VRNs (12.03.2013) -
Sài Gòn – Trong những ngày vừa qua, nhiều gia đình tại Việt Nam, đặc
biệt tại Sài Gòn đã nhận được tài liệu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
1992 do chính quyền đưa đến tận nhà. Tài liệu gồm tập sách có bìa in chữ
màu xanh dày 79 trang có tựa “TÀI LIỆU
TRIỂN KHAI LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI
HIẾN PHÁP NĂM 1992″, phát hành ngày 11 tháng 01 năm 2013. Trang đầu tiên
là thư ngỏ của Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến. Nội dung chính là bảng
so sánh Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi. Trang bìa sau cùng ghi
thông tin của nhà in: “In tại Xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng (Công an
TP.HCM), Địa chỉ: 100 Lê Đại Hành, Phường 7, Quận 11, TP. Hồ Chí Minh,
Điện thoại: 38555812 – 39557657″.
Kèm với
tập Tài liệu này là một tờ giấy khổ A4 in hai mặt có tên là “PHIẾU LẤY Ý
KIẾN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM
1992″. Mặt thứ nhất để nhân dân viết “Nội dung góp ý”, mặt thứ hai thì
phần trên để trống, phần dưới để người góp ý ký tên, ghi họ tên và các
thông tin cá nhân như địa chỉ và điện thoại.
Điều bất
thường là sự vội vàng của những người được giao nhiệm vụ làm công việc
này. Họ đến nhà người dân, phát các tài liệu này và yêu cầu nộp lại chỉ
trong vòng 5 ngày! Thời hạn này không giống nhau ở mỗi địa phương, chứ
không có một thời hạn chung. Trong khi đó, ai cũng biết là ngày
30/9/2013 mới là ngày cuối cùng lấy ý kiến (theo quyết định mới nhất).
Nhiều
người thắc mắc: mỗi hộ gia đình chỉ có 1 tờ lấy ý kiến thì đó là ý kiến
của ai: ý kiến chung của cả hộ gia đình hay ý kiến của bất kỳ ai trong
gia đình đó? Giả sử người có hộ khẩu thường trú trong hộ gia đình đó
không am hiểu về những vấn đề vĩ đại như Hiến pháp thì người chỉ có KT3
(tạm trú dài hạn) ký thay được không?… Nói chung là việc hướng dẫn nhân
dân không có gì rõ ràng. Hình như những người được giao nhiệm vụ làm
công việc này chỉ biết phát ra và thu vào mà thôi, chứ không có khả năng
hướng dẫn.
Người dân đa số là người bình dân thì làm sao biết phải góp ý thế nào? Góp ý làm sao cho có lợi nhất cho đất nước?
Cuối Thánh
lễ tối hôm qua 12/03/2013 tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cha Chính
xứ Giuse Hồ Đắc Tâm đã hướng dẫn cho giáo dân trong giáo xứ nhân dịp
tĩnh tâm biết cách góp ý và những nguyên tắc quan trọng khi góp ý Hiến
Pháp năm 1992. Ngài nói: “Tôi xin đề nghị với ông bà anh chị em những điểm sau đây:
– Đừng
bao giờ đặt bút ký vào điều gì mà mình không hiểu. Điều đó có thể làm
hại nhiều người khác và có thể là bằng chứng buộc tội bản thân.
– Điều gì không hiểu thì bàn hỏi với những người mà mình tin tưởng.
– Điều gì mà mình đã hiểu thì giải thích cho người không hiểu, để nhiều người khác cũng tham gia vào lợi ích chung.”
Sau đó cha
Tâm đã phân phát cho giáo dân Bản góp ý và kiến nghị cho Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ngài khích lệ
giáo dân: “Mỗi chúng ta hãy đọc thật kỹ để hiểu được lập trường khôn
ngoan của những đấng bậc đã được Chúa ban ơn Thánh Thần hướng dẫn chúng
ta. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện xin Chúa soi sáng, để chúng ta biết lựa
chọn góp ý thế nào theo thánh ý Chúa.”
Theo tôi,
đây là một hướng dẫn tôn trọng tối đa sự tự do của giáo dân, tức là
không áp đặt việc góp ý Hiến pháp phải viết điều gì. Nhưng cũng có ý
kiến cho rằng giáo dân không phải ai cũng có thời gian đọc hết 4 trang
A4 bản góp ý của HĐGM VN, và giả sử có đọc hết thì chưa chắc đã biết
phải viết gì trong bản Lấy ý kiến, vì chỉ có chưa đầy 2 trang A4. Những
người theo lập trường này cho rằng có thể in sẵn cho giáo dân nội dung
góp ý, gồm 12 đề nghị của HĐGM VN liên quan đến 3 lãnh vực Quyền con
người (5 đề nghị), Quyền làm chủ của nhân dân (4 đề nghị) và Thi hành
quyền bính chính trị (3 đề nghị). Giáo dân chỉ cần ký tên, ghi rõ họ tên
và thông tin cá nhân vào đó thôi.
Có một sáng kiến đề giúp người dân viết vào ‘phiếu lấy ý kiến’ như sau:
Phần 1: “Không đồng ý”
Phần 2: “Tôi đồng ý với Nhận định và Góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Đề nghị Ủy ban soạn thảo theo đó mà sửa lại cho đúng”.
Đây là
thời điểm quan trọng để người dân khắp nơi thực hiện quyền công dân của
mình. Cần phổ biến nội dung này đến mọi tầng lớp nhân dân để họ không bị
mắc lừa những kẻ lấy ý kiến dối trá, như đã từng làm suốt 38 năm nay
trong các cuộc bầu cử Quốc hội.
HM
Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế