CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Chúng tôi đã thừa thuốc gây mê, thưa tiến sĩ.


Bài phỏng vấn tiến sĩ người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang: 

“Phương Tây - một giấc mơ hời hợt!” trên báo Lao động* đang được nhiều người đọc và tranh luận. Tôi có cái nhìn khác vể bài viết này, trước nhất là lời cám ơn ông TS Đặng Hoàng Giang: Cám ơn về liều thuốc an thần của ông có nhã ý muốn tặng cho người dân chúng tôi.
Cuộc sống không chỉ là cơm ăn áo mặc, nó còn là tự do và những ao ước cần được xã hội thừa nhận. Ông về VN và ngắm nghía đời sống ở đây như Tây ngắm người Việt mặc dù ông nói tiếng Việt thạo hơn Tây nhưng ông chưa tiêu hóa được cái mà Tây nó vượt trội hơn Việt.
Theo Box của bài viết ghi rằng: “Từ năm 2008, ông là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) - một tổ chức phi chính phủ đi đầu ở Việt Nam trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, minh bạch và nâng cao tiếng nói của người dân.”
Nhà nước mà ông đang nhận lương để nghiên cứu có cách nhìn như thế nào về xã hội dân sự, cái mà ông đang vận động và nghiên cứu? Sao ông không nhắc tới điều cực kỳ quan trọng này trong bài phỏng vấn?
Vâng. Tôi hiểu ông trả lời phỏng vấn rất trơn và không nghi ngờ gì cái trơn tru ấy được suy nghĩ cạn kiệt bởi một chuyên gia. Tuy nhiên là người chuyên nghiên cứu về xã hội dân sự Việt Nam nhưng ông lại bảo những hình ảnh xấu của người Việt là tất yếu trong khi cọ sát với sự vận động toàn cầu hóa.
Ông nói: “Việt Nam đang chuyển dịch, đang đầy những đứt gãy xã hội, những xung đột về giá trị và văn hoá trong quá trình toàn cầu hoá. Điều này thực sự là thú vị, tuy rằng có thể gây hoang mang.”
Ông nói: “Cũng khó mà yêu cầu những người nghèo đang vật lộn hằng ngày phải lịch sự, đi nhẹ nói khẽ và nhường nhịn người xung quanh. Hay thậm chí, những người không còn nghèo nữa thì vẫn mang thói quen từ thời bao cấp đã ăn sâu trong tiềm thức, nên vào resort (khu nghỉ dưỡng) vẫn còn chen lấn nhau khi lấy đồ ăn...”
Tôi không tin lập luận của ông. Rất nhiều ví dụ cho thấy sự diễn giải của ông không thuyết phục, tôi lấy đất nước Campuchia làm một điển hình mặc dù kinh tế và hoàn cảnh phát triển của họ thua xa Việt Nam.
Sang Campuchia ông sẽ thấy tâm tính cá nhân và tinh thần dân tộc của họ.
Họ cũng đang chuyển dịch trong cái mà ông gọi nứt gãy xã hội, nhưng không hề có những hình ảnh mà ông cho là tất yếu ấy. Tuy nghèo hơn Việt Nam nhưng họ lịch sự, khiêm tốn, thật thà và ý thức bảo tồn văn hóa của họ có thể khiến cho các quan chức Việt Nam sang chơi phải xấu hỗ.

Không có việc cả làng kéo nhau đánh chết bọn trộm chó như xứ sở vô pháp luật Việt Nam và vì vậy không thể gọi như ông là “thú vị”.
Họ không kéo nhau tới đền thờ xin lộc, xin thăng quan tiến chức như ở Việt Nam. Họ cũng không tàn phá đền chùa miếu mạo và vì thế không thể gọi như ông là “hoang mang”.
Họ giữ gìn Angkor như giữ gìn con ngươi trong mắt của họ. Còn Việt Nam thì sao, ông có biết bao nhiêu di tích đã bị tiêu diệt cho các tòa nhà cao tầng hay sân golf vì quyền lợi của nhóm lợi ích?
Ông nói: “Nhưng ở Việt Nam, người ta có thể thử nghiệm bản thân trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này chỉ có thể làm được trong một xã hội chưa có độ chuyên môn hóa cao.”
Ông đang ru ngủ mình và người khác. Nếu ông về Việt Nam không có bằng cấp hay tiền bạc trong tay thì không biết ông thử nghiệm bản thân như thế nào? Là một ông Tây ba lô đi xin dạy tiếng Anh trong các lò đào tạo cấp tốc sinh ngữ hay một chân chạy bàn tại một khách sạn 5 sao?
Nếu ông cho rằng người có bằng cấp, có ý thức muốn thử nghiệm trong một xã hội như Việt Nam thì ông tỏ ra vẫn chưa hiểu gì về nơi ông đang nghiên cứu. Vì Việt Nam “không có độ chuyên môn hóa cao” nên cách nhìn của những nơi ông sắp xin vào làm việc hoàn toàn khác với Tây phương. Họ sẽ nhìn ông bằng những cái nhìn vừa tỵ hiềm vừa nghi ngờ. Trong hoàn cảnh chung như thế ông làm sao thử nghiệm?
Ông đã biết có bao nhiêu sinh viên tài giỏi sau khi du học về với mảnh bằng tiến sĩ trong tay khi được nhận giảng dạy tại Đại học Quốc gia thì được trả với đồng lương ba trăm đô la một tháng?
Có lẽ chỉ đúng với trường hợp của ông vì ông nhận lương quốc tế để làm việc tại Việt Nam thì mọi gút mắc sẽ khó được nhìn ra bằng một đôi mắt tỉnh táo.
Ông nói: “Ở phương Tây, mỗi người sẽ chỉ có đúng chỗ đứng của mình như một mắt xích trong dây chuyền xã hội.”

Sai. Cái dây chuyền xã hội ấy chỉ được nhìn qua lăng kính lao động và vì vậy nhận xét của ông trái với nguyên lý phát triển. Phương Tây có hai loại lao động, một là sản xuất dây chuyền và hai là sản xuất không dây chuyền. Ông đang nói tới người công nhân trong mọi nhà máy của phương Tây, họ giống nhau và chỉ là những mắt xích. Loại thứ hai nhiều hơn, họ là những nhà khoa học đang miệt mài trong các phòng thí nghiệm. Dĩ nhiên không thể gọi họ là mắt xích được. Họ là các đầu óc luôn nghĩ tới các phát hiện mới để thỏa mãn hai nhu cầu: thứ nhất làm giàu, thứ hai cải tạo xã hội, và dĩ nhiên họ cũng không phải là mắt xích.
Họ là những chuyên gia độc lập, những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp hay những giáo sư đang giảng dạy đầy dẫy tại các viện nghiên cứu hay đại học. Nói họ là mắt xích là cách nói phủ nhận và miệt thị của những đầu óc chống tây Phương.
Đông nhất là những người làm dịch vụ tại phương Tây, cũng không thể gọi họ là những con người-robot. Mặc dù họ làm cùng một công việc nhưng không ngày nào giống ngày nào vì phải tiếp xúc và làm việc với hàng chục loại khách hàng khác nhau. Họ sáng tạo để điều chỉnh thái độ làm việc cũng như cách quản lý công việc để sống còn và do đó họ không là mắt xích.
Ngay có là mắt xích như một công nhân bình thường nhưng vẫn có hằng triệu người khắp nơi trên thế giới ao ước được trở thành mắt xích ấy kể cả người Việt. Tại sao không làm một mắt xích tại phương Tây khi đồng lương, quyền lợi người lao động được bảo vệ trong khi cũng là một mắt xích tại Việt Nam thì không khác gì một một con bò trong nông trại, bị chủ vắt cho đến giọt sữa cuối cùng với sự tiếp tay của nhà nước bóc lột họ bằng đồng lương tối thiểu và hình thức của cái gọi là công đoàn?

Khi được hỏi: Điều gì khiến ông thấy khó chịu nhất khi sống ở phương Tây? ông rất ấm ớ khi nói “Họ cao to quá, mình nhỏ bé hơn nhiều (theo nghĩa đen), khi nói chuyện mình cứ phải ngước hết cả lên, mỏi cổ...”
Nhưng sau đó ông nói thêm: “Xã hội phương Tây coi trọng thành công vật chất. Xe xịn, nhà to, những chuyến đi đặc biệt… là những khát vọng cơ bản thúc đẩy xã hội phương Tây vận hành.”
Cái khát vọng cơ bản ấy có gì làm ông khó chịu khi khuyên người Việt lấy đó làm kinh nghiệm?
Chỉ khi nào phương Tây đồng loạt tuyên bố rằng họ không có khát vọng nữa hay khát vọng mù quáng vào một chủ thuyết nào đó như Việt Nam thì mới đáng nói. Xã hội thiếu khát vọng làm giàu là một xã hội mục rửa vì những định kiến sai lầm và bất mãn. Khát vọng ấy khôn lớn và thích hợp song song với các nền văn hóa lấy nhân văn làm chính thì tại sao ông lại khó chịu?
Phương Tây không bao giờ là thiên đường cả. Điều đó không cần phải bàn cãi nhưng khi lấy một phụ nữ chết đã 5 năm mới được phát hiện tại Mỹ để minh chứng cho sự bất toàn của nó là một so sánh không đúng tầm của một chuyên gia như ông. Kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa luôn luôn bất toàn vì vậy xã hội mới phải vận động để cải thiện nó. Lấy một ví dụ hiếm khi xảy ra để làm tiền đề minh chứng sự thiếu hoàn hảo của xã hội phương Tây là lấp liếm và thiếu biện chứng.
Là người tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin, ĐH Kỹ thuật llmenau (Đức) có bao giờ ông thấy một người Đức bị nhốt khi viết status trên facebook vì điều 258 của Bộ luật hình sự?
Là người có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna (Áo), tấm ảnh 4 mẹ con chị Hòe mang cầy thay cho trâu tại Hưng Yên vừa được báo chí VN loan tải có cho ông khái niệm gì về một nền kinh tế định hướng của Việt Nam?
Ông có thấy công dân Áo nào muốn đi đâu phải xin giấy phép, muốn xuất ngoại phải tùy vào lòng hảo tâm của công an cửa khẩu?
Ông có thấy ở Áo hay ở Đức có ai bị công an mời làm việc rồi được trả về nhà với cái xác chết không? Ở Việt Nam xảy ra hàng tuần.
Ở Áo và Đức ông có bao giờ nghe người ta bị chính quyền bắt giam nhưng con cái không được gặp mặt và gửi thuốc men cho cha mẹ vợ chồng con cái họ hay không?
Ở Áo hay Đức có bao giờ ông thấy cảnh sát giao thông ăn hối lộ và khi chận dân lại thì câu đầu tiên là “có tiền không mày?”
Ở Áo hay Đức có bao giờ ông thấy một bà già 90 tuổi lượm rác nuôi cháu tật nguyền hay một chiếc giường trong bệnh viện chứa tới 4 người nằm, cùng 6 người khác chui rúc dưới nó?
Những cái ông “chưa” biết ấy đang dày vò lòng tự trọng của người dân, làm cho họ vọng ngoại có điều kiện và phương Tây là cứu rỗi của nhiều người không còn gì phải đắn đo suy nghĩ.
Là một chuyên gia được đào tạo và sống trong môi trường tự do, ông quên không nhắc tới hai từ này là một cái lỗi rất lớn. Có lẽ sống quá lâu với nó nên ông không còn cảm thấy tự do là cần thiết nữa. Riêng chúng tôi, là con người, ngoài cơm ăn áo mặc thì tự do là điều băn khoăn nhất.
Lần tới hy vọng ông sẽ được phỏng vấn với chủ đề rất hay ho và cần thiết này và cũng hy vọng ông chia sẻ được cái tự do phổ quát chứ không phải thứ tự do trong khuôn khổ như nhà nước vẫn thường nói.
*http://laodong.com.vn/the-gioi/tien-si-nguoi-ao-goc-viet-dang-hoang-giang-phuong-tay-mot-giac-mo-hoi-hot-186268.bld

Copy từ: Cánh Cò (RFA’ blog)

.............

Đối phó với an ninh: khi bạn là nhà quản lý hay doanh nhân

Phan Châu Thành (Danlambao) - Loạt 4 bài “Vài kinh nghiệm khi làm việc với an ninh” của anh Nguyễn Trung Tôn rất giá trị và thiết thực đối với hầu hết chúng ta - những “công dân” bất đắc dĩ của VN XHCN hôm nay. Kết luận chung từ những bài viết giá trị của anh NTT là, khi làm việc với an ninh cộng sản chúng ta đừng hy vọng chút gì vào tính người, danh dự hay sĩ diện, lòng tự trọng hay tình đồng loại...và tính thượng tôn pháp luật của họ - những thứ đó với họ là xa xỉ phẩm, mà hãy hết sức cảnh giác! Hết sức cảnh giác như chúng ta đang làm việc với quỉ dữ đội lốt người vậy, vì đúng là như thế! Họ sẽ làm tất cả những gì phạm pháp và dơ bẩn, đen tối nhất để lừa dối chúng ta và mọi người, để qui tội và hãm hại chúng ta bằng “luật pháp” bẩn thỉu của họ.

Nhưng đó là từ khi họ đã chính thức xuất đầu lộ diện với ta, là từ khi họ đã tỏ ra quan tâm trực tiếp và công khai đối với chúng ta rồi. Nhưng còn trước đó, giai đoạn chuẩn bị cho sự quan tâm công khai trên, họ thường làm gì?

Từ thực tế công việc của mình, và quan sát nhiều trường hợp khác gần tương tự như vụ anh Trần Huỳnh Duy Thức, Ls. Lê Quốc Quân và một số cá nhân tiến bộ có tinh thần dân chủ khác, nói chung là những nhà quản lý kinh tế (trong cơ quan nhà nước hay nước ngoài) hay những doanh nhân (trong các công ty của chính mình như THDT, LQQ...) tôi xin bổ sung mấy kinh nghiệm sau về các “chiêu thức” của an ninh.

Vì bạn là nhà quản lý hay doanh nhân, họ sẽ tìm cách tiếp cận và cài bẫy bạn ngoài cách qua người thân và chỗ ở của bạn, còn trước hết qua cả cơ quan, doanh nghiệp của bạn.

Cách thứ nhất bao giờ họ cũng luôn làm và làm kỹ là họ nghiên cứu kỹ các thông tin, tài liệu công khai về cơ quan, công ty bạn, rồi họ tiếp cận các cơ quan quản lý kinh tế (thuế, thị trường, thanh tra kinh tế hay nghiệp vụ địa phương...) để tìm cách tiếp cận bạn gần hơn, hay tìm cách hạ ban qua việc hại đường làm ăn của công ty của bạn. Khi đó, rất thường xuyên họ “trở thành” các cán bộ thuế, các “thanh tra” này kia của phường quận đến làm việc với bạn và “giúp” bạn... Hãy cảnh giác! Nếu bạn không biết rõ các cán bộ thuế, thanh tra địa phương quản lý công ty mình là ai thì sẽ rất tai hại. Nếu bạn biết mà họ tự nhiên “thay người” là bạn có chỗ đặt dấu hỏi rồi. Vậy nên, hãy biết rõ mình làm việc với ai và kiểm tra khả năng họ là an ninh hay bị an ninh điều khiển, thật kỹ. Việc này không khó phát hiện nếu bạn đã cảnh giác và sau một hai lần nói chuyện chuyên môn. Tôi đã bắt mẽ vài “cán bộ thuế” và/hay “thanh tra” như thế, nhưng bí quyết là không để cho họ biết mình đã biết họ là ai. Hãy nhớ, họ có thể và luôn biến cả bộ máy “nhà nước” thành công cụ để nghiền nát bạn...

Cách thứ hai là họ sẽ làm tất cả để cài người vào đội hình thân cận của bạn để theo dõi và lấy thông tin về bạn hay công ty bạn. Nếu bạn là nhà quan lý cấp thấp, trung hay cao của công ty nước ngoài hay nhà nước thì họ sẽ ép phòng tổ chức phải “cử” người của họ vào vị trí thuận lợi nhất để theo dõi hay cài bẫy để hại bạn. Thường thì nếu bạn thấy cán bộ tổ chức tự động dẫn người “bổ sung tạm” cho bạn là có vấn đề rồi đó. Đặc điểm của công ty nhà nước hay liên doanh là không ai lo cho công việc của bạn cả, mà là ngược lại. Họ chỉ làm điều đó khi họ phải làm. Và khi bỗng dưng được nhận một “đồng đội” ngang xương như vậy, thường được giới thiệu ỡm ờ là “con ông cháu cha” (thực ra đó là con ma cháu quỷ), bạn đừng vội tin, hãy cảnh giác! Hãy kiểm tra bằng nhiều cách (chuyên môn, sự nhất quán thông tin, linh cảm...) và kết quả thế nào cũng đừng lộ ra, hãy tham gia cuộc chơi họ bày ra mà bạn phải luôn là người chủ động.

Cách thứ ba là an ninh sẽ cài người vào công ty riêng của bạn khi bạn tuyển người công khai qua báo chí, cho các vị trí nhậy cảm như trợ lý và thư ký giám đốc, kế toán thuế... (không sợ các vị trí quản lý cao hơn lắm vì họ... không có nhiều người giỏi!). Vì thế, bất cứ khi nào bạn tuyển người cho các vị trí nhậy cảm trên, hãy cảnh giác và kiểm tra thật kỹ. Trong trường hợp này, hãy kiểm tra kỹ hồ sơ xin việc của họ, vì họ ưa dùng hồ sơ giả (bằng giả, lý lịch giả...) nên các chi tiết họ nói về mình cũng không chính xác và nhất quán, rất dễ phát hiện. Và hãy nhớ là an ninh họ nhiều nhân viên - gián điệp như quân nguyên, nếu bạn loại được “cô bé” này của họ ra thì họ sẽ cử ngay “cậu bé” khác đến cho bạn phỏng vấn!

Tôi đã từng phải ôm đầu kêu lên: sao vẫn còn nhiều bạn trẻ làm an ninh - tức là bán linh hồn cho quỉ dữ thế! Đất nước này sẽ đi về đâu với nhan nhản đội ngũ an ninh chân tay của họ! Nhưng nghĩ cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của chế độ.

Còn vài chiêu bẩn khác an ninh VN hay dùng để theo dõi bạn mà chúng ta hay gặp trong các bộ phim hình sự rẻ tiền, như là họ ép quản lý và nhân viên khách sạn (cả k/s nhà nước, tư nhân và liên doanh) phải cho họ làm “dịch vụ phòng” (house keeping) của bạn suốt thòi gian bạn đi công tác xa và lưu trú ở khách sạn hay ăn uống ở nhà hàng nào đó trên đất VN này (Cù Huy Hà Vũ “bị” vụ 2 bao cao su theo cách tanh tưởi này). Họ cũng hay ép đại lý VN của các hãng lớn nước ngoài phải nhận “chiến sĩ an ninh” của họ vào đoàn đàm phán các dự án mới (còn bí mật) của bạn và đối tác để tìm cách diệt cả hai bên. Hoặc tầm thường như việc họ đe dọa và mua chuộc nhân viên của bạn làm đặc tình cho họ… Nói chung, an ninh cộng sản rất khoái chơi các trò theo dõi bằng gián điệp mọi lúc mọi nơi, vì họ luôn làm thế giữa “các đồng chí” họ với nhau, để hại nhau. Một điều đáng buồn là đa số “quần chúng” sẽ vẫn vô tư, nhiệt tình và thích thú giúp họ…

Tóm lại, trước khi an ninh cộng sản công khai “làm việc” với bạn, bạn nên biết họ đã áp dụng hầu như tất cả mọi kỹ năng tình báo chuyên nghiệp của họ với bạn từ lâu rồi. Cho nên, bạn phải vô cùng cảnh giác khi làm việc với an ninh, như anh Nguyễn Trung Tôn đã chia sẻ, mà cũng cần phải cảnh giác ngay từ trước đó rất nhiều, và mọi lúc mọi nơi, nhất là nếu bạn còn đang làm việc ở cơ quan nào đó hay trong chính doanh nghiệp tư nhân của mình.

Đó là từ kinh nghiệm của tôi.

Phan Châu Thành
danlambaovn.blogspot.com

________________________________

Loạt bài của Ms. Nguyễn Trung Tôn:

- Vài kinh nghiệm khi làm việc với an ninh (Phần 1)

- Vài kinh nghiệm khi làm việc với an ninh (Phần 2)

- Vài kinh nghiệm khi làm việc với an ninh (Phần 3)

 


Copy từ: Dân Làm Báo

..........

Máy bay mất tích của Malaysia bay rất thấp để né radar


(Dân trí) - Sau khi “biến mất” khỏi màn hình radar của đài kiểm soát không lưu, máy bay bị mất tích của Malaysia Airlines đã bay rất thấp, đồng thời lợi dụng địa hình đồi núi để né sự phát hiện của radar quân sự, báo giới Malaysia khẳng định.
 >>  Cơ phó máy bay mất tích nói “Chúc ngủ ngon”
 >>  Malaysia điều tra kỹ sư hàng không trên máy bay mất tích
 >>  Ấn Độ bác giả thuyết máy bay Malaysia bị tấn công kiểu 11/9

Thông tin được tờ New StraitsTimes của Malaysia đăng tải dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra. Theo đó, chuyến bay MH370 đã hạ độ cao xuống chỉ còn 5000 feet (1524 m), thậm chí thấp hơn, để tránh sự phát hiện của các radar thương mại (radar cấp hai), sau khi nó quay đầu khỏi hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh hôm 8/3.
Lộ trình thực sự của MH370 ngày càng trở nên bí ẩn
Lộ trình thực sự của MH370 ngày càng trở nên bí ẩn

Các nhà điều tra hiện đang rà soát hành trình bay của chiếc Boeing 777-200, để xác định xem liệu nó đã bay thấp và sử dụng kỹ thuật “núp địa hình” trong suốt hầu hết 8 giờ máy bay này biến mất khỏi màn hình radar, của có lẽ ít nhất 3 quốc gia.

Những quan chức hàng đầu, những người đang được huy động cho cuộc điều tra, đang xem xét khả năng chiếc máy bay mang theo 239 người, đã lợi dụng các tuyến hàng không đông đúc bên trên Vịnh Bengal.

Bằng cách bay theo các chặng bay thương mại, máy bay có thể sẽ tránh được sự nghi ngờ của những nhân viên trực radar quân sự (radar cấp một) tại các quốc gia mà nó bay qua. Khi đó, với họ, MH370 xem ra có vẻ cũng chỉ như một máy bay thương mại khác đang trong hành trình của mình.
“Người đã điều khiển máy bay có kiến thức vững chắc về điện tử hàng không và định vị, và không để lại dấu vết gì. Nó đã bay thấp qua khu vực Kelantan (bang ở phía Đông Bắc bán đảo Malaysia), đó là sự thật”, các quan chức cho biết.

“Có khả năng máy bay đã nương mình vào địa hình tại một số khu vực, có thể là đồi núi để tránh bị radar phát hiện”.

Kỹ thuật này được gọi là “núp địa hình” và thường được sử dụng bởi các phi công quân sự, để có thể tiếp cận mục tiêu mà không bị phát hiện, nhờ việc sử dụng địa hình để che giấu sự tiếp cận của mình trước các sóng điện từ.

Đây là một phương pháp bay rất nguy hiểm, đặc biệt trong điều kiện thiếu ánh sáng, đôi lúc bị mất phương hướng, và tình trạng say máy bay có thể dễ dàng xảy ra. Những sức ép và tải trọng đối với khung máy bay, nhất là đối với một chiếc cỡ nhưng Boeing 777, là cực kỳ lớn.

“Trong khi cuộc tìm kiếm hiện tại được chia thành hai khu vực lớn, dữ liệu mà đội điều tra thu thập được dẫn chúng tôi thiên về phía Bắc hơn”, các nguồn tin cho biết.

Trước đó, trong ngày thứ Bảy, thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak khẳng định, dữ liệu chuyến bay cho thấy lần liên lạc cuối cùng với vệ tinh, máy bay nằm trên một trong hai hành lang: phía Bắc trải đài từ gần biên giới Kazakhstan Turkmenistan tới Bắc Thái Lan, hành lang phía Nam từ Indonesia tới Nam Ấn Độ Dương.
Máy bay được cho là đã bay theo một trong hai đường màu đỏ
Máy bay được cho là đã bay theo một trong hai đường màu đỏ
Các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết, cuộc điều tra cũng sẽ tập trung vào những khu vực có nhiều sân bay bỏ không có đường băng dài, đủ khả năng đón những máy bay cỡ lớn như Boeing 777. Như vậy các nhà điều tra có thể thu hẹp được diện tích điều tra xuống chỉ còn trong bán kính 8 giờ bay của MH370, dựa trên lượng nhiên liệu của máy bay.
Trước đó, Malaysia Airlines xác nhận rằng các phi công không hề có điều chỉnh gì về yêu cầu nhiên liệu, có nghĩa là máy bay có đủ nhiên liệu để bay tới Bắc Kinh, kèm lượng nhiện liệu dự phòng cho 45 phút bay trong trường hợp phải chuyển hướng tới sân bay khác.
Các nhà điều tra cũng tính đến khả năng máy bay đốt nhiều nhiên liệu hơn do không khí đặc hơn khi bay ở tầm thấp trong thời gian dài. Các phi công cho rằng MH370 sẽ mất lượng nhiên liệu tương đương ít nhất 2 giờ bay. Bất kỳ sự chuyển hướng đột ngột nào cũng khiến lượng nhiên liệu dự trữ giảm xuống.
“Giả sử máy bay bị không tặc, với giả định nó đã hạ cánh, vậy người ta có thể giấu một chiếc Boeing 777 ở đâu?”, một nhà điều tra nói.

Từ khoảng thời gian máy bay quay đầu tại vị trí gần không phận Việt Nam, cho tới điểm nó biến mất khỏi màn hình radar quân sự, 6 tín hiệu “ping” tự động từ máy bay đã được các vệ tinh ghi lại.

Tín hiệu cuối cùng được ghi nhận lúc 8 giờ 11 phút sáng ngày thứ Bảy, cho thấy máy bay có thể đã bay thêm gần 7 tiếng nữa sau khi mất liên lạc.

Các nguồn tin xác nhận rằng đợt ping thứ 7 không diễn ra.

“Tín hiệu thứ 7 được gửi đi nhưng không có phản hồi. Có hai khả năng, hoặc là nó đã hạ cánh ở đâu đó và động cơ được tắt đi, hoặc nó đã bị rơi”.
Hiện giới chức Kuala Lumpur đã chính thức tiếp cận một số quốc gia, với hy vọng họ sẽ chia sẻ cởi mở và rà soát các dữ liệu vệ tinh và radar của mình.
Thanh Tùng
Theo NST

Copy từ: Dân Trí

.........

Ai bảo bà là vợ ông ta?



- Các chú cho má con vào thăm ba con chứ?

- Có gì chứng minh bà là vợ ông Ngô Hào?

- Các chú xem lại sổ thăm nuôi lần trước đi ạ, có tên tuổi, giấy chứng minh của má con đây.

- Chúng tôi không giải quyết trường hợp này.

- Các chú sao lại làm khó gia đình con thế.

Chàng trai – con trai ông Ngô Hào, người tù chính trị bị án 15 năm chậm rãi kể, gương mặt già sọm đi so với tuổi, cái nắng, cái gió của đời… bao nỗi lo toan không thể giấu nổi trong ánh mắt, tôi nhìn vào mắt chàng trai bắt gặp ở đó cái thằng tôi thuở nào, ánh mắt của đứa trẻ đã già.

- Má con đi không mang theo giấy đăng ký kết hôn, nếu không thì đưa cái giấy đó ra thì các chú công an trại giam chắc cũng chẳng làm khó dễ gì đâu. Nhưng con cũng không dám chắc cái giấy đó có còn không nữa, con đi chuyến xe đêm từ Sài Gòn về đến nhà chỉ kịp tắm rửa rồi cùng má và em đi thăm ba, đây là lần thăm nuôi thứ 2. Con rất vội để còn quay trở lại Sài Gòn vì còn phải chuẩn bị cho việc thi cử.

- Họ là cơ quan công quyền nên con cũng nên thông cảm, họ có nguyên tắc…

- Vâng, nhưng con vẫn thấy sao ấy.

- Thế rồi sao?

- Con năn nỉ mãi thì họ cũng cho 3 mẹ con vào gặp ba. Lần này ba con gầy đi nhiều, ánh mắt lạ lắm, con cảm thấy có gì đó như một nét sợ hãi, vâng ba rón rén khi gặp gia đình, nói nhỏ và luôn liếc nhìn các cán bộ ngồi bên. Nhưng lạ lắm chú ạ, con không hiểu họ sau khi đã bắt giam ba con, đã xử án rồi thì họ còn cần gì nữa, cứ cho là ba con có tội đi, nhưng việc được gặp gia đình, người thân là tiêu chuẩn, là quy định của pháp luật với tù nhân thì sao họ lại cứ ngồi ngay bên cạnh để chăm chú nghe câu chuyện thăm hỏi của gia đình con, những chuyện chẳng liên quan đến xã hội, đến chính trị thì họ cũng xen ngang vào hỏi "cái gì" hay “tại sao".

- À… đó là nghiệp vụ cua họ mà, cũng là chuyện bình thường, ba con là tù chính trị nên… nên hơi khác, phải chăng ba con đi ăn cắp, ăn cướp hay… hay… thì đã không bị đối xử như thế đâu, chắc thoải mái hơn nhiều.

- Ba con ốm đi nhiều, đôi mắt thẫn thờ lắm, con hỏi ba làm sao mà có vẻ sợ sệt thế, ba bị đánh à? Ba nhìn qua quản giáo rồi lặng lẽ lắc đầu, ba nói ba yếu nhưng vẫn phải đi ra ngoài lao động, đi làm rấy đó chú.

- Ba ra ngoài làm rẫy cũng tốt, lao động cho khỏe, được hít thở không khí… tự do… cũng… cũng tốt đó con.

- Ba con nói mọi thứ phải tuân thủ, nếu không rất dễ bị cùm, bị bị chân đó chú, mà con nghĩ có gì đâu mà phải cùm chú nhỉ?

Tôi tránh đi ánh nhìn của chàng trai, không trả lời câu hỏi ấy, tôi cũng đã từng bị đi tù nhưng khác với những tù chính trị, khác nhiều lắm. Tôi đã từng đi thăm nuôi, tiếp tế một thằng em ngoài đời, nó can tội tham gia vào một vụ cướp nhưng rất khác, đến nơi nếu không quen biết thì có tý thì các cán bộ ở trại giam cũng thoải mái lắm. Thằng em tôi trước đây bị giam ở trại giam Phi Liệt – Hải Phòng, khi gặp gỡ thân nhân thì nói búa xua… cũng chẳng sao. Tôi biết những người tù chính trị hay còn gọi là tù nhân lương tâm luôn được đối xử khác biệt, ngay cả khi anh phạm tội cướp của giết người… cờ bạc đĩ điếm thì cũng vẫn khác, người nhà thường có quà khi đến thăm, hoặc nhờ vả mối quan hệ thì cũng dễ, nhưng dính đến lương tâm, đến chính trị thì coi như bỏ, đừng nói quà cáp, có cũng như không, đừng nói đến quan hệ, quan hệ gì cũng vứt vì các mối quan hệ ấy người ta né hết. Tôi đã từng quen những người mà nhờ họ có thể đi thăm nuôi ai bất kể lúc nào, khi nào muốn ở hầu hết các trại giam nếu như phạm tội ngoài chính trị, điều này là thực tế vì tôi đã giúp cho vài người bạn, họ cũng có lời gửi gắm nên dễ chịu hơn… nhưng chính trị thì không, không bao giờ.

- Con động viên ba cố gắng cải tạo tốt còn về… về nhà chú ạ.

Nó nói như mếu, vâng lúc đó tôi không còn nhận ra trước mặt tôi là chàng thanh niên nhìn có vẻ phong trần nữa, nếu như đồng cảm, nếu như trước mặt nó không phải là tôi, là một người mau nước mắt, chắc hẳn nó sẽ òa lên mà khóc… khóc vì… tôi biết thế, tôi biết lắm chứ khi mà nó mời ngoài 20 tuổi đầu, cái tuổi được học hành, được khám phá, được yêu đương và mơ ước chứ không phải như nó bây giờ.

- Con nói đúng, phải truyền cho ba niềm tin, tinh thần quan trọng lắm, ngay cả con và má hay em con cũng vậy, hãy tin một ngày ba sẽ đoàn tụ với gia đình. Còn má con hiện nay thế nào? Vết mổ có ổn không?

- Hên xui thôi chú, má mổ hai lần rồi, ung thư vòm họng thì kể làm sao được hả chú, nói năng còn khó mà chú… con… con thương má!

Tôi nhấc ly café nhưng chỉ còn cái ly không, loay hoay, loay hoay tôi gọi thêm ly nữa, tự dưng cái nhu cầu uống thêm ly café mãnh liệt quá, có lẽ tôi đã già, đã mất đi nhiều thứ của một gã đàn ông mạnh mẽ.

- Chú hiện nay không giúp gì cho con và gia đình con được, chú chỉ biết mong con bình tâm, con hãy cố học xong, chú sẽ hỏi thêm vài chỗ để nếu có việc gì con tranh thủ làm thêm để chi tiêu mỗi lần đi lại, chú tin từ những khốn khó, từ những đớn đau trong đời con sẽ trưởng thành lên rất nhiều, đừng vì hoàn cảnh này mà căm thù chế độ, hãy nghĩ và khoan dung với những người đang giam giữ ba con, họ chỉ làm công ăn lương, đôi khi họ tỏ ra họ vô cùng quan trọng trong công việc của họ, đôi khi họ có hơi quá … nhưng không sao, đừng chấp chiu những cái quá ấy vì suy nghĩ của họ cũng không được sâu và quan trọng hơn cả là họ được trao cái quyền binh trong tay mà luật pháp lại luôn cởi mở với họ. Rồi có ngày họ sẽ hiểu ra con ạ, lần sau có đi thăm ba con hãy nói họ giở sổ thăm nuôi để biết đâu là con, đâu là vợ của ba con – ông Ngô Hào nhé, đừng tranh cãi, đừng xin xỏ họ, con người ta trong lúc bĩ cực mà đứng thẳng, tự tin mới đáng nói, đáng trân trọng, con hãy cố mà được như thế dù nó không hề dễ đâu.

Chú chau chia tay nhau khi bóng chiều ập xuống, tôi xiết chặt tay nó, muốn truyền cho nó chút nghị lực… tàn . 

Nó – chàng trai con ông Ngô Hào có khi còn cứng rắn và can trường hơn cả tôi nữa, nó tìm đến tôi tâm sự, sẻ chia và tôi thấy mình hạnh phúc, tôi viết lại ra đây để cùng anh em bạn bè biết thêm về một người tù chính trị, về những người thân của họ, những người không bị giam cầm hàng ngày nhưng ở ngoài họ cũng chẳng hơn gì thân nhân họ trong bốn bức tường kia.


Copy từ: Dân Làm Báo

.........

“Quan tiến sĩ” giúp gì cho việc trị nước?

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sĩ. Trong đó chỉ có hơn 9.000 tiến sĩ đang giảng dạy tại các trường.

Như vậy 15.000 tiến sĩ còn lại không ít người đang làm quan chức. Vấn đề đặt ra ở đây là tấm bằng tiến sĩ giúp gì cho việc lãnh đạo, quản lý đất nước hay nó chỉ làm tăng thêm nạn “tiến sĩ giấy”? Các chuyên gia, nhà phê bình am tường về lĩnh vực nghiên cứu cũng như hành chính công để cùng bàn thảo.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tán thành tách rời học vị với địa vị

“Quan tiến sĩ” giúp gì cho việc trị nước?Tôi cho rằng cái việc đề ra mục tiêu phấn đấu có 20.000 tiến sĩ trong thời gian từ nay đến năm 2020 cũng là xuất phát từ cách hiểu sai quan niệm đào tạo tiến sĩ. Nguy hơn nữa là đòi hỏi “tiến sĩ hóa” đội ngũ công chức của bộ máy nhà nước.

Tiến sĩ là phải nghiên cứu khoa học. Tìm ra được một đề tài, đối tượng có tính khoa học để nghiên cứu không phải là việc dễ dàng, đơn giản. Cho nên tiến sĩ thường gắn với các trường đại học, các viện nghiên cứu - là những nơi có chức năng chính là làm khoa học để giảng dạy và công bố. Việc đòi “tiến sĩ hóa” công chức lại có nguồn gốc từ một quan niệm sai khác nữa: Coi bằng cấp là một căn cứ quan trọng, có tính quyết định trong việc bổ nhiệm quan chức. Người Việt Nam háo danh, càng có chức quyền càng háo danh và ở thời loạn bằng cấp như hiện nay, khi các loại bằng cấp từ thấp đến cao đều có thể kiếm được và mua được thì các quan chức càng thích trưng tên họ, chức vụ mình kèm theo học vị thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư.

Tôi tán thành ý kiến của GS Trần Văn Thọ về việc cần phải kiên quyết tách rời học vị và địa vị, chức vụ, không nên chỉ nhìn vào bằng cấp mà bổ nhiệm. Tại sao có những nước trên thế giới bộ trưởng quốc phòng lại không phải là một nhà binh, cũng như bộ trưởng giáo dục lại không phải là một người có bằng cấp cao? Tại vì những người đứng đầu các bộ đó là lo về quản lý nhà nước lĩnh vực đó, còn các vấn đề chuyên môn đã có các hội đồng chuyên gia. Chừng nào ở ta chưa chấm dứt được việc bổ nhiệm theo bằng cấp thì chừng đó bệnh “loạn tiến sĩ” còn có nguy cơ gia tăng và thêm trầm trọng.

GS Nguyễn Đăng Hưng: Quái trạng của nền hành chính

Việc các quan chức đua nhau làm bằng tiến sĩ là tình trạng quái dị của nền hành chính Việt Nam. Bằng tiến sĩ thực sự đòi hỏi trình độ thâm sâu, khả năng nghiên cứu khoa học thiên bẩm, được hướng dẫn bởi các nhà khoa học thực thụ. Người có bằng tiến sĩ đúng nghĩa phải can qua thời gian dài tôi luyện, quá trình động não liên tục và bền bỉ. Các quan chức làm gì có điều kiện và trình độ như vậy. Họ kiếm bằng tiến sĩ bằng các thủ thuật xấu hổ dựa trên một nền giáo dục đã băng hoại và tha hóa. Và dĩ nhiên là họ chỉ có được bằng dỏm hay nếu bằng thật thì trình độ chỉ có thể là dỏm. Tôi cho đây là một trò đùa xấu hổ và dĩ nhiên là nó chẳng đem lại gì cho xã hội mà ngược lại là một sự phí phạm vô lối, phí phạm thì giờ và ngân sách.

“Quan tiến sĩ” giúp gì cho việc trị nước?Việc đặt ra tiêu chí bằng cấp một cách chung chung để xác định lương tiền là một sai lầm khó hiểu. Lẽ ra tiêu chí phải chính xác hơn: trình độ nào cho công việc ấy. Và muốn chọn người chính xác phải qua xét tuyển độc lập và thời gian thử nghiệm. Các cơ quan quản lý sẽ không cần trình độ tiến sĩ mà chỉ cần người có trình độ tối thiểu cần thiết và khả năng làm việc hiệu quả.

Chẳng hạn tại Bỉ, các cơ quan nhà nước hay các công ty tư nhân không có chỉ số lương cho bậc tiến sĩ. Chỉ có chỉ số lương cho các bậc thấp hơn: tốt nghiệp cao đẳng, cử nhân, kỹ sư.

Tại các nước tiên tiến, phải có trình độ và kinh nghiệm mới được thu nhận và lương bổng tùy thuộc vào các giá trị cụ thể ấy. Việc tuyển chọn phải công khai, mở ra cho mọi thành phần. Còn Việt Nam ta thì không giống ai: Được bổ nhiệm theo lý lịch thành phần, tín nhiệm theo thân hữu gia tộc rồi mới đi học, học tại chức, học chuyên tu. Trên thực tế là học cho lấy có, đáp ứng yêu cầu hình thức, chẳng thu thập được gì gọi là chuyên môn…

Ông Trần Đức Cảnh, nguyên thành viên Hội đồng Liên trường ĐH vùng Đông Bắc bang Massaschusetts: Học vị không làm tăng năng suất, giá trị thì vô bổ!

Tôi từng làm việc cho một cơ quan cấp bộ của một bang ở Mỹ, có khoảng 4.500 nhân sự các cấp. Trong đó khoảng 15% có bằng thạc sĩ, luật sư và bác sĩ, 60% có bằng cử nhân, 25% dưới bậc cử nhân. Có khoảng 10 nhân viên có bằng tiến sĩ nhưng nhu cầu công việc không đòi hỏi bậc tiến sĩ nên chỉ có hai người làm công tác quản lý, còn lại là nhân viên thường thôi.

“Quan tiến sĩ” giúp gì cho việc trị nước?Điều đó cho thấy tính ứng dụng của nước Mỹ rất cao, đòi hỏi học vấn phải đi đôi với năng lực và công việc cụ thể. Học vị chỉ có giá trị khi có giá trị cộng thêm trong công việc được giao phó, nếu không thì sẽ không được dùng, bất kể là ai hay ở vị trí nào.

Ở Mỹ, học lấy bằng thạc sĩ thì chỉ 1-2 năm. Riêng chương trình tiến sĩ ở Mỹ phải mất đến 4-5 năm. Nó đòi hỏi người học phải bỏ công sức rất nhiều cho việc học, thi và làm nghiên cứu cho luận án. Thống kê cho thấy chỉ có 57% hoàn tất chương trình tiến sĩ sau thời gian 10 năm, riêng ngành xã hội và nhân văn thì chỉ có 49%. Người học phải thật khá và đam mê theo đuổi nó. Do đó không ai bỏ công sức đi học lấy bằng tiến sĩ chỉ vì mấy bậc lương hay một chút hư danh. Tôi nghĩ ở Việt Nam những người có khả năng và đam mê học thuật cũng vậy thôi.

Hầu hết các nước đào tạo bậc tiến sĩ chỉ cho hai mục đích giảng dạy và nghiên cứu, hai lĩnh vực này có sự tương quan một cách tự nhiên. Do đó số lượng tiến sĩ trong các cơ quan nhà nước rất ít, ngoại trừ một số cơ quan liên quan đến việc nghiên cứu như y tế, năng lượng, quốc phòng...

Nếu yêu cầu học vị không gắn liền với nhu cầu công việc, làm tăng năng suất và giá trị thì học vị cao có ích lợi gì. Theo tôi, hầu hết nhu cầu công việc quản lý trong lĩnh vực công và tư chỉ đào tạo đến trình độ thạc sĩ theo mặt bằng của thế giới là tốt lắm rồi. Thậm chí hiệu trưởng các trường đại học và giám đốc bệnh viện cũng chỉ đòi hỏi trình độ thạc sĩ, còn nếu có học vị cao hơn mà có khả năng quản lý thì tốt.

TS Alan Phan: Mỹ: Muốn có tiền và có quyền thì đừng làm nhà nước

Có một nghịch lý giữa Việt Nam và Mỹ là ở Việt Nam muốn vô nhà nước là để kiếm tiền và kiếm quyền. Còn ở Mỹ thì cực chẳng đã mới vào làm trong cơ quan nhà nước. Bởi ở đây quyền chẳng có nhiều mà tiền cũng chẳng có. Muốn có được quyền và nhiều tiền thì phải đi ra ngoài làm việc và thành công.

“Quan tiến sĩ” giúp gì cho việc trị nước?Trong một nền kinh tế sáng tạo thì bằng cấp không có ý nghĩa gì mà cái chính là năng lực. Tất nhiên khi muốn làm công tố viên của chính phủ thì phải có bằng luật sư… nhưng không nhất thiết phải là tiến sĩ. Việc lương cao hay thấp là do năng lực chứ không dựa trên tiêu chí của bằng cấp đại học hay thạc sĩ, tiến sĩ. Bởi cái quan trọng lànếu có bằng tiến sĩ ông ta làm gì với cái bằng đó mới là quan trọng. Còn nếu có bằng tiến sĩ mà ông ấy không làm gì thì cái bằng chẳng có ý nghĩa gì. Nhìn vào Bill Gates, ông ấy có cần bằng tiến sĩ đâu nhưng vẫn đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước…

Mặc dù bên Mỹ tuy không có tiêu chuẩn gì cho tất cả bằng đại học nhưng ở sáu bang đều có các cơ quan kiểm định xác nhận chất lượng của trường đó. Thường các viện đại học lớn sẽ có khoa thẩm định để bảo đảm chất lượng giáo dục theo đúng tiêu chuẩn tốt. Các hội đồng thẩm định này không do chính phủ kiểm soát mà do các trường đại học kiểm soát lẫn nhau. Vì thế các hội đồng lại càng làm hăng say hơn, vì nếu để lọt trường dở vào thì giá trị thẩm định của các viện đại học đó bị ảnh hưởng. Nên thành ra có ích lợi rất ích kỷ nhưng rất tốt bởi nó phải nâng cao tiêu chuẩn lên.

Và như vậy trường nào ở bang nào thì phải xin đăng ký do ban kiểm định ở bang đó. Nếu không đăng ký hoặc bị các hội đồng này từ chối vì chất lượng thấp thì… bằng đó cũng không có giá trị.

Theo Pháp Luật TP.HCM

Copy từ: Dân Trí

...........

So Sánh Bản Đồ “Đường Lưỡi Bò” Của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng Với Bản Độ “Xịn”

So Sánh Bản Đồ “Đường Lưỡi Bò” Của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng Với Bản Độ “Xịn”
Chép Sửu Việt: Tối qua 17/3/2014, trong chương trình Thời sự 19h, VTV1, có đoạn video Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điện đàm với Thủ tướng Malaysia.

Có khán giả là FB Cường Hoàng Công đã phát hiện tấm bản đồ sau lưng ông TT có “đường lưỡi bò 9 đoạn” trên Biển Đông, mà Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố để thực hiện giấc mộng bành trướng, bị thế giới phản đối.

Vậy chúng ta thử kiểm chứng, so sánh nó với tấm bản đồ đường chín đoạn “xịn”, được công bố công khai trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia xem sao.


Dù tấm bản đồ “của” TT Dũng được chụp lại từ video, nhưng cũng có thể thấy khá rõ những vệt đứt khúc, chúng rất tương đồng về vị trí, độ ngắn dài, hướng với những đường đứt khúc trên bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc.

Bên trái: 2 vệt ngang Đà Nẵng và Cam Ranh. 1 vệt chếch dưới mũi Cà Mau.

Bên phải: 1 vệt ngang với đảo Hải Nam bên trái. 1 vệt ngang với vệt bên trái ở Đà Nẵng, nhưng thấp hơn một chút. 1 vệt ngang với vệt dưới mũi Cà Mau, nhưng cao hơn một chút.

Nếu đây là sự thực, thì nó sẽ là bằng chứng thuận lợi nhất cho chính quyền Trung Quốc để giành phần thắng, một khi vấn đề tranh chấp được đưa ra Tòa án quốc tế.

Nếu nó là sự thực, thì một dấu hỏi nghiêm trọng cần được đặt ra. Đó là liệu đó chỉ là một sự bất cẩn, ai đó đã “biếu” ông TT tấm bản đồ đẹp, ông thích rồi ra lệnh trao lên, hay đã có một ý đồ ngấm ngầm tiếp tay cho Trung Quốc?

Có lẽ để khẳng định chắc chắn vấn đề nghiêm trọng này, cần sự tham gia của các nhà báo. Ngoài ra, cần có sự chất vấn một cách nghiêm túc của người dân, có thể bằng một bức thư ngỏ được gửi tới Văn phòng Thủ tướng, yêu cầu giải đáp.



(Video về cuộc điện đàm này sẽ được cập nhật tiếp theo. Mời độc giả tạm truy cập video lưu trên trang mạng VTV, từ phút thứ 21’15″).
- See more at: http://thanhnienconggiao.blogspot.com/2014/03/so-sanh-ban-o-uong-luoi-bo-cua-thu.html#sthash.VAwx2Mq7.dpuf
Copy từ: Thanh Niên ông Giáo


..........

Có nên hân hoan trước “Trận pháp Putin”?


Hà Văn Thịnh
Những đảo lộn dữ dội, nhanh chóng và tiềm chứa vô số hệ lụy của “bàn cờ” Crimea – Ukraina trong mấy tuần qua đã và đang đặt sự tiến bộ của nền văn minh hiện đại trước những thách thức nghiêm trọng. Thế nhưng, trong rất nhiều bình luận của báo chí nước ta gần đây, có không ít những bài viết tỏ ra “khách quan” một cách nông nổi khi hân hoan, vui mừng thật sự trước “thắng lợi” của TT Nga Putin và thất bại thảm hại(?) của Mỹ và phương Tây trước cái gọi là “cuộc trưng cầu dân ý” ở Crimea và ngay sau đó là việc TT Putin ký sắc lệnh công nhận Crimea độc lập!!!


Điển hình trong loạt quan điểm trên là bài báo của tác giả Đặng Vương Hạnh (ĐVH) trên Tienphong Online, 06:31 ngày 18.3.2014.

Tác giả bài báo đã dùng những ngôn từ mà chỉ cần đọc lướt qua, ai cũng biết tác giả rất sung sướng, hả hê vì Putin đã làm cho Mỹ, EU “bối rối, bị động” đến mức không biết làm gì khác hơn ngoài chuyện “gỡ gạc thể diện”. Đi xa đến mức liều lĩnh, ĐVH còn gợi ý (sung sướng thật sự) cho TT Nga cách thức phá hủy công lý và nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina bằng thứ ngôn từ không ai hiểu nổi: “Dùng chính vũ khí phương Tây đã sử dụng ở Kiev, đẩy các khu vực thân Nga rơi vào động loạn, bị chia cắt, thậm chí nội chiến và nước Ukraine thống nhất sẽ vỡ vụn trước mắt phương Tây. Không nước EU nào, kể cả Mỹ sẵn sàng đổ máu vì sự toàn vẹn của Ukraine”?!

Đọc câu “gợi ý” đắc chí trên, không một người có lương tâm nào không đặt câu hỏi rằng, tại sao tác giả bất chấp các giá trị luân thường đạo lý, cho rằng chính phủ Nga có toàn quyền hành động để “bảo vệ lợi ích chiến lược” ích kỷ của mình?

Tại sao tác giả không chịu hiểu rằng hành động của Putin là một tiền lệ nguy hiểm mà phần thắng luôn thuộc về những nhóm nhỏ khát khao quyền lực độc tài bất chấp đến sự sống an lành của hàng triệu người dân vô tội? Ngày mai, ngày kia trong tương lai xa và gần, chẳng lẽ bất cứ cường quốc nào cũng tự cho mình quyền kéo xe tăng, đại bác tới bất kỳ vùng lãnh thổ có chủ quyền nào để “bảo vệ” công dân nước mình bị đe dọa? Cái cớ để tạo nên sự “đe dọa” (ví dụ lu loa lên rằng 6.000 công nhân TQ – đa phần lao động chui bất hợp pháp - ở Vũng Áng bị phân biệt đối xử) dễ lắm, ĐVH có biết không? Hoặc giả, người ta tổ chức cho hàng trăm dân thường TQ “trưng cầu dân ý” ở Hoàng Sa về chủ quyền – giống như một giả định tinh tế trong một bài viết trên mạng hôm qua, 17.3) thì nỗi đau này thuộc về 90 triệu người dân Việt Nam và, chắc chắn rằng, không có tên ĐVH!

Là một nhà báo, lương tâm của người cầm bút để đâu khi ĐVH lờ đi sự thực lịch sử cách đây 60 năm: Dưới thời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô Nhikita Khrushov, năm 1954, Krimea đã chính thức được chuyển giao cho nhân dân Ukraina quản lý, đúng như thực tiễn hàng ngàn năm trước? Nếu ca ngợi Putin hôm nay là chính nghĩa(!), tại sao ĐVH không xỉa xói “sai lầm nghiêm trọng” của đảng CS Liên Xô? Không thể có chuyện cả hai đều đúng, nhất là, quyết định năm 1954 đã được toàn thể các đảng viên CS trong Xô Viết Tối cao Liên Xô thông qua? Chẳng lẽ cộng sản Liên Xô đúng và Putin cũng không sai sao?

Ít người không biết sự phụ thuộc nặng nề về dầu khí (hơn 30%) và than (gần 25%) của EU từ nguồn cung là Nga; thị trường lớn thứ tư thế giới của công nghiệp xe hơi Đức cũng là Nga…, đã làm cho EU lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nhưng hả hê với ý muốn vô lý của độc tài ích kỷ của Putin là điều không thể chấp nhận. Ném sinh mệnh của hàng triệu dân thường vô tội, thậm chí hy sinh cả lợi ích dân tộc để tạo nên “nền móng” cho những cái ghế quyền lực là sự vô đạo đức không thể biện minh. ĐVH không chỉ là một nhà báo (thật xót xa khi phải dùng hai chữ ‘nhà báo’) hoang tưởng a dua theo quyền lực mà còn phạm tội hoang ngôn a dua với quyền lực khi bất chất căn cứ xác thực, tự mình khẳng định khơi khơi rằng “Có thể phương Tây đã tạm “dẫn bàn” bằng việc lật đổ ông Viktor Yanukovych”(!) Căn cứ vào đâu để ĐVH khẳng định phương Tây lật đổ TT tham nhũng vô liêm sỉ Yanukovych? Phải chăng cái máu sợ “diễn biến” làm tội nghiệp cho chủ nghĩa độc tài đã làm ĐVH xót xa?

Vì nhiều lý do, đã lâu lắm rồi tôi không viết, nhưng hôm nay, do không thể chịu nổi sự vô lương tâm của một bài viết xúc phạm đến hàng triệu con người đang phải rên xiết dưới ách độc tài của Putin (cựu đảng viên ĐCSLX, cựu KGB khét tiếng), buộc tôi phải lên tiếng. Rất mong ông ĐVH tranh luận vì biết đâu tôi đã sai? 

Thay lời kết, xin dẫn ra đây đoạn văn đầy đe dọa (đối với thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng) của ĐVH trong bài “Trận pháp Putin”: “Ai cấm Nga hợp tác với Trung Quốc sản xuất vũ khí siêu thanh tấn công toàn cầu, cung cấp các loại vũ khí công nghệ cao và giúp nước này hoàn thiện chiến lược “chống tiếp cận”, đánh thẳng vào chiến lược “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ?” (tôi nhấn mạnh chữ ĐÁNH THẲNG và TẤN CÔNG TOÀN CẦU vì hình như ý của ĐVH là là ủng hộ sự đánh thẳng – tức là cổ xúy, phát động chiến tranh thế giới, không chỉ vào Mỹ mà là bất cứ dân tộc nào khát khao công lý, dân chủ, tự do?).

 Huế, 09h, 18.3.2014.

Tác giả gửi: Quê Choa’ blog
...............

Theo Thầy Đinh Đăng Định Về Quê


VRNs (18.03.2014) – Đăk Nông – Sáng ngày 16.03.2014 theo ý nguyện của Thầy Đinh Đăng Định, gia đình đã quyết định đưa Thầy về quê nhà ở Đăk Nông để Thầy sống nốt những ngày tháng cuối đời với xóm làng và căn nhà gỗ thân yêu, để Thầy được vợ con chăm sóc, yêu thương.

Con hẻm dài chừng 200m dẫn tới phòng trọ nơi thầy ở, gần bệnh viện Ung Bươu trên đường Nguyễn Văn Đậu quận Bình Thạnh. Giữa con hẻm là một quán cóc bán trà đá, mọi người ngồi đó nói chuyện rất rôm rả, nhưng khi chúng tôi [ba thành viên của VRNs] vừa tới gần thì họ bắt đầu thay đổi trạng thái cơ thể, tất cả đều im lặng và họ nhìn chúng tôi với một ánh mắt không bình thường. Chúng tôi nhận ra đây là mấy anh an ninh đang làm nhiệm vụ rình rập người dân. Khi chúng tôi đi sâu vào phía cuối hẻm nơi Thầy Đinh Đăng Định đang ở trọ, một anh chạy theo chúng tôi.

Anh chủ nhà trọ hình như đã biết tình hình. Anh nói với chúng tôi: “các anh cứ vô nhà đi, để tôi đóng cửa”. Liền sau đó, bé Thảo, con gái lớn của Thầy Đinh Đăng Định ra đón chúng tôi và dẫn ba anh em vào phòng Thầy.

Khi vừa bước vào phòng, chúng tôi thấy Thầy vẫn nằm trên giường. Cô Dinh – người phụ nữ, một nửa cuộc đời của Thầy – đang ngồi nắn tay chân cho Thầy. Chiếc giường bên cạnh có bé An, con gái thứ hai của Thầy và ba em sinh viên bạn học của bé An, chắc cả đêm thức lo cho Bố và có thể bé sắp phải chia tay để bố về với vùng quê nơi bố sinh sống, còn các em phải tới trường học. Mắt bé An ươm ướm đỏ còn ba em sinh viên kia thì khuôn mặt đầy u buồn, vì các em cùng đồng cảm với bạn của mình khi sắp phải chia tay người Bố thân thương.

Tôi khẽ cúi đầu chào Thầy và Cô. Thầy chỉ chúng tôi ngồi xuống chiếc giường bên cạnh. Tôi hỏi Thầy: “Thầy ơi đêm qua thầy có ngủ được không? Thầy chưa kịp trả lời thì Cô trả lời giúp Thầy: “Đêm qua Anh không ngủ được nhiều”. Sau đó mọi người muốn sua tan không khí, một anh trong nhóm hỏi Cô: “những đồ dùng này tụi con chuyển xuống xe trước nhé?” Thế là mỗi người một túi đồ chuyển ra cửa phòng trọ chờ xe cấp cứu đến.

Thầy không còn sức để tự đi được, hai anh tiến tới định cùng dìu Thầy đi, nhưng một anh khi vừa khoác vào người Thầy anh cảm thấy Thầy nhẹ quá anh liền bế Thầy một cách nhẹ nhàng ra xe.

Chuyến xe khởi hàng lúc 7h20 phút, từ một phòng trọ trên đường Nguyễn Văn Đậu. Trước lúc xe lăn bánh, bé An khóc rất nhiều. Em vừa nói vừa khóc: “Bố về Bố giữ sức khỏe nhé, con yêu Bố và nhớ Bố nhiều lắm”. Nghe những lời từ bé An nói với Thầy, tôi cũng rưng rưng nước mắt.

Cùng trên đường về nhà Thầy buổi sáng nay còn có ba người bạn của Thầy đi trên một xe khác. Chiếc xe cấp cứu cứ dần dần xa Sàigòn. Con đường từ Sàigòn tới hết đất Bình Dương rất tốt, nhưng khi bắt đầu bước vào đất của tỉnh Bình Phước thì đường bắt đầu xấu đi.

Tình trạng sức khỏe của Thầy không ổn. Thầy rất mệt, trên xe Thầy nôn ra rất nhiều, thứ Thầy nôn ra có mầu nâu đen, về cuối đoạn đường, Thầy kêu khó chịu nhiều lần, mỗi lần như vậy Thầy lại nôn nhiều hơn và cùng với những chất nhầy đó có cả máu đỏ tươi. Chiếc xe cấp cứu phải dừng lại dọc đường hai lần để Thầy nghĩ ngơi. Càng tiến về tỉnh Đăk Nông đường càng xấu đi, chiếc xe cấp cứu được ưu tiên mà hình như chỉ chạy được 5 km/h. Mọi người trên xe than phiền về con đường xấu này. Thầy rất mệt nhưng vẫn cố nói những tiếng nhẹ: ”Đường này là do xe chở bauxite tàn phá. Con đường này chỉ cho phép xe 20 tới 30 tấn chạy mà chúng nó chở bauxite lên cả 100 tấn thì đường nào chịu nổi”.

Thầy vẫn còn nhiều trăn trở về các dự án bauxite mà chính Thầy và các trí thức ở khắp cả nước đã lên tiếng cảnh báo trước về hậu quả của việc khai thác bauxite này. Một dự án không có lợi mà toàn có hại.

Cuối cùng chiếc xe cũng bò được về tới Đăk Nông sau 5h đi đường. Bé Thảo, con gái lớn của Thầy nói tài xế dừng lại: “đây nhà em đây rồi”. Căn nhà bằng gỗ hoàn toàn, nhà ghi số 124 đường Nơ Trang Long, khối 4 trị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’Lấp, Tỉnh Đắk Nông.



Căn nhà ván của thầy Đinh Đăng Định, tù nhân lương tâm, đang bị ung thư giai đoạn cuối – Anh Đức Hiệp

Mọi người đưa Thầy vào nhà, tôi quan sát bốn xung quanh chỉ được ghép bằng những tấm gỗ, còn bên trên được lợp bằng những lá tôn. Trong nhà Thầy có một chiếc tivi từ thời xa xưa lắm rồi, và hai chiếc giường, một chiếc quạt máy, một tấm bảng dậy học. Ngoài ra không có gì đáng giá. Từ trong nhà có thể nhìn ra ngoài thông qua những khe hở của những tấm gỗ đã cũ và mục. Ngôi nhà đã lâu không có người ở chỉ có duy nhất một chú mèo trắng, khi thấy Thầy về chú mèo mừng rỡ vì đã nhiều ngày không được ai chăm sóc và đã lâu không được gặp chủ. Chú mèo quấn vào người Thầy.

Thầy giáo bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định, 51 tuổi, bị kết án 6 năm tù theo điều 88 bộ luật hình sự, vào tháng 8 năm 2012, vì Thầy đã công khai lên tiếng phản đối các dự án bauxite ở Tây Nguyên, và kêu gọi đa nguyên đa đảng cho Việt Nam. Ngày 21.11. 2012 Tòa án Phúc Thẩm phán quyết y án 6 năm tù theo bản án Sơ Thẩm cho nhà giáo Đinh Đăng Định.

Trong thời gian ở trại giam Thầy giáo Đinh Đăng Định đã nhiều lần bị biệt giam. Thầy cho biết, khi ở biệt giam họ cho tôi ăn và uống những thứ nước nặng mùi nước tiểu. Với kiến thức của một giáo viên dạy hóa học, thầy cảm thấy rõ có chất sunphát trong đó. Một thời gian sau, thầy phát bệnh ung thư.

Tháng 9.2013, đang thụ án 6 năm tù ở trại giam An Phước, thuộc tỉnh Bình Dương, Thầy Giáo Đinh Đăng Định phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện 30 tháng 4 ở Sài Gòn. Trong những ngày điều trị bệnh tại bệnh viên này, mặc dù tình hình sức khỏe của Thầy rất yếu và nguy kịch, nhưng ngày 8.11.2013 Thầy vẫn bị đưa về lại trại giam. Do trong trại giam không chăm sóc và cung cấp thuốc chữa trị cho bệnh tình của Thầy, đã làm cho bệnh tình của Thầy thêm trầm trọng.

Đầu tháng 10.2013, gia đình đã nhiều lần làm đơn đề nghị nhà cầm quyền miễn hình phạt tù cho Thầy Định Đăng Định, đang ở trong tình trạng bệnh tật rất hiểm nghèo, nhưng đơn đề nghị của gia đình không được nhà cầm quyền chấp thuận.

Ngày 15 .02.2014 khi bệnh tình của Thầy Đinh Đăng Đình đã không còn có thể chữa trị được nữa, nhà cầm quyền mới hoãn thi hành án cho Thầy. Thầy Định đang bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Y tá đi cùng xe cấp cứu truyền nước cho Thầy nhưng phải mất rất lâu mới thực hiện được, anh y tá nói: “Ven của chú khó lấy quá, có những cái nổi lên nhưng đã cứng hết rồi, còn những cái khác gần như nó lặn hết rồi”. Một hồi lâu sau mới lấy được ven để tiếp nước và đạm cho Thầy.





Khi tôi hỏi: “Thầy có vui khi về nhà không?” Thầy trả lời: “Vui lắm! Có mệt nhưng rất là vui vì được về với ngôi nhà của mình, về với xóm làng”. Chung với niềm vui của Thầy, bé Thảo cũng nói lên suy nghĩ của mình: “Bố em bệnh nặng rồi, nhưng dù chỉ còn 10% hay 1% em vẫn hy vọng và luôn mong muốn có một phép mầu đến với Bố em”.

Khi Thầy về tới nhà có hai người phụ nữ lạ chạy qua thăm Thầy. Tôi hỏi chị: “Chị là hàng xóm hay người nhà của Thầy? Một chị trả lời: “Hàng xóm, thấy anh lâu quá không về, hôm nay thấy xe cấp cứu đưa anh về tôi chạy qua hỏi thăm”.

Ngôi nhà đã lâu không có người ở, mọi thứ gần như đã bị bỏ hoang, ở một góc bếp những viên than đen cũng bạc mầu và chiếc kiềng đun nấu màng nhện bán đầy. Nhà thầy vẫn đun bằng bếp củi. Cuốc sống của thầy trước đây vẫn rất vất vả, nhưng tấm lòng yêu nước, trăn trở về quê hương và yêu nghề dậy học thì vẫn đầy ắp.


Sau khi mọi sự đã tạm ổn, thầy đã yên vị trong chiếc giường quen cũ của nhà, chúng tôi phải ra về. Khi ra về mà lòng chúng tôi vẫn luôn nghĩ về Thầy nghĩ về câu nói của Thầy: “Yêu nước không phải là độc quyền, quyền yêu nước không phải chỉ có nhà nước và mấy ông lãnh đạo, mà quyền yêu nước là của toàn dân”.

Mana Khanh, VRNs


Copy từ: Thanh Niên ông Giáo


.........