CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Luật sư Lê Quốc Quân bị cắt thăm nuôi

Theo thông tin từ gia đình cho biết, tuần này người nhà luật sư Lê Quốc Quân lên trại giam số 1-Tp.Hà Nội (Hỏa lò) gửi đồ thăm nuôi thì được thông báo báo luật sư Quân bị cắt thăm nuôi vì lí do vi phạm nội qui. Sau một hồi chất vấn thì cán bộ trại không đưa ra được bằng chứng vi phạm nội qui gì của trại.
Cho đến thời điểm hiện nay, Ls.Quân đã bị hai lần cắt thăm nuôi theo định kỳ và lí do nêu ra là vi phạm nội qui trại, nhưng trại chưa đưa ra một văn bản nào trả lời cho gia đình rõ về việc vi phạm. Riêng lần này cán bộ trại đã tuyên bố cắt ít nhất là lần này và lần thăm nuôi tới, nếu vi phạm sẽ cắt tiếp. Gia đình đang làm đơn khiếu nại, và theo nguồn tin từ luật sư cho biết thì lí do bị cắt thăm nuôi là Ls. Quân đã phản ứng không tiếp nhận bản kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra và bản cáo trạng mà Viện Kiểm Sát đã vội vàng ra sau đó và một lí do khác nữa là Ls. Quân không chịu mặc áo tù khi chưa có bản án.
Sau đây là văn bản khiếu nại của luật sư Hà Huy Sơn về việc trại giam bắt luật sư Quân phải mặc áo tù mới được gặp luật sư:

khieu_nai_ao_tu-.jpg


Copy từ: Dân Luận

Nhật ký mở lại (lần thứ 43): ĐẠI LOẠN THỜI BÌNH!



Thứ sáu, ngày 19 tháng tư năm 2013

Sáng nay ông cựu đại tá T, bạn đồng môn từ thuở “Đòan Vế Quốc Quân một lần ra đi”, nghĩa là cũng U90 như mình, được “cụ con” mới về hưu được mấy tháng lái cái xế hộp cà tàng quẳng "cụ bố" ở nhà mình để đi đâu không biết (một cử chỉ chiếu cố để bố đỡ…buồn )!

Nào ngờ vừa nghe chuông réo, chống gậy ra mở cửa đã được nghe cụ bạn cả năm nay không gặp lên tiếng sang sảng: “Tiên sư bố chúng nó! Loạn! Loạn thật!...”


Tớ: Thế nào? thế nào?...nè! nè! đu-xơ măng! đu-xơ-măng! (doucement –tiếng thằng Tây dạy khi khuyên ai hãy từ tốn nhẹ nhàng tớ hay dùng khi gặp lại những người bạn bị nền giáo dục Pháp làm cho mất cái đậm đà của bản sắc dân tộc!)

Cụ bạn: Tiên sư bố chúng nó! Tức đến hộc máu mồm ra mà chết được! Ai đời nó tạt ngang mũi xe của thằng con tớ! Xuýt xảy ra án mạng nếu tay lái của thằng này không vào loại có cỡ …Ấy vậy mà chúng nó còn đuổi theo mãi chỗ đèn đỏ để chõ mõm vào xe mà chửi “Đù má hai thằng già (nghĩa là cả mẹ tớ lẫn …vợ tớ đều bị…cả)! Cóc ngóe lên làm người cũng đòi đi tu-bin!” Ông bảo thế có loạn không cơ chứ!

Tớ: Loạn! loạn! loạn! Nhưng mà ông ơi! Còn nhiều thứ đại loạn hơn nhiều đấy ông ạ!

Và thế là cuộc gặp gỡ của hai người lính còn sót lại của mấy mươi năm binh lửa bỗng trở thành một buổi… “tố khổ” về mọi thứ “loạn thời bình”….

Biết được cái tính tình ông bạn này là không ưa nói về tình hình chính trị, chính chọe đương thời, cũng không phải là dân ham muốn in-téc-nẹt-téc-niếc, nhưng đôi khi cũng hay có vài ý kiến … “phản biện- trung thành”, mình liền lợi dụng đưa ông già từ các thứ loạn ngoài xã hội đi dần vào mọi thứ loạn khác mà ông ta luôn muốn né tránh, cho nó đỡ phiền phức cho vợ con và cho bản thân đỡ …."nhức cái đầu"! Mình bèn dùng cái “mẹo” kích ông ta đi từ những chuyện chửi cha ba thằng mất dạy ngoài đường phố tới những tình hình chính sự nhiễu nhương đang hiện hữu …để rồi sau gần 3 tiếng đối thoại thì mình đã nhận ra rằng thì là:

1-Không phải ông ta không hiểu biết, không chán đến tận cổ cái tình hình đất nước hiện hành…

2-Không phải ông ta không có những phân tích sâu sắc, nhưng vì tương lai của mấy đứa con đang làm ăn thăng tiến trên "nền kinh tế thị trường",

3-Bản thân ông ta xưa cũng được đi học hành trên 10 năm dưới chế đô thuộc địa, như mình... nhưng do hoàn cảnh xuất thân chỉ là một con một ông đội khố xanh nên…được hưởng ân xủng của đảng đối với ông như ngày nay là thỏa mãn qúa rồi.

Cho nên, đòi hỏi hơn nữa ở ông ta thì hơi …gò ép!

Vì thế mình bắt đầu ngay bằng các thứ loạn ở ngay đời thường, ở ngay các thứ loạn ngày nào cũng ê hề trên báo đảng-nhà nước! Bắt đầu bằng những chuyện..loạn..ngôn để dần dần đi vào các thứ đại loạn khác! Như loạn chính sách, loạn đường lối, loạn chỉ đạo, loạn tổ chức cũng như loạn trong hàng ngũ lãnh đạo mà cơ bản là loạn nhân cách, loạn lý tưởng

Và sau đây là tóm tắt những sự thoái hóa dần dần của ông bạn qua cuộc đối thoại thẳng thắn giữa 2 ông chiến sỹ già!

Ông bạn: Bảo người ta góp ý “không có vùng cấm” nhưng người ta mới mon men đề nghị điều này điều kia trái ý mình đã ra oai hống hách đe dọa xử lý!
Tớ: Ông không biết đấy thôi…chứ trên mạng còn có cả một đội ngũ “côn đồ cầm bút” có cái tên “dư luận viên” ăn lương đảng - nhà nước, không những chỉ gọi những trí thức, những người nói khác với lãnh đạo hoặc những ai đưa ra những con số vạch trần sự dối trá, bố lếu bố láo của mọi thống kê chính thức của nhà nước... nào là “lực lượng thù địch”, là ”ăn tiền nước ngoài” thậm chí là… “lưu manh chính trị”, “cơ hội chính trị”, và cò yêu cầu các cơ quan chức năng “ra tay thẳng cánh” nữa cơ đấy! Bọn này dùng cả tên thủ tướng ,chủ tịch nước để đặt cho Blog của mình. Tha hồ lên án, chửi bới mà đến cả chủ tịch, thủ tướng cũng không dám lên tiếng công nhận hay cải chính!?

-Loạn thật ! Loạn thật!

-Mới tối qua đây thôi! Ủy Ban Thường trực quốc hội báo cáo chính thức có 7 triệu lượt người góp ý xây dựng hiến pháp, lờ tịt hai con số mới đầu là 20 triệu, sau là 44 triệu riêng ở Bình Dương. Chênh lệch đến cả mấy chục triệu cũng cứ coi như chẳng hề gì, chẳng chết ai!

-Thì cũng cùng một bài báo, anh thì nói lương tối thiểu của công nhân mới đáp ứng được 30%, 45%, 50% …mức sống tối thiểu …anh thì nói “20 năm nay cứ loay hoay mãi với câu hỏi làm sao có thể cải thiện cuộc sống của “giai cấp tiên phong” khỏi phải ốm nhóc, ốm nheo” để đi tiên phong xây dựng chủ nghĩa xã hội? Nhưng cuối cùng ai cũng đều biết cả là:

Lương không đua được với giá!

Bộ máy ăn lương cồng kềnh nhất thế giới (so với tỷ lệ dân số)…

Cho nên bàn ra tán vào mỗi năm vài lần “đâu vẫn vào đó”!

Chỉ có một điều mà ai cũng biết nhưng không dám nói ra: Đó là thực chất của hai chữ “cồng kềnh" mà không một nhà nước nào trên thế giới vướng phải, vì một nhà nước mà phải ôm tới 2, thậm chí 3 “chính phủ” (gồm cả các tổ chức chính trị, nghề nghiệp... mặt trận v.v... đều ăn lương nhà nước!)
Nói trắng ra rằng: Chỉ khi nào bớt đi một trong hai tổ chức ăn lương: hoặc là đảng hoặc là nhà nước! Bằng không thì chỉ là họp, là…nghiên cứu “đãi bôi” mà chẳng giải quyết được việc gì hết!

-Ừ! đúng là « chercher midi à 14 heures » thật! (tìm giờ Ngọ vào lúc 2 giờ chiều!) Biết thừa đi rồi mà vẫn còn giả vờ đi tìm!

-Cho nên ngày càng có thêm nhiều ngôn ngữ cực mới! Ví dụ: Tránh hai chữ « đình công » thì tuyên huấn tung ra 4 chữ « ngừng việc tập thể », ăn quịt lương công nhân thì dùng « lương công nhân mấy tháng qua bị... âm » !

-Tớ có đọc một câu nói rất chi là « nổi loạn » ở trên báo nhà nước rằng: Mục tiêu lương đủ sống vào năm 2015 là viển vông...! Kể ra tay này cũng anh dũng đấy chứ!

-Chẳng ăn thua gì đâu! Có những kẻ còn nổi loạn gấp vạn lần ấy chứ! Đây nè! và mình đọc cái bài Bùi Mai Hạnh phỏng vấn nhạc sỹ Ngọc Đại, tác giả một thời nổi đình đám nhờ báo Đảng qua CD « Nhật thực » và các sô diễn « chẳng giống ai » một bài phỏng vấn mà các từ « không » đều bị thay thế bằng... « đéo »!
……..
-Xã hội này, theo mình nghĩ, nó còn tệ hơn là ổ điếm. Nó là điếm, điếm toàn phần. Nó giống như là nhật thực toàn phần ấy. Nói thẳng ra là như vậy. Bởi vì điếm là thế này: Người ta không bao giờ làm những điều tự thú với bản thân, kể cả sự thật và không thật, sự ác lẫn sự thiện, không bao giờ được công bằng mạch lạc trong cái xã hội bây giờ… người ta gọi nhạc sĩ Ngọc Đại là Thằng Mõ, nếu thế thì thật là vinh dự.
.......................
(Trong khi tôi thu xếp đồ nghề, nhạc sĩ Ngọc Đại bước ra khỏi bóng tối, cười hề hề bảo: “Cái cô này, sao không đi làm thơ, lại đi làm cái này làm đéo gì?”. Tôi cười hi hi: “Là vì muốn “đập vỡ” bóng tối, thế thôi.”)
- xin xem chi tiết ở đây

« Giới kỹ sư tâm hồn » cũng...loạn đến thế cơ à!? Chả trách trong xã hội chém, giết, hiếp cũng đủ kiểu! Đọc trên "báo nhà nước" thôi mà cũng ghê cả người! Con giết cha, vợ giết chồng, giết đốt xác, giết xong lột truồng bỏ bị ni-lông treo trên cây, giết xong còn chặt khúc, vứt xuống cống! Giết người chỉ vì « nhìn đểu nhau » , giết người chỉ vì hết còn yêu nhau!...
Ra đường thì rác tai với những tiếng chửi thề.Thanh niên nam nữ , bất kể nam hay nữ mở miệng ra là ĐM y như ông nhạc sỹ N. Đại vậy!

-Thưa với cụ! Đây chỉ là những hiện tượng « loạn » bề ngoài! Chứ cái loạn thật sự lại là loạn bên trong và bên...trên cơ!

-Nói thử coi!

-Tối qua cụ có xem TV1 chứ? Ông thủ tướng ngồi bên cạnh ông bí thư thành ủy Hải phòng người từng bị ông lên án là: Địa phương đã « sai toàn diện » về vụ anh nông dân Đoàn văn Vươn, người đã tập hợp cán bộ cách mạng lão thành ở Hải Phòng « nói ngược » hẳn với những gì mà ông thủ tướng nói! Vậy mà nay cười hể hả sát cánh cùng sếp đã từng lên án mình rồi cùng nhau cắt băng khánh thành một công trình mà chắc chắn sẽ có số phận giống như hàng loạt cảng khác vắng hơn chùa Bà Đanh: cảng Lạch Huyện!

-Ừ !Trông cái mặt vênh váo của tên Thành này đáng ghét thật! Vậy mà không hiểu sao thủ tướng cũng chịu thua?

-Đó! đó! Loạn là ở chỗ đó! Cái cảng, cái đề án 200 triệu USD để thiết lập mạng xã hội cho thanh niên, vụ alumin Tân Rai, cảng Kê Gà ....nó cứ... « tiến nhanh, tiến mạnh » đến chỗ ...bế tắc, bất kể lời can ngăn của bao chuyên gia tâm huyết và giỏi nghề! Không thể nào thuyết phục được những kẻ như tên Thành đã trót gắn kết với anh Ba...khi mà tất cả đều vì lợi ích nhóm mà dính chết vào nhau!
Lòng người không an, nội bộ các nhóm lợi ích,quyền hành giữa các vua chúa trung ương và địa phương cá mè một lứa mâu thuẫn nhau ngày càng tăng...Loạn là từ nóc loạn đi, từ đỉnh cao chói lọi loạn xuống! ...Để ổn định tình hình thì phải ra các miếng trò khắc phục ....Nhưng mỗi trò tung ra đều đẻ thêm những mâu thuẫn mới.
Gần nhất là chuyện « góp ý sửa hiến pháp ». Sự chia rẽ nội bộ trong nhận thức về mọi vấn đề cốt lõi như « Điều 4 », « luật đất đai » , « quân đội là của ai, do ai, vì ai? » càng thảo luận, lấy ý kiến càng vấp phải nhiều điều mà đảng-nhà nước muốn « giảm độ căng » đi cũng không được nữa!
Kết quả là mấy hôm nay, báo chí, tivi gần như cho stop chuyện mời các tiến sỹ -giáo sư đệ -nhất ngu- ăn lương đảng, lên màn ảnh nhỏ ngợi ca, bảo vệ sự lãnh đạo muôn năm sáng suốt của đảng vì...xem ra có mòi... « bí đái »!
Và sự thay đổi giọng điệu ngay cả của các vị Bộ Chính Trị, Chủ tịch Quốc Hội, các Bộ Trưởng ...cũng có tí chút chút « mị dân » đã làm các quán nước vỉa hè và thế giới mạng phán đoán...loạn cả lên!

-Thảo nào báo chí đảng mấy hôm nay cũng lật lại vấn đề đất đai, vấn đề Ngân Hàng nhà nước tung ra bán cả gần 10 tấn vàng để làm lợi cho ai?, vấn đề xăng dầu nhà nước lãi khủng nhưng quyết liệt giữ giá cao để ....kiếm chác?..,Rồi chuyện y tế muôn năm vẫn thế, chuyện giáo dục ngày càng chẳng hiểu đào tạo để làm gì? khi trường không ra trường lớp không ra lớp, thầy dỏm trò cũng dỏm luôn!

-Và bác có để ý không? Mấy hôm nay ngôn ngữ của mấy chú, cô bộ trưởng, bí thư trên báo, trên đài...ngửi qua như có tí ti mùi ... « tự diễn biến »!
Chú Sinh Hùng thì : « Làm người dân, tôi sợ các ông lắm rồi »!
Chú Quang Nghị, bộ chính trị còn nói trắng ra rằng các cơ quan dưới quyền chú ấy bôi rồi cũng không trơn nổi chứ chẳng cứ là bôi trơn để được việc đâu!.
Còn chị Tiến bộ y tế thì nói thẳng: « đến thăm bệnh viện ung bướu Gia Định như đến thăm một cái...« Trại Tị nạn »!
Bệnh nhân nằm ở sân Bệnh viện Ung bướu Gia Định chờ điều trị. Ảnh: Thiên Chương, VNE

-Vậy thì đây là hiện tượng tốt hay xấu?
-Nếu cứ theo sách vở và kinh nghiệm thực tế lịch sử thì... « Cùng tắc biến »!
Loạn toàn diện này là lúc cánh ta có thể nhìn thấy một sự THAY ĐỔI không ít thì nhiều lúc đang còn sống vật vờ, lay lắt trên « cõi tạm » này!

-Vậy thì cứ loạn đi! Loạn nữa đi! Nhất là triều đình mà loạn thì thần dân sẽ không thiếu thời cơ để hưởng lợi không ít thì nhiều!

Trong lúc nằm chờ « cụ con » đến đón, ông bạn già cứ lẩm bẩm mãi câu nửa chúc mừng nửa chửi rủa « Tiên sư cuộc đời! Đúng là gần 90 năm rồi chưa bao giờ lại loạn to đến thế!

Và mình thì tự khen mình: Vậy là nhờ loạn thời bình mà mình đã giác ngộ thêm cho một ông già có cái đầu còn biết nghĩ, có trái tim còn biết cảm... nhưng lâu nay cứ « giả vờ câm, giả vờ điếc!




Copy từ: NS Tô Hải

Thông báo về những buổi Dã ngoại để trao đổi về Quyền Con Người


Chúng Ta – Công Dân Tự Do - Quyền Con Người đã được quy định trong Hiến Pháp và đồng thời cũng là những giá trị phổ quát của nhân loại được xác nhận trong hai Công ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Quyền Con Người mà nhà nước Việt Nam là thành viên ký kết. 
Những quyền này đã được tôn trọng và bảo vệ như thế nào, cụ thể trong đời sống của mỗi người, thân nhân và bạn bè của chúng ta? 
Những vi phạm đối với Quyền Con Người đã ảnh hưởng đến đời sống và khát vọng mưu tìm hạnh phúc của cá nhân và thành viên trong gia đình của mình ra sao? Chắc chắn, mỗi cá nhân trong chúng ta đều có những trải nghiệm thực tế khác nhau và đó là điều mà chúng ta cần chia sẻ với nhau. 
Từ mỗi góc nhìn, kinh nghiệm, ước muốn của mỗi cá nhân, cũng như khát vọng chung của cả cộng đồng, Quyền Con Người sẽ cần có những cải thiện như thế nào để Việt Nam sớm thực sự trở thành một nước Dân Giàu, Nước Mạnh, Xã Hội Công Bằng, Dân Chủ, Văn Minh? Đó chắc hẳn sẽ là chủ đề quan tâm của tất cả chúng ta.
Các bạn thân mến! 
Trong ước muốn vừa có những sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, vừa tạo được cơ hội để trao đổi với nhau về những điều hữu ích cho việc góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ hưởng ứng buổi dã ngoại này. 
Chương trình cụ thể: 
Các Công Dân Tự Do thân mời quý phụ huynh và các bạn trẻ cùng tham dự những buổi dã ngoại lành mạnh, sinh hoạt cùng bạn bè. 
Hình thức tham gia: 
Mỗi người chúng ta sẽ tự đem theo đồ ăn nhẹ cho mình và gia đình. Đây là dịp để chúng ta gặp nhau, giải trí, làm quen và cùng nhau trao đổi về vấn đề Quyền Làm Người trong đời sống của chúng ta. 
Thời gian và địa điểm: 8h30 sáng ngày 5 tháng 5 năm 2013 
- Tại Sài Gòn: 
Công viên 30 tháng 4, Đường Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1. 
Liên lạc đăng ký tham gia với bạn Nguyễn Hoàng Vi – ĐT: 01287 123 126 
- Tại Nha Trang: 
Công viên Bạch Đằng, Đường Trần Phú - đối diện Học Viện Hải Quân. 
Liên lạc đăng ký tham gia với bạn Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - ĐT: 0905 140 835 
- Tại Hà Nội: 
Công viên Nghĩa Đô, Đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội. 
Liên lạc đăng ký tham gia với bạn Nguyễn Văn Dũng - ĐT: 0974 468 775 
Chân thành cám ơn các bạn. 


