư lên diễn đàn Quốc hội hò hét đòi bắt bớ, xử lý báo chí lề trái, để chỉ trích, chửi bới những ông sư khác không theo “Định hướng Xã hội chủ nghĩa”. Nhưng không thấy nói về hiện tượng sư hôn môi, chat sex hoặc ăn chơi nhảy múa, chuyện đạo Phật đang bị tha hóa lâm vào thời mạt pháp, chuyện lợi dụng buôn thần bán thánh khắp nơi… Có vẻ như mấy ông sư này hành nghề chính trị trong chiếc áo vàng thì hợp lý hơn.
Đoạn chủ yếu của phóng sự này là một vài phút trong phòng họp. Ở đó có một số người mặc áo vàng nhà sư và một số ăn mặc bình thường. Một người đàn ông đang đề nghị thay câu “Không ai được lợi dụng tôn giáo…” bằng câu “cấm tất cả…”. Ở dưới được chú thích bằng dòng chữ “Linh mục Nguyễn Quốc Hiếu, Chủ tịch UBĐK Công giáo Tỉnh Bắc Ninh”. Tiếp theo sau, một người được ghi chú là “Linh mục Nguyễn Văn Phùng, chánh xứ Lai Tê, Giáo phận Bắc Ninh” đang nói về cụm từ “công dân có quyền tự do tín ngưỡng” nên thay bằng “Mọi người có quyền…”. Ngay sau đó, phát thanh viên đọc rằng “như trong dự thảo là phù hợp với các quyền và công ước quốc tế…”. Vậy là phần về Công giáo chấm dứt. Vậy cũng là đại diện Công giáo đã “ngầm” được coi như “Đây là khẳng định của đại diện các tôn giáo của Tỉnh Bắc Ninh”.

Lật tẩy bộ mặt dối trá 

Thực ra, đây là trò lừa đảo và dối trá trắng trợn của Đài Truyền hình Trung ương VTV, cũng là một ngón nghề xảo trá thành căn bệnh mãn tính của Đài này nói riêng và hệ thống Cộng sản nói chung.
nguyenquochieu
Cái gọi là “Linh mục Nguyễn Quốc Hiếu” do Truyền hình Việt Nam phong chức.
Thực tế, ở Giáo phận Bắc Ninh không hề có một linh mục nào là Nguyễn Quốc Hiếu, lại càng không bao giờ có một linh mục nào tham gia tổ chức mạo danh để đánh phá Giáo hội Công giáo là “Ủy Ban đoàn kết Công giáo”. Người được đưa lên truyền hình để mạo danh Linh mục, đó là một người nằm trong cái Ủy Ban này của Đảng Cộng sản. Ông này, thậm chí khi họp UBĐK còn không được bầu lên, mà là trò “suy cử” để tái giữ chức Chủ tịch UBĐKCG Bắc Ninh.
Người ta vẫn còn nhớ rõ, trước đây, khi vụ việc Thái Hà đang thời kỳ căng thẳng. Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội đã từng phong chức cho Nguyễn Huy Bá là giáo dân thành “Linh mục Nguyễn Huy Bá”. Nhân vật này được giáo dân Thái Hà tặng danh hiệu “Giáo gian” nhưng đã được công an phong chức để họp hành, bàn bạc với Giám đốc Công an Hà Nội về việc của nhà thờ và để truyền thông nhà nước đưa lên tuyên truyền.
Điều đáng tiếc cho hệ thống tuyên truyền và nhà nước ở đây là chức Linh mục không giống như tấm bằng giáo sư, Tiến sĩ của môn Mác – Lênin hoặc chuyên ngành xây dựng Đảng, nên không dễ dàng ban tặng bừa bãi. Và vì vậy nên sự dối trá rất dễ bị vạch mặt trước thiên hạ.
Còn vị linh mục Nguyễn Văn Phùng, Chánh xứ Lai Tê đã nói những gì? Theo chúng tôi được thông tin, thì các linh mục Bắc Ninh dưới sự dẫn dắt của Đức giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, Tổng Thư ký Hội Đồng Giám mục Việt Nam, hoàn toàn nhất trí với văn bản của HĐGMVN và luôn luôn phát biểu theo đúng quan điểm này. Trong cuộc họp này, linh mục Nguyễn Văn Phùng đã nói nhiều, nhưng những vấn đề cần nói, đã bị cắt bằng hết. Ở đây, họ chỉ lợi dụng hình ảnh và một số tiếng nói của ngài để thực hiện con bài cắt xén nhằm cả vú lấp miệng em, để lừa đảo toàn xã hội.
Việc làm này của Đài THVN tại Bắc Ninh, còn nhằm một mục đích bẩn thỉu xuyên tạc khác, là nhằm đánh lừa công luận rằng: Ngay trong Giáo phận của Đức Giám mục Tổng Thư ký, vẫn có linh mục đi ngược lại đường hướng của HĐGMVN vẫn đại diện tôn giáo mình để khẳng định “Vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với đất nước và xã hội là không thể phủ nhận”
Vấn đề ở đây, là việc lừa đảo, cắt xén của Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam đã là thói quen, đã là thông lệ và “được pháp luật bảo hộ”. Công dân Việt Nam không lạ gì những trò này. Người ta còn nhớ một cách sâu sắc nhất, đau đớn nhất là bài học của TGM Giuse Ngô Quang Kiệt tại UBND Thành phố Hà Nội  cách đây chưa lâu. Vì thế việc vẫn có linh mục tham gia cái gọi là “Hội thảo” này để nhà đài có thể giở con bài cắt xén và lừa bịp là một vấn đề cần quan tâm và rút ra bài học dù đã quá muộn. Không phải bỗng dưng mà cha ông ta đã có câu “Chơi với chó, chó liếm mặt”.
Cũng qua những sự việc này, càng ngày người ta càng thấy rõ thực chất vai trò và trách nhiệm của cái gọi là Ủy Ban Đoàn kết Công giáo trước Đảng Cộng sản ra sao. Các giáo phận, giáo xứ nên lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho mình khi để loại ung nhọt này tồn tại sinh sôi nảy nở trong lòng giáo hội.
Việc Đài truyền hình Quốc gia chuyên món lừa đảo, dối trá là chuyện không lạ, điều đó mỗi người dân Việt Nam ngày mỗi ngấm. Chuyện lạ là trong thời đại thông tin Internet đã lan truyền khắp mọi nhà, mà nhà đài vẫn cứ muối mặt, bất chấp nhằm tiếp tục ngón nghề này, thì mới là điều cần bàn về sĩ diện của một quốc gia, một dân tộc.
Ôi, thảm thương thay bộ mặt của một quốc gia: Đài Truyền hình Việt Nam.


 
Hà Nội, ngày 27/3/2013
  • J.B Nguyễn Hữu Vinh