CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Đôi điều với TS Nguyễn Nhã về Hoàng Sa


Đôi điều với TS Nguyễn Nhã về Hoàng Sa


Hôm 21/12 năm 2013, tôi có dự buổi nói chuyện về Chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa do Tiến sỹ Nguyễn Nhã chủ tọa mà sau đó được nhắc đến trên diễn đàn BBC trong bài “Bấm Nhớ về ngày Hoàng Sa 19/1”.
Hôm đó, ngay sau phần thuyết trình, một người đã xin phép được gọi Tiến Sỹ Nguyễn Nhã bằng anh cho thân thiện và đã được Tiến sỹ vui vẻ nhận lời.
Nhưng tôi lại vẫn còn khách sáo và giữ kẽ nên hôm đó luôn dùng từ “Tiến sỹ”. Hôm nay xin phép được gọi bằng anh, một người đi sau có đôi điều tâm sự cùng người đi trước.
Người cử tọa thứ nhất nhờ anh xác nhận có phải anh đã phát biểu:
“Ngày trước Đài loan chiếm đảo Thái Bình, thuộc quần đảo Tường Sa, đảo này chính tôi đã đổi tên là Ba Bình. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó cũng hoan hô lắm, vì cho rằng Đài Loan là đồng minh chiếm giữ hộ.”
Lời phát biểu này đã được đưa lên diễn đàn  Đàn Chim Việt. Anh cho biết anh đã không nói như thế, nhưng anh nghĩ như vậy và ở Việt Nam có nhiều người nghĩ như vậy.

Tiến lại gần sự thật

Theo chính sử, năm 1946 Trung Hoa lợi dụng việc giải giới quân đội Nhật đã chiếm đảo Ba Bình và đóng giữ đến nay.
Gần đây có dư luận cho rằng năm 1946 họ rút khỏi đảo Ba Bình nhưng đến năm 1956 họ quay lại. Theo tôi nếu có thật báo chí miền Nam đã rầm rộ đưa tin và dư luận đã không thể để yên cho chính phủ. Là một nhà nghiên cứu về Biển Đông thấy dư luận như thế anh cần tìm ra sự thật thay vì suy nghĩ theo người khác, suy nghĩ theo đám đông.
Tôi là người thứ hai phát biểu. Sau khi chia sẻ suy nghĩ về ngày 19/1/1974, về cảm tình dành cho anh và về Tập San Sử Địa số 29 mà tôi đã được đọc trước 30/4/1975. Tôi đã góp ý anh “viết sử cần hết sức khách quan, không nên nghĩ theo, dù rằng có nhiều người nghĩ như vậy”.
Anh có trả lời nhưng dường như chưa hiểu ý tôi. Bài viết trên diễn đàn BBC anh lại cho rằng vì tinh thần dân tộc, vì tinh thần yêu nước nên anh đã thiếu khách quan.
Người thứ ba khi nghe anh trả lời tôi đã nhận xét “để có giá trị lâu dài cho hậu thế người viết sử phải trung thực không thể vì cảm tính cá nhân”.
Trong sinh họat tại Úc, khi một người thuyết trình, người tham dự thường rất thẳng thắn đóng góp xây dựng. Vì thế tôi không đồng ý khi anh mượn lời:
“…một nữ du học sinh ở Úc cũng lên phát biểu nhận xét về không khí vừa sôi nổi vừa quá khích gay gắt của một số cử tọa”.
Theo tôi hôm ấy mọi người tham dự đều rất quan tâm đến Hòang Sa, đều rất thông cảm hòan cảnh và rất tôn trọng anh.
Người dân chủ động biểu tình nhắc đến Hải chiến Hoàng Sa 1974
Hôm đó anh Nguyễn Hưng Quốc, người đồng chủ tọa, trong phần phát biểu đã cho biết đây là lần đầu tiên anh ấy nhận nói về một đề tài có liên quan đến chính trị.
Toàn buổi thuyết trình, ngọai trừ một bạn trẻ du học đề cập đến tình trạng ngư dân bị nhà cầm quyền Trung Quốc cấm đánh cá, các cử tọa khác biết anh phải về lại Việt Nam nên chỉ trao đổi những điều gì anh đã nói.
Tôi có may mắn được tiếp xúc với nhiều sử gia Úc. Họ không chỉ được đào tạo và thực hành các phương pháp sử học. Họ có căn bản vững vàng về kinh tế, xã hội, văn hóa, và nhất là về chính trị.
Sử học là môn khoa học xã hội học, học về con người. Nếu người viết sử không hiểu về chính trị, cố tránh vấn đề chính trị, hay “phi chính trị” vấn đề, thì làm sao họ có thể hiểu được các biến cố chính trị do chính con người tạo ra.
Là người, kẻ ít người nhiều đều có tính chủ quan. Nhất là khi đã tự chọn một đề tài và đeo đuổi nghiên cứu nó. Môi trường sinh họat tự do sẽ giúp cho học thuật trở nên khách quan hơn, trung thực hơn, đến gần với sự thật hơn.
Năm 1990, trong một buổi hội thảo tại Viện Đại Học Quốc Gia Úc, sau nhiều trao đổi với giáo sư sử học David Marr tôi đưa ra nhận xét ông ấy thiếu khách quan khi viết sử Việt. Ông David Marr trả lời ông ấy viết, người khác viết, ông ấy viết lại, người khác viết lại, viết cho đến khi đến gần sự thật. Ông ấy ngầm trả lời không nên xem những điều ông ấy viết ra là chân lý.
Ngày nay tôi đã đọc được nhiều công trình nghiên cứu về sử Việt khá lý thú và gần sự thực hơn.
Vì thời gian có hạn nên hôm anh Nguyễn Nhã đến Melbourne tôi chỉ đưa ra một số vấn đề nhưng chưa nói được ý.
Khi anh nhắc đến Hải Đội Hoàng Sa, tôi muốn trao đổi với anh, Hoàng Sa và Trường Sa nằm chính giữa biển Đông. Với vị thế chiến lược này nước nào kiểm soát được hai quần đảo là kiểm soát được tuyến đường hàng hải quốc tế càng ngày càng trở nên quan trọng.
Mặc dầu hai quần đảo không có cư dân, các Vua triều Nguyễn vẫn lập ra các hải đội ra vào canh phòng kiểm sóat. Việc trao tòan quyền cho những người địa phương, về chiến thuật là để họ bảo vệ quyền sống của ngư dân địa phương.
Còn về chiến lược các Vua đã nhìn xa, đã thấy trước sự quan trọng của Hòang Sa và Trường Sa, thành lập Hải Đội là để giữ gìn hai quần đảo cho hậu thế chúng ta.
Khi anh nhắc đến tiếp thu Trường Sa, 30/4/1975, anh cho biết chỉ hai ngày sau tàu quân sự Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng.
Về đề tài này, trên báo Tuổi Trẻ, có bài báo nhắc đến ký ức của người chỉ huy ông Mai Năng: “Một binh sĩ Sài Gòn nói với tôi rằng sau khi đã nhận biết đối phương qua giọng nói thì họ bình tĩnh hơn, vì lực lượng giải phóng đảo là quân đội miền Bắc, đều là đất nước Việt Nam cả”.
Vì thế khi nghe anh nói tôi đã nêu ra ý kiến nếu quân Trung Cộng tấn công Trường Sa tôi tin rằng các binh sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã nổ súng để tuyên bố chủ quyền.

Tầm nhìn chiến lược

"Tầm nhìn của ông Thiệu là tầm nhìn của người lãnh đạo quốc gia, nhìn xa, cho chúng ta ngày hôm nay có cơ hội để đấu tranh giành lại Hoàng Sa"
Việt Nam Cộng Hòa là một nước nhỏ nên chiến lược của chúng ta phụ thuộc chiến lược của nước lớn Hoa Kỳ. Năm 1971, Hoa Kỳ thay đổi chiến lược bắt tay với Trung Quốc cộng sản. Năm 1973, họ ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam, cắt giảm viện trợ và gián tiếp bàn giao miền Nam cho Khối cộng sản.
Trong thế nước nhỏ, lực yếu và đang chiến tranh, ngày 19/1/1974, khi quân Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh nổ súng theo tôi chỉ nhằm một mục đích duy nhất là xác định chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa.
Tầm nhìn của ông Thiệu là tầm nhìn của người lãnh đạo quốc gia, nhìn xa, nhìn chiến lược, nhìn cho chúng ta ngày hôm nay có cơ hội để đấu tranh giành lại Hoàng Sa.
Khi trận Hải chiến Hoàng Sa còn đang diễn ra, ngày 19/1/1974, Bộ Ngoại giao đã ra Tuyên cáo với nhận định:
“Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền và an ninh của Việt Nam Cộng Hòa, mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.” Nhận định này là một nhận định chiến lược ngày nay đã trở thành sự thực.
Cứ mỗi khi nghĩ đến Hoàng Sa, tôi đều nghĩ đến việc phải giành lại quần đảo này. Muốn giành bằng phương cách hòa bình hay bằng chiến tranh chúng ta đều cần nghiên cứu tình hình, tính khả thi và chủ động thích ứng với chiến thuật và chiến lược của các đại cường.
Công an Việt Nam dẹp biể̀u tình vì biển đảo
Biết lòng anh luôn nghĩ đến hòa giải hòa hợp dân tộc, cũng xin nhắc lại với anh bức hình được chụp ngày 19/1/2014 tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ Hà Nội, bức hình theo tôi đã nói được hai mặt của vấn đề.
Mặt chính một người lính trong quân phục Bắc Việt, ôm nón cối, tay cầm một bông hoa, đến để thương tiếc những chiến sỹ Miền Nam đã hy sinh bảo vệ Hòang Sa. Người mất người còn đã thực sự hòa giải hòa hợp trong tinh thần Tổ Quốc Bên Trên.
Cũng trên bức hình là công an những người đại diện cho chế độ tay cầm loa tìm mọi cách để giải tán, để phá tan sự nghiêm trang của buổi lễ tưởng niệm. Mặt trái của bức hình đã nói lên sự thực của cái gọi là “hòa hợp hòa giải” giữa người dân và nhà cầm quyền cộng sản.
Khi anh nói về giáo dục, tôi đề nghị anh nói với các bạn trẻ về ba căn bản triết lý giáo dục của miền Nam: dân tộc, khai phóng và nhân bản. Thiết nghĩ làm gì cũng vậy nếu thiếu đi căn bản trước sau cũng dẫn đến khủng hoảng. Từ triết lý giáo dục miền Nam vì tinh thần dân tộc chúng ta cùng quan tâm đến Hoàng Sa, vì nhân bản chúng ta mới đề cao những phương cách hòa bình để giành lại Hoàng Sa và vì tinh thần khai phóng chúng ta mới thẳng thắn trao đổi học hỏi lẫn nhau.
Cuối cùng xin cám ơn anh, nhờ bài viết “Nhớ về ngày Hoàng Sa 19/1” chúng ta mới có thể hiểu nhau hơn và tôn trọng nhau hơn và nhân dịp năm mới mong chúc anh, bạn đọc xa gần và gia đình một năm mới nhiều sức khỏe và nhiệt tâm để đi tiếp con đường giành lại những gì mình đã mất.

Copy từ: BBC


..............

Quốc tế không thừa hơi nói láo.


Đọc phản ứng của Việt Nam về vụ điều trần nhân quyền tại Thụy Sĩ, qua những kênh thông tin ở Việt Nam thật đáng giật mình lo sợ.
http://www.voatiengviet.com/content/ha-noi-chi-trich-nhan-quyen-vn-tai-upr-khong-khach-quan-thieu-chinh-xac/1846691.html

Một loạt các cường quốc bị Hà Nội cho rằng nói không khách quan, thiếu chính xác.

Hãy thử điểm các cường quốc này gồm ai.

'' Trong số các nước đưa ra những chất vấn gay gắt về nhân quyền Việt Nam có Mỹ, Canada, Australia, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật, Thụy Sĩ, Ireland, Ba Lan, Phần Lan.

Có vài nước ca ngợi Việt Nam hoàn toàn như Trung Quốc và Cuba.''

Nếu quả thật các nước nói trên không công tâm khi nói về nhân quyền Việt Nam, thiếu thiện chí khách quan thì thật đáng lo sợ. Những cường quốc đem lại kim ngạch xuất khẩu thặng dư cho Việt Nam đều thiếu thiện cảm với Việt Nam, những cường quốc mà số tiền viện trợ, cho Việt Nam vay đều đứng đầu thế giới ,những cường quốc mà nhiều bậc lãnh đạo cao cấp  Việt Nam từng học hỏi ở đất nước này lại lại thừa hơi đi nói láo Việt Nam. Như thế ảnh hưởng lắm chứ, các ông Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Đức Đam, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Minh Triết liệu tiếp thu gì ở những đất nước dối trá này.

Nếu sự thật thế này, đúng là gánh nặng tinh thần cho hàng ngàn du học sinh Việt Nam đang học tập ở những đất nước này. Hàng bao doanh nghiệp làm ăn với những đất nước này. Còn gì đau khổ , dằn vặt hơn khi phải học tập và làm ăn buôn bán với một lũ thù địch, thiếu thiện chí với người dân Việt Nam như thế ( trong trường hợp này nhà nước sẽ biến thành nhân dân ). Còn gì ê chề hơn phải đi xin viện trợ, vay tiền của bọn khốn nạn, vô lương tâm như thế nhỉ.?

Hoa Kỳ thẳng thưng, ngang ngược đề xuất.

http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/pr070214.html

''
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sách nhiễu và bắt giữ những người thực hiện các quyền hạn và các quyền tự do phổ quát, như tự do ngôn luận và lập hội. Việt Nam cũng hạn chế tự do tôn giáo, và việc sách nhiễu các nhà thờ không đăng ký vẫn diễn ra. 

Chúng tôi quan ngại về sự hạn chế đối với việc thành lập nghiệp đoàn độc lập, về việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, và việc chính phủ sử dụng lao động bắt buộc. 

Chúng tôi cũng thất vọng về việc Việt Nam ngăn cản xã hội dân sự tham gia vào toàn bộ quá trình UPR. 

Chúng tôi đề xuất với Việt Nam:
  1. Sửa đổi luật an ninh quốc gia mơ hồ được sử dụng để đàn áp các quyền phổ quát, và thả vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị, như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức;
  2. Bảo vệ các quyền của người lao động được quốc tế công nhận và tăng cường thực thi luật cấm lao động cưỡng bức; và
  3. Nhanh chóng phê chuẩn và thực thi Công ước Chống Tra tấn
(Hết tuyên bố)''

Nếu đã biết tâm địa của các cường quốc này là thiếu thiện chí, không khách quan khi đánh giá nhân quyền Việt Nam. Hẳn Việt Nam sẽ thẳng thưng bác bỏ những yêu sách can thiệp vào công việc nội bộ này.
Việt Nam sẽ không sửa đổi luật an ninh quốc gia mơ hồ. Không có thả người, không vận động 4 người trong danh sách trên chấp nhận ra khỏi nhà tù, lên máy bay để đến một nước nào đó trong số các nước thiếu thiện chí này. Hoặc vận động thân nhân gia đình họ thuyết phục họ rời đi như thế.

Việt Nam giữ nguyên luật lao động như trước kia.

Việt Nam không phê chuẩn và thực thi công ước chống tra tấn.

Bác bỏ 3 yêu sách trên, Việt Nam sẽ chứng minh rằng những gì Việt Nam làm là hoàn toàn đúng đắn. Những lời chỉ trích của các cường quốc kia là hoàn toàn xuyên tạc.

Chỉ e rằng sắp tới Việt Nam vận động để người tù nào trong số 4 người kia chịu chấp nhận ra khỏi nhà tù lên máy bay đi sang nước khác. Đồng thời Việt Nam sửa đổi luật lao động, phê chuẩn thực thi công ước chống tra tấn. Khi những điều này xảy ra, chứng tỏ quốc tế không thừa hơi đi nói láo cho Việt Nam như ông Lương Thanh Nghị phàn nàn.

Điều thứ hai và thứ ba tất phải đến.

Còn điều thứ nhất. Cái này dành riêng cho bạn đọc.

Có thể một trong số 4 người kia không chấp nhận cách ra khỏi nhà tù kiểu như vậy. Như thế Việt Nam sẽ có cớ nói với các nước rằng, chúng tôi đã tạo điều kiện nhưng những người này không muốn thế. Mặt khác họ nói với trong nước rằng - dù quốc tế đòi hỏi thế nào cũng phải chịu, không can thiệp được vào nội bộ pháp luật Việt Nam, những người này là những tên tội phạm, cường quốc nào cũng không bênh vực được.

Nếu một trong 4 người chấp nhận đi. Đó là một điều khổ tâm của họ. Tất cả những con người ấy đã chứng tỏ sự can đảm của mình bằng những mức án tù dài mà không một lời van xin hay nhận tội . Chúng ta những người quý mến họ, không nên buồn khi họ ra đi. Trái lại chúng ta nên vui họ đã tự do, và vui hơn nữa là những lời phê phán và đòi hỏi về nhân quyền của những quốc gia có lương tri là hiệu quả.

Như thế cũng để rõ rằng, quốc tế không thừa hơi nói láo về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Copy từ: Người Buôn Gió’ blog


..............

'Dân một đằng, chính quyền một nẻo'



Trong lịch sử Việt Nam, dân chở thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền

Bất cứ một chính thể nào nếu bị dân quay mặt đi và không ủng hộ sẽ không có cơ hội tồn tại, theo ý kiến của một nhà xã hội học từ Việt Nam.
Lịch sử cho thấy các chính thể cộng sản ở Liên Xô cũ và khối Đông Âu trước đây, và các nước độc tài ở Bắc Phi và Trung Đông trong Mùa Xuân Ả-rập gần đây sụp đổ vì "xa rời" nhân dân, ông Nguyễn Đức Truyến nói.
Theo ông, từng có nhiều triều đại hùng hậu ban đầu trong lịch sử Việt Nam, nhưng đã không tránh khỏi suy vong khi đánh mất sự ủng hộ của nhân dân, những người như lời Nguyễn Trãi nói là có thể "chở thuyền và cũng có thể lật thuyền".
Trao đổi với BBC hôm 09/2/2014 từ Hà Nội, ông Nguyễn Đức Truyến, nguyên Trưởng phòng Xã hội học Văn hóa, Viện Xã hội học Việt Nam cho rằng không có một chính thể, thể chế, đảng phái chính trị nào có thể thoát khỏi một quy luật khách quan.
Họ sẽ bị đào thải nếu đặt quyền lợi tối thượng của mình lên trên quyền lợi, lợi ích của nhân dân, dân tộc và đất nước, ông nói.
"Những thiết chế đã sụp đổ thực sự là những thiết chế đã xa dân..."
"Dân tộc Việt Nam nói như là tử vi 'tôi sinh vào giờ ấy thì chẳng làm được gì nên hồn cả', thì tôi nghĩ không đúng"
Tức là thiết chế đó chỉ hướng vào phục vụ bản thân chính thể của nó thôi, còn nó không chú ý gì đến đời sống của người dân, những nguyện vọng của người dân, cho nên dần dần người ta quay lưng lại, người ta không ủng hộ nó nữa,"
"Khi người dân đã quay lại bất hợp tác với hệ thống chính trị đó, thì hệ thống chính trị đó, cho dù thế nào, cũng không thể nào giữ được, không thể ổn định được và bản thân nó tự sinh ra lủng cũng, sinh ra mâu thuẫn và đi đến tự sụp đổ."

Ưa ổn định hơn đột biến?

Gần đây, một nhà Việt Nam học từ Sài Gòn, giáo sư  Trần Ngọc Thêm nêu quan điểm cho rằng Việt Nam có xu hướng ưa một sự chuyển đổi xã hội và thể chế "từ từ, không xáo trộn" hơn là "đột biến", có thể gây "đổ vỡ lớn" như ở phương Tây.
Hôm 31/01/2014, giáo sư Thêm, hiện là Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Đại học Quốc gia TPHCM, nói với BBC:
"Đặc biệt với Việt Nam, nó là nền văn hóa âm tính, và cách biến đổi của nó là từ từ, không xáo trộn, không gây những đổ vỡ lớn. Trừ những giai đoạn xung đột bên trong bên ngoài, ví dụ như chống giặc ngoại xâm, thì nó lại là chuyện khác, còn khi nội bộ với nhau thì nó là sự biến đổi từ từ."
Bình luận về quan điểm này, ông Nguyễn Đức Truyến nói:

"Tôi không đồng ý, vì vấn đề chứng minh cái đó thì không có gì chứng minh điều đó cả. Nhưng tôi lại nghĩ rằng người Việt Nam rất hay có đột biến, Cách mạng Tháng Tám là đột biến...
"Chúng ta không nói đến những nguyên nhân, không nói đến những yếu tố này, yếu tố kia, nhưng tại sao các nước khác vẫn còn đang trong vòng nô lệ, thì Việt Nam đã là nước đầu tiên thoát ra khỏi vòng nô lệ ngay sau thời kỳ Thế chiến thứ Hai, còn trước cả Trung Quốc?"
Tiến sỹ Truyến cho rằng dân tộc Việt Nam không phải là một 'dân tộc cam chịu' mà trái lại là một dân tộc 'bất khuất' qua suốt quá trình lịch sử quốc gia, dân tộc tới nay.
"Dân tộc Việt Nam nói như là tử vi 'tôi sinh vào giờ ấy thì chẳng làm được gì nên hồn cả', thì tôi nghĩ không đúng."
Đầu năm Giáp Ngọ, tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng, một cây bút đấu tranh dân chủ từ Sài Gòn cho rằng một kịch bản "chuyển đổi êm dịu" mà ít nhiều tương tự cách nhìn của giáo sư Thêm đặt ra là rất khó thực hiện được khi chính quyền không giải quyết tận gốc các bất công xã hội.
Ông Dũng giải thích với BBC hôm 02/2/2014 rằng mô hình giải quyết điểm nóng của chính quyền từ nhiều năm về trước, hiện đã không còn phát huy tác dụng nữa.
Ông bày tỏ quan ngại rằng nhiều vụ xung đột với số đông người dân, dân oan tham gia có thể trở thành các thách đố thực sự với chế độ từ nay trở đi.

Thiếu kịch bản

Ông Dũng nói: "Tôi có cảm giác rằng chưa có một kịch bản hoàn hảo nào từ phía chính quyền được đặt ra để giải quyết những điểm nóng như vậy,
"Mặc dù lý thuyết về điểm nóng, giải quyết xung đột về điểm nóng đã đặt ra từ năm 2000, đặc biệt để giải quyết những phong trào đất đai, về dân oan đất đai, nhưng thực tế đã chứng nghiệm rằng lý thuyết giải quyết điểm nóng của các cơ quan chính quyền Việt Nam là không thành công."
Các cuộc xuống đường ở Campuchia thu hút hàng nghìn người
Theo tiến sỹ Dũng, trong năm qua có những phong trào đấu tranh của người dân, như tại một huyện ven biển tỉnh Quảng Ngãi, đã buộc ban lãnh đạo tỉnh phải trực tiếp xuống địa phương đối thoại với dân.
Ông đặt vấn đề, nếu không có phương thức giải quyết thỏa đáng, những con số "một ngàn" như vậy có thể mở rộng thành "hàng chục ngàn" như ở Campuchia, và thậm chí tăng triển thành "cả triệu người" như ở Thái Lan, thì vấn đề sẽ thực sự trở nên rất khó giải quyết hơn cho chính quyền.

Vẫn còn hai mặt?

