CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Ông Hà Vũ tuyệt thực 'đã hơn hai tuần'


Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ (trái)
Ông Cù Huy Hà Vũ (trái) đang tuyệt thực suốt nửa tháng, theo gia đình ông
Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, tù nhân chính trị đang thụ án 7 năm tù giam do bị khép vào điều 88 của Bộ luật hình sự của Việt Nam, đang có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng trong khi tuyệt thực hoàn toàn liên tục suốt nửa tháng ở trong tù, theo xác nhận của người nhà ông.
Hôm 10/6, bà Nguyễn Thị Dương Hà, luật sư đồng thời là vợ của ông Hà Vũ nói với BBC ông Hà Vũ từ chối ăn uống để phản đổi trại giam số 5 ở tỉnh Thanh Hóa vi phạm nhiều quyền chính đáng của ông, trong lúc sức khỏe có dấu hiệu suy kiệt khi ông chỉ uống nước mà từ chối ăn uống bất cứ thứ gì khác.
Cùng ngày, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, cựu tù nhân chính trị, tuyên bố ông  tuyệt thực tại gia để ủng hộ, chia sẻ với ý chí và hoàn cảnh của ông Hà Vũ, và dự đoán chính quyền chắc chắn phải có những động thái sớm để đáp ứng trước vụ tuyệt thực của tiến sỹ luật học.
Hôm thứ Hai, bà Dương Hà nói với BBC: "Tính đến hôm nay đã là 15 ngày rồi, chồng tôi, tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ vẫn đang tuyệt thực ở nhà tù, trại giam số 5, Thanh Hóa, để phản đối giám thị Lường Văn Tuyến không trả lời những đơn thư tố cáo cũng như tất cả những yêu cầu rất con người, rất đúng pháp luật của tiến sỹ."
Luật sư Dương Hà cho hay bà đã bị Tổng cục VIII của Bộ Công an, cơ quan chuyên theo dõi về thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, từ chối yêu cầu được thăm viếng với tư cách luật sư của chính chồng bà. Bà nói:
"Rất tiếc hôm nay tôi vào xin giấy để vào thăm tiến sỹ luật ở trong trại giam hiện đang tuyệt thực thì Tổng cục VIII họ không cấp giấy cho. Và họ nói là nên vào với tư cách gia đình, và với tư cách gia đình, thì 1/6 tôi cũng đã vào mất rồi, cho nên lúc này tôi không còn phương cách nào để vào,
Niềm vui duy nhất của gia đình TS Hà Vũ
Luật sư Dương Hà nói việc nhiều người tuyệt thực 'đồng hành' với chồng bà, TS Cù Huy Hà Vũ, người đang tuyệt thực trong tù, là nguồn động viên với gia đình.
"Nhưng tôi biết rất chắc chắn qua một nguồn tin đáng tin cậy là anh ấy vẫn đang tuyệt thực, bởi vì là hiện tại anh ấy vẫn chưa được đáp ứng bất kể một cái gì"
Về tình hình sức khỏe của ông Hà Vũ, bà Dương Hà cho biết:
"Hiện tại tôi biết là anh ấy đã giảm 6 kg rồi, sức khỏe rất là yếu vì anh ấy tuyệt đối không ăn một cái gì, trừ uống nước, ngay cả sữa cũng không uống, dứt khoát không ăn một cái gì để phản đối."

'Chính quyền phải đắn đo'

"Nếu áp lực chúng ta đủ mạnh, công luận chúng ta đủ quan tâm, thì tôi nghĩ chúng ta có thể đạt những kết quả khả quan, nhất là bảo đảm được tính mạng cho anh Cù Huy Hà Vũ, ít nhất là anh không bị tuyệt thực quá lâu, dẫn đến suy kiệt"
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn
Hôm 10/6, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, đánh giá về "ngưỡng" phản ứng mà chính quyền sẽ phải xử lý, đáp ứng trong trường hợp ông Hà Vũ, một tù nhân lương tâm đặc biệt theo ông Sơn, tuyệt thực.
Ông nói: "Theo kinh nghiệm của tôi, tôi đánh giá rằng sự vụ của anh Cù Huy Hà Vũ, có thể nói hiện nay là một trong số ít những người tù nhân chính trị mà chính quyền hiện nay quan tâm nhất và họ cũng phải lưu ý nhất...
"Anh ấy là một nhân vật mà chính quyền hiện nay phải đắn đo và phải tính toán từng hành vi, hành động, trong việc xử sự với anh Cù Huy Hà Vũ, nhất là bảo đảm tính mạng cho anh ấy chứ không phải là bất chấp tất cả như chúng ta thường cảm nhận thấy,
"Vì theo tôi, chính quyền độc tài dù có ngang ngược đến mấy, họ vẫn không phải là những người mất hết trí khôn, họ luôn luôn có những tính toán làm sao có lợi nhất."
Bác sỹ Sơn nhắc lại việc chính quyền từng giảm án hoặc trao trả tự do trước thời hạn cho các tù nhân chính trị và liên hệ với trường hợp của ông Hà Vũ:
"Chúng ta từng thấy rằng họ đã từng chấp nhận giảm án rất nhiều cho các tù nhân chính trị hoặc thả những tù nhân chính trị trước thời hạn, thì chúng ta cũng biết, đối với anh Cù Huy Hà Vũ, theo cảm nhận của tôi, chính quyền không phải là bất chấp tất cả đâu.
Tôi tuyệt thực ủng hộ TS Cù Huy Hà Vũ
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn giải thích việc tuyệt thực vì TS Hà Vũ và dự đoán chính quyền phải đáp ứng vụ tuyệt thực của ông Hà Vũ ra sao.
"Họ cũng đều tính toán để sao họ có lợi nhất, nếu áp lực chúng ta đủ mạnh, công luận chúng ta đủ quan tâm, thì tôi nghĩ chúng ta có thể đạt những kết quả khả quan, nhất là bảo đảm được tính mạng cho anh Cù Huy Hà Vũ, ít nhất là anh không bị tuyệt thực quá lâu, dẫn đến suy kiệt,
"Có những trường hợp suy kiệt mà y tế không cấp cứu kịp thì điều đó là điều đáng tiếc, tôi nghĩ thế," nhà hoạt động vì dân chủ đang tuyệt thực tại gia nói.
Hôm thứ Hai trên  trang blog "Như cây tre Việt Nam" của mình, bác sỹ Sơn tuyên bố ông hưởng ứng lời kêu gọi của nhiều người khác và tuyệt thực nhằm chia sẻ và đoàn kết với tiến sỹ Hà Vũ.
Ông viết trên blog: "Chúng ta – những người yêu mến Tự do và đang còn ở ngoài nhà tù – cần phải làm một điều gì đó nhiều hơn là viết bài hay chỉ xướng lên tiếng nói ủng hộ xót xa. Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy ông Vũ đã dừng tuyệt thực.
"Vì những lẽ trên, tôi quyết định tự nguyện tuyệt thực 07 ngày đêm kể từ ngày 10/06/2013 đến ngày 17/06/2013 tại nhà riêng để bày tỏ sự khâm phục và chia sẻ tinh thần đấu tranh và những rủi ro mà Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đang đối mặt.
"Đồng thời sự tuyệt thực này cũng là một bày tỏ đồng cảm, chia sẻ với tất cả những người đã và đang chịu sự sách nhiễu, bách hại của cường quyền tại Việt Nam."
Về phần mình, vợ của Tiến sỹ Hà Vũ, luật sư Dương Hà cho BBC hay cảm nghĩ của bà và gia đình ông Hà Vũ khi biết tin nhiều người tuyệt thực vì chồng bà.
"Thực ra cũng an ủi được chúng tôi rất nhiều trong việc có nhiều người đã đồng hành với chồng tôi, hiện tại đó là niềm vui duy nhất đối với gia đình tôi trong lúc bối rối như thế này," bà nói với BBC.


Copy từ: BBC

Vụ nhà vệ sinh bạc tỷ ở Quảng Ngãi: quan Giáo Dục nói giá trị chưa cao.

Vụ nhà vệ sinh bạc tỷ ở Quảng Ngãi: "Giá trị thật đâu có gì cao..."

Dân Việt - "Để được xây dựng, yêu cầu mỗi trường phải có vốn đối ứng là 25% so với tổng giá trị công trình. Nếu trừ đi phần 25% này, theo tôi trị giá thật của công trình nhà vệ sinh đâu có gì cao (?)" - chủ đầu tư phân trần...

Như đã phản ánh, dù diện tích chỉ khoảng 30m2/công trình, chất lượng bình thường, thế nhưng một số nhà vệ sinh (được xây bằng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường-Bộ NN&PTNT, do Sở GD-ĐT tỉnh làm chủ đầu tư) tại các trường học ở Quảng Ngãi có vốn đầu tư lên tới hơn 500 triệu đồng, có trường hợp lên tới 700 triệu đồng. Điều này đã gây bức xúc trong dư luận.
Để hiểu hơn về vấn đề này, trưa ngày 10.6, phóng viên Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Ngô Hữu Đằng, Giám đốc BQL Đầu tư xây dựng-Sở GD&ĐT tỉnh
Ông Đằng (trái) trả lời phỏng vấn phóng viên Dân Việt
Trả lời với phóng viên, ông Đỗ Văn Phu- PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh cho rằng: Sở dĩ nhà vệ sinh có mức đầu tư cao như vậy là do tuân thủ thiết kế thi công kĩ thuật cao..., ông có thể cho biết bản thiết kế nhà vệ sinh này từ đâu?
- Thiết kế của nhà vệ sinh đã được xây dựng tại các trường trong tỉnh đều thực hiện theo mẫu do Bộ GD&ĐT đưa ra.
Theo đó mỗi cấp Tiểu học, THCS, THPT. thì có một mẫu thiết kế nhà vệ sinh riêng. Tuy đưa ra mẫu thế nhưng Bộ DG&ĐT không qui định mức kinh phí cụ thể của mỗi mẫu là bao nhiêu, mà tùy thuộc theo nguồn kinh phí đầu tư để có sự xây dựng thích hợp.
Anh Võ Hồng Ân, Giám đốc một công ty xây dựng ở T.P Quảng Ngãi, bày tỏ:

"Tôi cũng đã từng xây dựng nhiều công trình nhà vệ sinh ở các huyện miền núi trong tỉnh. Và với diện tích và chất lượng như vậy, thì đắt lắm cũng chỉ đến 200 triệu đồng/công trình.”
Toàn tỉnh hiện có bao nhiêu trường cần nhà vệ sinh?Và hiện từ nguồn vốn trên, Sở đã xây được bao nhiêu nhà vệ sinh?
- Qua kiểm tra và khảo sát, thống kê vào năm 2010, thì có khoảng 214 trường cần được xây dựng nhà vệ sinh.
Tôi chưa thống kê nên chưa biết rõ từ năm 2010 đến nay xây được bao nhiêu. Thế nhưng riêng năm 2012 đã xây là 13 cái, còn năm 2013 thì hiện đã hoàn tất hồ sơ là 4 cái.
Trong khi số trường cần xây nhà vệ sinh nhiều như vậy, thì tại sao trường Tiểu học Long Sơn, huyện Minh Long đã có 2 nhà vệ sinh rồi, nhưng vẫn được sở cho xây thêm 1 nhà vệ sinh nữa?
- Vào năm 2010, khi Sở tiến hành khảo sát thì trường này vẫn chưa có nên được đưa vào danh sách. Tuy nhiên đến khi được phê duyệt và tiến hành xây dựng bằng nguồn của chương trình này, thì trước đó từ nguồn kinh phí khác, trường Long Sơn đã được xây nhà vệ sinh rồi.
Vì vậy nên mới xảy ra chuyện trường Long Sơn có đến 3 công trình vệ sinh.
Nói như vậy thì Sở chỉ tiến hành khảo sát, kiểm tra 1 lần rồi thôi?
- Có đi kiểm tra liên tục.
Tuy nhiên vào các thời điểm đến kiểm tra thì trường vẫn chưa được xây dựng nhà vệ sinh nào. Mặt khác khi được phê duyệt và được triển khai xây dựng, trường cũng không có báo cáo và nói gì về việc đã có nhà vệ sinh; đồng thời lãnh đạo các trường còn kí cam kết. Nếu không thì làm sao đủ thủ tục theo qui định.
Theo ông, công trình nhà vệ sinh đã xây với tổng vốn đầu tư bình quân trên 500 triệu đồng, đặc biệt có công trình lên đến trên 700 triệu đồng, liệu có là quá đắt?
- Để được xây dựng, yêu cầu mỗi trường phải có vốn đối ứng là 25% so với tổng giá trị công trình. Và vốn đối ứng này có thể là tiền mặt, hoặc các trường tự đầu tư làm giếng nước... Qui định là thế, nhưng các trường đều không có và không thể huy động được.
Vì vậy để đảm bảo đúng theo qui định, đã hợp tác hóa bằng cách trích từ nguồn kinh phí sử dụng xây nhà vệ sinh để đóng giếng, rồi ghi phần đầu tư này vào phần vốn đối ứng của trường. Nếu trừ đi phần 25% này, theo tôi trị giá thật của công trình nhà vệ sinh đâu có gì cao (?).
Xin cảm ơn ông!


Copy từ: Dân Việt

Lời tâm huyết của "HÙM XÁM ĐƯỜNG SỐ 4"

       BVBTheo Wikipedia tiếng Việt:  Đặng Văn Việt (sinh năm 1920) là một cựu trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông nguyên là Trung đoàn trưởng đầu tiên của trung đoàn 174, một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông từng được người Pháp mệnh danh là "Con hùm xám đường số 4" do thành tích chỉ huy đơn vị mình trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả 2 chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel LepagePierre Charton
Ông là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Gia đình ông có nhiều người nổi tiếng. Tổ tiên ông là danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung thời Hậu Trần. Ông nội của ông là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (khoa Giáp Thìn - 1904), từng làm Tế tửu Quốc tử Giám. Bà nội của ông là bà Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục
"Hùm xám đường số 4"
Cha ông là Phó bảng Đặng Văn Hướng (khoa Kỷ Mùi 1919), Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim. Từ năm 1947, ông Hướng là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Mẹ của ông là con gái đầu (chưa rõ tên) của cụ Hoàng Đạo Phương, anh ruột học giả Hoàng Đạo Thúy. Hai người dì đều lấy những nhân vật nổi tiếng như ông Trịnh Văn Bính (từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính) hay thương gia Trịnh Văn Bô, chủ ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập.
Ông còn là cậu bên vợ của nhà tình báo, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc...
 /Xem: Đặng Văn Việt  /
                              *         *        *
BÀI TRẢ LỜI PV ĐÀI SBTN 
CỦA CỤ ĐẶNG VĂN VIỆT
Tóm tắt phỏng vấn cụ Đặng Văn Việt của Đài Việt ngữ SBTN (tại Mỹ) do Phạm Trần thực hiện
Câu1: Nguyên nhân nào làm cho ông thay đổi lập trường và không ủng hộ Đảng Cộng sản nữa?
Trả lời: Tôi tham gia cách mạng từ năm 1943, tham gia đảng từ năm 1948 (65 năm tuổi đảng, lão thành Cách mạng), qua nhiều lĩnh vực công tác: quân sự, chính trị, văn hoá, kinh tế… Đánh hàng trăm trận (thắng 116/120 trận), vào sinh ra tử hàng trăm lần, bị thương 5 lần, chết hụt 30 lần, vì sự nghiệp của đất nước, dân tộc và Đảng Cộng sản.
                            => Yes! Đây cùng là một tâm trạng 
Lập trường của tôi trước sau như một, đó là lập trường của một cuộc đời cách mạng, phấn đấu cùng toàn dân giành lại độc lập thống nhất đất nước từ tay đế quốc, phong kiến; xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, văn minh, dân chủ, đoàn kết trong và ngoài nước. Đó là lập trường của một người làm cách mạng, tôi không có lập trường nào khác và cho đến nay, trước sau như một không bao giờ có thay đổi.
Cụ Đặng Văn Việt - 94 tuổi
 Còn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi là một đảng viên kỳ cựu. Tôi tham gia cách mạng vì muốn giải phóng dân tộc. Đảng hô hào đấu tranh giải phóng dân tộc là điều hợp với nguyện vọng cá nhân, nên tôi tham gia Việt Minh không một chút suy nghĩ; sau đó làm chỉ huy trưởng Mặt trận Đường số 4. Đảng mời tôi tham gia Đảng, tôi đồng ý vì mục tiêu của Đảng Cộng sản lúc bấy giờ với tôi là phù hợp, không có gì mâu thuẫn. Thái độ của tôi trong quá trình trưởng thành là:
- Ủng hộ những cái hay cái đúng của nhà nước Cộng sản: chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng một nước Việt nam giàu mạnh – công bằng – văn minh – dân chủ – đoàn kết.
- Không ủng hộ nhà nước Cộng sản, Đảng Cộng sản về những cái gì làm không đúng, hại dân, hại nước, đường lối chính trị theo quan điểm Mác-Lênin lấy đấu tranh giai cấp làm động lực thúc đẩy xã hội tiến lên, chủ nghĩa lý lịch, chủ nghĩa thành phần, bè cánh, hẹp hòi, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng gây nên bao sự bất công, làm khổ cực nhiều người, hạn chế tự do, dân chủ, chủ quyền của công dân, vi phạm pháp luật của một nhà nước công bằng văn minh.
Tôi chống những sai lầm để sự lãnh đạo của Đảng ngày càng sáng suốt đi vào lòng dân, hợp với quy luật phát triển của xã hội, để làm tăng uy tín của Đảng và duy trì được sự lãnh đạo của Đảng.
Cần phải hiểu thế nào cho đúng xây dựng Đảng, thế nào là chống Đảng.
Câu 2: Bỏ Điều 4 có lợi gì?
Trả lời: Quản lý một đất nước đứng đầu nước nào cũng có Tổng thống, Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội.
Một nhóm người tụ tập lại theo một tôn chỉ mục đích chính trị riêng, thành một đảng, đảng ấy dù to nhỏ, mạnh đến đâu cũng không thể đặt ra một điều luật (Điều 4) khiến cho nó thành một tổ chức trên cả Chính phủ, trên cả Quốc hội, trên cả Nhân dân. Bộ Chính trị của cái đảng ấy gồm 13-14 người có quyền cao hơn tất cả các bộ, cả Chủ tịch nước, cả Thủ tướng. Trên thế giới này chỉ có Việt Nam là nước độc nhất có Điều 4 cho nên mọi việc quyết định cuối cùng đều do Đảng, do Bộ Chính trị. Ở Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội, Toà án chỉ là hình thức không có luật nào ngoài luật của 14 uỷ viên Bộ Chính trị. Đó là nguồn gốc của mọi việc vô chính phủ, vô pháp luật. May sao thế giới chỉ có một Việt Nam, nếu tất cả đều theo Việt Nam thì thế giới sẽ đại loạn.
Điều 4 là chỗ dựa cho chế độ đặc quyền đặc lợi, là cái ô che chở cho bọn cơ hội lộng quyền, là cái ung nhọt đẻ ra các tế bào ung thư tham nhũng, bệnh ung thư tham nhũng tự do phát triển làm suy sụp nền kinh tế quốc dân, làm suy thoái nền văn hoá xã hội của cả nước, làm sụp đổ uy tín của đảng lãnh đạo, kéo theo sự sụp đổ của chế độ.
Vì vậy những người lãnh đạo cộng sản cần thấy cái nguyên nhân sụp đổ có nguồn gốc từ Điều 4, tự mình nhổ cái nọc độc Điều 4 đi, nếu không vô hình chung tự đi vào con đường cáo chung mà không ai cứu vãn được.
Câu 3: Kể lại một vài vụ tham nhũng lớn có sự can thiệp của Bộ Chính trị?
Trả lời: Tôi đã về hưu lâu, không ở trong guồng máy làm việc của nhà nước nên không được sát với thời sự, thời cuộc. Các bạn cứ theo dõi các vụ Vinashin, Vinalines sẽ thấy bao nhiêu thất thoát nhưng có mấy ai bị xử phạt rõ ràng đâu. Gần đây nhất Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng báo cáo trước Quốc hội là Bộ Chính trị họp kiểm điểm trong việc lãnh đạo đất nước vì có nhiều sai sót, sơ suất, ngân quỹ quốc gia bị thâm hụt hàng 1-2 triệu tỷ đồng, Hàng ngàn xí nghiệp quốc doanh bị phá sản, Bộ Chính trị xin nhận khuyết điểm trước Chính phủ, Quốc hội, Nhân dân và xin sẵn sàng nhận kỷ luật. Một đồng chí phụ trách chính trong việc điều hành đất nước xin nhận khuyết điểm và nhận kỷ luật trước nhà nước, trước nhân dân. Nhưng khi Hội nghị Trung ương lại quyết định tha hết, không ai bị kỷ luật cả.
Đã không công bố thì không ai biết, nhưng công bố rõ ràng rồi quyết định tha bổng, thì rõ ràng là luật đảng trên tất cả mọi thứ pháp luật khác, làm cho toàn dân bàng hoàng ngơ ngác, không thấy đâu là nhà nước pháp quyền, đâu là công lý.
Câu 4: Việc đường lối lấy dân làm gốc, hay lấy Mác-Lênin làm gốc, đấu tranh giai cấp làm gốc, Bộ Chính trị làm gốc?
Trả lời: Trong lịch sử 4000 ngàn năm của dân tộc Việt Nam, ta bị hơn 20 lần xâm lược bởi các cường quốc mạnh nhất nhì của thế giới. Hơn 20 lần Việt Nam đánh đuổi được quân xâm lược ra khỏi bờ cõi là nhờ sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc. Phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc là bài học số 1 của phép giữ nước và dựng nước của tổ tiên ta để lại từ ngàn xưa.
Qua các thời đại đều vậy. Nay đến thời đại cộng sản cũng vậy. Lúc nào cộng sản yếu thì áp dụng lấy dân làm gốc, như Hồ Chí Minh đã áp dụng trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Một khi Việt Minh hơi mạnh lên, tư tưởng Mác-Lênin trỗi dậy, thì Việt Minh cộng sản quên lấy dân làm gốc. Mỗi lần đem quan điểm giai cấp vào cách mạng Việt Nam là một lần bị thất bại (như trong Xô viết Nghệ Tĩnh, trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo công thương, 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội sau năm 1975… đều thất bại cả). Tư tưởng Mác-Lê nin có lúc lắng xuống để che giấu nhân dân, nhưng nó vẫn ngấm ngầm tồn tại, nó bắt nguồn từ thời Trần Phú chứ không phải mới gần đây.
Qua bao thất bại Đảng Cộng sản Việt Nam đáng lẽ phải tuyên bố từ bỏ tư tưởng Mác-Lênin hay chí ít cũng phải tuyên bố vận dụng tư tưởng Mác-Lênin có chọn lọc.
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước vào công tác lãnh đạo đã tuyên bố kiên trì đường lối Mác-Lênin gây nên một thất vọng ngao ngán trong toàn nhân dân Việt Nam.
Đảng Cộng sản tuyên bố kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin tức là vẫn giữ nguyên những nguồn gốc những thất bại và xa rời việc lấy dân làm gốc. Tôi cho đây là một sai lầm nghiêm trọng.
Trong cuộc trưng cầu dân ý lần này chúng ta sẽ thấy rõ hàng chục triệu ý kiến đóng góp cho sửa đổi hiến pháp nếu Đảng Cộng sản chỉ chấp nhận 5-10% thì rõ ràng Đảng không lấy dân làm gốc, coi dân tộc Việt Nam toàn là những người ngu dốt. Chủ nghĩa Mác-Lênin mới là bó đuốc soi sáng cho bước đường chính trị của Đảng và Bộ Chính trị (gồm 13-14 người) là những người tự xem là thông minh nhất của dân tộc Việt Nam.
Câu 5: Có phải chống lại bản dự thảo hiến pháp sửa đổi 1992 hay không?
Trả lời: Lúc này Đảng và nhà nước yêu cầu mọi người dân góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp. Là một đảng viên lâu năm, vào sinh ra tử chiến đấu cho một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, văn minh, dân chủ, đoàn kết, tôi thấy cần phải có những thay đổi trong Hiến pháp, thay đổi đường lối lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Góp ý đúng thì theo, không đúng thì không theo, nếu có những ý kiến khác thì phải nghiên cứu tìm ra chân lý. Những người lãnh đạo phải là những người thông minh biết lắng nghe ý kiến của quần chúng. Nếu chỉ là những kẻ không chịu lắng nghe thì thật là bất hạnh cho một dân tộc anh hùng như dân tộc Việt Nam ta.
Câu 6: Về thế lực bành trướng phương Bắc.
Trả lời: Phải nói mọi việc đều có nhân quả; nước Việt Nam ta ở cạnh một nước lớn là Trung Hoa, đã hơn 20 lần bị ngoại xâm thì 16 -17 lần do Đại Hán Trung Quốc. Tư tưởng Đại Hán xâm lược là một tư tưởng truyền kiếp của nước láng giềng Trung Hoa.
Phải nói nguồn gốc của mọi cuộc chiến tranh hầu hết bắt nguồn từ xâm chiếm nguồn tài nguyên, ở đâu có nhiều tài nguyên ở đấy hay xảy ra tranh chấp và xảy ra chiến tranh:
- Á châu: Mãn Châu, Indonesia, Việt Nam….
- Âu châu: Ruhr Rhénanie, AlsaceLorraine.
- Trung Cận Đông: Iran, Iraq…
Nước Việt Nam ta hiện nay có vùng biển giàu có về dầu khí, cho nên trở thành mục tiêu chú ý của nhiều nước trên thế giới.
Tư tưởng Đại Hán muốn xâm chiếm vùng biển của Việt Nam và các nước Đông Nam Á chỉ vì muốn chiếm nguồn tài nguyên, con đường xâm chiếm mặt biển hiện nay là dễ nhất. Trung Quốc có hải quân mạnh, dựa vào thế mạnh đó để uy hiếp Việt Nam.
Kết hợp với truyền thống và thực tế đó, việc Trung Quốc lấn chiếm biển như đã từng xảy ra và sẽ còn xảy ra.
Nhưng Việt Nam ta có một bề dày lịch sử rất lớn về chống xâm lược, ta chỉ cần có đầu óc vận dụng những bài học mà tổ tiên đã để lại là có thể ngăn chặn được. Hoàn cảnh nay đã khác xưa, cần biết vận dụng thích hợp.
- Về vũ khí ta có thể có nhiều vũ khí hiện đại để lấy yếu đánh mạnh.
- Về quan hệ quốc tế ta có khối ASEAN, ta có Liên Hợp Quốc, ta tìm đồng minh mạnh từ các nước yêu chuộng hoà bình và công lý.
Riêng tôi đã từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, đã từng đánh Quốc dân đảng, giúp cách mạng Trung Quốc giải phóng một phần Hoa Nam. Trung Quốc cũng đã từng giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi luôn nghĩ đến tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, cần tôn trọng và không xâm phạm lẫn nhau. Nhưng nếu bất hạnh mà xảy ra xung đột và xâm lăng, dù tuổi cao sức yếu tôi vẫn sẵn sàng trở lại cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Cụ Đặng Văn Việt
---------------
Nguồn: E.Mail From: Ng NKinh, nguyenvanluat, tovantruong…/ Xem tin gốc /


Copy từ: Bùi Văn Bồng

Bỏ ruộng thôi, nông dân ơi!



Hoàng Kim (Đồng Tháp)

“Đừng nói lời lãi lúc này. Hãy trả lời câu hỏi là muốn bán hay để lúa lại cho vịt ăn?”. (1)

Đó là phát biểu xanh dờn của ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực Miền Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kẻ mà từ trước đến nay luôn đem bán gạo của nông dân với giá thấp nhất so với 4 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất là Thái Lan, Hoa Kỳ, Ấn độ và Pakistan, nhưng lãnh lương gần 1 tỷ bạc mỗi năm, khi được hỏi mua lúa tạm trữ vụ hè thu 2013 không đạt được mức lời 30% cho nông dân.
“Trong lần tạm trữ này, các doanh nghiệp sẽ hoàn toàn mua theo giá thị trường, nghĩa là không có giá sàn để đảm bảo nông dân lãi tối thiểu 30% như trước đây. Ông Trương Thanh Phong cho hay với tình hình xuất khẩu quá khó khăn trong khi sản lượng lúa gạo lại vẫn quá nhiều, thì trong vụ hè thu này, mục tiêu đề ra là làm sao tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa của nông dân và đảm bảo cho nông dân không bị thua lỗ.”. (2)
Lời 30% so với giá thành là một mức lời chết đói, mức lời này được ấn định trong Nghị Quyết số 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhằm mục đích bảo đảm nông dân sống thoi thóp, thắt lưng buộc bụng mà sản xuất tiếp chớ đừng bỏ ruộng. (3)
Lời 30% là một mức lời chết đói, vậy mà, Chính phủ và doanh nhân số 1 của Chính phủ là ông Trương Thanh Phong – người ăn lương cả tỷ bạc một năm – làm hổng được.
Có lẽ, bà con nông dân mình vẫn hy vọng Chính phủ sẽ nâng cao giá lúa cho mình vào năm tới, nhưng thưa bà con:
Từ trước đến nay, VFA luôn bán gạo với giá thấp nhất thế giới, vậy mà chưa bao giờ nghe Chính phủ có một cuộc hợp nào nhằm nâng cao giá bán gạo trên thị trường thế giới. Khi lúa bán không được, giá rẻ như bèo, Chính phủ chỉ làm một việc đơn giản là ký đồng ý cho VFA mua lúa tạm trữ với giá rẻ mạt.
Bảng xuất khẩu gạo ngày 6/6 của Gafin Online dưới đây cho chúng ta thấy giá gạo thấp tệ hại của Việt Nam so với ba nước Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. (4)

Trước đây, người ta tuyên bố mua lúa, gạo tạm trữ đảm bảo cho nông dân lời 30% so với giá thành như Nghị Quyết về an ninh lương thực quốc gia, nhưng nay người ta nói mua lúa với giá thị trường miễn sao nông dân không lỗ là được.
Nghị Quyết về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia do chính ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 23/12/2009, vậy mà, giờ đây, người ta làm như chẳng có khi tuyên bố chỉ mua lúa với giá nông dân không bị lỗ là xong.
Nghị Quyết do đích thân ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký mà giá trị như tấm giấy lộn chẳng ai thèm thực hiện, thì nông dân chúng ta còn trông mong gì được ở Chính phủ này nâng giá lúa cao lên.
Nghị Quyết do đích thân ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký mà giá trị như tấm giấy lộn, thì trong những năm tới nông dân chúng ta chắc cũng sẽ bán lúa hòa vốn tiếp.
Bán lúa chỉ hòa vốn, nông dân chúng ta buộc phải cạp đất mà ăn.
Bán lúa hòa vốn, vậy nông dân chúng ta làm lúa để làm gì?
Bán lúa hòa vốn, vậy để vợ làm một, hai công đủ lúa ăn cho gia đình, còn đàn ông thì dắt con lên Bình Dương làm thuê làm mướn còn sướng hơn.
Nào, bà con nông dân ơi, bỏ ruộng thôi, chúng ta cùng nhau lên Bình Dương làm mướn, nếu không chắc phải cạp đất mà ăn.
H. K.
(1)        Dân Việt Online, bài “Chủ tịch VFA: Đừng nói lời lãi lúc này”.  http://danviet.vn/141151p1c25/chu-tich-vfa-dung-noi-toi-loi-lai-luc-nay!.htm
(2)        Nongnghiep.vn, bài  “Ê chề lúa gạo”.  http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/111051/e-che-lua-gao.aspx
(3)        Chinhphu.vn. http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=509&mode=detail&document_id=92364
(4)        http://gafin.vn/20130606092553161p39c48/tong-hop-tin-thi-truong-gao-the-gioi-ngay-6-6.htm
Tác giả gửi trực tiếp cho : Bauxite Việt Nam

Đòn tưởng là độc của kẻ tập sự lưu manh


Phạm Toàn
Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà chuyển cho tôi bức thư đăng bên dưới đây có tiêu đề “Đòn độc của luật sư Nguyễn Dương Hà”, và hỏi tôi “Thế là thế nào”? Tôi đọc lướt vài dòng và tặc lưỡi bảo Dương Hà “Chỉ là một đòn tưởng là độc của kẻ tập sự lưu manh đấy thôi, Dương Hà đừng bận tâm”.
Kẻ tập sự đó hí hửng thấy Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, và hắn mong cho Hà Vũ sớm bị chết, nhưng vì theo dõi mãi vẫn chưa thấy Hà Vũ chết, nên y cầu mong cho Cù Huy Hà Vũ sớm chết.
Kẻ tập sự lưu manh đã bộc lộ hết bản chất của cái hệ thống coi thường tính mạng người dân. Khinh thường tính mạng người dân đấy, nhưng chúng vẫn tìm mọi cách để người tuyệt thực phải sống. Bằng cách nào? Dễ như bỡn! Bọn chúng sẽ lẳng lặng làm công việc sau với những người tuyệt thực như Cù Huy Hà Vũ và Lê Quốc Quân: chúng đè người tù tuyệt thực ra, cắm “xông” vào mũi, đưa vòi xuống dạ dầy, và bơm sữa vào, bắt người tuyệt thực phải ăn, cấm người tuyệt thực không được chết. Ngón nghề này đã có từ thời Hitler, từ thời Stalin, và có khó khăn gì cho bọn đàn em học và áp dụng?
Kẻ tập sự lưu manh đừng hỏi vì sao Hà Vũ và Quân chưa chết, hoặc không chết. Hãy mở to mắt ngạc nhiên trước diễn biến trong tâm lý của những người tù lương tâm ấy: sau nhiều ngày tuyệt thực, họ sẽ nhận ra một điều đơn sơ mà quan trọng này: ở nhỉ, sao mạng sống quý giá của mình, sao tài năng và tâm hồn mình lại đem ra so đọ với mạng sống vật vờ của vài ba triệu kẻ đê hèn tạo thành “bộ phận không nhỏ” khiến thủ lĩnh của chúng mất ăn mất ngủ? Và người tù tuyệt thực bỗng nhận ra một điều vô cùng thiêng liêng: Ta phải sống! Nhân dân bắt ta phải sống! Tương lai dân tộc bắt ta phải sống!
Kẻ tập sự lưu manh hí hửng ghi chức danh “tập sự” bên dưới lá thư. Tâng công để sớm lọt vào ngạch lưu manh? Bày tỏ hết phẩm chất chó má những mong giảm bớt khoản tiền đút lót cho mau qua khung cửa hẹp mang tên tuyển dụng nội vụ?
Gì thì gì, qua lọt cửa đó, tên thẩm phán ấy hoặc tên mõ tòa ấy có cố công cố sức tới đâu thì cũng chỉ đạt trình độ kẻ xướng ngôn vài ba bản án bỏ túi là cùng. Những Hải Điếu cày và Đoàn Văn Vươn, những Phương Uyên và Nguyên Kha, những Việt Khang và Trần Huỳnh Duy Thức… kể cả họ có bị đày đọa cho chết rồi, thì tinh thần của họ vẫn ngời ngời trên con đường chông gai dẫn tới Hòa Giải Hòa Hợp dân tộc, trên con đường đầm đìa mồ hôi và máu và nước mắt dẫn tới Dân Chủ Hóa đất nước, và con đường ngát hương Chấn Hưng nền Văn Hóa của dân tộc.
Mời bạn cất công đọc lá thư thê thảm của một người trẻ tuổi đang làm luật sư tập sự, và hãy nghĩ rằng đó không hề tiêu biểu cho tinh thần của thanh niên Việt Nam! Tôi dám lấy tính mạng mình ra đặt cược rằng mình không nghĩ sai!
P. T.
Đòn độc của luật sư Nguyễn Dương Hà
Kể từ khi luật sư Cù Huy Hà Vũ bị bắt cuối năm 2010 đến nay, đã thấy quá  nhiều ở gia đình ông luật sư này, nhất là bà vợ luật sư Dương Hà nhiều lần khởi kiện các cơ quan pháp luật liên quan việc bắt giam, xét xử và thi hành bản án với ông Vũ, nhưng các đơn từ này đều bị lãng quên theo thời gian, không biết tính đúng sai của việc khởi kiện thế nào mà cơ quan có trách nhiệm của nhà nước không giải quyết, những người có tên (thật thì ít mà ảo thì nhiều) trong danh sách đòi trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ ngày nào giờ cũng quên mất anh Vũ hay sao mà chả thấy lên tiếng bênh vực gì; có lẽ với tài nghệ thiên biến vạn hóa của nghề luật sư đã cho Dương Hà thấy sự kém hiệu quả của việc kiện cáo và chị đã ra một đòn cực độc đó là bức thư gần giống kiểu thư “Tuyệt mệnh’ của ông Vũ được phát đi từ trại giam Thanh Hóa ngày 01/6/2013.
Đọc bức thư “Tuyệt mệnh” của ông Vũ thoáng qua thấy thật cảm động với biết bao sự biết ơn, cảm ơn đối với anh em, bạn bè, gia đình và những ấp ủ mà anh chưa làm được mong muốn gửi gắm, truyền lại cho thế hệ mai sau, nhưng suy xét kỹ từ đơn khởi kiện của Dương Hà ngày 27/5/2013 đến bức thư của Cù Huy Hà Vũ ngày tết thiếu nhi 01/6/2013 thấy còn nhiều suy nghĩ thật ngô nghê, thiếu chín chắn, ngộ nhận mà không hiểu sao lại được phát tiết từ một người đang ở độ tuổi chín muồi của nhận thức và hành động như Dương Hà.
Là một luật sư, Dương Hà thừa biết quy định của pháp luật trong việc thăm nuôi phạm nhân, tại Điều 3- Thông tư số 46/2011/TT-BCA ngày 30/6/2011 quy định “...., Phạm nhân chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng trong nhà thăm gặp không quá 24 giờ”, trong khi Cù Huy Hà Vũ chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì sao có thể đòi hỏi chế độ thăm gặp 24 h, pháp luật ban hành để điều chỉnh chung mọi công dân trong xã hội chứ không cho riêng gia đình ông luật sư mang danh có truyền thống cách mạng. Nếu vì bức xúc vấn đề tình cảm vợ chồng lâu ngày không được gần gũi thì Dương Hà hãy động viên chồng mình chấp hành nội quy cải tạo đi, còn việc kiện cáo bản án là để gửi tới các cơ quan tố tụng của tòa án, viện kiểm sát chứ đâu phải ở trại giam, cứ hết án về nhà rồi lại kiện cáo tiếp vẫn chưa muộn mà. Ngoài ra, Dương Hà còn cho biết một số đồ tiếp tế đúng quy định nhưng trại giam không cho gửi vào, vậy cụ thể là đồ gì, hãy cho biết cụ thể để bà con nghiên cứu luật pháp rồi lên tiếng đấu tranh giùm cho.
Lướt qua internet, tìm kiếm vài hình ảnh của anh Vũ gần đây nhất là hình ảnh vợ chồng ông Vũ cặp kè đi bên nhau khá thoải mái, rất tình tứ trong khuôn viên trại giam Thanh Hóa vào ngày 25/02/ 2012 (http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/i-tham-cu-huy-ha-vu.html), thấy anh Vũ nhà ta trông khá khỏe mạnh, béo tốt chứng tỏ được ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ mới có hình ảnh đẹp như vậy; thế mà đùng một cái anh Vũ và vợ lại loan tin bị đối xử, cố ý hãm hại tính mạng, mà cũng thấy lạ việc anh béo Vũ với tiền sử bệnh tim và cao huyết áp mà tuyệt thực đến gần 10 ngày qua mà vẫn trụ được thì quả là hiện tượng lạ, quái nhân đất Việt.
Từ khi bức thư “tuyệt mệnh” của quái nhân Cù Huy Hà Vũ phát đi, cũng thấy lạ là các tổ chức nhân quyền quốc tế, giới blog và các nhà dân chủ trong nước đến giờ cũng chưa thấy có động tĩnh,phản ứng gì trước lời kêu gọi của Dương Hà, phải chăng họ đã bắt thóp được âm mưu của vợ chồng tay luật sư là cố tình tạo scandal để duy trì tên tuổi của Vũ chờ đến ngày ra trại để tiếp tục là “ngọn cờ” lãnh đạo phong trào dân chủ trong nước, để tên tuổi Cù Huy Hà Vũ luôn hiện hữu trên không gian mạng internet. Chúng ta chắc chắn sẽ chờ đón một Cù Huy Hà Vũ khỏe mạnh, béo tốt đến ngày về với đời sống tự do ngoài xã hội, nhưng hãy thận trọng những suy nghĩ, hành động và phản ứng trước những quái chiêu của Dương Hà.
Luật sư tập sự Lâm Đức, Hà Nội – ngày 05/6/2013


Copy từ: Bauxite Việt Nam

Nên bỏ quy định thu hồi đất vì mục đích kinh tế

Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992:

Nên bỏ quy định thu hồi đất vì mục đích kinh tế

(Dân Việt) - Ngày 4.6, ngày thứ hai các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Bên cạnh việc tiếp tục bày tỏ sự đồng tình cao về việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, nhiều đại biểu đã nêu quan điểm về các thành phần kinh tế được hiến định, những quy định khi Nhà nước thu hồi đất…
Một vụ cưỡng chế thu hồi đất cho dự án xây dựng khu chung cư cao tầng ở huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Cần xem xét giá trị bồi hoàn khi thu hồi đất
Hầu hết ý kiến các đại biểu góp ý về Điều 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đều nhất trí quy định quyền sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là chủ thể được toàn dân giao quyền sở hữu. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Thanh (Vĩnh Long) bày tỏ: Tôi chưa yên tâm theo lý giải của ban soạn thảo, đề nghị cần định chế rõ hơn quy định quyền sử dụng đất như quyền tài sản được pháp luật quy định nhằm đảm bảo thống nhất và tin tưởng trong nhân dân.
Đại biểu Quảng Thị Nguyên (Sơn La) cho rằng: Nhà nước thu hồi đất vì các mục tiêu quốc phòng, an ninh, kinh tế đều phải bồi thường theo luật định. “Cần cân nhắc quy định thu hồi đất vì các mục đích kinh tế và phải bồi thường công khai, minh bạch, công bằng và được người thu hồi đất chấp nhận. “Cần xem xét giá trị bồi hoàn, nhằm tránh sự xung đột quyền lợi và khiếu kiện trong dân” - đại biểu Nguyên nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu trên, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về việc Nhà nước tiến hành thu hồi đất trong một số trường hợp. Cách thức được nhiều đại biểu đề nghị là đối với các dự án phát triển kinh tế, Nhà nước cần đứng ra thu hồi, sau đó tổ chức đấu thầu cho các doanh nghiệp. Phần chênh lệch giữa giá thu hồi đất và giá đấu thầu được, Nhà nước điều tiết, sử dụng vào chính sách tái thiết hạ tầng cơ sở. Đặc biệt, cần thống nhất những quy định trong Hiến pháp với Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đại biểu Ngô Văn Minh (TP.HCM) cho rằng, việc thu hồi đất được đền bù công khai, minh bạch, công bằng là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ông và nhiều đại biểu băn khoăn khi dự thảo đưa tiêu chí thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội. Trong lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao gồm lợi ích kinh tế của Nhà nước rồi thì không cần phải có mục tiêu thu hồi vì mục đích kinh tế nữa.
Chính quyền nông thôn và đô thị phải khác nhau
Xung quanh nội dung về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, các ý kiến đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn khi chúng ta để kéo dài thí điểm, chậm tổng kết thực tiễn sẽ không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, của sự đổi mới. Sự chậm trễ đến mức nào đó có thể dẫn đến cản trở và kìm hãm sự phát triển.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng: Cần nghiên cứu về mô hình chính quyền địa phương, nhằm xây dựng một mô hình của chính quyền địa phương tinh gọn, có hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành xã hội và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Về vấn đề sở hữu đất đai, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng cần làm rõ vấn đề nhà nước làm chủ sở hữu. Nhà nước ở đây là ai? Không thể là nhà nước nói chung.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) băn khoăn là lâu nay chúng ta chưa phân biệt mô hình nông thôn và đô thị. Cụ thể, 20 năm qua chưa nghiên cứu được mô hình nào mang tính đột phá, bứt phá. Nhiều đơn vị nông thôn khó khăn về mặt địa hình, vị trí... nhưng họ vẫn phải cùng chung chính sách với các đô thị. Như vậy là rất bất cập trong việc thực hiện các chính sách, hợp pháp thì không hợp lý, mà hợp lý thì không hợp pháp. “Ví dụ như tình trạng xé rào ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Bắc Ninh, không tuyển dụng người có bằng tại chức ở Đà Nẵng… Đây là thời điểm hợp lý để có thể có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn”- đại biểu Nga góp ý.
Có ý kiến đại biểu nhận định: Chính quyền nông thôn, mà cụ thể là HĐND, càng xuống địa phương càng yếu. Đó là do chúng ta giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương (HĐND cấp xã) những việc quá nặng nề, khó thực hiện. Chính vì vậy cần phải sớm tiến hành tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm để đưa ra kết luận trước phiên thảo luận về Hiến pháp sửa đổi kỳ họp tới.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng: “Nếu xóa bỏ HĐND các cấp thì sẽ xóa bỏ quyền tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương. Trên thực tế cho thấy, kết quả giám sát của HĐND các cấp thì cấp xã và huyện lại có hiệu quả cao hơn cấp tỉnh. Như vậy, nếu chúng ta định xóa bỏ 2 HĐND cấp xã và huyện thì ai sẽ là người đại diện để nói cho tiếng nói của nhân dân nếu bị lấn át”.


Copy từ: Dân Việt

Hãy nghe đại địa chủ thời nay nói: Đừng nói lời lãi lúc này. Hãy trả lời câu hỏi là muốn bán hay để lúa lại cho vịt ăn?

Chủ tịch VFA: Đừng nói tới lời lãi lúc này!

(Dân Việt) - Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nói như vậy tại cuộc họp báo về tình hình xuất khẩu gạo tháng 5 do VFA tổ chức sáng 4.6 ở TP.HCM.

 Ông Trương Thanh Phong
Giá xuất khẩu gạo Việt Nam đang ở mức thấp nhất từ 2008 trở lại đây, giá thu mua lúa gạo trong nước cũng tương tự. Vậy kế hoạch tiêu thụ lúa hè thu sắp tới cho nông dân như thế nào, thưa ông?
- Chưa có văn bản chính thức nhưng trong cuộc họp mới đây với các bộ, ngành có liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định sẽ thực hiện tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, thời gian bắt đầu từ 15.6 đến 31.7. Tuy nhiên, hiện tại Bộ Tài chính chỉ mới công bố mức giá thành sản xuất vụ hè thu 2013 vùng ĐBSCL ở mức 4.142 đồng/kg, chứ vẫn chưa công bố giá thu mua định hướng cho vụ hè thu sắp tới. Cũng có thể sẽ phải chấp nhận thu mua theo giá thị trường.
Thu mua theo giá thị trường nghĩa là sẽ thu mua lúa với giá thấp. Lúc đó nông dân sẽ không đảm bảo được mức lãi định hướng 30% ?
- Đừng nói lời lãi lúc này. Hãy trả lời câu hỏi là muốn bán hay để lúa lại cho vịt ăn? Chỉ có hai con đường, hoặc là bán giá thấp để tiêu thụ lúa, hoặc là ôm giữ trong kho, chờ giá lên. Mà giữ lúa lại, khi vào vụ hè thu, DN không biết làm gì cho hết lúa. Trong thời gian tới, VFA sẽ đẩy mạnh bán gạo ra, chấp nhận bán lỗ để chuẩn bị cho vụ hè thu tới. Một khi lượng gạo xuất khẩu tăng, giá thu mua lúa trong nước cũng sẽ nhích lên theo. VFA cũng vừa điều chỉnh giá sàn xuất khẩu theo hướng giảm nhẹ, tạo điều kiện tốt nhất cho DN xuất hàng.
Trong cuộc họp bàn tạm trữ tại Cần Thơ do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đề xuất thời gian thu mua tạm trữ dài 60 ngày, từ 15.6 đến 15.8 - là thời điểm thu hoạch hè thu rộ tại ĐBSCL. Tại sao đến nay, thời gian tạm trữ chỉ còn tới 31.7?
- Mục tiêu của tạm trữ là để giữ giá và kích tăng giá thu mua trong nước tăng lên. Tạm trữ cũng chỉ là biện pháp xử lý tình huống trong lúc giá giảm sâu so với giá định hướng. Thực hiện tạm trữ phải làm trong thời gian ngắn mới có thể giữ được giá, vì nếu kéo dài đến 2 tháng, các DN sẽ thu mua cách rề rà, không thể tạo đòn bẩy kích giá lên được.
Theo dự báo, từ tháng 7 trở đi, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khá hơn do nhiều thị trường truyền thống quay lại nhập khẩu gạo. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do thông tin gạo nhiễm độc đang lan tràn tại nước này. Do đó, VFA hy vọng khi bước vào thu hoạch chính vụ hè thu sắp tới, nông dân ĐBSCL sẽ thuận lợi hơn trong tiêu thụ lúa hàng hóa.


Copy từ: Dân Việt

Nợ xấu vẫn tăng

Ngân hàng Nhà nước cho rằng các giải pháp xử lý nợ xấu vừa qua đã đạt kết quả bước đầu quan trọng nhưng cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại 2 kỳ trước của QH khóa XIII.
Nợ xấu tăng 18.700 tỉ đồng
Trong báo cáo này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết tín dụng đã tăng trưởng đáng khích lệ, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 5-2013, dư nợ tín dụng tăng  2,98% so với cuối năm 2012 (đến cuối quý II/2012, tín dụng mới tăng trưởng dương so với cuối năm 2011). Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự tin: “Đã có những tín hiệu để bảo đảm cả năm tăng trưởng tín dụng đạt mức 12%”.
Thống đốc cũng cho biết theo báo cáo của các tổ chức tín dụng  (TCTD), đến cuối tháng 4-2013, tổng nợ xấu toàn hệ thống là 137.100 tỉ đồng, tăng 18.700 tỉ đồng (15,8%) so với cuối năm 2012 (4 tháng đầu năm 2012 nợ xấu tăng 36,2%), tăng bình quân 3,94%/tháng (giảm đáng kể so với tăng 9%/tháng của cùng kỳ năm 2012). Mặc dù tốc độ tăng đã được kiềm chế nhưng tỉ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng vẫn liên tục tăng do tín dụng tăng trưởng chậm. Theo đó, đến cuối tháng 4-2013, tỉ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,67%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng các giải pháp xử lý nợ xấu vừa qua đã đạt kết quả bước đầu quan trọng nhưng cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như chủ yếu là do các TCTD tự xử lý nợ xấu. “Nếu các biện pháp tự xử lý nợ xấu của các TCTD và cơ cấu lại nợ không được hỗ trợ tích cực thì nợ xấu tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh” - ông Bình lo ngại.
Bốn NH đang hoàn thiện phương án tái cơ cấu
Cũng theo báo cáo của NHNN, thực hiện lộ trình cơ cấu lại hệ thống TCTD, NHNN đã cơ bản kiểm soát được tình hình của 9 NH thương mại cổ phần (TMCP) yếu kém. Sau khi hợp nhất từ 3 NH yếu kém, NH TMCP Sài Gòn (SCB) đã có tiến triển tích cực. Sáu NH TMCP yếu kém còn lại đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương phương án tái cơ cấu, trong đó NH TMCP Tiên Phong và NH TMCP Nhà Hà Nội đang triển khai dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Bốn NH TMCP còn lại đang hoàn thiện phương án tái cơ cấu.
Theo NHNN, đến nay, đã hoàn thành căn bản việc cổ phần hóa các NH TMNN, trừ NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại NH này cùng với các công ty trực thuộc, bao gồm cả Công ty Cho thuê tài chính II. Ngoài ra, NHNN đang triển khai cơ cấu lại một số NH liên doanh như sáp nhập NH Liên doanh Shinhanvina vào NH Shinhan Việt Nam; NH Liên doanh Việt Nga đã trình NHNN phương án tái cơ cấu. Một số NH liên doanh chưa đáp ứng vốn điều lệ theo quy định đã được NHNN báo cáo Thủ tướng và đề xuất phương án để xử lý cụ thể.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận một số khó khăn trong quá trình triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý NH TMCP yếu kém là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, do quyền lợi cá nhân, một số cổ đông lớn đã thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của NHNN, gây thêm khó khăn cho quá trình cơ cấu lại các NH này…
Thanh tra toàn diện các TCTD
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết năm 2013, NHNN tiếp tục thanh tra toàn diện các TCTD, đặc biệt là những nơi có biểu hiện kém an toàn, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chưa được thanh tra trong 3 năm gần đây. Theo đó, sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trần lãi suất huy động, quản lý ngoại hối, quản lý hoạt động kinh doanh vàng...
BẢO TRÂN


Copy từ: Người Lao Động

Lần đầu thăm nuôi Trương Duy Nhất



Phạm Xuân Nguyên 
Trương Duy Nhất bị bắt ngày 26/5/2013 đến nay vừa đúng hai tuần. Xung quanh chuyện anh bị bắt, có nhiều giả thiết, phỏng đoán về nguyên nhân đã được đưa ra, cố nhiên là đều tập trung vào trang web “Một góc nhìn khác” của anh, nhiều người cho nguyên nhân trực tiếp vụ bắt này là từ cuộc “Bỏ phiếu cùng Quốc Hội” anh tiến hành trên trang của mình.

Hôm nay (10/6/2013) Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 5 tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh cấp cao do Quốc Hội bầu và phê chuẩn, một hoạt động lần đầu tiên của cơ quan lập pháp cao nhất sau 68 năm nền dân chủ cộng hòa trên lãnh thổ Việt Nam. Dưới đây là hai đoạn ghi chép của tôi khi hay tin Nhất bị bắt và khi đưa con gái Nhất tìm nơi thăm ba ở Hà Nội. Theo lịch thăm nuôi, ngày 16/6/2013 tới vợ Nhất sẽ ra Hà Nội tiếp tế cho chồng. (Phạm Xuân Nguyên).

Ngày 27/5/2013.

Chập tối qua tôi mới được tin Nhất bị bắt. Gọi điện khắp nơi biết được những tin tức ban đầu. Lo, đó là cảm giác đầu tiên. Tin, đó là ý nghĩ cùng lúc. Đến khi nhìn thấy hình dáng Nhất trên bức ảnh chụp ở sân bay ĐN để "di lý" ra HN tôi yên tâm. Người bạn, người em của tôi sẽ vững vàng trong cơn thử thách này. Anh đã biết chọn "một góc nhìn khác" từ con mắt, trí tuệ và tấm lòng của mình để soi chiếu các vấn đề bức xúc của đất nước, nhân dân hiện nay. Anh thẳng thắn. Anh quyết liệt. Anh cực đoan. Anh công khai. Nhận xét về các nhà lãnh đạo chính quyền các cấp, tại sao không phải là quyền và nghĩa vụ của công dân? Phê phán các nhũng loạn của bộ máy quan liêu trì trệ, xơ cứng, làm khổ nhân dân, tại sao người dân phải e dè, né tránh? "Một góc nhìn khác" của Nhất không chỉ là của riêng anh nữa, nó đã trở thành tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của nhiều người. Anh xứng tên mình Trương Duy Nhất, nhưng tôi tin anh không phải là người duy nhất biết thao thức, trăn trở trước thời cuộc hiện nay của đất nước ở tư cách một công dân, một người viết báo.

Ngày 31/5/2013. 
Lúc 10h tôi đưa cháu Thục Đoan (con gái TDN) đi cùng Thuý là dì cháu (chị của mẹ TĐ, tức là chị vợ TDN) đến 7 Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) là cơ quan điều tra hình sự của Bộ công an. Gõ cửa phòng trực ban không thấy ai. Hai bác cháu đi sâu vào trong thấy một phòng đề số 101 thì bước vào hỏi. Một anh mặc thường phục đang ngồi đối diện với một người bên bàn, trước mặt thấy có cuốn Bộ luật hình sự, nhìn thấy tôi vào liền cất tiếng hỏi. Tôi nói lý do muốn chuyển một ít đồ dùng cho TDN vừa bị bắt ở ĐN ngày 26/5 và chuyển ra HN điều tra. Anh này vội vàng nói bác phải ra phòng trực ban, trong này là nơi làm việc của cơ quan. Tôi nói đã gõ cửa phòng trực ban không thấy ai. Hai bác cháu quay lại phòng trực ban. Một anh mặc quân phục hỏi bác cần gì. Tôi lại nói lý do. Anh ta quay điện hỏi đâu đó có phải đang làm "vụ" TDN không. Sau một lúc trao đổi, anh ta bảo tôi và TĐ là bây giờ các anh ấy đang bận, hai giờ chiều bác quay lại.
Chiều cùng ngày, lúc 14h20, tôi đón TĐ ở Thái Hà trở lại 7 NĐC. Tiếp hai bác cháu là một người mặc đồng phục có biển hiệu ghi tên Nguyễn Văn Đức. Nghe tôi bắt đầu trình bày, Đ ngắt lời, nói có đơn gì không. Tôi hơi ngớ ra, bảo không có đơn gì, chỉ là con gái anh TDN muốn gửi cho bố ít đồ dùng. TĐ bày các thứ đồ ra bàn. Đức gọi máy cho ai đó nói thưa chú, con gái TDN chỉ muốn gửi đồ cho bố, không có đơn gì. Gọi xong, Đ quay qua bảo chú và em cứ chờ đây, xem dưới trại có cho nhận đồ không thì đem xuống. Nói rồi Đ ra khỏi phòng trực ban, dắt xe máy đi.
Một lúc thì có điện thoại ở bàn trực ban và người trực bảo TĐ nghe. Nghe xong cháu cho biết là phải xuống trại giam Thanh Liệt để có thể gửi đồ. Tôi chở cháu về nhà dì ở Thái Hà lấy CMT xong hai bác cháu xuống trại giam TL. Làm thủ tục vào cổng, gõ cửa phòng đề  Đội 1, có một anh trẻ mang quân phục biển hiệu ghi tên Nghiêm Xuân Yêm 335-907 ra tiếp ở phòng tiếp khách. Sau khi hỏi quan hệ, NXY bảo TĐ phải về địa phương làm đơn xin thăm có chứng nhận quan hệ ruột thịt rồi đưa ra nộp ở 7NĐC. Tôi vội nói ngay sự tình từ sáng nay đã bắt đầu ở nơi đó cho đến giờ ở nơi này. Nghe vậy Y cầm CMT của TĐ đi vào, lát sau có một anh khác ra bảo TĐ đi vào trong. Tôi ngồi lại một mình ở phòng tiếp khách.
Lát sau TĐ ra, cầm theo cái sổ thăm nuôi. Cháu bảo chỉ gửi được bộ quần áo và túi bánh rán cho bố, còn cái xịt mũi và cái máy chạy lưng thì phải mang về. Cháu cho biết những lần sau gửi đồ thì chỉ được 7kg, còn tiền thì một triệu trở xuống. Dọc đường về cháu nói chuyện điện thoại với mẹ ở ĐN nói khi nhìn dây phơi quần áo của phạm nhân ở trại chỉ mong thấy cái quần đùi của ba mà không thấy đâu cả.
Tác giả gửi: Quê Choa

Đừng thương dân bằng chót lưỡi đầu môi!


Gò Cỏ May 

“Cây thuôn thuôn, lá thuôn thuôn
Của chung ai dễ khéo tuồn thành riêng”
(Đồng dao thời Hợp tác hóa nông nghiệp)

Hôm nay thấy trên báo Tuổi Trẻ (ở đây) trích lại ý kiến phát biểu tại thảo luận tổ về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi của bác Cả Nghị (Phạm Quang Nghị-BT Thành ủy Hà Nội) khiến những ai nhẹ dạ cả tin đều khấp khởi mừng.
 
Được biết bác Cả Nghị đang là ứng viên nặng ký cho chức Tổng Bí thư khóa tới do bác Cả Trọng giới thiệu. Nên cái thông điệp “Đừng phung phí tiền của dân” không phải là sự ngẫu nhiên mà có. Ta thử nghe bác Nghị đã tỏ ra xót tiền dân thế nào?
.
Xin trích:  Có lần đồng chí Đỗ Mười đến dự một hội nghị cùng với tôi, có người đến định gắn hoa vào ngực thì đồng chí Đỗ Mười kiên quyết không cho gắn. Đồng chí nói với tôi: “Chú Nghị ạ, làm như vậy không được cái gì cả, mà lãng phí lắm”. Học tập đồng chí Đỗ Mười, tôi yêu cầu ngành văn hóa thông tin từ đó tổ chức các hội nghị, mit tinh không được gắn hoa lên ngực nữa. Mỗi cái hội nghị hàng nghìn người, mỗi bông hoa vài nghìn đồng, gắn vào ngực chẳng để làm gì mà lại làm ô nhiễm môi trường. Đừng phung phí tiền của dân vào những việc không cần thiết…

Cha ông ta từ xưa được coi là cần cù, tiết kiệm. Nhưng tại sao đến khi đi vào sử dụng tài sản công thì sự lãng phí lại bắt đầu bộc lộ. Tài sản công bị coi là không của ai cả, thậm chí người nào quyết chi càng bạo tay, càng thoáng thì không khéo lại được khen vì ban phát nhiều. Đấy cũng thuộc về đạo đức, văn hóa.
(hết trích)

Phản biện lại ý kiến này của bác Cả Nghị, bác đại tá nhà báo Bùi Văn Bồng đưa ra nhận xét (ở đây), có đoạn thế này: “Hoa thì cũng mất tiền mua đấy, nhưng đáng gì. Trong khi đó, nghìn tỉ này, triệu USD  khác đi vào túi cá  nhân và nhóm lợi ích mới là lớn. Sao cụ Đỗ Mười không nhắc đến nhỉ? Sao bây giờ, với tình trạng tham nhũng, mục nát như hiện nay, Phạm Bí thư còn đưa cái chuyện mấy bông hoa ra nói trước Quốc hội nhỉ? Thử xem Hà Nội đã khui ra đựợc vụ tham nhũng nào, bắt được con sâu nào không, hay nó ‘tàng hình’ hết rồi? Chuyện “Những bông hoa nhỏ’ có đáng không? Có cho ai học và có ích gì không? Ôi, pha loãng dư luận? Hay có ý ‘lấy phiếu’?”

 

Sở dĩ bác Bồng thẳng thừng như vậy vì tình trạng “bôi trơn” trong hệ thống đã trở thành vấn nạn trầm kha. Nó như đứa con song sinh mang tính định mệnh của thể chế này rồi. Như một độc giả trên Bùi Văn Bồng blog nhận định: “Bôi trơn để được việc nhưng nó cũng làm suy yếu nền kinh tế, làm kiệt quệ đồng vốn doanh nghiệp… Nhưng sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi là xong. Cái thứ tư duy chết tiệt đang chi phối cả đất nước này, lãnh đạo các cấp cũng coi như truyện đương nhiên, không có “nghị quyết” nào ngăn chặn. Thời thế, thế thời, thời phải thế. Không bôi trơn thì cán bộ cạp đất mà ăn à? Bôi trơn chính là tham nhũng. Ai chống, chống ai bây giờ khi trên dưới đã một lòng bôi trơn”. (Trần Phương 14:55 Ngày 08 tháng 6 năm 2013).
 
“Ai chống, chống ai bây giờ khi trên dưới đã một lòng bôi trơn”? Nói vậy có oan uổng cho những người còn đang kiên định chủ trương “phê và tự phê” nhằm “chỉnh đốn” lại cái đội ngũ tiên phong mà giờ đây nhếch nhác tới mức “tiêu cực, tham nhũng nhìn ở đâu cũng thấy, sờ ở đâu cũng có… đảng viên nhan nhản, cộng sản được mấy người” (Lời TBT Nguyễn Phú Trọng).
 
Cùng cạ với bác Phú Trọng, chắc bác Quang Nghị phải có cái nhìn thực tế hơn mới phải chứ?
 

Nhưng cái kim bọc giẻ liệu có giấu được mãi?

Chả nói đâu xa, hàng chục khu đô thị mới của Hà Nội sau ngày Hà Nội mở rộng hiện đang “đắp chiếu” trở thành “dự án treo” cỏ dại mọc vì thiếu vốn có phải là lãng phí không? Khi trước đó chưa xa, nơi đây là những cánh đồng bờ xôi ruộng mật hai lúa hay hai lúa một màu trù phú.

 

Có phải thất thoát lãng phí không? Khi tất cả các doanh nghiệp làm ăn kinh tế ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều phải góp tiền chạy dự án. Xong lại phải chung chi cho các chủ đầu tư (của chính quyền) có khi lên tới 10% giá trị gói thầu. Khiến nhiều dự án vừa vay được tiền ngân hàng, quây xong mấy bờ rào tôn thi công chưa xong vài hàng mục hạ tầng đã cạn vốn. Làm cho các “khu đô thị mới” (trên pano áp phích) quảng cáo dọc các tuyến quốc lộ trở thành những “bánh vẽ” khổng lồ.
 

Có thất thoát lãng phí không? Khi hầu hết các dự án lớn ở của nhà nước ở thủ đô đều có hiện trạng “tăng vốn khủng khiếp” so với dự toán được phê duyệt ban đầu:
 
“Đối với các dự án thủy lợi có dự án tăng ở mức khủng khiếp như cải tạo vào khu vực sông Tích thành phố Hà Nội, tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt chỉ có 831 tỷ đồng đến năm 2011 thi công tăng mức đầu tư lên 6.914 tỷ đồng, tức là tăng lên gần 9 lần. Dự án nâng cấp đê hữu sông Hồng, sông Hoàng Long và sông Đáy kết hợp giao thông Bái Đính đi Kim Sơn tỉnh Ninh Bình tổng mức đầu tư ban đầu chỉ có 1.650 tỷ đồng, nhưng sau đó điều chỉnh tăng lên 3.806 tỷ đồng, tức là tăng  gấp 2,3 lần” (phát biểu của ông Lê Văn Học, ĐB tỉnh Lâm Đồng trong phiên thảo luận ngày hôm qua, 7/6 của Quốc hội).

Trong bài “Bôi mãi vẫn không trơn“, có đoạn mô tả một công ty trúng gói thầu công trình trị giá 100 tỷ, thì  đợt một  được giải ngân tối đa 30 tỷ. Trước kia, doanh nghiệp lại quả cho chủ đầu tư theo tỷ lệ số tiền được giải ngân đó, còn lại các lần giải ngân sau lại quả tiếp. Bây giờ phải chi trọn gói tiền lại quả toàn bộ gói thầu ngay lần giải ngân đầu tiên. Lý do của lối “nắm đằng chuôi” này của các quan chủ đầu tư là sợ rủi ro, sợ bị mất chức giữa chừng, không kịp thu hồi vốn bỏ ra mua cái ghế của mình, nên phải chụp giật thật nhanh. Đó là nguyên nhân nhiều công trình khởi công rồi đắp chiếu để đó, bởi vốn thi công nhà nước cấp (hay vay) chỉ đủ “bôi trơn” các cửa quan tham.
 

Tôi xin mách với lãnh đạo quận huyện là Trưởng phòng Nội vụ quận huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền ‘chạy’ của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng. Nói đến điều này là rất đau lòng, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại”. (Lời ông Trương Trọng Dực -Trưởng Ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội).
 

À thì ra, dù chỉ một phần sự thật, chuyện chạy một biên chế (công chức) quèn ở Hà Nội giá là 100 triệu là hoàn toàn hiện hữu chứ không chỉ là lời đồn. Như vậy để chạy vào một chân cán bộ các Ban Quản lý Dự án béo bở ở thủ đô chắc chắn phải có giá cao gấp nhiều lần. Điều này không biết bác Cả Nghị có bận tâm không? Hay bác ấy chỉ quan tâm những cái vụn vặt là mỗi bông hoa vài nghìn đồng, gắn vào ngực trong các dịp lễ lạt như phần thượng dẫn.
.
Tiến hành bỏ phiếu tín nhiêm tại Thành ủy Hà Nội

Thực tế tham nhũng lãng phí ở Hà Nội thì như vậy. Song kết qủa lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong số 75 ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội do Thành ủy vừa tổ chức hồi đầu năm nay lại rất khả quan: “Không đồng chí nào được đánh giá 100% tuyệt vời, xuất sắc nhưng cũng không có đồng chí nào cả năm làm việc tận tụy, trách nhiệm mà lại bị đánh giá yếu kém”. Như lời bác Cả Nghị hoan hỷ công bố. Cho đó là “thể hiện độ thẳng thắn, khách quan, không có hiện tượng gì bất thường, khiên cưỡng… Nhìn chung kết quả phản ánh được tình hình thực tế” thì liệu có ai tin được không?

 

Có một kinh nghiệm nuôi con mà người bình dân nào cũng biết là nhà con đàn thường dễ nuôi dạy hơn nhà con một. Bởi nhà con một đứa trẻ hay khảnh ăn và hư. Có khi hàng tiếng đồng hồ rong rảy chưa hết bát cơm. Ngược lại nhà con đàn chả cần hò hét gì… vẫn đua nhau ăn đua nhau giữ gìn kỷ cương để không bị bố mẹ la mắng. Suy rộng ra thể chế nhất nguyên độc đảng cầm quyền là rất dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực. Lại rất khó chống. Cùng lắm chỉ vặt được các đám tép riu yếu thế bên dưới. Chứ đám cây cao bóng cả bên trên mà tham nhũng lãng phí thì chỉ có nước bó tay. Bài học cay đắng này đã được minh chứng hùng ở kết quả cuối cùng của Hội nghị 6+7 vừa qua chả nhẽ hai bác Cả (Trọng và Nghị) lại sớm quên?

Thương dân ư? Chi bằng hãy trả lại cho dân những cái quyền mà đảng của các bác đang quỵt nợ dân suốt 68 năm nay như các quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, tự do biểu tình và quyền phúc quyết đối với mọi khế ước cũng như những vấn đề hệ trọng của quốc gia. (như Bản Hiến pháp 1946 của VNDCCH). Thương dân là làm sao cho dân được mở miệng hay Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. (Lời Hồ Chí Minh). 
.
                         Hội nghị chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương đại đức Hồ Chí Minh

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ư? Hãy cho phép người dân được ra báo tư nhân như thời Thực dân Pháp còn đang đô hộ trên đất nước ta. Hãy từ bỏ nhất nguyên độc đảng. Hãy thực hành tam quyền phân lập. Đừng bao giờ coi những đóng góp tích cực và những kiến nghị hợp lý hợp tình của người dân là suy “thoái tư tưởng đạo đức” nữa.
 

Đừng phung phí tiền của dân ư? Trong thời buổi suy thoái kinh tế này, hãy chấm dứt ngay tấn trò vén tay áo xô vung hàng ngàn tỷ đồng ra học tập tư tưởng và đạo đức huyễn hoặc không hề có mà những câu đơn giản và hay ho nhất của Ông Cụ lại cố tình lãng quên.
 

Tóm lại, đừng thương dân bằng chót lưỡi đầu môi nữa! Phải tội dân lắm đó, hai bác Cả ơi ?!
.
Copy từ: Quê Choa.