(ĐVO) -
Các yếu tố để tăng giá điện xem ra đã hội tụ đủ, chỉ còn vướng mỗi lời
hứa không tăng giá điện trong tháng 4 của Bộ Công thương. Còn 10 ngày
nữa.
Mới chỉ 4 tháng đầu năm 2013, nhưng
người dân liên tục tiếp nhận những thông tin không mấy khả quan từ Tập
đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khi tập đoàn này liên tục phát đi các
thông tin về tình trạng thiếu nước tại các hồ thủy điện, khi lượng nước
về các hồ chứa chỉ bằng 2/3 cùng kỳ năm trước.
Và tới nay, lượng nước sử dụng cũng đã
gần hết nửa số đó, đặc biệt các hồ thủy điện miền Trung, Tây Nguyên,
như Thủy điện Ba Hạ (Phú Yên) chỉ cách mực nước chết 0,5m, Thủy điện A
Vương, Đăk Mi 4 (Quảng Nam) lượng nước chỉ còn khoảng 20% dung tích
chứa…
Thiếu nước, EVN tính toán mùa khô 2013
sản lượng điện thiếu hụt sẽ lên tới 1,43 tỷ kWh, vì vậy, EVN dự kiến
huy động gần 1,6 tỷ kWh điện từ nguồn nhiệt điện chạy dầu FO và DO, với
giá thành mỗi kWh từ 4.000 - 5.000 đồng, trong khi giá bán điện bình
quân hiện nay là 1.304 đ/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Thời gian qua EVN liên tục tung tin "kêu khó", thiếu điện nghiêm trọng để chuẩn bị tâm lý cho người dân sắp tới sẽ tăng giá điện? Ảnh: SGTT. |
Đấy quý vị xem, người viết xin liệt kê
ra vậy để gợi nhớ cho quý vị thôi, chứ dám tin rằng những thông tin
trên quý vị đã thuộc lòng rồi, vì năm nào cũng vậy. Đặc biệt từ đầu năm
2013 tới nay, hầu như tháng nào cũng có 1, 2 bản tin xuất hiện trên các
mặt báo về cái tình hình khó khăn đó của EVN.
Tuy quý vị nghe quen rồi nhưng vẫn
nhắc lại để quý vị được nhớ. Vì theo quy luật thị trường giá cả hiện nay
ở ta, mỗi khi một ngành sản xuất nào đó kêu khốn khó, đặc biệt là những
ngành mà đang độc quyền, như xăng dầu, than chẳng hạn, mỗi lần doanh
nghiệp kêu khó, kêu lỗ là y như rằng sau đó có đợt điều chỉnh tăng giá.
Và chính trong hai đợt tăng giá điện
năm 2012 cũng là vì EVN lỗ, thủy điện thấp phải chạy nhiệt điện nhiều,
chưa kể lỗ các năm trước để lại, nên phải tăng giá để lấy tiền trả nợ.
Quý vị cũng cần nhớ lại rằng, mới cách
đây hơn một tuần, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
(Vinacomin) vừa có văn bản gửi Chính phủ xin tăng giá bán than cho điện.
Còn trước đó vài tuần, cuối tháng 3 vừa rồi thì xăng dầu cũng đã tăng
mạnh.
Thủy điện thiếu nước, EVN phải tăng
điện từ các nhà máy nhiệt điện than, dầu, giá thành lại cao hơn thủy
điện vài lần. Đấy, sự tình xem ra nguy cấp lắm rồi. Mà cái thời hạn
“điện chắc chắn không tăng giá trong tháng 4 này” như cam kết của đại
diện Bộ Công thương cũng chỉ còn chục ngày nữa là hết.
Tất cả các yêu tố tới nay cơ bản đã
hội đủ, thông tin thủy điện căng thẳng, nguy cơ thiếu điện hiện hữu đã
liên tục được công khai để quý vị nắm rõ và chuẩn bị tâm lý rồi, chỉ còn
đợi hết cái thời hạn cam kết không tăng giá điện nữa thôi.
Nếu trong tháng 5 này giá điện có tăng
quý vị cũng đừng ngạc nhiên, mà hãy xem đó là điều hiển nhiên phải đến.
Còn nếu có ai đó phản ứng tiêu cực, tôi nghĩ người đó vì tiết kiệm điện
nên ít ngồi máy tính độc báo, hạn chế xem ti vi, nên không nghe được
những tin khó khăn của EVN để chuẩn bị tinh thần và tiền bạc, những đối
tượng này thì xem ra EVN có muốn “bắn” tin để họ chuẩn bị tâm lý cho
tăng giá điện kể ra cũng khó.
Cái khó của EVN xem ra cũng rất được
Bộ Công thương “thông cảm”, khi trong cuộc họp báo thường kỳ tháng
3/2013 cảu Bộ này, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện cho
hay: “Theo kế hoạch, trong năm 2013 phải huy động khoảng 1,2-1,5 tỷ kWh
bằng nguồn nguyên liệu dầu với giá thành mỗi kWh từ 4.000 - 5.000 đồng.
Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng
giá thành sản xuất điện của EVN trong năm 2013”. Trong khi khoản nợ của
EVN từ các năm trước để lại vẫn còn, tính tới hết năm 2012, EVN còn nợ
khoảng 34.000 tỷ đồng (bao gồm 26.600 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá và
khoảng 8.000 tỷ đồng lỗ kinh doanh điện).
Giờ làm sao có thể để EVN lỗ thêm được
nữa, khi theo lộ trình giá điện được Chính phủ chấp thuận, thì từ nay
đến năm 2015 giá điện sẽ được điều chỉnh tăng để EVN trả khoản nợ trên.
Các yếu tố để tăng giá điện xem ra đã
hội tụ đủ, chỉ còn vướng mỗi lời hứa không tăng giá điện trong tháng 4
của Bộ Công thương. Còn 10 ngày nữa.
Đấy là về giá, còn về tình trạng thiếu
điện triền miên mấy năm qua, khi tình trạng cắt điện luân phiên cứ đến
hẹn là có. Nói về tình trạng thiếu điện hiện nay trên tờ Tuổi trẻ TP.
HCM, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng có bình
luận rằng, năm nào cũng đổ cho phụ tải tăng nhanh, rồi mùa khô nhà máy
thủy điện thiếu nước... Đây là những nguyên nhân đã biết từ lâu rồi, năm
nào chả thế. Nhưng sao điện vẫn thiếu?
Tự đặt câu hỏi rồi ông Hiến tự trả
lời, đó là các nhà máy nhiệt điện chạy than đã không vào đúng tiến độ.
Hai nhà máy nhiệt điện ở Hải Phòng và Quảng Ninh đều có công suất 600MW
lẽ ra phải hoạt động từ năm 2008, nhưng đến bây giờ 7 năm xây dựng vẫn
chưa xong.
Trong khi người ta xây nhiệt điện chỉ
từ 32-36 tháng thôi. Nếu hai nhà máy này vào đúng tiến độ, chúng ta có
mỗi ngày gần 30 triệu kWh thì không thể thiếu điện. “Chúng ta đã nhìn
thấy vấn đề nhu cầu điện và triển khai nhiều dự án điện, vốn liếng đã
được phân bổ đầy đủ. Nhưng tại sao hai dự án như tôi đã nêu lại không
vào đúng tiến độ? Câu hỏi này chủ đầu tư phải trả lời và phải chịu trách
nhiệm”, TS. Hiến đánh giá.
Xin cung cấp thêm chút số liệu tới quý
vị, trên tờ Petrotimes ngày 9/4 vừa rồi trích thống kê của EVN cho hay,
trong năm 2012, tổng vốn đầu tư của EVN là trên 71.000 tỷ đồng (tăng
20,63% so với năm 2011) và bằng 7,22% tống vốn đầu tư toàn xã hội.
“Đây là kết quả vô cùng đáng khích lệ
đối với EVN, đặc biệt trong một năm vấn đề vốn để phục vụ phát triển sản
xuất, kinh doanh luôn là đề tài nóng bỏng đối với từng doanh nghiệp,
từng ngành nghề, từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh”, tờ báo này đánh
giá.
Xin thưa với quý vị là người viết đây
cũng chẳng biết chuyện gì đang xảy ra với ngành điện của chúng ta nữa.
Có lẽ đúng như TS. Hiến nói, cái này chỉ EVN mới trả lời được.
Theo Phunutoday
Copy từ: Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét