CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Tường thuật buổi Cafe 258 của Mạng lưới blogger Việt Nam

Tường thuật buổi Cafe 258 của Mạng lưới blogger Việt Nam


Thông báo họp mặt

Mạng lưới Blogger Việt Nam sẽ có cuộc họp mặt vào lúc 2h chiều chủ nhật, ngày 25 tháng 8 năm 2013, tại Hà Nội.
Mục đích của cuộc họp là để sơ kết quá trình hoạt động thời gian vừa qua của Mạng lưới trong việc phổ biến Tuyên bố 258, và thảo luận hướng đi mới của phong trào.
Bên cạnh các thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam, những người quan tâm đều có thể đến dự.
Thông tin chi tiết về cuộc họp sẽ được tường thuật trên website của Mạng lưới Blogger Việt Nam, tại địa chỉ http://tuyenbo258.blogspot.com, và trên mạng xã hội.
* Cập nhật: Một cuộc gặp tương tự cũng diễn ra tối nay giữa các blogger của Mạng lưới ở Sài Gòn.
Mạng lưới Blogger Việt Nam
tuyenbo258.blogspot.com
tuyenbo258@gmail.com

Tường thuật buổi Cafe 258 của Mạng lưới blogger Việt Nam

Facebooker Trần Sơn quan tâm đến buổi gặp mặt cũng đến tham gia và sau đó ký tên vào Tuyên bố 258

15h00: Các blogger trao đổi kinh nghiệm đến thăm các đại sứ quán ở Hà Nội, chuẩn bị cho việc tiếp tục trao Tuyên bố 258 trong thời gian sắp tới.

14h45: Đã có khoảng 30 bloggers ở Hà Nội đã có mặt ở cafe Win để tham gia thảo luận, theo blogger Nguyễn Hoàng Vi (người vừa từ Sài Gòn ra Hà Nội để trao Tuyên bố 258 cho sứ quán Australia)


"VÌ TỰ DO BIỂU ĐẠT: BÃI BỎ ĐIỀU 258"

Từ phải qua: Facebooker Lê Thiên Nhân, Đào Trang Loan, Nguyễn Đình Hà - những người vừa trao Tuyên bố 258 cho Đại sứ quán Thụy Điển và Australia thời gian vừa qua
14h30: Các blogger bắt đầu thảo luận, có thể xem truyền hình trực tiếp tại đây (thử nghiệm).


14h00: Đã có vài blogger tham gia ký Tuyên bố 258 có mặt tại quán cafe Win, Số 94 đường Láng, Hà Nội để tham gia buổi gặp mặt.

Copy từ: Dân Luận


......................

Thiếu nữ và áo dài Việt Nam trong "Đại hội Thể thao Truyền thống Dân tộc Thiểu số Trung Quốc lần thứ 9"!?

Thiếu nữ và áo dài Việt Nam trong "Đại hội Thể thao Truyền thống Dân tộc Thiểu số Trung Quốc lần thứ 9"!?

CTV Danlambao - Trang mạng "Tiếng Hát Hữu Nghị" của CRI Đài phát thanh quốc tế Tàu cộng đăng bài viết "Khai mạc Đại hội Thể thao Truyền thống Dân tộc Thiểu số Trung Quốc lần thứ 9". Bài cụt cỡn, chỉ có 2 bức ảnh và 1 đoạn văn:

Đại hội Thể thao Truyền thống Dân tộc Thiểu số Trung Quốc lần này đã thu hút được 6771 vận động viên của 55 dân tộc thiểu số Trung Quốc, các tuyển thủ sẽ tiến hành đua tranh trong 16 môn thi và 188 nội dung biểu diễn. 

http://vietnamese.cri.cn/421/2011/09/11/1s161271_1.htm

Trong bức ảnh trên, đối với Khựa, dân tộc Việt Nam đã trở thành một trong 55 thành phần dân tộc thiểu số của Tàu cộng!?

Dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, từ thuở "bên kia biên giới là nhà", tiếp theo thời "ta đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc" cho đến thời đại "16 vàng 4 tốt", đây là số phận "thiểu số" của một dân tộc với hơn 4000 năm lịch sử kiên cường!?


CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com


Copy từ:  Dân Làm Báo

Thông báo của nhà báo Phạm Chí Dũng về việc tiền gửi từ “người lạ”

Phạm Chí Dũng - Thông báo của nhà báo Phạm Chí Dũng về việc tiền gửi từ “người lạ”


Phạm Chí Dũng 
 

 

Hai tuần sau khi tôi nhận tín hiệu “không nên đi” một cuộc hội thảo khoa học ở Singapore, ba ngày sau khi máy tính cá nhân tôi bị hack và toàn bộ dữ liệu trong máy tính bị phá hủy, một việc “lạ” nữa đã xảy đến.

Ngày 24/3/2013, nhân viên một công ty kiều hối đến nhà tôi để chuyển số tiền 250 USD, người gửi là NGUYEN PHU ở Mỹ.

Do không biết rõ nơi gửi và lý do gửi tiền, tôi đã không đồng ý ký nhận số tiền trên. Sau đó, tôi chợt nhớ lại NGUYEN PHU rất có thể trùng tên với người đã thay mặt Tạp chí Phía Trước ở Mỹ gửi tiền nhuận bút cho tôi vào năm 2012.

Cần nhắc lại, vào năm 2012 tôi đã cộng tác viết bài cho Tạp chí Phía Trước. Đến tháng 7/2013, tôi bị cơ quan an ninh điều tra bắt giam với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền” và “tuyên truyền chống nhà nước”.

Số tiền nhuận bút mà Tạp chí Phía Trước đã chuyển trả cho tôi vào năm 2012 là 300 USD (tính cho 10 bài viết), lại chính là căn cứ để cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM cho rằng tôi “nhận tiền nước ngoài để âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”…

Sau khi không nhận tiền từ công ty kiều hối, tôi đã liên lạc với người đại diện của Tạp chí Phía Trước để hỏi rõ, và nhận được câu trả lời là tạp chí này đã không hề gửi số tiền 250 USD cho tôi.

Cũng cần nhắc lại là cách đây 2 tháng, theo đề nghị của tôi, Tạp chí Phía Trước đã gửi toàn bộ số nhuận bút còn lại của tôi trong năm 2012 là 270 USD đến báo Tuổi Trẻ để chuyển cho bếp ăn từ thiện, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.

Ngoài ra, vào thời gian này tôi không có bất kỳ thông tin nào của bất kỳ ai ở nước ngoài thông báo gửi tiền cho tôi.

Đã khá rõ là việc gần như trùng hợp về số tiền và tên người gửi tiền vào ngày 24/3/2013 cho thấy một “ẩn dụ” nào đó từ những người không quen biết nào đó đối với tôi. Sự việc này làm tôi không khỏi liên tưởng đến hình ảnh một lần nữa tôi có thể bị ai đó tìm cách khép vào hành vi “nhận tiền nước ngoài nhằm âm mưu lật đổ chính quyền”.

Tôi cho rằng với toàn bộ việc cộng tác mang tính chính danh với các đài quốc tế Việt ngữ như BBC, RFI, RFA, VOA, hoạt động báo chí của tôi là công khai và hoàn toàn minh bạch, và ai đó không cần phải áp dụng tiểu xảo, thủ thuật hay thủ đoạn đối với tôi. Thay vào đó, người ta nên có đủ lòng chân thành và thái độ minh bạch để đối thoại, trao đổi với tôi nếu thấy cần.

Bất cứ một thủ thuật hay thủ đoạn nào sẽ càng khiến tình cảm “ơn Đảng, ơn Chính phủ” trở nên cạn nghĩ và khó xử hơn nhiều.


Xin thông báo để mọi người biết và đề phòng.


Copy từ: Dân Luận


............................

Kính gửi bạn Đức (báo QĐND)

Kính gửi bạn Đức (báo QĐND)


Nguyễn Đại
Tôi đã đọc bài viết rất hay của cô Phương Anh phản hồi Trọng Đức. Bài viết rất hay; tuy nhiên, có vẻ quá hàn lâm mà tôi không chắc Trọng Đức có thể hiểu hết. Đó là nguyên nhân của bài viết này, tác giả của nó ở trình độ thấp hơn nhiều; do vậy, biết đâu lại phù hợp với Trọng Đức hơn.
1.               Tóm tắt nội dung đoạn 1 của Trọng Đức
-      Ông Đằng đang bị bắt vẫn được chính quyền Thừa Thiên - Huế (dưới chế độ cũ) cho ra tù tạm thời để đi thi. Ông Đằng tự hỏi cái chế độ ưu việt hiện nay có trường hợp nào như vậy không.
-      Trọng Đức trả lời hai ý: Thứ nhất, hầu như chẳng có nước nào cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học. Thứ hai, ông nói Việt Nam không cấm người - đã thi hành án xong - dự thi đại học; và cho một ví dụ cụ thể.

Bình luận: Bác Đằng hỏi một…đằng, bạn Đức trả lời một nẻo. Bạn Đức hoặc là không dám trả lời thằng vấn đề, hoặc là kém trong khả năng nhận biết câu hỏi. Nếu được trả công đàng hoàng để phản biện ông Đằng, tôi sẽ viết hai ý: “Một – không nhất thiết phải cho ra tù tạm thời để đi thi mới là ưu việt. Hai – Việt Nam tạo điều kiện cho tù nhân học nghề này nọ để sẵn sàng hòa nhập cuộc sống”. Tuy cũng hơi đuối lý nhưng còn gọi là dám tranh luận sòng phẳng. Chơi kiểu “đánh bài lờ” như bạn Đức không hay.
2.               Ở đoạn 2, bác Đằng nói “cơ sở hạ tầng (CSHT) quyết định kiến trúc thượng tầng (KTT), suy ra đa thành phần kinh tế thì phải đa đảng”. Bạn Đức chơi một lèo tràng giang đại hải. Đặc biệt, bạn Đức nói “CSHT và KTTT gắn bó với nhau theo hình chóp xuôi” nghĩa là “không phải CSHT có cái gì thì KTTT cũng phải có cái ấy”.
Bình luận:
Ngoài cái kiểu “ông hỏi gà, bà (cố tình?) trả lời vịt” ra, bạn Đức đã dùng “ngụy biện pháp” trong việc tranh luận này. Tất nhiên là trong một giai đoạn nhất định, có lúc KTTT chưa  phù hợp với CSHT. Tuy nhiên, một khi đã chấp nhận nguyên lý CSHT quyết định KTTT[i] , mà KTTT chưa phù hợp thì phải điều chỉnh cho nó phù hợp. Bác Đằng đặt vấn đề như thế là hợp quy luật, là biện chứng. Chứ đã thấy nó không phù hợp mà còn kiên quyết “không phải CSHT có cái gì thì KTTT cũng phải có cái ấy” là duy ý chí, là lỳ đòn. Trường hợp này, nếu ai đó thuê tôi viết, tôi sẽ dùng kế hoãn binh “đúng là CSHT quyết định KTTT, nhưng ở thời điểm này đa đảng là chưa phù hợp với tình hình thực tế. Còn chờ đến khi nào thì ai mà biết”. Trả lời thế thì cô Phương Anh dù có bực mình lắm cũng chẳng bắt bẻ được.
3.                Đoạn 3, bạn Đức nêu lên một số quan điểm ngoại giao về chủ quyền lãnh thổ:
-      Đường lối ngoại giao mềm mỏng không có nghĩa là lệ thuộc. Chính xác, nhưng đường lối ngoại giao cương quyết cũng không có nghĩa kích động chiến tranh.[ii]
-      Bất cứ sự kích động chiến tranh nào trong khi vẫn còn những lựa chọn giải pháp ngoại giao đều đi ngược lại truyền thống ngoại giao của cha ông, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Không sai! nhưng bất kỳ sự thể hiện chủ quyền một cách ôn hòa như biểu tình đều là truyền thống ngoại giao của cha ông, phù hợp với lợi ích của đất nước, của dân tộc.
-      Chiến tranh xảy ra, ông quá biết, sẽ đồng nghĩa với việc hy sinh xương máu, mất mát về kinh tế, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Điều đó cũng đi ngược với xu thế của thế giới hiện đại. Chính xác, nhưng không kiên quyết thì ngư dân sẽ hy sinh xương máu, mất mát về nguồn lợi biển đảo, kéo lùi sự phát triển của đất nước.
-      Đất nước ta trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả tàn phá hết sức nặng nề, chúng ta quá hiểu giá trị của hòa bình. Và chúng ta càng quá hiểu hậu quả của Bắc thuộc.
  1. Bác Đằng cho rằng “để có tự do, dân chủ thì phải thực hiện tam quyền phân lập, tức là quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp phải độc lập hoàn toàn với nhau”. Đúng ra bạn Đức nói ngắn gọn thế này là đủ “trên thực tế, mỗi nguyên tắc phân công quyền lực Nhà nước đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Việt Nam lựa chọn nguyên tắc thể hiện được cao nhất quyền lực của nhân dân, nguyên tắc “tập trung quyền lực”. Nhưng ngược lại, bạn Đức lên gân, diễn giải nào là Quốc hội cao nhất, nào là luật pháp nghiêm minh. Bạn Đức cho rằng lo ngại của bác Đằng là không có cơ sở; thực tế lập luận của bạn Đức cũng không có cơ sở một tẹo nào.
  2. Đoạn cuối, bạn Đức hùng hổ “Con người không thể đòi quyền tự do cắn xé đồng loại như con vật, nói rộng ra, không thể “thích làm gì thì làm” như con vật”. Thật ra bạn Đức đang “cả vú lấp miệng em”. Khái niệm “Tự do” nói chung đã bao gồm “tôn trọng quyền tự do của người khác” rồi. Không thể nào lý luận theo kiểu “tự do để muốn làm gì thì làm được”. Xin xem vài ví dụ
-      Một văn bản chính quy thường bắt đầu bằng “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam / Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc”. Tôi hỏi bạn Đức có cần ghi chú “Độc Lập – Tự Do (nhưng không thể thích làm gì thì làm như con vật) – Hạnh Phúc” không?
-      Tôi tìm thấy ít nhất 10 từ “tự do” trong hiến pháp Việt Nam 1992, bạn Đức thấy có cần phải ghi chú đằng sau 10 từ này cụm từ ((nhưng không thể thích làm gì thì làm như con vật” không?
Để mở rộng hơn về “tự do” và “tam quyền phân lập”, mời bạn Đức xem lại một bài viết cũ https://danluan.org/tin-tuc/20100605/nguyen-dai-dan-chu-tu-do-va-phap-quyen
Viết đến đây, tôi lại nhớ lâu rồi có ông bạn nào nói “tự do cái con c.” Lỡ người nào tưởng thật đem cái cụm từ này thế vào 2 chữ “tự do” ở ví dụ trên thì sao nhỉ???
N.Đ.
(Bài do tác giả gởi đến và viết theo quan điểm riêng của tác giả)

[i] Trường hợp không chấp nhận nguyên lý này thì lại trái với Marx.
[ii] In nghiêng là chú thích của tác giả
Nguyễn Đại (tháng 8/2013)

Copy từ: Blog Huỳnh Ngọc Chênh


...............................

Nhìn lại vụ án Phương Uyên - Nguyên Kha

Giáo sư Tương Lai bình luận về vụ án Phương Uyên - Nguyên Kha đặt trong bối cảnh nhiều người đòi Đảng Cộng sản thay đổi.

Hôm 16/8, tòa phúc thẩm tỉnh Long An thay đổi bản án của sinh viên Nguyễn Phương Uyên thành ba năm tù treo, để cô được về với gia đình ngay tại tòa.
Người bạn cùng hoạt động, Đinh Nguyên Kha, được giảm nửa án tù, từ 8 năm còn 4 năm.
Cả hai người bị xử tù 6 năm và 8 năm tù giam vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự tại phiên sơ thẩm ngày 16/5/2013.
Trao đổi với BBC, giáo sư Tương Lai, từ Sài Gòn, cho rằng đây là nhượng bộ của Đảng Cộng sản.
"Người ta phải run sợ trước sức mạnh lòng yêu nước và ý chí chiến đấu của dân tộc,” ông nói.
Từ năm 1988 - 1999, ông Tương Lai là Viện trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam và sau đó làm cố vấn cho các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.
“Những người cầm quyền dù có khuất phục bọn bành trướng Đại Hán, nhưng sâu xa, họ vẫn hổ thẹn nếu không đứng về phía nhân dân.”
Giáo sư Tương Lai cũng đặt vụ án này trong bối cảnh giới lãnh đạo Đảng, dù có mâu thuẫn, nhưng “có một điểm nhất trí là phải bảo vệ quyền lực”.
Sinh năm 1936, ông Tương Lai cho rằng thế hệ của ông đi theo cuộc cách mạng Hồ Chí Minh nhưng nay cảm thấy bị "phản bội".
Các quyền tự do ghi trong Hiến pháp 1946 “từng bước bị xóa bỏ, và chưa bao giờ bị xóa bỏ trắng trợn như hiện nay”.
GS. Tương Lai cho rằng những người như Phương Uyên và Nguyên Kha đang “đấu tranh cho tự do, dân chủ”.
“Vai trò của blogger, cách mạng thông tin đem lại sức mạnh rất mới cho cuộc đấu tranh hiện nay,” ông nói.


Copy từ: BBC


......................

Ông Lê Hiếu Đằng: Báo Quân đội Nhân dân 'bỏ bóng đá người'

Ông Lê Hiếu Đằng: Báo Quân đội Nhân dân 'bỏ bóng đá người'

Bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của ông Lê Hiếu Ðằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, là đề tài được truyền thông Việt ngữ khắp nơi bàn tán sôi nổi trong mấy ngày gần đây. Bài viết mà ông Đằng nói ông gửi cho “bạn bè, đồng đội, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên SVHS Việt Nam”, kêu gọi họ hãy dấn thân hành động để đoàn kết dân tộc và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Với bài viết mang tựa đề “Màn Tung Hứng vụng về” trên báo Quân đội Nhân Dân số ra hôm nay, thứ Sáu 23 tháng 8, tác giả đã mạnh mẽ đả kích những nhận định của ông Đằng. Nội dung chỉ trích bài “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên kỳ cựu có trên 40 tuổi Đảng, là “đầy những lỗi tư duy, lập luận phiến diện, hàm hồ, ấu trĩ”.

Trong một cuộc điện đàm với Ban Việt ngữ VOA, ông Lê Hiếu Đằng nói ông đã trình bày rõ ràng tất cả những gì muốn nói trong bài viết, và giờ đây sẵn sàng tranh luận công khai, nhưng không muốn đáp những chỉ trích của báo Quân đội Nhân Dân.

“Quan điểm của tôi là nếu anh muốn tranh luận công khai thì anh hãy tạo điều kiện, diễn đàn đàng hoàng. Tôi và một số bạn bè tôi sẽ tranh luận công khai. Còn nếu anh chơi kiểu gọi là "bỏ bóng đá người" thì tôi không có nói, không tranh luận làm gì, bởi vì các trang mạng người ta cũng đã thấy cái việc đó không đúng, người ta nói rồi thì tôi nói cũng lặp lại những ý đó thôi. Mà tôi là người trong cuộc thành ra không hay lắm, không khách quan… thì thôi cứ để cho dư luận, công luận người ta phê phán thôi, phải không. Chuyện đó tôi nói rất rõ ràng rồi: tôi đấu tranh rất ôn hòa, công khai minh bạch chứ ai kêu gọi vũ trang hay lật đổ gì đâu! ”

Tác giả Phạm Trung, người viết bài trên tờ Quân đội Nhân dân, nói bài viết của ông Đằng có thể bị các nhóm mà tờ báo nhà nước mô tả là “dân chủ” trong ngoặc kép, khai thác để gây xáo trộn và đổ máu tại Việt Nam. Ông Lê Hiếu Đằng:

“Bây giờ cái khuynh hướng bạo lực ấy không ai chấp nhận được. Thành ra trên trang mạng có những ý kiến quá khích, chửi bới tụi tôi, nhưng mà chúng tôi không để ý. Bây giờ cái thời đại này là cái xu thế là phải đoàn kết để xây dựng đất nước. Cái xu thế đó đang lên thành ra cực đoan của cả hai bên đều không thể chấp nhận được, thành ra tôi để ngoài tai những việc đó, không đáng cho mình nói. Những điều mà tôi muốn nói tôi nói rất rõ rồi. Từng câu từng chữ từng ý rất rõ. Tôi viết tôi phân tích từng điểm một mà, chính trị, rồi mặt xã hội rồi mặt độc lập và chủ quyền dân tộc, tôi nói rất rõ rồi không cần phải nói gì thêm.”

Báo Quân đội Nhân dân, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, còn nói rằng bài viết của ông Lê Hiếu Đằng là một lời hiệu triệu, sẽ “lôi kéo, kích động gây xáo trộn xã hội dẫn tới cảnh nồi da xáo thịt, thây chất đầy đồng, máu chảy thành sông ” như cảnh đã diễn ra ở các nước Syria, Libya, và Ai Cập.

Copy từ: VOA

Đảng ta hơn ở chỗ vẫn còn nhiều người tốt?


37

Dạo này nhận Job (việc) mới, bận tối ngày. Nên cũng có phần sao nhãng việc đàn sáo (gõ phím). Nhưng hôm nay, tình cờ vào Quê choa đọc được Chuyện mấy cái phong bì của Phan Chi khiến mình lại tủm tỉm cười và có hứng loạn bàn chút cho đỡ “nhạt miệng” (chữ của NQL). Chứ cái thá vô công dồi nghề như mình, hơi đâu mà mua dây buộc cho nhọc lòng…

1.- Thời còn ở làng, hàng năm cứ đến lễ Hội chùa Thày (7/3 âm lịch) là mình hay cơm nắm muối vừng theo các anh chị đi trẩy hội. Nhớ dạo đó tinh đi bộ chứ làm gì đã có đủ xe đạp mỗi người một chiếc mà đi. Từ nhà đến núi Thày, đi tắt qua bãi Giá cũng phải tới mươi cây số. Nhưng cứ nghĩ tới cảnh được trèo lên các tảng đá tai mèo chênh vênh mà ngắm xuống khung cảnh chùa chiền, làng mạc và cánh đồng bên dưới là lòng mọi người lại háo hức một cách lạ kỳ. Không biết nhà thơ nổi tiếng xứ Đoài - Quang Dũng (quê Đan Phượng) thời ở làng có giống tâm trạng của tôi không? Nhưng khi đọc tới cái câu “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng” trong tuyệt phẩm nổi tiếng Đôi mắt người Sơn Tây thì tôi tin cái đẹp hoang sơ của tuổi ấu thơ ở một vùng đầy ca dao ổ tích như xứ Đoài, người nào kinh qua chả cảm nhận được.

Cho đến một năm, khi tôi đã đi thoát ly được vài năm rồi. Hôm rủ bạn bè từ thành phố đạp xe ngót ba chục cây số về thăm lại núi Thày ngay sau hội chùa hàng năm. Chúng tôi lại leo ra các mỏm đá chơi vơi thi nhau chụp ảnh kỷ niệm. Đói lại trải báo lên các mỏm đá tai mèo, nơi có các tán cây hoa đại (cây bông xứ) để dùng bữa trưa một cách ngon lành. Vừa ăn vừa ngắm lúa vàng đang sắp vào vụ thu hoạch bên dưới. Khi vừa ăn xong, lúc thu dọn chiến trường thì phát hiện ra bên dưới các tảng đá thơ mộng đó là vô số các bãi phân khô (chắc do các du khách đi trẩy hội gửi lại) ở trong các khe đá được phủ những túm lá khô tai tái ngụy trang bên trên nên chả ai phát hiện được. Vậy mà bữa ăn vẫn ngon lành như thường. Thế mới biết cái câu “khuất mắt trông coi” là thế!

2.- Vào mùa xuân năm 1976, tôi cùng Lê Định và Vi Kiến Hoà (Hoà là thân phụ của nhà thơ Vi Thùy Linh) lên làm phim tốt nghiệp ở Trường Thanh Niên Lao Động XHCN Hoà Bình. Được ông Lượng – Bí thư đảng ủy và anh Xum hiệu phó đón tiếp rất thịnh tình và đưa đi quay ở tất cả các cơ sở vừa học vừa làm của nhà trường. Lên phân hiệu 2 rộng mênh mông bát ngát ở Đà Bắc thấy hàng loạt gốc dâu và gốc canh-ki-na cổ thụ bị đánh bỏ để chổng ngược trên các bờ ruộng ven đường. Hỏi ra thì được biết đó là hậu qủa của các chỉ thị (tùy hứng) của các vị lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước mỗi khi lên thăm nông trường cứ phán bừa là phải trồng cây gì và nuôi con gì khiến thầy trò cả trường bị nhiều phen khốn đốn. Nay không thu được chút lợi ích kinh tế nào đành phá bỏ toàn bộ để quay lại trồng sắn và xu hào cứu đói cho học sinh. Năm 1979 khi tôi xin chuyển về làm việc tại Hãng phim TL&KH TW, kể lại chuyện đó cho anh em nghe, anh Thiệu (lúc đó làm quản đốc) cho biết chuyện đó các anh ấy cũng chẳng lạ gì. Anh kể, hồi ông Tố Hữu còn đương kim trưởng Ban tuyên huấn TW, một hôm xuống thăm Thái Bình, lúc qua phà Tân Đệ, anh lái xe tranh thủ lúc chờ phà chạy đi mua chuối về đãi thủ trưởng. Thời đó ở khắp Miền Bắc chuối tây người ta cắt ra bán theo túm, mỗi túm từ 2 đến 3 qủa. Ông Tố Hữu vừa ăn vừa hỏi anh lái xe kiêm cần vụ là mỗi túm như thế giá bao nhiêu? Anh lái xe nhanh trí nói 3 hào (thực tế là 5 hào) cho thủ trưởng đỡ xót. Vậy mà ông Lành đã nổi cơn tam bành nói: “chết.. chết thật, một túm chuối nhỏ xíu mà giá tới 3 hào, đắt bằng một bữa ăn tập đoàn…”. Ngay sau chuyến đi đó về ông cho gọi tất tật các cơ quan báo đài lên họp (trong đó có xưởng phim TL&KH) và chỉ thị phải ngay lập tức tuyên truyền rầm rộ cho các địa phương phải đẩy mạnh nuôi trồng 3 con và 3 cây. Trong đó chuối là một trong những cây được đặc biệt quan tâm…

3.- Một bộ phim hay khá hiếm hoi của điện ảnh xứ mình – phim Bao giờ cho đến tháng mười, tôi thấy ấn tượng đặc biệt với hình ảnh ông bố chồng cô Duyên (do Lại Phú Cương đóng). Có một chi tiết Đặng Nhật Minh xử lý khá đắt mà tôi để ý chưa thấy các nhà phê bình phim nào đề cập tới. Đó là chi tiết ông già tay run rẩy sờ vào khẩu súng lục đeo bên hông của cái anh bộ đội mà Duyên nhờ đóng giả chồng mình (đã chết ) từ Cam-pu-chia trở về vào cái phút lâm chung của ông già đau khổ. Và ông ta đã được mãn nguyện trước khi nhắm mắt xuôi tay để về với tổ tiên. Khi mắt đã mờ nhòa mà bàn tay run rẩy vẫn cố gắng quở quạng chạm được vào cái bao da đựng khẩu súng ngắn anh bộ đội cùng đơn vị (mà cô Duyên nhờ) để cố lừa ông lần cuối (như đã từng lừa ông bằng những bức thư giả mạo nhờ thầy giáo làng viết giúp bấy nay) để mong ông được thanh thản phiêu diêu nơi tiên giới trước khi từ giã cõi trần. Thật kỳ lạ cái đứa con trai giả mạo vừa từ chiến trường khốc liệt trở về với súng lục đeo hông (biểu tượng sự thăng tiến trong quân ngũ) đã khiến ông trào nước mắt sung sướng. Vết thương chiến tranh, vết thương sâu nặng trong tâm con người đau khổ ấy coi như đã được vá lành trong cái phút tử biệt sinh ly! Dù đấy chỉ là một trò lừa của những người thân cùng bất đắc dĩ phải làm…

4.- Chuyện mấy cái phong bì của Phan Chi có đề cập tới việc ông Bách (Trần Xuân Bách) đã bị mấy cái phong bì (nói dối) mà trước khi chết vẫn tấm tắc khen: “Đảng ta hơn các đảng khác ở chỗ chúng ta vẫn còn nhiều người tốt”. Những ai đã đọc cuốn Bên thắng Cuộc (Chường 13 – Phần 2 – Quyền bính) thì sẽ càng rõ hơn tại sao lúc ông Bách không còn bổng lộc như thời “lên voi”, bà vợ trẻ của ông cựu Bí thư TW đã phải đi làm thêm vào ban đêm để phụ cho bữa cơm hàng ngày của gia đình đỡ bị bôi bác. Những điều dấu diếm (nói dối) nhỏ đó chắc cũng đã phần nào củng cố cái niềm tin (hão) cho một ông “vua thập thể” khi bị thất sủng vẫn tin rằng chế độ do ông tạo dựng vẫn không đến nỗi qúa cạn tàu ráo máng qúa đối với người đã ngã ngựa như ông. Ông đã nhắm được mắt để về cõi vĩnh hằng.
Ông Lê Hiếu Đằng trong lần tham gia biểu tình với các bạn trẻ (mùa hè 2011)
Ông Lê Hiếu Đằng trong lần tham gia biểu tình với các bạn trẻ (mùa hè 2011)

5.- Mấy hôm nay trên các diễn đàn báo chí quốc doanh như các báo QĐND; Nhân Dân; Đại Đoàn Kết và Công An Nhân Dân đã công kích dữ dội lên bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh… của ông Lê Hiếu Đằng mà không hề dẫn lại nguồn. Khiến tôi phải tìm đọc lại trên mạng một lần cho biết. (Xem  ở đây). Thực ra những vấn đề ông Đằng nêu ra chả có gì mới mẻ cả. Đó thuần túy chỉ là sự công khai quan điểm cá nhân để gọi là “tính sổ” với ĐCS VN và với bản thân… một cách minh bạch, sòng phẳng như cách nói của ông Đằng. Nó như tiếng lòng của một người đã đi theo đảng ngót nửa thế kỷ. Nay quỹ thời gian cũng chả còn được là bao, lại đau yếu bệnh tật. Ông muốn mình và mọi người có suy nghĩ giống ông dứt khoát quan điểm một lần nhằm sửa lại những gì mà ông và đảng của ông đã gieo tai ương (dù vô tình hay cố ý) lên quê hương xứ sở và đồng bào mình. Những lời từ đáy lòng ông như lời một người gần đất xa trời. Như tiếng khẩn thiết của một con chim kêu lên những tiếng bi thương và chân thật trước khi vĩnh biệt sự sống. Vậy mà…

Nếu so với Trần Xuân Bách hay Trần Độ, ông Lê Hiếu Đằng không phải là đối thủ nặng ký của giới chóp bu trong chính quyền CS đương thời. Trong thâm tâm, tôi đảm bảo giới lãnh đạo CS cũng chả thù oán cá nhân gì với một ông già chỉ ở tầm lãnh đạo bậc trung có tư tưởng cấp tiến đã về hưu, từng theo đảng tới già nửa đời người nay không còn tha thiết gì với tổ chức đảng (thời buổi chợ chiều) nữa. Nhưng cái sợ của giới chóp bu là nếu để ngọn cờ tầm tầm bậc trung ấy mà tập hợp được một lực lượng đông đảo các đảng viên ly khai trở thành một lực lượng đối lập nặng ký nhằm cạnh tranh ảnh hưởng về mặt chính trị với ĐCS đang trị vì thì đó sẽ là một tai hoạ nhãn tìền. Vì thế những tên “lính gác” tư tưởng của đảng ở báo QĐND; Nhân Dân; Đại Đoàn Kết và CAND với phương châm “còn đảng còn mình” đã được lệnh tấn công và bôi nhọ bằng mọi giá vào con người và tư tưởng của Lê Hiếu Đằng. Nhằm tiêu diệt cái mầm đối lập (mà đảng không bao giờ chấp nhận) để tránh mọi hậu hoạ về sau.

Như vậy chẳng nói ai cũng rõ, nếu cứ khuất mắt trông coi như vụ dùng xong bữa (mà vẫn thấy ngon) ở đỉnh núi chùa Thầy. Chuyện các gốc cây cổ thụ ở trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình hay túm chuối đắt hơn cả bữa cơm tập đoàn ở Tân Đệ. Chuyện công kích lại việc ”tính sổ” của ông Lê Hiếu Đằng… đã chứng tỏ những “đỉnh cao trí tuệ” của hệ thống quan liêu này luôn độc quyền chân lý và không bao giờ chấp nhận thực tiễn sinh động của cuộc sống đang diễn ra một cách khách quan khoa học hàng ngày.

Bởi bất kỳ thể chế toàn trị nào mà chả muốn bưng bít mọi thông tin và bắt muôn dân phải tin theo một thứ định hướng chủ quan mà không có một phản biện xã hội nào được phép tồn tại và thách thức lại  ý chí sắt đá của tầng lớp cai trị độc quyền. Trong bối cảnh u ám ấy chuyện mấy cái phong bì và bữa những bữa ăn ít biến động trong mâm cơm hàng ngày trong câu chuyện ông Trần Xuân Bách bị thất sủng mà vẫn giàu trí tưởng thật về thể chế và tình người trong cái tổ chức sắt máu (qua câu ngộ nhận: Đảng ta hơn các đảng khác ở chỗ chúng ta vẫn còn nhiều người tốt) đã tự nó nói lên tất cả bản chất của sự việc rồi.

Trong câu chuyện phút lâm chung của ông bố chồng cô Duyên (Bao giờ cho đến tháng mười) lại đem đến cho ta một cảm nhận khác về mối quan hệ giữa thật và giả. Đôi khi sự dối lừa ngọt ngào còn giúp con người ta chữa lành các nỗi đau. Sự tuyệt vọng để giúp nhau cùng tồn tại trong cuộc sống vốn đầy tai ương bất hạnh. Như vậy ai dám bảo bất cứ cái dối gian nào cũng đều đáng trách? Khi những điều bất đắc dĩ ấy nó không chỉ là yếu tố tâm lý, chính trị mà còn tiềm ẩn cả yếu tố văn hóa tâm linh của dân tộc mình ở trong đó nữa.

Mặc dù vậy, đứng về mặt chính danh, một hệ thống mà chuyên dùng bạo lực và lừa mị để biện minh cho sự tồn tại của mình. Hệ thống ấy trước sau cũng sụp đổ. Có điều nó sẽ theo kịch bản nào?

Là con dân luôn nặng lòng với quê hương, ai chả muốn sự chuyển đổi ngọt ngào. Để chả bao giờ phải bị giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…
___
PS:
http://boxitvn.blogspot.de/2013/08/suy-nghi-trong-nhung-ngay-nam-binh.html
Ông Lê Hiếu Đằng: Báo Quân đội Nhân dân ‘bỏ bóng đá người’
http://www.voatiengviet.com/content/ong-le-hieu-dang-bao-quan-doi-nhan-dan-bo-bong-da-nguoi/1735937.html
Sự quẫn cùng về phương pháp định hướng dư luận của ba tờ báo lớn: Nhân dân, Quân đội Nhân Dân và Đại Đoàn Kết
http://www.basam.info/2013/08/24/1988-su-quan-cung-ve-phuong-phap-dinh-huong-du-luan-cua-ba-to-bao-lon-nhan-dan-quan-doi-nhan-dan-va-dai-doan-ket/
AI VỤNG VỀ HƠN AI?
http://www.basam.info/2013/08/24/1989-ai-vung-ve-hon-ai/
BÁO QĐND “ĐÓI ĂN VỤNG, TÚNG LÀM LIỀU”?
http://boxitvn.blogspot.de/2013/08/bao-qnd-oi-vung-tung-lam-lieu.html
LS Trần Vũ Hải gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bản Dự thảo Ý kiến về Thành lập và Tham gia đảng phái
http://www.basam.info/2013/08/22/1981-ls-tran-vu-hai-gui-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-ban-du-thao-y-kien-ve-thanh-lap-va-tham-gia-dang-phai/
* * *
QUỶ SỨ, CÒN GÌ MÀ PHẢI GIẤU NỮA CHỨ?!!!
Nhiều sai lầm, lệch lạc trong bài viết trên giường bệnh của ông Lê Hiếu Đằng (09:09:00 24/08/2013)
Sự thật không như những điều anh Lê Hiếu Đằng suy nghĩ (24/08/2013)
“Màn tung hứng” vụng về (QĐND – Thứ Sáu, 23/08/2013, 0:45 (GMT+7)
Khi người bệnh sám hối (23/08/2013)


Copy từ: Blog Gò Cỏ May

Đại Vệ Chí Dị- Khai quốc công thần.

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.

Bấy giờ trong nước tài nguyên cạn kiệt, ao hồ , đồng ruộng bị san phẳng làm đất nền bán cho thương lái nước ngoài. Tiền mất giá, những đồng tiền xu mới đúc ra được vài năm thì chẳng còn mua được gì, lãng phí vô kể.

Tháng tám đầu thu, có vị tướng già nằm bên giường bệnh hơn 10 năm, được canh gác cẩn mật kin cổng cao tường. Không rõ bệnh tình sống chết ra sao. Thoắt cái đã thọ 103 tuổi.

Thiên hạ đồn rằng vị tướng ấy đã qua đời, nhưng nhờ y thuật của người Tề ướp được xác sống, cho nên một vài bộ phận trong cơ thể vị tướng vẫn còn hoạt động.

Đồn là như vậy, nhưng thực hư chả ai thấy, chưa ai nói là được nhìn thấy vị tướng, chỉ những đại thần nghị chính được phép ra vào nơi đó. Khi ra họ nói tướng ấy còn khỏe lắm, còn minh mẫn lắm.

Tướng ấy là một trong tứ trụ của nhà Sản hồi lập quốc, chiến công hiển hách. Hiềm nỗi đường quan mệnh chỉ đến bậc đại thần bộ binh, không lên được tứ đại thiên vương, nếu có mất an táng cũng thường cấp trung.

Thiên hạ lại đồn, thiên hạ thật lắm chuyện, nhưng nước Vệ triều nhà Sản bởi thông tin bưng bít, buộc lòng người ta phải ngóng những tin đồn. Chứ không phải bản chất người Vệ từ xưa lắm chuyện như vậy. Thiên hạ đồn rằng vì tướng ấy công lao lớn quá, danh vang bốn biển năm châu. Giờ nếu thác đi mà đem lễ táng cấp trung thì không phải. Vì thế nhà Sản phân vân không biết xử trí ra sao, cứ loanh quanh đợi tính thế nào cho hợp với danh tiếng của đại lão công thần tướng quân.

Có người nói rằng, năm Canh Ngọ đời Vệ Hoạt Vương. Nhà Sản bế tắc cùng đường, vua tôi kéo nhau sang Tề cầu cứu. Vệ Hoạt Vương dẫn mấy tướng văn, tướng võ hàng đầu sang chầu kiến Tề. Nhờ sợ giúp đỡ về quân lương, sách lược. Không biết bàn bạc ra sao, sau chuyến ấy nhà Sản lại vững như bàn thạch. Mỗi điều tự dưng địa đồ biên giới, hải đảo được chia lại ngầm giữa hai vua. Dân chúng chỉ nghe là chia biên giới, hải đảo. Còn chia thế nào chắc ai biết rõ. Nhà Sản thì kêu là chia thành công lắm, công bình lắm. Có cái ta tưởng của ta như thác Làng  Giộc, giờ lúc đo ra mới biết của họ, mà họ tử tế lắm, biết vậy vẫn nhường ta một góc. Giao hảo là lợi như vậy đó, dân chúng nghe xong tin sái cổ, ai cũng khen nhà Sản tài. Chia đất với Đại Tề mà không bị thiệt còn được lợi.

Lại nói về cái buổi gặp của vua tôi nhà Vệ đó ở Thành Đông nước Tề năm đó,bàn thảo mọi cái xong xuôi, Vệ Hoạt Vương cùng tùy tòng mừng rõ lắm, yên trí nhà Sản còn truyền nhau đến mấy chục năm nữa. Cao hứng Vệ Hoạt Vương mới nở mặt mày, hỏi Tề Bá Vương rằng.

- Muôn tâu thiên tử, cứ nhờ uy lực của Đại Tề, nhà Sản chắc hẳn sẽ trường tồn với quế nguyệt ngàn năm nữa. Chừng nào còn nương bóng được Đại Tề, thì hồng phúc nhà Sản còn hưng thịnh lắm.


Tề Bá Vương nói.

- Thiên vận đôi khi cũng do con người nắm giữ chìa khóa. Vệ trung thành một dạ thế này, Tề không nỡ lòng nào không nhận. Nhưng ta có câu này, các người ghi nhớ. Tề Bá Vương vẫy tay gọi Vệ Hoạt Vương. Hoạt Vương vội vã kéo áo lên cao khỏi vướng,  chạy lúi húi lại cạnh ngai vàng Tề Bá Vương, bám vào tay thành ngai bên tả , quỳ xuống nghiêng đầu, ngửa tai nghe Tề Bá Vương dặn.


8 năm sau, Vệ Hoạt Vương qua đời, người ta giở di cảo của vương, thấy có lời dặn của Tề Bá Vương khi trước.

- Bao giờ đồng cạn hồ khô
Chinh rơi, giáp rách cơ đồ sẽ tan.

Vệ Hoạt Vương dặn bất kỳ lúc nào cũng phải giữ cho ao hồ, đồng ruộng, tiền xu, áo giáp của nước Vệ phải nguyên vẹn. Thì mới mong nhà Sản tồn tại mãi mãi đời này sang đời khác.

Vệ Mạnh Vương lên ngôi, tóc đen, răng chắc, cường tráng sung mãn. Ngày đêm Vương chỉ lo chuyện phòng the, bỏ mặc chính sự cho tể tướng Bạo lo toan. Bạo là người vũ dũng, không tin vào vào số phận, chỉ lấy tiền và quyền ra để trị nước. Nắm chính sự vài năm tài nguyên cạn kiệt, ao hồ , đồng ruộng bị san lấp bán cho tư thương. Tiền mất giá , những đồng xu chẳng ai dùng đến nữa. Nhà Sản cũng quên bẵng lời truyền của Vệ Hoạt Vương. Thời đã yên bình, quân sĩ  cho cởi giáp đi làm kinh tế phụng sự triều đình.

 Canh Dần nước Vệ suy yếu từ mọi phía. Ngân khố trong nước cạn sạch, tài nguyên khai thác tận cùng, nợ nước ngoài đầm đìa, trong nước doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Nhân dân nôi dậy khắp nơi. Lúc ấy Bạo mới nghĩ rằng mình tuổi Sửu, gặp năm Dần phải hạn. Mới đem cái ý đó ra giữa triều đổ vấy để thoát tội nắm chính sự kém cỏi. Nhà Sản bấy giờ cũng nát, mười mấy đại thần cát cứ mười mấy lãnh vực, chẳng ai ý kiến gì. Lại đem câu  sấm truyền Vệ Hoạt Vương chép lại khi xưa bên Tề ra để biện giải.

Có kẻ bảo đi đào hồ, kẻ bào cày sâu ruộng, kẻ nảo đúc tiền xu mệnh giá mới. Luận mãi câu sấm truyền để giải vào thực tế. Bỗng có kẻ thốt lên.

- Phải chăng câu ấy ứng vào Tiên Vương và những bậc khai quốc công thần.

Cả triều sững người nhẩm lại, rồi ồ lên những tiếng kinh ngạc, khâm phục Đại Tề thâm sâu.


Thế rồi vội vã đi chăm lo cho vị tướng già, nghe đâu còn dùng cả thuật ướp xác sống để giữ người bệnh không chết hẳn. Thật là man rợ vô cùng.


Kẻ chợ có người nghe phong phanh câu sấm ấy, lý giải rằng.

- Hồ còn nước, ruộng còn sâu, tiền còn giá trị, binh sĩ nguyên áo giáp có nghĩa là thực túc, binh cường, của cải đầy tràn trong thiên hạ. Giữ được những thứ đó thì nước nào chả hưng, nhà nào chả thịnh. Phá nát sạch rồi không lo chấn chỉnh thực tế thì chớ, giờ bẻ nghĩa sấm truyền, dùng trò ma mị để mong kéo dài. Thật là vừa không thực lại vừa không đạo. Phải chăng nhà Sản cũng đến hồi mạt vận.?

Năm ấy, nghĩa binh dấy khởi khắp nơi, nhiều trung thần nhà Sản rời bỏ triều đình. Cất tiếng kệu gọi lập những nhà Dân, nhà Chủ , nhà Xã...khắp thiên hạ.

Có khi nhà Sản mạt thật rồi.


Copy từ: Blog Người Buôn Gió

Mỹ tăng cường hạm đội tên lửa tại Địa Trung Hải

Khu trục hạm USS Mahan có trang bị tên lửa Tomahawk (usnavy.com)
Khu trục hạm USS Mahan có trang bị tên lửa Tomahawk (usnavy.com)

Tú Anh
Hải quân Mỹ đã đưa vào biển Địa Trung Hải một khu trục hạm thứ tư có trang bị tên lửa Tomahawk sau những lời tố cáo chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học sát hại thường dân Syria. Theo AFP, hạm đội 6 của Hoa Kỳ, đặc trách vùng Địa Trung Hải đã quyết định bố trí khu trục hạm USS Mahan trong khu vực thay vì cho phép chiến hạm này trở về hậu cứ ở Norfolk, bờ biển phía đông Hoa Kỳ.

Tổng cộng, có bốn khu trục hạm USS Gravely, Barry, Mahan và Ramage, tất cả đều được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, thay vì ba chiếc chiến hạm theo thông lệ, tuần tra trong khu vực Địa Trung Hải.
Một viên chức thuộc Lầu năm góc, và tiếp theo đó là đích thân bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel xác nhận kế hoạch tăng cường quân sự này là để có thể nhanh chóng phản ứng nếu tổng thống Obama ra lệnh tấn công vào Syria.
Cho đến ngày hôm qua, thứ Sáu 23/08/2013, lãnh đạo hành pháp Mỹ vẫn còn tuyên bố do dự với lý do là « chờ tình báo kiểm chứng thêm » về thông tin chế độ Damas sử dụng hơi ngạt sát hại ít nhất 1300 thường dân ở ngoại ô thủ đô Damas.
Trong khi đó thì bên Quốc hội Mỹ, cũng trong ngày hôm qua, dân biểu đảng Dân chủ Eliot Engel, thành viên của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, thúc giục tổng thống Obama oanh kích chống chính quyền của tổng thống Syria, Bachir al Assad để trả đũa hành động sử dụng vũ khí sát hại hàng loạt sát hại thường dân.
Theo hãng tin Reuters, các nguồn tin thân cận với các cơ quan an ninh Âu-Mỹ tiết lộ là các cơ quan tình báo của Mỹ và các đồng minh đã có được đánh giá đầu tiên là chính quân đội chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học.


Copy từ: RFI

Tuyên truyền đầu độc kiểu chuyên nghiệp của cộng sản

Hải Huỳnh (Danlambao) - Mục sư Nguyễn Trung Tôn đang loay hoay cắm điện vào cái máy in mà ông vừa mới mua. Bất chợt cậu con trai út 5 tuổi thỏ thẻ: - Cái máy này giống y như cái máy bố ăn cắp bị mấy chú công an vào nhà thu ghê bố nhỉ?

Để cái máy in qua một bên, mục sư Tôn ân cần hỏi thăm cậu bé Nguyễn Trung Khải Hoàn: - Ai bảo con là bố đi ăn cắp máy? Mình là con cái Chúa và bố làm mục sư thì không bao giờ đi ăn cắp đồ của ai. Bố mẹ đã dạy con nhiều lần là mình không lấy đồ của ai rồi mà.

Cậu bé Khải Hoàn rụt rè: - Hôm công an vào nhà bắt bố, rồi họ thu cái máy của bố. Mấy cô giáo trong nhà trẻ của con bảo là bố ăn cắp máy nên công an bắt bố. Rồi các bạn của con hay trêu con là bố mày ăn cắp máy nên công an bắt bố lấy cái máy đó. Mỗi lần các bạn trêu con nhớ bố con buồn lắm. Bố đừng mắng con nhé!

Công an bắt mục sư Nguyễn Trung Tôn cùng chung với chị Hồ Thị Bích Khương. Họ vào nhà tịch thu hết máy móc. Họ tuyên truyền đầu độc vào đầu óc non nớt của cậu bé 3 tuổi ở nhà trẻ để rồi khi nó 5 tuổi điều tệ hại ăn sâu vào đầu óc của nó. Khi bố nó đi tù hơn 2 năm về mua cái máy in mới thì tiềm thức con trẻ bật ra những điều bịa đặt ác độc mà họ đã bơm vào tâm trí nó. Người ta cố tình không nói cho nó nghe là bố nó vì chống bất công và cái ác mới bị đọa đày và còn bị cướp đồ đạc máy móc là tài sản của gia đình nó.

Đứa bé thơ ngây 5 tuổi là nạn nhân đầu độc kiểu này, còn anh trai nó 20 tuổi là nạn nhân kiểu khác tinh vi hơn, ghê gớm hơn.

Cháu Nguyễn Trung Trọng Nghĩa trúng tuyển đại học, mục sư Tôn vừa đi tù về gia đình khó khăn nhiều bề. Đồng cảm với nỗi mất mát của các cháu, nhiều anh em dân chủ giúp cháu một học bổng nước ngoài. Quá trình làm hộ chiếu cho cháu là quá trình khổ ải kinh khiếp nhưng cuối cũng cháu cũng xuất ngoại và nhập học. Thủ đoạn của nhà cầm quyền Thanh Hóa chưa dừng ở đây họ tung tin khắp địa phương mà gia đình nội ngoại hai bên sinh sống một tin đồn giựt gân kinh khủng: Bọn phản động đã lừa gạt gia đình vợ chồng nhà Tôn đưa cháu Trọng Nghĩa đi nước ngoài để giải phẫu bán nội tạng của cháu. Rồi họ cho giá biểu nào là quả thận của cháu bọn phản động bán được bao nhiêu ngàn đô la, trái tim của cháu bọn phản động bán được mấy ngàn đô. Từng bộ phận của cháu họ liệt kê ra giá biểu y như họ là người bán chuyên nghiệp. 

Bên họ ngoại của cháu có người bác làm an ninh cũng góp phần tuyên truyền cho điều giả dối ác độc này. Bà ngoại của cháu lớn tuổi tưởng thật tìm đến nhà cháu khóc lóc thương cháu thúc hối vợ chồng mục sư Tôn lo chạy tiền chuộc cháu về cho cụ. Thầy cô bạn bè của cháu Trọng Nghĩa xôn xao cả lên. 

Trong khi đó cháu Trọng Nghĩa ở nước ngoài đang bận rộn những ngày đầu chuyện nhập học ăn ở. Rất may là thời buổi internet này nó kết nối nhanh. Mục sư Tôn hay chuyện mới giải thích cho cụ nghe và mở skype để cho bà cháu nói chuyện. Bà cụ nhà quê vẫn chưa tin cháu mình còn sống đang nói chuyện với mình. Cụ thử hỏi nhiều câu hỏi, nhiều bí mật khi cháu Trọng Nghĩa trả lời và giải thích cho bà ngoại nghe sự thật thì cụ mới tin. Cùng lúc đó vợ mục sư Tôn về bên ngoại, nơi gia đình của cán bộ an ninh mà tung tin bịa đặt điều ác độc để làm rõ sự việc thì họ im khe, nín re coi như là không có gì xảy ra. Khi con cái của nhà này liên lạc với Trọng Nghĩa qua các mạng xã hội trên internet chính những đứa con của viên an ninh này cũng là nhân chứng lên án việc tung tin đồn thất thiệt.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn đi tù về nhà hơn 6 tháng nhưng phải đối phó với nhiều tin đồn ác nghiệt được bộ máy cầm quyền tuyên truyền áp dụng. Đứa con gái giữa của mục sư Tôn hơn 10 tuổi bị thiểu năng trí tuệ cũng không được yên ổn với họ. Cháu vừa về méc bố mẹ là cô giáo lớp 4 của cháu bảo rằng đạo Tin Lành mà gia đình cháu theo là phản động nói trước lớp của cháu là sẽ đuổi học cháu và một người bạn của cháu cũng theo đạo Tin Lành.

Ghê sợ cho những trò tuyên truyền bỉ ổi của cộng sản. Đúng là "trẻ không tha, già không bỏ, người tật nguyền cũng không chừa". Điều kinh khủng là môi trường giáo dục từ nhà trẻ, trường tiểu học, trung học cũng là công cụ tuyên truyền cho họ. Hậu quả sẽ ra sao khi đứa bé 3 tuổi đinh ninh tin rằng bố mình đi ăn cắp máy mới bị bắt và nỗi đau bị bạn bè trêu chọc theo cháu đến trưởng thành khôn lớn? Điều gì xảy ra cho bà cụ già khi hay tin đứa cháu ngoại bị người ta lừa đi bán nội tạng nếu không kịp làm rõ trắng đen? Và người ta sao nhẫn tâm tưới thêm nỗi đau vào một đứa bé tật nguyền mới 10 tuổi?

Lẽ nào vì mục đích tuyên truyền mà con người trong chế độ cộng sản trở nên như chiếc máy vô cảm?

Những chuyện đau lòng này nó xảy ra ngay năm 2013, ngay cái thời đại mà chúng ta đang tin là kỷ nguyên bùng nổ của công nghệ thông tin.

Những ngày này thì mục sư Tôn dù bị quản chế nhưng ông vẫn lo những chuyến thăm nuôi chị Bích Khương, ông vẫn đồng hành cùng anh em dân chủ lo cho số phận của Blogger Nguyễn Văn Dũng, rồi phiên tòa của Phương Uyên - Nguyên Kha ở Long An ông vẫn trắng đêm theo dõi. Mục sư Tôn vừa mổ giác mạc và từng bước đi của ông đang bị người ta giám sát. 

Bản án hơn 2 năm tù không làm ông và gia đình gục ngã mà vững vàng cứng cáp hơn. Bà Nguyễn Thị Lành, vợ của mục sư Tôn cho chúng tôi hay là vì mục sư Tôn đi tù nên bà phải đứng dậy lo chuyện Hội Thánh, chuyện gia đình, chuyện anh em dân chủ thay thế phần của mục sư Tôn. 

Chúng tôi cũng thật ấm lòng khi hay tin cháu Trọng Nghĩa kết thúc học kỳ đầu tiên ở nước ngoài với điểm số các môn xuất sắc. Cháu đã không phụ lòng tin của các cô chú cưu mang cháu. Ít ai biết rằng cậu bé 16 tuổi một mình đi dự phiên tòa người ta xử cha cậu tội "tuyên truyền phản động" đã mạnh dạn đứng lên chất vấn ngay trong phiên tòa các quan tòa xử cha cậu rằng: "Các cô các chú bảo xã hội chủ nghĩa là thiên đường sao không cho con của các cô các chú sang các nước Cu Ba hay Bắc Triều Tiên du học mà toàn cho đi Mỹ đi Úc du học là sao?"

Cậu bé cô đơn trong phiên tòa ngày xưa ấy giờ là sinh viên xuất sắc của một trường đại học nước ngoài. Khi mục sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt thì ông chưa biết trang Dân Làm Báo là gì nhưng vừa đi tù về thì chính Trọng Nghĩa chỉ cho ông biết cách vượt tường lửa để vào đọc trang Dân Làm Báo, trước khi VTV tuyên truyền quảng bá trang blog này cho toàn thể nhân dân Việt Nam biết.




Copy từ: Dân Làm Báo

3600 người Syria được chữa trị vì nhiễm chất độc làm tê liệt thần kinh

Một nạn nhân bị cho là nhiễm chất độc hóa học tại làng Khan al-Assal được điều trị tại 1 bệnh viện ở Aleppo, Syria, 19/3/2013
Một nạn nhân bị cho là nhiễm chất độc hóa học tại làng Khan al-Assal được điều trị tại 1 bệnh viện ở Aleppo, Syria, 19/3/2013
Tổ chức y tế nhân đạo quốc tế Bác sĩ Không Biên giới MSF cho biết 3 bệnh viện tại Syria đã nhận khoảng 3.600 bệnh nhân có những triệu chứng bị nhiễm chất độc làm tê liệt thần kinh. Tin này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi có những cáo buộc là hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học được cho là do chính phủ Syria thực hiện.

Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới hôm thứ Bảy nói đã biết được một số lượng lớn bệnh nhân đến 3 bệnh viện tại Damascus với những triệu chứng gồm có co giật, chảy nước bọt và nhìn không rõ, và có gần 10% tức khoảng 355 người trong số này đã chết. Một số nhân viên y tế chăm sóc và chữa trị cho những người này cũng bị lây nhiễm.

Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới nói tình trạng tổng quát của những người này cho thấy rõ ràng là dân chúng địa phương bị nhiễm chất làm tê liệt thần kinh và cho biết thêm là việc này vi phạm luật nhân đạo quốc tế, cấm tuyệt đối việc sử dụng vũ khí hóa học và sinh học.

Syria phủ nhận tất cả những cáo buộc là lực lượng chính phủ sử dụng vũ khí hóa học. Truyền thông do nhà nước kiểm soát đổ lỗi cho các lực lượng của phe nổi dậy thực hiện các cuộc tấn công bằng khí độc làm tê liệt thần kinh trong tuần này, và Thông tấn xã nhà nước SANA loan tin là các binh sĩ tìm thấy bằng chứng việc này khi lục soát những đường hầm trong thủ đô được các “phần tử khủng bố có vũ trang sử dụng.”

Tại Washington, một viên chức Tòa Bạch Ốc nói Hoa Kỳ có một “loạt sự lựa chọn” nếu quyết định hành động chống lại việc Syria sử dụng vũ khí hóa học. Tổng thống Barack Obama gặp các cố vấn an ninh quốc gia cao cấp hôm thứ Bảy để thảo luận về tình hình Syria.

Tổng thống Obama trước đây ngần ngừ trong việc can thiệp vào Syria. Tuy nhiên các giới chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa mới đây nói Washington đang củng cố lực lượng hải quân trong vùng.

Người đứng đầu Ngũ Giác Đài Chuck Hagel nói với các phóng viên là Tổng thống Obama đã hỏi Bộ Quốc phòng về một loạt các giải pháp nếu lực lượng Mỹ được lệnh hành động chống lại chính phủ Damascus.

Hoa Kỳ và các cường quốc thế giới đã thúc đẩy một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng vũ khí hóa học, và một viên chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc đã đến Damascus hôm thứ Bảy để thúc đẩy việc tiếp cận địa điểm nơi các rốckết chứa khí độc được phóng đi.

Nga đã lên tiếng bênh vực chế độ Assad, nhưng đồng minh này của Syria đã cùng với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Anh và các nước khác kêu gọi có một cuộc điều tra tỉ mỉ về những biến cố mới đây tại Syria.

Các lãnh tụ đối lập Syria và các nhà hoạt động đã công bố video về số lượng lớn xác chết-trong đó có nhiều trẻ em-không có vết máu do bạo động. Những hình ảnh này và những quang cảnh khác tại các bệnh viện cho thấy các bệnh nhân đang quằn quại đau đớn mà không bị vết thương nào-chứng tỏ đây là những chỉ dấu có tính cách thuyết phục là những người này là nạn nhân của một cuộc tấn công sử dụng khí làm tê liệt thần kinh hay những hóa chất giết người khác.

Tổng thống mới của Iran Hassan Rouhani lên án việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Truyền thông do nhà nước kiểm soát tại Tehran loan tin là ông không đổ lỗi cho bên nào trong nhận xét ngày thứ Bảy của ông. Iran là đồng minh của Syria, và bộ trưởng ngoại giao của nước này trước đây nói chứng cứ cho thấy phe nổi dậy Syria đã tấn công bằng vũ khí hóa học.


Copy từ: VOA

Hoa Kỳ chuẩn bị phương tiện oanh kích Syria

REUTERS/Jason Reed

Tú Anh
Mặc dù Nhà Trắng tỏ thái độ thận trọng nhưng Lầu năm góc đã bố trí thêm hỏa lực trong vùng Địa Trung Hải phòng hờ mọi tình huống phải phiêu lưu quân sự tại Trung Đông. Tổng thống Mỹ đang bị nhiều áp lực đòi can thiệp vào Syria sau khi chế độ Damas bị tố cáo phạm tội ác chống nhân loại, sát hại hơn 1000 thường dân bằng vũ khí hóa học.

Hoa Kỳ thông báo tăng cường các phương tiện quân sự trong vùng Trung Đông cho phép tổng thống Barack Obama có thêm khả năng can thiệp trong trường hợp tấn công vào Syria.

Theo AFP, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, trước khi lên đường sang Malaysia, cho biết Lầu năm góc có nhiệm vụ cung cấp cho tổng thống các phương tiện vũ trang để đối phó với mọi tình huống. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ,ngay lập tức lưu ý là động thái này, mà ông không trình bày chi tiết, không có nghĩa là Washington đã « quyết định can thiệp » chống chính quyền Bachar al- Assad.

Một viên chức khác của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong số các phương tiện quân sự được tăng cường có chiếc khu trục hạm thứ tư được đưa vào Địạ Trung hải.

Thái độ dè dặt của hành pháp Mỹ không muốn « phiêu lưu » tại Trung Đông đã được tổng thống Obama bày tỏ vài giờ trước. Trên đài truyền hình CNN, Tổng thống Mỹ tuyên bố rất « xúc động » và « quan ngại » vì tin Damas sử dụng vũ khí sát hại hàng loạt nhưng ông cảnh báo là cần phải « tránh mọi kết luận vội vã » vì còn chờ các cơ quan tình báo phối kiểm thông tin.
Do bị Nga và Trung Quốc cản trở một phần và do lo ngại bất trắc các nước tây phương với Hoa Kỳ đứng đầu không dứt khoát quyết định can thiệp vào Syria mặc dù đối lập được Tây phương ủng hộ nhiều lần kêu cứu và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần thúc giục. Một dự thảo tuyên bố kêu gọi Syria để cho quan sát viên Liên Hiệp Quốc điều tra vụ sử dụng vũ khí hóa học cũng bị Nga và Trung Quốc phủ quyết.

Như vậy thì tại sao Hoa Kỳ huy động cùng lúc 4 khu trục hạm trang bị tên lửa hành trình vào vùng Địa Trung hải ? Theo chiến thuật của Mỹ đã từng áp dụng trong quá khứ tại Libya thì để khai màn một cuộc chiến thì tên lửa hành trình luôn được sử dụng đầu tiên để « dọn đường » tiêu diệt hệ thống phòng không của đối phương.

Câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ chuẩn bị một giải pháp vũ lực ? Cánh nay hai hôm, trả lời một câu hỏi về thái độ ngăn cản của Nga và Trung Quốc, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố: « dù bị ngăn chận nhưng quyết định đã được thông qua ». Phải chăng Ngoại trưởng Pháp gián tiếp xác nhận rằng các nước đồng minh đã có kế hoạch bí mật không thông qua Liên Hiệp Quốc ?

Nếu thông tin của Le Figaro, một nhật báo có uy tín tại Pháp chính xác , thì từ vào hai ngày 17 và 19 tháng 8, hai đơn vị vũ trang của « Quân đội Syria tự do » do Hoa Kỳ đào tạo bí mật tại Jordani, cùng với các sĩ quan biệt kích Jordani và Israel đã xâm nhập vào Syria. Đây là giải pháp can thiệp được xem là thượng sách vì tây phương tránh phải viện trợ vũ khí cho phe nổi dậy có liên quan đến Al Qaida, cũng không cần gởi quân tham chiến.

Thông báo tăng cường hỏa lực tại Địa Trung Hải còn trùng hợp với sự kiện bà Angela Kane, chuyên gia cao cấp của Liên Hiệp Quốc về giải trừ vũ khí đến Damas vào sáng nay để đàm phán với chính quyền Syria cho phép phái bộ chuyên gia Liên Hiệp Quốc đến tận nơi mà đối lập Syria khẳng định bị trúng hàng loạt tên lửa trang bị đầu đạn chứa hơi ngạt của quân đội chính phủ.

Trước thái độ xem thường của Damas và trước áp lực càng ngày càng mạnh từ phía lập pháp cho đến công luận quốc tế đòi can thiệp, Tổng thống Mỹ đã chọn một giải pháp thận trọng nhất nhưng cũng linh động nhất : bày trận sát nách Syria để xoa dịu dư luận và cùng lúc gửi thông điệp cảnh báo chính Damas phải thận trọng, phải hợp tác với Liên Hiệp Quốc.

Không hẹn mà nên, Nga và đồng minh của Damas là Iran đều kêu gọi phải « điều tra » về vụ vũ khí hóa học.


Copy từ: RFI


.................