CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Philippines đã sẵn sàng trước những đe dọa từ Trung Quốc?


Việt Hà, phóng viên RFA 2014-01-29
Giáo sư Renato Cruz de Castro, giảng dạy môn quan hệ quốc tế, thuộc trường đại học De La Salle, Philippines thuyết trình về tình hình biển Đông tại Hà Nội năm 2011
Giáo sư Renato Cruz de Castro, giảng dạy môn quan hệ quốc tế, thuộc trường đại học De La Salle, Philippines thuyết trình về tình hình biển Đông tại Hà Nội năm 2011
Courtesy East See Studies
Nghe bài này
Tiếp theo sau việc chính quyền đảo Hải Nam của Trung Quốc đưa ra quy định về khai thác hải sản trên biển Đông, khiến nhiều nước trong khu vực lên tiếng phản đối, vào ngày 13 tháng giêng vừa qua, tờ báo China Daily Mail lại có một bài viết về khả năng Trung Quốc chiếm đảo Pagasa mà Việt Nam gọi là Thị Tứ, hiện do Philippines kiểm soát, trên quần đảo Trường Sa. Học giả Philippines nghĩ gì về những đe dọa mới của Trung Quốc nhắm vào nước này? Việt Hà phỏng vấn Giáo sư Renato Cruz de Castro, giảng dạy môn quan hệ quốc tế, thuộc trường đại học De La Salle, Philippines, về vấn đề này. Trước hết nhận xét về bài báo, Giáo sư de Castro nói:
GS. Renato Cruz de Castro: không có gì mới, quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã được huấn luyện để chuẩn bị cho việc họ gọi là giải phóng đảo Pagasa từ năm 2010. Họ đã gửi ra những tín hiệu. Vào tháng 8 năm 2010 họ đã có một cuộc tập trận lớn với giả định là họ lấy một hòn đảo đang được kiểm soát bởi nước khác. Họ đã gửi ra tín hiệu cho chính phủ của Tổng thống Aquino một tháng trước khi ông chính thức nhậm chức. Họ đã có sẵn kế hoạch và họ cứ liên tục gửi thông điệp là họ có khả năng và chiến thuật hợp lý để lấy đảo đó. Cho nên nó không mới. Có thể là người nào đó trong Bộ Quốc phòng hay Bộ Ngoại giao đã quyết định truyền ra bài báo đó để gửi ra thông điệp này lần nữa. Nó giống như một cuộc chiến tâm lý.
Không có gì mới, quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã được huấn luyện để chuẩn bị cho việc họ gọi là giải phóng đảo Pagasa từ năm 2010
GS. Renato Cruz de Castro
Việt Hà: Nếu điều này xảy ra, liệu Philippines có khả năng ứng phó?
GS. Renato Cruz de Castro: chúng tôi có thể làm gì nếu Trung Quốc quyết định chiếm đảo? Chúng tôi không có khả năng quân sự để thách thức Trung Quốc. Nếu điều đó diễn ra thì chúng tôi phải lãnh đạn.
Thủy quân lục chiến Philippines chuẩn bị lên tàu cho cuộc tập trận. (ảnh minh họa) AFP
Thủy quân lục chiến Philippines chuẩn bị lên tàu cho cuộc tập trận. (ảnh minh họa) AFP
Việt Hà: Ông có tin là Trung Quốc có thể thực hiện điều mà họ nói trong bài báo này?
GS. Renato Cruz de Castro: nó có thể xảy ra. Bởi vì trong lịch sử Trung Quốc thường gửi thông điệp, giống như trong chiến tranh Triều Tiên họ gửi thông điệp tới Ấn Độ rằng họ sẽ sử dụng vũ lực và vào năm 1962 họ gửi thông điệp nữa. Vấn đề là bạn thấy những thông điệp đó và nghĩ rằng đó chỉ là lời hù dọa không có thực. Nó giống như một con dao hai lưỡi, nó làm bạn lo sợ nhưng đó cũng là lời cảnh báo có thực. Họ có đủ khả năng để làm điều họ nói nhưng họ đang chờ thời cơ mà thôi.
Nó sẽ đặt Mỹ vào điểm nóng vì hiệp ước phòng vệ quốc phòng chung giữa hai nước nói rõ rằng bất cứ những tấn công nào nhắm vào các tàu của nhà nước Philippines trên biển Thái Bình Dương sẽ bị coi là tấn công vào nước Mỹ
GS. Renato Cruz de Castro
Việt Hà: Theo ông thì lúc nào là thời cơ cho họ và nhân tố nào sẽ ảnh hưởng đến thời cơ này?
GS. Renato Cruz de Castro: Lý tưởng nhất là trước khi Philippines thực hiện hiện đại hóa quân đội, chuyển trọng tâm chiến lược. Từ năm 2015, ngân quỹ sẽ từ từ chuyển từ an ninh nội địa sang bảo vệ lãnh thổ. Có thể là từ giờ tới 2015. Tất nhiên họ có một số nhân tố cần phải xem xét. Một trong những nhân tố là Mỹ sẽ phản ứng thế nào. Đó là nhân tố X. Nó sẽ đặt Mỹ vào điểm nóng vì hiệp ước phòng vệ quốc phòng chung giữa hai nước nói rõ rằng bất cứ những tấn công nào nhắm vào các tàu của nhà nước Philippines trên biển Thái Bình Dương sẽ bị coi là tấn công vào nước Mỹ.
Việt Hà: Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát tại Scarborough Shoal vào năm 2012, năm 2013 là bãi Cỏ Mây cũng do Philippines kiểm soát, và bây giờ bài báo này lại nói đến khả năng lấy một đảo lớn do Philippines kiểm soát tại Trường Sa, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với nhiều nước. Tại sao họ chỉ nhắm vào Philippines liên tục như vậy?
GS. Renato Cruz de Castro: chúng tôi nhận được sự đối xử ‘đặc biệt’ từ Trung Quốc sau khi chúng tôi gửi hồ sơ kiện lên tòa án quốc tế về luật biển của Liên hiệp quốc. Và họ sẽ tiếp tục làm nữa. Bài báo này chỉ là một trong nhiều hành động, tiếp theo sau việc Hải nam ra quy định về đánh bắt cá, cho phép Trung Quốc kiểm soát đến 80% diện tích biển Đông, bắt tàu cá nước ngoài phải đăng ký với Trung Quốc nếu không muốn bị bắt giữ. Họ đang gây thêm sức ép.
Việt Hà: nếu điều mà họ dọa thực sự xẩy ra thì nó ảnh hưởng đến Philippines thế nào?
Bây giờ đây là một cảnh báo dành cho Washington điều gì sẽ xảy đến, và cho thấy Mỹ sẽ thế nào nếu điều gì xảy đến với một đồng minh chiến lược. Vào lúc này thì chúng tôi hy vọng là Mỹ và có thể Nhật bản sẽ làm gì đó
GS. Renato Cruz de Castro
GS. Renato Cruz de Castro: Nếu điều này xảy ra thì đó sẽ là một cú sốc lớn đối với lực lượng quân đội của Philippines và chính phủ Philippines. Họ sẽ phải thực sự xem xét chuyển từ an ninh nội địa sang phòng vệ bên ngoài. Lịch sử cho thấy cú sốc về chiến lược khiến một quốc gia có khả năng đáp ứng với thực tế đang diễn ra. Những gì đang diễn ra ở Philippine hiện nay là có một sự chậm trễ trong việc chuyển dịch từ an ninh nội địa sang bảo vệ lãnh thổ trong lực lượng vũ trang của Philippines, bên cạnh đó là những bế tắc giữa Phillippines và Mỹ trong việc đàm phán để gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây.
Cho nên một khi cú sốc đó xẩy ra thì nó sẽ khiến chính phủ phải tích cực thực hiện những gì mà họ đáng nhẽ phải làm. Có thể họ sẽ phải thay đổi hiến pháp để cho phép Mỹ đóng quân tại đây. Chính phủ sẽ phải tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Hiến pháp hiện tại không cho phép như vậy vì luôn đặt ưu tiên vào giáo dục. Có thể Philippines cần một cú sốc từ bên ngoài.
Việt Hà: Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến an ninh khu vực nói chung?
GS. Renato Cruz de Castro: nếu điều đó xảy ra thì đó sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng vũ lực với một nước thành viên gốc của ASEAN và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng vũ lực với một đồng minh an ninh của Mỹ. Điều này sẽ đặt Mỹ vào vị trí nóng. Nhật bản sẽ nghĩ Mỹ để Trung Quốc sử dụng vũ lực với Philippines thì Mỹ cũng có thể để Trung Quốc dùng vũ lực với Nhật Bản.
Bây giờ đây là một cảnh báo dành cho Washington điều gì sẽ xảy đến, và cho thấy Mỹ sẽ thế nào nếu điều gì xảy đến với một đồng minh chiến lược. Vào lúc này thì chúng tôi hy vọng là Mỹ và có thể Nhật bản sẽ làm gì đó. Có thể Philippines sẽ chào đón sự có mặt của Nhật bản cho an ninh trong khu vực. điều này đã được Ngoại trưởng Philippines tuyên bố vào năm 2012. Philippines chào đón Nhật bản tiếp nhận vai trò tích cực hơn trong việc duy trì an ninh trong khu vực. Tôi nghĩ là họ có khả năng làm điều này nhưng họ đang gặp khó khăn vì những ràng buộc trong hiến pháp của họ. Nhưng theo tôi thì mọi sự đang dần thay đổi.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Copy từ: RFA


....................

Tân Hoa Xã: TQ mở kho lưu trữ tài liệu khẳng định chủ quyền Biển Đông


Bản đồ khu vực chủ quyền Biển Đông mà Trung Quốc khẳng định.
Bản đồ khu vực chủ quyền Biển Đông mà Trung Quốc khẳng định.
 
Tân Hoa Xã cho biết kho lưu trữ tài liệu lịch sử về Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) đã được giới thiệu cho công chúng ở tỉnh Hải Nam vào hôm thứ Hai.

Bản tin nói kho lưu trữ này có khoảng 30.000 tài liệu về Biển Đông tập họp từ những văn khố, thư viện và những cơ sở giáo dục từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và các nước khác

Bản tin dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Quốc gia nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa, nói rằng kho lưu trữ tập trung vào những tài liệu được tìm thấy khi Trung Hoa Dân Quốc ở đại lục trong giai đoạn 1912-1949 tìm cách thu thập bằng chứng lịch sử và pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Ngô nói cơ sở dữ liệu bao gồm tài liệu chính phủ, điện báo, tóm tắt hội nghị, hình ảnh và bản đồ, chứng minh các đảo trong khu vực nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc trước và sau Thế chiến II.

Ông Ngô cũng cho biết kho lưu trữ sẽ tiếp tục tích lũy và phân loại tài liệu.

Copy từ: VOA


....................

Các đại sứ Á châu đấu khẩu tại LHQ



Chuyến thăm của ông Abe tới Yasukuni đã gây tranh cãi
Căng thẳng giữa Nhật Bản và các nước láng giềng xung quanh chủ đề đền thờ Yasukuni và tranh chấp biển đảo lại nóng lên tại Liên Hiệp Quốc.
Các vị đại sứ Á châu đã lên tiếng chỉ trích lẫn nhau trong phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an hôm 29/1.
Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất nói chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới đền thờ Yasukuni đã "đóng chặt cơ hội đối thoại".
Đại sứ Nam Hàn thì cáo buộc Nhật có cái nhìn sai lệch về lịch sử.
Nhật Bản đáp lại rằng mang những vấn đề như thế này ra LHQ không có ích gì trong việc giảm căng thẳng.
Hội đồng Bảo an đã có phiên thảo luận mở về các bài học từ chiến tranh.
Phiên thảo luận này diễn ra vài tuần sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tới thăm đền thờ các tử sỹ Nhật, trong đó có một số tội phạm chiến tranh.
Các cuộc viếng thăm như thế này luôn khiến cho láng giềng của Nhật Bản giận dữ vì họ cho đây là chỉ dấu Tokyo không ăn năn vê quá khứ quân phiệt của mình.
Nhật cũng đang có tranh chấp về biển đảo với cả Trung Quốc và Nam Hàn.

'Cái nhìn sai lệch'

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại sứ Trung Quốc cáo buộc ông Abe đã "tưởng nhớ những kẻ hiếu chiến, tay dính đầy máu người dân các nước mà chúng xâm lược".
Đại sứ Lưu nói việc thay đổi lịch sử gây mất ổn định cho khu vực và thách thức quỹ đạo hòa bình của loài người.
Hàn Quốc thì cho rằng căng thẳng gia tăng tại đông bắc Á vì tình trạng thiếu tin tưởng giữa các quốc gia.
Đại sứ Oh Joon nói: "Điều này chủ yếu bắt nguồn từ việc lãnh đạo Nhật Bản giữ cái nhìn sai lệch về những gì đã xảy ra trong thời kỳ đế chế".
Phó đại sứ Nhật Bản tại LHQ, Kazuyoshi Umemoto, đáp lời rằng Nhật Bản chỉ cho đó là những chi tiết lịch sử và đã ăn năn hối lỗi nhiều lần về các hành động của Nhật.
Ông Abe, người được xem như như nhân vật theo dân tộc chủ nghĩa, nói chuyến thăm đền Yasukuni ngày 26/12 của ông chỉ mang tính chất riêng tư và có ý nghĩa phản chiến.
Đây là chuyến thăm Yasukuni đầu tiên của một thủ tướng Nhật đương nhiệm kể từ khi ông Junichiro Koizumi tới đây năm 2006.
Hoa Kỳ nói họ thất vọng về hành động này và muốn Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn cùng hợp tác để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên.
Mỹ cũng muốn quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc thân chặt hơn nhằm đối trọng với thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

Copy từ: BBC


..................

TPP- Đạt thỏa thuận với chính phủ Mỹ chưa hẳn là đã xong.


Sau những kết quả không ưng ý với WB, IFM ở chuyến hồi mua thu năm 2013. Việc chính phủ Hoa Kỳ sốt sắng  khi sớm thỏa thuận cho Việt Nam gia nhập TPP đã một điều an ủi Việt Nam ít nhiều.

Không vay được thêm tiền, không hoãn được nợ. Những hành động có tính cấp thiết để thu tiền từ trong nước là các đơn vị kinh doanh độc quyền tăng giá như dịch vụ viễn thông, xăng, điện. Cùng với việc đốc thúc thu ngân sách từ các tỉnh, thành...tăng thêm các khoản phí , truy thu nợ thuế ...được đồng loạt thi hành.

Việt Nam có một cái Tết khá ảm đảm so với nhiều năm trước đó.

Việc cổ phần hóa trước mắt những doanh nghiệp nhà nước không sinh lời là một giải pháp vừa cắt lỗ, vừa thu về được tiền ngay cho ngân sách, vừa đáp ứng được tiêu chuẩn vào TPP.

Trong khó khăn hiện tại, Việt Nam vẫn còn hy vọng phía trước là gia nhập được TPP. Một số ngành nghề khi vào TPP sẽ đem lại một sức sống mới cho nền kinh tế quốc nội.  Cho nên mặc dù khó khăn hiện tại chất chồng, Việt Nam vẫn dồn sức để phục vụ mục đích gia nhập TPP

Nói nôm na là nền kinh tế Việt Nam như một người đang bơi trên biển đã gần mất sức, TPP là một cái phao cần đến để bám vào dưỡng sức nuôi hy vọng. Cuộc thương thảo với bà bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ, phòng thương mại Hoa Kỳ và chính phủ Obama về TPP diễn ra khá nhanh chóng và thuận lợi.

Thuận lợi đến quá bất ngờ, đến mức mặc dù các thượng nghĩ sĩ Hoa Kỳ gây sức ép đòi hỏi  gay gắt chính phủ Mỹ về nhân quyền tại Việt Nam cũng không cản trở nổi tiến trình đàm phán của Việt Nam với Hoa Kỳ.

 Việt Nam đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ về TPP mà không phải nhượng bộ trong nhân quyền (như thả tù nhân bất đồng chính kiến nào đó)  khiến Việt Nam lại càng tự tin hơn trước các thế lực vẫn dùng nhân quyền để chỉ trích Việt Nam. Đã thế việc lọt vào chiếc ghế Hội Đồng nhân quyền LHQ ngay sau đó khiến các nhà tuyên huấn ở Việt Nam sung sướng bật thốt lên - Việt Nam một năm được mùa về nhân quyền.

Người ta nói - được mùa cau, đau mùa lúa.

Mấy nhà tuyên huấn chỉ nói miệng ăn tiền, đâu cần biết đến những vấn đề khác như đời sống nhân dân lao động đang ngày càng sa sút. Người lao động thưởng Tết bằng gạch, nước rửa bát, nước chấm...có nơi không thưởng Tết, có nơi thậm chí lương còn không có chả nói chi là thưởng.

Nhân quyền mà Việt Nam đạt được có mài ra mà ăn được không.?

Mài được, mài qua những hiệp định kinh tế được nới lỏng, khi nhân quyền được cải thiện.

Trở lại với câu chuyện về các thượng nghĩ sĩ đã bẽ mặt với Việt Nam, không áp đặt được chính phủ Obama đưa nhân quyền vào thương thảo với Việt Nam trong vấn đề TPP. Và niềm đắc thắng của Việt Nam khi qua mặt được các nghị sĩ lắm điều, hay soi mói , không thiện cảm với chính quyền Việt Nam bấy lâu.

Hôm nay các thượng nghị sĩ bất ngờ đe dọa bác bỏ thương thảo giữa chính phủ Obama về TPP. Không lấy vấn đề nhân quyền, các thượng nghị sĩ lấy quyền lợi của người lao động Hoa Kỳ làm tâm điểm để bác bỏ những gì chính phủ Obama đã thương thảo với Việt Nam về TPP.

Những bác bỏ này sẽ dựa trên một điều luật mà các thượng nghĩ sĩ Mỹ có quyền làm được.

Ông Reid lãnh đạo thượng viện Hoa Kỳ và ông Larry Cohen đứng đầu truyền thông công nhân Hoa Kỳ cùng bày tỏ ý định kiên quyết bác bỏ hiệp định thương mại Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ bàn thảo với Việt Nam. Phần đông các thượng nghĩ sĩ Hoa Kỳ có quan điểm giống ông Reid.

Và nguy cơ sẽ có một cuộc bỏ phiếu ở quốc hội Hoa Kỳ về chấp nhận hay bác bỏ nội dung bàn thảo của chính phủ Hoa Kỳ với Việt Nam trong vấn đề TPP.

Nhẽ ra chính phủ Việt Nam nên dĩ hòa với các nghị sĩ Hoa Kỳ. Chứ không phải thái độ đắc thắng trước yêu cầu về nhân quyền của các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ không được xem xét.

Nếu không vào được TPP, phải hoãn lại thêm thời gian nữa. Chả có hiệp định kinh tế để mài ra mà ăn. Chiếc phao phía Tây lại xa càng xa thêm, với sức lực như bây giờ, khó mà nói điều gì.

Chắc bơi sang cái phao phía Bắc cho gần hơn. Số phận của dân tộc Việt Nam đôi khi lại bị những kẻ tuyên huấn, bảo vệ tư tưởng  vì thành tích của mình mà cản trở lối thoát ra của đất nước. Không phải chỉ ở lần này mà đã từng xảy ra rất nhiều lần trước đây.

Copy từ: Người Buôn Gió’ blog 

“Dân còn biết phẫn nộ, là phúc của dân tộc vẫn còn”

Trò chuyện với con trai cố TBT Lê Duẩn:

“Dân còn biết phẫn nộ, là phúc của dân tộc vẫn còn” 

 

 “Dân còn biết phẫn nộ, là phúc của dân tộc vẫn còn”
Trong bất cứ lần trò chuyện nào với TS Lê Kiên Thành – con trai của cố TBT Lê Duẩn, tôi nhận ra mọi con đường đều đi về câu chuyện đất nước. Vận mệnh dân tộc là điều luôn ám ảnh ông. Những ngày Xuân này, khi Đảng tròn 84 tuổi, khi đất nước đang đối mặt với những thách thức lớn hơn bao giờ hết, câu chuyện đó càng trở nên nhức nhối….

PV: Năm 2013 và những ngày đầu năm 2014, một trong những sự kiện mà cả nước quan tâm nhất chính là vụ xét xử đại án tham nhũng của Dương Chí Dũng và đồng bọn. Khi Dương Chí Dũng tiết lộ những thông tin chấn động , một đồng nghiệp của tôi đã bình luận: "Khi nghe về con số 500 nghìn USD hay 1 triệu USD Dương Chí Dũng khai, thú thật tôi sửng sốt. Những người nông dân thu nhập vài trăm nghìn đồng một tháng, thậm chí chưa từng nhìn thấy tờ 100 USD trong suốt cuộc đời mình có lẽ sẽ còn sửng sốt hơn tôi rất nhiều. Dù tham nhũng đang là quốc nạn của chúng ta, những người dân như tôi có lẽ vẫn sẽ bàng hoàng về những con số đó…"
TS Lê Kiên Thành: Tôi kể ra điều này thì có lẽ đụng chạm đến những bạn bè tôi đang làm quan chức. Nhưng một lần ngồi ăn cơm với một số quan chức, những điều tôi nghe được khiến tôi giật mình. Có vị quan chức hồn nhiên nói với tôi: “Này, ngày xưa tôi nghĩ 1 triệu đô là nhiều lắm”. Tôi nghe và hiểu rằng, à vậy thì với họ bây giờ 1 triệu đô rất bình thường. Như tôi làm doanh nhân, tôi nhìn 1 triệu đô vẫn thấy ghê gớm, rất ghê gớm. Để kiếm tiền trong sạch, đó là số tiền thực sự không dễ kiếm. Vậy mà câu nói này lại nói ra từ miệng một vị quan chức cấp vụ thôi – không hề cao, thì để hiểu rằng góc tối trong cuộc sống của một số quan chức chúng ta hiện nay như thế nào…
PV: Nếu vụ án này được làm sáng tỏ, người giúp cho Dương Chí Dũng bỏ trốn bị trừng trị đích đáng, tôi tin lòng dân sẽ được xoa dịu trong lúc đang vô cùng bức xúc như thế này. Nhưng trong trường hợp xấu hơn, nếu như vụ án đó lại chìm xuồng và đi vào im lặng thì điều gì sẽ xảy ra với lòng dân?
TS Lê Kiên Thành: Tôi chỉ sợ người dân sẽ nghĩ rằng đương nhiên nó phải thế và họ chấp nhận nó, thì đấy sẽ là thảm họa. Nếu chuyện đó xảy ra mà người dân phẫn nộ, thì phúc của dân tộc vẫn còn. Không biết có phải tôi bi quan hay không, nhưng nhiều khả năng người ta sẽ chấp nhận nó, như bao sự việc mà người ta đã chấp nhận trước đây. Vì chúng ta đã quá quen với những vụ án tham nhũng được xử một cách đầu voi đuôi chuột từ trước cho đến nay. Vì chúng ta đã chứng kiến quá nhiều vụ án cần phải xử nhưng cuối cùng lại không xử, hay cần phải xử nặng thì lại xử nhẹ. Sự nương nhẹ rất khó hiểu mà chúng ta làm với cuộc chiến chống tham nhũng đã làm tối đi đường lối lãnh đạo của chúng ta.
TS Lê Kiên Thành: Người ta đã nhạo báng và thách thức cả xã hội. Chuyện Dương Tự Trọng – em trai Dương Chí Dũng đứng trước tòa nói một cách thản nhiên “tôi không khẳng định nhưng cũng không phủ nhận” – đó là kiểu nói của của người hiểu pháp luật và thách thức pháp luật.
PV: Nhiều người nói cái xuống cấp nhất, cái đáng lo ngại nhất, cái đáng báo động nhất chính là nền tảng văn hóa của dân tộc đang bị lung lay ghê gớm. Ông có cùng chung suy nghĩ đó?
TS Lê Kiên Thành: Trong năm vừa rồi, điều rõ nhất tôi cảm nhận được là chưa bao giờ cái xấu và tội ác đến với chúng ta bình thản như thế này. Người ta nhìn nó thản nhiên, như là điều tất yếu. Có những người dùng cái ác và cái xấu để sinh tồn. Có những người nhìn nó thản nhiên một cách lạ kỳ.
Việc một tên cướp bị tuyên án tử hình vì chém đứt tay một người và trước đó đã chém 14 người, nhưng bà mẹ đẻ ra thằng bé đó không hề mảy may ân hận. Bà ta chửi bới cả xã hội và nghĩ rằng tại sao phải chém tay mà không chém đầu. Đó là hình ảnh đáng sợ nhất: hình ảnh một người mẹ biết quý con mà không còn coi sự sống của người khác ra gì. Đó là điều quá lạ lùng với xã hội này. Và người ta hay nói đến văn hóa, nói đến đạo đức xuống cấp cho những trường hợp này.
Nhưng những gì đang diễn ra ở đất nước ta hôm nay, có lẽ mình phải hiểu khác đi. Ví dụ, tại sao nhiều người có tiền mà vẫn tham nhũng khủng khiếp như vậy? Có lẽ đó không phải văn hóa. Người ta hay nói “bần cùng sinh đạo tặc” – nhưng nhìn vào xã hội mình, đúng là đạo tặc có một phần từ bần cùng đi lên, nhưng một phần đạo tặc lại sinh ra bởi những người không bần cùng.
Những quan chức phạm tội ác tham nhũng mà chúng ta thấy trong những năm qua, họ đâu phải là những người bần cùng? Hãy nhìn qua những vụ án gần đây nhất sẽ thấy rằng những người hiểu pháp luật, bảo vệ pháp luật, họ vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng và đầy tính toán, tính toán sao để khi người ta bị bắt, người ta chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng là: chứng minh đi. Tức là người ta đã chuẩn bị cho tình huống đó.
Người ta đã nhạo báng và thách thức cả xã hội. Chuyện Dương Tự Trọng – em trai Dương Chí Dũng đứng trước tòa nói một cách thản nhiên “tôi không khẳng định nhưng cũng không phủ nhận” – đó là kiểu nói của của người hiểu pháp luật và thách thức pháp luật. Hành động đó, ở một góc độ nào đó,  không khác gì câu chuyện ông bác sĩ ném xác bệnh nhân trong vụ thẩm mỹ Cát Tường mà báo chí nhắc đến gần đây.
Và đáng ngạc nhiên nữa là có những tờ báo chính thống bênh vực, thậm chí là ca ngợi Dương Tự Trọng. Điều đó làm tôi cảm thấy khủng hoảng và mất hết phương hướng. Những người đứng ra bảo vệ lẽ phải cho chúng ta, những người đáng lẽ phải bảo vệ chúng ta mà còn như vậy mà còn như vậy thì chúng ta sẽ phải tin vào cái gì?
Nếu nói hành động đó hiểu được – tôi đồng ý. Nhưng thông cảm được thì không. Nhưng những người chức vụ cao, những người nắm truyền thông mà đưa ra những định hướng bảo vệ con người đó, hay tiếc rẻ gì đó về họ, thì tôi hiểu rằng những cái xảy ra như thế này không thể là đơn lẻ. Tôi đang nghĩ rằng chúng ta đang bị “biến dạng” một cách tổng thể mà văn hóa chỉ là một phần. Khi những người làm ra pháp luật, đang góp phần bảo vệ pháp luật lại không coi pháp luật ra gì; khi một xã hội mà nguyên tắc sống ở trong đó không được tôn trọng, không được bảo vệ bởi những người  đáng lẽ phải tôn trọng nó nhiều nhất thì chúng ta sẽ phải gọi tên những ngày chúng ta đang sống đây là cái gì? Tôi không thể cắt nghĩa cho con cháu mình được.
Tôi có nghe một số phóng viên nói tốt về Dương Tự Trọng. Nếu đúng là Dương Tự Trọng là con người đáng khen như thế thật, vậy thì tôi tự hỏi cái gì ở trong cái guồng máy xã hội ta biến con người đó thành ra con người như thế này? Chắc phải gì ghê gớm lắm đang tồn tại trong guồng máy này mà cứ đưa một người tốt vào thì hỏng.  Đó là sự thất bại của chúng ta. Nếu đúng là điều đó đang tồn tại mà chúng ta không bình tĩnh tìm ra hết hoặc cố tình không đối diện hay giấu diếm nó thì nguy hiểm vô cùng.
TS Lê Kiên Thành: Nói ra, tôi biết sẽ có nhiều người không hài lòng. Nói ra tôi biết có thể ảnh hưởng không ít đến những người xung quanh mình. Nhưng là Đảng viên, tôi thấy mình không thể không nói.  
PV: Để gọi tên được cái ghê gớm đó là gì có dễ không thưa ông?
TS Lê Kiên Thành: Tôi có rất nhiều người bạn đang làm chức vụ cao, nói thế này sẽ rất động chạm đến họ. Nhiều người cũng nói tôi sinh ra từ “cái lò” đó, tại sao lại nói ra những điều như thế này, nhưng nếu bình tĩnh mà suy nghĩ thì chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận điều đó thôi, đừng trốn tránh thêm nữa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Sự tồn vong của chế độ, sự tồn vong của Đảng đang đứng trước một thách thức cực kỳ lớn, lớn hơn cả thời kỳ Đảng phải trải qua một cuộc tàn sát trắng. Trong lịch sử Đảng đã từng ghi, có những lúc gần như không có một ông Trung ương ủy viên nào là không ở trong tù.
Có những thời điểm, ở nhiều địa phương, gần như không còn đảng viên nào. Nhưng chỉ cần còn một Đảng viên thôi, thì đó sẽ là tinh hoa của sự xả thân, là những người đủ sức mạnh kéo quần chúng đi theo. Chỉ cần một Đảng viên thôi – họ đã biết cách để trở thành đặc biệt trong mắt quần chúng. Còn đến giờ chúng ta có hơn 3 triệu Đảng viên. Nó đi xuống cả xã, cả phường, cả tổ dân phố, vậy mà chúng ta lại đứng trước quá nhiều thách thức. Điều đó quá đau lòng. Chúng ta nhất định phải đặt câu hỏi tại sao!

PV: Nhưng trong một vài năm trở lại đây, Đảng đã thể hiện quyết tâm chiến đấu với tham nhũng, với những bộ phận thoái hóa biến chất để bảo vệ sự tồn vong của Đảng?

TS Lê Kiên Thành: Chúng ta đã quyết tâm, nhưng sự quyết tâm đó chưa tới. Đất nước nào, xã hội nào bao giờ cũng có thiện, có ác, có tốt, có xấu, nhưng nó phải có một lằn ranh nào đó. Và cái xấu, cái ác phải trốn chui trốn lủi trong bóng tối như những tên trộm, tên cướp mới phải chứ?
Nhưng ở đất nước ta hiện nay, cái xấu đang trở thành cái đương nhiên mà cả người tốt và người không tốt đều chấp nhận nó. Khi cái xấu đã ngang nhiên tồn tại ngoài ánh sáng, nhơn nhơn diễu trên đường phố, len sâu cả vào lực lượng lãnh đạo, thì nghĩa là cách tổ chức xã hội của chúng ta đang không đúng! Sự vô cảm, thỏa hiệp của chúng ta trước cái xấu - điều đó theo tôi đáng sợ vô cùng. Nó làm triệt tiêu sự miễn dịch, triệt tiêu khả năng phản kháng của xã hội.
TS Lê Kiên Thành: Có người nói năm 2013 là cái đáy của khủng hoảng và 2014 mọi sự tốt đẹp sẽ đến. Nhưng tôi vẫn cho đó là sự lạc quan quá đà với những gì chúng ta đang có và đang chứng kiến trong thời điểm này, với rất nhiều vấn đề ta đang phải đối mặt.  
PV: Cha ông – cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là người giữ cương vị Tổng Bí thư lâu nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy mà ông không ngại nói ra những điều này?
TS Lê Kiên Thành: Nói ra, tôi biết sẽ có nhiều người không hài lòng. Nói ra tôi biết có thể ảnh hưởng không ít đến những người xung quanh mình. Nhưng là Đảng viên, tôi thấy mình không thể không nói. Nếu mà can đảm, nếu mà thông minh, nếu mà thực sự vì dân vì nước thì sẽ phải nghĩ đến tận cùng của sự tồn vong. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tham nhũng là ghẻ, nhưng nếu ghẻ khắp người mà chúng ta chặt hết đi thì cơ thể của chúng ta sẽ chết. Đó là cách làm vô ích. Mà cái ghẻ của chúng ta là cái ghẻ từ trong nội tạng. Chúng ta không thể vứt nội tạng của chúng ta đi, mà phải làm cái gì đó để thay đổi được gốc rễ của căn bệnh.
PV: Mùa xuân này, đất nước đã giải phóng gần 40 năm. Đảng cũng đã 84 tuổi. Nhưng chúng ta đang đối mặt với những khó khăn thực sự. Người Việt vẫn luôn hy vọng vào năm mới. Hy vọng của ông về đất nước những ngày sắp tới là gì?
TS Lê Kiên Thành: Có những điều kỳ diệu đã từng xảy ra cho dân tộc này: trong quá khứ khi chúng ta đang đói kinh khủng, chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo chỉ trong một sự thay đổi nhỏ. Đó là điều kỳ diệu. Chúng ta thắng Mỹ cũng là kỳ diệu. Nếu chúng ta mạnh dạn thay đổi, điều kỳ diệu có thể sẽ xảy ra như trong quá khứ. Sức sống của một dân tộc là vô cùng thần kỳ, nếu chúng ta có những bước đi đúng.
Có người nói năm 2013 là cái đáy của khủng hoảng và 2014 mọi sự tốt đẹp sẽ đến. Nhưng tôi vẫn cho đó là sự lạc quan quá đà với những gì chúng ta đang có và đang chứng kiến trong thời điểm này, với rất nhiều vấn đề ta đang phải đối mặt. Tôi không sợ những cái đáy tự nhiên. Tôi sợ hơn cả là những cái đáy do chính chúng ta tạo thành. Và sẽ còn những cái đáy sâu hơn cái đáy này gấp nhiều lần nếu chúng ta không dừng lại. Đó mới là cái đáy khủng khiếp nhất.
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đến sự tồn vong, tức là đã nói đến khái niệm sống và chết. Làm thế nào để chọn con đường sống chứ không phải là chết là điều quan trọng nhất Đảng phải làm lúc này. Sợ nhất là viễn cảnh chúng ta sẽ “chết” do sự tác động từ bên ngoài và khiến đất nước biến đổi mọi thứ theo hướng có lợi cho những lực lượng bên ngoài đó. Còn  nếu chúng ta tự thay đổi được để chọn con đường sống thì đó là phúc may cho dân tộc này…
Lan Hương (thực hiện)

Copy từ: Một Thế Giới

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2014