CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Lính lạ ở Crimée : Họ là ai ?

Những người mặc quân phục, che kín mặt có thể là lính thuỷ thuộc hạm đội Hắc hải của Nga - REUTERS /Baz Ratner
Những người mặc quân phục, che kín mặt có thể là lính thuỷ thuộc hạm đội Hắc hải của Nga - REUTERS /Baz Ratner

Anh Vũ
Từ vài ngày qua, xuất hiện nhưng toán lính có vũ trang kiểm soát các trụ sở, sân bay của nước Cộng hoà tự trị Crimée nơi đang có căng thẳng cao độ từ sau chính biến ở Kiev. Họ là ai ? Là những binh si chính quy hay lực lượng đặc nhiệm Nga, hay họ là những toán lính đánh thuê cho Matxcơva ?

Mang quân phục chính quy màu xanh nhưng không mang phiên hiệu cấp bậc đơn vị, mặt thường che kín, được trang bị tiểu liên hiện đại, người ta có thể thấy hàng chục binh sĩ như vậy đi lại tự do, kiểm soát xung quanh toà nhà Quốc hội và chính phủ cũng như là khu vực sân bay Crimée trong những ngày này. Những người lính mặt lạnh lùng từ chối mọi câu hỏi của báo chí, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Bên cạnh các toán lính vũ trang đó là các nhóm dân quân không vũ trang tự nhận là thành viên của các đội tự vệ địa phương. Những nhóm này không giấu quan điểm thân Nga và chống lại chính quyền mới thành lập ở Ukraina.
Một trong những thành viên đội tự vệ này, ông Vladimir, 46 tuổi, giải thích với phóng viên của AFP : « Chúng tôi có mặt ở đây để không cho những kẻ phát-xít chiếm quyền ở Kiev tràn về đây ». Tuy nhiên anh ta từ chối không cho biết danh tính của những lính có vũ trang bí ẩn đang có mặt những điểm trọng yếu tại Crimée.
Theo trang thông tin của Mỹ Daily Beast, dẫn các nguồn tin từ Matxcơva, những binh sĩ nói trên thuộc một tổ chức quân sự tư nhân, làm việc theo hợp đồng với chính quyền Nga để bảo vệ các cơ sở của Nga ở Crimée. Nhưng theo chính quyền Ukraina hiện nay thì chắc chắn họ là những binh sĩ Nga thuộc hạm đội biển Đen, đóng căn cứ tại Sebastropol.
Ông Serguei Zgourets, giám đốc trung tâm nghiên cứu quân đội và giải trừ vũ khí tại Kiev phân tích : « Nhìn cách thức những binh sĩ này ra khỏi xe, đi tuần tra, mang vũ khí ... tất cả đều cho thấy đây là những lính thuỷ thuộc hạm đội biển Đen của Nga ». Ông giải thích thêm : « Các đơn vị tự vệ không được huấn luyện đầy đủ cũng như họ không thể có được quân trang quân dụng đầy đủ như vậy ».
Tuần báo Ukraina Dzerkalo Tyjnia hôm nay có nói rằng, những đơn vị lính lạ này này » thuộc lực lượng đặc nhiệm của quân đội Nga. Nhiệm vụ của họ là tác chiến ở nước ngoài khi lợi ích quốc gia của Nga bị đe doạ ».
Crimée là vùng đất Nga Hoàng thu phục từ những người Tatar hồi thế kỷ 18. Bán đảo này sau đó thuộc phần đất của Nga dưới thời Liên Xô cho đến năm 1954 thì được sáp nhập vào Ukraina. Trong khuôn khổ hiệp định hoà bình hai nước, Crimée có căn cứ của hạm đội biển Đen của Nga. Nhưng theo tinh thần của hiệp định thì Nga phải thông báo cho Ukraina trước mọi di chuyển quân đội trên bán đảo.
Nhưng dường như trong lúc hỗn mang như lúc này, lý lẽ đang thuộc về kẻ mạnh. Một hành động không tính toán có thể bùng phát biến cố lớn.


Copy từ: RFI

......

Tố cáo công an Đồng Tháp, chính là thủ phạm gây rối trật tự công cộng, ...


Tố cáo công an Đồng Tháp, chính là thủ phạm gây rối trật tự công cộng, làm cản trở giao thông trong vụ bắt giữ chị Bùi Thị Minh Hằng và 20 người khác vào ngày 11-02-2014


Công an đã có sự chuẩn bị và huy động lực lượng chặn bắt từ sớm, có sự giàn dựng quy mô với mục đích CỐ TÌNH gây rối trật tự giao thông, rồi đem tội đó gán ghép cho chị Bùi Thị Minh Hằng, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh.

Ngọc Nhi Nguyễn (Danlambao) - Sau khi xem chương trình "gìn giữ an ninh" của đài Truyền hình Đồng Tháp, mình đã viết bài Vụ bắt LS Nguyễn Bắc Truyển: Thiếu tướng công an Đồng Tháp ngu không thể tưởng! phân tích về việc Ls Nguyễn Bắc Truyển bị bắt trái pháp luật. Hôm nay mình lại phân tích tiếp những điều phi lý trong phần nói về việc bắt giữ chị Bùi Thị Minh Hằng và 20 người đi cùng.

Đài Truyền hình cho biết vào ngày 11-02-2014, đang trên đường tuần tra tại xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thì công an giao thông đã phát hiện 10 chiếc xe mô tô chở khoảng 20 người chạy hàng 2 hàng 3 trên đường, nên đã chặn để hỏi giấy tờ và khám xét, rồi xảy ra việc những người này "đánh công an" (?!?), dẫn đến làm cản trở giao thông. Ngoài ra còn tìm thấy băng rôn đả đảo cộng sản, đả đảo công an để cuối cùng bắt tạm giam và nay khởi tố 3 đối tượng là chị Bùi Thị Minh Hằng, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh.

Sau khi xem xét và nhận định thì mình kết luận rằng "Chính lực lượng công an Lấp Vò là thủ phạm gây rối trật tự công cộng và làm cản trở giao thông" chứ không ai khác!

1- Xã Mỹ An Hưng B, Lấp Vò, chỉ có 13 000 dân, thì tại sao đi tuần tra một nơi vắng vẻ như vậy lại cần đến một lực lượng công an bao gồm cả cảnh sát giao thông lẫn cảnh sát cơ động đến cả chục người ghê vậy? Bộ Việt Nam dư công an quá không biết dùng làm gì nên một thị xã bé bằng cái lỗ mũi cũng cần cả chục công an đi tuần tra?

2- Công an đi tuần tra bắt gặp đoàn xe 20 người này mà ở đâu lại có đài truyền hình Đồng Tháp đi theo quay đúng lúc thế? Bộ đài này hết chuyện làm rồi hay sao nên đi theo công an chơi cầu may coi có vụ gì quay đỡ ? 

3- Theo công an thì đoàn người này đi hàng 2 hàng 3 nên bị chặn lại xét hỏi. Ủa sao kỳ vậy? Bộ có luật cấm đi hàng 2 hàng 3 ở vùng này sao? Mà đi hàng 2 hàng 3 thì công an chỉ cần vẫy tay ra hiệu cho họ tản ra, đi thành hàng 1 là được rồi, tại sao lại phải chặn lại xét hỏi ?

4- Mà công an hay thiệt, hàng trăm chiếc xe chạy ngược chạy xuôi trên đường, làm sao công an nhìn cái là biết ngay 20 người này là chung một bọn mà chặn bắt ngay chóc vậy ta? Chẳng lẽ họ mặc đồng phục hay có vẻ trên mặt ký hiệu gì ?

5- Công an cho biết những người này đã đánh và chửi bới công an nhưng coi hết đoạn phim chả nghe chửi câu nào, càng không thấy ai đánh công an. Đoàn người toàn đàn bà và người lớn tuổi lại tay không, không biết đánh công an bằng cái gì? Hay là dùng tay cóc lên mũ bảo hiểm của công an gây chấn thương sọ não?! 

6- Bây giờ đến cái vụ "gây cản trở giao thông" nè. Bộ công an không biết khi chặn bắt 1 đoàn xe đến 20 người, thì phải đưa họ vào một chỗ nào đó, cách xa đường lộ, rồi mới hỏi xét giấy tờ hay sao? Công an chặn 1 đoàn 10 chiếc xe, rồi đứng giữa đường xét giấy, lại còn... ngoan ngoãn đưa đầu ra cho người ta đánh (!!!), khiến cho người dân thấy hiện tượng lạ bu lại cả trăm người xem, mới khiến cho cản trở giao thông. Xem trong đoạn phim thì thấy người bi chặn bắt không nhiều, mà nhiều nhất là công an và người dân ra xem. Công an thi hành công vụ mà không biết cách giải tán người dân bu xem, làm tắc nghẽn giao thông, gây rối trật tự công cộng như vậy là công an chưa làm đúng trách nhiệm của mình, lại còn đổ lỗi lên đầu người dân là sao? Cái gì vô lý vậy?


7- Rồi mình không hiểu tại sao coi trong đoạn phim thì người dân hiếu kỳ bu xem đa số là thanh thiếu niên trẻ tuổi, mà đài Truyền hình lại phỏng vấn toàn mấy ông già?
Mấy ông này cũng xung dữ, già lụm cụm rồi mà thấy đám mấy chục người đánh nhau với công an cũng ráng chen vào xem? Mà chen chỗ nào hay ghê thấy được cả băng rôn có chữ "đả đảo cộng sản", "đả đảo công an" nữa mới là tài, trong khi mình coi đi coi lại chỉ thấy được một góc băng rôn vàng vàng mà chả đọc được chữ gì? Hay là lúc đó công an mở banh băng rôn căng ra cho ông già đọc mà đài TV quên quay? Khó hiểu thật!!


8- Và cuối cùng công an cho biết những người này không phải là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, mà là "bọn xấu"(?!?). Ủa vậy mấy người mặc áo tràng lam hay đen trong đoạn phim và trong trại giam Đồng Tháp là ai vậy kìa? Hay là "bọn xấu" này chuyên ăn chay và tu hành nên không những mặc áo tràng mà còn đeo cả chuỗi bồ đề ?


Nói tóm lại, coi xong đoạn phim đó, mình thấy rõ ràng là công an đã có sự chuẩn bị và huy động lực lượng chặn bắt từ sớm, có sự giàn dựng quy mô với mục đích CỐ TÌNH gây rối trật tự giao thông, rồi đem tội đó gán ghép cho chị Bùi Thị Minh Hằng, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh. Đây là hành động ném đá giấu tay, vu cáo trắng trợn, không những vi phạm nhân quyền mà còn hoàn toàn làm trái pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Hành động này sẽ được tố cáo đến toàn thể người dân Việt Nam qua các phương tiện truyền thông và các tổ chức nhân quyền thế giới. Nhà nước Việt Nam và Bộ công an sẽ phải có lời giải thích hợp lý cho cung cách làm việc và hành xử này đối với 3 công dân Việt Nam nói trên.

*

Đây là clip của chương trình "gìn giữ an ninh" của đài Truyền hình Đồng Tháp:
Copy từ: Dân Làm Báo

.............

Lại chuyện trộm cắp và thể diện quốc gia


 

(TBKTSG Online) - Một tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines vừa bị báo chí Nhật bêu riếu chuyện tiêu thụ mỹ phẩm từ một nhóm trộm tại Nhật Bản, đem về nước bán kiếm lời. Những kẻ cắp đã bị cảnh sát phát hiện, lấy lời khai hôm 26-2-2014, thì một ngày sau những thông tin chi tiết đã xuất hiện trên tờ Sankei Shimbun. Tờ báo này cũng nhắc lại một số vụ trộm cắp tại Nhật mà thủ phạm chính là người Việt Nam.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu người Việt dính líu vào những vụ trộm cắp trực tiếp, hoặc gián tiếp tiêu thụ sản phẩm trộm cắp bị cảnh sát các nước phanh phui. Cứ mỗi lần có một sự kiện như thế, trên các cộng đồng mạng và mặt báo trong nước lại bị khuấy động. Những tấm biển cảnh báo trộm bằng tiếng Việt được dựng nơi công cộng ở nước ngoài lại được đăng lên, đánh thức cảm giác day dứt, nhục nhã cho những ai còn nghĩ tới các vấn đề thể diện quốc gia.
Một tấm biển cảnh báo trộm cắp được viết bằng tiếng Việt tại Nhật từng gây xôn xao dư luận trước đây. Ảnh: Internet.
Quả thật, rất đáng xấu hổ khi ngày nay bước ra bên ngoài, không chỉ thói tật ăn cắp, mà rất nhiều thứ “bệnh” khác của nhiều người Việt Nam đã được phơi bày, phổ biến tới mức đủ tạo cho bạn bè quốc tế nghĩ đó là tính cách chung của người Việt, hay nói nôm na, “người Việt các anh là thế”. Từ những chuyện đơn giản như người Việt không biết xếp hàng, phung phí trong ăn uống đến nhôm nhoam ồn ào những nơi cần sự trang trọng, tôn kính; từ nạn trộm cắp vặt, buôn lậu hay rộng hơn là gian manh lật lọng trong kinh doanh... đã tạo ra những hình ảnh rất xấu về người Việt hiện đại trong lòng bạn bè quốc tế.
Cũng dễ hiểu, tình trạng “vô pháp” đó ngày trước, khi mức độ giao du còn ít, thói xấu trong nhà tự biết với nhau, thuận thì điều chỉnh, không thuận cũng che giấu, dung dưỡng, không muốn mang tiếng “vạch áo cho người xem lưng”, nay chuyện giao lưu thường xuyên, dễ dàng thì những lởm khởm bất cập đem phô bày dưới ánh mặt trời, gây nghi ngại cho thiên hạ.
Một tấm biển khác tại nhà hàng buffet Thái Lan được viết bằng tiếng Việt, nhắc nhở thực khách Việt Nam chừng mực trong ăn uống. Ảnh: Internet.
Nhìn vào những hiện tượng riêng lẻ để phổ quát hóa rồi oán trách cho một đời sống văn hóa tụt hậu chung chung thì cũng không hẳn đúng. Nhưng cũng phải thừa nhận một điều luôn đúng, đó chính là giá trị của cá nhân thường được bồi lắng theo thời gian từ chính trong môi trường văn hóa mà anh ta sinh sống, tương tác xã hội. Ở đây, có thể thấy rằng, những biểu hiện của sự vô pháp tùy tiện của những hiện tượng kia có một mối dây liên hệ rất mật thiết với một bối cảnh vận hành xã hội với hai gốc rễ chính: pháp lý và đạo lý.
Môi trường khủng hoảng về đạo lý là điều kiện kích hoạt các thủ đoạn tham lam bùng phát ở mọi cấp độ. Trên bình diện quốc gia, sự tham lam khiến cho mọi lợi ích chung biến thành món lợi của một hoặc vài nhóm người. Ở nhà trường, lòng tham được kích hoạt bởi những cuộc thi đua thành tích hãnh tiến, không khởi phát từ tinh thần thực học. Và bước ra đường, lòng tham thể hiện đôi khi chỉ trong một cách nhích ga xe máy vượt đèn đỏ để cho được việc trước mắt, dù biết đó là hành vi có thể dẫn tới ách tắc cả một con đường hay gây ra nguy hiểm cho người khác v.v...
Trong một bối cảnh sống như thế, những giá trị tự trọng, sự tự nguyện và trung thực nơi cá nhân sẽ dễ dàng bị triệt tiêu, thay vào đó là tâm lý đối phó với hoàn cảnh, tìm kiếm lỗ hổng, cố tình lươn lẹo để đạt cho được mục đích trước mắt và đoản hạn. Bản thân từng cá nhân không xác tín vào những nguyên tắc của một xã hội văn minh. Và đến lượt chính họ cũng cảm thấy không cần thiết phải kính trọng những điều kiện cơ bản mang lại sự tự do nơi chính bản thân mình. Họ vừa là thủ phạm, vừa có thể là nạn nhân của chính sự vô pháp của mình.
Trong thế giới hội nhập, thể diện và hình ảnh quốc gia có thể xây dựng từ nơi chính hành vi hay giá trị của mỗi cá nhân, nhất là trong thời buổi sự phóng đại của truyền thông thông tin đủ sức biến những hiện tượng, sự việc đơn lẻ thành căn tính phổ quát như hiện nay. Bài học về thể diện quốc gia không chỉ được tư duy từ bên ngoài lãnh thổ của đất nước mình, mà cần được tâm niệm và thực hành nhất quán ngay chính trong đời sống thường ngày của mỗi người góp vào đời sống, từ tinh thần bình đẳng, biết tôn trọng bản thân và tha nhân, từ ý thức thượng tôn pháp luật.
Hơn bao giờ hết, ý thức về thể diện quốc gia cần được trang bị cho những công dân bước vào thế giới toàn cầu hóa. Không phải ngẫu nhiên mà học giả Fukuzawa Yukichi dưới thời Minh Trị, khi bàn về tinh thần hiện đại hóa Nhật Bản đã đặt tất cả những giá trị sống trên nền tảng của tư duy quốc dân.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Copy từ: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

.........

Ý Kiến Về Công Văn Trả Lời Của Bộ Nội Vụ Đối Với Hiệp Hội Dân Oan


Huy Cường, Basam: Trang Ba Sàm vừa đăng công văn trả lời của Bộ Nội vụ về việc thành lập Ban vận động Hiệp hội dân oan Việt Nam và ý kiến của những người định thành lập Hiệp hội.

Sau đây là ý kiến của tôi:

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP do Bộ trích dẫn để làm căn cứ trả lời là một quy định giới hạn quyền lập hội của công dân bằng cách đặt ra hai điều kiện để thành lập hội. Thứ nhất, muốn thành lập hội phải thành lập ban vận động thành lập hội. Thứ hai, ban vận động thành lập hội phải được cơ quan quản lý nhà nước có liên quan công nhận; nên nếu không có sự công nhận này thì không thể thành lập hội.

Cả hai điều kiện, đặc biệt là điều kiện thứ hai trái với quy định tại Khoản 2 Điều 22 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 (sau đây gọi là “Công ước”) mà Việt Nam là nước thành viên, theo đó việc thực hiện quyền lập hội không bị giới hạn và chỉ chịu những giới hạn “cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác”. Thực tế, Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP đã đưa ra điều kiện có hệ quả giới hạn quyền lập hội, nhưng các điều kiện đó không hề được giới hạn vào yêu cầu về tính cần thiết, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác như quy định của Công ước. Điều này dẫn đến hệ quả là quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP luôn có hiệu lực giới hạn quyền lập hội, bất chấp nó có cần thiết, có vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, hoặc có vì bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác hay không.

Mặt khác, Khoản 1 Điều 6 Luật ký kết, gia nhập và thực hiệp điều ước quốc tế quy định “trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”. Như đã nêu ở đoạn trên, do Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP do Bộ trích dẫn để làm căn cứ trả lời quy định khác, thậm chí trái với Công ước về việc giới hạn quyền lập hội, nên Bộ có trách nhiệm phải áp dụng quy định Công ước để trả lời công dân thay vì áp dụng một quy định trái với Công ước như Bộ đã làm.

KẾT LUẬN:

- Nội dung trả lời của Bộ căn cứ vào Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP là trái với quy định tại Khoản 2 Điều 22 của Công ước.

- Việc Bộ áp dụng Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP để trả lời công dân là trái quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật ký kết, gia nhập và thực hiệp điều ước quốc tế.

- Từ đó, trong trường hợp này, Bộ phải áp dụng Khoản 2 Điều 22 của Công ước thay cho Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP để trả lời công dân.

ĐỀ NGHỊ:

Đề nghị Bộ trả lời và giải thích về tính đúng đắn và hợp pháp của các kết luận trên và thực hiện đúng quy định của pháp luật.



Copy từ: Thanh Niên Công Giáo

...............

Sự xuất hiện kỳ lạ của Viktor Ianoukovitch tại Rostov trên sông Đông


Tổng thống bị lật đổ Viktor Ianoukovitch trong cuộc họp báo ngày 28/02/2014.
(Le Monde 01/03/2014) Việc dàn cảnh đã được chuẩn bị chu đáo. Một chiếc bàn gỗ đánh vẹc-ni và thảm đỏ, bốn lá cờ Ukraina phía sau, các nhân viên an ninh mặc đồng phục đen, hai trăm nhà báo tham dự.
Viktor Ianoukovitch đã tái xuất hiện tại Nga hôm thứ Sáu 28/2 tại Rostov trên sông Đông, cách biên giới Ukraina khoảng 100 km. Mục tiêu rất đơn giản : tự khẳng định tư cách một tổng thống hợp pháp, cho dù không còn mấy ai nghiêm túc tin vào cơ hội ông ta có thể quay lại nắm quyền, từ khi bị Quốc hội Ukraina truất phế hôm thứ Bảy 22/2.

Nhưng những sự dàn dựng không làm nên cơm cháo gì : tổng thống bị lật đổ phát biểu trong gian phòng lạnh lẽo của một địa điểm trưng bày nông nghiệp buồn thảm. Xung quanh ông tan, đành rằng an ninh được tăng cường, nhưng những người tham quan rõ ràng chú tâm đến các máy cày, máy bừa và máy đánh rơm rạ trưng bày trong cuộc triển lãm mới đây, hơn là vị tổng thống bị lật đổ đang lẩn trốn.
« Tôi là tổng thống Ukraina, được bầu lên một cách hợp pháp trong một cuộc bầu cử dân chủ » - Viktor Ianoukovitch lặp đi lặp lại nhiều lần. Và nói thêm, với chút mỉa mai : « Tôi vẫn còn sống ! »
Bàn tay trái nắm chặt, kính đeo trễ trên mũi và bàn tay phải luôn cầm bút, ông ta nói liên tục một cách rất bình tĩnh, viết nguệch ngoạc cái gì đó để có thời gian suy nghĩ khi các câu hỏi càng lúc càng gây bối rối (các tài khoản của ông ở Thụy Sĩ, sự hỗ trợ của Matxcơva, dinh cơ tráng lệ…)
Một nhà báo hỏi, còn ai ủng hộ ông ở Ukraina, và ông có thể tiếp tục với phương tiện tài chính như thế nào ? Ianoukovitch cố lẩn tránh. Và nhiều lần nổi giận, nhất là khi nhắc đến những người đã khiến ông bị lật đổ, các « băng nhóm cực đoan thân phát-xít và tân quốc xã » đã gây ra « hỗn loạn và khủng bố », nhất là « phương Tây » nói chung và chính sách « vô trách nhiệm » của họ. « Kịch bản tắm máu có thể không phải được viết ra tại Ukraina » - ông ta nói nói bóng gió như thế vào cuối cuộc họp, cạn dần lý lẽ, như để đánh lạc hướng về trách nhiệm của ông trong vụ đàn áp đẫm máu ở Maidan đã làm hơn 80 người chết trong những giờ trước khi ông ta bỏ trốn.
Đối diện với các phóng viên Nga, Ukraina và ngoại quốc không ngần ngại tấn công bằng các câu hỏi, Viktor Ianoukovitch chứng tỏ sự kìm chế. Nhưng thời điểm có vẻ siêu thực. Chỉnh tề trong bộ com-lê đen, ông kể lại chuyện đi trốn từ Kiev đến Kharkov, Donetsk rồi Crimée, dưới những loạt súng tự động rồi trên một chiếc trực thăng, trước khi băng qua biên giới Nga « nhờ một sĩ quan đã làm tròn nhiệm vụ ». Nay đang trú ngụ « tại nhà một người bạn », Ianoukovitch khẳng định những cuộc hẹn quan trọng đang chờ đợi ông.
Từ đây đến đó, Viktor Ianoukovitch hy vọng nhất là gặp được Vladimir Putin. Nhưng ông chủ điện Kremli, tuy chấp nhận sự hiện diện của Ianoukovitch trên lãnh thổ Nga và đảm bảo an toàn cho ông, vẫn chưa đưa ra một cái hẹn cho một cuộc gặp tay đôi. Tổng thống đào thoát tỏ ra ngạc nhiên về « sự im lặng của Kremli » : « Nga buộc phải phản ứng, và biết rõ tính cách của Vladimir Putin, tôi tự hỏi vì sao ông ấy lại thận trọng như vậy và tại sao ông im tiếng ».

Những sự kiện ở Crimée vài giờ sau, một ngày nào đó sẽ làm rõ tuyên bố khó hiểu này. Dù sao thì việc Viktor Ianoukovitch đến Rostov trên sông Đông không thể không được chính quyền Nga bật đèn xanh. Hơn nữa màn hỏi và trả lời này do Interfax, hãng tin thân chính quyền Nga tổ chức. Ở hàng đầu, nhiều nhà báo của Kremli được phái đi từ Matxcơva. Một trong số họ mạnh dạn hỏi thẳng : « Ông có cảm thấy xấu hổ hay không ? » Viktor Ianoukovitch bày tỏ một nhượng bộ hiếm hoi : vâng, ông ta « xấu hổ vì không thể giữ được sự ổn định của đất nước ». Ông lặp lại sự thú nhận này trước khi rời sân khấu, vẻ mặt ưu tư. Màn kịch chấm dứt.
Copy từ: Thụy My RFI


..............

KÝ SỰ HOA KỲ 4: VÌ DÂN, DO DÂN VÀ CỦA DÂN

KÝ SỰ HOA KỲ 4: VÌ DÂN, DO DÂN VÀ CỦA DÂN

Bài đọc liên quan: + Ký sự Hoa Kỳ 1: Người Việt và Hoa Kỳ + Ký sự Hoa Kỳ 2: Sự khác biệt của Hoa Kỳ + Ký sự Hoa Kỳ 3: Giải quyết những bất cập
Để hiểu tại sao người dân Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc điên cuồng, đóng thuế nhiều và ăn chơi hết mình tôi xin tiếp tục chuỗi ký sự phần 4 này. Quyền của người dân được sống và mưu cầu hạnh phúc như hiến định ở Hòa Kỳ được xem là tối thượng. Cái hiến pháp mà cụ Hồ đã sao y bản chính để làm tuyên ngôn độc lập cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhưng chưa bao giờ thực hiện được trong 69 năm qua ở Việt Nam.

Câu chuyện Tôn Dật Tiên đưa ra chủ nghĩa Tam Dân - dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc - để làm nên nền Cộng Hòa ở Trung Hoa, kết thúc chủ nghĩa Phong Kiến kéo dài hàng ngàn năm, cũng chỉ là một cách sao chép lại hiến pháp Hoa Kỳ theo một hệ quả của nền Cộng Hòa của dân, do dân và vì dân làm ra.

Bất kỳ ai đến Hoa Kỳ cũng thấy thể chế Hoa Kỳ đúng mực của dân, do dân và vì dân. Trẻ sinh ra đi học đến 18 tuổi - là tuổi trẻ có thể tự lập làm ra tiền - thì được xã hội lo ăn học không tốn tiền. Người già trên 65 tuổi thì được lãnh tiền trợ cấp xã hội đủ để sống riêng hoặc ở các Dưỡng Lão Viện, dù người đó chưa bao giờ phải đóng một đồng thuế nào cho xã hội hoặc không thu nhập - no income - suốt cả đời, nhưng con cái họ vẫn được học hành đến thành đạt.

Để minh chứng rõ ràng cho cái vì dân của thể chế ở Hoa Kỳ, tôi xin ví dụ cụ thể một trường hợp. Tôi có người bạn đồng nghiệp thân thiết, từ thời ở Việt Nam di cư sang Hoa Kỳ. Vì không chịu hội nhập, nên gia đình anh thuộc dạng không có thu nhập - no income - chứ không phải thu nhập thấp - low income - nhưng 5 đứa con anh đã có 2 đứa vào Harvard với học bổng toàn phần. Hiện một đứa con đầu đang là năm cuối dược sỹ, và đứa thứ hai là học năm đầu bác sỹ. Ba đứa còn lại học phổ thông không tốn tiền. Anh ta hằng ngày chỉ lo đưa đón con cái học hành, và chăm sóc chúng nhờ vào sự giúp đỡ của các em của anh ta. Đây là một bi kịch, nhưng cũng là một minh chứng cho thể chế Hoa Kỳ quá tốt đẹp. Có nằm mơ anh ta ở Việt Nam cũng không thể lo cho con cái như hiện tại, dù anh ta là bác sỹ có tài ngày ấy và cả bây giờ, anh ấy về Việt Nam cũng không thiếu chỗ mời mọc anh đi làm với mức lương không dưới 3.000USD/tháng. Tôi năn nỉ anh về, nhưng anh từ chối. Vì đã quen sống với một xã hội công bằng, minh bạch, và nhân bản, không thể về để sống ở nước Việt, nơi trăm nhớ, ngàn thương, chôn nhau cắt rốn của anh. Anh tâm sự: "Nước Việt mình là nơi đi để mà nhớ, chứ không phải nơi ở để mà thương!". Đứt ruột.

Hình 1: Nơi đánh dấu các hình xanh đỏ là nơi cần phải mở một con đường nối từ Freeway 210 ở phía Bắc đến freeway 710 ở phía Nam Los Angeles, nhằm giải quyết ách tắc giao thông lượng xe tải đi từ các bang trong đất liền chuyển hàng hóa sang Califonia để đi đến toàn cầu. Đoạn này khoảng hơn 20km. Chính phủ California đã đề nghị dân cư thuộc các thành phố Pasadena, Monterey Park đền bù giải tỏa để làm đường từ 2010 đến nay nhưng dân không đồng ý.

Còn của dân và do dân xin đơn cử trường hợp dân vùng Nam Los Angeles và Bắc Los Angeles có hai xa lộ liên Bang:  Freeway 10 xuyên bang Đông Tây. Freeway 5 xuyên bang Bắc Nam. Các bến cảng của Los Angeles như Long Beach, Hungtinton Beach, Seal Beach, San Pedro, Rancho Palos Verdes, Palos Verdes Estase, Newport Beach, v.v... ở phía Tây là trung tâm luân chuyển hàng hóa đi khắp toàn cầu. Nhưng sau chuyến di dân 30/4/1975, California trở thành nơi đất lành chim đậu của các cư dân toàn cầu. Mặc dù, diện tích Califonia hơn 2 lần lãnh thổ Việt Nam, và dân số chưa đến một nửa Việt Nam - 38 triệu. Nhưng với xa lộ như mạng nhện của Califonia cũng không thể giảm ách tắc giao thông theo kiểu Mỹ. Chính quyền Los Angeles đã đưa ra đề nghị mở một con đường nối thông từ Freeway 5 sang Freeway 10, qua 2 freeway 210 và 710 của tiểu bang để cho xe tải vận chuyển hàng hóa xuống bến cảng, mà không gây ách tắc giao thông. (xem hình 1)
Hình 2: Làm rõ đoàn đường màu xanh dương nối từ xa lộ 210 ở phía Bắc đến xa lộ 710 ở phía Nam Los Angeles, chỉ khoảng 20km, nhưng dân không đồng ý và chính phủ California đành ngậm bồ hoàn làm ngọt 4 năm qua. Dân chúng California phải đi đường vòng xa hơn 30km, và chịu cảnh tắc giao thông trên xa lộ được phép chạy 70miles/h, nhưng phải chịu còn chỉ 20 - 35miles/h vào giờ tan tầm.

Nhưng những đề đạt của chính phủ California đã 4 năm nay mà dân cư 2 thành phố Monterey Park và Pasadena không đồng ý, nên chuyện quy hoạch để giải quyết ách tắc giao thông, và rút ngắn đoạn đường đi từ Bắc Los Angeles xuống Tây Nam Los Angeles xuống ngắn hơn 30km đường đi vẫn chưa thực hiện được(xem hình 2). Nhà cửa ở khu vực cần giải phóng, đền bù của dân khu vực này trung bình nhà giá thấp khoảng vài trăm ngàn đô la, trung bình khoảng 1.8 - 2 triệu đô la Mỹ, cao thì đến hơn chục triệu đô la Mỹ. Dù chính phủ sẵn sàng đền bù, nhưng khó khăn nhất là khu vực Pasadena là dân trí thức có các trường đại học danh tiếng như UCLA - University of California, Los Angeles - không muốn khu vực này nhiều xe đi qua, ồn ào và mất cảnh quang thiên nhiên quá đẹp đã có từ thập niên 1950 đến nay.
Người dân thành phố Pasadena của Hạt Los Angeles thuộc bang California không muốn ở gần con đường đi qua những căn nhà yên tỉnh và thơ mộng như thế này, mặc dù chính quyền California quy hoạch để giúp tránh kẹt xe và giảm ngắn đường đi cho dân chúng, và chính phủ thất bại trong dự án làm đường.

Ở Hoa Kỳ, đơn vị hành chánh quan trọng nhất là thành phố. Giống như ở Việt Nam đơn vị hành chánh quan trọng nhất là cấp phường xã. Thành phố của Hoa Kỳ là cấp thấp nhất như phường xã ở ta, nhưng là nơi quyết định vận mệnh của từng quốc gia - tiểu bang - và lớn hơn là toàn liên bang. Nếu ở cấp thành phố Hoa Kỳ mà không đồng ý thì tổng thống Hoa Kỳ cũng chịu thua. Mà mọi nhân viên từ thấp đến cao của chính phủ tại thành phố là người làm công ăn lương của dân đóng thuế, nên mọi ý kiến của thành phố là ý của dân - hay nói cách khác, ý dân là ý trời bang ra.

Nếu như ở Việt Nam thì làm sao có được những cái thật sự vì dân, của dân và do dân như thế. Chúng ta thấy nhan nhản cảnh chính quyền nhà nước Việt Nam ức hiếp dân lành chiếm đất, đến nỗi dân phải tự chế bom xăng để tự vệ và phải vào tù như trường hợp của Vi Văn Tùng, Vi Văn Thế, hay của anh em Đoàn Văn Vươn. Hình ảnh cướp giết hiếp này đang diễn ra ở nơi mà chúng ta tự sướng bằng cách tự thủ dâm tinh thần là, nước ta hạnh phúc gấp ngàn lần bọn "tư bổn giãy đành đạch" hoài mà chưa chết. Nhưng chúng ta lại đang thấy chỉ có các xứ hạnh phúc ngàn lần như chúng ta là, đang lo sợ cái chết đang đến như Liên Xô, Đông Âu trong quá khứ, và hiện tại của Ukraina trong những ngày qua.

Asia Clinic, 16h59' ngày thứ Bảy, 01/3/2014


Copy từ: BS Hồ Hải’ blog

...............

Thử mổ xẻ phiên toà xét xử Trương Duy Nhất


Lê Diễn Đạt
Chỉ còn hai hôm nữa nhà báo Trương Duy Nhất ra tòa. Anh bị xét xử vì bị cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
 
Nhà báo Trương Duy Nhất cũng nói lên nguyện vọng mong muốn nhân sĩ, trí thức và các nhà báo tới tham dự phiên toà.
 
Cần phải lưu ý rằng, Trương Duy Nhất không phải là một nhà tranh đấu dân chủ, đúng hơn, anh là một người cầm bút phê phán hiện thực xã hội.
 
Là người sống và lớn lên trong chế độ, có ít nhiều sự ưu ái trong cuộc sống, Trương Duy Nhất không thuộc các đối tượng chống đối nhà nước CHXHCN Việt Nam, không bao giờ anh muốn phá hoại hay lật đổ hệ thống chính trị này mà chỉ muốn nó thay đổi, dẹp bỏ những tiêu cực, nạn cựa quyền, tham nhũng, bè phái, tự sửa chữa và hoàn thiện để tốt hơn lên.
 
Sự luận tội của bản cáo trạng qua 12 bài viết của anh là sự vu khống, áp đặt, khôi hài và nhố nhăng. Nếu như có một cái gì đó được gọi là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do dân chủ và trách nhiệm đối với xã hội của công dân, thì những bài viết của anh phản ánh sự thật, nói lên những bức xúc, trăn trở, suy tư của dư luận và của bản thân. Có thể nói chưa bao giờ anh đi quá giới hạn của một con người như nhận định phía trên của tôi.
 
Trong 12 bài viết có 11 bài của Trương Duy Nhất, theo bản cáo trạng, "có nội dung không đúng sự thật, tuyên truyên, xuyên tạc đuờng lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảng huởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của ĐCSVN, Nhà nước CHXHCNVN".
 
Con mắt của một nhà báo độc lập là quan sát, phân tích sự kiện và đưa ra nhận định, nhiều khi chủ quan, nhưng không chịu bị lèo lái, đưa đẩy bởi bất kỳ thế lực khác, cho nên nói cái nhìn của Trương Duy Nhất một chiều là ấu trĩ, ngớ ngẩn.
 
Cái nhìn của anh chẳng theo cái chiều định hướng của Ban tuyên giáo, nó mang thông tin đôi khi ngược chiều hoàn toàn, để dư luận so sánh, đối chiếu, kiểm chứng và mổ xẻ. Đây là cách xử lý lương thiện của một người cầm bút. Những chủ đề mà Trương Duy Nhất đề cập đụng có chạm đến các vị "tứ trụ" của triều đình thì cũng chỉ trong khuôn khổ của sự phê phán những cái xấu xa có thật, mang nhiều tính xây dựng, với tâm nguyện mong muốn thay đổi.
 
Đã hết rồi thời kỳ đặt bút xuống là ngợi ca các vị lãnh tụ. Nếu dòng thông tin "một chiều" ấy,ví dụ, trong các bài "Chấm điểm Thủ tướng", "Chấm điểm Bộ tứ nguyên thủ","Chất lượng Chính phủ; quá tệ", "Tổng Bí thư và Chủ tịch nước nên ra đi", "Bỏ phiếu cùng Quốc hội"... đụng chạm và thực sự "gây hoang mang lo lắng, làm ảnh huởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), Nhà nước CHXHCN Việt Nam" thì cần phải nhìn nhận môt cách thành tâm và bình thản. Bởi vì vạch ra những vấn nạn yếu kém và đề xuất giải pháp chính là vì lợi ích sống còn của chế độ, chứ không phải ngược lại. Cây ngay không bao giờ sợ chết đứng! Còn hơn 800 tờ báo của đảng trong hệ thống tuyên truyền cơ mà! Há gì một trang blog cá nhân có thể "nói xấu"?
 
Sống ở Đà Nẵng, từng làm phóng viên của báo Công an Đà Nẵng, được tháp tùng nhiều lãnh đạo đi nước ngoài và có mối quan hệ gần gũi với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, nắm bắt được thông tin và tâm tư riêng của một số lãnh đạo cao cấp, Trương Duy Nhất đã chủ quan khi tấn công vào Nguyễn Tấn Dũng, tường thành của chế độ, đặc biệt vào chính sách phò Trung Quốc của ĐCSVN.
 
Cũng có vẻ như dựa thế của Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư thành uỷ, khi được điều ra Hà Nội nhận chức Trưởng Ban Nội chính và Phó Ban Phòng Chống Tham nhũng Trung ương, Trương Duy Nhất đã không khá mạnh tay bút với Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí, anh còn làm một cuộc thăm dò uy tín riêng cho thủ tướng, cho thấy số phiếu rất thấp.
 
Sau Hội nghị Trung ương VI, khi cái tên "X" được mang ra đàm tiếu, Trương Duy Nhất đã thẳng thừng:
 
"Tại sao cái tên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - người bị Bộ Chính Trị yêu cầu kỷ luật cũng không dám công khai, phải nói trại ra là “một đồng chí ủy viên BCT” như kiểu không dám gọi đích danh mấy loại tàu cướp của Trung Quốc mà phải gọi là “tàu lạ” vậy? Đến mức khi giải trình với cử tri, Chủ tịch nước vẫn không dám nêu tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà phải gọi là “đồng chí X”. Đây là sự tế nhị, là nguyên tắc bảo vệ "tình đồng chí" trong đảng, hay là sự thỏa hiệp, là thái độ hèn hạ, bất lực? Thế thì làm sao còn dám kêu gọi người dân đừng sợ hãi, đừng sợ trù úm để cùng đảng chống tham nhũng?".
 
Thế nhưng cuộc chơi đã đi không đúng dự tính. Nguyễn Bá Thanh bị loại khỏi cơ cấu vào Bộ Chính Trị, còn Nguyễn Tấn Dũng thì củng cố được vị thế của mình sau hội nghị Trung ương 7. Và Trương Duy Nhất bị bắt.
 
Trương Duy Nhất là nạn nhân của sự tranh chấp quyền lực, mà thực chất là cuộc chiến chống lại sự chuyên quyền và lạm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
 
Phiên toà diễn ra sau cái chết của Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ. Nguyễn Bá Thanh bị hụt hẫng vì đánh mất cơ hội ngàn vàng để có thể đi sâu khai thác vụ tham nhũng lớn nhắm vào Nguyễn Tấn Dũng. Trong bối cảnh này, phần bất lợi sẽ nằm ở phía Trương Duy Nhất. Trương Duy Nhất khó thoát khỏi cú trả đũa dằn mặt.
 
Tôi tin rằng anh Trương Duy Nhất sẽ có đầy đủ bản lĩnh, lý luận để giải trình và chứng minh mình vô tội trong khuôn khổ luật pháp của CHXHCN Việt Nam và các công ước quốc tế về quyên dân sự, chính trị mà Việt Nam đã ký kết.
 
Tôi cũng tin rằng các bài viết của anh mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội, và Nhà nước, nếu như Nhà nước ấy hiểu được ý của anh và hướng thiện.
 
Thế nhưng, kết luận của bản cáo trạng là "tính chất mức độ thuộc phạm tội nghiêm trọng, gây nguy hại lớn cho xã hội", là bằng chứng muốn dằn mặt, trừng trị Trương Duy Nhất và cảnh báo cho tất cả những người cầm bút trong nước có ý đồ phê phán lãnh đạo và các chính sách của nhà nước.
 
Do đó, tối thiểu mức án 3-4 năm giam tù từ mức án cao nhất 7 năm của điều 258 Bộ Luật Hình Sự hoàn toàn có thể xảy ra với Trương Duy Nhất, không nhẹ nhàng như một số người nhận định.

Copy từ: Quê Choa’ blog

.............