Ngày 27/1 vừa qua, TAND
TPHCM đã tuyên án chung thân đối với "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như về 2
tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ
quan, tổ chức. Trong 20 ngày xét xử căng thẳng, nhiều tình tiết bất ngờ,
nhiều con số kỷ lục được công bố khiến người dự khán choáng váng.
Số tiền chiếm đoạt kỷ lục: Từ
việc vay lãi cao để đầu tư bất động sản, chứng khoán, Huỳnh Thị Huyền
Như đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty
và 3 cá nhân. Đây được xem là vụ án lừa đảo với số tiền kỷ lục nhất từ
trước đến nay.
"Siêu lừa" Huyền Như đã lừa đảo số tiền kỷ lục, 4.000 tỉ đồng
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Số lượng người tham gia phiên tòa đông đảo: Phiên
tòa có đến 23 bị cáo được đưa ra xét xử, trong đó có cả chị ruột của
Huyền Như. Ngoài ra, còn có 15 đơn vị, cá nhân là nguyên đơn dân sự và
bị hại; 79 cá nhân, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; 47 luật
sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Liên quan trong vụ án, Cơ quan CSĐT
- Bộ Công an cũng đã quyết định khởi tố 6 bị can nguyên là lãnh đạo ACB
về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu
quả nghiêm trọng” nhưng được tách ra, xử lý trong vụ án Nguyễn Đức Kiên.
Biệt tài giả chữ ký: Mặc
dù chiếm đoạt số tiền rất lớn nhưng thủ đoạn của “siêu lừa” không hề
tinh vi mà vô cùng đơn giản. Lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank
Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TPHCM, Huyền Như đã tiếp xúc với nhiều đơn
vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thỏa thuận
cộng lãi suất thưởng từ 18%-36%/năm. Để thực hiện mục đích của mình,
Huyền Như đã thuê người làm giả con dấu, tài liệu ngân hàng… Đặc biệt là
biệt tài giả chữ ký của nhiều lãnh đạo VietinBank cũng như các khách
hàng của Huyền Như.
Sinh con trong trại giam:
Trong phần thẩm tra lý lịch của các bị cáo, Huyền Như cho biết bị bắt
giam ngày 30/9/2011, khi đang mang thai 4 tháng. Trong thời gian bị tạm
giam, bị cáo đã sinh con (hiện đã 21 tháng tuổi) nhưng chưa được làm
giấy khai sinh do chưa đăng ký kết hôn. Mặc dù có con nhỏ, dưới 36 tháng
tuổi nhưng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Huyền Như
không được hưởng chính sách tại ngoại hầu tra.
VKS không tham gia xét hỏi:
Theo quy định, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa sẽ xét hỏi sau
HĐXX. Tuy nhiên, kiểm sát viên trong phiên tòa này đã từ chối xét hỏi vì
cho rằng HĐXX đã hỏi đủ.
Đại diện VietinBank trả lời với tư cách cá nhân:
Phần trả lời của đại diện VietinBank đối với các câu hỏi của luật sư là
phần được mọi người chờ đợi và quan tâm nhất. Tuy nhiên, đại diện ngân
hàng này đã làm không ít người thất vọng và khiến các luật sư phản đối
khi nhấn mạnh: “Với tư cách là đại diện của Ngân hàng Công thương nhưng
câu trả lời của tôi là tư cách cá nhân” (?!).
Luật sư "bó tay" với bị cáo:
Khác với vẻ bình tĩnh khi khai nhận rành rọt, chi tiết trong phần xét
hỏi dành cho HĐXX, Huyền Như lại tỏ ra vô cùng “nóng nảy” khi trả lời
các luật sư. Các luật sư vô cùng vất vả khi đặt ra hàng chục câu hỏi
nhưng vẫn chỉ nhận được điệp khúc “không nhớ”, “không biết”, “không trả
lời” từ bị cáo giữ vai trò đầu vụ. Trước những câu trả lời của bị cáo,
các vị luật sư cũng đành “bó tay”!
Từ được sử dụng nhiều nhất:
Tin tưởng là từ được nhắc đến nhiều nhất trong phần xét hỏi. Đồng
nghiệp, thuộc cấp, người thân của Huyền Như cho rằng vì quá tin tưởng bị
cáo nên đã vô tình tiếp tay cho cái xấu. Trong khi đó, các bị hại lại
cho rằng vì tin tưởng vào Huyền Như cũng như VietinBank mới gửi tiền vào
ngân hàng này.
Phiên tòa biến thành phiên chất vấn?:
Việc HĐXX cho phép đại diện VietinBank ghi nhận câu hỏi của các luật sư
và trả lời sau đã gặp phản ứng từ các luật sư. “Đây là một ngoại lệ
hiếm thấy trong tố tụng xét hỏi”, luật sư Nguyễn Minh Tâm nói. Trong khi
đó, luật sư Ngô Đình Trấn bức xúc: “Tôi cho rằng đây là phiên tòa xét
xử chứ không phải phiên chất vấn”.
Luật sư chúc mừng sinh nhật “siêu lừa”:
Ngày 15/1, trước khi bào chữa cho thân chủ của mình là ngân hàng ACB,
luật sư Lưu Văn Tám đã chúc Huyền Như sinh nhật vui vẻ, hạnh phúc.
Hồ sơ nặng gần 300 kg:
Về vấn đề có nhiều chi tiết cáo trạng không có nhưng đến khi tranh luận
mới đưa ra, đại diện VKSND TP HCM cho rằng do hồ sơ của vụ án quá nhiều,
không thể đưa hết vào cáo trạng. Theo HĐXX công bố, vụ án có đến 71.000
bút lục, trọng lượng gần 300 kg.