CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Petro VN phản đối siêu dự án 27 tỉ USD


TT - Trong khi UBND tỉnh Bình Định đang ráo riết trao đổi với nhà đầu tư để xúc tiến dự án nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội trị giá khoảng 27 tỉ USD thì nhiều bộ, ngành lại lo ngại về tính khả thi, còn Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) quyết liệt phản đối.
Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, nơi dự kiến đặt nhà máy lọc hóa dầu trị giá 27 tỉ USD - Ảnh: VĂN LƯU
Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội hiện đã xong báo cáo tiền khả thi, dự kiến đặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định với quy mô 660.000 thùng/ngày, tương đương 30 triệu tấn dầu thô/năm - gấp gần 5 lần Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Dự án được nhà đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) trao đổi với UBND tỉnh Bình Định trong hơn một năm qua. UBND tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch và cho phép nhà đầu tư được triển khai dự án.
Lo dư thừa
Dưới góc độ của một đơn vị đã và đang đầu tư NMLD Dung Quất và NMLD Nghi Sơn, PVN nhanh chóng có văn bản gửi Bộ Công thương thẳng thừng đề nghị bộ không nên đồng ý dự án của PTT. Theo PVN, quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 (trên cơ sở dự báo để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu của VN đến năm 2025 và các năm tiếp theo) không có dự án lọc dầu Nhơn Hội.
Dự kiến năm 2016 khởi công, năm 2019 hoàn thành
Theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Định, NMLD Nhơn Hội (nếu được thông qua sẽ là NMLD lớn nhất VN) sẽ sử dụng nhiều loại dầu thô có chất lượng khác nhau từ ba khu vực cung cấp chính với tỉ lệ 45% từ Trung Đông, 25% từ châu Phi và 30% từ Nam/Trung Mỹ. Dự kiến 50% dầu thô sẽ được mua qua hợp đồng dài hạn và 50% mua qua hợp đồng ngắn hạn.
Sản phẩm của nhà máy gồm có lọc dầu (LPG, xăng A92/95, Jet A1, DO...) và hóa dầu (PE, PP, benzen...), trong đó hóa dầu dự kiến chiếm khoảng 35% doanh thu của dự án. Tổng vốn đầu tư được đề xuất là 26,9 tỉ USD (theo mức năm 2012). Thị trường tiêu thụ được nhắm đến là nội địa VN, xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Nếu công tác chuẩn bị, tổ chức đấu thầu, phê duyệt và các thủ tục liên quan khác hoàn thành, dự án có thể khởi công xây dựng vào quý 1-2016 và hoàn tất sau ba năm rưỡi xây dựng; vận hành chính thức vào đầu năm 2019.
Dự án Nhơn Hội, theo PVN, lại rất gần các điểm như Vũng Rô, Vân Phong, Dung Quất - nơi đã được quy hoạch xây dựng NMLD. Từ thực tế triển khai các dự án lọc dầu mà PVN là chủ đầu tư và tham gia góp vốn hiện nay, PVN cho rằng để xây dựng và sản xuất kinh doanh có hiệu quả, dự án lọc dầu sẽ cần sự hỗ trợ, ưu đãi lớn từ Chính phủ về thuế, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi ngoại tệ.
Tuy nhiên, báo cáo đầu tư dự án lọc dầu Nhơn Hội lại chưa đánh giá đầy đủ một số yếu tố quan trọng, như: khả năng cung ứng nguồn dầu thô ổn định, dài hạn, các đối tác cụ thể góp vốn đầu tư, năng lực tài chính, phương án thu xếp vốn và các yêu cầu phải có từ nước chủ nhà.
Đặc biệt, dù PTT đã đưa định hướng một phần sản phẩm của NMLD Nhơn Hội sẽ xuất khẩu nhưng PVN vẫn cho biết tập đoàn này đã đầu tư Dung Quất, đang đầu tư NMLD Nghi Sơn (Thanh Hóa), tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam và đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư NMLD Long Sơn với mục tiêu đến năm 2025 sẽ vận hành ba trung tâm hóa dầu tại VN. PVN còn nêu đang phải bao tiêu sản phẩm cho Dung Quất, sắp tới là Nghi Sơn.
Nên nếu bổ sung NMLD Nhơn Hội sẽ tạo nguy cơ thừa nguồn cung với thị trường nội địa, ảnh hưởng đến khả năng bao tiêu của PVN và giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại NMLD Dung Quất, Nghi Sơn...
Từ đó, PVN đề nghị Bộ Công thương “không ủng hộ chủ trương xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu ở Khu kinh tế Nhơn Hội để tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu”.
Băn khoăn, nghi ngại
Ngày 9-4, Bộ Công thương đã chính thức có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng ý bổ sung dự án lọc dầu Nhơn Hội vào quy hoạch, nghĩa là trái với đề nghị của PVN. Tuy nhiên, bộ cũng nêu rõ do chủ đầu tư khẳng định nhà máy chỉ đặt ở VN và sản phẩm chủ yếu sẽ được xuất khẩu nên không thể ưu đãi giống như các NMLD Dung Quất, Nghi Sơn...




Copy từ: Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét