TT - Giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển
tăng đã khiến nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá. Trong khi đó, sức mua
tại các hệ thống bán lẻ vẫn còn rất chậm.
Tin bài liên quan
Mì gói, nước mắm, thực phẩm, nước ngọt, đồ gia dụng...
là những mặt hàng được điều chỉnh tăng giá tại hầu khắp các hệ thống bán
lẻ, từ chợ cho tới cửa hàng, siêu thị.
Tăng đồng loạt 5-15%
Khảo sát tại nhiều chợ ở TP.HCM như Nguyễn Văn Trỗi
(Q.3), Võ Thành Trang (Q.Tân Bình), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) cho thấy các
loại thực phẩm như nước tương Maggi đậu nành nắp đỏ đã tăng thêm
2.000 đồng lên 25.000 đồng/chai 750ml. Các loại mì gói như Hảo Hảo
cũng tăng lên gần 100.000 đồng/thùng, Modern lẩu Thái từ 110.000
đồng tăng lên 137.000 đồng/thùng...
Đại diện Cục Thống kê TP.HCM đánh giá suốt nửa cuối
tháng 3 và nửa đầu tháng 4, giá cả hàng hóa hầu như rất ít biến động.
Đáng chú ý là nhóm hàng lương thực, thực phẩm lại có xu hướng giảm, nên
nhiều khả năng sẽ kéo giá CPI tháng 4 tiếp tục đi xuống. Về vấn đề giá
cả hàng hóa tăng thời gian gần đây, vị đại diện này cho biết sẽ tác động
vào cơ cấu giá thành của tháng 5. Dự kiến khoảng vài ngày tới chỉ số
giá tiêu dùng tại TP.HCM mới được công bố.
|
Ngoài ra, cách đây vài ngày bột ngọt Ajinomoto điều
chỉnh tăng giá khoảng 260.000 đồng/thùng từ 990.000 đồng lên 1.250.000
đồng/thùng, giá bán lẻ tương đương 25.600 đồng/gói, tăng thêm 700 đồng
so với giá cũ. Một số mặt hàng khác như nước ngọt Red Bull, bánh
kẹo cũng tăng thêm 5.000-10.000 đồng/thùng. Giá tăng của các mặt hàng
trên là giá bỏ sỉ cho tiểu thương, một số tiểu thương cho biết giá bán
lẻ chắc chắn phải tăng thêm nữa.
Tại siêu thị, thông báo tăng giá đã gửi tới hầu hết các
hệ thống. Siêu thị Co.op Mart cho biết từ đầu tháng 4 đã nhận được
thông báo của các doanh nghiệp hóa phẩm và đồ gia dụng. Tỉ lệ tăng giá
được đề nghị dao động từ 4-8%. Hiện Co.op Mart chưa có kế hoạch tăng giá
các mặt hàng này. Đại diện hệ thống Vinatexmart thông tin trong tháng 3
và 4 đã nhận được đề nghị tăng giá 10-15% của một số nhà cung cấp
ngành may mặc và hóa phẩm, mức tăng 5-10% đối với thực phẩm đông
lạnh. Lý do mà các nhà cung cấp đưa ra là do suốt cả năm chưa tăng
giá, thời điểm này giá nguyên liệu đầu vào, vận chuyển tăng nên buộc
phải tăng giá. Đại diện hệ thống Vinatexmart khẳng định thị trường đang
bão hòa nên đang cân nhắc, xem xét có tăng giá bán tại siêu thị hay
không. Lotte Mart cũng nhận được yêu cầu tăng giá từ ngành hàng thực
phẩm tươi sống như thủy hải sản tăng giá 5-10%, nguyên nhân được giải
thích là do giá xăng tăng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu
thị Maximark Cộng Hòa, cho biết từ tết đến nay siêu thị nhận
được đề nghị tăng giá của vài chục nhà cung cấp với mức tăng
5-10% ở tất cả ngành hàng.
Tăng do nhiều yếu tố
Giá hàng hóa tăng thời gian qua được các doanh nghiệp
giải thích là do một phần tác động từ giá xăng tăng đợt vừa qua, bên
cạnh đó nhiều doanh nghiệp cho biết đã kiềm giữ giá suốt một thời gian
dài nên kể từ sau tết buộc phải tăng do hầu hết các loại chi phí tăng.
Đại diện Công ty nước mắm Liên Thành cho biết suốt thời
gian qua giá nguyên liệu tăng cao khoảng 200% mà vẫn không có nguyên
liệu để nhập nhưng doanh nghiệp này vẫn không có kế hoạch tăng giá. Thời
gian gần đây mới tăng 30% đối với nhà phân phối là để giảm bớt áp lực
chi phí, các mặt hàng trong chương trình bình ổn cũng đang xin phép điều
chỉnh tăng nhẹ. “Suốt từ quý 4 năm ngoái đến nay, chúng tôi vẫn cố gắng
giữ giá, không điều chỉnh tăng nhưng cơ cấu giá thành sản phẩm tăng cao
đành phải tăng giá sản phẩm” - đại diện Liên Thành nói. Vị này thừa
nhận xăng dầu tăng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp vào giá
nguyên liệu, thu mua, vận chuyển...
Trong khi đó, đại diện Công ty Ace Cook (mì Hảo Hảo)
cho hay thời điểm này không có điều chỉnh giá bất kỳ mặt hàng nào. Theo
lý giải của đơn vị này, thị trường mì gói tăng giá là do điều tiết
khuyến mãi thời gian qua. “Chúng tôi không quy định giá bán cho hệ thống
phân phối, bán lẻ nên giá tăng có thể do cửa hàng, phân phối đã điều
chỉnh giá để cân đối thu chi” - vị đại diện này khẳng định.
Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy hải sản cho
biết nguồn cung hạn hẹp đã gây áp lực rất lớn lên giá cả hàng hóa của
các doanh nghiệp sản xuất nhóm hàng này hiện nay. Do tình hình đánh bắt
gặp nhiều khó khăn hơn trước, bên cạnh đó giá xăng dầu tăng cũng tác
động vào cơ cấu giá thành của sản phẩm nên buộc các doanh nghiệp phải
điều chỉnh tăng giá.
DŨNG TUẤN
Copy từ:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét