CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Công ty VN 'thách thức' Google


Cốc Cốc thu nhận hỗ trợ và nhân lực từ Nga
Một công ty Việt Nam, có hỗ trợ của Nga, bày tỏ tham vọng sẽ “vượt mặt” trang tìm kiếm Google tại Việt Nam.
Cốc Cốc, một công cụ tìm kiếm vừa ra mắt gần đây, là sản phẩm của ba lập trình viên Việt Nam tốt nghiệp tại Moscow, Nga.
Trước đây đã từng có một số công ty Việt Nam “tuyên chiến” với Google, nhưng không thành công.
Lần này, Cốc Cốc có vẻ tin rằng họ sẽ tạo ra dấu ấn khác, mà một nguyên do là họ "không thiếu tiền".
Theo hãng tin AP, đến nay công ty này, đặt văn phòng ở Hà Nội, đã bỏ ra 10 triệu đôla, thuê 300 nhân viên, trong đó có 30 người nước ngoài, chủ yếu là Nga.
Công ty nói họ sẽ đầu tư 100 triệu đôla trong năm năm tới để tìm cách chinh phục 97% người lướt web ở Việt Nam hiện đang dùng Google.
Chuyên gia Nga
Cốc Cốc từ chối tiết lộ với AP tên các nhà đầu tư.
Nhưng theo truyền thông Việt Nam, công ty này nhận được “hỗ trợ” từ các công ty lớn của Nga như quỹ DST, trang tìm kiếm Yandex và Mail.ru.
Mikhail Kostin, trưởng nhóm tìm kiếm tại Cốc Cốc, giống như nhiều nhân viên khác tại công ty này, đã từng làm tại Mail.ru, công ty internet lớn nhất của Nga.
“Sau khi sống ở đây một năm, tôi hiểu ngôn ngữ và thị trường sâu sắc hơn,” ông này nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình, một trong các sáng lập viên, tuyên bố với báo chí Việt Nam: “Thị trường tìm kiếm Việt Nam là một thị trường cực kỳ hấp dẫn, nhưng hiện nay thị trường này lại nằm trong tay Google một công ty của Mỹ và không đóng thuế cho Việt Nam.”
“Chúng tôi tin mình có thể tạo ra một sản phẩm tốt hơn và mang lại cho người dùng nhiều giá trị hơn,” ông Bình tự tin.
Kiểm duyệt
Người vào mạng ở Hà Nội
Dân số trẻ cùng tiềm năng phát triển ở Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư internet
Ước tính một phần ba dân số Việt Nam đã lên mạng. Tiềm năng phát triển cùng dân số trẻ tại đây đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nội dung mạng, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.
Tuy vậy, các công ty phải cân nhắc yếu tố pháp lý và chính trị.
Google, với khẩu hiệu ‘Không làm điều xấu’, không đặt văn phòng ở Việt Nam.
Tập đoàn này lo ngại rủi ro quanh nội dung đặt ở các máy chủ và khả năng phải hợp tác với yêu cầu kiểm duyệt của nhà nước độc đảng ở Việt Nam.
Các trang web “nhạy cảm” bị chính quyền Việt Nam ngăn chặn, một số blogger đã bị tống giam và cũng có cáo buộc tin tặc thân chính phủ đánh phá các trang web phê phán Đảng Cộng sản.
Patrick Sharbaugh, giảng viên truyền thông ở Đại học Quốc tế RMIT tại Sài Gòn, tự hỏi liệu Cốc Cốc có sẵn sàng kiểm duyệt kết quả tìm kiếm, như trang Baidu làm ở Trung Quốc.
“Nếu một công ty như Cốc Cốc hay Baidu vào và nói, ‘chúng tôi sẵn lòng lọc những gì mà quý vị muốn’, và đổi lại, họ được chính phủ ưu đãi, nó có thể gây khó khăn cho Google,” ông nói với hãng AP.
"Nếu một công ty như Cốc Cốc hay Baidu vào và nói, ‘chúng tôi sẵn lòng lọc những gì mà quý vị muốn’, và đổi lại, họ được chính phủ ưu đãi, nó có thể gây khó khăn cho Google."
Patrick Sharbaugh, RMIT
Theo AP, đến nay chưa có dấu hiệu Cốc Cốc muốn đóng vai trò “con cưng” của Hà Nội. AP nói kết quả tìm kiếm những từ nhạy cảm như tổ chức Việt Tân, bị chính quyền Việt Nam gọi là khủng bố, ra tương tự như Google.
Tuy vậy, khi BBC thử đánh từ Việt Tân vào trang này, chỉ ra vài kết quả ít ỏi trên một trang. Khi bấm vào trang tiếp theo, người dùng nhận được thông báo: “Câu truy vấn của bạn không hợp lệ với công cụ tìm kiếm của chúng tôi.”
Nói chuyện với AP, một người sáng lập, Nguyễn Đức Ngọc, phần nào thừa nhận sự nhạy cảm khi được hỏi công ty có kiểm duyệt nếu được yêu cầu.
Sau một phút im lặng, ông Ngọc đưa ra một ví dụ tìm kiếm mà có thể sẽ không cho ra kết quả: “Hồ Chí Minh”, lãnh tụ sáng lập Đảng Cộng sản và được nhà nước tôn thờ, và từ “là con chó”.
“Nhiều tìm kiếm như vậy là của những người quan tâm chính trị,” ông Ngọc nói.
“Người bình thường quan tâm những điều đơn giản hơn như làm sao tìm thấy thông tin về đời mình.”
“Trong một số trường hợp, nếu họ thực sự muốn dạng thông tin đó, chúng tôi có thể cung cấp các trang tìm kiếm khác.”
Hiện Cốc Cốc có để đường dẫn đến ba trang tìm kiếm khác: Google, Yahoo và Bing.
Cạnh tranh
"Google là công ty nước ngoài, và họ không có mặt ở đây. Chúng tôi có thể phục vụ thị trường trong nước tốt hơn."
Nguyễn Đức Ngọc, Cốc Cốc
Trong một thông cáo, Google nói hãng hoan nghênh cạnh tranh từ Cốc Cốc và hy vọng sẽ mang thêm dịch vụ đến Việt Nam trong tương lai.
Google nói không có kế hoạch mở văn phòng tại Việt Nam, mặc dù tuần rồi mạng quảng cáo của Google, AdSense, lần đầu tiên đã hỗ trợ trang web có nội dung tiếng Việt.
Google và Baidu đã tranh giành thị trường tìm kiếm ở Trung Quốc đến năm 2010. Khi đó Google chuyển máy chủ sang Hong Kong sau tranh cãi với Bắc Kinh vì kiểm duyệt.
Baidu hiện là công cụ tìm kiếm hàng đầu ở Trung Quốc.
Hãng này có phòng thí nghiệm ngôn ngữ ở Singapore và được cho là muốn mở rộng sang các thị trường châu Á, nhưng không hoạt động ở Việt Nam.
Theo AP, thái độ bài Hoa khiến các công ty mạng Trung Quốc đối diện nguy cơ bị tẩy chay ở Việt Nam.
Google thống trị thị trường tìm kiếm toàn cầu, nhưng kém công ty địa phương ở một số nước tại Đông Âu và châu Á, như Yandex ở Nga, Baidu ở Trung Quốc và Naver ở Hàn Quốc.
Trong đa số trường hợp, các công ty địa phương đã thống trị trước khi Google tiến vào. Sẽ khó hơn nhiều khi ai đó muốn lấy lại thị phần sẵn có của Google.
“Tôi hồ nghi là họ làm được, nhưng họ đang bỏ nhiều tiền quá,” Đỗ Anh Minh, một biên tập viên ở trang Tech Asia, nói.
“Việt Nam là nước khó làm ăn trừ phi anh có mặt tại chỗ. Có một số chuyện Google không thể theo kịp.”
Cốc Cốc đặt hy vọng “công nghệ xử lý tiếng Việt” của họ.
Thông cáo của họ nói: “Chúng tôi có thể tự hào mà khoe rằng sau hàng năm trời vật lộn làm nghiên cứu, kỹ sư của Cốc Cốc đã tìm ra những thuật toán có thể giải quyết các vấn đề khác nhau của ngôn ngữ tiếng Việt.”
Hãng này cũng nói văn phòng lớn tại Hà Nội giúp họ tiếp thị tốt hơn, hợp tác với các hãng cung cấp nội dung trong nước.
Các đội quay phim của Cốc Cốc đang quay và chụp các đường phố, quán xá để bổ sung cho kết quả tìm kiếm. Google không thể thực hiện dịch vụ hình ảnh đường phố (Street View) ở Việt Nam.
“Google là công ty nước ngoài, và họ không có mặt ở đây,” ông Ngọc nói. “Chúng tôi có thể phục vụ thị trường trong nước tốt hơn.”


Copy từ: BBC

VỤ CN VỆ SINH BỊ TÔNG CHẾT: Mẹ bán cháo lòng, con đi siêu xe?


(NLĐO)-Liên quan đến bài viết “Công nhân vệ sinh bị ô tô tông chết“ (Báo Người Lao Động ngày 10-5 đã phản ánh), ngày 15-5, gia đình nạn nhân Ngô Quang Thọ đã đến Cơ quan điều tra Công an quận 1-TPHCM đề nghị cung cấp một số thông tin kẻ gây tai nạn nhưng điều tra viên vẫn không cung cấp.

Theo gia đình nạn nhân, đã 7 ngày trôi qua kể từ khi anh Thọ tử nạn, cơ quan công an vẫn chưa mời gia đình đến làm việc. Mọi thông tin về kẻ gây tai nạn cũng như diễn biến vụ việc, biển số xe gây tai nạn gia đình đều không biết.
 
Trưa 15-5, anh Ngô Quang Trường (SN 1971, anh trai nạn nhân) đã đến Đội CSGT và CQĐT Công an quận 1 yêu cầu cung cấp thông tin kẻ gây tai nạn, tuy nhiên các cơ quan này lại lại từ chối trả lời. 

Hiện trường vụ tai nạn, máu vẫn còn loang lỗ

Anh Trường nói “Đội CSGT thì bảo đã chuyển sang Đội Điều tra tổng hợp Công an quận 1, tôi đến CQĐT thì được hai công an tên Đặng Văn Thiện và Nguyễn Phương Nam bảo rằng sẽ mời hai bên lên giải quyết chứ không thể cung cấp thông tin vụ tai nạn vào lúc này”.

Chị  Hồ Thanh Hương (SN 1972, vợ nạn nhân) cho biết: “Sau khi lo hậu sự cho chồng, một số người đến tự xưng là người nhà của kẻ gây ra tai nạn và ngã giá bồi thường cho gia đình tôi. Những người này ra giá 150 triệu đồng tiền mai táng và phụ cấp nuôi con nhỏ. Trong lúc trò chuyện, họ nhấn mạnh anh Thọ chết là do tới số còn con họ tông trúng là do xui rủi”.

Theo anh Ngô Quang Trường, từ khi xảy ra sự việc, có 3 người thường xuyên xuống thắp nhang cho anh Thọ, họ tự giới thiệu là cha, mẹ và chị gái của người thanh niên lái xe gây tai nạn. “Tuy nhiên, người đàn ông tới gia đình chúng tôi tỏ thái độ rất trịch thượng, nói chuyện thì mặt mũi cứ kênh kênh và có thái độ rất kỳ quặc. Cô gái và người mẹ thì ứng xử nhẹ nhàng hơn nhưng cả ba người đều có chung một quan điểm là trao đổi thẳng thắn về giá cả bồi thường tiền mai táng, tổn thất tinh thần và chi phí nuôi con nhỏ”.

Anh Trường bức xúc: “Họ đến không phải chia sẻ nỗi đau mà là ngã giá để mua cái chết của em tôi. Chúng tôi hoàn toàn không biết lai lịch, địa chỉ của những người này, khi thì họ nói nhà ở huyện Nhà Bè, khi thì quận Tân Bình. Cô gái còn nói là nhà bán cháo lòng, gia đình cũng không khá giả gì... Gia đình chúng tôi rất hoài nghi về những người này vì họ không thật lòng, những thông tin mà họ cung cấp trái ngược nhau và hoàn toàn không đáng tin cậy. Chúng tôi mù tịt về họ”.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một đồng nghiệp của anh Thọ khẳng định: “Tôi trực tiếp dí theo chiếc xe gây tai nạn, đó là một chiếc siêu xe màu trắng. Khi xuống xe anh ta còn nồng nặc mùi bia...”

Mặc dù phóng viên nhiều lần liên lạc nhưng CQĐT và Đội CSGT Công an quận 1 vẫn không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào !
Tin-ảnh: Phạm Dũng


Copy từ: Người Lao Động

Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ


(NLĐO)- Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 20-5 tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về nội dung nhân sự với việc miễn nhiệm và phê chuẩn, bầu mới nhân sự 2 chức danh là Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (trái) và Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng (phải)
 
Sáng nay, 15-5, tại phiên họp thứ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, kỳ họp dự kiến diễn ra trong 33 ngày, với 26,5 ngày làm việc, bắt đầu từ ngày 20-5 và kết thúc vào ngày 23-6.

Tại phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết nội dung nhân sự tại kỳ họp này là có 2 vị trí sẽ được trình ra Quốc hội tiến hành miễn nhiệm và phê chuẩn, bầu mới là Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính hiện nay là ông Vương Đình Huệ, người đã được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương vừa được tái lập. Trong khi đó,  Tổng Kiểm toán Nhà nước hiện là ông Đinh Tiến Dũng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết nhân sự Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước có điều chuyển và bố trí thay người khác tại kỳ họp này. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, công tác nhân sự phải đảm bảo đúng quy trình, cách thức, công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng.

Trước đó, tháng 12-2012, Bộ Chính trị đã điều động, phân công ông Vương Đình Huệ sang nhận nhiệm vụ mới là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương được tái thành lập theo Nghị quyết Hội nghị trung ương 5, Nghị quyết Hội nghị trung ương 6 khóa XI và Quyết định của Bộ Chính trị.

Trước khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Tài chính tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII diễn ra vào tháng 8-2011, ông Vương Đình Huệ là Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phụ trách Bộ Tài chính.

Ông Đinh Tiến Dũng được Quốc hội bầu làm Tổng Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII với nhiệm kỳ 7 năm thay cho người tiền nhiệm là ông Vương Đình Huệ.

Ông Đinh Tiến Dũng được đào tạo cơ bản, trình độ chuyên môn là cử nhân kinh tế tài chính, hệ chính quy và là thạc sỹ quản trị kinh doanh. Từ năm 1983 đến năm 2003, ông Dũng đã đảm nhận công tác tài chính kế toán. Ông Dũng từng đảm nhận vị trí Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán, rồi Thứ trưởng Bộ Xây dựng phụ trách lĩnh vực này.

Ông Đinh Tiến Dũng (52 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình), từng là Thứ trưởng Bộ Xây dựng trước khi được bầu và phê chuẩn làm Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. Đến giữa tháng 10-2010, ông được Bộ Chính trị điều động và bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Ông là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
 
T.Dũng


Copy từ: Người Lao Động

Bầu Đức, đừng đùa với George Sor

Minh Tuấn
 
80% ngân sách hoạt động của Global Witness do George Soros cùng chính phủ các nước Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Nauy và Ailen đóng góp.

Bầu Đức, đừng đùa với George Soros!
Xuyên qua những con đường thảm nhựa êm ái từ cửa khẩu Bờ Y tới tỉnh lỵ Attapeu của Lào là vùng đất được ví như “nồi cơm” trong tương lai của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Đây còn là quê hương của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Chummaly Sayasone.
Năm 2015, cao su và mía đường sẽ đóng góp trên 3.000 tỷ vào lợi nhuận sau thuế của HAGL, đấy là nếu mọi thứ đúng như kỳ vọng, tức là HAGL bán được hàng với giá hợp lý và thu xếp được hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư thêm.

“Nhân chứng toàn cầu”

Từ đầu tháng này, giới đầu tư đã râm ran chuyện HAGL sắp trở thành đối tượng chính trong một báo cáo của Global Witness (tạm dịch: “Nhân chứng toàn cầu”), theo đó, tập đoàn đa ngành với hàng vạn hecta cao su ở Lào và Campuchia này bị cáo buộc đưa hối lộ, lợi dụng quan chức tham nhũng để chiếm đoạt đất của dân và khai thác gỗ bất hợp pháp.
Nhanh chóng quy Global Witness vào hai tội “háo danh” và “hám tiền” có lẽ là hơi coi thường đối thủ
Trong phản ứng mới nhất từ phía HAGL, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cáo buộc Global Witness “tìm cơ hội quảng bá tên tuổi” và “xin tài trợ”.
Nhanh chóng quy Global Witness vào hai tội “háo danh” và “hám tiền” có lẽ là hơi coi thường đối thủ, vì tên tuổi của họ trên trường quốc tế nổi bật hơn nhiều so với vài tấm pano quảng cáo trên sân Emirates của Arsenal, cũng như tổng vốn hóa của HAGL chỉ nhỉnh hơn 5% tài sản của nhà tài trợ chính cho Global Witness: tỷ phú George Soros.
Global Witness thành lập năm 1993 tại Washington và trong 20 năm hoạt động của mình, đã làm mất lòng không ít chính phủ các nước phát triển.
Giai đoạn 1998-2003, Global Witness tiến hành cuộc điều tra nhắm tới cuộc chiến dành quyền kiểm soát ngành khai thác kim cương ở Angola, Sierra Leone và Liberia (còn gọi là “kim cương máu”), góp phần khiến Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết cấm vận kim cương Liberia.

Điều tra viên cao cấp Anthea Lawson của Global Witness trả lời phỏng vấn trên BBC.
Năm 2009, điều tra viên cao cấp Anthea Lawson của Global Witness đã ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Hoa Kỳ về vai trò của hệ thống ngân hàng đối với tệ tham nhũng.
(Đọc thêm: George Soros đứng sau vụ điều tra tham nhũng trong cấp phép khai thác quặng sắt ở Guinea)
Thông qua quỹ Open Society Foundations, năm 2012 vừa qua, tỷ phú George Soros đóng góp 40% ngân sách cho Global Witness. Nhiều cơ quan của chính phủ các nước Anh, Thụy Điển, Nauy, Hà Lan và Ailen góp 38% nữa và các nhà tài trợ khác góp 22% còn lại. Alexander Soros, con trai thứ tư của George Soros, hiện là thành viên hội đồng quản trị của Global Witness.
Tuy vậy, khó có chuyện Soros đích thân phê duyệt báo cáo “Rubber Barons” trước khi phát hành. Có thể đến thời điểm này, “Rubber Barons” chỉ là một trong hàng loạt vụ việc mà các tổ chức do nhà Soros lập ra đang theo đuổi trên toàn cầu. Và khi Global Witness nhắm tới HAGL, điều đó không có nghĩa George Soros đang nhắm tới bầu Đức.
Nhưng điều tệ nhất HAGL có thể làm là kéo cả nhà Soros cùng hàng loạt hãng thông tấn quốc tế vào cuộc bằng những phản ứng thiếu thận trọng.

Cuộc chiến PR

Chiến thuật của Global Witness không phải là thu thập đủ bằng chứng và đem HAGL ra kiện ở tòa án quốc tế vì tội phá rừng hay đưa hối lộ. Mục đích của tổ chức này là thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và đánh vào “con tim” của người tiêu dùng toàn cầu.
Việc Công ty tài chính quốc tế IFC và Deutsche Bank bị lôi vào cuộc với vai trò “nhà tài trợ vốn” cho HAGL là một phần trong chiến lược đó.
Đúng là IFC đầu tư gần 15 triệu USD vào các quỹ do Dragon Capital quản lý, nhưng tiền đầu tư vào đâu là do các quỹ này quyết, chứ không phải do IFC. Ấy là chưa nói đến khoản đầu tư vào HAG chỉ chiếm vài phần trăm nhỏ nhoi trong tổng tài sản hàng trăm triệu USD của Dragon Capital.
“Oan ức” hơn là Deutsche Bank, ngân hàng này chỉ mua cổ phiếu HAG để phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu và chứng chỉ ETF cho nhà đầu tư khác nắm giữ. Deutsche Bank không có lợi ích tài chính gì nếu giá HAG tăng hay giảm cũng như cao su ở Lào trồng thế nào và bán cho ai.
Nhưng chính IFC và Deutsche Bank mới bị chỉ mặt chứ không phải Temasek (đang nắm hơn 110 triệu USD trái phiếu chuyển đổi), Jaccar (nắm 7,5% vốn HAG, đang mối lái để Michelin bao tiêu toàn bộ cao su do HAGL sản xuất) hay Dragon Capital (nắm 12,3% vốn). Vì sao lại thế?
Nguyên nhân rất đơn giản. Giữa cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu hiện nay, một ngân hàng, lại là của Đức, như Deutsche Bank vốn đã bị ghét sẵn. Và còn gì mỉa mai hơn khi một công ty thành viên của World Bank như IFC lại đi hỗ trợ cho tài phiệt địa phương đàn áp người dân, trong khi tôn chỉ hoạt động của WB là xóa đói giảm nghèo.

Những banner dạng này từng phủ kín trang Facebook chính thức của Nestle. Cuối cùng, Nestle cắt hợp đồng cung cấp dầu cọ của Sina Mars
Đánh vào tâm lý bất mãn sẵn có của người dân cộng thêm một chút mỉa mai hài hước để đưa đẩy câu chuyện là một trong những cách dễ dàng nhất để thổi bùng lên làn sóng phản đối tất cả những gì liên quan tới HAGL ở các nước phát triển. Cụ thể, hai hôm nay các báo nước ngoài đều đưa IFC và Deutsche Bank lên tiêu đề, nhiều báo còn chẳng buồn nhắc đến HAGL.
Nhưng dân chúng ở đầu kia thế giới có bất mãn hay nổi điên lên thì liên quan gì đến HAGL? Hãy tham khảo câu chuyện của Sina Mars, nhà cung cấp dầu cọ cho Nestle.
(Đọc thêm: Chiến thắng cư dân mạng: Giải pháp của Nestle)
Năm 2010, tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) phát động chiến dịch tẩy chay bánh Kit Kat của Nestle với lý do Nestle dùng dầu cọ mua từ Sina Mars để làm bánh, và Sina Mars lại trồng cọ dầu trên khu vực trước là đất sống của loài đười ươi.
Những video và hình ảnh vừa mỉa mai, vừa ám ảnh trong chiến dịch này làm hình ảnh Nestle tổn thất đáng kể. Kết quả: Nestle loại Sina Mars khỏi danh sách nhà cung cấp.
Chắc chắn, Michelin hay Bridgestone sẽ cân nhắc kỹ càng bài học này trước khi mua cao su từ HAGL. Tương tự, nhiều nhà đầu tư quốc tế sẽ muốn đảm bảo một khoản đầu tư vài chục triệu USD sẽ không khiến cả danh mục hàng tỷ USD của mình bị mang tiếng.

Giờ phải làm gì?


Điều cuối cùng bầu Đức mong đợi là "được" Trưởng ban Phóng viên quốc tế CNN Christiane Amanpour để mắt đến.
Gửi thông cáo cho báo chí trong nước giải thích HAGL “tuân thủ pháp luật nước sở tại” là hành động có rất ít ý nghĩa. Dư luận Việt Nam không phải mục tiêu của Global Witness và cũng không xúc động lắm với những câu chuyện như phá rừng hay đười ươi mất nơi sống.
Dư luận quốc tế thì khác, nếu HAGL ‘mất trận địa’ và biến thành một trò đùa tầm cỡ quốc tế như bánh Kit Kat của Nestle thì có lẽ cả vốn đầu tư lẫn thị trường tiêu thụ sẽ biến thành hai bài toán tương đối khó giải.
Đối đầu với Global Witness cùng vô vàn các tập đoàn truyền thông quốc tế còn tệ hơn. Nestle cũng từng phản kích mạnh mẽ Greenpeace, yêu cầu rút hình ảnh và video khỏi youtube với lý do bản quyền. Kết quả là làn sóng phản đối còn dữ dội thêm một bậc và trang Facebook chính thức của Nestle tràn ngập banner Nestle giết hại đười ươi (không ai để ý đến chuyện Sina Mars mới là công ty trồng dầu cọ).
Trường hợp của HAGL cũng vậy, càng xù lông giận dữ càng dễ thành tiêu điểm của truyền thông thế giới.
Nếu cách giải quyết của Nestle là một bài học tốt, thì HAGL nên chủ động mời CNN, CNBC, hay BBC tới làm việc và kể cho họ nghe một câu chuyện có lợi cho HAGL, thay vì thụ động ngồi im chờ một phóng sự chuyên đề phát trên chương trình World’s Untold Stories của CNN cho cả tỷ người xem rồi mới gửi “thông cáo báo chí”.
Minh Tuấn
Theo Trí Thức Trẻ


Copy từ: Dân Luận

Kinh tế VN 'khủng hoảng trầm trọng'



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng số doanh nghiệp đang trong tình trạng lỗ có thể cao hơn trong báo cáo đưa ra
Các thống kê đưa ra trong buổi họp ngày 14/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Trong quý một năm nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với cùng kỳ năm 2012 ở mức 4,89%.
Mức này, theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là "cao hơn mức 4,75% của quý một năm 2012, tuy nhiên thấp hơn nhiều so với quý một năm 2011 và quý một năm 2010" (tăng trưởng lần lượt là 5,53% và 5,84%).
"Trong khi đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp quý một chỉ đạt 4,93%, mức thấp nhất từng thấy trong quý một giai đoạn 2010-2013", ông Giàu nói trong buổi họp. Đây cũng là mức thấp hơn nhiều so với mức 5,9% cùng kỳ năm 2012.
Thống kê của Ủy ban Kinh tế cũng cho thấy tăng trưởng dư nợ tín dụng ba tháng đầu năm chỉ đạt 0,03%.
Chỉ số tăng trưởng dư nợ tín dụng và sản xuất công nghiệp đều thấp đồng nghĩa với việc nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước tình trạng các doanh nghiệp hấp thụ vốn rất yếu và sản xuất kinh tế đang đình trệ.
Giải thích về tình trạng tăng trưởng tín dụng yếu kém, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng do các ngân hàng vẫn đang siết chặt cho vay mà không có biện pháp phân loại đối tượng một cách hữu hiệu, đồng thời do nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.
"Nếu các khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn," ông Vinh nói.
Số liệu do Ủy ban Tài chính - ngân sách công bố tại buổi họp cho thấy trong bốn tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng 244 nghìn tỷ, bằng 29,9% dự toán.

Phá sản hàng loạt

"Nếu không có những cải cách triệt để để giải quyết nợ xấu khu vực ngân hàng thì những chính sách tiền tệ sẽ không thể làm tăng nhu cầu tín dụng nội địa"
HSBC
Theo thống kê của Ủy ban Kinh tế, trong quý một, đã có 15,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt đông và giải thể. Tăng 14,6% so với quý một năm 2012.
Thống kê của ủy ban này hồi tháng Tư cũng cho thấy trong thời điểm 2 năm từ 2011 đến hết 2012 đã có hơn 100 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể.
Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 15,7 nghìn doanh nghiệp, giảm 6,8% về số lượng. Lượng vốn cũng thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, theo thống kê của Ủy ban Kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Cường, phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương thì cho biết có đến 65% các doanh nghiệp báo lỗ và khả năng phục hồi kinh tế là rất "khó khăn".
Tuy nhiên ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng số doanh nghiệp báo lỗ có thể còn cao hơn có số này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển nhận xét dư nợ tín dụng trong bốn tháng đầu năm chỉ tăng 1,41% nhưng dư nợ hụy động tăng 5% cho thấy "ngân hàng đang nắm giữ một lượng tiền lớn, nhưng lại không chảy vào nền kinh tế."

Hạ lãi suất: có giúp ích?


Thống kê của Ủy ban Kinh tế cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012
Hồi cuối tuần trước, trang Financial Times cũng đã có bài nói về việc hạ lãi suất liên tục của Ngân hàng Nhà nước trong vòng một năm trở lại đây.
Bài viết của FT dẫn lời báo cáo của HSBC trong đó cho rằng việc hạ lãi suất không thực sự giúp ích cho nền kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại.
"Nếu không có những cải cách triệt để để giải quyết nợ xấu khu vực ngân hàng thì những chính sách tiền tệ sẽ không thể làm tăng nhu cầu tín dụng nội địa," ngân hàng này bình luận.
Trả lời phỏng vấn FT, ông Vincent Conti, một kinh tế gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ANZ cho rằng lãi suất tiền gửi hiện gần như thực âm.
"Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế đình trệ như hiện nay, lãi suất tiền gửi thực âm thực ra lại có lý," ông này nói.
"Nếu như có lạm phát có dấu hiệu hạ thấp hơn 6,5%, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm khoảng trống để hạ lãi suất."


Copy từ: BBC

Bầu Đức mất hơn 430 tỷ vì Global Witness

Vướng cáo buộc tại Lào và Campuchia, bầu Đức mất hơn 430 tỷ trong vài giờ

(Dân trí) - Giữa lúc vướng cáo buộc của Global Witness về những hoạt động đầu tư vào cao su tại Lào và Campuchia, nguy cơ đối mặt với việc bị khởi tố do huỷ hoại sinh kế người dân địa phương, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai lao dốc mạnh trong phiên 14/5.

Vướng cáo buộc tại Lào và Campuchia, bầu Đức mất hơn 430 tỷ trong vài giờ
"Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", chưa rút chân khỏi bất động sản thì bầu Đức đã gặp rắc rối tại lĩnh vực cao su.

Giữa bối cảnh thị trường lao dốc phiên 14/5, cộng thêm các cáo buộc bất lợi với những dự án cao su tại Lào và Campuchia, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai trong phiên hôm nay rớt điểm mạnh.

Chốt phiên giao dịch, HAG mất 1.400 đồng/cp, tương ứng đánh mất xấp xỉ 6% xuống còn 21.400 đồng/cp. Tương ứng với đó, tài sản trên sàn chứng khoán của bầu Đức cũng bỗng chốc “không cánh mà bay”.

Hiện tại, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức đang nắm trên 311,6 triệu cổ phiếu HAG. Với biên độ giảm của HAG tính riêng trong phiên hôm nay, bầu Đức đã phải ngậm ngùi nhìn 436,25 tỷ đồng “bốc hơi” khỏi khối tài sản của mình.

Rắc rối của Hoàng Anh Gia Lai bắt nguồn từ một báo cáo phát hành đầu tháng 5 của Tổ chức Nhân chứng toàn cầu (Global Witness) về hoạt động của các ông lớn trong lĩnh vực cao su tại Lào và Campuchia, trong đó đề cập tới công ty của bầu Đức, người giàu thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Báo cáo của Global Witness cho rằng, HAG đang huỷ hoại kế sinh nhai của người dân địa phương cũng như môi trường với các khoản đầu tư ào ạt vào ngành cao su hai nước này.

Đồng thời, Global Witess cũng cho rằng HAG đã phớt lờ luật pháp với cáo buộc Tập đoàn này và các công ty liên kết dường như đang được bố trí tổng cộng 81.919 ha đất đai. Trong đó có 47.370 ha đất tại Campuchia mà theo giới hạn pháp lý tại quốc gia này thì mỗi công ty chỉ được 10.000 ha.

Thông tin bất lợi cho công ty của bầu Đức là việc Global Witness thậm chí đề xuất chính phủ Lào và Campuchia nên huỷ bỏ việc nhượng quyền đối với một loạt các công ty như Hoàng Anh Oyadav, Hoàng Anh Mang Yang, Hoàng Anh ATtapeu Company, HAGL Xekong…

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ hai quốc gia trên đình chỉ mọi hoạt động khác có liên quan đến HAG, điều tra toàn diện hoạt động các công ty và khởi tố những hoạt động bất hợp pháp.

Tổ chức này cũng cho rằng Chính phủ Lào và Campuchia nên chấm dứt các hoạt động chặt đốn gỗ bất hợp pháp có liên quan đến các vùng nhượng quyền này và khởi tố các bên có liên quan.

Đây là một đòn mạnh giáng vào HAG giữa bối cảnh bầu Đức đang dần rút khỏi bất động sản và đầu tư vào cao su, thuỷ điện, mía đường. Được biết, liên quan đến vấn đề này, HAG đã có thông cáo giải trình, phủ nhận các cáo buộc.

Global Witness là một tổ chức phi Chính phủ của Anh, được thành lập năm 1993. Tổ chức này có trụ sở tại cả London và thủ đô Washington D.C của Mỹ.

Tuyên bố không hề có bất cứ mối liên hệ chính trị nào, tổ chức này đang tập trung vào việc phân tích mối liên hệ giữa hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, xung đột, nghèo đói, tham nhũng và lạm dụng quyền con người trên toàn thế giới.

Bích Diệp


Copy từ: Dân Trí

Kinh tế lao dốc và phản ứng của nghị sĩ Việt

Ghi chép 1
 
Nghe mấy ông bà nghị sỹ nước ta “chém gió” thiệt đã lỗ tai. Nào là “Tình hình kinh tế gay go lắm rồi”; nào là “Tiền mà cứ ngồi trong ngân hàng thì chết”; nào là “Tình hình tài chính thế này là tôi thấy xấu lắm”; hay những phát biểu đúng đến độ không còn biết bình ra sao nữa: “Cần tích cực đưa vốn vào nền kinh tế”. Cũng không thiếu những phát biểu đánh đố người nghe vì mức độ cao siêu của nó: “Lạm phát ‘quá tốt’ do điều hành dở”.
Kiểu này, chúng ta chỉ cần vào Facebook nghe bà con “tán chuyện kinh tế” còn cụ thể và hấp dẫn hơn nhiều lần.
Nếu các ông bà đại biểu Quốc hội mà thật sự muốn giải quyết các vấn đề hóc búa của nền kinh tế, lẽ ra họ phải có những nghiên cứu sâu để yêu cầu Chính phủ giải trình một số vấn đề cấp bách: Vì sao cho phéo đảo nợ, nợ xấu thật sự là bao nhiêu, vì sao giải quyết bài toán nợ xấu chậm chạp thế, áp lực gì từ các nhóm lợi ích làm trì hoãn việc giải quyết nợ xấu….
Rõ ràng cả xã hội hiện đang nghiêng về các giải pháp tiền tệ, chỉ nói đến các chính sách tiền tệ trong khi những chính sách khác không ai đề cập: Ví dụ đã hơn một năm trôi qua từ khi có những chủ trương từ Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, vậy Chính phủ đã làm được gì, chưa làm được gì; ba hướng tái cơ cấu gồm doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, và đầu tư công đã triển khai đến đâu. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tránh vết xe đổ của Vinashin, Vinalines đang diễn ra như thế nào, số phận các tập đoàn khác ra sao…
Không nói đâu xa, hiện nay dân tình đang hoang mang trước việc Nhà nước không cho doanh nghiệp nước ngoài mua trực tiếp gạo, cà phê của nông dân để xuất khẩu nữa. Việc này giúp doanh nghiệp trong nước cạnh tranh nhưng lại có hại cho nông dân bị ép giá. Vậy quan điểm của Quốc hội như thế nào? Sao lại cứ ngồi chém gió và than thở chuyện ai cũng biết.
Thay vì than thở về sự thiếu hụt của ngân sách, vì sao họ không rà soát lại các khoản chi vô tội vạ, để dùng quyền giám sát, cắt bỏ. Loại này nhiều lắm, báo chí từng liệt kê chi tiết. Hoặc các khoản vay dù của doanh nghiệp nhà nước nhưng có bảo lãnh của Bộ Tài chính tức ngân sách sẽ gánh chịu nếu doanh nghiệp không trả được. Dự án bauxite cũng có khoản vay 200 triệu đô-la do Citibank dàn xếp, Bộ Tài chính bảo lãnh.
Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là sự đánh mất niềm tin nên người ta không bỏ tiền ra đầu tư nữa. Họ co cụm lại hoặc thậm chí bán sản nghiệp cho nước ngoài. Mấy ông bà nghị sĩ đã không tìm cách xây dựng lại niềm tin thì thôi; nay lại chém gió theo kiểu “Tình hình tài chính thế này là tôi thấy xấu lắm” trong khi lại không đưa ra kiến giải gì. Thử hỏi họ đại diện cho dân ở đâu vậy?
*                      *                      *
Mọi người chắc còn nhớ câu chuyện thương tâm về bà mẹ tự vẫn để khỏi là gánh nặng cho chồng con, để cho con có điều kiện tiếp tục việc học. Có một chi tiết làm tôi phải viết mẩu này, đó là khi con chị được tuyển vào một trường cao đẳng, chị đã tìm mọi cách viết đơn để xin vay tiền cho con đi học nhưng Ngân hàng Chính sách từ chối vì chị không có sổ hộ nghèo.
Nay Nhà nước bỏ ra 30.000 tỷ đồng cho người “chắc chắn không phải là nghèo” vay để mua nhà. Nói “chắc chắn không phải là nghèo” bởi để được vay tiền lãi suất thấp, họ phải là người có khả năng mua nhà chứ đâu phải như bà mẹ nói trên chỉ vì gánh nặng tiền thuốc chừng 140.000 đồng/ngày mà phải tìm đến cái chết.
Mọi so sánh đều khập khiễng bởi biết đâu vốn mồi cho vay mua nhà sẽ kích thích thị trường địa ốc sôi nổi trở lại, làm các ngành nghề như xây dựng hồi sinh, chồng của bà mẹ được tiếp tục làm thợ hồ… và cuối cùng là kinh tế phục hồi, biết đâu được!
Nhưng rõ ràng nhìn từ góc cạnh chính sách, trong điều kiện ngân sách ngày càng eo hẹp, lấy 30.000 tỷ đồng ở chỗ này thì phải giảm 30.000 tỷ đồng ở chỗ khác. Như vậy đồng thời với việc nhiều người được vay tiền mua nhà thì sẽ có các chương trình (có thể là an sinh xã hội, phát triển nông thôn, thậm chí xóa đói giảm nghèo) bị ảnh hưởng. Nếu ở nước khác, chắc nông dân sẽ phản đối dữ (họ sẽ lý luận vì sao họ không được vay ưu đãi như thế để nuôi tôm, nuôi cá, trồng mía đường, chẳng hạn).
Có lẽ cho vay tiền mua nhà vì một đại diện Chính phủ vừa phát biểu: “Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo” – vậy nên phải hỗ trợ người trung lưu chứ gì nữa. Và còn 30% dành cho doanh nghiệp nữa!

Bổ sung: 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà là tiền từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước nên nó không tính vào ngân sách. Nhưng chuyện NHNN lấy đâu ra tiền để tái cấp vốn để hỗ trợ lãi suất lại là một đề tài khác, sẽ viết sau. 



Copy từ: Nguyễn Vạn Phú

Hiệu Minh - Anh Đoàn Nguyên Đức có phá rừng?


Hiệu Minh
 

Rừng bị phá. Ảnh: Global Witness
Ngoài đời, tôi không biết anh Đoàn Nguyên Đức và bác Alan Phan. Nghe nói, anh Đức rất giầu, có máy bay riêng, thuê anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung lái. Bác Alan Phan không hiểu có máy bay riêng không, nhưng tài sản cũng khá ở Mỹ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, khi nhận xét về Alan Phan, anh Đoàn Nguyên Đức có hỏi “Alan Phan là ai? Trong lịch sử, ông ấy đã làm gì cho đất nước Việt Nam? Đối với thị trường BĐS, ông Alan Phan có dự án nào ở Việt Nam không? Câu trả lời là “không có”. Ông ấy có một công ty nào thành đạt không? Câu trả lời cũng là “không”. Một người không biết gì mà lại đi khuyên những người biết gì, giống như một người không biết đá banh mà lại nói chuyện đá banh hoặc chẳng khác nào một cậu sinh viên lại “lên mặt” dạy toán cho GS. Ngô Bảo Châu” .
Thấy tin đáng chú ý về hai công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn công nghiệp cao su đã được phân bổ tổng cộng hơn 280.000 héc-ta đất để dựng đồn điền cao su ở Lào và Campuchia.
Tổ chức vận động bảo vệ môi trường Global Witness đã cáo buộc hai công ty trên liên quan tới những vụ cướp đất lớn ở Campuchia và Lào.
Global Witness nói những người sống trên các khu đất được giao lại cho các công ty Việt Nam đã bị đuổi ra khỏi nhà mà không được bồi thường thỏa đáng hoặc không được chút nào.
Họ cũng bị cũng bị cáo buộc đã gây ra những “hủy hoại về môi trường và xã hội”.
Tuy nhiên, anh Đoàn Nguyên Đức phủ nhận, nói các cáo buộc là “cực kỳ phi lý”. HAGL và ông chủ nên cẩn thận với trang web nổi tiếng này, vì đứng sau là chính phủ Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Nauy và tỷ phú Soros. Khi đã đưa ra cáo buộc là có chứng cứ hẳn hoi.
Nếu tin trên Global Witness là sự thật thì liệu ông Alan Phan và hiệp hội “yêu” Alan có nên đặt ngược lại câu hỏi “Đoàn Nguyên Đức là ai? Với nạn phá rừng như ở Lào và Campuchia, liệu ông Đức có dự án nào tương tự ở Việt Nam không?”
Người hâm mộ túc cầu không đá bóng nhưng biết chuyện “bỏ bóng đá người” của bầu Đức.
Nhiều người không hiểu về bất động sản cũng như những cú đầu tư hàng tỷ đô la của HAGL, không phải là chuyên gia về kinh tế, không phải giáo sư Ngô Bảo Châu, nhưng vẫn có thể khuyên anh Đức về phát triển bền vững dựa vào bảo vệ môi trường.
Nếu phá rừng để phát triển, rồi cướp đất của dân, kể cả bên Lào hay Camphuchia, để tạo nên “thương hiệu” của công ty, thì các vị nên cắp sách tới lớp vỡ lòng để biết thế nào là người thành đạt trong xã hội hiện đại, trước khi bước lên máy bay 15 triệu đô la.
“Tiền vào đầy nhà nhưng văn hóa vẫn ngoài cửa” có thể áp dụng cho những kẻ chỉ biết chà đạp lên người nghèo để làm giầu dưới danh nghĩa “hội nhập và phát triển”.
HM. 14-05-2013
__________________

Global Witness cáo buộc Hoàng Anh – Gia Lai những gì?

Dân Việt - Những người dân có mặt trong đoạn phỏng vấn này đều được làm mờ khuôn mặt, chỉ còn giọng nói bằng ngôn ngữ địa phương, kèm theo phụ đề bằng tiếng Anh và không đề rõ địa chỉ nơi ở.
Một báo cáo dài 49 trang, đăng kèm video clip trên trang web của tổ chức Global Witness cho biết, người dân ở các vùng dân tộc thiểu số của Lào và Campuchia đã tố cáo bị chiếm đất do chính quyền địa phương tại Campuchia và Lào cấp giấy phép khai thác cho hai tập đoàn tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai và Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam của Việt Nam.
Trên đoạn video điều tra dài khoảng 5 phút, Global Witness đã phỏng vấn 6 người dân ở cả Lào và Campuchia và quay cảnh đốn rừng, chở gỗ được cho là tuồn về Việt Nam.
Những người dân có mặt trong đoạn phỏng vấn này đều được làm mờ khuôn mặt, chỉ còn giọng nói bằng ngôn ngữ địa phương, kèm theo phụ đề bằng tiếng Anh và không đề rõ địa chỉ nơi ở. Một người đàn ông còn tố cáo, mỗi ngày, ít nhất có khoảng 5 xe tải lớn chở gỗ, được cho là chuyển về Việt Nam. Tuy nhiên, trong đoạn video clip này không hề phỏng vấn một quan chức địa phương nào về vấn đề liên quan.

Một người dân xuất hiện trong đoạn clip của Global Witness bị che mặt khi trả lời phỏng vấn. Ảnh cắt từ clip
Cũng theo điều tra của Global Witness, Ngân hàng Đức Deutsche Bank và Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC trực thuộc Ngân hàng Thế giới đã đầu tư vào hai công ty này và đã không theo dõi chặt chẽ các hoạt động của hai công ty Việt Nam ở Campuchia và Lào.
Global Witness cho rằng, 5 tài phiệt giàu nhất ở Campuchia là những người được hưởng lợi chính từ dự án này.
Deutsche Bank nói họ không trực tiếp cung cấp tài chính cho hai công ty được nêu mà chỉ đại diện cho các nhà đầu tư giữ cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai trong một quỹ và cung cấp dịch vụ ủy thác sự vụ cho Hoàng Anh Gia Lai như với hàng ngàn công ty niêm yết khác trên toàn cầu.
IFC cũng ra thông báo rằng họ không giữ cổ phần trong Tập đoàn công nghiệp cao su nhưng họ có đầu tư vào một quỹ và nắm giữ cổ phần tại Hoàng Anh Gia Lai.
Global Witness cũng cho biết đã yêu cầu chính phủ Lào và Campuchia chấm dứt hợp tác với hai tập đoàn khai thác cao su của Việt Nam, đồng thời yêu cầu ngân hàng Đức và Ngân hàng Thế giới rút các khoản đầu tư vào Hoàng Anh - Gia Lai và Tập đoàn Công Nghiệp Cao Su Việt Nam cho đến khi nào tình hình được cải thiện. Trước mắt Deutsche Bank cho biết sẽ tìm hiểu thêm trước khi quyết định, trong khi đó IFC không đưa ra bình luận.
Global Witness là một tổ chức chuyên bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các nước nghèo trước nạn khai thác bừa bãi và tệ tham nhũng. Tổ chức thành lập năm 1993, có trụ sở chính ở địa chỉ tầng 6 tòa nhà Buchanan số 30 Holborn thủ đô London (Anh) và văn phòng ở Mỹ. Trong suốt 19 năm hoạt động, tổ chức này tập trung vào 4 mũi nhọn, gồm: Tham nhũng, môi trường, xung đột và lạm dụng nhân quyền.
Thúy Đăng (lược dịch)
Theo Dân Việt


Copy từ: Dân Luận

Bị cáo buộc phá rừng, bầu Đức đang đối mặt với ai?

(Dân trí) - Đứng sau nguồn quỹ cho Global Witness, phần lớn đóng góp đến từ tỷ phú George Soros. Cũng chính tổ chức này là nguyên nhân dẫn đến việc Liberia bị Liên hợp quốc áp lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu gỗ.
 >>  HA.GL và Tập đoàn Cao su VN bị cáo buộc phá rừng ở nước ngoài
 >>  Vướng cáo buộc tại Lào và Campuchia, bầu Đức mất hơn 430 tỷ trong vài giờ

Bị cáo buộc phá rừng, bầu Đức đang đối mặt với ai?

Ngay sau khi bị Tổ chức Nhân chứng toàn cầu (Global Witness) cáo buộc về hành vi hối lộ, lợi dụng quan chức tham nhũng tại Lào và Campuchia để chiếm đoạt đất, khai thác gỗ bất hợp pháp, bịt đường sinh kế cư dân địa phương, phản ứng của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) không gây bất ngờ.

Cũng tương tự như trước các phản hồi của HAG trước việc bị các tổ chức tín nhiệm quốc tế như Fitch Ratings, Standard & Poor’s (S&P) hạ bậc, đại diện của công ty bầu Đức ngay lập tức lên tiếng phủ nhận giá trị báo cáo và thậm chí yêu cầu ngừng xếp hạng, lúc nào thị trường tốt hơn sẽ sẵn sàng mời trở lại.

Trong vụ việc gần đây, bên cạnh việc phủ nhận những cáo buộc mà Global Witness đưa ra, điều đáng chú ý là Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai đã quy kết tổ chức này đang lợi dụng hình ảnh của HAG để đánh bóng tên tuổi. Liệu rằng, có đúng Global Witness “không hề có tên tuổi gì” như đánh giá của bầu Đức hay không?

Tại bài viết này, Dân trí không đi sâu vào các cáo buộc về hoạt động đầu tư của HAG tại hai quốc gia láng giềng là Lào và Campuchia, mà chỉ cung cấp cho độc giả rõ về tổ chức “không tên tuổi” mà người giàu thứ hai thị trường chứng khoán Việt đang phải đối đầu là ai.

Phần lớn nguồn quỹ từ George Soros

Theo thông tin trên tờ The Mole của Malaysia, Global Witness được tài trợ bởi Viện Xã hội mở (OSI) do siêu tỷ phú George Soros thành lập. Tính riêng trong năm 2011, Global Witness nhận được 1,2 triệu bảng Anh từ OSI, chiếm phần lớn nguồn tài trợ của của tổ chức này. Hiện, con trai của tỷ phú Soros là Alexander G. Soros đang đóng vai trò là thành viên quản trị của Global Witness.

Ngoài ra, cũng trong năm 2011, Global Witness nhận được 19.083 bảng từ Quỹ quốc gia vì Dân chủ (NDE) mà đứng sau là Chính phủ Mỹ. Bên cạnh đó là các khoản tài trở từ Chính phủ Anh, Nauy, Quỹ Adessium và Oxfam Novib.

Trả lời phỏng vấn The Guardian năm 2007 về việc liệu các khoản tài trợ từ Chính phủ các nước có tạo ra áp lực hoặc gây méo mó những chiến dịch của Global Witness hay không, ông Patrick Alley, một trong các sáng lập viên tổ chức này khẳng định, không có một chính phủ nào có thể áp đặt bất cứ hạn chế nào lên hoạt động độc lập của Global Witness. Đồng thời cho biết, tiền tài trợ tiếp nhận sẽ không bao gồm bất cứ điều kiện nào.

Ước tính, từ tháng 12/2008-11/2009, trong cơ cấu quỹ tài trợ mà Global Witness nhận được, có 61% đến từ các quỹ tư nhân, 33% đến từ các chính phủ và 3% đến từ các tổ chức đa phương, 3%  là lãi suất tiền gửi ngân hàng và các nguồn khác.

20 năm chặn “đường sống” của tài phiệt quốc tế

Thành lập năm 1993, Global Witness đã liên tục tổ chức các cuộc điều tra và chiến dịch ngăn chặn xung đột và hành vi tham nhũng liên quan đến nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như chống lại việc lạm quyền đe doạ môi trường và nhân quyền trên thế giới.

Sự có mặt của Global Witness xuất phát từ tình trạng tham nhũng và dung túng của chính quyền địa phương tại các quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, gỗ, khoáng sản… cho các hành động phá hoại của các công ty đầu tư, tạo nên “lời nguyền tài nguyên”.

Hoạt động của Global Witness đi từ những điều tra bí mật cho đến các cuộc họp cấp cao nhằm tạo ra thay đổi tại những lĩnh vực, khu vực có vấn đề.

Có 4 nhóm phạm vi mà Global Witness tập trung là chống tham nhũng, xung đột (phá hoại thiên nhiên, xung đột vũ trang, vi phạm nhân quyền), quản lý môi trường, tối đa hoá trách nhiệm giải trình và tính minh bạch.

Nhìn lại lịch sử hoạt động 20 năm vừa qua của tổ chức này, Global Witness đã động chạm đến không ít lợi ích của các nhóm tài phiệt trên toàn cầu và làm mếch lòng nhiều chính phủ. 

Chiến dịch đầu tiên được kể đến đó là việc ngăn chặn hoạt động buôn bán gỗ bất hợp phát từ Campuchia sang Thái Lan nhằm tài trợ cho Khmer Đỏ. Chỉ trong vòng 6 tháng, Global Witness đã thuyết phục được các nhà chức trách hai nước này đóng cửa biên giới đường bộ và góp phần vào việc lật đổ tổ chức khủng bố tại Campuchia.

Tiếp đến là cuộc đấu tranh chống lại ngành công nghiệp kim cương (được gọi là kim cương máu) - hoạt động thương mại tài trợ cuộc nội chiến tàn bạo ở Angola. Global Witness đã không chỉ đặt chân đến quốc gia này mà còn mở rộng can thiệp tại Sierra Leone, Liberia, Congo và Bờ Biển Ngà, vạch trần “kim cương máu” trước dư luận quốc tế và buộc các nhà hoạch định chính sách phải vào cuộc.

Với các hoạt động tích cực ở châu Phi, Global Witness sau đó đã được đề cử Nobel Hoà bình năm 2003. Ba năm sau đó, những nghiên cứu của tổ chức này được sử dụng trong bộ phim bom tấn của Hollywood “Blood Diamond” năm 2006.

Các hoạt động chống tham nhũng và chống xung đột của Global Witness còn hiện diện tại Burma, Indonesia, Liberia, Sudan, Zimbabwe, Equatorial Guinea, Turkmenistan và Ukraine.

Qua các cuộc điều tra cứng rắn của mình, Global Witness đã tác động trực tiếp đến hoạt động rút tiền của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) khỏi Campuchia năm 1996 do tình trạng tham nhũng trong ngành công nghiệp khai thác gỗ; khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc áp dụng lệnh trừng phạt quốc tế lên hoạt động xuất khẩu gỗ của chính quyền Tổng thống Liberia Charles Taylor năm 2003 (ông này sau đó phải vào tù vì tội ác chống lại nhân loại) và qua đó chặn nguồn quỹ của các phe phái lãnh chúa trong cuộc nội chiến ở nước này. Tiếp đến là góp phần vào vụ bắt giữ Gus Kouwenhoven tại Hà Lan năm 2005.

Cũng chính Global Witness là tổ chức đứng sau sáng kiến Minh bạch hoá ngành công nghiệp khai khoáng được Thủ tướng Anh Tony Blair công bố tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững tại Johannesburg tháng 9/2002.

Các nước đang phát triển không thể làm giàu từ phá rừng

Riêng tại hoạt động bảo vệ tài nguyên rừng trên thế giới, Global Witness đổ vào không ít tâm sức cho chiến dịch này. Không chỉ chặn nguồn tài trợ cuộc nội chiến ở Liberia thông qua buôn lậu gỗ, tổ chức này còn chỉ rõ tình trạng chảy máu tài nguyên rừng từ Burma sang Trung Quốc.

Gần đây, tổ chức này đã tiến đến việc khởi kiện DLH tại toà án Pháp. Theo đó, DLH bị cáo buộc mua bán gỗ với các công ty tại Liberia trong cuộc nội chiến tại nước này khoảng những năm 2001-2003.

Theo mô tả của Global Witness, rừng đóng vai trò là “pháo đài cuối cùng để chống lại biến đổi khí hậu”. Trong khi, nạn phá rừng lại góp vào 18% tổng phát thải CO2 toàn cầu.

Trước việc Liên Hợp quốc phê chuẩn sáng kiến “Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng ở các nước đang phát triển” (REDD), Global Witness cho rằng, thoả thuận này mang lại rủi ro lớn đối với rừng và cộng đồng địa phương. REDD sẽ chỉ thành công nếu như có sự tham gia của xã hội dân sự đóng vai trò như một cơ quan giám sát độc lập để đảm bảo nguồn tiền được sử dụng phù hợp với luật pháp quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế.

Cũng trong lĩnh vực này, Global Witness đã chỉ trích Ngân hàng Thế giới (World Bank) vì đã khuyến khích công nghiệp khai thác gỗ dựa vào xuất khẩu như một yếu tố nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển.

Bích Diệp


Copy từ: Dân Trí

Logo mới của Đảng: Chùa Một Cột

Cánh Cò

Có ai không bức rứt khi nhìn tượng Phật của Chùa Một Cột phải đội nón lá, mang áo mưa trong một ngôi chùa được tôn vinh vào hàng quốc bảo này?
Hội chứng tàn phá di sản văn hóa đã trở thành di căn khi hình như hầu hết những gì được gọi là di tích, di sản văn hóa đều bị tàn phá bởi nhiều cách, nhiều người trong đó có Đảng.
Khai thác sự mê tín của đại bộ phận người dân nên không ít chùa chiền miếu mạo trở thành nơi chứa chấp phù thủy, đồng bóng quái lạ nhằm móc túi bá tánh hơn là quảng bá phật pháp hay tâm pháp. Có bao nhiêu ngôi chùa hiện nay mà trụ trì là một cao tăng, dám từ chối mọi điều kiện cám dỗ của bọn mua thần bán thánh? Có bao nhiêu tam cấp dẫn lên chốn thờ phụng đã biến thành tục tằn dơ dáy vì ăn mày, móc túi, mua bán niềm tin?
Có bao nhiêu ngăn kéo của Đảng cất giữ đơn thưa các loại cho tới nay không ai xem xét. Sự nhơ bẩn bên ngoài có bằng sự nhớp nhúa bên trong Đảng bởi tha hóa, tự tôn, bè phái và độc tôn coi mình là thượng tầng xã hội?
Có bao nhiêu đảng viên hiện nay dám từ chối tham nhũng vì niềm tin hết mực vào sự anh minh của Đảng?
Di sản văn hóa lụn bại và biến dạng bởi tro nhang và âm binh dày dặc bao vây. Khách tham quan chen lấn với kẻ tham tiền làm hình ảnh nhiều khu di tích thảm hại và nhớp nhúa. Tâm lý bầy đàn của đa số dân chúng đã tiếp tay cho thứ di sản hổ lốn nảy nở như nấm sau mưa và người ta vô tư dẫm nát những công trình cổ của tiền nhân bằng những thứ được gọi là “ấn” là “chỉ” do bọn tiếm danh văn hóa từ trong Đảng đưa ra nhằm kiếm ăn. Những ấn, chỉ ấy được một đám đông tin là dẫn tới quan trường và từ niềm tin bệnh hoạn ấy “phong trào” xô đẩy kiếm chức vào Đảng mỗi năm lại được “nâng lên một tầm cao mới”.
Khác với Đảng, nơi có truyền thống buôn quan bán tước từ hàng chục năm qua, Chùa Một cột là nơi di sản văn hóa cấp quốc gia duy nhất thoát được nạn mua thần bán thánh.
Có tên chữ là chùa Diên Hựu, chùa Một Cột được xây dựng vào nǎm Kỷ Sửu 1049, tức còn 36 năm nữa thì ngôi chùa này sẽ đạt mốc 1.000 năm tuổi. Với một lối kiến trúc được công nhận là hàng đầu Châu Á, chỉ một cây cột lớn chính giữa, ngôi chùa thư thái đứng đó qua bao biến động.
Đảng bắt chước lối kiến trúc độc đáo của Chùa Một Cột nên quyết định độc tôn. Sự độc tôn này của Đảng được ấn định trong văn kiện chính trị lẫn trong Hiến Pháp Việt Nam.
Chùa Một Một mãi tới nay không bị ai quấy rầy làm cho biến dạng như những di sản văn hóa chung quanh khác phải chăng nhờ sự tôn nghiêm và sự chăm lo bảo vệ của Đảng?
Hoàn toàn không phải thế, mà ngược lại, ngôi chùa đang xuống cấp và có nguy cơ biến dạng thành một nơi thật sự hoang phế, hoang phế đến độ Phật có lẽ phải đội nón ra đi sau khi ngồi đó với chiếc nón lá che mưa trong nhiều năm trời!
Chùa Một Cột tuy rất gần với UBND thành phố Hà Nội nhưng lại rất xa Cục Di Sản vì vậy nó bị bỏ quên trong 5 năm qua mặc dù đại đức Thích Tâm Kiêm đã khàn cổ kêu gào từ ngày 20 tháng Tư năm 2008.
Nó xuống cấp và cây cột duy nhất có cứng cách mấy cũng khó lòng chống lại cả một cấu trúc đã mục nát, nhất là mái chùa.
Có ai không bức rứt khi nhìn tượng Phật của Chùa Một Cột phải đội nón lá, mang áo mưa trong một ngôi chùa được tôn vinh vào hàng quốc bảo này?
Nhưng bên cạnh những bức rứt ấy thì hình ảnh đau lòng của tượng Phật lại trở thành hài hước dưới mắt của rất nhiều người. Nó làm người ta liên tưởng đến Hội nghị Trung Ương 7 đang nhóm họp tại Hà Nội. Trong hội nghị ngập những tranh cãi quyết liệt này, ông Tổng Bí thư cũng đang đội nón lá, mặc áo mưa tránh... nước bọt vì sự hung hăng quá mức của cử tọa đảng viên.
Chùa Một Cột có tương quan mật thiết về ý nghĩa cũng như hình ảnh Một đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng có thể gọi cho hoa mỹ: Đảng một ngôi.
Chùa Một Cột đang xuống cấp tệ hại cũng không khác Đảng Một Ngôi là mấy: suy thoái, bị gậm nhấm từ trong. Đảng viên không khác kèo, cột, tấm lợp, rui, mè... thi nhau mục rữa vì không còn lý tưởng, thay vào đó năng lực tìm kiếm cơ hội tham nhũng, thăng quan tiến chức ngày một tinh vi và cao siêu hơn.
Phật Thích Ca trong Chùa Một Cột đội nón lá, mặc áo mưa vì sợ ướt, trong khi ấy người cao nhất đảng là Tổng Bí thư cũng không khác gì, đang đội nón lá mang áo mưa trong hội trường khi cuộc họp đang diễn ra bởi ngôn từ và tiếng nghiến răng giành giật của phe phái ầm ầm tấn công nhau. Một bên là độc đảng, một bên là độc...lập kiếm ăn, tức nhóm lợi ích.
Chùa Một Cột bị bỏ ngoài tai lời kêu cứu trùng tu. Đảng một ngôi cũng bị bỏ ngoài tai lời kêu cứu khẩn thiết đổi mới Đảng từ nhiều năm qua. Kết quả mới nhất cho thấy, Đảng Một Ngôi quyết định không kêu gọi đổi mới Đảng nữa mà tập trung vào việc chống biến đổi khí hậu sau khi có thêm hai Ủy viên trung ương một ông, một bà mới.
Chùa Một Cột cũng thế, sau 5 năm kêu cứu vô vọng, thức tỉnh ra và thấy rằng cách hay nhất là cứ thế chấp tên tuổi 1.000 năm của mình nhằm kiếm tiền tu bổ hình hài hơn là chờ đợi lòng từ bi của Đảng. Không khác gì chờ nước biển tự cạn không lấn vào bờ sau khi Đảng kêu gào chống lại biến đổi khí hậu.
Chiếc cột duy nhất của Chùa Một Cột có cứng cáp cách mấy rồi cũng sẽ sụp nếu lạm dụng không chịu trùng tu. Sự độc đảng có “độc” cách mấy rồi cũng bị đào thải vì đã hết thời, hết phương án lừa đảo lòng tin của người dân, một đám đông trót chạy theo đảng nay đã tỏ ra mệt mỏi, đuối sức và có dấu hiệu “suy đồi”, suy đồi chính trị như Tổng Bí Thư từng nói.
Đảng cũng biết như thế. Sau khi thấy mình không thắng nổi nhóm lợi ích có thể sẽ họp nhau lại lấy hình ảnh của ngôi chùa độc nhất Việt Nam làm logo. Hình ảnh Đảng và Chùa Một Cột hợp nhất trên chiếc logo sẽ khiến Đảng được tiếng là tìm về cội nguồn trong khi tiếp tục dẫn dắt dân tộc. Chùa sẽ thơm lây và vé vào cửa từ đó tự động tăng lên gấp bội, vì hằng hà sa số người trong và ngoài nước sẽ xếp hàng vào xem tượng Phật bên trong ngôi chùa này còn đội nón lá hay đã thay vào bằng nón cối? Chiếc nón truyền thống có từ thời chiến tranh chống Mỹ mà có kẻ ác miệng cho là phát xuất từ Tàu.


Copy từ: Dân Luận

Thấy gì qua cáo trạng vụ án hai sinh viên của Viên kiểm sát Long An?

Thấy gì qua cáo trạng vụ án

hai sinh viên của Viên kiểm sát Long An?

 NGUYỄN TƯỜNG THỤY
.
Ngày kia, 16/5/2013 hai sinh viên Đinh Nguyễn Kha và Nguyễn Phương Uyên ra tòa.
Trừ hành vi “chế tạo, thử nghiệm vật liệu gây nổ” của Đinh Nguyên Kha còn treo lại thì hai sinh viên này ra tòa với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước …” theo theo điểm c, khoản 1, điều 88 BLHS.
Điểm c, khoản 1, điều 88 như sau:
Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tôi kiên nhẫn đọc hết 9 trang cáo trạng của Viện kiểm sát Long An với giả thiết bản cáo trạng là đúng để xem hành vi của 2 sinh viên này như thế nào. Nhưng mấy tờ truyền đơn mà Viện kiểm sát Long An dẫn ra không thấy tờ nào mang nội dung tuyên truyền chống nhà nước mà chỉ thấy nhắc đến truyền đơn mang nội dung chống Đảng (CSVN). Chỉ thấy nói hai em tuyên truyền chống Nhà nước một cách chung chung và có thể là áp đạt nếu không có bằng chứng.
Tất nhiên, VKS Long An không thể dẫn ra hết các truyền đơn mà hai em đã rải. Nhưng theo tôi, nếu có truyền đơn mang nội dung chống nhà nước thì họ sẽ trưng ra trước, tội gì đưa ra một bản cáo trạng mơ hồ không thuyết phục. Trên một số trang mạng hồi hai sinh viên này bị bắt, có đưa ra một số truyền đơn, không biết có phải do hai em rải không nhưng cũng không có tờ nào mang nội dung chống Nhà nước.
Hay là VKS Long An có chứng cứ nhưng không dẫn ra. Nếu như vậy thì ý kiến của tôi trong bài viết này hãy xem như lời bàn với giả thiết Kha, Uyên chỉ in và rải truyền đơn mang nội dung tuyên truyền chống Đảng CS.
Trong vụ án này, để xét Kha, Uyên có phạm tội hay không thì phải xét đến NÔI DUNG truyền đơn mà hai em đã rải.
Nếu truyền đơn có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước thì mọi hành vi khác trong giai đoạn chuẩn bị hãy xét đến.
Ngược lại, nếu không có nội dung tuyên truyền chống nhà nước thì mọi hành vi khác như nhận tiền, in và rải truyền đơn, chụp ảnh cũng không cần xét đến.
Vì sao?
-    Vì việc nhận tiền của ai đó, nhờ làm một việc không phạm tội thì đương nhiên việc nhận tiền không có tội
-    Việc rải truyền đơn cũng thế. Nếu không mang nội dung chống nhà nước thì hành vi rải truyền đơn của Uyên Kha chẳng khác nào hành vi của các nhân viên tiếp thị đứng ở các giao lộ có đèn điều khiển giao thông để phát tờ rơi cho người đi đường.
Cần lưu ý là bản cáo trạng nêu ra hai việc chẳng liên quan đến tội danh Viện kiểm sát cáo buộc:
-    Một là làm và dán cờ vàng ba sọc mà Phương Uyên ghi chú là Đại Nam quốc kỳ và Cờ quốc gia Việt nam.
Đây là những chính thể từng tồn tại trong lịch sử. Nếu cho Việt Nam Cộng hòa là kẻ thù của cộng sản Việt Nam đi thì ngoài ra, còn nhiều kẻ thù khác nữa chứ. Ví dụ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp… Thậm chí, Trung Quốc còn là kẻ thù truyền kiếp của VN hàng ngàn năm nay. Ấy thế mà người ta bố trí cho trẻ em mang cờ Trung Quốc, lại thêm vào đó một ông sao con con nữa để đón lãnh đạo Trung Quốc nhưng không thấy ai bị đưa ra tòa. Nếu Kha, Uyên dán cờ Trung Quốc thì sao nhỉ? Chắc chắn người ta không đưa vào cáo trạng mà có khi còn được khen nữa là khác. Dị ứng với cờ ba sọc, phải chăng, lá cờ đó ám ảnh, ăn sâu vào mỗi nơ ron thần kinh của họ? Như thế, cứ ra rả kêu gọi hòa hợp dân tộc sao đây?
-    Mỉa mai hơn, bản cáo trạng còn nêu ra truyền đơn dùng máu pha loãng viết trên vải trắng “có nội dung không hay về Trung Quốc”. Hàng ngày, các cơ quan truyền thông Việt Nam có bao nhiêu bài viết có nội dung không hay về nước này nước nọ thì đã sao. Sao cứ động đến Trung Quốc là giãy nảy lên như động đến mả tổ? ”Có nội dung không hay về Trung Quốc” thì liên quan gì đến tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam? Nên nhớ, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia riêng biệt chứ không phải là quan hệ giữa thiên triều và chư hầu. Còn kẻ nào sợ hãi, đớn hèn quá, tự cho mình là bề dưới thì đó không phải là tư thế Việt Nam, dù ở bất cứ cương vị nào. Liệu có ai dám ghi vào Bộ luật hình sự tội danh tuyên truyền chống Trung Quốc?
Vấn đề ở chỗ phải chứng minh được Kha Uyên tuyên truyền chống nhà nước ở chỗ nào chứ không phải chứng minh hai em tuyên truyền chống Đảng CSVN. Không thể đồng nhất Đảng CSVN và Nhà nước Việt Nam.
Quan điểm này tôi đã đề cập trong bài Đừng xác định tội Phương Uyên thay công an
Bộ luật hình sự không hề có tội danh chống Đảng CSVN. Tuy vậy, trên thực tế, những người bị ghép cho tội danh tuyên truyền chống Nhà nước đều thấy dẫn ra những hành vi được coi là chống Đảng. Có phải do điều 4 của Hiến pháp ghi Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nên suy ra như thế được coi là lẽ đương nhiên?
Do lối nghĩ đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức nên có thể ai đó cho tôi là ấu trĩ về pháp luật. Nhưng một nhà nước pháp quyền thì không được phép suy diễn theo ý muốn chủ quan của một nhóm lợi ích nào đó. Vì vậy, nếu Đảng CSVN thấy cần thiết thì cứ việc bổ sung tội danh tuyên truyền chống Đảng hoặc sửa điều 88 thành tội tuyên truyền chống Đảng CS VN và Nhà nước Việt Nam. Nhưng làm việc này không đơn giản khi tính đến việc bày ra trước con mắt của nhân dân Việt Nam và quốc tế.
Dù sao thì ngày kia ra tòa, hai em sinh viên chắc chắn sẽ phải chịu một bản án tù. Thực tế trong nhiều vụ án, lập luận của luật sư bào chữa rất thuyết phục khiến bên công tố lẫn hội đồng xét xử không tìm ra lý lẽ để bác bỏ nhưng người ta vẫn dùng quyền để kết án. Tuy nhiên, ý kiến của luật sư không phải là vô ích mà nó vẫn có tác dụng vạch ra bản chất của vụ án.
Cuối cùng thì, dù thế nào đi chăng nữa, trong tâm khảm, tôi tin rằng Nguyễn Phương Uyên và Đinh Văn Kha không có tội. Tôi cũng tin rằng những người biết yêu quí dân tộc này, đất nước này với tôi có cùng ý nghĩ.
1
2345678 9
Cáo trạng của VKS Long An
td1td2
td5
td3
Truyền đơn của nhóm Tuổi trẻ yêu nước không thấy có nội dung chống Nhà nước
td6
Truyền đơn dùng máu pha loãng viết trên vải trắng “có nội dung không hay về Trung Quốc” có phải là cái này
.
14/5/2013
Mời đọc lại các bài viết cùng chủ đề trên blog NTT:
Thư cầu cứu về việc sinh viên Nguyễn Phương Uyên mất tích - fcebook Fantoche Ngo
“Đến khi nào tìm thấy tội sẽ gửi công văn về gia đình” Paulo Thành Nguyễn
Xung quanh việc cháu Nguyễn Phương Uyên bị bắt và mất tích NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Tuyên truyền chống giặc Tàu không phải là tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN   NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Thông báo về việc bắt tạm giam Nguyễn Phương Uyên .  NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Vụ “bắt cóc” Nguyễn Phương Uyên: chỉ có thể là “bọn phản động”, xã hội đen hoặc “lực lượng thù địch”?  Thanh Tùng
Đừng xác định tội Phương Uyên thay công an NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Thư của Đảng làm báo gửi blog NTT Đảng Làm Báo
Mẹ nữ sinh viên Phương Uyên khiếu nại công an bắt con sai pháp luật  Dòng Chúa cứu thế
Ông cán bộ công an phường Tây Thạnh nói như thế là không được NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Vụ bắt giữ Nguyễn Phương Uyên: Vi phạm thủ tục tố tụng là không thể chối cãi. NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Khó tin những gì họ đã luận tội Nguyễn Phương Uyên. NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Vụ Nguyễn Phương Uyên: Tôi vẫn tin ở cô bé. J.B Nguyễn Hữu Vinh


Copy từ: Nguyễn Tường Thụy

Mẹ sinh viên Phương Uyên nói gì trước phiên tòa ngày 16/5/2013?


VRNs (14.05.2013) – Bình Thuận – Cái gọi là phiên tòa xét xử hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha theo thông báo của tòa án nhân dân tỉnh Long An sẽ diễn ra lúc 7g30 ngày 16/5/2013.
Trước khi phiên tòa diễn ra, mẹ của Phương Uyên, bà Nguyễn Thị Nhung đã trả lời phỏng vấn phóng viên không biên giới Trâm Oanh. Theo chị Nhung, chị sẽ không được nói gì trong phiên tòa này mà chỉ có quyền nghe mà thôi. Nhưng nếu được nói, chị Nhung sẽ chỉ ra những điều vô lý trong bản cáo trạng cố ý gán ghép tội cho Uyên của Viện kiểm sát tỉnh Long An.
VRNs đăng nguyên văn cuộc phỏng vấn này.
Bà Trâm Oanh gửi đến VRNs

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
———–

ĐƠN YÊU CẦU
        (V/v Gửi quần áo lịch sự cho con tôi mặc trong phiên tòa ngày 16/5/2013)  
Kính gởi: Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Long An.

Tôi tên: Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1972, ngụ tại Hàm Trí – Hàm Thuận Bắc – Bình Thuận, là mẹ của Nguyễn Phương Uyên hiện đang bị tạm giam tại trại giam tỉnh Long An và chuẩn bị đưa ra xét xử vào ngày 16/5/2013.
Trên tinh thần công bằng, bình đẳng và văn minh của luật pháp nước CHXHCN Việt Nam, gia đình tôi muốn rằng con tôi được mặc đồ lịch sự, gọn gàng, văn minh như những bị can trước đó trong phiên tòa sắp tới. Tôi đề nghị được gửi vào trại giam tỉnh Long An một bộ áo dài truyền thống Việt Nam để con tôi mặc cho lịch sự.
Tôi xin cảm ơn!
Bình Thuận, ngày 15 tháng 05 năm 2013
Người làm đơn
Nguyễn Thị Nhung


Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế

Mỹ thử thành công phóng máy bay không người lái từ tàu sân bay

(Dân trí) - Hải quân Mỹ hôm qua đã lần đầu tiên phóng thử thành công một máy bay không người lái với kích cỡ tương đương một máy bay chiến đấu từ một tàu sân bay ở Đại Tây Dương.

Chiếc X-47B cất cánh từ tàu sân USS George H W Bush
Chiếc X-47B cất cánh từ tàu sân USS George H W Bush
 
Trong cuộc thử nghiệm vào sáng qua, chiếc máy bay do thám X-47B đã cất cánh thành công từ chiến hạm USS George H W Bush ngoài khơi bờ biển bang Virginia. Điều này đánh dấu lần đầu tiên một máy bay không người lái cất cánh từ một tàu chiến trên biển.
Trong chuyến bay thử nghiệm kéo dài khoảng 1 giờ, X-47B đã 2 lần tiếp cận thấp chiến hạm trước khi bay qua vịnh Chesapeake để trở về "nhà" tại căn cứ hải quân Patuxent River ở bang Maryland.
Cuộc thử nghiệm không nhằm phục vụ mục đích hoạt động và thay vào đó quân đội Mỹ sử dụng thông tin mà họ thu thập được trong các cuộc thử nghiệm này để phát triển chương trình máy bay không người lái.
Hải quân Mỹ đã vận hành 2 máy bay không người khác là ScanEagle - một loại máy bay nhỏ hơn, chi phí thấp hơn và không mang vũ khí - và Fire Scout - được chế tạo giống một trực thăng.
 
X-47B đang rời tàu sân bay.
X-47B đang rời tàu sân bay.
Cả quân đội Mỹ và CIA đều sử dụng các máy bay không người lái Predator và Reaper được trang bị vũ khí trong việc do thám và các chiến dịch tấn công quanh thế giới. Quân đội Mỹ sử dụng chúng thường xuyên tại Afghanistan và các chiến trường khác, trong khi CIA thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại khu vực biên giới của Pakistan.
X-47B được xem là "ngôi sao" trong Hệ thống máy bay chiến đấu không người lái của hải quân Mỹ vì đó là máy bay không người lái đầu tiên được thiết kế đặc biệt để cất cánh và hạ cánh xuống tàu sân bay, cho phép nó được sử dụng quanh thế giới mà không cần sự cho phép của các quốc gia khác.
Một số quốc gia đã bày tỏ lo ngại về việc sử dụng các máy bay do thám của Mỹ, nói rằng các cuộc tấn công bị giám sát rất hạn chế và gây thương vong cho dân thường, làm tổn hại hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài. Giới chức hải quân nói rằng X-47B sẽ cung cấp các khả năng tấn công, do thám và tình báo suốt 24 giờ.
 
X-47 bay qua tàu sân bay.
X-47 bay qua tàu sân bay.
 
X-47B có thể đạt độ cao trên 12.000m, có tầm xa trên 2.100 hải lý và có khả năng đạt tốc độ siêu âm. Chiếc máy bay không đuôi cũng có thể hoàn toàn độc lập trong khi bay. Nó sử dụng các chương trình máy tính để biết xem máy bay sẽ bay đi đâu, trừ khi người điều hành sứ mệnh can thiệp vào. Điều này khác với các máy bay không người lái khác hiện do quân đội Mỹ sử dụng, vốn thường được các phi công điều khiển từ các địa điểm ở xa.
 
Một số nhà chỉ trích cho rằng việc quân đội sử dụng các máy bay không người lái, cộng với vụ thử nghiệm mới nhất, đã gây ra những lo ngại về sự phát triển của các hệ thống vốn có thể bị vũ khí hóa và cần ít sự kiểm soát của con người trong việc tiến hành các cuộc tấn công.
 
Video cuộc thử nghiệm:
 
Mặc dù X-47B không hạ cánh trên tàu sân bay hôm qua, nhưng hải quân Mỹ dự kiến sẽ sớm thử nghiệm điều đó. Việc hạ cánh trên tàu sân bay đang di chuyển được xem là một trong những thách thức khó khăn nhất mà các phi công hải quân phải đối mặt.
Hồi đầu tháng này, một máy bay X-47B đã hoàn thành cuộc thử nghiệm hạ cánh kiểu tàu sân bay tại căn cứ Patuxent River. Các cuộc thử nghiệm trong tháng này là sự chuẩn bị cho kế hoạch hạ cánh trên tàu sân bay về sau này.
 
Thêm ảnh về cuộc thử nghiệm ngày 14/5:
 
 
An Bình

An Bình

An Bình

An Bình

An Bình

An Bình
 
An Bình

An Bình

An Bình
An BìnhTheo AFP, AP


Copy từ: Dân Trí

Phượng Yêu (Tập 9)

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - “Giai cấp” Nguyễn Thanh Phượng, Tô Linh Hương khác với “giai cấp” Phạm Thanh Nghiên, Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên... chứ; sở dĩ mấy chú Côn An đánh người cướp của như vừa kể là vì “CA chỉ biết còn đảng còn mình”; mục đích CA quyết đánh những ai đòi nhân quyền là để “giai cấp” Thanh Phượng X, Linh Hương Rứa, những cục cưng của đảng “quyết sinh” đó. Cứ đẻ đi, đừng có lo, đã có Côn An lo!...
*
Phượng yêu...
Đọc tin Thanh Phượng tạm thời nghỉ chức Chủ tịch Việt Bank để chuẩn bị làm mẹ, bác có meo này chúc mừng. 
Trong meo trước, bác viết Thanh Phượng đẻ bọc “điều”, nay bác cũng định chúc đứa cháu ngoại của Ba Ếch sắp chào đời được ” mẹ nào con nấy”, tức đẻ bọc đỏ vện vàng. Nhưng sực nhớ tía của bê-bi (baby) là dân Mỹ-cút cút-theo nên cái bọc chắc chắn tùm lum màu vàng đỏ xanh trắng với những sọc cùng sao. Thôi thì bọc nào cũng là bọc cả, lo chi phải không cháu. Mà chưa đẻ cũng đã được bọc từ khuya rồi; lại bọc bằng vàng SJC và bạc USD cả tỷ lớp; bọc cả mẹ cùng con. 
Bác chúc mừng Thanh Phượng bằng cái meo cỏn con này e rằng “không giống ai”, vì hôm cháu mới “chuyển bụng” một cái là toàn bộ hệ thống báo đài hoành tráng của nhà nước đã trang trọng đưa tin “bà Thanh Phượng nghỉ đẻ”, trong khi những người ngồi ở công viên thảo luận về Quyền Con Người bị CA bắt bớ đánh đập dã man, tước đoạt tài sản thì các nhà “tác nghiệp truyền thông” nhà nước lại im thin thít; chỉ xuất hiện trên báo nước ngoài hoặc lề Dân trên internet. 

“Bà Nguyễn Thanh Phượng nghỉ đẻ” thì báo đài nhà nước hồ hỡi phấn khởi loan tin, nhưng những kẻ đã sinh ra, làm người nói chuyện Nhân Quyền lại bị săn đuổi te tua. 
Phượng yêu ơi, bác viết rứa nhưng đừng vì rứa mà nín đẻ nha cháu. Cứ hùng dũng sang trọng mà rặn, rặn nhanh rặn mạnh rặn vững chắc như đảng ta rặn... mãi trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa. 
Bác lại lỡ lời, so sánh cái rặn đẻ của cháu với đảng ta rặn... chủ nghĩa xã hội là khập khiểng. Bác cần “làm sáng tỏ vấn đề” là bác không cố ý chúc gỡ cháu rặn khó như đảng ta rặn mãi suốt 83 năm (1930-2013) mà không ra mặt mày thằng/con XHCN. Bác đây cũng có vợ có con; bác từng đứng nhìn bác bà rặn đẻ, nên không thể chúc dữ cho bất cứ người phụ nữ nào lúc họ lâm bồn, kể cả đẻ ra cái nòi CS. 
Chết cha, cứ loanh quanh ở chỗ “phân biệt đối xử” đàn bà rặn đẻ với đảng ta rặn xây dựng CHXH mà bác suýt quyên cháu đừng lo sợ đẻ con ra sau này lớn lên nó lại đi “giả ngoại nhân quyền” rồi bị Côn An đánh gãy răng, dí thuốc lá đang cháy vào trán, cướp sạch tiền của. 
Lo như vậy là vong thân mất rồi! “Giai cấp” Nguyễn Thanh Phượng, Tô Linh Hương khác với “giai cấp” Phạm Thanh Nghiên, Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên... chứ; sở dĩ mấy chú Côn An đánh người cướp của như vừa kể là vì “CA chỉ biết còn đảng còn mình”; mục đích CA quyết đánh những ai đòi nhân quyền là để “giai cấp” Thanh Phượng X, Linh Hương Rứa, những cục cưng của đảng “quyết sinh” đó. Cứ đẻ đi, đừng có lo, đã có Côn An lo! 
Nhưng mà lúc này nghỉ đẻ, thời giờ rãnh rỗi, Phượng yêu có biết ngày mai, 16/5/2013, Tòa án Nhân dân Long An xử hai nhân dân Đinh Nguyên Kha, sinh viên Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, và Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm Sài Gòn, về tội “Vì danh dự dân tộc, chống giặc Tầu. Vì tương lai đất nước, chống tham nhũng” không? 
Cuối meo, cho bác hỏi thêm: mai này Thanh Phượng có dạy con yêu nước không? Nếu có thì yêu nước nào, Việt, Mỹ hay Tàu? 
Chúc cháu chuẩn bị đẻ tốt, làm mẹ tốt. 


Copy từ: Dân Làm Báo