CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Ai đã sát hại anh em Tổng thống Diệm?




Ngô Đình Diệm - 50 năm bí ẩn lịch sử




 

Đại Vệ Chí Dị


Nước vệ triều nhà Sản năm thứ 68.
Nghĩa binh nổi lên khắp nơi. Nhóm Nhị Ngũ Bát, nhóm Thất Thập Nhị, đảng Dân, đảng Chủ, đảng Hòa...khắp nước xứ nào cũng có. Lòng người ly tán hoang mang. Lại đúng lúc thời gạo châu, củi quế. Ngân khố cạn kiệt, các nhà buôn thi nhau phá sản, trốn nợ hàng loạt. Thê thảm vô cùng.
Vệ Kính Vương lên ngôi được mấy năm, nước Vệ càng ngày càng bí bét. Chuyện lạ xảy ra nhiều vô kể. Nhất là chuyện băng hoại cương thường đạo lý trong nước liên miên không thể nào kể xiết.
Ngay giữa kinh kỳ, thầy thuốc Tàng phẫu thuật thẩm mỹ làm chết người, nhân đêm tối cùng người hầu mang xác bệnh nhân vất xuống sông. Gần tháng trời quan quân khắp nơi mò mẫm không thấy xác, đương khi đi mò xác bệnh nhân ấy lại mò thêm được 6 cái xác người nữa, có cả trẻ con.
Xác người trôi sông còn nhiều hơn thời loạn, thế nhưng quan lại nước Vệ từ vua cho đến thư lại xã dường như không biết, chẳng thấy ai trong đám quan lại ấy nói gì. Thời nhà Sản lạm phát tiền, lạm phát niềm tin sau đến lạm phát cả xác người. 
Bấy giờ có kẻ tội nhân trấn Kinh Bắc, phủ Lạng Giang bị kết án giết người. Thọ án mười năm dài đằng đẵng thì kẻ giết người thật ra đầu thú. Kẻ bị kết oán oan ấy ra khỏi ngục tù. Ngửa mặt lên trời cảm tạ nhà Sản anh minh, phúc đức đã soi xét án oan cho mình. Ai cũng giận kẻ ấy vô minh. Đâu biết kẻ ấy qua mười năm tù ngục, không còn hy vọng gì vào công lý nữa. Công lý gì mà bao người chết trôi sông chả thấy ái đoái hoài. Bao kẻ phạm tội tham nhũng xây nhà trăm nghìn lượng vẫn nhởn nhơ, công sai giết người là do kẻ bị chết ấy tự tử như lao đầu vào ngọn giáo, cứa cổ vào gươm, đập đầu vào cuốc. Thời nhà Sản cho sống là được sống, cho vô tội là vô tội, bảo có tội là có tội. Bởi suy nghĩ như thế nên dù có được thả sau mười năm tù oan thì cũng vẫn phải ơn nhà Sản.
Kính Vương nước Vệ tài cao học rộng, duy nhất mình ngài đậu tiến sĩ một ngành, đó là ngành nuôi trồng Sản.
Thấy thế sự tha hóa, Kính Vương lòng đau như cắt than thầm.
- Nếu cơ sự cứ thế này, Sản e tiệt giống mất.
Ngay lập tức ngài xuất kho bạc, mở chiến dịch vận động dân chúng bàn đến hương ước quốc gia. Toàn dân theo lời ngài khẳng định Sản là loài giống thượng đẳng, là tầng lớp tinh túy của dân tộc, là tinh hoa của đất nước, nhất nhất phải trường tồn lãnh đạo giang sơn.
Vương làm xong việc lớn ấy, hoan hỉ vô cùng. Có người nói chuyện nghĩa binh nổi dậy, chuyện thoái hóa đạo đức, chuyện nhà Chúa uy thế ngày càng lớn với Vương. Vương nheo mắt cười nửa miệng nói.
- Làm chính sự phải quyết ở  tầm vĩ mô, không đi vào tiểu tiết. Khẳng định nhà Sản còn vững bền thì uy nhà Chúa chả thể lên được, các đám nghĩa binh cũng không làm nổi trò trống gì vì dân đã một lòng theo nhà Sản, xã hội băng hoại mãi mà nhà Sản vẫn vững thì băng hoại thế chẳng phải càng có lợi ư.? 
Kẻ kia nghe xong thán phục bái lạy.
- Quả anh minh. Khi xưa tiên đế trong lúc loạn lạc, chiến chinh, phe phái tràn lan mà chỉ giữ được nhà Sản là mọi sự dần ổn hết. Ngày nay nước Vệ lâm cảnh này, có được tài chí như Vương chẳng kém gì tiên đế thuở xưa. Nhà Sản ta còn phước lớn lắm.
Lời bàn ; Khi xưa tiên đế lập nhà Sản phải giữ được nhà Sản thì tiên đế còn được lưu danh. Ngày nay Vệ Kính Vương duy nhất học ngành nuôi trồng Sản. Cũng phải giữ nhà Sản để giữ nghề, học vị còn được người đời nể trọng. Nếu như nhà Sản mất thì tiên đế đâu được thờ như ngày nay, nếu ngày nay nhà Sản tiệt giống thì cái bằng tiến sĩ  nuôi trồng Sản của Vệ Kính Vương chỉ là trò cười trong thiên hạ. Cái này ngàn đời đã đúc kêt ở nước Vệ là - Giữ chùa được ăn oản - hoặc nói như Đại Tề thiên quốc - Rừng xanh còn lo chi thiếu củi đốt.
Bậc minh quân trước phải lo cái lợi của mình.
Nhà Sản có minh quân như Vệ Kinh Vương, lo gì chuyện xã tắc vào tay người khác.

Copy từ: Người Buôn Gió’ blog


..............................

“Cái giáo phái” này là giáo phái gì?



Bài 2: VƯỜN ĐỊA ĐÀNG CỦA “CÁI GIÁO PHÁI”
Hồ Ngọc Nhuận
Bây giờ người ta ta ít nói tới “vườn địa đàng”, mà chỉ nói tới thiên đàng hay niết bàn. Theo một vài truyền thuyết thì “vườn địa đàng” là có thật hồi mới tạo thiên lập địa, nhưng đã bị tổ tiên loài người phạm tội đánh mất, nên con người từ đó phải biết lo tu thân để mong sau khi chết được lên thiên đàng mà hưởng phước đời đời, không phải xuống địa ngục.
Vậy thiên đàng là ở đâu?
Người ta có thói quen chỉ lên trời, còn địa ngục thì chỉ xuống đất. Mà quên rằng trái đất sau ông Galilée là không vuông, mà tròn. Bên kia trái đất cũng là trời, nếu chỉ như vậy thì thiên đàng và hỏa ngục cùng ở một nơi sao?
Theo một số người thì điều này là cũng có thể và có lý lắm. Theo họ, thiên đàng không ở một nơi nào hết, mà là một trạng thái hưởng thụ, vật chất hay tinh thần. Người ta không từng nói đã lên thiên đàng, đã gặp thiên đàng khi đạt được một điều gì vui sướng nhất, sảng khoái nhất trần gian đó sao? Không thiếu người trong đời đã khoe là đã từng được dịp lên đến “chín tầng mây”. Mà “chín tầng mây” tức là một thứ thiên đàng rồi. Vậy thiên đàng nó ở ngay trong lòng mình. Đi bộ cả buổi mà gặp một ly trà đá thì đúng là gặp thiên đàng.
Nhưng nếu cứ muốn nó phải ở một nơi cụ thể nào đó, thì ở đâu mà tình trạng hưởng thụ được cho là tuyệt vời lý tưởng nhất thì ở đó là thiên đàng. Một triền đồi, một mái nhà tranh, một doi đất bên bờ biển vắng trên mảnh đất quê hương có thể là một thiên đàng cho ai đó. Có nhiều vùng thiên nhiên tuyệt đẹp trên thế giới cũng được người ta tôn vinh là thiên đường, như thiên đường trắng của các dãy núi tuyết vĩnh cữu. Và Tình Yêu. Và cả những giấc mơ nữa. Có người vì vậy mà suốt đời bị cả những người thân của mình cho là mãi sống trên mây. Kỳ thật là họ đang sống trong những giấc mộng của mình, mà không phải là ác mộng hay mộng ác.
Ngược lại thì hỏa ngục cũng vậy. Ngược lại thì không thiếu người tội nghiệp đã gặp phải hỏa ngục ngay trong nhà mình. Nhân loại cũng không thiếu cảnh một dân tộc phải sống trong chế độ gông kìm của một địa ngục trần thế. Nếu địa ngục thật sự có nhiều tầng, thì chế độ của bọn Khmer Đỏ Pol Pot không biết ở tầng thứ mấy, mà người dân Campuchia, không trừ các vị sư sải của đạo Phật, đã phải kéo lê kiếp sống hãi hùng trong đó suốt 4 năm dài. Cả những chú khỉ hoang ở Angkor Vat cũng đến phải chết đói. Chế độ cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông cũng là một tầng địa ngục, hay tất cả các tầng địa ngục gộp lại cũng nên.
Nhưng xin trở lại chuyện cái thiên đàng của “cái giáo phái”. Nó không giống với thiên đàng trong niềm tin của một giáo phái nào khác.
Như giáo phái Aum Shinrikyo ở Nhật chẳng hạn. Báo chí thế giới đã từng nói đến cái gọi là “giáo phái của giới tinh hoa” này rất nhiều vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Giáo phái Aum, nói tóm tắt, cũng rao giảng về việc cứu nhân độ thế, về ngày tận thế. Nhưng cái khác căn bản của nó là khi rao giảng về ngày tận thế, nó lại tin nó có khả năng thúc đẩy ngày tận thế mau đến bằng lợi dụng chiến tranh. Tận thế, nhưng Aum vẫn còn, và ai tin theo nó thì vẫn tồn tại để cùng với nó ngự trị trên thiên hạ đời đời. “Nổi tiếng” nhất là cái lần nó góp phần “thúc đẩy ngày tận thế” tới sớm bằng cuộc tấn công tàu điện ngầm ở Tokyo với chất độc sarin vào sáng ngày 20-3-1995, giết chết 13 người, làm bị thương nặng 54 người và 980 người nhẹ, theo con số chính thức. Cảnh sát còn khám phá ở tổng hành dinh của giáo phái dưới chân núi Phú Sĩ hằng kho chất nổ, vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng… ước tính có khả năng giết hại ít nhất 4 triệu người, và các phòng bào chế các chất gây nghiện, như LSD… Sau cùng, giáo chủ của Aum là Shoko Asahara và mấy môn đệ hàng đầu cũng đã bị bắt và bị chung thẩm kết án tử hình vào ngày 15–9-2006.
Khác với Aum, giáo phái Đền Mặt Trời ở Thụy Sĩ và Canada thì lại gởi gắm đức tin vào một thiên đàng ở thế giới khác, ở một hành tinh khác. Và muốn đến đó thật sớm bằng cách tự sát và giúp nhau tự sát tập thể. Trước sau, từ tháng 9-1994 đến tháng 3-1997 có tất cả 4 vụ thảm sát hay tự sát tập thể làm xôn xao dư luận ở châu Âu và Bắc Mỹ, mà vụ có nạn nhân đông nhất là vụ xảy ra ngày 05-10-1994, tại 2 nơi ở Thụy Sĩ, với tổng cộng 53 mạng người, trong đó có cả một giáo chủ sáng lập giáo phái, cùng người bạn đời và con gái… Mọi chuyện rồi cũng chìm vào quên lãng sau phiên tòa năm 2006, trả tự do cho nghi can duy nhất còn lại trong nội vụ…
Hoàn toàn không giống với hai giáo phái điển hình kể trên, “cái giáo phái” nói ở đây nó thừa biết không có ai qua đời mà trở lại để cho biết thiên đàng hay hỏa ngục nó ra làm sao. Nếu có thì chắc tội ác loài người không đến nổi tràn ngập thế gian như xưa nay. Nhất là tội ác đối với con người. Là tội nặng nhất, vì chống lại Tình Yêu.
