CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Blogger Sài Gòn thảo luận về nhân quyền và giải pháp truyền thông, nhân ngày 258 (25.08)


VRNs (27.08.2013) – Sài Gòn – Vào lúc 22 giờ 15, ngày 25.08.2013, gần 40 người, trong đó có khoảng 30 Bloggers ký tên vào “Tuyên bố chung của mạng lưới blogger Việt Nam” tham gia buổi trò chuyện về các hoạt động của Mạng lưới blogger VN đã, đang và trong thời gian sắp tới, tại quán cà phê BB – Sài Gòn.
Nhìn lại quá trình hoạt động, Blogger Nguyễn Tường Thụy, sống ở Hà Nội, tham dự với các thành viên trong Mạng lưới blogger VN ở khu vực phía Nam, nhận định: “Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa và có tác động đến phía nhà cầm quyền, họ rất lo ngại về tuyên bố 258 của tất cả chúng ta. Tôi rất cảm phục lòng dũng cảm của các bạn trẻ đã trao tuyên bố 258 cho tổ chức Nhân quyền LHQ, cho một số đại sứ quán ở VN có uy tín trên thế giới. Tôi nghĩ, chúng ta không chỉ phản đối về điều 258 mà chúng ta còn phải có động thái phản đối cả điều 79 và điều 88 là những điều luật rất mơ hồ trong BLHS. Và chúng ta hết sức tỉnh táo và khôn khéo để đấu tranh”.
Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, DCCT ủng hộ các hoạt động của Tuyên bố chung của mạng lưới blogger VN. Cha Thoại lưu ý: “Theo tôi vấn đề chính là bỏ điều 4 Hiến Pháp (HP). Nếu bỏ được điều 4 HP thì chúng ta sẽ giải quyết được tất cả, nhưng trước mắt chúng ta phải gỡ từ từ, từng điều một. Cho nên, tôi rất ủng hộ loại bỏ điều 258 trong tuyên ngôn cũng như trong chiến dịch mà chúng ta đã và đang làm”.
Nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới chưa biết nhiều đến tình trạng bắt bớ, chà đạp và đàn áp nhân quyền có hệ thống tại VN. Bởi truyền thông trong nước chưa đủ mạnh để loan tải và loan tin cho mọi người trên thế giới biết đến. Do đó, rất cần nhiều người cộng tác – những cánh tay nối dài dịch các sự kiện liên quan đến nhà cầm quyền cs VN vi phạm nhân quyền, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo… sang tiếng Anh với mục đích loan tin cho các tổ chức nhân quyền trên thế giới biết, để họ có thể can thiệp kịp thời. Đó là trăn trở của bạn Nguyễn Thảo Chi, một trong những blogger đại diện Mạng lưới Blogger đến thăm và trao Tuyên bố 258 cho Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, tại Thái Lan, vào đầu tháng 8 vừa qua.
Lo lắng của bạn Thảo Chi được nhà báo Phạm Chí Dũng, sống tại Sài Gòn giải đáp: “Trong vấn đề dân chủ ở VN, tôi cho rằng, chúng ta đang khủng hoảng và thiếu những cây viết để lan truyền và lan tỏa những vấn đề VN ra nước ngoài. Cho nên, vấn đề quan trọng lúc này, chúng ta nên tập sự, hướng dẫn và đào tạo những cây viết trẻ ở VN để chuẩn bị cho thời gian sắp tới. Vì vấn đề truyền thông và báo chí là một trong những yếu tố quan trọng của xã hội dân sự, mà có thể nói các bạn là tiền thân của xã hội dân sự ở VN.”
Nhà báo Phạm Chí Dũng khẳng định: “Về mặt cá nhân tôi sẽ hỗ trợ và ủng hộ về mặt truyền thông.”
Còn anh Hoàng Dũng có ý kiến: “Mỗi người nên lập một hồ sơ cá nhân liệt kê các hoạt động liên quan đến nhân quyền mà cá nhân đó đã và đang tham gia. Sau đó, gửi đến cho một người thân cận, để khi có chuyện bất chấp xảy ra thì người thân này sẽ loan truyền hồ sơ cá nhân đó đến cho mọi người biết, đồng thời các tổ chức quốc tế có thể kịp thời lên tiếng.”
Ngoài ra, mọi người còn bàn thảo về cách phân phát quyển sổ tay Quyền con người cho người dân VN.
Trước khi kết thúc, nhà báo Phạm Chí Dũng, cô Dương Thị Tân, blogger Nguyễn Giáp Dần đã ký vào “Tuyên bố chung của mạng lưới blogger Việt Nam” phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ. Bản Tuyên bố 258 này đã được trao tận tay Văn phòng Hội đồng nhân quyền LHQ tại Thái Lan, Tổ chức Human Rights Watch, Tòa đại sứ các nước Thụy Điển, Úc … các tổ chức bảo vệ nhà báo và blogger …
Trong đầu năm nay, blogger Trương Duy Nhất, blogger Phạm Viết Đào và blogger Đinh Nhật Uy bị nhà cầm quyền quy kết và bắt giam vào điều 258.
Được biết, cùng ngày, vào lúc 14 giờ 30 phút, hơn 30 blogger đại diện khu vực phía Bắc cũng diễn ra cuộc gặp mặt này tại quán Cafe Win, 94 đường Láng, Đống Đa, Hà Nội.
Đây là lần thứ hai trong tháng 8, các blogger ký tên vào Tuyên bố 258 tổ chức họp mặt, uống cà phê nhân ngày lịch trùng với số 258. Ngày trước là thứ 2, ngày 5 tháng 8.
HT, VRNs


Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế

Từ Phương Uyên đến Lê Hiếu Đằng - Hai thế hệ trắng và xám

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Nếu Nguyễn Phương Uyên, cô sinh viên 21 tuổi đã trở thành điểm tụ hội của nhiều người, không phân biệt quá khứ, chính kiến thì ông Lê Hiếu Đằng và những tuyên bố về sự ra đời của đảng Dân chủ Xã hội là bức tranh rõ rệt nhất cho những bất đồng ý kiến ở mức độ xung khắc cực điểm. 
Hai thông điệp viết bằng máu của Nguyễn Phương Uyên, không nằm trên mạng, trên thư, trên tuyên bố, trên cương lĩnh mà ở trên đường phố, rõ ràng ngắn gọn - Đi chết đi ĐCSVN bán nướcTàu khựa cút khỏi Biển Đông - xác định dứt khoát ai là thù trong, ai là giặc ngoài.
Hành động treo cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa của Uyên đã không làm mất đi sự ủng hộ dành cho Uyên từ nhiều đảng viên cộng sản kỳ cựu. Ngược lại huy hiệu đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trên chiếc áo trắng tinh khôi cũng không làm cho những người ở bên này vĩ tuyến 17 của cuộc chiến trước 75 e dè, xa lánh Phương Uyên.
Và thái độ, những lời phát biểu của Phương Uyên trước cả một hệ thống đàn áp khổng lồ, trước nguy cơ nhiều năm tù đày đã trở thành niềm phấn khích và đánh thức vô số người về lòng can đảm, ý chí kiên cường của dân tộc vẫn còn hiện hữu trong một người trẻ Việt Nam. 
Đó là thế hệ Nguyễn Phương Uyên, thế hệ của những Đinh Nguyên Kha, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Duy Thức, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Hoàng Vi, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Nữ Phương Dung, Nguyễn Thảo Chi, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Lân Thắng, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trịnh Anh Tuấn, Đào Trang Loan, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Tiến Nam, Châu Văn Thi, Trịnh Hữu Long, Nguyễn Vũ Hiệp, Vũ Sỹ Hoàng, Nguyễn Văn Dũng,... thế hệ của những thanh niên thiếu nữ trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội cất cao tiếng gọi chủ quyền, của những Công dân Tự Do công khai cổ vũ quyền làm người, của những blogger Việt Nam tay viết, miệng nói, chân đi, đường hoàng chững chạc trong những tiếp xúc với quốc tế.
Đó là một thế hệ trắng tinh khôi mà lòng yêu nước là nhân ảnh rõ ràng được nhìn thấy từ họ. 
Ở ông Lê Hiếu Đằng người ta không thể tìm thấy một màu trắng tinh khôi đó. Ở ông, gom lại hết những gam màu phản ảnh từ dư luận và từ chính con người ông, những thông điệp chính trị và chuỗi hành động kéo dài gần hết đời người của ông... nó trở thành là một màu xám. 
Nếu những thông điệp của Phương Uyên ngắn gọn, rõ ràng thì ông Lê Hiếu Đằng đã có những thông điệp chính trị tạo nên nhiều luồng suy nghĩ, phản ứng khác nhau.
Ông vừa viết xong câu tính sổ rạch ròi và cho vào thùng rác quá khứ và sự nghiệp sinh viên giải phóng “lẫy lừng" của ông và phong trào sinh viên chống Mỹ cứu nước: Thật sự là Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng... thì cùng lúc ông vẫn gọi những người "Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc” ấy là địch.
Ông vừa kết luận đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam - không thể nói khác được thì cũng chính ông sau đó "Đảng Cộng sản Việt Nam HIỆN NAY đã KHÔNG CÒN là đảng cách mạng như trước đây nữa”.
Ông đứng dậy và kêu gọi: “Vùng lên sau một giấc ngủ khá dài để chấp nhận mọi rủi ro, nguy hiểm cho bản thân cá nhân mình cũng như gia đình để dấn thân vào cuộc chiến đấu mới để tiếp tục thực hiện lý tưởng thời trai trẻ mà hiện nay đã bị phản bội...” thì sau đó ông lại ngồi xuống: “Cái chữ đối lập đây không có nghĩa là mình bài bác gì đảng Cộng sản - bản thân tôi là đảng viên đảng Cộng sản lâu năm - và chính điều đó giúp cho đảng một lối thoát.
Bên cạnh những thông điệp chính trị lẫn lộn, trắng đen của ông, quá khứ bản thân ông cũng đem lại cho ông nhiều sóng gió dư luận.
Khi tính sổ đời mình với đảng, lời ông nói “tiếp tục thực hiện lý tưởng thời trai trẻ mà hiện nay đã bị phản bội, chà đạp những lời hứa năm nào trong kháng chiến...” có thể mang lại sự hài lòng cho nhiều đồng chí cộng sản cùng có tâm trạng như ông. Ngược lại, cụm từ “phản bội” cũng gợi lên trong lòng nhiều người miền Nam hình ảnh của một kẻ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Với họ, ông Đằng là người phản bội. Với họ, ông đã không hoặc chưa tính sổ đời ông với những người lính “Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc” vừa mới ôm xác đồng đội ở chiến trường, trở về thành phố an bình nhờ vào chính sinh mạng và hy sinh của họ, để rồi nhìn thấy ông và bạn bè ông đang thờ ma cộng sản chà đạp lên lý tưởng bảo vệ tự do và sứ mệnh gìn giữ miền Nam của họ. Những người đó, giống như ông, bây giờ đã già, nhưng vẫn còn sống.
Khi kể tội và kết tội đảng cộng sản, ông làm hứng khởi nhiều người vì không gì tốt hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn khi chính những người cộng sản kết án đảng, ông làm nhiều người đồng cảm về thái độ phản tỉnh của ông. Cùng lúc, những chức vụ, vị trí của ông trong thời gian những tội ác đó được thực hiện, mà ông không quên liệt kê ra trong mọi trường hợp, lại làm cho nhiều người kết án ông - chính ông cũng là một phần tham gia, tiếp tay cho những tội ác đó.
Khi đề cập đến hiểm họa Tàu cộng xâm lăng, ông có một thái độ rạch ròi đối với Bắc Kinh, thái độ hèn nhát của đảng và nhà nước, nhưng sau đó ông đem Nguyễn Tấn Dũng ra làm kẻ cầm cờ: “Tôi rất mừng nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ở hội nghị Shangri-La chống lại nền chính trị cường quyền và những đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam...” Nhiều người ủng hộ ông và nhiều người chỉ trích ông, điều đó không thể khác.
Ông xuất hiện một, hai lần biểu tình chống Tàu cộng, hình ảnh được đăng lên mạng. Sự xuất hiện của ông và bằng hữu đã làm giúp phát triển khí thế chung của những người yêu nước, đã gia tăng hình ảnh Diên Hồng của những người con dân Việt Nam trước hiểm họa xâm lăng. Cùng lúc, những người theo dõi thời cuộc biết rõ phong trào xuống đường biểu tình yêu nước, chống Tàu khựa xâm lược bắt đầu từ nhiều năm trước, có những người tiên phong đã ở trong tù, có những người đã ra tù và đang bị quản thúc, có nhiều người bị trấn áp, tạm giam, sách nhiễu... nhưng họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ý chí bảo vệ chủ quyền bằng hành động và bằng những cái giá phải trả của những người không mang thẻ đảng.
Tất cả những gì đang gây sóng gió trong dư luận, những thông điệp chính trị, quá khứ, hiện tại của ông Lê Hiếu Đằng và tương lai đảng Dân chủ Xã hội đều nằm trong bối cảnh: nhu cầu của một nền chính trị đa đảng, thoát khỏi ách độc tài, độc đảng của đảng cộng sản VN.
*
Cách đây gần 70 năm, khát vọng Độc lập đã thôi thúc hàng triệu người. Bằng mọi giá phải khôi phục lại quyền sống, quyền tự chủ, quyền tự quyết định vận mạng của người Việt Nam. Hàng triệu thanh niên, thiếu nữ đã tiến bước theo tiếng gọi của núi sông.
Hơn nửa thế kỷ sau, nhìn lại, khát vọng đó thật là chính đáng, nhưng tiếng gọi từ ai, con đường nào, phương tiện chính trị gì đã trở thành mối uất hận cho hàng triệu sinh linh đã chết và hàng hàng lớp lớp con người đang sống.
Hơn nửa thế kỷ sau, chúng ta đang đối diện với nguy cơ mất nước và từ đó dẫn đến nhu cầu đa đảng để thiết lập tự do, dân chủ, để có một chính quyền xứng đáng bảo vệ và phát triển đất nước. Đó là một khát vọng và nhu cầu chính đáng. Nhưng, một lần nữa, tiếng gọi từ ai, con đường nào, phương tiện chính trị gì để những năm về sau nó không sẽ không lại trở thành mối uất hận cho hàng triệu sinh linh đã chết và hàng hàng lớp lớp con người đang sống?
Cho nên không thể đánh đồng, không thể cào bằng giữa mục tiêu muốn đạt và con đường, phương thức, phương tiện để đạt đến mục tiêu.
Những người đàng hoàng, có tâm, có lòng đang chống đối hay ủng hộ ông Lê Hiếu Đằng đều có chung một mục tiêu. Họ chỉ khác nhau về sự đánh giá “những thứ” tiến đến mục tiêu ấy.
Những người đặt Tổ Quốc trên hết sẽ vượt lên những cảm xúc riêng tư, những thân tình đồng đội, những khác biệt quá khứ, để hướng tới và tìm kiếm những gì tốt nhất cho đất nước.
Sẽ rất khó để xác định đâu là khởi động tốt nhất để làm nền tảng khởi đầu cho bối cảnh đa đảng của đất nước. Một tập hợp những người không cộng sản sẽ có những khó khăn chồng chất. Một tập hợp những người cộng sản thực tâm, thực lòng muốn bỏ đảng và lập đảng mới cũng phải đối diện với nhiều sóng gió. Nhưng chắc hẳn, sẽ không ích lợi gì cho đất nước khi có một thái độ cứng ngắt, không tương nhượng - bất kỳ một người cộng sản nào đều không thể thay đổi được, bất kỳ một động thái chính trị nào cũng là âm mưu của tập đoàn độc tài. Nó chỉ làm gia tăng sức mạnh và sự gắn chặt vào nhau trong hàng ngũ những kẻ độc tài.
Cựu Tổng Bí Thư Đảng CS Liên Xô Gorbachev: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, nhưng ngày hôm nay tôi đau buồn mà nói rằng: Đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền dối trá”. Nếu không biết dối trá cả nửa cuộc đời thì bản thân của Gorbachev đừng hòng leo lên chức Tổng bí thư trong guồng máy đầy dối trá. Và đừng nói ông ta đã không góp phần vào những tội ác của đảng cộng sản Sô Viết.
Cựu Tổng Thống Nga Boris Yelsin: “Cộng sản không thể thay đổi, tự sửa chữa mà phải thay thế, loại bỏ chúng”. Chính Yelsin đã tự phủ nhận, tự làm sai câu nói của ông: ông đã thay đổi.
Chẳng ai tin vào hai trùm sỏ cộng sản, leo lên tận đỉnh cao quyền lực của một tập đoàn gây ra bao nhiêu tội ác cho đến những ngày lá cờ đỏ được kéo xuống ở điện Kremlin. Ngày hôm nay người ta tin vào hai nhân vật đầu sỏ của đảng cộng sản Sô Viết đã góp phần thay đổi bộ mặt chính trị của toàn thế giới bằng hành động sau cùng của họ.
*
Con đường mà ông Lê Hiếu Đằng, những đồng chí của ông và những người ủng hộ ông có thể được nhiều người tin rằng sẽ có mức độ tiêu hao năng lượng thấp nhất. Câu hỏi đặt ra là nó ít làm tiêu hao năng lượng cho tập thể những người khởi xướng hay ngược lại nó sẽ làm tiêu hao năng lượng của cả một phong trào dân chủ?
Ông Lê Hiếu Đằng và đảng Dân chủ Xã hội có thể góp phần trả lời cho câu hỏi này. Cách thức trả lời bằng thái độ, hành động cũng là nền tảng để đánh giá vai trò và những đóng góp của ông và đồng chí của ông đối với công cuộc chung.
Cùng lúc năng lượng của công cuộc chung không chỉ nằm trong tay ông Lê Hiếu Đằng, vận mạng đất nước có xoay chiều hay không, không chỉ tùy thuộc vào sự ra đời của đảng Dân chủ Xã hội.
Vẫn còn đó những công dân Việt Nam thế hệ 8x, 9x đang miệt mài, với quá khứ một tờ giấy trắng, với bản chất tuổi trẻ trong sáng, với thông điệp rạch ròi, với thái độ đường đường chính chính, đã và đang dấn thân bằng lòng can đảm, bằng trí tuệ, bằng trái tim Việt Nam và bằng lý tưởng Tổ Quốc Trên Hết.
Quá khứ là những chia cắt đau buồn như giòng sông Bến Hải.
Tương lai là những nụ cười tươi tắn của Cà phê 258.
Rất khó để mà tiến nhanh về tương lai tươi sáng bằng những cỗ xe đã cũ mèm, đã khô dầu, cạn nhớt, đã rớt bù lon, đã long con ốc, và đã có thời từng đêm, từng đêm chuyên chở những xác người. Nó chỉ nên là những cỗ xe cố góp phần, góp sức những gì còn có thể được, phụ chuyên, phụ chở những hành trang cần thiết cho đoàn xe tuổi trẻ đang từng bước tiến về phía trước.


Copy từ: Dân Làm Báo

Đâu là “sự thật”, “công lý” và “trách nhiệm” qua bài viết của Giáo sư Hoàng Chí Bảo?

 

Đâu là “sự thật”, “công lý” và “trách nhiệm” qua bài viết của Giáo sư Hoàng Chí Bảo?


Đào Tiến Thi


Giáo sư Hoàng Chí Bảo vừa có bài Trọng sự thật và công lý để hành động có trách nhiệm nhằm bác bỏ những ý kiến (chủ yếu là của ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận) về việc thành lập Đảng Dân chủ xã hội ở Việt Nam.

Toàn bài của Giáo sư Hoàng, từ tiêu đề, đều toát lên tiếng nói của kẻ có quyền phán quyết và dạy dỗ. Ví dụ ngay đoạn đầu đã đóng đinh bằng hàng loạt nhận định mang tính tiên đề, không có chứng minh, phân tích, biện bác gì cả: “Ý Đảng – Lòng dân – Phép nước đã thống nhất và hòa quyện làm một, tạo thành sức mạnh thúc đẩy đổi mới, làm nên sức sống của đổi mới, thành tựu phát triển đất nước như hiện nay. Đổi mới là sự gặp gỡ tất yếu và tự nhiên giữa những hối thúc của đời sống thực tiễn với những sáng kiến, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân từ cơ sở, cùng với quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng”.


Giáo sư dựa vào đâu để nhận định: “Ý Đảng – Lòng dân – Phép nước đã thống nhất và hòa quyện làm một”? Và nếu thế không có gì phải bàn, phải làm nữa. Chẳng lẽ Giáo sư không hề biết chỉ trong mấy năm qua hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước đổ vỡ, hàng nghìn dân oan bị tước đoạt ruộng đất, phải đi khiếu kiện năm này qua năm khác mà vẫn không có kết quả gì; hàng chục nghìn người phải ra nước ngoài làm thuê; hàng ngàn phụ nữ phải lấy chồng ngoại, thực chất là những cuộc bán mình; hàng trăm người yêu nước và đấu tranh cho chủ quyền dân tộc và lẽ công bằng bị kết tội tuỳ tiện hoặc thường xuyên bị sách nhiễu, bất chấp luật pháp. Cả xã hội gần bất lực trước nạn tham nhũng, lạm quyền và các loại tội phạm. Biển đảo thì ngày càng bị nhà cầm quyền Trung Cộng ngang nhiên xâm lấn, ngư dân luôn bị khủng bố mà không có một chiến lược, một quyết sách gì để ngăn chặn và hy vọng. Và còn bao nhiêu nan giải khác về xã hội, giáo dục, y tế,… Là một nhà khoa học, nhất là khoa học xây dựng Đảng, lẽ ra Giáo sư Hoàng phải cảnh báo cho Đảng để có sự điều chỉnh về đường lối chính sách; còn đối với những tiếng nói đối lập, phải đối thoại cởi mở trên cơ sở chân lý và đạo lý; nhưng qua bài trên, tôi thấy Giáo sư chỉ ra sức tô hồng hiện thực và kết tội những người khác ý kiến, như thế còn đâu là “sự thật”, còn đâu là “công lý” với “trách nhiệm” như tiêu đề của bài?

Giáo sư Hoàng khen ngợi thành tựu đổi mới của Đảng. Đồng ý. Nhưng là một bài tranh luận, Giáo sư phải bác bỏ từng luận điểm của đối phương. Khi ông Lê Hiếu Đằng nêu những cái phi lý, bất cập, tội lỗi của chính thể hiện nay, lẽ ra Giáo sư phải bác bỏ từng điểm một mới phải, chứ sao lại lấy cái hay để thay thế cho cái dở? Làm cho “Ông nói gà, bà nói vịt”, chẳng ăn nhập gì cả. Công là công, tội là tội, làm sao lấy công thay cho tội được?

Bây giờ tôi xin tập trung phân tích hai ý chính trong của Giáo sư Hoàng Chí Bảo:
- Ca ngợi công lao của Đảng, chủ yếu là giai đoạn từ phát động “đổi mới” đến nay.
- Coi sự độc quyền lãnh đạo của Đảng là hợp lý, hợp tình.

Về ý thứ nhất, khi Giáo sư Hoàng ca ngợi công lao của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước (từ cuối 1986, khi chấp nhận kinh tế thị trường, kinh tế tư bản, tư nhân) không phải là sai nhưng coi đấy là tất cả do “thiên tài Đảng ta” thì thật không khách quan, không vô tư. Cuộc “đổi mới” này, nói cho công bằng, là cuộc gỡ bớt (bớt thôi chứ không hết) những cái ách phi lý đè nặng bấy nhiêu năm. So với trước đó (kinh tế tập thể, tập trung, cấm tiệt kinh tế tư nhân, tư bản) thì đúng là mới. So với Bắc Triều Tiên và Cu Ba, hai quốc gia kiên định giữ nguyên mô hình CNXH, thì bước đi của Đảng Cộng sản Việt Nam là rất mới, rất táo bạo. Nhưng so với Đảng Cộng sản Trung Quốc (tiến hành cải cách mở cửa từ năm 1978), thì ta cũng bình thường thôi (chậm hơn Trung Quốc gần một thập kỷ và tốc độ cũng chậm hơn nhiều). Còn so với sự đòi hỏi của thực tiễn, so với quy luật chung của cuộc sống, so với con đường của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đi thì sự “đổi mới” của ta chẳng có gì mới, thậm chí là quá chậm. Sự đổi mới ấy chẳng qua là quay về với cái cũ (ở Việt Nam thời Pháp thuộc đã có kinh tế tư bản không đến nỗi nhỏ). Kinh tế thị trường (tư bản) đã ra đời ở Âu – Mỹ, Nhật Bản hàng trăm năm trước. Và thị trường của họ ngày nay đã tiến tới sự hoàn thiện dưới sự điều hành, giám sát của nhà nước pháp quyền, của xã hội dân sự (trong đó đặc biệt là vai trò của nghiệp đoàn, của tự do ngôn luận, tự do báo chí), chứ không phải thị trường hoang dã, méo mó như Việt Nam hiện nay.

Tất nhiên là khi gỡ bớt những cái ách trên thì nhân dân phấn khởi, sức lao động và sức sáng tạo bao nhiêu năm bị kiềm toả bỗng nhiên được giải phóng. Lại thêm tư bản nước ngoài vào đầu tư, tất cả đã khiến kinh tế Việt Nam khởi sắc hẳn lên. Tức là kinh tế bước đầu được vận hành theo quy luật. Cứ nhìn vào hình ảnh người nông dân trên đồng ruộng khi vừa mới có chính sách chia ruộng những năm cuối thập niên tám mươi, đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước so với giai đoạn hợp tác xã trước đó thì đủ biết. Thời hợp tác xã, người ta đệm cho cày nông choèn, rồi cày một đường lại bỏ “lỏi” nửa đường là chuyện thường. Việc bừa cũng tương tự như vậy. Nhưng đến lúc chia ruộng, bà con làm ruộng nhuyễn như nồi cháo nấu kĩ. Rồi bao nhiêu phân gio được chiu chắt, chăm bẵm,… do đó lúa tốt hẳn lên chứ không “chó chạy hở đuôi” như thời hợp tác xã. Trời còn mờ tối, bà con đã lục tục ra đồng, tối nhọ mặt vẫn chưa chịu về, khác hẳn thời hợp tác xã, mặt trời còn con sào mới gọi nhau xuống đồng, lại còn giải lao giữa giờ, trà thuốc chán chê, cho đến khi mặt trời sắp lặn mới xuống làm tượng trưng một chút nữa rồi về.

Viết đến đây tôi muốn muốn minh hoạ thêm bằng một ý của Mạc Ngôn (nhà văn Trung Quốc, giải Nobel 2012). Năm 1993, Mạc Ngôn qua thăm một thành phố vùng biên giới Nga – Trung. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy cùng thảo nguyên ấy, bên Nga đất đai hết sức phì nhiêu và rộng rãi so với Trung Quốc, nhưng dân Nga lại nghèo khổ hơn hẳn dân Trung Quốc (lúc ấy Trung Quốc đã cải cách được 15 năm, còn Nga vừa mới tan rã đế chế Xô Viết). Mạc Ngôn nhận định: “Người dân dưới bất kỳ chế độ xã hội nào đều là một quần thể cần lao, dũng cảm, giàu sức sáng tạo nhất. Chỉ cần nới lỏng một chút bàn tay xiết trên cổ họ, để họ có thể hít thở được, chỉ cần nới lỏng một chút cái sợi dây xiềng xích giữ tay và chân họ, để họ có thể lao động được, họ có thể sáng tạo ra cả một nền văn hoá rực rỡ và những của cải lớn lao[1].
Dẫu sao thì dân ta hiện nay cũng “vênh mặt” được với Bắc Triều Tiên và Cu Ba. Nhưng so với Nhật Bản, Hàn Quốc, những nước cho đến tận đầu thế kỷ XIX chỉ tương đương mình như, thì mình thật đau xót; còn so với những nước lân bang như Thái Lan, Singapore, cho đến tận đầu thế kỷ XIX, vẫn còn là “đàn em” của ta, thì thật hổ thẹn.

Và đúng là cuộc đổi mới đã giúp Đảng Cộng sản thoát hiểm như nhận định của Giáo sư Hoàng Chí Bảo. Nhưng cuộc thoát hiểm đó mang tính chất tình huống, tạm thời. Bởi vì chỉ đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, kinh tế là cơ sở hạ tầng, quyết định kiến trúc thượng tầng, tức hình thái nhà nước;  và kiến trúc thượng tầng phải phù hợp với cơ sở hạ tầng. Lực lượng sản xuất phát triển đến độ như bây giờ thực sự đã mâu thuẫn gay gắt với kiến trúc thượng tầng. Kinh tế thị trường do không đi đôi với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự đã dẫn đến những nhóm lợi ích, những sự cạnh tranh mang tính maphia,… Và đặc biệt là tình trạng tham nhũng vô phương cứu chữa. Càng duy trì tình trạng này sẽ càng tiếp tục khủng hoảng, cả kinh tế và chính trị. Chính nó đe doạ sự tồn vong của Đảng, chứ không phải “các thế lực thù địch”.

Về ý thứ hai, Giáo sư Hoàng nêu: “Dân ủy thác cho Đảng trọng trách. Sứ mệnh, địa vị và trọng trách của Đảng là sự lựa chọn của dân, là sự tin cậy mà dân dành cho Đảng…”. Thế nhưng giáo sư lại không biện luận, không chứng minh được điều này. Thử hỏi, dân uỷ thác cho Đảng bao giờ, dưới hình thức nào? Đã gọi là uỷ thác thì phải qua một hình thức “khế ước” như qua hiến pháp, qua các bộ luật, qua việc bầu cử tự do. Hiến pháp hiện hành có ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” (Điều 4) nhưng nhân dân chưa bao giờ được phúc quyết điều này. Tất cả các chức danh lãnh đạo của Đảng hoàn toàn do Đảng bầu, Đảng cử chứ dân không có quyền gì. Giáo sư lý giải thế nào hình ảnh một xã hội được gọi là dân chủ nhưng người đại diện cho mình, thực thi những quyền lợi của mình, quyết định số phận của mình, lại không phải do mình bầu lên?

Giáo sư viết tiếp: “Phản ứng và thái độ của cá nhân là quyền của mỗi người, nhưng quyền ấy phải thuận theo đạo lý và luật pháp”. Không hiểu đó là đạo lý gì và luật pháp nào? Ở dưới, Giáo sư có giải thích nhưng cũng chẳng sáng tỏ gì hơn: “Đó là lẽ phảiđạo lý ở đời và làm người mà Bác Hồ gọi là Thân dânChính tâm. Với những đảng viên của Đảng Cộng sản, đòi hỏi này càng cần phải tôn trọng nghiêm ngặt hơn bởi sự dẫn dắt của lý trí tỉnh táo, sáng suốtthái độ chính trị nghiêm túc, biết tự mình trung thành với lý tưởng và nguyên tắc, cùng với giữ trọn đạo làm người cách mạng” (nhấn mạnh của ĐTT). Thật quá nhiều ngôn từ to tát nhưng lại không nói được điều gì. Thử hỏi ông Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Ngọc Nhuận,… vi phạm đạo lýlẽ phải ở chỗ nào? Không thân dân, không chính tâm, không tỉnh táo,… ở chỗ nào?

Lại nữa, Giáo sư viết: “Khi đã giác ngộ chân lý thì phải phục tùng chân lý”. Không hiểu Giáo sư nói chân lý nào đây? Sống dưới chế độ Sài Gòn, ông Lê Hiếu Đằng thấy không có tự do, độc lập; Đảng nêu cao tự do, độc lập, ông thấy đấy là chân lý nên đi theo. Nay ông Lê Hiếu Đằng thấy Đảng không coi trọng tự do, độc lập nữa, ông muốn thành lập một đảng khác để thực thi tự do, độc lập, thì đó cũng là chân lý. Chân lý là quá trình nhận thức, quá trình tìm kiếm không ngừng chứ đâu phải là cái gì bất biến.

Phần cuối, Giáo sư Hoàng vô tình hay hữu ý đã đánh tráo khái niệm khi ông bàn sang vấn đề đa đảng ở các nước tư bản (dân chủ): “Có một thực tế lịch sử hiển nhiên cũng cần được làm rõ, trong các nước tư bản chủ nghĩa, dù tồn tại đa đảng và các đảng đối lập, nhưng vẫn định hình một đảng cầm quyền. Chính trường ở đó thường xuyên diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị tư sản. Họ chỉ đa nguyên, đa đảng trên hình thức, còn trên thực tế đều tỏ rõ sự nhất nguyên, bởi đảng chính trị tư sản nào cũng không bao giờ xa rời mục đích bảo vệ cho quyền thống trị và sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản”.

Đúng là trong chính thể đa đảng của các nước dân chủ luôn diễn ra cuộc tranh giành và tất nhiên rốt cuộc có một đảng thắng và lên cầm quyền. Nhưng sự cầm quyền ấy khác hẳn sự độc quyền của đảng cộng sản ở các nước cộng sản. Trước hết sự cầm quyền của họ là do nhân dân quyết định (phải thắng phiếu trong bầu cử); thứ hai, khi cầm quyền, họ buộc phải thực thi pháp luật và thực thi những điều đã cam kết; nếu không làm được, sẽ bị nhân dân phế truất bằng nhiều cách khác nhau.

Chưa kể, đảng cầm quyền luôn đối mặt với đảng đối lập, với xã hội dân sự, với tự do ngôn luận và báo chí, do đó luôn luôn bị chỉ trích nếu có khuyết điểm. Vì vậy đảng cầm quyền khó có cơ hội chỉ vơ vén cho quyền lợi ích kỷ của mình. Tuy vậy, một đảng cầm quyền lâu ngày vẫn thường dẫn đến tha hoá. Do đó như ta thấy ở Mỹ và một số nước, mỗi đảng (cũng như tổng thống) giỏi lắm chỉ cầm quyền được hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ hai thường là đuối sức, nhiều tổng thống buộc phải từ chức giữa nhiệm kỳ. Nền chính trị dân chủ của họ do đó luôn luôn được “thay máu”, có lẽ vì thế mà chế độ tư bản “giãy” mãi mà không “chết”!

Giáo sư Hoàng cũng lặp lại một điều mà các đồng nghiệp của ông ai cũng bám lấy: “Không phải cứ đa nguyên đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ”. Đúng. Không phải cứ đa nguyên đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ. Cũng như không phải cứ ăn chất đạm thì khoẻ mạnh, cứ dùng thuốc thì chữa được bệnh. Nhưng muốn khoẻ mạnh thì không thể từ chối ăn chất đạm, muốn chữa được bệnh thì không thể không dùng thuốc. Cho nên cái mệnh đề trên của Giáo sư Hoàng và một loạt giáo sư Mác – Lê-nin khác chả có gì đứng vững. 

Nhưng điều này thì có: Không phải cứ đa nguyên đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ nhưng muốn xây dựng xã hội dân chủ, không thể không đa nguyên, đa đảng. Điều này thực tế đã chứng minh: chưa hề có nước nào độc đảng mà có dân chủ, nhưng nhiều nước đa nguyên đa đảng thì đã có dân chủ, ít nhất cũng dân chủ hơn các nước độc đảng. Tại sao ta không đi con đường mà thế giới đã đi, cứ nhất nhất đi con đường riêng chưa ai đi, và con đường riêng ấy luôn luôn phải loay hoay, chật vật? Và thỉnh thoảng, ở tình huống bế tắc quá thì lại làm cú “phá rào” để thoát hiểm?

Cuối cùng, Giáo sư Hoàng lại quay về với Điều 4 Hiến pháp để bảo vệ sự độc quyền của Đảng: “Điều 4 trong Hiến pháp đã khẳng định về vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng. Đó là ý chí của dân, nguyện vọng của dân, đạt được sự đồng thuận rất lớn của xã hội. Đảng ta trong nhận thức và đánh giá của dân, có đầy đủ tính chính đáng pháp lý và sự xứng đáng về phẩm giá và uy tín của một Đảng lãnh đạo và cầm quyền”.

Sao Giáo sư lại dùng Điều 4 Hiến pháp thay cho lập luận? Lẽ ra Giáo sư phải làm ngược lại: dùng lập luận để biện giải, chứng minh cho sự đúng đắn của Điều 4. Dựa vào đâu mà Giáo sư bảo Điều 4 là “ý chí của dân”? Đã bao giờ Hiến pháp được phúc quyết chưa? Đã bao giờ Điều 4 được đem ra trưng cầu dân ý chưa?

Mấy năm trước, tôi thấy một số chuyên gia Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương lo lắng không biết nên “diễn giải” như thế nào về Đảng bây giờ. Trong tình hình hiện nay, vấn đề có lẽ càng cấp bách hơn. Người như Giáo sư Hoàng, lẽ ra có nhiệm vụ biện giải để làm sao sáng ngời tính chính danh của Đảng (chứ không phải càng nói càng hỏng). Hoặc là phải tham mưu cho Đảng, làm sao có đủ chính danh. Và nhất là làm sao “thay máu” để Đảng lành mạnh trở lại, chứ không phải nói lấy được những điều trên.

Một người “gác cổng” lâu năm cho Đảng về mặt lý luận lại có học hàm giáo sư, tôi thật buồn khi thấy bài của Giáo sư Hoàng chỉ ở tầm “dư luận viên” mà thôi. Thực tình tôi nghĩ không phải trình độ Giáo sư Hoàng Chí Bảo như vậy. Vì tôi đã từng nghe Giáo sư Hoàng giảng về Nghị quyết Trung ương IV khá hay. Lần giảng về NQ Trung ương IV đó, cách đây chưa lâu, Giáo sư đã phân tích nguyên nhân thoái hoá chính là từ trong Đảng (do tham nhũng, lộng quyền, dối trá,… mà ra chứ không phải do “thế lực thù địch” dùng thủ đoạn “diễn biến hoà bình” nào cả). Vậy bây giờ có lẽ do Giáo sư không nói thật, không căn cứ vào sự thật, cho nên gần như chẳng biện bác được gì ngoài những khẩu hiệu khô cứng. Thiết nghĩ bảo vệ Đảng như thế thật hoá ra hại Đảng. Như cụ Nguyễn Du đã viết: Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.


Đ.T.T.


[1] Tạp văn Mạc Ngôn, Nhà xuất bản Văn học, 2005.


Copy từ: Ba Sàm

TẠI SAO LAỊ LÀ 2/9 CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ 19/8? TẠI SAO LẠI CÓ THÊM MỘT CÁI “VĨ THANH 3/9”?

Ngày 28 tháng 8/2013

Đọc lại từ Phấn đấu kí số 13: TẠI SAO LAỊ LÀ 2/9 CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ 19/8? TẠI SAO LẠI CÓ THÊM MỘT CÁI “VĨ THANH 3/9”?

...68 cái mùa thu...định mệnh đã qua đi trong đời mình! Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày “ngây thơ cách mạng” đến tội nghiệp ấy, mình lại nhớ về gia đình, về bạn bè, ai còn? ai mất? ai dại? ai khôn? Về những kỷ niệm không phai mờ trong ký ức một lão già chỉ còn hơn 20 ngày nữa là bước vào tuổi 87 (tây), 88 (ta)… Mình cố ghi chép lại những gì mà, qua tiếp xúc, qua tìm đọc và qua...“nghe phải” những điều dối trá trắng trợn về lịch sử nước nhà mà bổ xung thêm những điều mà năm trước mình đã bỏ qua…

Năm nay qua Tivi, cái tin con cụ Phạm Khắc Hòe, đổng lý văn phòng chính phủ Trần trọng Kim “nộp lại” đồng tiền vàng thật mà ông Hồ đã tặng riêng cho “những người đã đi theo cách mạng” mỗi người một đồng vì, theo lời con cụ Hòe “Đây là tài sản của Nhà Nước nên trả về bảo tàng là đúng nhất”…khiến mình nhớ lại những kỷ niệm xưa của gia đình mình, một gia đình công chức của Pháp cũ và được chính phủ Trần trọng Kim trả lương đầy đủ suốt 4 tháng (kể từ tháng 3/45 cho đến hết tháng 8/45) trong tình hình cực kỳ khó khăn: giặc đói, giặc dốt, giặc “quân hồi vô phèng” cho đến 31 tháng 8/45. Ngày đã” thống nhất sẽ bàn giao xong cho một chính phủ cách mạng lâm thời do ông Hồ làm chủ tịch”... Sự kiện này bất cứ ai có gia đình làm công chức cho Tây và cho chính phủ Nam triều, đều trải qua những ngày tháng lo âu, hồi hộp…khi phải làm việc không lương y hệt đội bóng xi-măng Xuân Thành ngày nay!
Mình không thể quên được ông bố mình, cái hôm 27, 28 hay 29 gì đó của tháng 8/45 năm ấy, khi ông đi làm về hơi muộn...(Ông làm chủ sự bưu điện thành phố Thái Bình). Quằng một tập tiền Đông Dương mới toanh ra trước mặt mẹ mình, Ông thở dài, nói: “Enfin!“ )cuối cùng) –(ông có tật hay nói xen tiếng Tây!) mấy ông sắp về vườn cũng lo được tiền lương hai tháng thiếu của công chức!”...Rồi ông buông thõng: ”Kể từ Septembre (tháng 9) này trở đi, chuyện gì sẽ xảy ra? Seul Dieu le sait” (chỉ có Chúa mới biết!) Ông còn văng ra một tràng tiếng Tây nữa với nội dung đại khái không tin tưởng gì ở mấy thằng cộng sản có thể diriger (chỉ đạo) được một cái nhà nước đang chạy ro ro như cái sở P.T.T của ông! Và ngay tháng 9/45, ông bỏ việc, không thèm làm đơn, làm đếch gì, vù xuống Hải Phòng tham gia buôn…thuốc lá! (Chẳng biết là… lậu hay không lậu?) với ông chú người Tầu chủ tiệm “Dân Sinh” ngay bến ô-tô trung tâm thành phố, cho đến khi nổ ra oánh nhau thì ông lại quay trở về nghề cũ nhưng… trong thành Hà-Nội chiếm đóng! Và …tổ cha cái thằng Đế Quốc nham hiểm!, chúng trả hết lương truy lĩnh những ngày ông bỏ nghề chính đi buôn! Để mình sau này, rất nhiều năm cứ phải…”giả vờ nhận tội”: ”có bố làm…tay sai cho địch”(?) rồi… kiên trì cách mạng đến cùng vì…tự ái với ông bố khi nhớ tới lời ông đe dọa (cũng bằng tiếng Pháp): ”Mày theo cộng sản (dù sau đó, ngày 11/11/45, ông Hồ đã tuyên bố với khắp thế giới: giải tán đảng CS), đến lúc đói khổ, thất bại hoàn toàn mà quay đầu về, tao tống cổ ra đường đó!” (đọc HỒI KÝ CỦA MỘT THẰNG HÈN của tớ)...

Năm nay, Bố mình đã yên nghỉ cả gần nửa thế kỷ tận bên Cali, nhưng cả một trường đoạn phim cũ lại hiện về …Mình thấy cần bổ xung những gì mình đã viết cách đây 3, 4, 5, 6 năm, với một xì-tai (style) ”thẳng ruột ngựa hơn”, không còn vừa viết vừa…run, vừa lo bị người ta “nhập kho” vì tội "NÓI THẬT KHÔNG CÓ LỢI CHO CÁCH MẠNG" nữa!

Xin mời các bạn đọc lại! Bảo đảm có nhiều điều mới lạ đấy!:


PHẤN ĐẤU KÍ SỐ 13
TẠI SAO 2/9, TẠI SAO 3/9 ?
(posted tháng 9/2010 - sửa chữa và bổ sung 25/8/2013)

Về cái đề tài “Cách mạng mùa thu” này, tớ đã viết quá nhiều về những “sự thật còn nhớ được”… Vậy mà trước câu hỏi này của cặp vợ chồng giáo viên (một cặp friends hâm mộ) nhân dịp đến thăm tớ và yêu cầu tớ “nhớ gì nói nấy” để có thêm tư liệu tham khảo vì ngày nay, dạy lịch sử cho lớp trẻ, có những câu hỏi được thực tế khách quan đặt ra thì giáo viên đành … tảng lờ, không biết! Ví dụ: “Tại sao không lấy ngày 19/8 làm ngày quốc khánh mà lại phải chờ đến nửa tháng sau mới tuyên bố độc lập?” hay “Tại sao bác Hồ uy tín là thế mà khi tuyên bố độc lập lại chẳng có nước ma nào chịu công nhận? Phải đến khi ông Mao thắng lợi ở bên Tàu, “cân lên đặt xuống” cùng nước Nga, mãi 5 năm sau (1950), các đồng chí Tầu mới công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, mở màn cho những nước khác làm theo?” Hoặc là “Tàu Tưởng với hơn 50 vạn quân thay mặt đồng minh vào tiếp quản sự đầu hàng của Nhật với bọn Pháp; thuộc chính quyền Pétain (lúc đó, bị Nhật giam giữ ở khắp nơi) có xảy ra xung đột hoặc cấu kết gì với nhau không?”… Và hàng loạt những câu hỏi của cặp vợ chồng nhà giáo trẻ này làm tớ ngớ người ra. Ừ nhỉ! Thời gian đã làm cho những “nhân chứng sống” như tớ còn quên béng đi nữa huống hồ là lớp trẻ sau này (kể cả những nhà viết sử trẻ) theo sử sách của “đảng ta”đã …”ăn không nói có” về các nhân vật lich sử Lê Văn Tám ,Nguyễn văn Bé (?!_ thì…làm sao mà lấp đầy những “lỗ hổng lịch sử” hoặc đập bỏ đi những “tượng đài ảo” được? Đặc biệt tội lỗi với lịch sử là : Ngang nhiên diệt hẳn (cả thể xác lẫn tên tuổi ) nhiều nhân vật xứng đáng vinh danh trong sử vàng chống ngoại xâm ,yêu Tổ Quốc nhưng….chỉ có độc một “tội” là …không chịu theo chủ nghĩa Mác-Lê ,theo Liên Xô,theo Trung Quốc giết giết hết kẻ thù giai cấp để giải phóng giai cấp ,giải phóng loài người !(sic). Và tớ, như có một ngọn đuốc thắp sáng lại cái đầu đã trở nên lẫn cẫn… Tớ nhớ lại:

1) Đúng là sau cái ngày 19/8 tưng bừng đó, bọn tớ như bị lửa đốt đít, Chẳng anh nào còn nghĩ đến việc bút nghiên, bừng bừng khí thế đi “làm cách mạng”. Tớ còn nhớ: hồi đó khi về Thái Bình (nơi bố mẹ tớ trước đó làm công chức cho Tây, sau 9/3/45 tiếp tục phục vụ và lĩnh lương đều đều của chính phủ Trần Trọng Kim) ,tớ được 2 thằng bạn giới thiệu vào Tự vệ chiến đấu. Tiểu đội tớ hiện nay chết trận, chết bệnh, chết… oan gần hết, May ra còn sống đến giờ này chỉ còn sót lại nghe đâu có tướng Hoàng Kim (tức Phó Triệu Tường). Mỗi ngày chúng tớ đều được tập trung huấn luyện tại một trụ sở lấy được của nhà một ông thẩm phán tên Thu nghe đâu “quốc dân Đảng cỡ bự”, đã bị thủ tiêu ngay những ngày đầu 19/8 như ông Phạm Quỳnh. Ngày ngày chúng tớ đều được một “đồng chí” người Nhật (tên Việt là Tâm) chạy sang hàng ngũ cách mạng, dẫn đầu chạy đều qua vườn hoa Barry, lên quá Sở Canh nông để đến một vùng đất trống, hướng dẫn cho các động tác lăn, lê, bò toài, tháo lắp súng đạn, chiến đấu giáp lá cà… Anh chàng “Tâm nhật” này nghe đâu về sau, khi Nhật cuốn gói về nước, có ở lại với ta ít năm nhưng chẳng biết về sau số phận ra sao thì tớ cũng chẳng có tin tức gì nữa. Buổi chiều thì được lên lớp chính trị. Người lên lớp chẳng phải ai xa lạ lại chính là Nguyễn Tài Khoái, con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan, anh thứ trưởng bộ công an Nguyễn Tài bị thất sủng sau này. Chúng tớ được nghe thấy những từ “không phải từ của Việt Nam” lần đầu tiên trong đời như: “Phản đế”, “phản phong”, “vô sản”, “tư bản”, “tiểu tư sản”, “mâu thuẫn”, “giai cấp”… Còn một vị lí luận gia nữa chuyên về lí luận Mác-xít tên Văn Trọng, con chủ hiệu nước mắm Đức Thịnh, đường Jules Piquet thì thao thao bất tuyệt những “phép biện chứng”, “duy vật”, “duy tâm”, “mâu thuẫn”, “giai cấp đấu tranh”, “chủ nghĩa cộng sản”, “cách mạng tháng 10 vĩ đại”… Bọn tớ nghe đều phục lăn sát đất vì thấy ông này đúng là một nhà lí luận có trí thức vì cứ thấy ông ta, tay cầm một cuốn sách tiếng Pháp mà lại dạy thành tiếng Việt được. Nào ngờ, chính cái ông Trọng này khi kháng chiến bùng nổ, ông ta lại… ở lại Hà Nội (!) và sau đó di cư vô nam làm đến thượng nghị sĩ gì đó của chính quyền Ngô Đình Diệm!
Cũng chính trong những ngày này mà cánh tớ được phổ biến vì sao mà sau 19/8 lại có một “khoảng lặng không êm ả” chút nào…(ảnh 1)
Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 tại sao lại phải chờ mãi đến ngày 2/9 mới tuyên bố độc lập ?

Chính đây là thời kì “mặc cả chính trị”, “thanh toán chính trị”, “vu cáo chính trị” dữ dội nhất để có được một chính phủ lâm thời kịp ra mắt ngày 1 tháng 9/45 nhưng do trục trặc đàm phán mãi tới đêm 1/9 mới tàm tạm ổn nên cái ngày quốc khánh nó lùi sang 2 tháng 9 như hậu thế đã “biết mà không rõ” như ngày nay! (ảnh 2)
Phải chăng vì phải "có cho được"cái chính phủ lâm thời này?!
Chú thích: từ trái sang phải–hàng đầu: Võ nguyên Giáp (Bộ Nội Vụ), Vũ đình Hòe (Giáo dục), Hồ chí Minh (chủ tịch), Trần huy Liệu (Thông Tin), Nguyễn văn Tố (Cứu Tế) - Hàng sau: Nguyễn Mạnh Hà (Kinh Tế), Phạm văn Đồng (Tài chính), Hoàng Tích Tri (Y Tế), Hoàng minh Giám (Ngoại Giao), Vũ Trọng Khánh (Tư Pháp), Cù Huy Cận (Canh Nông), Dương Đức Hiền (Thanh niên)- Một “chính phủ lâm tạm thời”, tuy còn nhiều ghế trống vắng nhưng cũng tạm đủ để kịp… chiềng làng(*)
...và đây ngày "độc lập không bình thường bắt buộc"
Bao nhiêu mạng người, bao nhiêu tên tuổi bị vu cáo, bêu xấu trong lịch sử, những sự à uôm, hiểu cách nào cũng được về 2 chữ “yêu nước”, “phản động” lúc này chẳng còn biết đâu mà lần.
Tớ có 2 người bạn một tên Hy, một tên Đáng, cùng lớp, cùng tự vệ chiến đấu cùng đã từng hô “Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ chủ tịch muôn năm!” đến khản cổ.
Vậy mà, sau một buổi đi tập về bỗng thấy trước cửa trụ sở có một chiếc xe Citroen đen xì, trên xe có 2 đồng chí “Trung ương về” chờ sẵn và… “mời đồng chí Hy lên xe có lệnh”! Hy ta chưa kịp hỏi đã bị tước khẩu súng giả, ấn vào xe.
Và từ đó,… chẳng bao giờ thấy đồng chí Hy có mặt trên đời nữa. Mãi về sau mới biết đồng chí Hy là con của một đồng chí trùm quốc dân đảng đóng tại đường Ôn Như Hầu!
Riêng đồng chí Đáng thì “ù té” sau khi có lệnh nhập Tự vệ chiến đấu vào Tiểu Đoàn Vệ Quốc Quân Thái Bình của ông Nam Voi để về sau, vô Nam thành giáo sư kiêm kinh doanh! Đáng có 2 vợ ở cái nhà to đùng đường Bùi Viện mà tớ và vài người “cách mạng đến cùng”, vì “tình xưa nghĩa cũ”, đến thăm, anh đều tránh mặt, không tiếp.

Thời gian này tớ cũng được nghe từ miệng đồng chí Tài Khoái (do thân tình giữa 2 gia đình và biết tớ học cùng lớp đệ tứ với em Khoái là Tài Hồng (tức nhà văn Lê Minh sau này), “phổ biến riêng” cho tớ là: “Cụ Hồ đang phải đương đầu một lúc với hàng chục kẻ thù… Ai sẽ nắm chính quyền bây giờ đây? Bọn Quốc dân đảng đang dựa vào đoàn quân Lư Hán có thể nhảy ra lập chính quyền. Còn phía “Ta”, cụ Hồ đã thuyết phục cho được mấy anh Đồng, anh Giáp, anh Trường Chinh là: “Dựa vào ai để thành lập chính phủ cho quốc tế chịu công nhận? Các chú thì còn quá trẻ. Uy tín hoạt động chính trị trên thế giới chưa có. Cho nên phải mời bằng được những người có tên tuổi như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh kể cả Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam,… ra lập chính phủ. May ra thế giới mới có thể.”…

Thế là xảy ra một cuộc thương lượng kéo dài và căng thẳng với đầy đủ các đòn phép ngoại giao mà sau này kẻ thì gọi là thắng lợi của Việt Minh là “nhờ cụ Hồ giỏi đoàn kết toàn dân”, kẻ thì bảo cụ Hồ phải đúc cả người vàng (?) để dâng cho Lư Hán để Lư Hán ép Nguyễn Hải Thần chấp nhận làm Phó cho chủ tịch Hồ… trong một “chính phủ liên hiệp độc lập lâm thời” để kịp ra mắt vào ngày 1/9/45 kẻo để Hội Quốc Liên dính vào thì bên nào cũng sẽ mất cả chì lẫn chài...

Tuy nhiên cũng theo như những gì tớ được phổ biến thì vì “trục trặc kĩ thuật” nên đến phút cuối cùng lùi lại một ngày nên ngày độc lập trở thành ngày… mùng 2/9!

Không như Cuba sau này, khi cướp chính quyền, Fidel Castro thương lượng thành công với Liên Sô, với Blass Roca tổng bí thư đảng cộng sản Cuba nên được đứng ra làm thủ tướng kiêm luôn tổng bí thư đảng cộng sản (mà chính Castro chưa bao giờ là đảng viên đảng cộng sản!?).

Vậy là, Castro đã chọn luôn ngày Tết Tây mùng 1/1 làm ngày quốc khánh cho nó gọn, tiện và… đỡ tốn kém sau này. Đâu có phải như các ngày Cát-tó-duy-dê (14/7/1789), ngày phá ngục Bastille của Pháp được lấy ngay làm ngày Quốc Khánh...

Cho nên, cái ngày quốc khánh hay Ngày độc lập của nước ta nó ra đời vào cái ngày chẳng đánh dấu cái gì. Chẳng lẽ lại kỷ niệm ngày đưa cả lũ “phản động” vào… bẫy “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết” Thành công, thành công, đại thành công!”

Chuyện nước ta nó chẳng giống ai là thế đó!

Tất cả những mẩu chuyện có thật này, nhớ đến đâu tớ kể đến đấy chẳng biết có bổ sung cho nhận thức của cặp vợ chồng giáo viên sử này không? Ai còn sống bổ sung cho tớ tài liệu để lớp hậu sinh khỏi thắc mắc!

1) Ngày mùng 2/9 năm nay không còn là ngày giỗ cụ Hồ nữa. Lí do thì chẳng cần ai giải thích vì… “vì sao thì ai cũng hiểu vì sao!”

a) Đơn giản nhất là: Trung ương không muốn làm mất phấn khởi toàn dân vì cái chết của cụ Hồ lại rơi trúng vào cái ngày vui độc lập này! Báo chậm đi một ngày thì lợi trăm bề hơn là hại. Vả lại, cụ Hồ cả cuộc đời hy sinh cho cách mạng đã bao lần phải thay họ đổi tên, thay cả năm sinh tháng đẻ… thì giỗ có chậm một ngày chắc cụ cũng chẳng trách cứ gì! Vừa có lý vừa có tình quá đi chứ lị!

b) Sau một thời gian dài “đổi mới tư duy”, các cấp lãnh đạo mới thời nay chắc đã nhận thấy cần phải bạch hoá cái chuyện chẳng nên “bí mật” đã bị bật mí này làm gì! Thế là 2/9 và 3/9 cũng như 19/8 đều tổ chức gọn nhẹ vào làm một! Sự “đổi mới” này, suy cho cùng cũng có nhiều cái lợi.

Trước hết là kéo dài thời gian tuyên truyền (suốt từ 19/8 đến 3/9) để toàn dân giỗ cụ bằng cách “nhớ ơn Người đã lãnh đạo toàn dân đứng lên xây dựng nên một nhà nước độc lập đầu tiên”, “nêu gương sáng cho toàn thế giới bị đô hộ, áp bức đứng lên giành lại chính quyền trong tay thực dân, đế quốc!”. Còn họ dành chính quyền bằng cách nào, độc lập thật sự hay “giả hiệu” thì… có lẽ lịch sử đã trả lời nên ai cũng đã biết. Khỏi phải giải thích…

Bởi dzậy, năm nay không có lễ mùng 3/9. Riêng những tin đồn từ những “kẻ xấu” và những “lực lượng thù địch” tung ra: Cụ Hồ tự ý chọn ngày mùng 2/9 để chết bằng cách rút hết các ống thở, ống ăn ra trong lúc hai cháu y tá “sơ ý vắng mặt” để nhằm mục đích gì thì…. ôi thôi! tớ cũng chịu, chẳng dám giải đáp! Tớ chỉ dám nghĩ trong bụng: Đời nào ông cụ lại “chơi khăm” toàn dân như thế?... Hoặc có khi “ông cụ muốn cái chết của mình không nên làm dân chúng vì buồn mà mất vui chăng?

c) Để khỏi hẫng hụt, ngày 19/8 đã không tổ chức gì rềnh rang, ngày mùng 2/9 lại chỉ có một ngày,… xem chừng chưa đủ “đô”, (dù khắp nơi đùng đoàng pháo hoa giống nhau y hệt) vẫn chưa đủ lượng thời gian để nhắc lại các công tích của Đảng, của Bác, nhất là cái thành tích vinh quang nhất là “Một nước nhỏ mà đánh thắng hai Đế Quốc to”… Là nước “đánh thắng giặc Mỹ, tiến thẳng vào hang ổ của bọn bù nhìn giải phóng miền nam, thống nhất đất nước”, “tiến thẳng vô Sài Gòn, húc đổ cánh cổng dinh lũy cuối cùng và bắt sống toàn bộ nội các Dương văn Minh” v.v. và v.v…, năm nay người ta kéo dài theo ngày lễ lớn 2/9 bằng một ngày gọi là “Ngày âm nhạc Việt Nam 3/9″, một công cụ tuyên truyền, ngợi ca đắc lực, ồn ào, ngoan ngoãn và hiệu quả nhất. Tớ cũng bị “cật vấn” trên cương vị “nguyên nhạc sỹ” nên tớ phát biểu sự hiểu biết nông cạn của tớ như sau:

a) Chẳng phải chỉ có nước ta mới có “ngày âm nhạc” nhưng ngày âm nhạc của người ta là ngày toàn dân đều tự giác phấn khởi ra đường. Hát hò, ai có kèn, có trống, có đàn gì đều được mang ra đường phố để biểu dương trình độ văn hoá âm nhạc của nước mình. Tại nước Pháp, thời của bộ trưởng văn hoá Jacques Lang, ông luôn dẫn đầu đoàn diễu hành hát, hò, kèn, trống, đàn, địch… đi khắp phố rồi kết thúc ở nhà thờ Notre Dame bằng một cuộc hoà nhạc của dàn nhạc giao hưởng quốc gia với chính Jacques Lang ngồi biểu diễn một bản Concerto cho piano, tạo nên một không khí phấn khởi, tự hào cho nhân dân Pháp về trình độ văn hoá âm nhạc của mình.

b) Ở Việt Nam ta chọn ngày mùng 3/9 là ngày âm nhạc bỗng gợi nhớ cho tớ về những tác phẩm âm nhạc viết trong cái thời kì “cách mạng mùa thu” này. Đúng là ngày 19/8 đã nở rộ lên một phong trào âm nhạc yêu nước chưa từng thấy. “Mười chín tháng tám”, “Lá cờ tháng tám”, “Đời sống mới”, “Khoẻ vì nước”, “Tiếng kèn rạng đông”, “Việt Nam minh châu trời Đông”,… kể cả những bài ngợi ca cụ Hồ như “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Dân nam ơi biết ơn cụ Hồ”, “Đuốc gươm thiêng vung cho nước nhà”,... Đi đâu cũng thấy toàn dân chân 1, 2 đi đều bước, miệng hát những bài ca hoàn toàn chỉ có động viên lòng yêu nước không có một lời nào động tới một Đảng nào, một giai cấp nào… Tất cả chỉ là tiếp tục truyền thống của những bài hát gợi lên lòng yêu nước trước đó như “Đống Đa”, “Chi Lăng”, “Bạch Đằng”, “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước, hoặc của nhóm Đồng Vọng. Nhưng, sau ngày mồng 2 tháng 9/45 thì đố tìm thấy một bài hát nào ca ngợi độc lập tự do hạnh phúc hay có chữ mồng 2 tháng 9 trong nội dung, trừ bài “Nắng Ba Đình” của Bùi Công Kỳ do chính anh hát và thu đĩa. Nhưng bài hát này sau đó chẳng ai nhắc tới. Có nhiều lí do có thể phân tích nhưng cái lí do duy nhất để nó không thể phổ biến được là: Đang hát bỗng dưng dừng lại để hỏi một câu “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” cũng làm toàn dân không ai “dám” bắt chước rồi! Còn sau đó, khi nổ ra kháng chiến là mở đầu cho một giai đoạn âm nhạc chiến đấu với kẻ thù, một loại âm nhac mà ai cũng có thể trở thành “nhạc sỹ” vì chỉ cần hô lên các khẩu hiệu có lên, có xuống, có chậm, có nhanh, là đủ tiêu chuẩn phục vụ công nông binh rồi. Còn một số tác giả của những bài hát tớ mới kể ở trên thì… đã “tịt ngòi” thậm chí sau này, ở lại Hà Nội, không tham gia kháng chiến hay vô Nam cũng mong sao đừng ai nhắc tới những tác phẩm yêu nước chung chung của mình nữa. (Điển hình là hai nhạc sỹ Minh Tâm và Hùng Lân.)

c) Có lẽ thiếu tác phẩm để kỉ niệm nên ngày âm nhạc mồng 3/9 của nước ta nó chả giống ai vì nó chẳng phải là một phong trào âm nhạc xuất phát từ quần chúng mà chỉ là các cuộc biểu diễn, trình bày những tác phẩm chống Mỹ, ca ngợi Đảng, ca ngợi chế độ, hô hào chiến tranh… cũ mèm hoặc mới sáng tác của các “nhạc sĩ đương chức đương quyền” được bao cấp để huy động hàng ngàn diễn viên ra khắp công viên đường phố biểu diễn không lấy tiền mà người nghe thì… có gan lì đến mấy cũng khó mà dự được từ đầu đến cuối! Tất cả chỉ diễn ra có hai, ba tiếng đồng hồ uỳnh uỳnh oàng oàng rồi... Hết!”!

“Ngày âm nhạc” 3/9 diễn ra ngắn ngủi cũ mèm và theo nhận xét của báo Tuổi trẻ là… “Nhạt!”. Liệu sang năm Trên có chỉ đạo gì cho nó thêm chất mặn không? Hay là cho nhóm Đại-Lâm-Linh ra giữa quảng trường Ba-Đình biểu diễn “âm nhạc điên”? Hay mời Mỹ Tâm ,mít- xờ- tờ Đàm Vĩnh Hưng tạm gác các thứ “hit ,hit hôn hôn” để cố học một vài bài ca ngợi cụ Hồ nào đó để tỏ vẻ :mọi giai tầng nghệ sỹ (dù tỷ tỷ phú rồi vẫn có lòng nhớ…Bác mỗi khi 3 tháng 9 đến !) Có thể bớt hẳn các thính giả..fan khùng là cái chắc! Nhưng bù lại thắng lợi về chánh trọe là …to lớn khỏi bàn cãi !

Tóm lại, hai vấn đề cũ và một vấn đề mới mà tớ giải đáp cho 2 vợ chồng friends của tớ xem ra cũng có phần nào thoả mãn được 50% những thắc mắc của 2 người có lòng nghĩ suy về lịch sử đất nước. Tớ mong sẽ được nhiều người giúp tớ bổ sung thêm những tài liệu cụ thể hơn vì: trí nhớ của tớ bây giờ quả là kém đi rất nhiều rồi, thậm chí cái tên ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng tớ cũng quên gõ thành Lê Phú Trọng (họ của ông bạn Lê Phú Khải tớ !) nữa là.

Tô Hải
(*) chính phủ lâm thời có thêm các thành viên của chính phủ Trần Trọng Kim là khác


Copy từ: Blog NS Tô Hải

Sự tàn bạo muôn năm.!

Ngày bé tôi nghe các đàn anh kể những chuyện khốc liệt trong nhà tù. Những trận đòn, biện pháp hành hạ, tra tấn và khủng bố của các tù nhân với nhau. Thường là tù trách nhiệm ( một dạng tù chỉ huy do cán bộ trại giam chỉ định ) với các tù nhân khác, đôi khi là trực tiếp quản giáo tham gia cuộc đánh đập.
 Và những thủ đoạn tra tấn muôn vàn màu sắc như trói treo phơi nắng hè, ngâm mình dưới ao mùa đông. Đòn đánh vào hai bên mạng mỡ hoặc hai bên hông thắt lưng để om thận, đòn úp bàn tay vỗ vào tai cho chấn thương âm màng nhĩ. Kiểu ngồi bó gối dẫn đến tê liệt chân....

Những câu chuyên đó không phải ở thời kỳ nhà tù thực dân, mà thời mà cách mạng đã thành công, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại vinh quang đời đời. Chuyện như thế xảy ra ở nhà tù Phong Quang, Quyết Tiến, Cổng Trời, Yên Hạ, Kế, Phú Sơn, Lam Sơn, Thanh Lâm, Thanh Cẩm, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Tân Lập, Thanh Xuân, Văn Hòa, Kim Chi, Thủy Nguyên....những nhà tù mà sau này tôi đã đến, đã ở , đã đi qua tùy trong hoàn cảnh khác nhau.

Định mệnh dường như gắn tôi với nhà tù từ nhỏ, 4 tuổi bám áo mẹ đi thăm bố, 13 tuổi cùng anh đi thăm bố, lớn đi thăm bạn bè, anh chị em. Rồi nhiều lúc chính mình lại ở tù cho người khác thăm. Bạn bè tôi tù nhiều lắm, bởi tôi sinh ra và lớn lên ở tận cùng của xã hội, chuyện nhà tù dính đến nhiều cũng là điều không có gì khó hiểu.

Thật kỳ lạ về trí nhớ của con người. Ký ức mà tôi nhớ được xa nhất lại là hình ảnh mẹ tôi làm bánh mỳ tẩm đường và dẫn tôi vào thăm bố ở nhà tù Hỏa Lò, lúc đó tôi mới tầm 4 tuổi. Chính vì ký ức này tôi còn nhớ được, nên khi con trai tôi mới 3 tuổi, tôi đã phải để ý kỹ sao cho cháu tránh được những điều không đáng thấy, hay không nên thấy. Năm con tôi 4 tuổi, tôi bị bắt vào tù vì điều 258. Ngày về con tôi nhảy lên bá cổ bố ngay từ cửa, cháu thốt rằng.

- Bố Hiếu đây , nhưng mùi không phải là mùi bố Hiếu.

Vâng, cái đó người tù gọi là mùi tù, mùi tù chỉ có người nào đi tù mới hiểu. Năm 2010 người đàn ông trí thức tôi gặp ở Berlinh tháo cặp kính trắng ra, lau mắt nghẹn ngào nói về mùi tù. Anh từng bị giam giữ 10 tháng tù ở Việt Nam vì những tư tưởng của mình. Ấn tượng về nhà tù còn đọng lại với cả những người đàn ông phong trần từng trải. Huống chi là đứa trẻ ngây thơ. Tôi vẫn kể cho con trai tôi nghe ở nhà tù bố được đối xử tốt, công an cũng tốt, họ nghi ngờ thì họ giữ bố để xem đúng bố phạm tội không, chẳng phải thì họ cho bố về. Cháu vui lắm, cháu kết luận rất hồn nhiên.

- Thế là công an bắt bố, thấy bố không có tội họ lại cho bố về với con. Công an làm thế cũng được.


Gần hai mươi năm trước đây, tôi từng chịu cảnh bị trói treo, đánh vào mạng mỡ, vào tai, bị cùm xích ròng rã 15 ngày, bị biệt giam...tôi mới nhận ra những điều mà các đàn anh đi trước kể cho tôi hồi nhỏ về những gì diễn ra trong nhà tù là sự thật.

Gần hai mươi năm sau, tôi bị bắt nhiều lần, ở gần như khắp mọi miền đất nước bởi những người an ninh. Lý do bắt thật bất công. Nhưng điều kiện bị giam giữ không có gì đáng phàn nàn, thái độ của người canh giữ cũng tốt.Nhưng thứ đó làm tôi cảm giác mọi thứ có một số điều đã tốt hơn.

 Tuy nhiên đó chỉ là những thời gian ngắn ngủi, và những người canh giữ là không phải là quản giáo chuyên nghiệp và nơi giam giữ chưa hẳn là trại tù thực sự.


Hôm nay theo dõi câu chuyện về nữ tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh. Tôi đọc lời kể của người thân cô, nhìn tấm hình cô chụp trước đến nay.



Tấm hình trước kia không son phấn, nhưng toát lên vẻ trẻ khỏe, sung mãn đầy sức sống. Tấm hình sau dù Đỗ Thị Minh Hạnh gắng trang điểm thế nào, cũng chẳng dấu nổi vẻ tiều tụy, ôm đau, đôi mắt và nét mặt gắng bình thản nhưng người tinh tế vẫn nhận ra những gì khốc liệt mà cô đã chịu đựng trong nhà tù.

Thương lắm những người tù nữ. Mỗi lần đi gặp người thân, họ mượn nhau bộ quần áo tươm tất, xin nhau chút son phấn, họ trang điểm cho nhau trước lúc gặp gia đình. Với mong muốn gia đình nhìn thấy mình không đau khổ , không tiều tụy. Dù ở hoàn cảnh như vậy họ vẫn có dấu đi những gì sẽ khiến người thân đau lòng, vẫn muốn an ủi người thân bằng cách che đậy đi những gì mình phải chịu đựng.

Khi trước ở trong tù, được làm phục vụ cho đội trưởng đội quản giáo. Nhiều lần đi qua song sắt khu giam nữ. Tôi phải dừng lại nghe những tiếng van xin.

- Hiếu ơi, chị bị thu gương lược rồi, Hiếu lấy lại giúp chị đi.
- Tù rồi cần gì đẹp hả chị, ai ngắm đâu, lấy bị phát hiện thì em toi.

Tôi định dợm bước đi, người tù nữ vọng ra tha thiết.

- Em ơi, làm đẹp để chồng mình nó gặp, nó thấy mình không xấu, nó còn chờ, còn đi tiếp tế cho mình em ơi.

Người khác nói với theo.

- Làm đẹp chút, cho mẹ mình nhìn không xót em à.

Cái câu của người tù nữ nói với theo, khiến tôi không thể cầm lòng. Tôi  rình lấy chìa khóa kho của quản giáo để lấy gương, lược và cả nhíp sắt nhổ lông mày cho các chị. Thậm chí thấy giấy bút tôi còn tiện tay khua nốt để khuyến mại cho các chị luôn.

 Đằng sau những lớp phấn vụng về, nét son thô kệch là bao nhiêu nỗi đau muốn che dấu. Những chị em nào đọc được dòng này, nhìn cách trang điểm của Đỗ Thị Minh Hạnh, chắc hiểu được vì sao cô ấy trang điểm không được như xã hội, điều kiện nhà tù được như thế là một nỗ lực rất lớn. Và xót xa hơn nữa, chúng ta hiểu được vì sao cô ấy cố gắng điểm trang.

Hai mươi năm trước nữa là thời gian tù của những đàn anh kể cho tôi, rồi đến lượt tôi. Rồi hai mươi năm sau này nữa đến lượt Đỗ Thị Minh Hạnh. Cảnh trói treo, đánh mang tai, đánh mạng sườn ...vẫn còn diễn ra đằng sau những cánh cổng trại giam. Không tránh ai cả, từ tên tù ngỗ ngược xăm trổ đầy mình đến cô gái trong trắng vì niềm thương yêu đối với đất nước, niềm xót xa cho những thân phận người công nhân phải vào tù và chịu đựng cảnh hung tàn đó.

O ép từ miếng ăn, nước uống, điều kiện vệ sinh, khủng bố tinh thần, đánh đập dã man một cô gái đang chịu án tù vốn dĩ đã đầy oan ức.

Chả lẽ sự tàn bạo trong nhà tù Việt Nam vẫn muôn năm như vậy . Chả lẽ những người quản giáo trại giam, đảng viên ĐCS cũng muốn sự bạo tàn này được duy trì mãi mãi như ước mơ của họ qua khẩu hiệu ĐCSVN quang vinh muôn năm.? Nước CHXHCN Việt Nam muôn năm, chủ tịch HCM vĩ đại muôn năm.

Vậy để tôi cùng hô với các bạn.

Sự tàn bạo muôn năm.!


link tham khảo


http://danoanbuihang.blogspot.de/2013/08/khan-ang-loi-keu-goi-len-tieng-cho-tu.html
 


Copy từ: Blog Người Buôn Gió

NHÌN LẠI VỤ TAI NẠN GIAO THÔNG CƯỚP MẤT NHÀ THƠ LÊ ĐÌNH TY, VÀ NHỮNG BỨC XÚC TRONG DƯ LUẬN

NHÌN LẠI VỤ TAI NẠN GIAO THÔNG CƯỚP MẤT NHÀ THƠ LÊ ĐÌNH TY, VÀ NHỮNG BỨC XÚC TRONG DƯ LUẬN

Nhà văn HỮU PHƯƠNG

QTXM- Bạn đọc thân mến. Cách đây 2 tháng QTXM đã đưa lên mạng nhiều bài viết, nhiều ý kiến comments về vụ tai nạn thương tâm cướp đi mạng sống của nhà thơ Lê Đình Ty, một nhà thơ đang thời kỳ sáng tác sung sức. Đã có hàng vạn lượt độc giả truy cấp, hàng trăm ý kiến comment ( góp ý) đồng tình với những bài viết mà Quà tặng xứ mưa đã đăng tải. Nhưng đã 2 tháng 10 ngày trôi qua, Công an Đồng Hới vẫn chưa giải quyết xong nội dung hòa giải của vụ án. Có nhiều dấu hiệu công an điều tra Đồng Hới đang đứng về phía kẻ gây tại nạn, làm sai lệch hồ sơ vụ án . Vì vậy, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu bài viết của nhà văn Hữu Phương, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình và nhà báo, nhà thơ Cảnh Giang viết tiếp về vụ án này để bạn độc gần xa, nhất là những người trong hệ thông tư pháp Quảng Bình (như công an, Viện kiểm sát, tòa án) rộng đường phán xét. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng một cách trung thực, nhằm chặn đứng mưu toan trục lợi của một số it người qua vụ án tang thương này.
                                                                                     Nhà thơ Ngô Minh

1. Vụ tai nạn thương tâm cướp mất mạng sống nhà thơ Lê Đình TY


Ngày 13 tháng 6 năm 2013, tại thành phố Đồng Hới, lúc 15 giờ, nhà thơ Lê Đình Ty đi xe máy từ đường Nguyễn Trãi ra, vượt qua đường Quách Xuân Kỳ (đường một chiều), đã bị chiếc ô tô 04 chỗ ngồi hiệu honda, biển số 29A-341-04 đâm ngang. Trên xe lúc đó có hai thanh niên: Khổng Đình Doanh và Lê Văn Thành (người Phú Thọ). Biên bản lập tại hiện trường, người cầm lái là Khổng Đình Doanh. Nhà thơ Lê Đình Ty được xe Công an đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba – Đồng Hới, nhưng do vết thương quá nặng, đã từ trần lúc 18 giờ hôm đó. Vụ việc xảy ra ngay lập tức đã được cảnh sát giao thông Công an Đồng Hới cùng cán bộ Viện Kiểm sát Đồng Hới lập biên bản, vẽ lại hiện trường. Và may mắn được Đài Truyền Thanh Truyền Hình Đồng Hới kịp thời quay được hiện trường vụ án khi cảnh sát giao thông và cán bộ Kiểm sát đang đo đạc vẽ hiện trường nơi xảy ra tai nạn. Vụ việc ngỡ đã quá rõ, nhưng đã gần 2 tháng rưỡi nay, vẫn trong tình trạng u u minh minh: Kết luận hình sự vẫn chưa được đưa ra; Đền bù dân sự vẫn bế tắc; Và nhiều dấu hiệu không bình thường đã được bộc lộ. Gây bức xúc trong nhân dân, nhiều ý nghĩ không tốt về một số công an Đồng Hới liên quan vụ việc này, đã xuất hiện trong công chúng…

 

2. Trong vụ tai nạn thương tâm ấy, nhà thơ Lê Đình Ty đi đúng luật.


Căn cứ vào hiện trường do công an đo vẽ trên mặt đất bằng phấn trắng, căn cứ vết tích để lại trên đầu xe ô tô và trên thân xe máy, căn cứ ý kiến của người bán vé số ngồi ở góc đường Nguyễn Trãi-Quách Xuân Kỳ ngay chỗ gây tai nạn và ý kiến những người đi đường chứng kiến vụ việc, căn cứ vết thương trên người nhà thơ Lê Đình TY, đặc biệt căn cứ băng ghi hình do Đài Truyền Thanh Truyền Hình TP Đồng Hới ghi lại hiện trường ngay sau khi tại nạn vừa xảy ra, đã cho thấy nhà thơ Lê Đình Ty đã đi đúng luật giao thông. Anh hoàn toàn chủ động trước khi đi qua đường. Đèn xi nhan xin đường đã bật (Băng ghi hình đã cho thấy điều đó, đèn xi nhan vẫn còn chớp đỏ liên tục). Thông thường, khi đã bật đèn xi nhan xin đường, là người qua đường đã quan sát kỹ hai phía xuôi ngược, và chủ động tốc độ xe mình. Vả lại, chỗ anh đi qua là quãng trống giữa hai đoạn của dải phân cách, là một cua ngắn, nên không thể phóng nhanh được. Tức là anh cũng đã bảo đảm tốc độ. Mặt khác, con đường chỉ rộng 6 mét, mà xe anh đã qua 5m40. Nghĩa là, anh đã qua gần hết đường. Vậy, tại sao tai nạn lại xảy ra? Câu trả lời dễ dàng tìm được từ người cầm lái chiếc ô tô. Quả vậy, người cầm lái đã phạm hai lỗi lớn: Thứ nhất, chạy quá tốc độ quy định.( 16 giờ ngày 27/6/2013), ông Mai Xuân Thọ , giám đốc Công an TP Đồng Hới đã điện thoại cho nhà thơ Ngô Minh, chủ nhân blog Quà tặng xứ mưa. Ông Thọ khẳng định:” Trên đường Quách Xuân Kỳ (đường một chiều) sát bờ sông Nhật Lệ ấy, chiếc xe gây tai nạn từ Hà Nội vào đi rất nhanh với tốc độ 90 cây số /giờ, không làm chủ tốc độ, đâm phải anh Lê Đình Ty đã xi- nhan qua đường”


Căn cứ tại hiện trường và các vết va đập trên kính xe ô tô và thân thể nạn nhân, ta thấy: Khi va chạm, nạn nhân đã bị đầu xe ô tô xúc tung người lên không và đâm đầu vuông góc vào kính trước xe, chiếc mũ bảo hiểm đã hằn lõm một vệt sâu tròn như quả bóng trên kính xe; tiếp theo, nạn nhân bị hất tung lên không trung lần nữa và đâm đầu theo phương thẳng đứng xuống nền đường nhựa, cách mũi xe khoảng 5 mét. (Khi vào cấp cứu tại bệnh viện, anh Lê Đình Ty không còn mặc áo. Trên cơ thể không một vết xây xát, chỉ sung một chỗ bằng nửa quả cam phía trên trán sát tóc, bầm máu bên trong. Khi mổ cấp cứu, phần sọ não ở đỉnh đầu gần trước trán giập nát. Đấy chính là hậu quả của hai lần nạn nhân bị trồng cây chuối). Với định luật phản lực, cho phép ta ước lượng, xe ô tô chạy không dưới 90 km/giờ (trong khi quy định không vượt quá 50 km/giờ. Nếu bảo đảm tốc độ xe không quá 50 km/giờ, khi gặp sự cố, xe phanh kịp thời, nạn nhân chỉ bị đổ xuống trước mũi xe, hoặc bị kéo lê trên mặt đất một quãng ngắn, chứ không bị hai lần tung lên không trung như vậy. Thứ hai, người cầm lái xe ô tô đã không làm chủ tay lái. Quả vậy, khi xe đang chạy với tốc độ lớn, thấy trước mặt có bóng người, người lái đã mất bình tĩnh, luống cuống đánh tay lái né tránh. Nhưng thay vì đánh tay lái sang phải, lái xe đã hốt hoảng đánh tay lái sang trái. Thế là đâm vuông góc vào thân xe máy, khi anh Lê Đình Ty vừa cua đến đó.


Vì sao lái xe không làm chủ tốc độ và không làm chủ tay lái, để xảy ra tai nạn thương tâm này? Một số người dân có mặt hôm đó chắp nối sự việc, và cho rằng, chiếc xe ô tô này khi lưu hành trên đường Quốc lộ 1A (đoạn qua trung tâm Đồng Hới đã vi phạm tốc độ, và đang bị công an bám theo, nên đã rẽ vào đường Quách Xuân Kỳ nhằm lẩn trốn. Và vì chạy trốn vội vàng nên đã không làm chủ được tốc độ và không làm chủ được tay lái.

 

3. Những dấu hiệu đáng ngờ từ điều tra viên công an Đồng Hới – trung tá Nguyễn Thanh Hải.


Trong chiều mở cửa mả nhà thơ Lê Đình Ty, có sự xuất hiện hai người nhà bên phía xe ô tô gây tai nạn: Người lớn tuổi là ông Khổng Đình Nhất, chủ xe, cha đẻ của Khổng Đình Doanh. Người thứ hai là Lê Văn Thành (tự nhận lái xe). Chi Lê Thị Thêm, vợ nhà thơ Lê Đình Ty, cho biết gia đình bên xe ô tô đã gửi 10 triệu đồng (đưa phong bì dán kín, con gái nạn nhân Lê Đình Ty mở ra đếm thì chỉ có 8 triệu, nên, cháu bảo thiếu 2 triệu như số tiền ghi ngoài bị, nên ông Khổng Đình Nhất phải bổ sưng thêm hai triệu) và hẹn hai hôm sau, lúc buổi chiều, sẽ vào gặp gia đình, hai bên bàn bạc thỏa thuận đền bù vụ tai nạn. Tôi và anh Cảnh Giang ( nhà báo, nhà thơ) được chị Thêm mời tham gia bàn bạc theo diện người nhà. Nhưng hai hôm sau, đúng giờ hẹn, gia đình ông Khổng Đình Nhất không vào. Mấy ngày sau ông Khổng Đình Nhất vẫn không có mặt tại nhà nạn nhân để bàn giải quyết vụ việc như đã hứa.


Ông Khổng Đình Nhất không xuất hiện, nhưng có một người bất ngờ xuất hiện. Ấy là trung tá Nguyễn Thanh Hải, người được phân công điều tra hình sự vụ tai nạn. Trung tá Hải mặc thường phục, đến nhà gặp chị Thêm nói: Ông Lê Đình Ty sai hoàn toàn, ông đi từ đường hẻm ra, còn ô tô đi trên đường ưu tiên. Vì thế, gia đình không được đòi hỏi đền bù, người ta cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu, không được khiếu nại. Trung tá Hải còn nói luật mới, ai sai thì đền bù cho người đi đúng. Ông còn đưa ra một số ví dụ để dẫn chứng. Chị Thêm nói: Nhưng xe ô tô chạy quá tốc độ cho phép, nên mới gây ra tai nạn. Trung tá Hải nói: Xe ô tô đi trong thành phố, làm chi có chuyện vượt quá tốc độ cho phép?


Vì sao trung tá Hải tìm đến gia đình nạn nhân nói mang tính chất dọa nạt như vậy? Việc này có đúng quy trình điều tra không? Khi chưa tiến hành điều tra, chưa có kết luận điều tra, sao trung tá Hải tìm đến nhà nạn nhân nói những điều quyết đoán ấy? Và nhằm mục đích gì? Hành vi đáng ngờ này của trung tá Hải, có liên quan sự chây ì đền bù của bên ô tô gây tai nạn không? 10 ngày sau khi xảy ra tai nạn, chiều ngày 23/6/2013, Công an Đồng Hới điện mời hai gia đình đến làm việc. Tôi và anh Cảnh Giang được chị Thêm mời đi theo diện gia đình. Khi gia đình chị THêm và chúng tôi có mặt, trung tá Hải đang có mặt tại cơ quan, nhưng nhắn lại là hôm nay không làm việc. Đã mời dân đến sao không tiếp ? Chị Thêm uất bảo, nếu không tiếp thì lần sau mời tôi không đến nữa. Ông Khổng Đình Nhất rút điện thoại nói gì đó với trung tá Hải, thế là Hải xuống, đứng phía bên gia đình kẻ gây tại nạn. Tại đây, trung tá Hải đặt vấn đề: Hôm nay tôi chỉ làm việc 5 phút, chỉ bàn về thỏa thuận dân sự giữa hai bên, còn hình sự lúc khác. Lúc đó, anh Cảnh Giang đưa máy lên chụp khung cảnh buổi làm việc, trung tá Hải giẫy lên như đĩa phải vôi, bảo không được chụp ảnh. Và trung tá tuyên bố giải tán buổi làm việc. Phòng làm việc không ghi “cấm quay phim chụp ảnh, sao trung tá Hải lại cuống quýt nổi giận thế ?


Sau đó, ông Khổng Đình Nhất cùng lái xe Lê Văn Thành mời chúng tôi bàn bạc tại nhà anh Lê Đình Ty. Nhưng tại đây, hai bên cũng không thỏa thuận được. Ông Nhất vẫn nêu tổng số ông sẽ nộp là 50 triệu. Chị Thêm không đồng ý, yêu cầu bên ô tô gây tai nạn phải bồi thường 200 triệu đồng, vì riêng tiền chụp cắt lớp, mổ cấp cứu và mai táng phí đã hơn 91 triệu. Chưa kể các thiệt hại tinh thần và vật chất khác.


Ngày 03/7/2013, Công an Đồng Hới lại mời hai bên họp bàn thỏa thuận đền bù dân sự vụ tai nạn. Đây được coi là lần thỏa thuận thứ nhất (vì lần trước bị hủy). Tai đây, gương mặt ông Khổng Đình Nhất vẫn nguội lạnh. Và ông nói ông chỉ bồi thường 50 triệu đồng. Hôm trước đã đưa 10 triệu, sẽ đưa thêm 40 triệu nữa cho đủ 50 triệu. Tất nhiên vợ và các con anh Lê Đình Ty không thể chấp nhận mức đó. Bởi rõ ràng, chiếc xe gây tai nạn của ông đã được Bảo hiểm đền bù, và chỉ vài hôm, nó lại nguyên như mới. Còn thân xác anh Lê Đình Ty ai làm lại được như cũ không? Mất mát về vật chất và mất mát về tinh thần này, ai bù đắp chút đỉnh để an ủi người dưới mộ?


Sáng 21/8/2013, Công an Đồng Hới lại mời hai bên đến bàn bạc thỏa thuận đền bù dân sự lần hai. Chị Thêm ốm nằm viện tại Huế không về được. Tôi cùng 3 đứa con anh Lê Đình Ty đến dự. Sau khi trung tá Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề, ông Khổng Đình Nhất xin phát biểu trước. Ông nhắc lại mức bồi thường của mình như cũ, nghĩa là tổng số 50 triệu đồng. Ông lập luận bằng cách kể câu chuyện về một sinh viên có giấy báo đỗ đại học, liền mời vài người bạn đi chơi và cùng ngồi ăn hoa quả bên đường. Bỗng có ba thanh niên phóng xe máy đến gây gỗ, rồi đuổi đánh. Hai người bạn của cậu sinh viên chạy thoát, còn cậu bị dồn vào đường cùng, buộc phải chống cự lại, bằng cách vung con dao gọt hoa quả chống đỡ loạn xạ. Và vô tình lưỡi dao trúng phải ngực một trong ba cậu thanh niên đang truy sát kia, dẫn đến chết người. Nhưng cậu sinh viên được tòa xử chỉ 9 tháng tù treo. Trường hợp của ông cũng thế, lái xe của ông không cố ý đâm người.


Hai sự việc, hai hoàn cảnh, hai lĩnh vực hoàn toàn trái ngược nhau. Một bên là cậu sinh viên bị truy sát, buộc phải tự vệ. Còn lái xe của ông chạy quá tốc độ và không làm chủ tay lái, gây tai nạn chết người, thì đâu có thuộc phạm trù tự vệ? Có ai truy sát lái xe ông đâu? Hay ông muốn nói rằng, do bị công an truy đuổi (như lời đồn đại của dân chúng Đồng Hới), nên xe ông phải chạy trốn vội vàng? Có phải ông kể câu chuyện nhằm để thanh minh chuyện này không? Nếu không có chuyện xe bị truy đuổi, thì ông, một cán bộ Trường Đại học kỹ thuật thực phẩm, cố ý kể ra làm gì? Không ngẫu nhiên chút nào!


Và, nếu điều này là sự thật, thì Cảnh sát giao thông Đồng Hới cũng chịu trách nhiệm liên đới vụ tai nạn này. Có phải vì vậy mà vụ việc “dàn xếp” kéo dài đến nay chưa dứt điểm được? Việc trung tá Hải tìm đến nhà nạn nhân nói những điều mang tính chất hăm dọa (đã đề cập ở trên), có liên quan chuyện này không?


Cuối cuộc họp sáng 21/7, cậu Hoàng con trai thứ của Lê Đình Ty nêu câu hỏi: Tại sao biên bản tại hiện trường vụ tai nạn ghi Khổng Đình Doanh là người cầm lái, nhưng về sau các văn bản khác của công an ghi Lê Văn Thành là người cầm lái? Trung tá Hải trả lời: “Biên bản tại hiện trường xảy ra vụ tai nạn ghi Khổng Đình Doanh là người cầm lái. Chúng tôi đã điều tra lại, mặc dù Khổng Đình Doanh có đủ giấy tờ hợp pháp để cầm lái, nhưng chúng tôi đã điều tra, đúng là Lê Văn Thành cầm lái. Vì vậy chúng tôi cho mời anh Lê Văn Thành vào họp đây”. Người cầm lái bị lập biên bản tại chỗ, biên bản đã lưu ( Đại tá Luân, cháu gọi nhà thơ Lê Đình Ty là cậu ruột, từ Sài Gòn ra) đã được một cán bộ Công an Đồng Hới cho đọc tận mắt tờ biên bản này. Sao lại có chuyện “điều tra lại’ và thay tên người cầm lái” ? Phải chăng ông Khổng Đình Nhất muốn Công an Đồng Hới đưa Lê Văn Thành thay thế Khổng Đình Doanh là người cầm lái gây tai nạn, để Thành đi tù thay ? Và trung tá Hải đã đồng ý với kế hoạch đó ? Và phải chăng vì lẽ đó mà bên gây tại nạn cương quyết không đền bù thỏa đáng ? Sau khi chúng tôi đứng dậy ra về, trung tá Hải mời ông Nhất và anh Thành ở lại, nói là để làm việc thêm. Nhưng chưa đầy nửa phút sau họ cũng bước ra kịp chúng tôi. Có lẽ họ đã được thông báo kết luận điều tra. Cứ thế nhé?


Từ đây ta có quyền nêu mấy câu hỏi: 1) Tại sao phải điều tra lại người cầm lái? 2) Sao Công an điều tra Đồng Hới không tôn trọng biên bản được cảnh sát giao thông lập tại chỗ ban đầu? Có điều gì mờ ám trong việc thay tên người cầm lái ? 3) Liệu biên bản tại hiện trường vụ tai nạn, có ghi chỉ số nồng độ cồn của Khổng Đình Doanh và Lê Văn Thành không? (Vì trong lần ngồi ở nhà nạn nhân, ông Khổng Đình Nhất có kể, trước khi gây tai nạn, hai cậu Khổng Đình Doanh và Lê Văn Thành đã ăn uống với một cậu bạn người Lệ Thủy đang mở đại lý điện thoại di động tại Đồng Phú). 4) Việc thay đổi người cầm lái, có phải là một sự “dàn xếp” nữa của công an, nhằm có lợi cho cha con ông Khổng Đình Nhất không? Vì ở đây có mấy khả năng xảy ra: Một, nếu để Khổng Đình Doanh cầm lái, nhưng nồng độ cồn trong người anh ta cao vượt mức quy định. Hai, để Lê Văn Thành cầm lái, nếu xảy ra tù tội, thì con trai ông Nhất không phải ngồi tù. Hoặc nữa, Lê Văn Thành nhà nghèo, việc đền bù tai nạn chỉ đến mức đó, vì đã hết khả năng. Còn Khổng Đình Doanh cầm lái, ông Khổng Đình Nhất phải chi ra số tiền lớn hơn, tương xứng với mặt bằng đền bù thiệt hại hiện tại.


Vì sao công an Đồng Hới thay đổi người cầm lái theo hướng có lợi cho cha con nhà ông Khổng Đình Nhất? Phải chăng câu chuyện ông Nhất kể về cậu sinh viên giết người mà chỉ bị 9 tháng tù treo, một lần nữa, lý giải cho việc liên đới chịu trách nhiệm của CSGT Đồng Hới trong vụ tai nạn thương tâm này? Còn nữa, trung ta Hải đã gọi cháu Lê Thị Hằng, con gái nhà thơ Lê Đình Ty đến cơ quan, bảo cháu lấy chiếc xe mà nhà thơ Lê Đình Ty đi, bị ô tô tông về “kẻo để lâu hỏng”. Nhưng cháu Hằng đã không nghe lời của trung tá Hải vì đây là tang vật vụ án. Phải chăng trung tá Hải muốn xóa tang vật vụ án ? Vì sự nhập nhèm của bên chủ xe ô tô gây tai nạn và trung tá công an Hải, chúng tôi buộc phải tường trình lại toàn bộ vụ tai nạn thương tâm để dư luận phán xét. Chúng tôi có đầy đủ chứng cớ để chứng minh cho những nhận định của mình. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo Công an Đồng Hới trả lời minh bạch trước dư luận !

Chao ôi, một khi quyền lực và đồng tiền liên kết với nhau, thì nó tác oai tác quái biết chừng nào! Đồng Hới, ngày 23/8/2013 H.P



Copy từ: Blog Ngô Minh

SINH MẠNG NGƯỜI DÂN VIỆT NAM VÀ SINH MẠNG CÁN BỘ CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ... HOÀN TOÀN KHÁC BIỆT NHAU

SINH MẠNG NGƯỜI DÂN VIỆT NAM VÀ SINH MẠNG CÁN BỘ CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ... HOÀN TOÀN KHÁC BIỆT NHAU

Đỗ Minh Tuyên
24-08-2013

Công lý ở đâu...??? chẳng lẽ pháp luật của Việt Nam chỉ là để hành xử riêng đối với công dân Việt Nam...còn cán bộ Nhà nước và các viên chức chính quyền thì lại được miễn trừ hay có sự phân biệt đối xử ngay cả khi phạm vào trọng án...!!! Nhà nước pháp quyền của Việt Nam là như thế này đây sao...!!!

Một điều hết sức mâu thuẫn và nghịch lý đến khôi hài tại đất nước Việt Nam này...khi người dân trên danh nghĩa được cho là người chủ của đất nước...và hầu hết các cơ quan công quyền và ngay cả chính bản thân đảng cộng sản Việt Nam vẫn luôn rêu rao rằng họ luôn là người đầy tớ của nhân dân...và hết lòng phục vụ vì người dân...!!! nhưng trên thực tế, những người đầy tớ nói trên lại luôn là nỗi ám ảnh và là mối lo sợ đối với những người chủ bất đắc dĩ này (người dân Việt Nam).

Vụ việc xử phạt một người dân ngụ tại quận 10 TP. Hồ chí Minh hôm nay với mức án 3 năm tù giam về tội "Chống người thi hành công vụ" vì đã dám cắn vào tay người đầy tớ của mình trong lúc họ đang thi hành nhiệm vụ...phục vụ người dân...!!! cho thấy tại đất nước cộng sản này sinh mạng và phẩm giá của những người đầy tớ (Cán bộ Nhà nước)...quý hơn rất nhiều so với sinh mạng và phẩm giá của người dân...vốn được xem là chủ nhân của đất nước...và cũng là chủ nhân đáng kính của họ...!!!
Một vụ án thông thường và với mức độ hậu quả không mấy nghiêm trọng...nhưng người dân đã bị kết án 3 năm tù giam, trên cả mức án được đề nghị từ phía Công tố...trong khi các cán bộ Nhà nước, nhân viên chính phủ...vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng thông thường chỉ bị xử lý hành chính...cảnh cáo nội bộ...hoặc đôi lúc chỉ là những bản án treo...v...v...điển hình như trường hợp của vị Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh tại Hà nội năm 2012 đã lạm dụng quyền lực đánh chết công dân Trịnh Xuân Tùng chỉ vì ông này không đội nón bảo hiểm khi tham gia lưu thông trên đường nhưng cuối cùng chỉ bị kết án 4 năm tù giam...vốn từng gây bức xúc trong dư luận cả nước. Cùng là một con người...cùng là người vi phạm...thậm chí đôi lúc chỉ là những lỗi lầm sơ đẳng thông thường là do thiếu kềm chế bản thân...hoặc xảy ra ngoài ý muốn....nhưng người dân vốn mang tiếng là "chủ nhân" lại luôn phải đón nhận sự trừng phạt hết sức nặng nề...trong khi các cán bộ Nhà nước, các viên chức chính quyền dưới danh nghĩa là một người "Đầy tớ" với những sai trái nghiêm trọng cùng với hậu quả nặng nề...thậm chí là gây thiệt hại về nhân mạng và cố tình phạm lỗi...nhưng vẫn ung dung tự toại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật...!!!
Công lý ở đâu...??? chẳng lẽ pháp luật của Việt Nam chỉ là để hành xử riêng đối với công dân Việt Nam...còn cán bộ Nhà nước và các viên chức chính quyền thì lại được miễn trừ hay có sự phân biệt đối xử ngay cả khi phạm vào trọng án...!!! Nhà nước pháp quyền của Việt Nam là như thế này đây sao...!!! hay Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ cho mình là con người do vậy sinh mạng của họ đáng quý trọng...còn người dân chỉ là loại mạt hạng...và sinh mạng của họ chẳng khác gì sinh mạng của một con vật...thậm chí nhiều lúc còn tệ hai hơn cả mạng sống của một con vật...muốn chém muốn giết tùy thích...hay muốn hành hạ bằng cách nào cũng được mà không phải lo sợ bị pháp luật chế tài. Đây chính là nguyên nhân và cũng là động lực gián tiếp khuyến khích hành vi phạm tội đối với các viên chức chính quyền Nhà nước...đặc biệt là đối với các ngành như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án...và tính nghiêm minh của pháp luật nếu tiếp tục bị lạm dụng...bị kiểm soát khống chế...chắc chắn sẽ dẫn xã hội đi đến tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ...trừ phi tất cả mọi người đều được đối xử bình đẳng trước pháp luật...và không còn tình trạng Đảng hoặc Nhà nước ngồi trên luật pháp và Hiến pháp như hiện nay.

Đỗ Minh Tuyên

Copy từ: Blog Trí Nhân Media