Đầu năm 2014, trong các thông điệp chính trị đưa ra dịp Tết, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đều bày tỏ quyết tâm đẩy mạnh dân chủ, chống tham nhũng và khắc phục lòng tin của người dân với Đảng Cộng sản.
Các phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kiểm điểm về thành tích nhân quyền tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (UPR) 2014 ở Genava, và muốn ký kết Hiệp định Đối tác Hợp tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, theo dõi tình hình nhân quyền ở trong nước mấy năm trở lại đây, một số nhà quan sát cho rằng chính phủ dường như vẫn còn có khoảng cách giữa nói, hứa và làm, giữa có luật và thực hiện nghiêm túc luật trên thực tế.

Hôm 6/2, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC:
"Pháp luật, chỉ vô hình thức, thì nhìn đâu cũng thấy có, nhưng mà rõ ràng khi áp dụng thì tùy tiện, pháp luật mù mờ và chưa có một điều luật bảo vệ quyền, nhân quyền của người công dân một cách thực sự."
Theo luật sư Thuận, nhiều quyền cơ bản của người dân vẫn còn bị hạn chế, nhất là về các quyền tự do bầu cử, tự do báo chí, quyền phản biện với các chính sách luật pháp hiện hành chứ không chỉ là những dự thảo, dự án chính sách, luật pháp.
Ông nói:
"Luật pháp Việt Nam, cái mà người ta đang nói nhiều là quyền mang tính phổ quát nhất là được quyền ứng cử và bầu cử, mà bầu cử trên báo chí công khai, nhiều người cũng nói công khai rồi là 'Đảng cử, dân bầu', chứ không có một cuộc ứng cử thực sự ở Việt Nam."

Copy từ: BBC


.............

Một đề nghị chân thành với các đảng viên CS chân chính



Thiện Ý
 
 I/- THẾ NÀO LÀ MỘT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN CHÂN CHÍNH?
Theo quan niệm của chúng tôi, một đảng viên cộng sản chân chính phải là người ngay từ khởi đầu đã ngay tình tin theo lý tưởng cộng sản như là một lý tưởng cao đẹp, đã gia nhập đảng Cộng Sản là để có điều kiện, phương tiện và cơ hội thực hiện chủ nghĩa cộng sản: giải phóng giai cấp trong xã hội hiện tại có giai cấp bị áp bức bóc lột, để xây dựng một xã hội mới trong tương lai ngày một tốt đẹp, đi từ bất hoàn: Xã hội xã hội chủ nghĩa (còn giai cấp, còn nhà nước của giai cấp vô sản do đảng Cộng sản cầm quyền (Chuyên chính vô sản), mọi người làm việc theo năng lực, hưởng theo sức lao động bỏ ra, từng bước hình thành những con người mới xã hội chủ nghĩa, sống vì mọi người, mọi người vì mỗi người…) tiến tới xã hội viên mãn: xã hội cộng sản chủ nghĩa (Không còn giai cấp, không còn nhà nước, mọi người lao động tự giác, làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu, tài hóa xã hội dư thừa, mọi nhu câu được thỏa mãn, mọi người được sống ấm no, tư do hạnh phúc như một thiên đường nơi trần thế, “Thiên Đường Cộng Sản”…) . Thế nhưng, sau nhiều năm hy sinh chiến đấu giành được chính quyền, thực hiện chủ nghĩa cộng sản, đã kịp thời “phản tỉnh” khi nhận thức được lý tưởng cộng sản chỉ là “không tưởng” (lý tưởng dù cao đẹp nhưng không thể thực hiện được) và việc thực hiện chủ nghĩa cộng sản đã chỉ đem lại những hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho nhân dân, dân tộc và đất nước. Phản tỉnh về nhận thức chưa đủ (phản tỉnh nửa vời), người đảng viên cộng sản chân chính còn phải can đảm chứng tỏ bằng hành động cụ thể trên thực tế để sửa đổi, chấm dứt những tác hại cho nhân dân, dân tộc và đất nước (phản tỉnh hoàn toàn).

Lấy trường hợp cố cựu đảng viên cộng sản Lê Hiếu Đằng làm một điển hình về người cộng sản chân chính đã “phản tỉnh”. Ông Lê Hiếu Đằng khởi đầu đã thực tâm và có thiện chí khi tin theo lý tưởng cộng sản là cao đẹp và đã gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam để có điều kiện và cơ hội thực hiện chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Nhưng sau khi nhận thức được rất sớm, chỉ một vài năm sau ngày 30-4-1975 (Phản tỉnh nhận thức mang tính nửa vời) về lý tưởng cộng sản (cao đẹp nhưng không tưởng) và việc thực hiện chủ nghĩa cộng sản là không thể (chỉ gây tác hại nhiều mặt, lâu dài cho dân, cho nước)đảng viên cộng sản Lê Hiếu Đằng mới đây, trước khi qua đời, đã “phản tỉnh hoàn toàn” qua hành động công khai tuyên bố ly khai đảng Cộng Sản Việt Nam và một số hành động tiếp theo.

II/- VÌ SAO NGƯỜI ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN CHÂN CHÍNH CẦN HÀNH ĐỘNG KỊP THỜI ĐỂ CỨU DÂN, CỨU NƯỚC VÀ TỰ CỨU?

 Sau khi “phản tỉnh hoàn toàn”, đang nằm trên giường bệnh, ông Lê Hiếu Đằng đã cố gắng nhắn nhủ với các đảng viên công sản cùng cảnh ngộ như mình, rằng:

 “ … Tôi muốn nhắn anh chị em đảng viên trong đảng còn tâm huyết thì không có thời điểm nào thuận lợi bằng thời điểm này để tỏ thái độ để đấu tranh. Nếu bây giờ cứ nói tình hình lúc này chưa chín muồi, hoặc là chưa đúng lúc, thì bao giờ mới đúng lúc, mới chín muồi? Chính mình phải tác động để tình hình chín muồi chứ không lẽ ngồi chờ sung rụng à? Quan điểm ấy rất là tiêu cực, mọi người phải tích cực lên, đấu tranh mạnh mẽ, kể cả không sợ bắt bớ tù đày.. .. Tôi hy vọng nhân sỹ trí thức đừng có đặt vấn đề chưa chín muồi hoặc là chưa đúng lúc. Chín muồi là do tác động của xã hội dân sự. Xã hội dân sự mạnh lên thì sẽ có tác động. Mà muốn xã hội dân sự mạnh thì nhân sỹ trí thức phải làm.Vậy thôi.”(Nguồn Bô Xít VN)

Trong lời nhắn nhủ viết trên đây, ông Lê Hiếu Đằng đã đề cập tới tình trạng còn chần chờ không giám “tỏ thái độ để đấu tranh” của “anh chị em đảng viên trong đảng còn tâm huyết”, vì cho rằng “tình hình lúc này chưa chín muồi, hoặc là chưa đúng lúc” để thúc đẩy họ rằng “Chính mình phải tác động để tình hình chín muồi chứ không lẽ ngồi chờ sung rụng à?”.

Theo nhận định của chúng tôi, dường như cụm từ “tình hình chín muồi” mà ông Lê Hiếu Đằng đề cập ở đây là rút ra từ luận điểm “Tình thế cách mạng chín muồi” của lãnh tụ Cộng đảng Liên Xô Vladimir Lenin, một trong những luận điểm về đấu tranh giai cấp nhằm lật đổ chính quyền tư sản với tính chất là công cụ của giai cấp thống trị trấn áp, bóc lột nhân dân( như “ ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” và rằng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”…).

Theo lý luận Mác - Lê “Tình thế cách mạng chín muồi” là lúc mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và các giai cấp bị trị không thể điều hòa được nữa, đã trở thành “mâu thuẫn đối kháng” (một mất, một còn).Nghĩa là một “mâu thuẫn đối kháng” giữa thiểu số giai cấp thống trị với tuyệt đại đa số các giai cấp trong xã hội, thuộc mọi tầng lớp nhân dân bị trị. Nghĩa là một “mâu thuẫn đối kháng” giữa nhà cầm quyền với toàn xã hội. Trong tình thế đó, giai cấp thống trị bị cô lập hoàn toàn, các lực lượng bảo vệ giai cấp thống trị (như quân đội, công an…) đều đứng về phía nhân dân. Một cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân nổ ra trong “Tình thế cách mạng chín muồi” này nhất định thành công, giai cấp thống trị sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt.

Đó là một thực tế đã xẩy ra đưa đến sự sụp đổ của chính quyền nước đầu tiên thực hiện chủ nghĩa cộng sản là Liên Bang Xô Viết vào đầu thập niên 1990. Vào thời điểmn đó ở Liên Xô (cũ), “Tình thế cách mạng chín muồi”, nên đông đảo quần chúng nhân dân Liên Xô đã xuống đường bao vây viện DUMA (Quốc hội Liên Bang Nga), các lực lượng vũ trang bảo vệ nền chuyên chính vô sản Liên Xô đành thúc thủ không giám đàn áp nhân dân nữa.Chế độ độc tài toàn trị Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết sụp đổ hoàn toàn,không đổ máu, sau hơn 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội đã thất bại (1917-1991). “Tình thế cách mạng chín muồi” tương tự cũng hình thành ở các nước cộng sản Đông Âu đã đưa cuộc cách mạng không đổ máu của mọi tầng lớp nhân dân các nước này đến thành công, tạo tiền đề dân chủ hóa đất nước của họ vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90. Tính đến nay đã trên 20 năm nhân dân các nước này đã tương đối được sống tự do, ấm no, hạnh phúc trong khung cảnh chế độ dân chủ pháp trị, đa nguyên, đa đảng dù còn phôi thai với nhiều bất hoàn song mỗi ngày một được hoàn chỉnh.

Như vậy “Tình thế cách mạng chín muồi” ở Liên Xô cũng như các nước cộng sản Đông Âu trước đây, không phải tự nhiên xuất hiện mà là một quá trình đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân Liên Xô, nhân dân các nước CS Đông Âu, trong đó sự “phản tỉnh kịp thời” của các lãnh tụ hàng đầu cũng như tập thể các đảng viên cộng sản của đảng cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản các nước Đông Âu, đã đóng vai trò quyết định thành công sự chuyển đổi chế độ chính trị từ “độc đảng, độc tài toàn trị qua đa đảng, dân chủ pháp trị” chóng vánh, hòa bình, không đổ máu nhân dân, không làm tan hoang đất nước.

 Vì vậy thiết tưởng đã đến lúc các đảng viên cộng sản trong đảng Cộng sản Việt Nam cần gấp rút hành động kịp thời, bằng cách thúc đẩy sao cho “Tình thế cách mạng chín muồi”mau chóng hơn “chứ không lẽ ngồi chờ sung rụng à?” như ông Lê Hiếu Đằng đã viết.

 Vì thực tế “Tình thế cách mạng chín muồi” đã, đang và sắp hình thành tại Việt Nam, chỉ cần các đảng viên cộng sản Việt Nam noi gương các lãnh tụ cộng sản quốc tế và tập thể đảng viên cộng sản Liên Xô cũng như các nước cộng sản Đông Âu trước đây, làm theo lời kêu gọi của ông Lê Hiếu Đằng: hãy “Phản tỉnh tập thể”, công khai tuyên bố rút ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam, cảnh tỉnh và cô lập các lãnh đạo đảng và nhà nước hàng đầu bảo thủ, ngoan cố, tạo ra “Tình thế cách mạng chín muồi” để cuộc cách mạng không đổ máu của quần chúng nhân dân nổ ra nhất định thắng lợi, như thắng lợi của nhân dân Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu đã giành được hơn 20 năm trước đây (1989-2014).

 III/-KẾT LUẬN:

Chúng tôi ước mong bài viết đề nghị chân thành và xây dựng nhân ngày đầu năm 2014 này sẽ được sự quan tâm của các đảng viên cộng sản chân chính trong đảng Cộng Sản Việt Nam, nhất là những đảng viên được kết nạp vào đảng CSVN từ cái gọi là “Phong trào thanh niên, sinh viên đấu tranh chống Mỹ Thiệu” (như cố cựu đảng viên CS Lê Hiếu Đằng và nhiều đồng môn cựu sinh viên luật khoa và các phân khoa khác thuộc viện Đại Học Sài Gòn…).

Các đảng viên cộng sản Việt Nam chân chính, không phải chỉ quan tâm mà cần có hành độ cụ thể,kịp thời để cứu dân, cứu nước và tư cứu mình. Đồng thời còn có đủ thời gian và cơ hội làm được những điều tốt đẹp cho dân cho nước, như là hành động “đoái công chuộc tội”. Bởi vì bao năm qua đã lỡ tin và làm theo đảng Cộng Sản Việt Nam, do ngay tình lầm tưởng tính nhân đạo và cao đẹp của chủ nghĩa cộng sản(không tưởng), song thực tế đã chỉ gây tai họa, để lại hậu quả nghiêm trọng, toàn diện, di hại lâu dài cho nhân dân, dân tộc và Đất nước.


Copy từ: VOA


..............

Bỏ Đảng vì 'nhiều lý do khác nhau'



Ông Đặng Xương Hùng tại hội thảo ở Geneva hôm 4/2
Ông Đặng Xương Hùng nói ông đã theo Đảng Cộng sản 30 năm
Cựu lãnh sự Việt Nam ở Thụy Sỹ, ông Đặng Xương Hùng, nói với BBC có nhiều yếu tố khác nhau khiến ông rời bỏ Đảng Cộng sản và xin tị nạn chính trị ở Thụy Sỹ.
Ông nói ông đã có 30 năm theo Đảng Cộng sản và đã phải quyết định "đi nốt con đường còn lại hoặc tỏ thái độ".
Một trong những lý do khiến ông rời bỏ Đảng là những thay đổi mà ông và nhiều người mong đợi đã không đến trong lần sửa đổi Hiến Pháp vừa qua.
"Cái thay đổi đó nó phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, nó phù hợp với yêu cầu của cả dân tộc, nó phù hợp với xu thế chung của cả thế giới hiện nay, ông Hùng nói.
"Ta đã sang đến thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn Chủ nghĩa Mác Lê-nin, vẫn còn tương tự như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba thì ra nước ngoài thật ngượng."
Khi được hỏi về lý do chính khiến ông có quyết định "tỏ thái độ" khi đã ngoài 50 và có nhiều năm làm việc trong ngành ngoại giao và liên quan những đồn đoán về những lý do cá nhân như vợ và con ông đã đang ở Thụy Sỹ, ông nói:
"Bởi vì từ bỏ những yếu tổ đó là từ bỏ những sự thúc đẩy của quyết định của mình bởi vì quyết định của mình là sự giằng xé rất nhiều những yếu tố khác nhau, từ yếu tố quan điểm chính trị của mình cho đến yếu tố giàn xếp vấn đề gia đình, cho đến những yếu tố giằng xé quan hệ bạn bè rồi những yếu tố về đồng nghiệp, sự quan hệ với nhau bởi vì sự ra đi của mình có thể làm cho một số người rất khó xử.
"Tôi có thuận lợi hơn là tôi có vợ con ở bên này và cái đó là yếu tố thuận lợi hơn so với người khác để mình dễ vượt qua, dễ tỏ thái độ của mình."
Ông Hùng nói vợ ông và hai con sống và học tập ở Thụy Sỹ từ năm 2000 khi ông tới làm việc ở Bỉ lúc con trai ông mới chín tuổi và con gái ba tuổi.
Cựu lãnh sự nói thêm người thân của ông ở Việt Nam rất lo lắng và khuyên ông không nên nói thêm nữa trong khi "nhiều bạn bè im lặng và không có trao đổi tiếp tục nữa."

Ngoại giao 'kênh' với công an

Đề cập tới phiên điều trần nhân quyền hôm 5/2 của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, ông Hùng đánh giá Hà Nội đã có tiến bộ khi cả Thứ trưởng Hà Kim Ngọc và Đại sứ Nguyễn Trung Thành đều khẳng định phiên kiểm điểm nhân quyền vừa qua là trao đổi "hai chiều" và Việt Nam cũng cần "lắng nghe" ý kiến của các nước khác.
Nhưng ông nói ở Việt Nam có sự "kênh nhau giữa các bộ ngành" trong cách ứng xử về nhân quyền.
"Bộ Ngoại giao trong chừng mực nhất định họ cũng rất quan tâm đến nhân quyền cho người dân và người ta cũng rất quan tâm đến lo ngại của cộng đồng quốc tế đối với tình hình nhân quyền trong nước," ông Hùng nói.
"Bộ Ngoại giao trong chừng mực nhất định họ cũng rất quan tâm đến nhân quyền cho người dân và người ta cũng rất quan tâm đến lo ngại của cộng đồng quốc tế đối với tình hình nhân quyền trong nước. Tuy nhiên sự mong muốn đó của Bộ Ngoại giao không hẳn gặp phải sự đồng tình của các bộ khác, thí dụ Bộ Công an, Quốc phòng ... đều có những mục tiêu khác."
Cựu lãnh sự Đặng Xương Hùng
"Tuy nhiên sự mong muốn đó của Bộ Ngoại giao không hẳn gặp phải sự đồng tình của các bộ khác, thí dụ Bộ Công an, Quốc phòng ... đều có những mục tiêu khác."
Cựu lãnh sự nói đối với một số chính trị gia Việt Nam "sự tồn vong" của Đảng được ưu tiên hơn "hòa nhập quốc tế" và ưu tiên này được đẩy lên cao trong thời gian gần đây.
Theo ông, Bộ Ngoại giao đã có những can thiệp để không xảy ra những vi phạm nhân quyền, những vụ bắt bớ mỗi khi Việt Nam cần có quan hệ tốt với các nước, nhất là Hoa Kỳ nhưng Bộ Công an có thể không nghe theo vì những lý do của riêng họ.
"Các bộ không bị ảnh hưởng về lợi ích mà chỉ có nhân dân là người được đưa ra làm vật bố thí cho căng thẳng giữa bộ này với bộ kia," ông Hùng nói.
Khi được hỏi về sự chi phối của Bộ Công an với những người công tác ở nước ngoài như trong thời gian ông làm lãnh sự ở Thụy Sỹ từ năm 2008-2012, ông Hùng nói tầm ảnh hưởng của công an Việt Nam không lớn bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Ông nói vai trò của công an ở các cơ quan ngoại giao chủ yếu là quản lý xuất nhập cảnh các đối tượng mà Việt Nam "không thích".
Ông dẫn ra trường hợp một linh mục 85 tuổi từng phục vụ trong chế độ cũ muốn từ Thụy Sỹ về Việt Nam sinh sống nhưng không thể nhập cảnh dù đã được cấp visa.
Tuy nhiên ông cũng nói ông đã can thiệp để tên của linh mục được đưa ra khỏi danh sách cấm nhập cảnh do hoàn cảnh đã thay đổi.
Ông Hùng nói với BBC ông hy vọng Thụy Sỹ sẽ chấp nhận đơn xin tị nạn của ông trên tinh thần tôn trọng nhân quyền.

Copy từ: BBC


..............

