(Petrotimes) - Những ngày qua, dư luận xôn xao vì bài viết “Tứ đại
ngu” của ĐBQH Hoàng Hữu Phước xúc phạm ĐBQH Dương Trung Quốc. Từ đây,
vấn đề “văn hóa nghị trường” lại được mang ra mổ xẻ.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII dành cho
Petrotimes một cuộc phỏng vấn về “văn hóa nghị trường” và về sự cố “tứ
đại ngu” đang gây xôn xao dư luận.
Petrotimes: Từng làm việc nhiều năm ở nghị trường,
ông nhìn nhận thế nào về việc ĐBQH Hoàng Hữu Phước chỉ trích ĐBQH Dương
Trung Quốc trên mạng internet?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đã từng nghe ĐB Hoàng Hữu
Phước phát biểu về vấn đề xây dựng Luật Biểu tình trước đây, rồi đọc một
vài trang trên blog của ông ấy, trong đó có chuyện gửi thư tự giới
thiệu mình với ông Saddam Hussen để… tạo thế hợp tung chống Mỹ.
Vì vậy, tôi không ngạc nhiên về bài viết của ông Phước công kích ĐB Dương Trung Quốc. Tôi chỉ thấy đáng buồn.
Petrotimes: Buồn vì điều gì, thưa ông?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Có thể nói ĐBQH Hoàng Hữu
Phước đã hành xử một cách lỗ mãng, không phù hợp với chuẩn mực giao tiếp
thông thường chứ chưa nói đến văn hóa nghị trường.
Một người mắng người khác là ngu, đại ngu,… thì chỉ có thể gặp ở… ngoài
đường. Còn một ĐBQH dùng blog để phỉ báng một ĐB khác thì có thể nói là
từ ngày tôi có đủ nhận thức để theo dõi hoạt động của Quốc hội đến nay,
chưa bao giờ thấy có hiện tượng như thế này.
Đặc biệt, khi nói đến vấn đề mại dâm, ĐB Hoàng Hữu Phước đã dùng quá
nhiều câu chữ phản cảm, “chợ búa”. Mặc dù đã biết ít nhiều về cách suy
nghĩ, nói năng khác thường của ông, tôi cũng thấy thật khó lý giải.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi không ngạc nhiên về bài viết công kích của ông Phước
Trong cuộc sống, mọi người đều có thể có những ý kiến khác nhau, thậm
chí có thể nảy sinh mâu thuẫn với nhau. Nhưng chỉ những người kém văn
hóa mới dùng những lời lẽ nặng nề phỉ báng nhau.
Người có cách hành xử văn hóa thì phải dùng lý lẽ để trao đổi với nhau
để nếu không đi đến thống nhất cũng hiểu được quan điểm của nhau.
Petrotimes: Theo ông, cái chưa được ở đây là nội dung chỉ trích hay là cách chỉ trích?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi là cả 2. Về cách chỉ
trích thì không phù hợp đạo lý đã đành, nội dung chỉ trích cũng thể hiện
hiểu biết của ĐB Phước về pháp luật hết sức hạn chế.
Khi ĐB Phước công kích ĐB Dương Trung Quốc về chuyện chất vấn Thủ tướng
tại kỳ họp vừa qua thì ĐB Phước đã làm trái quy định tại điều 49 Luật
Tổ chức Quốc hội. Điều 49 quy định ĐB có quyền chất vấn Chủ tịch nước,
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, v.v…và người bị chất vấn có trách
nhiệm trả lời về những vấn đề ĐB nêu. Như vậy, ĐB Dương Trung Quốc đã
thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của ĐBQH về chất vấn thành viên Chính
phủ. Vì thế, không thể nói ông Dương Trung Quốc “hỗn xược”.
Bên cạnh đó, ông Phước hình như quên rằng điều 46 Luật Tổ chức QH quy
định ĐB phải gương mẫu trong việc chấp hành hiến pháp và pháp luật, có
cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng.
