CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Giấy gì cũng giữ mà bảo cải cách hành chính cho dân!

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phê dự thảo luật Hộ tịch là "cải lương", khi một lần nữa trình Thường vụ mà chưa được chuẩn bị kỹ, khái niệm hộ tịch, hộ khẩu rắc rối thêm chứ không giảm.

Sau khi nghe tờ trình dự thảo luật chiều 13/8 của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, các thành viên UB Thường vụ QH liên tục đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thấy vướng mắc lớn nhất hiện nay là công dân phải mang theo mình quá nhiều giấy tờ, liệu luật ra có giảm được bất cập này.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì thấy một loạt khái niệm hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh thư, hộ chiếu... "hình như rắc rối thêm chứ không giảm". Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đọc dự thảo cũng thấy thêm thủ tục, chi phí, nhân sự.
hộ khẩu, hộ tịch, luật hộ tịch, cải cách hành chính, mã số định danh, bộ tư pháp
Có luật Hộ tịch liệu giảm được bao nhiêu giấy, bớt được bao nhiêu cửa? Ảnh chỉ mang tính minh họa: Minh Thăng
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển băn khoăn liệu luật ra có gây thêm phiền phức cho dân, họ có cần những giấy tờ như khai sinh, đăng ký kết hôn hay mọi thông tin đã có trong sổ hộ tịch, việc giao hết công tác hộ tịch cho cấp xã có làm tăng thêm biên chế và gánh nặng cho ngân sách?
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng QH Đào Trọng Thi thì lo dân đi đâu, làm gì cũng phải về xã để cập nhật những thông tin hộ tịch.
Chỉ ra đây đều là những câu hỏi mà lần trình cuối năm 2012 không trả lời được nên dự thảo luật này bị gác lại, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn phê là "cải lương". Ông Hùng không hài lòng cho rằng dự thảo luật chưa đủ điều kiện trình UB Thường vụ QH xem xét chứ chưa nói đến việc trình QH thảo luận cuối năm nay.
"Cơ quan soạn thảo đưa ra điểm gì cơ quan thẩm tra cũng bác hết, giấy tờ cái gì cũng giữ lại mà bảo là cải cách hành chính cho dân", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng gay gắt.
Ví dụ, UB Pháp luật thấy dự thảo luậtchưa giải quyết thỏa đáng mối quan hệ "hộ tịch" - "hộ khẩu" vốn bất cập nhiều năm nay; đề nghịgiữ nguyênsổ hộ tịch là sổ giấy như hiện nay; cho đến khi hoàn thành đề án cấp mã số định danh cho tất cả công dân vào năm 2020 thì các loại giấy tờ như chứng minh thư, hộ khẩu, hộ chiếu vẫn giữ nguyên...
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tỏ ra rất lạc quan khi nói đến tương lai năm2020 mỗi người dân đều có một mã số định danh cá nhân: con số duy nhất mang theo suốt đời, gắn trên mọi giấy tờ tùy thân, mỗi người chỉ còn một cái thẻ công dân dân điện tử thay thế tất cả các giấy tờ khác, không cần lo sao chụp công chứng, các cơ quan nhà nước tự đối chiếu thông tin khi cần...
Tuy nhiên, câu chuyện đó chưa đủ thuyết phục khi mà đề án này thậm chí còn chưa làm thí điểm. "Ngay bây giờ, dân đang phải mang theo bao nhiêu giấy tờ, làm thủ tục hành chính phải đi mấy cửa, luật ra liệu giảm được bao nhiêu giấy, bớt được bao nhiêu cửa?", Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
Bộ Tư pháp cho biết hiện mỗi công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ khác nhau nhưkhai sinh,chứng nhận kết hôn,hộ khẩu,thẻBHYT,chứng minh thư, hộ chiếu,sBHXH,giấy phép lái xe…
"Dự kiến mấy luật sắp tới còn đẻ thêm giấy tờ nữa như thẻ căn cước, lý lịch tư pháp..., dân mới nghe thôi đã thấy sợ rồi, có mỗi chuyện chứng minh thư nhân dân phải có tên bố mẹ họ đã phản ứng ầm ầm", Chủ tịch QH nói. "Sau này không biết thế nào chứ giờ có việc gì cũng phải về quê để ghi sổ hộ tịch để còn lưu cả trăm năm, họ không làm đâu".
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhận định lần trình này, Bộ Tư pháp vẫn chưa trả lời được các câu hỏi của lần trước, những tranh luận thậm chí còn gay gắt hơn. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng còn nói thẳng: "Thuyết phục mình tôi còn chưa được làm sao thuyết phục được 500 đại biểu, cứ thế này mà đưa ra QH thì đại biểu 'băm' cho nát".
"Bây giờ các vị phải rà soát lại, nghĩ hết lẽ để cho dân bớt khổ, xem dân cần những giấy tờ gì để giải quyết các việc hành chính, Nhà nước cần những giấy tờ gì để quản lý công dân, hai yêu cầu này phải gặp nhau, làm sao mỗi người dân chỉ phải mang một hai giấy tờ thôi", ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
Do dự thảo chưa thuyết phục, cũng như hiệu lực dự kiến là năm 2016 còn nhiều thời gian chuẩn bị, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện luật Hộ tịch để trình ra đầu năm sau.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu quán triệt nguyên tắc mà Bác Hồ đã nhắc nhở: Cái gì có lợi cho dân thì nhỏ cũng làm, cái gì không có lợi, làm phiền dân thì nhỏ cũng không làm.



Copy từ: Cu Làng Cát

Đã đến lúc “phá xiềng”!


Mặc Lâm- RFA 2013-08-17
ho-ngoc-nhuan
Cựu DB/VNCH đối lập Hồ Ngọc Nhuận
photo hoangquang1.worlpress.com

Sau khi ông Lê Hiếu Đằng nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt nam Tp.HCM tung ra liên tiếp ba bài viết tuyên bố cần phải thành lập một đảng đối lập tại Việt Nam mà ông là người sáng lập, để làm đối trọng với chế độ độc đảng hiện nay, ông Hồ Ngọc Nhuận, một trí thức nổi tiếng từng hoạt động công khai trong chính phủ Sài Gòn với vai trò của một dân biểu đối lập và sau năm 1975 ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng của chính quyền mới, đã tung bài viết mang tên Phá Xiềng đang tạo sôi nổi trong dư luận. Mặc Lâm phỏng vấn đặc biệt với ông để tìm hiểu thêm vấn đề quan trọng này.

Mặc Lâm:
"Thưa ông sau khi ông Lê Hiếu Đằng viết liên tiếp ba bài nói về sự bức thiết phải thành lập một đảng đối lập với cái tên gợi ý là Đảng Dân chủ Xã hội. Ngày hôm nay ông cũng có bài viết với tên gọi “Phá Xiềng” chẳng những ủng hộ quyết định của ông Lê Hiếu Đằng mà còn bổ túc thêm nhiều ý tuởng cho sự hình thành đảng này. Xin ông cho biết lý do chính của việc cần thiết phải thành lập đảng đối lập này là gì?"

"Chế độ này không dân chủ"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Chế độ này không có dân chủ. Anh thấy không, người ta lấy dân chủ người ta làm độc trị, độc quyền, độc đoán, đủ thứ hết trọi! Nhưng không có dân chủ thì không thể có lối thoát được. Và điều này thật sự ra những người nào yêu nước, những người có lòng, họ đã khổ sở đề nghị lâu rồi nhưng không ai nghe. Nếu mà dân chủ thì người ta sợ người ta mất. Ông Đằng đặt vấn đề cũng từ lâu rồi vì đây là lối thoát. Lối thoát cho những người đương cầm quyền mà còn là lối thoát cho dân mình, không còn cách nào khác. Hơn nữa, cái này cũng lâu đời rồi. Từ xưa đến giờ tất cả những nước đã phát triển thì tốt nhất là áp dụng dân chủ. Khi mà dân chủ được thì mọi người đều có dân chủ, mọi người mới hợp lực lại. Đâu có ai cản lại được đâu, có ai nói ngược lại đâu, có ai nói phải nói trái được đâu mà  nói phải nói trái thì tối thiểu là bị ém, bị trù, bị dập. Tức là nói nôm na có dân chủ mà không có đối lập thì  kể như là cụt chứ không phải cuội nữa mà nó là độc tài."

Mặc Lâm:
"Ông đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền hiện nay ông nhận thấy nền dân chủ của nuớc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có gì đáng để phân tích hay không và đặc biệt vai trò của Đảng Cộng sản đối với nền dân chủ pháp trị mà chính phủ luôn hô hào vận động có điều gì cần phải bàn luận hay không?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Họ cứ nói là còn đảng còn mình nên quyết bảo vệ đảng. Một ngày nào đó, không sớm thì muộn, có thể họ ở lâu lắm, nhưng một ngày nào đó họ cũng ra đi nhưng là một sự tan nát ê chề bởi vì dân đâu có chịu! Nhiều đời lắm rồi, từ thời còn vua chúa kìa, dân mình không phải là dân không có tiếng nói. Luôn luôn có tiếng nói. Vua chúa ngày xưa cũng để cho dân nói. Cái chế độ cũ cũng để cho dân nói. Còn giờ đây không cho người ta nói thì làm sao mà góp ý và xây dựng đất nước được? Cho nên điều tâm đắc nhất của tôi từ xưa đến giờ là dân chủ mà muốn dân chủ là phải có 2,3 đảng. Người ta đâu có đòi phá mấy ổng, người ta đòi nói chuyện với mấy ổng một cách rất là tử tế và mấy ổng tử tế nói chuyện với người ta. Mà nói chuyện thì phải bình đẳng, bình quyền."

So sánh hai chế độ

Mặc Lâm:
"Trong chế độ cũ ông từng là một dân biểu chọn vai trò đối lập, đồng thời cũng là giám đốc chính trị của nhật báo Tin Sáng có từ trước năm 1975. Giữa hai chế độ thì trong thâm tâm ông, ông có nhận xét như thế nào về nền dân chủ pháp trị trước đây và nền pháp trị của chế độ mới, nếu so sánh một cách công bằng, thưa ông?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Thật sự cái luật của chế độ mới bây giờ đâu phải là pháp trị mà là đảng trị. Họ thâu tóm tất cả trong tay họ hết. Chế độ này họ muốn cai trị nhưng họ không có luật. Họ không có luật thì làm sao ra luật được. Cái ông đảng này ổng thâu tóm hết rồi ổng “úm ba la” nay ổng làm cái luật này, mai ổng làm luật kia. Còn những cái mà ổng cho là quyền của dân thì ổng ghi trong hiến pháp thì ổng để đó. Ổng không dám làm luật vì nếu ổng làm luật, dẫu cho họ có nắm hết quyền hành từ Quốc hội cho đến đủ thứ đi nữa thì một ngày nào đó tối thiểu cũng mở cửa chút đỉnh. Còn cái này cũng không phải pháp trị mà cũng không pháp quyền nữa mà nó là đảng trị. Đảng trị từ đầu đến cuối. Đảng ta là đảng cầm quyền. Cầm quyền một mình nên đi tới độc quyền. Vậy thôi. 
 
Còn chế độ cũ, tôi là một dân biểu đối lập trong chế độ đó. Tại sao ở chế độ cũ người ta cho đối lập? Từ hồi mới 75, mấy ổng nói với tôi là đây là kiểu thực dân mới nên nó mới áp dụng như vậy để nó coi là có dân chủ".
Đã có dân chủ thì phải có đa nguyên, có người này người khác chẳng hạn, không phải là tốt tuyệt đối đâu. Nó cũng có mặt này, mặt khác nhưng dưới chế độ cũ, tôi là dân biểu đối lập nhưng tôi làm báo được, mặc dầu tôi bị đóng cửa tới đóng cửa lui, rồi tôi bị tịch thâu tới, tịch thâu lui và sau cùng tôi bị đóng cửa hẳn năm 72. Đóng tờ này tôi lại làm tờ khác. Nói với anh Mặc Lâm, ngay cả bậc thầy của chúng ta trong làng báo là ông thầy Nguyễn An Ninh chẳng hạn, ổng từ Pháp về và viết những bài bằng tiếng Pháp. Hồi xưa dưới cái thời cai trị của thực dân nó cũng để cho người mình nói chuyện. Mặc dầu nó cũng bắt nhốt ổng và sau cùng ổng phải chết ở Côn đảo.
Thú thật ra bây giờ chế độ dân chủ ở M, ở Anh, ở Pháp hay ở Âu châu chẳng hạn, nó cũng có những đàn áp...bởi vì đây thật sự là đấu tranh mà! nhưng đấu tranh dân chủ ít ra phải có tiếng nói của dân, ít ra phải có tiếng nói của báo chí. Còn đằng này ổng tóm thâu hết. Cả cái suy nghĩ, cái tình cảm ổng cũng muốn làm chủ. 
 
Anh Đằng ảnh nói đúng đó. Dưới chế độ cũ mấy ông làng văn cũ vô trong này hồi sau 75 chẳng hạn tôi còn tặng sách của mấy ổng mà ở ngoài đó mấy ổng không in được. Còn ở trong này in thả giàn. Tất cả những  sáng tác của thời gọi là thực dân, gọi là đủ thứ... tại sao những sáng tác đó có giá trị để đời còn bây giờ thú thật mấy ổng tặng thưởng này, tặng thưởng kia mà dân có ai đọc đâu?

Học sinh thì bị bắt học, thật tội nghiệp cho con cháu chúng ta quá. Nó bị nhồi nhét, nó bị một chế độ ngu dân. Cho nên nói thì nhiều lắm, anh Mặc Lâm ơi nhưng mà nói thì đâu có phải đả phá hay tranh đấu với mấy ổng đâu. Mấy ổng mạnh quá mà. Bao nhiêu lực lượng ở trong tay, còn lâu lắm nhưng nhất định mấy ổng không chịu, mấy ổng sợ."

Sẽ đàn áp đảng viên Cộng Sản?

Mặc Lâm:
" Như ông vừa nói, đảng Cộng sản còn đang rất mạnh, có biết bao nhiêu lực lượng trong tay, như vậy khi một đảng đối lập mới được hình thành với cái tên Đảng Dân chủ Xã hội chắc chắn sẽ bị chính quyền chống phá mãnh liệt và sự mãnh liệt ấy có thể dẫn đến đổ máu. Ông có dự báo câu chuyện có thể dẫn đến mức độ tồi tệ như vậy hay không?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Thât sự ra đâu có ai làm gì mấy ổng đâu mà đổ máu? Tất nhiên là mình bất bạo động mà. Vả lại tôi bây giờ, như anh Mặc Lâm có hỏi hồi nãy đó là vấn đề sức khỏe. Những ông già như chúng tôi thì làm cái gì mà đổ máu? Tất nhiên là bịt miệng thôi. Tôi chỉ làm đảng đối lập thôi chứ có làm gì đâu và không như các  đảng đối lập ở các nước làm loạn để họ đàn áp đẫm màu được?
Nếu họ đàn áp đẫm máu thì chuyện này rất là lạ lùng, quái dị nhưng tôi hy vọng ở tuổi trẻ. Thời nào cũng vậy hết, không có tuổi trẻ thì không làm ăn gì được hết. Và tôi hy vọng cả những ông đảng viên, thật sự như ông Đằng ổng nói đó, có nhiều người  chuyển sinh hoạt đảng đâu đó thì cũng không thèm. Con số âm thầm đó là bao nhiêu? Số đó đông lắm vì họ uất ức, họ nghẹn ngào, buồn tủi vì bị cấy lý tưởng thời còn trai trẻ. Họ vì dân vì nước mà bị người ta phản bội. Con số nguời đó thật tình đấu tranh, dấn thân, vào tù ra khám. Đó là thật sự những người đảng viên Cộng sản yêu nước họ cũng là những người đấu tranh kiên cường".

Mặc Lâm:
"Ông có cho rằng vì không thể im lặng nhìn một lực lượng nổi lên chống lại sự độc đảng của mình nên đảng cộng sản sẽ ra tay đàn áp, bắt bớ những người tham gia vào đảng Dân Chủ Xã Hội hay không?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Có thể là bắt bớ người nhưng có ai làm gì đâu mà bắt bớ. Thật sự ra là họ bắt những người trong nội bộ đảng vì họ đã đứng ra không chấp nhận đảng nữa và lập cái đảng mới. Điều này tôi rất mong từ lâu rồi. Nói cách này thì họ ngại nhưng không có gì đáng ngại đâu, không phải là diễn tiến tự sụp đổ đâu mặc dù đúng là một hình thức đó, tự sụp từ bên trong.
Nếu họ bắt một người đảng viên cộng sản ly khai thì họ tự đục một cái lỗ hổng. Bắt nhiều người cộng sản ly khai thì họ đục thêm nhiều cái lỗ như vậy. Bắt nhiều người như vậy trong cùng một cái đảng của họ mà không còn chấp nhận họ nữa thì cứ cho họ tự phá con thuyền của họ".

Mặc Lâm:
"Để bắt đầu xây dựng một đảng đối lập trong bối cảnh hiện nay ông nghĩ bộ phận nào trong xã hội sẽ được kêu gọi và gây dựng làm thành phần nòng cốt?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Tôi tin rằng với nòng cốt của đảng mới này như ông Đằng hô hào và kêu gọi. Ông ấy hỏi tại sao chúng ta là những người đảng viên cảm thấy mình hổ thẹn với tiền nhân, với con cháu vì bị phản bội; Nếu mình cứ tiếp tục làm thêm như vậy thì chính mình cũng là người phản bội. Ổng có kêu gọi những người bạn đó và tôi cũng kêu gọi những người đó. Bởi những người đó, đúng ra là một bộ phận của người cng sản muốn công khai đấu tranh ôn hòa, đấu tranh dân chủ để mà xây dựng đất nước, thế thôi."
 
