CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Dân chủ, tôn giáo và chủ thuyết Marx




Nếu Dân Chủ có thể được những người Duy Linh, Duy Lý, Duy Vật, Duy Tâm, Xã Hội, Marxiste, những người làng nhàng Duy đủ thứ, hay chẳng Duy gì cả … công nhận là một quyền phổ quát, thì vấn đề còn lại chính là thực hiện Dân Chủ cách nào để tránh cho những người kể trên phải đập nhau bưu đầu sứt trán vì một điều mà họ cùng tôn trọng, cùng quyết tâm bảo vệ?
Chemnitz-Karl-Marx-MonumentThế kỷ 20 đã nhìn thấy sự thắng thế của khoa học duy lý trên niềm tin tôn giáo, và sự ngự trị gần như toàn diện của chủ thuyết Mác trên trường tư tưởng. Rồi, vào cuối thế kỷ, sau những dò dẫm của các thập niên 60 và 70, một khuynh hướng tâm linh mạnh mẽ lại nổi lên, khiến có nhà tư tưởng đã phải cho rằng : “thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của tôn giáo …”. Đến lượt chủ thuyết Marx phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, do ảnh hưởng của sự phá sản của các nhà nước kế thừa mô hình Staliniste. Tuy nhiên, vì những khó khăn của nền kinh tế tư bản không đưa nổi một phần lớn nhân loại ra khỏi nghèo đói, và ngay tại một số nước giàu mạnh, không giải quyết nổi nạn thất nghiệp, đã khiến cho (bên cạnh khuynh hướng Xã Hội) chủ thuyết Marx lại có những dấu hiệu phục hoạt, trong một hình thái xa lánh những sai lầm tệ hại của mô hình Staliniste và hoàn toàn gắn bó với trào lưu DÂN CHỦ.
Thật vậy, giữa những thăng trầm của thế kỷ 20, có một trào lưu đã không ngừng được củng cố và lớn mạnh, đó là trào lưu DÂN CHỦ. Ngoại trừ những kẻ chủ trương Dân Tộc Chủ Nghĩa Cực Đoan, tất cả các đảng phái, chính quyền, trong thế kỷ 20, đều nhân danh Dân Chủ, mặc dù có khi phản lại Dân Chủ. Dân Chủ có thể được coi như yếu tố thường định của tư tưởng chính trị trong thế kỷ 20.
Vấn đề đặt ra là: tương quan giữa Dân Chủ và các luồng tư tưởng lớn khác trong thế kỷ này ra sao ? Người Duy Vật, Duy Lý, người Mác Xít, “người tôn giáo”, Duy Linh, quan niệm dân chủ như thế nào trước thềm thế kỷ 21 ? Và các xã hội loài người ở thế kỷ 21, trong đó có xã hội Việt Nam, sẽ biến thái ra sao trước những quan niệm về Dân Chủ này?
Dân chủ và Dân chủ
Người ta thường đặt tư tưởng Dân Chủ trong một tiến trình khởi phát từ thời Cổ Hy Lạp, truyền đến ngày nay, sau một thời gian dài bị phong kiến và thần quyền lấn áp. Có phải vậy không ? Theo tôi, nhận định này không hoàn toàn đúng.
Nền Dân Chủ Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã không dựa trên cùng một nền tảng như nền Dân Chủ hiện đại. Tại các đô thị cổ xưa, Dân Chủ là đặc quyền của một số người, bên cạnh những thành phần khác, điển hình là người nô lệ. Tức là : anh được hưởng quyền Dân Chủ vì anh thuộc về một thành phần nào đó, do ở thế ưu thắng của thành phần này trong xã hội, như một thứ phần thưởng tập thể. Nói đến phần thưởng là nói đến sự xứng đáng. Người ta đặt giả thuyết là anh xứng đáng được hưởng Dân Chủ. Nền Dân Chủ cổ xưa hoàn toàn không có tính phổ quát.
Ngược lại, nền Dân Chủ hiện đại gắn liền với khái niệm phổ quát về quyền Con Người. Dân Chủ là một QUYỀN, mọi Con Người đều có quyền đó. Không có vấn đề xứng đáng, không có khái niệm ưu thắng, Dân Chủ không phải là một phần thưởng, anh có quyền Dân Chủ vì anh là một Con Người, thế thôi.
Đây chính là một quan điểm hoàn toàn cách mạng trong tư tưởng Dân Chủ của thời hiện đại. Quan niệm đạo đức thông thường mà cha mẹ ông bà chúng ta thường dạy bảo là : ai xứng đáng, tốt lành, có công lao thì được tưởng thưởng, được hưởng thụ những quyền lợi tương xứng với giá trị của ngưới ấy. Trong quan niệm Dân Chủ hiện đại thì anh chẳng cần có công trạng chi với xã hội, thậm chí chẳng cần là người tốt, anh vẫn có quyền được hưởng Dân Chủ như thường. Khi người ta đổ quân vào giúp người Kossovo, không ai dặt vấn đề những người này có xứng đáng hay không, có tốt lành hay không, mà chỉ đặt vấn đề quyền làm người của họ, gắn liền với những quyền Tự Do Dân Chủ. 
Quan điểm một quyền phổ quát, không màng đến giá trị tốt xấu của cá nhân được hưởng quyền này, đặt ra một vấn đề phải giải quyết : dựa trên căn bản nào mà chúng ta quả quyết được sự hiện hữu của quyền ấy ? Vấn đề trở nên gai góc khi sự quả quyết trên bắt buộc chúng ta đem một phần đáng kể năng lực và tài nguyên ra để bảo vệ cho nó, và càng gai góc hơn nữa khi nó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh mạng sống của mình hay của con em mình để cứu vãn nó, khi nó bị đe dọa. Một suy tư thuần lý có thể đi đến được kết luận này hay không ? Có đủ để bắt anh phải lên đường đem sinh mang của mình ra mà chiến đấu cho quyền được hưởng Dân Chủ của những con người mà anh không biết là tốt hay xấu, xứng đáng hay tồi bại, không ? Hay phải cần đến một khái niệm siêu hình nào đó ?
Dân chủ và Tôn giáo
Nói đến một quan niệm siêu hình, người ta nghĩ ngay tới tôn giáo. Và quên rằng các tư tưởng gia về dân chủ, từ Hobbes, Locke đến Montesquieu và Rousseau, đều coi tôn giáo, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo, như trở lực chính yếu của dân chủ. Đặt sang một bên những vấn đề quyền lợi thế tục, khiến cho một số giáo quyền trước đây không muốn ủng hộ Dân Chủ, chúng ta có thể nghĩ được rằng trở ngại chính cho Dân Chủ nơi Giáo Hội Công Giáo nằm ở chỗ : trong bản chất Giáo Hội này là một tôn giáo mặc khải. Tức là có người nào đó được đón nhận Sự Thật từ chính Thiên Chúa truyền cho, và từ đó nói chuyện với mọi người khác nhân danh Thiên Chúa. Như thế tức là : một người nói, mọi người khác chỉ có quyền nghe và tuân phục. Anh làm sao cãi lại được một Chân Lý đến trực tiếp từ Thiên Chúa ? Ngoại trừ trường hợp anh là “con cái của ma quỷ” ! Chẳng cần lý luận sâu xa, cũng thấy được rằng cây dân chủ rất khó mà bén rễ được một cách chắc chắn trên nền tảng này. Với thời gian, vì lý do tương quan lực lượng ngày càng bất lợi cho Công Giáo, người ta tách rời thế quyền với thần quyền, và đẩy Giáo Hội xa dần sự quản trị xã hội. Ngày nay, từ xa, Giáo Hội Công Giáo có thể ủng hộ Dân Chủ một cách quả quyết, như chúng ta thường thấy.
Bên cạnh Công Giáo La Mã, trong hệ thống Ky Tô Giáo chủ yếu phải kể đến các Giáo Hội Tin Lành. Một điểm khác biệt quan trọng giữa hai chi phái này là Tin Lành đã biến đổi khái niệm mặc khải để cho phép mỗi người tự tìm hiểu và giải đoán Thánh Kinh theo lương tâm của riêng mình. Vì thế mới nảy ra hàng trăm Giáo Hội Tin Lành khác nhau. Có nhà thần học đã ví các Giáo Hội Tin Lành như một bầy con ngồi trong một bàn tiệc vắng bóng người cha. Tức là các anh em tụ họp lại đều ai cũng như ai, không có người “phán bảo” và những kẻ khác phải tuân phục. Tinh thần này rất thuận lợi cho sự nảy sinh của Dân Chủ. Có thể không lầm lẫn bao nhiêu khi cho rằng Dân Chủ đã nảy sinh từ tầng lớp trung lưu Tin Lành (1).
Đối với người Việt Nam chúng ta thì cũng cần khảo sát tương quan giữa Dân Chủ và Phật Giáo. Trong bản chất thì Phật Giáo là một Đạo thực nghiệm, chứ không đặt nặng sự mặc khải từ bên ngoài. Phật “nói”, qua kinh điển, nhưng anh không bắt buộc phải tin, mà chỉ được mời gọi thực nghiệm qua công phu tu tập của chính anh. Đây cũng là một nền móng tốt cho sự xây dựng Dân Chủ. Vả lại, một số sử gia đã cho rằng Đức Thích Ca sanh trong một đô thị được quyền tự trị giữa các vương quốc lớn chung quanh, và sinh hoạt theo thể chế … dân chủ ! (2)
Mặc dù Ky Tô Giáo đã có lúc là một trở lực đối với Dân Chủ, tôi vẫn nghĩ quan niệm hiện đại về Dân Chủ chịu ảnh hưởng rất hiều nơi sự giảng dạy của Đức Ky Tô và những nhà tư tưởng kế thừa Ngài. Khi cho rằng mọi người đều làm một với Ngài, và Ngài làm một với Thiên Chúa, Đức Ky Tô đã cho mọi con người một Thiên Tính. Và mọi con người đều phải được quý trọng vì Thiên Tính ấy. Quyền Con Người hiển lộ, một cách phổ quát, một cách linh thiêng, vì gắn liền với Thiên Chúa. Và vì gắn liền với Thiên Chúa, quyền ấy thoát khỏi sự phán xét của những người khác (“các anh đừng phán xét”, như lời Phúc Âm). Quyền ấy vượt khỏi sự phân biệt “tốt – xấu” (3)
Quan điểm “Phật tính trong mọi người”, hay “Phật là chúng sinh, chúng sinh là Phật” của Phật Giáo cũng rất gần với tư tưởng trên.
Như thế, với một quan niệm siêu hình về Con Người đến từ Ky Tô Giáo trên mặt lịch sử, và phù hợp hoàn toàn với tư tưởng Phật Giáo (cũng như các tôn giáo lớn khác – không bàn đến ở đây), người ta có thể quả quyết tính phổ quát của quyền Dân Chủ nơi mọi con người.
Dân chủ, thuyết duy vật và chủ thuyết Marx
Bây giờ giả sử anh là người duy lý, duy vật, thậm chí Marxiste, trong thâm tâm anh phủ nhận mọi lý luận siêu hình kể trên, thế thì anh quan niệm DÂN CHỦ ra sao ? Làm sao hình dung được tính phổ quát của nó ?
Một giải pháp đơn giản là anh không quan niệm Dân Chủ như một giá trị phổ quát. Đó là trường hợp của những người Staliniste và của trường phái triết học Althuser với triết lý Phi Nhân. Quý vị này coi bản chất con người là “sự tổng hợp của những tương quan xã hội” (4), hay nói cách khác là được tạo thành từ các điều kiện vật chất trong đó mình sinh sống. Vì những điều kiện vật chất, cũng như những tương quan xã hội khác biệt tùy theo thời đại, nơi chốn, giai cấp v.v… nên sanh ra những con người trong bản chất hoàn toàn khác nhau. Thật ra, người ta quy kết các sự khác biệt vào Lịch Sử, xóa nhòa sự khác biệt trong địa dư, với giả thuyết rằng : ở mọi nơi, Lịch Sử đều diễn tiến theo cùng một quy trình, với những giai đoạn được phác họa bởi Marx và Enghels. Tuyên Ngôn Đảng CS lại cho rằng “Lịch Sử là lịch sử đấu tranh giai cấp”, nên sự khác biệt trong bản chất giữa những con người, chủ yếu là do ở giai cấp. Như thế, con người ở giai cấp này với giai cấp khác, trong bản chất, hoàn toàn khác nhau, như những loài sinh vật khác nhau, như con kiến với con bò vậy. Người ở giai cấp này có quyền giết người ở giai cấp khác như con bò đạp con kiến, hay như anh có quyền ăn con bò (và đồng thời đạp con kiến) mà không hề mang lỗi lầm trên phương diện đạo đức. Khi “đồng chí” Pol Pot, sau khi “dzui” học ở Pháp về, đem lùa tất cả dân thành thị, không thuộc giai cấp công nông, vào những nơi giết người tập thể, để kiến tạo một “xã hội mới” chỉ đơn thuần với giai cấp công nông, thì “đồng chí” này đã áp dụng một cách triệt để thuyết Phi Nhân của Althuser, và tự đặt mình trong truyền thống Staliniste thuần khiết. Lý luận này đương nhiên là phủ nhận sự hiện hữu của “Con Người nói chung” (Phi Nhân) và những giá trị phổ quát liên quan đến khái niệm ấy, như Nhân Quyền hay Dân Chủ chẳng hạn. Quan điểm của họ về Dân Chủ trở lại rất gần với quan niệm Dân Chủ của cổ Hy Lạp, tức là gắn liền với một giai cấp xã hội.
Các nhà tư tưởng Marxiste Nhân Bản cho rằng quan điểm Phi Nhân nói trên phản lại Sử Quan Duy Vật của Marx. Đành rằng con người là sản phẩm của những yếu tố vật chất trong môi trường của mình, nhưng con người không chỉ hình thành từ một giai cấp trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Con người có Sử Tính của nó. Tức là nó cũng được quy định bởi những gì đã qua, ảnh hưởng trên nó trong hiện tại qua những điều kiện vật chất. Những gì đã qua là tất cả quá trình hình thành xã hội và giai cấp trong đó nó đang sống. Ngược giòng thời gian, theo những giả thuyết của Marx và Enghels, chúng ta gặp những xã hội Tư Bản, Phong Kiến, v.v… và rốt cuộc là xã hội Cộng Sản Nguyên Thủy, ở thời sơ khai của loài người, trong đó không có tư hữu, không có hàng hóa, và mọi thành viên đều “làm việc theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu”. Vậy, mọi con người đều mang trong bản chất của mình những ảnh hưởng của cái xã hội Cộng Sản Nguyên Thủy ấy, di truyền qua thời gian. Xa hơn nữa, loài người, trong quá trình tiến hóa, đến từ loài khỉ, từ loài có vú bốn chân, loài bò sát, loài cá, v.v… cho đến những vi khuẩn nguyên thủy. Trong bản chất của anh có những dấu vết của quá trình tiến hóa đó, thí dụ trong y khoa thường nói đến não bộ “bò sát” (cerveau reptilien) để chỉ một vùng trong óc của mỗi người chúng ta. Rồi mỗi con người trong sự hình thành bản thân mình đều bắt buộc phải trải qua những giai đoạn tiến hóa riêng : từ một tế bào, đến một thai nhi sống trong một bọc nước, rồi một đứa bé bò bốn chân, v.v… Ý thức của anh có thể cũng được hình thành qua ảnh hưởng của tiến trình đó, tức là khi anh là một tế bào thì anh có ý thức của một con vật đơn bào, như một vi khuẩn, đến khi trở thành một thai nhi sống trong nước ý thức của anh tương tự như ý thức của một con cá, sau khi sanh, ý thức của anh tương tự như của loài bốn chân, đến khi biết sử dụng bàn tay, trở thành tương đương với ý thức của khỉ, rồi khi có tiếng nói mới phát huy ý thức thuần túy của con người. Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng môi trường gia đình trong đó đứa trẻ sinh sống trước khi đi học chính là một xã hội Cộng Sản Nguyên Thủy, trong đó mọi thành viên cũng “làm việc theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu”, và mọi “phương tiện sản xuất” đều của chung. Như thế, đứa bé trước khi đến trường, sống trong ý thức của những tương quan xã hội Cộng Sản Nguyên Thủy. Tất cả những ý thức, từ vi khuẩn, đến cá, đến Cộng Sản Nguyên Thủy, góp phần vào việc hình thành bản chất của mỗi người chúng ta, không phân biệt giai cấp, địa phương hay thời đại. Tóm lại mọi Con Người đều có cùng một bản chất, trước khi có những ý thức về giai cấp (hay địa phương, hay lịch sử). Không thể coi con người ở giai cấp này với giai cấp khác như thuộc về những “loài” khác nhau. Tóm lại qua một lý luận duy vật, không cần tìm đến những khái niệm linh thiêng, người ta đi đến một quan niệm rõ ràng về Con Người Nói Chung, và biện minh được cho những quyền phổ quát của Con Người, cho Nhân Quyền và Dân Chủ (5).
Dân chủ trong thức tế áp dụng

Nếu Dân Chủ có thể được những người Duy Linh, Duy Lý, Duy Vật, Duy Tâm, Xã Hội, Marxiste, những người làng nhàng Duy đủ thứ, hay chẳng Duy gì cả … công nhận là một quyền phổ quát, thì vấn đề còn lại chính là thực hiện Dân Chủ cách nào để tránh cho những người kể trên phải đập nhau bưu đầu sứt trán vì một điều mà họ cùng tôn trọng, cùng quyết tâm bảo vệ ?
Vấn đề không đơn giản. Người Marxixte cho rằng nền Dân Chủ Tư Sản luôn tạo lợi thế cho người Tư Sản tiếp tục cai trị xã hội. Tức là nền Dân Chủ Tư Sản không thực sự Dân Chủ. Nền Dân Chủ mà chủ thuyết Marx đề nghị là một nền Dân Chủ trực tiếp, đặt nền tảng trên những Ủy Ban Nhân Dân, Ủy Ban Thợ Thuyền, Nông Dân … Loại Dân Chủ này đưa đến một tình trạng tự quản trị. Người dân, thợ thuyền, nông dân, ở mỗi đơn vị, tự quản lý đời sống và công việc làm của mình. Nhà nước chỉ quản lý những lãnh vực người dân chưa quản lý được qua các Ủy Ban kia. Dần dần, vai trò của các Ủy Ban tự quản tăng lên, và vai trò của Nhà Nước biến dần đi. Xã hội Marxiste là một xã hội trong đó vai trò của Nhà Nước, ngay từ giây phút đầu tiên, luôn một ngày một giảm bớt để đến một lúc nào đó không còn cần thiết nữa (6).
Chúng ta thấy ngay là điều này mâu thuẫn trầm trọng với thực trạng tại các nước Cộng Sản theo mô hình toàn trị. Tại các nước này, vai trò của Nhà Nước không bao giờ giảm bớt, mà xen vào áp chế tất cả các lãnh vực sinh sống của người dân. Các đảng cầm quyền toàn trị cũng dứt khoát cấm tuyệt việc thành lập các Đảng phái đối lập, với chiêu bài bảo vệ nền chuyên chính của một giai cấp. Thật ra, những người cầm quyền ấy chỉ bảo vệ chính họ, ngôi vị và đặc quyền của họ. Trotsky đã khẳng định : “người ta sẽ không bao giờ thấy trong lịch sử hiện tượng một đảng độc nhất thay mặt cho một giai cấp độc nhất” (Cuộc cách mạng bị phản bội). Các nhà tư tưởng Marxiste trong hệ thống này khẳng định nhu cầu cần đa đảng, kể cả với những đảng phái tư sản, trong tất cả các giai đoạn xây dựng xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa (7).
Để trả lời chủ trương Dân Chủ trực tiếp và tự quản lý của các nhà Marxiste chân chính, các lý thuyết gia Tư Sản cho rằng : vẫn biết Dân Chủ trực tiếp là hình thái Dân Chủ cao nhất, nhưng trên mặt kỹ thuật, nó không thể áp dụng được. Và, viện dẫn những lý do kỹ thuật, họ tuyên bố vẫn gắn bó với nền Dân Chủ gián tiếp, theo những phương thức mà chúng ta đều biết, mặc dù những khuyết điểm của mô thức này, như :
- sự hình thành một giai cấp chính trị gia chuyên nghiệp xa rời những quan tâm của người dân, và thỏa hiệp với nhau để bảo vệ đặc quyền của mình
- sự ưu thắng của các thế lực tiền bạc trong việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để hướng dẫn dư luận, ảnh hưởng vào các cuộc bầu cử
- các người ra ứng cử luôn là những người giàu có, hoặc được những thế lực tiền bạc đứng sau lưng yểm trợ, đểø sau đó bị ràng buộc với những quyền lợi của các thế lực này
- giữa những cuộc bầu cử, người dân bị hạn chế quyền tham dự vào việc quản trị quốc gia, dù cho có những vấn đề xã hội trọng đại 
- việc vận động hành lang thể hiện quyền lợi của những nhóm áp lực, không nhất thiết đáp ứng nhu cầu và quyền lợi của đa số nhân dân
- chính quyền có thể áp dụng những thủ thuật hợp pháp để tự tạo ưu thế cho mình trong các cuộc bầu cử, như ban hành những biện pháp mỵ dân trước khi bầu cử, hay giải tán quốc hội vào những thời điểm thuận lợi (Thatcher, Chirac …), v.v…
- thành phần mỵ dân cơ hội chủ nghĩa có nhiều lợi thế để đạt đến chính quyền và thao túng sự quản trị quốc gia, đi ngược lại quyền lợi của người dân (trường hợp Eltsine, Poutine …)
- các đảng lớn thao túng các cuộc bầu cử khiến các ứng cử viên độc lập hay thuộc các tổ chức nhỏ gần như không thể được bầu, kể cả trong những cuộc bầu cử địa phương, và thao túng sinh hoạt nghị trường từ cấp quốc gia đến cấp địa phương, với kỷ luật bầu cử, như ở Pháp, bó buộc các người dân cử phải bầu theo chỉ thị của đảng.
Xã hội công dân
Những người chủ trương Dân Chủ trực tiếp, nếu không nắm được chính quyền (trên lý thuyết phải qua một cuộc cách mạng), thì tư tưởng của họ trong xã hội vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng. Đó là hạn chế những khuyết tật của mô hình Dân Chủ Nghị Trường vừa nói ở trên. Thí dụ : hoạt động Ngiệp Đoàn hạn chế những tác hại trên đời sống thợ thuyền, và phần nào giúp thợ thuyền tham gia vào sự quản trị xí nghiệp của mình, các cuộc bầu cử địa phương cấp nhỏ trong bối cảnh một chính sách tản quyền có thể hy vọng thoát khỏi sự kềm chế của các đảng phái lớn đểø thực sự lo đến các vấn đề đặc thù của địa phương, v.v… 
Tuy nhiên, quan trọng nhất có lẽ là sự hình thành một Xã Hội Công Dân, với sự bộc phát của những nhóm người tự nguyện đứng ra giải quyết một vấn đề xã hội thực tế. Xã Hội Công Dân là tổng hợp của tất cả những gì không thuộc về chính quyền. Nó đáp ứng với lý tưởng giảm thiểu vai trò của Nhà Nước, cùng với quan niệm tự quản trị. Đó chính là Dân Chủ trực tiếp trong lòng một xã hội áp dụng Dân Chủ Nghị Trường. Nó có thể làm lùi bước quyền hành, hay những thế lực tiền bạc. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Xã Hội Công Dân sẽ phát triển mạnh trong thế kỷ 21.
 Tại những nước toàn trị, Xã Hội Công Dân, được hiểu như một tiền đề của cách mạng, đương nhiên là bị đàn áp khắt khe. Những sinh hoạt như hiệp hội, nghiệp đoàn, hợp tác xã tư nhân, chương trình phát triển cộng đồng, chưa thể hình thành được vì sự cấm đoán của chính quyền. Kẽ hở duy nhất, hữu hiệu nhất, trong khi chờ đợi, chính là : TÔN GIÁO. 
Chính quyền cũng biết vậy !   
N.H.V.
_________
Chú Thích: 
 (1) Vì sao trung lưu ? Vì nếu nghèo quá anh không thể có những quyết định độc lập, mà luôn bị sự thiếu thốn nó đè nén, ép buộc anh trong những sự chọn lựa. Ngược lại nếu giàu quá thì anh dễ bị cám dỗ đem tiền bạc ra thao túng xã hội … Vì thế một tầng lớp trung lưu mạnh là một trong những điều kiện để phát triển Dân Chủ, ít ra là trong một xã hội Tư Sản.
(2) Louis Frédéric – Bouddha en son temps – Ed Félin .
(3) Khi Thánh Phao Lồ nói : các anh là đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa, ngài không hề bảo : các anh hãy cố gắng ăn hiền ở lành, trở nên những con người tốt, để trở thành đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa, mà hàm ý các anh vốn đã là đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa, mặc dù các anh tốt hay là xấu.
(4) Hiểu sai lạc một câu của Marx trong Luận Cương VI về Feuerbach
(5) Thật ra, giả sử Thiên Chúa tạo dựng nên con người, qua tiến trình tiến hóa (được Giáo Hội Công Giáo thừa nhận), thì trước giai đoạn đầu tiên của quá trình tiến hóa, tức giai đoạn siêu vi khuẩn hay ADN, hay chi đó, thì ý thức của anh là gì ? Có phải là chính ý thức của Thiên Chúa hay không ? Vậy phải chăng chính ý thức của Thiên Chúa là khởi điểm của sự cấu thành bản chất con người ?
(6) Lénine toàn tập – Tập 25.
(7)  Đọc Vũ Gia Minh : “Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa ….” Tủ sách Nghiên Cứu – 1999 – Liên lạc : BP 246 – 75224 Paris cedex 11

Copy từ: Tạp Chí Phía Trước



......................

Quỹ đất, Quỷ đất và bảy phát súng colt của Đặng Ngọc Viết


Hạ Đình Nguyên

Bênh vực kẻ giết người là điều trái đạo lý và ngược pháp luật. Kết án kẻ giết người – đã chết – là thừa.
Nói xấu, bôi nhọ thì vô liêm sỉ.
Đặng Ngọc Viết đã tự mình giải quyết dứt điểm, trọn vẹn suốt cả quy trình.
Khi khởi sự ra đi, anh không quan tâm đến một lời phán xử của bất cứ ai. Anh biết rõ nguyên nhân anh hành động, biết cách hành động, và hiểu rõ hậu quả của hành động, cả cách giải quyết hậu quả ấy, bằng hai phát súng cuối cùng cho mình.
Khi gặp nỗi bất bình tột độ, người dân Bắc Triều Tiên có thói quen phản ứng bằng cách “khóc tập thể” khi gặp mặt lãnh tụ; người dân Tây Tạng có truyền thống chọn “tự thiêu”. Còn ở Việt Nam thì có nhiều cách, có cách của Vươn, của Văn Giang,… và bây giờ là cách của Viết.
Hai giờ chiều ngày 11-9, đúng ngày nước Mỹ bị khủng bố cách đây 12 năm, một người đàn ông tuổi trung niên, vào tòa nhà Ủy ban Nhân dân thành phố Thái Bình, gởi xe rồi đi tìm Văn phòng của “Trung tâm Phát triển Quỹ đất”.
Bước vào văn phòng Trung tâm, thấy ba người đàn ông đang ngồi, anh ta hỏi người ngồi gần nhất (Phó Giám đốc Dũng):
-    Ông Giám đốc Tư đâu?
-    Tìm gặp Giám đốc có việc gì? – Người ấy hỏi lại.
Không trả lời, với một vẻ thản nhiên, như thực thi một sứ mệnh, người đàn ông đưa tay vào túi, lấy ra khẩu súng, bắn thẳng vào đầu người vừa hỏi. Hai người ngồi cạnh bất động, không kịp một phản ứng nào, liền nhận ngay lập tức mỗi người một phát vào đầu. (các cán bộ Xuân và Dương). Ba người liên tiếp đổ gập xuống. Bước ra khỏi phòng, Đặng Ngọc Viết chuyển sang phòng bên cạnh, bắn một phát ngay vào đầu người vừa xuất hiện (cán bộ Cương). Bà Phó Giám đốc Lan Anh kinh hoàng lao vội xuống gầm bàn để trốn. Một phát nữa sượt qua mang tai.
Năm phát súng đã gây sự náo loạn. Người ta nhốn nháo chạy ùa ra khỏi phòng, thấy kẻ “sát thủ” bước nhanh qua sân, tay cầm khẩu colt, họ vội vàng lao ngược về phòng, đóng cửa lại. Sát thủ ra lấy xe và đi mất, để lại đằng sau một hiện trường tang tóc, mặc cho cái Trung tâm Phát triển “QUỶ” đất – một loại quỷ của đất – và một câu hỏi duy nhất còn đọng lại tiếng vang “Giám đốc Tư đâu?”.
Bây giờ, có lẽ Giám đốc Tư đã hiện diện lành lặn, cùng các nạn nhân:
- Vũ Ngọc Dũng, Phó Giám đốc, bị bắn vào đầu.
- Phạm Thị Lan Anh, Phó Giám đốc, bị bắn sượt mang tai.
- Nguyễn Thanh Dương, cán bộ, bị bắn xuyên mắt phải.
- Vũ Công Cương, cán bộ, bị bắn vào đầu.
- Bùi Đức Xuân, cán bộ, bị bắn vào đầu.
Buổi chiều cùng ngày, Đặng Ngọc Viết cỡi xe về đến quê nhà, xã Trà Giang, huyện Kế Xương, tỉnh Thái Bình. Tắm rửa xong, anh đi bộ ra chùa Đông Sơn, một ngôi chùa trong làng. Anh chuyện trò cùng mấy người Phật tử. Sau này, người ta mô tả, anh là người hiền lành, nói ít. Anh có bày tỏ vài lời bất bình về việc đền bù giải tỏa. Khoảng 5 giờ chiều, anh nghe bụng đói, lại đến giờ ăn, anh xin một bát cơm chay. Ăn xong, anh thong thả ra tượng đài Phật Quán Thế Âm, đi quanh nhiều vòng rồi ngồi lại ở chân đài. Hơn 6 giờ, trong không gian tĩnh lặng, người ta nghe hai phát súng nổ. Hai phát súng tự bắn vào ngực mình.
Đặng Ngọc Viết không phải là một sát thủ chuyên nghiệp nhận giết thuê vì tiền, không phải là chiến sĩ  Hồi giáo chiến đấu vì Allah, càng không phải là người của “thế lực thù địch” từ Mỹ hay Trung Quốc cử sang. Viết giết người vì lý do gì?
Bảy phát súng nổ, tuy diễn ra ngắn ngủi nhưng có vọng âm xa, sâu lắng, làm cho lương tâm con người trở nên ray rứt. Ranh giới rất là mong manh giữa trái và phải, giữa lương thiện và bất lương, gây nên những cảm xúc nhiều chiều, trái ngược, lại có phần “phi pháp”. Hẳn nhiên Đặng Ngọc Viết là kẻ giết người, nhưng còn điều gì đó khác, và hơn thế nhiều. Và cả những nạn nhân đáng ngờ kia, nếu không phải thủ ác, thì cũng là vô tình tham gia cái ác?
“Phát triển quỹ đất”, đất đâu mà phát triển? Bờ rạch, bờ sông, hẻm núi, bưng biền đều có bàn tay người dân nâng niu, khai phá, tô bồi từ lâu mà có, nói chi tới đồng ruộng vườn tược… Phát triển là bành trướng, thu tóm, gom lại cho nhiều, tích lũy lại thành quỹ riêng cho mình – là những nhóm người đang nắm quyền lực trong tay, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản. Đó là sự giành giật, cướp đoạt trắng trợn, lõa lồ, dưới một hệ thống từ ngữ có tính chất ma thuật.
Viết lạnh lùng bắn vào đầu năm con người không quen biết, nói chi tới thù hận riêng tư! Viết tìm ông Giám đốc Tư, nhưng thực chất không nhất thiết phải đi tìm cái hình hài cụ thể của Giám đốc Tư. Tất cả chỉ là biểu tượng với nhiều tầng nấc. Đích thực, cái mà anh ta nhắm đến thì lại vô hình vô dạng. Nó nằm trên những con chữ vô tri, lạnh lùng mà đẫm máu trên các trang giấy. Ai mà đi ném bom hay đặt mìn vào trang giấy, họa điên sao? Đó là những cụm từ làm ứa máu, sôi gan người dân bao năm qua: “giải phóng mặt bằng”, “đền bù giải tỏa”, “quy hoạch”, “phát triển”, “tích lũy”…. Đó là sản phẩm của cái tiền đề “đất đai là của toàn dân”. “Toàn dân” là một từ ngữ trống không, do đó những người nhân danh là “đầy tớ” tha hồ hành xử kiểu ma thuật. Từ đó, quỹ đất đã trở thành quỷ đất. Chúng sống bằng đất, ăn đất, thở đất, phương phi bằng đất, trơn láng bằng đất, hãnh tiến, tự tin, hây hây uy quyền, uy nghi cũng bằng đất. Chúng đang tiếp tục hoành hành như một trận dịch.
Nhưng những cái đầu nào là chủ nhân đích thực của các con chữ nói trên?
Nó nằm ngoài tầm với của sức lực và bàn tay Viết, nhưng không phải là ngoài tầm nhìn và sự hiểu biết. Viết là một con người bình thường khỏe mạnh, chưa có tiền án tiền sự, đã nhiều lần đi tìm cái sống bằng “xuất khẩu lao động” sang Nga. Anh ta biết đi đây đi đó. Hẳn là biết chuyện Đoàn Văn Vươn, chỉ bắn súng hoa cải cho vơi nổi giận, được nhân dân cả nước ủng hộ, song không thoát khỏi cảnh tù đày, và ông Đại tá Ca – kẻ chỉ huy cuộc tấn công “có thể viết thành sách” – lên Tướng. Hẳn cũng biết những đoàn người đấu tranh giữ đất, đòi đất, khiếu kiện ôn hòa, lê lết rồng rắn hàng năm trời ở các đường phố Hà Nội, Sài Gòn, ăn đường ngủ bụi, màn trời chiếu đất ở các công viên, bị “côn đồ” hành hung, v.v. chẳng đem lại một hiệu quả nào. Viết cũng trải qua những tích lũy nội tâm về hoàn cảnh gia đình, trong cái đất nước đang rất tiến lên này. Mẹ đã mất, cha là cựu chiến binh nằm bại liệt nhiều năm, người anh mang bệnh chất độc màu da cam, vợ li dị sang Nga sinh sống, hai đứa con nhỏ gởi bên ngoại vì không đủ sức nuôi… Bây giờ thì đến lượt bọn “quỷ đất” há mồm vồ anh! Có lẽ trái tim của Viết đã đến độ đầy lên, và anh ta hành động. Và anh đã hành động theo cách triệt để, tận cùng.
Thông tin cho biết, Viết thản nhiên nhận tiền “đền bù”. Anh vào Sài Gòn một chuyến, rồi quay về. Một tuần sau, sự kiện ngày 11-9 đã diễn ra!
Năm nạn nhân đã chịu thay cho ông Giám đốc Tư may mắn. Giám đốc Tư lại là một biểu kiến cho cái “phát triển quỷ đất” trên khắp nước.
Chuyện hãy còn dài.
Sẽ có bao nhiêu Viết trong nhân dân, khi mà mệnh lệnh “đất đai là của toàn dân” còn tiếp tục được ban ra theo cách “kiên định”? Một con người bình thường, bỗng dưng trở nên chuyên nghiệp, tỉnh táo và dứt khoát, hành động như một tay sát thủ có đẳng cấp.
Đáng tiếc và đáng thương cho một dòng máu đã chảy!
Bao giờ thì hết bọn quỷ đất?
Câu trả lời này dành cho ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng chắc chắn dân Việt không có tập quán “khóc tập thể” khi gặp Ngài Lãnh tụ!

14-9-2013
H. Đ. N.


Tác giả gửi trực tiếp cho : Bauxite Việt Nam

.............................

LHQ công bố báo cáo điều tra về sử dụng vũ khí hóa học tại Syria


Chuyên gia Ake Sellstrom, chỉ đạo cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc về việc dùng vũ khí hóa học tại Syria, trao bản báo cáo cho TTK LHQ Ban Ki-moon, ngày 15/09/2013
Chuyên gia Ake Sellstrom, chỉ đạo cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc về việc dùng vũ khí hóa học tại Syria, trao bản báo cáo cho TTK LHQ Ban Ki-moon, ngày 15/09/2013
REUTERS

RFI
Chiều nay, 16/09/2013, vào lúc 15h15, giờ quốc tế, báo cáo của các thanh tra quốc tế về việc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công ngày21/08, ở ngoại ô Damas, Syria, được trình bày trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Báo cáo không nêu đích danh thủ phạm dùng vũ khí hóa học, nhưng đối với Pháp, Mỹ, Anh thì mọi việc đã rõ : Các dữ liệu khoa học cho thấy rõ trách nhiệm của chính quyền Syria.

Từ New York, thông tín viên Karim Lebhourg tường trình :
« Cho dù bản báo cáo chưa được công bố, nhưng người ta biết là các kết luận của các thanh tra đã làm rõ về việc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công vào Ghouta, ngày 21/08. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon khẳng định là có các bằng chứng không thể chối cãi được.

Tuy nhiên, phần cơ bản của bản báo cáo lại nằm trong các chi tiết phân tích các mẫu phẩm : Loại khí độc nào đã được dùng và tập trung vào đâu ? Khí độc này được sử dụng với loại đạn nào và hướng bắn ? Có rất nhiều yếu tố cho phép suy luận điều mà bản báo cáo không nêu ra : Ai đứng đằng sau vụ tấn công ngày 21/08.

Do Pháp và Mỹ đều cho rằng những yếu tố này kết tội quân đội Syria, bản báo cáo sẽ củng cố thêm lập trường của hai nước để đòi phải lập một hệ thống kiểm soát và thanh tra mang tính ràng buộc rất chặt chẽ, để dỡ bỏ mạng lưới vũ khí hóa học của Syria. Một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc sẽ được bỏ phiếu trong nhũng ngày tới để triển khai thỏa thuận đạt được tại Geneve giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov.

Các nước phương Tây muốn tiếp tục duy trì mối đe dọa sử dụng vũ lực. Còn Nga thì muốn là những đe dọa này chỉ giới hạn ở mức trừng phạt mà thôi ».

Copy từ: RFI


....................

THÁC BẢN GIỐC – NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ


(PHẢN BIỆN BÀI TRẢ LỜI CỦA ÔNG TRẦN CÔNG TRỤC[1])

Mai Thái Lĩnh *

Trước hết, tôi ghi nhận thiện ý của ông Trần Công Trục khi ông viết: “tôi mong muốn thông qua quá trình trao đổi, đối thoại để thu hẹp khoảng cách trong nhận thức xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ sao cho có lợi nhất cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của quốc gia, dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng và tiềm ẩn những nhân tố khó lường.”
Tuy nhiên, để có thể “thu hẹp khoảng cách” trong nhận thức của xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chúng ta không thể dựa trên ý chí của từng cá nhân, từng nhóm người hay thậm chí dựa trên ý chí của một đảng chính trị – cho dù đảng đó đang nắm giữ bộ máy Nhà nước. Khoảng cách đó chỉ có thể được thu hẹp và tạo nên sự đồng thuận một khi dựa trên quyền lợi chung của toàn dân tộc, và nhất là phải tôn trọng sự thật. Ngày nay, với phương tiện truyền thông có tính toàn cầu, không thể bưng bít sự thật hay tìm cách khuôn sự thật theo ý muốn của một cá nhân hay một nhóm người nào cả.

Về những bằng chứng lịch sử liên quan đến Thác Bản Giốc, tôi có một cách nhìn hoàn toàn khác với ông Trần Công Trục, bởi vì đối với đường biên giới Việt-Trung – vốn là một đường biên giới có lịch sử lâu đời và có liên quan đến sự tồn vong của dân tộc ta, đất nước ta, không thể không đề cập đến phương diện lịch sử. Hơn thế nữa, những bằng chứng lịch sử đó có từ rất lâu – trước khi Đảng Cộng sản nắm chính quyền trên toàn miền Bắc, thậm chí trước khi Đảng Cộng sản ra đời, vì thế không thể nói rằng đó là kết quả của “hệ thống tài liệu tuyên truyền chính thức” trong giai đoạn cuối thập niên 1970 – khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Chính vì lẽ đó, tôi đã giới thiệu lại các bài viết của ông Diệp Đình Huyên (tức Hàn Vĩnh Diệp) để chứng minh rằng “Thác Bản Giốc hoàn toàn thuộc về Việt Nam” từ rất lâu và suốt trong thời kỳ quan hệ giữa hai nước vẫn còn hữu hảo, phía Trung Quốc không hề thắc mắc gì về “sự thật” này. Hơn thế nữa, nếu Việt Nam thật sự là một quốc gia dân chủ bảo đảm đầy đủ quyền tự do ngôn luận cho mọi công dân thì sẽ có rất nhiều người noi gương ông Diệp Đình Huyên sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng cho “sự thật” đó.
Trong phạm vi của bài phản biện này, tôi tạm thời gác lại khía cạnh lịch sử của chủ đề “Thác Bản Giốc”, để tập trung bàn về những căn cứ pháp lý.
1) Tại sao các tài liệu liên quan đến Thác Bản Giốc và Cồn Pò Thoong không được mang đi đàm phán?
Ông Trần Công Trục viết: “Về nguyên tắc chung tôi đã nói rõ trong bài phỏng vấn ngày 3/9 trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng như nhiều lần đã phân tích, các tài liệu ông Lĩnh nêu ra trên đây mặc dù là tài liệu chính thức của các cơ quan nhà nước Việt Nam ban hành công khai và rộng rãi thời kỳ những năm 1979 nhưng không được xem là “căn cứ pháp lý” được thỏa thuận để làm cơ sở giải quyết tranh chấp biên giới phía Bắc, vì rõ ràng các tài liệu này không phải là bộ phận cấu thành của  Công ước Pháp – Thanh 1887, 1895 mà 2 nước Việt Nam, Trung Quốc đã thỏa thuận lấy làm căn cứ pháp lý  để hai bên tiến hành hoạch định biên giới.”
Như vậy, theo ông Trục, các tài liệu này không được sử dụng vì “không phải là bộ phận cấu thành của  Công ước Pháp – Thanh 1887, 1895 mà 2 nước Việt Nam, Trung Quốc đã thỏa thuận lấy làm căn cứ pháp lý  để bai bên tiến hành hoạch định biên giới.”
Thế nhưng, việc lấy hai công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895 để làm cơ sở đàm phán trong vấn đề biên giới không phải là điều mới mẻ. Theo cuốn VĐBG (Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc)[2] thì vào năm 1977, để phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán biên giới, phía Việt Nam đã đưa ra một “dự thảo hiệp định”[3], trong đó điều 1 có nội dung như sau:
[Điều 1] Hai bên chính thức xác nhận đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hoạch định và cắm mốc theo các văn kiện về biên giới ký kết giữa Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ nhà Thanh Trung Quốc là đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Các văn kiện biên giới đó gồm có: (1) Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ký ngày 26 tháng 6 năm 1887, với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo. (2) Công ước bổ sung Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ngày 26 tháng 6 năm 1887, ký ngày 20 tháng 6 năm 1895, với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo. (3) Các biên bản và bản đồ cắm mốc thực hiện hai Công ước nói trên ký kết từ ngày 15 tháng 4 năm 1890 đến ngày 13 tháng 6 năm 1897, ngày hoàn thành việc cắm mốc đoạn đường biên giới giữa Bắc Kỳ (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong các điều khoản sau đây, các văn kiện về biên giới nói trên được gọi tắt là “ Công ước 1887 và Công ước 1895”.
Nội dung này không có gì khác với “nguyên tắc chung” mà ông Trần Công Trục nêu ra.
Vấn đề đặt ra là : tại sao dựa vào điều khoản căn bản đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam vào cuối thập niên 1970  vẫn có đủ căn cứ pháp lý để khẳng định rằng phía Trung Quốc đã “vi phạm  ngày càng nghiêm trọng sự thoả thuận đó và không tôn trọng nguyên tắc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, và đã lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở 90 điểm trên toàn tuyến biên giới Việt Trung từ 1949 đến nay.”?[4] Bất cứ ai đọc được điều này cũng có thể đặt câu hỏi: Bộ Ngoại giao Việt Nam vào thời kỳ đó đã căn cứ vào hệ thống bản đồ nào và những chứng cứ pháp lý nào để khẳng định Trung Quốc vi phạm đường biên giới?
Mặt khác, ông Trần Công Trục lại viết: “Tôi không phủ nhận những giá trị của các tài liệu chính thức của ta mà ông Mai Thái Lĩnh đề cập, nhưng nó chỉ có giá trị trong thời điểm đó và bối cảnh đó, những tài liệu như vậy không thể mang đi đàm phán.”
Điều này quả thật rất khó hiểu. Hãy lấy một ví dụ: các tài liệu chứng minh “vào năm 1976 Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm cồn Pò Thoong – một địa điểm hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam” thì cho dù vào năm 1979 hay vào năm 1999 cũng đều có giá trị như nhau chứ sao lại “chỉ có giá trị vào năm 1979” và đến thập niên 1990 lại “không thể mang đi đàm phán”?
Để hiểu rõ vấn đề này, có lẽ chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa của các tài liệu mà tôi nêu ra trong bài “Sự thật về Thác Bản Giốc”:
- Tài liệu 1 về việc Trung Quốc đã “sửa bản đồ” vào năm 1955-56 để âm mưu chiếm cồn Pò Thoong và một phần Thác Bản Giốc: đây chính là bằng chứng về việc Trung Quốc đã sửa chữa bản đồ, làm sai lạc vị trí của cột mốc 53; nói cách khác qua tài liệu này chúng ta được biết cột mốc 53 nằm ở vị trí khác chứ không phải nằm ở vị trí của cột mốc 835 (mới) hiện nay (xem bản đồ – hình 1 và hình 2):
1
Hình 1 : Sơ đồ Thác Bản Giốc được phân chia lại
2
Hình 2: Bản đồ khu vực Thác Bản Giốc hiện nay. Cột mốc 835 chính là vị trí mới của cột mốc 53
- Tài liệu (2) về việc xây dựng trạm thủy văn trên cồn Pò Thoong vào thập niên 1960: chứng minh vào thập niên 1960, cồn Pò Thoong hoàn toàn thuộc về Việt Nam;
- Tài liệu (3) về việc Trung Quốc đưa quân lấn chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976 : chứng minh Trung Quốc đã lấn chiếm cồn Pò Thoong bất hợp pháp, vì vậy việc chia cồn này theo công thức “1 phần 4 thuộc về Việt Nam, 3 phần 4 thuộc về Trung Quốc” là hoàn toàn bất hợp lý;
- Tài liệu (4) gồm hai tờ bản đồ Trùng Khánh số hiệu 6354-IV do Quân đội Nhân dân Việt Nam in vào những năm 1976 và 1980: cho phép xác định vị trí của các cột mốc cũng như đường biên giới một cách chính xác (xem bản đồ tại hình 3).
3
Hình 3 : Vị trí nguyên thủy của cột mốc 53 (Trích bản đồ Trùng Khánh 6354-IV)
Có thể nói: từ bỏ các tài liệu đó đồng nghĩa với việc từ bỏ các vũ khí pháp lý hữu hiệu nhất để bảo vệ “chủ quyền của nước ta đối với cồn Pò Thoong và toàn bộ Thác Bản Giốc”.
Theo ông Trần Công Trục: “Những người làm công tác đàm phán chúng tôi đã nghiên cứu kỹ các tài liệu ông Mai Thái Lĩnh vừa nêu nên chúng tôi rất hiểu và chia sẻ những băn khoăn của dư luận cũng như của ông Mai Thái Lĩnh.” Nếu đã nghiên cứu kỹ thì các vị làm công tác đàm phán không lẽ không biết vị trí nguyên thủy của cột mốc 53? Không lẽ các vị không biết Trung Quốc đã sửa bản đồ để âm mưu chiếm cồn Pò Thoong và một phần Thác Bản Giốc? Không lẽ các vị không biết Trung Quốc đã chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976 và đã “cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới” và như vậy là đã làm biến dạng cồn Pò Thoong?
2) Tại sao lại công nhận vị trí mới của cột mốc 53?
Nhưng tại sao trong khi từ bỏ các chứng cứ pháp lý có sẵn trong tay, các nhà ngoại giao nước ta lại “sốt sắng” công nhận vị trí mới của cột mốc số 53 được đoàn khảo sát “phát hiện” ra tại một địa điểm ngay trước mặt cồn Pò Thoong?
Vào năm 2002, ông Lê Công Phụng trả lời phóng viên Thu Uyên của VASC Orient[5] như sau:
VASC Orient: Chẳng nhẽ tất cả các khách du lịch, trong đó có những người có trách nhiệm, đi thăm thác Bản Giốc mà không phát hiện ra cột mốc nằm đó hay sao?
Ông LCP: Cột mốc không nằm sát Bản Giốc. Khi chúng tôi khảo sát thì mới thấy cột mốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm thước. Vì vậy nên cũng không mấy ai quan tâm đến cột mốc ở thác Bản Giốc.
Điều kỳ lạ là không biết dựa vào bằng chứng nào, ông Lê Công Phụng lại công nhận cột mốc đã được cắm ở đó từ đời nhà Thanh:
VASC Orient: Tức là cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh?
Ông LCP: Đúng vậy. Cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh, xác định chỉ có chưa được một nửa thác Bản Giốc là ở bên phía ta. Theo quy định quốc tế, khi phân giới cắm mốc thì thác được coi như một dòng sông, một dòng suối. Đã là sông suối thì đường biên giới đi qua luồng chính, tức là chỗ tàu thuyền đi lại được. Còn đối với sông suối nơi tàu thuyền không đi lại được, thì đường biên giới phải đi theo rãnh sâu nhất.
4
Hình 4: Thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Vũ Dũng trả lời phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt – Tổng Biên Tập báo Dân Quyền (2009)
Vào năm 2009, ông Vũ Dũng – lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã dành cho báo Dân Quyền ở Hoa Kỳ một cuộc trả lời phỏng vấn, qua đó ông cho biết:
Trước khi ký hiệp ước 1999, chúng tôi đã cử rất nhiều đoàn đi khắp thế giới để tìm các hồ sơ liên quan đến Thác Bản Dốc, vào tất cả các kho lưu trữ và tìm được một bản đồ tốt nhất về vị trí Thác Bản Dốc. Căn cứ theo bản đồ, đường biên giới đi theo trung tuyến của sông Quây Sơn (đúng như công ước Pháp – Thanh mô tả), khi đó, vẽ đường biên giới đi ở nhánh phía bắc của cồn Pò Tho, có diện tích khoảng 2,7 ha. Ngay bản đồ tốt nhất mà ta tìm được, thác này vẫn là thác chung. Tôi xin khẳng định ta không có bất kỳ tài liệu gì cho thấy thác Bản Dốc là của Việt Nam. Nói về luật pháp quốc tế, sông này là sông chung, thác này không thể là thác riêng được, không thể có nước nào chấp nhận.”[6]
 5
Tại sao phải cử nhiều đoàn đi khắp thế giới để tìm kiếm trong khi ngay tại Việt Nam đã có những bản đồ 1/50000 rất chính xác? Nhưng “tấm bản đồ tốt nhất” mà ông Vũ Dũng nói là bản đồ nào? Phải chăng đó chính là tấm bản đồ đã được công bố trong một bài báo đăng trên tờ Diễn đàn vào năm 2003?[7] Theo trình bày của ông Nguyễn Ngọc Giao, đây là bản đồ được tìm thấy tại Vụ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp:
5
Hình 5:Bản đồ tìm thấy tại Vụ lưu trữ Bộ ngoại giao Pháp
Nhìn bản đồ này, chúng ta thấy có nhiều nhược điểm: thể hiện không chính xác khu vực xung quanh thác, không có vòng cao độ, không có tọa độ địa lý, không xác định được mặt cắt của thác ba tầng, v.v… Nhưng đường biên giới vẽ trên bản đồ này vẫn cho thấy toàn bộ khu vực thác (hình trái xoan hơi giống quả trứng, trên có chữ chute) thuộc về lãnh thổ nước ta. Không có điều gì chứng tỏ “thác này vẫn là thác chung“. Nếu đặt bản đồ này bên cạnh bản đồ Trùng Khánh 6354-IV, nhờ có các vòng cao độ chúng ta có thể thấy rõ mặt cắt của thác nước nằm xiên góc theo hướng từ bắc – tây-bắc đến đông – đông-nam, và đường biên giới chạy giữa dòng sông về phía hạ lưu thác không hề động chạm gì đến mặt cắt của thác nước. Điều đó chứng tỏ toàn bộ thác nước thuộc về Việt Nam (xem hình 6). Nói cách khác, nếu các nhà đàm phán của Việt Nam có trong tay tấm bản đồ Trùng Khánh 6354-IV, thì họ càng có thêm chứng cứ để chứng minh toàn bộ Thác Bản Giốc là thuộc về lãnh thổ Việt Nam, và có thể xác định dễ dàng vị trí cũ của cột mốc 53.
6
Hình 6 : So sánh bản đồ tại Bộ Ngoại giao Pháp và bản đồ Trùng Khánh6354-IV
Bây giờ ta thử đặt bản đồ Trùng Khánh 6354-IV bên cạnh tấm bản đồ do Trung Quốc cung cấp[8] (xem hình 7).  Chúng ta sẽ thấy rõ: vạch răng cưa trên bản đồ thể hiện mặt cắt của thác nước gần như thẳng đứng theo hướng bắc-nam – khác hẳn thực tế. Hơn nữa, cột mốc 53 đáng lẽ nằm gần đầu mút phía bắc của vạch răng cưa đã bị dời đi một khoảng khá xa đến một vị trí đối diện với cồn Pò Thoong. Chính vì lẽ đó, đường biên giới đáng lẽ phân chia dòng Quây Sơn ở phía hạ lưu của thác nay lại cắt ngang cồn Pò Thoong và chia đôi phần thác chính cho phía Trung Quốc. Nói cách khác, nếu có tấm bản đồ Trùng Khánh trong tay thì ông Lê Công Phụng không thể xác định cột mốc 53 cắm ở vị trí đó “từ đời nhà Thanh” và ông Vũ Dũng không thể chia Thác Bản Giốc cho phía Trung Quốc.
7
Hình 7: So sánh bản đồ do Trung Quốc cung cấp với bản đồ Trùng Khánh 6354-IV
Ví dụ minh họa trên đây cho thấy: hoặc các nhà ngoại giao Việt Nam không hề biết đến các tờ bản đồ của QĐND, hoặc họ biết rõ (như lời ông Trần Công Trục đã nói) nhưng lại không được phép dùng, buộc phải sử dụng các tài liệu do Trung Quốc cung cấp. Nhưng nếu không biết thì tại sao ông Trần Công Trục lại khẳng định là đã nghiên cứu kỹ ? Mà nếu đã biết rõ thì tại sao quý vị lại dễ dàng công nhận vị trí mới của cột mốc 53, dẫn đến việc chia cồn Pò Thoong và Thác Bản Giốc? Chính những lời nói mâu thuẫn của các nhà ngoại giao Việt Nam tham gia đàm phán về Thác Bản Giốc đã bộc lộ sự lúng túng, bởi vì họ không dựa trên những tài liệu chính xác có tính khách quan, khoa học.
3) Tại sao không được phép sử dụng những tài liệu pháp lý mà Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng có sẵn trong tay?
Tại sao phía Việt Nam không được quyền sử dụng những tài liệu mà tôi đã nêu trên đây? Tại sao ông Trần Công Trục một mặt “ không phủ nhận những giá trị của các tài liệu chính thức của ta” nhưng lại cho rằng chúng “chỉ có giá trị trong thời điểm đó và bối cảnh đó” và đi đến kết luận “ những tài liệu như vậy không thể mang đi đàm phán”? “Thời điểm đó” và “bối cảnh đó” có gì khác với “thời điểm” cũng như “bối cảnh” sau này – tức là từ thập niên 1990 cho đến khi hoàn thành việc cắm mốc vào đầu năm 2009?
Theo tôi, để có thể hiểu được điểm tế nhị này, phải đọc kỹ cuốn VĐBG ­– tức là “bị vong lục” của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố năm 1979. Như trên đã trích dẫn, vào năm 1977, phía Việt Nam đã đưa ra một dự thảo hiệp định, trong đó điều 1 ghi rõ căn cứ đàm phán là các công ước Pháp Thanh 1887 và 1895. Thế nhưng ngoài điều 1 còn có điều 2 như sau:
[Điều 2] “Hai bên cam kết tôn trọng đường biên giới quốc gia giữa hai nước nói ở Điều 1. Những vùng đất nào do bên này quản lý vượt quá đường biên giới nói ở Điều 1 thì nay trả lại cho bên kia. “ (VĐBG, tr. 23)
Phía Trung Quốc đã bác bỏ bản Dự thảo Hiệp định này. Bộ Ngoại giao Việt Nam viết tiếp như sau: “Phía Trung Quốc đã từ chối xem xét bản dự thảo Hiệp định đó. Họ đưa ra một đề nghị khác, thực chất là đề nghị cũ của họ được sửa đổi. Ý đồ của họ là nhằm duy trì hiện trạng biên giới (không phải nguyên trạng đường biên giới lịch sử) nhằm giữ những chỗ họ lấn chiếm và sửa lại nhiều chỗ có lợi cho họ.” (VĐBG, tr. 26)
Như vậy, đàm phán vào cuối thập niên 1970 bị bế tắc là do chỗ Trung Quốc muốn duy trì “hiện trạng biên giới” chứ “không phải nguyên trạng đường biên giới lịch sử”. Nói cách khác, họ không chịu rút lui khỏi các khu vực mà họ đã dùng vũ lực lấn chiếm. Mục đích của họ là “giữ những chỗ họ lấn chiếm và sửa lại nhiều chỗ có lợi cho họ.”
Về sau, Trung Quốc còn tiếp tục đánh chiếm thêm một số địa điểm khác nữa, ví như cao điểm Núi Đất (1509) ở phía bắc tỉnh Hà Giang, mà phía Trung Quốc đã chiếm vào năm 1984 và đặt tên là Lão Sơn. Nhà văn Phạm Viết Đào đã công bố điều này trên blog của ông và đã phỏng vấn một số sĩ quan từng tham gia các trận đánh này. Rất tiếc là ngày nay nhà văn đã bị bắt giam nên không thể tham gia “đối thoại” với ông Trần Công Trục.
Dựa trên thực tế này, chúng ta có thể đặt câu hỏi: tại sao vào lúc đó Trung Quốc khăng khăng không chịu đàm phán với phía Việt Nam mà mãi đến thập niên 1990 mới thay đổi thái độ, đồng ý đàm phán và tiến hành cắm mốc biên giới? Phải chăng phía Việt Nam đã chấp nhận đàm phán mà không đòi hỏi phía Trung Quốc rút quân ra khỏi các vùng mà họ đã chiếm đóng, nghĩa là chấp nhận đàm phán dựa trên “hiện trạng” thay vì dựa trên “nguyên trạng đường biên giới lịch sử”?
Vào tháng 8 năm 2012, ông Nguyễn Trung – cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, đã công bố bài viết “Phải chặn đứng nguy cơ tái diễn kịch bản Thành Đô 1990”[9], trong đó có đoạn:
“Nhìn lại hơn 20 năm qua, điểm lại toàn bộ những việc trong quan hệ hai nước đã làm được, từ đàm phán biên giới trên bộ và dưới biển, phát triển quan hệ kinh tế, việc Trung Quốc trúng thầu hàng trăm công trình kinh tế quốc gia quan trọng của Việt Nam, thuê đất, thuê rừng, bô-xít Tây Nguyên, ti-tan ven biển miền Trung, những hoạt động tăng cường quan hệ thực ra là nhằm tăng cường chi phối nhân sự nước ta, những hoạt động tăng cường giao lưu.., tất cả đều chịu sự chi phối sâu sắc của quyền lực mềm Trung Quốc.”
Việc các nhà ngoại giao Việt Nam không được phép sử dụng các tài liệu pháp lý về Thác Bản Giốc có liên quan gì đến “sự chi phối sâu sắc của quyền lực mềm Trung Quốc” mà ông Nguyễn Trung vừa nêu hay không? Phải chăng Hội nghị cấp cao tại Thành Đô (tháng 9 năm 1990) – một hội nghị cực kỳ bí mật trong đó các nhà lãnh đạo hai bên đàm phán chuyện gì và cam kết điều gì cho đến nay vẫn chưa ai biết rõ, chính là khởi điểm của sự thay đổi lập trường của phía Trung Quốc trong vấn đề biên giới trên bộ? Và phải chăng sự thay đổi lập trường đó đồng nghĩa với việc phía Việt Nam chịu từ bỏ điều 2 trong Dự thảo Hiệp định năm 1977, nghĩa là không đòi hỏi Trung Quốc phải trả lại cho phía Việt Nam những vùng đất “vượt quá đường biên giới nói ở Điều 1“?
Nếu những điều suy đoán trên đây là đúng sự thật thì trách nhiệm chính không thuộc về các nhà ngoại giao Việt Nam – dù là tầm cỡ như các ông Lê Công Phụng, Vũ Dũng hay Trần Công Trục. Nó thuộc về trách nhiệm của một cơ quan quyền lực cao hơn –một cơ quan quyền lực không chịu sự chi phối của bất cứ cơ quan quyền lực Nhà nước nào trên đất nước Việt Nam, một cơ quan quyền lực có thể quyết định bất cứ điều gì và không bị ai kiểm soát.
Ông Trần Công Trục viết: “Và về quy trình đàm phán, chúng tôi đã có bài phân tích cụ thể trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trong đó nói rõ đường biên giới chủ trương do nhóm chuyên gia thực hiện công phu và nghiêm túc đã phải được các tỉnh có đường biên giới đi qua xác nhận, các bộ ngành có liên quan xác nhận, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, được Quốc hội chấp thuận thông qua, chúng tôi mới đem đi đàm phán.”
Tôi hoài nghi ý kiến này, nhất là về vai trò của Quốc hội. Không biết khi nói “Quốc hội chấp thuận thông qua”, ông Trục muốn nói đến “Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, “Đảng đoàn tại Quốc hội” hay “toàn thể Quốc hội”? Nếu quả thật Hiệp định biên giới năm 1999 đã được toàn thể Quốc hội chính thức thông qua thì xin ông vui lòng cho biết phiên họp đó diễn ra lúc nào, nội dung thảo luận ra sao và khi biểu quyết, đã có bao nhiêu đại biểu tán thành, bao nhiêu phản đối, bao nhiêu bỏ phiếu trắng (kèm theo danh tính của các đại biểu đã biểu quyết từng loại phiếu).
Biên bản của phiên họp đó chắc chắn sẽ là một tài liệu vô cùng quý giá để các thế hệ sau này tham khảo khi cần xác định công, tội của từng vị đại biểu trước lịch sử và trước nhân dân Việt Nam. Nhưng riêng tôi, tôi không tin rằng đã có một phiên họp như thế.
Đà Lạt, 15/9/2013
MAI THÁI LĨNH


[1] “Ts Trần Công Trục trả lời ông Mai Thái Lĩnh về thác Bản Giốc“, Giáo dục Việt Nam, Thứ ba 10/09/2013:
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ts-Tran-Cong-Truc-tra-loi-ong-Mai-Thai-Linh-ve-thac-Ban-Gioc/316179.gd
[2] Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nxb Sự Thật, Hà Nội 1979
[3] Tên đầy đủ là “Dự thảo Hiệp định về đường biên giới quốc gia trên bộ giữa Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, VĐBG, sđd, tr. 21-26.
[4] VĐBG, sđd, tr. 8.
[5] Có thể xem nguyên văn bài phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng công bố trên VASC – Orient 2-2-2002 được lưu giữ tại địa chỉ:
http://home.scarlet.be/lngu1008/tl_pvlecongphung.html
[6] Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt – Tổng biên tập báo Dân Quyền phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại Giao Vũ Dũng, Dân Quyền 13-3-2009:
http://danquyen.com/thamluan/thamluan13032009a.html
Tôi ghi nguyên văn, kể cả những lỗi chính tả (vd: Bản Dốc, Pò Tho, v.v…)
[7] Nguyễn Ngọc Giao, “Từ Nam Quan đến Bản Giốc”, Diễn Đàn  số 129 tháng 5/2003.
[8]  Bản đồ này cũng do báo Diễn đàn công bố trong bài báo nói trên.
[9] “Phải chặn đứng nguy cơ tái diễn kịch bản Thành Đô 1990”, Bauxite Vietnam 13/8/2013:
http://boxitvn.blogspot.com/2012/08/phai-chan-ung-nguy-co-tai-dien-kich-ban.html
—————–
* Ông Mai Thái Lĩnh cũng đã gửi bài viết trên tới báo Giáo dục VN.
Đà Lạt ngày 16-9-2013
Kính gửi Ông Phan Doãn Phúc
Trưởng ban Quốc tế – Báo Ðiện tử Giáo dục Việt Nam.
Trước  hết, tôi rất hoan nghênh việc ông Trần Công Trục đã trả lời bài viết của tôi nhan đề “Sự thật về Thác Bản Giốc: ai là người nhận thức sai lầm?”. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà một người có trách nhiệm về vấn đề biên giới Việt-Trung đã trả lời tôi một cách nghiêm túc.
Về sự kiện này, trang mạng Ba Sàm đã có nhận xét : “Mặc dù báo Giáo dục VN không đăng tải cả 2 bài viết của ông Mai Thái Lĩnh, nhưng xem ra đây cũng đã là một bước tiến mạnh bạo hiếm hoi của báo nhà nước trước những phản biện trên mạng xã hội, rất cần được khích lệ.” Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến nhận xét này. Và cũng chính vì thế, tôi đã công bố lại 4 bài viết có liên quan đến đề tài Thác Bản Giốc của một đảng viên cộng sản là ông Diệp Đình Huyên (bút danh Hàn Vĩnh Diệp), để mọi người có thể thấy được nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin và trao đổi ý kiến xung quanh vấn đề chủ quyền quốc gia cao đến mức nào.
Trên tinh thần đối thoại để tìm ra chân lý, tôi gửi kèm theo đây bài phản biện của tôi đối với bài trả lời của ông Trần Công Trục đã đăng trên quý báo vào ngày 10-9-2013.
Nhân đây, tôi cũng xin thông báo về ý kiến phản hồi của một số độc giả có nội dung như sau:
“Nếu theo dõi hai trang mạng Bauxite Vietnam và Ba Sàm, người đọc có thể đọc được đầy đủ ý kiến của hai bên (Trần Công Trục và Mai Thái Lĩnh). Nhưng nếu chỉ đọc trên trang Giáo dục Việt Nam, độc giả chỉ biết được ý kiến một chiều của ông Trần Công Trục. Thậm chí khi đọc những ý kiến phê bình các bài viết của ông Mai Thái Lĩnh, người đọc cũng không biết tìm ở đâu (Vd: Bài“Sự thật về Thác Bản Giốc”, bài “Sự thật về Thác Bản Giốc: ai là người nhận thức sai lầm?”). Báo Giáo dục Việt Nam đã không đăng lại hai bài này, mà trong bài của ông Trần Công Trục mỗi khi nhắc đến các bài này cũng không có đường link (liên kết).”
Tôi đã kiểm tra lại và thấy ý kiến này phản ảnh đúng thực tế. Vì vậy, tôi đề nghị quý báo nghiên cứu để tìm ra một giải pháp khắc phục, vì nếu không sửa đổi điều này thì quý báo sẽ vô tình tạo thói quen cho độc giả tìm đọc báo chí “ngoài luồng” là nơi mà họ có thể tìm được đầy đủ thông tin cả hai chiều, trong khi đọc các báo “có giấy phép” họ chỉ tìm thấy thông tin một chiều đã thông qua “bộ lọc” của Ban Tuyên giáo. Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế, tôi e rằng lòng tin của độc giả vào hệ thống thông tin “được cấp phép” của nước ta vốn đã ít ỏi sẽ càng ngày càng cạn kiệt. Và như thế thì làm sao thu hẹp được khoảng cách về nhận thức xã hội như chúng ta mong muốn được?
Kính mong quý báo xem xét lại đề nghị trên đây. Xin gửi lời chào trân trọng đến toàn thể Ban biên tập của quý báo.

Kính thư,

MAI THÁI LĨNH

Copy từ: Ba Sàm


.....................

Góp phần giải mã hiện tượng Lê Hiếu Đằng


Tiêu Dao Bảo Cự

Thời gian gần đây có một số “hiện tượng” mang sắc thái chính trị đáng cho mọi người quan tâm: Huy Đức xuất bản cuốn sách “Bên thắng cuộc” bạch hóa một giai đoạn lịch sử Việt Nam, Nguyễn Đắc Kiên gay gắt phê phán trực tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng Sản, Nguyễn Phương Uyên tuyên bố quan điểm chính trị chống đảng trước tòa án, hoạt động của Mạng lưới blogger với Tuyên ngôn 258 tố cáo với thế giới điều luật phản dân chủ của luật hình sự… và gần đây nhất là hiện tượng Lê Hiếu Đằng. Những hiện tượng này không phải “đột xuất” mà có nhưng chính là sự tiếp nối của quá trình đấu tranh dân chủ hóa đất nước của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức, qua mấy thập niên và cũng ghi dấu mở đầu cho một giai đoạn mới, trong đó điều nổi bật là một số người đã vượt qua nỗi sợ hãi do chế độ độc tài toàn trị áp đặt nặng nề lên toàn xã hội, nói lên chính kiến của mình ngược với quan điểm chính thống của chế độ.
Cũng đã gần một tháng trôi qua từ khi Lê Hiếu Đằng công bố bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” (17/8/2013), dư luận phản hồi từ nhiều phía đã phân tích, ủng hộ, phê phán bài viết cũng như tác giả, lại một lần nữa làm lộ rõ các loại “lập trường chính trị” trước hiện tình đất nước. Tuy nhiên trừ một số ít bài (như bài viết của Lữ Phương) nêu vấn đề một cách khách quan, sát thực tiễn, phần lớn các bài viết từ hai cực chính trị, tạm gọi là “chống cộng triệt để” và “cộng sản bảo thủ” đều không căn cứ vào bản chất của sự việc mà chỉ áp đặt cách suy luận và diễn dịch theo quan điểm chính trị của mình. Từ đó gán cho Lê Hiếu Đằng những gì ông không hề có như cò mồi lừa bịp của đảng, cơ hội chủ nghĩa… hay ngược lại như phản bội chống đảng, bị thế lực thù địch giật dây…
Thật đơn giản và rõ ràng khi người ta biết và chịu nhìn vào chính bản thân bài viết, ngay từ tựa đề “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh”. Trong những ngày nằm bệnh Lê Hiếu Đằng có thời gian suy nghĩ để “tính sổ” đời mình, một việc quá tự nhiên và thông thường. Hồi tưởng về thời tuổi trẻ và quá trình cuộc sống, đấu tranh qua hai chế độ với những kỷ niệm và nhận thức qua mỗi thời kỳ, ray rứt về hiện tình đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản và một vài gợi ý để tìm lối thoát cho đất nước. Với ý tưởng chân thành, hành văn mộc mạc, đề cập nhiều vấn đề, đây là bài viết của một người đang nằm bệnh có tính cách tự sự chứ không phải chính luận hay cương lĩnh. Sao có thể đòi hỏi những gì không thể có qua một bài viết trong hoàn cảnh này.
Bài viết chứng tỏ tác giả là một con người có trải nghiệm thực tiễn, suy nghĩ tự do và tinh thần phản kháng. Mấy năm gần đây, Lê Hiếu Đằng nổi lên như một “nhân vật phản biện” với các bài viết, các cuộc trả lời phỏng vấn và cả việc tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Đối với những người có hiểu biết về ông, thực ra Lê Hiếu Đằng đã nổi tiếng phản biện từ nhiều năm trước trong các hoạt động ở guồng máy chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (mà ông đã có nhắc tới vài việc trong bài viết “Suy nghĩ…”) và điều này cũng là sự tiếp diễn của tinh thần đấu tranh và ý thức dấn thân thời trai trẻ. Đó không gì khác hơn là lòng yêu nước, tinh thần phản kháng trước bất công áp bức của rất nhiều thế hệ người Việt Nam.
Bài viết của Lê Hiếu Đằng có nhiều chi tiết dễ gây tranh luận nhưng điểm nút tạo ra cơn sốt chính là lời kêu gọi tập thể từ bỏ đảng Cộng sản và thành lập một đảng mới. Về đảng mới này ông chỉ viết “chẳng hạn như đảng Dân chủ Xã hội”. Rõ ràng đây chỉ là một gợi ý đầu tiên. Có thể sự gợi ý này bắt nguồn từ mấy nguyên nhân mà ông và bạn bè hay một số trí thức đã từng suy nghĩ : Đã từng có hai đảng Dân chủ và Xã hội hoạt động song song với đảng Cộng sản (cho dù chỉ là đảng cây cảnh); gốc gác của dân chủ xã hội cũng có chung cội nguồn với chủ nghĩa xã hội của cộng sản nên những đảng viên Cộng sản dễ chấp nhận; sự ưu việt hiện nay của các chế độ dân chủ xã hội, đặc biệt ở các quốc gia Bắc Âu đã được thừa nhận và có sức thuyết phục đối với toàn thế giới. Chỉ là một gợi ý, làm sao có thể đòi hỏi ông phải nêu cương lĩnh của đảng hay định hướng gì khác trong một bài viết tự sự khi đang nằm bệnh. Ông cũng không khẳng định đây là đảng mới duy nhất mà chỉ là thí dụ cho sự đối lập chính trị để kềm chế sự độc tài toàn trị của đảng Cộng sản.
Dĩ nhiên Lê Hiếu Đằng không còn ủng hộ đảng Cộng sản khi ông kêu gọi từ bỏ đảng nhưng ông cũng không kêu gọi lật đổ đảng Cộng sản. Đây  không phải là thái độ lập lờ mà là căn cứ vào thực tiễn, không duy ý chí. Đảng CS còn tồn tại được bao lâu là điều không ai có thể nói trước chính xác nhưng thực tế là họ đang cầm quyền với một thế lực hùng mạnh, một bộ máy có mạng lưới rộng khắp, số đảng viên và những người ủng hộ chiếm thành phần không nhỏ trong dân số. Dĩ nhiên dù hùng mạnh tới đâu cũng có ngày sụp đổ như lịch sử của các đế quốc và các chế độ độc tài của loài người đã cho thấy. Giả thiết ngay cả khi đảng bị lật đổ, nghĩa là không còn nắm chính quyền, thì số đảng viên và những người ủng hộ họ vẫn còn đó như một thực thể chính trị. Trong công cuộc dân chủ hóa đất nước, thoát khỏi nạn độc tài toàn trị, như một ước mơ của đại bộ phận dân tộc, có nhiều cách nghĩ và phương thức để giải quyến nan đề này. Lê Hiếu Đằng chọn phương thức hình thành sức mạnh đối lập để chuyển hóa một cách hòa bình chứ không bạo loạn lật đổ. Không ai có thể đoan quyết phương thức nào là duy nhất đúng và lựa chọn là quyền của mỗi người. Nếu cùng một mục đích, các phương thức khác nhau có thể hỗ trợ cho nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Lê Hiếu Đằng chỉ gợi ý chứ không phải tuyện bố tự mình đứng ra thành lập đảng mới. Ông chưa chuẩn bị sẵn sàng cho điều này. Việc thành lập đảng mới chỉ có thể được thực hiện khi có rất nhiều người tán thành, liên lạc với nhau và cùng chung tay hành động. Thời gian sẽ trả lời cho điều này. Nếu việc này được thực hiện, hay sẽ gợi mở cho việc hình thành các tổ chức và hoạt động khác của xã hội dân sự, đây sẽ là một đóng góp đáng kể vào việc tạo nên sức mạnh đối lập với chế độ toàn trị.
Trong việc dân chủ hóa chế độ và dân chủ hóa đất nước, những người cộng sản cấp tiến có thể đóng một vai trò đáng kể. Tuy nhiên lại có người nói cộng sản không thể thay đổi, chỉ có thể xóa bỏ. Đây cũng là vấn đề cần thảo luận.
Trước đây khi những người cộng sản nói về cộng sản, người ta thường trích dẫn các “ông Tây cộng sản râu dài râu ngắn”. Bây giờ những người chống cộng lại trích dẫn các ông Tây khác, cộng sản cũng như không cộng sản. Các kiểu trích dẫn này thực chất cũng không khác mấy với các kiểu “Tử viết” (Khổng tử nói rằng) thời phong kiến, phần nào mang tính chất nô lệ về tư tưởng. Dĩ nhiên những tư tưởng lớn đáng cho mọi người suy gẫm nhưng không phải tất cả đều là chân lý phổ quát. Một tư tưởng cần hiểu trong bối cảnh của nó và khi áp dụng cần so sánh, đối chiếu với thực tiễn. Từ đó trở lại với câu hỏi cộng sản có thể thay đổi không?
Cộng sản từ Karl Marx đến Lenine, Staline, Khrutchov rồi Gorbachov, Eltsine có gì khác biệt và thay đổi? Cộng sản từ ước mơ thế giới đại đồng đến “chủ nghĩa xét lại hiện đại” rồi đế quốc cộng sản Nga, đế quốc cộng sản Tàu, chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc có gì thay đổi? Cộng sản Việt Nam từ kinh tế tập thể sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có thay đổi không? Người vạch trần rõ ràng nhất “bản chất phản động” của chủ nghĩa cộng sản trong tác phẩm “Giai cấp mới” có phải là Milovan Djilas,  một lãnh tụ cộng sản cấp cao, Phó tổng thống nước Nam Tư? Người góp phần quyết định làm sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới có phải là hai tay cộng sản gộc Gorbachov và Eltsine? Những công thần cộng sản kiên định như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Hộ cuối đời đã khước từ chủ nghĩa cộng sản, những đảng viên cộng sản nhiệt thành cũ và mới đã quyết định từ bỏ đảng như Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Hải, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Chí Đức có phải đã thay đổi? Đó là nói cộng sản một cách chung chung chứ đúng ra phải phân tích một cách rạch ròi về lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa cộng sản, chế độ cộng sản, đảng cộng sản, đảng viên cộng sản ở từng quốc gia, từng thời kỳ mới có thể kết luận cộng sản có thay đổi hay không.
Sự vật trên đời này chẳng có gì không thay đổi sao lại khẳng quyết cộng sản không thể thay đổi trong khi thực tế đã không là như thế. Xóa bỏ được cộng sản là điều tốt nhưng khi không hoặc chưa xóa bỏ được thì làm cho nó thay đổi hướng về điều thiện phải chăng là việc cũng nên làm? Đó không phải là thỏa hiệp với cái ác mà chính là hóa giải cái ác một cách hòa bình.
Vấn đề trung tâm của đất nước ta là dân chủ hóa, thoát khỏi độc tài toàn trị. Chế độ này do đảng cộng sản cai trị nhưng thực ra hiện nay chất cộng sản còn rất ít, chỉ là một bộ máy thống trị hà khắc của những kẻ nắm quyền lực muốn “muôn năm trường trị” để trục lợi cho cá nhân và phe nhóm. Những người nắm quyền lực thống trị kiểu này không phải chỉ có cộng sản. Các “lãnh tụ độc tài” ở các nước Bắc Phi và Trung Đông đã và đang bị lật đổ gần đây đều từng là anh hùng dân tộc được nhân dân ủng hộ và tôn vinh nhưng về sau trở thành tội đồ dân tộc. Có người đã nói đại ý khi quyền lực tuyệt đối, tha hóa cũng tuyệt đối. Và lòng tham của con người là vô đáy, bất kể cộng sản hay tư bản. Chuyện “lương khủng” (lương một năm của giám đốc bằng 83 năm của nhân viên bình thường) của mấy công ty nhà nước ở TP/HCM vừa được phát hiện gợi nhớ đến chuyện các ông trùm ngân hàng gây ra khủng hoảng kinh tế ở Mỹ mấy năm trước khi ngân hàng phá sản còn tự thưởng cho mình hàng triệu đô la. Một số công ty tư bản nước ngoài hối lộ cho quan chức Việt Nam để trúng thầu, các công ty khác trốn thuế, gây ô nhiễm mội trường để tăng lợi nhuận và một viên chức Tòa Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn cũng nhận hối lộ hàng triệu đô la để cấp visa lậu vào nước Mỹ. Chế độ nào cũng có kẻ xấu.
Việc cần làm là xây dựng một chế độ chính trị pháp trị thực sự có cơ chế hãm để ngăn chặn lạm dụng và lòng tham cá nhân. Trên thế giới có nhiều mô hình nhưng không có mô hình nào là tuyệt đối hoàn hảo và còn cần phải phù hợp với đặc điểm riêng của từng dân tộc, không thể bắt chước một cách máy móc. Với Việt Nam để tiến đến đó sẽ phải qua những bước nào? Chuyển hóa, diễn biến hòa bình hay bạo loạn lật đổ? Cách mạng nhung, cách mạng hoa lài hay diễn biến từ thượng tầng? Có nhiều phương thức nhưng chắc chắn điều tốt nhất là không hay ít tốn xương máu, không gây nội chiến, không kéo dài thù hận. Lê Hiếu Đằng chọn điều này nên ông đã đưa ra gợi ý thành lập đảng mới để đối lập với đảng cộng sản. Dĩ nhiên việc này không phải là lối thoát duy nhất cho tình hình và chưa biết lúc nào có thể được thực hiện nhưng đó là một gợi ý tốt và khả thi, ít ra đối với những đảng viên cộng sản cấp tiến, khi họ có đủ nhiệt tình, dũng cảm và số đông cần thiết. Gợi ý này cũng có thể “kích hoạt” hình thành các tổ chức xã hội dân sự để từng bước xây dựng xã hội công dân có khả năng  kháng cự lại những lạm dụng của nhà cầm quyền.
Trong ba bài viết của Nguyễn Minh Cần nhân chuyện Lê Hiếu Đằng (Chuyện dài ra Đảng và đa đảng), tác giả có trích câu nói của Viện sĩ Andrei Sakharov khi trả lời phỏng vấn các phóng viên nước ngoài trong thời kỳ đen tối của phong trào dissident dưới chế độ toàn trị Liên Xô: “Giới trí thức biết làm gì? Họ chỉ biết làm một việc là xây dựng lý tưởng, cứ để cho mỗi người làm được điều gì anh ta có thể làm được”. Suy nghĩ một lúc, ông nói thêm: “Nên biết rằng những con chuột chũi đào hang ngầm dưới đất có thể làm sụp đổ những thành trì lịch sử”. Điều này có lẽ thật đúng cho Lê Hiếu Đằng và những trí thức có tâm huyết với đất nước như ông. Không thể đòi hỏi nhiều hơn vì chuyện đất nước là trách nhiệm của toàn xã hội, không của riêng ai.
Biến cố mới nhất (ngày 9/11/2013) là vụ Ông Đặng Ngọc Viết xông vào trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Thái Bình dùng súng bắn vào 5 cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất, làm hai người chết, sau đó tự sát. Nguyên nhân là do việc thu hồi đất, giải tỏa, đền bù không được đáp ứng thỏa đáng. Đây là sự phản kháng quyết liệt trong bước đường cùng, gióng lên một hồi chuông báo tử cho chính nạn nhân và cả chính sách thất nhân tâm của nhà cầm quyền. (Trong cùng thời gian này, hàng ngàn thanh niên nam nữ háo hức mong đợi gặp “Trai đẹp Ả Rập bị trục xuất” và đã đội mưa hàng giờ liền dưới sân khấu ngoài trời để chờ xem chàng trai đẹp người mẫu này xuất hiện chừng 10 phút ướm thử chiếc áo???!!!)
Có lẽ đã đến lúc những người cộng sản phải nghĩ đến khẩu hiệu “thay đổi hay là chết”. Tuy nhiên người dân không chỉ trông chờ vào sự thay đổi tự thân của nhà cầm quyền mà người dân cũng phải “thay đổi hay là chết”. Nếu đại bộ phận nhân dân cứ thờ ơ, vô cảm hay cúi đầu chấp nhận những bất công áp bức đè lên số phận mình thì không ai có thể cứu được.
Đà lạt 15/9/2013
T.D.B.C.
Tác giả trực tiếp gửi cho: Bauxite Việt Nam


....................

Mỹ Yên: chính sách cũ với những tội ác mới



Mỹ Yên: chính sách cũ với những tội ác mới
Giáo phận Vinh vui mừng đón một tân Giám mục phụ tá với niềm hân hoan thêm một chủ chăn. Niềm vui chưa trọn thì sau đó là những thông tin nhói lòng về tội ác đẫm máu của nhà cầm quyền CS tại Nghệ An đối với tín hữu Công giáo tại Mỹ Yên đã vang dậy khắp mọi nơi.
Number of View: 2926
Câu chuyện Mỹ Yên đã được các hãng thông tin Quốc tế và trong nước đề cập, song có lẽ nhiều nhất, nhanh chóng nhất, chân thực nhất lại là hệ thống Internet, một công cụ đã biết mỗi người dân thành một nhà báo tự do. Những thông tin được cập nhật qua mạng này đã phản ánh sự thật những gì nhà cầm quyền Nghệ An đang biểu diễn trước con dân mình thể hiện sự bạo tàn và bất lương, hèn hạ cũng như một tình trạng mục ruỗng đến tận căn nguyên của một nhà nước Cộng sản. Những thông tin đó càng chứng minh rõ hơn sự hài hước thay cái gọi là “nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Thực tế đã chứng minh sự thảm hại của cụm từ “nhà nước pháp quyền”, “sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.  
MyYen (1)
Bất minh từ bản chất, độc tài từ tư tưởng
Ở bất cứ đất nước nào, sự quang minh, chính đại là điều bắt buộc phải có của một thể chế cầm quyền, nếu muốn tồn tại sự tín nhiệm, khuất phục hoặc sự tôn trọng của người dân. Ở đó, không chỉ là sự minh bạch trong việc cầm quyền, mà cả trong mọi cách thực thi quyền bính.
Ở đó, người dân được tự chọn cho mình bản Hiến pháp thể hiện ý chí, nguyện vọng thật sự của nhân dân. Bản Hiến pháp là cơ sở để xây dựng một xã hội theo ý nguyện của người dân. Hoàn toàn không có bất cứ một nhóm, một đảng phái nào tự cho mình được quyền ngồi lên đầu, lên cổ công dân cả nước để tự xưng là đạo đức, là văn minh và áp đặt cho họ một cái ách buộc phải mang, như Điều 4 cái gọi là Hiến pháp Việt Nam hiện nay.
Ở đó, những cuộc bầu cử, những cuộc vận động tranh cử… luôn luôn có người dân và lực lượng truyền thông độc lập giám sát nghiêm túc trong mọi khâu. Để từ đó, bầu ra một bộ máy cầm quyền thật sự phù hợp ý chí của người dân. Và cũng ở đó, với bộ máy được bầu cử minh bạch đều thực thi nhiệm vụ của mình được công dân giao phó một cách minh bạch.
Ở đó, hoàn toàn khác Việt Nam chúng ta.
Ở đây, chúng ta có một đảng theo Chủ nghĩa Mác – Lênin (một thứ chủ nghĩa đã có vị  trí trong sọt rác lịch sử) làm kim chỉ nam cho hành động, ngang nhiên tự coi mình là đỉnh cao trí tuệ nhân loại, là lương tâm thời đại. Mục đích là để nhảy lên cổ toàn thế 90 triệu người dân để làm “đầy tớ”. Và nói theo cách nói dân gian thì “không cho tao làm đầy tớ, tao đánh bỏ mẹ chúng mày”
Ở đây, chúng ta có một “Quốc hội của toàn dân” về ngôn ngữ, nhưng ở đó hơn 85% là đảng viên CS. Số lượng người không phải đảng viên CS luôn được khống chế ở một tỷ lệ rất thấp. Để đề nghị “Quốc hội” một việc gì đó đưa ra bàn bạc, ít nhất phải có tỷ lệ đại biểu lớn hơn tỷ lệ ngoài đảng Cộng sản kia. Vì thế, chỉ cần đảng yêu cầu, thì Quốc hội luôn là công cụ để thực hiện. Tất cả những ý kiến còn lại ngoài ý đảng, dù hợp lòng dân thì vẫn vứt vào sọt rác thậm chí là người nêu ý kiến được mời vào tù.  
Cũng vì thế, cái gọi là Quốc hội luôn luôn là của Đảng, nhưng lại mang danh của Nhân dân – Một sự lập lờ, lấp liếm đánh lận con đen bất chính. 
Chính từ sự thiếu minh bạch đó, cái gọi là Quốc hội của dân sẽ đẻ ra bộ máy điều hành đất nước này một cách bất minh. Hẳn nhiên, bộ máy này điều hành đất nước theo đúng bản chất ban đầu: Không minh bạch, thiếu rành mạch và không công khai. Tất cả đều được coi là “hợp pháp” miễn phù hợp mục đích là bảo vệ Đảng CS giữ vị trí cai trị đất nước, dân tộc. Thực chất là bảo vệ nhóm lợi ích mang tên Đảng Cộng sản. 
Ở đây, để bảo vệ nhóm lợi ích và thể chế độc tài, không cách nào khác là phải duy trì hệ thống công an trị.
  Bắt nguồn từ việc bảo vệ thể chế độc tài, mọi tư tưởng khác biệt với tư tưởng vô thần của cái gọi là CN Mác – Lenin đều nằm trong chiến lược tiêu diệt về lâu dài, hạn chế trước mắt. Tôn giáo nói chung, đặc biêt là công giáo nói riêng đều nằm trong đối tượng phải xóa bỏ, tiêu diệt của Chủ nghĩa Mác – Lenin duy vật.
  Cũng bắt nguồn từ thể chế độc tài, việc thực thi luật pháp nghiêm minh là điều không thể tồn tại. Bởi ở đó, không có tam quyền phân lập. Tất cả chỉ phụ thuộc ý muốn của đảng CS cầm quyền.
   Mỹ Yên, phơi bày bản chất
  Bắt nguồn từ hệ thống công an trị, nhân viên công lực ngày càng lộng hành, bất chấp luật pháp. Còn luật pháp chỉ nhằm trói chặt người dân.
  Vì thế, câu chuyện Mỹ Yên đã thể hiện đầy đủ mọi nét, mọi yếu tố để nói lên tính chất của một chế độ độc tài vô thần, một nhà nước đã được nhân dân ưu ái phong tặng danh hiệu “Hèn với giặc, ác với dân”. Điển hình là một nhà nước bất chấp lương tâm làm người, bất chấp luật pháp do chính mình đặt ra.  
Thử xem lại vài chi tiết: 
camketNếu có một nhà nước pháp quyền, nhân viên công lực thực thi nhiệm vụ, hẳn nhiên sẽ biết rằng không thể đóng vai côn đồ, không thể làm trái quy định của pháp luật là đầy đủ sắc phục khi làm việc với nhân dân. Vì thế sẽ không bao giờ dám chặn xe, gây sự với giáo dân khi họ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình.  
Ở đây, chỉ vì thói cậy quyền, cậy súng, hoặc cậy mình là Công an nên có thể làm những việc khuất tất mà không bị trừng trị. Các nhân viên công an đã không cần sắc phục, không ngại số ít ngang nhiên chặn xe, hạch sách gây sự với giáo dân. Hẳn nhiên khi bị người không mang sắc phục, không xuất trình giấy tờ, đêm hôm chặn xe thì người dân phải có phản ứng tự vệ. Và cuối cùng, khi sự việc xảy ra xô xát, mời lòi mặt ra mấy bộ đồ công an.
Thực tế, trong đất nước này, chuyện công an đi  chấn lột, đi cướp của giờ đã không còn là chuyện lạ. Nếu có một nhà nước pháp quyền, sau khi bị người dân tấn công vì vi phạm luật pháp, chặn xe người dân đêm hôm. Thì đương nhiên cơ quan pháp luật phải trừng trị thẳng tay những cán bộ hư hỏng vi phạm pháp luật đó dù họ là ai. Đồng thời tổ chức xin lỗi người dân đã bị xâm hại.  
Thế nhưng, nếu vậy thì đâu còn là nhà nước độc tài và chế độ công an trị. Từ thái độ nhờ cậy, xin xỏ để thoát ra khỏi cảnh trớ trêu, họ đã quay ngược lại biến thủ phạm thành nạn nhân. 
Nếu có một nhà nước pháp quyền, sẽ không có cảnh công dân bị bắt âm thầm, khủng bố ngoài đường, ngoài chợ như xã hội đen. 
Nếu có một nhà nước pháp quyền, hẳn nhiên câu nói “miệng quan, trôn trẻ” sẽ không đúng trong trường hợp này. 
Nếu có một nhà nước pháp quyền, lời hứa của quan chức, hẳn nhiên là lời hứa của cơ quan công quyền, những kẻ cầm quyền, cầm con dấu đã hứa, sẽ phải thực hiện trước “ông chủ”. Thế nhưng, họ đã giăng bẫy để phản bội lại nhân dân, bội ước với chính lời hứa của mình, biến con dấu in hình Quốc huy thành một trò chơi bẩn thỉu và hèn hạ.
  Và tội ác đã được thực hiện bằng công an, bằng súng, đạn, chó nghiệp vụ, bằng quả nổ, bằng hơi cay. 
Bẩn thỉu hơn, những thông tin trên mạng đã vạch rõ rằng: Tội ác còn được thực hiện bằng những âm mưu khiêu khích, đưa côn đồ đến gây loạn để kiếm cớ tấn công, đổ tội nhằm đàn áp người dân lành vô tội. 
MyYen (4) 

Và máu người dân lành vô tội đã đổ, những người dân một nắng, hai sương cần cù chịu khó, làm ra từng hạt gạo, từng đồng xu nhỏ đến nộp nuôi chính hệ thống đang lừa đảo, trấn áp mình. 
Thế rồi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cơn lên đồng kích động dọa nạt giáo dân, đe dọa một cộng đồng tôn giáo bằng súng, đạn, nhà tù và sự dối trá đê hèn đã lên cơn hòng che đậy sự thật đáng xấu hổ của chính mình. 
Điều không ai còn lạ, là những vở diễn cũ lại được đưa ra áp dụng. Tiếc cho họ rằng, vở diễn kia đã quá cũ rích và người dân không còn lạ những ngón đòn bẩn thỉu đó. 
Điều không ai còn lạ, là sự đổi trắng, thay đen, chuyển bạn thành thù nhanh chóng như trở bàn tay của những người Cộng sản. Tiếc thay cho họ, thời này không còn là những năm 50 của thế kỷ trước, khi mà người dân công giáo dù đã có cuộc bỏ phiếu bằng chân vĩ đại xảy ra, thì một bộ phận còn lại ở miền Bắc vẫn phải chấp nhận làm công dân hạng hai, không dám mở mồm, không dám lên tiếng. 
Điều không ai còn lạ, là dù muôn ngàn lời lẽ đẹp đẽ, mỹ miều đã thốt ra mọi nơi, mọi lúc rằng đoàn kết, rằng tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, tôn trọng quyền làm người thì chính sách lũng đoạn, kỳ thị và tiêu diệt tôn giáo vẫn tồn tại bất di bất dịch.  
Vẫn là chính sách cũ, thủ đoạn cũ nhưng được thực hiện bằng những tội ác mới.
  Hà Nội, 14/9/2013  
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Copy từ: Nữ Vương Công Lý



......................

Syria 'mừng' vì thỏa thuận Mỹ-Nga


Ali Haidar
Bộ trưởng Ali Haidar hoan nghênh thỏa thuận
Một bộ trưởng Syria gọi thỏa thuận Mỹ - Nga nhằm loại bỏ vũ khí hóa học của Syria là “thắng lợi” giúp tránh chiến tranh.
Bộ trưởng Hòa giải Dân tộc Ali Haidar nói với hãng tin Nga Ria Novosti: “Đó là thắng lợi cho Syria nhờ các người bạn Nga.”
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để tiết lộ chi tiết kế hoạch loại bỏ vũ khí hóa học của Syria.
Sau cuộc gặp, ông Kerry cảnh cáo Damascus: “Đe dọa dùng vũ lực là có thật.”
Syria có một trong những kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, trong khi kế hoạch của Mỹ và Nga muốn loại bỏ toàn bộ kho này trước giữa năm 2014.
Thỏa thuận có được sau ba ngày họp giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Nga ở Geneva.
Nó cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad một tuần để nộp chi tiết về kho vũ khí.
Kế hoạch cũng yêu cầu cho phép chuyên gia kiểm soát vũ khí được vào Syria và kiểm tra 45 địa điểm trước tháng 11.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh thỏa thuận giữa Mỹ và Nga về việc giải tỏa kho vũ khí hóa học của Syria trước thời hạn giữa năm 2014 và nói rằng đây là ‘một bước quan trọng’.
Tuy nhiên, ông cũng tỏ thái độ thận trọng rằng Mỹ mong muốn Syria ‘làm đúng theo những gì họ đã cam kết’.

Lạc quan thận trọng

Trong một tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói thỏa thuận Mỹ-Nga là một ‘bước đi quan trọng, cụ thể hướng tới mục đích đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế để cuối cùng đi đến phá hủy chúng’.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục làm việc với Nga, Anh, Pháp và Liên Hiệp Quốc cũng như các nước khác để đảm bảo rằng quá trình tiêu hủy hay dỡ bỏ vũ khí hóa học có thể kiểm chứng được nhưng sẽ có ‘hậu quả nếu chế độ Assad không tuân thủ’.
“Nếu các biện pháp ngoại giao thất bại thì Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng hành động,” ông nói.
Quân đội Mỹ đã xác nhận hôm thứ Bảy ngày 14/9 rằng Mỹ vẫn ở vị trí sẵn sàng tấn công vào Syria.
"Nếu các biện pháp ngoại giao thất bại thì Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng hành động."
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng họ chỉ có tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận này.
Cả hai vị ngoại trưởng đều nói rằng nếu Syria bất tuân thì Liên Hiệp Quốc sẽ ra nghị quyết trong khuôn khổ chương 7 và chương 8 của Hiến chương để cho phép dùng vũ lực.
Tuy nhiên, ngoại trưởng Nga đã sốt sắng nói rõ rằng vũ lực chỉ là giải pháp cuối cùng.
“Trong những phương cách đã được thỏa thuận này không có nhắc gì đến vũ lực cũng như các biện pháp trừng phạt tự động. Bất kỳ sự vi phạm nào cần phải được chứng minh một cách thuyết phục hoàn toàn trước Hội đồng Bảo an,” ông nói.
Kerry và Lavrov
Mỹ và Nga đã cố gắng hết sức để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria
Cả Nga và Mỹ đều đồng ý rằng Chính phủ sở hữu 1.000 tấn chất độc hóa học và chất tiền chế vũ khí hóa học, một quan chức Mỹ cho biết.
Mỹ tin rằng số hóa chất này được cất giữ ở 45 địa điểm và tất cả đều do chính quyền kiểm soát.
Tuy nhiên Nga được cho rằng không đồng ý với số lượng địa điểm này cũng như việc toàn bộ kho vũ khí này là do Chính phủ Syria kiểm soát.
Thỏa thuận yêu cầu các cuộc thanh sát tại chỗ ban đầu phải được hoàn tất trước tháng 11. Tất cả các phương tiện sản xuất vũ khí hóa học cũng phải được phá hủy trước thời hạn này.
Còn trong nửa đầu năm 2014 tất cả vũ khí hóa học và phương tiện sản xuất phải bị triệt tiêu hoàn toàn.

Thắng lợi của Assad?

Pháp, Nga, Liên Hiệp Quốc và Nato đều hoan nghênh thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói đây là ‘một tiến bộ quan trọng’ trong khi Ngoại trưởng Anh William Hague phát biểu trong một thông cáo yêu cầu chế độ Assad phải tuân thủ thỏa thuận hoàn toàn.
"Cho dù thỏa thuận có đem lại điều gì đi nữa trong việc giảm nguy cơ vũ khí hóa học tiếp tục được sử dụng, rõ ràng cái giá của việc này là loại bỏ bất kỳ hành động nghiêm túc nào của Mỹ và phương Tây nhằm vào chế độ Assad. Đây là một thắng lợi lớn của ông ta và của những đồng minh Nga và Iran của ông ta."
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz
Tuy nhiên các phân tích gia thì lại chia rẽ về thỏa thuận này.
Ông Andrew Green, cựu đại sứ Anh tại Syria nhận định rằng mặc dù trên thực tế sẽ có nhiều khó khăn khi thực thi thỏa thuận này nhưng đây là vẫn là một tin ‘hết sức tốt lành’.
“Trước hết nó giúp tránh một hành động quân sự, ít nhất trong thời điểm hiện tại. Thứ hai nó thật sự loại bỏ khả năng chế độ Syria sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa. Thứ ba và có lẽ quan trọng hơn, nó mở ra khả năng đối thoại và hợp tác với Nga,” ông nói.
Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz cùng với các Thượng ngị sỹ John McCain và Lindsay Graham của Đảng Cộng hòa thì tỏ ra nghi ngờ về thỏa thuận.
“Cho dù thỏa thuận có đem lại điều gì đi nữa trong việc giảm nguy cơ vũ khí hóa học tiếp tục được sử dụng, rõ ràng cái giá của việc này là loại bỏ bất kỳ hành động nghiêm túc nào của Mỹ và phương Tây nhằm vào chế độ Assad. Đây là một thắng lợi lớn của ông ta và của những đồng minh Nga và Iran của ông ta,” Wolfowitz nói.
Quân đội Syria Tự do của phe đối lập đã bác bỏ thỏa thuận và gọi đây là sáng kiến của Nga nhằm ‘câu giờ cho chế độ Assad’.

Copy từ: BBC


........................