CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Báo Quân Đội Nhân Dân hãy thôi cái trò định hướng dư luận đi!

Trung Nghĩa

Hôm nay, lại một lần nữa tôi phải phì cười về cái phương pháp làm báo cũng như những lý luận của vài nhân vật được báo Quân đội nhân dân lấy ý kiến, được đăng tải trong bài “Kiến nghị lỗi thời, nhận thức sai lệch” ra ngày 20/08/2013 [1].

Thực lòng, tôi cũng không nhiều thời gian để đọc báo, nhất là đọc báo QĐND. Tôi không phải nhà báo, không thường xuyên phản biện những vấn đề về kinh tế xã hội. Thế nhưng khi đọc bài báo trên, nó gợi cho tôi một chút băn khoăn về chuyên môn làm báo của ít nhất là 3 phóng viên  (Hoàng Thành, Song An và Yến Long) và của tổng biên tập tờ báo này.


Tôi xin lý giải cho băn khoăn của mình.

Thứ nhất:
Ngay từ trên cùng của bài phóng sự, trước cả đầu đề của bài viết  “Kiến nghị lỗi thời, nhận thức sai lệch”là dòng chữ “Dư luận phê phán tác giả Lê Hiếu Đằng ”.

Cũng giống như thế, cách đây 3 ngày, 18/08/2013, cách đưa tin như của tác giả Trọng Đức đã viết một tiêu đề định hướng trước cả bài viết “Làm thất bại chiến lược diễn biến hoà bình” dưới đó là tên bài viết “Đôi lời với tác giả Viết bên giường bịnh” [2]. Chẳng lẽ tờ báo QĐND lại có hẳn một chuyên mục “làm thất bại chiến lược diễn biến hoà bình” và cả chuyên mục “Dư luận phê phán tác giả Lê Hiếu Đằng” hay sao?

Việc buông ra một lời nhận xét không được thiện cảm cho lắm thật không nên có, dư luận có phê phán hay không, độc giả sẽ tự cảm nhận sau khi đọc xong thông tin.

Dù có dễ dãi tới đâu đi nữa, những độc giả như tôi cũng hiểu rằng đây là một kiểu định hướng dư luận quá thô thiển. Có lẽ trang báo QĐND đã xem thường độc giả về trình độ nhận thức, khi họ có một thái độ khiếm nhã, không lịch sự của cơ quan báo chí truyền thông.
Điều đáng nói hơn là, trong bài ra ngày 18/08/2013, dù tác giả Trọng Đức đề cập tới bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh”, Trọng Đức trích dẫn rất nhiều câu nói, những đánh giá ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng nhưng lại không hề đưa nguồn gốc bài báo đó ở đâu, do trang nào đưa tin.

Chẳng lẽ một đường link để dẫn nguồn gốc của bài “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” được đăng trên trang Bauxit Việt Nam [3] mà tác giả lẫn tổng biên tập đều “quên” hay sao? Nó chẳng những thể hiện chuyên môn non kém mà còn vi phạm luật báo chí về cách thức trích dẫn.

Thứ hai:
Khởi nguồn cho cả hai báo bài trên là bài viết của luật gia Lê Hiếu Đằng, đăng trên trang Bauxit Việt Nam, là một trang mạng xã hội do ba nhà trí thức tâm huyết mở ra, không có sự điều hành chi phối và rót kinh phí từ chính quyền Việt Nam.

Tờ QĐND hình như từ trước tới nay hay có động thái là, viết một bài gây tranh cãi nào đó, quẳng lên mạng rồi im lặng một cách khó hiểu khi có rất nhiều những ý kiến/bài viết phản hồi. Bài viết hôm 18/08/2013 cũng không là ngoại lệ.

Sau đó, cả ba phóng viên (Hoàng Thành, Song An và Yến Long) đi khảo sát lấy ý kiến của “dư luận”, họ lại quên khuấy cần lấy ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng để làm đối chứng. Cách thức làm báo non kém khi chỉ đưa thông tin một chiều, họ “khoanh vùng” dư luận rồi ghi lại ý kiến. Theo các phóng viên thì, “dư luận” gồm những ai? Tại sao họ không phỏng vấn những người đồng tình với ông Đằng hay những tên tuổi công khai ủng hộ ông Đằng cũng như những tác giả viết bài chỉ trích bài viết của họ đăng ngày 18/08/2013?

Hãy nhìn cách thức trang báo mạng chuyên nghiệp BBC làm việc mà làm theo họ. Khi muốn biết dư luận quan tâm ra sao tới vấn đề đa nguyên đa đảng, họ đã phỏng vấn ông Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Ngọc Nhuận, ông Gs Vũ Minh Giang…. trong đó cổ súy cũng có, phản đối không đồng tình cũng có; từ đó những cá nhân được phỏng vấn nói lên quan điểm của họ và xã hội sẽ đánh giá những lý luận họ đưa ra. Một cách thức để thuyết phục người đọc nữa là, họ phải ghi âm lại lời nói hoặc chí ít cũng chụp ảnh của người trả lời phỏng vấn,… để chứng tỏ rằng phóng viên không bịa đặt ra cuộc điều tra đó. Hãy nhìn toàn bộ bài viết mang một thông điệp “Dư luận phản đối tác giả Lê Hiếu Đằng” mà xem, không một đoạn ghi âm, không một hình ảnh nào, thậm chí có những cái tên hết sức mơ hồ, không kèm theo cả địa chỉ.

Giả sử toàn bộ bài phóng sự trên là sự thật, tôi xin phân tích từng ý kiến phát biểu để thấy rằng phóng viên không hề “vô tư” trong việc thu thập và lựa chọn “mẫu khảo sát”.

Đối với quan điểm của ông Thiếu tướng, TS Từ Ngọc Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Huệ.
Ông Lương bảo rằng ông Đằng “biết một mà chẳng biết hai, thấy cây mà không thấy rừng” khi ông Đằng cho rằng xu thế đa nguyên đa đảng tất yếu sẽ xảy ra.
Lý luận của ông Lương như sau: “Cũng đúng dịp này 68 năm về trước, cả dân tộc Việt Nam ai cũng khắc ghi, chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, tập hợp, dẫn dắt nhân dân ta vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á”.

Tôi cảm thấy xót xa đến chua chát khi tầm nhận thức của một ông tướng có học vị tiến sĩ mà lại phát biểu ngô nghê đến thế. Bất kỳ một đảng phái, một thể chế chính trị nào đó nó chỉ có vai trò trong một giai đoạn lịch sử nhất định, chỉ có tổ quốc, giang sơn mới là trường tồn vĩnh cửu mà thôi. Tổ quốc này, dân tộc  này đã trải qua 4 nghìn năm lịch sử, trước khi đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, dân tộc ta đã có hàng trăm triều đại phong kiến, lãnh đạo và dẫn dắt dân tộc ta bảo vệ lãnh thổ, phát triển nông nghiệp, giáo dục, giữ gìn bản sắc văn hóa ngàn đời của cha ông ta. Thử hỏi, nếu kể về công lao kháng chiến chống giặc thù thì Đảng CSVN đã có công bằng triều đình Ngô Quyền chống quân Nam Hán, đời nhà Lý chống quân Tống, đời nhà Trần ba lần chống quân Nguyên, đời nhà hậu Lê trường kỳ kháng chiến chống quân Minh hay gần đây nhất đời nhà Nguyễn, trải  qua 143 năm trị vì có 13 đời vua đã mở rộng bờ cõi gần gấp đôi diện tích?

Ông Lương tiếp tục lập luận “Tiếp đó, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống xâm lược để giành độc lập, tự do trọn vẹn, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất đồng cam cộng khổ với toàn dân, cùng “nếm mật nằm gai”, “vào sống ra chết” với nhân dân để giành được độc lập, tự do và cuộc sống yên bình cho nhân dân”.

Xin hỏi rằng nhân dân có thực sự độc lập, tự do; cuộc sống có thực sự bình yên từ khi đảng cộng sản lãnh đạo? Trong quãng thời gian 1954-1975 đảng có công hay có tội, lịch sử sẽ phán xét. Nhưng việc hàng trăm nghìn người bị hành quyết, bị giết hại vì khẩu hiệu “Trí phú điạ hào đào tận gốc trốc tận rễ”, hàng trăm nghìn người bỏ lại tất cả để chạy trốn Đảng, tạo nên một làn sóng tị nạn lớn nhất vào nửa cuối thế kỷ hai mươi của nhân loại, hàng nghìn người bỏ mạng ngoài biển khơi thì thưa ông Lương, ông có biết không?

Một kẻ giỏi cầm quân chưa chắc đã giỏi làm kinh tế. Con người đâu phải là thánh mà nhận cái gì mình cũng tài. Xin ông Lương hãy về tìm đọc lại thân thế lịch sử của ngài Thủ Tướng Churchill người Anh [4], được coi là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anhlịch sử thế giới, thế nhưng khi phát triển kinh tế, ông tự nguyện lui gót về viết sách và sau này ông giành được giải thưởng Nobel văn học cao quý, vì biết rằng “ông chỉ giỏi chỉ huy quân đội, đánh trận chứ không phải là một thủ tướng tốt để vực dậy nền kinh tế của nước Anh”.

Nó buồn cười hơn nữa khi ông tướng Lương tuyên bố “Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Đảng vẫn vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng, cùng nhân dân vượt qua bao khó khăn để ổn định và phát triển đất nước vững chắc, từng bước bảo đảm tốt hơn, đầy đủ hơn nhu cầu vật chất, tinh thần ngày một cao của nhân dân”. 

Hiện trạng hôm nay, đất nước tan nát, rừng đầu nguồn bị xẻ thịt, khai thác bô xít gây ô nhiễm nghiêm trọng, tài nguyên như dầu khí cạn kiệt, cuộc sống dân tình nghèo khổ lầm than, giáo dục xuống cấp, tệ nạn xã hội, trộm cắp giết người cướp của tăng cao, … và ngay chính nội bộ ĐCSVN tham nhũng chưa từng có không còn che đậy nổi, không còn tự “phòng chống” nổi, … bao nhiêu đó vẫn còn chưa đủ đau khổ, lạc hậu, nghèo đói  hay sao thưa ngài thiếu tướng tiến sĩ hiệu trưởng Từ Ngọc Lương?

Có lẽ, ông Lương này đang ở trên mây, lương một vị tướng chắc cũng nhấp nhỉnh một nghìn đô la/tháng, với bao nhiêu bổng lộc từ học vị tiến sĩ và chức vụ hiệu trưởng mà có, nên ông tưởng rằng nhân dân chúng tôi đều có cuộc sống như ông, có phải thế không?

Đối với ý kiến của ông Đào Văn Luật, nguyên Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 12 (quận 3, TP Hồ Chí Minh)
Tất cả ý kiến dài dòng của ông chỉ muốn bảo vệ quan điểm “Đâu phải cứ nhiều đảng là có dân chủ”.
Thưa ông Luật, theo ông hiểu thì dân chủ là gì? Tôi xin phép được nhắc lại .
“Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do”[5]. Khi gọi là bầu cử tự do thì ít nhất phải có từ hai đối tượng/đảng phái trở lên cho người dân được lựa chọn. Ông thích đảng cộng sản, ông cứ bầu cho họ, còn tôi, tôi không thích đảng cộng sản thì tôi chọn đảng khác, thậm chí tôi có quyền đứng ra thành lập một đảng phái nào đó ngoài tất cả những đảng đã tồn tại. Đằng này, ngay chính trong cái đảng của ông, bầu cử cũng chỉ là hình thức, vì lúc nào cũng “một mình một ngựa”; bao nhiêu đảng viên kỳ cựu cố đấu tranh để có “tranh cử” trong đảng, bao nhiêu năm qua mà có lay chuyển được đâu. 

Ví dụ như người Nhật vừa qua đã tổ chức thành lập đảng Xanh [6], đảng này chủ yếu hoật động nhằm kiểm soát các hoạt động liên quan tới môi trường, tới sức khoẻ người dân nhất là họ không lùi bước trong việc đấu tranh yêu cầu chính phủ ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân trên đất nước họ.

Đã độc đảng thì không thể nào có dân chủ hay nói một cách khác dân chủ thì phải đa đảng.

Câu trả lời trên cũng là phản hồi cho ông thạc sĩ Thạc sĩ Phạm Văn Thiết (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Đối với ý kiến của cô Đỗ Thị Kiều Phương, giảng viên Học viện Tài chính.
Cái vấn đề cô Phương đưa ra nhấn mạnh ở điểm “Không thể có tự do tuyệt đối”. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì đây là một phát biểu đúng. Thế nhưng tôi cảm thấy xem thường và một chút tiếc nuối cho một vị là giảng viên đại học lại có một kiểu suy diễn hồ đồ, thậm chí yếu kém về mặt pháp luật ở mức phổ quát như thế.
Cả một bài phát biểu của cô Phương không hề nhắc tới việc cô ta phản biện cho ai, về vấn đề gì. Có lẽ cô Phuơng này chưa hề đọc bài của ông Đằng, giờ cô được phóng viên báo QĐND nhét chữ vào mồm. Bây giờ hãy tạm xem như cô Phương đang phản biện cho ông Đằng.
Hãy xem cô ta lý luận đây: “Không ai có thể biện minh cho quyền tự do của mình khi dùng quyền ấy để ảnh hưởng tới quyền tự do của người khác. Nói cách khác, đòi hỏi quyền tự do tuyệt đối, nghĩa là sẽ có sự xâm phạm tới quyền tự do của người khác. Nếu ai cũng đòi quyền tự do ngôn luận theo kiểu thích nói gì thì nói, dẫn tới được “tự do” xúc phạm nhân phẩm người khác, “tự do” phao tin đồn nhảm, làm mất ổn định kinh tế, xã hội, thì hậu quả khôn lường.”

Lạ chưa? Con người chỉ thực sự có tính chất “người” khi họ sống trọong xã hội/cộng đồng, nếu không sống trong xã hội, họ hoàn toàn có bản năng như một con vật. Vì thế tất cả mọi người đều phải sống và làm việc theo luật pháp và chịu chịu sự kiểm soát của luật pháp. Ông Đằng và những ai ủng hộ ông chỉ đòi những cái quyền theo luật pháp của VN, của liên hiệp quốc mà Việt Nam là một thành viên, không có ai đòi cái “tự do tuyệt đối” như cô ta đề cập. Việc chúng ta có tự do nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng tới tự do của người khác, nó cũng giống như việc, chúng ta có quyền ăn nhưng chỉ là thức ăn thuộc sở hữu của chúng ta, còn ăn thức ăn của người khác phải được sự cho phép. Việc xâm phạm tới quyền hạn và lợi ích của người khác sẽ bị truy tố, xét xử tùy mức độ phạm tội.

Một người đi làm thầy thiên hạ mà lại lẫn lộn giữa quyền tự do cá nhân với việc “tự do xúc phạm nhân phẩm người khác” và gọi đó là tự do tuyệt đối, nó chỉ có ở hành xử ở loài vật, (cũng đồng nghĩa với những người không sống trong cộng đồng xã hội hoặc là những kẻ bất thường) có lẽ chỉ có luật rừng mới có kiểu tự do trên.

Đối với ý kiến của một người tự xưng là đảng viên trẻ Trần Ngọc Tiến, sinh viên Trường Đại học KHXH và NV TP Hồ Chí Minh.
Nếu thông tin trên là sự thật, cô/cậu sinh viên này chưa đáng tuổi con của ông Đằng và cũng có chừng 2-3 năm là đảng viên mà thôi. So về tuổi đời, tuổi đảng, sinh viên Trần Ngọc Tiến làm sao hiểu đảng cộng sản hơn một đảng viên kỳ cựu, liệt vào hàng “vị quốc công thần” khi chính ông Đằng là những người có công lót những viên gạch đầu tiên cho thể chế chính trị này!
Dân tộc ta có câu, “kính lão đắc thọ” và còn có câu rất hay nữa, nó được dùng làm bằng chứng trong những vụ án thời phong kiến khi hướng điều tra bị bế tắc đó là “người sắp chết thường nói thật”.

Hãy bình tĩnh, tìm hiểu thật kỹ trên tinh thần công tâm, khách quan, hãy uốn lưỡi nhiều lần trước khi nhận xét ông Đằng là phát ngôn của ông “Phát ngôn mang tính kích động” Ngọc Tiến nhé. Đời của cô/cậu còn dài, còn nhiều cơ hội trải nghiệm.

Chỉ cần hiểu một điều đơn giản rằng, nếu đảng thật sự tốt đẹp thì đâu sợ bị cạnh tranh, cứ để cho dân lựa chọn xem sao, vì “đảng là đạo đức là văn minh”, “của dân do dân vì dân” cơ mà! Sao lại cứ phải cuống cà kê lên thế nhỉ? Hay là  quên câu ngạn ngữ răn dạy: “Có gan ăn cắp, có gan chịu đòn”


T.N.


Tài liệu tham khảo
[1] http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/258249/Default.aspx
[2] http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx
[3] http://www.boxitvn.net/bai/18591
[4] http://en.wikipedia.org/wiki/Winston_Churchill
[5] http://vi.wikipedia.org/wiki/Dân_chủ
[6] https://sites.google.com/site/networksavevietnamsnature/5-bai-vo-lien-he/5-1-nang-luong-hat-nhan/b201207_tubieutinhdendangxanh


Copy từ: Ba Sàm


.........................

Việt Nam « quản lý » dịch vụ liên lạc miễn phí qua Internet : Lo ngại « kiểm duyệt » gia tăng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
REUTERS

Trọng Nghĩa
Nhân cuộc họp ngày 07/08/2013 vừa qua về giá cước điện thoại quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã « chỉ đạo » cho Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam là cần sớm ban hành « chính sách quản lý » các dịch vụ liên lạc miễn phí qua mạng Internet. Nội dung yêu cầu này được nêu lên trong thông báo 312/TB-VPCP đề ngày 16/08. Xuất phát từ yêu cầu của các tập đoàn viễn thông nhà nước Việt Nam, đang sợ bị thiệt hại, đề nghị này đã tạo ra lo ngại về khả năng chính sách mới sẽ lại là một công cụ kiểm duyệt internet.

Trong thời gian một hai năm gần đây, các dịch vụ nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí thông qua đường Internet – thuật ngữ tiếng Anh là OTT (Over The Top) - đã ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Các công cụ như Viber, Line, WhatsApp… - gắn trên điện thoại thông minh smartphone - càng lúc càng được nhiều người sử dụng.

Tình hình này đang tác hại đến doanh thu của các tập đoàn, công ty điện thoại truyền thống trong nước, đặc biệt trong bối cảnh lượng người dùng smartphone có xu hướng gia tăng. Hãng tin Anh Reuters, dựa theo một báo cáo từ Google, cho biết là Việt Nam hiện đã có 17 triệu người dùng điện thoại thông minh.

Theo Reuters, phát biểu với báo chí trong nước, một đại diện của Viettel, một trong những nhà cung cấp mạng điện thoại lớn nhất của Việt Nam báo động là Viettel có thể sẽ mất đến 50% doanh thu nếu tất cả 40 triệu khách hàng của tập đoàn này sử dụng Viber thay vì dùng các dịch vụ gọi điện thoại hay gởi tin nhắn truyền thống.

Báo chí Việt Nam cũng trích lại một số lời báo động từng được các tập đoàn Việt Nam đưa ra công khai, theo đó do sự phát triển của các dịch vụ OTT trong thời gian qua, Viettel và MobiFone bị thất thu khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm, trong lúc VNPT cũng bị mất từ 9% đến 10% doanh thu.

Các tập đoàn này do đó đã yêu cầu chính quyền sớm ban hành chính sách quản lý các dịch vụ OTT. Trước mắt, có ý kiến cho rằng Nhà nước nên nghiêm cấm việc dùng các dịch vụ này, vốn do các hãng ngoại quốc không có văn phòng tại Việt Nam cung cấp. Theo một số chuyên gia Việt Nam, việc sử dụng các công cụ này đặt ra vấn đề « an ninh chủ quyền Việt Nam ».
Đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như vậy đã đáp ứng yêu cầu sớm ban hành chính sách, nhưng không thấy đề cập đến yêu cầu cấm đoán. Cho dù vậy, theo hãng Reuters, chủ trương kiểm soát dịch vụ OTT có thể khiến cho những lo ngại về sự kiểm duyệt của Đảng Cộng sản gia tăng vào lúc Việt Nam đã nhiều lần bị chỉ trích vì các biện pháp bị cáo buộc là nhằm kềm chế tự do ngôn luận và trấn áp các blogger đã dám chỉ trích chế độ độc đảng.
Thái độ quan ngại càng tăng khi « chỉ đạo » của Thủ tướng Việt Nam – theo Reuters - đã không giải thích rõ ràng những gì chính phủ dự định tiến hành, tương tự như nhiều quy định khó hiểu khác, trong lúc truyền thông nhà nước lại gợi lên khả năng « cấm » tất cả các dịch vụ OTT.
Một nguyên do khác gây lo ngại là tuyên bố của Thủ tướng Dũng được đưa ra hai tuần sau khi chính phủ ra lệnh cho tất cả các mạng web nước ngoài, trong đó có Facebook, là phải đặt ít nhất là một máy chủ ở Việt Nam.

Reuters đã trích lời một nhà ngoại giao xin giấu tên nhấn mạnh rằng : « Điều này tương tự như một bước mới của chính phủ (Việt Nam) nhằm kiểm duyệt người dùng internet. Một khi không thể kiểm soát được, thì họ sẽ chặn tất cả. »

Ả Rập Xê Út vào tháng Sáu vừa qua đã cấm Viber, sau khi gặp khó khăn trong việc kiểm soát và trước tình hình các công ty viễn thông được phép hoạt động bị thất thu.

Tuy nhiên, trả lời hãng Reuters, ông Jong Buhm Park, Giám đốc điều hành của hãng NHN Việt Nam, nhà phát triển ứng dụng Line của Nhật Bản, đã có nhận định lạc quan hơn. Theo ông, sẽ không có lệnh cấm vì : « Chính phủ Việt Nam có nhiều lựa chọn khác, như yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ OTT hợp tác với các tập đoàn viễn thông Việt Nam ».


Copy từ: RFI

ĐẢNG CỦA NHỮNG NGƯỜI BỎ ĐẢNG

Sau khi thoát cơn bịnh nặng rồi viết “bảng quyết toán” để tính sổ với đảng, người đảng viên có trên 40 năm tuổi đảng là bác Lê Hiếu Đằng được đồng chí của mình là bác Chủ tịch Nước tặng cho một liều thuốc cực quý để tiếp tục chữa cho dứt bịnh. Nghe nói đó là loại thuốc quý hiếm chỉ được dùng cho các BCT.
Nghe được chuyện ấy, các bạn bè thân thiết của bác Đằng mới khuyên bác đừng nên dùng, hãy gởi lại cho BCT dùng vì hiện nay chỉ các vị ấy mới cần thuốc chữa bịnh.
Riêng tôi thì cho rằng, thuốc ấy cũng chẳng chữa được bịnh của các vị ấy. Bịnh nặng lắm rồi, muốn chữa phải dùng thuốc đặc trị chữa đúng bịnh chứ không phải dùng thuốc quý.
Vậy thuốc đặc trị cho các vị ấy là thuốc gì? Xin thưa đó chính là thang thuốc nam mang tên Lê Hiếu Đằng.
Ông Lê Hiếu Đằng trong lần tham gia biểu tình với các bạn trẻ


Đảng bịnh nặng lắm rồi. Hai vị đứng đầu của đảng là bác Tư Sang và bác Trọng Lú đã công khai công nhận điều đó. Nhiều bịnh lắm nhưng bịnh có tính quyết định cho sự sống còn của đảng là bịnh tham nhũng. Ở đây xin đi lạc đề để bàn chữ “lú” một tí chứ có người chưa biết chuyện lại hiểu nhầm ý tốt của tôi. Gắn chữ lú vào bên cạnh tên bác Trọng, theo như bài báo chính thức trên lề đảng là tỏ ý ca tụng bác là người cực kỳ trong sạch chứ không phải chê bai bác là lú lẫn. Theo bài báo ấy vì bác quá sức trong sạch, trong sạch một cách kỳ lạ, dân gian không còn từ gì để ngợi ca nên phải sáng tạo ra từ mới là "lú" để dùng. Lú nầy đồng âm với lú kia nhưng dị nghĩa.
Qua đó thấy rằng bác Trọng rất rất trong sạch. Bác Tư cũng được xem là trong sạch. Hai bác đều trong sạch nên rất mạnh khỏe. Mạnh khỏe nên chưa nhuốm bịnh dù đang sống trong một môi trường rất bịnh. Do vậy không còn ai xứng đáng hơn hai bác ấy trong việc đứng lên phất cao ngọn cờ chống bịnh, đặc biệt là bịnh tham, là căn bịnh trầm kha đang đến hồi phát tác khủng khiếp.
Hai bác ấy rất có tâm, có lòng với đảng, rất nhiệt tình lo chữa trị cho đảng nhưng khổ nỗi hai bác ấy lại dùng các phương thuốc quá cũ để chữa trị. Cái bịnh tham bây giờ nó biện chứng phát triển đến mức siêu việt theo sự phát triển của thời đại rồi. Mỗi lần nó ăn là ăn đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ. Và cách ăn của nó cũng rất ...công khai minh bạch. Ăn qua chính sách, ăn qua cách ra nghị định và thông tư, ăn qua dự án, ăn qua nhóm lợi ích, ăn qua các công ty sân sau, ăn qua các ngân hang, ăn qua đấu thầu công khai…nghĩa là có muôn trùng cách ăn và ăn rất dễ dàng là nhờ vào chính cơ chế vận hành để sinh tồn của đảng.
Vậy mà hai bác trong sạch lại dung liều thuốc phê và tự phê, là cái bài thuốc của ông lang Mao du nhập vào VN cách đây hơn nửa thế kỷ chỉ dùng để bôi ngoài da cho các vết lở gây ra bởi bệnh tham lúc còn sơ khai cho đỡ ngứa tạm thời chứ không dứt được căn nguyên. Ngay với cái bệnh tham thời sơ khai chỉ ăn vài cân thóc, vài lạng thịt, vài tờ tem phiếu thì liều thuốc ấy cũng không chữa dứt được, huống chi là chữa cái bịnh tham đã tiến hóa lên đến mức siêu việt như ngày nay cùng những biến chứng tinh vi của nó.
Để chữa bịnh tham, thế giới đã có bài thuốc mà hầu hết quốc gia tiên tiến đang sử dụng rất hiệu nghiệm. Một nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập, một xã hội dân sự, một nền kinh tế thị trường minh bạch là thang thuốc cực tốt để đẩy lùi bịnh tham.
Thật ra bác Lê Hiếu Đằng không phải là một thang thuốc, nhưng những bước đi của bác đang cùng mọi người góp phần đấu tranh cho sự hình thành một thang thuốc hiện đại để chữa bịnh cho cả quốc gia.

Từ lâu, nhiều đảng viên đã nhìn thấy căn bịnh của đảng đang phát tác và lây lan khắp nơi nên tự cứu mình bằng cách bỏ đảng chạy ra ngoài. Số lượng đảng viên bỏ đảng chưa có thống kê chính thức, nhưng tính từ năm 75  nghe đồn cứ lai rai gộp lai đến bây giờ cũng ra một con số không nhỏ. Hiện nay theo như bác Đằng nói thì có khá nhiều người đang muốn ra và dường như họ muốn rủ rê nhau cùng công khai tuyên bố ra một lúc vào một ngày đẹp trời nào đó.
Hai ông Huỳnh Nhật Tấn và Huỳnh Nhật Hải là hai đảng viên bỏ đảng rất sớm

Ra rồi thì có thể cứu được bản thân mình. Nhưng còn đảng và dân chúng thì sao. Căn bịnh của đảng không chỉ lây lan trong đảng mà còn di căn ra ngoài xã hội. Xã hội hiện nay cũng bịnh quá rồi. Đâm, chém, cướp, hiếp, lừa đảo, mại dâm, ma túy... tràn lan khắp nơi. Các bác ra khỏi đảng nhưng còn thấy mình có trách nhiệm với đảng và quan trọng là với xã hội và đất nước. Phải chăng vì vậy mà các bác ấy muốn làm cái gì đó để cứu đảng, cứu nước, cứu dân?

Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, những năm cuối cùng của chế độ cộng sản Xô Viết, một nhà văn nào đó của Liên Xô dấy lên chuyện lập đảng cho những người không đảng. Tôi không còn nhớ rõ, đại khái ông nói rằng đất nước Xô Viết với hơn 400 triệu dân mà chỉ có một đảng dành riêng cho 20 triệu đảng viên vì vậy nên có một đảng dành cho những người không đảng còn lại để nhằm vào mục tiêu cứu nước Liên Xô vĩ đại. Nhưng đảng ấy chưa kịp lập ra thì chế độ Xô Viết đã ngã ra đột tử vì bịnh đã quá nặng, hết phương cứu chữa.

Bây giờ thì bác Đằng và bác Nhuận hô hào lập đảng từ những người bỏ đảng. Khi chuyện nầy nổ ra đã tạo nên những phản ứng đa chiều trong dư luận.
Ủng hộ, công kích, nghi ngờ…thôi thì đủ kiểu suy diễn. Có vài chiều ý kiến từ chính những người đã bỏ đảng hoặc chuẩn bị bỏ đảng đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo một luồng ý kiến thì thời cơ chưa chín mùi để ra đời một cái đảng như vậy (nhưng không biết khi nào thì chin mùi?). Một luồng ý kiến khác thì cho rằng liệu pháp của hai bác Đằng- Nhuận là quá sốc đối với một cơ thể đã quá già nua và đang bịnh nặng. Gộp từ hai luồng ý kiến đó đã phát sinh ra một luồng ý kiến nữa là nên chăng đưa ra một liệu pháp ít sốc hơn là thay vì lập đảng thì lập một phong trào rộng rãi gì đó để vận động nhiều người tham gia để cùng nhau cứu nước, cứu dân.

Theo Hiến Pháp thì mọi công dân đều có quyền tự do lập đảng, lập hội, lập nhóm. Tuy nhiên từ sau năm 75 đến nay chỉ thấy hai đảng chính trị hợp pháp là đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội bị giải tán chứ chưa thấy một tổ chức chính trị nào có đường lối độc lập với đường lối của đảng CSVN được ra đời hợp pháp. Nhiều tổ chức nhen nhóm ra đời đã nhanh chóng bị dập tắt. Từ đảng Dân Chủ phục hoạt của cụ Hoàng Minh Chính đến nhóm 8406... thậm chí đến một câu lạc bộ ngành nghề như câu lạc bộ Báo chí Tự do cũng không thể nào được phép hoạt động và những người khởi xướng là Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn đều đang bị nằm tù như mọi người đã biết.
Từ đó dư luận không tin rằng tổ chức chính trị mà hai bác Đằng- Nhuận hô hào khởi xướng sẽ ra đời được.
Tuy nhiên cũng có một luồng dư luận nhỏ hơn cho rằng, tình hình đang càng ngày càng thuận lợi, có vài tín hiệu cho thấy đã đến lúc phải tỏ ra cởi mở và thay đổi. Miến Điện đã làm được và không gây ra xáo trộn gì, sự xuất hiện của phe đối lập không những không làm cho phe cầm quyền ngã lăn ra đột tử mà còn làm cho họ tăng thêm uy tín trong dân và dưới mắt bạn bè thế giới. Miến Điện làm được thì lý gì Việt Nam anh hùng tài giõi hơn lại không làm được.

Nhưng dù cho đảng của những người bỏ đảng ấy không lập ra được vì lý do nào đó thì tiếng hô hào của họ cũng giúp đánh tan được phần nào nỗi sợ hãi đang bao trùm, cũng là góp tiếp những bước đi cho sự hình thành xã hội dân sự.


Copy từ: Blog Huỳnh Ngọc Chênh

Đa đảng và độc đảng

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-08-20

Bích chương của đảng cộng sản Việt Nam khắp trên đường phố
Bích chương của đảng cộng sản Việt Nam khắp trên đường phố
AFP
Nghe bài này
Ngay sau khi có những bài viết của ông Lê Hiếu Đằng đưa ra chủ trương thành lập một chính đảng công khai đối lập với đảng  Cộng Sản Việt Nam, cuộc tranh luận về vấn đề đó trở nên sôi nổi tại Việt Nam.
Lý luận chống
Thông thường khi có những ý kiến, bài viết công khai đối lập lại với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, một số cơ quan ngôn luận của hệ thống Nhà Nước lên tiếng phản bác.
Trường hợp mới nhất là đối với bài viết của ông Lê Hiếu Đằng ‘Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…’ được công khai trên trang mạng Bô xít hồi tuần rồi.  Bài viết được cho nhằm tính sổ cuộc đời này của ông nêu lại quá trình của một người có thâm niên 45 tuổi đảng cộng sản như bản thân ông. Tuy nhiên nay ông nhận thấy có những sai lầm và muốn có thay đổi mà một trong những đổi thay đó là phải chấm dứt sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước phải đa nguyên- đa đảng theo hướng dân chủ- xã hội.
Hôm chủ nhật ngày 18 tháng 8, báo Quân đội Nhân dân có bài viết của tác giả Trọng Đức tựa đề ‘Đôi điều với tác giả “Viết trên giường bịnh”’. Tác giả nêu ra 4 điểm để phản biện lại nội dung bài viết của ông Lê Hiếu Đằng mà tác giả cho là cổ xúy cho một vấn đề không mới tại Việt nam là ‘đa nguyên, đa đảng’.
Đâu có phải cứ đa nguyên đa đảng là tự nó đã có dân chủ? Đa đảng đối lập tại VN lúc này có đúng như các nhà dân chủ đã vẽ ra là sẽ làm cho đất nước dân chủ hơn, phát triển hơn, đời sống nhân dân tốt đẹp hơn? Hay sẽ diễn ra cảnh hỗn loạn, mất ổn định
Trọng Đức/báo QĐND
Tác giả Trọng Đức biện luận ‘Đâu có phải cứ đa nguyên đa đảng là tự nó đã có dân chủ? Đa đảng đối lập tại Việt Nam lúc này có đúng như các nhà dân chủ đã vẽ ra là sẽ làm cho đất nước dân chủ hơn, phát triển hơn, đời sống nhân dân tốt đẹp hơn? Hay sẽ diễn ra cảnh hỗn loạn, mất ổn định, đỗ vỡ nền kinh tế như đã xảy ra ở một số nước mà người gánh chịu không ai khác chính là nhân dân.”
Bài viết của tác giả Trọng Đức tựa đề ‘Đôi điều với tác giả “Viết trên giường bịnh”’ đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 18/08/13
Bài viết của tác giả Trọng Đức tựa đề ‘Đôi điều với tác giả “Viết trên giường bịnh”’ đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 18/08/13
Phản biện
Trong hai ngày qua trên các trang mạng xuất hiện một số bài viết phản biện lại bài của tác giá Trọng Đức trên báo Quân Đội Nhân dân. Một trong số đó là bài của Trung Nghĩa phản biện lại từng điểm mà tác giả Trọng Đức của tờ Quân Đội Nhân dân nêu ra. Tác giả Trung Nghĩa tỏ rõ sự buồn cười và làm phì cười trong bài viết của Trọng Đức như đưa ra trường hợp của một tù hình sự để bác chuyện cá nhân ông Lê Hiếu Đằng kể chuyện được cho ra đi thi khi đang bị cầm tù vì lý do chính trị; cũng như cách lập luận ngây ngô khi giải thích về mối quan hệ cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.
Tác giả Trung Nghĩa còn cho rằng việc Trọng Đức nói ‘Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực nhà nước. Do vậy, quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân’. Đây là điều mà tác giả Trung Nghĩa cho là sai sự thật. Thế rồi tác giả Trung Nghĩa còn dùng những lập luận khác để bác bỏ điều mà Trọng Đức của báo Quân Đội Nhân dân gọi là truyền thống ngoại giao mềm mỏng; cũng như ý kiến trên báo Quân đội Nhân dân về tam quyền phân lập.
Điều 69 của Hiến pháp năm 1992 ghi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật
Ông Phạm Đình Trọng
Bên cạnh đó là những bài viết về ý kiến của giáo sư Vũ Minh Giang, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, khi trả lời BBC cho rằng chưa có đủ căn cứ pháp luật cho sự ra đời của những chính đảng mới.
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM
Nhà văn Phạm Đình Trọng cho rằng ông giáo sư trong hội đồng lý luận trung ương ấp úng, quanh co; nói rất dài mà chỉ đưa ra một nội dung rất ngắn mà nhà văn Phạm Đình Trọng cho là hồ đồ; đó là chưa có căn cứ pháp lý cho việc thành lập chính đảng mới.
Ông Phạm Đình Trọng nhắc lại là người dân được làm mọi việc khi pháp luật không cấm. Ông nêu ra lại điều 69 của Hiến pháp năm 1992 ghi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật. Ông giải thích hội và đảng là hai cách gọi khác nhau của một tổ chức chính trị. Ông còn nêu ra điều 52 của Hiến pháp năm 1992 qui định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; hơn 3 triệu công dân có quyền lập đảng Cộng sản vậy số còn lại hơn 80 triệu cũng có quyền lập ra những đảng chính trị của họ.
điều 52 của Hiến pháp năm 1992 qui định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; hơn 3 triệu công dân có quyền lập đảng Cộng sản vậy số còn lại hơn 80 triệu cũng có quyền lập ra những đảng chính trị của họ
Ông Phạm Đình Trọng
Luật sư Nguyễn Lệnh, trên Dân Luận, nhắc lại điều 4 trong Hiến pháp năm 1980 và điều 4 trong Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1980 với điều 4 qui định đảng CS là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội; nhưng điều 4 trong Hiến pháp năm 1992 không còn chữ ‘duy nhất’ nữa và còn thêm ‘mọi tổ chức của đảng CS hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.’
Vị luật sư này đặt vấn đề do quốc hội vẫn chưa ban hành Luật về tổ chức đảng chính trị nên không biết thể lệ thành lập một đảng chính trị là thế nào. Theo luật sư Nguyễn Lệnh phải chăng điều 4 hiến pháp năm 1992 chính là căn cứ pháp lý để để một lực lượng khác không phải đảng CS Việt Nam có thể tiến hành thành lập một đảng chính trị trên nguyên tắc ‘áp dụng pháp luật tương tự’ mà đảng CS Việt Nam đang hoạt động cho đến khi có Luật về tổ chức đảng và thể lệ thành lập đảng.
Ủng hộ
Blogger Nguyễn Thiện Nhân, người có bài viết góp ý xây dựng cương lĩnh Đảng Dân chủ Xã hội do ông Lê Hiếu Đằng chủ xướng, nói rõ những căn cứ để có thể hình thành ra một đảng chính trị đối lập tại Việt Nam như sau:
Trong Hiến pháp có cho người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội. Trên tinh thần hiến pháp người dân có quyền lập hội, mà trong lập hội có đảng phái chính trị
Blogger Nguyễn Thiện Nhân
Tất nhiên theo tinh thần luật, cán bộ nhà nước các cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những điều luật pháp cho phép; còn người dân được phép làm những gì luật pháp không cấm. Trong Hiến pháp có cho người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội. Trên tinh thần hiến pháp người dân có quyền lập hội, mà trong lập hội có đảng phái chính trị.
Đảng phái chính trị ở đây tất nhiên chưa bàn đến việc có chấp chính hay không; tức tham gia vào việc quản lý quyền lực nhà nước hay không; nếu như không tham gia vào quyền lực quản lý nhà nước mà chỉ là một đảng sinh hoạt để thể hiện tiếng nói, quan điểm thì tinh thần hiến pháp không cấm.
Nhưng trong thực tế nhà nước, chính phủ cũng như đảng Cộng sản Việt Nam không nói cụ thể về vấn đề này, cũng như chưa được luật hóa về vấn đề này.
Sau này nếu như Đảng Dân chủ Xã hội mà có đi đến việc thành lập phải đụng đến vấn đề pháp luật; sẽ có những tranh luận một bên cho rằng chiếu theo pháp luật là được phép, và một bên cho rằng chưa có luật. Phía nhà nước lúc nào cũng cho rằng chưa luật hóa và không được phép.
Nhiều nhận định cho rằng đảng Cộng sản Việt Nam lúc này chắc chắn sẽ chặn đứng việc hình thành một đảng chính trị đối lập hoạt động công khai tại Việt Nam; tuy nhiên sự ngăn cản đó sẽ không thể kéo dài được lâu.


Copy từ: RFA

Ra tuyên bố phản đối Nghị định 72

Cập nhật: 08:50 GMT - thứ tư, 21 tháng 8, 2013

Người dùng Internet ở Việt Nam
Cộng đồng mạng ở Việt Nam sẽ thích ứng ra sao kể từ ngày 1/9 tới?
Nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam cấm các cá nhân tổng hợp thông tin trên mạng đã bị một nhóm các trí thức trong và ngoài nước lên án là ‘vi phạm Hiến pháp, pháp luật và các công ước quốc tế’.
Trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng, các nhân sỹ trí thức này cũng yêu cầu Chính phủ chỉnh sửa lại Nghị định và kêu gọi Quốc hội thẩm tra lại tính hợp hiến và hợp pháp của Nghị định.
Nghị định 72 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9 tới. Khi đó, các trang mạng cá nhân sẽ không được phép đưa lại các thông tin được lấy lại từ các nguồn khác.
Nghị định này đã bị cộng đồng blogger trong nước và các quan sát viên quốc tế lên án là ‘xâm phạm quyền tự do ngôn luận’ của người dân Việt Nam.

‘Tác dụng phá hoại’

Trong phản ứng mới nhất này, bản tuyên bố được 108 người ký tên đã dẫn ra những chỗ mà họ cho là vi phạm luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước này có tham gia.
Theo đó, quy định trong Nghị định 72 phân loại các trang mạng ra làm năm loại trong đó yêu cầu ‘trang thông tin điện tử cá nhân’ không được tổng hợp thông tin là trái với Luật Công nghệ thông tin, bản Tuyên bố này phân tích.
Theo Bộ Luật được Quốc hội thông qua vào năm 2006 này thì ‘trang thông tin điện tử... phục vụ cho việc cung cấp trao đổi thông tin’ và cũng không hề phân chia trang thông tin điện tử ra làm các loại riêng rẽ.
‘Hồi nào viết thê nào giờ vẫn viết như thế’
Blogger Huỳnh Ngoc̣ Chênh nói về bản Tuyên bố phản đối Nghị định 72 và sự chuẩn bị của ông trước nghị định này.

Ngoài ra, trong khi Luật Công nghệ thông tin chỉ có phạm vi hiệu lực đối với các tổ chức và cá nhân hoạt động về mạng Internet ‘tại Việt Nam’ thì Nghị định 72 mở rộng việc chế tài ra các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân ở nước ngoài cung cấp thông tin vào Việt Nam.
Do đó, những người tham gia vào tuyên bố này bày tỏ quan ngại Nghị định 72 sẽ ‘bị vận dụng tùy tiện để ngăn chặn công dân Việt Nam thực thi các quyền tự do ngôn luận, tự do tìm kiếm, thu nhận và chia sẻ thông tin’.
Các nhân sỹ trí thức nhận định rằng Nghị định này ‘chỉ có tác dụng phá hoại lòng tin của người dân đối với sự trung thực và sáng suốt của chính quyền’ và ‘phá hoại uy tín của Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế’.
“Nghị định 72... đi ngược lại các tuyên bố cải thiện về dân chủ, nhân quyền... của Nhà nước Việt Nam...đi ngược lại lợi ích của nhân dân và đất nước,” Tuyên bố viết.

‘Không thay đổi’

Trao đổi với BBC, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một blogger ở trong nước, giải thích lý do Tuyên bố này không được gửi đến những nơi liên quan được nêu trong Tuyên bố như Quốc hội và Chính phủ là vì ‘những kiến nghị chúng tôi gửi đến chẳng bao giờ được phản hồi’.
"Hồi nào mình viết như thế nào, mình thu nhận thông tin và đưa thông tin như thế nào thì vẫn tiếp tục làm."
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
“Chúng tôi đã tính trước khả năng chính quyền không tiếp thu nên không kiến nghị mà ra tuyên bố để bày tỏ thái độ,” ông nói, “Còn tiếp thu hay không là quyền của người ta.”
Khi được hỏi có chuẩn bị sẵn sàng khi Nghị định 72 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/9 tới, ông Chênh nói rằng ông ‘vẫn giữ nguyên’.
“Hồi nào mình viết như thế nào, mình thu nhận thông tin và đưa thông tin như thế nào thì vẫn tiếp tục làm,” ông nói.
“Để xem người ta nhắc nhở như thế nào để tùy theo đó mà có thái độ phản ứng,” ông nói thêm, “Bên cạnh đó tôi vẫn trông chờ phản ứng của tập thể.”
Mặc dù ông nhận định rằng Nghị định 72 này sẽ ‘khó khả thi’ nhưng sẽ tác động trực tiếp các trang blog như trang cá nhân của ông.
“Trước khi có Nghị định 72, anh em blogger vẫn bị mời lên làm việc. Bây giờ có lẽ làm việc sẽ cấp tập hơn. Người ta sẽ yêu cầu điều này điều khác nhiều hơn,” ông nói.


Copy từ: BBC


...................

XÓA CẤM VẬN, WTO VÀ TPP NHỮNG CƠ HỘI CHO VIỆT NAM TỪ HOA KỲ

XÓA CẤM VẬN, WTO VÀ TPP NHỮNG CƠ HỘI CHO VIỆT NAM TỪ HOA KỲ


Bài đọc liên quan:

Mấy hôm nay trò chuyện với một số người có am hiểu về tình hình chính trị và kinh tế nước nhà. Họ tỏ ra lo ngại cho việc Việt Nam khi được vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP: Transpacific Partnership. Song những mối lo ngại ấy chỉ là những lo ngại vô căn cứ và thiếu hiểu biết. Nên tôi có ý định viết bài này, hòng giúp cộng đồng thấy cái lợi, cái trở ngại khi Việt Nam chỉ còn đúng 4 tháng nữa để được kết thúc tiến trình đàm phán như ông chủ tịch nước đã cam kết với ông Obama trong chuyến viếng thăm nhà Trắng cuối tháng 7/2013 vừa qua.

Những tốt đẹp sau xóa cấm vận

Tôi có may mắn chứng kiến sự gặp gỡ giữa ông Phan Tường Vân với ông Richard Holbrooke hồi những năm đầu thập niên 1990s để chuẩn bị cho việc Hoa Kỳ xóa cấm vận đối với Việt Nam. Hồi đó, ông Holbrooke chỉ chịu đồng ý đàm phán riêng với ông Phan Tường Vân cho việc xóa cấm vận của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Một thông tin mà hầu như các thành viên còn lại của nhóm thứ Sáu của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng không hề hay biết. Giờ cũng là lúc nên bạch hóa công lao của ông Phan Tường Vân. Những gì công lao mà lịch sử chưa ghi nhận vì điều kiện cá nhân ông không cho phép, cũng nên ghi ra cho hậu thế. Vì tất cả 3 nhân vật lịch sử: Võ Văn Kiệt, Phan Tường Vân và Richard Holbrooke cũng đã trở về với cát bụi.

Cố tiến sỹ kinh tế Harvard Phan Tường Vân - 1936 - 2007 - người đã từ chối ra đi theo diện ưu đãi đặc biệt của Hoa Kỳ vì lý do cá nhân ông. Ông ở lại Việt Nam sống thầm lặng sau cải tạo về dạy kèm tiếng Anh để sống. Ông được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt mời vào nhóm thứ Sáu để đưa ra sách lược cởi trói kinh tế Việt Nam, với một điều kiện là không được làm ồn ào tên tuổi cũng như những gì ông đã đóng góp cho nước CHXHCNVN cũng vì lý do riêng tư. Hình của Sài Gòn Tiếp Thị

Thế mà đến nay đã hơn 30 năm từ những ngày đầu ông Holbrooke đến Việt Nam và yêu cầu gặp trực tiếp ông TS Phan Tường Vân để bàn về vấn đề xóa cấm vận với Việt Nam. Và có thể nói, người đặt nền tảng to lớn nhất để Việt Nam có hôm nay không ai khác là Tiến Sỹ Phan Tường Vân - cựu cố vấn kinh tế vĩ mô cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Người mà tôi có nhắc đến trong bài, Gương sáng ngành Y, thầy tôi BS Phan Tường Hưng ở phần bàn luận.

Có nhiều những cam kết, trong đó, ba điều lợi lớn nhất mà nhất bên phía Hoa Kỳ yêu cầu mang lại cho người dân Việt Nam là, công dân Việt Nam được visa phổ thông đi du lịch, làm ăn, du học ra ngoài lãnh thổ một cách tự do theo pháp luật hiện hành, mà 20 năm sau thống nhất đất nước người dân Việt Nam chưa bao giờ được hưởng.

Sau đó là, người dân Việt Nam được tự do đăng ký làm ăn theo đúng pháp luật, mà trước đây chỉ có đảng cộng sản và các tổ chức của nhà nước của đảng cầm quyền tạo ra mới được làm ăn kinh tế độc quyền mọi mặt, từ quán bán hàng nhu yếu phẩm - được gọi là quầy hợp tác xã - đến các công ty lớn.

Thứ ba là, cuộc cách mạng internet cũng mở ra cho người dân Việt Nam một cách nhìn rộng hơn về thế giới, mà trước đó, với chỉ là những thông tin ao tù nước đọng phát ra từ chiến lược dân vận ở các loa làng từ địa phương tới trung ương. Người dân Việt trước đó không khác gì dân Bắc Hàn hiện nay. Người hiểu biết buộc phải đánh cược số phận với biển cả, cướp biển để được sống đúng nghĩa. Kẻ nghèo và thiếu nhiểu biết cam phận làm một cổ có đến vạn tròng từ địa phương đến trung ương.

Từ đó đến nay, đời sống người dân Việt đã khá lên rất nhiều so với cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 trở về trước. Lúc mà người dân thôn quê cũng như thành thị của Việt Nam thiếu vải đến mức, mùa đông giá rét phải dùng bao cát của lính Mỹ viễn chinh, làm lô cốt để may áo quần mặc tránh rét. Lúc mà chỉ mang 5kg gạo đi từ huyện này sang huyện khác cũng bị cho là gian thương. Mọi kinh doanh buôn bán chỉ có đảng cộng sản buôn bán là hợp pháp, dân buôn bán là buôn lậu là gian thương, là phản quốc. Bữa cơm nhà cũng không dám nấu cơm chỉ thuần gạo, mà phải độn khoai để chứng minh nhà mình thuộc loại bần cố nông cho chính quyền không gây khó dễ, và rất nhiều khổ cảnh khác về lý lịch vào đại học, hộ khẩu đi lại trong nước của thanh niên chúng tôi thời ấy, v.v... Nhìn lại vấn đề này, để thấy có được hôm nay là một bước tiến khá dài nhờ vào những yêu cầu phía Hoa Kỳ đối với chính quyền cộng sản ở Việt Nam.

Rồi sau đó, Việt Nam đã mất 11 năm chuẩn bị, mà trong đó mất 8 năm đàm phán để đến 2007, vào được WTO mở ra một cánh cổng mới. Cánh cổng này đã và đang dạy cho đảng, nhà nước và dân Việt cách chơi đúng luật quốc tế. Nhưng trong 8 năm qua, việc thực hiện tiến trình WTO của nhà nước Việt Nam chưa đạt được. Một nền kinh tế sao y bản chính của Trung Hoa - tăng đầu tư công và dựa vào xuất khẩu chủ yếu dùm cho hàng Trung Hoa để tính tăng trưởng GDP - đã đẩy cả Việt Nam và Trung Hoa vào thảm họa cả mọi lĩnh vực sa sút nghiêm trọng, đe dọa cả việc sụp đổ chính quyền.

Trong cam kết vào WTO của Việt Nam có cam kết về kinh tế thì Việt Nam cần cải tổ cổ phần hóa 93 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2012, nhưng việc này chỉ thực hiện được chỉ có 12. Bây giờ ai cũng rõ, chính những doanh nghiệp nhà nước là con sâu đục cái thân còm cỏi của người dân Việt Nam, vì hoạt động kém hiệu quả, nhưng đầu tư quá nhiều, có đến 60% đầu tư làm nên nợ xấu từ các doanh nghiệp này.

Một nghịch lý của chung cho kinh tế Trung Hoa và Việt Nam là, doanh nghiệp nhà nước làm sụp đổ kinh tế dẫn đến có thể sụp đổ nền chính trị, nhưng không có chúng thì việc "chọn hiền tài" cho đảng cầm quyền lại khó khăn. Vì cái gọi là "chọn hiền tài" cho đảng cầm quyền ngày nay là phải nhờ vào việc lobby chính sách nhờ vào tiền tham nhũng lấy từ những đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước. Bỏ chúng lấy đâu ra "nhân tài" lo cho đảng cầm quyền?

TPP rào cản ít nhưng cơ hội nhiều

Nếu tháng Năm năm 1994 Hoa Kỳ xóa cấm vận cho kinh tế và thương mại Việt Nam, nó như là một cánh tay chìa ra cứu vớt Việt Nam đang trong cơn nguy khốn bị Liên Xô bỏ rơi, phải sa vào vòng tay của một sở khanh Trung Hoa. Giờ đến cánh cửa TPP Hoa Kỳ lại mở ra cho Việt Nam một cơ hội rời khỏi vòng tay tên sở khanh Trung Hoa nhiều hơn là một cái để sợ sệt như một số người âu lo, e dè chưa dám đánh giá. Như vậy những rào cản và cơ hội ấy như thế nào?