"Sáng nay, tôi thấy báo chí đã dẫn lời ông
Phước xin lỗi ông Dương Trung Quốc. Nhưng tôi thật lấy làm thất vọng khi
đọc lời nhận lỗi này"
GS Nguyễn Minh Thuyết
|
Nếu không cẩn thận thì không chừng, ĐB Phước còn vi phạm cả quy định
của Bộ luật Hình sự khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Petrotimes: Những chỉ trích này có liên quan gì đến quy định của luật hình sự, thưa ông?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Điều 121 Bộ Luật hình sự đã
quy định rõ về tội “làm nhục người khác”. Ông Phước phỉ báng ông Dương
Trung Quốc dựa trên những phát biểu của ông Quốc tại Quốc hội. Lúc đó
ông Dương Trung Quốc không phát biểu với tư cách một công dân bình
thường mà với tư cách một người đang thi hành công vụ. Miệt thị, xúc
phạm nhân phẩm người đang thi hành công vụ là tình tiết tăng nặng.
Petrotimes: Ông đánh giá thế nào về những phát biểu trước đó của ĐB Hoàng Hữu Phước trước Quốc hội?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Thực tình, trong các kỳ họp
Quốc hội, ĐB Phước không phải là người có những ý kiến sâu sắc, được báo
chí trích dẫn nhiều. Tôi chỉ biết tên ĐB Hoàng Hữu Phước khi nghe ông
phát biểu tại kỳ họp thứ 2 về việc xây dựng Luật Biểu tình, trong đó có
nói dân ta dân trí thấp nên chưa thể ban hành luật này. Vì những lời lẽ
xúc phạm cử tri như vậy, khi về tiếp xúc cử tri sau kỳ họp ở TPHCM, ông
Phước đã bị cử tri chất vấn. Lúc đó ông Phước đã phải nói với cử tri hãy
coi mình là con cháu và bỏ qua cho những sai sót đó.
Đáng lẽ sau khi nhận sai như vậy ông phải sửa chữa, nhưng đến giờ ông vẫn nói lại những chuyện đó như thể mình đúng.
Một điều nữa cũng khiến tôi buồn là buồn cho cử tri Thành phố HCM. Đại
diện cho thành phố phát triển hàng đầu của đất nước, nơi tập trung rất
nhiều nhân tài lẽ ra phải là những ĐB nếu không xuất sắc thì cũng không
nên gây ra nhiều sự cố như vậy.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước
Theo tôi, một khi đã trở thành ĐBQH tức là một nhà hoạt động chính trị
thì từ công việc đến lời ăn tiếng nói, cuộc sống riêng tư phải hết sức
giữ gìn. Thậm chí thôi làm ĐB rồi vẫn phải giữ gìn. Những phát ngôn của
ĐB về ĐB khác, về tổ chức trong nước và nước ngoài càng không thể tùy
tiện được.
Tôi cũng đã đọc trên mạng bài ông Phước phỉ báng một cơ quan truyền
thông nước ngoài sau khi họ phỏng vấn ĐB Dương Trung Quốc về bài viết
xúc phạm danh dự ĐB này. Tôi cho rằng đánh giá của mọi người về một cơ
quan truyền thông có thể rất khác nhau, thích hay không thích là chuyện
bình thường. Nhưng việc một ĐBQH đương nhiệm của Việt Nam phỉ báng một
cơ quan truyền thông nước ngoài có lịch sử hàng trăm năm sẽ làm người ta
hiểu sai về đường lối đối ngoại của chúng ta – là muốn làm bạn với tất
cả các nước.
Nếu ông Phước đăng bài này trên báo, ông có thể bị lôi kéo vào một vụ kiện rất rắc rối.
Petrotimes: Theo ông, vụ việc này nên giải quyết theo hướng nào?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu
đã trả lời báo chí, khẳng định ĐBQH không được xúc phạm lẫn nhau. Ở QH
một số nước có ủy ban đạo đức của đại biểu, xem xét các trường hợp ĐBQH
vi phạm đạo đức để đưa ra mức kỷ luật. QH nước ta không có ủy ban này
nhưng có Ban Công tác ĐB thuộc UB Thường vụ QH.
Theo tôi, Ban công tác ĐB của UB Thường vụ QH cần có ý kiến chính thức
về vấn đề này để từ nay trở đi không còn những chuyện đáng xấu hổ thế
này nữa.
Đặc biệt, người có vai trò quan trọng nhất với ĐB chính là cử tri. Cử
tri là “ông sếp” của ĐB, có quyền giám sát ĐB, thậm chí kiến nghị và bỏ
phiếu miễn nhiệm đối với ĐB do mình bầu ra. Trước hết, đại diện cho cử
tri là Ủy ban MTTQ TP HCM, cơ quan đã hiệp thương thống nhất giới thiệu
ông Phước (người tự ứng cử), cũng cần bày tỏ thái độ về ĐB của mình.
Petrotimes: Ở một số nước như Hàn Quốc, Ukraina…
có hiện tượng nghị sỹ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ngay trong Quốc
hội. Việc các đại biểu ở nước ta có lời lẽ xúc phạm nhau có phải là bước
khởi đầu đi theo xu hướng này không, thưa ông?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: QH mỗi nước có quy định và
thông lệ của mình. Ở nước ta, cả văn hóa truyền thống lẫn pháp luật đều
không chấp nhận ĐBQH nói năng lỗ mãng, càng không cho phép ĐB lăng mạ
nhau.
Hiện tượng của ĐB Hoàng Hữu Phước chỉ là cá biệt. Do đó, tôi không nghĩ
là ĐBQH nước ta đang có xu hướng “cởi mở” như ở một số nước đã nêu.
Petrotimes: Vậy, hiện tượng “tứ đại ngu” đang phản ánh điều gì, thưa ông?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, nó chỉ phản ánh sự
khác thường trong tính cách của ông Phước. Nhưng nhìn rộng ra, khi một
số người trong chúng ta muốn “đè bẹp” những người có suy nghĩ, lời nói,
hành động trái với chủ kiến của mình bằng cách nói xấu họ, bới móc đời
tư của họ thì điều đó đã tạo ra tiền đề để phát triển hiện tượng mà nhà
báo gọi là “tứ đại ngu” này.
Petrotimes: Theo ông thì câu chuyện này có gì bất thường không?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng chuyện này chỉ
xuất phát từ sự thiếu lịch duyệt, kém hiểu biết của ĐB cụ thể, chứ không
như một số người suy diễn là có ai đó đứng đằng sau. Đứng đằng sau để
làm thầy những người như thế thì … quá dại.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
Petrotimes: Theo ông, trong tình huống này, đại biểu Hoàng Hữu Phước cần phải làm gì?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Sáng nay, tôi thấy báo chí đã
dẫn lời ông Phước xin lỗi ông Dương Trung Quốc. Nhưng tôi thật lấy làm
thất vọng khi đọc lời nhận lỗi này : “Tôi thừa nhận là phương pháp tranh
luận của mình sai khi đưa lên blog. Chính vì phương pháp sai này tôi có
lời xin lỗi cá nhân ông Dương Trung Quốc. Lẽ ra với những chỉ trích như
vậy, tôi có thể viết một bức thư gửi Thường vụ QH, hay viết bài không
ghi tên ông mà chỉ nêu quan điểm, theo dạng blog thì chắc là không có
chuyện gì.”
Không hiểu khi nhận được bức thư với những lời chỉ trích kém văn hóa
như vậy, UB Thường vụ QH có hiểu là chính mình cũng bị ĐB Hoàng Hữu
Phước xúc phạm không?
Tôi càng thất vọng khi nghe ông Phước trần tình với báo chí là ông
không lường trước được phản ứng mạnh mẽ của công luận về bài viết của
mình. Một người đã dấn thân vào con đường chính trị mà nhìn nhận một
việc nhỏ cũng không ra thì hoạt động chính trị thế nào? Câu hỏi này chắc
phải nhờ cử tri TP HCM hỏi giúp vị ĐB của mình.
Petrotimes: Xin cho biết đánh giá của ông về ĐBQH Dương Trung Quốc?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đã hoạt động cùng ĐBQH
Dương Trung Quốc hai khóa liền, tôi thấy ông ấy là một người sắc sảo và
lịch lãm. Không phải mọi ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc tôi đều đồng
tình nhưng những vấn đề ông Quốc nêu lên đều là những vấn đề cử tri rất
quan tâm, và về phương pháp tư duy, ông Quốc thường có cách nhìn độc
đáo, mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Không chỉ tôi mà công
chúng nói chung đều đánh giá cao ĐB Dương Trung Quốc.
Ở khóa XII, tôi với ông Quốc cùng hoạt động trong Ủy ban Văn hóa, giáo
dục, thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội. Cũng có trường hợp chúng
tôi không đồng quan điểm nhưng đều trao đổi thẳng và rất thoải mái.
Không có chuyện cãi cọ hay lăng mạ nhau như thế này!
Tôi xin nhắc lại, đây là lần đầu tiên tôi thấy hiện tượng này ở Quốc hội của chúng ta.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!
Hoàng Thắng
Copy từ:
Petro Times