Dân Philippines biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila
Thực ra Philippines
không khởi kiện Trung Quốc ra một Tòa án quốc tế như báo chí viết mà
chỉ khởi kiện yêu cầu một Hội đồng trọng tài - do các bên tranh chấp lựa
chọn trọng tài viên – giải quyết tranh chấp.
Theo điều 287, khoản 1 của Công ước Luật biển
của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), để giải quyết tranh chấp liên quan đến lý
giải hoặc áp dụng UNCLOS, mỗi nước thành viên có quyền chọn một hoặc các
công cụ sau:
- Tòa án biển quốc tế theo qui định tại Phụ lục VI (Trụ sở tại Hamburg, CHLB Đức)
- Tòa án quốc tế (trụ sở tại The Hague, Hà lan)
- Hội đồng trọng tài được thành lập theo phụ lục VII
- Hội đồng trọng tài được thành lập đặc biệt theo phụ lục VIII
Theo điều 2 Phụ lục VII, mỗi nước thành viên can
dự vào tranh chấp có quyền chọn ra bốn trọng tài viên từ danh sách
trọng tài viên do Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) lập, để dựa vào đó
hai bên chọn ra năm (5) trọng tài viên của Hội đồng xét xử.
Trong danh sách tám (8) trọng tài này, mỗi nước
được chọn một trọng tài. Ba trọng tài còn lại sẽ được các nước cùng lựa
chọn theo nguyên tắc nhất trí.
Đạt mục tiêu lớn
Nếu chú ý rằng các Tòa án quốc tế nêu trên dù
được Liên hiệp quốc thành lập nhưng vẫn không phải là một cơ quan của
Liên hiệp quốc và trình tự giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng Trọng tài
phải tuân theo nguyên tắc được các bên cùng đồng ý thực hiện, thì có
thể khẳng định rằng Philippines chưa khởi kiện Trung quốc ra Tòa án quốc
tế, mà ra Hội đồng Trọng tài.
Một hình thức tuy ít làm Trung Quốc „mất mặt“ nhất, nhưng cơ hội thành công cũng thấp nhất.
"Sau
nhiều lần trưng bày 'bằng chứng vi phạm' của tàu thuyền Trung
Quốc trên biển, nay Philippines quyết định đưa ra trọng tài quốc
tế"
Tuy nhiên, chỉ cần chính thức gửi đơn khởi kiện, Philippines đã ngay lập tức đạt được những mục tiêu lớn, rất quan trọng:
Chủ động tự bảo vệ ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực.
Là thành viên LHQ, Trung Quốc có nghĩa vụ phải
giải quyết tranh chấp với một nước thành viên LHQ khác một cách hòa bình
theo khoản 03 điều 2 Hiến chương LHQ (HCLHQ).
Điều 279 UNCLOS khẳng định lại nghĩa vụ này của các nước ký kết UNCLOS khi có tranh chấp liên quan đến lý giải, áp dụng UNCLOS.
Nói một cách khác, một biện pháp sử dụng vũ lực
để giải quyết tranh chấp chỉ có thể được công đồng quốc tế „nhắm mắt cho
qua“ như một biện pháp cuối cùng, nếu tất cả mọi cố gắng sử dụng các
biện pháp hòa bình khác đều vô hiệu.
Philippines đã chính thức yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng một Hội đồng Trọng tài theo qui chế của LHQ.
Trung Quốc có thể từ chối, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa là từ chối một cách giải quyết hòa bình.
Cho đến khi Trung Quốc vẫn từ chối cách này, thì Trung Quốc vẫn không có lý do gì để can thiệp vũ lực chống Philippines.
Nếu không, Trung Quốc phải tính đến những rủi ro rất lớn như:
- Theo điều 39 HCLHQ hành động vi phạm nghiêm
trọng nghĩa vụ theo công pháp quốc tế có thể bị coi là hoạt động đe dọa
hòa bình thế giới để LHQ và Hội đồng bảo an LHQ phải có các biện pháp
khẩn cấp nhằm bảo vệ hòa bình.
Ngoài các nghị quyết lên án của Đại hội đồng
LHQ, căn cứ Chương VII Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an có
quyền quyết định thực hiện mọi biện pháp cần thiết từ trừng phạt kinh
tế đến can thiệp bằng vũ lực đối với nước vi phạm.
Trước mắt, nếu sử dụng vũ lực chống Phillipin, Trung Quốc có thể chỉ bị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án.
Hội đồng Bảo an sẽ không thể quyết định được bất
cứ biện pháp nào chống Trung Quốc vì nước này có quyền phủ quyết.
Nhưng uy tín của Trung Quốc sẽ giảm mạnh, sự nghi ngại của cộng đồng
quốc tế về ý thức tôn trọng các cam kết quốc tế của Trung Quốc cũng
tăng mạnh.
Tuy nhiên, nếu việc Trung Quốc sử dụng vũ lực
thực sự ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng quốc tế (chẳng hạn xung
đột kéo dài, nghĩa là Philippines chỉ cần cầm cự không cho Trung Quốc
đánh nhanh, thắng nhanh), thì nguyên tắc đặt quyền lợi chung của cộng
đồng quốc tế lên trên chủ quyền quốc gia sẽ được áp dụng.
Khi đó các nước hoặc khối liên minh quân sự sẽ
can thiệp để chấm dứt xung đột mà không cần phải được sự cho phép của
Hội đồng bảo an LHQ (Như khối NATO đã tấn công vào Kosovo năm 1999). Có
thể nói, lúc đó Trung Quốc sẽ phải đối đầu với cả thế giới.
Khẳng định vùng biển được Philippines nói đến không phải là của Trung Quốc vì đang là vùng tranh chấp.
Philippines khẳng định chủ quyền trên đảo Pagasa (Thị Tứ)
Nếu Trung Quốc, trong vòng 30 ngày sau khi nhận
được đơn kiện, không chọn một trọng tài, cũng không cùng Philippines
chọn ba (3) trọng tài khác, Chánh án tòa án biển quốc tế sẽ chọn các
trọng tài đó.
Công nhận tranh chấp
Việc công bố quyết định chọn trọng tài này (nếu
có) cũng chính là sự công nhận, dù gián tiếp, vùng biển diễn ra các
tranh chấp là vùng biển tranh chấp chứ không phải là vùng biển chỉ của
Trung Quốc.
Chính thức quốc tế hóa, đa phương hóa việc giải quyết tranh chấp với Trung quốc.
Philippines đã công khai chọn cách giải quyết
xung đột theo đúng qui định của các Thỏa ước, Hiệp định quốc tế. Khi
cách thức này không thể thực hiện do sự bất hợp tác của Trung Quốc, thì
cộng đồng quốc tế buộc phải:
- Xem xét tu chính các Thỏa thuận đó sao cho
chúng giải quyết hữu hiệu được các tranh chấp quốc tế một cách hòa bình.
Bởi nếu không, chính các cam kết quốc tế cũng sẽ trở thành vô nghĩa; và
- Trong khi đợi tu chính, cộng đồng quốc tế
phải (và vì vậy cũng có quyền) chung tay giải quyết tranh chấp giữa
Philippines và Trung Quốc sao cho ít nhất cũng không được để nó biến
thành xung đột vũ trang.
Thật ra, UNCLOS và Qui chế Tòa án biển quốc tế
mở ra hàng loạt khả năng khác nhau để giải quyết tranh chấp giữa các
nước thành viên, đủ sức buộc một nước thành viên dù có các tuyên bố bảo
lưu khi gia nhập vẫn có thể bị đưa ra xét xử.
Chẳng hạn, Tòa án biển quốc tế cũng là Tòa án
quốc tế đầu tiên trên thế giới còn cho phép cả cá nhân và các pháp nhân
khác không phải là Nhà nước (chính phủ) được khởi kiện yêu cầu giải
quyết các tranh chấp liên quan đến việc lý giải hoặc áp dụng UNCLOS.
Do theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau, Phillipin trước tiên chỉ muốn kiện tại Hội đồng trọng tài.
Bài thể hiện quan điểm của Tiến sỹ
Nguyễn Vân Nam, Giáo sư Luật từ CH Liên Bang Đức, hiện đang hành
nghề tư vấn ở Sài Gòn.