CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

NỢ XẤU: CỖ QUAN TÀI CHÔN HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VIỆT NAM


Những biện pháp giải quyết đưa ra từ chính quyền và các chuyên gia đều đúng, nhưng phải quyết tâmvà thành tâm thực hiện. Nếu chỉ để che lấp hình thức một mụn  nhọt ung thư, nợ xấu Việt Nam sẽ là áo quan chôn sống sinh hoạt kinh tế của đất nước.
Trước sự đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam hiện nay đang được dư luận thế giới chú ý, không phải vì sức mạnh quân sự mà là khả năng tồn tại để không bị nuốt chửng. Nhiều chuyên gia và định chế kinh tế tài chánh trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều nhận xét thẳng thắng không lấy gì làm lạc quan cho tương lai kinh tế Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam khủng hoảng trầm trọng
Trong phiên họp ngày 14/5/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch quốc hội, cho biết sinh hoạt kinh tế tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, số doanh nghiệp đang trong tình trạng lỗ có thể cao hơn.
Những chỉ số thống kê đưa ra trong phiên họp này cho thấy trong quý I năm 2013, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với cùng kỳ năm 2012 ở mức 4,89%. Mức này tuy có cao hơn mức 4,75% của quý I năm 2012, nhưng thấp hơn rất nhiều so với các quý I năm 2011 và quý I năm 2010 (5,53% và 5,84%).
Trong khi đó, mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp quý I năm 2013 chỉ đạt 4,93% (đây là tỷ lệ thấp nhất trong các quý I của giai đoạn 2010-2013 ; năm 2012 tỷ lệ này là 5,9%) và tăng trưởng "dư nợ tín dụng" (credit outstanding balance hay "nợ vay chưa trả") ba tháng đầu năm chỉ đạt 0,03%. Trong sinh hoạt kinh tế, nếu chỉ số tăng trưởng dư nợ tín dụng và sản xuất công nghiệp đều thấpđiều này chứng tỏ các doanh nghiệp hấp thụ vốn rất yếu và sản xuất kinh tế đình trệ. Tình trạng tăng trưởng tín dụng yếu kém này là do các ngân hàng siết chặt cho vay và chưa có biện pháp giải quyết những món nợ xấu.
Ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư  cho biết "nếu những khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn".
Gần đây, Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) đã giảm dự đoán tỷ lệ phát triển năm 2014 xuống còn 5,2%. Có thể con số 5% là một tỷ lệ tăng trưởng lý tưởng đối với những quốc gia giàu mạnh phát triển, nhưng với một quốc gia trong giai đoạn phát triển như Việt Nam chỉ số này là quá thấp và có thể đưa đất nước tới khủng hoảng, vì một lý do giản dị là tỷ lệ lạm phát hiện nay cao hơn con số này. Năm 2012, tỷ lệ lạm phát do nhà nước đưa ra là 7,5%, như vậy tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam trong năm qua là âm > -2% (nhắc lại, năm 2011 tỷ lệ lạm phát là 20%).
Theo giới quan sát viên kinh tế quốc tế, chủ trương xây dựng một "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa"của Việt Nam có từ năm 1986 đã quá lỗi thời. Sách lược dựa vào các doanh nghiệp quốc doanh làm đầu cầu phát triển kinh tế đang đưa đất nước tớitrì trệ, mà nguyên do đầu tiên là hệ thống ngân hàng ngập chìm trong nợ xấu và không đủ khả năng cung cấp cho doanh nghiệp nguồn vốn cần thiết để ra khỏi khó khăn.
Theo thống kê của Ủy ban Kinh tế, trong quý I năm 2013, đã có 15.300 doanh nghiệp ngừng hoạt đông và giải thể, tăng 14,6% so với quý I năm 2012. Trong thời điểm hai năm từ 2011 đến hết 2012, đã có hơn 100.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Trong khi đó, số doanh nghiệp mới thành lập là 15.700, giảm 6,8% về số lượng và lượng vốn cũng thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.Bên cạnh đó có đến 65% doanh nghiệp báo lỗ và không đủ khả năng phục hồi kinh tế. Trong thực tế,số doanh nghiệp báo lỗ có thể còn cao hơn con số này.
Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn chủ yếu là kém về thị trường và vốn. Về vốn, trong bốn tháng đầu năm 2013, dư nợ tín dụng (nợ cho vay chưa trả) chỉ tăng 1,41% nhưng dư nợ hụy động (vốn nhận từ các quỹ tiết kiệm) tăng 5%, điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đang nắm giữ một lượng tiền lớn nhưng không cho doanh nghiệp vay. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan.
Nhắc lại, vào giữa thập niên 2000, chính quyền của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thành lập một quỹ đầu tư với một tổng trị giá khoảng 124 tỷ USD để thành lập một hệ thống đại công ty, kiểu chaebol của Nam Hàn hay zaibatsu của Nhật Bản, nhằm hiện đại hóa khu vực kinh tế quốc doanh làm đầu tàu kéo nên kinh tế Việt Nam đi lên. Theo những tiết lộ ở cấp cao trong chính quyền, Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng đã nắm trong tay ít nhất 20 tập đoàn kinh tế quốc doanh lớn hhất nước. Thay vì dùng số tiền đó rót vào sinh hoạt kinh tế, nghĩa là cho các doanh nghiệp vay, hệ thống ngân hàng đã lạm dụng quyền thế và cấu kết với những tập đoàn gian tham cho vay cẩu thả để đầu tư vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán với kết quả là tất cả đều bị lỗ lã và chôn vùi các ngân hàng dưới hàng núi nợ, nợ xấu và nợ khó đòi, không có khả năng xử lý. Các công ty thuộc sở hữu của Nhà nước đã làm thất thoát hàng chục tỷ USD tín dụng và làm mất khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng số nợ xấu hiện nay được ước tính khoảng 7,8 tỷ USD, tức 6% của 130 tỷ USD tổng dư nợ. Nhưng theo thẩm định của các chuyên gia và định chế kinh tế tài chánh quốc tế, tổng số nợ xấu của Việt Nam cao hơn ước tính của Ngân hàng Nhà nước ít nhất gấp ba lần, khoảng 23 tỷ USD mới đúng, tức 18% của tổng dư nợ hay 23% GDP.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 1.309 doanh nghiệp nhà nước, với tổng tài sản gần 1.800.000 tỷ VND (82 tỷ USD), vốn chủ sở hữu là 700.000 tỷ VND (33,5 tỷ USD), trong đó có hơn 100 doanh nghiệp nhà nước lớn, với tổng số tài sản gần 40% tổng sản phẩm quốc nội GDP, đã vay một số vốn tổng cộng là 64 tỷ USD, bằng một nửa tổng số nợ chưa trả (dư nợ). Nhiều doanh nghiệp trong số này đã bỏ tiền vào đầu tư những ngành không liên quan đến chức năng chính của mình, như bất động sản. Khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện đóng góp vào 70% nợ xấu của toàn hệ thống, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu.
Theo Chỉ số về tình trạng tham nhũng năm 2012, do tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra, Việt Nam tụt xuống vị trí 123 trên tổng số 176 nước, so với vị trí 112 hồi năm 2011. Việt Nam là một vài quốc gia hiếm hoi trên thế giới có nhiều viên chức cáo cấp trong chính quyền trở nên giàu có lớn, hàng trăm triệu phú đô la và gần mười tỷ phú đô la. Trong khi đó, Chỉ số mức cạnh tranh toàn cầu mới nhất, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra, Việt Nam tụt 10 bậc, xuống vị trị thứ 75.
Chống nợ xấu bằng cách nào ?
Theo đánh giá, dự báo của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế (JP Morgan Chase, HSBC, Fitch Ratings...), nợ xấu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao nếu chính quyền không có kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết kịp thời, triệt để vấn đề này.
Ngày 03/05/2013, chính quyền cộng sản Việt Nam cho biết Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam sẽ cho ra đời một cộng ty xử lý nợ xấu mang tên Công ty quản lý tài sản (VAMC-Vietnam Asset Management Company) với số vốn ban đầu là 24 triệu USD (bằng 3% mức nợ xấu theo ước tính của nhà nước tính hay 1% theo ước tính của các chuyên gia quốc tế), một số tiền quá nhỏ để có thể tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng. Khả năng hoạt động của VAMC dựa theo kinh nghiệm của những công ty quản lý tài sản của Nam Hàn và Thái Lan những năm trước đó.
Ông Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết công ty này có thể giải quyết vấn đề cho 50% tổ chức tín dụng (ngân hàng). Sau đó, tùy vào tình hình, VAMC sẽ mở rộng quy mô nợ và tài sản thế chấp để đạt mục tiêu đưa nợ xấu của các tổ chức tín dụng về mức an toàn. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra : VAMC sẽ làm gì với tổng số nợ xấu mua lại (trị giá hơn 97% số vốn tự có) hay chỉ làm nhiệm vụ chuyển nợ (trái phiếu đặc biệt) từ nơi này sang nơi khác ? Ai sẽ chi trả cho VAMC ?
Cho dù chính quyền Việt Nam có đưa ra những biện pháp chỉ đạo giải quyết nợ xấu thế nào đi nữa, các quan sát viên kinh tế vẫn cho rằng Việt Nam còn quá chậm chạp trong việc giải quyết nợ xấu ngân hàng. Nhiểu người còn nghi ngờ nhiều khoản nợ xấu đã được làm đẹp bằng những khoản vay mới để trả những món nợ cũ quá hạn và nhờ tăng trưởng tín dụng ảo cuối năm tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm, nhưngchỉ là giảm số liệu chứ không phải là bản chất. Chỉ khi ngân hàng thực sự sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xóa nợ, thì nợ xấu mới thực sự được xóa khỏi bảng cân đối của ngân hàng, khi đó giá trị nợ xấu mới giảm, nhưng không ngân hàng nào thực sự dám làm... vì nguồn vốn tự có không đủ và cũng không đủ điều kiện để vay thêm.
Trên nguyên tắc, trách nhiệm xử lý nợ xấu đầu tiên thuộc về ngân hàng, nguồn để xử lý nợ xấu chỉ có thể là khoản trích lập dự phòng rủi ro, tài sản đảm bảo và cuối cùng là vốn tự có. Tuy nhiên, theo một quan điểm khác thì nguồn tài lực để xử lý nợ xấu trước hết phải là công quỹ quốc gia (nếu không có đủ thì chính phủ phải đi vay quốc tế), trước khi tính đến chuyện quy kết, trừng phạt những tổ chức, cá nhân cụ thể đã gây ra hậu quả tệ hại cho nền kinh tế.
Nhưng tác nhân và cũng là nạn nhân chính của nợ xấu vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, chính quyền phải tăng cường vai trò điều tiết, quản lý, điều hành với mục tiêu chủ yếu là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp. Chính quyền phải tranh thủ sự ủng hộ của các định chế tài chính và tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu, như tham vấn kinh nghiệm của các định chế tài chính lớn (IMF, WB...) trong quá trình cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, đồng thời tranh thủ nguồn vốn của các tổ chức này.
Các ngân hàng nước ngoài cũng có vai trò trong việc giúp Việt Nam dọn dẹp nợ xấu ngân hàng. Đây là một thử thách quan trọng vì các ngân hàng Việt Nam không không muốn người nước ngoài xem xét sổ sách và lật tung mọi thứ lên.
Chống nợ xấu là một công tác lâu dài, phải mất ít nhất từ 4 đến 5 năm mới có thể giải quyết được số nợ xấu, nhưng với điều kiện là tốc độ tăng trưởng kinh tế phải ở mức từ 8 đến 10%/năm và tỷ lệ lạm phát phải dưới 5%.
Những biện pháp giải quyết đưa ra từ chính quyền và các chuyên gia đều đúng, nhưng phải quyết tâmvà thành tâm thực hiện. Nếu chỉ để che lấp hình thức một mụn  nhọt ung thư, nợ xấu Việt Nam sẽ là áo quan chôn sống sinh hoạt kinh tế của đất nước.
Nguyễn Văn Huy
(Thông luận)


Copy từ: NV Phạm Viết Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét