CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Tội bẻ cong luật pháp

Phạm Thị Hoài
Ngày 18/11/1976, học giả Robert Havemann, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất ở CHDC Đức, người được coi là cha đẻ tinh thần của cuộc cách mạng hòa bình năm 1989, viết một bức thư ngỏ gửi Tổng Bí thư Erich Honecker về việc bạn ông, cũng một nhà bất đồng chính kiến lừng danh, nghệ sĩ Wolf Biermann, bị cấm về nước sau chuyến lưu diễn tại Tây Đức. Havemann từng là bạn tù của Honecker thời Quốc xã, từng viết thư thỉnh cầu Honecker thả một người bất đồng chính kiến khác và được chấp thuận, từng được Honecker che chắn ở một số vụ, và dù đã bị khai trừ khỏi Đảng, cấm giảng dạy, sa thải khỏi trường đại học và Viện Hàn lâm Khoa học, tước mọi chức vụ trong đó có chức đại biểu Quốc hội, ông vẫn coi mình là một người cộng sản.
Bốn ngày sau, 22/11/1976/, tuần tin Spiegel (Tây Đức) đăng bức thư đó. Trong thư, Havemann kêu gọi Honecker cho phép Wolf Biermann được về nước, “trước hết để tránh nhục nhã và thiệt hại cho tất cả chúng ta và uy tín của đất nước ta“, bởi lẽ – nguyên văn: “tất cả những cáo buộc và nghi ngờ rằng Wolf Biermann thù địch với CHDC Đức đều hoàn toàn vô lối. Wolf Biermann đã phê phán, phê phán mạnh mẽ và sắc nhọn. Nhưng những đồng chí ưu tú nhất của chúng ta cũng đã sử dụng vũ khí phê phán mạnh mẽ không khoan nhượng, nhất là khi cần vạch ra những khuyết điểm và nhầm lẫn của chính chúng ta, chẳng phải luôn luôn là như vậy hay sao? Wolf Biermann đã phê phán theo cách đó, phê phán trong tinh thần của người cộng sản. Ai không chịu nổi những lời phê phán ấy là thừa nhận rằng mình không có gì để đáp lại ngoài bạo lực.” Ông phân tích tiếp, với chiến dịch khai trừ Wolf Biermann “các đồng chí đã biến anh ấy thành hình ảnh lí tưởng trong mắt hàng triệu thanh niên Đông Đức. Giờ đây anh ấy là hiện thân của một thứ hi vọng lớn cuối cùng về một chủ nghĩa xã hội mà những thanh niên ấy đã thôi không còn mơ ước.”
Bốn ngày sau, 26/11/1976, Tòa án huyện Fürstenwalde ra lệnh quản thúc Havemann tại gia, vì tội “hoạt động đe dọa đến an ninh và trật tự công cộng“. Nơi ở và toàn bộ gia đình ông bị 200 nhân viên An ninh Quốc gia (Stasi) thay nhau canh gác suốt ngày đêm. Ông bị cấm liên lạc với phóng viên, nhân viên ngoại giao nước ngoài và 70 công dân Đông Đức “có vấn đề” khác. Năm 1979, tòa ra tiếp lệnh khám nhà, tịch thu nhiều tài liệu và đồ đạc, phạt ông một khoản tiền lớn, 10.000 Mark Đông Đức, với tội danh vi phạm Luật Ngoại tệ, vì ông đã cho xuất bản nhiều tác phẩm ở nước ngoài. Đơn kháng án của ông bị bác. Luật sư của ông bị tước quyền hành nghề. Ba năm sau, 1982, Havemann qua đời.
So với ước chừng tổng cộng 250.000 tù nhân chính trị trong vòng 40 năm ở CHDC Đức, những người thậm chí bị tống giam chỉ vì buông một lời nói kháy chính quyền hay Anh Cả Liên Xô, ông Havemann, “kẻ thù số 1 của nhà nước”, với ba năm quản thúc và một khoản tiền phạt có thể coi là còn được luật pháp của đất nước chuyên chính vô sản này nương nhẹ. Song gần hai mươi năm sau khi ông qua đời, 7 thẩm phán và công tố viên của nhà nước Đông Đức đã tham gia vào hai vụ án kết tội ông, đến lượt họ, lại phải ra tòa vì tội Rechtsbeugung: lợi dụng luật pháp, cưỡng đoạt luật pháp, lũng đoạn luật pháp, tha hóa luật pháp, nắn bóp và co giãn luật pháp… để cản trở công lí, nói nôm na là bẻ cong luật pháp.
Một trong những điểm then chốt trong hiệp thương thống nhất giữa hai nhà nước Đức sau Chiến tranh Lạnh là nguyên tắc hòa giải. Không được dùng luật pháp của Tây Đức để phán xử thực tiễn xã hội Đông Đức. Chỉ có thể dùng chính luật pháp của Đông Đức để khôi phục công lí cho những gì đã diễn ra tại đó. Thực tế áp dụng nguyên tắc hòa giải này, sau một phần tư thế kỉ, là một quá trình vô cùng gian nan, đầy tranh cãi, với những câu hỏi còn lại không thể trả lời, những nguyện vọng không thể đáp ứng, những vấn đề khó lòng giải quyết thỏa đáng. Song nó tránh cho nước Đức thống nhất, sau gần nửa thế kỉ chia cắt dân tộc, cảnh hận thù và chia rẽ của “bên thắng cuộc” và kẻ bại trận.
Vụ án xử 7 cán bộ của ngành tư pháp Đông Đức nói trên cho thấy sự phức tạp ấy và là một bài học đáng nghiền ngẫm về tư pháp chính trị. Nó kéo dài gần ba năm, từ 1997 đến 2000. Đầu tiên, Tòa án Tiểu bang Frankfurt/Oder xử cho cả 7 bị cáo trắng án, Viện Công tố kháng nghị. Tiếp theo, Tòa án Tối cao Liên bang ra quyết định hủy bản án, chuyển vụ án về một tòa án tiểu bang khác để xét xử lại. Cuối cùng, Tòa án Tiểu bang Neuruppin, sau 26 phiên tòa, đã kết án 2 trong số 7 người nói trên về tội bẻ cong luật pháp, kết hợp với tội tước đoạt tự do của người khác, liên quan tới lệnh quản thúc Havemann.
Theo kết luận của tòa, hai cán bộ tư pháp của nhà nước Đông Đức này đã biết rõ rằng việc truy tố nhà bất đồng chính kiến Havemann không phải là để thực thi một công lí trên cơ sở xác định sự thật bằng những công cụ của luật pháp, mà trước hết và chủ yếu là để vô hiệu hóa hay triệt tiêu một đối thủ chính trị. Họ đã tham dự với đầy đủ ý thức vào một kịch bản soạn sẵn, được thỏa thuận trước với những cơ quan và cá nhân đứng ngoài ngoài hệ thống tư pháp, với bản án đã định trước ngay từ đầu. Với những bản án bỏ túi và phiên tòa trình diễn đó, họ đã vi phạm chính luật pháp của Đông Đức, nơi nguyên tắc “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” cũng được long trọng ghi trên mặt giấy.
*
Khi nhận lệnh quản thúc, ông Havemann tuyên bố: “Tôi đâu có ý định rời khỏi CHDC Đức, vì mỗi bước đi ở đây là một bước ta có thể chứng kiến chế độ đã và đang đánh mất toàn bộ uy tín, chỉ cần vài sự kiện và cú huých từ bên ngoài là đủ để vứt Bộ Chính trị vào sọt rác.” Mười ba năm sau, Bộ Chính trị Đảng SED quả nhiên biến mất. Cựu Tổng Bí thư Honecker cùng vợ tháo chạy khỏi đất nước, trốn vào Đại sứ quán Chile tại Moskva xin tị nạn chính trị.
Nước Đức mất gần 2 thập niên để giải quyết di sản của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Đông Đức. 374 vụ bẻ cong luật pháp với 618 bị cáo được đưa ra xét xử, trong đó 5 người bị phạt tiền, 176 người bị kết án tù, trong đó có 63 thẩm phán, 56 công tố viên, 5 thẩm phán và công tố viên thuộc tòa án quân sự và 41 nhân viên tư pháp khác. 8 trong số này chịu án tù từ 5 đến 10 năm.
Thật khó hình dung, mười, hai mươi năm, ba mươi năm hay năm mươi năm nữa chúng ta sẽ làm gì với di sản của nền tư pháp Việt Nam hiện tại. Những thẩm phán, đại diện Viện Kiểm sát và các nhân viên tư pháp tham gia các vụ xét xử những người bất đồng chính kiến, mới hôm kia là blogger Trương Duy Nhất, bằng những bản án bỏ túi rồi sẽ phải chịu trách nhiệm gì? Chúng ta hay tự an ủi rằng họ sẽ phải đứng trước tòa án của lương tâm và tòa án của lịch sử. Song lương tâm thường phán quyết có lợi cho chủ của nó. Còn đợi lịch sử xếp xong lịch xét xử thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết từ lâu.
© 2014 pro&contra


Copy từ: Pro&contra’ blog

..........

Né tránh một cuộc xâm lăng không thể né tránh



Nguyễn Mộng Hoài
Những ngày gần đây trên một số trang mạng có nhiều bài viết và tin tức làm cho lão già này giật mình thon thót. Đó là những "hành xử" của "nước bạn" khiến cho mọi người Việt Nam có am hiểu chút ít về lịch sử dân tộc tất thảy đều lo lắng. Quốc gia hữu sự thất phu hữu trách. Tôi có là một kẻ thất phu vẫn cảm thấy có trách nhiệm đối với "vần xoay thời cuộc" ảnh hưởng đến mất còn một dân tộc, mà ngày nay người ta đang tìm mọi cách "nâng sức mạnh phần mềm" và "đứng trơ mắt ếch" nhìn người ta gậm nhấp từng phấn đất đai sông biển của ta mà vẫn ngây thơ tin vào "cái tình hữu nghị lâu đời" họ thường rêu rao.

Lịch sử xa xưa thì không dám đề cập mà chỉ nhớ hồi còn bé xíu đi học lớp Đồng Ấu, cô giáo Thu đã nói về Hai Bà Trưng. Chắc chắn Việt Nam thời Hai Bà Trưng không như bây giờ cả về lãnh thổ lẫn quy mô dân số. Hai người đàn bà xuất thân từ "quan lại" (Lạc hầu Lạc tướng) mà đã tổ chức cuộc khởi nghĩa thành công mà nguyên nhân chính là hai bà đã tập hợp được sức mạnh nhân dân. Chính sức mạnh ấy đã làm nên chiến thắng của Hai Bà, được ghi mốc son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Một nước nhỏ và yếu bên cạnh một "anh bạn khổng lồ" lắm mưu nhiều kế, không từ một thủ đoạn thâm độc nào, lúc nào cũng lăm le "nuốt chửng" nước ta, thì "mọi sự bang giao hữu nghị" "sức mạnh mềm" đều tỏ ra vô nghĩa. Một con lợn con đứng trước một con hổ (mặc dù là hổ giấy) phải đối phó ra làm sao đây. Con lợn con có dám bắt tay con hổ hung ác không? Phải có trí khôn như bác thợ cày lập mưu giấu "trí khôn" ở nhà, phải đồng ý cho bác ta trói chặt chú hổ hung dữ vào một gốc cây, rồi về nhà lấy "trí khôn" ra cho bác hổ xem...Câu chuyện kết thúc thế nào, mọi người đã rõ, và các cậu các cô học sinh tiểu học đã rõ.

Tin cho hay, nhiều vùng đất biên giới phía bắc, mặc dù đã được cắm mốc, song vẫn bị "anh bạn" lấn sâu vào phía lãnh thổ Việt Nam. Việc này sờ sờ ra trước mắt, dân có mù đâu mà không hay biết ? Mảnh đất kiên cường trong chống Mỹ, cứu nước vừa qua ở miền Trung, tiêu biểu là Hà Tĩnh và Quảng Trị đã và đang chứng kiến "văn hóa phương Bắc" tìm mọi cách "đồng hóa" dân miền Trung, nhất là ở huyện Kỳ Anh Hà Tĩnh. 

Nhiều người đã phân tích "cái bàn đạp" miền Trung này không khéo trở thành cái bàn đạp xâm lược, chia cắt hai miền Nam Bắc nước ta. Có đến 90% doanh nghiệp lớn nhỏ có vốn đầu tư, có người làm việc của "anh bạn bốn tốt", trong đó có 60% những doanh nghiệp lớn do họ quản lý, khai thác, không chế và đã bắt đầu "làm mưa làm gió". . Đất của mình, sông núi của mình, tức là nhà của mình mà muốn tự do ra vào cũng không được, thế có nghĩa là nhiều vùng đất Hà Tinh, Quảng Trị đã là "tô giới" của họ rồi. Dân Việt Nam thử nghĩ coi, đau không ?

 Xưa nay ta nghèo, ta "đánh Mỹ đến cái lai quần cũng đánh" nhưng là ta đánh cho ta, ta đánh để giành lại độc lập tự do cho ta, bảo vệ non sông đất nước ta. Còn bây giờ, họ ngang nhiên dựa vào cái gật đầu bắt buộc (hoặc tự nguyên) của một số người chóp bu, họ chiếm đất ta. Từ đất họ chiếm biển, từ biển họ chiếm đất. Và từ trên không, họ quy định "vùng phòng không" nói toạc ra là họ đang chiếm cả vùng trời của ta. Như thế, không gọi là "xâm lược" thì còn gọi là gì ?

Họ biết thừa nếu huy động hàng triệu quân với binh hùng tướng mạnh, vũ khí tối tân ào ạt đánh chiếm nước ta thì bài học tháng 2-1979 còn nóng hổi. Một thời, thế giới này có ai mạnh như Mỹ. Vậy mà đến Việt Nam vẫn phải cuốn cờ. Trong lịch sử, có ai mạnh như quân Nguyên Mông, vẫn bị Trần Hưng Đao và quan quân Nhà Trần vùi sâu xuống sông Bạch Đằng. Bài học xa trong quá khứ cũng như bài học gần chỉ cách đây 35 năm, đã chỉ ra, người Việt Nam muốn có độc lập tự do, hòa bình thống nhất, xây dựng đất nước giầu mạnh thì chỉ có một con đường kiên quyết chiến đấu bằng chính sức mạnh của dân mình, lý tưởng chính nghĩa, được nhân dân thế giới ủng hộ, mới có thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ yêu thương. Bất kỳ một lời ve vãn nào, một thủ đoạn gian xảo nào, một đe dọa nào và loại tiền bạc nào cũng không thể lung lạc ý chí chống xâm lược của nhân dân Việt Nam. Đây không phải là những khẩu hiệu mà những người cầm quyền hiện nay hay hô to, mà là một thực tế xương máu.

Đất biên giới bị lấn chiếm, đất nội địa của ta bị Tàu lập làng và rồi sinh con để cái. Một số gái Việt Nam chạy theo đồng tiền làm vợ người Tàu, làm cái cầu cho họ "sang xâm lược nước ta" Và bắt đầu có những vụ người Tàu giết hại trẻ em ở Lạng Sơn (hai thanh niên Tàu cứa cổ đến chết một bé trai ngây thơ 10 tuổi)...và sẽ còn những gì nữa đây?

 Còn các loại chất độc được "tiềm ẩn" trong từng cái tăm, đôi đũa, quả cam, cái kẹo, đồ chơi trẻ em, cái đèn lồng, đôi dép nhựa, cái đĩa sứ đựng thức ăn...bán như cho, khắp các gia đình Việt nam đều có để dùng. Họ đang giết chết dân tộc Việt nam bằng thứ văn hóa độc hại, bằng các loại hóa chất, bằng các chất gây ung thư trong đồ dùng hằng ngày, rồi đến một ngày nào đó, từ "thành phố Tam Sa" họ cho tàu chiến, cho đại bác, tên lửa tầm xa...nã vào miền Trung, miền Nam và miền Bắc Việt Nam. Liệu đến lúc ấy, ta có thể chiến đấu với họ bằng "bốn tốt và 16 chữ vàng" được không?

Cuộc chiến tranh biên giới tháng 2-1979 (còn kéo dài đến gần 10 năm sau), năm 2009, kỷ niệm 30 năm, họ cho cả nước họ làm rùm beng khuếch trương "chiến thắng" trong khi họ phải "ôm đầu máu" rút chạy về bên kia biên giới. Và nay, sau cái hội nghị Thành Đô, "khôi phục quan hệ láng giếng hữu nghị", họ rỉ tai người nào đó hai bên đều không tổ chức kỷ niệm. Thế là sao? 60.000 đồng bào và chiến sĩ ta hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc mình mà mình không có một nén nhang thắp kỷ niệm. Ôi có lẽ không có cái nhục nào bằng cái nhục này!

Cho nên, bằng thực tế diễn biến của cuộc sống, chúng ta suy nghĩ về tai họa mất nước vào tay xâm lược phương Bắc là nguy cơ càng ngày càng rõ, là mối họa càng ngày càng đậm nét, mà nói cách nào đi chăng nữa, đó vẫn là mối hiểm họa lớn nhất đói với dân tộc ta. Nếu muốn loại bỏ hiểm họa này, thì phía anh bạn láng giếng hãy chứng tỏ bằng hành động : xóa bỏ tư tưởng và chủ nghĩa bành trường không chỉ đối với Việt Nam, tôn trong luật pháp quốc tế và thi hành luật về Biển Đông, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước hiện đang có tranh chấp biển đảo đối vơi Trung Hoa, trao trả vô điều kiện quần đào Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vào Việt Nam đầu tư phát triển kinh tế theo đúng luật đầu tư của Việt Nam và chủ quyền Việt Nam.

.Nếu thiện chí, Trung Quốc hãy làm đi...Nếu cứ "vòng vo" lươn lẹo mãi, chỉ có thể đánh lừa được người chưa ra khỏi bụng me!

Tác giả gửi: Quê Choa

.............

Gạch nối giữa giáo dục và tự do



Alan Phan
freedom
August 17, 2012
Lịch sử loài người trở thành một cuộc chạy đua giữa giáo dục và thảm hoạ (Human history becomes more and more a race between education and catastrophe – H.G. Wells)

Hôm nay một cuộc khảo sát trên tờ tạp chí khoa học Health Affairs xác nhận “giáo dục” là yếu tố quan trọng trong dự đoán số tuổi của con người. Một người xong đại học có tuổi thọ khoảng 10 năm lâu hơn là một người chỉ mới học xong trung học (kiểu ra chợ mua bằng cấp ở VN không tính).
Tôi thường nghĩ là người làm việc lao động linh hoạt hơn với cơ bắp và không phải bận rộn với suy tư, áp lực từ trí tuệ chắc phải sống lâu hơn. Nhưng tôi lầm và cuộc khảo sát này cho thấy tiềm năng của giáo dục cao hơn chúng ta nghĩ. Ai cũng biết là “giáo dục” thường gia tăng lợi tức của một nhân viên ở Mỹ khoảng $6,000 cho mỗi năm học trên cấp đại học. Theo cảm nhận cá nhân, tôi nghĩ giáo dục cũng sẽ đem lại cho mình một tâm linh sâu đậm hơn, một tinh thần mạnh mẽ hơn (vì con người thường sợ hãi những điều họ không biết). Thêm vào đó, tôi nghĩ một người học thức thường cư xử văn minh hơn với đồng loại.
Tóm lại trong 6 yếu tố (sức khỏe, trí tuệ, tâm linh, tinh thần, xã hội, tài chánh) mà tôi cho rằng quan trọng trong cuộc sống hạnh phúc, trí tuệ đóng góp một phần đáng kể. Cái đòi hỏi của bao tử và hormone rất cần thiết (một người đói dài sẽ bỏ quên mọi thứ khác); nhưng muốn cuộc đời thăng hoa đúng nghĩa, chúng ta cần trí tuệ.
Cho nên khi Mao Trạch Đông gọi “trí thức là đống phân” hay khi Pol Pot diệt chủng để đưa đồng loại về thời ăn lông ở lỗ (vì giáo dục làm hư con người) hay khi chủ thuyết “tam vô” của đảng Lao Động TQ (vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo) được hô hào khắp năm châu, tôi đã nghĩ chắc mình sống nhầm thế kỷ. Mọi người thì đã phải im lặng ngao ngán vì quá sợ hãi trước cái ngạo mạn của bạo lực.
Tuy nhiên, trời sẽ lại sáng và giáo dục phải là vũ khí bén nhọn nhất của người yếu thế. Kiến thức trên đám mây của Google là ánh mặt trời đang soi sáng cho nhân loại. Tôi không tin vào một siêu nhân hay một anh hùng nào sẽ xuất hiện để thay đổi thời thế. Đây là việc làm của từng người, gieo rắc kiến thức, khoa học…mỗi ngày vào từng cá nhân một trong xã hội; bắt đầu với những người thân yêu và các bằng hữu.
Chúng ta sẽ nói KHÔNG với sự ngu xuẩn, dối trá và bất nhân. Đó cũng là lý do tại sao tôi cho việc tiếp cận với kiến thức Internet của các trẻ vừa lớn quan trọng hơn bất cứ chương trình nào của quốc gia này.
Với giáo dục, chúng ta khỏe mạnh hơn (không ăn nhậu bừa bãi và tự đầu độc), chúng ta sáng suốt hơn (không bị những lời hoa mỹ bịp), thương người khác nhiều hơn (vì chúng ta biết so sánh chính mình với thế giới) và gần với Thượng Đế hơn (khi biết đọc và tìm hiểu thêm về văn hóa nghệ thuật). Quên, chúng ta cũng giàu hơn (nếu không vào lúc này thì sẽ có một ngày). Trên hết, một người có “giáo dục” là một con người tự do đúng nghĩa.
Hãy suy nghĩ thêm về lời của Claiborne Pell,” Sức mạnh của Hoa Kỳ không phải là những thỏi vàng ở Fort Knox hay các vũ khí tiêu diệt tập thể mà là tổng số của giáo dục cộng với nhân cách của người dân (The strength of the United States is not the gold at Fort Knox or the weapons of mass destruction, but the sum total of the education and the character of our people).
Alan Phan

Copy từ: Góc Nhìn Alan

.............