Tin cá tháng 4 ? Tổng Biên tập báo QĐND, Tướng Lê Phúc Nguyên vừa bị cách chức ???
Tin nóng trên mục ý kiến anh Ba Sàm
Tổng Biên tập báo QĐND vừa bị cách chức sau cơn giận lôi đình của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do Báo QĐND vừa quảng cáo cho cuốn tiểu thuyết
“Chuyện ở nông trại” (tức Trại súc vật) do NXB Hội Nhà văn phát hành.
Ông Trọng tò mò đọc, phát hiện ngay ra chúng nó xỏ lá ông, diễu ông là Trưởng đảng của bầy lợn.
(Chú ý: tin này hoàn toàn chưa được kiểm chứng)
George Orwell
Trại Súc Vật
Lời tựa
Trại
Súc Vật được in ở Anh ngày 17 tháng 8 năm 1945 và một năm sau thì được
in ở Mĩ. Trước đó George Orwell đã cho xuất bản 9 đầu sách với tổng số
bản in cả ở Anh và Mĩ là 195 500 cuốn. Sau chiến tranh thế giới thứ II
do thiếu giấy nên số lượng bản in hạn chế, tuy vậy cho đến khi Orwell
mất vào tháng giêng năm 1950 đã có tất cả 25 500 cuốn Trại Súc Vật được
in ở Anh và 590 000 cuốn được in ở Mĩ. Điều đó nói lên thành công to lớn
và ngay lập tức của tác phẩm. Sinh thời Orwell tác phẩm này đã được
dịch ra tất cả các ngôn ngữ chính của châu Âu cũng như các thứ tiếng như
Telugu (một dân tộc thuộc bắc Ấn Độ), Ba Tư, Aixlen và Ukraine. Sau hơn
50 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, tác phẩm đã được dịch ra 68 thứ
tiếng trên thế giới và thuờng xuyên được tái bản. Trong lần bình chọn
100 tác phẩm hay nhất trong thế kỉ XX do nhà sách Random House tiến
hành, Trại Súc Vật được xếp thứ 31.
Nhân
kỉ niệm 100 năm ngày sinh của George Orwell chúng tôi xin giới thiệu
Trại Súc Vật, một trong hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông với lời tựa
cho lần xuất bản bằng tiếng Ukraine do chính Orwell viết. Lời tựa này
được Orwell viết bằng tiếng Anh (bản gốc đã bị thất lạc), theo đề nghị
của người tổ chức dịch thuật và phân phối tác phẩm này cho những người
Ukraine chạy trốn chế độ Xô viết và sống trong các trại tạm cư do quân
đội Anh và Mĩ thiết lập trên đất Đức. Lời tựa được dịch sang tiếng
Ukraine dành cho lần xuất bản đầu tiên vào năm 1947, nhà sách Penguin
Classic trong lần xuất bản năm 2000 đã cho dịch lại và in kèm với lời
giới thiệu của Malcolm Bradbury.
Sau tác
phẩm Trại Súc Vật, George Orwell còn viết một tác phẩm nổi tiếng 1984.
Tác phẩm này nằm ở vị trí 13 trong bảng tổng sắp của nhà sách
Randomhouse đã nói ở trên. Tin rằng một ngày gần đây tác phẩm bất hủ này
cũng sẽ ra mắt độc giả tiếng Việt.
Phạm Minh Ngọc
Tôi
được yêu cầu viết lời giới thiệu cho bản dịch tác phẩm Trại Súc Vật
sang tiếng Ukraine. Tôi nhận thức rõ rằng tôi đang viết cho những độc
giả mà tôi không có một chút hiểu biết nào và họ cũng chưa từng có cơ
hội tìm hiểu tôi.
Trong lời giới thiệu
chắc chắn các độc giả muốn tôi kể về quá trình sáng tác tác phẩm Trại
Súc Vật, nhưng trước tiên tôi muốn tự kể về mình và những trải nghiệm đã
dẫn tôi đến quan điểm chính trị hiện nay.
Tôi
sinh năm 1903 tại Ấn Độ. Lúc đó cha tôi là một viên chức trong bộ máy
hành chính Anh quốc ở đấy, gia đình tôi thuộc tầng lớp trung lưu gồm các
quân nhân, tu sĩ, viên chức chính phủ, giáo sư, luật sư, bác sĩ v.v...
Tôi tốt nghiệp trung học tại Eton, một trường công lập thuộc loại đắt
nhất nước Anh thời đó. Nhưng tôi được vào học ở đây là do được nhận học
bổng chứ cha tôi không thể có tiền để gửi tôi vào học những trường như
thế.
Ngay sau khi thôi học (lúc đó tôi
chưa đủ 20 tuổi) tôi đi Miến Điện và tham gia lực lượng cảnh sát Hoàng
gia tại đây. Tôi làm ở đó năm năm. Việc này hoàn toàn không hợp với tôi,
tôi trở nên căm ghét chủ nghĩa đế quốc mặc dù lúc đó tinh thần quốc gia
ở Miến Điện chưa cao và quan hệ giữa người Anh và người Miến cũng chưa
đến nỗi nào. Sau khi về lại Anh quốc vào năm 1927 tôi giải ngũ và bắt
đầu viết văn: thời gian đầu không có thành công đáng kể nào. Trong những
năm 1928-1929 tôi sống ở Paris, chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết
nhưng không có nhà xuất bản nào chịu in (tôi đã xé bỏ hết). Những năm
sau đó tôi phải tay làm hàm nhai, đôi khi phải nhịn đói. Chỉ từ năm 1934
tới nay tôi mới sống được bằng ngòi bút. Trong thời gian này tôi đã
sống nhiều tháng giữa những người nghèo khổ và bất hảo, ăn xin và ăn cắp
tại những khu vực tồi tệ nhất của những khu phố nghèo. Lúc đầu tôi phải
nhập bọn với họ vì không có tiền, nhưng sau này tôi lại rất thích lối
sống đó. Tôi đã dành nhiều tháng trời để nghiên cứu đời sống thợ mỏ ở
miền Bắc nước Anh. Cho đến năm 1930 nói chung tôi vẫn chưa phải là người
theo trường phái xã hội. Thực ra tôi vẫn chưa xác định được quan điểm
chính trị của mình.Tôi trở thành người theo trường phái xã hội vì căm
thù cách người ta đàn áp và khinh thường tầng lớp công nhân công nghiệp
nghèo khổ chứ không phải vì thán phục xã hội theo kế hoạch hoá về mặt về
mặt lí luận.
Tôi lập gia đình năm 1936.
Cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha nổ ra ngay trong những ngày đó. Hai vợ
chồng tôi đều muốn đi Tây Ban Nha để chiến đấu cho chính phủ nước này.
Chúng tôi sẵn sàng lên đường, sáu tháng sau đó, khi tôi viết xong cuốn
sách mà tôi đã khởi sự từ trước. Tôi đã ở mặt trận Aragon gần Huesca sáu
tháng liền, cho đến khi bị một phát đạn bắn tỉa xuyên qua cổ.
Trong
giai đoạn đầu của cuộc chiến những người ngoại quốc hoàn toàn không
hiểu được cuộc đấu tranh giữa các đảng phái ủng hộ chính phủ Tây Ban
Nha. Do một loạt sự tình cờ, tôi không tham gia các Binh đoàn Quốc tế
như đa số những người ngoại quốc khác mà chiến đấu trong hàng ngũ của
lực lượng vũ trang POUM, đảng của những người theo phái Troskist Tây Ban
Nha.
Vì vậy giữa năm 1947 khi những
người Cộng sản nắm được quyền kiểm soát (hay một phần quyền kiểm soát)
chính phủ Tây Ban Nha và bắt đầu săn đuổi những người Troskist thì cả
hai vợ chồng tôi đều trở thành nạn nhân. Chúng tôi may mắn đi khỏi được
Tây Ban Nha, thậm chí không bị bắt lần nào. Nhiều bạn bè của chúng tôi
đã bị bắn bỏ, một số bị tù đày nhiều năm, số khác thì mất tích.
Những
cuộc săn người ở Tây Ban Nha xảy ra đồng thời với những cuộc thanh
trừng vĩ đại ở Liên Xô. Thực chất những vụ thanh trừng ở Tây Ban Nha và ở
Nga chỉ là một (gọi là âm mưu với bọn phát xít) và nếu nói về Tây Ban
Nha thì tôi có đầy đủ cơ sở để tin rằng đấy là những vụ kết án oan. Qua
đó tôi đã nhận được một bài học đắt giá: nó dạy tôi rằng bộ máy tuyên
truyền của chế độ toàn trị dễ dàng lèo lái dư luận ở những nước dân chủ
đến mức nào.
Hai vợ chồng tôi đã chứng
kiến những người vô tội bị quẳng vào nhà giam chỉ vì họ bị nghi là không
theo đường lối chính thống. Khi trở về Anh chúng tôi thấy rất nhiều
người thạo tin và nhạy bén tin vào những bản án kì quặc về âm mưu phản
bội và phá hoại do báo chí tường thuật từ những vụ án ở Moscow.
Và tôi thực sự hiểu ra ảnh hưởng tiêu cực của huyền thoại Xô viết đối với phong trào xã hội ở phương Tây.
Đến đây tôi xin dừng lại một chút để trình bày thái độ của tôi đối với chế độ Xô viết.
Tôi
chưa đến thăm Nga bao giờ và hiểu biết của tôi về nước Nga chỉ là kiến
thức do thu lượm được từ báo chí, sách vở. Ngay cả nếu có đủ sức tôi
cũng sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Liên Xô: tôi sẽ không
kết án Stalin và các cộng sự của ông ta chỉ vì những phương pháp dã man
và phi dân chủ của họ. Có thể là trong những điều kiện như thế, dù có
muốn, họ cũng không thể hành động khác được.
Nhưng
mặt khác đối với tôi điều cực kì quan trọng là nhân dân Tây Âu phải
nhận rõ chế độ Xô viết như nó đang là. Từ năm 1930 tôi nhìn thấy rất ít
bằng chứng là Liên Xô đang tiến đến cái có thể thực sự gọi là Chủ nghĩa
xã hội. Ngược lại, có những chỉ dấu rõ ràng rằng xã hội ấy đang chuyển
hoá thành xã hội có tôn ti trật tự và những người cầm quyền, cũng như
mọi giai cấp cầm quyền khác, chẳng thấy có lí do gì để rời bỏ quyền lực
đã làm tôi choáng váng. Hơn nữa công nhân và trí thức ở những nước như
Anh quốc lại không hiểu rằng Liên Xô hôm nay đã khác hẳn Liên Xô năm
1917. Một phần vì họ không chịu hiểu (nghĩa là họ muốn tin rằng có một
nước xã hội chủ nghĩa quả thực đang tồn tại ở đâu đó), một phần vì họ
quen với cuộc sống tự do và ôn hoà, họ không biết gì về chủ nghĩa toàn
trị.
Cần phải nhớ rằng nước Anh chưa phải
là nước hoàn toàn dân chủ. Đây vẫn là nước tư bản với những đặc quyền
đặc lợi giai cấp (ngay cả bây giờ, sau cuộc chiến tranh có xu hướng làm
cho mọi người bình đẳng hơn) và sự chênh lệch gay gắt về tài sản. Nhưng
dù sao ở đây người dân đã có cuộc sống không có những xáo trộn lớn suốt
mấy trăm năm qua, luật pháp tương đối công chính, tin tức và số liệu của
chính quyền có thể tin được và cuối cùng, nhưng không kém phần quan
trọng là người ta có thể giữ và ủng hộ quan điểm của thiểu số mà không
bị bất kì đe dọa chết người nào. Trong hoàn cảnh như vậy người ta không
thể nào hiểu được những hiện tượng như trại tập trung, cưỡng ép di cư
hàng lọat, bỏ tù không cần xét xử, kiểm duyệt báo chí v.v... Tất cả
những điều đọc được trên báo chí về những nước như Liên Xô được tự động
phiên dịch sang các thuật ngữ của nước Anh và họ ngây thơ tin ngay những
điều dối trá của bộ máy tuyên truyền của chế độ toàn trị đó. Cho đến
năm 1939, và cả sau này nữa, đa số người Anh không hiểu được thực chất
chế độ phát-xít ở Đức và nay họ cũng có ảo tưởng tương tự như vậy đối
với Liên Xô.
Điều đó đặc biệt có hại đối
với phong trào Xã hội Anh và gây hậu quả xấu đối với chính sách đối
ngoại của nước Anh. Theo tôi, tin rằng nước Nga là nước xã hội chủ nghĩa
và mọi hành vi của những người cầm quyền ở đó đều nên được tha thứ, nếu
không nói là phải theo là sự phản bội đối với lí tưởng xã hội chủ
nghĩa. Vì vậy trong mười năm gần đây tôi đã đi đến kết luận rằng việc
phá tan huyền thoại Xô viết là việc làm vô cùng cần thiết nếu ta muốn
tái sinh phong trào xã hội chủ nghĩa.
Ngay
sau khi trở về từ Tây Ban Nha tôi đã nghĩ đến việc vạch trần huyền
thoại Xô viết dưới dạng một câu chuyện dễ hiểu và dễ dịch sang các thứ
tiếng khác. Nhưng chi tiết của câu chuyện vẫn chưa có, cho đến một hôm
(khi đó tôi sống ở nông thôn) tôi trông thấy một cậu bé, khoảng mười
tuổi, đang đánh một chiếc xe ngựa to trên một con đường hẹp, cứ mỗi lần
con ngựa định quay ngang là cậu bé lại ra roi. Trong đầu tôi bỗng loé
lên ý nghĩ rằng nếu loài vật nhận thức được sức mạnh của chúng thì con
người không thể nào còn điều khiển được chúng nữa và con người bóc lột
loài vật cũng hệt như các tầng lớp hữu sản bóc lột giai cấp vô sản vậy.
Tôi
tiến hành phân tích học thuyết của Marx trên quan điểm của súc vật. Đối
với loài vật thì rõ ràng là luận điểm về đấu tranh giai cấp giữa người
với người chỉ là một sự lừa mị, vì mỗi khi cần bóc lột súc vật là tất cả
mọi người lại đoàn kết với nhau để chống lại chúng: cuộc đấu tranh thực
sự là cuộc đấu tranh giữa loài vật và loài người. Từ đây việc tạo ra
tác phẩm không còn khó nữa. Tôi bận nhiều việc khác, không có thì giờ,
cho nên mãi đến năm 1943 tôi vẫn chưa bắt đầu viết truyện này và cuối
cùng tôi đã đưa thêm một số sự kiện, thí dụ như Hội nghị Teheran là sự
kiện xảy ra trong thời gian tôi viết. Như vậy là đường hướng chính của
câu chuyện đã nằm trong đầu tôi suốt sáu năm trước khi tôi thực sự đưa
nó lên giấy.
Tôi không có ý bình luận tác
phẩm, nếu tác phẩm không có sức thuyết phục thì có nghĩa là tác phẩm ấy
đã thất bại. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai điểm: thứ nhất, mặc dù nhiều
tình tiết được lấy từ lịch sử của cuộc Cách mạng Nga nhưng chúng chỉ có ý
nghĩa tượng trưng và trật tự đã được thay đổi cho cân đối với cốt
truyện. Điểm thứ hai thường bị các nhà phê bình bỏ qua, nguyên nhân có
thể là vì tôi chưa nhấn đúng mức. Nhiều độc giả sau khi đọc xong có cảm
tưởng rằng cuốn sách đã dừng lại ở sự hoà giải hoàn toàn giữa loài lợn
và loài người. Nhưng đấy không phải là ý của tôi, ngược lại, tôi cố ý
kết thúc ở chỗ chỉ rõ sự bất hoà, vì tôi viết chuyện này ngay sau Hội
nghị Teheran, mọi người lúc đó đều nghĩ rằng Hội nghị này sẽ thiết lập
một mối quan hệ tốt đẹp nhất có thể giữa Liên Xô và phương Tây. Cá nhân
tôi không tin rằng quan hệ tốt đẹp đó có thể kéo dài được lâu, và như
các sự kiện cho thấy, tôi đã không lầm.
Tôi
không biết phải nói gì thêm nữa. Nếu độc giả nào quan tâm đến cá nhân
tôi thì tôi xin nói thêm rằng tôi đã goá vợ, hiện tôi đang sống với con
trai ba tuổi, tôi là nhà văn chuyên nghiệp nhưng từ khi bắt đầu cuộc
chiến thì tôi làm việc chủ yếu như một phóng viên.
Tôi
thường viết cho tờ Tribune, một tờ tuần báo đại diện cho phái tả của
đảng Lao động. Các cuốn sách sau đây của tôi có thể được độc giả quan
tâm: Những ngày ở Miến điện (câu chuyện về Miến điện), Tưởng nhớ
Catalonia (viết về những trải nghiệm của tôi trong cuộc nội chiến ở Tây
Ban Nha) và tác phẩm Phê bình (các bài viết về văn học đương đại Anh,
được viết chủ yếu từ quan điểm xã hội học hơn là quan điểm thuần tuý văn
chương).
1947
Copy từ:
Người Lót Gạch