CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

HRW đòi thả blogger Trương Duy Nhất






Ông Trương Duy Nhất là chủ blog 'Một góc nhìn khác'
Một ngày trước phiên xử nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, tổ chức nhân quyền có tiếng Human Rights Watch (HRW) kêu gọi trả tự do ngay cho ông.
Ông Trương Duy Nhất sẽ bị xử tội 'Lợi dụng quyền tự do dân chủ' theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự vào ngày 4/3 tại Đà Nẵng.
Trong thông cáo ra tại New York, HRW nói phiên xử ông Nhất cho thấy rằng giới chức Việt Nam "không ngơi nghỉ trong quyết tâm nhắm vào những người chỉ trích một cách ôn hòa".
Tổ chức này nói trong blog "Một góc nhìn khác" của mình, nhà báo Trương Duy Nhất thường xuyên chỉ trích chính quyền và nêu quan ngại về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ chức, đồng thời nói họ phải chịu trách nhiệm về tình trạng "hỗn loạn chính trị" và "tham nhũng không kiểm soát nổi" ở trong nước.
Giám đốc khu vực châu Á của HRW, Brad Adams, viết trong thông cáo: "Vụ xử Trương Duy Nhất là một phần trong nỗ lực vô ích của chính phủ Việt Nam nhằm bịt miệng cộng đồng blogger ngày càng sôi động ở trong nước".
Ông Adams viết: “Thay vì tạo ra một người tù chính trị mới, chính quyền nên thả ông Trương Duy Nhất và tất cả những người khác, vốn bị giam giữ chỉ vì không đồng ý với chính phủ và Đảng CSVN".
Theo HRW, kể từ khi ông Nhất và một số blogger khác bị bắt trong một đợt năm 2013, Mạng lưới Blogger Việt Nam và một số tổ chức mới thành lập đã vận động chống lại việc sử dụng Điều 258 Bộ Luật Hình sự để hình sự hóa quyền tự do biểu đạt ý kiến.
Tại phiên xem xét định kỳ về nhân quyền UPR 2014 tháng Hai vừa qua, một số nước thành viên LHQ cũng kêu gọi Việt Nam chấm dứt sử dụng Điều 258 để trừng phạt những người chỉ bày tỏ ý kiến một cách hòa bình.
Thông cáo của HRW viết: “Nếu ông Trương Duy Nhất không được tự do thì các nhà tài trợ cho Việt Nam cũng như các đối tác phát triển cần phải cho chính quyền [Việt Nam] thấy rằng họ không thể tiếp tục bỏ tù người dân mà không bị hậu quả gì như vậy".

Copy từ: BBC

..........

NÓNG: NHÂN NGÀY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG, TRUNG CỘNG TẤN CÔNG NGƯ DÂN VN



Ngư dân lại bị cướp ngư cụ ở biển Hoàng Sa


(ANTV) - Khoảng 12h trưa nay 03/3, sau nhiều ngày bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp hết ngư cụ trên vùng biển Hoàng Sa, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 90479 của ông Võ Văn Lựu (1966) trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã về đến Cảng Sa Kỳ.  
Tàu cá của ông Võ Văn Lựu cùng 14 thuyền viên đã cập Cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi trong tình trạng bị mất sạch ngư cụ. Mạn tàu bị hư hỏng do tàu sắt Trung Quốc đâm, toàn bộ ngư cụ như đồ lặn, thiết bị máy dò tín hiệu, máy định vị và gần 5 tấn cá, tôm hùm bị người Trung Quốc cướp, tổng trị giá trên 350 triệu đồng.
Ngày 9.2 tàu cá của ông Lựu cùng 14 thuyền viên ra đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, đến khoảng 15h ngày 1.3 thì bị một tàu sắt của Trung Quốc khoảng trên 35 người, mang theo súng, roi điện bao vây, tấn công.
Chúng bắt thuyền trưởng Võ Văn Lựu đánh đập, dùng roi điện chích vào người gây thương tích và dồn 14 thuyền viên còn lại úp mặt lên mạn tàu. Sau đó nhóm người Trung Quốc đập phá dụng cụ, bẻ lá cờ Tổ quốc, lấy cắp tài sản tẩu thoát.








Ngay sau khi tàu cập Cảng Sa Kỳ, lực lượng Công an tỉnh và Đồn biên phòng Bình Hải đã đến tiếp nhận thông tin và điều tra việc tàu cá bị tấn công.




Từ đầu năm 2014 đến nay, có đến 4 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa Việt Nam bị người Trung Quốc tấn công phi pháp, gây bất bình trong dư luận trong nước và quốc tế.



Nguồn: ANTV.


Copy từ: Tễu’ blog

.............

VÀI SUY NGHĨ VỀ VỤ XẺ XỬ NHÀ BÁO TRƯƠNG DUY NHẤT



TL: Mai là ngày nhà báo Trương Duy Nhất bị cơ quan an ninh đưa ra xét xử về tội tuyên truyền chống phá nhà nước theo điều luật 258 của Bộ luật hình sự. Ngày mai, chúng ta lại có dịp có “một góc nhìn khác” về điều luật 258; về cách buộc tội của nhà nước VN với công dân của mình; về tư cách của người bị coi là phạm tội và những người được coi cầm cán cân công lý…Bất luận thế nào thì những bloggers, facebookers, nhiều người dân đã thức tỉnh vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường của nhà báo Trương Duy Nhất để có những “góc nhìn khác” tỉnh thức về thế sự Việt Nam hôm nay, không chấp nhận những thông tin giả dối, đã bị kiểm duyệt, sai lệch, định hướng…Từ thế kỷ 18, triết gia Pháp Voltaire của thời đại Khai Sáng đã nói: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó”…Vậy những “góc nhìn khác” đã, vẫn và sẽ là nhu cầu thiết yếu của mỗi công dân hôm nay. Xin giới thiệu bài viết của GSTS Nguyễn Đăng Hưng…

Vài suy nghĩ về vụ xét xử nhà báo Trương Duy Nhất

Tôi quen với nhà báo Trương Duy Nhất cũng mới đây thôi. Tôi và ông có dịp gặp gỡ hai lần khi tôi về Đà Nẵng thăm bè bạn. Tôi đã chủ động liên lạc với ông vì trước đó khá lâu, tôi chú ý đến trang blog truongduynhat.vn với “Một góc nhìn khác” rất ấn tượng. Ông thường đặt những vấn đề thời sự liên quan đến đời sống chính trị, xã hội Việt Nam. Ông có những phản biện, những phê phán trực diện, mạnh mẽ, lắm khi khá gai góc có thể làm đối tượng khó chịu. Đối tượng của ông thường ở lề phải, là đảng cầm quyền, là thành viên chính phủ, ngay cả người có chức vụ cao nhất, là những chính khách quốc tế. Nhưng đôi khi cũng có những nhân vật lề trái như Cù Huy Hà Vũ, Bùi Hằng. Đối với họ, ngòi bút của ông cũng sắc bén, không chút nương tay. Ông cũng đã từng tháp tùng Chủ tịch nước đi Mỹ, là người có giao thiệp gắn bó với lãnh đạo đảng cộng sản tại Đà Nẵng, Hội An.
Ông quả là một blogger hiếm hoi tại Việt Nam, có phong cách riêng biệt độc đáo, một hiện thân đậm chất Quảng Nam, thẳng tính và can cường.
Tôi hỏi ông:
-Như vậy anh có bị cơ quan chức năng “thổi còi” không?
Ông trả lời rất tự tin và bản lĩnh:
-Có chứ. Nhưng tôi vẫn tiếp tục. Lý do là vì blog tôi công khai, chủ blog có rõ địa chỉ nhà ở, địa chỉ e-mail. Tôi không hề tránh né trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ là nhà báo độc lập ngán ngẩm làm báo lề phải, nay lập blog để giải tỏa những bức xúc của một nhà báo với ý thức trách nhiệm của mình trước tình hình đất nước.
Tôi hơi bất ngờ về câu trả lời trên. Tôi không hiểu ông học hỏi ở đâu, (lúc ấy chưa xuất ngoại) mà ông có một lập trường bảo vệ tự do ngôn luận cho chính mình khá rạch ròi như thế. Thật vậy, tại Bỉ chỗ tôi đã định cư hơn 50 năm việc ra báo và tán phát ngôn luận là quyền của mọi công dân đã được hiến định. Trước năm 1975, tôi đã từng là tổng biên tập của hai tờ tạp chí có nội dung chống chiến tranh cục bộ của Mỹ tại Việt Nam. Bỉ là nước thân cận của Hoa Kỳ tại Châu Âu, thủ đô Brussels là địa bàn của tổng hành dinh Liên Minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà khi ra báo chống Mỹ can thiệp tại Việt Nam, (tôi là Tổng biên tập, người đưa in (Roneo), người tán phát và cũng là người chu cấp chi phí làm báo), tôi chỉ cần ghi tên và địa chỉ. Luật Bỉ chỉ đòi hỏi trên tờ báo phải ghi tên, địa chỉ của Người Trách Nhiệm (Editeur responsable), thế là đủ!


Tháng 5 năm ngoái, tôi đã rất đỗi nhạc nhiên nghe tin ông bị bắt tại Đà Nẵng rồi chuyển ra Hà Nội. Lần cuối cùng tôi thấy ông trên mạng là hình chụp trên đây.
Tôi giữ yên lặng vì không biết đằng sau “Góc Nhìn Khác” có gì khuất tất khác mà tôi không được biết. Trên mạng có người bảo có lẽ việc đưa ra thăm dò tín nhiệm đại biểu, thành viên chính phủ, quan chức đảng là giọt nước tràn ly? Nhưng việc thăm dò dư luận qua mạng, blog Trương Duy Nhất đã làm từ lâu mà?
Nay đọc 5 trang cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cơ quan chức năng cao nhất, sau chín tháng bị giam giữ tôi lại ngạc nhiên không kém.
Đằng sau nhà báo Trương Duy Nhất chẳng có gì là khuất tất, chẳng có thế lực thù địch nào bảo trợ, chẳng có chứng cớ gì về những liên đới tài chính với bất cứ ai, trong cũng như ngoài nước.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã sử dụng kết luận giám định của cơ quan Thông tin và Truyền thông, theo đó chứng cứ chỉ có 12 bài đăng trên blog, trong đó 11 bài của ông Nhất, 01 bài của người khác. Bản cáo trạng tuy khá dài nhưng phán quyết khá mơ hồ chung chung:
“Nội dung 12 bài viết này không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước;”
Ta có thể tự hỏi nội dung nào không đúng sự thật, chính sách nào của đảng đã bị xuyên tạc và cá nhân nào của nhà nước đã bị bôi nhọ, bôi nhọ bởi câu nào, lời nào, ở sự kiện nào? Và nếu có thật như vậy thì thiệt hại của những nạn nhân ra sao?
Nếu Trương Duy Nhất nói không đúng sự thật, gây hoang mang trong dân chúng, làm ảnh hưởng đến lòng tin ở lãnh đạo đảng và nhà nước thì các cơ quan truyền thông đại chúng trong tay nhà nước đã hay sẽ cải chính, thảo luận, trao đổi công khai để sự thật được sáng tỏ, lòng tin của nhân dân được củng cố, chứ sao lại đi vùi dập, bỏ tù tác giả? Chính quyền đã bao lần khuyến khích công dân tham gia phản biện, góp ý kiến cho nhà nước mà.
Tôi cho rằng ngay cả đứng trên khía cạnh quyền lợi chính trị của nhà cầm quyền, việc đưa Trương Duy Nhất ra tòa trừng trị là một sai lầm đáng tiếc.
Chính biện pháp này mới làm mất uy tín nhà nước Việt Nam.
Và bản thân điều 258 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” cũng rất không ổn, cũng đã làm tôi rất nhứt nhối từ lâu. Thực vậy, luật này phủ nhận quyền căn bản của công dân Việt Nam đã được ghi trong hiến pháp, đã vi phạm bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, điều khoản về quyền tự do tư tưởng, tự do thu nhận, quảng bá tin tức và truyền đạt ý kiến mà Việt Nam đã ký kết.
Tuyên Ngôn Độc lập được cụ Hồ đọc trước quốc dân đồng bào năm 1945  có câu (lấy từ Tuyên Ngôn Độc lập Mỹ): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, đã chỉ rõ quyền tự do của công dân là thiêng liêng. Vậy một chế độ do dân và vì dân phải khuyến khích dân ý thức và thực thi quyền ấy chứ?
Tại sao lại thêm vào khái niệm vi hiến quái lạ, lạc lõng “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”?
Theo tôi, Trương Duy Nhất vô tội.
Tha bổng Trương Duy nhất sẽ là phán quyết có lợi cho đảng và nhà nước Việt Nam.
Nhất là nay Việt Nam đã có tư cách là thành viên của hội đồng nhân quyền LHQ.
Nhất là sau phiên UPR tại Thụy Sỹ (Kiểm định Phổ quát Định kỳ về Nhân quyền), các nước bạn trên thế giới đã chân thành nhắc nhở Việt Nam về những thiếu sót về nhân quyền hiện hữu.
Nhất là hiện nay Quốc Hội Việt Nam đang chuẩn bị những sắc luật mới, trong đó quyền công dân và quyền con người sẽ được xác định sáng tỏ hơn.
Nhất là Việt Nam đang chuẩn bị tích cực cho việc gia nhập  “Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, một cơ hội mới cho việc phát triển kinh tế và củng cố vị thế toàn cầu.
GS Nguyễn Đăng Hưng
Tp Hồ Chí Minh ngày 2/3/2014


Copy từ: Thùy Linh’ blog


............

Crimea: Putin hoàn thành mục tiêu



Nga nói quân của họ còn ở lại cho đến khi tình hình bình ổn
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ tin tưởng hôm Chủ nhật rằng “Nga sẽ thua” trong cuộc đối đầu với phương Tây vì Ukraine.
Nhưng đến khi ông Kerry có mặt ở Kiev để bàn bạc khẩn cấp với chính phủ lâm thời, Tổng thống Vladimir Putin đã hoàn thành mục tiêu chính – giành lại lợi thế để chuẩn bị cho những gì sắp diễn ra trong cuộc cách mạng không có kịch bản ở Ukraine.
Vấn đề khi ta cố đánh giá phe nào rồi sẽ thắng là ở chỗ, họ đang chơi các trò chơi khác nhau.
Phương Tây đang chống Nga, nhưng Nga lại đang nhắm tới Ukraine. Đến nay, ông Putin đang thắng với cái giá mà ông sẵn sàng chấp nhận.
Ukraine và phương Tây có vài lá bài dự trữ, nhưng có thể không sẵn sàng chấp nhận rủi ro và chi phí đi kèm.
Ukraine là vấn đề lớn duy nhất chưa giải quyết sau Chiến tranh Lạnh. Họ sẽ đi theo phương Đông hay phương Tây? Đó là câu hỏi chủ chốt của cuộc cách mạng và lịch sử Ukraine.
Khủng hoảng bắt đầu từ tháng 11 vì lựa chọn cho Ukraine: chọn Liên minh châu Âu hay Liên minh thuế quan Á Âu?
Cựu tổng thống Viktor Yanukovych nhìn sang phía Đông, hấp dẫn vì cam kết 15 tỉ đôla của ông Putin nhằm vực dậy kinh tế.
Một phần quan trọng trong dân số lại nhìn sang Tây, phản đối và buộc ông chạy sang Nga.
Ông Yanukovych có thể đã bỏ trốn mang theo tới 70 tỉ đôla. Quốc khố đất nước trống rỗng.
Ông Putin ngừng chi tiền sau khi giải ngân chỉ mới 3 tỉ đôla.
Liệu phương Tây và/hay các tổ chức tài chính quốc tế có chi tiền, và bao lâu? Không chắc chắn là đủ vì sự bất trắc của kinh tế phương Tây.
Phương Tây có thể áp đặt trừng phạt các cá nhân và tổ chức bị xem là xâm phạm độc lập của Ukraine.
Nhưng cũng có giới hạn để không gây hại cho lợi ích kinh tế của châu Âu. Đức vẫn nhập một phần ba lượng khí đốt từ Nga.
Nhiều khả năng cuộc họp G8 tháng Sáu ở Sochi sẽ bị hủy.
G7 có thể tạm ngừng thẻ thành viên của Nga, nhưng thực ra ông Putin quan tâm Ukraine hơn là quan hệ với phương Tây.
Mục tiêu chiến lược của ông là giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng của Nga, dù là một nước vệ tinh hay một hàng rào trung lập.
Lá bài của phương Tây là tái tục đàm phán để rồi có thể đưa Ukraine vào EU và có thể cả Nato.
Nhưng Mỹ và châu Âu liệu có chấp nhận rủi ro cắt đứt quan hệ với Nga chỉ để có một kết quả không chắc chắn ở Ukraine?
Không đâu.

Bầu cử ở Ukraine

Các vấn đề này chắc chắn sẽ phủ bóng cuộc bầu cử tháng Năm ở Ukraine.
Crimea dự định tiến hành trưng cầu dân ý để xem xét quy chế tự trị hiện nay, độc lập hay hợp nhất với Nga.
Để mất Crimea sẽ là viên thuốc đắng cho chính phủ mới của Ukraine.
Vladimir Putin đã giành lại lợi thế để phá cuộc cách mạng lần này như ông đã làm năm 2005.
P.J. Crowley từng là trợ lý ngoại trưởng Mỹ, do Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm năm 2009. Ông từ chức năm 2011, và hiện là giáo sư ở Đại học George Washington, Mỹ.

Copy từ: BBC

...............

Ukraina : Phương Tây đình chỉ tư cách thành viên G8 của Nga


Các lãnh đạo nhóm G8 trong lần gặp tại Anh năm 2013 - Reuters
Các lãnh đạo nhóm G8 trong lần gặp tại Anh năm 2013 - Reuters

Đức Tâm
Trong hai ngày cuối tuần qua, Mỹ và Châu Âu đã có nhiều hoạt động ngoại giao để ngăn ngừa Nga can thiệp quân sự vào Ukraina. Để gây sức ép, tối qua, 02/03/2013, bẩy nước công nghiệp phát triển nhất cùng với Liên Hiệp Châu Âu và Hội đồng Châu Âu đã thông báo đình chỉ các hoạt động chuẩn bị cho Thượng đỉnh G8, theo dự kiến được tổ chức tại Sotchi, Nga vào tháng Sáu tới đây. Như vậy, trên thực tế, Nga bị đình chỉ tư cách thành viên G8 và nhóm này chỉ còn 7 nước.

Từ Washington, thông tín viên Rfi Anne Marie Capomaccio, gửi về bài tường trình :
« Thông cáo do Nhà Trắng công bố, nhân danh 7 nước công nghiệp phát triển nhất và các định chế Châu Âu. Nga bị đình chỉ trên thực tế quy chế thành viên G8 cho đến khi môi trường trở nên thuận lợi cho các cuộc thảo luận có nội dung bên trong G8.
Trong một loạt phát biểu trên truyền hình, ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đe dọa trục xuất Nga ra khỏi G8 và do vậy nhóm này chỉ còn 7 nước – G7. Quyết định được thông báo tối hôm qua là bước đầu tiên. Nhóm G7 lên án hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Ukraina và khẳng định hoàn toàn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. G7 cũng nhấn mạnh đến quyền tự quyết của nhân dân Ukraina được lựa chọn tương lai của mình.
Matxcơva được khuyến khích mạnh mẽ là hãy chấp nhận một sự trung gian hòa giải. Các nước ký bản thông cáo này sẵn sàng phối hợp với ông Putin để đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Thông cáo không hề đề cập đến các biện pháp trừng phạt khác về chính trị hoặc kinh tế. Văn bản này được đưa sau sau nhiều cuộc thảo luận để có được đồng thuận chung ».

Copy tử: RFI

...............

Thư Khẩn Về Vụ Ông Trương Duy Nhất



 Phạm Ngọc Cương 
Kính gửi: Ông Chánh án Toà Án Nhân Dân Thành Phố Đà Nẵng
 
Thưa ông, tôi là Phạm Ngọc Cương cùng những người ký tên sau đây là công dân Việt Nam và công dân Canada muốn trình bày với ông một việc như sau:

Sau khi được biết tin ông Trương Duy Nhất sẽ bị mang ra xét xử ngày 4 tháng 3 năm 2014 tôi đã gọi điện lên Đại Sứ Quán Việt Nam tại Ottawa- Canada với ba thắc mắc, đề nghị:

1- Ông Trương Duy Nhất sẽ được xử kín hay xử công khai?
2- Nếu là xử kín, tức là chỉ những người có giấy của toà mới được tham dự thì đề nghị cấp giấy mời cho tôi và ông Nguyễn Tiến Lộc (người đã mời ông Trương Duy Nhất sang thăm Canada năm 2010) và một số người khác về tham dự phiên toà với tư cách là bạn của ông Trương Duy Nhất muốn ủng hộ ông Trương Duy Nhất về mặt tinh thần tại toà; và là những công dân muốn quan sát xem các cơ quan tư pháp của chính quyền Việt Nam thực thi luật pháp với công dân của mình ra sao.
3- Chúng tôi đề nghị bên Việt Nam cho phép một luật sư chuyên về nhân quyền của Liên Hợp Quốc tham gia vào quá trình tố tụng tại toà.

Cán bộ Đại Sứ Quán có giải thích với tôi là cần xin ý kiến của Hà Nội rồi sẽ cho tôi câu trả lời. Chiều 1/3/2014 tôi được báo là phiên toà xử ông Trương Duy Nhất là việc có tính chất nội bộ của Việt Nam, không có yếu tố nước ngoài nên không cần thiết để luật sư nước ngoài tham gia. Cần có giấy mời để tham gia phiên toà nhưng vì thời gian gấp rút nên lần này chưa kịp sắp xếp để chúng tôi vào bên trong tham dự. Cả lần nhận điện thoại của tôi cũng như lần gọi điện trả lời, ông Vũ Trần Phương đều có thái độ rất lịch sự và chân tình. Tôi cảm ơn ông Phương và theo lời khuyên của ông Phương tôi viết thư khẩn này gửi tới ông.

Thưa ông Chánh án,

Là những người Việt Nam ở nước ngoài theo cách nghĩ của bên Việt Nam thì chúng tôi dễ có cái nhìn thiên lệch về Việt Nam và thiếu thực tế.

Tuy nhiên có một thực tế khác là chỉ khi đã trèo lên mặt hố rồi thì thường nhiều người sẽ cảm được rõ hơn kinh nghiệm mình vừa trải qua, cái hố mình vừa thoát ra sâu hay nông, trong hay đục.

Đọc Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân Dân Tối Cao về ông Trương Duy Nhất chúng tôi muốn tham khảo với ông một số ý kiến như sau:

1-Trong có mấy năm mà ông Trương Duy Nhất đã đăng tải cả ngàn bài viết nghiêm túc (chủ yếu do ông Nhất viết) trên website và blog của ông chứng tỏ ông Nhất có năng lực dồi dào trong việc nhìn ra vấn đề, góp ý và phản biện. Lãnh đạo và chính quyền lý ra phải biết thể hiện cái năng lực biết đối thoại và cầu thị, tiếp thu và cộng tác chứ không phải chỉ là bảo lưu cái “Tôi” bằng mọi giá như đe doạ, bắt giữ, kết tội và bỏ tù.

2- Cáo trạng thể hiện đậm nét nếp tư duy đối đầu quyết liệt giữa chính quyền, người lãnh đạo và công dân. Tôi hy vọng rằng ông sẽ giúp sửa bản cáo trạng sai trái này bằng cách cho các căn cứ tranh luận được mang ra toà tranh tụng một cách khách quan và công khai như chuẩn mực tối thiểu của tư pháp nhân loại văn minh hôm nay. Như vậy ông sẽ giúp thay đổi tư duy tư pháp Việt Nam, giúp cho tinh thần thượng tôn công lý và đối thoại vượt qua sự thao túng của áp đặt và đối đầu. Giúp cho các phiên toà Việt Nam không còn bị coi là giả tạo với các án bỏ túi.

3- Cáo trạng thể hiện rõ sự sợ hãi của nhà cầm quyền trước sức nóng của tự do ngôn luận. Nhà cầm quyền nếu căm ghét và khiếp sợ đến phải ra tay giam cầm một ngòi bút thì làm sao có nổi năng lực trị được thù trong (lợi ích nhóm và tham nhũng) và giặc ngoài đang hoành hành. Làm sao lòng dân có thể tin được là chế độ đó, lãnh đạo đó sẽ có đủ minh tâm và đảm lược kiến tạo ra cuộc sống no ấm cho quảng đại quần chúng trong tương lai gần cũng như vỗ bàn đàng hoàng phân định, xác quyết được lợi ích chính đáng của Việt Nam với quốc tế và khu vực.

4- Tiếng nói của ông Trương Duy Nhất theo cáo trạng không hề lạc lõng mà lại có lượng truy cập và phản hồi lớn. Phải hiểu như vậy là ông Nhất đang thở cùng nhịp với đông đảo quần chúng nhân dân.

Uy tín của các cá nhân và tổ chức sẽ sụp đổ trước nhất nếu chỉ được xây dựng như toà lâu đài cát tức bằng những lời tụng ca nhảm nhí. Nhà cầm quyền sáng suốt lý ra phải tuyên công ông chứ không phải buộc tội vì ông đã tự nguyện làm một việc không lương là quả cảm đo lường, bắt mạch cảm ứng xã hội với chính sách để lãnh đạo thức thời biết sớm điều chỉnh. Một người có tư duy độc lập, nặng lòng với thời cuộc, luôn trăn trở với sự phát triển chung của đất nước là cái mà Việt Nam cần trao huy chương chứ không phải là cáo trạng.

5- Nước có độc lập, dân có tự do thì mới kiến tạo ra hạnh phúc. Quyền tự do ngôn luận, một quyền cơ bản của nhân quyền chính là cứu cánh cho sự phát triển của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc nhỏ và nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng giàu về tài nguyên con người như Việt Nam hôm nay. Ông Trương Duy Nhất chỉ tâm huyết thực thi trọn vẹn lòng yêu Tổ Quốc, quyền con người, quyền công dân của mình. Cách qui tội ông theo bản cáo trạng mới là sự phạm tội nghiêm trọng, thực sự gây nguy hại cho sự phát triển của toàn xã hội trong ngắn, trung cũng như dài hạn.

Cuối cùng tôi khẩn thiết trông chờ ông sáng suốt thực thi công lý, để phiên toà xét xử ông Trương Duy Nhất hôm 4/3/2014 tới là điểm son của ngành tư pháp Việt Nam. Để thế giới không tiếp tục qui kết chính quyền Việt Nam là luôn chà đạp ngay chính các luật lệ mà mình tự đề ra. Để Việt Nam hôm nay xứng đáng với truyền thống văn hiến của cha ông, không thể bị nhìn tiếp như một học sinh cá biệt và chậm tiến trong lớp học về quyền con người của nhân loại.

Xin chuyển tới ông lời chào trân trọng!

Canada 1/3/2014


Xin gửi kèm ông theo lá thư này là danh sách những người ký tên ủng hộ:

Loc Tien Nguyen, Editor-Chief
The Vietnamese Magazin & society
VANCOUVER, BC, CANADA
778- 452-0288

Thu Hai Irick
4875 Union St
Burnaby, BC, Canada
604-297-0788

Phạm Ngọc Cương
2901 Queen St E.
Brampton ON, Canada L6T OC7
416-893-6288

Phạm Phương Lan
77 City Centre Dr
Mississauga ON, Canada L5B 1M5
416-890-9973

Copy từ: Quê Choa’ blog

..............

Đất Quảng Trị tràn ngập người Trung Quốc


Nhóm phóng viên tường trình từ VN 2014-03-03
tq-qt-1-030314.jpg
Một vùng đất tại Quảng Trị nơi người Trung Quốc đang san lấp mặt bằng.
RFA PHOTO


Thêm một lần nữa, ba chữ “người Trung Quốc” làm nhức nhối một vùng đất Việt Nam, đặc biệt là những vùng duyên hải Việt Nam đang bị thâu tóm, xâu xé và chảy máu bởi những kẻ bên ngoài đóng vai nhà đầu tư nhưng thực chất, bên trọng họ ẩn chứa những mối nguy cho dân tộc. Tỉnh Quảng Trị, cũng giống như những tỉnh nghèo khác, lại bị người Trung Quốc tràn ngập xứ đất này và cũng như nhiều nơi khác, họ lại đóng vai nhà đầu tư cùng hàng loạt hành tung bí ẩn, khó hiểu và ngạo mạn, bất chấp của họ.

Những vùng đất trong tầm ngắm của TQ

Nếu như những năm cuối của thập niên 2010, nhân dân đã bức xúc vì người Trung Quốc tràn lan ở những vùng miền núi trọng yếu, vùng chiến lực quân sự của Việt Nam như Tây Nguyên Trung phần Việt Nam, các nông trường dọc theo dãy Trường Sơn, các cửa khẩu phía Bắc và những tỉnh lị cận biên giới như Bình Dương, Tây Ninh, Long An, An Giang, Cà Mau… Thì hiện tại, mức độ tràn lan của họ kinh khủng gấp trăm lần trước đây.
Nếu như ở những nơi này, người Trung Quốc có được đặc quyền đặc lợi là tha hồ khai thác, được hoạt động bí mật, người Việt Nam không được vào khu vực hoạt động của họ và họ chỉ đóng một mức thuế tượng trưng… Thì hiện tại, mức độ tràn lan của người Trung Quốc trên đất Việt Nam đã đi vào chỗ không thể kiểm soát được nữa và nhân dân càng lúc càng thấy lo ngại cho sự tung hoành của họ. Mọi vùng đất duyên hải đều có mặt người Trung Quốc.
Một người dân ven biển Quảng Trị than thở: “Quá nguy hiểm chứ, bên phía cửa Việt, cửa Tùng, tức là nó lấy danh nghĩa đầu tư kinh tế. Vậy mà bên phía chính quyền nó làm lơ, không đấu tranh là chết luôn.”
Theo người này nói, thời gian gần đây, hầu như mọi mảnh vườn ở làng Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong đều lâm vào nạn xâm lăng một cách trắng trợn của người Tàu và nhà cầm quyền địa phương. Nghĩa là khi người Tàu đến đây, việc đầu tiên họ làm là tìm đến các cơ quan, các quan chức để bằng mọi giá liên kết, đút lót và mua chuộc bằng được các quan chức này. Để rồi sau đó là những hành động xâm lăng.
Hành động xâm lăng của người Tàu được thực hiện theo con đường đầu tư kinh tế trá hình. Người này khẳng định đó là xâm lăng và bán nước chứ không phải đầu tư gì cả. Vì một khi đầu tư kinh tế đích thực, biểu hiện đầu tiên của việc đầu tư phải là thiện chí, thuận mua vừa bán và không có những hành tung đen tối.
Đằng này, thay vì thỏa thuận với nhân dân để mua đất, người Tàu lại mua chuộc và biến quan chức địa phương thành tay sai của họ, các quan chức địa phương nghiễm nhiên trở thành con rối trong cuộn dây giật của người Tàu. Thay vì bảo vệ nhân dân và bảo vệ quyền lợi quốc gia, bảo vệ lợi ích quốc dân, các quan chức địa phương lại bằng mọi giá bảo vệ người Tàu, xem họ như những quan thầy và bất chấp nỗi tủi nhục, đau khổ của nhân dân, họ hết dùng thủ đoạn này chuyển sang thủ đoạn khác để biến đất canh tác, đất vườn của nhân dân thành công trình của người Tàu.

Những dự án “tắc kè đổi màu”

tq-qt-2-030314-250.jpg
Tỉnh Quảng Trị, miền trung Việt Nam. RFA PHOTO.
Một người dân khác ở Quảng Trị nói: “Tức là hồi giờ nó làm ở miền Bắc, giờ nó làm ở miền Trung. Nhưng cái đó cũng phụ thuộc bên mình mà. Thế chiến lược của thằng Trung Quốc là nó đánh giữa miền Trung để nó cắt đôi miền Nam và miền Bắc ra.”
Theo một người dân khác, chuyện thu hồi đất, phù phép diện tích đất của người dân trở thành nơi xây dựng cho người Trung Quốc có những bước đi và lộ trình của nó chứ không phải là ngẫu nhiên. Cũng như ở những tỉnh khác, dường như cơ quan cầm quyền địa phương đã có chung một công thức lấy đất của dân nhân danh công trình phúc lợi xã hội, dự án nhà nước. Và theo luật nhà đất cũng như luật dân sự hiện hành, việc thu hồi đất của nhân dân để xây dựng công trình nhà nước, công trình mang tính phúc lợi xã hội là hợp lý, mức đền bù theo giá nhà nước qui định.
Có thể là một nơi mỗi khác, thủ đoạn của quan chức địa phương sẽ dích dắc cho phù hợp vùng miền, nhưng việc đầu tiên bao giờ cũng là ra thông báo, sau đó họp dân một cách tượng trưng, đưa những tay chân vào phát biểu thể hiện sự nhất trí để lôi kéo nhân dân, sau đó đến lệnh thu hồi đền bù. Và tất cả chuỗi thông báo, lệnh thu hồi đền bù này đều nhân danh lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Chính vì sự nhân danh như thế, nhân dân khó bề chống đối hoặc không đồng ý.
Và khi đất đã bị thâu tóm về tay nhà cầm quyền, lúc đó dự án sẽ đổi màu như một con tắc kè, ban đầu nó mang màu xanh của niềm hy vọng nhân dân, sau đó nó chuyển dần sang màu tía rồi lộ nguyên màu đỏ của sức mạnh độc tài, thâu tóm và lừa bịp nhân dân. Thay vì xây dựng công trình phúc lợi cho xã hội, người ta bắt đầu bán cho Trung Quốc và người Trung Quốc lại xây dựng thành những mật khu mà người Việt Nam không thể nào biết được bên trong nó chứa những gì và nó có lợi ích hay độc hại, nguy hiểm cho an ninh quốc gia gì không. Nói chung là nhân dân mù tịt trước những mật khu của người Tàu ngay trên quê hương mình.
Một người dân khác nói thêm là mức độ nguy hiểm của các mật khu Trung Quốc mà trên danh nghĩa đó là những công trình kinh tế trọng điểm, những công trình đầu tư nước ngoài triệu đô tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế, nó mang lại một tai biến lớn cho dân tộc.
Sở dĩ gọi là tai biến bởi ông này quan niệm rằng não trạng của cả dân tộc cũng giống như bộ não của một con người, một khi nhồi nhét quá nhiều chất độc, hoặc là nó tạo khối u, hoặc là nó tắc nghẽn động mạch và một ngày nào đó, mạch máu bùng vỡ, làm cho não bộ bị tê liệt, nhẹ thì tàn tật suốt đời, nặng thì tử vong.
Tình trạng các công trình người Tàu xuất hiện ở các vùng duyên hải miền Trung là một tình trạng đầu độc đúng nghĩa. Hoặc là các thương nhân Tàu sẽ vung tiền, kéo hàng loạt thanh niên, đặc biệt là những cô gái mới lớn, con nhà nghèo rơi vào nghề bán dâm vì mê túi tiền của họ và bị họ gài bẫy để rồi hàng loạt cô gái phải sa chân vào con đường mại dâm.
Về phần nam thanh niên, bởi học hành dang dở, thất nghiệp kéo dài nên khi có một công việc nào nhanh hái ra tiền, họ sẽ bất chấp để kiếm tiền. Và chuyện kết bè kết nhóm, tổ chức băng đảng để buôn bán ma túy và chèo kéo những thanh niên đồng lứa vào đường dây, sau đó giới thiệu cho những ông trùm người Tàu để mở rộng thị trường ma túy đang là ung nhọt nhức nhối ở Quảng Trị.
Một lần nữa, người Trung Quốc lại thành công trong chiến dịch bành trướng của họ trên đất Quảng Trị.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Copy từ: RFA

...............

'Nga và phương Tây sẽ phải đàm phán'


Media Player

PGS. TS. Phạm Quang Minh
PGS Phạm Quang Minh tin rằng Nga có thể chỉ sử dụng hành động quân sự làm áp lực để đàm phán quyền lợi.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine khó tìm được một giải pháp ổn định lâu dài, trừ phi các quốc gia liên quan, trong đó có Nga và phương Tây tìm ra được một thỏa hiệp dung hòa được các lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh cho các bên, theo một nhà phân tích từ Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 02/3/2014, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Minh, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng Nga đã can thiệp quân sự vào Crimea, Ukraine vì không muốn các lợi ích của mình ở quốc gia láng giềng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, vẫn theo nhà phân tích, có thể về thực chất Nga đang tính toán một khả năng gây áp lực bằng hành động này trước khi đạt được một thỏa thuận ngoại giao cho phép đảm bảo các quyền lợi, lợi ích của Nga được tôn trọng.

'Đánh dễ, rút khó'

"Khả năng mà người ta sẽ chờ đợi, xem xét, tìm cách hòa hoãn, trì hoãn tình hình, nó kéo dài, thì khả năng kéo dài có thể là một tháng cho tới hai tháng chẳng hạn, chứ còn hành động phản ứng nhanh chóng, tôi nghĩ là ít, chỉ trừ trường hợp mọi con đường dẫn đến sự hòa giải không có"
Ông Minh nói: "Việc quyết định tham gia vào một cuộc chiến tranh, hay một cuộc xung đột là một trong những việc khó khăn nhất. Bởi vì người ta biết tiến hành chiến tranh thì dễ, nhưng rút ra khỏi các cuộc chiến tranh thường rất là khó."
"Khả năng một là sẽ xảy ra rất nhanh và chớp nhoáng, đó là phương án hành động nhanh và kết thúc nhanh, đặt mọi sự việc trong việc đã rồi, đó là một cách.
"Còn cách thứ hai là khả năng câu giờ tức là chờ đợi phản ứng của các bên, rồi xem các khả năng nên hay không nên."
Theo nhà nghiên cứu khả năng thứ hai sẽ nhiều hơn là khả năng thứ nhất, ông nói:
"Khả năng kéo dài có thể là một tháng cho tới hai tháng chẳng hạn, chứ còn hành động phản ứng nhanh chóng, tôi nghĩ là ít, chỉ trừ trường hợp mọi con đường dẫn đến sự hòa giải không có."
Mời quý vị theo dõi tiếp phần hai, cũng là phần cuối cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Quang Minh  tại đây.


Copy từ: BBC

................

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ là cổ đông tại nhiều ngân hàng?

03/03/14 08:36
(GDVN) - Trong phần kê khai tài sản, ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng TTCP là cổ đông có cổ phiếu ở Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Đông Á,...
Ngày 21/2/2014, bài vết trên Báo Người cao tuổi phản ánh về khối tài sản khổng lồ của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Sự việc vẫn còn đang "nóng hổi" thì mới đây, Báo Người cao tuổi tiếp tục đưa thêm thông tin khác không kém phần “đình đám” về ông Truyền và ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.
Bổ nhiệm "vội vàng" hàng loạt cán bộ?
Theo Người cao tuổi, trước lúc ông Truyền về hưu, chỉ tính từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền đã ký bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Cục, Vụ tại cơ quan Thanh tra Chính phủ. Ngày 3/8/2011, ngày mà Chính phủ khoá XIII ra mắt và ông Huỳnh Phong Tranh được bầu làm Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Truyền đã cấp tập ký tới hơn 20 quyết định bổ nhiệm cán bộ.
Đặc biệt, riêng trong ngày 3/8/2011, ông ký bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng và hàm Phó Vụ trưởng ở Văn phòng; 3 hàm Cục phó và 1 Trưởng phòng, 1 Phó phòng của Cục 3 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Nam); 1 hàm Vụ trưởng và 1 hàm Vụ phó ở Cục 1 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Bắc); 1 hàm Cục phó ở Cục 2 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Trung); 1 hàm Phó Vụ trưởng Vụ 1 (Vụ Kinh tế ngành); 1 hàm Phó Vụ trưởng Vụ 2 (Vụ Kinh tế Tổng hợp, Tài chính – ngân hàng); 1 hàm Vụ trưởng Vụ Pháp chế; 1 hàm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; 1 hàm Vụ phó Vụ Đơn thư... Ngoài ra, ông còn bổ nhiệm một loạt lãnh đạo tại Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trường cán bộ Thanh tra, Trung tâm thông tin, Vụ Tổ chức cán bộ...
Đáng chú ý, trong số những cán bộ được ông ký bổ nhiệm, có nhiều cán bộ không nằm trong diện quy hoạch, năng lực, trình độ chuyên môn kém. Và để cho đúng “quy trình bổ nhiệm cán bộ”, ngay trong ngày 3/8/2011, ông Truyền đã ký Quyết định số 2100/QĐ-TTCP về việc bổ xung quy hoạch cán bộ. Sai phạm của ông Truyền trong công tác cán bộ là rất rõ ràng bởi theo Điều 15, Nghị định 178/2007/NĐ-CP thì cấp Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, nhiều Cục, Vụ của Thanh tra Chính phủ, cấp phó có tới 4 – 6 người.
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam chiều ngày 2/3, Nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi khẳng định, Người cao tuổi có đầy đủ bằng chứng về những bổ nhiệm "vội vàng" của ông Truyền. Ngoài ra ông Hoa còn cho PV biết thêm về thông tin ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ đã kê khai tài sản như thế nào?
Tài sản của ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP?
Theo Người cao tuổi, trong quy hoạch công tác cán bộ của TTCP, năm 2011 ông Ngô Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ II được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là Phó Tổng TTCP (QĐ số 1983/QĐ-TTg ngày 8/11/2011). Để làm thủ tục theo quy trình bổ nhiệm, ông Ngô Văn Khánh phải kê khai tài sản và ông đã kê khai như sau:
Về bất động sản: – Có 2 nhà gồm: Nhà thứ nhất ở số 7/49/192 Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội diện tích 114m2 đất, và nhà thứ 2 ở số 9/49/192 (cùng địa chỉ trên) diện tích 248m2.
Một trong hai ngôi nhà của ông Khánh tại đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội
- Có 1.800m2 đất ở dự án Mê Linh (gần đền Hai Bà Trưng, giá đất thời điểm hiện nay 10 – 15 triệu đồng/m2 – PV).
- Về tài chính: Là cổ đông có cổ phiếu (CP) ở Ngân hàng Quân đội: 104.000 CP; Ngân hàng Nam Á: 27.900 CP; Ngân hàng Đông Á: 18.500 CP; Ngân hàng Liên Việt: 200.000 CP; Xi-măng Công Thanh: 100.000 CP; Công ty CP Thiết bị Bưu điện: 50.000 CP; Trái phiếu 425 triệu đồng; tiền gửi tại Ngân hàng VIB: 7.180.000.000 đồng.
Cũng trong cuộc trao đổi với PV, ông Kim Quốc Hoa cho biết, đến thời điểm này Người cao tuổi chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ phía ông Truyền trong cả hai việc là “tài sản khủng” và “bổ nhiệm cán bộ”.
Thêm nữa, ông Hoa cũng khẳng định, phía Thanh tra Chính phủ chưa hề có công văn hay thông tin nào để trả lời sau phản ánh của báo.

Trước đó trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-2, ông Nguyễn Quốc Bảo - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre xác nhận, Tỉnh ủy vừa có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo tình hình xung quanh dư luận tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ được đăng trên một số tờ báo thời gian gần đây.
Đồng thời xin ý kiến chỉ đạo từ trung ương để ổn định dư luận ở địa phương.


Copy từ: Giáo Dục

................

Phải chăng đã nhận ra sai lầm tại Vũng Áng?



Hoàng Mai
Cách đây hơn một năm, ngày 20/10/2013, báo Tuổi trẻ đăng bài “Tràn lan lao động Trung Quốc trái phép” (1), bài báo cho biết:
“Theo Đồn biên phòng Đèo Ngang (Hà Tĩnh), cuối tháng 9 và đầu tháng 10 có hơn 2.600 người nước ngoài làm việc ở Khu kinh tế Vũng Áng, trong số này có 1.526 người Trung Quốc. Nhưng Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cho biết chỉ có hơn 1.100 người nước ngoài được cấp giấy phép lao động để làm việc tại khu kinh tế này. Điều đó chứng tỏ rằng việc quản lý lao động nước ngoài ở Khu kinh tế Vũng Áng đang “có vấn đề”.”.
Như thấy được nguy cơ về an ninh quốc gia có thể bị đe dọa ở vị trí rất xung yếu này, mới đây, ngày 21/02/2014, Bộ Quốc phòng đã quyết định về việc nâng cấp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng thành Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng-Sơn Dương (2). Theo bài đăng trên báo VnEconomy thì:
“Đây là một trong 5 ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu trong cả nước, một cấp tổ chức quan trọng hơn nhiều so với đồn biên phòng.
Thời gian gần đây, việc tập đoàn Formosa triển khai dự án một cách mạnh mẽ đã kéo theo việc có hàng ngàn cán bộ, công nhân ngoại quốc, chủ yếu là Đài Loan và Trung Quốc, tập trung tại khu vực khu kinh tế Vũng Áng, đưa tới lo lắng về việc hình thành một “phố ngoại quốc” ở Vũng Áng”.
clip_image001
Lễ ra mắt và công bố quyết định của Bộ Quốc phòng về việc nâng cấp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng thành Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng-Sơn Dương.
Không còn nghi ngờ gì nữa, những thông tin về Trung Quốc hoạt động ở Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng mà báo chí và cộng đồng mạng đưa ra là rất đáng lo ngại.
Những nghi ngờ về việc Trung Quốc lập căn cứ quân sự tại Vũng Áng, có thể đưa ra đó là:
- Tập đoàn Tata Steel rút khỏi dự án thép 5 tỉ USD tại Vũng Áng (3).
Đây là một công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ. Theo bài báo trên được biết, Dự án tại Vũng Áng là dự án lớn nhất của công ty ở nước ngoài. Dự kiến công ty sẽ đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê và khu liên hợp luyện cán thép tại KKT Vũng Áng. Phải chăng Trung Quốc đã bằng mọi cách và đã đánh bật một tập đoàn của Ấn Độ ra khỏi khu vực này để tiện cho việc xây dựng các căn cứ bí mật trong KKT Vũng Áng?
- Tập đoàn Formosa là của Đài Loan, được biết đã bán lại 100% cổ phần tại Vũng Áng sang cho Trung Quốc. Tạo điều kiện để Trung Quốc thâu tóm toàn bộ ở khu vực này.
- Có nguồn thạo tin cho biết, từ nhiều năm trước, bạn Lào đã khẩn khoản xin ta cho đầu tư 100% tại Vũng Áng, từ nguồn tiền của một quốc gia thứ ba, nhưng bạn không cho biết là nước nào. Giới lãnh đạo bàn tính, nghe tham mưu nát nước, cuối cùng không chấp nhận.(4)
Rõ ràng, theo ý này, Trung Quốc muốn núp bóng Lào để nhảy vào đây, nhưng nay họ đã thực hiện được mục tiêu rất dễ dàng, bằng cách đánh bật tập đoàn Tata và Formosa như nói trên.
- Trung Quốc xây tường và nhà cao tầng dọc đường quốc lộ 1 từ Kỳ Anh đến Cẩm Xuyên hơn 20 km, chiếm hoàn toàn biển phía Đông đường Quốc lộ 1, để làm gì cũng không ai được biết (5).
Đây là một nội dung trong bài “Trung Quốc đang có âm mưu gì ở Hà Tĩnh và Quảng Trị?”, đăng trên Bauxite Việt Nam, ngày 01/3/2014.
Chỉ với những suy luận và các thông tin có được từ khu Kinh tế Vũng Áng, ta có thể khẳng định: Trung Quốc đã có một mưu đồ rất rõ ràng tại vị trí đắc địa này. Nơi mà cách đây gần 500 năm về trước, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
Phải chăng, việc để Trung Quốc gần như độc chiếm toàn bộ các dự án tại KKT Vũng Áng, với diện tích trên 3.300 ha (diện tích đất liền là hơn 2.000 ha và diện tích mặt nước trên 1.200 ha), gấp 1,2 diện tích Ma Cao – Trung Quốc, với tổng mức đầu tư khoảng 20-30 tỷ đô la, thời gian đầu tư và khai thác dài hạn 20-70 năm (6); là một sai lầm, nên buộc Bộ Quốc phòng đã phải nâng cấp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng thành Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng-Sơn Dương?
Trả lời câu hỏi trên đây, có lẽ chỉ có Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Bộ Quôc phòng mới trả lời được chăng?
01.03.2014
H. M
Bài tham khảo:
(2) Vì sao tăng hoạt động biên phòng cạnh siêu dự án Formosa? http://vneconomy.vn/20140221011013203P0C9920/vi-sao-tang-hoat-dong-bien-phong-canh-sieu-du-an-formosa.htm
(3) Tata Steel rút khỏi dự án thép 5 tỉ USD tại Vũng Áng http://vov.vn/Kinh-te/Doanh-nghiep/Tata-Steel-rut-khoi-du-an-thep-5-ti-USD-tai-Vung-Ang/309299.vov
(4) CHÉP SỬ VIỆT: Báo động Vũng Áng-Formosa: Hoành Sơn… thất đái, vạn đại vong thân https://nr-011.appspot.com/chepsuviet.com/2014/02/21/bao-dong-vung-ang-formosa-hoang-son-that-dai-van-dai-vong-than/
(5) Trung Quốc đang có âm mưu gì ở Hà Tĩnh và Quảng Trị? http://boxitvn.blogspot.com/2014/02/trung-quoc-ang-co-am-muu-gi-o-ha-tinh.html
(6) Sai lầm nghiêm trọng của Ban Quản lí Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) http://www.baomoi.com/Sai-lam-nghiem-trong-cua-Ban-Quan-li-Khu-Kinh-te-Vung-Ang-Ha-Tinh/45/5763397.epi


Tác giả gửi trực tiếp cho: Bauxite Việt Nam


................

.............

Chứng khoán Nga “bốc hơi” mạnh nhất trong 5 năm



Chứng khoán Nga “bốc hơi” mạnh nhất trong 5 năm


Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga ở Moscow - Ảnh: Bloomberg.

Ngân hàng Trung ương Nga ngày 3/3 bất ngờ tăng lãi suất đồng Rúp từ 5,5% lên 7%. Động thái này được cho là một nỗ lực của Moscow nhằm ổn định tỷ giá đồng nội tệ và ngăn lạm phát leo thang trong bối cảnh những lo ngại về khả năng kinh tế Nga chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình bất ổn tại nước láng giềng Ukraine.

“Quyết định tăng lãi suất được đưa ra nhằm ngăn chặn những rủi ro lạm phát tăng và bất ổn tài chính đi kèm với mức độ bất ổn gia tăng trên các thị trường tài chính”, Ngân hàng Trung ương Nga nói trong một tuyên bố được trang CNBC trích dẫn.

Sau khi đưa quân vào vùng Crimea của Ukraine vào cuối tuần vừa rồi, Nga đã phải đối mặt với những lời cảnh báo trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây khác. Tâm lý của các nhà đầu tư tại Nga đang chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi những diễn biến này.

Vào buổi trưa ngày 3/3 theo giờ Moscow, tức chiều nay theo giờ Việt Nam, chỉ số chính Micex của thị trường chứng khoán Nga đã “bốc hơi” 9,7%, mạnh nhất trong 5 năm. Cùng với đó, đồng Rúp lao dốc mạnh so với đồng USD, xuống mức thấp kỷ lục là 37 Rúp đổi 1 USD. Tỷ giá Rúp so với Euro cũng tụt xuống mức thấp chưa từng có 50.99 Rúp đổi 1 Euro, theo dữ liệu từ hãng Dow Jones Newswires.

Trước lần tăng này, lãi suất cơ bản đồng Rúp đã được giữ nguyên suốt từ tháng 8/2012.

Theo nhận định của bà Jane Foley, chiến lược gia cao cấp về ngoại hối thuộc ngân hàng Rabobank, động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ không có hiệu quả trong ngắn hạn. “Có vẻ như Nga đang rất lo ngại sự tháo chạy của các dòng vốn, và nếu đồng Rúp tiếp tục mất giá, lạm phát ở nước này sẽ tăng vọt”, bà Foley nói.

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, tăng lãi suất sẽ không thể ngăn giới đầu tư bán tháo cổ phiếu Nga và đồng Rúp.

Thị trường tài chính toàn cầu hôm nay đã đồng loạt có phản ứng mạnh trước diễn biến ở Ukraine.

Trong đó, giá vàng đã tăng mạnh do nhu cầu tìm kiếm “hầm trú ẩn” của các nhà đầu tư. Lúc hơn 15h chiều nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng gần 18 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York, đứng ở 1.347,2 USD/oz. Trước đó, giá vàng có lúc lên gần 1.350 USD/oz, cao nhất trong khoảng 4 tháng.

Giá dầu thô Brent tại thị trường châu Âu có thời điểm tăng 2%, lên mức 111,24 USD/thùng, cao nhất trong 2 tháng. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại Mỹ cũng chạm đỉnh của 5 tháng khi lên 104,65 USD/thùng.

Cùng với bất ổn ở Ukraine, việc Triều Tiên phóng hai quả tên lửa sáng nay và những số liệu thống kê kém khả quan về kinh tế Trung Quốc đã góp phần dẫn tới phiên giao dịch “đỏ lửa” trên thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hôm nay giảm gần 1,5%, chỉ số Strait Times của Singapore giảm hơn 0,9%, chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc giảm 0,8%, Nikkei 225 của Nhật giảm gần 1,3%...

Copy từ: VnEconomy

.................

Biệt thử “khủng” của quan chức – chuyện thường thôi!

(Dân trí) - Chuyện biệt thự “khủng” của ông Trần Văn Truyền đang làm nóng dư luận. Thấy trên báo, ông trần tình rất chi là chân thật, như muốn cởi hết lòng mình ra trước bàn dân thiên hạ. Đồng cảm cùng ông, xin có mấy dòng chia sẻ.
 >>  Xin ý kiến Văn phòng TƯ Đảng về khối tài sản của ông Truyền

Biệt thự của ông Trần Văn Truyền (ảnh: Minh Giang)
Biệt thự của ông Trần Văn Truyền (ảnh: Minh Giang)

Theo tôi nghĩ, thứ nhất là chuyện ông xây cái biệt thự chẳng có chi mà dư luận phải thanh động lên thế. Đất nước thời hội nhập, kinh tế phát triển, chả còn mấy ai nghèo khó như xưa. Đi đến đâu cũng thấy nhà cao cửa rộng, đường sá thảm nhựa, thảm bê tông thênh thênh. Đến mấy bác nông dân cả đời chân lấm tay bùn mà còn xây được biệt thự, huống chi là quan chức cấp cao như ông Truyền cả đời cống hiến cho cách mạng?

Theo con gái ông kể lại, bao nhiêu năm hoạt động, ông chịu nhiều cực khổ lắm rồi. Bây giờ nghỉ hưu cất một cái nhà, cũng thường thôi, để an dưỡng tuổi già thì có chi là quá đáng mà thiên hạ cứ đồn thổi um lên nhỉ?

Thứ hai, ông là quan chức cấp cao, đứng đầu cái ngành mà mới nghe tên thôi, thiên hạ đã thấy chợn: Thanh tra Chính phủ. Với vị thế như vậy dù không thích, không muốn, ông cũng có khối bạn bè, người quen.

Người ta cảm ông khi còn tại chức được tiếng là thanh liêm, đã từng đuổi người biếu chiếc cặp chứa hàng xấp USD. Người ta cảm ông vì ông với cương vị của mình đã tạo điều kiện để mọi người yên ổn mà làm ăn. Thế cho nên bây giờ hay tin ông làm nhà, xuất phát từ cái tình thâm ấy nên chẳng ai bảo ai, kẻ góp công, người góp của, kẻ tặng gạch, người biếu đá… đơn giản vậy thôi.

Vả ông còn có cô em nuôi thật quí hóa, trên đời này hiếm có người em nào được như thế, hỗ trợ cho ông một khoản tiền chắc là rất lớn.

Không riêng gì ông, quan chức bây giờ quan hệ rộng lắm. Mỗi khi nhà có việc, từ hiếu đến hỉ, bất kể thân hay sơ đều xúm vào, mỗi người một tay đỡ đần cho gia chủ.

Có vị quan nọ, chức cũng nho nhỏ thôi, vừa mới được bổ nhiệm đã ngỏ ý muốn dỡ căn nhà cũ xập xệ làm từ thời bao cấp để xây cái mới cho xứng với chức danh của mình. Kẻo khách khứa đến chơi, nhìn tư dinh thế, xấu chàng thì hổ ai? Thế là đùng một cái, vài hôm sau ông khai móng nhà mới thật. Nghe nói lãnh đạo các ban ngành dưới quyền không chỉ xúm vào nữa mà là giành nhau giúp sếp. Kẻ thì lo nền móng, người lo gạch ngói, kẻ sắt thép, người thì nội thất. Mấy anh chậm chân đành phải tự đấm ngực mà ân hận suốt đời.

Nhà xây xong chẳng khác gì biệt thự thuộc hàng đẳng cấp. Ai đến khen nhà cao cửa rộng, chủ nhà đều thành thật giãi bày: Mình ăn ở phúc đức nên anh em họ thương, mỗi người giúp một tí mới được thế này. Chứ vợ chồng lương ba cọc ba đồng, lại còn nuôi các cháu ăn học nữa thì lấy đâu ra (!)

Thứ ba, dân giàu thì nước mạnh, điều đó đã thành chân lí. Người như ông Truyền mà giàu có thì đáng mừng chứ ai lại đi soi mói mà làm gì. Làm quan mà nghèo thì còn lãnh đạo được ai, dân sao tin được?

Giàu có cũng là một thứ trang sức, cần được phô ra cho mọi người chiêm ngưỡng, ngắm nhìn. Một tòa biệt thự đẹp không chỉ chủ nhân mát mặt mà hàng xóm cũng được thơm lây, phố phường rạng rỡ thêm lên. Cho nên tôi mong mọi người đừng… soi mói nữa. Hãy khích lệ mọi người, đặc biệt là quan chức chớ nên tích cóp theo kiểu bỏ ống. Đồng tiền phải được lưu thông, phải bung ra khỏi két để sinh lợi. Đầu tư, góp vốn, mở công ty hay xây biệt thự…tuốt tuồn tuột đều tốt cả.

Và như thế nhà nhà sẽ giàu, kinh tế nước nhà chắc chắn chỉ có “phát” chứ không “hòa” như cái clip quảng cáo nọ vẫn lặp đi lặp lại hàng ngày trên tivi.

Đầu tuần góp chuyện cho vui. Mong chuyện về biệt thự của ông Truyền sớm khép lại, để ông thư thái tĩnh dưỡng tuổi già sau những năm tháng vất vả làm công bộc cho dân.

Nguyễn Duy Xuân

Copy từ: Dân Trí

...............

Một Quốc Gia Tình Nghĩa


Alan Phan


1 March 2014
Trong quan sát của tôi về lịch sử cận đại, tôi không thấy các chánh trị gia xứ nào có thể sánh với các quan chức Việt Nam về chỉ số may mắn. Đất nước chúng ta có thể được Guinness  liệt kê vào bảng kỷ lục về …”tình nghĩa”.
Ông cựu Tổng Thống Ukraine vừa phải thoát thân qua Nga và lúng túng không biết giải thích sao về những tài sản mênh mông khắp xứ, kể cả một dinh thự trên 138 hectares đẹp hơn cung điện của những Nga Hoàng ngày xưa. Ông Khadafi thì không kịp giải thích, còn ông Mubarak thì ở trong tù lâu quá, trí nhớ hơi kém.
Trong khi đó, tôi nhớ khoảng mấy năm về trước, vài quan chức Việt nói những tài sản kếch xù các mạng truyền thông tìm ra là do công sức “buôn thúng bán bưng” của các bà vợ hiền. Không những đầy ắp “tình” mà các vị này còn may mắn là có cả kho núi tiền do “tài” của những bậc phu nhân. Vì nghe chuyện này mà một thằng bạn Việt Kiều của tôi bỏ xứ Thuỵ Sĩ lạnh lẽo về Việt Nam đi khắp nước, cặp kè hơn 30 triệu bà cô không chồng. Sau 10 năm vất vả, vẫn không thấy một bà nào đủ “tài” tháo vát như các bà vợ quan chức.
Tôi nhớ có khuyên là nó đã bỏ sót một bộ phận không nhỏ là…đạo quân bán vé số…khắp thành thị làng quê. Nếu nhắm vào số lượng biết vui hưởng hạnh phúc XHCN cực nhọc này, thì chẳng mấy chốc bạn tôi sẽ thành đại gia…tỷ phú đô la, ăn xài cả chục đời không hết.
Ngoài “tình”, vài quan chức gần đây còn tuỳ thuộc vào “nghĩa”. Chỉ cần 1 người em kết nghĩa là một ông có thể xây xong một dinh thự hơn 16 ngàn mét vuông, trị gia vài chục tỷ đồng. Theo đánh giá của xã hội tình nghĩa này, càng làm lớn thì càng may mắn và càng có nhiều người em “kết nghĩa”. Tôi nghe nói một quan Trung Ương phải có ít nhất là chục ngàn người em kết nghĩa; còn ở các quận xã nghèo nơi “đất cày lên sỏi đá” thì tệ lắm cũng kiếm được vài trăm em kết nghĩa. Một người em dư xây một biệt thự, vài trăm em thì lên thiên đàng mấy hồi.
Do đó, ở đâu không biết, nhưng tại Việt Nam, mỗi ngày trên TV đều có những giải đặc biệt để xem quan chức hay đại gia nào có nhiều “tình” nhất hoặc nhiều “nghĩa” nhất. Đúng là thời Nghiêu Thuấn cũng không sánh bằng.
Vì sự tôn trọng “tình nghĩa” bàng bạc khắp lịch sử, một giáo sư tuyên giáo trung ương phải phẫn nộ mà kết tội bọn đế quốc Mỹ là tội ác của họ “trời không dung, đất không tha”. Chứ tình nghĩa như người anh kết nghĩa Trung Quốc thì em Việt Nam phải nghìn đời nhớ ơn, năm nào cũng sẵn sàng đem khoáng sản, mỏ dầu ngoài khơi, đi kiếm tiền bọn tư bản, nhập siêu đem về tặng anh kết nghĩa. Còn chuyện chiến tranh biên giới năm 1978 chỉ là một hiểu lầm nhỏ nhặt trong gia đình.
Cách đây vài tuần tôi ghé ngang Hồng Kông, tình cờ gặp một anh bạn cũ làm cho Bộ Ngoại Giao Mỹ. Sau vài trao đổi về thời tiết và gia đình, tôi hỏi anh về tiến bộ trong đám phán TPP, nhất là với Việt Nam. Anh ta cười,” Sao mày nghiêm túc quá. Hết giờ làm việc rồi, hãy để tao enjoy ly whisky này cho trọn vẹn nghe.” Rồi anh kể chuyện tiếu lâm mà anh nói là có thực, đang được hành lang Bộ Ngoại Giao phổ biến.
Một chính trị gia Mỹ đi công cán ở một quốc gia mới nổi. Cô đơn, ông bắt chuyện và gạ được một phụ nữ địa phương ở quán bar lên phòng mình, sau khi thoả thuận giá cả. Ông hăm hở vào cuộc ngay khi cà hai vừa leo lên giường. Bỗng người phụ nữ la làng,” Bớ làng xóm, coi thằng đế quốc tư bản này đang hiếp tôi nè.” Ông sợ quá, cả thân hình như khô cứng, người chết lặng. Bà ta lại chu chéo,” Tôi la gì kệ tôi, sao ông lại ngừng?”
TPP đành phải đợi vậy.
Alan Phan


Copy từ: Góc Nhìn Alan


..........