CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Quan Y tế chơi chữ: NGUYÊN NHÂN do sốc phản vệ chưa rõ NGUYÊN NHÂN.

Trong khi mọi người nóng ruột muốn biết nguyên nhân ba đứa trẻ chết sau khi tiêm vaccinlà gì,  thì quan Y tế phán: Nguyên nhân do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Có nghĩa là nguyên nhân chưa rõ nguyển nhân, còn sốc thì ai mà chẳng biết! Trả lời như thế thì vạch đầu gối ra hỏi có lẽ đỡ tức.

3 trẻ tử vong sau tiêm: Do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân

Dân Việt - Nguyên nhân 3 trẻ tử vong là do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân và đề nghị gửi vaccin, mẫu nghiệm đến phòng thí nghiệm quốc gia, quốc tế để xét nghiệm kiểm định chất lượng vaccin và các chất lạ.

Chiều 22.7, đoàn cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur Nha Trang đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện huyện Hướng Hóa... về nguyên nhân cái chết của 3 trẻ em sau khi tiêm vaccin viêm gan B.

Bảo quản, quản lý vaccin không đúng quy định
Sau hơn 3 giờ họp kín, hội đồng thảo luận đã đưa ra kết luận ban đầu như sau: Đây là chùm ca bệnh. Cả 3 ca tử vong về lâm sàng đều diễn biến rất nhanh, giống nhau về triệu chứng, tím tái, khó thở, lịm đi trong vòng 10 phút sau tiêm, kết quả đại thể có biểu hiện xuất tiết, xung huyết, xuất huyết đa phủ tạng (phổi, tim, gan, thận lách, não, màng ruột).

 Hội đồng công bố kết luận nguyên nhân ban đầu về cái chết của 3 trẻ sơ sinh.
Hội đồng công bố kết luận nguyên nhân ban đầu về cái chết của 3 trẻ sơ sinh.

Theo hội đồng này, các thành viên chưa nghĩ đến trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ vì tiền sử thai nghén của các sản phụ bình thường, đẻ thường, trẻ khỏe mạnh, bú tốt, cân nặng 2,8 - 3,1kg.

Cũng ít nghĩ đến nguyên nhân do vaccin vì trên toàn quốc có khoảng 600.000 liều thuộc 2 lô có mã V - GB 020812E và V - GB 030812E do Công ty Vaccin và Sinh phẩm y tế số 1 sản xuất hoặc đóng gói đã sử dụng mà không có báo cáo về một trường hợp phản ứng nào.

Vaccin được kiểm định có giấy phép xuất xưởng của Viện Kiểm định quốc gia vaccin và Sinh phẩm y tế, nhưng trường hợp 3 trẻ tử vong được tiêm vaccin lấy ở 2 lô khác nhau nên vẫn không loại trừ nguyên nhân là do vaccin.

Về dịch vụ tiêm chủng tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, hội đồng nhận định, việc bảo quản vaccin chưa đúng quy định vì bệnh viện để vaccin cùng sinh phẩm khác; không ghi chép quản lý vaccin hàng ngày, không lưu vỏ, lọ theo quy định, không triển khai tiêm vaccin tại phòng tiêm riêng mà tiêm ở phòng bệnh. Hội đồng cũng kết luận, ít nghĩ đến lỗi dịch vụ tiêm chủng, tuy nhiên cũng không loại trừ.

Cuối cùng, hội đồng làm việc kết luận nguyên nhân 3 trẻ tử vong là do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân và đề nghị gửi vaccin, mẫu nghiệm (máu, mô phổi, não, gan, thận, tim) đến phòng thí nghiệm quốc gia, quốc tế để xét nghiệm kiểm định chất lượng vaccin và các chất lạ có trong mẫu nghiệm.

Sau cuộc làm việc, ông Trần Văn Thành - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, theo quy định thì phải tiêm vaccin ở phòng riêng, nhưng việc đến phòng bệnh để tiêm cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ.

Trước câu hỏi trong sáng 20.7, tại bệnh viện có xảy ra mất điện, tủ lạnh bảo quản vaccin không có điện, ông Thành khẳng định: “Việc mất điện không ảnh hưởng gì đến chất lượng vaccin vì với nhiệt độ 35 độ C có thể bảo quản vaccin 4 tuần và với 45 độ C thì có thể bảo quản trong vòng vài ngày”.

Về vấn đề có chất lạ trong vaccin, ông Thành cho rằng ít có khả năng xảy ra nhưng cũng không loại trừ.

Tìm hiểu nhiều khâu


Sáng qua, đoàn cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur Nha Trang đã có mặt tại bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa để tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân vụ việc. T.S Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư đã đề nghị làm rõ 3 vấn đề: Chất lượng vaccin; Quy trình tiêm chủng vaccin tại bệnh viện; Tiếp cận lâm sàng, toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhi.

Đoàn đã chia ra 3 nhóm để làm rõ những vấn đề trên. Đoàn cũng tiếp xúc với bác sĩ Lê Thị Kim Phượng và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hải Thuận (nằm trong phiên trực ngày 20.7) cùng các y bác sĩ có trách nhiệm tiêm chủng, đồng thời tiếp xúc, tìm hiểu toàn bộ số ca được tiêm vaccin tại Bệnh viên huyện Hướng Hóa để tìm ra nguyên nhân vụ việc.

TS Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh: “Đây là vụ việc nghiêm trọng, xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn nên cần phải tìm ra nguyên căn sự việc để lấy lại niềm tin cho người dân, tránh gây hoang mang dư luận”.


Copy từ: Dân Việt

Ngạc nhiên với bà Bộ trưởng Bộ y tế

Đào Tuấn: Vaccine tốt. Bảo quản tốt. Tiêm tốt…Tất cả đều tốt. Tất cả đều đúng. Chỉ có một điều không tốt đó là 3 cái chết oan ức của những đứa bé vô tội. Bạn nghĩ gì?..
Theo HDTG, bộ trưởng Tiến nên cuối đầu nhận lỗi với các gia đình nạn nhân và từ chức ngay. May ra còn ít thể diện với bà con hàng xóm nơi bà sinh sống khi nghỉ việc.
Sao Hồng
Nỗi đau mất con của anh Nguyễn Đình Đạo
Nỗi đau mất con của anh Nguyễn Đình Đạo
Khi mình đang viết những dòng này thì được tin có thêm một bé sơ sinh tiêm vắc-xin VGB ở Tuy Phong, Bình Thuận tử vong.
Bé là con của sản phụ Võ Thị Thúy (27 tuổi, ở KP.4, thị trấn Liên Hương, H.Tuy Phong, Bình Thuận) vào Bệnh viện Tuy Phong để sinh con. Bé gái ra đời lúc 6 giờ sáng 21.7. Cho đến 10 giờ sáng cùng ngày, các y tá đã tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh viêm gan B cho cháu bé. Đến 23 giời thì tử vong.

Liên tục các bé sơ sinh chưa tròn một ngày tuổi tử vong do sốc quá mẫn sau tiêm vắc-xin ngừa Viêm gan B làm rúng động dư luận.
Rúng động vì đay là không phải lần đầu. Liên tiếp những ca tai biến tử vong sau tiêm chủng từ đầu năm đến nay đặt ra câu hỏi: Điều gì đang xản ra với ngành Y tế và bà Bộ trưởng ?
7 tháng, 2013 có 9 bé từ 01 ngày tuổi đến 4 tháng tuổi tử vong. Đừng nói là “tỷ lệ cho phép”; rằng là “vắc-xin vẫn an toàn”,… Mạng sống của con người đều quý như nhau và không có gì có thể đánh đổi. 

Càng sốc hơn khi biết rằng, cùng thời điểm đó, bà Bộ trưởng, vị “tư lệnh ngành” đang có mặt ở địa phương mà né tránh báo chí và không trực tiếp đến xin lỗi gia đình nạn nhân ở Hướng Hóa.
Bây giờ mà có cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hay bãi nhiệm với bà Bộ trưởng, chắc chắn bà sẽ rớt đài. Trong suy nghĩ của cử tri, bà không còn một chút uy tín gì để có thể điều hành một ngành liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người.

Tháng 7 dương lịch là tháng tri ân các liệt sỹ đã ngã xuống vì tổ quốc. Theo lịch làm việc, ngày 20/7/2013, bà Bộ trưởng Bộ Y “bay” vào Quảng Trị để thực hiện chương trình “uống nước nhớ nguồn”. Hoạt động này bao gồm: dự lễ khởi công xây dựng nhà Tháp chuông Nghĩa trang liệt sỹ Gio Linh; dâng hương liệt sỹ tại các nghĩa trang Trương Sơn, Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị.
Sáng ngày 21/7/2013, Bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đang khai… xẻng khởi công xây “Nhà tháp chuông” tại nghĩa trang liệt sỹ Gio Linh, Quảng Trị
Sáng ngày 21/7/2013, Bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đang khai… xẻng khởi công xây “Nhà tháp chuông” tại nghĩa trang liệt sỹ Gio Linh, Quảng Trị

Ngày 20/7, đón bà Bộ trưởng không chỉ có hương hoa và những lời chúc tụng của lãnh đạo địa phương Quảng Trị mà còn có linh hồn bay lên từ 3 xác chết của các cháu bé chưa đến 1 ngày tuổi. Thật là xui xẻo cho bà Bộ trưởng.
Cả 3 cháu đều bị sốc phản vệ và mất trong vòng 30 phút sau mũi tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh. Với tốc độ truyền thông thời @, tin dữ này lan nhanh ngay trong ngày 20 tháng 7. Chắc chắn, khi có mặt tại Quảng Trị, bà Bộ trưởng đã được báo cáo.
Dĩ nhiên, vụ tai biến gây tử vong cho các cháu bé sơ sinh nằm ngoài “chương trình hoạt động tri ân” của Bộ trưởng. Bà cũng sẽ “họp khẩn cấp” với lãnh đạo địa phương và cán bộ dưới quyền để “chỉ đạo thống nhất xử lý vụ việc”, kể cả phát ngôn.
Lịch làm việc của một chính khách cỡ bộ trưởng thường đã lên lịch trước cả tháng. Thậm chí cả quý. Với bà Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thế. Vì thế, ngày hôm sau, 21/7/2013, bà Bộ trưởng cùng với các quan chức địa phương vẫn tiến hành chương trình “tri ân các liệt sỹ” bình thường. 

Các phóng viên, tháng này, cũng đổ xô về Quảng Trị theo các đoàn “tri ân liệt sỹ”. Nhân sự kiện rủi ro, họ cũng bám theo bà Bộ trưởng trong hai ngày qua. Các phóng viên đã chờ sẵn bà Bộ trưởng, vị “tư lệnh ngành Y”, ở Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9.
Sự trùng hợp sự kiện rủi ro này, bà Bộ trưởng cũng chẳng mong. Có thể nó gây sốc cho Bà. Nhưng các phóng viên (và rồi cả dư luận) càng sốc hơn khi bà Bộ trưởng từ chối trả lời các câu hỏi. Bà chỉ cho biết rất buồn trước vụ việc chết người. Rằng đã có GS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện VSDTTW và các cán bộ liên quan “vào cuộc”. 

GS Hiễn là Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng Mở rộng của quốc gia (EPI), dĩ nhiên là phải có mặt rồi. Với bà, đã là chính khách vẫn có những thay đổi đột xuất nếu thấy cần. Tính từ TP Đông Hà, phạm vi đi lại giữa các địa điểm nghĩa trang và thành Cổ dưới 50km. Từ Nghĩa trang quốc gia Đường 9 đến thị trấn Khe Sanh khoảng 50 km. 

Với cương vị “tư lệnh ngành” lại đang “tại ngoại chiến trường” có mất gì vài tiếng đồng hồ để “bay” lên “hiện trường” là Bệnh viện huyện Hướng Hóa, thị trấn Khe Sanh. Đến “hiện trường” để trực tiếp xin lỗi; chia sẻ sự mất mát của người nhà nạn nhân. Thậm chí để động viên cảm thông nhân viện y tế, những người cũng đang bị sốc và chấn động bỡi vụ việc quá thương tâm ngoài ý muốn. Như thế mới thể hiện được trách nhiệm, cái tâm, y đức của người đứng đầu ngành y.

Đầu tháng 7 này, một vụ tai nạn máy bay của Hãng Asiana Airlines (Hàn Quốc) ở San Francisco, Mỹ. Có 2 nạn nhân tử vong là người Trung Quốc. Đích thân Bà Tổng thống Park Geun-hye đã gửi thư chia buồn với lãnh đạo Trung Quốc. Lãnh đạo Hãng Asiana Airlines  đã đến tỉnh Chiết Giang, cúi đầu xin lỗi gia đình nạn nhân và gia đình các học sinh có mặt trên chuyến bay Flight 214. Chưa biết lỗi do đâu và vì sao, nhưng hành động có trách nhiệm của những chính khách và người lãnh đạo như thế đã thể hiện sự văn minh và thấu hiểu nổi đau của con người. 

Còn nhớ, cách đây hơn một tháng, ngày 03/6/2013, bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội 13, ĐBQH Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng bà Bộ trưởng “là thủ lĩnh của ngành và phải chịu toàn bộ trách nhiệm về công việc của ngành, cho nên một lời xin lỗi của Bộ trưởng cũng rất là quan trọng đối với những sai sót của ngành”.

Đó cũng là đòi hỏi của cử tri cả nước. Thiết nghĩ bà Bộ trưởng Bộ Y tế cần phải công khai chịu trách nhiệm cá nhân và xin lỗi trước dư luận về những vụ việc chết người liên tục của ngành Y tế gần đây. Cơ hội đó bà vừa đánh mất hôm ở Nghĩa trang Đường 9 trước các phóng viên báo đài. 

Tự nhận trách nhiệm và xin lỗi dân của một bộ trưởng khó thế sao? Rõ ràng, bà Bộ trưởng Bộ Y tế còn nợ với dân với cử tri cả nước một lời xin lỗi. Hơn thế nữa, bà hãy từ chức nếu có lòng tự trọng và liêm sỹ của một trí thức ! 

tretuvong
Nổi đau mất cháu của 3 gia đình ở Hướng Hóa (Ảnh từ VNN)
vacxin
“Không cho con đi tiêm thì không yên tâm. Cho con đi tiêm càng không yên tâm”. Đây là tâm trạng xã hội chung. 5 ăn 5 thua như vậy thì là tiêm thuốc độc chứ vaccine gì? Đào Tuấn


Copy từ: Hãy Dành Thời Gian

Tự do mở miệng mình để bịt miệng kẻ khác ư?


Chu Mộng Long (bllog Chu Mộng Long)
2
Khoa học không có vùng cấm, dù có thể đối tượng được/ bị cho là rác, là dơ, là nghĩa địa… Điều quan trọng là cách xử lí đối tượng như thế nào.
Văn hóa là đặt những thứ ấy đúng chỗ. Khoa học là xử lí chúng, biến những thứ tưởng vô ích thành hữu ích. Còn bôi nước hoa lên để ngửi là văn hóa – khoa học rởm!
Nếu chủ trương cấm, như cách lí luận của ông Lưu, ông Lê, ông Chinh, ông Thỉnh… thì phải xem lại tư cách lí luận phê bình của các ông này. Ở đất nước mà cái gì cũng cấm như cấm đái, cấm ịa… mới có chuyện dân ta ịa đái tràn lan.
Thay bằng kiểu lí luận học phiệt do cái này sinh ra cái kia mà truy chụp, các ông hãy đề nghị Nhà nước cấm luôn mọi thứ, ví như cấm ăn, cấm uống (vì do có ăn và uống nên mới có ịa và đái), cấm ngủ, cấm ụ (vì do có ngủ và ụ nên mới có mại dâm).
Miệng trên miệng dưới gì đến lúc nên bịt tuốt!
Hữu Thỉnh đang Mở miệng (nguồn Internet)
Hữu Thỉnh đang Mở miệng (nguồn Internet)
Đã thế thì theo tôi, tốt nhất nên cấm tiệt luôn mọi nguồn tri thức, từ sách báo đến internet, vì tất cả những thứ ấy đã sinh ra… mầm nổi loạn??? Từ nay không nói đến chuyện sáng tạo hay lí luận phê bình gì tất. Như Tần Thủy Hoàng bức xúc mà đốt sách chôn Nho vậy! Không hiện đại, hậu hiện đại gì cả, cứ về với cổ trung đại cho xong!
Ông Vũ Hạnh bịa bừa câu nói của Lênin: “Đứng ngoài văn hóa tức là đứng ngoài chính trị” mà không biết rằng chính trị nào sinh ra văn hóa ấy. Con người là sản phẩm văn hóa – xã hội khi nó đã thành người, K.Marx đã khẳng định như thế. Mỗi nền chính trị không sinh ra một mà sinh đôi ra cả hai đứa con: văn hóa chính thốngvăn hóa phi chính thống. Chính trị khôn ngoan tìm cách thỏa hiệp, dung hòa hai đứa con sinh đôi này, nếu không chúng sẽ tranh chấp, đối kháng quyết liệt, như chính lịch sử nhân loại đã chứng minh đầy đủ.
Mà cũng lạ, các ông đòi cấm, cấm và cấm, tức không ai được quyền mở miệng, trừ các ông. Thế mà tự dưng, ông Văn Chinh, sau khi tự do tuôn ra cả mớ lí thuyết mà ông mới lõm bõm lội ven bờ (mà ven bờ thì chỉ có bùn dơ ông Chinh ạ), lại hô hoán lên rằng, “nếu chị Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan coi thơ rác thơ dơ của nhóm Mở Miệng là một thực thể, một đối tượng cần nghiên cứu thì đó là việc của chị, quyền của chị. Nhưng một khi chị biến nó thành luận văn, để quảng bá nó, truyền bá cho nó, truyền bá cho nó một cách hằn học và cưỡng chế tôi rồi nhất thiết coi cái tục cái nhảm nhí của Mở Miệng là trung tâm của văn học tương lai nước nhà thì chị đã trở thành lực cản cho cái mà tôi coi là mỹ cảm và văn học lành mạnh rồi. Như thế là chị xúc phạm/ làm mất tự do quan niệm của tôi rồi”.
Tôi không nghĩ Nhã Thuyên, hay Hội đồng khoa học của luận văn đã quảng bá mà chính bầy đàn các ông như ông Chinh đã ngứa tay, ngứa miệng đánh trống khua chiêng quảng bá cho thiên hạ tụ tập xem và đòi gọt tóc bôi vôi bỏ rọ trôi sông cô gái mà các ông cho là chửa hoang Nhã Thuyên.
Còn trong luận văn nếu có chỗ nào Nhã Thuyên đã “hằn học và cưỡng chế” Văn Chinh, tức bịt mồm, trói tay Văn Chinh để làm trò đồi bại cho thỏa mãn sự sung sướng của riêng chị, mà Văn Chinh gọi là “làm mất tự do”, mất sướng của ông, thì đích thực đó là luận văn chuyên chế, phản động rồi, tệ hơn cả “nổi loạn” hay “chống phá” như các ông truy chụp.
Đã thế thì đề nghị đưa toàn bộ luận văn của Nhã Thuyên lên mạng công khai để mọi người soi xét chứ không nên chơi trò lập hội đồng kín kín hở hở thẩm định trong bóng tối. Nếu có thật Nhã Thuyên đòi tự do mở miệng mà bịt mồm kẻ khác thì ra lệnh bắt ngay!
Các người, cả hai phía, có quyền tự do, nhưng tuyệt đối không được thủ tiêu quyền tự do của kẻ khác! Đến lúc nào đó người ta muốn nghĩ một điều gì cũng sợ thì cái đầu các ông đến lúc cũng lung lay!
Được biết cho đến nay, một bằng chứng là, sau loạt đại bác của các lão Hồng vệ binh cánh hữu nhả đạn tự do, hình như chỉ có lẹt đẹt vài viên đạn bắn trả lén lút từ phía cánh tả. Có lẽ đáng kể hơn cả, trong phía cánh tả ấy, là bài viết sau của Vũ Thị Phương Anh.


Copy từ: Bà Đầm Xòe

Viết nhanh nhân vụ luận văn của ĐTT, hay “Chúa đã bỏ loài người …”



5

Bài viết này của tôi không liên quan trực tiếp đến các vấn đề lý luận của giáo dục học, nhưng liên quan đến những hiện tượng đang diễn ra trong ngành giáo dục, mà theo tôi là đáng được lưu ý và cần được diễn giải trên cơ sở khoa học. Tất nhiên để lý giải nó thì cần có đầy đủ dữ kiện từ những người bên trong, là điều mà hiện nay tôi chưa thể (không thể?) có. Nên entry này tôi chỉ viết nhanh những cảm nhận đầu tiên của mình  liên quan đến sự việc ấy mà thôi, hoàn toàn không có ý định đưa ra những kết luận gì cả.

Số là gần đây trên báo chí có nhắc đến vụ một luận văn thạc sỹ chuyên ngành văn học VN của một thạc sỹ trẻ tên là Đỗ Thị Thoan, được thực hiện ở ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2010 với điểm chấm tuyệt đối là 10/10. Để thực hiện luận văn, ĐTT đã chọn phân tích thơ của nhóm Mở miệng, một nhóm thơ trẻ “ngoài luồng” mà tôi có đọc qua một vài bài thơ nhưng không quan tâm lắm. Thực sự nếu vụ này không được làm ầm lên trên báo thì tôi sẽ chẳng bao giờ biết đến luận văn này hoặc tác giả của nó.

Khi vụ việc được đưa ra lần đầu trên báo Văn nghệ TP HCM cách đây ít lâu thì tôi hoàn toàn không quan tâm và cũng không hiểu tại sao việc đã xong từ 2010 (và đã được các vị lão sư, những người thầy của thầy, đánh giá là rất tốt – thì điểm số đạt được của LV đã khẳng định như thế) – mà mãi đến 3 năm sau mới được tác giả của bài báo lôi ra phân tích với những lời kết án hết sức nặng nề như vậy. Ban đầu tôi nghĩ có lẽ vụ này cũng chỉ là việc các nhà phê bình văn học  đem ra nói cho có chuyện mà nói, vì đời sống văn hóa nghệ thuật của ta không có gì để tranh cãi thì … buồn lắm.

Nhưng không ngờ sau đó vụ này lại được đưa lên những tờ báo đại diện quan trọng cho quan điểm chính trị tư tưởng chính thống và có thể gọi là “chuyên chính” của Đảng và Nhà nước. Ví dụ  như Quân đội nhân dân (có đến mấy bài, và đây là bài gần nhất http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/6/66/66/252973/Default.aspx), Báo Thanh Tra (thử đọc bài cuối này của loạt 3 bài liên quan đến luận văn http://thanhtra.com.vn/ky-cuoi-khong-the-xam-pham-gia-tri-thieng-lieng_t221c8n57577tn.aspx), chứ không chỉ là những tờ báo, trang blog của các văn nghệ sĩ và nhà báo (lề phải) khác.

Rồi gần đây nhất, theo thông tin của báo chí nước ngoài, cụ thể là một bài viết mới đây của đài RFA, thì tôi được biết là chính vì những bài viết phê bình này mà cô thạc sỹ trẻ ĐTT đã bị cắt hợp đồng và không còn được đứng lớp (cô đang dạy theo hợp đồng ở Khoa Văn của ĐHSP nơi cô làm luận văn), còn người thầy hướng dẫn cô thì bị cách chức trưởng khoa. Quả là những hệ quả không ai ngờ được cho những người làm nghề giáo và làm khoa học.

Những thông tin này khiến tôi nhớ lại một buổi nói chuyện gần đây với một số bạn bè thuộc khối ngành nhân văn (ngôn ngữ, văn học, ngoại ngữ vv), gồm một vài giảng viên, dăm ba nghiên cứu viên làm việc trong các viện nghiên cứu, và mấy người học viên cao học. Hôm ấy, những bài báo đầu tiên về luận văn này mới được đưa ra, khiến cho mọi người trong giới ai ai cũng xôn xao bàn luận. Nhưng sự xôn xao đó không phải là về nhóm Mở miệng hoặc cuốn LV của ĐTT, mà là vì những bài viết trên báo chí chính thống đó nặng về lên án dựa trên cảm tính, ném đá hơn là một sự trao đổi, phê bình dựa trên cơ sở lập luận khoa học. Nhiều người cho rằng cách viết như thế khiến cho loạt bài hầu như rất ít giá trị khoa học, chưa bàn đến là kết luận của những bài báo này có đúng hay không.

Điều làm cho tôi nhớ nhất về buổi nói chuyện hôm ấy là sự băn khoăn của một cậu học viên cao học còn khá trẻ, đã nêu đích danh cho tôi hai câu hỏi như sau:

(1) Mục đích của khoa học phải chăng là đi tìm và lý giải các hiện tượng mới (như trường hợp của ĐTT và nhóm Mở miệng), dù cách lý giải đó có thể là chưa hoàn toàn đúng, hay là cứ quanh quẩn mãi với những hiện tượng cũ kỹ đã được nhiều người nghiên cứu và có sẵn những kết luận mà ai cũng biết, để được an toàn và làm vừa lòng những quan điểm thủ cựu; và
(2) Một luận văn thạc sỹ là một công trình khoa học và tác giả của nó là một nhà khoa học, vậy điều quan trọng trong việc thực hiện một công trình phải chăng là có một cơ sở lý thuyết và phương pháp thực hiện phù hợp, hay là gạt qua hết những vấn đề lý luận và phương pháp mà chỉ xem xét những kết luận và lên án nó nếu nó không làm mình vừa lòng? 

Tôi đã lặng im không trả lời, vì tôi biết tất nhiên cậu học viên nọ không cần đến nó. Hai câu hỏi của cậu thực ra là hai câu hỏi tu từ, hỏi tức là đã trả lời. Nhưng cũng chính vì hai câu hỏi ấy mà hôm nay tôi phải tìm đọc lại các tài liệu về lý luận phê bình văn học để có cơ sở xem Đỗ Thị Thoan có thực sự đáng bị phê phán nặng nề như trên báo chí hay không.

Và để cho bài bản, tôi đã đọc lại một tài liệu nhập môn rất căn bản về Lý luận phê bình văn học, cuốn Introduction to Literature, Criticism and Theory (3rd edition, Pearson 2004). Nhân tiện, các bạn có thể vào đây mà lấy về đọc hoặc lưu, vì đây thực sự là một tài liệu quý mà không hiểu ai đó đã đưa lên mạng để mọi người có thể sử dụng miễn phí: http://site.iugaza.edu.ps/ahabeeb/files/2012/02/An_Introduction_to_Literature__Criticism_and_Theory.pdf.)

Toàn bộ cuốn sách đều đáng đọc, tuy nhiên, do vụ ĐTT nên tôi chỉ đọc lại chương về Hậu hiện đại Postmodernism (chương 29), vì qua những gì tôi đọc được trên báo chí thì tôi tin rằng ĐTT đã dựa trên quan điểm hậu hiện đại để phân tích và đưa ra những kết luận trong luận văn của mình về nhóm Mở miệng. Và càng đọc, tôi càng có cơ sở để tin rằng nếu xét theo hai tiêu chí về chất lượng của một nghiên cứu khoa học như đã được cậu học viên cao học của tôi nêu ra ở trên, thì kết quả 10/10 cho Đỗ Thị Thoan có lẽ là xứng đáng, vì:

- LV đã chọn một đề tài mới mẻ (tiêu chí 1),
- LV đã chọn một khung lý thuyết phù hợp để thực hiện phân tích, ở đây là lý thuyết hậu hiện đại (tiêu chí 2). Tất nhiên, vì chưa đọc LV nên tôi không thể bàn thêm được là những phân tích của ĐTT có thực sự logic theo chính khung lý thuyết mà tác giả đã chọn hay không.

Như vậy, theo tôi thì vấn đề cần bàn về LV của ĐTT nên xét theo những tiêu chí khoa học rõ ràng, và kết luận trên cơ sở những tiêu chí đó. Còn việc sử dụng kết quả nghiên cứu trong LV đó, ví dụ cho cho phép phổ biến rộng rãi nội dung của LV hay không, có nên đem áp dụng những quan điểm của tác giả trong việc quản lý văn hóa, nghệ thuật hay chưa thì đó lại là vấn đề khác, vấn đề của các nhà quản lý và các nhà chính trị, không phải là chuyện khoa học.

Tôi nghĩ, hiện nay chúng ta đã mở cửa và hội nhập sâu rộng về nhiều mặt với thế giới, và các nhà khoa học của ta cần phải tiếp cận cũng như có khả năng sử dụng các lý thuyết mới trong các ngành khoa học, trong đó có ngành lý luận văn học. Vì không có lý gì mà chúng ta lại buộc các nhà khoa học chỉ được áp dụng duy nhất một quan điểm, ví dụ quan điểm Mác-xít, để phân tích mọi hiện tượng, khi thế giới đã phát triển nhiều lý thuyết mới để lý giải các hiện tượng đa dạng và phức tạp trong xã hội.

Nếu vì lý do gì đó mà phải buộc mọi người chỉ được theo một quan điểm duy nhất thì có lẽ chúng ta phải xem xét lại rất nhiều chính sách khác nữa: có nên cho phép mọi người đi du học không, có nên thu hút các nhà khoa học trên thế giới đến làm việc với chúng ta hay không, có nên kiểm duyệt mọi thứ sách báo gửi vào VN hay không, có nên cho mọi người tiếp cận Internet và đài phát thanh, truyền hình nước ngoài hay không, và có lẽ, quả thật thế, có nên mở trường đại học để mọi người đi học hay không, hay nên đóng cửa hết các trường đại học và mở ra các công trường, nông trường để mọi người vào đó lao động, như TQ thời cách mạng văn hóa, hoặc Bắc Triều Tiên hiện nay.

Cuối cùng, để mọi người cùng có chung một số thông tin về lý luận hậu hiện đại, xin trích dịch (dịch ý, không dịch từng từ) và tóm tắt ở đây một số điểm quan trọng trong chương sách mà tôi đã đề cập ở trên (hậu hiện đại):

[T]he postmodern appears to welcome and embrace a thinking of itself in terms of multiplicity. It resists the totalizing gesture of a metalanguage, the attempt to describe it as a set of coherent explanatory theories. Rather than trying to explain it in terms of a fixed philosophical position or as a kind of knowledge, we shall instead present a ‘postmodern vocabulary’ in order to suggest its mobile, fragmented and paradoxical nature. (p. 261)

Đặc điểm cốt lõi của trường phái hậu hiện đại là tính “đa diện”; nó không chấp nhận một hệ thống siêu ngôn ngữ để mô tả nó theo bất kỳ một hệ thống lý luận cụ thể nào. Những thuật ngữ được dùng để mô tả nó cho thấy nó là một hệ thống động (mobile), rời rạc (fragmented), và đầy nghịch lý (paradoxical). 

Little and grand narratives
One of the best-known distinctions in the postmodern is that made by Jean- François Lyotard concerning what he calls ‘grand’ narratives and ‘little’ narratives. ‘Grand narratives’ such as Christianity, Marxism, the Enlightenment attempt to provide a framework for everything. Such narratives follow a ‘teleological’ movement towards a time of equality and justice: after the last judgement, the revolution, or the scientific conquest of nature, injustice, unreason and evil will end. 
Lyotard argues that the contemporary ‘worldview’, by contrast, is characterized by ‘little narratives’. Contemporary Western discourse is characteristically unstable, fragmented, dispersed – not a world-view at all. ‘Little narratives’ present local explanations of individual events or phenomena but do not claim to explain everything. Little narratives are fragmentary, non-totalizing and non-teleological. Lyotard claims that, in the West, grand narratives have all but lost their efficacy, that their legitimacy and their powers of legitimation have been dispersed. Legitimation is now plural, local and contingent. No supreme authority – Marx, Hegel or God – can sit in judgement.

Theo Jean-Francois Lyotard, trường phái hậu hiện đại phân biệt rạch ròi giữa “những kế hoạch lớn” và “những câu chuyện vặt”. Những kế hoạch lớn như của Đạo Thiên Chúa, hay của Chủ nghĩa Mác, hoặc của Thời Khai sáng nhắm đến việc đưa ra một khung giải thích cho toàn bộ thế giới. “Những kế hoạch lớn” như vậy tin rằng thế giới này vận động theo một hướng sao cho cuối cùng chúng ta sẽ đạt được sự bình đẳng và công lý: sau cuộc phán xét cuối cùng, hay sau một cuộc cách mạng, hoặc sau sự thành công của khoa học trong việc khám phá thiên nhiên, thì những bất công, sự phi lý và các ác sẽ phải chấm dứt. 

Lyotard lập luận rằng quan điểm đương đại về thế giới thì ngược lại với quan điểm trên, và đặc điểm của nó là “những câu chuyện vặt”. Câu chuyện của thế giới phương tây hiện đại ngày nay thì bất ổn, rời rạc, đứt khúc – hoàn toàn không có một thế giới quan nào cả. “Những câu chuyện vặt” thì vụn vặt, không thể khái quát hóa và không có mục đích. Lyotard khẳng định rằng ở phương Tây giờ đây “những kế hoạch lớn” không còn hiệu nghiệm, và sức mạnh cũng như tính chính danh/hợp pháp của nó hầu như đã mất. Tính hợp pháp/chính danh hiện nay có đặc điểm là đa dạng, đậm màu sắc địa phương hóa, và chỉ có giá trị tạm thời. Không còn Đấng tối cao nào – Marx, hay Hegel, hay Thượng đế – có thể ngồi trên tòa cao mà phán xử được nữa.

Vâng, “không còn Đấng tối cao”. Từ trước năm 1975 nhạc sĩ TCS (hình như thế) cũng đã thốt lên: Chúa đã bỏ loài người …. Chẳng lẽ nền lý luận của chúng ta, những người Mác-xít và vô thần, những người tin vào biện chứng pháp, lại muốn biến Marx hay ai đó thành đấng tối cao mới để ngồi trên tòa cao phán xử hay sao?


Copy từ: Bà Đầm Xòe

Chuyện vacxin của tôi


Công việc của tôi gắn với việc đọc báo hàng ngày. Rất rất nhiều tháng trước, tôi đã đọc thấy trên tờ báo những mẩu tin rời rạc về đám trẻ con chết vì vacxin. Hôm nay 1 bé chết. Ngày mai 2 bé chết. Vài ngày nào đó 2-3-4 bé chết. Mỗi khi ấy, tôi lại nhớ lại tháng năm của mình, những tháng năm đắng nghét trong cổ họng. Có 2 chuyện về vacxin khiến tôi chú ý ngồi đếm những đứa trẻ chết, chúng chết hoài, đứa này chết, đứa kia chết, đây đó chết, kia đó sốc thuốc. 
Chuyện thứ 1: là về tôi
Lúc tôi chưa đầy 1 tuổi, tôi được đưa đi tiêm ngừa bại liệt. Nhà tôi lúc ấy ở trong một xã vùng sâu vùng xa, không có điện. Bố tôi có thói quen mỗi chiều sau khi làm thợ mộc xong lại bế tôi lên, tôi nhảy nhót trên tay bố, dù lúc đó cũng chẳng biết đi. Bố tôi kể, tôi cứ nhún nhún.
Sau khi tiêm ngừa bại liệt, một thời gian ngắn sau đó, bố tôi nhớ lại ông giật mình khi bế tôi mà tôi chỉ nhún 1 chân. Chân kia của tôi teo lại.
Xóm tôi lúc ấy có đến 3 đứa khác cũng bị hệt như tôi.
Nhà tôi là “dân thủy điện” – tức là công nhân về Trị An – xây thủy điện Trị An – xa xôi Sài Gòn và rất khổ. Nhưng bố mẹ tôi không hiểu vì lẽ gì, đã quyết đưa tôi lên Sài Gòn khám. Cùng lúc ấy, 3 đứa kia xóm tôi lên bệnh viện Nhi Đồng ở Đồng Nai khám.
Tôi đã nằm 1 tháng ở bệnh viện Nhi Đồng II, với cái quyết định phải mổ ngay của bác sĩ, với nỗi sợ hãi bơ vơ và không xu dính túi của mẹ, với cả những buổi chiều cha tôi kể chạy lên bờ đập, đứng chờ dân đi gỗ qua cửa bảo vệ “hối lộ” cho vài đồng để có tiền gửi lên Sài Gòn chuẩn bị cho ca mổ của tôi. Người ta nói phải cho tiền bác sĩ mới được chăm sóc tốt. Nhưng khi mẹ tôi nhét phong bì tiền vào túi bác sĩ (ông kể với mẹ tôi ông là cán bộ ngụy), ông đã lôi chiếc phong bì ra, nói với mẹ tôi: “Thôi, mua sữa cho cháu, dân thủy điện nghèo lắm.” – Tôi đã phải phẫu thuật và có 1 vết sẹo 13 mũi kim, đến giờ vẫn là vết sẹo dài đáng chú ý trên đầu gối tôi. Và sau đó là 1 năm dài đằng đẵng mẹ tôi phải gập chân, tập cử động cho tôi. Mẹ kể rằng, cứ 1 lần gập chân là máu lại rỉ ra. Mẹ đau nhưng mẹ luôn luôn phải làm, vì bác sĩ bảo không tập thì chân sẽ hỏng. Mỗi lần tập chân, ba tôi bịt tai chạy lên những nhà hàng xóm khác, ba không chịu được khi thấy chân tôi rỉ máu và tôi gào khóc.
1 năm sau, cái chân bị teo đi của tôi đã to lại, tôi lớn lên bình thường, đã đi rất nhiều và chưa bao giờ cảm thấy vết đau ấy tái phát. Nhưng 3 đứa nhỏ kia thì không đứa nào đi lại được như tôi, chúng lên Sài Gòn quá trễ, sau nhiều lần chữa trị thất bại ở Đồng Nai. Chẳng ai có thể kết tội đó là vì vacxin, nhưng năm ấy, cả 4 đứa như tôi đã cùng đi chích ngừa bại liệt và sau đó là… xém bại liệt. Tôi may mắn hơn 3 người còn lại…. 1 sự may mắn mà đến giờ mỗi khi nhìn vào dáng mẹ, tôi biết bà đã phải mãnh liệt đến mức nào để trải qua hết những thời gian đau khổ đó để chữa lành cho tôi. Hẳn mẹ đã già đi gấp 10 lần trong suốt 1 năm dài bẻ chân tôi và nhìn máu chảy ra giường của tôi.
Tôi không biết vacxin liệu có liên quan gì đến 4 đứa trẻ như chúng tôi….? Không biết.
Chuyện thứ 2: Ở Campuchia
Năm tôi mới bước vào nghề báo, tôi sang Campuchia để viết về bác sĩ Beat Richner, người đã xây dựng lên 5 bệnh viện nhi miễn phí ở Campuchia. Khi tôi đến, ở tất cả các hàng lang bệnh viện đều ngập đầy những đứa trẻ có đầu rất to và ngực gầy trơ xương, mắt vàng và da màu tối om. Ông nói: bệnh lao. Tôi đã nghe ông kể về mầm lao, bệnh lao và loại vacxin oan nghiệt đã được đưa đến nơi này (vacxin ngừa lao loại cũ, loại các nước Phương Tây khuyến cáo không sử dụng nữa, nhưng vẫn được vận chuyển cứu trợ tràn lan đến Campuchia. Loại vacxin đó có thể tạo ra lao kháng thuốc, không chữa được – ông giải thích cho tôi như vậy).
Ở đó, hàng nghìn đứa trẻ nhập viện mỗi ngày, và bệnh viện thậm chí phải cho cha mẹ các em tiền xe khách để cho các em quay lại khám đúng hạn, uống thuốc đúng liều, không thì vô phương cứu chữa.
Ông đã cho tôi 1 quyển sách, viết về những năm tháng ở Campuchia của ông và bệnh lao. Trong đó có những đoạn vô cùng cay đắng, khi ông viết ông có hàng nghìn ca sốt xuất huyết để có thể công bố dịch, như bộ y tế Campuchia nhất định không công bố, vì “ảnh hưởng thể diện” quốc gia. Loại vacxin ngừa lao lỗi thời vẫn được các tổ chức phi chính phủ đổ vào Campuchia để có số báo cáo với các nhà tài trợ, còn bệnh viện của ông thì phải đón nhận những ca em bé chết vô phương vì dùng vacxin nhưng lại bị lao kháng thuốc.
Ông viết về những năm tháng đó trong tuyệt vọng và sự cô đơn.
Khi đi giữa những hành lang bệnh  viện với ông ấy, tôi thấy những ánh mắt trẻ nhỏ lồi lên vì đói khổ, bệnh tật.
Trớ trêu thay, ông phải gồng lên, để đỡ cho cả “dịch sốt xuất huyết” và bệnh lao đã được thanh toán như cách các nhà chức trách Campuchia công bố một cách hùng hồn.
Thật là đau xót….
Vậy đó, ai biết đó là đâu ấy mà…
Khải Đơn


Copy từ: Khải Đơn

Tôi là Điếu Cày

Tháng 7 22, 2013
Từ Linh
22/7/2013, ngày tuyệt thực thứ 30 của tù nhân lương tâm Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải.
1.
Lạy Chúa tôi!
Con không nhận ra bố nữa rồi!
Bố đi không được nữa rồi, ngồi cũng không thẳng lưng được nữa rồi.
Trời đất ơi!
Bố phải lấy hai tay chống cằm cho cái đầu thẳng lên kìa, cho hơi thông lên cổ họng để bố thều thào cho con nghe rằng: bố sẽ tiếp tục tuyệt thực, thà chết, không chịu được bất công.

2.
Chuyện Điếu Cày không chỉ xúc động mà chấn động.
Đó là chuyện của vợ với chồng:
Ba người vợ của ba người chồng tù lương tâm ở cùng trại.
Đó là chị Dương Thị Tân, vợ Điếu Cày (bị kết án 12 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước), lặn lội từ Sài Gòn ra tận Nghệ An đến trại giam hai lần, 16/7 và 20/7, mà không được gặp, chỉ được đội mưa, hắt hủi, rồi lủi thủi ra về.
Đó là chị Nguyễn Thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa (bị kết án 6 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước), đi thăm chồng ngày 17/7 và được chồng thảng thốt báo tin Điếu Cày đã tuyệt thực 25 ngày.
Đó là chị Ngô Thị Lộc, vợ anh Nguyễn Kim Nhàn (bị kết án 5 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước) khi thăm chồng thấy chồng mặt mày bầm tím vì bị đánh đập trù dập.
Nếu đang có những tù nhân lương tâm dự khuyết thì cũng có những người vợ tù dự khuyết. Họ có nhiều điều để học hỏi từ những người vợ tù hiện tại này.
Đó là chuyện của con với cha:
Người con trai Nguyễn Trí Dũng, 27 tuổi, thương bố và biết hành xử, khôn ngoan không bị sập bẫy tuân thủ quản trại. Dũng xin mọi người hãy loan tin, tin dữ, để mọi người biết sự dữ đang đè bẹp sự thật và sự thiện.
Sẽ có nhiều người, kể cả những đại gia, ghen tị với Điếu Cày vì ông có được người con như thế.
Đó là chuyện bạn với bạn:
Người bạn tù Nguyễn Xuân Nghĩa thà chịu bịt miệng, đánh đập chứ nhất định không thể im lặng để Điếu Cày phải chết trong bóng tối bưng bít của tội ác.
Rõ là bạo lực không bẻ được người ngay, và rõ là bạo quyền đã cố tình im để giết.
Đó cũng là chuyện của những người dưng thân thiết:
Đó là Thuy Trang Nguyen, viết comment trên trang Basam, ngày 18/7:
“… Tôi đang làm hết sức mình, kêu gọi những đứa em bên Mỹ vào quảng bá tin tức Điếu Cày ở các nhà thờ Mỹ, xin chữ ký để vận động Nghị sĩ lên tiếng nói. Xin các bạn bên Úc, Pháp, Ba Lan… Hãy cùng nhau giúp một tay vận động cho các giới chức của mình, viết bài đăng lên báo nơi địa phương mình ở, viết blog quảng bá rộng tin tức Điếu Cày đang bị nguy hiểm vì tuyệt thực đã sang ngày 26 rồi. PLEASE PLEASE PLEASE!”
Đó là Muthuhanoi trên trang Basam, ngày 21/7:
“… hãy ra tay cứu vớt một con người có đầy khí phách của một anh hùng dân tộc Việt Nam – Anh Nguyễn Văn Hải tức Điếu Cày […] một người đã vì dân tộc Việt Nam mà bị giam cầm và khủng bố tàn bạo…”
Đó là Lê Bình Nam trên trang Basam, cùng ngày 21/7:
“Chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại chịu cảnh nhục nhã đớn đau như thế này: người dân chống bọn bành trướng xâm lược Đại Hán lại chịu cảnh biệt giam tù đày, bọn tham quan cúi đầu khom lưng thì vênh vang áo mão rượu thơm thảm đỏ.”…
Nhìn thấy những con người có tâm tình chân thật và thống thiết như thế ai lại không thấy tim mình thắt lại, ngực mình đau đau, cần phải hít một hơi, thật sâu.
3.
Điều kỳ diệu là vai trò của những người phụ nữ ở đây.
Bản năng và trực giác của phụ nữ khiến họ phản ứng rất nhanh và chính xác, không cần qua khâu “kiểm dịch” nhiều lúc mất thì giờ của cái đầu lý luận mà các bậc trí thức thường mắc phải.
Nguyễn Huy Thiệp từng tin rằng đất nước này còn ít nhiều tử tế là nhờ tính nữ của những người nữ.
Cũng có thể nói quá lên rằng “phụ nữ sẽ cứu thế giới”, giống như cái đẹp, hay văn hóa, sẽ cứu thế giới, ít nhất là nhanh hơn cái đúng, cái thiện.
Nhưng,
chẳng lẽ chúng ta lại thua kém lòng dũng cảm của người tù Nguyễn Xuân Nghĩa, người đã dám thét lên cho mọi người biết Điếu Cày đang tuyệt thực, dù sau đó là bị bịt miệng, lôi đi, trừng phạt. Chẳng lẽ ở ngoài trại tù, chúng ta lại không thể thét lên cho thế giới nghe điều tương tự?
Chẳng lẽ các đấng mày râu lại cứ kể các phụ nữ một mình lặn lội thân cò giữa cánh đồng chết toàn trị, còn mình thì cứ ung dung đi xơi tái những con cò, những con gà móng đỏ, những con “ghệ”, trên bàn nhậu, trong quán, trong khách sạn đèn mờ mờ?
Xin thêm: Đừng để chế độ toàn trị giúi đầu anh em xuống lỗ đàn bà và chỉ chú trọng đến những gì quanh đó.
Còn lâu toàn trị mới dẹp bỏ mại dâm vì đó là nơi xả xú bắp tuyệt hảo – giống như Bắc Hàn sẽ không bao giờ từ bỏ những event hoành tráng đầy tiếng hát và hoa, để che tiếng súng, tiếng búa, tiếng giết người và tiếng thét la ở ngay sau sân nhà.
Không xả được vào gái, xin lỗi, thì đàn ông dứt khoát sẽ đập, sẽ đá, sẽ đánh và đạp đổ Đảng lúc nào cũng giả vờ cấm đụ! Xin lỗi.
4.
Không phải tình cờ mà báo The Economist gọi nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là Solzhenitsyn của Việt Nam [i] khi ông mất năm 2012.
Nguyễn Chí Thiện đã liều lĩnh chấp nhận tù tội, đọa đầy và cả cái chết để đưa tập thơ 400 bài vào tòa Đại sứ Anh Quốc tại Hà Nội ngày 16/7/1978, cách đây đúng 35 năm và sáu ngày, để thế giới biết đến bóng tối dày đặc của tù ngục cộng sản Việt Nam.
Cũng không phải tình cờ mà từ 1958 đến 1968 Solzhenitsyn đã viết – và sẵn sàng chịu trừng phạt vì viết – Quần đảo Ngục tù để vạch trần trước công luận thực tại nhà tù cộng sản Liên Xô.
Từ 22/6/2013, Điều Cày đã tuyệt thực, đến nay là ngày thứ 30, và sẵn sàng chấp nhận cái chết cho mọi người biết đến sự bất công, vô lý, vô sỉ không thể tưởng tượng được của hệ thống nhà tù cộng sản Việt Nam thời hiện đại.
Có nơi nào không, tội ác và trừng phạt không dính líu gì với nhau. Dù không có tội, người tù vẫn cứ bị trừng phạt!?
Có nơi nào không, cai tù bắt tù nhân nhận tội mình không hề phạm. Không nhận thì bắt biệt giam ba tháng!?
Có nơi nào không, người tù tuyệt thực bị bỏ mặc, sống chết mặc bay; tin về cuộc tuyệt thực bị giấu nhẹm, bị bóp méo, bị bác bỏ; và ai mạnh dạn lên tiếng thay cho bạn tù thì bị bịt miệng, bị trừng trị.
Luật gì thế? Luật của mafia, của bọn cướp của giết người man rợ vô lý vô nhân?
So như thế nhiều khi đã là xúc phạm mafia hay trộm cướp! Trộm cướp nếu xuất phát từ nỗi đau nghèo khó thì vẫn còn tính người đâu đó. Cai tù cộng sản xuất phát từ quyền lực chia nhau. Mà quyền lực tuyệt đối thì làm con người hư hoại đến tuyệt đối!
5.
Đương nhiên, vài trăm tờ báo và nhà đài nhà nước không nói một câu nào!
Nhưng chẳng lẽ 70.000 nhà báo Việt Nam không đọc báo mạng à!?
Chẳng lẽ họ có đọc mà cứ ngậm miệng để ngày mai bình thản đi làm à!?
Chẳng lẽ họ cứ ngậm miệng đi làm và cứ viết những chuyện lăng nhăng nhạt nhẽo theo đơn đặt hàng được chỉ đạo từ trên, còn sự thật đắng ngắt thì lại bị nén chặt trong bụng à!?
Tôi không tin họ mất hẳn lương tri. Họ viết thì biết thế nào là láo và thế nào là thật, như biết thế nào là đúng chính tả và không sai văn phạm.
Hãy tưởng tượng sẽ có một ngày nào đó hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn nhà báo nộp đơn nghỉ việc vì không chịu nổi sự cắn rứt của lương tâm.
Đó sẽ là ngày đại phúc.
Và họ sẽ gia nhập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do!
Cũng vậy, chẳng lẽ hàng triệu đảng viên không đọc báo mạng à!?
Chẳng lẽ họ sợ đọc thì ruột gan ngứa ngáy cắn rứt khó xử nên thôi cứ giả vờ như không hay biết à!?
Tôi không tin họ mất hẳn khả năng suy nghĩ. Đã biết nghĩ thì ắt biết thế nào là ngụy biện mờ đục cong queo, thế nào là thẳng thắn trong veo.
Hãy tưởng tượng một ngày nào đó có hàng chục, hàng trăm rồi hàng ngàn đảng viên ra khỏi Đảng, trả lại huân chương, tiền thưởng, bằng khen… để không thấy nhục vì đồng lõa.
Đó sẽ là ngày đại phúc.
Và họ sẽ trở thành những đảng viên tự do!
Có người bảo “tôi ở trong guồng máy để thay đổi guồng máy từ trong ra ngoài.”
Nói thì dễ. Lưu Hiểu Ba cũng từng viết về hiện tượng này, nhưng ông cho rằng đó chỉ là ngụy biện, là trấn an lương tâm. Rút cuộc, họ chỉ tiếp tục nuôi dưỡng chế độ bằng sự thỏa hiệp, và luôn luôn “cạo gió” lương tâm bằng cách thủ dâm tư tưởng rằng: tôi đang tìm cách thay đổi nó từ bên trong. Thân tôi ở Tào nhưng lòng tôi bên Lưu Bị! Họ cho rằng: càng lên cao tôi càng nhập sâu, càng dễ nối kết trong với ngoài làm cuộc chuyển đổi hòa bình. Chuyển đâu chẳng thấy, chỉ thấy họ giàu thêm và ngày càng có nhiều thành phần trẻ vào Đảng chỉ để vinh thân phì gia.[ii]
Thôi, cho em xin! Hãy thẳng thắn nhìn vào chính mình! Ai làm thật thì chẳng nói. Thằng hay nói thường chẳng làm! Xin lỗi.
6.
Chắc chắn cộng đồng sẽ lên tiếng, sẽ hành động, nhiều hơn những gì đã làm khi Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực.
Vì lần này còn cấp bách hơn rất nhiều:
Cù Huy Hà Vũ kết thúc tuyệt thực vào ngày 21/6, tại Trại giam Số 5, tỉnh Thanh Hóa, thì ngay ngày sau đó, 22/6, Điếu Cày đã bắt đầu cuộc tuyệt thực tại Trại giam Số 6, tỉnh Nghệ An.
Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực 25 ngày và kết thúc, trong khi mọi người chỉ được biết Điếu Cày tuyệt thực khi cuộc tuyệt thực đã bước vào ngày thứ 25!
Có nghĩa là trong 25 ngày trước đó, thay vì được dư luận quốc tế chú ý, Điếu Cày đã tuyệt thực trong âm thầm, thế giới bên ngoài không ai hay biết.
Đến khi mọi người biết thì sức lực anh đã kiệt quệ rồi, đi không được nữa rồi.
Vì vậy cần hành động rất nhanh, để bù lại khoảng thời gian đã mất, và vì sức lực của Điếu Cày đang lụi tàn cũng rất nhanh.
7.
Sẽ rất ý nghĩa nếu chị Nguyễn Thị Dương Hà, vợ người tù lương tâm Cù Huy Hà Vũ, lên tiếng ủng hộ tinh thần và cùng đồng hành với các chị Dương Thị Tân, Nguyễn Thị Nga, Ngô Thị Lộc, và những chị khác có chồng đang bị đọa đầy trong tù vì lương tâm.
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, chị Phạm Thanh Nghiêm, tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm, anh Đỗ Thành Công, cựu thẩm phán Phan Quang Tuệ, chị Trần Khải Thanh Thủy, anh Tưởng Năng Tiến, các anh chị ở Little Saigon, ở Adelaide, Canberra, anh Nguyễn Văn Dũng cùng nhóm viết Tâm Thư của anh Nguyễn Xuân Diện và bằng hữu, các nhân sĩ trí thức của trang Bauxite Việt Nam, rất nhiều tác giả đã viết những bài tâm huyết, đông đảo những anh chị khác tham gia cuộc vận động dư luận bằng nhiều cách ở khắp nơi, từ Úc đến Mỹ, Ba Lan, Tiệp Khắc…, 33 học giả quốc tế gửi thư cho lãnh đạo Việt Nam bày tỏ quan ngại… họ đã là những cá nhân tạo nên cơn sốt truyền thông, kích hoạt hàng loạt những phản ứng dây chuyền, góp phần rất lớn vào kết quả của đợt đấu tranh cho Cù Huy Hà Vũ.
Chúng ta có thể tiếp tục tin vào sự tự phát của những cá nhân khác, và của những nhóm người có cùng mục tiêu, gắn kết chặt chẽ, có kỹ năng, có điều kiện, có tổ chức và có ý tưởng. Đó là những đơn vị phản ứng nhanh, trong khi cộng đồng hải ngoại nói chung sẽ là người hỗ trợ.
Hãy nghĩ “TÔI LÀ ĐIẾU CẦY” để thấy mình là một với anh.
Hãy dành một ngày, ba ngày, một tuần để là Điếu Cày, để sống như Điếu Cày, tuyệt thực như Điếu Cày, bất khuất như Điếu Cày, quyết chí như Điếu Cày cho công lý hiển lộ.
8.
Tôi vào mạng tìm chữ “PR stunts”, và đọc được 100 hình thức PR ngoạn mục trong thế kỷ vừa qua. Từ một số những hình thức tạo dư luận gây sốc và gây sốt này, xin phép có vài tưởng tượng như sau cho cuộc vận động dư luận vì Điếu Cày. Rất nhiều đề nghị là không tưởng, nhưng trong việc sáng tạo không tưởng của người này có thể gợi mở tưởng tượng của người khác và ngọn đèn trên đầu có thể bất ngờ sáng lên:
Sẽ có 30, hay 300, hay 3000 người, xếp thành một hàng dài, ôm bình bát khất thực. Họ đi 70 cây số, từ Nghệ An đến Trại tù Số 6. Lại có 300, hay 3000 người khác cùng đi đường dài tới Nhà Trắng, hoặc đi khất thực quanh Quốc hội các nước Úc, Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan. Họ không xin ăn, họ xin chữ ký. Quần chúng cũng có thể bỏ vào bình bát mỗi người một đồng, để dùng cho những hoạt động kế tiếp khi đoàn người đến đích.
Lại có hàng ngàn người nắm tay nhau đứng bao vây tòa đại sứ hay lãnh sự quán Việt Nam ở Canberra, Sydney, Melbourne, Adelaide, ở San Francisco, Los Angeles, Houston, Paris, Berlin, Praha, Moscow, Bắc Kinh… trong nhiều giờ để lên tiếng cho Điếu Cày…
Những nghệ sĩ tạo hình sẽ làm 300 tượng Điếu Cày cỡ người thật bằng thạch cao hay bằng giấy bồi và mang ra làm một cuộc sắp đặt trước tháp Eiffel ở Paris. (Về vụ này xin nhờ các nghệ sĩ tạo hình và yêu dân chủ như Đỗ Trung Quân, và các nhà phê bình mỹ thuật góp ý.) Cũng có thể dùng tượng “Bịnh” trong bộ Sinh Lão Bịnh Tử của Lê Thành Nhơn – diễn tả một người chỉ còn da bọc xương, xương sườn nhô ra như vòng cung ôm lấy khoảng không ổ bụng – làm biểu tượng chiến dịch “Tôi là Điếu Cày!”
Lại có những triệu phú viết thư gửi chính phủ Mỹ, đồng gửi báo chí thế giới, đề nghị đổi tên Washington DC thành Washington Điếu Cày trong 24 giờ đồng hồ, với số tiền là 1 triệu đô cho mỗi tiếng. Nếu điều đó quá không tưởng, thì 1000 người, 10.000 người hay 100.000 người sẽ “tràn ngập” Washington, mặc áo mang dòng chữ “I AM DIEU CAY” và phổ biến poster có dòng chữ “Washington DC = Washington Dieu Cay”.
Lại có những ngọn đèn không tắt. Mỗi người ủng hộ có thế đóng 1 USD để trang trải chi phí lắp một ngọn đèn, tiền điện, sắp đặt, bảo trì… hàng chục ngàn ngọn đèn sẽ sáng rực hàng đêm, cho tới ngày Điều Cày ngưng tuyệt thực.
Lại có những mạnh thường quân đồng loạt gửi thư đề nghị mua huyệt mộ tại các nghĩa trang dành cho người có công nhất của nhân loại, huyệt mộ này sẽ mang tên Điếu Cày và để dành cho ông nếu chẳng may ông chết vì tuyệt thực.
Những nghệ sĩ vĩ cầm, hồ cầm, đại hồ cầm sẽ mang đàn ra quảng trường ở Vienna, ở Berlin, ở Paris, hay ở giữa Hà Nội (nghệ sĩ Tạ Trí Hải đã từng nhiều lần kéo vĩ cầm xuống đường cùng Hà Nội), tại Saigon, Nghệ An, hoặc ở ngay cổng Trại tù Số 6… như Mischa Maisky đã cầu nguyện bằng nhạc của Bach trong Tổ khúc dành cho hồ cầm, cung Sol trưởng [iii] giữa một thánh đường.
Lại có 30 phụ nữ tự nguyện chụp hình nude, (dùng tay hoặc phụ liệu che chỗ kín), nhưng “chỗ ấy” thì mặc quần có hình ổ khóa to, để tỏ thái độ “tuyệt tình” – không biểu tình thì không làm tình[iv] – nếu chồng mình là nhà báo, nghệ sĩ, trí thức, cán bộ nhà nước biết chuyện Điếu Cầy mà cứ im thin thít trước cái chết cận kề của người tù lương tâm, và vẫn cứ đòi… làm tình bình thường!
Lại có những người thay nhau tự nguyện nhốt mình và tuyệt thực trong những chiếc cũi dựng lên tại những địa điểm trọng yếu trong ba ngày, một tuần.
Lại có một nhóm bạn lập trang blog dieucaytuyetthuc, họ đếm từng ngày tuyệt thực, kể lại lại câu chuyện về Điếu Cày, cập nhật từng ngày những cuộc đấu tranh, những lời phát biểu, kết nối những hoạt động vì Điếu Cày…
Còn nhiều nhiều nữa những hình thức vận động dư luận mà nhiều người sẽ nghĩ ra, khả thi hơn, thuyết phục hơn.
Dư luận thế giới giữa trùng trùng thông tin luôn cần những cú hích truyền thông, những thông điệp ngắn [sound bite] nhưng nghe là nhớ, đầy hình tượng và ấn tượng, để thông tin được lên báo, lên TV, lên mạng, lên miệng người nghe, và từ đó khiến giới chức có thẩm quyền không thể không lên tiếng.
9.
Nếu cần một chính nghĩa thì có thể nói đấu tranh bênh vực Điếu Cày – một tù nhân lương tâm mà sự chính trực không ai có thể nghi ngờ, trừ những kẻ dối trá – là một cuộc đấu tranh rất chính đáng.
Nếu có ai đó còn nghi ngại, còn chưa tin điều gì, có lẽ chỉ cần nhớ rằng: Giữa những thông tin của một bên là người con trai và người vợ của Điếu Cày vừa dũng cảm vừa chịu thương chịu khó, và của một bên là những cán bộ trại giam và hệ thống truyền thông nhà nước chuyên xuyên tạc sự thật, chúng ta chỉ được chọn một trong hai.
Và nếu anh chết, cái chết của anh rất có thể sẽ làm rất nhiều người trong chúng ta mất ngủ nhiều ngày, vì chúng ta có thể đã vì chủ quan vô tình mà hành động chưa đủ nhanh, hoặc vì đã thản nhiên, bất động, thụ động, đã cứ làm khán giả, chờ xem có ai đó làm gì ngoài kia, thay vì tự ra lệnh cho mình hành động trong điều kiện cho phép.
Khi đấu tranh chỉ được thực hiện vào “giờ rảnh” thì kết quả cũng sẽ cầm chừng, và nếu soi lại, sẽ thấy không xứng đáng với sự hy sinh cả đến tính mạng của một người dám mất hết mà không hề vì quyền lợi cá nhân.
Điếu Cày, anh chỉ đơn giản nói rằng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và bị đầy đọa đến gần chết. Anh chỉ đơn giản muốn bảo vệ tổ quốc cho mọi người.
Vì vậy, cũng là hợp lý và hợp tình khi thấy rằng bổn phận của chúng ta cũng là góp sức bảo vệ anh.
Cấp bách lắm rồi, con đã không nhận ra cha nữa rồi.

[i] The Economist, số ra ngày 13/10/2012. Bài báo kể lại chuyện này:
Nguyễn Chí Thiện giấu 400 bài thơ trong áo. Thời điểm là ngày 16/7/1979, tức hai ngày sau ngày kỷ niệm phá ngục Bastille [Cách mạng Pháp 1789]. Với Nguyễn Chí Thiện, đó là ngày tự do. Ông chạy băng qua cổng tòa đại sứ Anh ở Hà Nội, băng qua người gác cổng, đòi gặp đại sứ. Người gác cổng không thể ngăn ông. Trong khu tiếp khách, vài nhân người Việt ngồi tại bàn. Ông giằng co với họ, đẩy họ sang một bên, đạp đổ cả cái bàn. Trong phòng thay quần áo cạnh đó, một cô gái Ăng-lê đang chải tóc, sợ quá cô đánh rớt cả chiếc lược. Nghe tiếng động, ba người đàn ông Ăng-lê chạy ra, ông vội đưa tập bản thảo cho một trong số họ. Rồi bình tĩnh trở lại, ông chấp nhận bị bắt.
Bài báo cũng trích đoạn thơ sau đây của Nguyễn Chí Thiện:
Đảng đầy tôi trong rừng
Mong tôi xác bón từng gốc sắn
Tôi hóa thành người săn bắn
Và trở ra đầy ngọc rắn, sừng tê
Đảng dìm tôi xuống bể
Mong tôi đáy nước chìm sâu
Tôi hóa thành người thợ lặn
Và nổi lên ngời sáng ngọc châu.
[ii] Liu Xiao Bo, No Enemies, No Hatred, 2012, chương “The Spiritual Landscape of the Urban Young in Post-Totalitarian China”, trang 47-57.
[iii] Xem “Mischa Maisky plays Bach Cello Suite No.1 in G (full)” trên mạng Youtube.
[iv] Cách đấu tranh này đã được phụ nữ Liberia, do bà Leymah Gbowee lãnh đạo, áp dụng hiệu quả. “No peace, no sex” không hòa bình thì không làm tình, không yên thì không yêu. Bà Leymah cũng từng nói trước mặt nhà độc tài Charles Taylor rằng:
“[… ] Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì chạy trốn rồi […]
Chúng tôi không muốn thấy con cái mình bị hãm hiếp nữa
Hôm nay, chúng tôi cất tiếng nói để bảo vệ tương lai con cái mình.
Vì chúng tôi, người giữ giềng mối của xã hội, tin rằng mai này con cái chúng tôi sẽ hỏi:
“Mẹ ơi, trong thời kỳ đen tối đó, mẹ đã làm những gì?”
Vui lòng chuyển đến Tổng thống Liberia thông điệp này.”
(Trích từ bài “Ngủ trên giường, cởi truồng giữa chợ” đăng trên Damau.org, ngày 19/11/2011)


Copy từ: Huỳnh Ngọc Chênh