CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Tư lệnh không quân Malaysia Tôi không nói MH370 bay về Malacca'


  1. Phóng viên BBC John Sudworth tường thuật từ Bắc Kinh:

    Công tác tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích đã bước vào ngày thứ năm. Nhiều gia đình đang có mặt tại một khách sạn ở Bắc Kinh vẫn không biết điều gì đã xảy ra đối với thân nhân của mình có mặt trên chuyến bay.
    Họ đang phải chờ đợi trong sự mệt mỏi, lo sợ và bực dọc.
    Lại một lần nữa, đám đông khoảng 300 người lại tụ tập trong phòng hội nghị của khách sạn này để nghe thông báo từ đại diện của Malaysia Airlines, với sự có mặt của đại sứ Malaysia tại Trung Quốc.
    Khi những người này đặt câu hỏi về việc điện thoại của những người thân của họ trên máy bay vẫn đổ chuông, nhiều giờ sau khi chiếc máy bay mất tích, họ nhận được câu trả lời "chúng tôi vẫn đang điều tra."
    Những người này cũng muốn biết liệu một cuộc tìm kiếm trên bộ đã được triển khai hay chưa, hãng Boeing đang có những hình thức giúp đỡ nào và liệu chính phủ Malaysia có đang cố ý che dấu thông tin hay không.
    Đại sứ Malaysia tại Trung Quốc Iskander Sarudin đã tuyên bố như sau tại cuộc họp:
    "Tôi đảm bảo rằng Malaysia sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề. Những câu hỏi mà quý vị đưa ra sẽ được chuyển lại cho nhà chức trách trong nước và sẽ báo lại cho quý vị sau khi nhận được phản hồi từ họ. Chúng tôi sẽ không thông báo cho quý vị những tin chưa được kiểm chứng trên internet."

  2. Bạn có muốn cùng tham gia tìm kiếm MH370? Hãy nhấn vào đây
    Đã có hàng chục nghìn tình nguyện viên đăng ký giúp Digital Globe, một công ty đóng tại bang Colorado, Hoa Kỳ, truy lùng dấu tích của chiếc máy bay bị mất tích bằng cách rà soát những tấm ảnh do 2 vệ tinh của công ty này chụp khu vực giữa vùng Vịnh Thái Lan và Biển Đông.
    Tính đến nay, đã có 6,5 triệu lượt xem các tấm ảnh của công ty này trên trang www.tomnod.com.
    Digital Globe cho biết các vệ tinh của công ty sẽ chụp thêm nhiều ảnh và có khả năng sẽ bao gồm cả khu vực Eo biển Malacca.

  3. Giới chức Việt Nam chỉ tay vào địa điểm nơi họ đã cử máy bay đến để điều tra lời kể của một nhân chứng rằng anh ta nhìn thấy một vật thể bị cháy cách Vũng Tàu 300km.

  4. "Chúc ngủ ngon"
    Đây là câu nói cuối cùng mà trạm kiểm soát không lưu Malaysia nghe thấy từ buồng lái của chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines, sau khi bộ phận này thông báo cho phi công rằng chiếc máy bay đang chuẩn bị tiến vào không phận của Việt Nam.
    Thông tin trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa đại diện chính phủ Malaysia với những gia đình Trung Quốc có thân nhân là hành khách trên chuyến bay ngày 12/3.
    Tuy nhiên khi những gia đình này đặt câu hỏi rằng phía quân đội, vốn có radar với công nghệ hiện đại hơn radar dân dụng, đã cung cấp những thông tin gì cho chính phủ, họ được đáp lại là "bây giờ chưa phải là lúc".
  5. Malaysia Airlines nói trong một thông cáo rằng hãng này “bị chấn động” trước những cáo buộc chống lại ông Fariq Ab Hamid, phi công phụ trong chuyến bay bị mất tích.
    Một khách du lịch người Nam Phi nói với kênh Channel Nine của Australia rằng cô này cùng với bạn của mình đã được mời vào phòng lái cùng với ông Fariq Ab Hamid và cơ trưởng trong một chuyến bay hồi năm 2011 – một sự vi phạm rõ ràng quy tắc ngành hàng không.
    Malaysia Airlines cho biết hãng này xem tin nói trên là “rất nghiêm trọng”.

  6. Phóng viên BBC Jonathan Head đang ở Kuala Lumpur đã phỏng vấn một người bạn của Pouria Nour Mohmammad Mehrdad, hành khách 19 tuổi người Iran mang hộ chiếu đánh cắp lên chiếc máy mất tích MH370, trong điều kiện giữ kín danh tính.
    Người bạn này cho biết chính anh là người cùng với Mehrdad đến tiệm Internet để in vé ra. Khi thấy vé đề không đúng tên thì đã hỏi Mehrdad và được trả lời rằng anh ta có 'hộ chiếu khác'.
    Về lý do Mehrdad đi Đức, người bạn này nói là 'để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn'.
    Mehrdad được người bạn này mô tả là 'một người rất hiền lành' và 'không dám giết một con vật'.
  7. Jennifer Pak, phóng viên BBC ở Kuala Lumpur: Chính phủ Malaysia dường như không hề biết chiếc máy bay mất tích hiện ở đâu.
  8. Quan chức cao cấp của Bộ Giao Thông Vận tải xác nhận với BBC là cho tới sáng 12/3 họ vẫn chưa nhận được thông tin chính thức gì từ phía Malaysia về việc máy bay mất tích "đổi hướng bay".
    Sáng nay, giới chức Việt Nam nhận được email từ một nguồn tin trên dàn khoan Songa Mercur ngoài khơi Vũng Tàu nói có dấu vết cháy ở vị trí gần dàn khoan này, cách Vũng Tàu 300km về phia đông nam và đã gửi máy bay tuần thám tới nơi đó để xác minh.
    BBC đang tìm cách kiểm chứng độc lập nguồn tin này.
  9. Trung Quốc sẽ tăng cường thêm hai máy bay để tham gia tìm kiếm cứu nạn, Reuters dẫn lời Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng nước này cho biết.
    Ông Lý Gia Tường cũng nói công tác tìm kiếm sẽ được mở rộng và bao gồm cả đất liền.

  10. Tư lệnh không quân Malaysia vừa ra thông cáo nói ông không hề tuyên bố quân đội nước này phát hiện ra chiếc Boeing 777 lần cuối cùng là ở Eo biển Malacca.
    "Tôi muốn tuyên bố là tôi không đưa ra thông báo nào như vậy," Reuters dẫn thông cáo từ Tướng Rodzali Daul cho biết.
    Trước đó, Nhật báo Berita Harian của Malaysia dẫn lời Tướng Daul nói thời điểm cuối cùng mà chiếc máy bay được phát hiện trên radar quân đội là gần đảo Perak ở Eo biển Malacca, lúc 02:40 sáng ngày 8/3.
    “Phóng viên báo Berita Harian đã hỏi tôi liệu có việc đó hay không. Tuy nhiên, tôi không đưa ra bất cứ câu trả lời nào cho câu hỏi trên, thay vào đó, tôi chỉ đáp lại là “Vui lòng xem thông cáo mà tôi đã đưa ra hôm 9/3/2014, trong một buổi họp báo với tại Khách sạn Sama-Sama, Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur.”
    Trong buổi họp báo đó, tôi nói rằng:
    Không lực Hoàng gia Malaysia chưa loại trừ khả năng chiếc máy bay đã quay đầu lại trước khi biến mất khỏi radar và điều này dẫn đến kết quả là các chiến dịch tìm kiếm cứu hộ được mở rộng ra vùng biển gần đảo Pinang.
    Tôi đề nghị thông tin thiếu chính xác này phải được chỉnh sửa để tránh diễn đạt sai.
  11. Hồng Nga, phóng viên BBC Global News từ Phú Quốc: Ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Giao thông Vận tải, nói với BBC Việt Nam chỉ giảm mức độ nhưng sẽ không ngừng hoạt động tìm kiếm trong sáng 12/3.
  12. BBC News: Interpol nói cả hai cuốn hộ chiếu bị đánh cắp đều có trong hệ thống dữ liệu Giấy tờ thông hành bị đánh cắp hoặc thất lạc (SLTD), nhưng sân bay và nhân viên hãng hàng không đã không kiểm tra đầy đủ.
    "Rõ ràng đây là một mối quan ngại to lớn, khi mà hành khách có thể lên chuyến bay quốc tế bằng hộ chiếu bị đánh cắp đã được lưu hồ sơ trong cơ sở dữ liệu của Interpol," Tổng thư ký Interpol, Ronald Noble nói với các phóng viên.
    "Nếu Malaysia Airlines và tất cả các hãng hàng không đều có thể so sánh, kiểm tra thông tin hộ chiếu của các hành khách với dữ liệu của Interpol, thì chúng ta đã không phải dò đoán xem liệu các hộ chiếu bị đánh cắp có bị sử dụng cho hành động khủng bố đối với chuyến bay MH370 hay không."
    Interpol thành lập cơ sở dữ liệu SLTD hồi 2002, sau vụ tấn công 11/9/2001 ở Mỹ. Cho đến nay, nó đã có tổng số hơn 40 triệu hồ sơ.
    Cơ sở dữ liệu SLTD để ngỏ cho 190 quốc gia thành viên Interpol, nhưng cho đến nay chỉ có ba nước áp dụng rà soát đối chiếu một cách có hệ thống, là Hoa Kỳ, Anh và Ả rập Saudi.

  13. Việc tìm kiếm đang được chuyển hướng từ vùng biển phía đông Malaysia, giáp Việt Nam (ô vuông bên phải) sang phía tây, eo biển Malacca.
  14. BBC News: Công dân của ít nhất 14 quốc gia có mặt trên chuyến bay MH370, với đa số là người Trung Quốc, 153 trên tổng số 239 người có mặt trên khoang.
    Trong số này, có một nhóm 19 người là các nghệ sỹ nổi tiếng, đang trên đường trở về sau một cuộc triển lãm ở Malaysia.
    Tất cả các thành viên trong nhóm của nhiếp ảnh gia Hầu Ba, đều "rất nổi tiếng tại Trung Quốc", nhà tổ chức triển lãm Daniel Liau được báo Star dẫn lời nói.
    Một hành khách Trung Quốc nữa là Yuchen Li, một người đang làm bằng tiến sỹ về ngành xây dựng dân dụng từ Đại học Cambridge của Anh.
    Tám hành khách Trung Quốc khác cùng 12 công dân Malaysia là nhân viên của hãng Freescale Semiconductor của Mỹ.
    Công dân Trung Quốc, Ding Lijun sang Malaysia từ một năm trước để làm việc cho các công trình xây dựng, đang có chuyến trở về Bắc Kinh lần đầu tiên.
    Mohd Sofuan Ibrahim, sinh tại Malaysia, đang tới Bắc Kinh trong chuyến đi công tác cho chi nhánh của Bộ Thương mại và Công nghiệp  Quốc tế của Malaysia tại thành phố này.
    Năm em nhỏ, từ hai đến bốn tuổi, đi trên máy bay gồm ba em mang quốc tịch Trung Quốc và hai mang quốc tịch Mỹ.
    Công dân Mỹ thứ ba là Philip Wood, 51 tuổi, nhân viên hãng IBM tại Texas.
    Người cao tuổi nhất trên máy bay năm nay 79 tuổi.
    Phi công, đứng đầu phi hành đoàn 12 người, là Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, từng có kinh nghiệm 18.365 giờ bay.

Copy từ: BBC


.........

Công an huyện Yên Thành sách nhiễu cựu TNLT Chu Mạnh Sơn

140312-Chu Manh Son 1VRNs (12.03.2014) – Nghệ An – Cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn, một trong 14 Thanh Niên Công giáo và Tin lành sống ở Nghệ An, vừa mãn hạn tù hồi 03.02.2014, nhưng đã bị công an huyện Yên Thành, Nghệ An hạch sách, đe dọa và đánh đập.
Anh Chu Mạnh Sơn cho biết, sáng ngày 10.03, công an xã gửi giấy mời của công an huyện Yên Thành và yêu cầu anh Sơn lên công an xã Phúc Thành, nơi anh cư trú để làm việc. Tại đồn công an xã Phúc Thành, các công an viên đã miệt thị và coi thường những người chấp hành xong án phạt tù, không cho họ có cơ hội tái hòa nhập với cộng đồng, cụ thể trong trường hợp của anh Chu Mạnh Sơn.
Anh Chu Mạnh Sơn tường trình lại sự việc: “Sau khi nhận được giấy mời, vào hồi 14 giờ 45 ngày 10 tháng 3 năm 2014 tôi đến phòng trưởng Công An xã Phúc Thành để làm việc và gặp anh Nguyễn Văn Trung (cán bộ trưởng công an xã Phúc Thành). Tôi hỏi anh Nguyễn Văn Trung: “Anh Chu Văn Phú (đội trưởng đội THA công an huyện Yên Thành) đang ở đâu mà không thấy tới?”. Sau đó, anh Trung gọi cho anh Phú và bảo: “Cháu ngồi chờ một ít phút”. Tôi ngồi chờ đến lúc 15g20’ mới thấy anh Phú bước vào.
Vừa bước vào phòng, anh Phú liền chỉ ngón tay hướng vào mặt tôi và quát mạnh: “Mi, thứ sáu ngày 7 tháng 3 năm 2014 vừa rồi đi đâu? Khai báo rõ ràng và viết lại bản tường trình cho tau”. Tôi im lặng, không trả lời. Anh Phú lại quát thêm rằng: “Mi khai báo cho rõ không tau giết mi”. Tôi liền bảo: “anh lấy bằng chứng ở đâu mà bảo là hôm thứ sáu vừa rồi tôi đi đâu?”. Anh Phú bảo: “Hôm thứ sáu vừa rồi, chúng tôi nhận được thông tin là anh vắng mặt khỏi địa phương và chúng tôi xuống xác minh nhưng mi không có mặt tại địa phương. Chúng tôi đã lập biên bản có cán sự xóm xác nhận”. Tôi liền nói: “Nếu anh nói tôi không có mặt tại địa phương thì các anh phải chứng minh được bằng chứng là tôi đã ở đâu và làm gì vào ngày thứ sáu? Nếu đưa ra được bằng chứng tôi vắng mặt thì tôi sẽ viết bản tường trình”. Thế là anh Phú liền trợn mắt quát tôi: “đồ phản động, con nít ranh” và đưa tay túm lấy tóc tôi, nhưng tôi gạt tay anh Phú ra. Rồi anh Phú lại tiếp tục đòi túm lấy tai tôi, tát vào mặt tôi nhưng tôi đã gạt tay ra và bảo: “Anh lấy quyền gì mà đòi đánh đập tôi?” Anh Phú liền trợn mắt và bảo: “dạng như mày tau dậm một cái là chết!”. Tôi liền bảo: “Anh dậm chết được thì cứ làm tại đây đi”. Anh Phú liền nói tiếp: “Mày muốn chết không? Mi mà đi ra ngoài đường tau cho xe ôtô húc chết”.
Sau đó, anh Phú đi ra ngoài một lúc rồi lại vào nói: “Anh Trung cho nó viết bản tường trình, bản tự kiểm điểm”. Tôi liền bảo: “các anh làm việc với tôi mà không hề tôn trọng tôi, vừa gặp tôi là quát mắng, chỉ ngón tay vào mặt tôi như vậy à?”. Anh Phú liền bảo: “dạng như mi, tau cần gì phải tôn trọng hay lịch sự làm gì. Mi thì chỉ có đòn mà trị!” Tôi liền bảo: “Tôi không rảnh để cứ 2, 3 ngày các anh triệu tập hay giấy mời làm việc liên tục đâu. Các anh nói chuyện có tiền lương, còn tôi thì 30 tháng tù về nhà nước không cho một xu. Tôi còn phải làm việc để có cái ăn nữa và tôi không ký hay viết một bản tường trình nào”. Anh Phú liền bảo với anh Trung: “đối với đối tượng Chu Mạnh Sơn có đơn gì hay yêu cầu vấn đề gì cũng không giải quyết, đừng mong ra khỏi xã hay khỏi huyện”.
Sau đó, anh Phú bảo anh Trung lập biên bản làm việc. Anh Trung lại bảo anh Công lập biên bản làm việc. Anh Công lập biên bản làm việc và yêu cầu tôi khai báo rõ ràng ngày 7 tháng 3 tôi làm gì? Nhưng tôi im lặng không trả lời và không ký biên bản. Anh Công liền gọi một người dân vào để ký biên bản và làm chứng là tôi không hợp tác làm việc.”
Anh Chu Mạnh Sơn nhận xét: “Tôi thiết nghĩ rằng: đây có phải là tư cách một người cán bộ không? Thái độ không tôn trọng người dân và quy chụp không có bằng chứng như vậy có xứng đáng ‘cán bộ là đầy tớ của nhân dân’ không?”
Anh Chu Mạnh Sơn nhấn mạnh: “Không biết tôi có cần phải nhắc cho mấy công an này những qui định của Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù hay không? Họ có biết Điều 3 Nghị định này không: “Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù
1. Thực hiện đúng quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.
3. Nghiêm cấm mọi hành vi kì thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong án phạt tù”. Và quyền của tôi – người chấp hành xong án phạt tù- là: “Được chính quyền địa phương và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng” (điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 80/2011/NĐ-CP). Họ có biết những qui định về kinh phí, về hỗ trợ và nghĩa vụ của công an xã theo Nghị định này hay chưa? Tôi nghĩ họ cần phải đọc và thực hiện đúng pháp luật.”
Cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn bị nhà cầm quyền kết án 30 tháng tù giam với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN” theo Điều 88 BLHS. Anh bị bắt vào ngày 03.08.2011, tại Nghệ An.
Trong những ngày bị giam cầm trong trại giam, anh Chu Mạnh Sơn cùng với những người bạn gồm anh Trần Minh Nhật, anh Trần Hữu Đức, anh Hồ Văn Oanh (đã mãn hạn tù), anh Nguyễn Văn Thanh (đã mãn hạn tù) cùng chí hướng và bị giam cùng phòng, đã nhiều lần làm đơn tố cáo cán bộ trại giam vi phạm Quyền tự do Tôn giáo cũng như xúc phạm đến nhân phẩm của các tù thường phạm.
Anh Chu Mạnh Sơn từng là sinh viên Cao Đẳng Y Tế, một sinh viên nhiệt thành và tham gia nhiều hoạt động trong công việc của Giáo Hội cũng như trong các phong trào sinh viên ở Nghệ An.
Gia đình anh Chu Mạnh Sơn thuộc giáo xứ Đức Lân, Xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An.
140312-Chu Manh Son 2 
Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, DCCT thăm cựu TNLT Chu Mạnh Sơn tại Nghệ An tuần trước
Pv.VRNs


Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế

............

Cán bộ trại giam Xuân Phước trả thù, xâm phạm sức khoẻ của ông Ngô Hào

13122311VRNs( 11.03.2014) – Sài Gòn-  ”Những lần thăm nuôi trước tinh thần của bố tôi rất lạc quan và can đảm nhưng lần này bố tôi có vẻ sợ hãi hơn. Bố tôi cho biết, cán bộ trại giam bắt bố tôi đi lao động làm rẫy. Tình hình sức khỏe của bố tôi rất là yếu vì đồ thăm nuôi của gia đình gửi vào cho bố mà bố xách đi không nổi.” Anh Ngô Minh Tâm, con trai ông Ngô Hào cho VRNs biết trong chuyến thăm nuôi ông Ngô Hào hồi ngày 08.03.2014.
“Đối với những người tù nhân lương tâm đã đấu tranh và trải qua những nỗi vất vả như trường hợp của bố tôi cần phải được đối xử công bằng như những [thân nhân khác] được thăm nuôi. Tôi mong rằng, về sau, những hà khắc đối xử với bố tôi sẽ bớt đi, để bố tôi có thể [vượt qua được] cuộc sống tù đày. Tôi rất mong mọi người cùng lên tiếng chia sẻ cho bố tôi được đối xử công bằng trong trại giam.” Anh Minh Tâm mong muốn.
Untitled.png1
Gia đình ông Ngô Hào đi thăm nuôi ông vào lúc 13 giờ ngày 08.03.2014, tại trại giam Xuân Phước, tỉnh Phú Yên nhưng mãi đến 15 giờ cùng ngày, cán bộ trại giam mới cho gia đình thăm nuôi và được nói chuyện với ông Ngô Hào trong vòng 10 phút.
Vợ của ông Ngô Hào là bà Nguyễn Thị Kim Lan bị cán bộ trại giam hạch sách không cho thăm gặp ông Ngô Hào, với lý do cán bộ trại giam đưa ra là bà Lan phải chứng minh bà là vợ của ông Ngô Hào. Trong khi đó, bà Lan được tham dự cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm của ông Ngô Hào, với tư cách là phu nhân của ông Ngô Hào.
13122311
Anh Ngô Minh Tâm, con trai ông Ngô Hào nói: “Sau một hồi tranh cãi thì quản giáo mới cho mẹ tôi vào thăm ba tôi.” Anh Minh Tâm nói tiếp: “Họ theo dõi rất sát cuộc nói chuyện của gia đình tôi. Mỗi lần gia đình đề cập những vấn đề trong trại giam thì họ cắt ngang cuộc nói chuyện”.
“Mẹ tôi chỉ biết khóc không nói được gì khi nhìn thấy sức khỏe của ba như thế.” Anh Minh Tâm nghẹn ngào.
Liên quan đến vấn đề lao động của tù nhân, cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Trưởng V.p Công lý và Hòa bình cho ý kiến: “Theo Điều 29 Luật THA HS:”Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khoỏe ” mà không qui định độ tuổi nào Phạm nhân không phải lao động:
Untitled
“Điều 29. Chế độ lao động của phạm nhân
1. Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng; được nghỉ lao động các ngày thứ bảy, ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật. Thời gian phạm nhân lao động và học tập, học nghề không quá 08 giờ trong 01 ngày. Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được quá 02 giờ trong 01 ngày. Trường hợp phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày thứ bảy, chủ nhật thì được nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.
2. Phạm nhân nữ được bố trí làm những công việc phù hợp với giới tính, sức khoẻ và độ tuổi; không làm công việc nặng nhọc, độc hại thuộc danh mục cấm sử dụng lao động nữ.
3. Phạm nhân mắc bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tinh thần thì tuỳ mức độ, tính chất của bệnh tật và trên cơ sở chỉ định của y tế trại giam, trại tạm giam được miễn hoặc giảm thời gian lao động.”.
Tuy nhiên khoản 1 Điều 187 Bộ luật Lao động và điểm a khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội qui định: Tuổi nghỉ hưu là “nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi”.Như vậy, nếu Ông Ngô Hào đã 66 tuổi (sinh năm 1948), thì đã ở tuổi nghỉ hưu.
Vấn đề là công an csvn có thể nại ra là “Ông Ngô Hào là phạm nhân, không phải là người lao động nên không thể áp dụng BLLĐ và Luật BHXH”. Cho nên chúng ta lại phải quay về hiến pháp để thấy rõ sự “vi hiến” của luật VN:
-Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp qui định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”.Điều này cũng phù hợp với phần sau khoản 3 Điều 9 Luật THA HS là nghiêm cấm hành vi “… trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có trách nhiệm thi hành án hình sự.”.
Vì vậy, việc Luật THA HS không qui định độ tuổi phạm nhân “nghỉ hưu” (được hiểu là không phải lao động nữa) và trại giam buộc lao động người đã quá tưổi nghỉ hưu- theo qui định BLLĐ- có thể bị xem là đã “trả thù, xâm phạm sức khoẻ…” con người, điều này là trái hiến pháp, vi hiến.Cần thiết phải có sửa đổi Luật THA HS theo hướng: Phạm nhân đến tuổi nghỉ hưu theo qui định pháp luật lao động thì được nghỉ hưu, việc sử dụng phạm nhân nghỉ hưu lao động phải có thoả thuận và tuân thủ các qui định pháp luật về “Người lao động cao tuổi”.
3)Trước mắt, căn cứ qui định tại khoản 1 Điều 150 Luật THA HS, theo VP, Gia đình có thể đề nghị Ông Ngô Hào (hoặc gia đinh) viết Đơn khiếu nại về việc “Ông Ngô Hào đã lớn tuổi, sức khoẻ yếu, nhưng vẫn bị buộc lao động nặng nhọc, không phù hợp độ tuổi, ảnh hưởng đến sức khoẻ của Ông”.
Điều 150. Quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự
1. Người chấp hành án hình sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành án hình sự nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
4) Ngoài ra, hiện nay cuộc sống của các tù nhân do chính gia đình của họ lo, chứ nhà tù ko lo cho họ được gì và thậm chí còn “sống trên xương máu tù nhân” với giá bác cắt cổ trong tù… Lý do gì bắt họ lao động theo chỉ tiêu??”
Ông Ngô Hào bị kết án 15 năm tù giam và 5 năm quản chế trong phiên tòa sơ thẩm hồi ngày 11.09.2013, với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” vào Điều 79 BLHS. Và y án trong phiên tòa phúc thẩm, ngày 23.12.2013. Ông Ngô Hào bị bắt giam vào ngày 07.02.2013.
Pv.VRNs


Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế


.......

Một cuộc "diễn tập xâm lăng" quy mô lớn của Trung cộng ở Biển Đông?


(Châu Văn Thi)- 2h40 ngày 8/3 (giờ địa phương) là thời điểm Hãng hàng không Malaysia Airlines cho rằng máy bay số hiệu MH370 bắt đầu mất tích khi đang chở 227 hành khách với 13 quốc tịch khác nhau. Máy bay bị mất tích là chiếc Boeing 777-200, rời Kuala Lumpur 41 phút sau 0h ngày thứ bảy và dự kiến tới Bắc Kinh vào 6h30 sáng (giờ địa phương).
Sáng sớm ngày 8/3, Trung Quốc đã triển khai 2 tàu cứu hộ vào Biển Đông, bắt đầu cuộc tìm kiếm, sau khi mọi nỗ lực liên lạc với máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 bất thành, do trên máy bay có hơn một nửa là người Trung Quốc. Hãng hàng không Malaysian Airlines công bố thông tin về quốc tịch của 239 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay mất tích, theo đó không có người Việt Nam nào trên máy bay. Theo Dân Trí


Một cuộc "diễn tập xâm lăng" quy mô lớn?

Được biết, 2 tàu của Trung Quốc tiến về khu vực máy bay Malaysia mất tích với danh nghĩa thực hiện sứ mệnh tìm kiếm công dân nước này. Bao gồm:
-Tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (999) dài 210m, khởi hành từ thành phố Trạn Giang (tỉnh Quảng Đông) vào rạng sáng 9-3 với 120 thủy thủ đoàn, tàu mang theo 2 trực thăng, 10 thợ lặn, 52 lính thủy đánh bộ và các nhân viên y tế. 
-Tàu chiến Miên Dương (528) thuộc lớp tàu hộ vệ Type 053H3 dài 112 m, được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại, thủy thủ đoàn gồm 168 người, có thể tàu mang theo 1 trực thăng tuần tra/chống ngầm tìm kiếm tầm thấp, tầm gần. (Theo Lao Động)

Tàu hộ vệ tên lửa Miên Dương. Ảnh Chinamil.com.vn

Tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn. Ảnh: Chinamil.com.cn

*
Theo Xinhua, chiều 9-3, tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu xuất phát từ quân cảng Tam Á và tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn xuất phát từ quân cảng Trạm Giang, lên đường đến tăng viện cho công tác tìm kiếm cứu nạn vụ máy bay mất tích. Đi cùng tàu Côn Lôn Sơn còn có 50 binh sĩ thủy quân lục chiến, các thiết bị cứu nạn và hai máy bay trực thăng do Hạm đội Nam Hải điều động tham gia hỗ trợ.

Phía Trung Quốc đã sử dụng 14 tàu tham gia tìm kiếm gồm 10 tàu hải tuần, ba tàu Nam Hải Cứu 101, 115, 198, một tàu cảnh sát biển 3411 và hai máy bay cứu hộ. Sáng 9-3, hai tàu Nam Hải Cứu và một tàu cảnh sát biển đến hiện trường. (Theo Vnexpress)

Tàu đổ bộ Nam Côn Sơn. Ảnh: China News

Tàu khu trục Hải Khẩu. Ảnh: mil.crn.cn
Cuộc "diễn tập xâm lăng" hoàn toàn hợp pháp

Từ Bộ ngoại giao Việt Nam:

Liên quan đến việc máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, chiều 9.3, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Phó Thủ tướng khẳng định, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện và phối hợp cùng lực lượng cứu hộ của Trung Quốc và các nước liên quan tham gia tìm kiếm trong khu vực nghi máy bay mất tích, cũng như giải quyết các công việc liên quan tiếp theo.

Từ Bộ quốc phòng Việt Nam:
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Bộ Quốc phòng đã đồng ý cho tàu nước ngoài tham gia cứu hộ.

Theo đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cấp phép cho 2 tàu Trung Quốc, gồm tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn 999 và tàu hộ vệ Miên Dương 528. Đây là những tàu quân sự có trang thiết bị hiện đại, trên tàu có nhiều tàu nhỏ và giàn đỗ trực thăng. Theo Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, các tàu nước ngoài tham gia cứu hộ phải có tàu Việt Nam đi cùng để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và các tàu chỉ được phép di chuyển trong vùng biển giới hạn được đánh dấu khoanh vùng vị trí tìm kiếm máy bay mất tích.

Mưu đồ

*Trung Quốc quyết bảo vệ từng tấc đất "chủ quyền"

Phát biểu tại cuộc họp báo của Kỳ họp thứ hai Quốc hội Trung Quốc khoá XII diễn ra ngày 8/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, lập trường của Trung Quốc là kiên định và rõ ràng trong vấn đề lãnh thổ và chủ quyền.

Lập trường của Trung Quốc là kiên định và rõ ràng trong vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, đó là: “không phải của Trung Quốc một tấc cũng không lấy; nếu là của Trung Quốc, một tấc cũng quyết bảo vệ”, Tân Hoa xã trích lời ông Vương Nghị.

Trả lời về chính sách ngoại giao khu vực của Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định: “Chúng tôi sẽ không bao giờ bắt nạt các nước nhỏ hơn, nhưng chúng tôi sẽ không chấp nhận những cáo buộc không hợp lý của các quốc gia nhỏ hơn”.

*Tướng Trung Quốc mượn cớ đòi xây cảng ở Trường Sa

Lợi dụng vụ máy bay Boeing 777-200 của Malaysia mất tích bí ẩn, Đô đốc hải quân Trung Quốc Doãn Trác ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh cần xây thêm cảng tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để phục vụ cái gọi là “chiến dịch cứu hộ”.

Trang tin China.org.cn dẫn lời ông Doãn biện hộ rằng hiện nay hải quân Trung Quốc không có cơ sở cứu hộ tại các quần đảo do họ chiếm đóng ở biển Đông nên khó triển khai tàu cứu hộ khi cần. Chưa hết, ông này còn đề xuất xây dựng một sân bay ở Trường Sa và biến quần đảo Hoàng Sa, cũng thuộc chủ quyền Việt Nam, thành trung tâm liên lạc biển trong khu vực. Theo giới quan sát, đề xuất của ông Doãn không chỉ đơn thuần nhằm phục vụ công tác cứu hộ mà để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng trong ngày 10.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tân Cương ngang nhiên tuyên bố tàu công vụ nước này vừa đuổi 2 tàu Philippines khỏi bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tân Hoa xã dẫn lời ông Tần nói rõ trong lúc tuần tra bãi Cỏ Mây vào ngày 9.3, tàu Trung Quốc phát hiện 2 tàu mang cờ Philippines chở vật liệu xây dựng đang tiến đến đó và đã ra cảnh báo yêu cầu họ rời khỏi. Philippines chưa có phản ứng về vụ việc này.

Cảnh báo nguy cơ

Bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Lấy danh nghĩa cứu hộ và tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích (trên đó có phần lớn công dân Trung Quốc) Trung Quốc dự kiến sử dụng đến 14 chiếc tàu và 2 chiếc trực thăng, đông nhất trong số các đội tham gia tìm kiếm (đông hơn cả Việt Nam). Đây được xem là một "cuộc diễn tập xâm lăng" mang danh nghĩa cứu hộ quy mô lớn của Trung Quốc ở biển Đông.
Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc đưa một lực lượng hùng hậu như thế tham gia vào cuộc tìm kiếm vì một lẽ đơn giản: vị trí máy bay rơi và vị trí các lực lượng tìm kiếm rơi vào đoạn đầu của đường lưỡi bò. Trung Quốc tham gia như một cuộc giương oai, khẳng định chủ quyền một cách hợp pháp. Tuy rằng chúng ta nói sẽ cho tàu Việt Nam giám sát các tàu nước ngoài vào vùng biển Việt Nam nhưng lấy đâu ra số tàu đông đảo như vậy để vừa tham gia tìm kiếm, vừa giám sát hết số tàu này?! Biết đâu được vào một đêm tối trời, Trung Quốc lại thả những vật thể lạ nhằm đánh dấu chủ quyền như chúng đã từng làm? Hay là trong khi Việt Nam đang dồn toàn lực vào cứu hộ ở biển Cà Mau thì Trung Quốc lại thừa cơ thôn tính Trường Sa? 

Hải quân Việt Nam kéo vật thể lạ do Trung Quốc thả ở bãi Ba Đầu. Ảnh: Thiềm Thừ
Cảnh giác với Trung Quốc là một việc làm không bao giờ thừa khi chúng ta biết rằng trong Lịch sử Trung Quốc đã thừa cơ thôn tính Việt Nam vào các năm: 19-1-1974, 17-2-1979, 14-3-1988... Hãy đừng tiếp tay cho Trung Quốc, hãy đừng để biển đảo Việt Nam rơi vào tay người láng giềng khốn nạn này!
Copy từ: Châu Văn Thị’ blog

................

Công an Lấp Vò ép cung nhân chứng như thế nào?


Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok 2014-03-11

Chị Dương Thị Tân, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Chí Dũng Trao Qua Cho Đặng Thị Quỳnh Anh, Là Con Gái Của Bùi Hằng.
Chị Dương Thị Tân, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Chí Dũng Trao Qua Cho Đặng Thị Quỳnh Anh, Là Con Gái Của Bùi Hằng.
vnwhr.net 
 
Nghe bài này
Công an huyện Lấp Vò đã có biểu hiện ép cung một cách thô bạo để khởi tố bà Bùi Minh Hằng sau khi giam giữ một cách trái phép ba người gồm bà Hằng, anh Nguyễn Văn Minh và blogger Thúy Quỳnh gần một tháng mà không có lệnh của Viện Kiểm Sát. Năm nhân chúng bị ép cung cùng lúc lên tiếng về hành vi này với Mặc Lâm như sau.

Ngày 10 tháng 3 năm 2014, 28 ngày sau khi công an huyện Lấp Vò giam giữ trái pháp luật ba người là Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Bùi Thị Minh Hằng khi họ đến gia đình anh Nguyễn Bắc Truyển để thăm hỏi tình trạng của anh bị công an Lấp Vò đối xử thô bạo.

Phương cách điều tra mới của công an Lấp Vò
Trong ba người thì bà Bùi thị Minh Hằng được công an xem là đối tượng gây rối và cáo buộc bà tội gây mất trật tự giao thông. Để lấy lời khai của những nhân chứng trong cùng chuyến về Lấp Vò với bà Hằng công an đã triệu tập 5 người đến công an huyện. Năm người ấy gồm: anh Phan Đức Phước, anh Nguyễn Vũ Tâm, ông Tô Văn Mãnh, chị Bùi Thị Diễm Thúy và Đỗ Thị Thùy Trang.
Cả năm người đều tố cáo với chúng tôi rằng nhân viên điều tra có hành động mớm cung và ép cung, tự tiện ghi thêm trên biên bản những điểu mà nhân chứng hoàn toàn không nói tới. Thêm nữa những điều họ chứng kiến, khai ra thì nhân viên điều tra không ghi vào biên bản.
Khi em trình bày như thế thì anh công an ảnh suy nghĩ nhưng không ghi như lời em trình bày mà ghi theo cái ý của ảnh. Ảnh ghi là chị Hằng là người gây rối trật tự công cộng, ảnh ghi trong biên bản đó như vậy
anh Phan Đức Phước
Chúng tôi ghi nhận lời tố cáo của tất cả năm người này để rộng đường dư luận. 
Thứ nhất là anh Phan Đức Phước, anh cho biết:
-Vào sáng ngày hôm nay tôi đến công an Huyện Lấp Vò như giấy triệu tập. Tôi gặp thiếu tá Nguyễn Hùng Dũng hỏi tôi việc xảy ra vào ngày 11 tháng 2 năm 2014. Tôi có trả lời là khi chạy về Lấp Vò thì chúng tôi chạy theo hàng dọc cách nhau an toàn. Lúc đó có lực lượng công an giao thông và công an xã và khoảng 5-600 người mặc thường phục cầm cây chặn lại đòi xét hành lý. Họ mặc đồ thường phục và không mang bảng tên. Chị Hằng không cho kiểm tra, có một anh tự xưng là công an, mặc đồ thường phục nói rằng nếu không cho thì đè xuống giật, đập bỏ máy và đánh nó.
Khi họ xúm lại giựt đồ thì chị Hằng la lên: chúng mày là bọn ăn cướp chứ công an gì mà ăn cướp của dân?
Khi em trình bày như thế thì anh công an ảnh suy nghĩ nhưng không ghi như lời em trình bày mà ghi theo cái ý của ảnh. Ảnh ghi là chị Hằng là người gây rối trật tự công cộng, ảnh ghi trong biên bản đó như vậy. Còn ghi là lời khai của em hoàn toàn sự thật và em không khai gì thêm và em trách nhiệm lời khai của mình trước pháp luật. Em ghi là đây không phải là lời khai của em nên em không chịu ký.
Người thứ hai là ông Tô Văn Mãnh, ông cho biết:
-Tui nói là công an hình sự nó ra lệnh nó đánh Bùi Thị Minh Hằng tới tấp luôn. Bà Hằng mới la các anh ăn cướp hay là công an vừa đánh mà vừa giật đồ, tôi khai như vậy đó.
Chi Bùi thị Minh Hằng và bà con Phật Giáo Hoà Hảo trước khi bị công an đánh và bắt
Chi Bùi thị Minh Hằng và bà con Phật Giáo Hoà Hảo trước khi bị công an đánh và bắt. binhtrung.org

Có những người ở trong lùm cây hai bên đường ẩn nấp ở đâu sẵn rồi ùa ra đánh những người đi đường túi bụi luôn. Con nói vậy thì cái ông điều tra viên ổng không chịu ghi theo em mà lại ghi theo ý ổng không à
Đỗ Thị Thùy Trang
Nó kêu tui ký giấy tui nói muốn tui ký thì phải cho tui hai cái biên bản tui một cái và một cái cho cán bộ. Nhưng tôi phải đem ra cho cháu tui coi hai cái biên bản đó giống hay không rồi tôi mới ký. Họ ép tôi phải ký, tôi nói “không”. 

Người thứ ba là chị Đỗ Thị Thùy Trang:
-Có những người ở trong lùm cây hai bên đường ẩn nấp ở đâu sẵn rồi ùa ra đánh những người đi đường túi bụi luôn. Còn giựt chìa khóa xe tôi nữa. Trong khi đó thì công an mặc thường phục chỉ huy những người cũng mặc thường phục đánh người đi đường. Con nói vậy thì cái ông điều tra viên ổng không chịu ghi theo ổng mà lại ghi theo ý ổng không à.
Mục đích ổng hỏi là có tụ tập đi chung với nhau không, cái quảng đường đó có bị ách tắc giao thông hay không? Con nói là con không biết. Họ ghi là tập trung đông người, có một số người tập trung trên đường la ó rồi có hành vi muốn đánh công an, con nói là con không thấy. Điều tra viên không ghi lời khai của con nên con không ký.

Người thứ tư là anh Nguyễn Vũ Tâm:
-Cái chỗ nó chận đường nó đánh mình thì nó không ghi chỗ đó mà nó chỉ biểu ghi chỗ chị Hằng không à. Em mới nói công an chận đường đánh đập như vậy thì nó hỏi công an nào đánh? Anh có thấy mấy người này đánh công an hay không? Em mới hỏi nó có khi nào mà người dân đánh công an không? Họ kêu em ký em không ký tại vì trong biên bản không đúng với lời mình khai, họ ghi theo ý họ không. Họ ghi theo ý buộc tội cô Hằng chứ không phải cái ý mình khai là trên đường đi bị công an chận đánh đập như vậy.
Họ kêu em ký em không ký tại vì trong biên bản không đúng với lời mình khai, họ ghi theo ý họ không. Họ ghi theo ý buộc tội cô Hằng chứ không phải cái ý mình khai là trên đường đi bị công an chận đánh đập như vậy
anh Nguyễn Vũ Tâm
Người thứ năm là chị Bùi Thị Kim Phượng, vợ của anh Nguyễn Văn Minh hiện đang bị giam chung với bà Bùi Thị Minh Hằng, chị Phượng kể:
-Lúc đầu nó ghi lời khai thì giống như lời con nói nhưng đến lúc cuối nó ghi là ùn tắt giao thông nên con không ký vì lời khai này không đúng của tôi nên tôi không ký. Tôi không nói ùn tắc giao thông gì hết. Nó nói đây là quyển lợi của chị thì chị ký hay không ký tùy chị. Nói chung là nó muốn ép cung cho cô Hằng chứ thật sự không có gì hết.
Trước những biểu hiện sai phạm pháp luật rõ ràng này chúng tôi xin ý kiến của luật sư Trần Thu Nam người được gia đình bà Bùi Thị Minh Hằng ủy nhiệm để bảo vệ quyến lợi của bà, luật sư Trần Thu Nam cho biết:
-Tôi nghĩ rằng làm như vậy là vi phạm pháp luật. Bộ luật hình sự Việt Nam cấm mớm cung, ép cung và ngoài việc vi phạm pháp luật ra nó còn thể hiện cái âm mưu gì đó không tốt cho những bị can bị cáo.
Chúng tôi cũng đã lường trước những sự việc này rồi và may mắn là họ không ký vào biên bản lấy lời khai đó. Đây là khó khăn cho quá trình bào chữa cho bà Bùi Thị Minh Hằng. Nếu không ký tên thì không có chứng cứ trong hồ sơ nhưng nếu ký thì sẽ bất lợi. Đây là khó khăn mà chúng tôi đang nghĩ để tìm cách giải quyết nó. Đây là một thử thách rất lớn.
Phải nói rằng pháp luật Việt Nam nó có một số hạn chế cho nên nếu có sự ép cung, mớm cung đó thì sẽ tiến hành việc tố cáo người điều tra trong vụ án này trước pháp luật. Sẽ làm đơn tố cáo các điều tra viên lên các cơ quan cao hơn để giải quyết.
Khi chúng tôi tỏ ra quan ngại cho sức khỏe của cả ba người đã bị giam giữ đến ngày thứ 29 nhưng họ vẫn tiếp tục tuyện thực, làm cách nào can thiệp kịp thời để không đi đến chuyện đáng tiếc xảy ra, luật sư Nam cho biết:
-Tôi chưa được cấp giấy bào chữa cho bà Hằng nên chưa thể biết được tình trạng của bà Hằng như thế nào được.

Viện Kiểm sát Tối cao không thể bỏ qua những lời khai cùng một lúc của cả năm nhân chứng về sự xem thường pháp luật của nhân viên điều tra huyện Lấp Vò. Người dân huyện Lấp Vò nói riêng và cả nước cũng như quốc tế nói chung đều rất chú tâm đến vần đề nghiêm trọng này nhất là khi Việt Nam đã là một thành viên của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
 
 

Copy từ: RFA

...........

Bà con dân oan Sài Gòn tiếp tục biểu tình

CTV Danlambao - Sáng ngày 11/3/2014, gần 100 dân oan từ các tỉnh miền Nam mang theo băng rôn, biểu ngữ... kéo về khu vực lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn để biểu tình đòi quyền sống và quyền làm người. Lực lượng an ninh chìm, nổi đã được bố trí dày đặc hòng phá rối cuộc biểu tình.

Khoảng 13h 58 phút: bà con dân oan kéo nhau về trước trụ sở Thanh tra chính phủ khu vực 3 (gọi tắt là Cục III) tại 210 đường Võ Thị Sáu, Quận 3, Sài Gòn để tố chính quyền đã bao che và bảo kê cho nạn tham nhũng và dùng lực lượng an ninh chìm, nổi để đánh đập phụ nữ dân oan tại Sài Gòn.

Hiện nay, bà con dân oan vẫn tiếp tục biểu tình trước trụ sở Thanh tra Chính phủ, mặc cho lực lượng an ninh chìm, nổi đang dõi theo từng bước đi của họ và sẵn sàng đánh đạp bà con dân oan bất cứ lúc nào.

14h 30 phút, lực lượng an ninh chìm và nổi ra tay đàn áp bà con dân oan tại Sài Gòn. Theo facebook Ngọc Anh Trần: "Lực lượng an ninh kéo bà con dân oan lê lết trên đường như những con vật, họ đàn áp bà con dân oan rất vô nhân đạo, rất mong những ai ở gần đó đến trợ giúp dân oan trước sự đàn áp của tà quyền cộng sản".

Khoảng 15h10': Lực lượng an ninh chìm và nổi đã bắt 42 bà con dân oan lên xe và chở đi đâu không ai biết, số dân oan còn lại vẫn tiếp tục bám trụ để theo dõi tình hình về 42 dân oan bị mất tích này.


Quang cảnh sau khi 42 dân oan bị bắt lên xe và đưa đi đâu không ai biết - Nguồn hình: Facebook Ngọc Anh Trần

18h 10': Theo một dân oan đang ở hiện trường cho CTV Danlambao biết:

"Rất đông côn an sắc phục và thường phục đã nhảy ra đàn áp dân oan, họ dùng chiêu bài 'bấm huyệt' để bắt cóc 42 dân oan và kéo họ lên xe như những con vật, họ chở các dân oan này đi đâu không ai biết. Hiện nay, số bà con dân oan còn lại đang tìm hiểu thông tin về 42 dân oan bị bắt cóc này".

Dân oan này còn chia sẻ thêm: "Lực lượng dân oan chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh tới cùng để đòi quyền sống và quyền làm người. Chúng tôi mong các cơ quan báo chí và các tổ chức giúp đỡ cho 42 dân oan đang bị bắt cóc và đòi lại quyền làm người cho chúng tôi"
Theo Facebook Ngọc Anh Trần: "Có một người dân oan khoảng 71 tuổi đã bị ngất xỉu trong lần bắt cóc các dân oan chiều nay."

21h 10': Một dân oan trong cuộc biểu tình chiều nay đã cho CTV Danlambao biết:

"42 bà con dân oan bị bắt đã bị cưỡng chế trở về địa phương để họ không thể khiếu nại và kiện tụng những người đã cướp đi quyền sống của họ, trong đó có những người dân oan ở rất xa như Bến Tre, Vũng Tàu... Côn an không đưa họ về tận nhà mà thả họ tại một địa điểm gần nhà. Còn bà cụ dân oan 72 đã khỏe lại".
Dân oan này còn cho biết: "Tôi rất khó chịu trước hành động bấm huyệt các phụ nữ dân oan và lôi kéo họ đi những con vật, một cách làm việc rất côn đồ từ những người được coi là đầy tớ của nhân dân. Tôi mong mọi người quan tâm tới những người dân oan nhiều hơn, và chúng tôi sẽ còn tiếp tục đấu tranh để đòi quyền sống, quyền làm người và đòi lại sự công bằng cho chúng tôi".



Một số hình ảnh về cuộc biểu tình của bà con dân oan tại Sài Gòn: 










Copy từ: Dân Làm Báo

..........

Manila phản đối Bắc Kinh chận tàu tiếp tế cho đơn vị đồn trú tại Trường Sa


Trọng Nghĩa
Philippines ngày 11/03/2014 vừa chính thức phản đối Trung Quốc về một sự cố gần một bãi ngầm mà hai bên đang tranh chấp ở vùng quần đảo Trường Sa ngoài Biển Đông. Hai tàu Philippines đến tiếp tế cho đơn vị đồn trú trên bãi Second Thomas Shoal đã bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc « ngăn chặn ».

Trong một bản thông cáo, Bộ Ngoại giao Philippines xác nhận là đã triệu đại biện tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila lên để nhận công hàm phản đối sự cố ngày 09/03/2014 tại vùng bãi ngầm Second Thomas Shoal, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km về phía tây và thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, vào hôm đó, hai chiếc tàu dân sự treo cờ Philippines đã chở hàng tiếp tế đến cho đơn vị Thủy quân lục chiến đồn trú trên bãi. Họ đã bị hai tàu tuần duyên Trung Quốc có mặt tại chỗ cản đường và phải rút đi. Đây là hai chiếc tàu dân sự được Hải quân Philippines thuê mướn để chở hàng tiếp tế, vật tư thiết bị cũng như quân lính thay thế đến bãi ngầm bị cô lập đó.
Đối với Bộ Ngoại giao Philippines : « Hành động của Trung Quốc là một mối đe dọa rõ ràng và cấp bách nhắm vào các quyền và lợi ích của Philippines ».
Như thông lệ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ lời phản đối từ Manila, viện cớ rằng hai chiếc tàu Philippines đã « vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc » và « vi phạm » các quy tắc ứng xử cho Biển Đông.
Bãi Second Thomas Shoal, thuộc quần đảo Trường Sa - mang tên Việt Nam là Bãi Cỏ Mây, tên Philippines là Ayungin và tên tiếng Hoa là Nhân Ái - là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc.
Hiện Philippines đang kiểm soát bãi này với vài người lính thủy quân lục chiến ở trên một chiếc tàu cũ mà Philippines cố tình cho mắc cạn tại đây vào năm 1999 để làm chỗ đóng quân.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez vào hôm nay, quân đội Philippines đã thường xuyên cho tàu đến tiếp tế cho đơn vị đồn trú trên bãi này trong vòng 15 năm qua mà không hề thấy Trung Quốc can thiệp.
Theo các nhà quan sát, Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật phong tỏa bãi Second Thomas Shoal để cho Philippines vì không còn tiếp tế được cho binh lính của mình trên đó sẽ phải tự động cho rút đơn vị này đi, và như thế Trung Quốc có thể nghiễm nhiên chiếm hữu đảo này.
Copy từ: RFI

................

Malaysia bị chỉ trích 'đang giấu diếm thông tin về máy bay mất tích'

(TNO)Truyền thông và cư dân mạng Malaysia lên tiếng chỉ trích chính quyền nước này đang cố che đậy hoặc giấu diếm điều gì đó từ vụ máy bay mất tích.

Thông tin “loạn xạ” về vị trí máy bay mất tích
Chiếc Boeing 777-200 (số hiệu MH370) của hãng Malaysia Airlines mất tích hôm 8.3 đến nay vẫn “biệt vô âm tín” mặc cho hàng loạt nỗ lực tìm kiếm của nhiều quốc gia, theo AFP ngày 12.3.
Ban đầu, chính quyền Malaysia cho biết vị trí cuối cùng của máy bay mất tích được ghi nhận ở vùng biển giữa Việt Nam và Malaysia. Sau đó, phía Malaysia công bố thông tin máy bay có thể "đã nỗ lực quay lại sân bay quốc tế Kuala Lumpur". Mới đây nhất, nhiều hãng thông tấn quốc tế đưa tin "vị trí cuối cùng của máy bay là ở eo biển Malacca". Tổng tư lệnh Không quân Malaysia, tướng Datuk Sri Rodzali Daud, sau đó lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Malaysia, ông Azharuddin Abdul Rahman, ngày 12.3 tuyên bố tàu và máy bay Malaysia đang mở rộng tìm kiếm ở khu vực phía nam biển Andaman.
Được biết eo biển Malacca, eo biển ngăn cách bán đảo Mã Lai với đảo Sumatra của Indonesia, nằm ở phía đông nam biển Andaman.
Người dân Malaysia giận dữ
Truyền thông, cư dân mạng ở Malaysia, và người thân hành khách trên máy bay mất tích bắt đầu “nổi đóa” với cách công bố thông tin của chính quyền Malaysia và hãng hàng không Malaysia Airlines.
Tờ The Malaysian Insider, tờ báo hàng đầu của Malaysia, lên tiếng cho rằng tâm trạng người dân Malaysia đang chuyển từ bình tĩnh sang giận dữ trước những thông tin “loạn xạ” về chiếc máy bay mất tích.
Cư dân mạng Malaysia cũng lên tiếng chỉ trích chính quyền Malaysia trên mạng xã hội Twitter.
“Nếu quân đội Malaysia không thấy MH370 chuyển hướng sang eo biển Malacca, vậy họ mở rộng tìm kiếm ở biển Andaman để làm gì? Ai quyết định tìm kiếm tại đó và vì sao?”, một cư dân mạng Malaysia đặt nghi vấn trên Twitter.
“Tôi nghĩ rằng Malaysia Airlines và chính quyền Malaysia đã cố che đậy hoặc giấu diếm điều gì đó về chuyến bay MH370”, một cư dân mạng Malaysia khác viết trên Twitter.
Người dân Malaysia còn tức giận hơn khi có thông tin từ một chương trình truyền hình Úc cho rằng cơ phó máy bay mất tích Fariq Abdul Hamid (27 tuổi) từng vi phạm các luật đảm bảo an ninh sân bay, dắt hai phụ nữ tóc vàng (quốc tịch Nam Phi) vào trong buồng lái trong một chuyến bay hồi năm 2011.
Các nhà phân tích cho rằng áp lực đè lên vai chính quyền Malaysia có thể làm “chệch hướng” nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ.
Ông Gerry Soejatman, một nhà phân tích hàng không độc lập ở Indonesia, cho biết: “Áp lực từ cộng đồng có thể dẫn đến sự đoàn kết và phối hợp các đơn vị trong công tác tìm kiếm bị rạn nứt. Đây là điều chúng ta không hề mong muốn”.
Một khi đã bị rạn nứt, thông tin và khả năng xác nhận thông tin trở thành một vấn đề và sẽ bị lấn áp bởi sự đồn đoán, hoài nghi, theo ông Soejatman.
Tờ The Malaysian Insider ngày 12.3 còn dẫn lời các nhà phân tích chỉ trích chính quyền Malaysia thiếu năng lực quản lý và kiểm soát công tác tìm kiếm và cứu hộ máy bay mất tích.
Phúc Duy
>> Malaysia mở rộng tìm kiếm máy bay mất tích ở biển Andaman
>> CIA: Không loại trừ khả năng máy bay Malaysia mất tích bị tấn công khủng bố
>> Xung quanh vụ máy bay mất tích: Việt Nam có thất vọng với Malaysia?
>> Máy bay Malaysia mất tích: Hơn nửa triệu người kiểm tra hình vệ tinh để tìm máy bay
>> Tướng quân đội Malaysia phủ nhận phát ngôn 'máy bay mất tích đi vào eo biển Malacca
>> Có hai nhân chứng nhìn thấy máy bay Malaysia trước khi mất tích?
>> Máy bay Malaysia mất tích bay thấp và lệch khỏi đường bay ban đầu 1 tiếng đồng hồ


Copy từ: Thanh Niên

..........

Máy bay Malaysia gửi tin báo kỹ thuật trước khi mất tích

(TNO) Chiếc máy bay mất tích bí ẩn của hãng hàng không Malaysia Airlines đã gửi đi ít nhất là 2 tin báo kỹ thuật cho hãng hàng không này trước khi biến mất, trang tin MSN (Mỹ) dẫn báo cáo từ tạp chí khoa học New Scientist (Anh) khẳng định ngày 12.3.

Một chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines - Ảnh: Reuters
“Malaysia Airlines đã không tiết lộ họ có biết được gì từ dữ liệu ACARS được gửi tự động từ máy bay hay không, hoặc họ có nhận được dữ liệu dạng này hay không”, New Scientist cho hay.
ACARS là tên gọi kỹ thuật của loại tin nhắn được tạo ra bởi một hệ thống máy tính có khả năng tự động liên lạc với mặt đất được trang bị trên chiếc máy bay Boeing 777-200ER. Tin nhắn ACARS được gửi qua sóng radio VHF hay vệ tinh tại một số thời điểm trong chuyến bay, chẳng hạn như lúc cất cánh, trong quá trình tăng độ cao, một số thời điểm trong lúc đang bay và lúc hạ cánh.
Các tin nhắn này giúp nhân viên kỹ thuật dưới mặt đất tiến hành các bước cần thiết nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị cho máy bay sau khi hạ cánh. Chúng cũng có thể giúp các nhà điều tra biết được máy bay đã gặp sự cố gì.
Tạp chí New Scientist lưu ý rằng thông báo thứ 11 của Malaysia Airlines có nói: “Tất cả máy bay của Malaysia Airlines đều được trang bị hệ thống truyền tin tự động ACARS. Tuy nhiên, đã không có cuộc gọi báo tình huống nguy cấp nào và cũng không có thông tin nào được gửi đi (từ chiếc máy bay)”.
“Thông báo này có nghĩa là (Malaysia Airlines) đã không có dữ liệu cụ thể nào trong tay. Nhưng New Scientist được biết Rolls Royce, hãng sản xuất động cơ cho chiếc Boeing 777 bị mất tích, đã nhận được 2 báo cáo từ chuyến bay MH370 tại trung tâm giám sát tình trạng động cơ toàn cầu của Rolls Royce ở thành phố Derby (Anh), nơi giám sát 24/24 động cơ đang được sử dụng do hãng này sản xuất”, tạp chí Anh cho hay.
“Một báo cáo được truyền đi lúc MH370 cất cánh từ sân bay quốc tế Kualar Lumpur và báo cáo còn lại được gửi lúc chiếc máy bay này đang tăng độ cao hướng về phía Bắc Kinh”, theo New Scientist.
Tạp chí này còn khẳng định thêm rằng báo cáo về động cơ có trong tin báo tự động ACARS, vốn báo cáo tổng thể về tình trạng hệ thống chuyến bay, vì thế “điều này đồng nghĩa với việc Malaysia Airlines đã có một số manh mối về tình trạng của chiếc máy bay trước khi nó biến mất”.
“Chiếc máy bay có vẻ đã không bay được đủ lâu để có thể phát đi thêm các báo cáo ACARS”, New Scientist nhận định.
Tạp chí này cho biết thêm rằng, theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, các báo cáo dạng này thông thường phải được giữ bí mật cho đến khi giao cho nhân viên điều tra hàng không.
Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích bí ẩn đã bước sang ngày thứ 5, nhưng tung tích chiếc máy bay vẫn chưa được tìm thấy.
Hoàng Uy
>> Thân nhân hành khách trên máy bay Malaysia mất tích từ chối nhận tiền hỗ trợ >> Interpol loại trừ khả năng máy bay Malaysia mất tích vì bị khủng bố >> Cảnh sát Malaysia: Không có chuyện 5 hành khách không lên máy bay >> Quân đội Malaysia đã xác định được vị trí máy bay rơi? >> Máy bay Malaysia mất tích: Điện thoại hành khách vẫn đổ chuông >> Giả thuyết về số phận chiếc máy bay Malaysia mất tích >> Máy bay Malaysia mất tích: Công bố hình ảnh hai hành khách khả nghi dùng hộ chiếu giả >> Nhiều phóng viên Malaysia đổ về Phú Quốc >> Máy bay Malaysia mất tích: Phú Quốc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất >> Vụ máy bay của Malaysia mất tích: Tăng cường tìm kiếm trên bộ >> Máy bay Malaysia mất tích: Một người Iran mua vé bằng 2 hộ chiếu ăn cắp >> Trung Quốc triển khai 10 vệ tinh hỗ trợ tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích >> Máy bay Malaysia mất tích: 5 hành khách hoàn tất thủ tục nhưng không lên máy bay >> Máy bay Malaysia mất tích: Các điều tra viên nghi máy bay bị tấn công


Copy từ: Thanh Niên

........