Mặc Lâm:
"Nếu vượt qua được bước đầu thành lập đảng mà không bị bắt bớ hay đàn áp vì theo như ông nói Đảng Cộng sản sẽ không dại gì mà tự đục thuyền của mình bằng cách bắt bớ đảng viên ly khai, như vậy buớc kế tiếp Đảng Dân Chủ Xã hội mà cốt cán là thành phần đảng viên ấy sẽ làm điều gì với đảng Cộng sản hiện nay?"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Nếu họ không làm chuyện đó vì họ nghĩ như vậy là tự đục thuyền thì chỉ còn một cách là ngồi lại với nhau, thử nói chuyện. Ông Đằng có nói rất rõ là ổng thách mấy ổng nói chuyện thẳng với ổng. Ổng thách cả ông đầu sỏ của tuyên huấn của đảng Cộng sản về lý luận nói chuyện với ổng. Chứ đâu có nói đấu võ đâu! Nói ra điều này ai cũng ngại nhưng mà đối với đảng Cộng sản thật sự mà thấy tình hình thực tế dân tình không cho phép mấy ổng làm chuyện cũ nữa. Không chuyên quyền nữa thì mấy ổng phải nghe."

Mặc Lâm:
"Xin cám ơn ông Hồ Ngọc Nhuận đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này."


Copy từ: RFA

Thanh tra Thành phố Hà Nội thực hành chức năng bao biện cho việc cướp Tu viện Thái Hà

Sau nhiều đơn thư từ Giáo xứ Thái Hà, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn tiếp tục cho đập phá Tu viện Giáo xứ nhằm phi tang. Đến khi các Linnh mục, tu sĩ, giáo dân thành Linh mục oan đi nhiều nơi để kêu cứu tài sản của mình. Thanh tra Thành Phố Hà Nội bắt đầu giở bài “mời”. Nhưng khi giáo dân chuẩn bị xong, thì họ “hoãn”.

Ngày 18/7/2013, một đoàn Linh mục, tu sĩ, giáo dân Thái Hà lên gặp Thanh Tra Thành phố theo lời mời. Ở đó Thanh tra Thành phố diễn bài gì?

Mời quý vị xem các đoạn video sau sẽ rõ sự loanh quanh, bao che và con bài soạn sẵn được biểu diễn ra sao. Các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà đã tranh luận thẳng thắn và vạch trần âm mưu của họ.
Phần I:




Phần II




Phần III



Phần IV




Phần V




Hà Nội, ngày 2/8/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh


Copy từ: J.B Nguyễn Hữu Vinh

TÍN HIỆU

Có thể nói  gần 40 năm qua, người dân Long An lần đầu tiên được thấy biểu tình

Khi một mình đi lên bến xe Chợ Lớn để đón xe buýt xuống nhà tù Long An thăm Uyên, Kha, Uy vào lúc 6 giờ sáng ngày 15.8, tôi không tin sẽ được nhìn thấy mặt các em đàng sau chắn song sắt. Đi là đi vậy thôi. Không ngờ xuống đó lại gặp các nhân sĩ Sài gòn tổ chức thành đoàn xuống thăm và gởi quà cho các em. Còn hơn thế nữa, không những  thấy được cả ba em một cách thoải mái mà còn được trực tiếp nói chuyện với Phương Uyên.
Một tín hiệu?

Sáng ngày 15.8, mọi người chống đỡ cuộc đàn áp dữ dội của công an Long An trước cổng tòa án . Ban đầu chỉ có gia đình Uyên - Kha và một số mẹ chị đến từ Vũng Tàu, Đồng Nai và một số bạn trẻ đến từ Sài Gòn...rồi đến chúng tôi gồm anh Huỳnh Kim Báu, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà báo Kha Lương Ngãi, kỹ sư Tô Lê Sơn... Bên cạnh đó là nhóm Nguyễn Tường Thụy, Lê Quốc Quyết... từ Hà Nội vào mấy hôm nay. Rồi mọi chuyện bùng nổ khi các bạn trẻ No- U cùng với nhóm Bùi Hằng gồm Thụy Nga với cháu bé trước bụng, Trương Dũng, Viễn Nguyễn...đến từ Hà Nội. Lực lượng chị em Nam Bộ được bổ sung thêm các mẹ chị đến từ An Giang, Sài Gòn. Ngược hẳn với thái độ từ tốn của anh Báu khi chất vấn viên chỉ huy công an lý do không cho chúng tôi vào dự phiên tòa,  Nhóm Bùi Hằng, Thụy Nga, Trương Dũng vừa đến nơi  đã to tiếng phản ứng việc công an cấm đoán chúng tôi chụp hình trong khi cả rừng an ninh mặc thường phục chỉa các loại máy quay vào tận mặt từng người chúng tôi. Công an phản ứng lại bằng cách tăng cường người và gia tăng áp lực. Anh Viễn Nguyễn rồi Kha Lương Ngãi vừa lôi điện thoại  và máy ảnh ra đã bị hàng loạt công an chìm nổi nhào đến cướp giật máy và khống chế đưa lên xe 113. Bùi Hằng xông ra, Trương Dũng và Thụy Nga chỉa máy chụp hình vào mặt những người đang chỉa máy vào chúng tôi. Cả hai ngay tức khắc bị khống chế thô bạo đưa lên xe. Chúng tôi chen vào giằng co và che chắn để bảo vệ em bé được địu trước bụng Thụy Nga. Mọi người nằm xuống trước đầu xe, một vài bạn khác nằm chặn sau xe.
Nhưng vì lực lượng công an và dân phòng quá đông nên cuối cùng xe cũng cài số lui chạy thoát.

Chúng tôi họp lại thành một đoàn biểu tình đi diễu hành quanh một số đường phố. Ban đầu chi chừng 40 người nhưng qua trưa và đến  đầu giờ chiều, số người biểu tình đã lên đến gần cả trăm. Lực lượng tăng cường cho đoàn biểu tình đến từ khắp nơi. Các câu khẩu hiệu được hô vang: Tự do cho người yêu nước, Phương Uyên- Nguyên Kha vô tội, phản đối công an bắt người biểu tình, phản đối phiên tòa bưng bít... Người dân thành phố Tân An ngỡ ngàng và rúng động. Sau nầy nhiều người nói: "Cả đời dân ở đây, hơn 40 năm qua, đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh biểu tình". Tôi nghĩ, có lẽ cả trăm năm qua người dân tại đây chưa thấy biểu tình là gì vì trước 75, hầu hết các cuộc biểu tình đều diễn ra tại Sài gòn.

Tại đây cũng cần dừng lại để có lời khen ngợi chính quyền Long An đã tôn trọng quyền tự do biểu tình của người dân theo đúng hiến pháp đã ghi. Đoàn biểu tình gần 100 người với các biểu ngữ các loại, kéo đi qua khắp các đường phố, hô vang các khẩu hiệu phản đối các điều sai trái trong suốt cả ngày mà không hề bị ngăn chặn hoặc bị gây khó khăn. Người trong đoàn biểu tình cũng không bị bọn giả danh côn đồ hoặc các lực lượng an ninh đánh đập thô bạo như ở Sài Gòn và Hà Nội.
 Một tín hiệu?

Phiên tòa bị bưng bít hoàn toàn khi không có luật sư biện hộ cho hai bị cáo, không có bất cứ người nhà nào được cho vào. Anh Linh, chị Nhung, chị Liên, chị Như...là cha, mẹ, chị...đều bị đuổi ra khỏi khu vực cổng tòa trên 20 mét như mọi người dân khác.
Phương Uyên đã kiên cường tuyên bố trước tòa khi tự bào chữa cho mình: “Tôi không cần giảm án, chỉ cần xử đúng người đúng tội… Chống Đảng Cộng sản không phải chống phá đất nước, dân tộc!”. 
Công tố viên đã đề nghị y án với em. Thế nhưng bất ngờ tòa tuyên Phương Uyên hưởng án treo và thả ra ngay, Nguyên Kha được giảm 1 nửa mức án, tài sản tịch phu trái phép của Đinh Nhật Uy được trả lại.
Không còn là một tín hiệu nữa mà là một phát đại pháo báo hiệu cho sự chuyển mình của lịch sử?

                                                                 *               *
                                                                         *
Tối 15.8, sau khi thăm Uyên Kha Uy trong tù, tôi định ở lại hẳn Long An để chuẩn bị cho hôm sau nhưng được tin anh em thân hữu Sài Gòn tổ chức tiệc mừng anh Lê Hiếu Đằng trở lại sau những ngày thập tử nhất sinh trong bệnh viện, tôi lại lên xe chạy về lại Sài Gòn.
Nhà Văn Phạm Đình Trọng và anh Lê Hiếu Đằng tại buổi tiệc mừng anh khỏi bệnh

Mặc dầu đã hồi phục sau khi mổ nhưng anh Đằng vẫn còn rất yếu, tuy vậy sức sống trong anh vẫn tỏa ra mãnh liệt. Sức sống ấy đã nổ tung ra qua bài viết "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh..." và lan truyền ra như một làn sóng lớn. Bài viết "Phá Xiềng" ngay sau đó của anh Hồ Ngọc Nhuận và các bài viết hưởng ứng khác là sự tiếp nối của sức sống ấy.
Anh em bạn bè ngồi ăn uống chuyện trò nhưng không khỏi không tỏ ra lo cho anh Đằng sau bài viết ấy có bị công an quấy rầy gì không. Anh Đằng nói: Khi chiều đại diện Bộ Công An có đến nhà tôi. Mọi người xôn xao, anh cười nói: Các bạn ấy đến để trao quà và thăm viếng bịnh tình của tôi. Các bạn ấy chân thành chúc mừng tôi đã phục hồi sức khỏe và dường như còn muốn nói với tôi nhiều chuyện khác nhưng rất tiếc lại có khách khác đến nên thôi...
Rồi sáng nay, 17.8, trong lúc ngồi ăn sáng với anh và gia đình Phương Uyên, tôi hỏi anh đã nghe động tỉnh gì từ phía trên kia... anh lại nói riêng với tôi: Chiều hôm qua anh Tư Sang có gởi đến cho anh một món quà cùng lời thăm hỏi chân tình. Tôi hỏi quà gì? Anh nói: Một loại thuốc chữa bệnh rất quý chỉ dành riêng cho các vị lãnh đạo.
Một tín hiệu nữa chăng?

                                                                   *              *
                                                                           *
Niềm vui đến rất lớn nhưng rồi vẫn có những nghi ngại. Vẫn có những ý kiến này khác.
Tôi bảo lòng mình cứ tin rằng đang có những bước đổi thay thật sự vì sự tồn vong và phát triển của đất nước, đang có những bước đổi thay vì hạnh phúc của toàn dân. Nhẽ nào quyền được sống tự do theo lý tưởng của một cô gái bé nhỏ lại là món hàng trao đổi của Nhà nước nầy cho một yêu cầu chiến thuật nào đó? 




Copy từ: Huỳnh Ngọc Chênh


................

TS Phạm Chí Dũng phản hồi về bài “Ơn Đảng, ơn Chính phủ” của mình trên RFA

TS Phạm Chí Dũng phản hồi về bài “Ơn Đảng, ơn Chính phủ” của mình trên RFA

Xin gửi BBT trang Basam và bạn đọc
Phản hồi của Phạm Chí Dũng về dư luận đối với bài viết “Ơn Đảng, ơn Chính phủ” trên RFA
Cám ơn Basam và một số đồng nghiệp, bạn đọc đã góp ý và hiểu về tình cảm của tôi khi viết bài báo trên.
Bài viết đã được tôi thực hiện vào chiều muộn ngày 16/8/2013, ngay sau khi nghe tin Phương Uyên được tự do. Đó là một tâm trạng vui mừng đến nỗi không thể nói được, hoặc chỉ muốn thét lên…
Vậy là tôi nhớ lại lời tạ ơn “Ơn Đảng, ơn Chính phủ” của nữ đồng nghiệp, nhà báo Thụy My, Đài RFI Việt ngữ của Pháp dành cho tôi sau khi tôi ra khỏi trại giam. Với Thụy My, nếu tôi không được Đảng và Chính phủ đặt vào thế lao lý thì cố ấy đã chẳng thể biết tôi là người như thế nào và cũng không bao giờ thân thiết với tôi được.
Tôi đã có mặt ở nhà thờ Dòng Chúa cứu thế, Sài Gòn vào tối 16/8. Trong khung cảnh hàm trăm con người ôm nhau, vui cười và không thiếu nước mắt, tôi tự hỏi điều gì và ai đã làm cho họ gần gũi nhau như thế? Ngay như tôi, một người mà chỉ cách đây vài năm còn cách xa xác tín Kitô hữu cả một hàng rào song sắt nhà thờ, nhưng giờ đây lại như đang đứng ngay trong lòng Chúa.
Không thể nói khác hơn, điều kỳ diệu (có thể đặt từ này trong ngoặc kép hay không cũng được) mà Đảng và Chính phủ đã làm được là khiến những con người xa lạ trở nên gần gũi và chia sẻ với nhau cứ sau mỗi vụ bắt bớ hay xử án. Những người phụ nữ giản đơn và có vẻ chân quê như chị Tân vợ anh Điếu Cày, chị Nhung mẹ bé Phương Uyên, chị Liên mẹ Nguyên Kha và Nhật Uy…, chỉ trong một thời gian ngắn đã biến thành những con người nhiệt thành cho dân chủ, đồng cảm với cảnh ngộ của nhau, vượt hẳn về kiến thức xã hội – chính trị và có cả một thế giới bạn hữu.
Đấy chính là điều tôi muốn mô tả trong bài viết của mình, và một lần nữa, tôi thật lòng cám ơn Đảng và Chính phủ đã “tạo điều kiện” để chúng tôi xích lại gần nhau như thế.
Tuy vậy, bài “Ơn Đảng, ơn Chính phủ” gửi RFA có thể do tôi viết quá vội, và như Basam nhận xét, trong một tình cảm không kềm chế mà dễ dẫn tới sơ suất kỹ thuật, đã khiến cho một số bạn đọc hiểu lầm về vài ý tứ không rõ ràng. Rất cám ơn các bạn đã góp ý, và tất nhiên tôi sẽ phải nghiêm túc rút ra một kinh nghiệm cho trường hợp này.
———-
Sáng 18/8/2013. Mời xem thông tin liên quan: 


Copy từ: Ba Sàm

Đâu là nguyên nhân để Nguyễn Phương Uyên được giảm nhẹ hình phạt và được thả tự do ngay tại tòa?

 

Đâu là nguyên nhân để Nguyễn Phương Uyên được giảm nhẹ hình phạt và được thả tự do ngay tại tòa?

Hoàng Mai


clip_image001
Phương Uyên tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Dòng Chúa Cứu Thế (Sài Gòn), sau khi được trả tự do (ảnh boxivn).

Sự kiện phiên tòa phúc thẩm xử hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại tỉnh Long An ngày 16/8/2013, được xem là sự bất ngờ lớn nhất trong các phiên tòa dưới chế độ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ trước đến nay. 

Theo tường thuật phiên tòa ngày 16/8/2013 của blog Danlambao, được mạng Bauxite Việt Nam đăng lại, thì đến giờ nghỉ trưa, thông tin từ phiên tòa như sau: 

10:30 sáng - Phiên tòa tạm nghỉ. Tin từ bên trong tòa cho biết Viện Kiểm sát đề nghị mức án tù đối với Đinh Nguyên Kha là 5-6 năm (giảm so với mức án 8 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm). Riêng đối với Nguyễn Phương Uyên thì Viện Kiểm sát đề nghị y án – 6 năm tù giam”.

Thế nhưng, đến cuối buổi chiều, như mọi người đã biết, với Phương Uyên tòa tuyên án: Nguyễn Phương Uyên bị 3 năm tù treo, và được trả tự do ngay tại tòa.

Vậy, đâu là nguyên nhân, mà chỉ trong vòng chưa đến 6 giờ đồng hồ, Tòa thay đổi hình phạt đối với Phương Uyên, và tuyên án thả em ngay tại tòa?

Có nhiều lý do để giải thích cho trường hợp này, nhưng yếu tố quyết định, theo người viết bài này, đó chính là nhận định và kèm theo lời cảnh báo của Ông Phil Robertson đại diện của Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) gửi đến Danlambao lúc 13:00, được Danlambao lược dịch như sau:

“Phiên toà và việc bỏ tù hai người trẻ này vì rải truyền đơn là một cáo trạng cay độc về tất cả mọi sai trái đối với nhân quyền tại Việt Nam. Nó biểu lộ một chính phủ đàn áp nhất quyết khoá miệng công dân của họ, một toà án như con chó ngoan hau háu thực hiện mệnh lệnh của những ông chủ chính trị, và thật nhiều những luật lệ về "an ninh quốc gia" được dùng để tội phạm hoá bất kỳ hành xử nào về những quyền dân sự hay quyền chính trị. Rõ ràng với trò này, Việt Nam không thể nào có đủ tư cách để tiến đến việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, và những người tài trợ, ngoại giao ở Hà Nội cần nói với nhà nước Việt Nam rằng họ sẽ không còn nhận những hỗ trợ trừ khi họ chấm dứt những hành động vi phạm nhân quyền”.

Rõ ràng, nhận định trên đây của ông Phil Robertson là rất đau đớn cho ngành Tư pháp Việt Nam, tuy rằng nó rất xứng đáng, khi ông nói: một toà án như con chó ngoan hau háu thực hiện mệnh lệnh của những ông chủ chính trị”; nhưng có lẽ lý do chính lại là đoạn tiếp theo, khi ông Phil Robertson khẳng định: “Rõ ràng với trò này, Việt Nam không thể nào có đủ tư cách để tiến đến việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.

Với tư cách là người đại diện của Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), thì nhận định trên đây của ông Phil Robertson là cú đánh mạnh vào uy tín của chính quyền Việt Nam, và nếu không giảm án và thả Phương Uyên thì rõ ràng Việt Nam không có cơ hội để được đề cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Là người Việt Nam, nếu là người lương thiện, ta cũng phải tự công nhận rằng: Với một nền Tư pháp, trong đó việc xét xử thường được cho là “án bỏ túi” như từ trước đến nay, việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, có thể xem như là sự sỉ nhục đối với tổ chức này; đặc biệt, việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, còn thể hiện lối tư duy “láu cá”, rất kém văn hóa… mang tính truyền thống của lãnh đạo Việt Nam.


H. M.


Tác giả gửi trực tiếp cho  Bauxite Việt Nam

Tại sao lại có kết quả bất ngờ trong phiên phúc thẩm vụ án Phương Uyên?



Kami 

Chắc rằng chiều ngày 16.8.2013 những ai khi biết quả phiên xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đều phải hết sức ngỡ ngàng và không tin vào mình. Vì lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng của Việt Nam XHCN, phiên tòa phúc thẩm tuyên án khác xa với tòa sơ thẩm nhưng lại có lợi cho bị cáo. Điều đó khiến cho nhiều người vui sướng trong sự bất ngờ, không bất ngờ sao được chỉ cách đấy vài giờ đồng hồ các diễn biến của trước và trong phiên tòa đã làm cho người ta đã nghĩ đến những điều bất lợi hơn đối với cô bé Phương Uyên.

Tôi cũng chăm chú theo dõi phiên tòa này, kết quả của phiên tòa cũng làm tôi vui mừng. Tôi mừng với tư cách một người đang làm cha, tôi thông cảm với các bà mẹ có con bị tù đầy, vì tôi biết "Một ngày tù nghìn thu ở ngoài". Nếu đặt địa vị mình vào họ thì mình vui mừng đến cỡ nào?.Còn ai cho rằng kết quả của phiên tòa ấy là thắng lợi của công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt nam thì tôi chưa đồng ý. Vì như thế là quá dễ thỏa mãn với những kết qur nhỏ bé mà không hoàn toàn do hành động của chúng ta. Còn nhớ khi vào khoảng giờ nghỉ trưa của phiên tòa, một nhà báo kỳ cựu đang theo dõi phiên tòa tại Long an có bảo tôi rằng "Chắc chả hy vọng gì đâu, may thì sẽ y án sơ thẩm. Kể cả khi Phương Uyên từ chối luật sư thì cũng muộn rồi". Hơn nữa là khi Phương Uyên dõng dạc tuyên bố: "Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng” tại tòa. Khi ấy mọi người chỉ còn hy vọng bản án của Đinh Nguyên Kha sẽ được ưu ái hơn. Vây mà kết quả phán quyết của Tòa án Tỉnh Long an là: Đinh Nguyên Kha – 4 năm tù giam; Nguyễn Phương Uyên – 3 năm tù giam nhưng cho hưởng án treo; Tuy vậy phán quyết "động trời" vừa nói không thể là phán quyết của Thẩm phán Trương Thị Minh Thơ - chủ tọa phiên tòa và cộng sự. Nó càng không phải là phán quyết của chánh tòa án Long An, mà nó phải là quyếtt định của một cơ quan đảng cấp cao (có thể là cấp cao nhất) thông qua Ban Nội chính TW như thường lệ đối với các vụ án nhạy cảm về chính trị mà người ta gọi là bản án bỏ túi. 
Đây có thể không phải là thành quả của lòng can đảm của các sinh viên yêu nước, sự hi sinh của gia đình, sự khích lệ của bạn bè, phối hợp của các blogger, sự sát cánh của truyền thông lề dân như một số bình luận. Những cái đó nếu có thì chỉ có tác dụng về mặt tinh thần đối với Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha . Vì nếu so sánh với vụ án Nguyễn Văn Hải - Điếu cày thì sự ủng hộ của cộng đồng mạng, lòng can đảm của Điếu Cày, sự hi sinh của gia đình, sự khích lệ của bạn bè, phối hợp của các blogger, sự sát cánh của truyền thông lề dân còn lớn hơn gấp nhiều lần. Rồi kết quả số phận của ông Điếu Cày ra sao thì ai cũng đã rõ. Đúng ở đây vấn đề tác động của cộng đồng quốc tế là quan trọng, nhưng vấn đề "may hơn khôn" lại là yếu tố mang tính quyết định. Vì phiên xử phúc thẩm diễn ra đúng thời điểm mà các bối cảnh chính trị liên quan đến vấn đề quốc tế và trong nước đã gây áp lực cho chính quyền tới mức buộc họ phải có các phán xét có lợi cho Uyên - Kha. Nhưng một khía cạnh tuy nhỏ có liên quan nhưng không thể không nhắc đến đó là tỉnh Long An là quê của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây chính là lý do vì sao công an tỉnh Long An đã gần như "thả nổi" các khâu trong công tác bảo vệ phiên tòa, nên đã có người cài được máy ghi âm và điện thoại di động vào ngay phòng xử án. Bát chấp sự can thiệp nhiều lần, dưới nhiều hình thức từ Bộ Công an.
 
Trong sự vui mừng nên cũng khiến nhiều người trong số chúng ta đã không làm chủ được bản thân mình, tôi nghĩ như thế. Trên mạng đã có nhiều ý kiến cho rằng do tác động của cuộc biểu tình, hô khâu hiệu ở Long an trong ngày xử án đã khiến cho chủ tọa phiên tòa phải phán quyết có lợi cho bị cáo như vậy (!?). Thật là những suy nghĩ quá ấu trĩ và thiếu chín chắn, không có lẽ chỉ bắng một phán xét của Tòa trong phiên xử phúc thẩm vụ án Uyên - Kha ngày 16.8.2013, mà đã khiến họ có cảm giác đảng CSVN đã rũ bỏ được cáo buộc hoàn toàn có cơ sở là: đảng luôn trực tiếp chỉ đạo các vụ án đặc biệt là án chính trị bằng các bản án bỏ túi. Đó là vì suy nghĩ sai và cảm tính của rất nhiều người. Nên nhớ đảng ở cấp cao không chỉ đạo như thế thì có mà thách... tòa Long An dám làm, có nghĩa là không có kết quả làm cho mọi người vui mừng. Hơn nữa bản án bỏ túi đảng đã chuẩn bị từ trước đấy hàng tuần, hôm xử mới mang ra đọc thôi chứ ai họ chờ để xem áp lực của quần chúng thế nào để phán quyết? Do vậy không phải bản nhiều vì sao đảng lại có động thái bất ngờ như vậy. 
 
Việc có những bất ngờ đến mức không ai tưởng tượng nổi như trong phiên tòa xét xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha không phải là mới. Còn nhớ vào khoảng 2007, trước thời điểm Việt nam chính thức tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có một vụ án chính trị khá nổi tiếng cũng có kết cục tương tự. Đó là theo đề nghị giảm án của đại diện Viện KSND tối cao, Tòa án TP.HCM đã chấp thuận, quyết định sửa bản án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt đối với các ông Lê Nguyên Sang từ mức án 5 năm xuống còn 4 năm tù, ông Nguyễn Bắc Truyển 3 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 4 năm tù), phạt Huỳnh Nguyên Đạo 2 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù)về tội danh "tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Một trong ba người nói trên đã từng nói với tôi rằng "Chúng tôi đúng là may hơn khôn, chứ cứ xử đúng ra thì sẽ bị án ít nhất 8 năm tù". Trong vụ án  Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì cũng thế. Đây là hệ quả chuyến đi thăm Hoa kỳ của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tầm quan trọng của biển Đông, TPP hay đối tác chiến lược trong quan hệ giữa hai nước. Đây là vấn đề có tính mấu chốt, bởi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang muốn chứng tỏ rằng ông là người nói được và làm được để tìm kiếm lòng tin trước đối thủ chính trị của mình.
 
Dù sao kết quả của phiên tòa xét xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha là đáng mừng và đáng khích lệ đối với những ai đấu tranh hay ủng hộ công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt nam. Kết quả này thể hiện một bước lùi của chính quyền trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến. Đây là dấu hiệu cho thấy tới đây sẽ có những thay đổi có liên quan đến vấn đề trong chính sách và đường lối của đảng CSVN. Cái mà chúng ta mong muốn và phán đoán thông quan phiên tòa ở Long an ngày 16.8.2013 chỉ phù hợp khi chính quyền ra tuyên bố thả toàn bộ tù chính trị để tiến hành cải cách chính trị toàn diện như Myanmar vừa qua. Hoặc tối thiểu cũng phải trả tự do cho các đối tượng mà họ coi là nguy hiểm như Nguyễn Văn Hải - Điếu cày. LS. Lê Quốc Quân... thì mới thực sự có ý nghĩa.
Tuy nhiên với những ai quá khát vọng, khi thấy cái gì để thỏa mãn cơn khát thì những sai lầm cũng dễ được thứ tha. Trong việc này cũng vậy. Song đừng quên, sau khi Việt nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007 thì mọi việc đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến lại quay trở lại với chiều hường còn ngày càng khốc liệt hơn. Thì sẽ chẳng có gì đảm bảo lần này sẽ không tái diễn ra như thế.
Nhưng một khi nếu ta vẫn chỉ là một hạt cát trong lòng bàn tay của họ, mà bàn tay đó họ thích nắm lại hay mở bất kỳ lúc nào mà họ thích thì niềm vui chưa thể trọn vẹn được.
Ngày 17 tháng 08 năm 2013


 
 
...........................

Đại sứ David Shear nói về quan hệ Mỹ-Việt



Vũ Hoàng - RFA 2013-08-17
intw-david-shear
Cuộc phỏng vấn ĐS. David Shear tại Virginia, tối 16 tháng 8, 2013
RFA photo

Hôm 16/8, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông David Shear tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại vùng Hoa Thịnh Đốn, tại tư gia bác sỹ Nguyễn Quốc Quân. Trong buổi gặp mặt này, ngoài những vấn đề như dân chủ, nhân quyền trong nước, các vấn đề khác trong mối quan hệ song phương giữa 2 quốc gia cũng được người Mỹ gốc Việt rất quan tâm như: hiệp định TPP, buôn bán vũ khí sát thương hay cho nhận con nuôi.

Vũ Hoàng: Trước hết xin cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn với đài RFA hôm nay. Thưa ông, hiện tại Hoa Kỳ đang cân nhắc việc dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông có thể cho biết tiến trình này hiện giờ ra sao rồi?
ĐS David Shear: Những cuộc hội đàm với phía Việt Nam thực sự chưa có nhiều tiến triển, khi chủ đề này được đưa ra, thì cơ bản chúng tôi nói rằng, để ủng hộ cho chuyện dỡ bỏ buôn bán vũ khí sát thương, chúng tôi cần phải thấy những tiến bộ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Điều này thật đơn giản, đó là những gì mà các cuộc đàm phán ngoại giao đến nay có được. Tôi cho rằng sẽ vẫn còn mất nhiều thời gian hơn nữa để có thêm gì mới trong các cuộc trao đổi giữa đôi bên.

Vũ Hoàng:Trong trường hợp lệnh cấm vận được bãi bỏ, thì loại vũ khí nào sẽ được bán sang Việt Nam?
ĐS David Shear: Chúng tôi không biết, chúng tôi không biết phía Việt Nam cần loại nào, chúng tôi cũng không biết loại nào chúng tôi nên bán hay có thể bán. Như tôi trình bày, các cuộc đàm phán vẫn còn ở giai đoạn đầu, vẫn mới chỉ là giai đoạn sơ khởi mà thôi. Vì vậy, tôi nhắc lại, chắc chắn sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa để có thêm những chi tiết hơn.


Vũ Hoàng: Trong trường hợp Việt Nam đồng ý thả toàn bộ các tù nhân chính trị, thì quan điểm của Hoa Kỳ về việc cấp quy chế tị nạn cho những người này sẽ ra sao?
ĐS David Shear: Chúng tôi đã khẳng định rất mạnh mẽ rằng chúng tôi muốn các tù nhân chính trị phải được thả, và chuyện gì xảy ra đối với các tù nhân này sau khi được thả thì thực sự tùy vào từng hoàn cảnh. Chúng tôi sẽ phải cân nhắc các hoàn cảnh này là như thế nào trước khi có những quyết định tiếp sau, chẳng hạn như cấp quy chế tị nạn chính trị.

Vũ Hoàng: Theo ông bao giờ các vòng đàm phán giữa VN và Hoa Kỳ sẽ kết thúc?
ĐS David Shear: Tổng thống Obama và các nước đối tác đàm phán TPP hồi năm ngoái công bố rằng mục tiêu để kết thúc đàm phán giữa các đối tác về vấn đề khu vực mậu dịch tự do sẽ vào cuối năm nay.

Vũ Hoàng: Hiện tại, Việt Nam chỉ có Tổng Liên đoàn lao động trực thuộc Chính phủ là cơ quan đại diện duy nhất cho người lao động, vậy quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ về việc có hay không nên có thành lập các nghiệp đoàn không thuộc chính phủ của Việt Nam?
envoy-shear-n-quangdo
Đại sứ David Shear thăm Tăng Thống Thích Quảng Độ hôm 17 tháng 8 năm 2012

ĐS David Shear: Lao động là một chương trong Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, đây là một dự thảo hiệp định, chúng tôi kỳ vọng là chương này sẽ đặt ra những tiêu chuẩn rất cao, và chúng tôi cũng rất cẩn trọng đặc biệt là với vấn đề tự do lập hội. Chắc chắn chúng tôi sẽ không dễ dãi đối với Việt Nam về vấn đề lao động trong việc đàm phán cho hiệp định TPP, đây hẳn là một chương khó khăn khi đàm phán.


Vũ Hoàng: Mới đây, khi trả lời báo chí trong nước, ông có nói đại ý rằng cách tốt nhất để VN đạt được cơ chế thị trường là hai bên kết thúc thành công các vòng đàm phán, ông có thể nói rõ hơn tại sao như vậy?
ĐS David Shear: Cơ chế kinh tế thị trường là một vấn đề quan trọng đối với phía Việt Nam, chúng tôi nói với Việt Nam rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề của kinh tế thị trường là đặt trong bối cảnh của một thỏa thuận về quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Vì thế, khi chúng tôi có một thỏa thuận trên văn bản của TPP, chúng tôi sẽ xem xét cơ chế kinh tế thị trường. Tôi sẽ không vội xét đoán kết quả của các cuộc thương thảo.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối cùng thưa ông, hiện tại, vấn đề cho nhận con nuôi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang bị chững lại, quan điểm của ông về vấn đề cho nhận con nuôi giữa 2 nước trong thời gian sắp tới sẽ ra sao?
ĐS David Shear: Vấn đề con nuôi Việt Nam là mối quan hệ cho nhận con nuôi rất quan trọng. Chúng tôi dừng chương trình nhận con nuôi từ Việt Nam vào năm 2009 vì chúng tôi quan ngại về vấn đề cho con nuôi được giải quyết từ phía Việt Nam. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện các thủ tục, Việt Nam thành công tuân thủ Công Ước Hague về cho nhận con nuôi. Tôi rất hi vọng trong tương lai gần Hoa Kỳ sẽ bắt đầu xóa bỏ lệnh cấm với chương trình cho nhận con nuôi với các em có nhu cầu đặc biệt. Và qua thời gian, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét vấn đề trên diện rộng hơn, cả Hoa Kỳ và Việt Nam hiện đang làm việc chặt chẽ với nhau trên phương diện Công Ước Hague, và khi chúng tôi thấy Việt Nam có cải thiện, thì chúng tôi sẽ xem xét những gì đang làm với vấn đề nhận con nuôi từ Việt Nam.

Vũ Hoàng: Thay mặt thính giả đài RFA, xin chân thành cám ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này!


Copy từ: RFA

Human Rights Watch : Áp lực nhân quyền với Hà Nội có hiệu quả

Phương Uyên ngay sau khi được trả tự do (DR)
Phương Uyên ngay sau khi được trả tự do (DR)

Tú Anh
Sự kiện tòa án Việt Nam giảm án cho hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên bị quy tội chống chính quyền trong phiên xử phúc thẩm hôm qua 16/08/2013 được báo chí nước ngoài xem là hy hữu. Human Rights Watch xem đây là thành quả của một chiến dịch áp lực quốc tế cần phải được áp dụng lâu dài với chính quyền Việt Nam.

Trong phiên tòa phúc thẩm mà thân nhân không được thông báo và tham dự, sinh viên Đinh Nguyên Kha, từ 8 năm tù giảm án xuống một nửa. Nhưng đặc biệt là án tù của Nguyễn Phương Uyên trở thành án treo và cô sinh viên 21 tuổi này đã được thả ngay tại tòa phúc thẩm Long An vào trưa hôm qua.

Bình luận về sự kiện này, các hãng thông tấn quốc tế AP và AFP gọi là một màn « trình diễn khoan hồng » và « rất hiếm hoi ». Công tố viên lúc đầu đề nghị giảm một ít năm tù nhưng sau đó đã thay đổi bản án mà không giải thích tại sao trong khi « can phạm » vẫn khẳng định mình là người yêu nước và « chống đảng không có nghĩa là chống tổ quốc Việt Nam ».

Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Ritghs Watch nhận định là chính quyền Việt Nam chưa thay đổi hẵn chính sách về nhân quyền nhưng áp lực quốc tế bắt đầu có tác dụng và Hà Nội biết lắng nghe thông điệp của tổng thống Mỹ Obama cải thiện nhân quyền.

Phil Robertson, giám đốc HRW tại châu Á phân tích thêm trên làn sóng RFI :
« Đúng là ngoài sức tưởng tượng nhưng chúng ta phải thận trọng. Bản cáo trạng vẫn còn treo lơ lững trên đầu cô gái (Phương Uyên) và cô có thể bị đưa trở lại vào nhà tù một cách dễ dàng mặc dù cô chẳng có tội tình gì để phải bị truy bắt.

Do vậy, thật tình mà nói, sự kiện cô (Phương Uyên) được thả là một cử chỉ khéo léo của chính quyền Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là họ thay đổi hẳn chính sách đối với những người có lời phát biểu không lọt tai chế độ. 

Ngược lại, tôi nghĩ do có một phong trào vận động quốc tế bảo vệ cho cô và như vậy áp lực quốc tế đã mang lại kết quả.  Đây là một bài học mà cộng đồng quốc tế, chính phủ cũng như các nhà tài trợ phải suy ngẫm khi hỗ trợ hay giao dịch với Việt Nam : từ nay về sau quốc tế phải cứng rắn hơn với chính quyền Việt Nam trên hồ sơ nhân quyền ».


Copy từ: RFI


..............

Phương Uyên: Tôi yêu Tổ quốc, nhưng xin đừng đánh đồng với Đảng

Nỗi vui mừng khi Nguyễn Phương Uyên vừa được ra khỏi trại giam Long An tối 16/08/2013.
Nỗi vui mừng khi Nguyễn Phương Uyên vừa được ra khỏi trại giam Long An tối 16/08/2013.
FB

Thụy My
Vừa được trả tự do tại tòa phúc thẩm ở Long An chiều nay 16/08 (giờ Việt Nam), trong vòng tay vui mừng khôn tả của người thân, bạn bè và những người ủng hộ, đến tối sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã có mặt ở Saigon tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nơi diễn ra một buổi liên hoan nho nhỏ để chào đón Uyên.

Trong không khí đầy xúc động này, Nguyễn Phương Uyên đã vui lòng dành thì giờ trả lời RFI Việt ngữ.


Nguyễn Phương Uyên - TP Hồ Chí Minh
 
16/08/2013
by Thụy My
 
 
RFI: Thân chào Phương Uyên và xin chúc mừng bạn! Uyên có nghĩ mình sẽ được trả tự do hôm nay không?
Nguyễn Phương Uyên: Dạ không, tại vì rất là khó khăn, rất là khắt khe. Bởi vậy mà em không nghĩ là giờ này em được tiếp xúc với mọi người như thế này. Cảm giác rất là khó tả, vì bị giam đã mười tháng hai ngày, em mới được tiếp xúc với một bầu không khí khác với trại giam, một bầu không khí của sự tự do!

RFI: Trong phiên tòa phúc thẩm hôm nay Uyên đã nói những gì?
Dạ, tại phiên tòa phúc thẩm có ba vấn đề chính em đã đặt ra. Thứ nhất là về thẩm quyền: cơ quan của Long An không có thẩm quyền đối với vụ án của em.
Thứ hai là nói về cái hành động của em. Em cho là không phạm vào điều 88 là chống Nhà nước. Em vẫn yêu Tổ quốc của mình đấy thôi. Em chỉ có xúc phạm đến Đảng. Vì Đảng chỉ là một tổ chức nên không cào bằng được. Không vì cái sự quá tôn sùng một đảng phái mà mọi người, nhất là Hội đồng xét xử cũng như Viện kiểm sát cào bằng Đảng với Nhà nước Việt Nam.
Thứ ba là em nói ngắn gọn về sự khác nhau giữa phiên tòa sơ thẩm và giấy của tòa sơ thẩm gởi xuống cho em – có rất nhiều sự khác biệt. Mà em cho rằng đó là một bản án có trước, không công minh và không có sự công bằng. Đã có một sự sắp xếp trước, làm cho em cảm thấy thất vọng thêm về những gì đang diễn ra.
Tuy nhiên phiên tòa phúc thẩm lần này đã cho em một đốm lửa hy vọng, cùng với sự tin yêu vào mọi người. Cảm ơn mọi người rất là nhiều! Bây giờ em được như thế này là nhờ một phần rất là to lớn của mọi người, ở trong nước cũng như trên thế giới, đã đứng về phía em, cho em cơ hội nói lên quan điểm của mình tại một đất nước ở chế độ cộng sản.

RFI: Vì sao Uyên tự bào chữa mà không nhờ luật sư?
Tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù hai luật sư đã nói rất là nhiều, nhưng mà em thấy quyền hạn của luật sư rất là ít ỏi, thậm chí không có! Cho nên em sẽ tự bào chữa, bởi vì nếu quyền hạn không có thì không nên nhờ. Nếu tự nói thì sẽ tạo được nhiều cơ hội để em đối đáp với Viện kiểm sát cũng như Hội đồng xét xử. Sẽ có nhiều cơ hội để được nói hơn, em muốn nói lên tất cả những suy nghĩ của mình.
Điều thứ hai khiến em không muốn nhờ bào chữa của luật sư, là trong thời gian tạm giam mười tháng và hai ngày của em, em đã có một tí gọi là vững tâm. Vững tâm vào quan điểm mà mình cần nói. Bởi vậy em nghĩ là mình không có tội thì mình phải tự bào chữa cho chính mình. Cho nên em từ chối nhờ hai luật sư, là bác Lương và bác Sơn bào chữa.

RFI: Làm sao Uyên có thể giữ vững tinh thần được như vậy? Uyên còn trẻ, và chắc chắn là ở trong tù thì không thể như ở ngoài…
Dạ vâng, người ta bảo gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, ở đâu thì lại giống ở đấy thôi. Đôi khi lòng mình vẫn bị lung lay, sợ liên lụy đến những người bạn, đến cả gia đình. Nhưng em suy nghĩ, kinh Phật đã dạy em một câu: Cuộc sống chỉ là giả và tạm, sống trăm năm rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi.
Bởi vậy em không thể nào “bán danh chỉ có ba đồng”. Không thể nào làm trái lương tâm của mình được. Em không thể từ bỏ quan điểm, lập trường của riêng em. Đó là động lực thúc đẩy để em đứng trước tòa, tự bào chữa cho mình, cũng như giữ vững quan điểm và lập trường của mình.

RFI: Uyên vừa dẫn kinh Phật nhưng Uyên lại đang ở trong nhà thờ. Có lẽ đây là dịp để mọi người đoàn kết lại?
Vâng. Em chỉ có thể nói một lời: Cảm ơn tất cả mọi người trong nước cũng như trên thế giới! “We are one”- chúng ta là một, ở đâu cũng vậy, phải có công lý. Công lý và công bằng sẽ phải trở lại! Em hy vọng là trở lại càng sớm càng tốt.

RFI: Vẫn khó thể hiểu được là ở trong trại giam mười tháng rồi mà tinh thần Uyên lại được như vậy…
Đó là một việc không thể nào đoán biết được, em cũng không nghĩ là mình như thế. Ở cái tuổi hai mươi mốt, hai mươi hai này, em không nghĩ là mình như vậy. Nhưng mà em đã rất cố gắng, và nhờ mọi người rất là nhiều, những lúc đi thăm nuôi cùng gia đình em đã cho em động lực rất là lớn.

RFI: Thời gian gần đây Uyên có bị áp lực gì không?
Dạ, áp lực cũng rất là lớn. Mỗi khi gần ra tòa, áp lực đối với em là tại tòa. Phiên tòa có được công khai và minh bạch đúng thực chất hay không, hay là một phiên tòa dựng ra một cách hình thức?
Em mong muốn có những phiên tòa công khai và minh bạch, ở đó em nói lên được những quan điểm của mình, có nhiều người nghe, có nhiều người chứng kiến. Chứ không phải là phiên tòa chỉ mở ra để rồi bản án có sẵn đưa cho mình, thì em không muốn. Vì tòa là phải rõ ràng, công khai, đó là tính khoa học, pháp lý của pháp luật. Đó là sự công bằng. Em mong muốn có sự công bằng ở những phiên tòa.

