CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Rước giặc về nhà

Nhiều năm nay, việc hàng lậu hàng giả hàng độc hại Trung Quốc (TQ) tràn ngập nước ta đã gần như thành chuyện thường ngày. Lộng hành đến mức không còn chỗ nào, lĩnh vực nào vắng cái bóng ma của nó. Có người ví những thứ hàng ấy như cái đầu giặc Phạm Nhan, chém đầu này thì ngay lập tức mọc ra đầu khác. Kiểm soát ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng độc hại TQ vất vả không khác gì đánh giặc.

Chỉ trong hơn tháng qua, các nhà sản xuất trong nước và cơ quan chức năng đã phải dàn quân ngăn chặn quyết liệt hai thứ hàng từ TQ tràn sang: cá tầm và khoai tây. Nuôi cá tầm là ngành sản xuất mới mẻ ở nước ta, đang làm quen và dần chinh phục thị trường, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cá tầm VN, thì bất chợt cá TQ ào ạt tràn qua biên giới, vào tới tận cả các tỉnh phía nam. Cá rẻ, chất lượng kém của TQ đánh bật cá tầm VN ra khỏi nhà hàng, chợ búa, siêu thị, đồng nghĩa với việc phá hoại kinh tế, giết chết ngành nuôi cá tầm trong nước đang đà phát triển. Tương tự như vậy, củ khoai tây VN xưa nay đâu có thiếu, nhà nông xứ ta thừa khả năng cung cấp cho thị trường nội địa. Khoai tây miền Bắc, khoai tây Đà Lạt không chỉ ngon, vừa miệng mà điều quan trọng là đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Việc cơ quan chức năng vừa qua kiên quyết xử lý tiêu hủy lô hàng mấy chục tấn khoai tây TQ nhập lậu không chỉ vì nó sẽ phá rối thị trường mà nghiêm trọng hơn, nó đã bị nhiễm độc, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Suốt bao năm, mối nguy độc hại từ hàng TQ luôn chực chờ đe dọa. Chẳng mấy ai quên chính báo chí TQ đã phanh phui những vụ động trời như sữa bột Sanlu (tỉnh Hà Bắc) có hàm lượng melamine cao làm tử vong hàng loạt trẻ em dạo năm 2008 hoặc vụ trứng bắc thảo ở tỉnh Giang Tây chứa độc tố sulfat đồng mới đây. Nói chi xa, hàng TQ nhập vào VN tiềm ẩn chất độc do khâu sản xuất hoặc bảo quản như trái cây (táo, lê…), đồ chơi trẻ em, đồ sứ, hàng nhựa, quần áo, tỏi, gừng… khiến người tiêu dùng ngày càng e ngại, xa lánh. Vậy cớ chi chúng vẫn tràn ngập thị trường nước ta?

Không thể loại trừ chuyện hàng TQ ào sang VN theo một chủ trương nào đó từ TQ nhưng điều dễ thấy nhất là chính không ít doanh nghiệp, thương nhân xứ ta sang tận đất họ lôi của độc về. Nói nôm na là “quân ta đánh quân mình”. Chẳng hạn nhiều doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước đã tố một công ty thủy điện ở tỉnh Lai Châu nhập lậu cá tầm TQ về nuôi và bán phá giá thị trường, cá không qua kiểm dịch, có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản, không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chuyện khoai tây độc hại cũng tương tự, người ta còn cố ý nhập hẳn cả máy móc về để tân trang khoai TQ thành khoai Đà Lạt, biến củ khoai lậu, độc hại thành khoai VN. Chuyện khoai TQ chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 16 lần ngưỡng cho phép họ chả thèm quan tâm, bởi đã có người tiêu dùng gánh chịu.

Cứ nghĩ đến đám chất độc đang hoành hành giết dần giết mòn lương dân, đe dọa giống nòi xứ Việt này, tôi bất chợt hình dung ra sự lo lắng trong bài thơ được học hồi phổ thông, bài Á tế á ca (hay còn gọi là Đề tỉnh quốc dân ca, tương truyền của cụ Phan Bội Châu):

Nỗi diệt chủng vừa thương vừa sợ
Nòi giống ta biết có còn không?

Thật khó giả nhời.
24.6.2013
Nguyễn Thông


Copy từ: Nguyễn Thông

Đảng Cộng sản VN ‘phát triển nhân quyền'


Sinh hoạt tín ngưỡng ở Việt Nam bùng nổ những năm qua
Cùng thời gian Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897, Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh chủ đề ‘phát triển quyền con người’ và xác nhận công dân Việt Nam có mọi quyền tự do tôn giáo.
Tiến sỹ Vũ Quang Vinh, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng có bài trên Bấm Tạp chí Cộng sản (25/6/2013) cho rằng Việt Nam đang ”tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò của các cơ quan lập pháp, hành pháp trong việc bảo đảm quyền con người”.
Theo ông, chính quyền đang nhắm tới mục tiêu “bảo đảm được quyền tự do bầu cử, ứng cử của người dân”, và tiếp tục “nội luật hóa các điều khoản trong ‘Công ước quốc tế về quyền con người’ mà Việt Nam đã ký kết cho phù hợp với hệ thống pháp luật quốc gia".
Bài viết cũng nói chính quyền sẽ “xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm quyền con người của người dân” ở Việt Nam.
Nhà nước cũng đang thực hiện chính sách “ưu tiên hơn nữa cho những nhóm đối tượng đặc biệt, thu hẹp dần khoảng cách phân hóa giàu nghèo, tạo cơ sở để thực hiện quyền bình đẳng và tự do dân chủ của con người,” theo tiến sỹ Vũ Quang Vinh.

Nhận rõ các âm mưu

Tư tưởng chỉ đạo cho hoạt động phát triển quyền con người là Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, và quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người, tiến sỹ Vũ Quang Vinh nêu.
Theo ông, công tác giáo dục về nhân quyền cũng cần được làm “để mọi cán bộ và người dân có thể nhận thức rõ được âm mưu của các thế lực thù địch chống phá” Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền.
Bài viết cũng bác bỏ những chỉ trích rằng Việt Nam còn nhiều vấn đề về tự do tôn giáo và dẫn chứng rằng hiện “cả nước có gần 20 triệu tín đồ với 56.125 chức sắc và nhà tu hành, chưa kể hàng vạn người hoạt động bán chuyên nghiệp trong các tôn giáo”.
"Công tác giáo dục về nhân quyền cũng cần được làm để mọi cán bộ và người dân có thể nhận thức rõ được âm mưu của các thế lực thù địch chống phá"
Các hoạt động của chức sắc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài và Hòa hảo và các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, nhà nguyện, chùa, tịnh thất, tịnh xá, thánh đường, hội quán...ở con số hàng nghìn trên cả nước được nêu ra trong bài.
Sự bùng nổ về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, cầu chúng ở Việt Nam những năm qua đã được quốc tế ghi nhận.
Nhưng trang  Catholic World News hôm 27/6 trích lời tân Giám mục Vinh, Phê-rô Nguyễn Văn Viên nói Giáo hội Công giáo Việt Nam “cần có sự hiện diện trên truyền thông” và đóng vai trò chính yếu chứ không thể “sống bên lề xã hội”.
Bản tin của trang Công giáo này cũng nói, “hiện nay chưa hề có các báo chí, cơ quan phát thanh, nhà xuất bản của Công giáo ở Việt Nam”.
Cách đánh giá rằng hoạt động tôn giáo ở Việt Nam dù sôi nổi nhưng vẫn nằm ngoài lề không gian công cộng do Đảng Cộng sản kiểm soát có vẻ cũng được chính giới châu Âu chia sẻ khi nói về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Bà Catherine Ashton, Trưởng Đại diện Ngoại giao của Khối EU, trong thư trả lời Nghị viện EU hôm 25/4/2013 viết rằng “các vụ vi phạm tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng vẫn đang là một quan ngại [của EU] ở Việt Nam và Liên hiệp châu Âu tiếp tục theo dõi tình hình trong bối cảnh cuộc tranh luận về sửa đổi hiến pháp tại đó”.
EU cho hay họ vẫn đang đối thoại với chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện tình hình nhân quyền kể từ , và nhắc đến vụ quan chức EU và Úc phát hiện ra trong cuộc gặp năm ngoái sau khi gặp Hòa thường Thích Quảng Độ rằng vị tu sỹ Phật giáo này “không được tự do rời nơi tu hành”.
Bà Catherine Ashton cam kết với Nghị viện châu Âu rằng các vấn đề về tự do tôn giáo và nhân quyền và nội dung  Nghị định 92 mới ra của Việt Nam sẽ được nêu trong cuộc đối thoại tới, dự kiến vào tháng 10/2013.
Hiện có sự khác biệt khá rõ trong đánh giá về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xã hội và hội nhập của nước này vào cộng đồng quốc tế.

'Tư bản lỗi thời'

Việt Nam - Vatican đang tiến dần đến chỗ bình thường hóa quan hệ ngoại giao
Dù bác bỏ các cáo buộc về hạn chế nhân quyền, chính quyền Việt Nam cũng ý thức được công tác lý luận và thuyết phục dư luận trong và ngoài nước đang gặp các thách thức.
Tiến sỹ  Vũ Quang Tạo, từ Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng Việt Nam viết:
“Thách thức...đối với hoạt động nghiên cứu lý luận là sự thắng thế tạm thời của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản cách mạng, cùng sự bùng nổ các phương tiện thông tin và các mạng xã hội.”
Trong bài cũng trên Tạp chí Cộng sản hôm 10/6/2013, ông xác nhận có sự thắng thế tạm thời của “quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, mặc dù nó đã lỗi thời lạc hậu”.
Nhà lý luận của Quân đội Nhân dân Việt Nam kêu gọi tìm ra “hình thức tuyên truyền giáo dục mới có hiệu quả, thật sự hấp dẫn, lôi cuốn” nhằm thúc đẩy công tác dân vận của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.


Copy từ: BBC


.......................

THOÁT TRUNG LUẬN

Bài đọc liên quan:
Nhìn lại lịch sử cận đại của thế giới và Việt Nam, cũng như khu vực Đông Nam châu Á, địa chính trị, và cơ hội chúng ta thấy gì? Hãy điểm nó lại một cách khách quan để nhìn nước Việt đến vài thế kỷ tới xem sao? Đó là mục đích của bái viết này.
Địa chính trị và lịch sử
Các quốc gia Đông Nam Á khác, như Nam Dương(Indonesia) và Mã Lai Á nhờ địa lý tách ra khỏi bán đảo Đông Dương, nên bị thực dân Âu châu nhảy vào sớm hơn, từ đầu thế kỷ XVI. Cụ thể là Mã Lai Á thì Hà Lan bước chân vào năm 1511. Nam Dương cũng được Bồ Đào Nha đặt chân đầu tiên vào năm 1512. 
Miến Điện, một quốc gia có đường biên giới với Trung Hoa, nhưng gần với Ấn Độ và tiếp giáp giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng phải đến đầu thế kỷ XIX mới bị người Anh xâm chiếm ra khỏi sự quan tâm của Trung Hoa.
Ngay cả Ấn Độ có cùng đường biên giới hiểm trở với Trung Hoa, mà Ấn Độ là một nước lớn, nhưng cũng mãi đến khi Trung Hoa suy yếu vào cuối đời nhà Thanh thì các cường quốc châu Âu gồm: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp mới có thể xâu xé Ấn Độ vào cuối thế kỷ XVIII.
Cũng có địa chính trị cùng đường biên giới với Trung Hoa là bán đảo Đông Dương, nên cũng chịu dưới sự quan tâm đặc biệt của Trung Hoa từ ngàn năm trước.
Lịch sử Việt Nam đúng chỉ có khoảng 2.600 trăm năm, trong đó hơn ngàn năm bị đô hộ giặc Trung Hoa. Trong những khoảng trống không bị đô hộ đó, Việt Nam chưa bao giờ độc lập với Trung Hoa, mà phải quan hệ kiểu thiên triều và chư hầu, theo dạng triều cống và lãnh ấn chỉ chủ dụ từ Trung Hoa. 
Chỉ có một giai đoạn duy nhất từ giữa thế kỷ thứ XIX, khi cuối triều nhà Thanh suy yếu, Trung Hoa bị chia năm xẻ bảy bỡi các cường quốc châu Âu: Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh Quốc và kể cả Nhật Bản, lúc ấy Việt Nam mới bị sự dòm ngó của Pháp và xâm lược Đông Dương.
Khi Trung Hoa có nền Cộng Hòa xuất hiện do Tôn Trung Sơn lãnh đạo vào năm 1912, cũng là lúc suy thoái kinh tế toàn cầu 1929 - 1933 ập đến. Ba thập kỷ người Trung Hoa có nhiều nội loạn, vả lại chịu dưới sự xâm lược của người Nhật. Nên Trung Hoa không đủ sức dòm ngó đến Đông Dương và Miến Điện.
Sau chiến tranh thế giới II, người Pháp thất trận, Trung Hoa thành lập 1949, cũng là lúc họ bắt đầu quan tâm đến Đông Dương. Dù họ còn rất yếu do nhiều lý do khách quan và chủ quan của cách cai trị của Mao, nhưng Trung Hoa đủ mạnh để tranh đoạt bá vương và cùng với Hoa Kỳ để đi đến Thông Cáo Thượng Hải 1972 ăn chia Đông Dương và khu vực, cũng như toàn cầu.
Sau 30/4/1975, có một giai đoạn ngắn đến 1990, Việt Nam không bang giao với Trung Hoa nhờ vào sức mạnh của Liên Xô. Nhưng khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thì Hội Nghị Thành Đô lại làm cho Việt Nam trở lại thời kỳ bằng mặt, nhưng không bằng lòng với Trung Hoa. Hiện nay thì ai cũng thấy rõ ràng chính sách ngoại giao đa phương - dĩ bất biến ứng vạn biến của Tôn Tử - đang là cách mà nước Việt đang đương đầu với Trung Hoa.
Cơ hội
Qua những điều đã điểm ra ở trên, cho ta thấy các nước nhỏ quanh Trung Hoa có cùng biên giới rộng lớn với họ đều được họ xem là vùng đệm và chư hầu trong quan hệ ngoại giao.
Điều đáng lo lắng nhất với các quốc gia cùng biên giới với Trung Hoa là, không bao giờ Trung Hoa muốn các quốc gia này hùng mạnh để dễ bề thao túng và cai trị. Hãy điểm lại mà xem, Việt, Miên, Lào, Bắc Hàn, Mông Cổ, Bắc Hàn, Hồi Quốc Pakistan. 
Và kể cả Miến Điện, một quốc gia hùng cường vào 2 thập niên 1960s và 1970s nhưng cũng bị Trung Hoa chi phối làm cho kiệt quệ, và chỉ mới đổi mới xoay chuyển chính trị bằng cách chuyển dời, xây dựng thủ đô mới để tránh những bí mật quốc gia bị tiết lộ với Trung Hoa mới từ chối được cái dự án 2,5 tỷ đô la làm đường ống dẫn dầu từ Yangon đến Vân Nam, và thay đổi thể chế chính trị triệt để tách khỏi Trung Hoa như hôm nay. Một sự thay đổi Miến Điện mà thế giới kinh ngạc, nhưng là bài học Thoát Trung Luận cho Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Báo cáo kinh tế thế giới của Ngân Hàng Thế Giới vào ngày 13/6/2013 cho thấy nợ tư trong nước của Trung Hoa cao nhất thế giới, lên đến 160% GDP. Việt Nam cũng không khá hơn với 110% GDP của nợ tư trong nước. Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đang dự đoán một Trung Hoa hạ cánh nặng nề, và một tia hy vọng sáng sủa cho các quốc gia quanh khu vực có thể làm cuộc Thoát Trung Luận với Trung Hoa mà, lâu nay theo kiểu ngoại giao họ luôn tự cho mình là thiên triều.
Sự suy yếu của Trung Hoa trong những năm tới là có thực, không mơ hồ, do nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa gây ra không chỉ ở Trung Hoa mà ngay cả ở Việt Nam sau khi sao chép 23 năm qua. Dù khó khăn, nhưng đó là cơ hội cho Việt Nam rất lớn để làm cuộc Thoát Trung Luận.
Bài học và phương án Thoát Trung Luận
Từ thế kỷ XIX ở Nhật Bản, có ông thầy giáo Fukuzawa Yukichi đã viết và đưa ra chiến lược Thoát Á Luận. Các vị minh quân của nước Nhật đã đi theo và họ đã thành công như hôm nay, một phần nhờ địa chính trị. Nhưng có một quốc gia khác có địa chính trị giống Việt Nam - Miến Điện - họ đã và đang làm cuộc Thoát Trung Luận đến nay rất tốt.
Có thông tin cho rằng sở dĩ Miến Điện thoát được Trung Hoa là nhờ họ dời trung tâm hành chính quốc gia từ thủ đô cũ là thành phố Yangon đến Naypyidaw là do những trung tâm hành chính quốc gia Miến Điện dưới thời Thein Shwe là do Trung Hoa viện trợ và xây cất. Họ phải dời đô vào nơi an toàn, để bảo mật quốc gia, sau đó mới tính chuyện chuyển đổi thể chế chính trị, thì mới an toàn cho đất nước họ và Thoát Trung Luận mới thành công. 
Liệu rằng, những cơ sở hành chính quốc gia Việt được Trung Hoa giúp xây dựng thời chiến tranh có đảm bảo bí mật quốc gia?
Năm 2010, ở Việt Nam rộ lên việc di dời trung tâm hành chính quốc gia ra khỏi Ba Đình, nhưng một số thành phần ưu tú và trí thức Việt Nam lại cho là sai lầm. Rồi mọi chuyện rơi vào quên lãng.
Hôm nay, tình hình nước Việt như ngàn cân treo sợi tóc - kinh tế xem như đang trên đà sụp đổ hoàn toàn, chính trị rối ren vì nạn bè phái tranh ngôi đoạt vị - mà chuyện quốc sự quan trọng nhất là làm sao Thoát Trung Luận, thì đất nước mới mong thái bình, dân tộc mới mong thịnh vượng và độc lập tự chủ.
Trong lúc kinh tế khó khăn, chuyện xây dựng trung tâm hành chính quốc gia mới là điều nên làm, để vực nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho xã hội. Một công đôi việc vừa vực nền kinh tế quốc gia, vừa giúp cho tiến trình Thoát Trung Luận đẹp cả đôi bề.
Lý thuyết nhị nguyên luận trong triết học đã được người Mỹ áp dụng trong việc tạo ra hình thái chính trị xã hội cho một hời kỳ mới mà họ gọi là trật tự mới cho những thời đại tiếp theo rất thành công. Âm dương, nước lửa, trời đất, phá và xây, v.v... Cộng hòa và Dân chủ là 2 trường phái để xây dựng Hoa Kỳ ngày nay theo Nhị Nguyên Luận rất triết học và rất thành công. 
Người dân Việt hiếu hòa, không ai muốn và cũng chưa có lực lượng nào đủ sức để giành quyền lãnh đạo với đảng cầm quyền hiện nay. Đừng nên xem dân mình là thù địch vì quyền lợi cá nhân. Đã đến lúc cần phải tách đôi đảng cộng sản ra làm 2 đảng và cần một hành động cụ thể như Miến Điện để làm cuộc Thoát Trung Luận hoàn hảo, khi cơ hội bắt đầu hé mở ở chân trời - đó là một Trung Hoa đang và sẽ suy yếu. Thiên thời, nhân hòa lòng dân muốn và chỉ còn việc tạo ra địa lợi để biết chớp lấy thời cơ. Nếu không, 300 năm hay 1.000 năm nữa quan hệ Trung - Việt vẫn theo kiểu mà ngàn năm trước không thay đổi.
Asia Clinic, 18h38' ngày thứ Sáu, 28/6/2013


