Tạp chí cộng đồng hôm nay được thực hiện với sự tham gia
của Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển Nông
thôn trường đại học Cần Thơ ; kỹ sư Nguyễn Thể Hà, chuyên gia về cơ giới
hóa nông nghiệp ở Long An và ông Đàm Văn Đồng, nông dân ở huyện Văn
Giang tỉnh Hưng Yên.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII khẳng định mục tiêu của Đảng và Nhà
nước là xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện và bền
vững, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, cải thiện đời sống người
nông dân, đổi mới bộ mặt nông thôn…
Thế nhưng vào cuối tháng 5/2013 và cùng thời gian với cuộc họp Quốc
hội, báo Nông nghiệp Việt Nam viết về tình cảnh phân hóa trong các gia
đình nông dân với bài “Vỡ làng”. Bài báo cho biết xã Tam Cường (huyện
Tam Nông, Phú Thọ) là một điển hình cho sự “vỡ làng” đau đớn ấy. Do phản
đối chính sách lấy đất ruộng, 20 đảng viên bị khai trừ hoặc cảnh cáo,
một số người bị cách chức, thậm chí bị giam trên huyện. Có người đi bệnh
viện huyện cũng bị bác sĩ hỏi đã ký bán ruộng chưa. Loa phóng thanh ra
rả suốt ngày rằng những người không ký bán ruộng là kẻ xấu, là thoái hóa
biến chất, là lầm đường lạc lối…
Người cày phải có ruộng
Đầu năm 2012, vụ ông Đoàn Văn Vươn và gia đình ở Tiên Lãng, Hải Phòng
bị cưỡng chế đất đai đã gây xôn xao trên cả nước. Hiện tượng người dân
khiếu kiện tập thể về đẩt đai diễn ra khắp nơi. Các chủ đầu tư mua chuộc
chính quyền địa phương để chèn ép người dân, có khi sử dụng cả công an
và quân đội để cưỡng chế, thậm chí cả bọn côn đồ để hăm dọa, hành hung
người dân, như trường hợp ở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.
Ông Đàm Văn Đồng, nông dân Văn Giang cho biết sơ qua tình hình tại chỗ hiện nay :
Bà con ở Văn Giang thì lúc này cũng đang trên đường đi khiếu
kiện, đến các cơ quan chức năng ở trung ương nhưng chưa thấy một cơ quan
nào hồi âm cả. Thứ hai là bà con đã giành lại được số ruộng đã cấy được
hai vụ lúa, trong lúc này bà con vừa phải thu hoạch, vừa phải đi gởi
đơn lên các cơ quan chức năng.
Vừa rồi chúng tôi mới thu hoạch có hơn một buổi thôi, giành lại
được một tí đất mà được hơn chục tấn thóc. Ruộng nương ở đây rất phù
hợp. Chúng tôi tìm lại được cái băng hình ngày khởi công năm 1958 đào
sông Văn Hải đến mức độ như thế nào thì đến bây giờ dòng sông Văn Hải nó
phục vụ cho cánh đồng của ba xã chúng tôi rất là màu mỡ, thuận tiện.
Đất của chúng tôi không phải là đất ngập úng mà đất rất là đẹp,
chính vì thế mà chúng tôi lúc nào cũng tâm niệm rằng với người nông dân
thì người dân phải có ruộng cày.Cho nên chúng tôi vẫn tiếp tục yêu cầu
các cấp chính quyền giải quyết trả lại ruộng cho chúng tôi. Thứ hai là
việc thực hiện dự án đô thị thương mại du lịch Ecopark này là trái hoàn
toàn pháp luật.
Dân không có đất thì không sống được, mà cái đất này làm ra rất
nhiều của cải vật chất cho chúng tôi. Nói chung là trồng lúa tốt mà
trồng cây cảnh, trồng cây ăn quả cũng tốt. Như gia đình tôi có hơn 900
mét vuông đấy, kể cả tôi không làm, tôi cho họ thuê trồng cây cảnh một
năm tôi cũng được mấy chục triệu. Phải bán cho nhà đầu tư được có 43
nghìn đồng một mét vuông, mà mất trắng. Họ chỉ lợi dụng kẽ hở của luật
pháp nhà nước mà họ lấy đất của dân một cách trắng trợn như thế này.
Một sào của chúng tôi ở đây là 360 mét vuông, thì một năm riêng
360 mét vuông này nếu trồng cây cảnh là phải làm ra tới mấy trăm triệu
trên một sào. Năm trăm triệu trên một sào.
Bán cho họ thì nếu tính về tiền đất thì mới được có 20 triệu. Vì
đến bây giờ đấu tranh như thế họ mới giả lên tới 75 nghìn đồng một mét,
mà nhân với 360 mét. Quá rẻ mạt ! Một mét vuông mới mua được một cái
quần đùi. Thì bảy nhăm nghìn đồng một mét. Trong khi đó, khi họ lấy được
của dân họ bán được bao nhiêu triệu một mét.
Thôn quê và thành thị : Quá cách biệt
Còn ở miền Tây, Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn trường đại học Cần Thơ trước hết có nhận xét chung về đời sống của người nông dân :
Cùng với đà phát triển kinh tế chung của đất nước thì đời sống có
được cải thiện hơn so với những năm trước đây. Tuy nhiên so với các
thành phần kinh tế khác, và so với mức đóng góp của nông dân mình với sự
phát triển kinh tế chung của đất nước, thì quá chậm. Có thể nói là đời
sống người nông dân ở nông thôn thua kém rất là nhiều thành phần khác.
Cơ bản là vì lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp quá thấp.
Theo số liệu mới đây, trong sản xuất lúa của nông dân đồng bằng
sông Cửu Long trong gần hai thập niên vừa qua, tính trên tỉ lệ lời so
với tiền vốn người ta bỏ ra, thì nó không thay đổi. Vả lại diện tích đất
cho mỗi hộ nông dân càng ngày càng thu hẹp, do tỉ lệ gia tăng dân số
ngày càng lớn. Cho nên tính ra thu nhập bình quân trên hộ ở nông thôn
rất là thấp.
Đặc biệt trong những năm gần đây, tình hình tiêu thụ nông sản
hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là ở thị trường đầu ra, khâu
điều tiết, xuất khẩu hoặc là phân phối trong nội địa chưa được tốt.
Thành thử giá cả nông sản rất bấp bênh, nhiều trường hợp là lỗ. Thí dụ
như lúa năm nay cho tới thời điểm này, cái giá nông dân bán ra dưới giá
thành người ta sản xuất.
Tỉ lệ đất đai bình quân trên đầu người hoặc trên hộ ở nông thôn
ngày càng đã thu hẹp rồi, tại vì dân số ngày càng nở ra, mà đất thì nó
không nở. Trong khi kèm với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa thì một
số lượng lớn diện tích bị chuyển sang làm khu công nghiệp hoặc đô thị.
Thành thử diện tích đất phục vụ cho nông nghiệp cũng thu hẹp nữa.
Mà nguy hiểm hơn nữa là những vùng đất phì nhiêu ven sông, thuận
lợi cho phát triển nông nghiệp thì lại bị đô thị hóa với công nghiệp hóa
đẩy vô những vùng sâu khó khăn hơn. Do đó sức sản xuất của đất cũng bị
sút giảm, tại vì vô những vùng phèn, trũng hoặc là ngập úng…làm cho năng
suất có phần sút giảm.
Tất cả những yếu tố đó cộng lại làm cho thu nhập của người nông
dân ở nông thôn rất là khó khăn. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng như đường giao
thông, thủy lợi, điện và những phương tiện sinh hoạt kém rất xa so với
thành thị. Cho nên vấn đề tiếp cận với thị trường, tiếp cận với thông
tin cũng là yếu tố giới hạn cho sự vươn lên làm giàu của người nông dân.
Nỗi khổ của người nông dân mất đất
Mảnh đất là nơi sinh nhai của người nông dân, một khi mất đất, họ sinh sống như thế nào ? Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ cho biết :
Thông thường những người bị mất đất thì Nhà nước cũng có đền bù
theo quy định. Kèm theo đó Nhà nước cũng có chánh sách tái định cư cho
người ta. Nhưng mà có cái khó là nông dân hồi trước tới giờ chỉ biết làm
ruộng, vườn, rẫy thôi. Bây giờ đất mất rồi, có chỗ ở khác thì lại không
có phương tiện sản xuất. Họ chuyển đổi nghề nghiệp cũng gặp khó, tại vì
người ta chưa hề có kinh nghiệm trong kinh doanh hoặc làm dịch vụ các
thứ.
Vả lại cái cơ hội để mà họ chen vào những thị trường kinh doanh,
dịch vụ này rất là khó khăn. Tại vì cái lượng lao động dôi ra ở các khu
cư dân tập trung tái định cư thì phương tiện, điều kiện sinh sống của
người ta không được bảo đảm. Mặc dầu họ có nhận được phần tiền đền bù về
đất đai, nhưng dần dần một thời gian sau thì không có chuyện gì làm,
cho nên ăn vô đó, rồi cuối cùng cũng trở nên trắng tay hà. Phần lớn rất
là khó khăn.
Nhà nước cũng có đưa ra chương trình dạy nghề kèm theo. Nhưng mà
dạy nghề xong rồi là chưa hết. Học nghề thì ai cũng học, nhưng mà đâu
phải là ai cũng có thể tổ chức cuộc sống mình theo cái ngành nghề đó
được. Tại vì số lao động dư thừa hiện có đã lớn rồi, bây giờ mình lại
gia nhập vô cái đội quân đó, với tư cách là lính mới ngơ ngác thì làm
sao mà cạnh tranh lại được với những cơ sở, những người đã có nghề
nghiệp ổn định rồi ?
Cho nên vô vàn khó khăn cho những nông dân bị mất đất đó.
Ông Đàm Văn Đồng cũng nói lên một thực tế :
Đất đã nuôi sống bao nhiêu đời, từ xưa đến nay những người nông
dân như chúng tôi và kể cả mãi mãi sau này đời con em chúng tôi cũng
phải sống bằng đất. Bây giờ thực tế cứ nói là đô thị hóa rồi công nghiệp
nhưng con em chúng tôi bây giờ không có tiền thì không xin được việc.
Vì cái chế độ bây giờ xin đâu cũng phải tiền. Thế mà những kẻ dốt nát
lại là con nhà giàu, nó có tiền thì nó lại được vào làm. Con em như
chúng tôi có trình độ mà không có tiền cũng không làm gì được, cho nên
là rất bất công ! Đành vẫn phải tiếp tục giữ ruộng để làm.
Khi làm dự án người ta có nói song song đó sẽ tạo công ăn việc làm cho bà con không ?
Đấy là trò lừa bịp của các cơ quan và các nhà đầu tư thôi. Chứ
khi thu hồi ruộng của dân xong, con em chúng tôi có vào làm đi chăng nữa
thì dăm bữa nửa tháng họ sẽ thải hồi, cho là không có trình độ. Lúc đầu
chưa lấy được ruộng thì họ lừa bịp dân như thế thôi.
Vùng đất Văn Giang của chúng tôi trước kia chưa có dự án, sống
bằng đồng đất thì dân chúng tôi rất giàu có. Bất cứ ai về đến đất Văn
Giang cũng phải thấy rằng làng mạc của chúng tôi rất trù phú. Toàn nhà
cao tầng, mà từ đất mà lên. Chính từ những năm có dự án đến bây giờ đã
làm xáo trộn cuộc sống của nhân dân, mất an ninh trật tự, xã hội đen thì
mỗi ngày nhiều lên, con em nghiện ngập lại càng nhiều, giai gái đĩ
điếm.
Tất cả là do dự án mang đến hết. Chứ còn trước kia, những năm
chưa có dự án là đất chúng tôi rất yên bình. Nhiều người lạ tới, chính
bản thân họ cũng phải dùng đến lực lượng xã hội đen này để dằn mặt những
người cương quyết đấu tranh để giữ lại đất.
Thanh niên làng bây giờ là không công ăn việc làm. Những hộ đã
lấy tiền đền bù ruộng rồi bây giờ không việc làm cũng chỉ nhong nhóng đi
chơi thôi. Mất ruộng rồi là không công ăn việc làm duy nhất bây giờ còn
những gia đình chưa thực hiện dự án giành giật lại được ít ruộng cấy để
chúng tôi lấy hạt thóc ăn thôi.
Tự dưng mắc nợ !
Đất nông nghiệp bị tịch thu cho những dự án kinh tế và công nghiệp,
nhưng bên cạnh đó lại có một nghịch lý là khi người nông dân cần một
diện tích đất để sấy và tồn trữ lúa, tránh tổn thất sau thu hoạch, thì
lại phải đóng một số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất lớn. Kỹ sư
Nguyễn Thể Hà, nhà khoa học độc lập chuyên nghiên cứu về cơ giới hóa nông nghiệp cho đây là vấn đề phi lý :
Tức là nông dân thì làm lúa, nhưng mà người nông dân thì trồng
lúa thôi, còn đất để cho nông dân tồn trữ lúa và sấy lúa không phải là
đất nông nghiệp. Nông dân không có để làm kho tồn trữ lúa và để máy sấy
lúa, bởi vì làm cái đó thì Nhà nước gọi là đất dịch vụ, đất khác, không
phải đất nông nghiệp. Mà muốn làm đất công nghiệp thì phải chuyển đổi
mục đích. Phải đóng một số tiền rất lớn, mà nông dân thì không có tiền
để đóng.
Tôi thì cũng có miếng đất như vậy, cũng bốn, năm công gì đó. Đất
hồi đó ở cũng mấy trăm năm nay rồi. Cả mấy chục năm nay không trồng lúa
được, nhưng mà Nhà nước quy định đất lúa. Khi mà không trồng lúa được,
Nhà nước mới kiểm tra lại thì nói đất này là đất thổ cư. Nếu mà tôi nhận
sổ đỏ về thì tôi phải đóng mấy trăm triệu đấy.
Thế là cả xóm tôi không ai dám nhận cả. Đất của mình ở, tự nhiên
giao cho mình cái sổ đỏ rồi mình mắc nợ. Tự nhiên mình mắc nợ, kỳ vậy ?
Tôi cũng là người kháng chiến, đi mấy năm về rồi tự nhiên mình thiếu nợ
Nhà nước, rồi tiền đâu tụi tôi trả ?
Nông dân cũng vậy. Nếu họ chuyển đổi đất để làm nơi sấy lúa, tồn
trữ lúa thì họ phải đóng thêm số tiền rất lớn. Cái này không hợp lý
trong chánh sách đất đai. Đất của mình hồi đó tới giờ vậy rồi không
trồng lúa được thì họ chuyển thành đất thổ. Bây giờ nếu mình nhận số đỏ
thì mình chịu lãi, 0,5%/ ngày, nghe người ta tính là 18%/năm. Thì có
nhiều người ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi họ không dám nhận giấy
tờ quyền sử dụng đất, bởi vì họ sợ rằng tự nhiên mắc nợ.
Mà đất của mình mình ở. Nhà tôi ở đó hằng 300 năm rồi, từ trước
khi Gia Long vào đây lận, tới đời tôi là đời thứ sáu, thứ bảy rồi. Mà
nếu tôi nhận sổ đỏ về thì tôi lại phải thiếu nợ tới mấy trăm triệu.
Không nhận, có nghĩa là chúng tôi không tán thành chánh sách đất đai như
vậy. Đóng tiền thì cũng có khả năng đóng được, nhưng không thể đóng bởi
vì đất này của mình, tự nhiên mình mắc nợ sao được !
Bây giờ thì nông dân cũng rất cần đất để sấy lúa và tồn trữ lúa.
Nông dân mình hiện nay thì ở nhà cũng đơn chiếc lắm. Người nông dân thì
lớn tuổi rồi, không thể chở lúa từ ở ngoài ruộng rồi về nhà, làm khô ở
nhà rồi mới chở tới nhà máy xay lúa. Thành ra phải chở tập trung lại một
cái chỗ để làm khô, xong rồi mới xay xát. Có những người nông dân không
có kho chứa lúa.
Sản lượng lúa mình tăng nhanh. Một người một hecta họ có thể làm
được một vụ tới sáu, bảy tấn ; ba vụ họ làm được 20 tấn thì nhà họ đâu
có chỗ chứa. Họ phải bán lúa ngay tại ruộng. Bán lúa tại ruộng là lúa
tươi, về phải sấy ngay để cho nó không có sinh nhiệt. Cái đó cần có chỗ
sấy và chỗ chứa công nghiệp.
Và tôi nghĩ rằng ý dân là ý trời mà, thì cũng không cản được dân
đâu. Người dân Nam Bộ sẽ dùng đất của mình để sấy lúa và tồn trữ lúa,
điều này chắc chắn sẽ thực hiện được. Không thể cản trở được nông dân
giành lại chủ quyền đất của mình đâu. Tôi nghĩ rằng tới đây nông dân làm
lúa tốt hơn, thì đời sống sẽ khá hơn thôi.
Hãy cứu lấy lũy tre và cánh đồng…
Từ việc tổ chức phi chính phủ Global Witness tháng vừa rồi cáo buộc
Hoàng Anh Gia Lai và Tổng công ty Cao su Việt Nam, liệu có thể nghĩ đến
việc có những tổ chức phi chính phủ Việt Nam chuyên hỗ trợ khiếu tố đất
đai, có mối liên kết với các tổ chức phi chính phủ quốc tế hay không ?
Trả lời RFI Việt ngữ qua email, bà Josie Cohen, phụ trách vấn đề đất đai
của Global Witness cho biết, do nhân sự hạn chế nên tổ chức này chỉ
chọn lựa những quốc gia họ hiểu biết nhiều như Cam Bốt để tác động.
Nhưng bên cạnh đó cũng có những tổ chức khác có hoạt động liên quan đến
đất đai ở Việt Nam như Land Nature, Oxfam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, trả lời phỏng vấn báo Nông nghiệp Việt Nam đã lo lắng:
“Tôi không biết các nhà lãnh đạo nghĩ thế nào, nhưng tôi nghĩ
nông thôn là vấn đề chính trị quan trọng nhất. Nếu xử lý không tốt thì
chúng ta sẽ nhổ rễ dân tộc chúng ta ra khỏi nền văn hóa của nó, biến dân
tộc mình thành một cái chợ và bán tất. Trong đó việc bán đầu tiên là
bán con người.
Mất lũy tre, mất cánh đồng, mất con cò, mất tiếng ru, mất cả
tiếng dế. Bây giờ Tô Hoài có bỗng nhiên trẻ lại cũng chẳng cách gì có
thể viết lại “Dế mèn phiêu lưu ký”.
Chúng ta bảo chúng ta yêu tiếng chim hót véo von, nhưng
chúng ta sẵn sàng ăn trứng chim và phá tổ chim. Văn hóa của chúng ta là
tiếng hót của con chim, mà nông thôn là cái tổ. Hãy để ý đến nông thôn,
hãy cứu lấy nền văn hóa của chúng ta. Hãy cứu lấy cái tổ chim để duy trì
tương lai của giọng hót”.
Khi luật pháp làm ngơ
Còn ông Đàm Văn Đồng nói lên quyết tâm của người nông dân chiến đấu để giữ đất :
Chủ đầu tư hiện nay thì vẫn cứ thuê côn đồ để đứng trông nom san
lấp mặt bằng. Nhưng dân chúng tôi cương quyết giữ, vẫn đuổi được lũ côn
đồ đi ra khỏi khu ruộng chúng tôi cấy. Chúng tôi giành được độ năm bảy
chục mẫu rồi.
Bây giờ chúng tôi không nhận tiền đền bù thì trước tiên là tạm
thời dân tập trung cấy cày trên thửa ruộng chúng tôi giành lại đó. Và
như vụ này là được gần 20 tấn thóc, thì ý định của chúng tôi là chia cho
các gia đình khó khăn, nhưng mà các gia đình đã đồng tình là bán đi để
lấy tiền tái đầu tư cho vụ tới. Hiện nay chúng tôi đã sắm được máy làm
ruộng, máy tuốt thóc…nói chung là chúng tôi đã sắm để trở thành một hợp
tác xã nông nghiệp thực sự. Và chúng tôi có ý định sẽ thành lập hợp tác
xã.
Trong giai đoạn này thì chúng tôi vẫn cứ đưa đơn khởi kiện ra tòa
thì tòa huyện Văn Giang không dám giải quyết. Đưa đơn lên Quốc hội thì
Quốc hội cũng làm ngơ, đưa lên chính phủ cũng thế. Cho nên chúng tôi bây
giờ buộc phải giành lại đất, buộc phải một mất một còn với họ thôi.
Bản thân tôi bị đánh bao nhiêu lần đấy thì về pháp luật cũng đã
trừng trị những kẻ gây án. Nhưng thực tế nó che mắt thế gian thôi, chứ
chưa phải là xử đúng tội, còn bỏ sót nhiều tội.
Thậm chí nghị quyết của Tỉnh ủy là Đảng còn nói là những kẻ cầm
đầu như chúng tôi là có những thế lực xúi giục đứng đằng sau. Nhưng thực
chất chúng tôi là những người có một chút hiểu biết pháp luật. Khi hiểu
biết luật thì chúng tôi làm theo luật, thì các cơ quan chính quyền lại
làm ngơ, không dám giải quyết với chúng tôi bằng luật pháp, mà phải dùng
xã hội đen để giải quyết với nhau. Thì chính bây giờ cũng buộc chúng
tôi phải trở thành ngược lại, và chúng tôi cũng dám cầm vũ khí, để
chúng tôi sẽ đánh !
RFI xin chân thành cảm ơn Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Phó
trưởng khoa Phát triển Nông thôn trường đại học Cần Thơ ; kỹ sư Nguyễn
Thể Hà, chuyên gia về cơ giới hóa nông nghiệp ở Long An, và ông Đàm Văn
Đồng, nông dân ở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên đã vui lòng tham gia
chương trình hôm nay của chúng tôi.
Copy từ:
RFI
................................