Cho nên “cái giáo phái” nó không chờ ngày tận thế, cũng không chờ kiếp sau, mà chủ trương xây dựng một thiên đàng ngay ở trái đất này, một vườn địa đàng.
Có thể được không?
Từ trước tới nay, lâu lâu người ta cũng nghe ai đó nói qua về một điều tương tự. Nhưng vừa rồi, qua tin các báo chính thức, có một ông lãnh đạo cao ngất đã chính thức tuyên bố về việc ông cũng đang xây dựng một “cái na ná”, mà ông lo không biết “cái na ná” của ông đến cuối thế kỷ 21 này có xong hay không?!
Trong khi đó thì có một cố tướng lãnh anh hùng, một nhà tình báo thượng thặng vừa là một nhà báo nổi tiếng, lúc sinh tiền đã từng tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp làm báo trong ngoài nước, về một “cái na ná” như cái mà ông lãnh đạo cao ngất nói trên tuyên bố đang lo xây dựng. Theo ông tướng nhà báo, cái vườn địa đàng, hay “cái na ná”, nếu có thật, thì phải chờ ít nhất một ngàn năm nữa may ra mới đến đó được. Còn nếu ai sốt ruột, muốn có nó ngay, thì nên vô rừng mà sống như Tarzan, với Tarzan, nếu đâu đó thật sự còn rừng. Ông bạn nhà báo anh hùng này nói vậy là vì ông tham gia hoạt động vì lòng yêu nước yêu dân, như nhiều đồng bào bạn hữu khác của ông, chớ không hề có chút ảo tưởng về cái thiên đàng hay “cái na ná” nào do “cái giáo phái” nào hứa hẹn. Và ngày nay, nếu ông nghe được cái ông lãnh đạo cao ngất tuyên bố như trên kia, và chắc là ông nghe được, thì ông phải đến thét lên là cái ông cao ngất đó lại tiếp tục “nói theo các báo Sự Thật”.
Còn người dân ở đây, đứng trên nhiều góc độ khác nhau, thì mỗi người đều từng chứng kiến mỗi ngày cái vườn địa đàng của “cái giáo phái” đó từ rất lâu rồi. Người dân ở đây đã thấy hàng hàng lớp lớp các đội tiên phong của “cái giáo phái”, rồi toàn bộ “cái phần không nhỏ” của “cái giáo phái”, đã “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc”… vào cái vườn địa đàng của nó từ lâu rồi. Chớ không cần chờ đến cuối thế kỷ để được thấy “cái sự thật thế kỷ” của cái ông lãnh đạo cao ngất trên kia nó ra làm sao.
Vậy cái vườn địa đàng hay thiên đàng dưới thế của “cái giáo phái” nó là cái gì, như thế nào? Và nó ở đâu, theo người dân?
Theo người dân thì nó cũng ở trên cùng mặt đất với dân đen, nhưng mọi thứ của nó đều như trong một hành tinh khác, với cuộc sống, nếp sống, mức sống, với tất cả mọi thứ đều hoàn toàn khác với kiếp sống của người dân. Mà một trời một vực.
Nó là cái thứ được “cái giáo phái” sinh ra để tha hồ hưởng thụ và không hề bị trừng phạt. Thiên đàng thì làm gì có phạt. Chỉ có “điều chuyển” qua lại, lên xuống trong cái hệ thống tổ chức của “cái giáo phái” để mãi mãi tiếp tục hưởng.
Dân đen phải đổ mồ hôi, phải lao động mới có ăn. Dân trong vườn địa đàng của “cái giáo phái” không phải đổ mồ hôi mà có sẵn đủ thứ để ăn. Hằng núi đủ thứ để ăn, bao nhiêu đời con cháu ăn hoài không hết.
Dân trong vườn địa đàng của “cái giáo phái” không cần lao động, chỉ cần biết ký tên. Ký ở góc đường, ký ở lầu cao, ở các ngân hàng, dưới các giấy phép, dưới các dự án, các gói thầu, các hợp đồng; dưới quỹ lương, quỹ vay, quỹ viện trợ; dưới các chính sách, nghị quyết… Hãy nhìn những thứ ngồn ngộn nó thãi ra, và chừa ra, để chôn làm nền cho cái vườn địa đàng của nó trên cả nước thì biết sức ăn của nó khủng khiếp đến nhường nào.
Nó hơn là một thứ ôn dịch, hơn là một đại nạn hay quốc nạn, trăm năm hay ngàn năm. Vì trăm hay ngàn thì cũng qua, mà cái này, ở đây, theo chủ trương của nó, là muôn đời.
Muôn đời trên lưng người dân. Trừ phi tới ngày nó quyết định bán mảo từng gói, hay trọn gói để bỏ đi làm ăn nơi khác…
Cái ông lãnh đạo cao ngất trên kia tuyên bố đang lo xây dựng “cái na ná” của ông trước cuối thế kỷ là tung hỏa mù. Để bao giấu cái vườn địa đàng mà “cái thành phần không nhỏ” của “cái giáo phái” đã làm ổ trong đó từ lâu.
Ông nói vậy là nói xạo, vì không ai đi xây dựng một cái đã sập cách đây chỉ mới hơn 20 năm, ở chính cái nơi mà nó cũng chỉ sống vỏn vẹn có 74 năm. Không ai đi xây dựng những cái đã sập ở nhiều nơi cách đây cũng chỉ mới vài mươi năm, sau khi chỉ sống vỏn vẹn có 44 năm.
Và cái sớm muộn cũng sẽ sập là ở cái xứ nổi tiếng người ăn thịt người, nổi tiếng đốt sách chôn học trò, đập tượng ông Khổng rồi lại bày trò bịp bợm đi dựng lại ở khắp nơi trong ngoài nước. Cái xứ có truyền thống bá quyền chuyên đàn áp các dân tộc thiểu số, luôn âm mưu xâm lấn, thôn tính các nước chúng gọi là man di chung quanh.
Cát sa mạc đang lấn sâu vào nội địa cái xứ đó, bụi cát sa mạc định kỳ phủ trùm thủ đô cái xứ đó, nạn ô nhiễm môi trường kinh niên trên các thành phố đông dân, sóng di dân ồ ạt lòng vòng trong nước và ra ngoài nước… là những điềm báo trước ngày tàn của bọn bành trướng đó.
Vậy thiên đàng của “cái giáo phái” ở đây nó là cái gì, ở đâu?
Chưa nói ra hết, nhưng bà con ở đây ai cũng biết. Nó chính là chế độ tham nhũng, là tham nhũng đã trở thành chế độ.
04-11-2013
H.N.N.
Tác giả gửi trực tiếp cho: Bauxite Việt Nam

.......................

MONG ƯỚC ĐƯỢC THƯỢNG TỌA THÍCH THANH QUYẾT GỌI BẰNG “ĐỒNG CHÍ”!


Khoảng một tháng rưỡi nay, dư luận viên Vo Văn Ve nhà em tối mặt tối mũi lo chạy xe ôm kiếm tiền nuôi vợ con nên sao nhãng sự nghiệp bờ lốc bờ liếc. Hôm nay, trong lúc đang nằm thượt đuổi ruồi trên yên xe chờ khách, nhà em bỗng đọc được bài của báo Côngan Nhân dân, phỏng vấn Thượng tọa Đại biểu Quốc hội Thích Thanh Quyết, chợt thấy cảm xúc dâng tràn, và tự hứa tối nay phải viết mấy dòng để tỏ bày tâm tư.
Trong bài trả lời phỏng vấn, Thượng tọa Thích Thanh Quyết ca ngợi lực lượng công an đã có nhiều nỗ lực kiềm chế sự gia tăng tội phạm, đấu tranh khám phá án đạt tỉ lệ cao và đã ngăn chặn, khống chế các âm mưu, ý đồ hòng kích động, gây rối trật tự. Thượng tọa khẳng định: “Tôi thấy tình hình an ninh, chính trị ở ta rất ổn định, an toàn. Rõ ràng đời sống kinh tế, vật chất của ta còn những khó khăn nhưng an ninh quốc gia đảm bảo, chính trị ổn định, ngay người nước ngoài đến Việt Nam cũng vậy, họ rất yên tâm, không phải lo việc này việc kia”. Đề cập đến “các thế lực bên ngoài”, Thượng tọa Thích Thanh Quyết mạnh mẽ khẳng định: “Trên thực tế, chính những kẻ tung ra các luận điệu bịa đặt, vu khống đó mới vi phạm dân chủ nhân quyền nhất. Cái dân chủ, nhân quyền của Việt Nam phù hợp hoàn cảnh văn hóa, lệ nghi tôn giáo của người Việt Nam, họ không hiểu được hoặc cố tình không hiểu rồi cứ nhìn từ góc nọ sang góc kia”. Khi được hỏi về tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp qua những vụ án man rợ, gây rung động gần đây, Thượng tọa Thích Thanh Quyết thẳng thắn chia sẻ: “Hiện nay trong xã hội, và thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu cũng rất bức xúc, truy nguyên nguồn gốc nảy sinh những hành vi, nào là ngành y tế, nào ngành giáo dục, rồi văn hóa, kinh tế… Tức ngành nào cũng có chuyện này, chuyện kia mà thực ra là động đâu bung đấy. Cho nên bây giờ chúng ta phải tìm nguồn, kiểm tra lại tổng thể đạo đức con người để ta biết được đang cần gì, ta bắt đầu bước đi từ đâu, xử lý đến từng giai đoạn nào, lúc ấy mới biết được căn nguyên, cái mà các đại biểu nói là đạo đức xã hội xuống cấp”.
Tuy nhiên, điều làm cho nhà em sung sướng và tự hào nhất là Thượng tọa Thích Thanh Quyết đã gọi anh em trong ngành Công an là “đồng chí”: “ Những vụ án (lớn) như vậy chỉ lực lượng Công an mới khám phá được. Vụ án tham nhũng càng lớn, tính chất tinh vi, phức tạp càng cao. Lại được ‘bao bọc’ bởi nhiều yếu tố. Các đồng chí khám phá được bởi có chuyên môn nghiệp vụ, có nhân lực được đào tạo, tôi luyện tốt, có kinh nghiệm đấu tranh, khám phá án và có phẩm chất cao. Cho nên khi tung vào làm những vụ án đó, các đồng chí đã khám phá rất nhanh, phát hiện nhanh nhạy, điều tra làm rõ được hành vi phạm pháp của từng đối tượng. Đó là thành quả rất lớn của ngành Công an”.



Từ “đồng chí” chỉ được phát ra có hai lần thôi nhưng sao mà quí giá đến thế! Bởi lẽ nó được phát ra không phải từ những cán bộ chiến sĩ công an, quân đội hay là những đảng viên, mà lại từ một vị Thượng tọa đáng kính.
Hy vọng đây sẽ là tín hiệu khởi đầu cho một trào lưu mang tính cách mạng trong việc sử dụng những thuật ngữ tương tự nhằm nâng cao tính chiến đấu cho những người vốn hiền hòa như em và vợ em.
Càng hy vọng hơn, trong một ngày không xa nào đó, nhà em sẽ gặp và được Thượng tọa Thích Thanh Quyết bắt tay trìu mến: “Chào đồng chí Dư luận viên”! Khi đó, đảm bảo rằng nhà em sẽ vô cùng tự hào và trân trọng đáp lại: “Kính chào đồng chí”!

Dư luận viên VO VĂN VE.
Copy từ: Tâm Sự Y Giáo’ blog


.....................

Phân tích sốc về "Tứ đại Vina" thụt két, tăng nợ công

Trần Đình Bá
(Kienthuc.net.vn) - "Nhìn thẳng vào sự thật nước ta có “Tứ đại Vina” là những “chủ công” làm thụt két ngân sách và làm tăng vọt nợ công nước ngoài trên 72,5 tỷ USD", TS Trần Đình Bá nói.

Nhân kỳ họp thứ 6 - QH khóa XIII đang bàn về bội chi ngân sách và tăng vọt nợ công quốc gia lên 72,5 tỷ USD, tiến sỹ Trần Đình Bá - Hội Khoa học kinh tế VN đã có bài phân tích nguyên nhân gửi 500 đại biểu QH cảnh báo VN đang “ném tiền qua cử sổ” với các siêu dự án cảng biển, sân bay, đường sắt gây lãng phí trong ngành GTVT .
Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng bức thư phân tích của Tiến sỹ Trần Đình Bá:
Tăng vọt nợ công quốc gia đang trở thành nỗi nhức nhối của toàn dân và các đại biểu Quốc hội. Có nhiều nguyên nhân làm tăng vọt nợ công quốc gia và nợ nước ngoài, song dễ nhận biết nhất hãy nhìn vào đầu tư công trong GTVT là sẽ thấy ngay vấn đề. Hậu quả Vinashin và Vinalines thì tất cả 500 ĐBQH và toàn dân đều biết. Còn “Vina Đường Sắt (ĐS) – Vina Hàng Không (HK)” mang lại tổn thất không kém nhưng còn ở “hậu trường”. Nhìn thẳng vào sự thật nước ta có “Tứ đại Vina” là những “chủ công” làm thụt két ngân sách và làm tăng vọt nợ công nước ngoài trên 72,5 tỷ USD.

Sau Vinashin, Vinalines thì sẽ là Vina railways và Vina airline!
Tại kỳ họp thứ 4 (5/2012) và thứ 5 (10/2012) diễn đàn QH nóng lên câu hỏi khó: “Sau Vinashin, Vinalines thì sẽ là Vina gì?” .
Nhìn thẳng vào sự thật, với trách nhiệm của một nhà khoa học - một cử tri, một công dân yêu nước, tôi trả lời nghiêm túc - chính xác với Đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII cùng 500 đại biểu QH rằng: Sau Vinashin, Vinalines là “Vina railways” (Vina Đường sắt) và “Vina airline” (Vina Hàng không)!
clip_image001
TS Trần Đình Bá: "Hiện GTVT đang là “mắt xích yếu nhất”, là “lỗ thủng”, là “con nghiện” khổng lồ của nền kinh tế quốc dân làm tăng vọt nợ công hàng chục tỷ USD".
Điều đặc biệt là “Tứ đại Vina” này đều tập trung vào lĩnh vực GTVT, mà chủ yếu vào 3 loại hình GTVT hiện đại chủ lực tầm chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh, có lượng tài sản quốc gia lớn nhất từ vốn vay ODA nhiều nhất, nhưng mang về tổn thất nặng nề nhất,  gây siêu lãng phí hàng chục tỷ USD làm tăng vọt nợ công quốc gia.
Theo Global debt clock (Đồng hồ báo nợ công thế giới), trước ngày 17/1/2013, nợ công của Việt Nam ở mức trên 70,576 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 787,9 USD; chiếm 49,5% GDP, tăng 13% so với năm 2011. Còn trước nữa là ngày 4/9/2012, nợ công Việt Nam khoảng 67,6 tỷ USD, tương đương 50% GDP, bình quân nợ là 756,9 USD/người dân. Tính từ ngày 4/9/2012 đến nay nay, nợ công Việt Nam đã tăng vọt 4,9 tỷ USD, bình quân mỗi người dân từ người già đến em bé mới chào đời phải “gánh” tới 826.4 USD nợ công. Đây là kỷ lục chưa từng có trong lịch sử kinh tế VN!
Từ năm 2000 trở lại đây, do đầu tư ồ ạt vào hạ tầng giao thông – đặc biệt là đường sắt, hàng không, cảng biển bằng vốn vay ODA nhưng hiệu quả mang về là thấp nhất, gây siêu lãng phí và biến Việt Nam trở thành con nợ lớn nhất về ODA .
Phong trào đua nhau đầu tư tràn lan lên tới 260 cảng biển giành kỷ lục nhiều nhất trong ASEAN, nhiều gấp 2 lần các nước liên minh EU. Trị giá tài sản công lên tới 100 tỷ USD, mà chỉ đạt 2% thị phần vận tải hàng hóa - không hề vận tải hành khách nên hiệu quả kém xa  một cảng biển ở châu Âu, gây siêu lãng phí tới 97% tài sản công.
Hàng hải đi kèm là “công nghệ tân trang đồ cổ” Vinashin, Vinalines làm thất thoát, để lại một món nợ nước ngoài khổng lồ nhiều tỷ USD. Việc nỗ lực “tái cơ cấu” bất thành đã gây nên phá sản Vinashin để lại món nợ Chính phủ, mà thực chất là Nhà nước và nhân dân phải gánh. Hàng loạt tàu biển “Nữ hoàng” nối nhau chìm - cháy tàu cùng 7 “tàu biển triệu đô” cùng Hoa Sen … bị siết nợ hoặc đang nằm chờ bán sắt vụn tại các cảng nước ngoài, gây tổn thất kép nặng nề, làm tan nát sự nghiệp mà Việt Nam vốn là nước có thế mạnh.
Đường sắt có tới 3.200 km trị giá tài sản công 30 tỷ USD với 4 vạn 2 ngàn người vận hành, mà chỉ đạt 16 triệu hành khách/năm, chỉ bằng 1/20 đường sông cũng “thi đua” lập nhiều siêu dự án ĐSCT. Sau 10 năm theo dự án công nghệ “tân trang đồ cổ” cho ĐS khổ 1 mét, mà hành trình HN - TP HCM vẫn chỉ 32 tiếng và đã trở thành “Đường sắt cổ vật” ngốn 2 tỷ USD ngân sách thành “tiền mất tật mang”, tại kỳ họp thứ 5 (10/2012) QH duyệt chi tiếp 1.800 tỷ đồng cho đường sắt không khác gì “hòn đá tảng ném xuống ao bèo” theo kịch bản tân trang ụ tàu – tàu biển “đồ cổ” ngốn nhiều tỷ USD làm tăng vọt nợ công. Như vậy, một “Vina Đường sắt” nợ nần, đồ cổ không kém Vinashin, Vinalins liệu có chính xác.
Hàng không có tới 63 sân bay giá trị 70 tỷ USD với khoảng 3 vạn người lao động, lợi thế thị trường và khí hậu nhất khu vực, đầu tư tới 10 sân bay quốc tế gấp 3 lần Nhật Bản, 26 sân bay tầm cỡ quốc tế và khu vực đang hoạt động, tiềm năng vận tải 200 triệu hành khách/năm, mà chỉ đạt 12 triệu hành khách/năm, lãng phí trên 94%.
Do áp dụng “công nghệ đường bay cổ đại thời tiền sử” nên không bao giờ có lãi. Từ hàng không quốc gia, VNA đến tất cả các hãng hàng không tư nhân đều thua lỗ nặng nề. Từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đều phải ký bảo lãnh Tín dụng thư (L/C ) hàng trăm triệu USD/năm bao cấp nuôi hàng không nhưng với sản lượng khiên tốn 12 triệu hành khách/năm nên không thể có lãi để đủ nuôi quân và trả nợ. Các hãng hàng không như ICA, MCA phải thua lỗ phá sản, JPA mỗi tháng lỗ 2 triệu USD được “tái cơ cấu” dồn gánh nợ quốc gia lên VNA thành nợ công chính phủ. Nợ lũy tiến của hàng không nhiều năm lên tới nhiều tỷ USD không còn có khả năng chi trả và trở thành một “Vina Hàng không” là sự thật tất yếu không ai muốn!
Như vậy, tổng giá trị tài sản đường sắt, hàng không, hàng hải là 200 tỷ USD, trong đó có hàng chục tỷ USD vay từ vốn ODA để xây dựng hạ tầng mà mỗi năm chỉ vận tải 28 triệu hành khách/ năm, chỉ bằng 1/2 so với sân bay Changi – Singapore thì lấy gì trả lương cho 150.000 cán bộ nhân viên đường sắt, hàng không, hàng hải và có lãi để trả nợ ODA.
Tại cuộc báo cáo khoa học ở bộ GTVT ngày 13/2/2013 trước 300 tiến sỹ GTVT và nhiều phóng viên, vụ trưởng Vận tải Trần Ngọc Thành công bố : “Thị phần hành khách của 3 loại cơ giới chủ lực hiện đại là đường sắt, hàng không, hàng hải chỉ đạt dưới 1%”. Đây là số liệu chính xác, trung thực của “người phát ngôn” Bộ GTVT trước báo giới và các nhà khoa học. Tỷ lệ dưới 1% (có như không) là thị phần “quái dị nhất” chưa từng có trong lịch sử giao thông thế giới phản ảnh sự thất bại nặng nề trong GTVT do “tứ đại Vina” gây ra. Đó là hiệu quả “cao nhất” của vốn vay ODA trong GTVT dồn gánh nợ nước ngoài lên vai nhân dân!

Đến lúc Quốc hội cẩn trọng với các siêu dự án tỷ đô
Đã lãng phí tới 200 tỷ USD tài sản quốc gia vào 260 cảng biển, 63 sân bay, 3200km đường sắt, mà hiệu quả mang lại thấp nhất chỉ 1% thị phần vận tải, vậy mà hiện nay, các Thứ trưởng, Cục trưởng hàng không, đường sắt, hàng hải tiếp tục tư duy “bầy đàn đa cấp” đua nhau liên kết giữa Cục và các “Tập đoàn Vina” lập nhiều siêu dự án tỷ đô vay vốn ODA đầu tư vào cảng biển, sân bay, “đường sắt đồ cổ tân trang” có nguy cơ tiếp tục “ném nhiều tỷ USD qua cửa sổ” để trục lợi. Hàng chục dự án sân bay tỷ đô, cảng biển tỷ đô liên tục được lập và chuẩn bị đưa ra trình Quốc Hội đang làm cho 90 triệu dân ngất ngây xen lẫn hoang mang.
Từ năm 2000 trở lại đây, các thứ trưởng và các cục trưởng của 5 loại hình vận tải là người trực tiếp giúp việc, “tham mưu “ cho các đời Bộ trưởng rất nhiều siêu dự án đã để lại điển hình “Tứ đại vina”. Rõ ràng rằng, các thứ trưởng, cục trưởng GTVT là “đồng tác giả” cùng các tập đoàn vận tải tạo nên kỳ tích 1% thị phần vận tải, là những người “có thành tích” lớn nhất đưa nợ công Việt Nam “đạt đỉnh Vinh quang” 72,5 tỷ USD.
Chính các thứ trưởng, cục trưởng đường sắt, hàng không, hàng hải quản lý an toàn công nghệ các công trình trọng điểm lại là tác giả viết “Nhật ký chìm tàu “ (Vinashin Queen, Saigon Queen, Vinashin-Vinalines, Cần Giờ ) và “Nhật ký lật tàu” (Bàu Cá, S1, E1, Yên Bái, Hải Phòng ), rồi thảm họa sập đường dẫn cầu Cần Thơ, thảm họa Cầu Gềnh, cho du nhập “công nghệ đồ cổ” gây “những cơn địa chấn” PMU 18, CPI, vụ phá sản Vinashin, Vinalines, “ĐS đồ cổ thời tiền sử”, “Hàng không chúa chổm” để lại gánh nợ khổng lồ hàng chục tỷ USD vốn vay ODA cho muôn đời con cháu!
Đến lúc Quốc Hội phải cho các thứ trưởng, cục trưởng đường sắt, hàng không, hàng hải phụ trách “Tứ đại Vina” trực tiếp điều trần trước QH để đảm bảo quyền giám sát của nhân dân, ngăn chặn có hiệu quả các dự án về GTVT đang có nguy cơ làm nghèo đất nước! Tăng cường chế độ kiểm tra và truy cứu trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý Nhà nước về hậu quả gây nên từ “tứ đại Vina”.
Việc xử lý sai phạm của các tập đoàn trong lãng phí đầu tư công cần gắn trách nhiệm với các cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Hàng Hải Việt Nam, Cục  Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và các cục, vụ, viện khác trong Bộ GTVT để làm gương cho nhiều bộ ngành!

T.Đ.B.
Nguồn: kienthuc.net.vn

Copy từ: Bauxite Việt Nam


.................

NGHIỆP VỤ ĐIỀU TRA CỦA CÔNG AN LÀ ĐÂY.

 Ông Chấn cho biết vẫn còn thấy kinh hoàng khi nghĩ về những ngày bị thẩm vấn trong trại giam. “Cán bộ người thì hỏi, người cầm búa dọa nếu không khai thì cho chết. Khi bị tạm giam, có đêm tôi bị chuyển 3-4 buồng. Trong hơn 1 tuần, tôi không được ngủ nên đầu óc quay cuồng, lâng lâng và không còn muốn phản kháng nữa. Chưa kể còn bị bạn giam chung buồng dùng dép đánh vào 2 mang tai sau đó bắt hát...” - ông Chấn uất nghẹn. Ông Chấn kể sau khi bị đe dọa thì được điều tra viên đọc cho viết đơn xin thú tội và đọc cả nội dung viết thư về cho vợ.

Tù nhân oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn: “Không khai thì cho chết”

Thứ Ba, 05/11/2013 22:38

Ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết bị công an bức cung, “dạy” thực nghiệm theo kịch bản để dựng lại hiện trường vụ giết người mà ông không gây ra

Tại buổi họp báo sáng 5-11, ông Nguyễn Việt Hùng, Chánh Văn phòng VKSND Tối cao, cho biết sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSND Tối cao, TAND Tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do xuất hiện tình tiết mới.

Kéo dài 10 năm vì không đúng địa chỉ?
Trả lời về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, ông Nguyễn Việt Hùng thừa nhận: “Đây là một sai sót khách quan. VKSND Tối cao sẽ họp tất cả ban ngành để rút kinh nghiệm”. Về vấn đề bồi thường, ông Hùng cho biết: “Đến thời điểm này mới có quyết định tái thẩm và đình chỉ vụ án chứ chưa có bản án nên việc bồi thường chưa đặt ra. Nếu oan sai sẽ bồi thường theo quy định nhà nước”.
Ông Chấn vẫn còn bàng hoàng sau cơn ác mộng kéo dài 10 năm với án oan giết người
Liên quan đến việc trong vòng 10 năm đơn thư của ông Chấn mới được xem xét, khiến án oan kéo dài, bà Nguyễn Thị Yến, Vụ trưởng Vụ 3 (VKSND Tối cao), cho biết sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, VKSND Tối cao có nhận được đơn ông Chấn kêu oan vào năm 2004. “Chúng tôi có cử cán bộ trực tiếp thực hiện đúng quy trình. Song, bản án phúc thẩm bị hủy để xem xét lại trách nhiệm bồi thường dân sự của Nguyễn Thanh Chấn, do đó hồ sơ quay lại ở cấp sơ thẩm. Đến năm 2006, chúng tôi tiếp tục xem xét sau khi bị cáo Chấn có đơn trong trại gửi ra”. Tuy nhiên, bà Yến lại lý giải: “Chúng tôi có xem lại và thấy đơn không gửi tới TAND Tối cao và VKSND Tối cao để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Các đơn này gửi tới Văn phòng Chính phủ cho nên đơn này đến với VKSND Tối cao vào thời điểm sau”.
Theo bà Yến, trong thời gian gần nhất, Hội đồng Thẩm phán sẽ mở phiên tòa để quyết định ông Chấn có tội hay không có tội, có mở điều tra đối với Lý Nguyễn Chung (đối tượng vừa ra đầu thú) hay không.

Ác mộng 10 năm
Trong tâm trạng còn xúc động vì trải qua một cơn ác mộng dài, ông Chấn nói: “Đêm qua không ngủ được, hai vợ chồng ôm nhau khóc. Hai - ba ngày tôi không ăn được gì, người cứ lâng lâng”.
Ông Chấn cho biết vẫn còn thấy kinh hoàng khi nghĩ về những ngày bị thẩm vấn trong trại giam. “Cán bộ người thì hỏi, người cầm búa dọa nếu không khai thì cho chết. Khi bị tạm giam, có đêm tôi bị chuyển 3-4 buồng. Trong hơn 1 tuần, tôi không được ngủ nên đầu óc quay cuồng, lâng lâng và không còn muốn phản kháng nữa. Chưa kể còn bị bạn giam chung buồng dùng dép đánh vào 2 mang tai sau đó bắt hát...” - ông Chấn uất nghẹn. Ông Chấn kể sau khi bị đe dọa thì được điều tra viên đọc cho viết đơn xin thú tội và đọc cả nội dung viết thư về cho vợ.
Cũng ở tòa án cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chấn đều kể lại câu chuyện trên song không được xem xét. “Để thực nghiệm hiện trường, các điều tra viên cho 1 tù nhân giả cô Nguyễn Thị Hoan (nạn nhân của vụ án - PV). Cán bộ còn đưa cho lúc cái thìa, khi cái lược để giả làm hung khí. Tôi phải tập nhiều lần cho đến khi thành thạo. Sau đó, họ đưa tôi đến một nhà dân để thực nghiệm hiện trường, bắt tôi diễn lại và quay phim” - ông Chấn nhớ lại.
Chủ tịch nước chỉ đạo sớm minh oan cho ông Chấn
Văn phòng Chủ tịch nước vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tố tụng chỉ đạo điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Chấn và báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết.
“Chừng nào còn bức cung, ép cung; chừng nào nguyên tắc suy đoán vô tội còn không được áp dụng một cách triệt để thì vẫn còn những trường hợp như ông Chấn” - luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Bài và ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Copy từ: Người Lao Động


.....................

‘Vụ oan sai như ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là hiếm’


Theo Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân ở Hà Nội, 'những vụ oan sai như ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là hiếm’.
Theo Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân ở Hà Nội, 'những vụ oan sai như ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là hiếm’.
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân ở Hà Nội, đã nhận định như vậy với VOA Việt Ngữ về trường hợp một người đàn ông ở Việt Nam mới được tạm tha sau 10 năm ngồi tù chung thân vì bị cho là phạm tội giết người.

Theo báo chí trong nước, ông Nguyễn Thanh Chấn, 52 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang đã được ‘tạm đình chỉ thi hành án để chờ Tòa án Nhân dân Tối cao mở phiên tái thẩm’, sẽ diễn ra vào ngày 6/11.

Ông Triển cho rằng việc ông Chấn được thả ‘không phải là một điều bất ngờ’, và ông nói thêm rằng ‘ở một nền tố tụng nào của một nước nào cũng có thể dẫn đến sự oan sai như vậy’.

“Tôi cho rằng việc oan sai như thế này, thực tế cũng không phải là hiếm. Trong thời gian vừa qua, thì cũng đã có nhiều trường hợp mà các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã giải quyết những việc oan sai như thế này rồi, chứ đây không phải là một vụ việc độc nhất vô nhị”.

Những việc như thế này thường gây bức xúc cho dư luận. Người ta cho rằng là để một con người oan sai trong 10 năm bị tù tội như vậy thì người ta đặt ra cái dấu hỏi của các cơ quan tố tụng trước đây đã giải quyết như thế nào dẫn đến sự oan khuất như vậy...
Ông Chấn bị bắt giữ năm 2003 và bị tòa án tỉnh Bắc Giang tuyên án tù chung thân vì tội giết người.

Người đàn ông này đã thụ án 10 năm qua cho tới khi một người khác ở cùng thôn ra đầu thú về hành vi giết hại một người phụ nữ tại nhà riêng. Ông Chấn đã được tạm tha vào ngày hôm qua 4/11.

Luật sư Trần Đình Triển cũng cho rằng việc xem xét lại vụ án một cách khách quan như trong trường hợp ông Chấn cho thấy ‘sự tiến bộ của việc cải cách tư pháp’.

“Tôi cho rằng kể cả 10 năm mà cơ quan tiến hành tố tụng từ công an, tòa án cho tới viện kiểm sát rồi các ban ngành có chức năng xem xét để giải oan cho một vụ việc đã thi hành án hoặc đã bị giam giữ 10 năm. Tôi cho rằng đấy là một sự tiến bộ. Chúng ta không đánh giá gì ở đây cả. Nhưng những việc như thế này thường gây bức xúc cho dư luận. Người ta cho rằng là để một con người oan sai trong 10 năm bị tù tội như vậy thì người ta đặt ra cái dấu hỏi của các cơ quan tố tụng trước đây đã giải quyết như thế nào dẫn đến sự oan khuất như vậy. Nhưng mà trong luật, về phía Việt Nam, trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ Luật hình sự và đặc biệt là Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quy định nhưng việc oan sai thì phải tiến hành bồi thường oan sai cho họ. Đó là một tiến bộ trong cải cách tư pháp”.

Hình ảnh đăng tải trên truyền thông trong nước cho thấy ông Chấn ra tù trong vòng tay của người thân và nhiều người dân xóm làng.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA tối 5/11, bà Thân Thị Hải, một người đại diện cho gia đình ông Chấn, cho biết cảm xúc ‘không thể diễn tả bằng lời’.

“Người ta đi Tây, đi Tàu về nó có một cảm xúc khác còn đây đi tù về thì lại là một cảm xúc khác. Người ta phạm tội người ta đi tù thì lại là một cảm xúc khác nhưng đây mình lại bị oan sai, bị những người có chức có quyền người ta làm cho sai lệch vấn đề đi để bị oan sai rồi nay lại được trả công bằng thì gia đình rất chi là sung sướng và xúc động”.

Nhà người ta đã thiệt thòi về tinh thần, về tất cả mọi mặt, về chính trị, nhất là chính trị, con cái, gia đình. Mẹ già thì không ai chăm nom. Vợ thì tuổi xuân mất đi. Con cái đang đi học thì bị người ta khinh rẻ, chửi bới, nói chung tất cả các thứ. Dân làng thì phỉ báng. Tiền thì bao nhiêu cho đủ với nỗi đau này?
​Trả lời báo chí trong nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng nguyên nhân dẫn tới vụ việc ‘không phải cố ý’ và là do ‘việc tranh tụng ở tòa chưa được thấu đáo’.

Ông Cường cũng cho biết, trách nhiệm thuộc về tòa án, và tiền bồi thường cho ông Chấn lấy từ ngân sách nhưng cá nhân để xảy ra sai sót phải bồi hoàn.

Bà Hải cho biết gia đình sẽ ‘kêu lên trên’ nếu mức bồi thường đưa ra không thỏa đáng.

“Nhà người ta đã thiệt thòi về tinh thần, về tất cả mọi mặt, về chính trị, nhất là chính trị, con cái, gia đình. Mẹ già thì không ai chăm nom. Vợ thì tuổi xuân mất đi. Con cái đang đi học thì bị người ta khinh rẻ, chửi bới, nói chung tất cả các thứ. Dân làng thì phỉ báng. Tiền thì bao nhiêu cho đủ với nỗi đau này? Luật người ta đã đưa ra rồi. Cái thiệt hại về sức khỏe, về con người, về những năm tháng không làm ra tiền của để nuôi mẹ, nuôi con thì đã có luật rồi”.

Vụ thả ông Chấn đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam.

Truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ‘có sai sót và đó là bài học xác đáng với các cơ quan tố tụng’.​

Copy từ: VOA


........................

Lộ kế hoạch thâm độc Trung Quốc muốn chiếm trọn Biển Đông

 
Trung Phạm - theo Trí Thức Trẻ

(Soha.vn) - Xét trong bối cảnh hiện nay, các máy bay chở dầu chuyển đổi nhiều khả năng sẽ được Trung Quốc sử dụng cho các hoạt động tranh chấp ở Biển Đông.

Tạp chí Quốc phòng Kanwa Defense Review có trụ sở ở Canada cho biết, Bắc Kinh đang lên kế hoạch chuyển đổi 20 máy bay vận tải chiến lược Il-76MD mua từ Nga và Belarus thành máy bay tiếp nhiên liệu trên không vì máy bay chở dầu HY-6 của Quân đội Trung Quốc (PLA) không thể đáp ứng được tham vọng khuyếch trương sức mạnh của nước này.
Được thiết kế lại từ máy bay ném bom chiến lược H-6, HY-6 đủ sức vận chuyển 30 tấn nhiên liệu hàng không nhưng chỉ có thể tiếp nhiên liệu 1 lần duy nhất cho một phi đội bay gồm khoảng từ 2-4 chiến đấu cơ như J-8 và J-10. Với chiến đấu cơ Su-30MK2 nhập khẩu từ Nga có sức chứa 9,4 tấn nhiên liệu thì một chiếc HY-6 chỉ có thể cung cấp chưa tới 5 tấn nhiên liệu cho mỗi máy bay trong đội hình 4 chiếc.
Máy bay Il-76MD của Quân đội Trung Quốc
Máy bay Il-76MD của Quân đội Trung Quốc
Vì HY-6 không thích hợp với tất cả các dòng máy bay chiến đấu của Nga mà Không quân và Hải quân PLA đang triển khai, Trung Quốc đã quyết định tìm kiếm sự trợ giúp từ việc thành lập phi đội tiếp nhiên liệu cho riêng mình. Kanwa cho biết, cách tốt nhất để làm điều này là mua lại các máy bay vận tải Il-76MD đã qua sử dụng rồi sửa đổi thành Il-78. Với khả năng mang theo 60 tấn nhiên liệu hàng không, năng lực tiếp nhiên liệu bổ sung này sẽ giúp Trung Quốc dần mở rộng phạm vi chiến đấu của các máy bay tiên tiến như J-10, J-15, Su-30MKK và Su-30MK2 lên đến 7.000 km.
Nguồn tin của Kanwa nói rằng Trung Quốc đã mua 20 chiếc Il-76MD của Nga và Belarus. Sau khi nhận 10 chiếc năm 2012, Bắc Kinh lên kế hoạch sửa đổi chúng thành Il-78 ở Ukraine, quốc gia trước đây từng chuyển đổi 4 chiếc Il-76MD thành Il-78 cho Không quân Pakistan.
Trước khi PLA phát triển xong máy bay vận tải Y-20 như kế hoạch dự kiến, có vẻ như việc chuyển đổi Il-78MD thành máy bay tiếp nhiên liệu là lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc. Vì Trung Quốc không cần đến các máy bay tiếp nhiên liệu trên không để tấn công Đài Loan, Okinawa hay Hàn Quốc nên các máy bay chở dầu nói trên nhiều khả năng sẽ được sử dụng cho các hoạt động tranh chấp ở Biển Đông.

Copy từ: Soha


......................

Nhà nghiên cứu Mỹ: Việt Nam cấm chia sẻ tin trên mạng là 'điên rồ'


 
 
Trong một bài bình luận đăng trên trang mạng thời sự Slate Magazine, cây bút Ariel Bogle bày tỏ sự kinh ngạc trước những biện pháp hạn chế mạng xã hội của chính quyền Việt Nam.

Ðầu bài viết, bà Bogle chỉ ra rằng mặc dù bị nhà nước đè nén, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, vô cùng phổ biến tại Việt Nam, thâm nhập tới ước tính 70% người dùng Internet. Khoảng 1/3 trong số 90 triệu người dân Việt Nam được kết nối Internet.

Bà Bogle nói đến giờ nhà chức trách Việt Nam vẫn chưa bắt chước Trung Quốc dùng tường lửa để chặn những nội dung chống lại chế độ mà thay vào đó, trấn áp những tiếng nói bất đồng theo cách truyền thống là sách nhiễu và bắt bớ.

Bà Bogle dẫn ra những trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân, Ðinh Nhật Uy, và gần đây nhất là nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng.

Việt Nam đến nay đã bỏ tù 46 blogger và nhà hoạt động trong năm nay chỉ sau Trung Quốc. Việt Nam xếp thứ 172 trên 179 nước trong bảng xếp hạng Tự do Báo chí của Tổ chức Ký giả không Biên giới.

Ðáng kinh ngạc nhất, theo bà Bogle, là việc Việt Nam ban hành nghị quyết cấm chia sẽ tin tức gây tranh cãi trên những trang mạng xã hội.

Cuối bài viết, bà Bogle nhận xét, với ngày càng nhiều người Việt Nam lên mạng, khả năng của chính phủ đảm bảo rằng công dân của mình chỉ tiếp cận thông tin “đúng và sạch” sẽ không thể kéo dài trong thế giới hiện nay.

Bà Bogle là nhà nghiên cứu chuyên về những công nghệ mới nổi và tác động của chúng đối với xã hội.
Copy từ: VOA


........