Copy từ: Dân Làm Báo

SỰ TRÁO TRỞ TRONG CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT ĐAI CỦA NÔNG DÂN TỪ NĂM 1930 ĐẾN NAY




Thể chế nhà nước CHXHCN Việt Nam, mô hình nhà nước cộng sản: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ…” được nhen nhóm, hình thành từ năm 30 của thế kỷ trước do những người cộng sản Đông Dương, chịu ảnh hưởng của phong trào cộng sản quốc tế do Liên Xô đứng đầu du nhập về…
Thời điểm đó, do đất nước bị sự áp bức bóc lột bởi chính quyền thực dân Pháp, những thanh niên yêu nước đã tập hợp, tổ chức lại thành tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư đầu tiên là Trần Phú…Tổ chức này được thành lập nhằm mục đích phát động nhân dân đứng lên làm cách mạng, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến để dành lại độc lập cho đất nước…Điều này đã thể hiện trong bản Luận cương chính trị do Trần Phú khởi thảo tháng 10/1930 với những nội dung cơ bản sau:
- Về mâu thuẫn xã hội: "Một bên là thợ thuyền dân cày và các phần tử lao khổ, một bên là địa chủ phong kiến, tư bản và chủ nghĩa đế quốc".
- Về tính chất và mục tiêu chiến lược của cách mạng Đông Dương: Lúc đầu là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền có tính chất thổ địa và phản đế. "Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng. Sau khi cách mạng tư sản dân quyền thắng lợi thì sẽ tiếp tục phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bản mà đi thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa"
- Về nhiệm vụ cách mạng tư sản dân quyền: Đấu tranh để đánh đổ các di tích phong kiến, thực hành cách mạng ruộng đất; đánh đổ đế quốc Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hai mặt tranh đấu đó liên lạc mật thiết với nhau nhưng " vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền".
-Về lực lượng của cách mạng :
+Công nhân và nông dân là hai động lực chính của cách mạng, trong đó giai cấp công nhân là động lực chính và mạnh, là giai cấp lãnh đạo cách mạng; nông dân là một động lực đông đảo và mạnh của cách mạng…
Từ bước đi đầu tiên, những người cộng sản Việt Nam đã nhận thức: muốn đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa thì phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ:” Đấu tranh để đánh đổ các di tích phong kiến, thực hành cách mạng ruộng đất; đánh đổ đế quốc Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hai mặt tranh đấu đó liên lạc mật thiết với nhau nhưng " vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền"…Mục tiêu của cuộc cách mạng do những người cộng sản khởi xướng là phải dành lại ruộng đất từ tay đế quốc, phong kiến để trả về cho người nông dân Việt Nam
Để đạt được mục tiêu cách mạng này, những người cộng sản đã khẳng định “nông dân là một động lực đông đảo và mạnh của cách mạng…” tức dành chính quyền, độc lập dân tộc song hành với việc dành lại ruộng đất cho nông dân; Do vậy mà khẩu hiệu liên minh công nông được hình thành từ đây…
Cụ thể hóa cương lĩnh này thêm một bước, vào những năm 40, một tác phẩm do những người cộng sản viết đó là cuốn Vấn đề dân cày do Quan Ninh ( Trường Chinh-giai đoạn này là Quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương) và Vân Đình ( Võ Nguyên Giáp ), được nhà sách Đức Cường in thành 2 tập…Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê Nin, đường lối của Đảng và thực tiễn khảo sát đời sống nông thôn, các tác giả đặt vấn đề nghiên cứu sâu sắc thực trạng nông thôn Việt Nam dưới ách áp bức của thực dân và phong kiến, đề cập tới vấn đề ruộng đất và dân cày như là nội dung trụ cột của đời sống xã hội nước ta. Cuốn sách phê phán những nhận thức, quan điểm sai lầm đối với dân cày và vạch rõ vị trí của họ trong cách mạng Việt Nam. Cuốn sách cũng tố cáo các chính sách phản động của đế quốc và phong kiến về ruộng đất, tô thuế, nạn cho vay nặng lãi… đối với dân cày và nêu lên những yêu sách của dân cày Đông Dương trước Mặt trận Nhân dân Pháp.
Cói thể coi đây là những tiếng chuông thức tỉnh người nông dân, nhằm lôi kéo họ chuẩn bị tham gia cuộc cách mạng tháng 8/1945 cùng với những người cộng sản dành lại chính quyền từ tay đế quốc, thực dân…
Tháng 8/1945 lợi dụng việc phátxit Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, những người cộng sản với trên 5000 đảng viên đã kêu gọi nhân dân đứng lên cướp chính quyền từ trong tay chính quyền Trần Trọng Kim thân Nhật…Như vậy, lực lượng chính đã dành lại được chính quyền, xây dựng mô hình nhà nước đầu tiên ngoại trừ 2 thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn; chủ yếu vẫn là những người nông dân…Thực ra với 5000 đảng viên cộng sản này thì phần lớn họ đều là con em nông dân, có gốc gác từ nông thôn; Còn Hà Nội, Sài Gòn năm 1945 thì thị dân cũng không khác nông dân bao xa…
Cuộc cách mạng tháng 8 do những người cộng sản tổ chức và lãnh đạo đã thành lập ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với một bản Hiến pháp 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ biên; Đây là một bản Hiến pháp phi đảng phái chính trị; Hiến pháp 1946 đã xác định và đặt quyền cao nhất vào các vị trí chủ chốt: Quốc hội, Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch nước và cử tri…
Vị trí của Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1946 nó gần với vai trò của tổng thống của Pháp: người nắm toàn bộ quyền lực hành chính nhà nước; Cơ quan kiểm soát Chủ tịch là Quốc hội-đại biểu của dân…
Ngay trong Hiến pháp 1946 vấn đề sở hữu ruộng đất đã được đặt ra rõ ràng tại Điều 12: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Tài sản được quan niệm gồm động sản và bất động sản. Như vậy, quyền tư hữu về tài sản như một quyền tự nhiên của con người, được Nhà nước công nhận và bảo vệ bằng Hiến pháp ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của chế độ này, nhà nước này.
Vào năm 1953, khi mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào giai đoạn tổng phản công, để động viên sức người sức của của nhân dân, Đảng Lao động Việt Nam được công khai trở lại vào tháng 3/1951 đã ban hành một cương lĩnh, Đó là Cương lĩnh Đảng Lao động Việt Nam ra đời tháng 11/1953…Trong Cương lĩnh 1953 có các đoạn sau đây:”Cần phải xoá bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của đế quốc ở  Việt  Nam,  xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của  giai  cấp  địa chủ, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông  dân,  thực  hiện khẩu hiệu người cày có ruộng…
Trong nhân dân ta, nông dân chiếm gần 90%. Đối với kháng  chiến,  nông  dân đóng góp nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất.  Nhưng  nông  dân phần nhiều lại không có, hoặc có rất ít ruộng  đất.  Nông  dân làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn không  được  no  cơm, ấm áo. Tình hình ấy rất không hợp lý, không  công  bằng.  Vì vậy, nông dân yêu cầu được ruộng đất là một  điều  rất  chính đáng, rất hợp với lợi ích giải phóng dân tộc. Chỉ  có  thực  hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, làm cho hàng chục triệu nông dân hăng hái tham gia kháng chiến, thì kháng chiến  mới  hoàn  toàn thắng lợi, cách mạng chắc chắn thành công…”  
Bản Cương lĩnh tháng 11 năm 1953 của Đảng Lao động Việt Nam có 23 điều trong đó có những điều đáng chú ý sau đây:                      
“1. Tịch thu toàn bộ ruộng đất và tài sản của thực dân Pháp  và  của  đế quốc xâm lược khác.
2. Tịch thu ruộng đất, trâu bò, nông cụ và tài sản khác của  bọn  Việt  gian phản quốc.
3. Tịch thu hoặc trưng thu (tuỳ tội nặng nhẹ), ruộng đất trâu  bò,  nông  cụ và tài sản khác của địa chủ phản động và cường  hào  gian  ác.
4. Trưng thu ruộng đất công và ruộng đất nửa công, nửa tư  bao  gồm  ruộng phe, ruộng giáp, ruộng tư văn, tư võ, ruộng các  đoàn  thể,  v.v..
5. Trưng thu hoặc trưng mua (tuỳ trường hợp) ruộng đất của  các  tôn  giáo.
6. Tịch thu ruộng đất, trâu bò, nông cụ và tài sản khác của  ngoại  kiều  hợp tác với đế quốc xâm lược và nguỵ quyền. Trưng  mua  ruộng  đất, trâu bò, nông cụ của những địa chủ ngoại  kiều  khác.
14. Ruộng đất, trâu bò, nông cụ, v.v. tịch thu, trưng thu và  trưng  mua  đều chia hẳn cho nông dân không có ruộng đất hoặc  thiếu  ruộng  đất; họ được quyền sở hữu vĩnh viễn những thứ  được  chia  và không phải trả tiền.”
Có thể nói nhờ vào cương lĩnh chính trị này, Đảng và Chính phủ kháng chiến đã huy động được hàng vạn con em nông dân gia nhập quân đội, đã xả thân trong các trận đánh ác liệt như chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với của cải vật chất …
Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959 tiếp tục quy định: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu ruộng đất và tư liệu sản xuất của nông dân”. Và chỉ có “đất hoang” mới coi là sở hữu toàn dân (Điều 14 Hiến pháp năm 1959).
Như vậy, với Hiến pháp 1959 quyền sở hữu ruộng đất của nông dân được Đảng và Chính phủ tiếp tục thừa nhận; Và có lẽ hàng triệu thanh niên trong đó đến trên 90 % là con em nông dân đã hăng hái lao vào khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ bất chất gian khổ, hy sinh bởi được hứa là sẽ được sở hữu đất đai…
Thế nhưng, sau khi hòa bình được lập lại, đất nước thống nhất tháng 5/1975, Nhà nước lập tức cho ban hành Hiến pháp năm 1980 và tiếp đó Hiến pháp năm 1992 công bố tất cả “đất đai là sở hữu toàn dân” ( Điều 17 Hiến pháp năm 1992), xóa bỏ hoàn toàn những điều đã viết bằng giấy trắng mực đen trong Cương lĩnh 1953 và Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 ?
Nếu như Hiến pháp năm 1959 ghi nhận sở hữu riêng là quyền cơ bản của công dân thì ở Hiến pháp năm 1980, điều này không còn được thừa nhận. Nhà nước không công nhận sự tồn tại của sở hữu tư nhân và các thành phần kinh tế tương ứng, mà đặt trọng tâm vấn đề sở hữu toàn dân, đặc biệt là đối với các tư liệu sản xuất, các nguồn tài nguyên chính yếu của quốc gia; chính thức mở đầu cho việc xác lập đất đai thuộc sở hữu toàn dân…

Phải chăng đây là cách ửng xử theo lối trở cờ, qua cầu rút ván của Đảng và Nhà nước Việt Nam, các chính sách chủ trương chỉ là những thủ đoạn chính trị mang tính thời vụ, giai đoạn, khi đã đạt mục đích rồi thì sẵn sàng lật lọng ? Một cương lĩnh chính trị của một đảng chính trị kể cả đảng cầm quyền có thể được thay đổi nhưng khi nó đã được thể chế bằng hiến pháp thì sự thay đổi này là cả một bước ngoặt về sự đổi màu của bản chất chế độ ? Phải chăng vai trò của nông dân không còn, sự hy sinh của họ đã đủ đầy và bây giờ là lúc Đảng “rút ván” vì đã qua được cầu rồi, thâu tóm toàn bộ quyền lực về mình…Một nguyên tắc “đảng trị” đã ghi rõ trong Điều lệ Đảng đó là nguyên tắc tập trung dân chủ, nó hoàn toàn trái với nguyên tắc “pháp trị”…Từ xưa đến nay dân chủ tập trung đồng nghĩa là dân chủ chỉ tập trung vào một nhóm người có quyền, là cấp trên còn đa số không có quyền này…Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thì “ dân chủ tập trung “ có nghĩa thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên và chỉ có cấp trên mới có quyền làm chủ ?
Sau năm 1975, tức là sau chiến tranh, tầng lớp đầu tiên bị đẩy ra rìa đó là nông dân bởi tư liệu sản xuất cơ bản của nông dân đó là ruộng đất; Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên năm 1930 cũng đã xác định đây là cuộc cách mạng ruộng đất, để dành lại ruộng đất cho nông dân, để người cày có ruộng…Với quy đinh ruộng đất là sở hữu toàn dân thì người nông dân từ chủ sở hữu trở thành người được đi thuê, đi mượn để sử dụng, quyền đó đã bị nhà nước tước đoạt ? Do chỉ là người đi thuê nên ruộng đất của nông dân có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào, bất cứ cấp nào từ cấp phường xóm trở lên đều có thể cướp đất của nông dân ?

Như vậy, hóa ra người nông dân là tầng lớp cách mạng quan trọng đầu têu đã bị lừa và phản bội ?! Con em của ai, xương máu của ai đã xây cất lên cái nhà nước và chế độ này, nếu không nói 90 % là của con em nông dân; thế mà giờ đây: cái quyền tối thiểu, cái quyền tối thượng: sở hữu những tấc đất cắm dùi không được thừa nhận? Phạm trù tư hữu đất đai không chỉ là phạm trù pháp lý mà là phạm trù văn hóa, nhân tố kết dính cộng đồng làng xã ở nông thôn; là một thứ gắn bó như máu thịt với người nông dân, là cộng đồng dân cư đến nay vẫn còn chiếm tới 70-80 % dân số ?

Chả nhẽ cái gọi là quyền sở hữu vĩnh viễn được ghi trong Điều 14 của Cương lĩnh Đảng Lao động Việt Nam 1953:”Ruộng đất, trâu bò, nông cụ, v.v. tịch thu, trưng thu và  trưng  mua  đều chia hẳn cho nông dân không có ruộng đất hoặc  thiếu  ruộng  đất; họ được quyền sở hữu vĩnh viễn những thứ  được  chia  và không phải trả tiền…” là điều hươu vượn, lừa dối… Hay Đảng Cộng sản VN bây giờ là đảng khác, không giây mơ, rễ má gì, không liên đới trách nhiệm gì với cái Đảng Lao động do ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ?
Thử hỏi mai đây nếu xảy ra chiến tranh xâm lược thì liệu nông dân có còn động viên con em mình ra trận nữa không hay lúc đó Đảng lại soạn lại cương lĩnh, nhà nước soạn lại Hiến pháp để lừa nông dân thêm một lần nữa ?
Có thể ai đó cho rằng: Đảng chủ trương đất đai sở hữu toàn dân có lợi cho dân, cho nhà nước hơn, cho Đảng hơn nên Đảng, Nhà nước cải tiến cái phương thức quản lý này? Xin thưa rằng “ đất đai sở hữu toàn dân là phương thức của số ít quốc gia, nhà nước trên thế giới này áp dụng ngoài Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Triều Tiên, Lào…Nếu tốt, đẹp, hay ho và lợi ích thì sao hàng trăm quốc gia trên thế giới người ta không quản lý theo phương thức này ? Nếu cái phương thức đất đai  sở hữu toàn dân đó thật sự mang lại lợi ích cho Đảng không thì người nông dân sẵn sàng “ tử”, chết đói…vì Đảng ? Nhưng đâu có thế?! Nhờ vào cái việc do hiến pháp quy định “ đất đai sở hữu toàn dân “ này mà một số nhóm lợi ích, có khi chúng lại là tay sai của bọn đế quốc sài lang mà Đảng từng phát động nông dân tốn bao xương máu đuổi đi bây giờ quay lại xơi tái đất của nông dân một cách ngon lành; Cứ nhìn vụ Văn Giang, vụ Đoàn Văn Vươn thì rõ…Có khi nhờ cái phương thức quản lý “ đất đai sở hữu toàn dân” này mà cái đám này lại sống khỏe hơn, không dẫy chất vì chúng là đám “ tư bản đỏ “…
Khi nhìn thấy tầm gương tày liếp này của nông dân bị phản bội, bị ức hiếp thì làm sao không ảnh hưởng tới các tầng lớp khác nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ vốn là những tầng lớp nhạy cảm trong xã hội; là nguyên khí quốc gia ? Làm sao những tầng lớp trí thức có thể đặt niềm tin vào một cái thể chế, một chế độ, một chính đảng nhận sứ mạng lịch sử đưa đường chỉ lối cho dân tộc lại ứng xử vô thủy, vô chung, tiền hậu bất nhất; làm sao mà tầng lớp này lại có thể một lòng một dạ đem tài khuyển mã ra phò tá ?
Khi nguyên khí không sâu bền, không ổn định thì sẽ làm cho xã tắc lung lay, chao đảo, bấn loạn ?!


P.V.Đ.
 


Copy từ: NV Phạm Viết Đào

Nhân quyền VN 2012 (5): Không có tự do tôn giáo

  Bài liên quan:

 -- Nhân quyền VN 2012 (1): Quyền chính trị bị triệt tiêu 
 –  Nhân quyền VN 2012 (2): Quyền tự do phát biểu và ngôn luận bị chà đạp 
 –  Nhân quyền VN 2013 (3): Tòa án phục vụ lợi ích của
 –  Nhân quyền VN 2012 (4): Chính sách bao hành công an trị 
 –  Nhân quyền VN 2012 (5): Không có tự do tôn giáo

VRNs (19.04.2013) – Sài Gòn - Việt Nam là một nước có nhiều tôn giáo, và tôn giáo nói chung đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt văn hóa-xã hội VN. Chính nhà nước VN cũng thừa nhận rằng “hiện nay ở VN có khoảng 80% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.”[1] Từ khi nắm được chính quyền, với chủ trương xóa bỏ tôn giáo để tiến lên xã hội chủ nghĩa, nhà nước CSVN đã tìm mọi cách để ngăn cấm quyền tự do tôn giáo của người dân bằng nhiều phương tiện khác nhau:
-                Ngăn chặn bằng pháp luật
-                Kiểm soát bằng tổ chức
-                Đàn áp bằng bạo lực

1. Ngăn Chặn Bằng Pháp Luật
Mặc dù HPVN1992 quy định rằng “không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng” (Điều 70), nhưng Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 và Nghị định 22 của Chính phủ ban hành năm 2005 đã quy định rất nhiều điều kiện rất khắc nghiệt để một tổ chức tôn giáo được nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động. Năm 2012, với việc áp dụng Nghị định số NĐ 92/2012/NĐ-CP, thay thế cho nghị định số 22 năm 2005, nhà nước xiết chặt hơn nữa việc đăng ký hoạt động, đào tạo cũng như bổ nhiệm các chức sắc, trùng tu các cơ sở tôn giáo vv…
Một cách vắn tắt, Nghị định 92/2012 với 5 chương 46 điều chi tiết hóa một cách chặt chẽ hơn những hạn chế sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo được quy định trong các văn bản luật trước đây, đặc biệt là trong phần “Tổ chức tôn giáo” (Chương III) và “Hoạt động tôn giáo” (Chương IV). Mọi sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo đều phải được thông báo trước đến chính quyền các cấp liên hệ để được chấp thuận hay không được chấp thuận. Việc đăng ký cũng hạn chế cho những tổ chức tôn giáo có sinh hoạt tôn giáo ổn định 20 năm trở lên và “không vi phạm các quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Điều 15 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” (Điều 6 của NĐ 92/2012.)
Việc quy định như thế có nghĩa là nhà nước có thể tùy tiện giải tán và truy tố bất kỳ tổ chức tôn giáo nào mà họ gán cho là “vi phạm an ninh quốc gia,” “chia rẽ nhân dân,” “gây rối trật tự công cộng,” “tuyên truyền trái với pháp luật và chính sách của nhà nước”… như được dự liệu trong bộ luật hình sự hiện hành.
Trong thời gian chuẩn bị áp dụng Nghị định 92/2012, nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo. Ngày 13-5-2011 đại diện các Giáo Phận thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn  đã tổ chức buổi hội thảo đóng góp ý kiến cho chính quyền và đưa ra một bản góp ý, trong đó có đoạn, Thực chất, những dự định thay đổi của Nghị định muốn tái lập tình trạng Xin – Cho trong các sinh hoạt tôn giáo. Cơ chế Xin – Cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép. Như thế cơ chế Xin – Cho vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.” [2]
Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã nhận xét: Đây là văn bản hết sức tụt hậu so với Nghị định 22, vốn có nhiều bất cập, vì nó đã can thiệp thô bạo, bất công và vô lý vào công việc thuần túy nội bộ của các tôn giáo, xâm phạm quyền căn bản của công dân, chắc chắn sẽ gây xáo trộn trong đời sống xã hội, đồng thời khó có thể lường trước những hệ lụy phức tạp.”[3]
Tổ chức Đoàn kết Kitô Giáo thế giới (CSW), cũng đã bày tỏ sự lo ngại đối với Nghị định 92/2012 nầy khi lên tiếng, “Nghị định 92 dường như có xu hướng giới hạn các hoạt động tôn giáo, đi ngược lại các cam kết của VN khi tham gia vào Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị , cụ thể là điều 18 liên quan đến việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.”[4]
Ngoài những luật lệ có tính chuyên biệt nhằm trói buộc các sinh hoạt tôn giáo, chính quyền còn hình sự hóa các sinh hoạt tôn giáo với các điều khoản khét tiếng của Bộ Luật Hình Sự 2009 như các điều 79, 87, 88, và 89[5] để quy tội những người đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo. Trong năm 2012, nhà nước đã lạm dụng các điều khoản trên trong các trường hợp điển hình sau:
  • § Ngày 04-02-2013, Tòa sơ thẩm tỉnh Phú Yên xử 22 người thuộc  Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn, một tổ chức tôn giáo (một giáo phái có tên “Ân đàn Đại đạo”, đã được thành lập từ năm 1969) về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Án Chung thân dành cho Ông Phan Văn Thu, người bị coi là cầm đầu tổ chức. hai mươi mốt người còn lại lãnh tổng cộng 295 năm tù, từ 17 năm đến 10 năm. Những người nầy bị bắt vào tháng 2 năm 2012.
  • § Ngày 23-01-2013: Tòa án huyện An Phú, tỉnh An Giang đã xử ông Bùi Văn Trung, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo về tội chống người thi hành công vụ. Ông Bùi Văn Trung bị bắt hồi ngày 30 tháng 10 mà nguyên nhân sâu xa do lập đàn niệm Phật tại gia.
  • § Ngày 12-12-2012, Tòa án tỉnh Lai Châu xử phạt bốn người H’Mông theo Thiên chúa giáo gồm Tráng A Chớ mức án 7 năm tù; Giàng A Lồng, Lý A Di và Hầu A Giàng  mức án 3 năm tù về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Cũng như những người bị xử trong phiên tòa ngày 13-3-2012 bởi Tòa án tỉnh Điện Biên, đây là một số trong chừng 5,000 người H’Mông đã tụ họp tại khu vực gần bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để cử hành một nghi thức cầu nguyện và đòi tự do tôn giáo ngày 30 -4 – 2011, và bị chính quyền điều động công an, bộ đội biên phòng, xe tăng và cả trực thăng đến trấn áp và giải tán.
  • § Ngày 29-8-2012, Tòa án tỉnh Ninh Thuận tuyên y án 5 năm tù giam đối với ông Phan Ngọc Tuấn. Ông Tuấn là truyền đạo thuộc hệ phái Tin lành Lutheran. Ông bị kết án tuyên truyền, rải truyền đơn chống phá chính quyền cộng sản theo điều 87 Bộ luật hình sự.
  • § Ngày 24-5-2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An xử bốn thanh niên công giáo gồm: Ðậu Văn Dương bị kết án 42 tháng tù, Trần Hữu Ðức 39 tháng tù, Chu Mạnh Sơn 36 tháng tù và riêng Hoàng Phong 24 tháng tù treo với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Ðiều 88 Bộ Luật Hình Sự.
  • § Ngày 26-3-2012, Tòa án Gia Lai đã xử Mục sư Tin Lành Nguyễn Công Chính 11 năm tù giam vì tội Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc theo Điều 87 Bộ Luật Hình sự. Mục sư Chính bị bắt từ tháng 4 năm 2011.
  • § Ngày 13-3-2012, Tòa án tỉnh Điện Biên xử tù tám người H’Mông Cơ đốc giáo từ 24 đến 30 tháng tù nhân vụ bất ổn liên quan đến hàng ngàn người H’Mông Cơ đốc giáo ở tỉnh Điện Biên năm ngoái.
  • § Ngày 2-3-2012, Tòa phúc thẩm tỉnh An Giang đã xử Cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía 4 năm 6 tháng tù giam (6 tháng ít hơn án sơ thẩm ngày 13 tháng 12 năm 2011.)
Ngoài ra, để hạn chế sinh hoạt và ảnh hưởng của các tổ chức tôn giáo, chính quyền dùng Luật Đất Đai 2003, để cướp đi hoặc không chịu trả lại những cơ sở bất động sản như trường học và cơ sở y tế xã hội của các giáo hội. Vụ chính quyền Hà Nội đã ngang nhiên tiến hành đập phá nhà thờ và tu viện Camelo nhằm xóa sổ vĩnh viễn Tu viện Dòng Kín Camelo số 72 Nguyễn Thái Học, Hà Nội,[6] vụ Đại Chủng viện Giáo phận Vĩnh Long bị truất hữu đất đai[7] là những trường hợp nổi bật trong năm 2012.
2. Kiểm Soát Bằng Tổ Chức
Để dễ dàng kiểm soát các tổ chức tôn giáo, chính quyền CSVN từ nhiều năm nay đã đặc biệt chú trọng đến việc quản lý tổ chức và nhân sự của các tôn giáo. Trong năm 2012, để gia tăng mức độ kiểm soát sinh hoạt các tôn giáo Thủ tướng Nguyyễn Tấn Dũng đã bổ nhiệm Trung tướng công an Phạm Dũng, nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Bộ Công an, giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ. Với việc bổ nhiệm nầy rõ ràng chính quyền thể hiện quyết tâm công an hóa việc quản lý các sinh hoạt tôn giáo của người dân.
CSVN vẫn tiếp tục thủ tục “đăng ký hoạt động” và cấp “Giấy công nhận” đối với mọi tôn giáo. Mọi sinh hoạt tôn giáo như các khóa tu tập, cấm phòng, rước kiệu…đều phải có phép mới được tiến hành. Chính quyền vẫn tiếp tục chính sách phân hóa để cai trị đối với các tôn giáo. Đối với mỗi tôn giáo, bao giờ cũng có một ủy ban do nhà nước thúc đẩy thành lập và được Mặt trận Tổ quốc giám sát thường xuyên, nhằm phối hợp các hoạt động cho phù hợp với đường lối chính trị của chế độ. Đối với Phật giáo, nhà nước chỉ công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà phủ nhận và đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Đối với Phật giáo Hòa Hảo, nhà nước phủ nhận Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy và lập ra Ban Đại Diện Phật giáo Hòa Hảo Trung ương. Đối với Cao Đài Giáo, chính quyền dựng lên Hội Thánh Cao Đài Quốc Doanh tức là Cao Đài thuộc Hội đồng Chuởng Quản theo bản Hiến Chương năm 2007 để tách ra khỏi Hội Thánh Cao Đài chơn truyền. Đối với phật tử sắc tộc Khmer, nhà nước giải tán hội Phật giáo tiểu thừa Theravada và ép buộc sư sãi gia nhập Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước. Đối với Công giáo thì họ tìm mọi cách nuôi dưỡng Ủy ban Đoàn kết Công giáo, để gây sức ép với Hội đồng Giám mục.
Việc tuyển chọn, đào tạo, phong chức, bổ nhiệm và thuyên chuyển các chức sắc tôn giáo đều phải xin phép nhà nước; có được nhà nước chấp nhận thì mới được thi hành. Chương trình đào tạo các tu sĩ hay chức sắc tôn giáo phải được nhà nước xét duyệt, và phải có những môn học về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử ĐCSVN, và nền pháp chế XHCN do các cán bộ nhà nước dạy. 
Ứng viên vào các chức vụ cao cấp trong các tôn giáo phải được nhà nước cấp trung ương xét duyệt và chấp thuận thì tôn giáo mới được phong chức. Ngoài ra chính quyền cộng sản còn đào tạo riêng những cán bộ công an đội lốt “tu sĩ” đặc biệt là tu sĩ Phật giáo, để cài vào các chùa, các tu viện ở trong nước, cũng như tại hải ngoại với mục đích lũng đoạn hàng ngũ các chức sắc của các giáo hội và tín đồ tôn giáo.
Chính quyền thường cản trở việc đi lại của các chức sắc tôn giáo và ngăn cấm các lễ hội tôn giáo mà họ cho là không phù hợp với lợi ích của đảng cầm quyến. Chẳng hạn, ngày 8-4-2012, hai Đức Giám mục của giáo phận Kontum là Micae Hoàng Đức Oanh và Phêrô Trần Thanh Chung bị công an xã Đăk Hring huyện Đăk Hà, Kontum ngăn chặn trên đường đi đến địa điểm hành lễ tại làng Turia Yôp. Ngày 17-3-2012, chính quyền huy động gần 400 công an ngăn chặn tín hữu Phật giáo Hòa hảo tập họp tại nhà ông Trần Nguyên Hưởn (Hội Trưởng Giáo Hội Phật Giáo Hòa HảoThuần Túy tỉnh An Giang) tọa lạc tại xã Long Giang, Chợ Mới, An Giang để tưởng niệm năm thứ 65 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn. Các chùa thuộc hệ thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận đã bị nhà cầm quyền các địa phương hăm dọa và ngăn cấm tổ chức đại lễ Phật Ðản trong năm 2012 cũng như những năm trước đó. Từ 12 đến 14 tháng 8, 2012 Chùa Giác Minh ở thành phố Đà Nẵng bị phong tỏa toàn diện trong dịp lễ Vu Lan. Công an ngăn cấm bất cứ ai đến chùa dự lễ. Đó là một số trong rất nhiều trường hợp chính quyền ngăn cản các sinh hoạt tôn giáo không nằm trong vòng kiểm soát của họ.
Ngoài sinh hoạt thờ phượng, dạy giáo lý, đào tạo chức sắc, những sinh hoạt tôn giáo khác như mở các cơ sở giáo dục, mở bệnh viện, làm công tác từ thiện xã hội (như cứu trợ thiên tai) vẫn bị hạn chế. Các tôn giáo chỉ được quyền mở các trường mẫu giáo, không được thành lập trường tiểu học, trung học, đại học (như trước năm 1975 tại miền Nam). Hàng ngàn cơ sở thuộc các loại sinh hoạt bị hạn chế ấy đã bị nhà cầm quyền tịch thu hàng mấy chục năm nay, rất ít cơ sở được hoàn trả lại.
3. Đàn Áp Bằng Bạo Lực
Ngoài những biện pháp ngăn chặn, hạn chế và kiểm soát nêu trên, chính quyền CSVN không ngần ngại dùng bạo lực vũ trang để khống chế các tổ chức tôn giáo khi cần thiết, hoặc để dằn mặt  trước, hoặc khi các biến động vượt ra ngoài sự kiểm soát của họ. Trong năm 2012, việc sử dụng bạo lực đàn áp các sinh hoạt tôn giáo vẫn còn tiếp tục với nhiều vụ liên tục suốt năm. Sau đây là những vụ đàn áp tiêu biểu được dư luận quan tâm:
Vụ công an hành hung linh mục Nguyễn Quang Hoa thuộc Giáo phận Kontum [8]
Vào ngày 23-02-2012, trên đường về nhà sau khi hoàn tất lễ an táng ở làng Kon Hnong, huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum, linh mục Nguyễn Quang Hoa bị 3 tên côn đồ dùng thanh sắt tấn công. Ông vội chạy vào rừng cao su, nhưng vẫn bị bọn chúng rượt đuổi theo đánh ngã xuống đất, bị thương nặng ở đầu, cả thân mình và tứ chi. Sau đó bọn chúng đập phá hỏng xe máy của linh mục Hoa. Trước đây linh mục Hoa đã bị những phần tử xấu hăm dọa nhiều lần mỗi khi đi dâng lễ an táng tại làng Kon Hnong này. Sau vụ hành hung đó, công an huyện Đăk Hà buộc cha Hoa phải làm “đơn yêu cầu không điều tra.”
Vụ Linh mục Nguyễn Văn Bình (Hà Nội) bị hành hung [9]
Ngày 14-4-2012, nhà cầm quyền xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội dùng một bọn côn đồ và công an giả dạng côn đồ đập phá nhà nuôi trẻ mồ của linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình, chánh xứ Yên Kiện thuộc Tổng giáo phận Hà nội. Đây là một ngôi nhà do linh mục Bình mua và xây sửa lại để nuôi các cháu mồ côi. Trước ngày xảy ra vụ bạo hành, linh mục Bình muốn làm bữa cơm nhỏ để mời những ân nhân của các cháu, nhưng ủy ban nhân dân xã Thủy Xuân Tiên không cho phép. Sáng hôm sau, chính quyền thuê một nhóm côn đồ khoảng 200 tên vào phá tan cơ sở trong lúc công an chặn tất cả các ngả vào. Khi nghe tin linh mục Bình đến, họ xúm lại dùng các loại vũ khí đặc trưng của họ tấn công linh mục Bình và các giáo dân đến cứu. Linh mục Bình bị đánh bất tỉnh, nhiều giáo dân bị đánh đập dã man, các trẻ cô nhi bị đuổi ra khỏi nhà, vật dụng vứt ra sân và ngôi nhà bị đập phá tan tành.
Vụ đàn áp giáo xứ Con Cuông [10]
Con Cuông, một giáo xứ nhỏ thuộc tỉnh Nghệ An, vốn đã bị chính quyền địa phương đàn áp từ lâu. Tháng 11 năm 2011 chính quyền huyện đã huy động lực lượng trên 500 công an, dân phòng đến Nhà nguyện của Giáo điểm để gây hỗn loạn đang khi linh mục và giáo dân dâng lễ. Ngày 03-06-2012, khi linh mục đến dâng lễ, một số cán bộ huyện và xã khoảng 50 người lại sách nhiễu, gây ồn ào, và cản trở buổi thờ phượng linh thiêng. Ngày 24-6-2012, khoảng 250 người được nhà cầm quyền điều động kéo đến phá rối, ngăn cản giáo dân và linh mục cử hành phụng vụ ngày Chủ nhật. Công an và côn đồ đặt loa phóng thanh công suất lớn sát cửa sổ nhà nguyện để gây ồn và kể “tội” Đức giám mục giáo phận, các linh mục và giáo dân. Nghiêm trọng nhất là vào ngày 01-07-2012, linh mục Nguyễn Đình Thục đã bị lực lượng an ninh trang bị súng ống, dùi cui, gậy gộc, đá gạch… ngăn cản không cho vào nhà nguyện. Họ đánh đập dã man giáo dân và đập phá ảnh tượng thờ. Một số giáo dân bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Vụ đàn áp tín đồ Phật giáo Hòa hảo ở chùa Quang Minh Tự thuộc tỉnh An Giang [11]
Cũng như hàng năm, nhân kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Sáng Đạo Phật Giáo Hoà Hảo, nhiều tín đồ đến cầu nguyện tại chùa Quang Minh Tự tại ấp Long Hoà 2, xã Long Điền A, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang do tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm trụ trì. Vào ngày 5-7-2012 (tức ngày 17 tháng Năm âm lịch – thời điểm kỷ niệm 73 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Sáng Đạo Phật Giáo Hoà Hảo) trong lúc nhiều tín đồ tới chùa Quang Minh Tự để làm lễ thì cả trăm công an xã, huyện, tỉnh không mặc sắc phục đến ngăn cản, đẩy xô, không cho ai vào chùa. Họ dùng ngôn từ thô lỗ với Đạo, chửi mắng các tín đồ, và dùng máy bơm nước ở dưới hầm xịt vào đám đông. Ngày hôm sau, 6-7-2012, một số tín đồ trên đường đi viếng Tổ Đình Hoà Hảo về muốn làm lễ ở Quang Minh Tự nhưng bị lực lượng vừa nói xô đẩy không cho vô, lại còn hành hung khiến một số người bị thương.
Hai vụ đàn áp đồng bào sắc tộc theo Đạo Công giáo tại Cao nguyên Trung phần
Đồng bào sắc tộc theo đạo Công giáo và các giáo phái Tin lành sinh sống trên Cao nguyên Trung phần và các tỉnh thượng du phía Bắc là đối tượng đàn áp thường xuyên và khốc liệt kể từ sau 1975. Nhiều người, và đôi khi cả buôn làng, bị đánh đập, tra tấn và nhiều người khác đã bị thảm sát chỉ vì họ nhất quyết bảo vệ đức tin tôn giáo của họ. Chính quyền đặc biệt thẳng tay với đồng bào sắc tộc cao nguyên, một mặt vì họ xem những đòi hỏi cải thiện dân sinh chính đáng của đồng bào sắc tộc như là một mối đe dọa, mặt khác vì họ nghĩ rằng tội ác của họ có thể được che lấp bởi vị trí địa lý hẻo lánh của các buôn làng. Trong năm 2012, chính sách đàn áp bằng bạo lực nhắm vào các đồng bào thiểu số theo Thiên chúa giáo vẫn tiếp tục; sau đây là 2 vụ điển hình:
- Ngày 21-8-2012 lực lượng an ninh vũ trang đã bất thần tấn công một nhóm đồng bào sắc tộc theo Công giáo đang họp nhau cầu nguyện tại thôn Bon Kon H’Drom, xã Dak T’Re, huyện Kon Braih, tỉnh Kontum. Nhiều người trai trẻ đã nhanh chân chạy thoát, nhưng nhiều người già cả và trẻ em chậm chân không thoát được và bị bắt và đánh đập bằng gậy. Hơn 30 người bị thương trong vụ đàn áp nầy. [12]
- Ngày 9-11-2012, chính quyền tỉnh Kontum điều động khoảng một ngàn bộ đội và nhân viên an ninh có võ trang mở cuộc càn quét, lùng kiếm những đồng bào sắc tộc theo Công giáo trong xã Dak Krong, và bắt được 6 người. Những người nầy bị dẫn đến trụ sở xã Dak Krong và bị đánh đập. Một nạn nhân bị buộc vào một cây thập tự bằng gỗ trong lúc 5 người khác tay chân bị buộc và đặt nằm chung quanh cây thập tự. Công an triệu tập dân chúng trong vùng đến và đe dọa những người nào còn giữ đạo sẽ chuốc lấy hình phạt như thế.[13]
Những vụ đàn áp điển hình nêu trên cho thấy rõ mặc dù luôn luôn rêu rao rằng VN có tự do tôn giáo nhưng trong thực tế nhà nước không ngừng đàn áp tôn giáo, bách hại tín đồ của tất cả mọi tôn giáo. CSVN rất nghi kỵ các tôn giáo vì ngoài lý do ý thức hệ ra họ luôn nghĩ rằng các tổ chức tôn giáo là nguy cơ cho sự tồn tại của chế độ.
 Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam



[1] Embassy of Vietnam in the US, “Về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam,”  http://viet.vietnamembassy.us/tintuc/story.php?d=20050803170205  (Truy cập 05-1-2013)
[2] VietCatholic News, “Bản góp ý của TGP Saigòn về xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2005 NĐ-CP,” http://vietcatholic.org/News/Html/90073.htm  (Truy cập 5-1-2013)
[3] Uỷ Ban Công lý và Hòa bình, “Việt Nam ban hành nghị định mới về tôn giáo,” http://conglyvahoabinh.org/?p=2630  (Truy cập 5-1-2013)
[4] Christian Solidarity Worldwide, “Vietnam: CSW concerned about new decree restricting freedom of religion,” http://dynamic.csw.org.uk/article.asp?t=press&id=1471  (Truy cập 5-1-2013)
[5] Điều 79: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân- Điều 87: Tội phá hoại chính sách đoàn kết; Điều 88: Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa ViệtNam; và điều 89: Tội phá rối an ninh.
[6] AsiaNews, Hanoi Carmelite monastery under government bulldozers. Appeal of the Catholics,” http://www.asianews.it/news-en/Hanoi-Carmelite-monastery-under-government-bulldozers.-Appeal-of-the-Catholics-26841.html  (Truy cập 15-1-2013)
[7] Giáo Phận Vinh Long, “ Thông Báo Số 2 Về Các Tài Sản Của Giáo Phận cùng Các Hình Ảnh Của Đại Chủng Viện Vĩnh Long và Tình Trạng Hiện Tại,” http://giaophanvinhlong.net/Thong-Bao-So-2-Ve-Cac-Tai-San-Cua-Giao-Phan-cung-Cac-Hinh-Anh-Cua-Dai-Chung-Vien-Vinh-Long-va-Tinh-Trang-Hien-Tai.html  (Truy cập 11-1-2013)
[8] Trang Blog Giáo Phận KonTum, “Đức Giám Mục Micae đã đến thăm và động viên Linh mục Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa,” http://giaophankontum.com/Tin-Tuc-248_Duc-Giam-Muc-Micae-da-den-tham-va-dong-vien-Linh-muc-Luy-Gonzaga-Nguyen-Quang-Hoa.aspx  (Truy cập 11-1-2013)
[9] RFA, “LM Nguyễn Văn Bình bị đánh đến hôn mê,” http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/another-cat-priest-beaten-to-unconscs-gm-04142012132138.html  (Truy cập 11-1-2013)
[10] Nữ vương Công lý, “Thông tin và hình ảnh Nghệ An dùng quân đội đàn áp tôn giáo đẫm máu tại Con Cuông,” http://www.nuvuongcongly.net/xa-hoi/binh-luan/quandoi_concuong/  (Truy cập 02-12-2012)
[11] RFA, “Chùa Quang Minh Tự của PGHH bị tấn công” http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hoa-hao-foll-attk-07112012075649.html  (Truy cập 15-1-2013)
[12] Degar Foundation, “Mass Raid Against Degar Christians,” http://www.degarfoundation.org/?p=1326  (Truy cập 2-12-2012)
[13] Degar Foundation, “Vietnam Continues To Persecute Degar Christians Regardless Of International Law,” http://www.degarfoundation.org/?p=1344 (Truy cập 2-12-2012)



Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế

Nhân quyền VN 2012 (4): Chính sách bao hành công an trị

  Bài liên quan:

 -  Nhân quyền VN 2012 (1): Quyền chính trị bị triệt tiêu 
 – Nhân quyền VN 2012 (2): Quyền tự do phát biểu và ngôn luận bị chà đạp
 – Nhân quyền VN 2013 (3): Tòa án phục vụ lợi ích của 
 – Nhân quyền VN 2012 (4): Chính sách bao hành công an trị  
 – Nhân quyền VN 2012 (5): Không có tự do tôn giáo


VRNs (18.04.2013) – Sài Gòn - Chính sách bạo hành không những chỉ dùng để trấn áp những cá nhân hay tổ chức không cùng chính kiến với ĐCSVN [Xem phần tự do chính trị và tự do ngôn luận trong báo cáo nầy]; mà đã trở thành cách ứng xử của bộ máy công an nhà nước đối với dân. Vào cuối tháng 9 năm 2010, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đã lên tiếng báo động về tình trạng bạo hành của công an VN, và liệt kê 19 vụ gây thiệt mạng 15 người, trong đó có những trường hợp nạn nhân bị đánh chết khi đang còn bị câu lưu thẩm vấn, có những trường hợp chết sau khi được thả về, và cũng có những trường hợp tử vong  ở nơi công cộng khi công an lạm dụng vũ lực một cách quá mức không cần thiết. (Xem Báo cáo của Human Rights Watch “Vietnam: Widespread Police Brutality, Deaths in Custody” September 22, 2010)
Hơn hai năm sau, tình trạng bạo hành của công an không những không cải thiện, mà lại được khai triển một cách có hệ thống hơn bởi sự gia tăng khối lượng và quyền lực của bộ máy công an. VN chưa bao giờ công bố con số nhân viên phục vụ trong ngành công an. Tuy nhiên, bằng phương pháp gián tiếp dựa vào số liệu thống kê của Tổng Cục Thống Kê, người ta cũng có thể ước tính được quân số của ngành công an VN vào khoảng 678 ngàn người; nếu tính cả các cộng tác viên thì con số có thể lớn hơn nhiều.[1] Chỉ riêng tại trung ương hiện có hơn 180 nhân viên mang cấp tướng và 200 cấp đại tá.[2] Cuối năm 2012, Bộ Công an VN đã làm lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho 48 sĩ quan cấp lãnh đạo trong ngành công an lên  hàm cấp tướng.[3] Về phương diện số lượng bộ máy công an vũ trang của VN vượt hẳn các quốc gia có dân số tương đương.
Tại VN, nhiệm vụ chính của công an không phải là bảo vệ luật pháp và giữ gìn vệ trật tự xã hội, mà là bảo vệ Đảng. Khẩu hiệu “chỉ biết còn Đảng, còn mình” của ngành công an VN tự nó đã tố giác tính công cụ của hệ thống trấn áp bằng bạo lực mà ĐCSVN sử dụng để đương đầu với người dân hầu duy trì độc quyền cai trị của mình. Chính sự tương thuộc đó là đầu mối của chính sách công an trị và tác phong bạo hành của công an VN hiện nay.
Tình trạng sỉ nhục và đả thương người dân nơi công cộng hay bắt người vào đồn công an, dùng nhục hình tra tấn đôi khi đến chết mà người có trách nhiệm không bị một chế tài thực sự của luật pháp vẫn tiếp tục gia tăng. Điều đáng chú ý là hầu hết các trường hợp tử vong khi bị công an giam giữ thường chỉ liên hệ đến các lỗi phạm không đáng kể, như xích mích giữa hàng xóm, trộm cắp vặt, v.v. Hầu hết các trường hợp tử vong khi bị tạm giữ tại đồn công an đều được cho là do tự tử, trong lúc gia đình các nạn nhân đều ghi nhận nhiều dấu vết bị hành hạ và tra tấn còn lại trên thi thể nạn nhân. Trong Năm 2012, ít nhất có đến 15 trường hợp chết do bạo hành của công an và dân phòng được tiết lộ qua mạng truyền thông như sau:
  • § 26-1-2012: Ông Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi, ngụ tại xóm 2 thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ông Hùng  bị công an đánh trọng thương khi chính quyền đến cưỡng chế đất. Ông qua đời ngày 26 tháng 1, tức mùng 4 Tết âm lịch sau khoảng hơn 3 tuần cầm cự. [4]
  • § 19-2-2012: Ông Hoàng Gia Đạt Phước (tức Đen), 35 tuổi, ngụ phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. khoảng 2 tháng trước khi chết, ông Phước bị Công an quận 9 bắt tạm giam. Hơn 9 giờ ngày 19-2-2012, gia đình Phước nhận được tin báo ông Phước bị sốt, co giật, sau đó nhận được hung tin là ông Phước đã tử vong. Gia đình cho biết, Phước chưa có tiền án, tiền sự, trước khi bị tạm giam, ông Phước rất khỏe mạnh. [5]
  • § 19-3-2012: Ông Lê Ðình Trọng, 25 tuổi, ở xóm Hồng Tân, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Trọng bị công an huyện Can Lộc bắt giữ chiều 16 tháng 3. Ðến khoảng 16 giờ 30 ngày 19 tháng 3, gia đình nhận được tin ông Trọng chết trong phòng tạm giữ. Công an huyện Can Lộc cho rằng ông Trọng chết do thắt cổ tự tử, còn người nhà thì cho rằng chết do nguyên nhân khác nên mới có việc cản trở khám nghiệm tử thi.[6]
  • § 29-3-2012: Ông Bùi Hữu Vũ, 19 tuổi, ở huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An, được gia đình dẫn đến trụ sở công an huyện Nam Ðàn theo lời yêu cầu của công an ngày 29-3-2012. Ðến 11 tháng 4 thì công an xã đến báo ông Vũ đã tử vong với nhiều vết bầm tím trên thân thể, xung quanh cổ tay, cổ chân có vết bầm, trầy xước.[7]
  • § 28-4-2012: Ông Dương Chí Dũng, 35 tuổi, phạm nhân đang bị cải tạo tại trại giam A2, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ông Dũng đang bị bệnh AIDS, sáng 28-4-2012, cáo bệnh, không đi lao động. Ông Dũng bị Công an và y sĩ trại giam dùng gậy đánh gây tử vong.[8]
  • § 13-5-2012: Ông Ngô Thanh Kiều, 31 tuổi, ngụ tại xã Hòa Đồng huyện Tân Hòa tỉnh Phú Yên. Đêm 13-5- 2012 một toán công an bắt ông Kiều đi, nói với gia đình là mượn ông Kiều đi sáng trả lại chứ không phải là bắt hay điều tra. Vợ của nạn nhân lúc đó mang thai chỉ còn 5 ngày nữa là tới ngày sinh nở. Chiều cùng ngày, ông Kiều được đưa tới Bệnh xá công an rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu nhưng đã tử vong. Theo kết quả giám định của pháp y tỉnh Phú Yên, ông Kiều chết do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm…[9]
  • § 31-5-2012: Ông Đặng Đình Bình, 41 tuổi, ngụ tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đêm 23-5-2012, ông Bình nghe tin cháu của ông bị tai nạn giao thông tại phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, nên chạy tới xem xét. Tại đây một toán dân phòng đã dùng bạo lực ngăn trở ông đến hiện trường dẫn tới việc ông Bình phải cấp cứu do dập não, lòi tròng mắt. Ngày 31-5-2012, nạn nhân đã tử vong sau hơn một tuần lễ hôn mê tại Bệnh viện Chợ Rẫy.[10]
  • § 23-7-2012: Ông Dương Tấn Thường, 28 tuổi, ở xã Đông Hưng B, An Minh, Kiên Giang. bị bắt tạm giam lúc 10 giờ ngày 23-7-2012, về hành vi cố ý gây thương tích. Trong khi bị tạm giam tại Công an Thới Bình, Cà Mau, Ông Thường bị tử vong lúc 16 giờ 30 cùng ngày. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy ông Thường bị đa chấn thương phần mềm, vùng ngực bị ngoại lực làm dập, tràn dịch (máu) phổi. Công an cho rằng ông Thường bị các bị can khác đánh.[11]
  • § 6-8-2012: Bà Dương Mỹ Linh, 54 tuổi, ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 4-8-2012, bà Linh bị bắt vì bị nghi có liên quan đến một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sáng ngày 6 tháng 8, cán bộ trại tạm giam Công an tỉnh Cà Mau phát hiện bị can Dương Mỹ Linh đã tử vong do treo cổ bằng vải mùng. Vụ việc xảy ra khi bà Linh bị giam một mình trong phòng tạm giam tỉnh Cà Mau.[12]
  • § 30-8-2012: Ông Nguyễn Mậu Thuận, 54 tuổi, trú tại Thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ngày 30-8-2012 ông Thuận bị công an xã đến bắt lên công an xã làm việc vì có có mâu thuẫn và xô xát nhỏ với hàng xóm. Đến chiều thì gia đình nhận được tin Ông bị “ốm nặng”. Khi người nhà đến nơi, ông Thuận đang nằm trên sàn nhà, tay chân lạnh ngắt, tim đã ngừng đập, trên người có nhiều vết sưng, bầm tím, các cổ tay, cổ chân còn hằn dấu còng siết chặt. Khám nghiệm tử thi cho biết, trên thi thể ông Thuận có nhiều vết bầm dập ở tay chân, đầu bị thương, xương sườn bị gãy.[13]
  • § 8-9-2012: Ông Nguyễn Thanh Hiền, 43 tuổi, trú tại khu hành chính, 13 Tô Hiệu, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.  Tối 6-9-2012, công an phường Ngô Quyền đến đưa ông Hiền và hai người trong gia đình lên trụ sở làm việc vì có xô xát giữa ông Hiền và người trong gia đình. Khoảng 21giờ 20, em trai ông Hiền là Nguyễn Thanh Hiếu mang chăn màn lên trụ sở công an phường cho ông thì thấy ông Hiền ngất lịm. Người nhà được phép đưa đi cấp cứu tại bệnh viên đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc trong trạng thái bất tỉnh. Các bác sĩ cho biết nạn nhân bị chấn thương sọ não, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím. Đến sáng ngày 8 tháng 9 thì ông Hiền tử vong.[14]
  • § 14-9-2012: Ông Hồ Long Giang, 27 tuổi, ngụ phường Xuân An, thị xã Long Khánh bị công an bắt tạm giữ hôm 14-9 vì “hành vi tàng trữ ma túy”. Theo báo cáo của công an, ông đã dùng chiếc áo của mình thắt cổ chết tại phòng giam giữ buổi tối cùng ngày.[15]
  • § 17-9-2012: Ông Phạm Thế Hiền, 28 tuổi, ngụ khóm 4, thị trấn Trà Cú, huyệnTrà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chiều 17-9-2012, ông Hiền bị công an huyện Tiểu Cần tạm giữ hành chính vì tình nghi tàng trữ trái phép chất ma túy. Sáng hôm sau, ông Hiền qua đời trong nhà tạm giữ. Khi gia đình đến Công an huyệnTiểu Cần thì xác ông Hiền đã được khám nghiệm (không có sự chứng kiến của gia đình). Nguyên nhân cái chết được thông báo là do treo cổ tự tử.[16]
  • § -12-11-2012: Bà Hà Thị Nhung, 76 tuổi, ở xóm 6, xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa. Bà là một trong số hàng trăm dân oan từ các tỉnh kéo về Hà Nội để khiếu kiện bị cướp đất. Trong cuộc biểu tình sáng ngày 12-11-2012 tại vườn hoa Lý Tự Trọng, Bà Hà Thị Nhung đọc lớn những câu vè dân gian tố cáo tham nhũng. Ngay lập tức, một nhóm công an, dân phòng tiến đến giựt biểu ngữ rồi lôi kéo bà Nhung đi. Ít phút sau, người ta thấy bà gục xuống ngất xỉu. Mọi người vội chạy đến sơ cứu nhưng nạn nhân đã từ trần.[17]
  • § 10-12-2012: Ông Bùi Văn Lợi, 45 tuổi, ở phố Gia Lâm, Bố Hạ, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ngày 10-12-2012, lực lượng Công an huyện Yên Thế bố ráp bắt đánh bạc dưới hình thức chọi gà tại nhà một người dân. Khi lực lượng công an tới có khoảng 30 người đang tụ tập xem gà chọi, ông Lợi sợ hãi, vùng bỏ chạy ra bãi ruộng bên cạnh đó. Một công an mặc thường phục đuổi theo bắt ông Lợi và dùng còng số 8 còng tay ông Lợi. Ông Lợi bị bắn chết khi tay còn bị còng.[18]

Việc lạm dụng bạo lực của nhân viên công lực không chỉ nhằm vào những cá nhân riêng rẽ mà còn nhằm vào nhiều đối tượng rộng lớn hơn trong nhiều môi trường xã hội khác nhau. Để đương đầu với những đòi hỏi chính đáng của dân oan tụ tập khiếu kiện tập thể hoặc ngăn chặn việc cưỡng chiếm đất đai một cách bất công mỗi ngày mỗi gia tăng, thay vì đối thoại với người dân, chính quyền đã điều động cảnh sát cơ động, chó nghiệp vụ, và xe cơ giới đến trấn áp một cách dã man, gây thương tích và ngay cả thiệt hại đến tính mạng [Xin xem phần phần dân oan trong báo cáo nầy]. Bạo hành công an cũng được triệt để sử dụng đối với sinh hoạt tôn giáo không nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, bất kể tôn giáo nào, Công giáo, Phật giáo, Tin lành, hay Phật giáo Hòa Hảo [Xin xem phần tôn giáo trong báo cáo nầy].
Một loại hình thức bạo lực mới xuất hiện những năm gần đây là việc sử dụng “quần chúng tự phát” thay thế công an. Đây là một thủ đoạn đàn áp và khủng bố thông qua bàn tay của các phần tử côn đồ của xã hội đen. Với thủ đoạn “quần chúng tự phát” nầy, lực lượng công an đứng ngoài ra lệnh và điều khiển những vụ đánh đập các thành phần bất đồng chính kiến và đàn áp các sinh hoạt chính đáng của người dân mà sự can thiệp lộ liễu của lực lượng công an sắc phục tạo bất lợi cho chính quyền. Tuy nhiên trong nhiều vụ đàn áp, chính các thành phần xã hội đen tham dự thú nhận họ đã nhận tiền công an để tham gia các hành vi bạo hành đó.[19]
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam


[1] Nguyễn Quang A, “Văn hóa cảnh sát,” http://anhbasam.wordpress.com/2013/01/14/1555-van-hoa-canh-sat/  (Truy cập 2-2-2013)
[2] Bùi Tín, “Bốn mươi chín tướng công an mới,” Thông Luận, http://www.ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=2192:b-n-muoi-chin-49-tu-ng-cong-an-m-i-bui-tin&catid=44:tham-lun  (Truy cập 20-1-2013)
[3] CAND Online, “Công bố, trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thăng cấp bậc hàm cấp Tướng CAND năm 2012,” http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/cand.com.vn/Cong-bo-trao-Quyet-dinh-cua-Thu-tuong-Chinh-phu-thang-cap-bac-ham-cap-Tuong-CAND-nam-2012/10048067.epi  (Truy cập 15-1-2013)
[4] RFA, “Công an Bắc Giang lại đánh chết người,” http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/death-beating-by-bgiang-police-01262012065721.html  (Truy cập 15-12-2012)
[5] Pháp Luật, “Điều tra vụ một nghi phạm tử vong ở quận 9,” http://www.baomoi.com/Home/HinhSu/www.phapluattp.vn/Dieu-tra-vu-mot-nghi-pham-tu-vong-o-quan-9/7911182.epi  (Truy cập 15-12-2012)
[6] Người Việt, “Lại thêm một người chết trong tay công an,” http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146187&zoneid=1  (Truy cập 15-12-2012)
[7] Pháp Luật, “Một bị can chết bất thường trong buồng tạm giam,” http://www.phapluatvn.vn/phapluat/201204/Mot-bi-can-chet-bat-thuong-trong-buong-tam-giam-2065776/  (Truy cập 17-12-2012)
[8] Pháp Luật, “Một phạm nhân chết, nghi do bị đánh,” http://phapluattp.vn/20120430021925366p0c1015/mot-pham-nhan-chet-nghi-do-bi-danh.htm  (Truy cập 17-12-2012)
[9] Dân Luận, “Công an lại đánh người đến chết, luật pháp ở đâu?” https://danluan.org/tin-tuc/20120515/cong-an-lai-danh-nguoi-den-chet-luat-phap-o-dau  (Truy cập 22-12-2012)
[10] Pháp Luật, “Bảo vệ dân phố đánh người dập não,” http://phapluattp.vn/2012052911454639p0c1015/bao-ve-dan-pho-danh-nguoi-dap-nao.htm  (Truy cập 22-12-2012)
[11] VTC News, “Nam thanh niên chết tại nhà tạm giữ công an do bị đánh,” http://vtc.vn/7-342227/phap-luat/nam-thanh-nien-chet-tai-nha-tam-giu-cong-an-do-bi-danh.htm  (Truy cập 22-12-2012)
[12] Người Lao Động, “Treo cổ trong trại tạm giam,” http://www.baomoi.com/Home/PhapLuat/nld.com.vn/Treo-co-trong-trai-tam-giam/9076720.epi  (Truy cập 22-12-2012)
[13] Người Lao Động, “Chết bất thường ở trụ sở công an,” http://nld.com.vn/20120831103013281p0c1042/chet-bat-thuong-o-tru-so-cong-an.htm  (Truy cập 22-12-2012)
[14] Pháp Luật Xã Hội, “Một người dân phải đi cấp cứu từ trụ sở CA phường”. http://phapluatxahoi.vn/20120909084032471p1002c1019/mot-nguoi-dan-phai-di-cap-cuu-tu-tru-so-ca-phuong.htm  (Truy cập 26-12-2012)
[15] Dân Luận, “Bị tạm giữ, một thanh niên chết tại trụ sở công an”. http://danluan.org/lien-ket/20120917/bi-tam-giu-mot-thanh-nien-chet-tai-tru-so-cong-an  (Truy cập 26-12-2012)
[16] Thanh Niên Online, “Điều tra vụ nghi phạm ‘treo cổ tại nhà tạm giữ’”. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120921/mot-thanh-nien-nhap-vien-sau-khi-roi-tru-so-cong-an.aspx  (Truy cập 26-12-2012)
[17] RFI. “Hà Nội: Một bà cụ khiếu kiện thiệt mạng khi bị công an xô đẩy”. http://www.viet.rfi.fr/node/75826  (Truy cập 26-12-2012)
[18] Lao Động, “Công an bắt sới đá gà, một người bị bắn chết”. http://laodong.com.vn/Phap-luat/Cong-an-bat-soi-da-ga-mot-nguoi-bi-ban-chet/95193.bld  (Truy cập 12-12-2012)
[19] Nữ Vương Công Lý. “Thông tin và hình ảnh Nghệ An dùng quân đội đàn áp tôn giáo đẫm máu tại Con Cuông”.  http://www.nuvuongcongly.net/xa-hoi/binh-luan/quandoi_concuong/ (Truy cập 26-12-2012)




Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế

Nhân quyền VN 2013 (3): Tòa án phục vụ lợi ích của đảng cầm quyền

 Bài liên quan:

 -- Nhân quyền VN 2012 (1): Quyền chính trị bị triệt tiêu
 –  Nhân quyền VN 2012 (2): Quyền tự do phát biểu và ngôn luận bị chà đạp
 –  Nhân quyền VN 2013 (3): Tòa án phục vụ lợi ích của
 –  Nhân quyền VN 2012 (4): Chính sách bao hành công an trị
 –  Nhân quyền VN 2012 (5): Không có tự do tôn giáo (Chuacuuthe)



VRNs (17.04.2013) – Sài Gòn – Cũng như đối với các nhân quyền căn bản khác, quyền được đối xử bình đẳng trước pháp luật (Điều 52 HPVN) và được xét xử đúng luật (Điều 130 HPVN) của công dân đã được quy định trong hiến pháp của VN. Tuy nhiên trong thực tế bất cứ người dân nào cũng có thể bị bắt giam, truy tố và xét xử một cách tùy tiện. Tiêu chuẩn tối hậu của nền tư pháp VN là lợi ích của đảng cầm quyền. Sự lệ thuộc của tòa án vào ĐCSVN là một hệ luận tất yếu của nhà nước “dân chủ nhân dân”, trong đó tòa án là một công cụ trọng yếu để bảo vệ chế độ. Điều đó đã được minh nhiên khẳng định trong Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2002 “…Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; …” (Điều 1)
Cho dù trong những năm gần đây nhiều tổ chức quốc tế và và các quốc gia chi viện đã khuyến cáo VN phải cải tổ luật pháp và tổ chức tòa án, việc vi phạm nhân quyền trong lãnh vực tư pháp càng ngày càng trầm trọng thêm. Trong năm 2012 việc vi phạm đó được biểu lộ qua một số nét đặc trưng sau: Hình sự hóa các sinh hoạt chính trị, vi phạm trầm trọng các thủ tục tố tụng hình sự, và quyền bào chữa của luật sư bị triệt tiêu.

1. Hình Sự Hóa Mọi Hành Vi Đi Ngược Lại Quyền Lợi Của ĐCSVN
Không lạ gì khi nhà nước VN luôn rêu rao không có tù chính trị tại VN; bởi vì tất cả mọi biểu lộ quyền chính trị chính đáng của người dân, dù ôn hòa, cũng bi quy kết với những tội danh của Bộ Luật Hình Sự ban hành năm 1999, đặc biệt là điều 79 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), điều 87 (Tội phá hoại chính sách đoàn kết), và điều 88 (Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN).  Những điều luật nầy quy định việc bày tỏ chính kiến qua các hình thức ôn hòa như tranh luận, lưu trữ, hoặc phổ biến tài liệu khác với chính sách của ĐCSVN là “tội”, và “phạm nhân” có thể bị xử đến 20 năm tù (Điều 88), hoặc đến tử hình nếu có “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79).
Trong năm 2012 đã có ít nhất 50 người bất đồng chính kiến bị truy tố hoặc xử tù bởi việc lạm dụng luật hình sự nầy. Nhiều người khác bị giam giữ và chưa bị đưa ra tòa. Trong số Những người bị kết án, có những trường hợp được dư luận thế giới chú ý:
  • § 6-3-2012, Tòa án tỉnh Nghệ An xử Bà Võ Thị Thu Thủy, cư dân thị xã Ðồng Hới, 5 năm tù và Ông Nguyễn Văn Thanh, cư dân xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, 3 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.”
  • § 26-3-2012, Tòa án tỉnh Gia Lai xử mục sư Nguyễn Công Chính 11 năm tù giam với các tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết.”
  • § 19-4-2012, công an đã bắt giữ một nông dân, Ông Võ Viết Dziễn ở Bình Dương, về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và phá hoại lễ kỷ niệm 30-4.
  • § 8-5-2012, công an tỉnh Gia Lai bắt giữ một số người ở ba làng thuộc tỉnh Gia Lai, với cáo buộc có “hoạt động chống phá chính quyền nhân dân”. Cụ thể họ bị xem là “lợi dụng tà đạo Hà Mòn để hoạt động Fulro”, chống phá chính quyền.
  • § 24-5-2012, bốn sinh viên Công giáo thuộc giáo phận Vinh là Chu Mạnh Sơn, Trần Hữu Ðức, Ðậu Văn Dương và Hoàng Phong bị kết án tổng cộng gần 10 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” theo Ðiều 88 Bộ luật Hình sự, sau khi bị chính quyền bắt giữ vì rải truyền đơn kêu gọi đa nguyên đa đảng, dân chủ nhân quyền và phủ nhận cuộc bầu cử Quốc Hội hồi cuối năm 2011.
  • § 30-5-2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An y án tù giam đối với hai nhà đấu tranh nhân quyền, bà Hồ Thị Bích Khương và Mục sư Tin lành Nguyễn Trung Tôn, với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.” 
  • § 6-6-2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tuyên phạt 5 năm tù giam ông Phan Ngọc Tuấn, ngụ tại Phan Rang, với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.”
  • § 16-7-2012, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang  xử sơ thẩm Nguyễn Kim Nhàn, Đinh Văn Nhượng và Đỗ Văn Hoa.về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.”
  • § 9-8-2012, Tòa án tỉnh Đak Nông xử blogger Đinh Đăng Định 6 năm tù giam vì tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.”
  • § 10-8-2012, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên ký cáo trạng truy tố 22 người trong giáo phái “Ân đàn Đại đạo” về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 Bộ Luật hình sự VN trong vụ được mệnh danh là vụ án ‘Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn’ tại Phú Yên.
  • § 10-8-2012, nhà dân chủ Lê Thanh Tùng bị tuyên án 5 năm tù giam vì tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” sau một phiên án chớp nhoáng tại Toà án Nhân dân tại Hà nội.
  • § 24-9-2012, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử 3 bloggers Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon với bản án từ 4 đến 12 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.”
  • § 30-10-2012, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án 4 năm tù giam và 2 năm quản chế đối với nhạc sĩ Việt Khang, và 6 năm tù giam và 2 năm quản chế đối với nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình vì tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.”
  • § 3-11-2012, công an CSVN xác nhận đã bắt giữ cô Nguyễn Phương Uyên, nữ sinh viên trường Ðại Học Công Nghệ Thực Phẩm Sài Gòn với cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.”
  • § 13-12-2012, bốn người H’Mông đã bị lãnh các bản án từ ba đến bảy năm tù giam vì tội danh mưu toan lật đổ chế độ. Những người này, năm ngoái, đã tham gia các cuộc biểu tình bị chính quyền cho là phong trào ly khai và bị trấn áp.

2.Vi Phạm Những Nguyên Tắc Cơ   Bản Của Luật Tố Tụng Hình Sự
Tuy VN đã ban hành Bộ Luật Tố tụng Hình sự vào năm 2003 với đầy đủ bảo đảm cho người dân trong lãnh vực tư pháp, việc vi phạm những nguyên tắc do chính mình đặt ra được thể hiện suốt quá trình tố tụng hình sự từ việc bắt người tùy tiện, ngụy tạo bằng chứng, tra tấn ép cung, ngăn cản luật sư, xử án qua loa vì bản án đã có sẵn, v.v. Các nghi can thường bị tra tấn trong khi lấy cung, bị cách ly khỏi gia đình và luật sư. Hầu hết các vụ xử án được diễn ra không quá một ngày, có khi chỉ vài giờ. Sự hiện diện của luật sư nếu có chỉ là để trang trí cho phiên tòa. Thông thường thì thời gian nghị án nhanh hơn thời gian tuyên án.
Đặc biệt đối với các vụ án chính trị, việc vi phạm các thủ tục tố tụng hình sự càng trầm trọng hơn. Trong tất cả các vụ án chính trị bị hình sự hóa nêu ở mục một ở trên, các nguyên tắc tố tụng hình sự cơ bản đã bị vi phạm trong mọi giai đoạn: bắt giữ không có lệnh tòa án, không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và người quen; tạm giam quá thời hạn luật định mà không có cáo trạng; không trưng dẫn được vật chứng và nhân chứng; ngăn cản việc tiếp xúc với luật sư và gia đình; nhiều phiên tòa không có luật sư hoặc giới hạn việc biện hộ của luật sư; không cho thân nhân tham dự phiên tòa…
Nhóm Công Tác về Giam Giữ Tùy Tiện của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ trong năm 2012 đã thụ lý ba vụ khiếu nại đối với việc chính quyền VN đã giam giữ tùy tiện 24 nhà hoạt động nhân quyền, và đã đưa ra phán quyết quy trách cho chính quyền VN vi phạm luật quốc tế nhân quyền đối với hai khiếu nại. Khiếu nại thứ nhất liện hệ đến vụ bắt giữ và giam cầm bốn nhà hoạt động dân chủ Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long.[1] Khiếu nại thứ hai liên quan đến trường hợp ba nhà hoạt động cho quyền của người lao động là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, và Đoàn Huy Chương.[2] Khiếu nại thứ ba liên hệ đến mười bảy thanh niên công giáo thuộc Mạng Truyền Thông Dòng Chú Cứu Thế (Redemptorist News Information Network) đang được cứu xét.[3]

3. Vai Trò Trang Trí Của Luật Sư
Bào chữa là một trong những quyền cơ bản của bị cáo đã được nói rõ trong Công Ước Dân Sự Chính Trị (Điều 14,d) và bộ Luật hình sự Tố tụng của VN cũng quy định việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo. (Điều 12 và điều 36). Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quyền tự biện hộ hoặc nhờ luật sư biện hộ thường xuyên bị vi phạm nặng nề.
Cách đây mấy năm, chính ông Bộ trưởng Tư pháp VN Hà Hùng Cường trong một báo cáo với Quốc Hội đã cho biết chỉ có chừng 20%  vụ án là có luật sư. Trong năm 2012, Bộ Tư pháp VN đưa ra kế hoạch phát triển nghề luật sư  đến năm 2020, với chỉ tiêu 50% vụ án hình sự tòa án xét xử có luật sư tham gia.[4] Nền tư pháp VN què quặt không những ở  số lượng luật sư ít ỏi, trình độ thấp, mà hơn thế nữa chính ở thái độ của chính quyền đối với giới luật sư. Công an và tòa án luôn cản trở, gây khó dễ cho luật sư trong tiến trình tham gia các vụ án. Muốn bào chữa cho một bị cáo, luật sư phải xin phép tòa án, và hầu như không bao giờ có được giấy phép đúng thời hạn luật định. Và dù có giấy chứng nhận bào chữa, luật sư vẫn phải xin phép của cơ quan điều tra. Luật sư phải nhờ vả các cơ quan điều tra để được gặp thân chủ trong những thời khắc vội vàng. Trước tòa án, hội đồng xét xử ít khi để ý đến lời biện hộ của luật sư; trái lại luật sư thường không dám phản bác công tố viên. Nhiệm vụ của luật sư trong hầu hết các vụ án chỉ là xin khoan hồng cho thân chủ.[5] Một vị phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã khuyên gia đình bị cáo rằng, “Mời luật sư, tội sẽ nặng thêm”[6]  Luật sư Hà Huy Sơn, người biện hộ cho blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã nói với phóng viên đài VOA, “Ở nhà nước VN chúng tôi, vai trò luật sư rất bị hạn chế. Nhiều khi cơ quan tố tụng cũng không thực hiện đúng quy định của luật tố tụng hình sự do chính họ ban hành. Chúng tôi cũng đấu tranh nhưng nhiều khi cũng không được giải đáp.”[7] Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội cũng thú nhận, “trong nhiều phiên tòa, sự hiện diện của luật sư chỉ mang tính hình thức, một thứ “trang điểm thêm đẹp” trong quá trình xét xử.[8]
 Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam


[1] Quê Mẹ, “UN Working Group on Arbitrary Detention pronounced detention of Vietnamese pro-democracy activists a violation of international law,” http://www.queme.net/eng/news_detail.php?numb=1942  (Truy cập 12-2-2013)
[2] Freedom Now, “UN Finds Continued Detention of Vietnamese Labor Activists Arbitrary Under International Law,” http://www.freedom-now.org/news/un-finds-continued-detention-of-vietnamese-labor-activists-arbitrary-under-international-law/  (Truy cập 2-3-2013)
[3] Stanford Law School, “Stanford Law School’s Allen Weiner Files Petition with the United Nations Working Group on Arbitrary Detention on Behalf of Seventeen Vietnamese Social and Political Activists,” http://blogs.law.stanford.edu/newsfeed/2012/07/25/stanford-law-schools-allen-weiner-files-petition-with-the-united-nations-working-group-on-arbitrary-detention-on-behalf-of-seventeen-vietnamese-social-and-political-activists/  (Truy cập 21-11- 2012)

[4] Tin Tức Pháp Luật, “Đề xuất phân hạng trình độ luật sư,” http://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/3265/de-xuat-phan-hang-trinh-do-luat-su  (Truy cập 22-11-2012)
[5] An Ninh Thủ Đô, “Luật sư chỉ định, có cho đủ… thủ tục,” http://www.anninhthudo.vn/Ky-su-phap-dinh/Luat-su-chi-dinh-co-cho-du-thu-tuc/487759.antd  (Truy cập 1-3-2013)
[6] Tạp chí Pháp Luật, ““Mời luật sư, tội sẽ nặng thêm”?!” http://phapluattp.vn/2012062911375624p0c1063/moi-luat-su-toi-se-nang-them.htm  (Truy cập 12-12-2012)
[7] VOA, “Blogger Điếu Cày tố cáo các vi phạm trong vụ án của mình,” http://www.voatiengviet.com/content/blogger-dieu-cay-to-cao-nhung-vi-pham-trong-vu-an-cua-minh/1598940.html  (Truy cập 7-2-2013)
[8] Công ty luật Dragon, “Vai trò của luật sư trong phiên tòa rất mờ nhạt,” http://ngheluatsu.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=141  (Truy cập 12-12-2012)




Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế