Một đại úy hải quân
Mỹ bày tỏ quan điểm lên án Trung Quốc “bắt nạt láng giềng”
với thái độ về lãnh thổ biển đảo là “cái gì của ta là của
ta, còn chúng ta sẽ đàm phán xem cái gì của các người”.
Đại úy James Fanell đang gây sự chú ý của
dư luận và được báo chí tiếng Anh trích lời sau khi phát biểu
trong một đoạn
Bấm
video được trình bày ở một hội thảo của Viện Hải Quân Hoa Kỳ mới đây về Trung Quốc .
Ông nói rằng hoạt động của Hải quân Trung Quốc vươn ra đại dương chủ yếu để chống lại hạm đội của Hoa Kỳ.
Đại úy Fanell cũng gọi các cuộc diễn tập của Hải quân Quân giải phóng Trung Quốc là “để thực hiện chiến tranh” và có mục tiêu “đánh chìm hạm đội của đối thủ”.
Đảng quyền và biển đảo
Riêng về các chuyến ra biển của tàu hải giám Trung Quốc ông Fanell chỉ ra một cách nhìn nhận như sau:“Nếu bạn vẽ lại đồ họa các vụ quấy nhiễu của họ thì chúng hợp thành một tuyến có hình vòng cung mà theo thời gian đã rộng ra bao bọc lấy bờ biển các nước láng giềng của Trung Quốc, và trở thành đường chín đoạn, gồm cả toàn bộ Biển Đông...”
“Trung Quốc đang lựa cách chiếm đoạt nguồn tài nguyên của các nước khác ngay ngoài khơi bờ biển của các nước đó, theo cách cái gì của ta là của ta, còn chúng ta sẽ đàm phán xem cái gì của các người”.
Nhưng là một sỹ quan tình báo, và được báo chí Úc coi là người đóng vai trò cố vấn cho các cấp chỉ huy của Hoa Kỳ, ông James Fanell cũng nêu ra cách giải thích vì sao Trung Quốc dùng chuyện biển đảo cho cả mục tiêu chính trị nội bộ.
"Trung Quốc đang cố ý hoạt động và tăng dần dần việc chiếm đoạt quyền hàng hải của các nước láng giềng nhân danh lịch sử hải dương, điều bị phản đối trong cộng đồng quốc tế"
Đại úy James Fanell
“Trung Quốc đang cố ý hoạt động và tăng dần dần việc chiếm đoạt quyền hàng hải của các nước láng giềng nhân danh lịch sử hải dương, điều bị phản đối trong cộng đồng quốc tế, nhưng đa phần được bộ máy tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc ngụy tạo nhằm ‘giáo dục’ người dân về lịch sử hải dương giàu có của họ, chắc chắn là với mục tiêu dùng như một phương tiện duy trì quyền lực của Đảng Cộng sản."
Trong phần về Việt Nam, ông nói qua những gì ông ghi nhận từ phía Việt Nam thì nước này đang hưởng lợi từ sự ổn định trong vùng và "mong muốn Hoa Kỳ ủng hộ cho cách tiếp cận đa phương" về biển đảo.
Ông nói không ai muốn một Chiến tranh Lạnh trở lại hay một cuộc chiến Mỹ - Trung, nhưng Hoa Kỳ muốn Trung Quốc có hành xử "như một quốc gia vĩ đại, đối tác có trách nhiệm". Tuy nhiên, ông nói "đó không phải là điều" mà ông quan sát thấy trong một thập niên qua.
Theo bình luận của đài ABC từ Úc, ông Fanell cũng nói Trung Quốc nay đang tìm cách kiểm soát những vùng biển mà chưa từng được bât cứ chế độ nào mang tên Trung Hoa quản trị hay kiểm soát trong 5000 năm qua.
ABC gọi đây là một cuộc khẩu chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì một sỹ quan cao cấp của Trung Quốc cũng mới cảnh báo rằng Hoa Kỳ đang đóng vai trò 'con hổ toàn cầu' trong khi Nhật Bản đóng vai 'con sói châu Á' nhằm cắn xé Trung Quốc.
Thời gian qua, chính sách chuyển trọng tâm quân sự về châu Á của Hoa Kỳ do Tổng thống Barack Obama nêu ra được các nước trong vùng đặc biệt quan tâm.
Bản thân ông Obama sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai đã cùng Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cùng nhiều quan chức Hoa Kỳ sang thăm châu Á.
Bên cạnh Úc vốn đã cho Thủy quân lục chiến Mỹ luân chuyển qua căn cứ ở Darwin, Mỹ muốn làm sống lại cam kết an ninh với Thái Lan, mà phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, ông George Little gọi là “có lịch sử 60 năm”.
Trong lúc Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng với nhau về vùng biển Senkaku/Điếu Ngư, Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ với đồng minh lâu đời là Nhật Bản.
Gần đây nhất, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ cử một nhóm chuyên gia bom mìn của Thủy quân Lục chiến tới Việt Nam vào tháng 7 năm nay để tham gia một chương trình nhân đạo.
Copy từ: BBC