Phong trào dân chủ, phát triển và những yếu điểm


Kính Hòa, phóng viên RFA 2014-02-09
Nhóm các cá nhân và đại diện Tổ chức Phi chính phủ (NGO) tham dự Sự Kiện Ngày Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở Geneve chụp ảnh lưu niệm với các khách mời.
Nhóm các cá nhân và đại diện Tổ chức Phi chính phủ (NGO) tham dự Sự Kiện Ngày Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở Geneve chụp ảnh lưu niệm với các khách mời ngày 4 htáng 2, 2014
Vietnam UPR – Facebook
Nghe bài này
Diễn đàn Bạn trẻ có mục đích nối kết tất cả những người Việt Nam trẻ tuổi khắp nơi trên thế giới để cùng nhau bàn luận về những vấn đề liên quan đến đất nước Việt Nam trong hiện tại, nêu lên ý kiến của những người trẻ tuổi về tương lai của một nước Việt Nam mà mọi người đều mong muốn rằng phát triển trong dân chủ và thịnh vượng.
Diễn đàn bạn trẻ hôm nay xin mời các bạn trở lại với câu chuyện giữa Kính Hòa cùng với Đoan Trang và Anh Tuấn đến từ Việt Nam. Câu chuyện hôm nay của chúng tôi là về phong trào dân chủ hiện nay tại VN.
Trở lại vấn đề chúng ta đặt ra từ đầu buổi nói chuyện hôm nay, và cũng là mục đích của chuyến đi của các bạn là đấu tranh cho nhân quyền. Theo các bạn thì phong trào đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam nói chung, trong thời gian vừa qua có những tiến bộ đáng kể hay không? Điều thứ hai là có những vấn đề gì cần giải quyết để nó phát triển hơn nữa?
Anh Tuấn: Thưa anh thì với quan điểm của tôi thì có nhiều tín hiệu là nó nhiều hơn về số lượng và sâu sắc hơn về chất lượng. Chẳng hạn như là đã có những chuyến thăm viếng các tổ chức nhân quyền quốc tế, cũng có những cuộc làm việc với các tổ chức Liên hiệp quốc về nhân quyền. Số người quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhiều hơn, các dạng hoạt động ngày một phong phú hơn. Thì đó là những tín hiệu tốt. Dĩ nhiên là trong cái bối cảnh mà khuôn khổ pháp lý chưa được hoàn thiện, trong bối cảnh một xã hội toàn trị chính quyền vẫn coi các nhóm hội là nằm ngoài vòng pháp luật thì nó gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó thì anh cũng biết có những sự sách nhiễu từ phía công an và những người được coi là dư luận viên ở trên mạng. Nhưng mà tôi cũng tin đây là một xu thế không thể đảo ngược lại được. Việc dân chủ hóa, tự do hóa là xu thế không thể đi ngược lại được. Và cũng hy vọng là trong nước và cả ngoài nước phối hợp tốt với nhau để những năm tới những nhóm hội ngày một nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn, kết hợp với nhau tốt hơn.
Đoan Trang: Tôi thì nhìn sự việc với tư cách một người làm báo, quan sát ngôn ngữ báo chí trong hơn một thập kỷ qua thì thấy nhận thức của giới truyền thông lẫn độc giả là tiến bộ nhiều. Cách đây mấy năm, một chục năm thì những từ như nhân quyền, quyền con người nó nhạy cảm lắm. Thậm chí cả cái từ xã hội dân sự, như tôi đã nói là vào năm 2010 viết về xã hội dân sự mà còn bị xử lý. Hai ba năm gần đây quyền con người, nhân quyền được nhắc đến nhiều hơn. Tất nhiên là nó được nhắc đến nhiều hơn trên các blog, mạng xã hội. Nhưng mà tốt hơn là không có một chút nào như ngày trước. Rõ ràng là chúng ta đang phi nhạy cảm hóa vấn đề nhân quyền, quyền con người. Còn về tình hình đấu tranh cho nhân quyền với sự thành lập của nhiều hội nhóm thì tôi nghĩ là một biểu hiện tốt.
Kính Hòa: Nhưng mà theo các bạn thì phong trào đấu tranh cho nhân quyền trong nước có những yếu diểm gì hay không? Hay là có những gì cần làm cho tốt hơn không?
Đoan Trang: Những điểm yếu của phong trào đấu tranh cho nhân quyền trong nước hay cao hơn là cho dân chủ, mang tính chính trị hơn, tôi nghĩ đó là sự mất lòng tin vào nhau, sự chia rẽ. Sự chia rẽ xuất phát từ sự mất lòng tin vào nhau, tức là nhóm này không tin nhóm kia, người này không tin người kia, rồi thì có sự tranh giành công trạng, muốn được ghi nhận nhiều thứ. Tất nhiên đó là điểm yếu nhưng tôi không nghĩ rằng đó là cái gì đó đáng nản.
Vì tôi nghĩ rằng,
Thứ nhất nó phổ biến ở tất cả các nước, không riêng Việt nam. Dư luận viên thường nói là … “nước nào chả thế.” (cười)…thì ở đây tôi công nhận là đúng. Chắc là các phong trào dân chủ trước kia ở Đông Âu, hay gần đây là Ai Cập, Tunisia cũng vậy. Bản thân cái công việc của họ là dễ nảy sinh mâu thuẫn, tranh giành công trạng, v.v… Đó là chuyện bình thường.
Thứ hai là riêng về người Việt Nam xuất phát từ một xã hội không tôn trọng quyền con người đã lâu, ai cũng có nhu cầu được thể hiện bản thân. Khi thấy anh em nhóm này nhóm khác thì muốn được ghi nhận công trạng. Tôi thấy đó cũng là điều bình thường. Kể cả khi họ không làm được nhiều nhưng cũng muốn cho mọi người biết là mình làm rất nhiều, đóng góp rất nhiều cho công cuộc dân chủ hóa tôi nghĩ cũng là việc bình thường. Cho nên việc tranh giành công trạng với nhau là việc có thể hiểu được và thông cảm được.
Anh Tuấn: Về cá nhân tôi thì sau một thời gian sinh sống ở Philippines, là một nước có mật độ các tổ chức xã hội dân sự thuộc loại cao ở châu Á thì tôi thấy phong trào đấu tranh cho nhân quyền ở Việt nam có một vài cái thiếu sau,
Thứ nhất là thiếu người, thiếu người tham gia công việc, thiếu kỹ năng, thiếu đào tạo, cả về mặt kiến thức lẫn kỹ năng mềm trong hoạt động.
Nhưng mà tôi nghĩ cần đặt trong bối cảnh xã hội dân sự là một khái niệm còn mới mẽ ở Việt Nam, và nó vẫn đang tồn tại dưới một chính thế toàn trị. Nhưng tôi vẫn hy vọng là việc dân chủ hóa, tự do hóa, quyền con người, như tôi nói lúc nãy là một xu hướng của thời đại. Đó là con đường đúng mà mình phải đi, việc đúng mà mình phải làm. Cá nhân tôi rất là hy vọng.
Kính Hòa: như Tuấn có đề cập đến vấn đề thiếu người, rồi Đoan Trang đề cập đến ngôn ngữ báo chí, sự phát triển của truyền thông ở Việt Nam. Các bạn có nghĩ rằng là những hoạt động về nhân quyền, dân chủ hóa Việt Nam mới chỉ thu hẹp trong một tầng lớp tiếp cận được với internet, những tầng lớp ở thành thị, còn đa số dân chúng Việt Nam ở nông thôn vẫn chưa tiếp cận được với những ý tưởng như thế này? Và nếu các bạn cho là đúng thì làm thế nào để cho những ý tưởng ấy đi vào số đông quần chúng ở Việt nam?
Anh Tuấn, Tôi hoàn toàn đồng ý với anh và nếu so sánh thành thị với nông thôn thì thành thị có ưu điểm hơn trong vấn đề tiếp cận với những ý tưởng tự do dân chủ và nhân quyền. Mặc dù internet đã được phủ sóng cả nước nhưng thu nhập ở nông thôn thấp hơn thành thị rất là nhiều. Bà con ở nông thôn rất khó khăn trong vấn đề tiếp cận, mặc dù nếu mình nhìn lại thì đã có nhiều cố gắng từ những anh em trong nước như là cô Bùi Hằng, chị Thúy Nga đã đi phân phối các tài liệu về nhân quyền cho bà con dân oan ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một thiếu sót của phong trào đòi nhân quyền trong nước khi mà đại bộ phận dân chúng không quan tâm đến.
Nhưng mà tôi nghĩ rằng đây là câu chuyện diễn ra ở rất nhiều nước, ngay cả những nước mà bây giờ họ đã thành công. Tức là ngay từ điểm xuất phát của họ, những người quan tâm đến các quyền tự do dân chủ nhân quyền đều là thiểu số, bao giờ cũng là một thiểu số. Đó là cái lý do mà chúng tôi phải làm việc, đó là cái lý do mà chúng tôi đi Hoa Kỳ và Geneva hôm nay. Bây giờ nó là thiểu số nhưng mà hy vọng ngày mai nó thành đa số.
Kính Hòa: câu hỏi cuối cùng xin dành cho Đoan Trang, một nhà báo, người làm việc trong truyền thông khá lâu năm. Đoan Trang cho một nhận xét về khả năng Việt nam có tự do báo chí trong tương lai gần!
Đoan Trang: Trong tương lai gần thì tôi không tin có tự do báo chí. Nhưng tôi nghĩ là trong rất nhiều việc, thì truyền thông lề trái, truyền thông lề dân, mạng xã hội, đã đi trước báo chí chính thống. Hiệ giờ thì tự do truyền thông nằm ở lề trái chứ lề phải hầu như không có. Tôi tin là lề trái sẽ mở đường cho lề phải, nói cách khác là họ sẽ mở rộng không gian tự do cho lề phải, báo chí chính thống của nhà nước…
Kính Hòa: nhưng mà không phải trong tương lai gần?
Đoan Trang: không, không phải trong tương lai gần. Ngay cả khi có một thay đổi về chính trị theo nghĩa là đảng cộng sản nới long tay với báo chí chính thống hơn, thì ngay cả như thế, thì trong những năm đầu tự do báo chí vẫn không được đảm bảo. Vì rằng vấn đề ở đây là chúng ta không có người, chúng ta không có nền tảng. Bản thân các nhà báo trong thời gian đầu sẽ rất là chật vật để làm quen với tự do ngôn luận, tự do báo chí, luật pháp, các khái niệm xa lạ với báo chí Việt nam từ trước tới giờ. Bản thân các nhà báo Việt nam cũng phải nổ lực nhiều để làm mới mình, phải nổ lực lắm để có thể bảo vệ tự do báo chí. Nên tôi tin là ngay cả khi có tự do chính trị thì trong thời gian đầu vẫn chưa có tự do báo chí được.
Kính Hòa: tức là vai trò của đài Á châu tự do vẫn còn dài…(cười)
Đoan Trang, Anh Tuấn:…(cười)
Đoan Trang,…vẫn còn (cười) và các mạng xã hội, các blog.
Kính Hòa: xin cảm ơn Đoan Trang và Anh Tuấn đã tham gia buổi thảo luận hôm nay, kính chào quý vị thính giả.
Đoan Trang, Anh Tuấn: Dạ xin kính chào.
Kính Hòa rất vui mừng đón nhận mọi bạn trẻ Việt Nam từ khắp năm châu tham gia Diễn đàn bạn trẻ. Các bạn có thể gửi yêu cầu tham gia Diễn đàn cùng với địa chỉ email, số điện thoại liên lạc đến kinhhoa@rfa.org hoặc vietweb@rfa.org hay có thể gọi vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775, hoặc liên lạc đến https://www.facebook.com/kinhhoa.rfa Kính Hòa sẽ liên lạc ngay với các bạn.


Copy từ: RFA


...............

Người tù bị bỏ quên Lô Thanh Thảo



Kính Hòa, phóng viên RFA 2014-02-10

Cô Lô Thanh Thảo sau khi mãn hạn tù (tháng 2, 2014)
Cô Lô Thanh Thảo sau khi mãn hạn tù (tháng 2, 2014)
RFA
Nghe bài này
Ngày 13/5/2013 Tòa án tại thành phố HCM đưa ra bản án chung cuộc cho cô Lô Thanh Thảo là 2 năm tù với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước. Vừa qua cô Thảo được trả tự do và dành cho Kính Hòa một cuộc nói chuyện về vụ án của cô. Trước tiên cô cho biết,
Cô Lô Thanh Thảo: Em bị kết án tội tuyên truyền chống nhà nước. Em bị bắt hôm 26/3 ở số 35 Hồ Học Lãm. Bữa đó em ra đó quay phim chụp hình và bị bắt. Tối ngày 25 em có nói chuyện trên skype với chú Nguyễn Khắc Long, chú có hỏi họ tên em, em ở với ai, một số thông tin cá nhân của em rồi sau đó chú hướng dẫn em để chuẩn bị cho sáng ngày 26 ra số 35 Hồ Học Lãm để quay phim chụp hình…
Kính Hòa: Quay phim chụp hình cái gì ạ?
Cô Lô Thanh Thảo: Dạ mấy người dân oan về đất đó anh, người ta biểu tình ngoài đó.
Sau khi nói chuyện xong thì chú bảo sáng 26 ra chổ đó để quay phim chụp hình theo lời hướng dẫn của chú Nguyễn Khắc Long.
Khi bị bắt vô thì mấy anh công an có hỏi là em là có biết Nguyễn Khắc Long là ai không, rồi hỏi em về đảng Việt Tân, hỏi em nhiều về đảng Việt Tân lắm, em cũng không hiểu là tại sao như vậy.
Cô Lô Thanh Thảo trước lúc bị bắt
Cô Lô Thanh Thảo trước lúc bị bắt (2012)
Kính Hòa: Khi chị làm quen trên mạng như vậy với ông Nguyễn Khắc Long chị có biết ông ấy là ai và làm việc cho tổ chức nào không?
Cô Lô Thanh Thảo: Em chỉ biết chú Nguyễn Khắc Long đêm 25/3 mà thôi. Công an hỏi em về chú Nguyễn Khắc Long và đảng Việt Tân hoài luôn,
Kính Hòa: Vâng, như vậy thì khi chị nhận làm cái việc đó chị cũng không biết ông Nguyễn Khắc Long là ai?
Cô Lô Thanh Thảo: Dạ. Tối ngày 25/3 bạn em là Phương 286 có sử dụng số điện thoại ở Việt Nam gọi điện thoại cho em bảo em lên skype để nói chuyện. Chú Nguyễn Khắc Long và Phương 286 năn nỉ em ra ngoài đó chụp hình vì Phương bị đau mắt không ra ngoài đó được.
Dạ em mặc dù không biết chú nhưng mà ra đó em thấy dân mình khổ em cũng đau lòng và cũng muốn làm cho dân mình bớt khổ.
Khi ra ngoài đó, chụp hình xong xuôi rồi thì em rất buồn chú Nguyễn Khắc Long. Vì đúng ra mọi việc xong xuôi hết rồi, mọi người tìm chổ nghỉ ngơi ăn trưa hết rồi mà chú Nguyễn Khắc Long cứ kêu em chờ ở đó hoài thiệt là lâu, chú bảo chờ tới mấy lần, rồi công an thành phố tới bắt em.
Kính Hòa: Vâng, rồi sau đó chính quyền Việt Nam có cho luật sư cãi cho chị không?
Cô Lô Thanh Thảo: Dạ không có luật sư.
Kính Hòa: Trong phiên tòa đó gia đình có tham gia không?
Cô Lô Thanh Thảo: Trong phiên tòa đó thì gia đình em đâu có biết đâu mà tham gia anh. Lần thứ nhất thì có được báo. Lần thứ hai thì không ai biết, không ai dự, nên chỉ có một mình em mà thôi.
Kính Hòa: Khi họ luận tội chị thì chị có nhận không?
Cô Lô Thanh Thảo: Có một mình em ở đó thì em phải nhận thôi chứ làm sao bây giờ. Mà theo em biết thì quay phim chụp hình đâu có tội gì đâu anh, chổ đó cũng đâu có bảng cấm.
Kính Hòa: Rồi cuối cùng họ xử chị bao nhiêu năm tù?
Cô Lô Thanh Thảo: Lần thứ nhất xử em 3 năm sáu tháng, lần thứ hai giảm xuống còn 2 năm và hai năm quản chế ở địa phương.
Kính Hòa: Vừa rồi chị được tha khỏi tù, vật thời gian chị ở tù là bao lâu?
Cô Lô Thanh Thảo: Dạ tính tổng cộng trước ngày em ra tù là 22 tháng.
Kính Hòa: Ở trong tù người ta có đối xử tốt vói chị không?
Cô Lô Thanh Thảo: Anh cứ nghỉ đi một ngày tù là thiên thu tại ngoại đó.
Kính Hòa: dạ vâng nhưng tôi cũng muốn hỏi là người ta có cho chị ăn uống đầy đủ không? Rồi không có những chuyện như là đánh đập…
Cô Lô Thanh Thảo: Cái đó thì em không tiện nói.
Kính Hòa: Vâng. Nhân đây qua làn song của đài Á châu tự do, chị có muốn nhắn gửi gì đến mọi người không?
Cô Lô Thanh Thảo: Dạ em thì cám ơn cô dì chú bác và các anh chị em trên toàn thế giới đã quan tâm tới Thảo từ khi xảy ra, em cũng cám ơn đài RFA rất nhiều. Bây giờ thì sức khỏe em rất là kém, mặt bị sưng tùm lum, lưỡi thì bị thụt vô ăn uống rất khó khăn, tài sản thì bị mất hết rồi. Dù sao em cũng cám ơn mọi người đã quan tâm.
Kính Hòa: Cảm ơn chị Thảo đã dành thì giờ cho buổi nói chuyện ngày hôm nay. Chúc chị mau hồi phục sức khỏe
 


Copy từ: RFA


.................

Vợ anh Nguyễn Bắc Truyển gửi thư kêu cứu cho chồng


Tôi tên là Bùi Thị Kim Phượng, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, hiện sinh sống tại ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Ngày 9/2 vừa qua, công an đã huy động một lực lượng khoảng 100 người, đã dùng sà ben phá cổng nhà, bắn 3 phát súng áp đảo tinh thần, tràn vào nhà uy hiếp chúng tôi, dùng bạo lực đạp vào mặt chồng tôi té xuống đất, lấy băng keo dán miệng, tát vào mặt, và còng tay anh. Sau đó chúng mở băng bịt mắt, và đọc lịnh bắt vì lý do “chiếm đoạt tài sản của người khác”. Chúng còn chà đạp lên hình thờ Đức Huỳnh Phú Sổ, phá bàn thờ của Ngài.


Tôi và chị tôi đã chứng kiến cảnh đánh đập và bắt chồng tôi đi. Chúng phá hoại nhà cửa của chúng tôi, đập bể hết những cửa sổ, bàn ghế, và tịch thu tất cả những đồ dùng của anh Nguyễn Bắc Truyển như: laptop, cell phone, máy chụp hình và nhiều thứ khác mà chúng tôi chưa kiểm chứng được.

Sau khi chúng lôi chồng tôi ra xe chở tù nhân bít bùng và đưa đi đâu tôi không hề biết, chúng ép tôi tới đồn công an tỉnh Đồng Tháp và hỏi cung tôi 5 tiếng đồng hồ. Tôi đã phản đối hành vi bạo lực của chúng, cho nên tôi hoàn toàn không ký nhận bất cứ bản điều tra nào. 

Chỉ còn 8 ngày nữa chúng tôi sẽ làm lễ cưới, việc bắt bớ chồng tôi diễn ra thô bạo đã làm cho tôi đau đớn và vô cùng phẫn nộ. Tôi thật sự bị hoang mang và lo sợ cho tính mạng của anh Truyển. 

Tôi kêu gọi qúy hội đoàn trong và ngoài nước quan tâm tới quyền con người hãy lên tiếng giúp gia đình.

Tôi kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Amnesty International, BPSOS, Freedom Now, ..v.. hãy lên tiếng kêu gọi trả tự do cho chồng tôi. 

Tôi kêu gọi ngài Đại sứ Hoa Kỳ, ông David Shear hãy kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay tức khắc cho chồng tôi. 

Tôi kêu gọi qúy Dân biểu, Nghị sĩ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây yêu chuộng nhân quyền, hãy lên tiếng để áp lực nhà cầm quyền Hà Nội phải tôn trọng quyền con người và trả tự do cho chồng tôi.

Nếu chồng tôi có mệnh hệ nào, nhà cầm quyền Việt Nam phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. 

Kính mong qúi vị quan tâm. 

Trân trọng kính chào. 

Đồng Tháp, Việt Nam ngày 10 tháng 2 năm 2014 

Bùi Thị Kim Phượng






Nhà vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyển bị đập phá tan hoang sau cuộc bố ráp, bắt người hôm 9/2. Ảnh: Facebook Thanh An Le

Copy từ: Dân Làm Báo


...................