CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Eureka! Dọn tổng kho blog 300M sao lưu xuống máy chỉ mất 15 phút.


(Bài riêng cho dịch vụ Blogger (blogspot)

Sự nghiệp ăn chơi trên mạng quan trọng nhất là tài sản blog. Đối với bloggers ngưa ô  có nhiều ân oán giang hồ thì việc hack blog là nổi ám ảnh lơ lửng trên đầu, không biết bao giờ sét đánh.
Thỉnh thoảng biết đồng chí đồng rận hàng xóm cháy nhà, lão lo sốt vó! Ngặc nổi ! tải xuống máy một khối lượng đồ sộ 8000 bài, nặng 300 M là chiện không hề đơn giản, bể mình!  Mấm nút Xuất blog, Blogger chỉ tải hơn 12 M rồi chạy hoài mà chẳng thêm gì, chết trân ở đó.
Điên cái đầu, lò mò hỏi cha nội Gúc đéo có thông tin gì cho bài toán nan giải này. Hôm nay, tìm kiếm tiếp thì mới biết thàng Gúc có vũ khí bí mật mà lâu nay mình không biết, đó là: Takeout nó có thể giúp bạn tải mọi dữ liệu từ những dịch vụ Google - thuộc tài khoản bạn quản lý.

Ở đây, mình chỉ đề cập đến lưu trử dữ liệu Blog.
Theo trình tự:
Bạn truy cập Takeout 
Nhấp nút Chon dịch vụ ở trên > Nhấp tiếp vào nút Blogger > Xong Lưu tập tin. Xem hình.

Nhấp Tạo tệp lưu trử.

Google yêu cầu xác minh bạn có phải là chủ tài khoản
Nhập mật khẩu tài khoản gmail của bạn.
Tạo tệp lưu trử
Một lần nữa Google xác minh
Nhập mật khẩu tài khoản gmail của bạn.


Nhấp Tải xuống
Về máy, nó là một file nén ZIP, bạn giải nén
(thông thường Xuất blog là file có đuôi XML thì giờ là file ATOM)

Mình đã thử up dữ liệu lên blog đã thành công.

Nha sĩ khuyên dùng:
Muốn chơi blog mãn đời bất chấp phong ba bảo táp
- Hàng tuần nhớ lưu dữ liệu tải xuống máy một lần.
- Phòng cháy nổ: lập10 tài khoản Gmail xây sẵn chục cái blog, ví dụ Phamvietdao1,2,3,4,5...
- Khi bị mất blog thì úp ngược lên blog thứ 2,3..., quất tiếp chục năm nữa dãi sào luôn...hehe.
_________
 
 

Copy từ: Trần Hùng 09

Tỷ lệ máy vi tính tại Việt Nam bị nhiễm mã độc rất cao


Ban Biên Tập No Firewall
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo
2013/02/18

Theo bản tường trình đầu năm 2013 của công ty về an ninh vi tính Kaspersky liên quan đến lưu lượng spam (thư rác) trên toàn thế giới năm 2012, số lượng spam đã giảm hẳn trong năm 2012 so với hai năm trước 2011, 2010, vì một số botnet quan trọng được tin tặc dùng để gởi thư rác đã bị phá vỡ như Zeus, Bamital, Grum, Nitol, …. Các cơ quan cảnh sát quốc tế  chuyên về an ninh vi tính đã gia tăng khả năng truy lùng các máy chủ C&C (Command and Control) các botnet trên thế giới trong 2012.

Tuy nhiên điều quan trọng cần quan tâm là Việt Nam ngày nay tuy với số lượng máy điện toán và máy chủ (server) ít ỏi so với các quốc gia khác, đã trở thành quốc gia phát xuất gởi thư rác đứng hàng thứ 4 trên thế giới (4,6% tổng số thư rác trên toàn thế giới), so với Trung Cộng (19,5%), Hoa Kỳ (15,6%), Ấn Độ (9,7%). Các quốc gia này đều có số lượng máy vi tính và máy chủ gấp từ 10 lần cho tới 40-50 lần so với VN, hiện có khoảng 15 triệu địa chỉ IP riêng biệt (unique IP address) tương đương với khoảng 15 triệu máy vi tính + máy chủ. Trong khi tỷ số thư rác chỉ từ 2 tới 4 lần thấp hơn.


Phân tích việc này cho thấy số lượng máy vi tính bị tấn công và nhiễm mã độc (malware) tại Việt Nam, và trở thành một thành viên của một botnet, cao hơn từ 5 đến 10 lần so với Trung Cộng, Hoa Kỳ, hay Ấn Độ. Có một số lý do sau đây giải thích cho tỷ số nhiễm mã độc cao này:

1) Trong những quốc gia độc tài, ý thức bảo vệ, phòng chống về mọi lãnh vực (điện tử, y tế, giáo dục, xã hội, giao thông, …) đều không phát triển bằng các quốc gia tiền tiến dân chủ tự do, pháp trị. Do đó, sự thiếu vắng ý thức, hiểu biết về các nguy hại khi máy mình bị tấn công, dữ kiện riêng tư bị lấy trộm, khiến cho số lượng máy bị nhiễm tăng cao tại Việt Nam.

2) Tại Việt Nam, chi phí mua các phần mềm phòng chống mắc hơn so với mức lương thu nhập. Do đó, người sử dụng thường không mua. Trong lúc không biết có những phần mềm phòng chống mã độc rất thông dụng, hữu hiệu và nhất là miễn phí.

3) Công an mạng (CAM) lợi dụng tình trạng thiếu hiểu biết để tấn công, gài một số mã độc để biến một số máy vi tính tại VN trở thành botnet cho họ, cũng như điều khiển các máy này để tấn công DOS (denial of service / tấn công từ chối dịch vụ) các máy vi tính của các nhà dân chủ, máy chủ các trang mạng của các tổ chức đấu tranh cho dân chủ.

4) Các nhóm tin tặc chuyên nghiệp biết được những dữ kiện này đã tung ra nhiều chiến dịch để tấn công bằng gài mã độc, bẫy nhiều máy tại VN và thành lập những botnet để spam hay tấn công DOS các máy chủ trên thế giới.

Nhằm để bảo vệ máy vi tính chống lại việc gài mã độc bởi CAM hay các nhóm tin tặc, người sử dụng cần nắm vững một số nguyên tắc phòng chống căn bản sau đây. Những chi tiết được quảng bá rộng rãi trên trang mạng nofirewall.blogspot.com

Thứ nhất: Bạn cần cập nhật thường xuyên và một cách tự động hệ thống điều hành Windows (XP, Vista, Win7/8), trình duyệt Internet Explorer, Chrome, Firefox, Java, các phần mềm như Adobe Reader, Flash Player

Thứ hai: Cần cập nhật hàng ngày dữ kiện anti-virus trên máy. Bạn có thể tải xuống các phần mềm miễn phí như AVG, Avast, … trên máy theo hướng dẫn trên trang mạng nofirewall. Cần thiết lập cấu hình để quét đĩa cứng thường xuyên

Thứ ba: Bạn cần thật cẩn thận khi truy cập vào những trang nhà lạ trên mạng Internet hay nhận những thư rác có chứa những đường dẫn khả nghi. Không bao giờ nhấp chuột vào những đường dẫn này hay vào các hồ sơ đính kèm lạ. Xin xoá bỏ ngay trên máy.

Thứ tư: Cẩn thận khi gắn vào máy các thẻ nhớ USB. Không gắn vào máy các thẻ nhớ USB không rõ xuất xứ. Không tải xuống và cài đặt vào máy các nhu liệu khả nghi. 
 
 

Copy từ: No Firewall

Nhà báo VÕ VĂN TẠO: GIỮ ĐIỀU 4 MỚI CHÍNH LÀ SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC



Giữ Điều 4 mới chính là suy thoái đạo đức,
thưa ông Tổng Bí thư!

Nhà báo Võ Văn Tạo

Tối 25-2-2013, trong thời sự 19h, VTV1 phát đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “giáo huấn” tại Vĩnh Phú: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức… Xem ai có tư tưởng muốn bỏ điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa”.


Mô Phật! Một lần nữa, tôi nghe mà không tin vào lỗ tai mình! (lần trước, ông Trọng hể hả về chuyến đi một số nước châu Âu và Vatican: “Mình phải vị thế thế nào thì người mới thế chứ”; đã đề cập qua bài “Cái tầm của Tổng Bí thư”; nhiều người nhận xét ông Trọng như “trẻ con”).

Gác sang một bên chuyện chụp mũ, hăm dọa, trấn áp, bịt miệng, nhồi sọ… trong câu nói trên. Xin chỉ bàn đúng sai trong quan niệm về đạo đức, dưới nhãn quang của những người “cách mạng”.

Mọi đảng viên có lẽ không ai không đọc, hoặc chưa từng nghe nói đến bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Hồ Chí Minh – trong cương vị Chủ tịch Đảng Lao động VN (Đảng CSVN ngày nay). Tiêu đề bài viết này, về sau phổ biến gần như một trong nhiều khẩu hiệu của đảng.

Có nhiều quan niệm về chủ nghĩa cá nhân, lên án có (khi bàn về công bằng xã hội), ủng hộ có (khi bàn về nhân quyền và sáng tạo của trí thức).

Tuy nhiên, từ trước đến nay, trong tư duy được “định hướng” của lãnh đạo và đảng viên theo tinh thần bài viết trên của Hồ Chí Minh, người theo chủ nghĩa cá nhân là người chỉ cốt lo thu vén cho mình và gia tộc, làm phương hại lợi ích tập thể, quốc gia, dân tộc. Chưa một đảng viên nào làm nổi và/hoặc dám làm cái việc phản biện “chân lý” trên của Hồ Chí Minh.

Viết bài trên, Hồ Chí Minh khẳng định, với những người cách mạng, chủ nghĩa cá nhân chính là biểu hiện vô đạo đức rõ nhất. Cụ thể, ai biết đặt lợi ích bản thân dưới lợi ích tập thể, lợi ích tập thể dưới lợi ích quốc gia hoặc hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích tập thể, hy sinh lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể vì lợi ích quốc gia là có đạo đức. Tương tự, trong các dịp khác Hồ Chí Minh cũng đề cao quan điểm “mình vì mọi người”, “chí công vô tư”, coi đó là thước đo đạo đức cán bộ, đảng viên.

Mọi người có lương tri đều hiểu, chủ trương duy trì nền độc tài đảng trị, các lãnh đạo đảng CSVN triệt tiêu mọi nguồn lực trí tuệ bất phục tùng chủ nghĩa cộng sản. Không có đa nguyên, không có cạnh tranh thì trì trệ, xơ cứng là tất yếu. Điều đó không chỉ đúng trong chính trị – xã hội, mà đúng trong mọi lĩnh vực, kể cả tự nhiên. Giáo điều và xơ cứng, chủ trương kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đảng làm hao tổn khổng lồ tài nguyên, tiền vốn, kỹ thuật, chất xám và nhân lực… vào những Vinashin, Vinalines… vô chủ, cha chung không ai khóc – những bồ thóc béo bở của lũ chuột tham nhũng. Chủ trương nhà nước độc quyền sở hữu đất đai, đảng tạo cơ hội “vàng” cho đám tham quan câu kết với các chủ đầu tư “đục nước béo cò”, tước đoạt tàn bạo hàng triệu ha ruộng đất, nhà ở và phương kế sinh nhai truyền thống của hàng triệu hộ dân.

Muốn duy trì điều 4 trong Hiến pháp, ông Trọng muốn giữ độc quyền đảng trị. Tuy nhiên, không ít đảng viên, kể cả không ít đảng viên cấp cao, đều biết rõ cái độc quyền ấy thực chất chỉ cốt  duy trì quyền uy chính trị và đặc quyền đặc lợi vật chất cho những đảng viên có chức quyền biến chất. Hầu hết các đảng viên cấp thấp, không có chức quyền, không đặc quyền đặc lợi, hoặc có chức quyền nhưng lại có lương tri đều băn khoăn, lo lắng cho vận mệnh của đất nước trước hiện tượng suy thoái đạo đức của “một bộ phận không nhỏ” đảng viên hiện nay. Không ít đảng viên tâm huyết và có trí thức nhận ra sự thật phũ phàng: quay lưng với mọi thành tựu chính trị – xã hội của nhân loại (đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội), đảng CSVN đã quá lạc hậu, xơ cứng, bế tắc về đường lối, đang bị những kẻ vô liêm sỉ, cơ hội xấu xa núp bóng để đục khoét tham nhũng trắng trợn, trở thành vật cản kìm hãm vô cùng tai hại cho sự phát triển đi lên của đất nước, làm Việt Nam càng ngày càng tụt hậu và trở nên xa lạ so với khu vực và thế giới.

Đảng CSVN có hơn 3 triệu đảng viên, và số đảng viên hưởng đặc quyền đặc lợi chỉ là một phần trong số đó, trong khi cả nước có gần 90 triệu dân. Giữ điều 4 Hiến pháp là gì, nếu chẳng phải là khư khư độc quyền đảng trị như “đười ươi giữ ống”, giữ lợi ích bất chính cho một thiểu số người, bất chấp phương hại nặng nề tự do, hạnh phúc của nhân dân, kéo lùi tương lai phát triển của đất nước?

Như vậy, theo nhận thức của người viết bài này, rõ ràng quan điểm trên về đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ở Vĩnh Phúc hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Hồ Chí Minh trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Chúa ơi! Tôi ước gì mình nhận thức sai, chứ cỡ Tổng Bí thư mà cũng nhận thức sai thì nguy to rồi!

V.V.T./ Tễu blog







Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cái bẫy và tác dụng ngược

Những cái bẫy

Cái bẫy, thường là vật dụng để dụ đối tượng mắc vào trạng thái bất lợi mà mình mong muốn. Thông thường, cái bẫy được dùng để bẫy thú vật, chim chuột hoặc đi săn thú rừng. Thế nhưng, trong đời sống xã hội không thiếu gì các loại bẫy dùng để bẫy người. Thứ bẫy này tinh vi hơn, đa dạng hơn và tác hại hơn nhiều những thứ bẫy thông thường kia. Nhất là trong xã hội chúng ta hiện nay.
Cái bẫy đó có thể là một sự việc đơn giản nhưng cũng có thể là một chính sách, một chủ trương. Cũng có thể là “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, chịu sự giám sát của nhân dân”…  cũng có thể là một câu slogan như “Vì nhân dân phục vụ” nhưng lại “Còn đảng, còn mình”. Hoặc Quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, song lại “Trung với đảng”.
Tất cả đều dụ nhân dân, những người được đảng và nhà nước coi là “dân trí thấp” để thực hiện các mưu đồ của đảng mà gọi một cách rất văn minh là “Chủ trương, chính sách”.
cambay
Chẳng hạn, cái bẫy “hai bao cao su đã qua sử dụng” đã đưa Cù Huy Hà Vũ vào tù 7 năm vì tội tuyên truyền chống  nhà nước trong cái bẫy lớn “Người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tự do báo chí”. Cái bẫy “Nhìn thẳng vào sự thật” “chấp nhận sự khác biệt” đã đưa nhiều người vào nhà tù vì dám nói lên chính kiến của mình. Cái bẫy đó cũng có thể là mụ “tổ trưởng dân phố”đến chửi bới thô tục một người dân, khi người dân nói lại thì alê hấp, công an bắt vào đồn làm việc vài ngày. Có thể là đám “quần chúng tự phát” được chính quyền tổ chức, công an bảo trợ để bao vây, xông vào nhà thờ hò hét, đập phá, đánh người mà hoàn toàn vô tội. Cũng có thể cái bẫy là cuộc mời họp trịnh trọng, cảm ơn đầy đủ lịch sự để rồi sau đó mấy tiếng đồng hồ cắt nửa câu nói biêu riếu đánh đòn hội đồng, đẩy cả đám người dân thất học lên đồng tập thể vì “lòng yêu nước và tự hào dân tộc”.
Về kinh tế, gần dây nhất, dễ thấy nhất là cái bẫy “Nhà máy Dung Quất hiện đại nhất Đông Nam Á”, người dân vì “dân trí thấp” cứ vậy mà sướng, mà vui. Thậm chí để chắc ăn hơn, tờ Thông Tấn Xã Việt Nam còn tự sướng: “Dung Quất – khu kinh tế thành công nhất cả nước”. Nhưng đến lúc sự thật phơi bày là mỗi năm, dân cứ nộp vào đó 120 triệu đô la để nuôi báo cô cho cái “thành công nhất cả nước” ấy.
Mới đây, cái bẫy Bôxit Tây Nguyên là ví dụ nóng bỏng. Ngay từ đầu, nhiều tầng lớp nhân dân cứ tin vào câu “chịu sự giám sát của nhân dân” mà cứ can ngăn, ngăn chặn. Nhưng bằng một câu ráo hoảnh “Đây là chủ trương lớn của Đảng”, sự giám sát của nhân dân chỉ là cái… đinh. Thế rồi hôm nay, Bôxit Tây Nguyên trở thành gánh nặng mà nhân dân cứ thế oằn lưng trả cho việc phá môi trường, làm nát bét nền văn hóa Tây Nguyên, làm suy yếu nền anh ninh, quốc phòng, đào tài nguyên bán… để rồi chịu lỗ. Cứ mỗi năm, dân nộp thuế để nuôi dự án này khoảng 75 triệu đôla cho nó tiếp tục phá Tây Nguyên và người dân ngồi thấp thỏm chờ tai họa.
Thành công của những cái bẫy đó là chỗ nào? Có ai muốn giăng bẫy để mình chịu thiệt thòi hay không? Xin thưa là không. Sự thiệt thòi của đất nước, của nhân dân, của đất nước thì đã rõ. Còn với bộ máy “tham nhũng lan tràn” và có “bộ phận không nhỏ” đã trở thành những bầy sâu, thì những bầy sâu đục khoét nhân dân hiển nhiên hưởng lợi.
Chiếc bẫy không mới, thò ra chiếc lưỡi câu quá sớm
PhanTrungLy
Phan Trung Lý – Chủ nhiệm UB Pháp luật QH, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992:Không có cấm kỵ khi góp ý sửa Hiến pháp
Mới đây nhất, Quốc hội của đảng lại đã có “chủ trương lớn” là “lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến Pháp.
Mới nghe qua chủ trương này, đã có nhiều người lập tức bĩu môi: Lại trò mèo, lại lập lờ nhằm xây lô cốt trú ẩn cho đảng chắc thêm mà thôi. Đã bao lần bầu cử, lấy ý kiến nhân dân… tất cả đều “dân chủ”, đều “minh bạch” đều “công khai” và “được tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ, đồng tình” nhưng mèo vẫn hoàn mèo đó sao. Thế rồi cũng có những người quyết định: Tẩy chay, không có góp ý góp tứ gì hết, góp ý cho việc trước sau cũng là trò mèo, thì hẳn là mình đã công nhận trò mèo đó sao? Và người ta đứng ra ngoài cuộc. Thậm chí, có người còn trích dẫn hẳn câu nói của một cộng sản gộc đã cay đắng thốt lên: “Cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thể thay đổi được” – Boris Yeltsin. Nhưng, thay thế như thế nào thì chưa ai đưa ra được phương án.
Cũng không thiếu những người “dân trí thấp” thì hớn hở: Lần này, thêm lần này nữa thì chắc Đảng sẽ thành tâm đấy. Hết cơ hội giăng bẫy rồi, chẳng lẽ lại giở trò bẩn lần nữa sao. Chẳng là ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm UB Pháp luật QH, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã từng phát biểu: “Không có cấm kỵ khi góp ý sửa Hiến pháp” đó sao. Thậm chí, ông còn nói rõ ““nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả”. Mà Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất, Đảng cũng phải thực hiện theo pháp luật chứ. Thế rồi họ tin và góp ý chân thành.
TBT Nguyễn Phú Trọng: Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không?
Thế nhưng, khi thấy nhân dân hưởng ứng rầm rầm việc góp ý, thậm chí là có nhiều tiếng nói trung thực, được nhiều người ủng hộ rằng thì là không nhất thiết phải quy định trong Hiến Pháp về sự lãnh đạo của Đảng CS, nếu Đảng CS thật sự là “đội quân tiên phong” là “trí tuệ nhân loại” là “lương tri”, là “tinh hoa” thì chẳng cần nói nhiều dân vẫn theo chứ không việc gì phải luật hóa rằng “tao là bố mày” thì mới giữ được vị trí của mình. Thế rồi, những người dân đã mở mắt ra thấy rằng: À, thì ra trước đến nay mình không thấy cái đống đất đá chắn đường mình thật, phải dọn dẹp nó để mà đi.
Ta hại thay, miếng mồi Đảng đưa ra rất ngon đó đã được nhiều người bu vào rỉa gần hết mà bẫy thì chưa thể sập. Sợ lỗ nặng khi miếng mồi còn trơ xương lòi ra chiếc lưỡi câu trong đó, ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã phải lên tiếng: “… Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì? …”.
Đến đây, thì cái cửa bẫy đã phải sập xuống. Đảng sợ lỗ miếng mồi?
Thì ra, cái trò Góp ý đó không phải là để góp ý, mà là để “Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không?”. Cái ông TBT này quả là thâm hậu, thế mà dân gian cứ tặng cho ông xú danh là Lú thì quả không hẳn đúng.
Quả thật, để xem người ta hàng ngày ăn gì, mỗi tháng được bao nhiêu lương mà mua nhà, mua xe, có hàng đống tiền cho con đi học nước ngoài, tiêu tiền như xé giấy… thì dễ, chứ còn để biết ai “muốn” cái gì thì là rất khó, vì trong xã hội Việt Nam thời Cộng sản, việc nói dối, làm dối, báo cáo dối, xử sự dối… đã thành nét “văn hóa mới”. Càng như vậy thì đọc được ý muốn, ý nghĩ người khác đâu phải dễ dàng. Vì vậy mà Đảng mới giở trò “Góp ý mà không có vùng cấm” này đây chăng? Tưởng rằng trò tương tự này đã được thể hiện trong các cuộc “lấy ý kiến nhân dân” cho Dự tháo Báo cáo chính trị mỗi kỳ Đảng họp rồi cơ mà?
À, thì ra thế, cứ không theo ý Đảng, thì là suy thoái về chính trị, đạo đức? Vậy suy thoái là suy thoái thế nào? Có phải nếu ủng hộ quyền làm chủ thật sự của người dân là suy thoái, có phải nếu không để quân đội chỉ bảo vệ đất nước là nhiệm vụ cao nhất mà để bảo vệ Đảng mới là nhiệm vụ chính thì mới là không suy thoái? Có phải cần có sự canh tranh, giám sát để cái “đỉnh cao trí tuệ” đỡ làm bậy, đỡ đốt tiền dân nuôi một lũ tham nhũng thì là suy thoái? Có phải muốn xây dựng một hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền, xét xử đúng người, đúng tội, đúng luật mà đảng không can thiệp được bằng những vụ án bỏ túi là suy thoái?
Xin thưa, đó không phải là suy thoái về đạo đức, mà đó là sự suy thoái uy tín, vị trí của sự độc tài, tham nhũng mất lòng dân.
 Tác dụng ngược của cái bẫy
Ngoài những người tẩy chay, những người chân thành góp ý, cũng có những người đã hiểu rằng cái bẫy được sản xuất ra đợt này cũng như bao đợt khác mà thôi. Song họ vẫn cứ vào cái bẫy đó, sử dụng nó có ích cho mình.
Nhóm nhân sĩ trí thức được khởi xướng bởi 72 người đã hưởng ứng “chủ trương lớn” này ngay từ đầu. Bằng trí tuệ của mình, đây là dịp để các nhân sĩ, trí thức được thể hiện ý kiến của mình với lời hứa của quan chức của Đảng là “Không có vùng cấm”. Và như vậy, Bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp đã ngang nhiên được phát động và kêu gọi mọi người đọc, hiểu, ký tên đồng tình. Thậm chí, một bản Hiến Pháp được nêu ra tham khảo đã đàng hoàng gửi đi.
HÌNH KÝ TÊN (3)
Người dân nô nức đọc và ký tên vào Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp
daivaomat
Tác dụng ngược(!)
Nếu như trước đây hai năm, Cù Huy Hà Vũ bị kết tội “đòi đa nguyên đa đảng, đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của Đảng” và được vào tù, Lê Công Định đã bị kết tội năng nề vì tham gia viết Tân Hiến Pháp, nếu một số người vẫn trả giá bằng những năm tháng tù tội chỉ vì “dám kêu gọi từ bỏ điều 4” và những bản án không khoan nhượng đó đã làm khiếp sợ bất cứ ai dám nghĩ đến việc đụng đến điều 4, thì ngay trong cái bẫy này, những trí thức đã ngang nhiên đưa bản Hiến pháp tham khảo đàng hoàng không còn nội dung điều 4 kia nữa.
Nếu như những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, chỉ với những lời dọa nạt, bắt bớ mà mỗi cuộc chỉ có vài ba trăm, dăm trăm người tham gia trong cái thành phố 7 triệu dân, dù lòng yêu nước của người Việt Nam vẫn nồng nàn. Thì việc bản Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp chỉ trong vòng một tháng có đến 6000 người ký tên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều đó, chứng tỏ đất nước này, người dân này không phải vì “dân trí thấp” mà chỉ vì nỗi sợ hãi truyền kiếp và những ngón đòn bạo lực khủng khiếp đã ngấm sâu vào phản xạ của họ. Và đây là một cơ hội để họ bày tỏ ý kiến của mình. Chính cái bẫy này là một cơ hội để người dân tận dụng nói lên ý nguyện của mình cách rõ ràng nhất, nhưng bẫy không thể sập nhốt cả hàng ngàn, hàng vạn con người.
Và như vậy, thì cái bẫy đã không sập vào nạn nhân, trái lại chính kẻ giương bẫy đã tự mắc vào chiếc bẫy của mình.
Thói đời là vậy, “Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta” – Truyện Kiều, Nguyễn Du.
Hà Nội, 25/2/2013
  • J.B Nguyễn Hữu Vinh


ĐỪNG BIẾN HIẾN PHÁP THÀNH CÔNG CỤ CƯỚP ĐẤT CỦA DÂN


Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mở con đường thênh thang cho chính quyền thu hồi đất phục vụ “dự án phát triển kinh tế – xã hội”. Đây là cái vỏ bọc rất tốt để nhập nhằng giữa dự án kinh doanh lợi nhuận và dự án phục vụ lợi ích xã hội, tạo điều kiện rất tốt phát sinh tham nhũng một cách tinh vi. Tại quận Tây Hồ, đám “tham mưu” thấy mảnh đất nào của dân ngon lành là về vẽ ngay ra được một dự án (đương nhiên sẽ được gắn tên “phục vụ phát triển KTXH”). Rất nhanh, dự án được các ban ngành thẩm định, Chủ tịch quận phê duyệt cùng với nó là quyết định thu hồi đất được soạn sẵn gí vào tay Chủ tịch ký.

Hiến pháp hiện tại:

Điều 18
Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm đất, được chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật. Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai.
Bản HP này không chỗ nào đề cập việc thu hồi đất. Nay, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cài thêm khoản 3 để các quan dễ làm ăn:
Điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18):
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường:
Trong trường hợp thật cần thiết vì … các dự án phát triển kinh tế – xã hội”…
Như vậy, dự thảo Hiến pháp đã mở rộng đường cho chính quyền thu hồi đất phục vụ “dự án phát triển kinh tế – xã hội”, đây là cái vỏ bọc rất tốt để nhập nhằng giữa dự án kinh doanh lợi nhuận và dự án phục vụ lợi ích xã hội, sẽ tạo điều kiện rất tốt phát sinh tham nhũng một cách tinh vi. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, người dân bức xúc, khiếu kiện nhiều do chính quyền thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội nói chung, bồi thường cho dân chưa thoả đáng, giải quyết chưa hài hoà giữa lợi ích của người bị thu hồi đất và chủ dự án đầu tư.
Ở các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi nhuận, các quan chức, chủ đầu tư sẵn sàng chạy dự án, chạy chính quyền để ra quyết định thu hồi đất với giá đền bù rất rẻ mạt. Chính mảnh đất này, ngay lập tức, sẽ được bán trao tay trên giấy kiếm bộn tiền. Lợi nhuận đó không vào túi nhà nước, không vào túi nhân dân mà vào túi quan tham. Hậu quả chính trị và xã hội thì nhà nước và toàn dân phải chịu.
Trên địa bàn quận Tây Hồ, đám “tham mưu” thấy mảnh đất nào của dân ngon lành là về vẽ ngay ra được một dự án (đương nhiên là phục vụ phát triển KTXH. Có dự án nào không để phục vụ phát triển KTXH?). Rất nhanh, dự án được các ban ngành thẩm định, Chủ tịch quận phê duyệt cùng với nó là quyết định thu hồi đất được soạn sẵn gí vào tay Chủ tịch ký.
Đền bù ư? Theo đơn giá nhà nước. Nếu tử tế thì tay Chủ tịch sẽ lùa toàn hệ thống chính trị vào cuộc tỉ tê rằng đã vận dụng tối đa mọi chính sách có lợi cho dân. Nó mà quân phiệt nhá: công an đâu, bộ đội đâu, đầu gấu đâu, các công cụ chuyên chính khác đâu. Loáng cái, gạch đá cũng vỡ vụn, nói chi mạng người (như nhà anh Vươn kia kìa). Đấy là chưa nói nó sai chính quyền cấp dưới đì anh bằng nhiều cách khác. Không chứng nhận lý lịch cho con đi học, đi làm … Không ký làm các giấy tờ khác … Không cho làm hộ khẩu, chứng minh thư, xác nhận để cấp hộ chiếu, thủ tục điện, nước v.v.
Kiện à? Tòa án, Viện Kiểm sát đều chịu sự chỉ đạo của quận ủy và đều nằm trong ban bệ cưỡng chế, thu hồi đất. Chẳng nhẽ tòa lại giơ dao tự chặt tay mình? Cấp thành phố và Trung ương còn tởm lợm hơn, thưa các vị. Toàn quận vừa qua ngập tràn các dự án “chỉnh trang”, thu hồi đất “xen kẹt” … mà tích tắc sau khi lấy ra từ tay dân với giá rẻ mạt, thậm chí lấy không, nó được bán lại cho giới đầu cơ với giá gấp 10 lần. Lắm trường hợp dự án được mua đi, bán lại trên giấy nhiều lần ngay cả trước khi thu hồi, ngay khi dân vẫn đang sinh sống hợp pháp trên đó.
Quy hoạch ư? Đấy là giấy vụn. Ngay như dự án Cầu Nhật Tân: Quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt một đằng. Thành phố nó đi làm một nẻo, nó thách thức Thủ tướng đấy. Làm được gì nhau. Đấy là dự án lớn nhé. Với quy hoạch nhỏ, quận và thành phố nó tự điều chỉnh kín với nhau thì bố thằng dân nào biết.
Tinh vi hơn, chúng có thể vẽ ra dự án công ích rất hoành tráng. Thu hồi đất xong xuôi, chúng bịa ra trăm nghìn lý do để ban hành quyết định “chuyển đổi mục đích sử dụng”, biến đất ngon đang là của công thành dự án sinh lời cho tư nhân. Hạn mức thu hồi đất cũng không là cái đinh gì. Chúng có thể xé nhỏ thành nhiều dự án để lách mọi quy định. Cũng có quy định về công khai đấy. Chúng nó bảo đã công khai lâu rồi thì thằng dân làm gì được. Bởi pháp luật hiện tại không quy định rõ hình thức, địa điểm, thời gian, nội dung công khai.
Nếu Hiến pháp này được thông qua, chắc chắn toàn cõi Việt Nam, từ làng trên, xuống xóm dưới sẽ phút chốc biến thành đại dự án thu hồi, giải phóng mặt bằng đất đai với hàng triệu, hàng triệu vụ thu hồi đất phục vụ “phát triển kinh tế xã hội” kiểu như trên và Việt Nam sẽ nhanh chóng soán ngôi Trung Quốc vươn mình thành cường quốc dân oan số 1 thế giới. Hậu quả về chính trị, kinh tế, xã hội vô cùng to lớn, không thể lường hết được. Thật dễ dàng khi đến tỉnh thành nào trên cả nước cũng đều bắt gặp nhan nhản các cánh đồng chết, tức là đất thu xong từ tay dân và để hoang đó, không phục vụ kinh doanh sản xuất, lãng phí ghê gớm.

( Theo Cầu Nhật Tân)




Copy từ: NV Phạm Viết Đào 

CHƯA ĐẦY 24h ĐÃ ĐUỔI VIỆC NHÀ BÁO NGUYỄN ĐẮC KIÊN



Anh Nguyễn Đắc Kiên không còn tư cách là phóng viên Báo Gia đình & Xã hội
17h59-26.2.2013
GiadinhNet - Báo Gia đình & Xã hội xin thông báo, do anh Nguyễn Đắc Kiên (nguyên phóng viên) vi phạm Quy chế hoạt động của Báo và Hợp đồng lao động nên Hội đồng Kỷ luật của Báo Gia đình & Xã hội đã họp và ra Quyết định kỷ luật, buộc thôi việc đối với anh Nguyễn Đắc Kiên. 
Hiện nay anh Nguyễn Đắc Kiên không còn tư cách là phóng viên Báo Gia đình & Xã hội và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật với các phát ngôn, hành vi của mình. Các đơn vị, cá nhân lưu ý khi liên hệ công việc, đề nghị liên hệ thẳng với Tòa soạn, không qua anh Nguyễn Đắc Kiên. 
GĐ&XH 




Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị kỷ luật đuổi việc chỉ chưa đầy 24 h sau khi viết bài này.
Copy từ: TS Nguyễn Xuân Diện

LIỆU ÔNG TRỌNG CÓ THOÁI HOÁ BIẾN CHẤT ?



 HOÀNG MINH QUANG
Vừa rồi nghe ông Trọng lên án những người góp ý sửa đổi hiến pháp 1992 không theo ý của đảng ông là “thoái hoá biến chất”,bổng nhiên tôi nghĩ chính ông Trọng đã “thoái hoá biến chất”. Không phải ông ấy nói riêng với đảng viên vốn được đảng nhét tai,bịt miệng mà ông dùng chữ “người ta” để chỉ chung cho mọi người .
      Vậy vừa qua ai đã có những ý kiến trái với đảng của ông Trọng ?
       Như mọi người đều biết, cho đến nay đã có hơn 5.300 người đã ký vào kiến nghị đòi sửa đổi hiến pháp và ủng hộ bản HIẾN PHÁP NĂM  2013 ,do 72 nhân sĩ trí thức và cán bộ lão thành cách mạng soạn thảo,công bố trên Bauxite và nhiều trang mạng:
1-    Yêu cầu xóa bỏ điều 4,
2-    Không công nhận sự lãnh đạo độc quyền,
3-    Đòi đa nguyên đa đảng,
4-    Đòi quân đội không là của riêng của đảng,chỉ biết bảo vệ đảng,
5-    Đòi tam quyền phân lập
Những người ký kiến nghị ấy là những người trí thức hàng đầu đất nước,là những cán bộ lão thành công thần cách mạng và những công dân . Nhiều người trong 5.300 người đã ký kiến nghị là bậc thầy của Trọng và rồi dây,chắc sẽ còn nhiều người tham gia ký và nhiều người vì lý do này khác ,không có máy móc và điều kiện ký,nhưng trong lòng,họ cũng  ủng hộ 5 nội dung trên. Song song với việc ký kiến  nghị đòi sửa hiến pháp và ủng hộ bản HIẾN PHÁP NĂM 2013 , trên nhiều báo chí và trang mạng đã có nhiều bài viết phân tích  rõ những bất cập của hiến pháp dự thảo do đảng đưa ra cần sửa chữa .
Vậy, tại sao Nguyễn Phú Trọng lại dám hỗn láo phát biểu bảo những người ấy là thoái hoá biến chất?  Theo tôi, họ có quyền kiện ông Trọng ra toá án trong nước và toà án nhân quyền thế giới .
   Gọi xã hội ta theo lời Lê nin “có dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư bản’’ (gần đây ba Doan đã hạ xuống còn một vạn lần), vậy mà xử sự của ông Trọng đối với dân như vậy có phải là kiểu xử sự dân chủ?
     Liệu ông Trọng có thoái hoá biến chất hay không mà lại chống dân chủ đến vậy? Là một người lãnh đạo tối cao của đảng,sao ông Trọng lại làm mất đi lòng dân như vậy ? Suốt quá trình từ khi đảng đưa điều 4  vào hiến pháp,phần nhiều đảng CSVN không nghe ý kiến đúng đắn của trí thức và ý dân ,nên đã gây ra không biết bao nhiêu tai hoạ. Sự yếu kém của nước ta so với những nước trong khu vực ,chính là do sự độc trị .Khi đã độc trị sẽ dẫn đến độc tài,độc tài dẫn đến thoái hoá biến chất . Nhiều việc làm của đảng đã được công nhận là đảng có bộ phận không nhỏ  thoái hoá biến chất. Riêng phát biểu của Nguyễn Phú Trọng vừa rồi kết tội mạt sát  những nhà trí thức,những công thần cách mạng những công dân đất nước là một kiểu thoái hoá biến chất không thể chấp nhận.




Copy từ: NV Phạm Viết Đào

Nhà báo NGUYỄN ĐẮC KIÊN: VÀI LỜI VỚI TBT ĐẢNG CSVN NGUYỄN PHÚ TRỌNG


Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Đắc Kiên – Nhà báo, báo Gia Đình & Xã Hội

26-02-2013

Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”(*)

Bằng tất cả sự tôn trọng với người đang đứng đầu một đảng chính trị của VN, tôi xin nói với ông Nguyễn Phú Trọng vài lời như sau:

Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.

Tiếp theo, xin đi vào nội dung, ông nói suy thoái về đạo đức. Tôi muốn hỏi ông, đạo đức của ông đang muốn nói là đạo đức nào? Đạo đức làm người? Đạo đức công dân? Đạo đức dân tộc VN? … Tôi tạm đoán là ông đang muốn nói đến đạo đức người cộng sản của các ông. Vậy, các ông cho rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta, khi chưa có chủ nghĩa cộng sản vô đạo đức hết à? Thế ra, những người không theo đảng cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à?

Tiếp theo, xin đi vào nội dung suy thoái chính trị, tư tưởng. Tôi muốn hỏi ông, chính trị, tư tưởng ông đang muốn nói là chính trị, tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng cộng sản? Vậy ra chỉ có đảng cộng sản của các ông là duy nhất đúng à? Cá nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế. Cùng lắm ông chỉ có thể nói với các đảng viên cộng sản như vậy, nhưng ngay cả với các đảng viên cộng sản, ông cũng không thể quy kết tội suy thoái cho họ. Nếu không tin, ông thử đọc lại Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đảng các ông ban hành xem. Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng…  đi ngược lại lợi ích của nhân dân là suy thoái. Ông đương kim tổng bí thư ĐCS VN thử đọc lại và nghĩ lại chỗ này xem.

Bây giờ, tôi trân trọng tuyên bố những điều tôi muốn: 

1- Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới để Hiến pháp đó thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.

2- Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.

3- Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc. 

4- Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.

5- Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tức đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.
—–

(*) Nguồn: Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2; phần âm thanh và gỡ băng của Anhbasam.


Copy từ: TS Nguyễn Xuân Diện

12 NGÀY TRONG 'THẾ GIỚI TÂM THẦN' - PHẦN II


Hà Nội, 25/2/2013
Lê Anh Hùng

Phần II – Cuộc sống trong “thế giới tâm thần”
Trung tâm Bảo trợ Xã hội II là một trung tâm chăm sóc đối tượng xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội. Trước kia, nó chuyên chăm sóc người tàn tật cũng như các đối tượng xã hội khác; bệnh nhân tâm thần cũng có, nhưng không nhiều. Từ tháng 6/2012, khi Trung tâm Bảo trợ Xã hội IV ở Ba Vì (nơi chăm sóc bệnh nhân tâm thần đã qua điều trị ở các bệnh viện tâm thần) quá tải thì Trung tâm BTXH II mới bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân tâm thần từ Ba Vì chuyển qua và từ nơi khác đến. Lúc tôi đến thì ở đây đã có 30 bệnh nhân, đến khi tôi về thì con số này là 34 người. Phần lớn số bệnh nhân này mang bệnh nhẹ, hoặc đã đỡ nhiều. Song cũng có một vài bệnh nhân khá nặng, thậm chí có người còn thường xuyên ỉa đái cả quần.

Tôi được bố trí ở trong một căn phòng khoảng 12m2 với 4 giường đơn dành cho 4 người. Toàn bộ khu vực bệnh nhân tâm thần nam bao gồm 1 phòng lớn rộng khoảng 50m2, chứa trên dưới 10 người; 5 phòng nhỏ như phòng của tôi, mỗi phòng chứa 4 người; 2 phòng dành cho bệnh nhân lên cơn kích động cần cách ly, không có giường mà chỉ có bệ xi-măng lát đá hoa, với bồn cầu riêng; 1 nhà kho chứa quần áo bệnh nhân, chăn màn, vật dụng vệ sinh; 1 khu vệ sinh chung với 2 phòng tắm nhỏ và 3 phòng vệ sinh. Khu nhà có hình chữ nhật, gồm 1 dãy nhà chính (5 phòng nhỏ + 1 phòng lớn) và một dãy nhà phụ (khu vệ sinh, 1 phòng kho và 2 phòng dành cho bệnh nhân kích động). Trước mặt dãy nhà chính là tường của một toà nhà khác. Ở giữa khu nhà là một khoảng sân hình chữ nhật rộng chừng 100m2. Đối diện với dãy nhà phụ là cửa chính thông ra ngoài của khu nhà, cửa xếp bằng sắt, luôn được khoá cẩn thận mỗi khi cán bộ, nhân viên trung tâm ra vào. Một bên cửa chính là phòng dành cho CBCNV trực. Trong phòng có đặt một chiếc TV Samsung 21 inch, thường bật lên cho bệnh nhân xem qua cửa sổ.

Sân và hai phòng dành cho bệnh nhân lên cơn. Ảnh: Ngô Nhật Đăng

Theo tìm hiểu của tôi, mỗi bệnh nhân hàng tháng được 700.000VNĐ tiền ăn và 15.000VNĐ tiền mua thuốc, một năm được phát một bộ quần áo. Chăn màn và quần áo ấm cho bệnh nhân phần lớn là do quyên góp hay do các tổ chức và cá nhân tặng. Một cô hộ lý tâm sự với tôi là quần áo rét thì hiện tạm ổn nhưng trung tâm đang lo thiếu quần áo lót cho bệnh nhân trong mùa hè tới, bởi mùa hè trời nắng, bệnh nhân hay lên cơn mà mỗi lần như thế họ thường xé quần áo của mình. Do số tiền được cấp mua thuốc ít ỏi nên có bệnh nhân bệnh tình không những không cải thiện mà còn xấu hơn lúc mới đến.
Khoảng 6h sáng, bệnh nhân được đánh thức đồng loạt rồi ra sân tập thể dục (trừ những ngày trời mưa). Sau đó, họ làm vệ sinh cá nhân và chờ ăn sáng, uống thuốc. Việc tắm giặt được nhân viên quan tâm khá chu đáo. Trời nắng thì bệnh nhân tắm trong khu vệ sinh, trời lạnh thì họ được đưa ra ngoài tắm nóng lạnh ở khu nhà gần đó. Việc giặt giũ quần áo, chăn màn do nhân viên trung tâm đảm nhiệm. Một vài bệnh nhân tỉnh táo, ưa sạch sẽ thì tự giặt quần áo của mình.
Ở đây, bệnh nhân được ăn ngày ba bữa. Bữa sáng vào lúc 7h30, với thực đơn luân phiên: bánh mì, bánh chưng, bánh nếp, bánh giò… Bữa trưa ăn vào lúc 10h30 và bữa chiều vào lúc 16h30. Thực đơn hai bữa chính thường gồm một món thịt và một món canh hay rau, cũng luân phiên đổi món hàng ngày: thịt lợn/thịt gà/trứng vịt luộc (1 quả)/giò chả (1 khúc)... Nhân viên trung tâm trồng rau trong những khu đất dành cho mục đích tăng gia sản xuất rồi bán lại cho trung tâm; ngoài ra, họ còn trồng rau ở nhà và bán cho trung tâm để cải thiện đời sống. Nhờ thế, mọi người ở đây đều được ăn rau sạch, thứ của hiếm trên các khu chợ ở Hà Nội. Ban đầu, tôi phải ăn với một tô đựng cả cơm lẫn thức ăn (kể cả canh) như các bệnh nhân khác. Sau vài hôm, nhân viên ở đây cho tôi một cái cặp lồng để đựng canh, rồi tôi cũng xin được nước rửa bát để tự rửa đồ dùng cho mình. Có hai bệnh nhân tỉnh táo và siêng năng hơn số khác được giao nhiệm vụ thay nhau rửa bát hàng ngày.
Các bệnh nhân tâm thần ở trung tâm, cũng như ở những nơi khác, hầu hết đều nghiện thuốc lá. Họ dễ bắt chước nhau và không làm chủ được hành vi. Hễ gia đình hoặc ai cho đồng nào là hầu như họ chỉ dùng để mua thuốc bằng cách nhờ các nhân viên mua ở căng-tin của trung tâm. Không chỉ nghiện thuốc lá, một số bệnh nhân còn rất khoái uống trà. Họ mua trà ở trung tâm và xin nước sôi của nhân viên, hoặc của số đối tượng xã hội tỉnh táo, không bị giam nhốt. Thời gian tôi ở đây tuy ngắn ngủi nhưng cũng may mắn được nhận quà từ 2 cuộc từ thiện của các nhà hảo tâm bên ngoài.
Việc phân biệt một người mắc bệnh tâm thần với một người tỉnh táo là điều không mấy khó khăn, nhất là đối với những người vẫn thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần. Do vậy, trong thời gian ở trung tâm, phần lớn CBCNV đều xem tôi là một hiện tượng lạ, nhất là khi tôi không phải uống thuốc gì hết mà vẫn cứ ăn ngon ngủ kỹ (bệnh nhân tâm thần thiếu thuốc thì không ngủ được, mà mất ngủ sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần). Với một số người, tôi bảo họ hãy lên mạng tìm hiểu thông tin về tôi. Người nọ rỉ tai người kia nên hầu hết mọi người đều hiểu tình cảnh của tôi, vì thế họ rất chia sẻ với tôi. Một vài người thậm chí còn cảnh báo tôi việc người ta có thể tiêm thuốc loạn thần kinh cho mình.
Bệnh nhân ở đây được chia làm 2 loại: loại nặng ngày uống thuốc 2 lần (vào lúc 8h và 19h) và loại nhẹ uống thuốc ngày 1 lần vào lúc 19h). Là những bệnh nhân tâm thần nên việc họ hay gây gỗ, thậm chí lên cơn rồi choảng nhau là “chuyện thường ngày ở huyện”. Thậm chí có lần tôi còn bị một bệnh nhân nổi xung đánh lại khi “dũng cảm” nhảy vào can ngăn cuộc ẩu đả giữa anh ta với một người khác. Một “bài học” đáng nhớ!
Nói chung, những ai không may mắc phải căn bệnh quái ác này thì đều có hoàn cảnh đáng thương tâm. Đặc biệt, có những gia đình rơi vào tình cảnh phải nói là thê thảm, mà trường hợp tôi kể sau đây là một trong số đó. Tôi vào được mấy hôm thì có một bệnh nhân nam trông rất khôi ngô, tuấn tú chuyển từ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tới. Cậu là con trai duy nhất trong gia đình, sinh năm 1980, do thất tình rồi phát bệnh khi đang học lớp 11, vào viện hết lần này đến lần khác nhưng cứ hễ ra viện một thời gian là lại tái phát. Bố cậu đã xác định khi đưa cậu đến là cậu sẽ ở lại trung tâm suốt đời, và cậu cũng hiểu điều đó. Cậu kể, mẹ cậu bị trầm cảm (một dạng bệnh tâm thần) từ năm cậu mới 2 tuổi, và hiện vẫn đang điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương (Thường Tín). Cậu tâm sự với tôi, niềm ao ước lớn nhất bây giờ của cậu là mong bố cậu xoay xở thế nào để mẹ cậu được đưa đến đây, để ngày ngày mẹ con có cơ hội được nhìn thấy nhau, như thời gian cậu và mẹ cùng điều trị ở Bệnh viện Tâm thần TW.
Nếu bỏ qua những điều bất tiện như tình trạng bẩn thỉu (mặc dù các hộ lý vẫn quét dọn hàng ngày nhưng khu vệ sinh thường hôi hám, vì “ý thức vệ sinh” là một khái niệm xa lạ với bệnh nhân tâm thần) hay việc thường xuyên phải “đề cao cảnh giác” bởi họ có thể lên cơn bất cứ lúc nào… thì việc sống với những bệnh nhân tâm thần cũng là một trải nghiệm lý thú. Đơn giản, họ là những con người thật thà và “hồn nhiên” nhất trên trái đất này. Họ ít bị chi phối bởi những thói hư tật xấu của con người như bon chen, dối trá… Cũng như những người tàn tật, họ là những người thiếu may mắn trong xã hội, hay có thể nói, họ phải gánh chịu tội lỗi của đồng loại. Chính vì vậy mà chúng ta, những người may mắn hơn, cần quan tâm và chia sẻ nỗi bất hạnh với họ. Đó không chỉ là lương tâm mà còn là trách nhiệm của mỗi người trong xã hội!
(còn tiếp)

