Tại Hội nghị toàn quốc về công tác tuyên giáo ngày 9.1 tại Hà
Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn kiến nghị: “Cần
cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí, dù đó là thông tin
nhạy cảm”. Lao động đã trao đổi với ông bên hành lang hội nghị.
Những vấn đề gai góc còn bị né tránh, ngại trách nhiệm
<?>Thưa Thứ trưởng, lâu nay các vụ việc, thông tin nhạy cảm, báo
chí rất khó, rất ngại để có thể đưa tin. Phát biểu của ông tại hội nghị
này có thể coi là gỡ bỏ những rào cản để báo chí có thể tiếp cận, đưa
tin, và như ông nói là bình luận để định hướng dư luận?
- Đó là suy nghĩ của tôi với tư cách người làm quản lý, và tôi mong là
báo chí được tiếp cận thông tin. Thực ra, trong tất cả các văn bản, kể
cả quy chế của Ban Bí thư về thông tin phức tạp, nhạy cảm, cũng như quy
chế về phát ngôn và thông tin cho báo chí nếu thực hiện tốt cũng đã giúp
cho báo chí có những nguồn thông tin quan trọng, chính xác, kịp thời để
thông tin đến công chúng. Nhưng trong thực tế, những người có trách
nhiệm thay mặt cho các cơ quan hành chính nhà nước, khi sự kiện xảy ra,
hoặc những thông tin mang tính thường xuyên thì không có chế độ thông
tin kịp thời. Thậm chí, đối với những vấn đề gai góc còn bị né tránh,
ngại trách nhiệm.
Chính vì thế, trước những vấn đề đó, cơ quan báo chí, nhà báo phải tiếp
cận những nguồn thông tin có khi độ tin cậy thấp hoặc khả năng xác định
độ tin cậy khó khăn. Cho nên thông tin thiếu chính xác, hoặc không đại
diện, không thể hiện hết đầy đủ tính chính thống. Đây là vấn đề trong
tổng kết 5 năm thực hiện quy chế 77 của Thủ tướng Chính phủ về cung cấp
thông tin cho báo chí, đã được đề cập. Vấn đề quan trọng nhất của báo
chí vẫn là vấn đề thông tin. Cho nên, việc đổi mới cung cấp thông tin là
vấn đề đang được đặt ra. Làm sao để các cơ quan ban ngành, địa phương
“chủ động, chủ động, chủ động” cung cấp thông tin cho báo chí.
Nếu thông tin báo chí đầy đủ thì vấn đề định hướng dư luận, về những vấn đề mà xã hội quan tâm chắc chắn sẽ rất thuận lợi.
Tôi lấy ví dụ trước khi đưa ra chủ trương đội mũ bảo hiểm chẳng hạn,
đây là vấn đề rất lớn, tại sao việc đội mũ, nhằm bảo vệ đầu cho người
dân, tính mạng của họ mà họ phản đối, họ chưa thông? Bởi vì chúng ta
chưa làm cho họ thấy tác dụng của nó. Đến khi báo chí vào cuộc nói rõ
mục đích, yêu cầu, lộ trình, cách làm thì họ thấy đó là lợi ích thực sự,
và 1 năm sau đó, người dân nghiêm túc thực hiện, nó trở thành không chỉ
là vấn đề bảo vệ tính mạng, mà còn là nét đẹp văn hóa của những người
tham gia giao thông. Ý nghĩa của vấn đề cung cấp thông tin là ở chỗ đó.
Hay ví dụ
vụ nổ pháo hoa
ở Mỹ Đình. Khi vụ nổ xảy ra, rất nhiều người lo ngại nếu đưa ra thì
ngày hôm sau kỷ niệm 1.000 năm người dân sẽ hoang mang, lo lắng. Nhưng
hóa ra không phải. Khi chúng ta cung cấp thông tin kịp thời, người dân
vẫn hồ hởi, vẫn phấn khởi tham gia các hoạt động đại lễ, đạt được mọi
mục đích yêu cầu đề ra. Tôi muốn nói đó chính là vấn đề cung cấp thông
tin đầy đủ, kịp thời.
Tôi nhớ lại chuyện cách đây lâu rồi, trong thời kỳ chiến tranh, có bộ
phim số phận con người, dựa theo tác phẩm của Solokhov, khi phim này
chiếu có người lo sợ đây là bộ phim ủy mị, xem rồi người lính sẽ “yếu
đi” khi ra mặt trận. Nhưng hóa ra, khi những người lính xem, lòng căm
thù nhân lên gấp bội, họ chiến đấu hăng hái. Bộ phim tạo cho người ta
khí thế và quyết tâm rất lớn.
Bởi vậy trước mỗi sự kiện, cầm xem xét đầy đủ các khía cạnh để thông tin kịp thời cho báo chí.
Sửa Luật Báo chí: Cần thêm thực tiễn
<?>Có một số mảng tin nhạy cảm về giải tỏa đền bù đất
đai, người dân biểu tình ở thủ đô, hay những căng thẳng ở biển Đông. Thứ
trưởng vừa nói trong những sự kiện như vậy, trận địa thông tin không
còn thuộc về báo chí chính thống, mà thuộc về truyền thông xã hội, về
báo chí nước ngoài khi báo chí chính thống không có thông tin, không
được quyền thông tin?
- Tôi muốn nói là tất cả những điều đó báo chí nên được cung cấp đầy đủ
thông tin. Ví dụ trong một cuộc đền bù, trước khi tổ chức cưỡng chế,
chúng ta cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí về nội dung, ý nghĩa,
cách thức và đề nghị báo chí tập trung định hướng tạo sự nhất quán trong
chỉ đạo giữa trung ương và địa phương, giữa báo chí và các cơ quan chỉ
đạo thì tôi nghĩ chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều.
<?> Quyền tiếp cận thông tin, cũng như nghĩa vụ cung
cấp thông tin đã được quy định, nhưng thực tế thì lại không được thực
hiện đầy đủ. Phải làm thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Trong thực hiện quy chế cung cấp thông tin và phát ngôn cho báo chí,
Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp ý kiến các bộ,
ban ngành, địa phương để có một quyết định thay thế Quyết định 77. Hiện
nay đã hoàn chỉnh. Trong đó sẽ có những chế tài, những quy định bắt
buộc. Nếu anh không thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin và phát
ngôn thì được xem là vi phạm quy định của Chính phủ, vi phạm quy định
của văn bản quy phạm pháp luật và anh sẽ bị xem xét. Tôi hy vọng, khi đó
tính nghiêm minh sẽ cao hơn rất nhiều. Tôi cũng phải nói là cần có thời
gian, để có sự làm quen của cán bộ công chức thay mặt cho cơ quan hành
chính nhà nước để phát ngôn báo chí có kỹ năng, bản lĩnh, tác phong thái
độ để đáp ứng yêu cầu này.
<?> Luật tiếp cận thông tin và Luật Báo chí sửa đổi
hiện đang được xúc tiến với tiến độ quá chậm. Vì sao lại chậm trễ đến
như vậy, thưa Thứ trưởng?
- Cái này phụ thuộc vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội thôi. Cơ
quan được giao trách nhiệm sẽ hoàn chỉnh một cách tốt nhất. Đối với
Luật Báo chí sửa đổi, tôi nghĩ trong sự phát triển có những loại hình
rất mới, như báo điện tử, cần có thời gian tổng kết để có cơ sở thực
tiễn, bởi vì đưa ra luật thì phải có tính ổn định, độ lâu bền ít nhất 10
- 15 năm. Luật hiện nay dù có những khiếm khuyết của nó, nhưng thôi cứ
thực hiện, và trong quá trình thực tiễn cái gì tổng kết, đưa vào luật
được sẽ làm.
<?> Sự nhạy cảm, được Bộ Thông tin và Truyền thông
cũng như Ban Tuyên giáo TƯ thường xuyên nhắc nhở báo chí, thưa Thứ
trưởng, nhạy cảm nên được hiểu thế nào? Và phải chăng không nên có loại
tin, sự kiện nhạy cảm để báo chí thực sự có thể chiếm lĩnh “trận địa
truyền thông”?
- Trong quy chế, Ban Bí thư có xác định cụ thể vấn đề thế nào là nhạy
cảm. Tôi cho rằng, việc xác định thế nào là nhạy cảm là một quá trình.
Bản thân một nhà báo xác định vấn đề nhảy cảm ở một mức độ khác. Tổng
biên tập xác định nhạy cảm ở một mức độ khác. Cấp cao hơn nữa lại khác.
Đây là quá trình tích lũy vốn sống. Bản thân báo chí có những cái anh
cảm thấy đôi khi thông tin đó có thể không sai, nhưng nếu cảm thấy phân
vân thì mình cũng hết sức cân nhắc. Chỉ cần mình hỏi lại về cái đó thì
tôi nghĩ nó đã giải quyết được nhiều thứ lắm rồi.
<?> Vừa rồi, cuốn “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức
nói về một giai đoạn lịch sử Việt Nam đang được phát hành trên mạng
Internet, Thứ trưởng nhìn nhận thế nào về ấn bản này?
- Việc xem xét một xuất bản phẩm theo quy định của Luật Xuất bản khi nó
được thực hiện thông qua một nhà xuất bản trong nước. Việc cuốn sách này
được đăng tải trên mạng cần coi đó như việc đưa thông tin lên mạng
Internet và căn cứ vào Nghị định 97 của Chính phủ để xem xét.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!