RFI: Và có lẽ Uyên vẫn tiếp tục phản đối những thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông?
Dạ vâng, tất nhiên là như thế. Vì trước những thái độ tiêu cực thì phải có những ý kiến để dừng lại. Còn những gì về sau này, thì ngày mai rồi lại đến, “tomorrow will come”. Bởi vậy hãy để xem ngày mai mọi việc diễn biến như thế nào.

RFI: Chắc là bây giờ còn quá sớm để hỏi, nhưng dự định sắp tới của Uyên là gì?
Đó là một bí mật, rất là bất ngờ. Mọi người sẽ chờ xem. Em không thể nói cụ thể được là nó như thế nào, nhưng hy vọng là sẽ không làm mọi người thất vọng.

RFI: Uyên sẽ quay trở lại trường học hay không?
Dạ, học, học nữa, học mãi, con đường học vấn của em không bao giờ dừng lại đâu ạ.

RFI: Cảm ơn Phương Uyên nhiều lắm, và một lần nữa xin chúc mừng Uyên được tự do!
Cảm ơn chị và mọi người đã đứng về phía em rất là nhiều, em được trả lại tự do của mình là nhờ mọi người. Cảm ơn mọi người rất nhiều! Đó là sức mạnh để em vượt qua tất cả, là động lực của em!


Copy từ: RFI

VỪA VUI MỪNG ĐẤY ĐÃ …BUỒN VU VƠ …

Nhật ký mở lần thứ 62

Ngày 17 tháng 8/2013


Phải thú thiệt với mọi người rằng: Mình đã trải qua hai ngày trời sống trong những phút giây ngập tràn lo âu, hồi hộp, bứt rứt,…đợi chờ, hy vọng ...về một bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh cho quyền con người trên mảnh đất mà đã vô tù mà lại tù chính trị nữa thì…chỉ có Trời cũng chẳng cứu nổi! Vậy mà:
Vụ án Uyên –Kha đã có “nhúc nhích” rõ ràng!

Làm sao không thể mừng vui và hy vọng khi xuất hiện những sự kiện “tiền xử án” chưa từng có từ trước đến nay:


-Có bao giờ trước ngày xử án lại có hiện tượng cho phép cả những người chẳng phải họ hàng, bà con thân thiết, đồng hương, đồng lứa gì vào thăm “phạm nhân” trực tiếp ngay tại nơi họ bị giam giữ?

-Có bao giờ một vụ án xử phúc thẩm mà có thể khơi dậy cả những “đợt sóng thần phản đối” khắp thế giới và trong nước như lần kết tội hai người yêu nước trẻ tuổi nhất chưa từng có từ xưa đến nay?

-Có bao giờ giữa nơi tù đầy lại có cái cảnh người tù “con” lại được, lần đầu tiên, cất tiếng gọi “Cha” với một người “xa lạ” không quản xa xôi đã vượt cả trên 1.000 cây số để đến truyền cho “con nuôi chưa chính thức” của mình thêm niềm tin và nghị lực trước lúc đối đầu với lực lượng đã nhiều lần coi sinh mệnh con người không hơn cỏ rác khi làm họ không vừa lòng?

-Cũng chưa bao giờ có một cuộc biểu tình của nhiều nhà trí thức, văn nghệ sỹ, lão thành cách mạng và lớp blogger trẻ của cả 3 miền đất nước diễu hành ngay trên đường phố với những khẩu hiệu ”đả đảo bọn xâm lược bành trướng”, “trả tự do ngay cho Phương Uyên” trong nhiều giờ mà không một lực lượng “còn đảng còn mình” nào dám đàn áp, bắt bớ….

-Và chưa bao giờ có một niềm vui bùng phát khi được biết: mới buổi sáng bồi thẩm đoàn đã y án sơ thẩm (8 và 6 năm tù ngồi) cho Kha và Uyên thì …buổi chiều sau khi nghe “luật sư nghiệp dư mà hùng biện số dzách” Phương Uyên hùng hồn cãi lý: ”Tôi không yêu cầu giảm án! Tôi chỉ cần tòa xử đúng người đúng tội! Tôi cho là chống đảng cộng sản không phải là chống phá đất nước, dân tộc! Các ông đừng đánh đồng.....” thì ….Tòa vẫn cứ phải theo lệnh “Trên”…không tranh tụng mà vội vàng tuyên bố: Đổi vụ án 4 năm tù ngồi thành 3 năm tù treo!



Cả Sài-gòn đón "luật sư tự phát" Phương Uyên chiến thắng trở về

Mừng quá đi là mừng! Vui quá đi là vui! Mà điển hình cho tình cảm chân thật là niềm vui trong nước mắt của một người “xa lạ” mà rất thân quen: Bùi Minh Hằng! (ảnh)

Thú thật là hai vợ chồng mình cũng đã hơn một lần ứa nước mắt trước những cảnh tượng hiếm có này!....

Cho tới sáng hôm nay (17/6), sau khi đọc hàng loạt bài trên FB, trên các trang mạng, người thì « hoan hô thắng lợi của cuộc đấu tranh cho dân chủ, dân quyền», người thì « chúc mừng Phương Uyên thẳng tiến trên đường tranh đấu », người thì phân tích khá nhiệt tình về lý do của sự « thắng lợi của lẽ phải »....

Có cả những bài của một ông Phil Robertson ủy viên Ủy Ban Nhân Quyền LHQ, một bài của một vị tiến sỹ VN tên tuổi với nội dung cho rằng « Đây là một sự phản ứng tích cực bước đầu (thuốc thử) do chuyến thăm của ông chủ tịch nước đã có được với bản tuyên bố « hợp tác toàn diện »! v.v... và v.v...
Cũng có ý kiến cho rằng thả Phương Uyên là cái giá đánh đổi lấy cái ghế ở Ủy Ban Nhân Quyền LHQ và PTT....

Thế là... cái tính hay lo, bản chất « mất tin tưởng chiến lược »của mình lại nổi lên!

1- Lo cho cháu Uyên sau khi hết « tù ngồi » nay sang « tù treo » với 52 tháng « quản chế » liệu có phải là cái bẫy để:

a/-Nhử cháu Uyên vào một cái « tội » nào đó nặng kí hơn khi « chộp » được những lời nói hay hành động như trả lời « báo-đài thù địch »mà vi phạm vào các điều 88, 258!

b-/Khi bên Tầu các đ/c « bốn tốt » không vừa ý và yêu cầu « bắt lại »! Tội mới thì tòa án của đảng chẳng thiếu cách bầy ra như trò chơi con nít thôi! Chẳng cần ai tin, ai nghi gì xất!

c-/Khi bên trời Tây, ông Mỹ, ông Pháp, ông Đức, ông Anh, ông Thụy Điển, Đan Mạch......không tán thành cho « những kẻ chống Luật nhân quyền nhất » được vào ủy Ban Nhân Quyền LHQ hoặc ngăn chặn con đường vào Ep-Pi-Ti vì thấy một vụ giảm án Uyên-Kha chưa đủ thì...Lập tức, con đường trở lại nơi « tù ngồi » của Uyên họ đã có 52 tháng « quản » để « chế » ra đủ thứ tội mới! (dĩ nhiên là nếu họ vẫn...tại vị!)

2-Lo cho một mình Kha hiện nay trong tù, sẽ không được nằm trong vòng tay yêu thương và tranh đấu của mọi người như cũ, sẽ cảm thấy bơ vơ giữa cái nhà tù xa xôi Long An mà mình tin rằng xung quanh Kha là 99% tù nhân đều là bọn tội phạm ăn cắp, giết người!

Cuối cùng là cái nỗi lo khá vu vơ nhưng 1/100 có thể xảy ra:

Đó là một hay vài ba ông To nào đó trong Bờ cờ tờ bỗng nghĩ mẹo giả vờ làm ra một cuộc « thay đổi tương đối » để « tồn tại 20, 30 năm nữa mà không một thế lực chính trị nào có thể vượt qua nổi » bằng cách « mua » một số lớn quần chúng với chủ trương thả hàng loạt những Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Tạ Phong Tần....với mỗi người vài năm tù treo kèm theo 5, 7 năm quản chế!.....Thì ra sao nhỉ!

Vui mừng có thể gấp 5 gấp 10 nhưng.....Đảng vẫn cứ là lãnh đạo toàn diện! Quốc Hội vẫn ít nhất 90% là người của Đàng! Đứng đầu mọi cơ quan to nhỏ từ thôn xã đến trung ương vẫn là các « đồng chí ấy » thì sẽ thế nào nhỉ?

Lẽ tất nhiên là sẽ phải tiếp tục đấu tranh để đòi hỏi nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa! Nhưng ..cái thân già này, còn đúng có một tháng 7 ngày nữa là sang cái mùa xuân 87 mất rồi!

Chắc chết trước họ mất!

Vì thế nên mình hơi khác người: Vừa vui mừng đấy đã buồn ...vu vơ ./.


Copy từ: NS Tô Hải