CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Trao đổi về bài viết “Tại sao Việt Nam liên tục ‘nhai đi nhai lại’ các thông điệp phản đối Trung Quốc?"

Nguyễn Anh Tuấn - Trao đổi về bài viết “Tại sao Việt Nam liên tục ‘nhai đi nhai lại’ các thông điệp phản đối Trung Quốc?"

Nguyễn Anh Tuấn
 
Gần đây xuất hiện bài viết của blogger Nguyễn Ngọc Long với tựa đề “Tại sao Việt Nam liên tục ‘nhai đi nhai lại’ các thông điệp phản đối Trung Quốc?”, trình bày quan điểm về cách hành xử của chính quyền Việt Nam đối với vấn đề chủ quyền ở biển Đông cũng như thái độ của dư luận với cách hành xử đó.
Nội dung bài viết đan xen giữa các lập luận với những trải nghiệm, cảm xúc cá nhân của tác giả, bởi vậy tương đối khó theo dõi. Đối với phần trải nghiệm của tác giả, tôi xin phép không bàn tới, vì nó không biện minh được gì nhiều cho các lập luận, mà đơn thuần chỉ khiến tôi ‘ghen tỵ’ bởi tác giả, nhờ một lý do nào đó (‘đi thăm và kiểm tra các đảo’), đã có may mắn được đến một phần lãnh thổ máu thịt của đất nước – điều mà nhiều người Việt Nam khác cũng mong mỏi nhưng không có cơ hội.
Về phần lập luận, tôi muốn trao đổi xung quanh hai luận điểm chính của tác giả: (1) Không thể và không nên kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc tế, và (2) Những thông tin về hành vi ngang ngược của Trung Quốc đối với ngư dân cũng như chủ quyền Việt Nam do các nhà báo đưa ra trong nhiều trường hợp đã có sự nhầm lẫn.

Về luận điểm thứ nhất: ‘không thể và không nên kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế’, được tác giả biện minh bằng các lý do sau:
Lý do thứ nhất là,
"Chúng ta đang bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc (bạn nào có comment ý này vô cùng chuẩn xác). Nếu chúng ta chỉ cần “lên gân” với Trung Quốc thì có thể hàng chục triệu gia đình sẽ lâm vào cảnh lầm than bằng những đòn đánh vào kinh tế."
Chưa nói đến ảnh hưởng từ những đòn trừng phạt kinh tế của Trung Quốc liệu có lớn đến mức mà tác giả lượng định (hàng chục triệu gia đình sẽ lầm than?) và trách nhiệm chủ yếu của chính quyền Việt Nam trong việc ‘lệ thuộc quá nhiều’ vào Trung Quốc như hiện nay, lập luận này tiềm ẩn những nguy hiểm trong vấn đề đối ngoại: nó tạo ra khuôn khổ cho một thái độ nhân nhượng vô hạn định đối với nước lớn và xác lập thứ tự ưu tiên cho lợi ích kinh tế đối với chủ quyền quốc gia.
Lý do thứ hai của tác giả là,
"Ngay cả nếu chúng ta “kiện thắng” thì tòa án Quốc tế cũng không có chức năng hành pháp."
Bỏ qua nhầm lẫn về khái niệm ( thuật ngữ ‘hành pháp’/executive thông thường được dùng để chỉ chức năng và thẩm quyền của chính phủ; còn trên website của mình, Tòa án Quốc tế về Luật biển ITLOS nói rằng ‘ Tòa không có phương tiện/cách thức để thi hành các phán quyết của nó’/ the Tribunal has no means of enforcing its decisions.), vấn đề đặt ra là, nếu như phán quyết của ITLOS hoàn toàn không có ảnh hưởng gì thì cớ sao nó lại tồn tại đến bây giờ và mỗi năm còn tiêu tốn đến hàng chục triệu euro? Sao không giải tán nó đi?
Cần đặt câu hỏi này trong bối cảnh nền chính trị toàn cầu hiện đại, nơi mà quyền lực mềm đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong quan hệ quốc tế . Ngay cả những quốc gia nổi tiếng độc đoán như Trung Quốc và Nga thời gian gần đây cũng phải chú ý đến sức ảnh hưởng của thứ quyền lực này. Mà quyền lực mềm thì luôn gắn liền với các giá trị phổ quát, nhân bản, bao gồm cả công lý, được thể hiện phần nào qua các phán quyết của các Tòa án Quốc tế. Đúng là, thắng lợi của Việt Nam trong một phiên tòa của ITLOS chưa chắc có thể đem về chủ quyền thực tế ngay cho Việt Nam nhưng ít nhất sẽ tạo ra một hậu thuẫn quốc tế hết sức rộng lớn và vững chắc cho tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, đồng thời khiến yêu sách của Trung Quốc trở nên lố bịch trong mắt công luận thế giới.
Lý do thứ ba là,
"Cùng với đó, họ sẽ dùng ảnh hưởng của mình để gây sức ép lên cộng đồng Quốc tế và cô lập Việt Nam, bao vây kinh tế v.v… Trong khi đó, cái mà chúng ta cần nhất bây giờ là tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng Quốc tế.
Tôi không rõ vì sao tác giả cho rằng, một khi Việt Nam kiện Trung Quốc ra ITLOS thì Trung Quốc sẽ ‘gây sức ép lên cộng đồng Quốc tế và cô lập Việt Nam, bao vây kinh tế v.v…’."
Tôi cũng không rõ bằng cách nào mà Trung Quốc có thể làm được điều này, và ‘cộng đồng quốc tế’ nào sẽ cô lập Việt Nam chỉ vì Việt Nam lựa chọn con đường tài phán – một giải pháp văn minh trong quan hệ quốc tế - để giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Đúng ra, một khi đã thừa nhận rằng ‘cái chúng ta cần nhất bây giờ là tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế’, tác giả phải ủng hộ giải pháp nhà nước Việt Nam kiện Trung Quốc ra ITLOS và tìm kiếm chiến thắng ở phiên tòa này như là cách thức tốt nhất để thu được sự chú ý và ủng hộ của dư luận quốc tế trong một thế giới văn minh, trọng pháp.
Về luận điểm thứ hai, tác giả đề cập hai chuyện:
Một là,
Các tàu đó bị bắn phá do xâm phạm vào “lãnh hải có được vì chiếm đóng trái phép” của Trung Quốc, nhưng lại là “lãnh hải dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế và căn cứ lịch sử không thể tranh cãi” của Việt Nam. Cho nên báo chí sẽ phải đưa tin là tàu cá ngư dân bị bắn trong vùng lãnh hải “của Việt Nam”. Thậm chí Bộ Ngoại Giao cũng phải tuyên bố như vậy. Và chính sự nhập nhằng này cũng khiến nhiều người cho rằng chúng ta quá hèn kém khi để cho ngư dân bị vạ lây như vậy.
Chính phủ tuyên bố một khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngư dân tiến vào khu vực ấy đánh bắt cá thì bị phía Trung Quốc bắn mà hoàn toàn không nhận được sự bảo vệ nào từ phía Chính phủ. Một chính phủ như thế, nếu không hèn, không kém, còn biết gọi là gì?
Trong khi đó tác giả lại nhận định rằng,
Chúng ta cũng chấp nhận việc “gây hiểu lầm” về năng lực bảo vệ ngư dân
Tôi không rõ sự ‘hiểu lầm’ mà tác giả muốn nói đến là gì. Song, mấy năm qua, có không ngớt những thông tin đau lòng về ngư dân Việt trên biển Đông, bị Trung Quốc đuổi bắn, bắt giam, đòi tiền chuộc. Ngư dân có lẽ không cần chính phủ phải ‘gây hiểu lầm’ về năng lực bảo vệ họ, mà họ cần được bảo vệ một cách thực chất.
Hai là,
"Tương tự với việc Trung Quốc xua đội tàu cá hàng chục chiếc “tràn vào khu vực Trường Sa và Hoàng Sa” của Việt Nam để đánh bắt trái phép. Trong thực tế, quanh năm suốt tháng đều có tàu cá của Trung Quốc “mon men”đến gần các đảo của Việt Nam. Điều tương tự xảy ra nếu các tàu này đi vào lãnh hải của các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị đánh cướp bằng vũ lực và chiếm đóng trái phép trong quá khứ."
Những lập luận này của tác giả chỉ có thể nói lên một điều rằng, các nhà báo Việt Nam vừa qua chẳng những đã không cường điệu mối đe dọa từ chiến lược ‘coi biển Đông là ao nhà’ được thực hiện bằng các tàu cá của Trung Quốc, mà còn chưa thể hiện đầy đủ mức độ nghiêm trọng của chiến lược này. Nó cũng chứng tỏ năng lực của chính phủ Việt Nam trong việc đối phó với chiến lược thâm hiểm của Trung Quốc, thể hiện qua tình trạng xâm phạm ‘quanh năm suốt tháng’ của tàu cá Trung Quốc như chính tác giả đã đề cập.
Đôi dòng
Tôi muốn chia sẻ thêm với tác giả bài viết trên một vài điểm như sau:
Thứ nhất, về lý do phê phán chính quyền,
Thực ra, lý do mà nhiều người phê phán sự nhu nhược của chính quyền trong vấn đề biển Đông không đến từ việc phát ngôn viên Lương Thanh Nghi ‘nhai đi nhai lại’ thông điệp phản đối – điều cần thiết theo thông lệ quốc tế để có thể thực hiện các giải pháp tài phán về sau – mà chủ yếu đến từ việc chính quyền đã không hành động đủ mạnh mẽ theo sau những tuyên bố này, đặc biệt là khi so sánh với những động thái quyết liệt từ một quốc gia khác trong khu vực là Philippines.
Bên cạnh đó, liệu chính quyền có nhu nhược hay không khi năm 2005, chín ngư dân Việt Nam bị Cảnh sát biển Trung Quốc bắn chết, và rồi tám năm sau đó, với biết bao tiền của được đổ vào để hiện đại hóa hải quân, ngư dân Việt Nam vẫn phải đơn độc trước làn đạn của tàu chiến Trung Quốc trong vụ việc xảy ra với tàu cá QNg 96382 TS của ngư dân Lý Sơn tháng 3 năm nay.
Ngoài ra, liệu chính quyền có nhu nhược hay không khi người dân đi biểu tình chống Trung Quốc bành trướng biển Đông thì bị chính quyền bắt giữ, đánh đập và chụp mũ ‘phản động’.
Tôi nghĩ, đây mới chính là những nguyên nhân cho thái độ phê phán trên.
Thứ hai, về thái độ ứng xử với Trung Quốc,
Không thể phủ nhận sức mạnh kinh tế là một con bài quan trọng trong tranh chấp chủ quyền, và không dễ chút nào cho một chính quyền khi phải cân đo giữa lợi ích kinh tế và chủ quyền quốc gia trong tranh chấp với với một nước lớn hơn. Song, việc tỏ thái độ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền lại có thể đem đến những cơ hội mới.
Đầu tiên là tạo ra được một đồng thuận xã hội mạnh mẽ của người Việt trong và ngoài nước, trước mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Trung Quốc. Đồng thuận xã hội là điều cốt yếu cho bất kỳ quốc gia nào muốn ổn định và phát triển.
Sau nữa là mở ra những cơ hội mới để nâng tầm quan hệ với các đối tác khác trong khu vực và trên thế giới. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần xóa bỏ hình ảnh ‘đồng chí tốt – anh em tốt’ với Trung Quốc vốn tiềm ẩn khả năng cô lập Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp với nước này.
Chính sách đối ngoại quả thực không dễ để bàn luận qua đôi ba dòng. Ở đây, tôi chỉ đưa ra một khả năng khác cho thái độ của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc, để có thể tìm kiếm được sự ủng hộ rộng rãi hơn từ nhiều phía, so với thái độ ‘đồng chí tốt-anh em tốt’ đặt căn bản trên ý thức hệ hiện nay. Link bài viết “Tại sao Việt Nam liên tục ‘nhai đi nhai lại’ các thông điệp phản đối Trung Quốc?” của tác giả Nguyễn Ngọc Long: http://nguyentandung.org/tai-sao-viet-nam-lien-tuc-nhai-di-nhai-lai-cac-thong-diep-phan-doi-trung-quoc.html
Vị trí của tàu cá Trung Quốc xâm nhập. ảnh:Tuoitre.vn
 


Copy từ: Dân Luận

Bản góp ý “dự thảo sửa đổi Hiến pháp” của ông Lê Hồng Hà nguyên Chánh VP Bộ CA

Bản góp ý “dự thảo sửa đổi Hiến pháp” của ông Lê Hồng Hà

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bản góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 của ông Lê Hồng Hà, người tham gia cách mạng từ trước 1945, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ và Chánh văn phòng Ủy ban Khoa học xã hội, cũng là người sớm có những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ và từng chịu những hệ lụy về nó trong một thời gian dài.
Bauxite Việt Nam

clip_image001
Ông Lê Hồng Hà
 
1. Qua nghiên cứu lại 4 bản Hiến pháp trước đây của nước ta, trừ bản Hiến pháp năm 1946 là đúng đắn, còn 3 bản Hiến pháp sau tuy có nhiều điều tốt, nhưng cả 3 bản (năm 1959, 1980, 1992) đều mang nặng đường lối cách mạng XHCN thể hiện thể chế chính trị chuyên chính vô sản (theo Nghị quyết của Đại hội Đảng III, IV, VI, VII) tức là rất nhiều sai lầm.
2. Nội dung đặc trưng của đường lối xây dựng CNXH ở Việt Nam có thể tóm lại:
- Về kinh tế: kế hoạch tập trung, phủ nhận kinh tế thị trường, quốc doanh là chủ đạo, xóa bỏ kinh tế tư nhân.
-Về chính trị: là thực hiện chuyên chính vô sản, Đảng lãnh đạo độc tôn và Đảng lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin là thống soái, cán bộ, đảng viên và thanh niên đều phải học tập CN Mác – Lênin.
Đến Đại hội VI, có đổi mới chút ít, nhưng chỉ là nửa vời và vẫn một mực kiên trì Chủ nghĩa Mác – Lênin.
Qua thực tế của các nước trên thế giới, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN cuối thế kỷ XX, đã chứng minh CNXH là sai lầm, mô hình CNXH Xô -viết là sai lầm, thế nhưng Đảng ta vẫn một mực phải đề cao CN Mác – Lênin, kiên trì đường lối XHCN ở Việt Nam.
3. Do mấy chục năm qua cả nước ta đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa sai lầm nói trên, nên đất nước ta lâm vào tình trạng suy yếu, xuống cấp về hầu hết các mặt của đời sống xã hội (không chỉ kinh tế mà cả chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức, v.v. ) và tụt hậu so với nhiều nước xung quanh, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Chưa bao giờ lòng tin của dân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước ta thấp như ngày nay và tình hình nghiêm trọng tới mức trở thành nguy cơ lớn đối với sự sống còn của chế độ, của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyên nhân gốc rễ của tình hình ấy chính là do chế độ toàn trị của một đảng trên thực tế đang chi phối toàn bộ quyền lực Nhà nước và hệ thống chính trị đứng trên Nhà nước và pháp luật, đứng trên nhân dân, vô hiệu hóa nhiều quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp.
4. Để cứu đất nước ra khỏi tình trạng nghiêm trọng nói trên thì phải đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ độc tài Đảng trị sang Dân chủ, mà sửa đổi Hiến pháp là cơ hội tốt, là bước đi đầu tiên mở đường cho đất nước đổi mới toàn diện, phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
5. Đối với bản “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” tôi thất vọng vì nó không góp phần đổi mới căn bản thể chế chính trị, mà cố giữ lại toàn bộ những sai lầm của các bản Hiến pháp trước đây, nó không thể là cơ sở để xây dựng một bản Hiến pháp mới thực sự là của nhân dân.
6. Trong thư này, tôi đề nghị cụ thể một số vấn đề về nội dung:
a/ Không nên dùng cụm từ Nước CHXHC Việt Nam, mà nên dùng từ ông Hồ đã dùng: Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa..., vì mô hình XHCN là một mô hình sai lầm.
b/ Không nên đề cao chủ nghĩa Mác- Lênin, vì đó là một học thuyết sai lầm, không nên nói “dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin”.
c/ Bỏ điều 4 nói về sự lãnh đạo của Đảng cộng sản vì Đảng chưa xứng đáng lãnh đạo việc xây dựng và phát triển đất nước (chưa kể những chính sách sai lầm như cải cách ruộng đất, cải tạo XHCN, đàn áp Nhân văn Giai phẩm), v.v.
d/ Quân đội phải trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, không được nêu quân đội trung thành với Đảng.
e/ Không nên đặt vấn đề Hiến pháp nước ta phải thể chế hóa cương lĩnh xây dựng CNXH của Đảng cộng sản Việt Nam.
L.H.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho

Copy từ: Bauxite Việt Nam

Chỉ một chiếc xe cẩu cũng đủ làm cho miền Nam mất điện nhiều giờ

Xe cẩu gây... mất điện diện rộng, toàn miền Nam hỗn loạn

Thủ phạm khiến toàn miền Nam mất điện là do... chiếc xe cẩu này(?!)
CTV Danlambao - Lúc 14 giờ chiều nay, 22/5/2013, toàn miền Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn khủng khiếp do đường dây điện 500KV Bắc Nam bất ngờ bị đứt, toàn bộ khu vực Sài Gòn, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ mất điện trên diện rộng.
Sự cố nghiêm trọng trên đã được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) ra thông báo xác nhận, đồng thời nêu đích danh thủ phạm khiến toàn miền Nam mất điện là do… một chiếc xe cẩu.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết “Qua điều tra sơ bộ, sự cố do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực Thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500kV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định. Hiện xe cần cẩu (Biển kiểm soát 61P-3745) đã bị lực lượng chức năng lập biên bản và tạm giữ”. 
“Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm của khách hàng sử dụng điện, của chính quyền và nhân dân các khu vực bị ảnh hưởng trong buổi chiều ngày 22-5-2013”, theo thông báo EVN. 
Chỉ với 1 chiếc xe cẩu có thể khiến cả miền Nam (các tỉnh từ Ninh Thuận, Bình Thuận đổ vào) phải rơi vào tình trạng rối loạn do mất điện, quả thật đây chuyện nực cười chỉ xảy ra ở các xứ CS. Cái gọi là 'thế lực thù địch', 'phản động'... không ai khác chính là đây - những não trạng ngu dốt tự giao cho mình quyền điều hành đất nước.


Copy từ: Dân Làm Báo

Kỷ lục lạm phát của Việt Nam vượt các nước trong khu vực


Tư Hoàng
Lạm phát cao khiến người dân lo âu
Lạm phát cao khiến người dân lo âu
Kỷ lục lạm phát của Việt Nam đã vượt qua tất cả các quốc gia trong khu vực kể từ khi đất nước tiến hành đổi mới đến nay, theo một nghiên cứu khoa học vừa công bố sáng nay (21-5).
Công trình nghiên cứu của tiến sĩ Đào Văn Hùng, Nguyễn Thạc Hoát và các đồng sự thuộc Học viện Chính sách và Phát triển phát hiện, trong tất cả các giai đoạn 5 năm suốt từ năm 1991 đến năm 2012, Việt Nam đã vượt qua tất cả các nước trong khu vực về một chỉ tiêu đáng buồn là lạm phát.
Công trình được đưa ra tại buổi hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cùng Học viện Chính sách và Phát triển và USAID cho biết, mức lạm phát của Việt Nam lên tới hơn 18% năm 2011 và 6,8% năm 2012, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 3% của các nước như Trung Quốc, Indonesia, Phillippines và Thái Lan.
Quốc gia có lạm phát cao nhất trong hai năm qua là Indonesia, song mức lạm phát của họ cũng chỉ 3,8-5% trong hai năm qua, thấp hơn nhiều so với của Việt Nam.
Tất cả các kỳ 5 năm được chọn để so sánh đều cho xu hướng như trên.
Nghiên cứu cho biết, trong 27 năm từ 1996-2012, Việt Nam có 13 năm và 4 giai đoạn lạm phát trên 2 con số, trong đó đáng kể nhất là từ 1986-1992 với mức lạm phát bình quân ba chứ số 225%/năm; 2007-2008 với 16,3% năm và 2010-1011 với 15%/năm.
Theo tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, kể cả so với Trung Quốc thì lạm phát của Việt Nam cao hơn, trong khi tăng trưởng lại thấp hơn.
Trong giai 2008-2012 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là gần 5,9% năm, và lạm phát là 12,6%; còn Trung Quốc tương ứng là 9,3%/năm và 3,3%/năm.
Trong 20 năm (1991-2010), Việt Nam tăng trưởng bình quân năm khoảng 7,4%, lạm phát gần 11%; thì Trung Quốc tương ứng là 10,5% và 4,8%.
Ông Hồ đặt câu hỏi: “Tại sao trong 20 năm qua họ tăng trưởng gấp đôi ta nhưng lạm phát bằng nửa ta?”.
Chỉ vào đồ thị về diễn biến của lạm phát 1992-2012 tại hội thảo sáng nay, ông Nguyễn Thạc Hoát nói: “Xu hướng biến thiên của đường lạm phát rất phức tạp, biến động mạnh, đỉnh nhọn, biên độ lớn. Điều đó cho thấy kiểm soát lạm phát ở Việt Nam chưa bền vững; sự bất ổn của tiền tệ và kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn lớn”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh bày tỏ lo ngại, mức lạm phát cao triền miên như vậy đang làm chi phí vốn và chi phí đầu tư kinh doanh ở Việt Nam cao hơn các quốc gia khác.
Ông Sinh cho rằng, các quốc gia khác cho vay lãi suất thấp vì rủi ro vĩ mô của họ thấp, còn Việt Nam thì ngược lại.
Tuy nhiên, thứ trưởng nhận xét, sau một thời gian dài áp dụng các chính sách kinh tế nhằm giảm lạm phát, đến lúc này, doanh nghiệp đã có tâm lý không muốn làm ăn, người dân không muốn mua sắm tiêu dùng nữa.
“Các doanh nghiệp với lãi suất cho vay hiện nay và đầu ra khó sẽ chỉ gửi vốn ngân hàng lấy lãi, hơn là đầu tư kinh doanh. Đây là xu hướng rất nguy”, ông nói.
Ông khẳng định, số lượng doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường là điều rất đáng lo ngại, và đặt câu hỏi: “Liệu nền kinh tế có giữ được không với lãi suất vẫn cứ cao như thế này”.
Tuy nhiên, là một trong những tác giả chính của các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ, ông Sinh tỏ ra lo lắng làm sao tìm ra nguồn vốn cho nền kinh tế sôi động lại, nhất là khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm nay (tương ứng với 360.000  tỉ đồng) không thể đạt được.
Tại hội thảo, các nhà kinh tế đề xuất mức lạm phát tối ưu khoảng 7-7,5%/năm trong giai đoạn 2013-2015.
Bên cạnh đó, họ kiến nghị cần có cơ quan phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ độc lập với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
Theo TBKTSG


Copy từ:Hãy Dành Thời Gian

Lương trên 9 tấng giời, lỗ dưới 3 thước đất

VNStrong khi gần 200.000 DN phải trả giá cho sự thua lỗ của mình bằng bi kịch “đi nước ngoài chữa bệnh” hoặc bằng toàn bộ tài sản cả đời tích cóp thì không ít các tác giả của sự thiếu hiệu quả, thua lỗ, nợ nần và bị nợ nần của các DNNN đang được hưởng những mức lương trên trời

Vào buổi chiều ngày thứ 2 của phiên họp Quốc hội, các ĐBQH mắt phải đọc một báo cáo kiểm toán tràn đầy bi thảm về chuyện lỗ, nợ, nguy cơ mất vốn của những “quả đấm thép”, trong khi miệng vẫn phải bàn để giảm từng đồng thuế GTGT, thuế Thu nhập DN hòng cứu vãn các DN chủ yếu thuộc khối phi Nhà nước. Quả là nan giải.
Nan giải ở chỗ 23/27 tổng công ty, tập đoàn kinh tế báo cáo “lãi”, nhưng đồng lãi, so với một gang tay thống kê những lợi thế, nó bèo bọt đến mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt dưới 5%. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng cho dễ hiểu, chỉ cần biết là mang tiền đi gửi ngân hàng thì lợi nhuận thu về hơn đứt hoạt động kinh doanh của các quả đấm thép.
Nan giải ở chỗ, tuy không phải là ngân hàng, nhưng tổng nợ phải thu của các TĐ, TCT lên đến 54.133 tỷ đồng, tức chiếm 20,56% trên tổng tài sản và 82,97% trên vốn chủ sở hữu. Khoản nợ xấu này được cho là cao. Nguy cơ mất vốn lớn. Và hầu hết đều từ những nguyên nhân chủ quan mà có lẽ, không một DN phi nhà nước nào phạm phải. Chẳng hạn: Ứng trước tiền mua hàng với số lượng lớn nhưng không áp dụng các hình thức bảo lãnh, bảo đảm cho tiền ứng trước dẫn đến nguy cơ mất vốn; chưa phân loại nợ làm cơ sở trích lập dự phòng…Thậm chí, “cho các đơn vị, cá nhân vay vốn trong khi đang (cũng) phải đi vay vốn để sản xuất kinh doanh”…
Không nan giải không xong khi tổng các khoản đầu tư tài chính của các TĐ, TCT trong diện kiểm toán lên tới 25.750 tỷ. Con số đầu tư khổng lồ này nhận lại một “hiệu quả” y như “hậu quả”: Nhẹ thì hiệu quả thấp, nặng thì thua lỗ, mất vốn.
Nhưng hiệu quả thấp, lỗ vốn, nợ và bị nợ, đầu tư ngoài ngành đâu phải có gì là mới. Sự cố hữu đến mức giống như một cái tật, một căn bệnh thâm căn cố đế, không thể thay đổi. Nói nữa, nói mãi, nhưng cứ đụng đâu là phạm đó.
Hôm qua, khi phát biểu về việc giảm thuế, ĐBQH Trần Du Lịch nói không ít ngậm ngùi: “DN hiện còn gì để quan tâm đến thuế thu nhập DN là bao nhiêu!” Chưa kể đến việc “Các công ty kiểm toán mà đoàn ĐBQH Thành phố mời tham gia góp ý cho Luật nói 25% là thuế danh nghĩa, chứ còn nhiều khoản DN thực chi những không được khấu trừ. Thực tế phải 27%”.
1-2% thuế thu nhập đang được các ĐBQH “đấu tranh” để cứu DN, trong một thực tế ở đầu tàu kinh tế của cả nước, chỉ “chưa tới 30% DN còn có khả năng đóng thuế”, trong lời than giời về việc không tiếp cận được vốn. Và một thực tế khác là không ít trong các quả đấm thép một mặt hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay và chiếm dụng, một mặt đem vốn ném vào “sòng bạc” có tên là “chứng khoán”.
Phải nói cho hết nhẽ là trong khi gần 200.000 DN phải trả giá cho sự thua lỗ của mình bằng bi kịch “đi nước ngoài chữa bệnh” hoặc bằng toàn bộ tài sản cả đời tích cóp thì không ít các tác giả của sự thiếu hiệu quả, thua lỗ, nợ nần và bị nợ nần của các DNNN đang được hưởng những mức lương trên trời. Lãnh đạo Vinafood2 chẳng hạn: Hưởng mức lương 79,749 triệu đồng/tháng, trong khi nợ phải trả trên tổng nguồn vốn lên tới 65%, trong khi lợi nhuận sau thuế nhờ những mức lương khủng này, là 113 tỷ đồng. 113 tỷ, nhưng là giảm chứ không phải là tăng.
Hình như muốn cứu DN nói chung, cần một lẽ công bằng về nhân-quả, bắt đầu từ DNNN.


Copy từ: Đào Tuấn

Thông điệp của tuổi trẻ qua phiên tòa Long An


phuong uyen va nguyen khaMình với ta tuy hai mà một / Ta với mình tuy một mà hai” là câu ca dao diễn tả tình nghĩa gắn bó lứa đôi, được cộng sản (CS) ứng dụng trong sinh hoạt chính trị khi tổ chức cầm quyền.  Đảng CS chủ trương rằng đảng CS và nhà nước CS tuy hai mà là một, trong khi thực chất cơ cấu của một chính quyền dân chủ thì đảng CS với nhà nước CS không thể một mà phải là hai.
1,-   TUY HAI MÀ MỘT
Ngay sau khi cướp chính quyền và thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945, hội nghị Trung ương đảng Cộng Sản Đông Dương ngày 11-9-1945 tại Hà Nội đưa ra nguyên tắc căn bản là đảng CSĐD nắm độc quyền cai trị đất nước. (Philippe Devillers, Histoire du Viet-Nam de 1940 à 1952, Paris: Éditions du Seuil, 1952, tr. 143.)
Từ đó, đảng CS tìm cách hội nhập hai khái niệm về đảng và chính quyền thành một.  Rõ nét nhất là quốc hiệu “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” được đặt ra từ năm 1976.  Tổng số đảng viên CS hiện nay khoảng 3 triệu đảng viên trên tổng dân số Việt Nam khoảng gần 90 triệu người, nghĩa là số đảng viên chỉ bằng khoảng hơn 1/30 tổng dân số Việt Nam (Con số phỏng chừng, chưa chính xác).  Như thế tại sao gần 87 triệu người Việt Nam không CS, phải mang trên lưng quốc hiệu “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa”, toàn màu sắc CS.  Đây phải chăng là nguyên tắc đa số phục tùng thiểu số theo kiểu CS?
Nền hành chánh của CS là nền hành chánh song hành, vì bên cạnh chính quyền, luôn luôn có uỷ ban đảng CS, gọi tắt là đảng uỷ.  Đảng uỷ có mặt từ trung ương xuống tới địa phương, xuống tới làng xã, cả hành chánh dọc, lẫn hành chánh ngang.  Nền hành chánh song hành CS còn nặng nề hơn nền hành chánh song hành thời Pháp thuộc.  Nền hành chánh song hành thời Pháp thuộc chỉ ngang đến cấp tỉnh mà thôi.  Bên cạnh triều đình có viên khâm sứ (Trung Kỳ) hay viên thống sứ (Bắc Kỳ).  Bên cạnh các tổng đốc hay tuần phủ có viên công sứ.  Pháp không có hành chánh cấp huyện ở Việt Nam.  Đàng nầy, bên cạnh chính phủ có Ban bí thư Trung ương đảng, trong đó các trưởng ban TƯĐ có vai vế và quyền lợi còn hơn các bộ trưởng trong chính phủ.  Bên cạnh Uỷ ban Nhân dân tỉnh hay thành phố có tỉnh ủy, thành ủy đảng bộ địa phương.  Xuống tới quận, huyện, phường, xã…  Bên cạnh các cơ quan ty sở, luôn luôn có đảng uỷ cơ quan ty sở… Dân chúng lâm vào tình trạng một cổ hai tròng, phải đóng thuế để nuôi cả hai nền hành chánh: hành chánh thông thường và hành chánh đảng CSVN vì các đảng viên trong đảng uỷ được xem như công nhân viên chức nhà nước.  Đảng là của một nhóm người, mà đảng viên làm việc cho đảng lại lãnh lương nhà nước do toàn dân đóng thuế.
Trong quân đội cũng có đảng uỷ. Viên chính uỷ (uỷ viên chính trị) có quyền quyết định mọi sinh hoạt của đơn vị.  Nhân buổi lễ mừng quân đội CSVN tròn 20 tuổi tại Hà Nội ngày 22-12-1964, có sự hiện diện của đại tướng Kim Tsang Bông và đoàn đại biểu quân đội Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (Bắc Hàn), Hồ Chí Minh nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.  Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.” (Nhật báo Nhân Dân ngày 23-12-1964, đăng lại trong Hồ Chí Minh toàn tập 11: 1963-1965, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 251-252.)  Tại sao không trung với nhân dân, với tổ quốc mà lại trung với đảng?  Không có nhân dân, không có tổ quốc thì làm sao có đảng mà bắt phải trung thành?  Ngày nay, để làm đẹp hình tượng Hồ Chí Minh, có người sửa lại: “Quân đội ta trung với nước …(?)”
Nhà nước CSVN nhồi sọ dân chúng bằng một câu khẩu hiệu lạ lùng: “yêu tổ quốc là yêu xã hội chủ nghĩa”.  Không lẽ ngày xưa chưa có “xã hội chủ nghĩa”, tổ tiên chúng ta không yêu tổ quốc hay sao?  Không yêu tổ quốc sao đã bao phen tổ tiên chúng ta anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc?
Cao điểm của sự nhập nhằng giữa đảng và tổ quốc, đảng và chính quyền là điều 4 hiến pháp năm 1992, nguyên văn như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.  Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.” (Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Những văn bản pháp quy của Nhà nước Việt Nam liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài (đến ngày 31-5-1995), 1995. Tr. 13.)
Đảng CS nắm độc quyền cai trị, đè đầu đè cổ dân chúng, nhưng cái gì cũng đổ tiệt cho dân. “Đất đai là sở hữu của toàn dân”, nhưng “do nhà nước quản lý”.  Công an đàn áp dân chúng thì gọi là “công an nhân dân”. Ngược lại chuyện tiền bạc, cái hầu bao của đất nước thì thuộc về “ngân hàng nhà nước”.  Mỗi khi có nguy biến, đảng liền đẩy dân chúng ra làm vật hy sinh, đỡ đạn cho đảng CS.  Ví dụ khi bị Pháp truy bức, Hồ Chí Minh và đảng CS sợ bị Pháp bắt ở Hà Nội, liền hô hào kháng chiến chống Pháp tối 19-12-1946, rồi toàn bộ lãnh đạo CS trốn ra khỏi Hà Nội, chạy lên rừng núi ẩn tránh.  Trong suốt cuộc chiến từ 1946 đến 1975, hoàn toàn không có một tướng lãnh hay sĩ quan CS nào hy sinh hoặc tuẫn tiết, mà CS chỉ toàn đẩy binh sĩ ra phía trước theo chiến thuật biển người, bất kể hỏa lực của đối phương, nên cán binh CS chết nhiều, đúng như câu thơ của Phùng Quán trong bài thơ “Chống tham ô lãng phí”: “Những con người tiêu máu của dân / Như tiêu giấy bạc giả!...”
2.-   THÔNG ĐIỆP CỦA TUỔI TRẺ
Đảng CSVN quyết kềm hãm chính quyền trong vòng tay đảng, xem chính quyền chỉ là công cụ của đảng CSVN, chỉ là cánh tay nối dài của đảng CSVN.  Trong quá khứ, có nhiều cuộc phản đối trong nội bộ đảng CS vì khác chủ trương chính sách của đảng, cũng như đã xảy ra những cuộc phản đối của dân chúng chống lại chế độ CS độc tài toàn trị, nhưng hầu như không có cuộc phản đối nào đặt vấn đề tách biệt hệ thống đảng ủy ra khỏi hệ thống cầm quyền của chế độ do CS kiểm soát.
Vào tháng 2-2013, trong “Vài lời gởi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên cho rằng đảng CSVN và nhân dân Việt Nam là hai thành phần riêng biệt.  Vì vậy, theo Nguyễn Đắc Kiên, tổng bí thư đảng CS Nguyễn Phú Trọng không có tư cách để phê phán toàn thể nhân dân là suy thoái, mà tổng bí thư Trọng chỉ có thể nói với đảng viên đảng CS của ông mà thôi.  Ý kiến của Nguyễn Đắc Kiên trình bày công khai trước dư luận quần chúng phải nói là rất can đảm, nhưng chỉ tách biệt giữa đảng CS và nhân dân, chưa  phải là vấn đề pháp lý trong sinh hoạt chính trị đất nước.
Bỗng nhiên, ngày 16-5-2013, tại pháp đình Long An, trong phiên tòa xét xử hai sinh viên yêu nước, bùng nổ vấn đề rất quan trọng về pháp lý nầy.  Tại phiên tòa nầy, sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên tuyên bố:  “Tôi dùng máu viết khẩu hiệu ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’ và ‘Đảng cộng sản chết đi’, khẩu hiệu bị cho là ‘phỉ báng đảng cộng sản Việt Nam’, là vì tôi thể hiện lòng yêu nước khi tôi căm phẫn Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam đến tột cùng sự phẫn uất… Tôi vẽ bức tranh này trong 15 phút để thể hiện thực tế người dân thấp cổ bé miệng khi nói ra thì bị đàn áp…. Việc tôi làm, tôi chịu, yêu cầu không gây khó khăn cho gia đình tôi. Tôi là một sinh viên, là đại diện cho tầng lớp trí thức, sức mạnh của đất nước, tôi mong muốn phiên tòa hôm nay xét xử công bằng để tôi sớm được trở về với cộng đồng, tiếp tục cống hiến cho đất nước và thể hiện lòng yêu nước.” (Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Nhung, thân mẫu của Phương Uyên, sau khi tham dự phiên tòa Long An ngày 16-5-2013) (VOA ngày 16-5-2013)
Cũng sau phiên tòa nầy, bà Nguyễn Thị Kim Liên kể về con mình, Đinh Nguyên Kha, như sau: “Kha nói từ đầu đến cuối mình yêu nước, mình không chống dân tộc, mà chỉ chống đảng cộng sản. Kha nói chống đảng thì không phạm tội…  Kha nói theo bản cáo trạng xem việc chống đảng là phạm tội thì nó không biết, vì không có luật nào nói như vậy”. (http://www.chuacuuthe.com/2013/05/16/tuong-thuat-phien-toa-xet-xu-phuong-uyen-va-nguyen-kha/
Đây là lần đầu tiên có hai người không phải là chính trị gia, cũng không phải là luật gia, cũng chẳng khoa bảng cao cấp, mà chỉ là hai em sinh viên trẻ, đặt vấn đề công khai trước tòa án, cơ quan pháp luật đại diện cho nhà cầm quyền CSVN, rằng chính quyền là chính quyền, còn đảng CS là đảng CS.  Cả hai sinh viên đều xác nhận họ là những người yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược, chống đảng CSVN, chứ họ không chống chính quyền hiện nay trong nước, không vi phạm điều 88 bộ luật Hình sự.
Nguyên văn điều 88 luật Hình sự đã được Quốc hội CS sửa đổi và bổ sung năm 2009 như sau:  “1) Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2) Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”
Rõ ràng điều 88 luật Hình sự trên đây chỉ nói đến “Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chứ hoàn toàn không đề cập đến việc chống Trung Quốc hay chống đảng CSVN, đúng như Đinh Nguyên Kha nói.  Thật sự không có luật lệ nào trừng phạt người Việt Nam chống Trung Quốc vì bá quyền Trung Quốc xâm lược Việt Nam, chỉ trừ trường hợp công an CS, tòa án CS và nói chung là nhà nước CSVN hiện nay, nhận Trung Quốc chính là nhà nước của CSVN, thì mới dùng điều 88 luật hình sự của nhà nước CSVN kết án hai em vào tội tuyên truyền chống nhà nước mà thôi.
Nếu tòa án CS kết tội hai em vì hai em đã chống âm mưu xâm lược của Trung Quốc, thì CSVN có thể kết tội luôn tổ tiên chúng ta đã bao phen chống Trung Quốc xâm lược, từ Bà Trưng, Bà Triệu, đến Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Phải chăng vì vậy CSVN bỏ thi môn sử năm nay trong kỳ thi tốt nghiệp trung học, nhằm dẫn đến bỏ thi môn sử về sau, từ đó bỏ luôn môn sử trong học trình hoặc thay đổi môn sử trong học trình, để học sinh không biết sử, không biết quá khứ giữ nước, chống phương bắc rất hào hùng của dân tộc Việt.
Cũng không có luật lệ nào quy định việc chống đảng CS là vi phạm luật pháp, trừ trường hợp chính bản thân ban lãnh đạo đảng CSVN đứng làm nguyên đơn kiện những ai đã dùng các phương tiện trái pháp luật nhà nước để chống đảng CSVN.  Điều nầy, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể làm được, chứ ông chẳng có quyền kết án dân chúng suy thoái khi dân chúng đòi loại bỏ điều 4 hiến pháp 1992.
Cần chú ý là cả hai sinh viên nầy đều sinh sau năm 1975, dưới chế độ CS.  Nguyễn Thị Phương Uyên 21 tuổi, Đinh Nguyên Kha 25 tuổi.  Hai em đều học hành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, sống trong lòng của chế độ CS, nên chắc chắn hai em hiểu khá rõ chế độ CS Việt Nam.  Các em bị bắt giam từ tháng 10-2012, tức đã nằm trong tù CS khoảng 7 tháng, đã bị hành hạ, bị ngược đãi trong tù.  Các em cũng biết rõ nhà tù CS dã man như thế nào, khổ cực như thế nào.  Hai em cũng dư biết rằng nếu hai em “ăn năn nhận tội”, chấp nhận lời mớm cung hay ép cung của công an CS, thì hai em có thể sẽ được tòa án khoan hồng, giảm án.  Chắc chắn hai em cũng bị công an CS đe dọa, nếu không nghe lời chúng, thì hai em sẽ bị trọng án, tù đày khổ cực trong thời gian dài.
Tuy nhiên, trong sắc phục học sinh hiền hòa, còn mang bảng hiệu nhà trường như hai học sinh gương mẫu, hai em tỏ thái độ hết sức tự tại, chững chạc,với ngôn ngữ hết sức tự tin khi đối đáp trước tòa án.  Hai em can đảm xác định vững vàng thái độ của mình, nói thẳng, nói thật những suy nghĩ chín chắn của mình về hiện tình đất nước.  Hai em khẳng định vì lòng yêu nước, hai em chống Trung Quốc xâm lược, chống đảng CSVN, là những điều mà bộ luật hình sự không quy tội, có nghĩa là hai em không vi phạm luật pháp nhà nước, hai em không phạm tội.
Thế mà phiên tòa Long An ngày 16-5-2013 đã vận dụng điều 88 luật Hình sự để kêu án Nguyễn Thị Phương Uyên 6 năm tù giam, 3 năm quản chế và Đinh Nguyên Kha 8 năm tù giam, 3 năm quản chế.  Đặc biệt thái độ của hai em rất bình tĩnh, vững vàng, nói năng chừng mực, chứng tỏ hai em đã suy nghĩ chín chắn trước khi phát biểu, chứ không phải vì bồng bột, xúc động hay tức giận.  Cuối cùng, sau khi quan tòa tuyên án, hai em yên lặng chấp nhận mà không nhận tội và không xin khoan hồng.
Luận điểm của Phương Uyên và Nguyên Kha về sự tách biệt giữa tổ chức chính quyền (đại diện của toàn dân) và đảng CSVN (đại diện cho một nhóm người) hoàn toàn hợp lý, vững vàng.  Trên thế giới, hiện nay nước nào cũng có các đảng cầm quyền, nhưng đảng cầm quyền và chính quyền không thể là một.  Nhà cầm quyền và đảng CSVN phải chấm dứt chuyện lợi dụng chính quyền, lợi dụng pháp luật của chính quyền để làm công cụ bảo vệ đảng CS.
Vấn đề phân biệt giữa đảng CSVN và chính quyền VN tuy do hai sinh viên nhỏ tuổi đặt ra, nhưng là một tiền đề chính trị lớn, hết sức lớn lao, chẳng những liên hệ đến quyền lực của đảng CSVN mà còn liên hệ đến cơ cấu tổ chức công quyền Việt Nam và cao hơn hết, liên hệ đến cả điều 4 hiến pháp hiện hành.  Đặc biệt em Phương Uyên dùng máu của chính mình, viết huyết thư “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” và “Đảng cộng sản chết đi”, chứng tỏ ý chí mạnh mẽ của một người trẻ tuổi Việt Nam, nêu cao tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, chống độc tài toàn trị.
Đây là thông điệp của tuổi trẻ Việt Nam gởi cho toàn dân và gởi cho giới lãnh đạo đảng CS, như là một tiếng chuông đánh thức mọi người, nhằm phá vỡ chủ trương toàn trị của đảng CS và dọn đường cho thể chế tự do dân chủ trong tương lai.  Thông điệp nầy chỉ được trình bày trong phòng xử án của pháp đình Long An, ít người dự khán, nhưng chẳng mấy chốc, thông điệp nầy đã truyền xa vạn dặm, bay khắp năm châu, làm cho toàn thể người Việt khắp thế giới bàng hoàng, xúc động và có thể nói nhức nhối tận tâm can.
Sau phiên tòa Long An ngày 16-5-2013, cha mẹ hai em Nguyễn Thị Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tỏ ra rất hãnh diện về cách ứng xử của hai em.  Chẳng những thế, toàn thể đồng bào Việt Nam trên thế giới đều khâm phục hai em.  Hai em sống dưới chế độ CS mà không bị ô nhiễm theo chủ nghĩa CS.  Hai em gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Những lời nói của hai em đã đi vào lịch sử đấu tranh cho tự do dân chủ của người Việt, thể hiện rõ nét hào khí dân tộc Việt, chính là sự kết tụ của hồn thiêng sông núi tiềm tàng trong lòng dân tộc, cho thấy rằng tiền đồ dân tộc Việt Nam vẫn còn đó, sáng rực ở phía trước…
(Toronto,18-5-2013)
© Trần Gia Phụng
© Đàn Chim Việt


Copy từ: Đàn Chim Việt

Tôi đi dự phiên tòa xử Người Yêu Nước

Nguyễn Văn Nước - Ngày 16-5-2013 tôi đi dự phiên tòa Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.
Tôi là một người sinh sống trong thành phố Long An. Hôm nay, được lệnh đi đến tòa án tỉnh dự phiên tòa! 
Bên ngoài sân tòa án lực lượng an ninh chìm nổi dày đặc, làm nhiệm vụ an ninh, ước tính trên dưới 100 người. Bên trong phòng xử án có khoản từ 60 hay 70 công an, an ninh mặc sắc phục và thường phục. Tôi là một trong khoản hơn 40 thanh niên từ những nhóm người được chỉ định đến tòa với vai trò dư luận viên.
Giới báo chí truyền thông nhà nước quan tâm phiên tòa này đến tham dự nhiều hơn các phiên xử án trước đây. Họ đặt máy quay phim ở nhiều góc cạnh, máy ảnh nháy liên tục, trong suốt thời gian xử án ở nhiều vị trí khác nhau trong phòng xử án. 
Luật sư Nguyễn Văn Miếng tham gia bào chữa cho Đinh Nguyên Kha. Luật sư Nguyễn Thanh Lương và Ls. Hà huy Sơn tham gia bào chữa cho Nguyễn Phương Uyên. 
Thẩm phán Lê Quang Hùng, và công tố bên Viện Kiệm Sát (VKS) làm việc theo thứ tự thủ tục xử án, tôi không thấy có hiện tượng sự chỉ đạo từ phía bên trong. Lúc đầu có sự phá rối từ bộ phận điều khiển âm thanh của phòng xử án, nhưng sau vài lần bị phát hiện lên tiếng sự việc này đã không tái diễn. 
Ở ghế bồi thẩm đoàn bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và đặc biệt tôi ghi nhận là anh Hoài Nam - bí thư thành đoàn của Tỉnh Long An, cả hai chỉ ngồi bất động. 
Ba luật sư tham gia biện hộ bào chữa cho 2 bị cáo, không bị giới hạn thời gian, không bị ngưng trong khi đang bào chữa, họ đưa ra những luận cứ dựa theo hiến pháp hiện hành, để phản biện những tội danh bên công tố của VKS đưa ra đầy thuyết phục. Cả ba luật sư đều lập luận Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tội không thành lập, đề nghị tòa xử vô tội. 
Tinh thần lập luận vững vàng chặt chẽ của các luật sư kết luận vô tội, Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha xác nhận việc làm của mình, nhưng khẳng định việc làm vì yêu nước không có tội với đất nước Việt Nam. 
Thân nhân của Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha khi được mời thẩm vấn ý kiến, ủng hộ tinh thần của con mình, khẳng định hành động con mình không có tội với đất nước. Tôi cảm phục lòng mẹ của 2 người phụ nữ này. 
Sự làm việc theo thủ tục của chủ tọa phiên tòa, sự đuối lý của công tố bên VKS, sự bất động của bồi thẩm đoàn, sự thinh lặng của hơn 70 công an mặc thường phục và sắc phục, sự thụ động của chúng tôi hơn 40 dư luận viên. Tất cả hoàn toàn chỉ biết lắng nghe, trong trầm tư suy nghĩ. 
Những ý kiến biện luận chặt chẽ của các LS Phương Uyên và Nguyên Kha vô tội, ý kiến của hai người mẹ và tình cảm gia đình ủng hộ việc làm của con mình là vô tội, đưa tinh thần hai bạn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bình tỉnh hơn, ngẩng cao đầu, đối đáp vững vàng với chủ tọa và công tố của VKS là chúng tôi vô tội. Không khí sự sợ hãi trong phòng xử án đã bị đẩy lùi, tan biến. Tất cả đã hòa thành một bản nhạc với giai điệu: “Vượt Lên Sự Sợ Hãi” lòng yêu nước thì bất diệt. 
Kết quả bản án cho Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, tôi biết là phải xin ý kiến chỉ đạo từ bên an ninh nội chính của tỉnh nên thời gian chờ đợi đưa ra bản án khá lâu phải chờ hơn 30 phút. Kết quả bạn Nguyễn Phương Uyên 6 năm tù giam và 2 năm quản chế, Đinh Nguyên Kha 8 năm tù cộng với bản án vụ sơ ý trước đây là 2 năm tổng cộng 10 năm tù giam và 2 năm quản chế. 
Với tôi là một trong hơn 40 dư luận viên được chỉ định tham dự phiên tòa, lắng nghe những diễn tiến tuần tự của phiên xứ án này, tôi đã được biết, được hiểu nhiều điều đã và đang xảy ra chung quanh tôi. Trong cuộc sống hằng ngày trôi qua bên cạnh tôi mỗi ngày, ngay trong thành phố Long An tôi sinh ra và lớn lên mà tôi không hề mảy may hay biết. Về những sự việc đã và đang xảy ra với nhiều người, đã và đang làm cho đất nước Việt Nam như việc làm của Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. 
Tôi đi dự phiên tòa xử án Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, tôi đã học được bài học yêu nước. 
(20-6-2013) 


Copy từ: Dân Làm Báo

Tin thêm: Nha Trang: CA bắt giam 2 blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Tiến Nam vì phát Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền


Cập nhật lúc 00h40, ngày 22/5/2013: Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vừa rời khỏi trụ sở CA tỉnh Khánh Hòa. Hiện giờ, cô đã về đến nhà để chăm sóc cho bé trai 6 tháng tuổi đang lên cơn sốt.


Trong khi đó, hai blogger Binh Nhì - Nguyễn Tiến Nam, Phạm Văn Hải (SeaFree) vẫn đang tiếp tục bị giam giữ. Không rõ tình trạng hiện nay ra sao.

Tâm tình của blogger Mẹ Nấm trên Facebook vào lúc 1:30 sáng:

Điều làm tôi sung sướng nhất sau tất cả những gì trải qua ngày hôm nay đó là không có một bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nào bị vứt bỏ tại quảng trường như những tờ rơi quảng cáo.

Những người dân khi thấy tôi và bạn bè tranh luận với công an về việc thu giữ giấy tờ tùy thân của tôi bất hợp pháp đã quây lại ủng hộ và tự nguyện tìm đọc bản TNQTNQ trên tay tôi.

Đó là hạnh phúc lớn lao mà tôi cảm nhận được.

Xin lỗi Nấm vì mẹ đã không thể ở bên cạnh con buổi tối trước khi con thi học kỳ 2 vào ngày mai,

Xin lỗi Gấu vì mẹ đã để chàng trai 6 tháng kiên cường của mẹ phải chiến đấu với cơn sốt một mình,

Xin lỗi cả nhà vì đã để mọi người phải lo lắng.

Chúc tất cả ngủ ngon,

Ngày mai là một ngày mới không hề đơn giản. 
https://www.facebook.com/mothermushroom

Video trong trụ sở CA: Ngay sau khi bị bắt giữ, cơ quan công an đã huy động lực lượng đến để tra khảo 3 blogger, đồng thời quay phim những 'tang vật' mà họ gọi là 'tài liệu phản động'. Trên thực tế, đây đều là những bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Đoạn video trên được quay trong trụ sở CA, khi những viên an ninh đang chĩa máy quay vào mặt blogger Mẹ Nấm nhằm thực hiện những mưu đồ bất chính.

Cũng như những lần trước, kịch bản về bộ phim mang tên 'CA Nha Trang phá chuyên án phát tán tài liệu phản động' không chừng sẽ được sớm trình chiếu trên hệ thống truyền thông lề đảng.

Tin cập nhật lúc 11h30: Được biết, ngoài 2 blogger Mẹ Nấm và Binh Nhì – Nguyễn Tiến Nam, còn có blogger Phạm Văn Hải (SeaFree) cũng đã bị CA bắt giam trái phép sau buổi phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền chiều nay. Hiện không rõ tình trạng blogger Phạm Văn Hải ra sao và đang bị giam giữ ở đâu.

Tin cập nhật lúc 21h40: Một nguồn tin cho biết, cách đây hơn 30 phút, Blogger Binh Nhì - Nguyễn Tiến Nam cũng đã bị áp giải về trụ sở CA tỉnh Khánh Hòa, Địa chỉ: 80, Trần Phú, Phường Lộc Thọ, Thành Phố Nha Trang, Khánh Hòa. Số điện thoại: (058)3527060.

Trong khi đó, CA tỉnh Khánh Hòa vẫn từ chối không cho Mẹ Nấm được gặp và chăm sóc con trai 6 tháng tuổi. Bé Gấu - con trai Mẹ Nấm đã được gia đình đưa về nhà do bị lên cơn sốt.


Được biết, trong chiều nay, hai blogger Mẹ Nấm và Nguyễn Tiến Nam đã phát tận tay cho người dân hàng trăm bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền, cùng những quả bóng bay màu xanh.

Trong lúc bắt người và tra khảo, phía CA cáo buộc Mẹ Nấm đã phạm tội 'phân phát tài liệu phản động'. Bằng chứng được cơ quan CA gọi là 'tài liệu phản động' thực ra chính là Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền.
Theo tin mới nhận được, lúc 20 giờ tối nay, Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sau khi bị tách riêng thẩm vấn đã tiếp tục bị áp giải về trụ sở CA tỉnh Khánh Hòa. Nhiều khả năng cô sẽ bị giam giữ qua đêm.
Được biết, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiện đang  chăm sóc con trai 6 tháng tuổi.

Lúc 20h30 phút tối nay, 21/5/2013, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ ruột Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bế cháu ngoại đến trước trụ sở CA tỉnh để yêu cầu cho hai mẹ con gặp nhau. Tuy nhiên, công an tỉnh Khánh Hòa đã từ chối không cho Blogger Mẹ Nấm được gặp và chăm sóc cho con.

Hiện nay, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan vẫn đang bế cháu ngoại 6 tháng tuổi đứng trước trụ sở CA tỉnh Khánh Hòa, Địa chỉ: 80, Trần Phú, Phường Lộc Thọ, Thành Phố Nha Trang, Khánh Hòa. Số điện thoại: (058)3527060
















Mẹ - Nấm và Gấu - Quyền cho con người hôm nay và cho thế hệ tương lai.


Cuối tuần trước, Binh Nhì cùng các bạn Chúng Ta - Công Dân Tự Do 
phân phát TNQTNQ tại Hà Nội.

Copy của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được in ra và phân phát và là "tang vật" tại đồn công an:




Copy từ: Dân Làm Báo

TẠI HÀ NỘI: HÔM NAY, 700 DÂN OAN CÁC TỈNH BIỂU TÌNH TẠI TRỤ SỞ TIẾP DÂN


Bà con Dương Nội biểu tình sáng qua 21.5 tại 34 Lý Thái Tổ. Ảnh: Trương Dũng

Sáng nay, 22.5.2013, ba trăm bà con Văn Giang, cùng dân oan bị cướp đất các tỉnh An Giang, Long An, Thanh Hóa, Nam Định tổng cộng lên tới khoảng 700 người biểu tình tại Trụ sở tiếp dân của Đảng và Nhà nước tại số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, HN.

Hiện tại, cụ bà Lê Hiền Đức đang có mặt tại số 1 Ngô Thì Nhậm cùng bà con. 




Trước khi ra về, bà con Văn Giang đến Dương Nội để tham khảo bà con ở đây về việc chia lại những thửa đất mà bà con giữ được không để mất vào tay bọn cướp (2 ảnh dưới)


Được biết, sáng qua, bà con Văn Giang cũng đã kéo đến trụ sở Quốc hội 35 Ngô Quyền Hà Nội để yêu cầu giải quyết những đòi hỏi chính đáng của mình. Dưới đây là hình ảnh của ngày hôm qua:




Cường Béo - An ninh quận Hoàn Kiếm (giữa, có đeo băng tang) đang có mặt tại đám đông




Cũng trong sáng qua 21.5.2013, bà con Dương Nội đã kéo đến Phòng tiếp dân của UBND TP Hà Nội để bày tỏ sự phẫn nộ tột cùng đối với Quốc Hội và chính quyền HN.

Chùm ảnh của Trương Dũng: Lực lượng công sai chuẩn bị đàn áp bà con Dương Nội sáng 21- 5.2013 tại Phòng tiếp dân của TP Hà Nội, 34 Lý Thái Tổ: 



















Tễu Blog tổng hợp
 


Copy từ: TS Nguyễn Xuân Diện