Thưa nhà văn,
Tôi mạo muội gởi thư này tới ông, để đưa ra một nhận thức khác về những sự kiện ông đã viết trong bài “Về với dân”
Ông mặc định cuộc chiến Đông Dương lần thứ I (1946 -1954) là: “Không còn con đường nào khác, buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến giữ nước.”
Cuộc chiến này do người Pháp thực hiên, và người Mỹ chịu 80% chi phí chiến tranh, nhằm đắp đập be bờ, ngăn lại cơn đại hồng thuỷ cộng sản đang tràn xuống Đông Nam Á. Người Pháp và cả người Mỹ nữa không có ý biến Việt Nam thành “thuộc địa kiểu mới” như đã tuyên truyền.
Hồ Chí Minh là một chính trị gia lão luyện đã đánh tráo lịch sử. Ông biến cuộc chiến chống cộng của người Pháp và Mỹ thành một cuộc chiến tranh xâm lược. Ngược lại, ông cũng đã biến cuộc chiến bảo vệ ý thứ hệ của đảng Cộng sản thành một cuộc chiến vệ quốc, để lôi kéo những người dân Việt nhẹ dạ vào cuộc chém giết đẫm máu này.
Nhưng thôi, hãy gác lại sự khác biệt, cứ cho rằng Pháp có ý định tái chiếm Việt Nam như ông mặc định. Vậy, có cần thiết phải tiêu hao quá nhiều xương máu, để hàng triệu gia đình tan vỡ, quốc gia tan hoang, hận thù giữa các dân tộc đến như vậy không. Những quốc gia láng giềng cũng giành độc lập nhưng không phải trả giá đắt như chúng ta.
Hơn nữa, chúng ta chấp nhận hy sinh để đổi lấy một chính quyền độc lập. Nhưng chính quyền mới này lại tồi tệ hơn chính quyền của Pháp trước đây. Vậy hàng triệu người ngã xuống để đánh đổi lấy gì?
Thưa nhà văn,
Nếu Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, thì bây giờ chúng ta không mất Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, chúng ta không mất Hoàng Sa, Trường Sa. Nhìn lại pháo đài Đồng Đăng, hẳn ông hiểu người Pháp đã gìn giữ giang sơn của chúng ta cẩn thận đến mức nào. Chúng ta cũng không phải nhọc lòng xin đảng ban cho chút quyền con người, bởi những quyền này chúng ta đã có từ thời Pháp thuộc.
Lịch sử đôi khi chỉ là những trò trớ trêu và cay nghiệt. Chúng ta đánh Pháp, đuổi Mỹ ở cổng trước, nhưng lại rước Tầu, mời Nga vào cổng sau. Quả là một nghịch lý, một bất hạnh khổng lồ cho dân tộc chúng ta. Có dịp lần mò vào những kho sử liệu, biết đâu ông tìm ra những điều thú vi. Bởi lịch sử cũng là những cuộc truy đuổi khôn cùng để tìm ra sự thực.
Trong bài ông có mô phỏng lại tiếng hô của người dân nhiều nước trên thế giới “Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp! Hồ Chí Minh! Giáp Giáp!”. Ông coi đó như là một miền tự hào dân tộc. Nhưng có khi nào chúng ta tự hỏi. Những người reo ca kia bây giờ đang sống ra sao? Quốc gia của họ đang ở đâu trên bậc thang của nền văn minh nhân lọai?
Những công dân thuộc những quốc gia tiên tiến như tôi biết, họ tự tin và bản lĩnh, không qùy lậy, không sùng bái, đất nước họ không có lãnh tụ ca, không đề cao những người dùng súng đạn và mạng người để giải quyết sự khác biệt.
Hẳn ông đã biết điển tích này, nhưng tôi vẫn kể ra đây: Năm 1991, khi thăm Thái Lan thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng hai đế quốc to”. Thủ tướng Thái Lan nói: “Còn chúng tôi cũng rất tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc to nào cả.” Không biết ông Kiệt còn dám tự hào khi nghe xong lời đáp lễ trên không.
Trong bài viết, ông có đề cập đến bữa ăn tối ngày 5
tháng 7 năm 1967 do Hồ Chí Minh khoản đãi tướng Thanh trước khi trở lại
chiến trường. Ông mô tả đó là bữa ăn “đạm bạc”. Ông có đọc được nhật ký ở
phủ chủ tịch, hay có gặp đầu bếp nấu bữa ăn đó không? Tôi nghi ngờ tính
“đạm bạc” của bữa ăn tối lịch sử này.
Rồi ông kể tiếp Nguyễn Chí Thanh “rạo rực nghĩ đến chiến
thắng trong tầm tay”, “âm thầm vui sướng đến mất ngủ. Quá phấn kích,
rạng sáng ngày 6.7.1967, ông bị cơn nhồi máu cơ tim cướp đi mạng sống.”
Tướng Thanh thao thức trong đêm cuối, trước khi xa vợ
con nghe có vẻ hợp lý hơn. Cơn nhồi máu cơ tim xẩy ra lúc ba giờ sáng.
Căn nguyên có thể là di truyền, cao Cholesterol, cao huyết áp, hút thuốc
nhiều. Mất ngủ chỉ là một yếu tố phụ vào căn bệnh đã tiềm ẩn từ lâu.
Cách ông mô tả đêm cuối cùng của tướng Thanh, có vẻ suy diễn và gán ghép
làm tôi nghi ngờ về những nguồn sử liệu mà ông đã viện dẫn.
Tôi đánh giá tướng Thanh hơn tướng Giáp về cả tài năng
và tư cách. Tướng Thanh bình dân hơn, gần gũi với lính hơn, xông pha,
lăn lộn trận mạc nhiều hơn, sắc sảo hơn, dám đứng ra bênh đỡ được vài
người oan khuất. Đó cũng là một trong những lý do tại sao tướng Thanh
được nhiều người khâm phục, còn tướng Giáp bị coi thường ra mặt.
Ông có giải thích vì sao cả ông Hồ và tướng Giáp vắng
mặt ở Hà Nội dịp Tết Mậu Thân 1968. Do vậy, tôi cũng đưa ra một cái nhìn
khác về sự kiện này.
Người ta đồn rằng Tướng Giáp nhận định nếu đánh mạnh
qúa, dồn Mỹ vào chân tường. Có thể Mỹ sẽ sử dụng đến bom nguyên tử, ném
thẳng vào Hà Nội như họ đã từng làm với Nhật để kết thúc chiến tranh.
Thế nên cả hai cùng đi lánh nạn. Ông Hồ qua Bắc Kinh, tướng Giáp đến
Budapest.
Lời đồn đoán này không phải là không cơ sở. Ông Hồ từng
vào sinh ra tử, từng thay tên đổi họ trên trăm lần, qua mặt những trùm
mật thám, sở cẩm Tây, Tàu, vào tù ra khám như đi chợ. Một bậc cao thủ,
một đấng đa mưu túc kế. Ông Hồ đâu phải con bò để cho Lê Duẩn muốn dắt
đâu thì dắt, muốn cột đâu thì cột. Nếu tướng Giáp không cáo bệnh, không
xin nghỉ, thì Lê Duận có ba đầu sáu tay, cũng không thể cưỡng bức một ủy
viên bộ chính trị, tổng tư lệnh, tổng tham mưu trưởng, bộ trưởng quốc
phòng, đi đâu được.
Trong bài ông cũng ca ngợi tướng Giáp “không tham gia
vào những tội ác… trong những vụ tàn sát đẫm máu như cải cách ruộng đất
hay Nhân văn Gia Phẩm… ” Thưa nhà văn, nhìn thấy người đang bị bách hại
mà mình không có một động thái gì để cứu nạn nhân thì đó là một kẻ tòng
phạm không hơn không kém.
Ông viết “Không vào chỗ dành riêng cho tầng lớp vua quan
xa dân ở Mai Dịch, Võ Nguyên Giáp về với dân gian Việt Nam ở doi đất
bình dị ven biển Vũng Chùa, Quảng Bình quê nhà”. Ông kết luận rằng tướng
Giáp đã về với dân.
Tướng Giáp muốn về với dân sao lại không chọn nghĩa
trang Vị Xuyên, Cao Bằng, sao không chọnnghĩa trang Trường Sơn, hay
nghĩa trang Quốc Tế ở Xa Mát, Tây Ninh.
Tướng Giáp chọn một mình một cõi, các nhà phong thủy ví
đó là đất của “ngọa hổ tàng long”, chỉ có các bậc đế vương mới chọn nơi
an nghỉ vĩnh hằng như vậy. Tầng lớp tiện dân, chết chưa có đất chôn, đâu
dám mơ đến việc có voi chầu hổ phục.
Nhà văn thử tính toán lại xem tổng chi phí cho đám tang
tướng Giáp là bao nhiêu, chưa kể đến một đại đội đang canh giữ phần mộ
24/24 giờ hằng ngày, hẳn ông có câu trả lời rằng tướng Giáp ở với quan
hay về với dân.
Cha anh chúng ta nhập đồng, yêu nước nghĩa là yêu chủ
nghĩa cộng sản, đã ôm mã tấu lao vào họng súng, mang lại hào quang cho
tướng Giáp. Con em chúng ta lên đồng, yêu nước nghĩa là yêu đảng, còn
đảng còn mình, ôm hoa lao vào khóc một người không bao giờ bỏ đảng.
Nhưng khi thoát đồng, họ cũng yêu miếng sushi không thua kém gì tình yêu
giành cho tướng Giáp.
Nhà văn tâm sự rằng “không thể góp giọng trong dàn đồng ca kia”. Ông chờ sự yên tĩnh trở lại rồi ông mới lên giọng.
Thưa nhà văn,
Ông có một giọng nam cao, cuồn cuộn mà êm ái, sang sảng mà du dương. Giọng của một người hát thánh ca trong vai lĩnh xướng.
5.11.2013
Trần Hồng Tâm
Nguyên trung úy QĐND
Copy từ: Đàn Chim Việt
..........................