Khánh Trâm
Ngày
18 tháng 3 năm 1979 khi nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố trước thế giới
rút quân khỏi biên giới phía Bắc nước ta, kết thúc 30 ngày đêm của thứ
chiến tranh lấy thịt đè người, lớn bắt nạt bé (mà ông Đặng Tiểu Bình
ngang nhiên tuyên bố là “dạy cho Việt Nam một bài học”), và những trận
đánh cảm tử mà nổi bật là trận chiến Lão Sơn-Hà Giang (1984) hay trận
chiến Gạc Ma ngoài biển Đông (1988), kể từ đó tiếng súng chiến tranh
không còn vang lên trên lãnh thổ nước ta và từ đây Việt Nam mới thực sự
bình yên (nói một cách tương đối) để bắt tay xây dựng đất nước. Tính ra
suốt từ những năm 60 của thế kỷ XIX cho đến những năm 80 của thế kỷ thế
kỷ XX, thời gian chỉ hơn một thế kỷ thế mà cái mảnh đất bé nhỏ hình chữ S
này liên miên ngập tràn trong các cuộc chiến rất tang thương để rồi hơn
5 triệu người thiệt mạng (bằng dân số Phần Lan hiện nay). Trong thời
chiến, vũ khí của những người lính và nhân dân là súng đạn, là lòng can
đảm, là mưu trí, là tình yêu tổ quốc quê hương.
Hôm
nay, chúng ta được hưởng những năm tháng không tiếng súng đã ba thập
kỷ, một khoảng thời gian mà nước Nhật sau đại chiến thế giới thứ 2 tan
hoang là thế, vậy mà họ đã vực dậy kiến thiết xây dựng lại đất nước của
thần mặt trời trở thành cường quốc số 1 ở Châu Á, và cùng với Nhật các
nước khác như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan... cũng
kịp vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn của khu vực. So sánh như
vậy để thấy Việt Nam mình hiện đang ở đâu. Nếu bỏ qua cái tính tự ty để
mà nhìn thẳng vào sự thật thì chúng ta hiện đang tụt hậu rất xa so với
các nước láng giềng về mọi mặt. Có lẽ bài vè trong dân gian “Việt Nam
bây giờ mọi thứ đều nhất thế giới” đã nói lên tất cả: “Vợ rẻ nhất thế
giới/ sữa đắt nhất thế giới/ xăng cao nhất thế giới/ xe hơi đắt nhất
thế giới/ thuốc tây đắt nhất thế giới/ uống rượu nhiều nhất thế giới/
đánh bạc, số đề nhiều nhất thế giới/ trẻ em thất học, bỏ học nhiều nhất
thế giới/ tai nạn giao thông nhiều nhất thế giới/ tham nhũng nhiều nhất
thế giới/ dân lại nghèo nhất thế giới / bởi vô cảm và dối trá nhiều nhất thế giới
(!)”. Hàng ngày chúng ta đọc báo, nghe đài, xem tivi… và nếu chịu khó
xâu chuỗi những nội dung truyền tải trên các phương tiện truyền thông ấy
sẽ thấy cái bức tranh tổng kết của dân gian qua bài vè kia là khá chính
xác. Có thể nói chưa thời nào người phụ nữ Việt Nam lại chịu cái cảnh
nhục nhã đứng xếp hàng cho người ngoại quốc chọn vợ, người công nhân bị
các ông chủ ngoại quốc đánh đập, số khác phải ra nước ngoài làm thuê bị
nhốt trong những xưởng may hay công trường xây dựng và phải làm việc đến
kiệt sức, người dân nghèo ở các miền quê bản thân còn không đủ ăn mà
phải cõng trên lưng nhiều thứ “đóng góp” bắt buộc, trẻ em miền núi thiếu
đạm phải ăn thịt chuột, miền đồng bằng phải ăn khoai lang thay cơm, trẻ
sơ sinh thì chết oan vì bác sỹ thiếu y đức… trong khi đó quan chức thì
đánh cờ bạc tỷ, cảnh sát giao thông thì “làm luật” trắng trợn, hiệu
trưởng thì môi giới bán dâm học trò, Việt Nam được thế giới cho đứng vào
danh sách đầu bảng về các quốc gia tham nhũng nhất thế giới (ông chủ
tịch nước thẳng thắn công nhận là “một bầy sâu”), đất nước đứng trên bờ
vực thẳm về mọi mặt, thế nhưng những người thoát được cái “sợ” để cất
tiếng nói thì đang phải chịu án hình sự vì “Việt nam không có tù nhân
lương tâm”… Ôi, nếu còn kể tiếp thì người có trái tim sắt đá cũng cảm
thấy choáng váng!
Đứng trước thực tại rất đau
lòng này, những người công dân còn chút lương tri không thể không ngậm
ngùi. Nhiều người vẫn cất tiếng nói. Vâng, thời bình cũng rất cần những
“chiến sỹ” để “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” để “sánh
vai với các cường quốc năm châu”… Thứ vũ khí của người chiến sỹ thời
bình là gì? Đó là cây bút, là trí tuệ, là lương tri, là lòng can đảm, và
tất cả cũng chỉ vì tình yêu tổ quốc quê hương.
Tôi
ngồi lặng lẽ ngắm nhìn những người chiến sỹ trên các “mặt trận”: từ văn
hóa, giáo dục, môi trường, đấu tranh dân chủ đến bảo vệ chủ quyền biển
đảo. Trong số họ có đầy đủ nam, phụ, lão, ấu. Nhiều người còn khá trẻ
nhưng cũng có nhiều người “mái đầu sương điểm” hay “phơ phơ đầu bạc”.
Nhiều người hữu danh, nhiều người vô danh. Họ là những chiến sỹ thầm
lặng nhưng trên đôi vai của họ cũng nén đầy trách nhiệm, hệt như những
người ở hậu phương trong chiến tranh khi xưa cùng có chung mục đích “tất
cả cho tiền tuyến”.
Về văn hóa giáo dục:
Trong vài năm trở lại đây, đứng trước hiện trạng giáo dục ngày càng
xuống cấp, giáo trình giáo khoa nặng về hình thức, quá tải về nội dung
và những người chịu trách nhiệm trong ngành giáo dục vẫn duy trì việc
“đem con em nhân dân ra làm thí nghiệm” hết năm này đến năm khác, thập
kỷ này đến thập kỷ khác, một nhóm chuyên gia và giáo viên có kinh nghiệm
và tâm huyết với giáo dục đứng đầu là nhà giáo Phạm Toàn đảm nhiệm chức
năng trưởng nhóm, đã thành lập nhóm viết sách giáo khoa mang tên Cánh Buồm.
Nhóm ra đời từ năm 2009 với mục tiêu làm ra một bộ sách giáo khoa (bắt
đầu từ bậc tiểu học) nhằm “ hiện đại hóa nền giáo dục Việt nam” và “ đảm
bảo hạnh phúc đi học cho trẻ em ”. Cho đến nay nhóm đã đưa ra xã hội,
đã “trình làng” những sản phẩm cụ thể, đó là các bộ sách: Văn (lớp
1,2,3,4,5); Tiếng Việt (lớp 1,2,3,4,5); Lối sống (1,2,3); Tiếng Anh (lớp
1,2,3); Khoa học-Công nghệ (lớp 1,2)… và đã tổ chức được nhiều hội thảo
để lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục và cha mẹ học sinh: “ Hiểu trẻ em-Dạy trẻ em” (2009); “ Chào lớp Một ” (2010); “ Tự học- Tự giáo dục ” (2011); “ Một cánh buồm-Một nhà trường hiện đại ” (2012); “ Nhìn bằng con mắt trẻ thơ
” (2013). Tiếp nối là các hoạt động khác. Tháng 7/2013 Cánh Buồm đã cho
ra mắt “Ngày sư phạm Cánh Buồm ” là buổi sinh hoạt thường kỳ một tháng
một lần, nơi trao đổi và chia sẻ những vấn đề liên quan đến tâm lý trẻ
em, cách trẻ em học thế nào, chơi ra sao hay thảo luận về phương pháp
dạy… Đối tượng tham dự gồm có giáo viên các trường tiểu học, phụ huynh
học sinh, sinh viên các trường sư phạm, các nhà nghiên cứu giáo dục,
những người quan tâm đến lĩnh vực này. Ngoài ra còn có những lớp dạy học
theo chương trình của nhóm biên soạn... Trẻ em đến với với học đầy hứng
thú, say mê vì ở đó các em được đối thoại, được “học mà chơi-chơi mà
học” chứ không bị nhồi nhét kiến thức một chiều. Nhìn vào những nỗ lực
không ngừng nghỉ này, chắc chắn một ngày không xa, phương pháp và giáo
trình của Cánh Buồm sẽ dần dần làm lu mờ, thậm chí góp phần đẩy lùi “
Bốn căn trọng bệnh của giáo dục Việt Nam: bệnh thành tích, bệnh cào
bằng, bệnh gian dối, bệnh suy dinh dưỡng”.
Chúng
ta gọi họ là những CHIẾN SỸ bởi lẽ những con người này làm việc thiện
nguyện, không có lương, không có thù lao, không cơ sở vật chất… vậy mà
suốt 4 năm qua vì thế hệ trẻ, họ đã làm được nhiều việc mà những người
được giao trọng trách, được hưởng lương bổng, được nhận nhiều ưu đãi của
xã hội cũng không làm được.
Về môi trường:
Giở những trang báo giấy, báo điện tử đưa những tin tức về môi trường
ta có nhận xét ngay: Việt Nam cũng là quốc gia “đi tiên phong” trong vấn
đề hủy hoại sinh thái và tàn phá môi trường . Sau chiến tranh, tốc độ
khai thác rừng còn gấp nhiều lần số diện tích rừng bị tàn phá do chất
làm rụng lá. Chẳng thế mà câu hát “gỗ miền núi về xuôi xây đời mới/ thắm tình giữa miền xuôi và miền ngược ” (bài “Hà Giang quê tôi”) nay được dân gian chế lời mới: “gỗ miền núi từ nay không còn nữa/ hết tình giữa miền xuôi và miền ngược”.
Ai nghe cũng cười nhưng cái cười thật chua xót ! Chính vì thế, nhiều
người đã lên tiếng bảo vệ môi trường. Không chỉ là gỗ, là rừng mà việc
tận dụng khai thác khoảng sản hiện nay cũng đang là nguyên nhân tàn phá,
hủy diệt môi trường (thậm chí có nơi còn thậm nguy đến an ninh quốc
gia). Có thể kể ra đây 2 thí dụ tiêu biều: Dự án khai thác Bauxite Tây
Nguyên (đang tiến hành mà kết quả thua lỗ nặng) và dự án xây dựng thủy
điện 6, 6A đang trong quá trình thẩm định, nếu được phê duyệt sẽ tàn phá
phần lớn diện tích cánh rừng Nam Cát Tiên và khu dự trữ sinh quyển thế
giới.
Ví dụ thứ nhất: Dự án khai thác Bauxite
Tây Nguyên, ngay từ năm 2009 là năm bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy
Nhân Cơ đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong giới tri thức và
nhân dân vì nó “vi phạm luật di sản văn hóa và luật bảo vệ môi trường”.
(Đơn kiện thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng của luật sư Cù Huy Hà Vũ).
Ngay từ đầu ai cũng thấy dự án có nguy cơ thua lỗ về mặt kinh tế và tàn
phá môi trường, là quả “bom hẹn giờ” treo trên đầu người dân ở hạ nguồn
và làm ô nhiễm sông Đồng Nai… Hậu quả của nó thật là kinh khủng. Biết
bao nhiêu bài viết khoa học, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học có
chuyên môn trong và ngoài nước, kể cả thư ngỏ của danh tướng Võ Nguyên
Giáp nhưng vẫn không ngăn cản được bởi vì đó là “chủ trương lớn của Đảng
và chính phủ, là quyết tâm của Bộ chính trị ”. Đứng trước thảm họa nhìn
thấy sờ sờ này, nhóm Bauxite Việt Nam do ba người khởi xướng:
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GS Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng
đã đứng ra lập nên trang mạng phản biện của giới tri thức do GS Nguyễn
Huệ Chi điều hành bắt chấp nguy hiểm bản thân và nhiều lần bị chính
quyền gây khó dễ. Ngày 12/4/2009 nhóm đã thảo ra “Kiến nghị về quy hoạch
và các dự án khai thác bauxite ở Việt Nam” gửi đến Chủ tịch nước, Chủ
tịch quốc hội, Thủ tướng chính phủ đề nghị cho dừng dự án và đã nhận
được gần 2800 chữ ký ủng hộ của rất nhiều nhân sỹ tri thức và nhân dân
trong và ngoài nước.
Nhóm Bauxite và những người phản đối dự án khai thác bauxite Tây Nguyên ( ký tên hoặc ủng hộ kiến nghị) là những người CHIẾN SỸ.
Ví
dụ thứ hai: Năm 2012 truyền thông đưa tin Thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Thuật
gửi tâm thư lên chủ tịch nước để thỉnh cầu việc cần thiết ngăn chặn ngay
dự án thủy điện 6, 6A cắt ngang rừng Nam Cát Tiên, mất đi diện tích 137
hecta rừng trong vùng lõi, ảnh hưởng đến Bầu Sấu (khu ngập nước Ramsar,
khu dự trữ sinh quyển thế giới). Là cán bộ công tác ở Vườn Quốc gia Cát
Tiên, chuyên gia về đa dạng sinh học, là người có chuyên môn, nhận thức
được việc đe dọa làm mất mát không chỉ tài nguyên rừng mà còn xâm phạm
nhiều di chỉ văn hóa của tộc người Mạ (di chỉ Óc Eo), Thạc sỹ Thuật đã
cùng nhóm bạn lập ra trang thông tin điện tử
“Savingcattiennationalpark.blogspot.com”. Nhóm lấy tên “ Yêu quý bảo vệ Rừng Cát Tiên”
để đưa tin và kêu gọi người dân đồng hành phản đối 2 dự án thủy điện
trên bởi “Vườn Quốc gia Cát Tiên là tài sản quốc gia, là tài sản chung,
nếu ai cũng bỏ mặc thì tài nguyên Việt Nam sẽ nhanh chóng mất sạch, mà
cuối cùng, chỉ có người dân gánh chịu hậu quả”. Lời kêu gọi đã thu hút
được 4700 chữ ký ủng hộ. Là người gửi tâm thư, cùng bạn bè tập hợp các
nguồn ý kiến, theo đuổi đến cùng công việc gìn giữ môi trường này, thạc
sỹ Thuật chấp nhận hy sinh cá nhân (anh không còn công tác ở Vườn Quốc
gia Nam Cát Tiên nữa).
Nhóm “ Yêu quý bảo vệ
Rừng Cát Tiên” là những CHIẾN SỸ. Việc làm của các bạn là góp thêm viên
gạch để xây dựng xã hội dân sự mà ở đó người dân được cất tiếng nói,
được đóng góp xây dựng và gìn giữ môi trường sống.
Về đấu tranh dân chủ, xây dựng xã hội dân sự và bảo vệ tổ quốc:
Những năm gần đây chúng ta được chứng kiến nhiều nhóm thiện nguyện,
nhiều cá nhân đóng góp các hoạt động rất hữu ích cho xã hội. Đó là
chương trình “ Sách hóa nông thôn ” của sáng lập viên (và trực
tiếp điều hành) Nguyễn Quang Thạch. Đây là “thư viện của người dân” với
các mô hình: tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh, tủ sách giáo xứ. Bắt
đầu từ năm 2007, cho đến nay anh Thạch đã vận động được các cá nhân, tổ
chức chung tay đóng góp (dưới nhiều hình thức) và đã xây dựng được hơn
160 tủ sách ở 21 tỉnh trên cả nước. Người sáng lập viên này đã chấp nhận
hy sinh cá nhân, nghỉ việc lương cao để dành toàn bộ thời gian, công
sức vào công việc thiện nguyện này. Anh và những người chung tay đóng
góp mang sách, mang tri thức về tận vùng quê để khai sáng văn hóa cho
nhân dân và học trò xứng đáng là những người CHIẾN SỸ.
So
với các khu vực khác, khu vực miền núi ở nước ta còn rất nghèo. Với
tinh thần “lá lành đùm lá rách”, bằng nguồn kinh phí quyên góp từ nhân
dân hay các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… Các nhóm “No-U”, “Cơm có Thịt”, “Vì ta cần nhau”
…đã lên tận vùng biên xa xôi như Háng Đồng (Sơn La), Suối Giàng (Yên
Bái), và các trường ở Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang… để hỗ trợ
trẻ em vùng cao như xây trường, ủng hộ dụng cụ học tập, áo rét, chăn ấm,
sửa chữa trường, lớp học…
Tất cả những con người có tấm lòng cao cả này là những CHIẾN SỸ.
Những
năm đầu thế kỷ XXI này, xã hội Việt Nam xuống cấp về mọi mặt và chưa
lúc nào đất nước trong thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” như ngày hôm nay. Có
lẽ một bức tranh xã hội, một dòng lịch sử khái quát nhất về chính quyền
và đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng đã được nhà văn Phạm Đình
Trọng, người chiến sỹ từ khói lửa chiến tranh năm xưa - người chiến sỹ
cầm bút hôm nay khắc họa là tiêu biểu hơn cả. Chúng ta đọc để nghiền
ngẫm, để chiêm nghiệm “đúng, sai”, để trả lời cho rất nhiều câu hỏi “VÌ
SAO” tồn tại suốt hơn nửa thập kỷ qua, để…
Sau
đây là những con chữ rất nóng của ông, cũng hiện ra các cặp phạm trù
“được-mất”, “tốt-xấu”, “lưu manh-lương thiện”,“nguyên nhân-kết quả”,… để
ông lý giải việc xuống cấp về mọi mặt của xã hội Việt Nam hôm nay là từ
những “sai lầm lên tiếp trong quá khứ, tham nhũng không có điểm dừng
trong hiện tại của đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thảm họa này đến
thảm họa khác:
Thảm họa cải cách ruộng đất đánh sập từ gốc rễ đạo lí Việt Nam, đánh tan tác văn hóa làng xã tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thảm
họa Nhân Văn Giai Phẩm, thảm họa ngụy tạo ra vụ Xét lại chống đảng đã
giam cầm, đầy ải, giết dần giết mòn những tài năng, tinh hoa nhất của
dân tộc Việt Nam.
Thảm họa cải tạo tư sản ở miền
Bắc sau năm 1954, cải tạo tư sản ở miền Nam sau năm 1975 tước đoạt
quyền làm chủ của những chủ tư sản biết tổ chức sản xuất kinh doanh tạo
ra việc làm cho người lao động, tạo ra của cải cho xã hội.
Thảm
họa tập trung cải tạo thực chất là tù đày lực lương ưu tú nhất của xã
hội miền Nam cũng là tài sản con người của dân tộc Việt Nam, đẩy một nửa
dân tộc Việt Nam ra khỏi vòng tay Mẹ hiền Tổ Quốc Việt Nam. Từ đó dẫn
đến thảm họa thuyền nhân vùi xác hơn nửa triệu người dân Việt Nam dưới
đáy biển.
Thảm họa mất đất mất biển. Những mảnh
đất mang hồn thiêng tổ tiên người Việt Nam, thấm đẫm máu nhiều thế hệ
người Việt Nam, những tên đất chói lọi trong lịch sử Việt Nam đã bị Nhà
nước Cộng sản Việt Nam cắt sang đất Tàu Cộng!
Thảm
họa khai thác bô xít Tây Nguyên tàn phá môi trường, tàn phá văn hóa Tây
Nguyên, làm chảy máu lâu dài nền kinh tế đất nước. Dự án khai thác bô
xít Tây Nguyên liên tục ngốn nguồn vốn lớn hàng chục ngàn tỉ, hàng trăm
ngàn tỉ đồng của nền kinh tế đất nước nhưng không làm ra một đồng tiền
lãi, không bao giờ có lãi ở thời hiện tại!
Thảm
họa Vinashin, Vinalines làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn ngân
sách Nhà nước, tạo ra đổ vỡ dây chuyền làm cho hàng trăm ngàn doanh
nghiệp phá sản, đẩy nền kinh tế đất nước vào khủng hoảng kéo dài, không
thể cất mình lên nổi.
Thảm họa tụt lại sau thế
giới, lạc lõng với thế giới. Năm 1975 Thái Lan phải ngước nhìn lên sự
phát triển của kinh tế, xã hội miền Nam Việt Nam thì nay Thái Lan phải
ngoái lại phía sau nhìn sự ì ạch của kinh tế xã hội Việt Nam vì Thái Lan
đã vượt xa Việt Nam vài chục năm rồi và càng ngày Thái Lan càng bỏ xa
Việt Nam.
Thảm họa trách nhiệm. Ở các nước dân
chủ, bằng lá phiếu và bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí, người dân
thực sự có vai trò quyết định đến việc chấp chính của đảng cầm quyền và
người cầm quyền. Chỉ một đổ vỡ nhỏ trong đời sống xã hội hoặc đời sống
kinh tế đất nước, người cầm quyền phải đứng ra nhận trách nhiệm bằng
việc từ chức, đảng cầm quyền cũng mất quyền lãnh đạo. Ở ta những thảm
họa lớn gây chết chóc hàng trăm ngàn người dân như thảm họa cải cách
ruộng đất, giết chết cả nền văn học nghệ thuật như thảm họa Nhân Văn
Giai Phẩm, làm đình đốn cả nền kinh tế như thảm họa Vinashin nhưng những
người cầm quyền không ai chịu trách nhiệm, không ai rời vị trí quyền
lực, cùng lắm là luân chuyển từ vị trí này sang vị trí khác như sau thảm
họa cải cách ruộng đất. Đảng độc quyền thì cứ bình thản cầm quyền.
Người yếu kém và có tội cứ thản nhiên nắm quyền. Thảm họa cứ tiếp diễn
và lan rộng ra cả xã hội. Xã hội Việt Nam hôm nay thực sự là thảm họa
đối với dân tộc Việt Nam văn hiến”.
Chúng ta, mỗi người sau khi “ngắm nhìn” cái bức tranh trên đây, phỏng có nghĩ gì???
Trước
chúng ta đã có nhiều người lên tiếng và bị vùi dập, bị gây khó dễ trong
cuộc sống, thậm chí bị trừng trị, mặc dù họ là những đảng viên quyền
chức của chính phủ như Kim Ngọc, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang,
Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách… hay những tri thức, những văn nghệ sỹ:
Phan Đình Diệu, Lữ Phương, Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc, Hà Sỹ Phu,
Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh… Tất cả họ là lớp CHIẾN SỸ đầu tiên đi
tiên phong trên mặt trận đấu tranh dân chủ cho đất nước.
Tiếp nối truyền thống ấy là hàng trăm, hàng nghìn những tên tuổi khác, đó là những con người của “Kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên” (2010), “Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ” (2011), “Kiến nghị về việc bảo vệ và phát triển đất nước” (2011),” “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc” (của 36 nhân sỹ trí thức Việt Kiều, 2011), “Thư gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang –về công dân Bùi Thị Minh Hằng” (2011), “Tuyên bố về vụ cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang bằng vũ lực” (2012), “Thư khẩn gửi chủ tịch nước về vụ bắt Phương Uyên” (2012), “Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo hiến pháp và pháp luật tại Việt Nam” (2012), “Kiến nghị 72” (kiến nghị về sửa đổi hiến pháp, 2013), “Thư khẩn gửi chủ tịch nước và chính phủ Việt Nam về việc giải quyết tuyệt thực của blogger Điếu Cày” ( 2013), “Tuyên bố công dân tự do” (2013), “Tuyên bố 258” (2013) , “Tuyên bố nghị định 72” (2013)…
Các
bản Kiến nghị, Tuyên bố, Thư ngỏ, Lời kêu gọi… đã đại diện tiếng nói
trung thực, can đảm của giới trí thức và nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh
vào nhu cầu đổi mới hệ thống chính trị, đòi tôn trọng các quyền tự do
dân chủ của nhân dân, yêu cầu chính quyền thượng tôn pháp luật, bãi bỏ
điều 4 Hiến pháp, bãi bỏ các điều 88, 79, 258 Bộ luật hình sự, thực thi
quyền con người theo các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tôn
trọng hình thức đấu tranh ôn hòa của các tổ chức quần chúng nhân dân
trước thế lực bành trướng Trung Cộng, bảo vệ ngư dân, bảo vệ tổ quốc.
Tất cả những con ngưới ấy họ là những CHIẾN SỸ.
Những
người CHIẾN SỸ hôm nay không chỉ thể hiện trách nhiệm bằng lời nói,
bằng bài viết, bằng chữ ký… mà còn bằng hành động. Đó là hàng chục cuộc
xuống đường ôn hòa thể hiện tình yêu tổ quốc, đó là những con người đấu
tranh đòi giới chủ phải tôn trọng người lao động, đó là những tri thức
dấn thân. Thế nhưng nhiều người trong số họ hiện đang bị cầm tù. Thân
thể các CHIẾN SỸ ở trong lao, nhưng tên tuổi họ rực sáng. Đó là : Trần
Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày- Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, Tạ
Phong Tần, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Đinh Nguyên Kha, Đỗ Thị Minh
Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đinh Nhật Uy,Trương Duy
Nhất, Phạm Viết Đào… chưa kể những chiến sỹ đã chấp hành xong án phạt
nay lại tiếp tục con đường tranh đấu: Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân,
Nguyễn Văn Đài, Lê Thăng Long, Lê Công Định…và gần đây nhất là người
chiến sỹ trẻ Nguyễn Phương Uyên của phiên tòa xử phúc thẩm 16/8/2013 tại
Long An. Người “chiến sỹ” Phương Uyên đứng trước tòa thân cô, thế cô,
không có người thân, không có luật sư, chỉ có đầy “quần chúng tự phát”,
an ninh mật vụ vây trong, vây ngoài tòa án, vậy mà em dõng dạc từng lời,
đầy bản lĩnh: “ Tôi không cần giảm án, tôi chỉ cần tòa xử đúng người
đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải là chống phá đất nước, dân
tộc. Các ông đừng có đánh đồng ”.
Tôi chỉ
mong dân tộc ta có thêm nhiều CHIẾN SỸ trong thời bình như hình ảnh
người con gái tuổi 20 này. Những người CHIẾN SỸ biết mình muốn gì và dân
tộc mình cần gì… Tôi nhớ có câu nói khá nổi tiếng: “Thành công là một
cuộc hành trình chứ không phải chỉ là đích đến”. Hành động thường quan
trọng hơn kết quả là vậy (bởi nếu không có hành động thì làm sao có kết
quả?). Tác giả của câu nói trên còn khuyên: “ Enjoy the journey! ” Hành
trình dân chủ tuy nhiều chông gai, hiểm nguy (và đầy vật cản trên con
đường ấy), nhưng tôi vẫn tin những “chiến sỹ” đã lựa chọn con đường này
họ có cách vui hưởng hành trình của mình, bởi họ có niềm tin: “Nước nhà
được độc lập mà người dân không được hưởng tự do thì độc lập chẳng có
nghĩa lý gì”, chỉ có con đường dân chủ hóa đất nước mới mong có được Tự Do cho nhân dân.
Sài Gòn 8/2013
K.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho: Bauxite Việt Nam