CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Mỹ điều 12 máy bay F-16 tới Ba Lan đáp trả Nga

Hôm qua (9/3), Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak xác nhận Mỹ sắp điều động 12 máy bay chiến đấu F-16 tới nước này.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tomasz Siemoniak đã điện đàm với người đồng nhiệm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. Hai ông đã nói chuyện về kế hoạch điều động máy bay chiến đấu của Mỹ tới Ba Lan, quốc gia láng giềng Ukraine và là một thành viên của NATO.
Truyền thông Ba Lan cho hay 12 máy bay chiến đấu F-16 cùng máy bay vận tải quân sự sẽ được Mỹ điều động tới nước này vào ngày 13/3 để tham gia một cuộc tập trận chung. Không quân Mỹ cũng đã điều động 300 người tới Ba Lan phục vụ cho cuộc tập trận này.
Chiến đấu cơ F-16 của quân đội Mỹ.
Trong cuộc điện đàm, hai bộ trưởng cũng bàn về việc tăng cường hợp tác quân sự Mỹ - Ba Lan. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan bày tỏ sự cảm kích trước việc Mỹ nhanh chóng điều động không quân hỗ trợ. Vácsava coi đây là hành động cụ thể chứng minh cho cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Ba Lan.
Hai ông cũng bàn bạc về tình hình Ukraine hiện nay. Theo truyền thông Ba Lan, hai bên đã nhất trí sẽ hợp tác về vấn đề Ukraine và có những bước đi cần thiết với tư cách là các thành viên NATO.
Hôm 5/3, ông Hagel đã khẳng định chính phủ Mỹ sắp tăng viện trợ quân sự cho Ba Lan và các quốc gia Baltic khác.
IBTimes cho hay Mỹ cũng đồng ý điều 4 máy bay chiến đấu F-15 tới Lithuania. Bộ QUốc phòng Lithuania cho hay động thái này là nhằm đáp trả “sự hung hăng của Nga ở Ukraine và việc Nga tăng cường các hoạt động quân sự ở Kaliningrad”.
Kaliningrad là một tỉnh thuộc Nga nhưng nằm tách rời và chung biên giới với 2 nước Lithuania và Ba Lan.
Mỹ điều động máy bay chiến đấu F-16 tới Ba Lan và Lithuania trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa “hạ nhiệt”.
Theo hãng tin AP, chiều ngày 8/3 (giờ địa phương), hàng chục xe tải quân sự chở binh lính có trang bị vũ khí ầm ầm tiến vào Crimea. Động thái trên được cho là nhằm tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự của Nga ở đây.
Trong khi đó, hôm 9/3, một số người biểu tình thuộc phe ủng hộ Nga và chính phủ lâm thời Kiev đã đụng độ với nhau trong cuộc tuần hành trên khắp đất nước Ukraine với hàng chục ngàn người tham dự.
TÙNG LÂM (Lược dịch) 



Copy từ: Infonet

...........

Tuyên bố Tưởng niệm các Chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, Tự do cho người dân


40 năm ngày Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa (19/1/1974), 35 năm ngày Trung Quốc xâm lược biên giới Việt Nam (17/2/1979) với biết bao chiến sĩ và đồng bào ngã xuống. Máu xương và anh linh những người con đất Việt vẫn còn đấy... Thế mà cũng những tháng năm ấy, máu xương và anh linh những người con đất Việt đã bị cố tình quên lãng. Không một lễ tưởng niệm nào được tổ chức chính thức để tri ân những chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc. Thậm chí mọi sự tưởng nhớ do nhân dân thực hiện còn bị nhà cầm quyền vùi dập. Hành động phá đám sai khiến công an giả dạng cưa đá và phóng loa đỏ CAND ồn ào gây bụi mù mịt, và cho người nhảy nhót trơ trẽn theo điệu nhạc Trung Quốc dưới tượng đài Lý Thái Tổ linh thiêng đã lập công nơi chốn Thăng Long ngàn năm văn vận này là một điều không thể hiểu và không thể giải thích nổi, nhất là với một quốc gia vẫn còn nắm trong tay chủ quyền và có chân trong Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.

Tưởng niệm 26 năm ngày Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Trường Sa (14/3/1988) cũng sắp đến. Liệu chúng ta sẽ tiếp tục bị tước đoạt như những kẻ nô lệ chỉ vì một phát lịnh của đường dây nóng?

Không! 

Vì tương lai và sự trường tồn của dân tộc, chúng tôi thiết nghĩ chẳng cần truy tầm ai là đạo diễn của thứ kịch bản này, mà phải đủ thấy rằng chính họ là lý do gây lên trong chúng tôi không chỉ những tiếng than, mà còn khiến chúng tôi phải thức tỉnh kết đoàn và ký tên dưới đây. Chúng tôi muốn được xem đây là tiếng nói của mọi thành phần người dân mạnh dạn tuyên bố:

1. Quyền tập họp dâng hoa, thắp nến tưởng niệm một biến cố lịch sử trọng đại của dân tộc vốn mang thuộc tính tâm linh đạo đức, và nhân văn lịch sử nước nhà, không chấp nhận để nước ngoài can thiệp.

2. Không thể quên: “19/1 Hoàng Sa, 17/2 biên giới Việt Nam, 14/3 Trường Sa” là những mốc điểm bi hùng lịch sử, không một ai có quyền xóa nhòa, chôn vùi hoặc bôi bác. 74 anh hùng chiến sĩ VNCH đã lính-chết-theo-tàu trong cuộc hải chiến 19/1 Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ phải được vinh danh. 60 ngàn quân dân bộ đội đã bỏ mình trong Ngày Biên giới Việt Nam không thể bị lãng quên. 64 hải quân đã hy sinh tức tưởi trên đảo Gạc Ma, Trường Sa phải được Tổ quốc Việt Nam công nhận ghi ơn. 

3. Quyền thiêng liêng tưởng niệm của một sự kiện lịch sử dân tộc càng trở nên có ý nghĩa và danh dự bổn phận, khi đất nước đang bị đe dọa từng ngày bởi tham vọng bá chủ bá quyền Trung Cộng. 

4. Vinh danh, tưởng nhớ, tri ân phải được chính thức ban hành và tổ chức trọng thể.

5. Mọi hành vi cấm cản, sách nhiễu với những người mong muốn thực hiện các nghi thức tưởng niệm phải được coi là một thái độ thách thức lòng tự trọng và lương tri người Việt Nam muốn đảm bảo sự vẹn toàn độc lập của đất nước. 

6. Quyền bày tỏ cũng như các quyền tối thượng con người của người dân phải được tôn trọng. Xin được gởi những tín hiệu SOS Việt Nam đến với những trái tim tử tế ngợi ca Tự Do và những nhà tù lương tâm chính trị đã đóng cửa vĩnh viễn trên thế giới. Làm ơn ghé mắt xem cho rõ để cùng chuyển tải, chia sẻ hoặc trắc ẩn về những bần cùng và rách nát nhân quyền của Việt Nam.

Hãy nắm chặt tay nhau trong một ngày tự quyết quyền tưởng niệm toàn quốc và toàn cầu. 

Xin khẳng định ngày 14/3 cũng là ngày tưởng niệm linh thiêng các chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc. Không một thế lực đen tối nào ngăn được lòng yêu nước của chúng ta.

Tổ quốc Việt Nam muôn năm!

Trân trọng kính mời quý đồng bào tham gia ký tên và Danlambao sẽ cập nhật danh sách.

Mỗi chữ ký tự nó sẽ là chất xúc tác động viên cho chính mình và bạn bè. Xin ủng hộ bằng cách ký tên ở địa chỉ email này: Congdantudotuongniem@gmail.com


Thay mặt Nhóm Khởi Xướng

Nguyễn Thị Thanh Bình

*

Danh sách ký tên đầu tiên theo thứ tự abc (và sẽ cập nhật theo thứ tự thời gian sau đó):

1.     Thi Vũ Võ Văn Ái, nhà thơ & nhà đấu tranh dân chủ (Pháp)
2.     Hòa thượng Thích Nhật Ban, GHPGVNTN (Đồng Nai, Việt Nam)
3.     Trịnh Ngọc Bằng, về hưu (Irving, Texas, Hoa Kỳ)
4.     Nguyễn Mạnh Bảo, giáo sư  (Cao Đài Tây Ninh, Việt Nam)
5.     Nguyễn Ngọc Bích, giáo sư (Springfield, Virginia, Hoa Kỳ)
6.     Nguyễn Thị Thanh Bình , nhà văn & nhà thơ (Washington DC, Hoa Kỳ)
7.     Nguyễn Minh Cần, nhà báo (Moscow, Nga)
8.     Bùi Chát, nhà thơ (Sài gòn, Việt Nam)
9.     Bùi Thị Dung, về hưu (Irving, Texas, Hoa Kỳ)
10.   Lâm Đăng Châu, kỹ sư (Hannover, Đức)
11.   Ngô Cao Chi, giáo sư (Tampa, Florida, Hoa Kỳ)
12.   Nguyễn Bảy Giáp Dần (Sài Gòn, Việt Nam)
13.   Ca Dao, nhà báo (Paris, Pháp)
14.   Phạm Chí Dũng, nhà văn, nhà báo, tiến sĩ kinh tế (Sài Gòn, Việt Nam)
15.   Lê Khánh Duy (Quảng Nam, Việt Nam)
16.   Đào Tang Dực, luật sư (Sydney, Úc)
17.   Nguyễn Văn Đài, luật sư (Hà Nội, Việt Nam)
18.   Lê Diễn Đức, nhà báo (Houston , Texas, Hoa Kỳ)
19.   Trần Đông Đức, nhà báo (Pennsylvania, Hoa Kỳ)
20.   Trương Minh Đức, ký giả tự do (Bình Dương, Đồng Nai, Việt Nam)
21.   Linh mục Nguyễn Hữu Giải (TGP Huế, Việt Nam)
22.   Nguyễn Thanh Giang, giáo sư (Hà Nội, Việt Nam)
23.   Nguyễn Thanh Hà, kỹ sư (California, Hoa Kỳ)
24.   Đỗ Nam Hải, kỹ sư (Sài Gòn , Việt Nam)
25.   Ni sư Như Hải (Chicago, Illinois, Hoa Kỳ)
26.   Trịnh Đình Hồng Hạnh, kỹ sư (California, Hoa Kỳ)
27.   Vũ Thư Hiên, nhà văn (Pháp)
28.   Trần Thanh Hiệp, luật sư (Pháp)
29.   Huỳnh Trọng Hiếu, blogger (Quảng Nam, Việt Nam)
30.   Phạm Hoàng, nhà báo (CHLB Đức)
31.   Đoàn Viết Hoạt, giáo sư (Virginia, Hoa Kỳ)
32.   Huỳnh Thị Thu Hồng (Quảng Nam, Việt Nam)
33.    Hoàng Vi Kha, nhà thơ (Virginia, Hoa Kỳ)
34.   Thượng tọa Thích Thiện Khanh, GHPGVNTN (Phú Yên, Việt Nam)
35.   Đặng Đình Khiết, giáo sư (Virginia, Hoa Kỳ)
36.   Linh mục Phan Văn Lợi (TGP Huế, Việt Nam)
37.   Cao Xuân Lý , nhà văn (Sydney,  Australia)
38.   Trần Thị Ngọc Minh (mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh, Lâm Đồng, Việt Nam)
39.   Thượng tọa Thích Thiện Minh, GHPGVNTN (Sài Gòn, Việt Nam)
40.   Phan Nhật Nam, nhà văn (California, Hoa Kỳ)
41.   Nguyễn Thị Ánh Ngân (Quảng Nam, Việt Nam)
42.   Phan Ngữ,  bác sĩ  (Đà Nẵng, Việt Nam)
43.   Bùi Thị Kim Phượng (Đồng Tháp, Việt Nam)
44.   Đặng Phùng Quân, giáo sư (Houston, Texas, Hoa Kỳ)
45.   Nguyễn Quốc Quân, bác sĩ, đại diện Tổ Chức Tập Hợp Nền Dân Chủ (Falls Church, Virginia, Hoa Kỳ)
46.   Nguyễn Đan Quế, bác sĩ, chủ tịch Cao Trào Nhân Bản (Sài Gòn, Việt Nam)
47.   Bùi Minh Quốc, nhà thơ (Đà Lạt, Việt Nam)
48.   Bắc Phong, nhà thơ (Toronto, Gia Nã Đại)
49.   Lê Huy Phong, ca nhạc sĩ đấu tranh (San Jose, California, Hoa Kỳ)
50.   Thượng tọa Thích Không Tánh (Huế, Việt Nam)
51.   Liêu Thái, nhà thơ (Quảng Nam, Việt Nam)
52.   Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh (DCCT Sài Gòn, Việt Nam)
53.   Trần Quang Thành, nhà báo (Tiệp Khắc)
54.   Trần Ngọc Thành, kỹ sư (Warsaw, Ba Lan)
55.   Uyên Thao, nhà văn, nhà xuất bản Tiếng Quê Hương (Virginia, Hoa Kỳ)
56.   Huỳnh Phương Thảo (Quảng Nam, Việt Nam)
57.   Linh mục Đinh Hữu Thoại (DCCT Sài Gòn, Việt Nam)
58.   Trần thị Thức (Virginia, Hoa Kỳ)
59.   Nguyễn Đăng Thường, nhà thơ (London, Anh)
60.   Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, GHPGVNTN (Vũng Tàu, Việt Nam)
61.   Nguyễn Thanh Trang, giáo sư (San Diego, California, Hoa Kỳ)
62.   Đỗ Ngọc Xuân Trầm (Áo)
63.   Nguyễn Mậu Trinh, dược sĩ (Gaithersburg, Maryland, Hoa Kỳ)
64.   Huỳnh Anh Trí (Sài Gòn, Việt Nam)
65.   Huỳnh Anh Tú (Sài Gòn, Việt Nam)
66.   Nguyễn Quốc Tuấn, kỹ sư (Florida, Hoa Kỳ)
67.   Hàn Song Tường, nhà thơ, (Houston, Texas, Hoa Kỳ
68.   Đoàn Việt Trung, kỹ sư (Melbourne, Úc)
69.   Nguyễn Bắc Truyển, luật sư (Đồng Tháp, Việt Nam)
70.   Đỗ Ty (Lâm Đồng, Việt Nam)
71.   Nguyễn Đình Vinh, cựu sĩ quan tiền sát QLVNCH (Virginia, Hoa Kỳ)
72.   Huỳnh Khánh Vy (Quảng Nam, Việt Nam)
73.   Huỳnh Thục Vy, blogger (Quảng Nam, Việt Nam)
74.   Dương Triệu Vỹ (Ontario, Gia Nã Đại)
Copy từ: Dân Làm Báo

..........

10 câu hỏi chưa có lời giải trong vụ máy bay mất tích


Tại sao không có tín hiệu khẩn cấp, liệu có liên hệ với chủ nghĩa khủng bố, tại sao điện thoại của hành khách mất tích vẫn đổ chuông?...

10 câu hỏi chưa có lời giải trong vụ máy bay mất tích
Một nghệ sỹ Ấn Độ đắp hình chuyến bay MH370 trên cát để cầu nguyện cho các hành khách và phi hành đoàn - Ảnh: Reuters.

Đã hơn hai ngày trôi qua kể từ khi chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines trong chuyến bay số hiệu MH370 biến mất đầy bí ẩn trong hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến nay vẫn chưa xác định dấu vết cụ thể nào của chiếc máy bay mất tích.

Dưới đây là 10 câu hỏi chưa có lời giải đáp về MH370 mà báo Mirror của Anh đưa ra.

Tại sao không có tín hiệu khẩn cấp?


Các nhà kiểm soát không lưu ở Subang, gần Kuala Lumpur, không nhận được bất kỳ tín hiệu khẩn cấp nào từ MH370. Cả cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay đều không phát tín hiệu nào cho thấy họ đang gặp vấn đề. Chiếc máy bay vừa được theo dõi ở giây đồng hồ trước, đến giây sau đã hoàn toàn biến mất.

Một chuyên gia đầu ngành về an toàn hàng không nói rằng, ông cảm thấy “rất bất thường” khi không có bất kỳ một cuộc gọi khẩn cấp nào từ MH370. Khi mất liên lạc, chiếc máy bay được cho là đang bay ở độ cao 35.000 feet (khoảng 10,7 km), nên phi công phải có nhiều thời gian để thông báo về bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào nếu có - ông David Learmount, biên tập viên tờ Flight Global, đánh giá.

“Điều gì đó đã xảy ra và phi công không nói với ai cả. Tại sao? Đó là một câu hỏi”, ông Learmount nói. “Việc phi công không gọi cuộc gọi khẩn cấp là rất bất thường, bởi họ có nhiều thời gian để làm việc đó, trừ phi có một quả bom trên máy bay. Nhưng đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy điều đó”.

Hành khách dùng hộ chiếu đánh cắp đã lên máy bay bằng cách nào?


Cảnh sát quốc tế (Interpol) xác nhận có ít nhất 2 hộ chiếu bị đánh cắp trong cơ sở dữ liệu của tổ chức này được sử dụng bởi hành khách lên chuyến bay MH370. Interpol cũng đang kiểm tra các hộ chiếu bị nghi ngờ khác.

Theo Interpol, trong khoảng thời gian từ lúc hai hộ chiếu trên bị đánh cắp cho tới thời gian khởi hành chuyến bay, chưa có bất kỳ quốc gia nào thực hiện kiểm tra trên cơ sở dữ liệu của tổ chức này về hai hộ chiếu bị đánh cắp, một của người Áo và một của người Italy.

Anh Luigi Maraldi, 37 tuổi, người Italy, một người được cho là có mặt trên chuyến bay mất tích, đã được chứng minh là đang sống khỏe mạnh ở Thái Lan, Anh Christian Kozel, 30 tuổi, cũng đã được xác định là sống khỏe mạnh tại quê nhà ở Áo. Cả hai đều được cho là đã bị mất hộ chiếu ở Thái Lan trong vòng một năm trở lại đây.

“Còn quá sớm để nói về bất kỳ sự liên hệ nào giữa các hộ chiếu bị đánh cắp và sự biến mất của chiếc máy bay. Nhưng việc bất kỳ hành khách nào cũng có thể lên một chuyến bay quốc tế bằng hộ chiếu bị đánh cắp đã nêu trong cơ sở dữ liệu của Interpol là một vấn đề rất đáng lo ngại”, Tổng thư ký Interpol, ông Ronald Nobel, nói trong một tuyên bố.

Interpol cho biết đang liên lạc với văn phòng của tổ chức này tại tất cả các quốc gia có liên quan để nỗ lực xác định danh tính thực sự của những hành khách lên máy bay mất tích bằng giấy tờ đánh cắp. Bên cạnh đó, Interpol cũng đang kiểm tra tất cả các hộ chiếu khác bị tình nghi là tài liệu đánh cắp được sử dụng để lên chuyến bay MH370.

“Đây là tình huống mà chúng tôi đã hy vọng không bao giờ xảy ra. Suốt nhiều năm, Interpol đã hỏi tại sao các nước phải đợi cho tới khi xảy ra thảm kịch mới áp dụng những biện pháp an ninh chặt chẽ tại biên giới và các cửa kiểm soát lên tàu xe, máy bay”, ông Nobel phát biểu.

Liệu có liên hệ với chủ nghĩa khủng bố?

Việc không có cuộc gọi khẩn cấp hay dấu hiệu của sự cố kỹ thuật, cùng với việc có hộ chiếu bị đánh cắp, đã dẫn tới những đồn đoán cho rằng, chuyến bay MH370 là mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố.

Hành khách trên chuyến bay này thuộc 14 quốc tịch khác nhau, đa phần là công dân Trung Quốc. Trong khi đó, một số nhóm dân tộc thiểu số thời gian qua đã thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhằm chống lại nhà nước Trung Quốc.

Tộc người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương Trung Quốc từ lâu đã tìm cách ly khai để thành lập một nhà nước riêng, một phần do tộc người này gắn bó hơn về mặt văn hóa với khu vực Trung Á. Hôm 1/3, những kẻ khủng bố người Duy Ngô Nhĩ bị cho là đã gây ra vụ tấn công đẫm máu ở nhà ga Côn Minh thuộc Vân Nam.

Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ máy bay mất tích.

Tại sao các đội tìm kiếm chưa phát hiện thấy mảnh vỡ nào?


Đã hơn hai ngày trôi qua kể từ khi MH370 biến mất. Hàng chục tàu và máy bay từ 11 quốc gia đã tiến hành tìm kiếm trên biển Đông nhưng chưa phát hiện dấu vết nào của máy bay mất tích.

Đã xuất hiện một số hình ảnh nghi là dấu về của máy bay, nhưng chưa được xác nhận.

Tại sao điện thoại của hành khách mất tích vẫn đổ chuông?


Ít nhất một người thân của một hành khách Trung Quốc có mặt trên chuyến bay mất tích đã kết nối thành công với điện thoại của hành khách này, nhưng không ai bắt máy. Hình ảnh gia đình của hành khách này gọi vào điện thoại của người mất tích đã được phát trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia của Trung Quốc.

Cuộc gọi được kết nối, nhưng không ai nhấc máy. Có tin cho hay, một nhóm hành khách đã kiến nghị hãng Malaysia Airlines “tiết lộ sự thật” về điều gì đã xảy ra đối với chuyến bay.

Tại sao Malaysia Airlines mãi mới tiết lộ về sự mất tích của chiếc máy bay?

Kiểm soát không lưu mất liên lạc với MH370 vào lúc 2h40 sáng theo giờ địa phương. Nhưng vài giờ sau đó, những người thân của hành khách chờ đợi ở Bắc Kinh vẫn chỉ nghĩ rằng, chuyến bay bị hoãn. Bảng điện tử ở sân bay Bắc Kinh không đưa ra tín hiệu nào cho biết về thảm họa xảy ra.

Thân nhân của các hành khách giận dữ nói rằng, họ biết tin chuyến bay mất tích từ báo chí, thay vì từ Malaysia Airlines. Đến tận 9h05 sáng Chủ nhật, Malaysia Airlines mới ra tuyên bố thừa nhận: “Chúng tôi rất tiếc đã mất toàn bộ liên lạc với chuyến bay MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur lúc 0h41 sáng nay để bay tới Bắc Kinh”.

Liệu sự trì hoãn báo tin này xuất phát từ tâm trạng hoảng loạn của các nhà lãnh đạo hãng bay, hay còn che giấu một điều gì đó khủng khiếp hơn?

Liệu chiếc máy bay có tìm cách quay trở lại?


Theo các điều tra viên, tín hiệu radar cho thấy, chiếc máy bay có thể đã tìm cách quay trở lại Kuala Lumpur. Giới quân sự nói rằng, họ đang đánh giá khả năng MH370 muốn quay trở lại trước khi biến mất đột ngột.

“Chúng tôi đã nhìn vào những gì ghi lại trên màn hình radar, và nhận ra rằng, có khả năng, chiếc máy bay đã thực sự tìm cách quay đầu”, tướng Rodzali Daud, tư lệnh không quân Malaysia, phát biểu trong một cuộc họp báo.

Nếu điều này là đúng, liệu đây có phải là một nỗ lực để hạ cánh của MH370 do có sự cố xảy ra trên đường bay, hay đã có một hành vi gây nguy hiểm nào đó trên máy bay?

Tại sao một phi công khác nghe thấy những tiếng lầm bầm khi cố gắng liên lạc với chuyến bay MH370?

Một phi công khác bay gần khu vực bay của MH370 cho biết đã nghe thấy những tiếng lầm bầm và nhiễu sóng khi ông tìm cách liên lạc với máy bay mất tích.

Theo vị phi công đề nghị giấu danh tính này, máy bay của ông trên đường tới Narita, Nhật Bản, đã liên lạc được với MH370 nhờ tần số khẩn cấp.

“Chúng tôi đã cố và thiết lập được liên lạc với MH370 sau 1h30 sáng và hỏi họ xem liệu họ đã vào không phận Việt Nam hay chưa”, phi công này cho biết. “Tiếng nói ở đầu bên kia có thể là của cơ trưởng Zaharie (Ahmad Shad, 53 tuổi) hoặc Farid (Abdul Hamid, 27 tuổi), nhưng tôi chắc là của người cơ phó. Sóng rất nhiễu… nhưng tôi nghe thấy tiếng lầm bầm ở đầu bên kia. Đó là lần cuối cùng tôi nghe thấy họ, và chúng tôi mất liên lạc từ đó”.

Vết dầu loang trên mặt biển có ý nghĩa quan trọng gì không?


Một máy bay tìm kiếm của Việt Namd dã phát hiện thấy hai vệt nghi là vết dầu loang ở khu vực nơi máy bay mất liên lạc. Vết loang này kéo dài khoảng 12 dặm.

Tuy nhiên, tàu được cử tới khu vực này không tìm thấy dấu vết nào khác về chiếc máy bay, và vết loang tạm thời được xác định là không liên quan tới MH370.

Liệu có thể tìm ra sự thật?


Sự biến mất đột ngột của MH370 đang được coi là một trong những thảm họa hàng không hiếm gặp nhất trong lịch sử. Sự bí ẩn càng trở nên phức tạp bởi có nhiều quốc gia liên quan trong vụ việc này.

Cất cánh, và đặc biệt là hạ cánh là những giai đoạn dễ gặp sự cố nhất trong một chuyến bay. Đó cũng là những giai đoạn mà hầu hết các vụ tai nạn hàng không xảy ra. Tuy nhiên, MH370 lại biến mất đầy khó hiểu giữa lúc đang trong chế độ bay bằng trên trời.

“Máy bay thường không rơi khi đang bay như thế. Đây là một vụ việc cực kỳ bất thường”, ông Paul Hayes, một chuyên gia hàng không Anh, nhận định.

Cho tới nay, chỉ có một tai nạn hàng không tương tự là vụ chuyến bay 447 của hãng hàng không Pháp Air France, rơi xuống Đại Tây Dương hồi năm 2009 khi bay từ Rio de Janeiro tới Paris. Các nhà điều tra chỉ xác định được nguyên nhân tai nạn, sau khi tìm thấy hộp đen hai năm sau đó.


Copy từ: VnEconomy

...............

RẤT BĂN KHOĂN VỀ LỜI KÊU GỌI VÀ NGÔI ĐỀN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN



Lời kêu gọi ủng hộ chương trình 
“NGHĨA TÌNH HOÀNG SA, TRƯỜNG SA" 
(LĐ) - Số 53
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - kêu gọi ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”.

Ngày 14.3.1988, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong cuộc chiến không cân sức, 64 cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng và anh dũng hy sinh.

40 năm trước, ngày 19.1.1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 74 sĩ quan, thủy thủ quân lực Việt Nam Cộng hòa đã kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo và hy sinh, vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa.

Máu của những người con đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” để tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì Hoàng Sa, Trường Sa, để lịch sử không quên, tôn vinh những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ tổ quốc và thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Chương trình sẽ vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực để xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa) và hỗ trợ cha, mẹ, vợ, con, thân nhân của những người lính đã hy sinh trong hai trận chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) đang gặp khó khăn.
_______________________






64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa) mà không thờ 74 chiến sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống để giữ Hoàng Sa trong cuộc hải chiến tháng 1 năm 1974?

Theo tôi, Tổng Liên đoàn Lao động phải sửa lại Lời Kêu gọi này!

Và đồng bào và chiến sĩ cả nước cũng như kiều bào ở nước ngoài hãy cân nhắc việc ủng hộ, vì nếu như Tổng Liên Đoàn vẫn chỉ xây đền chỉ để thờ 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa), tức là thêm một lần nữa chia rẽ dân tộc này!
Copy từ: Tễu’ blog



...............

“Thế lực doanh nghiệp nhà nước là kinh khủng”


“Nút thắt” khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn mãi ở trạng thái im lìm suốt nhiều năm qua..

“Thế lực doanh nghiệp nhà nước là kinh khủng”
Những đề xuất cụ thể để cải cách doanh nghiệp nhà nước, rộng hơn là cải cách thể chế kinh tế, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đang được tính từng ngày - Minh họa: Khều.

Ngày 6/3, Chính phủ ban hành nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với nhiều quy định dự tính trước lối ra cho các khó khăn mà quá trình này có thể gặp phải.
Cũng trong ngày 6/3, tại hội thảo “Cải cách thể chế: Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước là một nút thắt dứt khoát phải làm khi cải cách thể chế kinh tế.

Bởi, không thể để khối doanh nghiệp này tiếp tục bành trướng, hay cứ nói cổ phần hóa, nhưng thực chất một số doanh nghiệp chỉ cổ phần có 5%.

Hội thảo hôm đó có mặt nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước. Và không ít người trong số họ cùng có chung sự sốt ruột với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, cải cách doanh nghiệp nhà nước là một trong những chuyện đã bàn nát nước ở thời kỳ đầu của đổi mới, bây giờ lại quay trở lại. Nhưng, sự trở lại này, theo bà Lan thì khó hơn rất nhiều. Bởi “thế lực doanh nghiệp nhà nước là kinh khủng”, và “nếu nói nhóm lợi ích của Việt Nam thì đây là số một, và là lực cản rất trực tiếp đối với cải cách thể chế”.

Lực cản rất lớn của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chính là sự bùng lên của các nhóm lợi ích cũng là điều đã được bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức một năm trước.

Khi đó, bà Lan đã tha thiết mong Quốc hội chủ động tối đa trong việc cải cách thể chế. Đồng thời, Quốc hội nên đề nghị Chính phủ có chương trình hành động cụ thể, chọn một số nội dung quan trọng yêu cầu Chính phủ phải làm cho bằng được.

Phải làm cho bằng được, theo ý kiến của cả nhà quản lý và chuyên gia, đó chính là gỡ nút thắt mang tên doanh nghiệp nhà nước.

Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà trong bản báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 2 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt thể chế tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước lên vị trí hàng đầu trong những nhiệm vụ hoàn thiện thể chế "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" cần tập trung thực hiện trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế.

10 giải pháp để hoàn thiện thể chế này cũng lần lượt được điểm tên, từ triển khai nghị quyết, văn bản đến đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng cường năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động, cải thiện quản trị, thu hẹp phạm vi và tỷ trọng nguồn lực phân bổ… cho tới ban hành tài liệu hướng dẫn chung nguyên tắc và cách thức thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp gần như không có gì mới mẻ, nếu không muốn nói là có những điều rất cũ, đã trở thành điệp khúc ở không ít diễn đàn, văn bản.

Chẳng hạn, giải pháp thứ năm: cần ban hành một dự luật về đầu tư nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước đã từng là đề nghị của nhiều đại biểu khi Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước từ cuối năm 2009. Và sau đó đã được chính thức đưa vào nghị quyết của Quốc hội. Song đến nay thì dự thảo luật này vẫn còn đang ở giai đoạn chuẩn bị.

Hay, giải pháp thứ chín nêu: đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, loại bỏ các hình thức ưu đãi và bao cấp đối với doanh nghiệp nhà nước còn tồn tại trên thực tế. Điều này đã liên tục nằm trong các khuyến nghị của các chuyên gia trong và ngoài nước hàng chục năm nay.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 12, ngay kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 13 vào tháng 7/2011 cũng đã gửi đến 10 kiến nghị để ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, kiến nghị thứ bảy nêu rõ: “tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm nhiệm vụ cơ bản là khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng thay vì đóng vai trò “chủ đạo” bằng cách đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay”.

Nhưng, cũng giống như nhiều yêu cầu khác của cải cách thể chế kinh tế, “nút thắt” khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn mãi ở trạng thái im lìm suốt nhiều năm qua.

Trong sự sốt ruột cao độ, nhiều chuyên gia kinh tế cùng chung quan điểm với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rằng, giờ không còn là lúc thích hợp để nói mãi về những yếu kém của các ông “con cưng” mà như đúc kết của quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung là “lời ăn lỗ dân chịu” nữa.

Mà hãy bắt tay hành động để gỡ “nút thắt”, cụ thể là “bắt” doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ quy luật thị trường, cạnh tranh bình đẳng, theo lời Bộ trưởng Vinh.

Bởi thế, cũng có thể chia sẻ với mục tiêu chuyển toàn bộ tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần trong 3 - 4 năm tới được Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu ra tại báo cáo nói trên. Nhất là khi khá nhiều lối ra đã được nêu tại nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó bao gồm cả việc xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân các trường hợp không thực hiện được tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Những đề xuất cụ thể để cải cách doanh nghiệp nhà nước, rộng hơn là cải cách thể chế kinh tế, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đang được tính từng ngày. Bởi thế, một số vị chuyên gia kinh tế được Bộ trưởng Vinh tham vấn, dù còn rất lo lắng với không ít lực cản từ chính tư duy, quan điểm phát triển vẫn thể hiện quyết tâm chung tay gỡ “nút thắt” doanh nghiệp nhà nước, góp phần cải cách thể chế kinh tế vốn đã nói quá nhiều, nhưng làm chưa được bao nhiêu.

Và như thế, có thể thêm một lần hy vọng vào sự chuyển biến thực sự của tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.


Copy từ: VnEconomy

......................