Tin, bài liên quan:    Thư Tố Cáo lần thứ 70
 
 


Copy từ: Lê Anh Hùng

12 NGÀY TRONG ‘THẾ GIỚI TÂM THẦN’ Phần 1



Hà Nội, 24/2/2013
Lê Anh Hùng
 Phần I - Hành trình vào “thế giới tâm thần”

Sáng 24/1/2013, như thường lệ, tôi tiếp tục công việc của mình tại Công ty HVT trong Khu CN Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên.
Khoảng 10h15, anh giám đốc đột nhiên vào chỗ tôi đang làm và gọi tôi ra ngoài. Tôi đi ra thì gặp 6 người lạ mặt tự xưng là công an huyện Văn Lâm và xã Tân Quang, trong đó chỉ có một người mặc quân phục cảnh sát, mang quân hàm thượng tá. Họ nói là “mời” tôi về trụ sở công an xã để làm việc về vấn đề tạm trú, tạm vắng. Anh giám đốc công ty phản đối với lý do đó là trách nhiệm của công ty và yêu cầu họ muốn làm việc thì phải có giấy mời đàng hoàng, muốn đưa người đi thì phải có biên bản, nhưng họ gạt đi. Họ hỏi tôi giấy tờ tuỳ thân, tôi bảo để tôi đi lấy CMND. Nhưng tôi mới đi được mấy bước thì họ gọi giật lại, bảo không cần nữa, rồi dẫn tôi đi. Tôi đề nghị thay bộ quần áo bảo hộ trên người họ cũng không cho. Viên thượng tá cùng một tay công an khác xách nách tôi như áp giải tội phạm. Trước sự phản đối của tôi, họ buộc phải buông tay để tôi đi tự nhiên. Họ đưa tôi lên một chiếc xe Innova rồi chở đến trụ sở UBND xã Tân Quang, cách chỗ tôi làm hơn 1km.
Đến nơi, họ dẫn tôi vào hội trường UBND xã, không quên bảo nhau lục soát người tôi để xem tôi có “thiết bị” gì ngoài điện thoại không. Họ định mang điện thoại của tôi đi, nhưng do tôi phản đối nên họ phải bỏ lại trên bàn, cạnh chỗ tôi ngồi. Một trong số 6 người trên hỏi tôi về giấy tờ tuỳ thân với thái độ không lấy gì làm nhã nhặn. Tôi đáp: “Tôi chẳng biết anh là ai cả; hơn nữa, lúc ở công ty tôi bảo để tôi đi lấy CMND, các anh không cho. Giờ anh lại còn vặn vẹo gì nữa?” Anh ta nói là anh ta đã tự giới thiệu là Trưởng CA xã khi ở công ty tôi rồi. Nói đoạn, anh ta rút ví và chìa cái thẻ công an trước mặt tôi, nhưng tôi chỉ thấy bên ngoài thẻ chứ không thấy thông tin bên trong thẻ. Một tay xách máy quay phim luôn chỉa máy về phía tôi để ghi hình ngay khi tôi mới bước vào hội trường.

Sau đó, tôi gặp lại viên sỹ quan công an chừng 52 tuổi mà tôi đã chạm trán hôm 27/6/2011, khi tôi bị Cục A67 bắt cóc. Anh ta chắc là người của Công an Hà Nội, vì lúc tôi “làm việc” với Cục A67 thì anh ta không có mặt, mà khi anh ta đến thì tôi đã làm việc xong với họ, và sau đó hồ sơ vụ việc của tôi lại được chuyển cho Công an Hà Nội thụ lý. Anh ta cho tôi biết là muốn “mời” tôi đi làm việc. Tôi phản đối: “Các anh muốn làm việc với tôi thì phải có giấy mời đàng hoàng, bởi việc tôi tố cáo là công khai và đúng pháp luật. Hơn nữa, tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm xương máu với công an các anh rồi, các anh luôn đẩy bất lợi về phía những người như chúng tôi thôi.” Anh ta ôn tồn là lần này không phải phía công an mời tôi làm việc mà là phía dân sự. Dù chưa biết là người ta sẽ “làm việc” với mình theo kiểu gì, nhưng tôi vẫn đồng ý đi theo họ, phần vì tò mò, phần vì nghĩ là có muốn cưỡng lại cũng không được.
Sau khoảng mươi phút ở trụ sở UBND xã, họ dẫn tôi ra một chiếc xe du lịch 12 chỗ ngồi, mang biển xanh, và đưa đi. Trên xe có 12 người, trong đó có 2 phụ nữ, một người khoảng 35 tuổi và người còn lại nghe nói là mới ra trường; viên sỹ quan Công an Hà Nội và tay quay phim kia cũng có mặt trong đoàn. Dọc đường đi, viên sỹ quan công an cứ huyên tha huyên thuyên với tôi, anh ta cố ý lái câu chuyện sao cho mọi người trên xe nghĩ là tôi bị “tâm thần”. Tôi buộc phải nhũn nhặn nói với anh ta: “Anh không cần phải hạ thấp mình mà huyên thuyên linh ta linh tinh như vậy. Anh đừng để mọi người phải coi thường mình như thế chứ.” Từ đó anh ta mới bớt nói nhăng nói cuội. Một người đứng tuổi, ngồi phía sau tôi, cất tiếng: “Nghe tiếng Hùng đã lâu, giờ mới gặp.” Tôi quay lại hỏi anh ta có phải là công an không thì anh ta nói không phải, mà là người của ngành LĐ-TB-XH. Tôi băn khoăn tự hỏi: “Thế quái nào lại xuất hiện người của cái ngành lạ hoắc này ở đây cơ chứ?!” Và cứ nghĩ chắc tay này lại bịp mình thôi.
Tôi chẳng hiểu người ta đưa tôi đi đâu, hỏi viên công an kia thì anh ta cứ quanh co hoặc trả lời nhăng cuội. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi xe đi qua lối rẽ vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương (địa điểm toạ lạc của Viện Giám định Pháp y Tâm thần TW, nơi tôi được “giám định tâm thần” năm 2009) mà không rẽ vào. Trong đoàn cũng chẳng ai rõ địa điểm phải đến nằm ở đâu nên lái xe phải vài lần dừng xe hỏi đường. Xe đi đến Trung tâm Nuôi dưỡng và an dưỡng người có công số II (Sở LĐ-TB-XH), nằm bên trái đường, thì rẽ vào. Tôi rất ngạc nhiên và cất câu hỏi bâng quơ: “Người ‘có công’ hay người ‘có tội’ đây?” Vài người nhìn tôi cười. Đến lúc đó, tôi vẫn nghĩ là có thể họ muốn cách ly tôi để điều tra vụ việc do tôi tố cáo.
Vào trung tâm, mọi người xuống xe, vài người đi gặp những người có trách nhiệm của trung tâm. Một lát sau, họ quay ra cho biết là “nhầm địa chỉ”. Mọi người lại lên xe đi tiếp. Cách Trung tâm kia khoảng 2km thì xe rẽ vào một lối đi nằm ở bên phải đường, với tấm biển mang dòng chữ cho thấy đích đến của cuộc hành trình mà tới lúc đó vẫn còn “bí hiểm” đối với tôi: Trung tâm Bảo trợ Xã hội II – Sở LĐ-TB-XH. Lúc này tôi mới ngờ ngợ ra mục đích của họ: người ta muốn nhốt tôi ở cái “trung tâm bảo trợ xã hội” này đây! Khi xe tiến vào sân trung tâm, nhác thấy nhiều người mang bộ dạng khó lẫn vào đâu của người mắc bệnh tâm thần, tôi lại càng nhận ra ý đồ của họ.
Mọi người xuống xe. Viên sỹ quan công an gọi tôi lại, chìa tay ra bắt và nói: “Hùng ở lại đây nhé. Tôi về.” Thế là rõ âm mưu của bọn họ! Lúc đó là khoảng 12h30.

Trung tâm Bảo trợ Xã hội II - Hà Nội
Người ta đưa tôi lên phòng hội trường trung tâm, nằm ở tầng ba, tầng cao nhất của toà nhà chính, và lấy nước nôi “tiếp đãi” tôi khá tử tế trong khi chờ đoàn làm việc với lãnh đạo trung tâm ở tầng một. Không hiểu họ làm việc với nhau về những gì mà rất lâu, mất tới cả tiếng đồng hồ. Trong lúc chờ đợi, tôi hỏi mấy người đi theo về mục đích họ đưa đến đây là gì, nhưng không ai trả lời cụ thể, kể cả tay cán bộ LĐ-TB-XH mà tôi đã nói ở trên, người lúc này mới cho biết mình là cán bộ của Phòng LĐ-TB-XH quận Thanh Xuân. Anh ta nói là mới về phòng công tác, bảo đi theo đoàn thì đi chứ cũng không biết đi làm gì cả (?!). Tình cờ, tôi nhác thấy trên xấp tài liệu mà anh ta đang xem có tờ quyết định tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có dòng chữ “tiếp nhận ông Lê Anh Hùng…”. Thấy tôi sán lại định cầm tờ quyết định lên xem thì anh ta vội chuyển cho người khác. Tôi nói: “Các anh phải cho tôi xem người ta quyết định số phận của tôi như thế nào chứ.” Tuy nhiên, họ chối quanh và không cho tôi xem.
Lúc này thì tôi không còn hồ nghi gì về mục đích của việc người ta dẫn tôi vào cái gọi là “trung tâm bảo trợ xã hội” này nữa. Tôi bèn bảo mọi người muốn tìm hiểu vụ việc của tôi thì hãy vào tiện ích tìm kiếm Google và gõ “Lê Anh Hùng” thì sẽ ra rất nhiều thông tin về tôi, đồng thời sẽ hiểu được nguyên do vì sao tôi bị đưa vào đây. Một tay nhân viên của trung tâm liền lấy chiếc smart phone của mình ra và truy cập vào mạng theo chỉ dẫn của tôi. Vài người cùng xúm lại xem.
Sau một hồi, cảm thấy không khí trong phòng ngột ngạt, tôi đi ra ngoài hành lang. Vài nhân viên trung tâm theo sát tôi, dường như họ sợ tôi phẫn chí rồi nhảy từ tầng 3 xuống. Tôi bảo họ: “Tôi không sợ chết nhưng lại sợ đau. Các anh không cần phải cứ kè kè bên tôi như thế đâu.” Tôi muốn điện thoại ra ngoài để dặn dò mấy người bạn của tôi ở công ty, nhưng biết điện thoại của mình đang bị nghe lén nên thôi. Lường trước việc người ta sẽ thu điện thoại của mình nên tôi mở điện thoại, ghi nhớ số điện thoại của một người trong công ty, để khi có điều kiện thì sẽ mượn điện thoại ai đó gọi về dặn dò mọi người.
Khoảng 13h30, sau khi những người có trách nhiệm trong đoàn làm việc xong với lãnh đạo trung tâm, người ta dẫn tôi xuống tầng 1, vào phòng của Phó Giám đốc Trung tâm Lê Công Vinh, người trước đó đã lên tầng ba “thăm dò” tôi qua mấy câu hỏi xã giao. Trong phòng, ngoài PGĐ Lê Công Vinh còn có GĐ Đỗ Tiến Vượng, vài cán bộ của trung tâm và vài người có trách nhiệm trong đoàn “áp giải” tôi. Tôi ngồi xuống 1 trong bốn chiếc ghế xa-lông nhỏ quanh bàn nước. Những người khác kẻ đứng người ngồi xung quanh. Cô cán bộ của Phòng LĐ-TB-XH quận Thanh Xuân, chừng 35 tuổi,  ngồi đối diện với tôi, bắt đầu trình bày qua sự vụ rồi đọc quyết định của PGĐ Sở LĐ-TB-XH Hà Nội về việc “tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội II Hà Nội”. Tay quay phim gần như liên tục chỉa máy quay về phía tôi. 
Tôi lớn tiếng phản đối quyết định của họ, chỉ ra những điểm sai trái và tuỳ tiện trong quyết định kia. Các cán bộ của Phòng LĐ-TB-XH quận Thanh Xuân phân bua rằng họ chỉ là những người thừa hành thôi, và họ sẽ phản ánh lên cấp trên. Trong khi những người này đang bối rối trước phản ứng quyết liệt và lý lẽ của tôi thì một nhân viên của trung tâm hô hào mọi người xông vào áp chế tôi, buộc tôi phải đi vào khu vực nhốt bệnh nhân tâm thần. Bọn họ tước điện thoại của tôi, và cũng chẳng thèm hỏi xem tôi có đói bụng hay không, dù đã quá bữa trưa từ lâu. Lúc này khoảng 2h chiều.
(còn tiếp)


Tin, bài liên quan:    Thư Tố Cáo lần thứ 70
Nhật ký chuyện Lê Anh Hùng



Copy từ: Lê Anh Hùng

TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH ĐÃ " NỐI GIÁO CHO GIẶC" KHI TUYÊN BỐ:QUAN HỆ VIỆT-TRUNG ( VỀ BIỂN ĐÔNG ) NHỮNG "ĐIỂM ĐỒNG" LÀ CHỦ YẾU ?


Phamvietdao.net: Trong quan hệ giữa 2 đối tác với nhau, khi đã khẳng định điểm nào là "điểm chủ yếu"... có nghĩa những điểm còn lại là thứ yếu, không quan trọng, chuyện vặt ?
Theo lời Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong trả lời PV Đài truyền hình VNdưới đây, liệu có chính xác khi viên tướng này cho rằng: Quan điểm giải quyết vấn đề biển Đông liên quan tới các xung đột về quyền lợi của 2 nước Việt Nam-Trung Quốc trên Biển Đông về "cơ bản", "chủ yếu"... không có bất đồng lớn: "điểm đồng là chủ yếu"-nguyên văn lời tướng Vịnh; Theo tướng Vịnh ngoài cái điểm đồng chủ yếu phần tồn tại giữa 2 nước chỉ là những khác biệt ?
Xin đặt 3 câu hỏi với tướng Vịnh:
-1.Liệu Tướng Nguyễn Chí Vịnh có nhắm mắt nói liều không khi ông cho rằng: cái việc Trung Quốc xí phần lãnh hải của họ nằm trong khu vực đường lưởi bò 9 đoạn; Sự xí phần này nghiễm nhiên coi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về Trung Quốc chỉ là chuyện tào lao, chuyện khác biệt chứ không có chuyện bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc? Xin hỏi điểm này là điểm chủ yếu hay điểm thứ yếu, chuyện vặt về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc ?
-2. Trong khi Nhà nước, Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải bằng quan hệ đa phương; Trong khi đó thì Trung Quốc khăng chỉ bằng song phương ? Chẳng nhẽ đây cũng chỉ là sự khác biệt lặt vặt ?
-3.Trong bài trả lời phỏng vấn của mình, Tướng Vịnh đã hết sức thiếu trách nhiệm khi nói rằng: "Những vấn đề cụ thể liên quan tới những xung đột, những phức tạp trên Biển Đông do Quốc phòng không tham gia xử lý vấn đề này "???
Xin hỏi Tướng Vịnh: Vậy nhà nước, nhân dân sắm tàu ngầm, trả lương cao cho các ông để các ông rong chơi trên biển à; có chuyện gì dân và các ngành khác ráng mà gánh chịu ?

Copy từ: NV Phạm Viết Đào