Copy từ: BS Hồ Hải

27 ghi chú dành cho những Tù nhân Lương tâm dự khuyết


Phạm Hồng Sơn

Tháng 6 28, 2013
Procontra
1. Nguyên tắc “suy đoán vô tội”: Không ai có quyền cho bạn là tội phạm cho đến khi có một tòa án công chính đủ thẩm quyền đưa ra một phán xét kết tội có hiệu lực.
Nhưng bạn đừng bao giờ trông chờ sẽ có một tòa án như thế trong một chế độ độc đảng toàn trị.

2. Dù bạn là tù nhân hay thậm chí là “phạm nhân” cũng không ai có quyền xúc phạm danh dự và tuyệt đối không có quyền xúc phạm thân thể bạn.
Chắc chắn bạn cũng không kỳ vọng chế độ độc đảng toàn trị sẽ tôn trọng những điều hiển nhiên này nhưng bạn cần phải nhớ để bảo vệ nhân phẩm tối thiểu cho mình.
3. Bất kể lúc nào, tình huống nào bạn vẫn luôn có ba quyền đương nhiên sau đây: 1. Quyền không trả lời (im lặng), tức cũng là trả lời. 2. Quyền không ký. 3. Quyền sửa sai, đính chính, phản bác, phản cung lại những điều đã nói hoặc đã ký.
Tất nhiên khi làm như thế, bạn sẽ bị chế độ độc tài đảng trị liệt vào dạng “ngoan cố” “cứng đầu” nhưng chắc chắn bạn sẽ có nhiều giấc ngủ ngon hơn trong tù và đời bạn sẽ bớt được nhiều nỗi day dứt không đáng có.
4. Nếu phải giam chung với tù hình sự, đừng sợ hay ác cảm trước những bộ dạng gớm ghiếc hay những cơ thể xăm trổ đầy mình của họ. Phía sau những ghê rợn đó có thể là một trái tim rất nhạy bén, tự trọng và đầy bản lĩnh. Hãy sống nghĩa hiệp với họ.
5. Ba suy nghĩ sai lầm bạn cần loại ngay ra khỏi đầu: 1. Không khai, không có chứng cớ hoặc mọi việc bạn làm đều đúng luật nên họ sẽ không thể kết tội được bạn và sẽ phải thả bạn. 2. Bên ngoài sẽ giúp bạn hoặc vì bạn là người nổi tiếng, có nhiều quan hệ nên trước sau họ cũng phải thả hoặc án phạt sẽ không đáng kể. 3. Thế là hết rồi, xong rồi.
Than đời hay buông hết hy vọng với đời là hoàn toàn chẳng nên, kể cả lúc bị gông xiềng, nhưng rồi bạn sẽ lại nhận thấy điểm tựa tốt nhất cho đời bạn trước hết vẫn chính là bạn. Bạn cũng không nên phải quá cay đắng nếu vẫn mắc phải suy nghĩ sai lầm số 1 vì sự vô sỉ của chế độ toàn trị cộng sản cho đến nay vẫn nằm ngoài sự tưởng tượng của rất nhiều người.
6. Đừng bao giờ tin lời nói, lời hứa, kể cả cam kết (bằng chữ), của điều tra viên (nhà chức trách). Đừng bao giờ trở thành nguồn tin cho họ (dù họ đã biết hay chưa). Cũng đừng bao giờ sững người khi họ nói đồng đội của bạn đã phản bội bạn.
Hãy tạc vào lòng ba lời nhắn của tiền nhân: “Đừng nghe những gì họ nói mà hãy xem những việc họ làm.”, “Đừng trao trứng cho Ác”, và: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo.”
7. Ba điểm cần nhớ nằm lòng khi làm việc (đi cung, đi thẩm vấn, “đi làm” hay gặp gỡ bất kỳ nhân vật nào thuộc chính quyền): 1. Nói nhiều không có lợi. 2. Nổi nóng, khiếm nhã không có lợi. 3. Nhượng bộ hay coi thường đối thủ đều là nguy hiểm.
Hai điểm đầu cho phép bạn được rút kinh nghiệm nhưng điểm thứ ba phải coi ngay là miệng vực. Khi nghiêm khắc thực hiện ba điểm này bạn sẽ hiểu thấu hơn sự đúc kết của cổ nhân: “nhất thủy nhì hỏa”. Song, bạn không nên nhầm giữa sức mạnh hủy diệt khổng lồ với sức mạnh xanh cũng khổng lồ nhưng nhân ái, thu phục.
8. Hãy chủ động đón nhận một trang đời mới ngay khi bạn bị tống vào tù. Càng chủ động bao nhiêu, đời tù của bạn sẽ càng nhẹ nhõm bấy nhiêu.
Nếu bị biệt giam nghĩa là đời bạn đã được trao một cơ hội để nhận rõ sự khác biệt hoàn toàn giữa đơn độc và cô đơn, được gặp một cơ may để khám phá, tiếp nhận nhiều sức mạnh, cảm hứng, hạnh phúc, đốn ngộ từ những tĩnh lặng mênh mông sâu hút gần như tuyệt đối của vũ trụ. Còn nếu được giam chung là người ta đang tôi cho bạn những kỹ năng hội nhập, đoàn kết, ảnh hưởng, rèn thêm cho bạn lòng trắc ẩn, đức quên mình, là giúp bạn nhìn ra những khiếm khuyết, thói xấu láu lỉnh nhất trong bạn và cho bạn trải nghiệm sự kinh ngạc tột cùng trước sự đa dạng vô biên, vô cấp độ của những khả năng, tài năng, sức chịu đựng và những ham muốn, ước vọng, cả cao cả vô cùng lẫn thấp hèn tột bậc, của loài người và thậm chí của chỉ một người.
Hãy nhớ câu châm ngôn hài hước của tù hình sự: “Đi tù nếu không học được cái lọ thì cũng sẽ được cái chai”.
9. Đừng quá thành kiến với công an. Nhưng phải cảnh giác khi họ tử tế. Người ác nhất vẫn có lúc tử tế nhưng hãy nhớ công an là công cụ của chế độ độc tài toàn trị – chế độ không bao giờ muốn tính thiện con người trỗi dậy có lợi cho bạn – kẻ đang bị coi là thù địch. Hãy trân trọng, ghi nhận mọi thiện ý nhưng chớ mềm lòng.
10. Trong khi thẩm vấn không nhất thiết bạn phải thuộc phía thụ động, sợ hãi. Chính kẻ thẩm vấn cũng có nỗi hoang mang của riêng họ. Họ sợ không khuất phục được bạn. Họ hồi hộp sẽ không moi tin thêm được từ bạn. Và họ rất lo lắng rằng bạn sẽ ngày càng vững vàng hơn.
11. Người ta có thể rất tức tối, thậm chí căm ghét bạn nhưng bạn phải biết không ai có thể khinh thường một tù nhân lương tâm kiên định. Căm ghét vẫn có thể chuyển thành tôn trọng thậm chí kính trọng. Nhưng khinh thường thì không bao giờ.
12. Đừng quá trông chờ vào luật sư khi bị cầm tù. Một luật sư tốt nhất lúc này cũng chỉ có 3 vai trò chính: 1. Cầu nối thông tin giữa bạn và bên ngoài. 2. Cung cấp thêm một số luận cứ pháp luật cho niềm tin của bạn. 3. Chứng nhân cho những gì bạn thể hiện trong những phiên tòa “công khai”.
Bạn nên nhớ bạn không chỉ là thân chủ mà còn là người liên đới, chịu trách nhiệm trước hết và sau cùng cho mọi phát ngôn, hành động của người đại diện pháp lý (luật sư) của mình. Và bạn luôn có toàn quyền đồng ý hay chấm dứt liên đới với luật sư bất kể khi nào kể cả ngay tại tòa. Bạn không nên quên chế độ độc tài toàn trị không bao giờ thèm cần đến tranh tụng nhưng họ rất cần hình ảnh và quan điểm của bạn bị đánh hỏng ngay trước tòa.
13. Khi nỗi nhớ thương gia đình (con cái, cha mẹ, vợ chồng) trào dâng, nên nghĩ đến ba điều: 1. Trách nhiệm của một công dân không chỉ là chăm lo cho gia đình riêng của mình. 2. Đây là điều ngoài mong muốn của bạn. Ngọn nguồn của chia ly, đau khổ này là từ chế độ độc tài. 3. Bạn có thể đã phải gặp một rủi ro xấu hơn như nhiều người đã đột ngột phải chia ly gia đình mãi mãi.
14. Chắc chắn bạn sẽ suy sụp nếu cứ đo đếm thời gian, trông mong ngày trở về. Hãy đặt ra công việc và mục tiêu cần đạt được cho mỗi ngày, mỗi giai đoạn ở tù. Bạn nên nhớ đó là những khoảnh khắc vô cùng đặc biệt mà đời thường không thể có và rất không dễ để hiểu.
15. Có những lúc bạn sẽ có cảm giác vui sướng, nhưng đừng để quá vui. Cũng đừng nghĩ quẩn. Trước mọi vấn đề, cần suy nghĩ thật kỹ càng, chu đáo nhưng đừng để lo lắng, day dứt làm kiệt sức bạn. Hãy biết an tâm, chấp nhận những rủi ro ngoài khả năng tiên liệu.
16. Hãy biết tự giễu mình mỗi khi cảm thấy yếu ớt, căng thẳng hay sợ hãi. Và cũng phải biết tự thầm khen mình, tự hào về mình mỗi khi vượt qua một thách thức.
17. Cảnh giác với ba loại thời tiết dễ làm bạn không còn là bạn: nóng quá, lạnh quá và đặc biệt tiết trời u ám, ẩm thấp (như tiết tháng Ba miền Bắc).
18. Thà nhịn đói còn hơn ăn đồ không an toàn (nghi là ôi thiu, không tin cậy, thức ăn lạ). Hãy nhớ câu: “Chết vì ăn là rất nhục”.
19. Tuyệt đối không dùng dao cạo cũ (của người khác), không để tiêm chích, không để chạm dao kéo (nếu không phải là trường hợp cấp cứu tính mạng). Hãy nhớ câu: “Chết vì xuề xòa là cái chết đáng trách”.
20. Ba cách đơn giản giúp tăng cường sinh lực và sức dẻo dai cho cơ thể: 1. Chạy (hoặc đi bộ) ngay tại chỗ hoặc trong khoảng cách 2m. 2. Chống đẩy (hít đất), đứng lên ngồi xuống nhiều lần. 3. Làm dẻo các khớp từ cổ đến chân, xoa bóp cơ thể.
Siêng năng là cần thiết. Nhưng điều cần hơn là thực hành với sự hiệp nhất cùng nhịp thở trong sự tò mò, chú tâm để cảm nhận và lắng nghe những rung động bình dị mà kỳ lạ trên từng phần thân thể. Hãy luôn nhớ: Mỗi khi bạn lười nhác hay ngại ngùng là có một nụ cười đang hé trên môi của quyền lực độc tài.
21. Có ba thứ quí giá, ngoài bạn ra, không ai có thể tước đi được: 1. Giấc ngủ ngon. 2. Lý tưởng. 3. Mơ ước và suy tư.
22. Hãy đặt mọi yêu sách, đấu tranh của bạn trên ba trụ cột: pháp luật, phi bạo lực và chính trực. Tuy nhiên, tôn trọng pháp luật không có nghĩa là chấp nhận cả những qui định, luật lệ vô lý, phi nhân.
23. Những lúc cảm thấy đau khổ cùng cực hãy nghĩ đến ba điều: 1. Những người bị khuyết tật về thân thể hay trí não. 2. Những bạn bè, người thân đồng tuổi nhưng đã không may qua đời sớm. 3. Sự lo toan, tất tưởi, rủi ro của gia đình ở bên ngoài. Hãy nhớ câu: “Nỗi khổ của ta không bao giờ là nỗi khổ lớn nhất”.
24. Những khi bạn cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa, hãy nhớ đó chính là lúc bạn đã tiến tới sát khả năng phát hiện ra những năng lực mới của bản thân khiến chính bạn phải sửng sốt.
25. Cả hai thứ, thân thể và ý chí, luôn cần được chăm chút, rèn luyện trong suốt những ngày tù. Nhưng nếu phải giữ lại một thì phải chọn cái thứ hai – cái không ai có thể tù hãm hay giết chết được, trừ bạn.
26. Nếu bạn xác quyết rằng Tạo hóa đã hào phóng ban cho mọi con người có khả năng tận hưởng những quyền tự do bất khả nhượng thì bạn cũng phải tin rằng Tạo hóa muốn con người phải thực sự xứng đáng hơn mọi loài vật khác khi nhận ân sủng lớn lao đó. Bởi Tạo hóa đã chỉ cho một loài duy nhất của địa cầu biết chế ra nhà tù: đó là con người.
27. Đường đến tự do không nhất thiết cứ phải xuyên qua nhà tù nhưng những kẻ kìm giữ tự do rất hay mượn nhà tù để thử độ khát khao tự do. Và những kẻ đó chắc chắn sẽ không thấy cần phải đoái hoài tới những tự do bất khả nhượng của chúng ta nếu họ cho rằng độ khát khao tự do của chúng ta thuộc loại chẳng cao lắm.
© 2013 Phạm Hồng Sơn & pro&contra


Copy từ: Đối Thoại

Thế này mà gọi là pháp luật ư?

Hoàn toàn tôi chả muốn thả chữ nào về vụ án xử mấy cô gái bán dâm và môi giới bán dâm bữa qua. Chẳng qua tôi không muốn dính vào trò xử đó. Nhưng báo chí thì cứ lồng lộn lên, báo in báo mạng, đài phát thanh, truyền hình, cả chính thống lẫn không chính thống. Vậy mà cuối cùng cầm lòng chẳng đậu. Nhưng dứt khoát không nói chi về "tội" của mấy cô gái đó, chỉ nói chuyện tòa, chuyện báo.

Xứ ta hầu như ngày nào cũng mở tòa, ngày nào cũng kết án. Tội phạm nhiều, luật hình lắm nên tòa bận rộn. Tuyên đúng người đúng tội là đương nhiên, nhưng oan sai cũng chả thiếu. Cái cần xử kín thì hở toang toác, vụ cần công khai thì lại dấm da dấm dúi. Nhìn vào chỗ thần công lý ngự trị nhiều khi thấy cũng nực cười.

Giở lại vụ xử mấy cô gái trên. Tất nhiên các cô ấy phạm luật, mà đã vi phạm thì phải chịu sự phán xét của pháp luật, nên tôi không có ý bênh họ (phải nói trước ra như thế). Xứ ta cấm hành nghề mua bán dâm. VN chứ không phải Hà Lan hay nước Đức. Không có phố đèn đỏ, chỉ luật đỏ thôi, vượt lằn ranh thì ráng chịu. Nhưng...

Đối với người đàn bà, hầu hết khi chọn sự bán dâm để sống tức là đã chả còn cách nào khác phù hợp với chính mình. Chấp nhận sự khinh rẻ của cộng đồng, xã hội. Vì tham tiền, muốn hưởng thụ, lười lao động, ham muốn thân xác, bị đẩy vào bước đường cùng... thôi thì đủ thứ lý do. Muốn lên án họ thế nào cũng được. Những cô bán dâm nhưng vẫn cố ý giấu diếm tức là trong họ vẫn còn chút mong muốn quay trở lại cuộc sống bình thường. Vậy mà tòa nỡ lòng nào, báo chí truyền thông nỡ lòng nào phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật. Ừ thì để cảnh báo, để làm gương, để rút ra bài học, để kẻ khác thấy mà chừa. Nhưng liệu có hồ hởi hăng hái tàn nhẫn thái quá chăng khi chưa xử đã công bố ngày này ngày nọ lôi ra tòa, khi xử thì mở cửa không khác gì tháo khoán cho người đến coi mặt bọn "đĩ" (dư luận kháo như thế), mời đủ cơ quan báo chí truyền thông, muốn quay phim chụp ảnh phỏng vấn cứ thoải mái. Phòng xử chật ních. Nhà báo đông hơn kiến cỏ. Có cảm giác nếu xử trùm phát xít Hitler cũng không đến nỗi thế. Mấy "cô gái sông Hương" ấy co ro nhưng con giun con dế giữa tòa, trong vòng vây trùng điệp của những người có nhân cách hơn họ. Dù tòa có tuyên án nhẹ, án treo, thậm chí trả tự do ngay sau đó thì cũng đã phăng một nhát dao tàn nhẫn chặt nốt đường về của họ. Phụ giúp đắc lực cho tòa là những anh chị nhà báo hăng hái kia, những người từng đọc leo lẻo truyện Kiều "chữ trinh còn một chút này/Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan". Lôi người đàn bà đang mắc nợ nhân phẩm ra trước chợ người, liệu tòa có chút băn khoăn nào không nhỉ? Dí cái ống kính máy ảnh vào tận mặt người ta trong giới hạn cuối cùng của lương tâm, thử hỏi các nhà báo có cảm thấy đắng chát lòng không nhỉ?

Giá như xử "mấy tên phản động" Hà Vũ, Điếu Cày, tòa lôi ra công khai thế này, cho báo chí tung hoành tác nghiệp thế này để dân tình thấu hiểu "tội lỗi của chúng" có phải hợp lý hợp tình không. Và ngược lại, với mấy cô gái ấy, lôi toẹt vào cái phòng kín, cấm tiệt bọn báo chí, ngắt điện tivi, thì dù án tuyên thế nào chăng nữa cũng vẫn có chút tình người.

28.6.2013
Nguyễn Thông

Ghi chú: Ảnh của mạng kênh14.vn

Copy từ: Nguyễn Thông

Thánh lễ cầu nguyện cho Ls Lê Quốc Quân

Tối 28/6/2013, Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội đã dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Ls Lê Quốc Quân tại nhà nguyện Giêrađô Giáo xứ Thái Hà






















Ảnh: NTT

Copy từ: Nguyễn Tường Thụy

Nguyên thượng sĩ công an dâm ô hàng loạt nữ sinh bị tâm thần?

(NLĐO) - Sau khi bị bắt vì dâm ô hàng loạt nữ sinh, Vũ Văn Quỳnh, nguyên thượng sĩ Công an huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, có biểu hiện tâm thần. Giám định pháp y tâm thần kết luận: “Bệnh nhân Vũ Văn Quỳnh hiện có mắc bệnh tâm thần”.

Vũ Văn Quỳnh sau khi bị bắt tại cơ quan công an
 
Sáng nay, 28-6, TAND TP Hải Phòng đã mở phiên tòa sơ thẩm đưa vụ án Vũ Văn Quỳnh, nguyên thượng sĩ Công an huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, phạm tội dâm ô với hàng loạt trẻ em.
 
Tuy nhiên, tại phiên tòa, sau phần thủ tục điểm danh những người có mặt tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm hoãn phiên tòa, chuyển sang xét xử vào ngày 4-7 tới do ông Vũ Văn Quỳ (SN 1964, là bố và đồng thời là người giám hộ cho bị cáo Vũ Văn Quỳnh) đã có đơn xin tạm hoãn phiên tòa vì bị cảm đột ngột.

Theo cáo trạng, khoảng 13 giờ 40 ngày 3-11-2012, quần chúng nhân dân xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng bắt giữ và tố cáo Vũ Văn Quỳnh (thượng sĩ Công an huyện Tiên Lãng) có hành vi dâm ô đối với nhiều nữ sinh trên địa bàn xã trong khoảng thời gian từ tháng 8-2012 đến tháng 9-2012. Tang vật thu giữ gồm 1 xe máy Jupiter biển kiểm soát 16 L6-7494, 1 mũ bảo hiểm và 1 khẩu trang của Quỳnh.

Tại cơ quan điều tra, Quỳnh khai nhận, do ảnh hưởng của phim ảnh đồi trụy nên Quỳnh đã nảy sinh ý định chặn đường nữ sinh để thực hiện hành vi sờ ngực. Quỳnh chọn thời gian vào buổi trưa, trên các đoạn đường vắng người qua lại để thực hiện hành vi phạm tội.

Cụ thể, lần thứ nhất vào 12 giờ 35 ngày 17-8-2012, Quỳnh đi xe máy đến khu vực nghĩa trang chùa Nủi (thôn Ngọc Khánh, Tiên Minh, Tiên Lãng) thì thấy cháu Cao Thị T. (SN 1997, ở thôn Ngọc Khánh) mặc đồng phục học sinh đi xe đạp một mình ngược chiều.

Quỳnh liền vòng xe lại rồi dừng xe chặn đầu xe đạp của cháu T., kéo tay làm cháu ngã ngửa ra đường. Sau đó, Quỳnh ngồi lên 2 đùi của cháu, dùng tay trái giữ tay cháu T. và dùng tay phải sờ ngực nữ sinh này.

Đúng lúc này, anh Đỗ Văn Đoản (SN 1979, giáo viên Trường THPT Toàn Thắng, Tiên Lãng) đi xe máy đến. Sợ bị phát hiện, Quỳnh liền lên xe máy bỏ chạy.

Hai ngày sau, tại đoạn đường nghĩa trang thôn Chính Lý, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, với thủ đoạn tương tự, Quỳnh chặn đầu xe đạp cháu Nguyễn Thị T. (SN 1997, ở xã Quang Phục), dùng tay tát vào mặt và bóp cổ cháu rồi luồn tay vào sờ ngực nữ sinh này.

Trong quá trình chống cự, cháu T. giật được khẩu trang mà Quỳnh đang đeo, sau đó cháu T. dùng chân đạp vào bụng Quỳnh khiến Quỳnh ngã xuống ven đường. Liền đó, cháu T. bỏ chạy về phía cánh đồng.

Hành vi nêu trên của Vũ Văn Quỳnh đã phạm tội dâm ô đối với trẻ em, vi phạm khoản 2, Điều 116 Bộ Luật Hình sự.
 
Một nạn nhân tố bị Vũ Văn Quỳnh thực hiện hành vi dâm ô

Ngoài ra, vào khoảng 12 giờ 15 một ngày giữa tháng 8-2012, trên đường đến gần trường mầm non xã Quang Phục, Quỳnh còn có hành vi chặn đường Phạm Thị D. (SN 1991, trú tại xã Quang Phục) và thực hiện hành vi sàm sỡ khoảng 2 phút rồi bỏ đi. Tuy nhiên, thời điểm Quỳnh thực hiện hành vi phạm tội, Phạm Thị D. đã trên 18 tuổi nên không phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan CSĐT cũng nhận được đơn của 3 nữ sinh khác tố cáo đã bị Vũ Văn Quỳnh giở trò sàm sỡ. Tuy nhiên, quá trình điều tra, Quỳnh không thừa nhận hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, 3 nữ sinh này cũng không có chứng cứ khác nên không có cơ sở để xử lý.

Quá trình điều tra, Quỳnh có biểu hiện tâm thần. Ngày 30-11-2012, Cơ quan điều tra Công an TP Hải Phòng đã quyết định trưng cầu giám định đối với Vũ Văn Quỳnh.

Tại bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 01 ngày 8-1-2013 của Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP Hải Phòng kết luận: “Bệnh nhân Vũ Văn Quỳnh hiện có mắc bệnh tâm thần. Loại bệnh những rối loạn trong ưa chuộng tình dục (F65). Trước trong và sau khi gây án: “Giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

Cũng trong sáng 28-6, ông Vũ Văn Quỳ (hiện đang công tác tại Công an quận Hải An, TP Hải Phòng) cho biết sau khi Quỳnh bị khởi tố, tạm giam, gia đình đã mời luật sư Ngô Văn Thắng - Đoàn luật sư TP Hải Phòng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Quỳnh ngay từ giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng thông tin với gia đình rằng bị can từ chối mời luật sư, tự bào chữa cho mình. 
Tin-ảnh: K.Nga


Copy từ: Người Lao Động

Cán bộ công an "giăng bẫy" cưỡng đoạt hơn 250 triệu đồng

Bắc Ninh:

Cán bộ công an "giăng bẫy" cưỡng đoạt hơn 250 triệu đồng

(Dân trí) - Là cán bộ công an thuộc Phòng cảnh sát kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Quốc Điệp (SN 1981) lại cùng một số đối tượng lợi dụng “mác” công an giăng bẫy bắt giữ người, cưỡng đoạt số tiền hơn 250 triệu đồng.

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa mở phiên tòa xét xử nhóm đối tượng phạm tội cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Ninh, do có quen biết với Nguyễn Văn Thao (SN 1985, ở Yên Trung, Yên Phong), người chuyên mua bán điện thoại, chiều ngày 8/11/2012, Nguyễn Văn Linh (SN 1991, ở Châu Phong, Quế Võ) gọi điện cho Thao để bán 9 bản mạch máy điện thoại Samsung Galaxy.
Sau khi vờ thoả thuận giá cả và địa điểm giao hàng với Linh, Thao gọi điện cho Vũ Văn Sơn (SN 1988, ở Yên Trung, Yên Phong) và Phương Bá Tiến (SN 1991,ở Phú Hoà, Lương Tài) hỏi có quen ai là công an không để dàn dựng việc bắt quả tang trong khi giao hàng nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Các đối tượng bị tuyên phạt tại phiên tòa.
Các đối tượng bị tuyên phạt tại phiên tòa.
Sau đó, Tiến gọi cho Nguyễn Quốc Điệp (SN 1981), cán bộ phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Bắc Ninh, trao đổi. Theo kế hoạch, ngày 8/11/2012, Tiến, Điệp, Sơn, Thao cùng Nguyễn Văn Dương (SN 1989, ở Yên Trung, Yên Phong) thống nhất việc giả vờ bắt giữ quả tang và đe dọa việc Linh bán bản mạch điện thoại nhằm chiếm đoạt tiền của Linh.
Khoảng 23h ngày 8/11/2012, sau khi Linh bán 9 bản mạch điện thoại cho Thao. Điệp và Sơn mặc quân phục công an cùng Vũ Văn Sơn, Tiến, Dương bắt giữ và dùng còng số 8 khoá tay Linh.
Sau đó, Điệp cùng đồng bọn đe doạ Linh về việc đã bị bắt về tội  trộm cắp, nếu không muốn đi tù thì phải nộp 300 triệu. Do lo sợ, Linh điện thoại cho người nhà mang 21 chỉ vàng đến đưa cho Vũ Văn Sơn.
Sau khi nhận được 21 chỉ vàng từ gia đình Linh, đến 2h cùng ngày, Linh được thả về nhà. Liên tiếp vào nhiều ngày sau đó, Vũ Văn Sơn gọi đe doạ anh Linh yêu cầu nộp tiền.
Tối 10/11/2012, khi Tiến nhận tiền tại quán cà phê Trung Nguyên ở khu 1 phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, các đối tượng bị cơ quan công an tỉnh Bắc Ninh bắt quả tang, thu giữ tại chỗ hơn 112 triệu đồng.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thao, Vũ Văn Sơn, Phương Bá Tiến, Nguyễn Quốc Điệp, mỗi bị cáo 5 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn Dương 4 năm 6 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản và tội bắt giữ người trái pháp luật.
Đoàn Thế Cường

Copy từ: Dân Trí

Chó khiêu vũ


Những Chú Chó Siêu Đẳng - America's Got Talent S07-2012