CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Di sản tồi tệ của Nixon


Cập nhật: 11:12 GMT - thứ sáu, 25 tháng 1, 2013

Tổng thống Nixon và Nguyễn Văn Thiệu năm 1969
Tổng thống Nixon thăm Sài Gòn năm 1969
“Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, ký ngày 27/1/1973, chưa bao giờ có vẻ sẽ có kết cuộc như tên gọi.
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã đến nghe đề nghị của Tổng thống Richard Nixon về các điều khoản. Hà Nội sẽ thả tù nhân Mỹ và để miền Nam chọn chính phủ thông qua bầu cử tự do. Nhưng hiệp định đặt quá trình bỏ phiếu trong tay một ủy ban mà chỉ có thể hành động khi toàn bộ thành viên cùng thống nhất, gồm cả phe Cộng sản và phi Cộng sản mà suốt bao nhiêu năm đánh nhau.
Tệ hơn nữa, Nixon sẽ để quân Bắc Việt chiếm và kiểm soát phần lớn miền Nam, và rút toàn bộ bộ binh sĩ Mỹ còn lại. “Sớm hay muộn, chính phủ sẽ sụp,” Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói.
Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger tường thuật lại cho Tổng thống nghe hôm 6/10/1972: “Tôi cũng nghĩ ông Thiệu nói đúng, rằng các điều kiện của chúng ta rồi sẽ tiêu diệt (destroy) ông ta.”
Lời thừa nhận bẽ bàng của Kissinger đến từ hồ sơ chính xác và đầy đủ nhất về tổng thống: hệ thống ghi âm bí mật của Nixon. Các máy ghi âm, kết nối với microphone giấu trong Phòng Bầu dục và các phòng khác hoạt động bất cứ khi nào nhận ra âm thanh, từ 16/2/1971 đến 12/7/1973.
Tôi đã bỏ ra hơn 10 năm nghiên cứu các băng này với Trung tâm Miller của Đại học Virginia, nhưng sự đối nghịch giữa hình ảnh mà Nixon tạo ra trước công chúng và thực tế ông ta bí mật ghi âm vẫn làm tôi bị sốc.
Trẻ em được dạy rằng Nixon đã hứa với nước Mỹ về “hòa bình trong danh sự” thông qua chiến lược Việt Nam hóa và thương lượng. Ông nói Việt Nam hóa sẽ giúp người miền Nam tự vệ mà không cần lính Mỹ. Ông ta nhận ra nó sẽ không làm được. “Nam Việt Nam có lẽ chẳng bao giờ tồn tại được,” Tổng thống nói trên băng.
Trong ngày nhậm chức đầu tiên, ông hỏi giới chức quân sự, ngoại giao, tình báo rằng khi nào thì miền Nam có thể đối đầu Cộng sản một mình. Câu trả lời thống nhất: Chẳng bao giờ. Nixon có lựa chọn khắc nghiệt: tiếp tục gửi người Mỹ đến chiến đấu và chết, hoặc đưa quân về nhà mà biết rằng thiếu họ, Sài Gòn rồi sẽ sụp đổ. Cả hai lựa chọn đều không thể được gán nhãn “hòa bình trong danh dự” như ông hứa.

Nói dối

Chu Ân Lai và Henry Kissinger trong một cuộc gặp ở Bắc Kinh tháng 7/1971

Vì thế ông nói dối. Để Việt Nam hóa trông có vẻ thành công, ông lên lịch triệt thoái qua bốn năm, từ từ giảm số lính Mỹ từ 500.000 tháng Giêng 1969 xuống còn chưa đầy 50.000 vào ngày Bầu cử 1972. Trong bốn năm đó, ông có nhiều diễn văn trên truyền hình thông báo các đợt rút quân, và lần nào cũng nói nó chứng tỏ Việt Nam hóa đang hiệu nghiệm.
Mảng thương lượng trong chiến lược rút đi của Nixon cũng lừa đảo như Việt Nam hóa. “Chúng tôi muốn một cự ly an toàn”, Kissinger ghi vội trong sổ tay khi bí mật thăm Trung Quốc tháng Bảy 1971.
Suốt nhiều thập niên, Kissinger phủ nhận việc có thỏa thuận về “cư ly an toàn”, nhằm chừa ra một, hai năm giữa việc Nixon rút quân và Sài Gòn sụp đổ.
Nhưng sự phủ nhận này sụp đổ khi lời của ông ta có trên băng ghi âm và được các trợ tá ghi lại trong các thương lượng với lãnh đạo nước ngoài.
Trong cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Kissinger phác thảo đòi hỏi của Nixon. Hòa bình không có trong đó. Nixon cần tù nhân Mỹ, triệt thoái toàn bộ, và ngừng bắn trong “khoảng 18 tháng”. Sau đó, nếu phe Cộng sản lật đổ chính phủ miền Nam, “chúng tôi sẽ không can thiệp”.
Liên Xô cũng được bảo đảm như vậy. Trong phiên họp kín với Nixon tại hội nghị thượng đỉnh Moscow 1972, lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev nói:
“Tiến sĩ Kissinger nói với tôi rằng nếu có thỏa thuận hòa bình ở Việt Nam, ngài sẽ để người Việt làm gì thì làm, cho cái họ muốn sau khoảng 18 tháng. Nếu chuyện này có thật, và nếu người Việt Nam biết chuyện này, họ sẽ thông cảm.”
"Sự đối nghịch giữa hình ảnh mà Nixon tạo ra trước công chúng và thực tế ông ta bí mật ghi âm làm tôi bị sốc"
“Cự ly an toàn” phục vụ một mục tiêu chính trị quan trọng. Nếu Sài Gòn sụp ngay sau khi Nixon rút lính Mỹ cuối cùng, rõ là ông thất bại. “Về đối nội, lâu dài nó không giúp chúng tôi vì các đối thủ sẽ nói lẽ ra chúng tôi phải làm chuyện đó từ ba năm trước,” Kissinger nói.
Chính trị chi phối các quyết định quân sự của tổng thống. Trong năm nhậm chức đầu tiên, Ủy ban Quốc gia Cộng hòa làm thăm dò bí mật để xem cách chấm dứt chiến tranh nào được ủng hộ nhất. Đến 66% ủng hộ đánh bom và bao vây miền Bắc để Hà Nội đồng ý thỏa thuận bao gồm bầu cử tự do ở miền Nam.
Những người được hỏi nói họ ủng hộ ném bom và bao vây trong sáu tháng. Ngày 8/5/1972, sáu tháng trước bầu cử, Tổng thống Nixon lên truyền hình nói sẽ đánh bom và đặt mìn ở các cảng miền Bắc.
Nhưng đến tháng 8, CIA ước tính Hà Nội vẫn đưa được 3000 tấn chiến cụ vào miền Nam mỗi ngày. Tuy vậy, mặc dù đánh bom là thất bại chiến lược, nó lại thành công theo cách có ý nghĩa nhất cho Nixon. Các thăm dò dư luận cho thấy người dân ủng hộ việc gia tăng đánh bom.
Khi miền Bắc chấp nhận điều kiện của Nixon không lâu trước Ngày Bầu cử, nó có vẻ nước cờ quân sự của Nixon khiến kẻ thù phải gục ngã. Nhưng không phải. Hà Nội đồng ý thỏa thuận với cùng lý do khiến miền Nam từ chối. Cả hai phe nhận ra nó sẽ dẫn tới việc Cộng sản kiểm soát miền Nam, y như Nixon và Kissinger đã biết.

Huyền thoại sai lầm

Quân Giải phóng vào Dinh Độc Lập ngày 30/4 năm 1975

Người Mỹ không biết tổng thống của mình đã làm gì. Các cuốn băng của ông bí mật, ghi chép đối thoại của ông và Kissinger với các lãnh đạo Cộng sản được giữ bí mật. Vào Ngày Bầu Cử, Nixon giành 60.7% phiếu bầu, cao hơn mọi ứng viên Cộng hòa trong lịch sử.
Sau này, Nixon cáo buộc Quốc hội Mỹ đã tạo ra thất bại trong khi chiến thắng trong tầm tay. Một cách chỉ trích là lên án Quốc hội đã giảm viện trợ cho Sài Gòn. Đúng là các nghị sĩ đã cho miền Nam ít hơn những gì Nixon và Tổng thống Gerald Ford yêu cầu. Nhưng dù có tăng gấp đôi, gấp ba, Sài Gòn vẫn sụp đổ theo các điều khoản của Nixon. Miền Nam không thể chống đỡ Cộng sản khi thiếu hỗ trợ của bộ binh Mỹ.
Ngay cả ngày nay, chiến lược thực sự của Nixon vẫn gần như không được công chúng biết, mặc dù giới học giả đã viết về nó từ nhiều năm. Jeffrey Kimball in hai tác phẩm bước ngoặt, Nixon’s Vietnam War và The Vietnam War Files, sử dụng tài liệu giải mật để chứng tỏ Nixon đã tạo dựng “cự ly an toàn” ra sao. Julian Zelizer mô tả Nixon gắn việc rút quân với bầu cử 1972 trong Arsenal of Democracy.
Nhưng huyền thoại Nixon bị đâm sau lưng vẫn sống. Khi các chính trị gia và chuyên gia tranh luận làm sao, khi nào thoát khỏi Afghanistan (như Iraq trước đó), họ trích dẫn sai lầm lịch sử “thành công” của Nixon khi đào tạo miền Nam biết tự vệ và thương lượng để giải quyết khác biệt thông qua bầu cử tự do – hai điều mà Nixon chưa bao giờ làm được.
Kỷ niệm 40 năm Hiệp định “Hòa bình” Paris cũng cùng một tháng đánh dấu 100 năm ngày sinh Nixon. Nay đúng là dịp để giải phóng đầu óc và chính trị của chúng ta khỏi di sản tồi tệ nhất của Nixon.



Copy từ: BBC

“Bên Thắng Cuộc” lột trần hậu trường chính trị Việt Nam BS Ngọc


BS Ngọc - “Bên Thắng Cuộc” lột trần hậu trường chính trị Việt Nam

BS Ngọc
Phải nói cho rõ là “hậu trường chính trị của chế độ Việt Nam theo chủ nghĩa xã hội, hay cộng sản”. Đã có nhiều người viết bài điểm sách, tôi không có gì để viết thêm. Tôi chỉ muốn rút ra vài điểm chính sau khi đã đọc xong bộ sách. Theo tôi nghĩ những câu chuyện Huy Đức thuật lại trong sách có thể giải thích tại sao nước ta nghèo hèn như hiện nay. Tôi cũng nghĩ các lãnh đạo thuộc phe XHCN của miền Bắc phải chịu trách nhiệm lớn trước lịch sử về những sai lầm của họ.
Một nhà văn hoá Âu châu từng nói rằng lịch sử chỉ là một chuỗi câu chuyện về gia đình và thế giới. Bởi thế, kể chuyện là một phương tiện có hiệu lực cao để giải thích những gì đã và đang xảy ra. Có thể khẳng định ngay rằng bộ sách Bên thắng cuộc của Huy Đức không phải là sách lịch sử. Huy Đức cũng nói rằng anh không viết sử. Tôi xem Bên thắng cuộc là một chuỗi câu chuyện hậu trường chính trị Việt Nam. Tất cả chúng ta cần phải biết những câu chuyện mà Huy Đức kể lại, bởi vì những câu chuyện đó sẽ thấp lên một que diêm trong cái lịch sử mờ ảo của Việt Nam vào những năm giữa thế kỷ 20 cho đến ngày hôm nay.
Đọc phần I của tập sách tôi như xem một cuốn phim quay chậm. Những kẻ một sớm chiều biến thành “Cách mạng 30/4”. Đốt sách. Cạo râu, cắt ống quần. Cải tạo. Kinh tế mới. Đánh “tư sản mại bản”. Đổi tiền. Vượt biên. Tất cả những biến cố đó là sự thật. Là người ở lại trong khi các đồng nghiệp tìm được vượt biên tôi có thể nói rằng tất cả những gì Huy Đức ghi chép đều đúng. Huy Đức không phải là người đầu tiên ghi lại những biến cố đau thương sau 1975. Trước Huy Đức đã có cụ Nguyễn Hiến Lê viết lại cẩn thận những sự kiện và biến cố làm cho miền Nam suy sụp sau ngày “giải phóng” trong tập Hồi Ký nổi tiếng nhưng bị nhà xuất bản cắt xén khá nhiều. Chúng ta thử đọc vài trích đoạn trong Hồi Ký của cụ Nguyễn Hiến Lê trước khi đọc sách của Huy Đức.
Kẻ “thắng trận” muốn biến miền Nam nghèo như miền Bắc:
“Sự thất bại hiển nhiên của chế độ là sự suy sụp của kinh tế như tôi đã trình bày sơ lược ở trên. Hậu quả là Việt nam trước thế chiến tự hào là “tiền rừng bạc bể”, có những đồng lúa, đồn điền cao su mênh mông ở miền Nam, những mỏ than, mỏ phốt phát phong phú ở miền Bắc mà bây giờ thành một trong vài nước nghèo nhất thế giới.
Nhưng một người Balan trong Ủy ban kiểm soát quốc tế năm 1975 bảo chỉ trong 5 năm, miền Nam sẽ “đuổi kịp miền Bắc”, nghĩa là nghèo như miền Bắc. Lời đó đúng, rất sáng suốt. Nếu không nhờ mấy trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gởi tiền, thuốc men, thực phẩm, quầ áo… về giúp bà con ở đây thì chúng ta hiện nay cũng điêu đứng như anh em miền Bắc rồi”.
Trong cùng lúc ra tay hành hạ dân miền Nam:
“Khổ nhất là bọn đi kinh tế mới, thất bại, tiêu tan hết vốn liếng, về Sài gòn, sống cảnh màn trời chiếu đất, ăn xin, moi các đống rác hôi thối, lượm một miếng giấy vụn, một túi ni lông, một miếng sắt rỉ, một quai dép mủ… để bán cho “ve chai”. Trông thấy đống túi ni lông được rửa qua loa trong nước dơ rồi phơi ở lề đường để bán cho tiểu thương đựng hàng, tôi ghê tởm quá”.
Trong khi đó bản thân những kẻ “thắng cuộc” thì ăn hối lộ và tham nhũng:
“Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng: xin vô hộ khẩu một thành phố lớn thì bao nhiêu tiền, một thị xã nhỏ thì bao nhiêu, một ấp thì bao nhiêu. Muốn mua một vé máy bay, vé xe lửa thì bao nhiêu. Muốn được một chân công nhân viên, phải nộp bao nhiêu… Cái tệ đó còn lớn hơn thời trước”.
Họ tạo nên một xã hội trong đó con người mất nhân phẩm:
“Một cán bộ tài chánh xã mà không biết chia 72 cho 24. Trong một buổi hội họp của Hội trí thức thành phố Hồ Chí Minh, một kĩ sư già bực mình vì tình trạng cán bộ đa số dốt nát, bảo: “Tôi chấp nhận vô sản chuyên chính, mà không chấp nhận vô học chuyên chính”. Ngay chiều hôm đó ông ta bị bắt giam; sau cũng được thả ra”.
“Sống dưới chế độ cộng sản, con người hóa ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia. Ngay một phó viện trưởng cũng làm việc điểm chỉ đó mà bạn trong viện không hay. Dĩ nhiên kẻ kiểm soát đó lại bị người khác kiểm soát lại. Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó”.
Tình trạng phân chia Nam Bắc càng nặng:
Thất bại lớn nhất, theo tôi, là không đoàn kết được quốc dân. Tháng 5-1975, có ít nhất là 90% người miền Nam hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mĩ đi, lập lại hòa bình, và ai cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào Bắc. Tôi nhớ như ở phần trên tôi đã nói năm 1976, trong một cuộc hội nghị ở Sài gòn, bàn về vấn đề thống nhất quốc gia, một học giả lão thành miền Bắc, ông Ðào Duy Anh (đã có hồi sống ở Nam nhiều năm, có nhiều bạn thân ở Nam) khi được mời phát biểu ý kiến, chỉ nói mỗi một câu đại ý là thống nhất cái gì cũng dễ; quan trọng nhất là phải thống nhất nhân tâm đã. Cả hội trường sửng sốt và làm thinh.

Ông Anh đã nhận xét đúng và dám nói. Quả thực là lúc đó có sự chia rẽ nặng giữa người Nam và người Bắc, Nam đã không muốn thống nhất với Bắc rồi. Từ đó, tinh thần chia rẽ cứ mỗi ngày mỗi tăng, năm nay (1980) có thể nói 90% người miền Nam hay hơn nữa, muốn tách khỏi miền Bắc
”.
bởi vì một trong những nguyên nhân là:
Người Bắc coi người Nam là ngụy, đối xử với người Nam như thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là ngụy thì tôi mới có lí, anh đừng nói nữa.
Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hóa, kĩ thuật -điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học- thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẫy nhau… Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là ngụy nữa, vì ngụy có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè, hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú…”.
Nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê ghi chép thời cuộc, tình hình chung, còn Huy Đức thì cung cấp cho chúng ta những câu chuyện hậu trường, những suy nghĩ cá nhân của những người nặn ra những chính sách ác ôn dẫn đến tình hình mà cụ Nguyễn Hiến Lê nhận xét. Có thể nói rằng cuốn sách của Huy Đức là một bổ sung quý báu cho hồi ký của cụ Nguyễn Hiến Lê.
Bây giờ chúng ta thử đọc xem Huy Đức đã cho chúng ta chứng từ để giải thích cho những nhận xét của cụ Nguyễn Hiến Lê. Đọc xong bộ sách tôi thấy những thông điệp sau đây lắng đọng trong tôi:
1.- Đó là một chế độ độc tài và toàn trị. Người cộng sản nói rằng chế độ do họ dựng lên là dân chủ tập trung. Nhưng trong thực tế chúng ta thấy rằng chẳng có gì là dân chủ trong chế độ cộng sản. Tất cả các chính sách đều do một nhóm người trong Bộ chính trị quyết định. Nhưng qua Bên thắng cuộc, chúng ta còn biết rằng rất nhiều chính sách có ảnh hưởng đến hàng triệu người chỉ do một người quyết định, bất chấp những lời khuyên của người khác. Điển hình cho tính độc tài là quyết định mở cuộc tổng tấn công vào Tết Mậu Thân. Rõ ràng, đó là một chế độ độc tài, sao gọi là dân chủ tập trung được.
Điều mỉa mai nhất là họ cáo buộc rằng chế độ VNCH là do Mỹ dựng lên và tay sai của Mỹ, nhưng chính người lãnh đạo cao cấp nhất trong chế độ CS là Lê Duẩn khẳng định rằng họ đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung Cộng. Hình như chưa một lãnh đạo miền Nam chưa ai trơ tráo nói rằng họ là tay sai của Mỹ. Nói cách khác, chế độ CS ngoài Bắc thời đó là một chế độ toàn trị tay sai của ngoại bang.
Tính toàn trị còn thể hiện qua việc Bộ chính trị kiểm soát cả hành vi xã giao của các đồng chí họ. Đọc đoạn Huy Đức tả cái bắt tay hờ hững của cựu thủ tướng Phan Văn Khải với ông Bill Clinton mà buồn cười về sự trẻ con và thiếu văn hoá của lãnh đạo CS. Ông Khải không mở miệng cười với Bill Clinton. Khi được hỏi tại sao lại có hành vi kém xã giao như vậy, ông Khải thú nhận: “Không được đâu mày ơi, Bộ chính trị đã thống nhất là không được cười”. Đoạn viết về một ông tướng công an “làm việc” với ban giám hiệu Đại học Quốc gia Hà Nội để chỉ đạo lúc nào nên cười, lúc nào nên vỗ tay, thậm chí những hành vi xem thường ông Bill Clinton như để cho sinh viên đọc báo trong lúc ông nói. Tất cả những hành động và sự giật dây đó là những minh chứng hùng hồn cho thấy chế độ toàn trị kiểm soát tất cả hành vi sống của người dân.
2.- Nội bộ thiếu đoàn kết. Thoạt đầu, ấn tượng của tôi về các vị lãnh đạo phe CSVN là họ rất đoàn kết với nhau. Nhưng đọc qua Bên thắng cuộc và kinh nghiệm cá nhân, tôi mới thấy ấn tượng đó rất sai lầm. Người CSVN, đặc biệt là trong giới lãnh đạo thượng tần, rất ganh ghét và đố kỵ lẫn nhau. Huy Đức qua những câu chuyện cá nhân phác hoạ một bức tranh rất xấu về Lê Đức Thọ và Lê Duẩn, hai người không ưa tướng Võ Nguyên Giáp. Từ một tướng vang danh thế giới bị hạ xuống người đi đặt vòng ngừa thai cho phụ nữ! Những ganh ghét và đố kỵ rất con người cũng giống như các lãnh đạo thuộc phe VNCH. Nhưng có cái khác biệt căn bản là các lãnh đạo VNCH hành xử có văn hoá hơn và có phần tế nhị hơn so với các lãnh đạo phe CS.
Họ sẵn sàng dựng nên những câu chuyện để bôi xấu lẫn nhau. Vụ án “Năm Châu – Sáu Sứ” được Huy Đức mô tả khá rõ và cho thấy các đồng chí thượng tầng CS có thể lập mưu mô để hạ bệ những ai họ không ưa thích. Họ còn dám dùng cả những thủ đoạn thấp như photoshop để nguỵ tạo hình ảnh trai gái để tố cáo ông Lê Khả Phiêu lúc đó là tổng bí thư đảng.
3.- Tàn nhẫn. Sự hành xử của một số lãnh đạo CS cấp cao có thể nói là tàn nhẫn. Sự tàn nhẫn thể hiện ngay giữa các đồng chí. Chúng ta thử đọc qua đoạn mô tả Võ Chí Công, Đoàn Khuê và Nguyễn Đức Tâm trả thù Võ Viết Thanh sau khi tướng Thanh bắt Năm Châu và Sáu Sứ:
“Tôi tới phòng làm việc của Đoàn Chủ tịch Đại hội, thấy Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê, Nguyễn Quyết, Nguyễn Thanh Bình đang chờ. Mặt Đoàn Khuê hằm hằm, Võ Chí Công và Nguyễn Đức Tâm nói ngắn gọn: ‘Chúng tôi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo đồng chí hai nội dung. Trước hết, xin chuyển tới đồng chí nhận xét của Bộ Chính trị: Đồng chí là một cán bộ cao cấp còn trẻ, công tác tốt, rất có triển vọng, nhưng rất tiếc, chúng tôi vừa nhận được một số báo cáo tố cáo đồng chí hai việc: Một, ngay sau giải phóng, đồng chí có cho bắt hai cán bộ tình báo của Bộ Quốc phòng và từ đó hai cán bộ này mất tích; hai, cái chết của cha mẹ đồng chí là bị ta trừ gian, chứ không phải do địch giết. Vì vậy, chúng tôi đành phải rút đồng chí ra khỏi danh sách tái cử vào Trung ương khóa VII’.”
Ông Võ Viết Thanh phản ứng như ssau:
“Tôi hết sức bất ngờ. Khi nghe xúc phạm đến ba má tôi thì tôi không còn kiềm chế được. Trong cặp tôi lúc đó có một khẩu súng ngắn, tôi đã định kéo khóa, rút súng ra bắn chết cả ba ông rồi tự sát. Nhưng, tình hình lúc đó, nếu tôi làm thế là tan Đại hội. Tôi cố nuốt cơn tức giận.”
4.- Lừa gạt và dối trá. Người dân đã bị bộ máy tuyên truyền của chế độ định hướng suy nghĩ và cảm nhận. Những trẻ em mới lớn lên đã bị bộ máy tuyên truyền nhồi nhét rằng các vị lãnh đạo đáng kính suốt đời hy sinh hạnh phúc cá nhân để đấu tranh cho bình đẳng xã hội. Họ còn bị nhồi nhét rằng chế độ VNCH là chế độ ác ôn, với những con người ăn trên ngồi trốc, trong khi phần lớn người lao động phải sống khổ cực. Nhưng Bên thắng cuộc lột trần “huyền thoại” cao cả của các lãnh đạo CS. Sự thật nói lên rằng họ chính là những người ăn trên ngồi trốc. Trong khi người dân không đủ cơm ăn thì họ phè phỡn với bơ sữa từ Đông Âu. Họ có những vườn rau riêng. Họ có một đội quân bác sĩ chăm sóc sức khoẻ dưới danh xưng “Ban bảo vệ sức khoẻ trung ương”. Người dân không có thuốc điều trị nhưng lãnh đạo CS thì có thừa. Nếu lấy cái nền lãnh đạo VNCH có đặc quyền đặc lợi là 1 thì những người lãnh đạo CS có đặc quyền đặc lợi phải lên đến 100. Do đó, tất cả những gì người CS phỉ báng giới lãnh đạo VNCH thì cũng chính là những gì họ phỉ báng chính họ với cường độ cao hơn 100 lần. Một cách ngửa mặt lên trời phun nước bọt.
5.- Đạo đức giả. Báo chí miền Bắc thường ra rả tuyên truyền rằng lãnh đạo VNCH là những kẻ ăn chơi, đa thê đa thiếp, chỉ biết suốt ngày nhảy đầm chứ chẳng có kiến thức chính trị gì cả. Họ còn viết hẳn một cuốn sách về các tướng lãnh VNCH. Đọc cuốn này cũng là một phương thức giải trí tốt vì các tác giả có khả năng tưởng tượng khá tốt. Nhưng còn các lãnh đạo CS thì sao? Họ là những kẻ nhiều vợ. Lê Duẩn. Nguyễn Văn Linh. Lê Đức Thọ. Võ Văn Kiệt. Có thể cả ông Hồ. Tất cả đều có hơn 1 vợ. Tất cả đều sẵn sàng bỏ vợ lại sau lưng để “theo đuổi sự nghiệp cách mạng”. Nhưng cũng có thể họ xem phụ nữ như là những người để họ giải quyết vấn đề tình cảm sinh lý. Không phải ai trong giới lãnh đạo CS đều sống vô đạo đức, nhưng nhìn qua những nhân vật cao cấp chúng ta thấy nói rằng thói đạo đức giả rất phổ biến trong giới thượng tầng của chế độ.
6.- Dốt nát. Chúng ta biết rằng những người cộng sản thế hệ thứ nhất như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp (không tính đến những người như Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ) là những người có trình độ học vấn khá và có bản lãnh. Nhưng Bên thắng cuộc tiết lộ rằng những người thuộc thế hệ đàn em của những người tiền phong toàn là một nhóm người ít học. Những lãnh đạo như ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh … đều xuất thân từ thành phần không có cơ hội học hành đến nơi đến chốn. Sự dốt của lãnh tụ có khi đến mức hài hước. Trong phần viết về sức khoẻ lãnh đạo, chúng ta được biết ông Đỗ Mười nói về bệnh trạng của tướng Đoàn Khuê, qua lời thuật của ông Nguyễn Văn An, như sau: “Đoàn Khuê nói với tao, uống tam thất nó tan hết rồi mà. Đoàn Khuê còn vạch bụng cho tao xem. Tôi bảo: thưa anh, theo chuyên môn thì đấy là khối u nó chạy chứ không phải tan đâu ạ”. Thật kinh hoàng khi những con người như thể được đặt ở vị trí chót vót lãnh đạo một đất nước 90 triệu dân!
Qua Bên thắng cuộc chúng ta biết rằng các lãnh đạo CS có tầm nhìn rất hạn hẹp. Có thể do bị nhào nặn bởi tuyên truyền cộng với kém học thức nên các lãnh đạo CS có kiến thức rất nghèo nàn về thế giới ngoài các nước XHCN và Trung Cộng. Từ đó dẫn đến những nhận định sai lầm và những lựa chọn bất lợi cho đất nước. Điển hình là câu chuyện đằng sau việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Câu chuyện cho thấy giới lãnh đạo CS thiển cận và làng xã trong những nhận xét của họ về một đối thủ rất quan trọng.
Chúng ta thử đọc một đoạn “Cứu chủ nghĩa xã hội” để thấy ông Nguyễn Văn Linh có tầm nhìn và hành xử đầy kịch tính ra sao. Đọc cũng để thấy Gorbachev chẳng những mỉa mai mà còn khinh Nguyễn Văn Linh như thế nào:
Ông Nguyễn Văn Linh cho rằng Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh:
Tháng 10-1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tới Berlin dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập Nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Theo ông Lê Đăng Doanh: “Quyết địng đi dự 40 năm Quốc Khánh CHDC Đức là quyết định trực tiếp của cá nhân anh Linh. Anh Linh đã bàn với Bộ Chính trị về việc phải triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội. Anh sang Berlin là để gặp các đồng chí để bàn về việc ấy và gặp Gorbachev. Trong một cuộc họp, anh Linh nhận xét: Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.
Bị đối xử như thương gia tầm thường:
Ngày 4-10-1989, từ Hà Nội, hãng Interflug của Cộng hòa Dân chủ Đức dành cho ông Linh một ghế hạng thương gia, các thành viên cao cấp khác – Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Trợ lý Tổng Bí thư Lê Xuân Tùng, Phó Ban Đối ngoại Trịnh Ngọc Thái, Đại sứ Tạ Hữu Canh và thư ký Lê Đăng Doanh – chỉ ngồi khoang hành khách thường.
Bị xem thường:
Một lễ đón đơn giản được tổ chức tại sân bay Berlin-Schronefeld rồi sau đó đoàn về khách sạn. …. Trong suốt chuyến thăm chính thức ấy, phía CHDC Đức không thu xếp cho ông Linh một buổi gặp chính thức nào với Honecker hay một nhà lãnh đạo khác. Thế nhưng, điều đó đã không làm ông Nguyễn Văn Linh từ bỏ ý đồ đóng vai trò trung tâm cứu nguy chủ nghĩa xã hội.
Đến nơi ở của các nhà lãnh đạo khác mới thấy cách đối xử của Erich Honecker với ông Nguyễn Văn Linh. … Trong khi ông Linh chỉ được xếp một phòng đôi lớn hơn phòng các thành viên khác trong đoàn một chút thì chỗ ở của Ceausesscu là một khu vực gồm nhiều phòng. Ông Linh và tùy tùng phải đi qua một sảnh lớn nơi có một đội cận vệ 12 người bồng tiểu liên AK báng gập đứng chào. Ceaucesscu đã để ông Linh phải ngồi chờ rất lâu. Ông Linh nói: “Mày liên hệ thế nào mà giờ không thấy nó”. Tôi bảo: “Tính thằng này nó hình thức thế”. Một lúc sau thì Ceausesscu ra, chính ông ta lại là người tỏ ra hăng hái ủng hộ sáng kiến của ông Nguyễn Văn Linh nhất. Ceausesscu thậm chí còn đòi để Rumani đăng cai. Tuy nhiên, cả Ceausesscu và các nhà lãnh đạo cộng sản khác đều nói với ông Linh: “Vấn đề là ông kia, nếu ông ấy không đồng ý thì rất khó”. “Ông kia” đề cập ở đây là Gorbachev.
Dù ông Linh rất nhiệt tình cứu XHCN nhưng người ta làm ngơ:
Trong ngày 6-10-1989, giữa Berlin rét mướt, ông Nguyễn Văn Linh đã tìm gặp các nhà lãnh đạo cộng sản đến dự lễ quốc khánh để thảo luận về một sáng kiến mà ông đưa ra: triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Ông Linh nói: “Phe ta đang diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, đòi hỏi quốc tế vô sản phải siết chặt hàng ngũ. Đảng Cộng sản Việt Nam thấy nên có một hội nghị để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tình đoàn kết”.
Đa số các đảng cộng sản làm ngơ đề nghị của ông Linh, chỉ có Batmunkho Tổng Bí thư Mông Cổ, Phó Thủ Tướng Hernandez của Cuba, Tổng Bí thư Ceaucescu của Rumania, Tổng Bí thư Đảng vừa thất cử của Ba Lan Jaruzelski, Chủ tịch Đảng Cộng Sản Tây Đức (DKP) Herbert Mies là chấp nhận gặp. Chỉ có Helbert Mies, lãnh tụ của một đảng không cầm quyền và Phó thủ tướng Cuba Hernandez là tự tới nơi ông Linh ở. Theo ông Lê Đăng Doanh, những người khác chỉ tiếp ông Nguyễn Văn Linh tại phòng riêng của họ.
Sau nhiều cuộc trì hoản thì ông Linh cũng được Gorbachev cho một cuộc gặp mặt. Nhưng đó là một cuộc gặp mặt để Gorbachev khinh miệt ông Linh. Chúng ta hãy đọc tiếp:
Từ 19 đến 21 giờ tối 6-10-1989, sau phần đọc diễn văn, cuộc mit-tin được chuyển từ trong một lâu đài ra một lễ đài ngoài trời duyệt quần chúng, thanh niên rước đuốc. Ông Lê Đăng Doanh kể: Đám thanh niên tuần hành sôi lên sùng sục kêu tên Gorbachev, “Gorby! Gorby!”. Anh Linh chỉ mặc bộ complet, tối nhiệt độ xuống khoảng 8 C, cận vệ quên mang áo lạnh, ông Nguyễn Văn Linh đứng run bần bật, kêu tôi: “Tao lạnh quá”. Tôi phải nói với một viên tướng Đức đứng cạnh đấy: “Tổng Bí thư của tôi quên mang áo ấm”. Viên tướng cho mượn tạm tấm áo choàng của ông ta.
Sáng hôm sau, 7-10-1989, theo lịch trình, mười giờ sẽ có duyệt binh, nhưng tám giờ, ông Nguyễn Văn Linh triệu tập họp Chi bộ Đảng thông báo tình hình sức khỏe: “Mình thấy có gì đó không bình thường, không nhắm được mắt, miệng cứng, không ăn được”. Về sau bác sỹ xác định đó là triệu chứng liệt dây thần kinh số 7. Mọi người đề nghị ông Linh không ra lễ đài, ông Nguyễn Khánh thay ông Linh dự duyệt binh rồi báo với “bạn”. Phía CHDC Đức mời ông Linh ở lại khám chữa bệnh và khuyên ông không nên về trong lúc này. Tuy bệnh tình càng ngày càng nặng, nước mắt chảy ra nhiều, miệng có biểu hiện bị méo và nói bắt đầu khó khăn, ông Nguyễn Văn Linh vẫn hy vọng rất nhiều vào cuộc gặp với Gorbachev.
Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê Đăng Doanh: Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một ngụm nước mới nuốt được.
Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một tòa lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: “Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh”.
Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: “Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế”. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: “Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!”. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: “Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước”.
Cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến truyền thống viện trợ của Liên xô và khi ông đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế Hoạch 5 năm 1990-1995 của Việt Nam thì Gorbachev xua tay. Không còn xã giao, lịch sự như phần trên nữa, Gorbachev nói: “Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Theo ông Lê Đăng Doanh: Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong “tình hữu nghị thắm thiết”.
Đọc những đoạn trích dẫn rất sống động này tôi phải nói là rất nhục. Là lãnh tụ một đất nước 90 triệu dân mà không nắm được tình hình thế giới để bị các lãnh đạo của chính thế giới XHCN xem thường như thế. Ông Nguyễn Mạnh Cầm có lẽ là người ngoại giao nên còn biết được tình hình thế giới. Ông đưa ra nhận xét rằng “Nhận thức của một số đồng chí trong Bộ chính trị lúc bấy giờ không theo kịp những thay đổi của tình hình thế giới”. Không theo kịp tình hình thế giới có nghĩa là sống trong cái ao làng. Chẳng biết ông Linh có hiểu những câu nói của Gorbachev hay không. Thật là nhục nhã. Tất cả cũng vì cái dốt.
Cái dốt của lãnh đạo CS còn thể hiện qua lần tiếp kiến giữa ông Lê Khả Phiêu và Bill Clinton. Trong buổi tiếp kiến, trong khi Bill Clinton nói về tương lai hợp tác, ông Lê Khả Phiêu lại tận dụng chuyện Bill Clinton “trốn lính” làm cho ông Bill Clinton rất giận và chắc chắc cũng rất khinh thường người đối diện mình:
Bill Clinton nhớ lại: “Lê Khả Phiêu cố gắng sử dụng hành động phản đối chiến tranh Việt Nam của tôi để cáo buộc những gì Mỹ đã làm là hành vi đế quốc. Tôi đã rất giận dữ nhất là khi ông ta nói vậy trước sự có mặt của Đại sứ Pete Peterson, một người đã từng là tù binh chiến tranh. Tôi nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng khi tôi không tán thành các chính sách đối với Việt Nam, những người theo đuổi nó cũng không phải là đế quốc hay thực dân, mà là những người tốt chiến đấu chống cộng sản. Tôi chỉ Pete và nói, ông đại sứ không ngồi sáu năm rưỡi trong nhà tù ‘Hà Nội Hilton’ vì muốn thực dân hóa Việt Nam”.
Ông Phan Văn Khải nhớ lại: “Ông Phiêu nói như thời chiến tranh làm cho họ rất khó chịu. Ông ấy muốn tỏ rõ thái độ của một chính quyền cộng sản. Nhưng, ông Phiêu không hiểu tình hình thế giới giờ đây đã khác. Phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã. Vấn đề là mối quan hệ giữa hai quốc gia, chúng ta cần Mỹ. Nếu người Mỹ không vào thì những công ty lớn trên thế giới không có ai vào cả”. …
Clinton nhận xét, dường như những người mà ông gặp ở Việt Nam, chức vụ càng cao hơn thì ngôn ngữ càng “sặc mùi” cộng sản theo kiểu cũ hơn”.
Sự dốt nát chính là một nguyên nhân chính dẫn đến những cuộc bỏ lỡ cơ hội để phát triển đất nước. Câu chuyện xung quanh ký hiệp định thương mại song phương BTA cho thấy giới lãnh đạo thượng tầng CS rất sợ Trung Cộng. Ông Nguyễn Mạnh Cầm nói “Tôi tiếc đứt ruột. Năm 1999, Bill Clinton muốn ký trước mặt các nhà lãnh đạo đủ cả phương Tây lẫn phương Đông. Khi ấy các tập đoàn sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chờ có hiệp định là nhảy vào Việt Nam. Mình quyết định không ký, mất biết bao nhiêu cơ hội”. Không chỉ BTA, ngay cả những chần chừ để trở thành thành viên của ASEAN cũng phản ảnh sự kém hiểu biết của những người lãnh đạo CS chóp bu.
Sự dốt nát và kém hiểu biết của người CS không phải chỉ biểu hiện trong giới lãnh đạo mà còn ở những người trong giới học thuật và chuyên môn. Sau 1975 tôi đã có nhiều “tiếp cận” với những đồng nghiệp y khoa từ Bắc vào. Tôi có thể nói một cách không ngần ngại rằng trình độ của họ quá kém. Có lần một anh bác sĩ nghe nói là cấp cao ngoài đó mà viết tên thuốc trụ sinh còn sai. Không phải sai một lần mà nhiều lần. Chỉ nhìn nét chữ cũng có thể biết được anh chàng này thuộc thành phần bác sĩ gì. Ngay cả những người được “chi viện” để tiếp thu trường y Sài Gòn cũng là những người rất kém cỏi về kiến thức và kỹ năng lâm sàng. Họ bị các thầy trong Nam khinh ra mặt. Do đó tôi không hề ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ viết về phản ứng của giới trí thức trong Nam trước những chính sách quái đản được áp dụng sau 1975. Họ vận hành theo tư duy rặt mùi cộng sản. Cứ đến ngày kỷ niệm nào đó họ hỏi có thành tích khoa học gì để chào mừng và nhận được câu trả lời của thầy Phạm Biểu Tâm: “Không có thứ khoa học nào gọi là khoa học chào mừng cả”. Sau này trong một lần họp bàn về cách giải quyết hệ thống nước bị đục, giáo sư Phạm Biểu Tâm không phát biểu gì cả. Đến khi bị ông Võ Văn Kiệt gặn hỏi, giáo sư Tâm vốn rất quý ông Kiệt, chỉ nói đơn giản “Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức khoẻ, vì cái gì cũng đã có các anh nghĩ hết. Nước là chuyện mấy anh đâu phải chuyện tụi tui”. Đối với giới trí thức miền Nam ngày ra mắt đầu tiên của chính quyền không hề thuyết phục được họ. Cho đến bây giờ tình hình vẫn thế.
Bên thắng cuộc đã trở thành một tác phẩm bán chạy. Nếu được công bố ở trong nước tôi nghĩ chắc chắn bộ sách sẽ qua mặt bất cứ cuốn sách nào đang có trên thị trường. Đọc xong bộ sách tôi hiểu được tại sao nó nổi tiếng. Theo tôi, Bên thắng cuộc được nhiều người quan tâm vì trong đó có rất nhiều những câu chuyện hậu trường chính trị. Đặc biệt hơn là tất cả những câu chuyện hậu trường đều nói lên những hình ảnh tiêu cực của giới lãnh đạo CSVN. Khó tìm một câu chuyện nào mang tính tích cực trong sách. Trong đó có những con người ít học nhưng ngạo mạn. Đó là những con người đạo đức giả. Đó là những con người sẵn sàng chấp nhận đớn hèn để sống trong môi trường tàn ác. Đó là những con người tàn nhẫn và xảo trá. Những cá tính lãnh đạo như thế là tác giả của những quyết sách đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Họ dẫn đất nước bỏ mất cơ hội hết năm này sang năm khác. Những câu chuyện như thế giúp cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn cái tâm kém và cái trí thấp của một số đông lãnh đạo chóp bu và giải thích tại sao đất nước và dân tộc chúng ta đã quá bất hạnh trong suốt 70 năm qua. Họ là nguyên nhân gần và tác nhân trực tiếp đã đưa đất nước nghèo hèn như hiện nay. Họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.


Copy từ: Dân Luận

Phiên xử vụ Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn


Gia Minh (RFA) - Phiên sơ thẩm 22 người bị bắt trong vụ Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn tại khu du lịch sinh thái Núi đá Bia khởi sự hôm nay tại tòa án tỉnh Phú Yên.
Bị cáo
Những người quan tâm phiên xử gồm thân nhân của các bị cáo và đồng đạo của họ thuộc nhóm thực hành giáo lý của giáo phái đầu tiên mang tên Ân Đàn Đại Đạo do ông Phan Văn Thu tức Trần Công khai mở từ năm 1969. Năm 2004 nhóm tổ chức ra Hội đồng Công Luật Công án Bia sơn.
Mẹ của anh Nguyễn Thái Bình, một trong 22 bị cáo là người có mặt tham dự phiên xử vào sáng hôm nay kể lại mọi diễn biến trong buổi xử đầu tiên và nhận xét của bà đối với 22 người phải ra hầu tòa:
Sáng nay tòa đọc từng tên. Thân nhân ngồi một nơi. Mỗi tội phạm có bốn công an kèm theo. Họ bị kết tội phản động, và ai cũng già và đi yếu lắm.
Một người cũng có mặt tại phiên tòa cho biết một số thông tin liên quan người tham dự và tình hình tinh thần cũng như thể lý của những bị cáo:
Sáng nay tòa đọc từng tên. Thân nhân ngồi một nơi. Mỗi tội phạm có bốn công an kèm theo. Họ bị kết tội phản động, và ai cũng già và đi yếu lắm.

Mẹ của anh Nguyễn Thái Bình:
Họ không cản trở gì hết. Những người có giấy mời tham dự được vào trước, những người không có giấy mời mà là người thân thì vào sau khi tội phạm được dẫn ra. Do hội trường xử án chật nên có người phải ngồi ở ngoài cửa, nhưng có ghế ngồi và có loa bắc ra. Như thế ai cũng có thể tham dự trực tiếp hay gián tiếp.

Những bị cáo rất hiền, không có gì kháng cự. Tinh thần họ bình thản; nhưng sức khỏe không hiểu sao đi hơi yếu, đi cà nhắc. Mọi người trả lời tự nhiên, theo luật của tòa.
Thân nhân của một bị cáo cho biết nội dung chính kết tội mà bản cáo trạng đưa ra và được đọc lại trong buổi sáng đầu tiên của phiên xử được thông báo sẽ kéo dài trong 5 ngày:
Hai hai bị can được đưa ra và họ đọc cáo trạng phạm tội theo điều 79 Bộ luật hình sự.
Luật sư
Gia đình của 22 bị cáo trong vụ việc đều nói họ không mời luật sư vì họ tin vào tính chính nghĩa của việc làm của người thân và không hề có ý định lật đổ chính quyền.
Tuy nhiên theo qui định của pháp luật Việt Nam, có 6 thành viên trong trong đoàn luật sư tỉnh Phú Yên được cử ra để bào chữa cho 22 bị cáo. Luật sư trưởng đoàn là Nguyễn Hương Quê, vào chiều trước ngày xử án cho biết một số thông tin liên quan về bốn người mà ông được chỉ định bào chữa:
Cũng tham gia tiếp xúc nhiều lần tại trại giam. Tuần rồi tôi có gặp họ. Họ có thừa nhận ý thức ngay từ ban đầu cho đến khi bị bắt. Họ có thừa nhận nhận thức lệch lạc. Họ làm không công cho tổ chức, như ông Nguyễn Kỳ Lạc làm công cho tổ chức trong 8 năm mà không có đồng lương nào hết; còn xin tiền nhà góp vào cho tổ chức nữa. Nói chung, họ thừa nhận sự việc và mục đích của họ là như vậy. Tại phiên tòa có thể đối chất làm rõ vấn đề này.
Sự vụ
Một số người trong cuộc và thân nhân của họ đều một mực cho rằng hoạt động mà họ làm lâu nay chỉ là tu đạo theo Cửu Kinh Minh Triết và xây dựng khu du lịch sinh thái để làm đẹp cho đất nước, chứ không hề có chuyện làm chính trị muốn lật đổ chính quyền hiện nay. Bà Võ thị Thanh Thúy, vợ ông Phan Văn Thu (Trần Công) lập lại điều này trong cuộc nói chuyện với chúng tôi hồi trung tuần tháng giêng vừa qua:
Bây giờ ai cũng biết mình là người tu đạo rồi không có gì phải giấu diếm nữa hết. Thứ hai là làm sinh thái, làm đẹp, mang đến cảnh đẹp cho quê hương, nơi nghỉ ngơi cho con người, cho những ai mệt mỏi muốn tìm đến nơi an bình cho tâm hồn. Mục đích của những người làm tại Bia Sơn là như vậy. Ở đó toàn những người lớn tuổi, còn những thanh niên là thanh niên bệnh tật. Họ tìm đến ngài để được giải thoát.
Luật nói như vậy, nhưng cứ để theo tự nhiên. Ở đâu cũng có tối, có sáng; thời gian sẽ chứng minh.
Tuy nhiên theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên thì nhóm do ông Phan Văn Thu (Trần Công) đứng đầu là có những âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Nhóm này bị bắt hồi ngày 5 tháng 2 năm 2012 tại khu Du lịch Sinh Thái Núi Đá Bia, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Khu này được triển khai xây dựng từ năm 2004 do Công ty TNHH Quỳnh Long đứng tên.
Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên nói rằng đến tháng 2 năm ngoái, Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn thành lập được 12 ban, 26 pháp hội và bốn nhóm chưa có tên pháp hội. Những pháp hội này ở tại các tỉnh thành từ Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Sài Gòn, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang.
Gia Minh
 
 

Copy từ: Dân Làm Báo

Quan hệ Trung Việt trước trận Hoàng Sa



Từ 1968, Mao Trạch Đông và Lâm Bưu nói đến 'mối đe dọa' từ Liên Xô
Tiếp tục loạt chuyên đề về Hoà đàm Paris 1973, BBC xin giới thiệu bài của Giáo sư Lý Hiểu Binh từ Đại học Central Oklahoma trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt và Tiếng Trung từ London về bối cảnh quan hệ Bắc Kinh với Moscow và Hà Nội từ 1968.
Giáo sư Lý Hiểu Binh, tác giả các cuốn sách và bài viết về quân đội Trung Quốc, cũng trình bày lại cách nhìn từ Bắc Kinh về trận hải chiến Hoàng Sa 1974.

Quan hệ Trung Xô đổi hướng

Vào ngày 31/3/1968, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố tạm ngưng ném bom miền Bắc Việt Nam để bày tỏ một thiện chí hòa bình, và đã nhận được phản hồi tích cực từ Hà Nội qua tuyên bố ngày 4 tháng 4 rằng họ sẵn sàng thảo luận với người Mỹ.
Trung Quốc chỉ biết về chuyện Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam (DRV) đàm phán với nhau mãi về sau này. Vào khoảng tháng 4 và 5, Bắc Kinh bắt đầu phê phán Hà Nội đi theo Moscow. Sau khi đàm phán tại Paris bắt đầu ngày 13/5/1968, Trung Quốc vẫn tiếp tục chỉ trích Bắc Việt nói chuyện với Hoa Kỳ. Ngày 31/10, Tổng thống Johnson ngưng oach tạc Bắc Việt cả trên đất liền và vùng ven biển. Trong lúc Bắc Kinh kiềm chế không tham gia hội đàm Paris thì Moscow, trái lại, luôn hào hứng ủng hộ đàm phán. Bắc Việt Nam bắt đầu dịch chuyển lại gần Liên Xô.
Cùng thời gian ban lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu cảm thấy có bằng chứng rằng Hoa Kỳ đã là cường quốc mất dần ảnh hưởng vì thất bại của họ tại Việt Nam, trong khi Liên Xô lại chiếm ngay ‘khoảng trống quyền lực’ đó và bắt đầu thay chân Mỹ để thành ‘đế quốc xâm lăng’. Trung Quốc và các nước châu Á khác dễ trở thành mục tiêu của ‘chủ nghĩa đế quốc Xô Viết’. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Nguyên soái Lâm Bưu và cộng sự coi Liên Xô là mối đe dọa trực tiếp hơn Hoa Kỳ.
Quan niệm của Lâm Bưu được các cấp chỉ huy và binh sỹ Quân Giải phóng tán đồng vì họ trực tiếp chứng kiến sự thù địch gia tăng của Liên Xô với Trung Quốc. Trong cuộc xâm lăng Tiệp Khắc năm 1968, quân Liên Xô đã tràn vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Praha, tập phá và đánh tàn bạo các nhà ngoại giao Trung Quốc. Khi căng thẳng hai bên lên cao, Liên Xô triển khai một số lượng lớn quân đội dọc biên giới Trung – Xô, từ 17 tăng lên tới 27 sư đoàn vào cuối 1968.
Chu Ân Lai cũng từng nói thẳng với Phạm Văn Đồng vào ngày 29/4 rằng: “Nay Liên Xô đang bao vây Trung Quốc và vòng vây đó đã gần trọn, chỉ còn phía Việt Nam là chưa.” Lâm Bưu ra lệnh cho Quân Giải phóng sẵn sàng chiến đấu chống trả Liên Xô một khi có xâm nhập.
"Hai ông Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai ở Hà Nội năm 1960. Ông Hồ đã mời Trung Quốc cử quân đội sang Bắc Việt Nam hỗ trợ nỗ lực chiến tranh"
Các nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng có một sự thay đổi chiến lược trong tư duy của Trung Quốc năm 1968. Vì coi Liên Xô là mối đe dọa hàng đầu, Trung Quốc cho rút quân khỏi Việt Nam mà trước đó họ sang theo lời mời của ông Hồ Chí Minh để đề phòng bị tấn công từ phía Bắc. [Trên thực tế] liên minh cộng sản ở Đông Nam Á coi như tan rã.
Ngày 17/11/1968, Mao nói với Thủ tướng Bắc Việt, Phạm Văn Đồng rằng một số đơn vị Trung Quốc sẽ rút về nước và Trung Quốc “sẽ gửi quân trở lại nếu người Mỹ quay lại”.
Vào tháng 3/1969, theo thỏa thuận giữa hai quân đội, Quân Giải phóng bắt đầu rút về, giảm dần từ 16 sư đoàn, gồm 150 nghìn quân, xuống không còn đơn vị phòng không nào ở Bắc Việt Nam vào tháng 7/1970.
Trong thời gian ở Việt Nam, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tham gia 2153 trận, bắn rơi 1707 máy bay Mỹ và làm hư hại 1608 chiếc trong trận Sấm Rền (Rolling Thunder) hay ‘Chiến tranh phá hoại miền Bắc’ theo cách gọi của Hà Nội.

Liên Xô thay dần Trung Quốc

Từ đầu tháng 3/1969 bắt đầu có va chạm dọc biên giới Trung – Xô. Các vụ bắn nhau xảy thường xuyên trong cả năm, và hai nước ở vào thế sắp lâm chiến. Sang đầu năm 1970, Liên Xô triển khai tới 48 sư đoàn, bằng gần một triệu quân dọc đường biên. Có tin rằng lãnh đạo Liên Xô tính cả đến cách dùng vũ khí nguyên tử để ‘đánh phủ đầu’ Trung Quốc. Hậu quả của tình hình đó là Quân Giải phóng tăng cường lực lượng lên tới tổng số sáu triệu quân, cao nhất trong lịch sử của họ.
Một tài liệu của CIA 12/8/1969 dự báo rằng:
“Gần như căng thẳng Trung – Xô sẽ không thể nào giảm trong vòng hai ba năm tới. Vì quyền lợi quốc gia xung đột nhau, vì sự cạnh tranh nhằm lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế, và sự lo sợ có thực về ý định của nhau sẽ khiến việc tiếp cận gần gũi không thể xảy ra. Vấn đề biên giới cũng sẽ không dễ giải quyết.”
Sau khi Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam và giảm viện trợ cho Hà Nội, Liên Xô ngay lập tức bù vào chỗ trống và còn tiếp tục hỗ trợ kinh tế, quân sự cho Bắc Việt Nam. Từ 1969 đến 1971, Moscow ký bảy hiệp định viện trợ cho Hà Nội. Năm 1972, Liên Xô tiếp tục tăng cường hệ thống phòng thủ bằng tên lửa ở Bắc Việt Nam.
Điều thú vị là các lãnh đạo Trung Quốc cũng khuyến khích phía Việt Nam yêu cầu thêm viện trợ từ Liên Xô. Chẳng hạn như Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã nói với Thứ trưởng Ngoại thương Bắc Việt Nam, ông Lý Ban, vào năm 1971, rằng “Các đồng chí cần yêu cầu Liên Xô chuyển nhiều, càng nhiều càng tốt vũ khí, đạn dược, lương thực”.
Khi Chủ tịch Ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh thăm Bắc Kinh năm 1972, Thủ tướng Chu Ân Lai nói với ông rằng Bắc Việt Nam cần đòi hỏi nhiều hơn vũ khí, quân trang quân dụng từ Liên Xô.
"Từ những năm 1968-69, Liên Xô tăng cường nhiều sư đoàn quân đội đến biên giới với Trung Quốc"
Với Bắc Kinh, cam kết hỗ trợ liên tục cho cuộc chiến tranh tại Đông Dương đã và đang làm hao hụt nguồn lực của Liên Xô. Ngoài ra, mối đe dọa từ Liên Xô đã thúc đẩy lãnh đạo Trung Quốc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Nhu cầu chiến lược này cuối cùng đã đưa tới chỗ bình thường hóa quan hệ Mỹ – Trung vào nửa đầu thập niên 1970.
Về tác động của nó đến cuộc chiến tại Đông Á và Chiến tranh Lạnh, giao ước Mỹ – Trung đã tạo ra thay đổi bước ngoặt trong thế chiến lược giữa hai cường quốc thời Chiến tranh Lạnh. Nếu như các nhà hoạch định chính sách ở Washington thấy nhờ đó mà việc tập trung nguồn lực và quan tâm chiến lược của Mỹ vào đối phó với Liên Xô dễ dàng hơn, Liên Xô lại coi việc phải đương đầu cùng lúc với Phương Tây và Trung Quốc là chuyện khiến sức mạnh của họ bị phân tán nghiêm trọng.

Không nổ súng trước

Quần đảo Hoàng Sa hay Paracels mà Trung Quốc gọi là Tây Sa nằm cách Đà Nẵng chừng 170 hải lý, giữa vĩ tuyến 15'45" và 17'05" và kinh tuyến đông 111'00" và 113'00". Quần đảo này gồm khoảng từ 15-30 hòn đảo, tùy cách tính...Sau hai thập niên quân đội Việt Nam Cộng Hòa đóng giữ, năm 1974, Hoàng Sa đã bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa chiếm bằng vũ lực.
Nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 330 hải lý về phía Đông Nam, quần đảo Hoàng Sa gồm các nhóm đảo Tuyên Đức (tên Việt Nam: nhóm An Vĩnh - BBC) và Vĩnh Lạc (nhóm Lưỡi Liềm) và chừng 30 đảo nhỏ khác nằm trải rộng trên khoảng 15 nghìn km2. Đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) là đảo lớn hơn cả, có diện tích 1,6 km2 và hiện nay chính quyền Hải Nam và Quân Giải phóng có trụ sở chính…
Vào tháng 9/1973, VNCH ra tuyên bố sáp nhật đảo Nam Yết và Thái Bình ở Trường Sa cùng 10 đảo khác thuộc vào lãnh thổ trên đất liền (tỉnh Phước Tuy- BBC) nhằm giữ quyền khai thác nguồn lợi thiên nhiên như dầu. Ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra công bố chính thức “xác nhận chủ quyền của nước này Nam Sa, Tây Sa, Trung Sa và Đông Sa và toàn bộ các nguồn lợi tự nhiên xung quanh là thuộc về CHND Trung Hoa”.
"Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa đã báo cáo lên Mao Trạch Đông và đề nghị Trung Quốc chiếm nốt các đảo do Nam Việt Nam kiểm soát và Mao đã đồng ý."
Ngày 15/1/1974, Hải quân VNCH gửi một khu trục hạm ra vùng biển quanh đảo Vĩnh Lạc. Sang ngày 16, phía Nam Việt Nam bắn vào đảo Cam Tuyền (Việt Nam: đảo Hữu Nhật) buộc các tàu đánh cá của Trung Quốc phải rời vùng này. Sang ngày 17, phía Việt Nam cử một khu trục hạm nữa chở quân lính đến chiếm Cam Tuyền và Kim Ngân (đảo Quang Ảnh) và nhổ cờ Trung Quốc. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (1897-1986), Bộ trưởng Quốc phòng và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã hạ lệnh cho Hải quân Quân Giải phóng trực chiến và sẵn sàng mở chiến dịch bảo vệ Tây Sa.
Nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền đánh bắt cá, chính phủ Trung Quốc đã quyết định có biện pháp trước tình hình này. Các tàu cá tiếp tục hành nghề nhưng luôn chú ý đến các hoạt động của Hải quân VNCH. Cùng lúc, Hải quân Trung Quốc triển khai hai chiến hạm săn tàu ngầm số 271 và 274 đến đảo Vĩnh Lạc để bảo vệ ngư dân và dân quân Trung Quốc; hai tàu quét mìn cũng được cử đến, cùng các nguồn cung ứng nước ngọt và tiếp liệu. Chiến lược của Trung Quốc là không nổ súng trước nhưng nếu Nam Việt Nam khai hỏa trước thì Trung Quốc sẽ đánh trả tàn bạo. Nguỵ Minh Sâm, chỉ huy trưởng của căn cứ hải quân Ngọc Lâm được phong làm ‘tư lệnh chiến dịch bảo vệ Tây Sa’.
Ngày 17/1, hai chiến hạm săn ngầm của Trung Quốc chở một số dân quân ra Tấn Khánh (tên Việt Nam: Duy Mộng), và Sâm Hàng (Quang Hòa). Khi đến khu vực này họ chứng kiến hai tuần dương hạm số 4 và 16 của VNCH đã bắn vào thuyền cá Trung Quốc. Phía Trung Quốc cảnh báo phía Việt Nam ngay lập tức và yêu cầu ra khỏi khu vực. Ngày 18/1 hai khu trục hạm Việt Nam quay lại và bắn vào các tàu cá Trung Quốc tám lần, phá hỏng một thuyền phía Bắc bãi Linh Dương (đá Hải Sâm).
Đến tối, phía Nam Việt Nam cử thêm tuần dương hạm số 5 (Trần Bình Trọng) và hộ tống hạm số 10 (Nhật Tảo) vào vùng nước cạnh Vĩnh Lạc. Như thế có bốn chiến hạm Nam Việt Nam trong khu vực và sau đó, Hải quân Trung Quốc cử thêm hai tuần ngầm số 281 và 282 tới đảo Vĩnh Hưng.

Mao đồng ý chiếm trọn

Ngày 18/1, theo yêu cầu của Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chu Ân Lai (1898-1976), Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc họp phiên đặc biệt cùng nhằm lập ra ban chuyên trách năm người để ứng phó với tình hình. Các vị Diệp Kiếm Anh, chủ nhiệm ban chuyên trách, cùng Vương Hồng Văn (1935-1992), Trương Xuân Kiều (1917-2005), Đặng Tiểu Bình (1904-1997) và Trần Tích Liên (1915-1999) đã nghe Tô Chấn Hoa (1912-1979), Phó Tư lệnh Hải quân báo cáo tình hình và đề nghị phản công.
"Sau khi chiến đấu được 1 giờ 37 phút, chiến hạm số 10 (Nhật Tảo) của Hải quân VNCH bị hư hỏng nặng"
Ban chuyên trách đã ngay lập tức công bố bản hướng dẫn nhằm đánh lại các tuần dương hạm của VNCH tại đảo Vĩnh Lạc. Căn cứ vào bản hướng dẫn này, phía Trung Quốc đã chuẩn bị cho chiến dịch.
Vào 4:10 chiều ngày 18/1, ba tàu tuần dương của Việt Nam đã lập thành một đội hình nhằm tiến vào chỗ hai tàu săn ngầm số 271 và 274 của Trung Quốc. Hai tàu này nhổ neo và lao tới tăng hết tốc lực chặn đội tàu Việt Nam. Các tàu VNCH vì thế đã quay lại. Vào lúc 7:00 sáng ngày 19/1, hai tàu số 4 và số 5 của VNCH đem hơn 40 binh sỹ đổ bộ vào hai đảo Sâm Hàng (Quang Hòa) và Quang Kim (Quang Hòa Tây). Sau cuộc đổ bộ, hai bên bắt đầu đọ súng.
Một binh sỹ VNCH bị bắn chết, ba người khác bị thương. Chừng 10:22 sáng, bốn tàu Việt Nam bắn vào tàu Trung Quốc, phía Trung Quốc bắn trả. Trong loạt đạn đầu tiên, phía Trung Quốc bắn hỏng ăng-ten cho radar trên tàu số 4 của VNCH. Tàu VNCH số 16 cũng bị tàu chống ngư lôi của Trung Quốc bắn trúng và phải rời khu vực. Các tàu Trung Quốc sau đó tập trung hỏa lực và tàu số 10 của Việt Nam.
Sau khi chiến đấu được 1 giờ 37 phút, các tàu Việt Nam để lại chiến hạm số 10 bị hư hỏng nặng. Tàu này tìm cách bơi đến bãi Linh Dương như không được. Hai tàu số 281 và 282 của Trung Quốc đã bắn chìm nó. Cùng thời gian, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa đã báo cáo lên Mao Trạch Đông và đề nghị Trung Quốc chiếm nốt các đảo do Nam Việt Nam kiểm soát và Mao đã đồng ý. Sau trận hải chiến thành công ngoài biển, quân đội Trung Quốc đã đổ bộ xuống Cam Tuyền, San Hô (đảo Hoàng Sa), Kim Ngân (Quang Ảnh) và chiếm đóng các đảo này.
Trong trận chiến ‘Bảo vệ Tây Sa’ của Trung Quốc, có 18 binh sỹ Trung Quốc bị giết, 67 bị thương và phía Việt Nam có hơn 100 sỹ quan và binh sỹ bị giết hoặc bị thương, 49 người bị bắt làm tù binh.



Copy từ: BBC

Sẵn sàng chi viện TP.HCM cả trung đoàn cảnh sát


Sẵn sàng chi viện TP.HCM cả trung đoàn cảnh sát


- Nếu TP.HCM đề nghị thêm 1-2 trung đoàn cảnh sát cơ động nữa, Trung ương cũng sẵn sàng ủng hộ để thiết lập lại trật tự, lấy lại niềm tin của người dân - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.



Ngày 28/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Công an và UBND TP.HCM về công tác phòng, chống tội phạm.

Sẽ truy nã tội phạm trên Internet
Báo cáo kết quả một tháng cao điểm trấn áp tội phạm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí khẳng định, tội phạm giảm mạnh. Công an TP đã phá 10 chuyên án, chủ yếu là các chuyên án cướp giật tài sản, triệt phá 89 băng nhóm, bắt 311 tên tội phạm hình sự và thu giữ nhiều vũ khí nguy hiểm: súng đạn, roi điện, mã tấu, bình xịt hơi cay…
“Trước Tết, chúng tôi nghĩ rằng sẽ trấn áp được tội phạm nhưng để duy trì được điều này sau Tết, cần tính toán lại cho phù hợp. Không thể lúc nào cũng căng hết lực lượng ra như hiện nay”, ông Trí nhận định.
Đánh giá cao kết quả một tháng trấn áp tội phạm của TP.HCM, song Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, thành phố không được chủ quan, cần đề cao cảnh giác trước các loại tội phạm. “Một khi chúng ta lơ là thì tội phạm sẽ hoạt động trở lại”, ông Vương nhận định. 


Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương: TP.HCM cần kiểm tra gắt gao nhà hàng, vũ trường...

Theo Thứ trưởng, về lâu dài, TP.HCM cần phát huy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để người dân vào cuộc trấn áp tội phạm. Ông cũng đề nghị TP.HCM đẩy mạnh mô hình săn bắt cướp vì đây là mô hình rất hiệu quả.
Ông Vương cũng đề nghị Công an TP.HCM tập trung đánh mạnh vào các băng ổ nhóm, nhất là các băng hoạt động ở vùng giáp ranh như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh… “Các đồng chí đừng đổ lỗi rằng, đánh mạnh ở TP.HCM thì tội phạm chạy về Bình Dương. Nếu Bình Dương, Bình Phước cũng đánh mạnh, tội phạm chạy đi đâu được?”.
Ngoài ra, báo cáo với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Vương cũng cho biết, để giải quyết đối tượng truy nã tại TP.HCM và cả nước, ông đã đề xuất với Bộ trưởng Trần Đại Quang và đã được đồng ý, tới đây Bộ Công an sẽ công khai đối tượng truy nã lên Internet.
Thứ trưởng cũng đề nghị TP.HCM cần kiểm tra gắt gao các cơ sở kinh doanh có điều kiện như nhà hàng, vũ trường, quán bar, khách sạn…
Nhiều đại biểu khác cho rằng, trấn áp tội phạm không nên đơn độc mà phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh thành, các vùng trong cả nước.

Chống bảo kê, bao che
Trước các ý kiến này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã có nhiều văn bản chỉ đạo trấn áp tội phạm vì đây là vấn đề nóng của cả nước, nếu không làm tốt sẽ mất lòng tin của người dân.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tăng cường chống bảo kê, bao che các loại tội phạm

“Người dân nói kinh tế có thể yếu kém nhưng yêu cầu của của họ là cuộc sống bình an, yêu cầu này rất cấp bách nên chúng ta phải làm vì giờ ra đường là sợ tai nạn giao thông, sợ cướp giật, sợ đe dọa tính mạng, sợ trộm cắp. Chúng ta có đủ khả năng và đủ lực lượng đề làm điều này. TP.HCM phải tiếp tục ngăn chặn tội phạm”, ông Phúc đề nghị.
Theo Phó Thủ tướng, TP.HCM là thành phố lớn, nếu không làm tốt vấn đề này thì sẽ ảnh hưởng đến cả nước. “Việc kiểm tra các tụ điểm là cần thiết. Một giờ đêm rồi còn nhảy nhót lung tung, uống ma túy tổng hợp rồi bia rượu, lái xe lạng lách trên đường gây tai nạn. Ở TP.HCM, không nên để những hình ảnh đó tồn tại”, Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng khẳng định, nếu TP.HCM đề nghị thêm 1-2 trung đoàn cảnh sát cơ động nữa thì TƯ cũng sẵn sàng ủng hộ, để trấn áp mạnh mẽ, liên tục, lấy lại niềm tin của người dân.
TP.HCM phải triệt phá các băng nhóm tội phạm đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cướp giật…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM cần tăng cường dự báo tình hình tội phạm để chủ động đấu tranh, nhân rộng các mô hình phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tăng cường chống bảo kê, bao che các loại tội phạm.
“Công an làm ngơ, công an né tránh, công an bảo kê… không phải là nhiều nhưng chắc chắn là có thì tội phạm mới hoành hoành như thế. Nếu chúng ta cương quyết hơn và siết chặt đội ngũ hơn thì chắc chắn không có điều đó”, ông Phúc nói.
Tá Lâm



Copy từ: VietNamNet

 

AI LÀ TÁC GIẢ CỦA HIỆP ĐỊNH PARIS ?


Khi hiệp định Paris được ký kết, trước đây 40 năm, nhiều người vui mừng, vì ít nhất dân Việt Nam sẽ không chết vì chiến tranh nữa. Nhiều người còn hy vọng đó là một bước rẽ, mở con đường mới cho miền Nam Việt Nam.
Sau cùng, ai cũng biết, đó chỉ là một thủ thuật, dùng trong một giai đoạn, của đảng Cộng Sản Việt Nam trong chương trình chiếm quyền cai trị trên cả nước Việt Nam, với mục đích “đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Nhưng ngay cả nỗi vui mừng vì cảnh chết chóc chấm dứt cũng biến mất. Người Việt Nam trong vài năm tiếp theo không chết vì chiến tranh thường xuyên nữa, nhưng nhiều người vẫn chết vì sau đó cuộc chiến lại tiếp tục. Số quân nhân hai bên bị tử thương trong cuộc tổng tấn công của Cộng Sản năm 1975 cũng lớn gấp nhiều lần so với khi chiến tranh còn tiếp diễn. Số người chết trên đường vượt biển còn lớn hơn số thường dân chết trong một năm chiến tranh. Chưa kể nỗi đau thương của bao nhiêu gia đình bị đẩy đi vùng kinh tế mới hoặc có người bị đi tù cải tạo. Và chiến tranh lại tiếp diễn ở Campuchia với 50 ngàn thanh niên Việt Nam bỏ xác, và ở biên giới Hoa-Việt, mà con số thương vong không bao giờ được công bố.
Số phận của những người dân miền Nam Việt Nam đã được quyết định trước đó nhiều năm. Năm 1968, trong khi đang tranh cử tổng thống Mỹ, ông Richard Nixon đã cho cố vấn là Henri Kissinger đến gặp đại sứ Nga ở Washington đề nghị giới lãnh đạo Nga Xô đừng làm trò gì ảnh hưởng đến cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Kissinger trình bày trước lập trường của ông chủ mình về bang giao Nga-Mỹ; trong đó ông ta đặc biệt nhấn mạnh: Nếu đắc cử, ông Nixon sẽ rút quân khỏi Việt Nam; sau đó chế độ chính trị ở miền Nam ra sao không quan trọng, dù có một chính quyền Cộng Sản. Ðiều này, ông Kissinger còn lập lại khi đến thăm Ðại Sứ Anatoly Dobrynin sau khi ông Nixon thắng và chưa tuyên thệ nhậm chức.
Hiệp định Paris cũng chỉ là một văn kiện để giúp Tổng Thống Richard Nixon rút quân ra khỏi Việt Nam một cách chính thức, nghĩa là vẫn giữ được thể diện. Năm 1972 nước Mỹ bầu tổng thống, và ông Richard Nixon cần tái đắc cử, nhờ thành tích chấm dứt cuộc chiến tranh quá dài mà dân Mỹ bắt đầu thấy chán. Nixon sai Kissinger thu xếp để tiến tới hiệp định Paris trước khi dân Mỹ bỏ phiếu.
Trong cuộc thu xếp này, Nixon được Mao Trạch Ðông hỗ trợ. Trước năm 1970, Mao rất căm hận Nixon vì ông tổng thống Mỹ chỉ chú ý nói chuyện với Moskva mà không quan tâm đến Bắc Kinh; coi Mao chỉ là một lãnh tụ Cộng Sản hạng nhì. Trong một cuộc chuyện trò với Phạm Văn Ðồng, Mao hỏi: “Tại sao bọn Mỹ không làm rùm beng lên về chuyện có 100,000 quân đội Trung Quốc đang xây dựng đường xe lửa, đường bộ, và phi trường ở Việt Nam, mặc dù chúng biết sự kiện này?” Phạm Văn Ðồng nói vuốt đuôi: “Vì chúng nó sợ!” Nhưng chúng ta cũng biết rằng ngay từ khi chiến tranh bắt đầu, các chính quyền Mỹ đã cam kết với Trung Quốc là họ sẽ không bao giờ gửi quân đội Mỹ và cũng không để cho quân đội miền Nam tiến ra Bắc Việt. Chính quyền Mỹ lờ đi như không biết có quân đội Trung Cộng ở ngoài Bắc, vì nói ra sẽ làm cho bài toán rắc rối hơn, ngay trong khung cảnh chính trị nội bộ của Mỹ. Mao Trạch Ðông còn tỏ ý bất bình, nói với Phạm Văn Ðồng rằng “Tại sao bọn Mỹ chúng nó lại ước tính số binh sĩ Trung Quốc ở Việt Nam ít hơn sự thật như vậy?”
Tháng 11 năm 1970 Chu Ân Lai được lệnh bắn tin qua các nhà ngoại giao Rumania là nếu Nixon muốn thăm Trung Quốc thì sẽ được mời. Nixon bảo Kissinger đừng tỏ ý muốn đi vội vàng quá, cuối tháng 2 Kissinger mới bắn tiếng lại, tỏ ý thân thiện nhưng không nói gì đến việc Nixon có thể sang Tàu. Tháng 3 năm 1971, các cầu thủ bóng bàn Trung Quốc gặp các cầu thủ Mỹ ở Nhật Bản, và khi đi chung một chuyến xe buýt, tay vợt Mỹ Glenn Cowan đã bắt tay nhà vô địch Trung Quốc Trang Tắc Ðống (Zhuang Zédòng), nói muốn sang thăm Trung Quốc. Mao Trạch Ðông đã bắt lấy ý đó, ra lệnh mời các cầu thủ Mỹ qua Tàu! Sau đó, Kissinger đi đêm để chuẩn bị chuyến Nixon sang Tàu năm đầu 1972.
Trong chuyến thăm bí mật năm 1971, Kissinger đã hứa hẹn với Chu Ân Lai rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Trung Quốc các tin tức tình báo về hoạt động của quân Nga ở vùng biên giới Nga-Hoa. Ông cũng cam kết Mỹ sẽ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, mà ông phác họa một thời biểu là trong vòng 12 tháng. Lúc đó là tháng 7 năm 1971, sáu tháng trước khi Mỹ ký hiệp định Paris, mà chính Kissinger cũng không biết chắc là sẽ có một hiệp định hay không. Vì vậy, Kissinger đã nói thẳng với Chu Ân Lai là dù không có thỏa hiệp nào thì chính phủ Nixon cũng đơn phương rút quân, và không bao giờ trở lại Việt Nam nữa, bỏ rơi luôn chính quyền miền Nam Việt Nam. Kissinger nói rõ ràng: “Sau khi hòa bình rồi, người Mỹ chúng tôi sẽ ở xa Việt Nam cả vạn dặm, còn Hà Nội thì vẫn ở đó.” Những chi tiết này được kể lại trong một sách của William Burr, năm 2002 (The Bejing - Washington Back Channel); kể chuyện các chuyến đi bí mật của Kissinger năm 1970, 71; sách này nằm trong tài liệu điện tử của cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA; được thuật lại trong sách MAO, của Jung Chang và Jon Halliday, 2005.
Nixon đã toại nguyện, vì Mao sẵn sàng giúp ông tái đắc cử. Dưới sức ép của Mao, Bắc Việt chịu ký tên vào bản hiệp định Paris. Quân Mỹ rút về “trong danh dự”. Nhưng số phận Nixon lại bị quyết định do một xì căng đan chính ông ta gây ra; khiến ông phải từ chức khi Quốc Hội Mỹ chuẩn bị đàn hạch và truất phế, vào năm 1974. Người thương tiếc Nixon nhất lại là Mao Trạch Ðông. Mao nhắn tin qua bà Imelda Marcos mời Nixon qua chơi. Năm 1975, Mao sai mời con gái Nixon là Julie và chồng qua Tàu, Mao lại nói với cô con bảo nói với bố rằng “Tôi nhớ ông ấy lắm.” Tháng 2 năm 1976, Mao đưa một chiếc máy bay Boeing 707 sang tận Los Angeles đón Nixon qua uống trà; bảy tháng sau thì Mao chết.
Bản hiệp định Paris cuối cùng là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa Nixon và Mao. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không thể làm gì được, khi nước đồng minh lớn nhất đã bỏ rơi. Cộng Sản miền Bắc đã được Moskva và Bắc Kinh báo cho biết trước Mỹ sẽ rút quân, trong khi vũ khí của Nga vẫn đổ sang ngày càng nhiều, họ nắm chắc phần thắng. Nhưng họ vẫn phải đặt bút ký vì Mao Trạch Ðông muốn tặng Nixon một món quà. Cộng Sản miền Bắc cũng cần một thời gian chuẩn bị để đánh một trận chót, cho nên hiệp định Paris cũng là một bước nghỉ chân.
Những người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chắc không ai biết gì về những lời Kissinger đã hứa với Dobrynin hay với Chu Ân Lai. Người dân miền Nam lại càng không biết gì cả. Bao nhiêu chiến sĩ đã bỏ mình trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Bao nhiêu đồng bào tử nạn trên đường vượt biển. Nhắc lại 40 năm hiệp định Paris, chúng ta hãy thắp nhang tưởng nhớ họ, đó là cách kỷ niệm có ý nghĩa nhất. Bài học của một dân tộc nhược tiểu là đừng bao giờ vì các lý thuyết, tư tưởng trừu tượng, ngoại lai mà để đồng bào tàn sát lẫn nhau. Trong cuộc chiến tranh nào, người dân cũng đau khổ.
 Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)
 
 

Copy từ: NV Phạm Viết Đào

Lãnh đạo UBND quận Long Biên “tiền hậu bất nhất”


Vụ ra quyết định trái luật nhằm “phá” nhà dân:

Lãnh đạo UBND quận Long Biên “tiền hậu bất nhất”



Sau khi Thanh tra Q.Long Biên phát hiện hơn 6,7 tỉ đồng bị bồi thường trái pháp luật tại Dự án cải tạo nút giao thông Nguyễn Sơn – Nguyễn Văn Cừ, PV Báo LĐ đã liên lạc với lãnh đạo UBND Q.Long Biên để tìm hiểu việc xử lý sau kết luận thanh tra và tiến độ thực hiện dự án. Ông Đỗ Mạnh Hải - Chủ tịch UBND Q.Long Biên - khẳng định: “Tất cả chờ chỉ đạo của thành phố”.
Công văn “tung hứng” của ông Đỗ Huy Chiến – Phó Chủ tịch quận Long Biên.

Ngược lại với khẳng định của Chủ tịch UBND Q.Long Biên, ngày 30.11.2012 ông Đỗ Huy Chiến - Phó Chủ tịch UBND quận - đã ký QĐ số 5909/QĐ-UBND “về việc phê duyệt phương án hỗ trợ đối với hộ gia đình ông Vũ Dũng Đạt nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án...” (báo LĐ số 289/2012 ngày 10.12.2012 đã có bài phản ánh). Không những thế, ông Đỗ Huy Chiến và ông Nguyễn Văn Đâu - Giám đốc Cty CP cung ứng dịch vụ hàng không (CƯDVHK thuộc TCty Hàng không VN) - những người lẽ ra phải có trách nhiệm chính trong vụ hơn 6,7 tỉ đồng của Nhà nước được đền bù không đúng đối tượng tại lô đất số 77 Nguyễn Sơn - liên tục có CV đi, CV lại xâm phạm đến quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của hộ ông Vũ Dũng Đạt tại 75 Nguyễn Sơn.

Cụ thể, ngày 25.12.2012 Cty CƯDVHK gửi CV đến UBND Q.Long Biên đòi được “bồi thường, hỗ trợ về đất khi giải phóng mặt bằng” ở lô đất 75 Nguyễn Sơn. Ngày 5.1, ông Đỗ Huy Chiến - Phó Chủ tịch quận - ký CV số 40/UBND-GPMB trả lời: “Sau khi kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sử dụng đất tại địa chỉ số 75 Nguyễn Sơn, xác định là đất được Nhà nước giao cho tổ chức không phải nộp tiền sử dụng đất. Như vậy, trường hợp của Cty không được bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất”.

Bằng CV số 40, ông Đỗ Huy Chiến đã tiếp tục sai lầm khi vẫn tự cho mình quyền “phán quyết” thay tòa và vượt thẩm quyền của UBND thành phố. Bên cạnh đó, việc Cty CƯDVHK đòi quyền sử dụng đất đối với lô đất số 75 Nguyễn Sơn cũng trái với khẳng định của TCty Hàng không VN tại CV số 1896 ngày 5.10.2012 do Phó TGĐ Nguyễn Ngọc Trọng ký. Tại CV này, TCty Hàng không VN (cổ đông nắm giữ 52,99% vốn điều lệ của Cty CƯDVHK) đã khẳng định, tại thời điểm cổ phần hóa (31.12.2005) “đã thể hiện rõ quyền quản lý và sử dụng đất, tài sản tại 77 Nguyễn Sơn là của Cty CƯDVHK...”, còn đối với lô số 75 Nguyễn Sơn “Cty không có ý định khiếu nại về đất đai tại 75 Nguyễn Sơn. Vấn đề này sẽ thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Trong khi tổ chức sử dụng đất tại 77 Nguyễn Sơn khẳng định không có khiếu nại với người sử dụng đất tại 75 Nguyễn Sơn, hộ ông Vũ Dũng Đạt tại 75 Nguyễn Sơn cũng khẳng định, không hề có khiếu nại với tổ chức sử dụng đất tại số nhà 77. Vậy câu hỏi đặt ra: Tại sao ông Đỗ Huy Chiến- Phó Chủ tịch lại cố tình đẩy các bên sử dụng đất vào thế khiếu nại nhau, vì mục đích gì?

Liên quan đến sai phạm nghiêm trọng tại dự án cải tạo nút giao thông Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ, cũng như việc ông Đỗ Huy Chiến liên tục cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí, ký QĐ trái pháp luật...  PV Báo LĐ đã làm việc với Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo. Ông Bảo khẳng định: “Quận ủy đã chỉ đạo UBND quận không được để những sai phạm tại dự án Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ trở thành “ung nhọt” của quận”. Về việc kiểm điểm phê và tự phê của ông Đỗ Huy Chiến theo Nghị quyết TƯ 4, ông Vũ Đức Bảo cho biết: “Không thể nêu ra, nhưng chúng tôi có hồ sơ lưu bản tự kiểm điểm, thứ hai là có biên bản của thường vụ đóng góp ý kiến, thứ ba là có tổ công tác của Thành ủy theo dõi, kiểm soát đánh giá tình hình. Chúng tôi thực hiện đầy đủ quy trình theo Nghị quyết TƯ 4”.



Copy từ: Lao Động

“VOV” và các Sử “da” Chém gió


Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - “…Bởi họ chỉ có “bộ da” bên ngoài là Sử, còn bên trong thay cho ruột, gan, tim, óc, là búa liềm rỉ sét…” 
Khi bàn thảo mổ xẻ một sự việc liên quan đến lịch sử, các sử gia khuyên rằng: “…nhất thiết người trong cuộc, ngoài cái “tầm” còn cần phải có cái “tâm” trong sáng và trái tim lạnh lùng …” 
Cụ thể hơn: Nếu có một lời thề chung cho các nhà sử học thì đó chính là: “Sự Trung thực và lòng dũng cảm”. (GS.Lịch Sử / Đại Học Quốc Gia – Trần Quốc Vượng) 
Tuy nhiên, những điều tưởng như là “sinh tử” của một Sử Gia ấy lại không thấy có trong “trái tim” của một loạt các “VIP” mô phạm, chuyên viên, chuyên ngành có liên quan ít nhiều đến lịch sử: 
PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, 
GS, NGND Vũ Dương Ninh, nguyên CN/khoa Quốc tế học, Đại học KHXHNV, Đại học Quốc gia Hà Nội, 
Ô.Phan Doãn Nam, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên chuyên viên vụ I 
Ô.Phạm Ngạc, nguyên Đại sứ, nguyên chuyên viên đoàn đàm phán 
Ô.Lưu Văn Lợi – nhà ngoại giao, cố vấn của ông Lê Đức Thọ 
Ô.Vũ Dương Huân, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao... 
Trong chương trình của một cuộc tọa đàm phát thanh do Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, diễn ra từ 7h–13h30 ngày 27/1/2013. Tại phòng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam (VOV online). 
Đây các vị Sử “da” dự tọa đàm 
Ngay như cái tiêu đề hợm hĩnh buồn cười, giống với tư duy “háo thắng kệch cỡm” của trẻ thơ, hiếm thấy quốc gia nào trên thế giới xử dụng: “Phát thanh đặc biệt: Đỉnh cao thắng lợi ngoại giao Việt Nam” Thì tự nó như một “cái tát” vào mặt các sử gia và đồng bào nhân dân Việt Nam rồi, bởi không khó lắm để công luận trong và ngoài nước chứng kiến. Trước khi có cái Hiệp Định Paris này, dù còn phân chia Bắc Nam nhưng giang sơn Việt Nam của cha ông vẫn còn nguyên vẹn từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, nhưng sau khi ký, trực tiếp hay gián tiếp Hiệp Định này nó mang lại hậu quả nhản tiền, gần 1000 km2 đất trời Bắc biên giới, (tương đương một tỉnh, thành phố) Ải Nam Quan, quần đảo Hoàng Sa, GạcMa lọt vào tay CS Trung Quốc, nguy hiểm hơn, do chủ trương của “đảng ta” dùng Hiệp Định Paris đẩy cho bằng được “Mỹ Cút” như lấy máu xương nhân dân Việt Nam dọn đường cho CS Trung Quốc nhảy vào lấp khoản trống của Mỹ để lại trên biển Đông (trước đó do hải và không quân Mỹ–Việt (VNCH) tuần tra phối hợp canh giữ bảo vệ chủ quyền suốt 20 năm) CS Trung Quốc một mình một cõi tự do tung hoành thè cái lưỡi bò 9 đoạn đòi liếm hết 80% diện tích và các nhóm đảo trên biển Đông, thành lập TP Tam Sa trên đảo Hoàng Sa (của VN) để giám sát toàn vùng mà lãnh đạo chóp bu CSVN đứng nhìn “lực bất tòng tâm” thì chúng ta nên gọi đó là: Ấu trĩ của “hạ cấp” hay đỉnh cao thắng lợi ngoại giao Việt Nam? Hoàn toàn không khó để mọi người nhận diện chỉ ra! 
Và củng vì vậy chúng ta nghe những lời này nó cứ như là độc thoại tấu hài: 
“… Hội nghị Paris, cuộc đấu trí thể hiện bản lĩnh kiên cường, thông minh, sáng tạo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam với một nền ngoại giao nhà nghề, sừng sỏ” (VOV. Online). 
Vâng! Rất nhà nghề và sừng sỏ thông minh sáng tạo (nhân dân đồng bào đừng cười) Từ một đất nước nguyên vẹn, toàn bộ biển Đông, Hoàng Sa, Trương Sa được anh em miền Nam bảo vệ chu đáo ngư dân tự do thoải mái sinh sống, thì thoát một cái qua Hiệp Định Paris với nền “ngoại giao nhà nghề, sừng sỏ” của CSVN nó biến thành “bi đát” với hiện trạng như nói trên 40 năm sau Hiệp Định Việt Nam đang là quốc gia có số dân nghèo gần đứng đầu Asean (sau Campuchia – 2011), nghe họ nói mà cứ như là tiếng “ẳng ẳng, gâu gâu”! Bởi chỉ có ẳng ẳng mới không biết liêm sĩ là gì? 
Thính giả cả nước cũng rất ngạc nhiên, tọa đàm về một Hiệp Định, nhưng gần 7 giờ đồng hồ không thấy vị sử “da” nào trên diễn đàn hay đơn vị tổ chức phổ biến đầy đủ 23 chương hay 9 điều khoản trong nội dung chủ yếu của Hiệp Định Paris? Họ rất ngán ngại, như toa rập cùng nhau không phổ biến, Đơn giản, vì đối chiếu các điều khoản của Hiệp Định – CS BắcViệt và tay sai là MTGP/MN sau khi ký, gần như không hề tuân thủ bất cứ điều khoản nào trong Hiệp Định này, cụ thể chương IV và 3 điều khoản chính: 9 – 10 – 15 (photo từ bản gốc tiếng Việt của văn bản Hiệp Định Pris). Tất nhiên, hơn ai hết CSVN thừa mứa các văn bản này, nhưng hơn 30 năm họ không muốn trưng ra với nhân dân mình, vì sao? thì hôm nay toàn dân ta cũng đã hiểu bản chất của CSVN rồi! 
4 thành viên viên trong Hiệp Định và ngoại trưởng 8 quốc gia bảo trợ quốc tế đều ký xác nhận vào Hiệp Định này tại Paris. 
1–Ngoại–trưởng Hoa Kỳ: William P. Rogers 
2/ Ngoại–trưởng Pháp: Maurice Schumann 
3/ Bà Nguyễn Thị Bình: đại diện MT/GP/MN 
4/ Ngoại–trưởng Hung–ga–ri: Janos Peter 
5/ Ngoại–trưởng Indonesia: Adam Malik 
6/ Ngoại–trưởng Ba Lan: Stefan Olszowki 
7/ Ngoại–trưởng CS Bắc Việt: – Nguyễn Duy Trinh 
8/ Ngoại–trưởng Anh: Alec Douglas–Home 
9/ Ngoại–trưởng VNCH: Trần Văn Lắm 
10/ Ngoại–trưởng Liên Xô: Andrei A. Gromyko 
11/ Ngoại–trưởng Canada: Mitchell Sharp ký nhân danh Canada
12/ Ngoại–trưởng Trung Quốc: Chi Peng–fei (Cơ Bằng–phi) 
Chữ ký của CS Bắc Việt và MTGPMN trong HĐ Paris 
Đọc những dòng sau đây, chúng ta nghĩ là họ, những người có học vị, nhưng nhân cách của họ có phải là những người có học, có tri thức, biết phân biệt phải trái, đúng sai trong cộng đồng văn minh quốc gia và nhân loại??. 
“…Văn kiện pháp lý quốc tế này (HĐ Paris) là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go nhất, lâu dài nhất, trong lịch sử nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Việc Mỹ phải ký Hiệp định Paris là một thắng lợi to lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam..” (VOV online) 
Họ công nhận Hiệp Định này là một: “Văn kiện pháp lý quốc tế” và người Mỹ đã nghiêm túc thực hiện việc rút quân như cam kết – Ngược lại họ tự xác nhận, đơn phương chà đạp Hiệp Định này với hành vi “đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” bằng vũ trang mà 30/4/1975 hình ảnh chiếc xe tăng CS Bắc Việt ủi cổng dinh Độc Lập tại Sài Gòn là biểu tượng của “nhà nước” một quốc gia đã vứt bỏ “uy tín với quốc tế” vô trách nhiệm, khi xem một “Văn kiện pháp lý quốc tế” mà mình mới ký trước đó với 8 thành viên của 8 quốc gia, quốc tế chứng nhận, chỉ là một mảnh giấy lộn. Trong lịch sử thế giới cân đại, đây là trường hợp thứ 2 sau Hitle phát xít Đức, lấy hành vi “lưu manh, bịp bợm” với bạn bè quốc tế làm phương tiện cho cứu cánh để đạt một mục đích hèn mọn hạ đẳng nhất mà đó chỉ có thể là động cơ phát xuất từ quyền lợi cá nhân hay đảng phái bầy đàn chứ không thể là của toàn dân tộc một quốc gia văn minh trong cộng đồng nhân loại! 
\
Tại buổi tọa đàm – 6 con người, học hàm học vị như thế, nhưng cả 6 cái “mồm” của họ không ai mở ra được để giải thích nỗi vì sao: Từ một con “bồ câu” hòa bình trong Hiệp Định Paris bay ra thì nó lại biến thành một chiếc “chiến xa” từ Bắc vào Nam ủi cổng dinh Độc Lập? Họ cũng không thể giải thích vì sao một miền Bắc cơm độn sắn khoai quanh năm lại cứ “đấu tranh giải phóng miền Nam” đang thừa mứa gạo xuất khẩu? Để hôm nay cả 2 miền Nam Bắc “trai thanh gái lịch” được “đảng ta” khuyến khích xếp hàng tranh nhau đi “ở đợ” cho Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc? Trong đó Đài Loan và Hàn Quốc 2 quốc gia đang chịu chia cắt lãnh thổ với cộng sản nhưng họ “đếch cần” thống nhất hay hiệp định gì sấc, họ chỉ lấy thịnh vượng cho cá nhân, gia đình, và đất nước, đặt lên hàng ưu tiên, “Thống nhất” thì hạ hồi phân giải khi nào thuận lợi trong hòa bình, không thể đánh đổi bằng 5 triệu nhân mạng người dân và thân phận “trâu chậm uống nước đục” lại hao hụt cương thổ của cha ông, rất ngu xuẩn như CSVN. 
“…Hiệp định Paris, mốc son trong hoạt động ngoại giao, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của dân tộc ta..”(VOV.online) Hình như khi nói mắt họ mở, nhưng lại là khiếm thị mù lòa, nói mà không biết ngượng mồm. 
Sau khi có Hiệp Định Paris “mốc son trong hoạt động ngoại giao” Nó biến thành “mốc máu” với hàng trăm ngàn quân dân phía Bắc biên giới và năm mươi ngàn quân dân biên giới Tây Nam 1979 phải hy sinh vì súng đạn của Trung Quốc mà “đảng ta” thì chỉ đạo vinh danh “đại hội toàn quân, toàn dân” nhớ ơn Trung Quốc (2012)?
Nhân dân Việt Nam nhờ “đảng ta” thông minh lãnh đạo “kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước” nên hôm nay mới có cơ hội lũ lượt kéo nhau sang Đài Loan, Hàn Quốc “dạy” cho chúng nó “một bài học” nhờ bọn mày không “thống nhất với cộng sản” nên hôm nay chúng tao mới có quyền “ở đợ, làm vợ hờ” cho bọn mày, bởi không “thống nhất” nên bọn mày mới có thu nhập 25.000 USD/năm còn chúng tao dù “thống nhất” nhưng chỉ 1.100 USD/năm thì chúng tao mới “có quyền” rữa chén bát trong nhà bếp có máy lạnh của bọn mày, thưa Lục vị sử “da” có chính xác như vậy không ạ?. 
Trong toàn thời gian 7 giờ tọa đàm cái cụm từ “chống Mỹ xâm lược” lục vị sử “da” dùng hơi bị nhiều: “..các nước không liên kết, nhân dân thế giới và hình thành trên thực tế, mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”(VOV.online) Thưa lục vị sử “da”, như chúng ta đều biết rất rỏ ràng, chính quân đội Mỹ chứ không ai khác góp phần rất lớn đánh bại quân đội phát xít Nhật hùng mạnh số 1 tại châu Á cuối thế chiến II, giải phóng nhiều vùng đất, biển đảo rộng lớn và quốc gia khỏi tay quân phiệt Nhật như: Indonesia, Philippines, đảo Đài Loan, Hàn Quốc…v.v… và chiếm đóng lãnh thổ Nhật, quốc gia chiến bại. Đến tận ngày hôm nay xin lục vị sử “da” vui lòng chỉ ra giùm có nơi nào bị quân Mỹ “xâm lược”? Và hiện tại người dân Nhật và Hàn Quốc vui lòng chi trả quân phí hàng tỷ đôla/năm để “níu chân” hàng trăm ngàn quân Mỹ ở lại nước mình vì an ninh quốc gia, Hàn – Nhật 2 quốc gia “giàu có, màu mở” hơn Việt Nam hàng ngàn lần mà Mỹ nó không màng tới “xâm lược” thì nó xâm lược Nam Bắc Việt Nam để nó hốt “phân bắc, phân chuồng” về Mỹ à?? Thời điểm “nói sạo” tuyên truyền “lên giây cót” với nhân dân nó thuộc về quá khứ xa lắm rồi lục vị sử “da” ạ! Ngậm máu phun người chỉ tổ dơ mồm mình thôi! 
Nghe cái quan điểm của lục vị và “VOV” mà “buồn nôn”: Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa.” (VOV.online). 
Cái “đại nghĩa và chính nghĩa” quí vị rêu rao nó vĩ đại cao cả bao la đi sâu vào lòng nhân dân nhiều lắm, nhiều tới độ “không có lấy một người dân” nào nỗi dậy trong hơn 20 thành phố miền Nam để hiệp đồng cùng 200.000 quân CS Bắc Việt, sinh Bắc tử Nam phơi thây trong tết Mậu Thân 1968. 
Dù điều khoản 3 Hiệp định Paris qui định: Tất cả tù binh chiến tranh của các bên sẽ được trao trả không điều kiện trong vòng 60 ngày. Các tù nhân chính trị sẽ được trả tự do sau đó theo thoả thuận chi tiết của các phía Việt Nam.

Thì “ Chí nhân thay cho cường bạo” như thế này! Mời lục vị và “VOV” nhìn: 

Tù nhân sĩ quan miền Nam “Chí nhân thay cho cường bạo” của CSVN nó như thế này. 
Tàn cuộc nội chiến, tất cả anh em trong quân đội miền Nam đã giã từ vũ khí về sum họp với gia đình, nhưng vẫn không thoát khỏi bàn tay tàn bạo của CSVN “Với người còn sống” – Bất chấp điều khoản của Hiệp Định Paris.CS Bắc Việt tập trung tù đày giết hại 1/3 trong gần nữa triệu các sĩ quan công chức miền Nam, phần đông nếu còn sống phải từ 10 năm trở lên. 
“Với người đã chết” CSVN cho quân đội canh giữ như giam cầm (không cho thân nhân chăm sóc mộ phần) hàng chục ngàn nắm xương tàn binh sĩ miền Nam trong nghĩa trang quân đội suốt 20 năm từ 1975–1995 Những người lính ấy chưa bao giờ đặt chân ra phía Bắc gây nợ máu xương với đồng bào mình? (như CS Bắc Việt vượt tuyến vào Nam gây chiến tranh) một hành vi thù hằn hạ cấp, mất nhân cách, phi đạo lý, ngay cả với những ngôi mộ vô tri?? một hành vi “bỉ ổi” chưa bao giờ có tiền lệ của một dân tộc trọng nhân ái lễ nghĩa như VN (năm 1995 cựu CT/Nước Nguyễn Minh Triết công du Hoa Kỳ có nhắn gửi cho bà con Việt kiều: “Bây giờ nhà nước ta cho phép bà con về nước tự do săn sóc tu bổ mộ phần thân nhân”?). Liệu tổng hợp tất cả các hành vi phi đạo lý ấy thì đồng bào nhân dân ta có thể nói: Trời không dung đất không tha được chưa? 
Và lục vị sử “da” qua bài viết này có thấy, khi bàn thảo mổ xẻ một sự việc liên quan đến lịch sử, các sử gia chính thống khuyên rằng: “…nhất thiết người trong cuộc, ngoài cái “tầm” còn cần phải có cái “tâm” trong sáng và trái tim lạnh lùng” Bởi nếu không, hàng triệu oan hồn đồng bào chúng ta đang chờ quí vị dưới “tuyền đài” mà ai thì củng chỉ có một lần sinh ra và một lần để chết. 
Huỳnh Thục Vy
 
 

Copy từ: Dân Làm Báo