Đọc thêm:
Thị trường chứng minh: BĐS bắt đầu đổ vỡ
(ĐVO)
- Hàng loạt các doanh nghiệp BĐS phá sản, hàng loạt các ông chủ phải
vào tù. Kéo theo đó là tiền bạc của biết bao người đứng trước nguy cơ
mất trắng. Dường như, tất cả đều diễn ra đúng như kịch bản mà Phó Giám
đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đã từng dự báo: đổ vỡ BĐS chỉ mới bắt đầu.
Chỉ còn nhân viên và chó
Từ ngày 26 đến ngày 28/7/2013, hàng
chục khách hàng, theo hứa hẹn của ông Edward Chi (Tổng Giám đốc Công ty
Cổ phần Đầu tư Minh Việt - chủ đầu tư dự án Tricon Tower - Bắc An Khánh,
Hà Nội), đã kéo tới trụ sở tại tòa nhà C1, D6 Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà
Nội) để đòi tiền và bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, khi người dân đến trụ sở
Công ty Minh Việt chỉ còn lại vài con chó với một cô gái nhận là nhân
viên của Công ty Minh Việt đến cho chó ăn.
|
Người dân căng băng rôn tại trụ sở Công ty Minh Việt. |
Theo một cán bộ Công an phường Dịch Vọng, ông chủ của Công ty Minh
Việt là người nước ngoài, họ đã về nước, người dân có bức xúc gì thì gửi
đơn đến cơ quan chức năng.
Được biết một số hộ dân đã ký hợp đồng đóng tiền mua nhà cho Công ty CP Đầu tư Minh Việt từ tháng 11/2009.
Trong hợp đồng mua bán nhà ghi rõ,
Công ty CP Đầu tư Minh Việt sẽ phải giao nhà cho khách hàng vào ngày
31/12/2011, muộn nhất là ngày 30/6/2012. Tuy nhiên đến nay, dự án này
mới chỉ xong phần móng và đã “đắp chiếu” từ nhiều tháng qua.
Trước đó, hàng loạt ông chủ của các
công ty BĐS đã bị bắt vì những sai phạm liên quan đến hợp đồng mua bán
nhà, nhận tiền đặt cọc nhưng không thực hiện cam kết giao nhà đúng hạn
cho người dân.
Mới đây nhất là vụ việc ông Nguyễn
Hoàng Long - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, Chủ
tịch Công ty Vina Megastar, chủ đầu tư của rất nhiều dự án bất động sản
tại Hà Nội đã bị bắt giữ về hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".
Theo đó, để có tiền đầu tư vào các dự
án lớn của Công ty mình, ông Long đã thế chấp các dự án cho các ngân
hàng lớn để vay vốn; đồng thời, huy động hàng trăm tỉ đồng từ khách hàng
trong khi dự án không tiến triển. Khách hàng đầu tư vào dự án này đang
đứng trước nguy cơ mất trắng.
Ngày 28/6/2013, Tòa án Nhân dân tỉnh
Nghệ An đã tuyên phạt Nguyễn Chu Ngọc 16 năm tù giam về tội lừa đảo,
chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Chu Ngọc được biết đến như một đại gia kinh
doanh nhà hàng, bất động sản khét tiếng ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trong thời gian từ tháng 12/2009 đến
tháng 1/2011, Ngọc đã chỉ đạo cho thuộc cấp ở công ty lập hồ sơ vay của
Eximbank Vinh 15,6 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là 5 giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất ở Hà Tĩnh. Trong số này, có 2 sổ đỏ được Ngọc làm giả để đi
vay tiền.
Tháng 9/2011, khi vỡ bong bóng bất
động sản ở thành phố Vinh, Ngọc cũng vỡ nợ và bỏ trốn ra Hà Nội. Cuối
tháng đó, Ngọc bị cảnh sát bắt.
Hay, vào ngày 26/9/2012, Cơ quan cảnh
sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã bắt giữ Trần Ứng Thanh, tổng giám đốc
Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty
Hồng Hà) để điều tra về tội lừa đảo hàng trăm khách hàng chiếm đoạt gần
200 tỉ đồng với danh nghĩa bán căn hộ tại dự án giãn dân phố cổ.
Theo đó, Công ty Hồng Hà được mua 50
căn hộ chung cư và UBND Q.Hoàn Kiếm cũng đồng ý về nguyên tắc cho Công
ty Hồng Hà sử dụng để kinh doanh 15% căn hộ trên tổng dự án mà công ty
bỏ vốn đầu tư. Ngay sau đó, công ty này đã sử dụng các văn bản trên để
rao bán căn hộ tại dự án trên mạng Internet và tại các sàn giao dịch bất
động sản.
Bất động sản chỉ mới bắt đầu đổ vỡ
Đánh giá về tình trạng khó khăn của
BĐS, trước đó ông Nguyễn Văn Đực - Phó GĐ Công ty Địa ốc Đất Lành đã
từng khẳng định: Hiệu ứng BĐS đổ vỡ mới chỉ bắt đầu.
|
Thực tế thị trường BĐS hiện nay đang diễn ra đúng như kịch bản mà ông Nguyễn Văn Đực đã từng dự báo. |
"Nguy cơ đổ vỡ cực kỳ của các DN BĐS lớn là đã có. Rất nhiều DN không
thể hoàn thiện được công trình, thậm chí nhiều chủ đầu tư đã bỏ chạy,
hoặc là họ bán, sang nhượng cho nhiều chủ đầu tư khác.
Một bài toán mà tôi đã nói cách đây 2
năm nay rồi, nhưng nhiều người không nghe và không tin. Ví dụ như một dự
án mà chủ đầu tư chỉ có 200 tỉ thôi, và trong quá trình thi công xây
dựng, người ta vay mượn từ nhiều nguồn gốc đất, hoặc chính nguồn gốc đất
mà đang xây dựng này được thêm một vài trăm tỉ nữa.
Người ta có thể mời nhà thầu thi công
sau đó mua thiếu vật liệu một vài trăm tỉ nữa. Người ta có thể nhận của
khách hàng một vài trăm tỉ. Tổng cộng cái gói đó thành một nồi lẩu thập
cẩm là 600 - 700 tỉ. Nhưng cuối cùng cái nồi này không hình thành được,
không sử dụng được.
Và khi thị trường đóng băng, DN không
có tiền để tiếp tục đầu tư còn người dân thì số mua không nhiều, không
đủ số lượng mua nhiều để đóng tiền. Từ đó dẫn đến ngưng thi công. Có thể
là ngưng 6 tháng, ngưng 2 năm.
Trong thời gian ngưng thì DN vẫn phải
thu xếp một số tiền để trả lãi cho ngân hàng. Rồi đến một lúc nào đó DN
không còn tiền mặt nữa và buông xuôi luôn công trình. Khả năng là ngân
hàng sẽ tịch thu để bán cho người khác hoặc chính DN sẽ bán cho người
khác.
Họ chấp nhận bán lỗ hẳn so với số tiền
ban đầu. Và khổ nhất chính là những khách hàng đã đặt tiền rồi, không
có cách gì lấy được. Mà không lấy được và cũng không có sản phẩm sẽ đi
đến việc kiện tụng rất lớn, mất an ninh, an sinh.
Trong trường hợp này, tôi cũng xin
khuyến cáo là người dân nên liên kết với nhau lại thành một nhóm để đi
khiếu kiện. Để hô to lên cho mọi người biết, để DN không thể bán được
hoặc ngân hàng cũng không phát mãi được.
Tình hình hiện nay là rất, rất nhiều
dự án như vậy. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng lừa đảo. Ban đầu DN không
biết lừa đảo, nhưng đến khi bị như vậy rồi thì bỏ chạy luôn. Đã có một
số DN ở TP. HCM bỏ chạy ra nước ngoài như vậy" - ông Đực cho biết.
Cũng theo ông Đực, cội nguồn của nguy
cơ hàng loạt DN BĐS đổ vỡ chính là vì sản phẩm không bán được, dẫn đến
tìn trạng đóng băng và đưa đến tồn kho một lượng lớn BĐS.
"Đau xót khi thấy một thế hệ doanh
nhân non trẻ đầy nhiệt huyết, tạo dựng được tài sản, góp phần vận hành
đất nước trong một thời gian dài bỗng chốc sụp đổ. Bạn bè có người phải
trốn tránh, tù đày…
Liệu khối doanh nhân có tồn tại nổi
hay không? Nếu tài sản cứ từ từ ra đi, một ngày cũng tới phiên mình,
phải buông tay khi đã trải qua chinh chiến dài ngày, chấp nhận bán mình
vì sức tàn lực kiệt, không cạnh tranh nổi với những tài phiệt mới.
Mỗi người một cảnh, nhiều đại gia bất
động sản khá tên tuổi cũng đi vào chung cư ở, mà thực chất không biết
căn hộ ấy có phải của ông ta không nữa. Như thế còn hơn phải lừa đảo,
phạm pháp.
Nhưng không phải lúc nào tài sản cũng
bán được, dự án bồi thường dở dang, xây dựng dở dang bán không ai mua,
lúc ấy thì điên đầu. Trong hội thảo “Gặp bão và vượt bão”, tôi đã đưa ra
kế sách “Tẩu thế nào để tránh tổn hại”
Làm sao doanh nhân Việt Nam có thể
chống đỡ lại doanh nhân nước ngoài, giới tài phiệt lớn? Sau cơn sóng
thần, không ai không thiệt hại, kể cả người dân. Điều tôi lo nhất là
doanh nhân không gượng dậy nổi sau cơn hồng thuỷ này" - Ông Đực tâm sự.
Duyên Duyên
Copy từ: Đất Việt