Người ít hiểu biết cho rằng, nhân quyền là một yếu tố ràng buộc Việt Nam phải cải tổ một nền chính trị tốt hơn để được vào TPP. Nhưng đó là một trong những trạng thái tinh thần của lãnh đạo hai quốc gia ký kết với cái gọi là - 9 tuyên bố chung: Joint Statement - chứ không phải là Hiệp định chung - Joint Agreement. Từ trạng thái tinh thần hưng phấn tuyên bố với nhau trong lúc trà dư tửu hậu, đến lúc ràng buộc nhau thực hiện bằng hợp đồng ký kết 2 bên là một khoảng trống rất dài, nhiều khi không bao giờ thực hiện. Hay nói cách khác là những lời hứa hảo. Và nhân quyền không phải là rào cản cho Việt Nam được vào TPP, mà kinh tế và thương mại mới là chính.

Nếu tìm thông tin chính thống của đảng mọi người sẽ không tìm thấy bất kỳ một thông tin nào về những rào cản và cơ hội này. Có 3 rào cản cũng chính là 3 cơ hội lớn không thể bỏ qua.

Rào cản đầu tiên cũng là cơ hội lớn là ràng buộc về nguồn gốc xuất xứ hàng xuất khẩu giữa các nước thành viên TPP. Trong thương mại 2 chiều giữa các thành viên quy định, hàng hóa xuất khẩu phải có nguồn gốc sản xuất từ 12 thành viên trong TPP. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu lớn nhất hiện nay là 2 thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. Năm 2012 Hoa Kỳ mang lại cho xuất siêu Việt Nam lên đến hơn 17% GDP - tương đương khoảng 24 tỷ USD/tổng GDP là 138.1 tỷ đô la trong năm 2012. Trong khi đó, nhập siêu với Trung Hoa chiếm đến hơn 11.5% GDP - tương đương 16 tỷ USD/138.1 tỷ đô la trong năm 2012.

Hai lĩnh vực xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ là hàng may mặc, giày da và nông hải sản. Về thuận lợi hàng nông hải sản Việt Nam tự sản xuất tốt. Vấn đề tồn tại là vấn đề sử dụng phân bón, thức ăn và thuốc bảo vệ thực vật cho đúng cách, để vượt qua hàng rào kiểm soát của FDA. Vấn đề này trách nhiệm của các nhà khoa học và nhà nước cần phải tổ chức làm việc để có quy trình sản xuất hợp chuẩn.

Tỷ lệ phần trăm nguồn gốc nhập khẩu nguyên liệu cho ngành may mặc và giày da xuất khẩu của Việt Nam hiện nay - Hình của Cafef

Lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc và giày da hầu hết còn vướng ở nguyên liệu sản xuất. 23 năm qua sau Hội nghị Thành Đô - 1990 - ngành may mặc và giày da của Việt Nam hầu như bị lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. WTO mở ra một điều kiện quá tốt, các doanh nghiệp FDI - đầu tư trực tiếp từ nước ngoài - đã giết chết các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu hàng dệt may và giày da của chúng ta bằng cách nhập hàng từ Trung Hoa, Hàn Quốc, Đài Loan chiếm tỷ trọng lớn nhất tương ứng 36%, 18% và 15%. Trong khi đó 2 đối tác trong TPP tương lai là Hoa Kỳ và Nhật chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn lần lượt là 4% và 5%.

Như vậy, rào cản này sẽ giúp ngành dệt, sản xuất dâu tầm tơ, trồng bông của chúng ta sẽ sống lại, nếu muốn còn giữ được sản lượng xuất khẩu cao vào thị trường Hoa Kỳ. Qua đó, nó sẽ giúp ngành sản xuất nguyên liệu của Việt Nam phục vụ cho ngành may mặc và giày da tạo công ăn việc làm cho xã hội, giúp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp mà khoảng 1 triệu doanh nghiệp đã phá sản và ngưng hoạt động trong 3 năm qua. Nếu nhìn đúng đắn và khách quan thì đây không phải là rào cản, mà là cơ hội cho một nền kinh tế Việt Nam tự đứng để đi vững bền.

Nếu doanh nghiệp, nhà khoa học và chính quyền Việt Nam biết tận dụng cơ hội tốt, thì TPP sẽ còn làm cho các ngành sản xuất nguyên liệu, cũng như ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam có thể trở thành là một cường quốc của khu vực, chứ không chỉ có nông hải sản và may mặc giày da.

Rào cản thứ hai cũng là cơ hội hơn là rào cản là, khi vào TPP tất cả các công ty xuất khẩu hàng sang các nước thành viên buộc phải là các công ty không chịu dưới sự hỗ trợ của nhà nước về giá, vốn đầu tư. Nó sẽ là động lực buộc nhà nước Việt Nam xem kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế chính chủ đạo nền kinh tế quốc dân, mà lâu nay hiến pháp Việt Nam từ chối, trói buộc sức mạnh toàn dân, hòng độc quyền cai trị theo chính sách nghèo dân để trị. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân được rộng đường làm ăn, có sân chơi tương đối công bằng hơn, và học cách làm ăn lâu dài, có trách nhiệm với quốc gia dân tộc, hơn là kiểu làm ăn chụp giựt, thiếu tự trọng như hơn 20 năm qua. Đồng thời nó cũng là động lực góp phần cải tổ chính trị nửa dơi, nửa chuột của Việt Nam hiện nay.

Rào cản thứ ba cũng là cơ hội là, buộc các thành viên trong tổ chức TPP phải biết bảo vệ quyền lợi cho người lao động - giai cấp công nông mà lâu nay được đảng cộng sản cầm quyền luôn cho là tầng lớp lãnh đạo, nhưng là tầng lớp bị làm vật thế chấp chính trị và bị bóc lột thậm tệ nhất. Ràng buộc này buộc phải có các nghiệp đoàn độc lập với đảng cộng sản cầm quyền để kiểm soát quyền hành các ông chủ, và đem lại quyền lợi cho công nhân và nông dân. Nó sẽ góp phần không nhỏ để cải tổ chính trị Việt Nam trong tương lai, mà khó đánh giá được. Hãy nhìn từ các cuộc cách mạng từ Đông Âu sẽ rõ ràng của ràng buộc này. Công đoàn Đoàn kết Ba Lan đã giúp đất nước Ba Lan sáng lạng như hôm nay là một ví dụ. Hay nói đúng hơn, ràng buộc TPP thứ ba này là cơ hội của tổ quốc và dân tộc, nhưng là việc tháo vòng kim cô của chính quyền bị tên sở khanh Trung Hoa tráo trở đặt vào đầu 23 năm qua.

Kết thúc bài viết này chỉ còn là, việc đảng cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam có vì quốc gia dân tộc hay là vì lợi ích riêng tư của các thành viên đang kiếm lợi nhuận trên xương máu của đồng bào, cơ hội hay ràng buộc cũng từ nguyên nhân này mà ra. Cơ hội cho dân tộc và tổ quốc cũng là cơ hội cho đảng cầm quyền gở gạt lại uy tín không còn gì để mất. Nhưng nếu xem là ràng buộc thì, xem như nó cũng là lưỡi hái tử thần kết liễu sự cai trị độc tài của đảng cộng sản ở Việt Nam, trong lúc nền kinh tế với đầy nợ xấu không thể giải quyết đang giảm phát, nhưng lạm phát lại tăng cao từ tháng 8/2013 này.

Asia Clinic, 18h16' ngày thứ Tư, 21/8/2013


Copy từ: Blog BS Hồ Hải


.........................