CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Biển Đông : Mỹ - Trung hòa dịu, nhiều nước Đông Nam Á quan ngại


 
Ngoại trưởng Mỹ, J.Kerry tại cuộc họp ASEAN- Brunei 2013.
Ngoại trưởng Mỹ, J.Kerry tại cuộc họp ASEAN- Brunei 2013.
Reuters
Trọng Nghĩa
Gần nửa năm sau khi nhậm chức, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới chính thức ghé Đông Nam Á lần đầu tiên vào ngày 01/07/2013 để tham gia các hội nghị cấp ngoại trưởng của ASEAN tại Brunei, đặc biệt là Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN gọi là ARF.
Sự chú ý muộn màng của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đến một khu vực từng được người tiền nhiệm ưu tiên đã làm dấy lên quan ngại từ nhiều nước nhỏ trong vùng, vốn chờ đợi hậu thuẫn mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ để giải tỏa sức ép ngày càng mạnh của Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Mối quan ngại tại Đông Nam Á lại càng tăng vào lúc Washington - bị phân tâm vì hồ sơ Trung Đông - đang cố gắng tìm kiếm một quan hệ hòa dịu hơn với Bắc Kinh, mà biểu hiện nổi bật là cuộc họp thượng đỉnh Obama – Tập Cận Bình tại California hồi tháng 6/2013.
Trong phát biểu đầu tiên với các Ngoại trưởng ASEAN họp hội nghị tại Brunei, ông John Kerry đã có lời lẽ trấn an, nhắc lại lập trường trung lập của Mỹ đối với tranh chấp chủ quyền tại biển đảo giữa 4 nước ASEAN với Trung Quốc, nhưng xác định rằng Hoa Kỳ vẫn quyết tâm bảo đảm an ninh và ổn định cho vùng Đông Nam Á và hậu thuẫn cho một bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.
Lời trấn an kể trên không phải là thừa trong bối cảnh cả về hình thức lẫn nội dung, ông John Kerry từ ngày nhậm chức đến nay không còn có dấu hiệu dấn thân mạnh mẽ vào hồ sơ Biển Đông như người tiền nhiệm Hillary Clinton. Chuyến ghé Brunei lần này là chỉ là chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên của ông trong tư cách Ngoại trưởng. Về nội dung thì rõ ràng là ông Kerry đặt ưu tiên cho vùng Cận Đông. Ở châu Á, thì ông chú ý đến Triều Tiên nhiều hơn, và nhất là đến việc thực hiện chủ trương hòa dịu với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của RFI, nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, đã nêu bật thái độ quan ngại của các nước nhỏ tại Đông Nam Á - trong đó có Việt Nam và Philippines đang bị Bắc Kinh lấn lướt trên vấn đề tranh chấp Biển Đông - đang đặt câu hỏi về khả năng Mỹ có thể tiếp tục là đối trọng với Trung Quốc hay không. Vấn đề, theo nhà báo Lưu Tường Quang, lại càng gay gắt trong bối cảnh có thể gọi là « cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng », với Washington có dấu hiệu hòa dịu hướng về Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc vẫn không thay đổi thái độ cứng rắn đối với các nước Đông Nam Á.


Copy từ: RFI

Tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật đã gặp gia đình sau 10 ngày tuyệt thực

VRNs (02.07.2013) – Nghệ An – Sau 10 ngày tuyệt thực để phản đối sự đối xử hà khắc, xúc phạm nhân phẩm và đe dọa tính mạng của trại giam Nghi Kim. Vào lúc 8h ngày 01.07.2013, Mẹ và anh Trai của Sinh viên – tù nhân lương tâm Paul Trần Minh Nhật đã gặp được con mình tại trại giam Nghi Kim, Nghệ An.
Một điều bất thường trong lần thăm gặp sáng nay đối với trường hợp Sinh viên Trần Minh Nhật là: trước khi vào gặp Nhật, công an trại giam đã yêu cầu Mẹ và anh Trai của Nhật theo họ vào một phòng kín để làm việc. Tại đây, công an trại giam đã bố trí người quay phim, chụp hình. Họ thông báo về những ưu ái mà trại giam Nghi Kim đã dành cho Nhật trong thời gian qua cũng như tố cáo việc “Nhật không chấp hành tốt nội qui”. Vì quá nóng lòng để được gặp con nên Mẹ và anh Trai của Nhật chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Và sau thủ tục rắc rối đó, Nhật được hai viên công an dìu ra để lần lượt gặp Mẹ và anh Trai.
Nhìn thân hình tiều tụy của Nhật, Mẹ, anh Trai và tất cả chúng tôi không ai có thể cầm nỗi nước mắt. Minh Nhật cố gượng lên để nói “cho Nhật gửi lời thăm và cám ơn tất cả mọi người đã quan tâm đến Nhật. Hiện nay sức khỏe của Nhật rất yếu, hai mắt của Nhật không còn nhìn rõ như trước nữa nhưng sẽ không có bất cứ điều gì đánh gục được Nhật”.
Nhật cho biết, Nhật bị giam chung với tù hình sự và bị nhốt trong một phòng chật chội, bị bịt kín “chỉ có mỗi một lỗ thông hơi đủ để một con ruồi chui lọt” (nguyên văn lời Nhật nói).
Sau khi gặp Mẹ và anh trai cùng với việc ban giám thị trại giam Nghi Kim hứa sẽ đáp ứng một số yêu cầu như: cho gửi sách báo vào, cải thiện điều kiện giam giữ…, nên Nhật thông báo hôm nay sẽ dừng tuyệt thực. Tuy nhiên, Nhật cũng khẳng khái tuyên bố trước mặt các viên cai ngục và Ban Giám thị rằng, nếu những lời hứa hôm nay không được thực hiện thì Nhật sẽ tiếp tục tuyệt thực để phản đối.
Một điều cần chú là một số yêu cầu quan trọng liên quan đến tính mạng như yêu cầu phòng giam phải có điện, có nước uống, có ánh sáng hoặc phải mở cửa để không bị ngạt thở như trong thời gian qua thì Ban Giám thị vẫn cố tình tránh né.
Cũng cần biết thêm rằng: hiện nay ở Nghệ An nhiệt độ đang ở mức 39, 40oC.
Anthony Thiên Ân
 


Copy từ: Dân Làm Báo

Sau cuộc nổi dậy, tù nhân lương tâm Z30A bị chuyển trại khẩn cấp trong đêm

Bên trong trại giam Z30A Xuân Lộc (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

CTV Danlambao - CA đột ngột áp giải các tù nhân lương tâm rời khỏi trại giam Z30A Xuân Lộc sau khi kết thúc cuộc nổi dậy phản đối chế độ lao tù CS diễn ra hôm 30/6/2013. Việc chuyển trại diễn ra khẩn cấp vào lúc 09h30 tối cùng ngày, các tù nhân lương tâm bị chuyển đi trong tình trạng bị bỏ đói. Mặc dù phía CA trại giam khẳng định việc chuyển trại không liên quan đến cuộc nổi dậy, tuy nhiên, sự kiện 5 tù nhân lương tâm bị chuyển đi gấp gáp đã cho thấy đằng sau vụ việc ẩn chứa nhiều điều mờ ám.
Phân trại số 1, trại giam Z30A Xuân Lộc (Đồng Nai), có khoảng 10 tù nhân lương tâm bị giam giữ biệt lập trong một khu vực được gọi là 'tù chính trị'. Khi cuộc nổi dậy bùng phát, các tù nhân đã kéo đến phá cổng và hàng rào khu vực tù chính trị để gặp nhóm anh Trần Huỳnh Duy Thức.


Trong mắt các tù nhân tại Z30A, anh Trần Huỳnh Duy Thức được xem là một người tù chính trị có học, vì vậy mọi người đề nghị anh Thức đại diện nói chuyện với phía CA, đồng thời đưa ra yêu sách đòi hỏi quyền lợi chính đáng. 
Trong hơn 10 tiếng đồng hồ diễn ra cuộc nổi dậy, không hề có bất cứ sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Chính viên đại tá, giám thị trại giam Hồ Phi Thắng đã thừa nhận rằng trong thời gian bị khống chế làm 'con tin', ông này không bị ai đe dọa hay xâm phạm đến thân thể. Có thể thấy, trong tình thế hỗn loạn đi kèm với sự phẫn nộ trào dâng, nếu không có sự can thiệp của những tù nhân có uy tín và tầm ảnh hưởng cao thì vụ việc sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
Theo ý kiến của một cựu tù nhân lương tâm từng bị giam giữ tại Xuân Lộc, hành động gấp gáp chuyển trại giam như trên cho thấy CA đã lo sợ về mức độ ảnh hưởng ngày càng cao của những người tù lương tâm. Đây cũng là biện pháp nhằm ngăn ngừa các cuộc nổi dậy khác sẽ tiếp diễn trong tương lai.
Sau cuộc nổi dậy của tù nhân Z30A, thiếu tướng Hồ Thanh Đình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII tuyên bố: “Chúng tôi đã tách ra được khoảng 40 phạm nhân để tiếp tục điều tra. Sau khi xác định rõ mức độ sai phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”. Như vậy, phải chăng việc chuyển trại giam đối với các tù nhân lương tâm theo cách nói của tướng Đình là để 'tách ra' và 'xử lý'?
Được biết, cho đến thời điểm này đã có 5 tù nhân lương tâm bị chuyển về giam giữ tại trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) gồm các anh: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Cường, Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Võ Minh Trí (tức nhạc sĩ Việt Khang). 
Trại giam Xuyên Mộc thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do thượng tá Nguyễn Văn Duyệt làm trưởng trại. Đây cũng là nơi từng giam giữ và đày ải blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải trong nhiều tháng trước khi bị chuyển ra Nghệ An.
Một nguồn tin thân cận gửi đến Danlambao cũng cho biết thêm: Tổng cục 8 Bộ công an vẫn đang lên kế hoạch để tiếp tục lưu đày các tù nhân lương tâm đến giam giữ tại nhiều nhà tù khác nhau.
Liên quan đến cuộc nổi dậy tại Z30A hôm 30/6/2013, công an VN vừa tuyên bố sẽ cho khởi tố vụ án được gọi là 'chống phá trại giam', trong đó 7 tù nhân đã bị 'cách lý điều tra' và 20 người khác tiếp tục bị thẩm vấn.

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com


Copy từ: Dân Làm Báo

Triết lý…quả mít


Nhiều gai không có mũi nhọn. Ảnh: Internet
Nhiều gai không có mũi nhọn. Ảnh: Internet
Trong một comment, anh Hồ Thơm trích báo cáo chính trị của ĐCS VN nói tràng giang đại hải các ưu tiên “Đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất.”

Đọc xong đoạn trên, đố bạn đọc tìm ra tác giả nói về ưu tiên nào là hàng đầu. Chỉ biết chữ XHCN nhắc lại tới 3 lần trong 1 câu.
Một độc giả có nick Dân Gian bình loạn, cái gì cũng là mũi nhọn, hóa ra là quả mít.
Vì khó đạt được tất cả mọi thứ một lúc, các nước phương tây thường đặt ra vài ba ưu tiên và cố đạt bằng được. Đầu óc thực tế rất quan trọng trong phát triển.
Tháng 3 (19-3), cựu Thủ tướng Tony Blair đến Hà Nội trong vòng 16 tiếng. Người ta không rõ Tony bàn gì với Thủ tướng NT Dũng vì báo chí không đưa rõ. Nhưng có thể đoán, phát triển giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của cựu thủ tướng Anh.
Tháng 5, Tony lại đến WB nói chuyện, đưa ra lời khuyên đơn giản “y tế, giáo dục và hạ tầng” rất quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia.
Giáo sư Michael Dukakis – cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, cựu Thống đốc bang Massachusetts, và hiện là Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston, chia sẻ nhiều kinh nghiệm về giải pháp điều hành của nhà lãnh đạo để phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Giáo sư cũng cho rằng, có hai trụ cột quan trọng tạo nên sự thành công của bang Masachusetts, đó là đầu tư cho hạ tầng và đầu tư cho giáo dục.
“Xét về mặt chính trị, tôi đã phải đưa ra một số quyết định rất khó khăn. Nhưng một trong những điểm sáng quan trọng nhất để có thể vực dậy nền kinh tế của bang Massachusetts, cũng như việc “biến” Massachusetts thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học của Mỹ, đó chính là nhờ vào hệ thống các trường đại học, cao đẳng”- GS  Michael Dukakis nhấn mạnh.
Cả hai chính khách nổi tiếng này đều nói về giáo dục – hạ tầng về tri thức và giao thông, và kiến trúc đô thị, nền tảng cho phát triển. Ngành này hỗ trợ cho ngành kia, kiềng ba chân bao giờ cũng vững.
Ai từng đến London của Tony Blair và Boston của Michael Dudakis sẽ thừa nhận hai ông này rất có lý khi khuyên bảo các nước nghèo như vậy.
Không đủ nhân lực, vật lực, tiền của như nước mình thì cũng nên tập trung vài mũi nhọn, liệu cơm mà gắp mắm.
Ví dụ, nông nghiệp là mũi nhọn của nước mình. Năm 1986, sau vài năm chia ruộng đất cho nông dân, VN từ một quốc gia nhập khẩu gạo, thành nước xuất khẩu. Mấy năm trước có bàn về IT cũng là thế mạnh.
Bàn mãi bàn mãi, cuối cùng IT chẳng đến đâu. Lúa gạo cũng xuất kha khá nhất nhì thế giới, nhưng được đồng nào, đem nướng vào Vinashin, Vinalines, Bauxite và hàng trăm công trình “thế kỷ” trong 1000 năm Thăng Long, chỉ vì chiến lược “cái gì cũng một tý” như báo cáo Chính trị nói trên.
Cho đến giờ, tôi vẫn nghĩ Nông nghiệp và Tin học là ngành mũi nhọn của nước mình. Trong vài entry tới, Hang Cua sẽ cùng các bạn đọc bàn về vấn đề này đến nơi đến chốn. Bạn đọc nào có cao kiến, xin gửi bài về Hang Cua để chúng ta bàn thử xem sao.
Trái mít trong Paris Deli (HN). Ảnh: HM
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay. Ảnh chụp ở quán Paris Deli (HN): HM
Mấy tuần qua, liên tục có các chuyến thăm của các quan chức cao cấp đi Trung Quốc, đến Mỹ, sang Thái, rồi Indonesia … Chỗ nào cũng là đối tác chiến lược, đa phương hóa, đa diện hóa. Quốc tế chẳng hiểu VN là bạn thân nhất của nước nào.
Làm ăn trong hội nhập phải có sự tin cậy nhất định, quan hệ lâu dài theo kiểu đồng minh, win-win cùng chiến thắng. Sao không chọn lấy vài người bạn hay đồng minh mũi nhọn cho chắc ăn, ai cũng chiến lược, cuối cùng chẳng có ai đến thực tâm với mình.
Nghĩ đi nghĩ lại, thấy chiến lược phát triển và ngoại giao nhà mình sao mà giống quả mít, chỗ nào cũng mũi nhọn.
Nhớ câu thơ của Hồ Xuân Hương
Thân em như quả mít trên cây 
Da nó xù xì, múi nó dầy 
Quân tử có thương thì đóng cọc, 
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay
Thương thì thương cho chót, đóng phát cọc cho chắc mà làm ăn, lo phát triển cho mạnh lên đã.
Cử lửng lơ con cá vàng, sờ soạng bên ngoài quả mít, nhựa dính chỉ tổ bẩn tay.
HM. 12-04-2013


Copy từ: Hiệu Minh

Số liệu phá rừng làm thủy điện:’Tin hay không thì...tùy’


(ĐVO) - Theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung, con số thống kê công bố về diện tích rừng chuyển đổi sang làm thủy điện là những số thống kê được trong thiết kế, hồ sơ dự án, còn phần rừng mất đi sau đó thì không ai thống kê được.
Tiếp tục mạch bài viết vạch trần những “mờ ám” phía sau các dự án làm thủy điện, trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê…), chiều 30/6, chúng tôi có trao đổi với GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.
 
PV: - Thưa ông, theo ông đánh giá, có hay không việc sử dụng các dự án thủy điện, trông cây công nghiệp để được khai thác gỗ hợp pháp?
 
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung:-  Không ai tự nhận mình làm vậy, nếu có đi nữa thì cũng chối ngay, họ sẽ có đủ mọi lý do để phủ nhận điều đấy.
 
PV: - Có một số nhà nghiên cứu về môi trường có nói là có tình trạng trên, ông nghĩ sao về những đánh giá đó?
 
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung:- Có thì có, nhưng nói phải có dẫn chứng, dẫn chứng rất nhiều nhưng mà mình đưa ra họ cũng đủ sức để biện minh, rồi lại cấp dưới đổ lỗi cho cấp trên chỉ đạo, phê duyệt…
 
Còn nói không thì cũng chẳng khác gì các cơ quan nói.
 
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.
PV: - Ông nghĩ gì về con số 20.000 ha rừng chuyển đổi sang làm thủy điện trong 6 năm từ 2006 – 2012?
 
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung:- Cái đấy thì có thể thống kê được, mỗi nhà máy thủy điện chiếm bao nhiêu rừng, nhưng đấy là cái mình thấy bằng mắt, trong kế hoạch, văn bản dự án có, còn những cái xảy ra sau đấy thì không ai thống kê.
 
Ví dụ như làng này đã phải chuyển đi chỗ kia, người ta chỉ nói rằng làng này chuyển tới đó tôi bố trí cho họ diện tích đất rừng bằng làng cũ, làng rộng 10 ha tôi chỉ khoanh vùng cho họ chặt 10 ha rừng ở nơi ở mới. Nhưng khi người dân sống vài ba năm thì mới thấy rằng, à họ muốn sống không chỉ là 10 ha mà phải lên 100 ha cơ, vì những năm đầu tiên là người ta phải sống bằng rừng, nhưng người ta không thống kê cái đấy.
 
Nên chỉ cần đi khảo sát, ngày xưa người ta quy hoạch là bao nhiêu, có hết trong bản đồ di dân, tái định cư, nếu đủ sức thì đo đạt, nếu không có thể dùng ảnh vệ tinh, ảnh máy bay thì rõ hơn.
 
PV : - Nhưng số liệu đưa ra đó có chính xác như trên thực tế không?
 
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung: - Cái đấy thì phải đi hỏi người cung cấp số liệu, còn tôi không có số liệu đấy nên tôi có muốn nói cũng không được, không cãi được họ. Đấy là số liệu công bố, ai tin được bằng nào thì tin. Còn ai biết được có người tin người không.
 
Muốn biết độ che phủ của rừng ở từng khu vực có giống như báo cáo không chỉ cần đi trực thăng và nhìn từ trên cao xuống sẽ có đánh giá được mức độ, nhưng đánh giá có công bố hay không lại là chuyện khác.
 
PV: - Vậy ông có tin vào số liệu đó không?
 
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung:- Cái đấy phải hỏi người công bố số liệu, mỗi một Bộ có một người được công bố. Còn tôi cũng từng là người làm ra những số liệu đấy, nên có nói tin hay không cũng không ai nghe. Số liệu đã có trong báo cáo, công báo rồi thì nó là thế, chỉ nhà báo không tin nên mới hỏi.
 
Còn số liệu, như 50% số doanh nghiệp giải thể, nhưng thất nghiệp ồ ạt lại không xảy ra, không biết họ làm thế nào mà vẫn có việc làm? Thử hỏi quốc tế xem có nước nào mà khi giải thể doanh nghiệp công nhân vẫn có việc làm không?
 
PV: - Với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang nghiên cứu, phải chăng đang có sự đùn đẩy trách nhiệm, khi nếu thấy rằng không nên làm thì có thể từ chối từ khi doanh nghiệp xin nghiên cứu, để tới giờ rồi lại đẩy sang cho Quốc hội, dù về nguyên tắc dự án sử dụng trên 50ha rừng đặc dụng phải được Quốc hội thông qua?
 
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung: - Trách nhiệm hay không, dám quyết hay không phải hỏi những người đó.
 
Còn nếu không dám quyết thì nên đưa ra kết luận là nhưng người lãnh đạo hiện nay sợ trách nhiệm tới mức nào, tại sao lại sợ trách nhiệm. Và đáng lẽ tôi đưa anh vào vị trí đó, anh phải giải quyết việc này, nhưng vì sợ trách nhiệm lại không dám quyết. Lúc đấy phải đặt câu hỏi vị trí đó đã lựa chọn đúng người chưa, giao trách nhiệm mà không dám quyết. những người đấy thì luôn tốt, không bao giờ mắc khuyết điểm gì.
 
PV - Xin cảm ơn ông!
  • Lê Việt (thực hiện)


Copy từ:Đất Việt

Mỹ - Nga: Khiêu khích, trả đũa và 'thọc gậy bánh xe'


“Putin luôn chơi trò thọc gậy bánh xe đối với Mỹ. Cả trong vụ đào tẩu của Snowden hiện nay, cũng như trong vấn đề Syria và Iran”- thượng nghị sỹ Mỹ Charles Schumer đã nói như vậy CNN.

Theo kiến giải chính thức thì mọi sự đều khá tuyệt vời. Hai vị tổng thống Putin và Obama thường xuyên thảo luận về việc phát triển “những mối quan hệ mang tính xây dựng” của họ và gần đây còn tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh song phương tại Moscow vào đầu tháng 9 năm nay.
Nhưng ở hậu trường thì ngược lại, mọi sự công kích đều có thể diễn ra. Và không bên nào sẵn sàng từ bỏ việc sử dụng các công cụ gây bất ổn và biện minh cho những phương tiện phục vụ cho các lợi ích chiến lược và chiến thuật của mình.
Cuộc chiến tranh thông tin của hai quốc gia này thậm chí còn được đẩy mạnh vì “cuộc cách mạng cam” diễn ra tại Ukraina sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2004. Cuộc các mạng này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, nhưng chính phủ Nga nghi ngờ nó và đã tuyên bố rằng, Phương Tây sẽ cố gắng lợi dụng nó để đạt được những mục đích riêng của mình.
Khiêu khích, tiến công và trả đũa
Tình trạng đối đầu đột ngột trở nên trầm trọng trong thời gian xảy ra cuộc chiến ở Gruzia vào năm 2008. Mỹ và Nga đã đưa ra các kiến giải hoàn toàn khác nhau về những sự kiện này-đồng thời. Gruzia là một khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các lợi ích kinh tế và ảnh hưởng chính trị của cả 2 quốc gia. Mỹ cho rằng cuộc tiến công của Nga là sự khiêu khích và xâm lược Georgia, trong khi đó thì Nga lại tuyên bố chỉ tiến hành những biện pháp đáp trả sau cuộc tiến công của Gruzia vào các công dân Nga ở Nam Ossetia.
Vào tháng 8.2012, ông Putin đã thú nhận trong một chương trình truyền hình rằng, cuộc tiến công đã được trù định trước: “Điều này không cần phải giấu giếm, đã có kế hoạch, và chúng tôi đã hành động trong khuôn khổ của nó. Kế hoạch này đã được Bộ Tổng tham mưu xây dựng vào thời gian cuối năm 2006- đầu năm 2007 và thống nhất với tôi”.
“Kẻ phản bội nước Mỹ” Edward Snowden
“Kẻ phản bội nước Mỹ” Edward Snowden hiện đang ở Nga khiến cho Mỹ rất tức giận
Trong mấy ngày gần đây tình hình càng nóng lên vì vụ việc Snowden (cựu điệp viên CIA đã tiết lộ thông tin về hệ thống theo dõi điện tử của Mỹ) đã đáp máy bay từ Hong Kong tới Moscow. “Putin luôn cố gắng chơi trò thọc gậy bánh xe đối với Mỹ: cả trong vụ đào tẩu của Snowden hiện nay, cũng như trong những vụ việc về Syria và Iran”- thượng nghị sỹ Mỹ Charles Schumer đã nói như vậy trên kênh truyền hình CNN.
Tử huyệt và “sức mạnh mềm”
Cả hai phe vẫn chưa hề thay đổi thứ vũ khí từ thời chiến tranh lạnh: Người Mỹ vẫn như trước đây, cố gắng phát huy “sức mạnh mềm” của mình, trong khi đó người Nga kịch liệt chỉ trích “truyền thông “Mỹ. Dầu sao thì, nước Nga cũng cảm thấy thiếu tự tin (hoặc ít ra tỏ vẻ như thế) trong điều kiện chiến tranh thông tin kéo dài.
Hiện nay Nga đang ở thế phòng ngự hoặc thậm chí duy trì chiến thuật “khổ nhục kế”. Việc trả đũa đối thủ, phá vỡ thế cô lập và chống lại các thế lực thù địch, tới thời điểm hiện tại đã được đa số ý kiến xã hội ủng hộ, nhưng chưa gây được hiệu ứng cần thiết ở nước ngoài.
“Sự bao vây thù địch, từ trước tới nay, đã từng là luận cứ kinh điển của các nhà lãnh đạo Liên Xô...Chính bản thân ông Putin cũng không đủ khả năng nghiên cứu thế giới một cách toàn diện, sâu sắc, ngoại trừ việc nhận thức nó thông qua lăng kính của các mối quan hệ sức mạnh. Ông ta, vẫn như trước đây, tin tưởng rằng, phương pháp tốt nhất để chế ngự kẻ thù là làm cho nó sợ hãi”, Thierry Wolton đã viết như vậy trong cuốn sách “KGB nắm chính quyền”.
Cố gắng thể hiện mình như một nạn nhân là một phần của chiến lược, hơn nữa nó đã mang lại những kết quả trong chính sách đối nội. Dầu sao thì hiện nay nó không còn hiệu quả ở góc độ chính sách đối ngoại và ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Thierry Wolton phân tích: “Liên Xô quả thật đã có thể làm thế giới kinh hoàng với sức mạnh của dự án chính trị, đã từng chinh phục được tình cảm của hàng triệu người ủng hộ trên khắp thế giới. Ở giới lãnh đạo Kremlin hiện nay không có được sức mạnh như thế, bởi vì họ duy trì chiến lược dân tộc chủ nghĩa - yêu nước đã lỗi thời, không có khả năng lôi kéo những người ở hải ngoại”.
Ông Putin.
Nước Nga không có thêm hệ tư tưởng mới, để có thể trưng ra trước toàn thế giới. Chính điều này thể hiện nhược điểm và việc thiếu khả năng thực thi chiến lược phát huy một cách có hiệu quả ảnh hưởng trên trường quốc tế của Nga. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn không có nghĩa là, nước Nga không còn vũ khí gì khác.
Kẻ thù truyền kiếp
Chuyên gia chính trị Christian Harbulot cho rằng, “ở nước Nga người ta biết cách tiến hành cuộc chiến tranh thông tin như thế nào. Dù sao thì, trong tình hình hiện nay cũng có cảm giác, các cơ quan tình báo Nga vẫn đang đứng ngoài cuộc. Và điều này quả là đáng ngạc nhiên, nhất là trong khi tình báo Mỹ đang tích cực hoạt động trên mặt trận này và thậm chí không hề có ý định giấu giếm”.
Như vậy là, nước Mỹ tới bây giờ vẫn không hề giảm sức ép lên “con gấu Nga”. Và điều này được giải thích bằng một loạt nguyên nhân: nhất thiết phải bảo lưu kẻ thù để biện minh cho các chi phí quân sự, truyền bá hệ tư tưởng chính trị và văn hóa, hoặc bảo vệ những lợi ích kinh tế trong khu vực. “Sự can thiệp thông tin của Mỹ vào công việc của nước Nga là thể hiện gián tiếp chính sách sức mạnh, mà mục tiêu không tuyên bố của nó là nắm thế thượng phong trước nước Nga và ngăn cản sự phục hưng chiến lược của quốc gia này sau khi ông Putin lên nắm chính quyền”- Ông Christian Harbulo đã viết như vậy trên trang mạng Les Influences.
Chẳng hạn, điều này giải nghĩa cho việc số lượng các tổ chức phi chính phủ của Mỹ trên lãnh thổ nước Nga ngày càng tăng lên, đến mức phải ban hành các đạo luật hạn chế hoạt động của họ trong những năm 2006 và 2012, trong đó có đoạn: “Chúng tôi, phía Nga thực sự lo ngại sâu sắc trước việc, phía Washington đang cung cấp tài chính cho một số nhóm và phong trào ở nước Nga. Trên thực tế hoạt động này đạt tới quy mô đủ để trở thành một vấn đề phức tạp đối với chúng tôi”, -Thứ trưởng ngoại giao Nga-ông Sergei Riabkov đã từng tuyên bố như vậy hồi tháng 4.2012.
Nói cách khác, con chim đại bàng và con gấu còn lâu mới kết thúc những cuộc chiến của mình…
“Về phía các nhà lãnh đạo Mỹ, sự sụp đổ của Liên Xô chẳng hề ảnh hưởng gì tới thái độ thù địch của họ đối với nước Nga với vai trò là một quốc gia. Tình hình chỉ có thể thay đổi nếu nước Nga hoàn toàn tuân theo những yêu sách của người Mỹ, không phải chỉ trên toàn thế giới về tổng thể, mà cả trong khu vực ảnh hưởng của mình. Nhưng nước Nga sẽ không bao giờ chấp nhận điều này”- Anatol Lieven đã viết như thế trong cuốn sách “Mổ xẻ chủ nghĩa dân tộc Mỹ”

Copy từ: Soha

Biển Đông: TQ lại ngang ngược đòi "chủ quyền", Philippines cảnh giác mua thêm vũ khí

(Soha.vn) - Trung Quốc lại ngang ngược đòi “chủ quyền” ở Trường Sa, học giả Singapore lo ngại nguy cơ đụng độ trên Biển Đông, Philippines tăng cường đầu tư cho Không quân, Hải quân để ngăn chặn những kẻ muốn “gây sốc”.

Mỹ - Ấn đều muốn ổn định ở Biển Đông
Phát biểu tại cuộc gặp mặt với các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Brunei ngày 1/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: "Chúng tôi vô cùng hy vọng được thấy tiến triển đối với một bộ quy tắc ứng xử quan trọng để giúp đảm bảo sự ổn định tại khu vực trọng yếu này".
 Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry
Ông Kerry cũng nhấn mạnh rằng Mỹ không đứng về một bên nào trong các tranh chấp, nhưng có "lợi ích rõ ràng" trong việc đảm bảo an ninh ở Biển Đông. Những tuyên bố này được đưa ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Trong khi đó, phát biểu trước khi tham dự hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Ấn Độ diễn ra tại Brunei ngày hôm qua, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid cũng khẳng định rằng mọi hình thức sử dụng vũ lực trên Biển Đông đều là không thể chấp nhận được, và “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông.”
Học giả Singapore lo ngại: “nguy cơ đụng độ rất gần”
Những phát biểu trên cho thấy các nước lớn như Mỹ, Ấn Độ đều rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông đang được bàn thảo tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Tuyên bố sẽ tiến hành “các cuộc tham vấn chính thức” với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà phía Trung Quốc tuyên bố hôm 30/6 đã được nhiều bên đánh giá tích cực.
 Ian Storey lo ngại COC thì có thể còn xa, nhưng nguy cơ đụng độ trên Biển Đông lại rất gần.
Ian Storey lo ngại COC thì có thể còn xa, nhưng nguy cơ đụng độ trên Biển Đông lại rất gần.
Tuy nhiên, không phải không còn những ý kiến nghi ngại về “thành ý” của Trung Quốc. Tiến sỹ Ian Storey, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore đã cho rằng Trung Quốc chỉ đang cố làm chậm quá trình ký kết COC để củng cố sức mạnh và có thể sử dụng quân sự để gây sức ép với các nước trong khu vực. Trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat, nhà nghiên cứu này cảnh báo việc hoàn thiện COC thì có thể còn xa, nhưng nguy cơ đụng độ trên Biển Đông lại rất gần.
Trung Quốc lại ngang ngược đòi “chủ quyền” Trường Sa
Những lo ngại này không phải không có cơ sở, vì chỉ ngay sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc đăng đàn ở Brunei với những tuyên bố mềm dẻo về COC thì ở Bắc Kinh, trong một cuộc họp báo ngày 1/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hứa Chấn Ninh đã lại đưa ra lời tuyên bố trắng trợn rằng Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với Trường Sa và các đảo lân cận trên Biển Đông. Bà Hứa còn ngang nhiên công khai quyết tâm “bảo vệ chủ quyền” trên khu vực này.
 Hứa Chấn Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại ngang ngược đòi chủ quyền ở Trường Sa của Việt Nam
Hứa Chấn Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại ngang ngược đòi "chủ quyền" ở Trường Sa của Việt Nam
Philippines mạnh tay mua sắm vũ khí
Sự bất nhất giữa các tuyên bố và giữa tuyên bố với hành động của Trung Quốc khiến dư luận trong khu vực không thể không cảnh giác. Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua 1/7 tuyên bố chi khoảng 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để bổ sung máy bay chiến đấu, radar phòng không cho lực lượng Không quân Philippines (PAF) và nâng cấp Hải quân, nhằm giúp người dân nước này cảm thấy an toàn hơn trước những kẻ đang cố gắng "gây sốc" và áp lực lên họ.



Copy từ: Soha

Tham nhũng vặt tăng khi quyết liệt chấn chỉnh công chức


(ĐVO) - Tham nhũng vặt và hối lộ là những vấn đề còn thường trực và có chiều hướng gia tăng.

Thông tin này vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc công bố “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2012” ngày 1/7.
Theo kết quả khảo sát chỉ ra phạm vi và quy mô chi phí “lót tay” trong dịch vụ cấp “sổ đỏ” từ 123.000 - 818.000 đồng/lượt/lần; dịch vụ y tế bệnh viện tuyến huyện từ 37.000 - 146.000 đồng/lượt/lần; dịch vụ giáo dục tiểu học công lập từ 98.000 - 572.000 đồng/lượt/lần…
PAPI chỉ ra phạm vi và quy mô chi phí “lót tay” trong dịch vụ cấp “sổ đỏ” từ 123.000 - 818.000 đồng/lượt/lần
PAPI chỉ ra phạm vi và quy mô chi phí “lót tay” trong dịch vụ cấp “sổ đỏ” từ 123.000 - 818.000 đồng/lượt/lần
Có gần 14.000 người ở 63 tỉnh, thành được phỏng vấn trực tiếp nhằm ghi nhận sự trải nghiệm của họ đối với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương ở 6 nội dung chính: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
Qua khảo sát, phát hiện của PAPI cho thấy tham nhũng vặt và hối lộ là những vấn đề còn thường trực và có chiều hướng gia tăng.
Trước đó chỉ 1 ngày, liên quan đến vấn đề chất lượng công chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết sẽ  quyết tâm đổi mới công tác tuyển dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức, trong đó xác định vị trí việc làm là một yêu cầu tối quan trọng nhằm xóa bỏ tình trạng “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.
Theo ông Tuấn, việc đổi mới cơ cấu công chức, viên chức là một yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết TƯ 5, khóa XI về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức.
'Việc xác định vị trí việc làm là một bước chuyển từ quản lý cán bộ, công chức theo hệ thống chức nghiệp sang kết hợp giữa chế độ chức nghiệp với chế độ việc làm. Đây chính là một trong những điểm quan trọng của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, bởi trên cơ sở xác định vị trí việc làm, chúng ta có căn cứ để đổi mới công tác biên chế, tuyển dụng, nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, đánh giá và thực hiện cải cách chế độ tiền lương, xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “xin-cho”, “bốc thuốc”, tình trạng “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”, tình trạng chưa phân biệt được người làm tốt với người làm chưa tốt trong đánh giá công chức, viên chức', ông Tuấn nói.
Phương Nguyên (Tổng hợp)


Copy từ: Đất Việt

Tổng thống Ecuador “lật kèo” Snowden


(NLĐO) - Sau những tuyên bố ủng hộ ban đầu, giờ đây Tổng thống Ecuador Rafael Correa nói rằng giấy thông hành cấp cho Edward Snowden, người tiết lộ các chương trình do thám mật của Mỹ, là “không đúng thẩm quyền” và tuyên bố “người thổi còi” là vấn đề của Nga.

Trả lời phỏng vấn tờ Guardian (Anh) ngày 1-7, ông Correa khẳng định Ecuador hiện không xem xét yêu cầu tị nạn của Snowden và chưa bao giờ có ý định hỗ trợ anh này bay từ Hồng Kông đến Moscow - Nga. “Đó là một sơ suất của chúng tôi” - ông Correa nói thêm.
 
Khi được hỏi về khả năng cựu nhân viên CIA đến được Ecuador hay không, ông Correa “đá trái bóng” về phía Nga: “Trường hợp của Snowden rất phức tạp nhưng lúc này anh ta đang ở trên lãnh thổ Nga và quyết định thuộc về giới chức Nga”.
 
Guardian tiếp tục hỏi tổng thống Ecuador có định gặp Snowden không, ông trả lời: “Không cần thiết. Anh ta là người rất phức tạp. Nói đúng ra thì anh ta đã có hành vi gián điệp vào một lúc nào đó”.
 

Tổng thống Ecuador đang tìm cách tránh xa vụ Snowden. Ảnh: AP
 
Cuộc phỏng vấn được thực hiện trước khi lá thư Snowden gửi cho ông Correa được công bố nhưng lại xuất hiện trên mặt báo sau đó. Do vậy, những lời lẽ Snowden viết trong thư bỗng trở nên lạc lõng.
 
“Tôi bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc trước những nguyên tắc của ngài và chân thành cảm ơn chính phủ ngài đã xem xét đề nghị tị nạn của tôi. Không có nhiều lãnh đạo trên thế giới dám mạo hiểm đại diện cho nhân quyền để đứng ra bảo vệ một cá nhân trước chính phủ hùng mạnh nhất trên trái đất. Và sự dũng cảm của Ecuador là một hình mẫu của thế giới” - Snowden viết.
 
Theo Snowden, sở dĩ anh bay được đến Moscow hôm 22-6 là nhờ một giấy thông hành tạm thời do ông Fidel Narvaez, lãnh sự Ecuador ở London - Anh, cấp. “Nếu không có giấy tờ đó, tôi đã không dám đánh liều lên máy bay. Nhờ có sự ủng hộ liên tục của chính phủ ngài, tôi vẫn còn tự do và có thể tiết lộ các thông tin hữu ích cho lợi ích chung” - Snowden nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, tổng thống Ecuador khẳng định giấy thông hành tạm thời trên đã bị hủy bỏ 5 ngày sau đó và đây là một “sai lầm ngớ ngẩn”. “Thời điểm đó rất nhạy cảm. Ngoại trưởng của chúng tôi đang công du châu Á. Thứ trưởng Ngoại giao lại ở Czech, còn đại sứ tại Mỹ đi công cán Ý. Giấy thông hành đó được ban hành mà không có giá trị, không đúng thẩm quyền, thậm chí chúng tôi cũng không biết” - ông Correa trần tình.
 
Qua những gì tổng thống Ecuador giãi bày, có thể người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã tác động vào quyết định trên. Ông Correa nói: “Assange đang ở tại đại sứ quán của chúng tôi ở London, lại là bạn của lãnh sự Narvaez. Ông ta đánh thức ông Narvaez lúc 4 giờ sáng, nói là Snowden sắp bị bắt và ông Narvaez đã hành sự thiếu suy xét”.
 
Theo Guardian, ông Correa tìm cách “né” Snowden sau cuộc điện đàm với phó tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần rồi. Tuy nhiên, tình hình đã có diễn biến mới khi Nga lên tiếng xác nhận đã nhận được đơn xin tị nạn của Snowden hôm 1-7.
Hải Ngọc (Theo Guardian)


Copy từ: Người Lao Động

Sau 16 năm trở về với đất mẹ (TQ) dân Hong Kong biểu tình đòi dân chủ

Dân Hong Kong biểu tinh đòi dân chủ


Cuộc biểu tình ở Hong Kong ngày 1/7 năm 2013
Người dân Hong Kong vẫn bất mãn dù đã 16 năm trở về với đại lục
Hàng ngàn người tuần hành ở Đặc khu hành chính Hong Kong để yêu cầu chính quyền Trung Quốc giữ lời hứa tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ hoàn toàn vào năm 2017.
Những người biểu tình đã bất chấp trời mưa để tham dự cuộc tuần hành vì dân chủ hàng năm vào dịp kỷ niệm 16 năm ngày thuộc địa cũ của Anh được trao trả về cho đại lục.
Họ kêu gọi thực hiện phổ thông đầu phiếu và chỉ trích thành tích lãnh đạo của ông Lương Chấn Anh, đương kim trưởng đặc khu.
Hiện tại trưởng đặc khu do một nhóm 1.200 đại cử tri bầu ra.

Chính quyền hứa hẹn

Trước đó ông Lương đã nói rằng chính quyền Hong Kong cam kết thực thi dân chủ hoàn toàn trước thời hạn năm 2017.
Phát biểu tại một buổi lễ kỷ niệm hôm thứ Hai ngày 1/7, ông Lương nói ‘thực hiện phổ thông đầu phiếu để bầu trưởng đặc khu vào năm 2017’ là ‘nhiệm vụ chính’ của chính quyền Hong Kong.
“Chúng tôi hy vọng rằng những người có quan điểm khác nhau có thể để qua một bên những khác biệt và tìm kiếm đồng thuận nhiều nhất có thể bằng một cách thực tiễn, có ích và ôn hòa,” ông nói thêm.
Ông cho biết các cuộc tham vấn để quyết định quy mô của các cuộc bầu cử sẽ bắt đầu ‘vào lúc thích hợp’.
"Bầu đặc khu trưởng là một quyền chính trị cơ bản mà chúng tôi đã bị tước bỏ trong nhiều năm qua."
Albert Ho, nhà lập pháp Hong Kong ủng hộ dân chủ
Tuy nhiên, các nhà hoạt động dân chủ chỉ trích rằng tiến trình cải cách diễn ra chậm chạp và họ lo sợ sự can thiệp từ phía Bắc Kinh vào việc đề cử ứng viên.
Phóng viên BBC Juliana Liu ở Hong Kong nói rằng họ muốn chính quyền cam kết việc đề cử ứng viên sẽ diễn ra công bằng và rằng các ứng viên được xem là không trung thành với Bắc Kinh cũng có cơ hội tranh cử.
“Bầu trưởng đặc khu là một quyền chính trị cơ bản mà chúng tôi đã bị tước bỏ trong nhiều năm qua,” ông Albert Ho, một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, nói.
“Chúng tôi không thể đợi thêm được nữa,” ông nói thêm.
Hiện tại Hong Kong có chế độ bầu cử phức tạp. Chỉ có một số ghế của Hội đồng Lập pháp là được người dân bỏ phiếu bầu.
Bản thân ông Lương Chấn Anh được bầu ra năm ngoái bởi một nhóm đại cử tri phần lớn trung thành với Bắc Kinh.

Bài Bắc Kinh

BIểu tình ở Hong Kong
Cờ thuộc địa lại được giương lên trong cuộc tuần hành hôm 1/7
Các nhà tổ chức cho biết có đến 400.000 người tham gia vào cuộc tuần hành.
Họ tập hợp ở Công viên Victoria rồi từ đó tuần hành đến khu trung tâm tài chính của Hong Kong.
Những người tuần hành hô to: ‘Lương Chấn Anh từ chức đi’ và ‘Bảo vệ Hong Kong’.
Một người biểu tình có tên là James Lam nói: “Tôi đến đây để đấu tranh cho tự do và dân chủ. Nếu người dân Hong Kong không xuống đường đấu tranh cho quyền tự do của mình thì chúng tôi sẽ không còn tự do trong tương lai.”
Một số người còn giương cao biểu ngữ kêu gọi thả ông Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa bình hiện đang bị chính quyền đại lục cầm tù với cáo buộc chống phá Nhà nước.
"Tôi đến đây để đấu tranh cho tự do và dân chủ. Nếu người dân Hong Kong không xuống đường đấu tranh cho quyền tự do của mình thì chúng tôi sẽ không còn tự do trong tương lai."
James Lam, một người biểu tình
Một số người biểu tình còn giương cao lá cờ cũ của Hong Kong khi còn là thuộc địa của Anh trước năm 1997 – một dấu hiệu cho thấy tình cảm bài Trung Quốc đang dâng cao.
Bên cạnh đòi phổ thông đầu phiếu, những người biểu tình còn phản đối giá bất động sản quá cao và chênh lệch thu nhập.
Một buổi biểu diễn ca nhạc và một cuộc tập hợp ủng hộ chính quyền cũng diễn ra trong ngày 1/7. Một số cửa hàng bán lẻ còn tung ra các chương trình giảm giá trên khắp thành phố vào dịp này.
Những động thái này bị chỉ trích là nỗ lực lôi kéo người dân tránh xa các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.
Các cuộc tuần hành như thế này đã trở thành sự kiện thường niên kể từ năm 2003 khi mà 500.000 người xuống đường phản đối một dự luật an ninh quốc gia và tình trạng suy thoái kinh tế.
Đây là một trong những lý do dẫn đến sự ra đi của ông Đổng Kiến Hoa, trưởng đặc khu lúc đó, một năm sau đó.


Copy từ: BBC

"Đồ chơi" của Nga nguy hiểm thật, mất mạng có ngày.

Tên lửa Nga nổ tung ngay sau khi rời bệ phóng

 

(Soha.vn) - Tên lửa Proton-M chở theo 3 vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu Glonass đã phát nổ ngay sau khi rời khỏi bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan vào sáng 2/7.

“Tai nạn đã xảy ra trong khi phóng tên lửa Proton-M. Tên lửa đã rơi và phát nổ ngay trên khu vực bãi phóng”, một phát ngôn viên của Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) thông báo, “một ủy ban điều tra nguyên nhân vụ tai nạn do Phó giám đốc Roscosmos, Alexander Lopatin, đứng đầu đã được thành lập.”
Một nguồn tin từ ngành công nghiệp vũ trụ Nga trước đó cho biết kết luận sơ bộ về nguyên nhân gây ra tai nạn có thể được công bố trong 2 - 3 ngày tới. Song nguồn tin này phỏng đoán rằng vụ phóng thất bại là do trục trặc kĩ thuật ở động cơ đẩy DM-3 - vốn đã lạc hậu.
Một tên lửa Proton-M của Nga.
Một tên lửa Proton-M của Nga.
Nguồn tin trên cũng cho biết các vụ phóng tên lửa từ Trung tâm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan có thể bị cấm trong 2-3 tháng tới vì khu vực bãi phóng bị nhiễm hơn 200 tấn nhiên liệu độc hại từ tên lửa.
Đây là lần phóng không thành công thứ hai của loại tên lửa Proton-M được trang bị động cơ DM-03 trong 3 năm qua.
Nga đã mất 3 vệ tinh Glonass vào tháng 12/2010, khi tên lửa Proton-M chở theo 3 vệ tinh này đổi hướng và lao xuống Thái Bình Dương. Tên lửa này sử dụng động cơ đẩy DM-03 do công ty vũ trụ Energia thiết kế và sản xuất.
Ủy ban điều tra quốc gia sau đó kết luận rằng các chuyên gia của Energia đã tính toán nhầm lượng nhiên liệu cần thiết cho động cơ đẩy DM-03. Điều này đã khiến cho chất ôxy hóa vượt quá mức bình thường từ 1 - 1,5 tấn và trọng lượng vượt quá tiêu chuẩn.


Copy từ: Soha

Biển Đông 'sủi tăm'

Ngư dân Việt Nam đang lo sợ ra biển vì lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc
Theo TTXVN, ngày 4/6, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã giao thiệp với Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường, lưu ý việc phía Trung Quốc gần đây thực hiện lệnh cấm đánh cá tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Namtrên Biển Đông.
Không hiểu giao thiệp có tác dụng gì không nhưng dân ta vẫn nằm bờ, đợi lệnh cấm hết hiệu lực vào 1-8. Tuy vậy, một số thuyền bè lại liều ra khơi.
Chuyện gì xảy ra đã xảy ra? Trung Quốc tuyên bố bắt 37 ngư dân Việt Nam vì đã vi phạm lệnh cấm bắt cá. Họ đã thả 25 người, kèm theo lệnh phạt 30 ngàn đô la.
Không hiểu câu chuyện phạt mấy chục ngàn đô la kia có liên quan đến việc công nhân Trung Quốc vào Việt Nam bất hợp pháp, bị phạt 45 triệu đồng. 45 triệu đồng chia cho tỷ giá $ hiện thời (20 ngàn đồng ăn một $) tương đương với hơn 2000$.
Người Trung Quốc làm điều bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam nên bị phạt là rất đúng. Ngư dân ta hành nghề hợp pháp trên biển của mình cũng bị phía “bạn” phạt, mà “trả thù” những 15 lần.
Cùng thời điểm này, Indonesia đã bắt hàng loạt tàu đánh cá của Trung Quốc trong vùng lưỡi bò mà người Tàu tự nhận là của họ. Chắc rằng Jakarta cũng không bỏ qua mấy chục ngàn đô la như Trung Quốc đã phạt ngư dân Việt nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh chỉ “đề nghị” phía Jakarta trả lại tự do cho các ngư dân Tàu. Không thấy họ mang tàu chiến xuống biển Nam dương.
Việt Nam quá gần, “tàu lạ” xuất hiện lúc nào cũng được, giọng phát ngôn tỏ ra luôn hùng hồn khi nói với anh bạn nhỏ phương Nam. Indonesia ở xa nên tuyên bố dậy đời đã “yếu” đi rất nhiều. Vở “mềm nắm, rắn buông” được sử dụng tối đa trong “giao thiệp” quốc tế.
Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều so với thời chiến tranh biên giới 1979. Tuy nhiên, dân câu cá mực xa bờ đừng lo quá. Dùng quân sự để giải quyết mâu thuẫn trong thời đại này không dễ.
Hiệu Minh
Hải quân Việt Nam báo cho bà con ngư dân cứ việc đi đánh cá bình thường, nếu thấy gì “lạ” xuất hiện, hãy điện báo để ra ứng cứu. Không biết có giúp được ai, nhưng rõ ràng động thái này tốt hơn rất nhiều là ngồi im, đợi người ta bắt, rồi…giao thiệp.
Ông Lê Dũng nói mạnh hơn khi bàn về ngư dân bị bắt, rằng “hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông”. Thay vì giao thiệp, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu thả ngay các ngư dân và các tàu cá nói trên.
Chắc không ai dùng tàu chiến Mỹ tìm kiếm MIA để dọa tàu Trung Quốc ở biển Đông. Mặt khác, cũng khó làm bạn với hàng xóm có thói quen “của tôi là của tôi, của anh thì chúng ta chia nhau”.
Bài học lịch sử
Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều so với thời chiến tranh biên giới 1979. Tuy nhiên, dân câu cá mực xa bờ đừng lo quá. Dùng quân sự để giải quyết mâu thuẫn trong thời đại này không dễ.
Người Nga mang xe tăng sang Hungary năm 1956, kể cả đổ quân vào Tiệp Khắc năm 1968 để khống chế đồng minh. Dẹp được loạn nhưng không dẹp được lòng dân hướng sang phương Tây. Sự sụp đổ nhanh chóng của khối Đông Âu những năm cuối 1980 đã chứng minh súng đạn không giải quyết được mâu thuẫn.
Liên Xô chiếm đóng Afghanistan để rồi phải rút lui một cách thảm hại vì những cú ra đòn chết người của tên lửa tầm nhiệt stelinger do Mỹ chế tạo và cấp cho Bin Laden. Xa lầy trong cuộc chiến, mâu thuẫn nội tại kéo dài 60 năm đã làm đế quốc Xô Viết tan rã trong một đêm.
Thấy Liên Xô tan rã và bức tường Berlin bị dân chúng hai bên nước Đức đạp đổ, Hoa Kỳ nghĩ mình thống trị thế giới. Đang ngủ quên trong chiến thắng thì bất ngờ ngày 11-9-2001, Bin Laden dùng 4 máy bay hành khách của Mỹ, tấn công New York và Washington DC làm cho thần tượng này lung lay.
Tuy nhiên, ông Bush và Dick Cheney giải quyết đám Taliban và Al Qaeda một cách nhanh chóng. Gây chiến nên Bin Laden không biết còn sống hay đã chết. Taliban bị xóa sổ.
Liên Xô hùng mạnh là thế mà cũng sa lầy ở Afghanistan
Lấy cớ Saddam Hussein tàng trữ vũ khí tiêu diệt hàng loạt, người Mỹ quyết tâm cho cuộc chiến vùng Vịnh lần hai. Bush bố đã biết dừng đúng lúc khi đuổi Sadam ra khỏi Kuwait. Nhưng ông con diều hâu hơn đã tiến vào thành Baghdad.
Sau 6 năm chiếm đóng, dầu hỏa không khai thác được, hàng ngày lính Mỹ vẫn tiếp tục tử trận. Ý định làm chủ thế giới của ông Bush đã thất bại. Obama mới lên chỉ mong làm thế nào rút ra khỏi vũng lầy cuộc chiến “Việt Nam” thứ hai.
Trong lúc Hoa Kỳ lo hai cuộc chiến Iraq và Afganistan thì người Trung Hoa lặng lẽ học bài học chiến tranh biên giới 1979. Đặng Tiểu Bình nhận ra rằng, hàng trăm ngàn bát lộ quân với chiến thuật biển người đã thất bại cay đắng trước bộ đội địa phương mấy tỉnh biên giới.
Hoa Kỳ mải mê với chiến tranh, trừng phạt các quốc gia trục quỷ, để rồi chính mình suy yếu. Đúng lúc đó, Trung Quốc đã trỗi dậy như một cường quốc thứ hai trên thế giới. Người Mỹ tới xem Thanh Đảo mới phát hoảng, tàu ngầm kilo có thể phóng ngư lôi thủng tàu sân bay.
Chưa hết, người Trung Quốc đã dùng tên lửa mặt đất bắn rụng vệ tinh quá hạn của mình trên quĩ đạo cao hàng chục ngàn km. Hệ thống tên lửa hành trình Tomahawk có thể bắn đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade cách đây hàng chục năm trong cuộc chiến Nam Tư, mà phía Mỹ nói là “bắn nhầm”. Tuy nhiên, Tomahawk vào được cửa sổ trên tầng hai là do hệ thống GPS (định vị toàn cầu) được vệ tinh dẫn đường. Chiến tranh xảy ra, nếu ai hạ được vệ tinh thì tên lửa bị “mù” và có khi quay lại nơi xuất phát.
Gây chiến bao giờ cũng yếu
Như vậy, kẻ gây chiến tranh bao giờ cũng yếu đi. Nhìn Hitler và nước Đức đã rõ.
Nước Nhật và mộng bá chủ hoàn cầu phải kéo cờ trắng. Gần đây là Liên Xô, rồi Mỹ cũng tự làm mất thế vì dính líu vào chiến tranh.
Nếu vì cái lưỡi bò hay vài hòn đảo, mang quân đánh nhau, kể cả phạt gấp 15 lần, chắc gì đã hay.
Hiệu Minh
Mải đánh nhau để rồi quốc gia hạng hai như Ấn Độ hay Trung Quốc nổi lên đe dọa ngôi thứ.
Những ông lớn hiểu những bài học đắt giá này hơn ai hết. Nếu vì cái lưỡi bò hay vài hòn đảo, mang quân đánh nhau, kể cả phạt gấp 15 lần, chắc gì đã hay. Rồi hôm nào đó, một quốc gia khác mang tàu ngầm loại kilo mới đến sát nách, nhận ra những sủi tăm đã quá muộn hay dân Tây Tạng biết kế “tọa sơn quan hổ đấu”.
Hòa hiếu để phát triển, bán anh em xa, mua láng giềng gần, cả hai cùng có lợi. Gây hấn có thể làm hàng xóm suy yếu, nhưng bản thân chắc gì đã “toàn thây”.
Biển Đông “sủi tăm” có đáng sợ như ta tưởng?



Copy từ: BBC

TĂNG LƯƠNG – VẪN LÀ "'KHÉO KẾT ĐÈN CÙ"


 * BÙI VĂN BỒNG 
            BVB - Quốc hội họp lần nào cũng bàn đi tính lại, có khi tranh luận gay gát trên nghị trường, nhưng việc giải quyết chính sách tiền lương cho người lao động vẫn loay hoay hơn gà mắc tóc. Gà mắ tóc thì người nuôi còn gỡ được, nhưng sự quanh quẩn chắp vá đầy rẫy khó khăn của đồng lương thì đảng, nhà nước, chính phủ vẫn bó tay.
Đồng tiền mất giá nghiêm trọng đến mức gần nửa triệu đồng/ bình ga naáu bếp, hơn nửa phân vàng một kg thịt lợn…Một công nhân lao động cật lực 12-15 tiếng đồng hồ / ngày, lương cả tháng nhiều nhặn cũng chỉ có hơn 3 triệu đồng, nay có nơi chỉ hơn 2 triệu, mà chưa chắc nhận được tiền lương đúng kỳ, vì…chưa có tiền mặt!
Giá cả tăng liên tục. Khi gía tăng lên 50% thì lương vẫn vậy. Khi giá tăng thêm lên 70%  thì nhà nước lại tăng lương nhỏ giọt, nâng lên đặt xuống  nhén nhót mãi mà tăng cao nhất cũng chỉ nhích được 10%. Việc tăng lương nhỏ giọt chỉ như những biện pháp tình thế. Biết bao lần nhà nước “bù giá vào lương”, nhưng đó là cách nói cho oai, cho kêu, thực chất giá tăng tốc như thỏ, lương như rùa, bù thế nào được?
Có điều, thị trường vẫn không thoát khỏi vòng xoay quy luật của nó, còn tính toán chi lương cho người lao động, cho các chính sách an sinh xã hội thì lại tùy tiện, như làm theo ‘phấn hứng’, áp đặt chủ quan, thích thì làm, làm cách nào tùy thích, không thích thì mặc kệ! Vùa có tin tăng lương, người lao động chưa được nhận lương, giá cả đã ‘nhanh chân’ vọt lên trước. Thêm chút lương, giá lại nhảy lên ‘tưng bừng thị trường’ dẫn tới tăng lương kiểu nhỏ giọt chẳng ý nghĩa gì. Thà đừng tăng lương mà bình ổn được giá cả thị trường, thậm chí ‘hên nhất’ là kéo được giá xuống thì còn hơn tăng lương, nhà nước cũng khỏi lo móc hầu bao ra. Dù cho nhà nước có gắng sức thì người lao động vẫn chỉ nhận được ‘đồng lương danh nghĩa’.
Cuộc rượt đuổi lương-giá còn tệ hơn những dắt nối trên bàn cờ domino, cứ như đèn cù.  Chỉ đạo, quản lý, điều hanh tài chính-tiền tệ như lâu nay giống như người ‘kết đèn cù’, mất công mà kết quả cùng chỉ vậy, lương và giá cứ như những con bài xáo trộn trong tay họ. Những mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện, nước, cùng với 7 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân cứ bị tăng giá liên tục. Nhất là giá xăng, giá điện. Nhà nước liên tục tăng giá xăng, giá điện, đẩy chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển hàng hóa lên cao, từ đó kéo theo giá cả tăng vọt, thế thì có khắc nào ‘tham bát bỏ mâm’, mà tiền lại (chủ yếu) chảy vào túi riêng của nhóm lợi ích? 
Một nền kinh tế kéo dài lạm phát là do không cân đối được tiền-hàng, giá trị-giá cả, sản xuất –lưu thông, xuất khẩu –nhập siêu… Tức là nhà nước mất tự chủ trước tài chính-tiền tệ. Dù đã rất nhiều lần hô “quyết liệt”, nâng cao tăng trưởng, kiềm chế và kiểm soát được lạm phát, nhưng sự chuyển biến chẳng đi đến dâu, có khi lại gia tăng những yếu tố tụt hậu của nền kinh tế-xã hội. Người dân chỉ còn biết nhịn đói vỗ trống cơm và hát: "Khen ai khéo kết (ối... a) cái đèn cù / Tít mù nó lại vòng quanh...!".
BVB


Copy từ: Bùi Văn Bồng

Văn kiện đầu hàng

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ ký kết tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 19/6/2013.Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ ký kết tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 19/6/2013.

Chưa bao giờ có sự đầu hàng nhanh chóng và nhục nhã đến như vậy.

Nhân danh Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang, đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc. Ngày 21 tháng 6 ông đã ký với Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư đảng CS Trung Quốc Tập Cận Bình bản Tuyên bố chung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến vận mệnh nước ta.

Bản Tuyên bố chung bằng hai thứ tiếng Trung Quốc và Việt Nam này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác và phố biến đi khắp thế giới.

Mọi người Việt Nam yêu nước không thể không bàng hoàng và phẫn nộ khi đọc kỹ văn kiện nói trên, không thể không nhận định đây là một văn kiện tuyên bố đầu hàng bọn bành trướng và xâm lược phương Bắc.

Chắc chắn cả Bộ Chính trị 16 người đã được thông báo và đồng tình với bản Tuyên bố chung (TBC) thảm hại này.

Đọc thật kỹ bản TBC, có thể dễ dàng nhận ra nó được phía Trung Quốc khởi thảo và phía Việt Nam hoàn toàn không được đóng góp hay thay đổi gì hết. Bản TBC hoàn toàn phản ánh tham vọng bành trướng và xâm lược của đế quốc Cộng sản Đại Hán Trung Hoa đối với đất nước Việt Nam, phục vụ dã tâm biến nhà nước Việt Nam Cộng sản thành một chư hầu của Trung Quốc, biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc, với sự tiếp tay của nhóm lãnh đạo CS bất tài và tham nhũng đã thoái hóa đến cùng cực.

Kính mời đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, kể cả các đảng viên Cộng sản, hãy đọc cho kỹ bản TBC ký chưa ráo mực này.

Ngoài bản TBC dài lòng thòng gồm có 8 điểm, trong đó riêng điểm 3 chứa đựng đến 13 mục quan hệ hợp tác vừa mở rộng vừa ăn sâu, 2 bên còn ký đến 10 văn kiện khác, trong đó có Chương trình hoạt động chung của chính phủ 2 nước, Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện giữa bộ Quốc phòng 2 nước, Thỏa thuận giữa 2 bộ Nông nghiệp về đường dây nóng trong nghề đánh cá trên biển, về giám sát chất lượng, kiểm dịch thực vật, Điều lệ hợp tác quản lý cửa khẩu trên đất liền, Ghi nhớ về xây dựng các trung tâm Văn hóa Việt – Trung, Quan hệ giữa các tổ chức hữu nghị, Hợp tác trong thăm dò dầu khí ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ.…

Trong 13 mục quan hệ mở rộng và ăn sâu, sau khi khẳng định phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt, TBC kể ra một loạt thỏa thuận : thường xuyên tiếp xúc ở cấp cao đảng, chính phủ, hoạt động của Ủy ban chỉ đạo hợp tác chiến lược toàn diện song phương, quan hệ chặt chẽ giữa 2 đảng, 2 ban Đối ngoại, 2 ban Tuyên huấn, về ngiên cứu lý luận, về xây dựng đảng, quan hệ giữa 2 bộ Ngoại giao, giữa các vụ, cục trong 2 bộ Ngoại giao, quan hệ giữa 2 quân đội, 2 bộ Quốc phòng, trao đổi về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, trong đào tạo sỹ quan, trong tuần tra chung ở vùng biên phòng đất liền, hợp tác về thực thi pháp luật, an ninh, về trật tự an toàn xã hội, về an ninh biên giới và cảnh sát biển, thực hiện kế hoạch  2 hành lang 1 vành đai vùng biên giới, hợp tác về năng lượng, giao thông vận tải, đầu tư kinh doanh, hợp tác về văn hóa, khoa học, công nghiệp và thông tin …

Bản TBC còn nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với 3 tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc - Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông - và đảo Hải Nam.

TBC cũng nói đến hợp tác của Ủy ban Liên hợp biên giới Việt – Trung để tàu thuyền đi lại tự do trong khu Bắc Luân, hợp tác khai thác du lịch thác Bản Giốc, và cũng không quên nói đến hợp tác đáng cá chung trong Vịnh Bắc Bộ.

Đọc kỹ các văn bản, có cảm giác như Việt Nam đã hội nhập vào trong lòng Trung Quốc. Tuy 2 mà một. Hoà nhập triệt để về mọi mặt, đặc biệt là về quốc phòng, về đối ngoại, về an ninh, trị an xã hội, về đảng, nhà nước, về quân đội, về công tác đảng, bảo vệ đảng, bảo vệ quân đội. Cứ như ở thời kỳ quan hệ anh em đồng chí bền chặt nhất vậy.

Đây phải chăng là một cạm bẫy do nhóm lãnh đạo mới của đảng CS Trung Quốc, với Tập Cận Bình cầm đầu, giăng ra để nhử Trương Tấn Sang chui vào tròng. Chiếc bẫy này chắc chắn đã được chuẩn bị rất công phu, và buộc Trương Tấn Sang phải cúi đầu chấp nhận cả gói, không sửa đổi du di gì được dù một ly.

Không hề có một chữ nào về Hoàng Sa, Trường Sa là đất Việt Nam bị cưỡng chiếm bằng vũ lực. Không một yêu cầu nào về việc bảo vệ tính mạng tài sản của ngư dân VN trong vùng biển quốc gia của mình. Không một lời bác bỏ nào đối với cái lưỡi bò phạm pháp trên bản đồ Trung Quốc. Chủ quyền quốc gia đã bị hoàn toàn từ bỏ. Lũ giặc bành trướng được coi là bạn bè thân thiết nhất, là đồng chí tin cậy nhất, còn hơn anh em ruột thịt.

Đây có thể là phản ứng có tính toán của nhóm Tập Cận Bình đối với lời lên án của Việt nam tại cuộc họp Shangri La ở Singapore cuối tháng 5 vừa qua. Tuy chỉ là lời nói bóng gió, không nêu đích danh, nhưng cũng đủ để bị chạm nọc, để mất mặt giữa trường quốc tế và để nổi tự ái giận dữ. Đó là câu của thủ tướng Ba Dũng: «Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền». Đã nhún nhường, nói xa xôi, nhưng vẫn cay đắng, vì bọn trùm bành trướng luôn kiêu ngạo, tự cao tự đại, tự coi là yêng hùng trong thiên hạ.

Trung Nam Hải gần đây tỏ ra rất lo ngại khi trí thức và tuổi trẻ Việt Nam cũng như một số đảng viên CS lão thành tỏ rõ ý muốn Việt Nam liên minh quân sự với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Âu…trước mối đại họa bành trướng Trung Quốc.

Cũng có thể đây là một tính toán thâm độc của Trung Nam Hải, nhưng cũng có thể là một tính toán sai lầm trong cơn hoảng hốt. Họ không tính rằng sự lộ mặt quá lộ liễu là ông chủ của 16 ông vua tập thể ở Ba Đình là dại dột và nguy hiểm cho họ ra sao. Nước cờ này sẽ đẩy đảng CS Việt Nam đang núng thế thụt sâu thêm xuống hố suy thoái, bị lên án mạnh thêm là bán nước cầu lợi riêng, chia rẽ thêm nhóm lãnh đạo vốn đã hiềm khích nhau, kích thích mạnh thêm các cuộc xuống đường quyết liệt chống bành trướng và tay sai của đồng bào ta.
 
Copy từ: Bùi Tín (VOA’blog)

‘TAM NÔNG’ SẮP ĐƯỢC SƯỚNG LÊN ?!

Có ai mua 'Dự án treo' không?
* BÙI VĂN BỒNG 
           Các quy hoạch, dự án cần có đất. Chỉ có khu vực nông thôn, nông dân, nông nghiệp mới là “nguồn” đất đai phong phú, nguồn 'quỹ đất' dồi dào. Các nhà chính quyền và đại gia muốn “ăn đất”, giàu lên từ đất, vơ tiền tỉ vàng tạ cũng phải "bám chặt tam nông" (Nông thôn, nông dân, nông nghiệp). Họ rất quyết tâm, quyết liệt ca vang bài 'Từ đất dấy lên'.

Thế nên, từ khi rầm rộ đầu tư, dự án, đất trở thành thứ hàng hóa, quý hơn vàng. Những cơn sốt đất không do người dân gây ra, mà chủ yếu do kinh doanh bất động sản đẩy lên. Những khu ruộng lầy ao sâu rau muống, những bãi bồi hoang hóa, khi đã vào dự án là giá đât tăng vọt lên cả nghìn lần, so với giá trị thực vốn có của nó. Các cuộc lừa đảo bằng các dự án ảo, các công ty ma cũng xuất hiện. Cạnh tranh mặt bằng gay gắt, cơn sốt đất tăng nhiệt vèo vèo. Khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân vốn nghèo khó nhiều đời, nay trở thành “mục tiêu” nhắm tới của chính quyền và đại gia.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, rồi đô thị hóa…trở thành một thế mạnh bị lợi dụng để vơ vét, vun quén, chiếm đất nông nghiệp. Và do đó, địa phương nào cũng đua nhau “đo thị hóa”. Bởi ai cũng thừa biết: Đô thị hóa, cùng với quy hoạch này, dự án kia thì mới có cớ để khoanh đất của dân, khoanh được mới chiếm được. Chỗ nào đất đai “vinh dự” nằm trong diện quy hoạch, dự án thì giá tăng rất cao, cao lên chót vót.
Chưa có thống kê chính xác, nhưng các nhà hoạch định và chuyên môn cũng sơ sơ nhẩm tính chỉ trong 20 năm qua, đất nông nghiệp cả nước bị vào quy hoạch, dự án lấn tới bình quân  12-16%. Một số vùng  ven các đô thị và trong các dự án vẽ vời rất đẹp mắt hầu như gần 100% nông dân bị mất đất. Nhưng rồi, những nơi mà đại ca, đại gia đã vơ những khoản lợi nhuận béo ngậy thì nay (cả chục năm) thành đất hoang hóa trong các dự án treo, dân cũng bị treo niêu! Người nông dân đã chấp nhận tin tưởng đi theo Đảng, đổ biết bao máu xương, mồ hôi, nước mắt để "Người cày có ruộng", mà nay "Người cày mất đất"! Nhiều khu đất thuần nông, đất ‘thục’ đang canh tác lúa xuất khẩu ngon lành, đời sống nông dân đang khấm khá lên, bỗng dưng bị khoanh vào quy hoạch, từ quy hoạch đẻ thêm hàng loạt dự án ‘ăn theo’ thế là nông dân mất ruộng vườn, mất cả nhà cửa. Không những đất nông nghiệp bị thu hối trắng tay, nhận bồi thường rẻ mạt, mà hậu họa là họ bị thất nghiệp, không nơi ở, rơi vào cảnh bơ vơ, nghèo đói. Có điều nghịch lý ở hai chữ “thu hồi”. Hồi là trở về, thu về (cái mình đã có), nhưng đất đai bao đời để lại đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của người dân, mới giữ được đến hôm nay. "Của dân, đâu của ông cha đứa nào mà “thu hồi” (Ý kiến một cử tri).
Sáng qua (1-7), trong phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Hội NDVN, diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phải kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng xa rời nông thôn, coi thường nông nghiệp, xem nhẹ vai trò người nông dân trong quá trình phát triển". TBT cùng kêu gọi chống tư tưởng rời xa nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Và rằng: Hội NDVN cần tập trung thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng để xác định rõ hơn phương hướng xây dựng giai cấp nông dân VN trong thời kỳ mới; cần nắm vững các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua "nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "xây dựng nông thôn mới".
Nói vậy là đúng đường lối của đảng. Mà đường lối đảng đề ra bao giờ cũng chỉ có đúng, rất “kêu”. Nhưng trong thực tế lại khác: Năm 2010, UBND TP Hà Nội đã dùng một cái quy định về việc thu hồi đất, để thực hiện dự án đầu tư và thu hồi đất, giao đất làm nhà ở nông thôn tại địa điểm dân cư nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội, áp dụng vào việc thu hồi đất chung cư ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội. Từ đó, quy hoạch thỏa sức vẽ với, dự án tràn lan, các đại gia bất động sản kéo đến ùn ùn, chính quyền vui đỏ rực mặt mày…Nhưng, qua diễn biến của các mánh lới, các thủ đoạn “xâm lược nông thôn”, nay mới biết: Hóa ra, hơn 90 tòa nhà chung cư 5 tầng cũ của phường Thành Công, thuộc quận Ba Đình là địa điểm cư dân nông thôn đấy. Dân có thắc mắc thì chả biết thắc mắc với ai, vì chính quyền chưa bao giờ ra mặt đối thoại với dân.
            “Chống tư tưởng rời xa nông thôn, nông nghiệp và nông dân…” – Quả là TBT kêu gọi rất hay, rất ngân vàng. Nhưng rồi, không riềng Hà Nội mà cả 64 tỉnh, thành phó hiện nay nông dân mất đất ngày càng nhiều thì túi tiền của nhà chức trách và của đại gia càng phình to. Đô thị hóa đã thành “làn sóng” rầm rộ phong trào đua nhau để được công nhận các thị xã là thành phố thuộc tỉnh (nhỏ tý, còn bệ rạc cũng mặc, cứ phải thành phố mới …đất có giá, mở rộng ra thoải mái). Nay lại phát sinh làn sóng mới: Có những tỉnh đang đệ trình  Trung ương xem xét để mở ra tới 4-5 thị xã…
         Từ đó, một nguy cơ đặt ra: Nước nông nghiệp đứng hàng nhất-nhì xuất khẩu gạo trên thế giới không khéo với đà này, sau này đến mức phải đi nhập khẩu lương thực cứu đói cho dân.
          Ôi, nào là nông nghiệp hàng đầu, ưu tiên nông dân, nông thôn, chiến lược sản xuất lương thực....và nay lại được nghe “không được rời xa ‘tam nông’. Nghe vậy, cũng thấy khấp khởi! Thế thì, ‘tam nông’ sắp được sướng lên rồi!
BVB

Copy từ: Bùi Văn Bồng



  Trần Hùng:  Có bác nào là nông dân xin dơ tay lên cho em nhờ? 

 

 

LS.Hà Huy Sơn yêu cầu hủy bản án đối với Nguyễn Phương Uyên


Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha trong phiên sơ thẩm tại Tòa án Long An hôm 16/5/2013.
Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha trong phiên sơ thẩm tại Tòa án Long An hôm 16/5/2013.
AFP
Nghe bài này

Dư luận tiếp tục quan tâm đến hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha hiện đang phải thụ án tù về tội danh tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam theo điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Yêu cầu hủy án sơ thẩm
Luật sư Hà Huy Sơn, người tham gia bào chữa cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên tại phiên xử sơ thẩm hồi ngày 16 tháng 5 vừa qua ở tòa án Long An, hồi ngày 25 tháng 6 có văn thư gửi đến tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến của bản thân ông về nội dung kháng cáo đối với bản án sơ thẩm tuyên cô sinh viên trẻ 21 tuổi yêu nước này 6 năm tù giam và ba năm quản chế.
Nội dung của văn thư gồm hai điểm chính là ông hoàn toàn đồng ý với kháng án của Nguyễn Phương Uyên với lý do không hề phạm tội như bị kết án.
Phần ý kiến thứ hai của ông gồm 6 điểm nêu ra những vi phạm nghiêm trọng về pháp luật của bản án sơ thẩm. Theo đó thì điều đầu tiên là bản án trái với mục đích của Pháp luật Hình sự được ghi trong lời nói đầu của Bộ Luật hình sự Việt Nam. Thứ hai, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, không có bằng chứng nào được đưa ra xem xét để buộc tội sinh viên Nguyễn Phương Uyên chống lại nhà nước CHXHCNVN.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, không có bằng chứng nào được đưa ra xem xét để buộc tội sinh viên Nguyễn Phương Uyên chống lại nhà nước CHXHCNVN
Luật sư Hà Huy Sơn
Thứ ba, chuyện Nguyễn Phương Uyên phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam và những cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về thực trạng Việt Nam hiện nay là quyền của công dân được quy định rõ trong hiến pháp Việt Nam. Thứ tư, bản án sơ thẩm cho rằng vụ án là ‘đồng phạm có tổ chức’ với Nguyễn Thiện Thành là ‘người tổ chức’, Đinh Nguyên Kha là ‘người thực hành’ và Nguyễn Phương Uyên là ‘người giúp sức tích cực’; thế nhưng người tổ chức là Nguyễn Thiện Thành không bị bắt, không có lời khai, không có đối chất với những bị cáo và những người làm chứng…
Cô Nguyễn Phương Uyên chụp tại lớp học ở Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM . (Hình do Bạn cô cung cấp)
Cô Nguyễn Phương Uyên chụp tại lớp học ở Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM . (Hình do Bạn cô cung cấp)
Như thế không có chứng cứ khách quan chứng minh Nguyễn Thiện Thành là người tổ chức, từ đó không thể kết tội Đinh Nguyên Kha là người thực hành và Nguyễn Phương Uyên là người giúp sức tích cực. Thứ năm, luật sư Hà Huy Sơn phân tích những dấu hiệu bị cho là ‘đồng phạm’ trong vụ án về cả hai mặt chủ quan và khách quan. Điểm sai phạm thứ sáu của bản án sơ thẩm là những mâu thuẫn về ‘thẩm quyền điều tra’ và ‘thẩm quyền theo lãnh thổ’ của Bộ Luật Hình sự Việt Nam khi tòa án tỉnh Long An xác nhận việc rải truyền đơn ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Với những vi phạm như thế, luật sư Hà Huy Sơn đề nghị tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Phương Uyên.
Luật sư Hà Huy Sơn nói lại lý do mà ông có văn thư gửi cho tòa phúc thẩm:
Theo điều luật của Bộ Luật Tố tụng hình sự, tôi là người nhận được thông báo kháng cáo, tôi có trách nhiệm cho toàn phúc thẩm. Theo luật qui định, ý kiến của người tham gia phiên tòa sơ thẩm sẽ được lưu hồ sơ để Hội đồng Xét xử phiên tòa phúc thẩm xem xét. Còn xem xét đến đâu phải chờ đến phiên tòa phúc thẩm. Tôi cứ làm theo trách nhiệm của mình, còn kết quả đạt được không cao như mong muốn, còn thấp lắm.
Chuyển phòng giam  khắc nghiệt hơn
Đối với cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên hiện đang phải thụ án tù theo bản án mà luật sư Hà Huy Sơn cho là vi phạm như thế nay phải chuyển sang một phòng giam mới mà theo gia đình thuật lại lời của cô cho biết là tồi tệ hơn.
Luật sư Hà Huy Sơn đề nghị tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Phương Uyên.
Bà Nguyễn thị Nhung, mẹ của Nguyễn Phương Uyên, sau ngày đi thăm lần mới nhất hôm 28 tháng 6, cho biết điều đó:
Cháu cho biết rằng là cháu bị chuyển đến một buồng giam mới. Sau phiên tòa đến nay cháu bị chuyển buồng giam đến ba lần. Nếu tôi nhớ không lầm: đó là buồng 15C, 16 B và bây giờ đến buồng 1B. Buồng 1B này rất chật chội, bẩn, không đủ điều kiện vệ sinh; rồi không có đủ ánh sáng và không khí để thở. Chỉ có một bóng đèn rất lu, không có đủ ánh nắng, ánh sáng. Rồi còn có mấy tổ ong nữa nên cháu rất sợ. Cháu nói nếu ở trong đó, sức khỏe sẽ giảm sút.
Bà Nguyễn thị Nhung cho biết trong chuyến thăm hôm ngày 28 tháng 6 còn  có bà Nguyễn thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy. Kha bị án tù 8 năm trong cùng vụ án với Nguyễn Phương Uyên, nhưng nay phải bị tiếp tục điều tra. Theo bà Nguyễn thị Kim Liên thì tính đến ngày 7 tháng 7 này là hết hạn điều tra 4 tháng; nhưng rồi bà nhận định sẽ có thêm 4 tháng điều tra tiếp. Riêng người con Đinh Nhật Uy của bà cũng đang bị giam để điều tra mà đánh giá của gia đình vì không thuyết phục Đinh Nguyên Kha nhận tội.
Kháng án gặp khó
Dù Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đều có đơn kháng án, thế nhưng theo bà Nhung hiện việc kháng án như thế có một số trở ngại:
Đơn kháng án, cháu đã gửi. Vấn đề mời luật sư cho phiên phúc thẩm theo luật sư Nguyễn Phương Uyên thì đích thân người trong tù phải ký. Nên hôm ngày 14 đi thăm tôi có cho cháu ký rồi; nhưng luật sư nói làm thế người ta sẽ gây khó khăn cho luật sư vào tiếp xúc; cần phải có sự xác nhận của trại giam. Hôm 28 tháng 5 khi đi thăm đến đã trưa rồi, lại quên chứng minh nhân dân, đi lấy mất thời gian trong lúc rối nên cũng chưa kịp đi xác nhận đơn đó.
Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị bắt từ hồi tháng 10 năm ngoái. Mãi đến giữa tháng sáu năm nay mới được đưa ra xử; thế nhưng bản án tòa tuyên bị cho là vi phạm như chính luật sư tham gia bào chữa trong vụ án là luật sư Hà Huy Sơn vừa nêu ra.
Hai bà mẹ và gia đình tiếp tục hành trình đòi lại công lý cho hai sinh viên trẻ Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vì họ tin chắc rằng việc làm chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, cũng như lên án tình trạng tham nhũng tràn lan tại Việt Nam của các quan chức trong bộ máy Nhà nước và Đảng Cộng sản là không có tội mà đó là biểu hiện của lòng yêu nước.



Copy từ: RFA