CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Himalaya : Quân đội Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ Ấn Độ


Himalaya ảnh chụp từ trạm không gian ISS.
Himalaya ảnh chụp từ trạm không gian ISS.
(Photo : NASA)

Trọng Thành
Ngày 20/04/2013 chính phủ Ấn Độ cho biết, hàng chục binh sĩ Trung Quốc đã thiết lập một căn cứ ở Himalaya, nơi có các tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia. Theo New Delhi bất đồng lãnh thổ với Trung Quốc có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Nguồn tin trên cho biết, hàng chục lính Trung Quốc trong đêm ngày 15/04/2013 đã dựng trại tại vùng Ladakh thuộc bang Jammu và Kashmir ở cực bắc Ấn Độ, nơi New Delhi tuyên bố chủ quyền.
Trả lời AFP, một giới chức cao cấp của chính quyền Ấn khẳng định : « biến cố này có thể giải quyết bằng con đường hòa bình, trên cơ sở các hiệp định song phương hiện có và nhờ những cơ chế mà các hiệp định kể trên đã trù liệu ». Cũng giới chức này nhận xét rằng các binh sĩ Trung Quốc đang có mặt tại « một khu vực, nơi có những quan niệm khác nhau về đường Kiểm soát hiện thực (Line of Actual Control – LAC) ».
Tại vùng lãnh thổ tranh chấp này, mặc dù chưa có đường phân ranh chính thức, New Delhi và Bắc Kinh đã hai lần ký kết hiệp định vào năm 1993 và 1996 để duy trì hòa bình.
Cũng theo nguồn tin kể trên, Ấn Độ và Trung Quốc đang tiến hành tham vấn về biến cố mới đây tại Ladakh, qua trung gian một ủy ban giải quyết các vấn đề biên giới, được lập ra năm 2012.
Theo hãng thông tấn Ấn Độ PTI, đơn vị gồm khoảng 50 quân nhân Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào vùng LAC đến 10 km, tại Daulat Beg Oldi, nơi có một đường băng máy bay quân sự của Ấn Độ. Tại đây họ đã bị một đơn vị biên phòng Ấn Độ-Tây Tạng chặn lại. Phía Ấn Độ đã đóng quân cách đơn vị Trung Quốc khoảng 300 mét.
Giữa Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết. Vào năm 1962, một cuộc chiến tranh biên giới đã nổ ra tại vùng đông bắc bang Arunachal Pradesh và tại Ladakh. Theo New Delhi, Trung Quốc đã dành thắng lợi trong cuộc chiến đẫm máu này và chiếm được của Ấn Độ 38.000 km² tại vùng Himalaya. Trong khi đó, Bắc Kinh đòi hỏi toàn bộ chủ quyền đối với toàn bộ bang Arunachal Pradesh, với diện tích khoảng 90.000 km².
Việc Trung Quốc gia tăng xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng biên giới tranh chấp gây lo ngại lớn cho New Delhi. Ấn Độ ngày càng coi Trung Quốc như một đe dọa đối với an ninh quốc gia về dài hạn, nhiều hơn là đối thủ Pakistan truyền thống.
Viết trên tờ Mint, nhà phân tích chính trị Ấn Độ Brahma Chellaney, một cựu chiến binh, cho rằng : « Chính quyền Ấn Độ phải có phản ứng để giảm thiểu các hành động từ phía Trung Quốc, mà không làm gia tăng sự đối đầu ». Nhà phân tích này cũng cho biết, theo các số liệu của New Delhi, số lượng các vụ xâm nhập bí mật của Trung Quốc vào khu vực lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, đã liên tục gia tăng.


Copy từ: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét